Ngũ đăng Hội Nguyên Tiết Dẫn (Bình chú)

05/07/2019 | Lượt xem: 51

NGŨ ĐĂNG HỘI NGUYÊN TIẾT DẪN

(Bình chú)

 

Lời Đầu Sách

 

Quyển Ngũ Đăng Hội Nguyên Tiết Dẫn này là một bộ sách ghi lại những cơ duyên giáo hóa của các Thiền sư đối với môn đồ trong nhà thiền. Đây là kết tinh tôn chỉ của năm tông phái Thiền tông Trung Hoa sau thời Lục Tổ. Toàn bộ “Ngũ Đăng Hội Nguyên” rất nhiều, ở đây Ngài Trí Quang chỉ chọn lọc lại những phần trọng yếu, lược bớt các chỗ rườm rà để cho người học tiện nghiên cứu, do đó mà có tên là Ngũ Đăng Hội Nguyên Tiết Dẫn. Sách này nguyên văn viết bằng chữ Hán.

Vào mùa xuân năm 1982, nhân lúc rảnh rỗi Thầy Viện Chủ mới đem quyển sách này giảng dạy chư Tăng, Ni tại tu viện Chân Không. Qua những phương tiện hay khéo của các Thiền sư, cộng thêm lời khai thị chín chắn của Thầy, chúng tôi tự thấy có niềm vui lớn và nhờ đấy mà cởi mở được nhiều chỗ nghi ngờ từ trước. Do vậy, chúng tôi dựa theo tài liệu giảng dạy của Thầy, cùng hợp với nhau mà dịch ra và ghi chú lại những gì chúng tôi đã học được, trước để đáp lại chút công ơn pháp nhũ của người, sau đó hy vọng đem lại cho các huynh đệ chưa đủ duyên học trực tiếp với Thầy cũng được hưởng niềm vui với chúng tôi.

Thật ra, những phương tiện khai thị của các Tổ rất nhiều, có lúc cứng rắn thô bạo, có khi uyển chuyển nhẹ nhàng, song cũng không ngoài mục tiêu chính là tháo gỡ tình chấp cho người học để tự mình nhận ra mặt mày chân thật của chính mình chứ không có gì khác lạ. Kìa, một cánh hoa Thiền, một tiếng gọi A-nan, nếu chúng ta lanh lợi ngay đó liền thấy chỗ về thì những cái đánh, những tiếng hét về sau cũng chỉ là chú thích lại việc đó mà thôi.

Bởi chỗ ngộ vốn không hai mà chỗ dùng thì có khác. Người ngộ trước, người ngộ sau chỉ đồng một thể, nhưng đưa cành hoa hoặc dựng phất tử thì tùy mỗi thời tự dùng; Ca-diếp gọi A-nan, Hoàng Bá gọi Bùi Hưu, một đường thông suốt. “Châu Sáng” thì nhà ai mà chẳng có, song có kẻ giàu người nghèo là bởi dám nhận hay không dám nhận thế thôi! Nếu thẳng đó liền tự đảm đang lấy thì châu báu đầy nhà, ai dám sánh? Bằng rụt rè nghi ngại thì con ông trưởng giả không mảnh quần! Ôi! Chỉ một chút xíu kẻ nhỏ này mà chư Tổ đã không tiếc bao nhiêu thân để chỉ bày, và phải mất bao nhiêu phương tiện mà nói hoài vẫn chưa xong. Đến đỗi thường bảo là “Ngoài giáo riêng truyền, chẳng lập văn tự” mà Ngữ Lục chép đầy trang này qua trang khác!

Tuy nhiên đã là bậc đại trượng phu há tự chôn mình ở nơi “Hóa thành” mãi sao? Nên biết, thành này do các bậc Thánh hóa ra, cần phải đạp qua “Bảo sở” mới là an ổn. Xưa nay thực biết bao kẻ từng đã chết chìm trong đám “Rừng chữ nghĩa” mà vẫn tự kiêu! Chỉ nghe nói “tức sắc minh tâm, gá vật hiển lý” liền bắt chước chỉ cành hoa, cọng cỏ bảo đó là đạo, đến khi hoa cỏ tàn rụi, hỏi gạn lại đạo ở chỗ nào, tức thì ngơ ngác chẳng biết đâu mà chỉ! Đó là cái tệ của người chấp trên chữ nghĩa, ỷ lại vào trí thông minh ở đời mà quên mất “Đạo lý chân thật” vốn không nương tựa.

Phải biết, dù cho ta hiểu được cái “Người chẳng cùng muôn pháp làm bạn kia”, dù ta có thể hớp một hớp cạn nước Tây Giang ấy, song đối với tôn chỉ của Mã Tổ, ta vẫn còn chưa mộng thấy. Vì sao? Vì hiểu chưa hẳn là thấy. Thế nên người chân thật học Đạo, phải dám can đảm nhìn thấu qua các lời Phật, Tổ, phải đâm thủng những hình ảnh có thể che mờ trí tuệ, sẵn sàng vươn lên, và sống dậy trong cái chết, đó mới là Thiền sống, ngược lại là Thiền chết.

Chúng tôi thành tâm mong mỏi rằng Bộ sách này sẽ giúp các huynh đệ cùng những người hâm mộ Thiền tông một “niềm vui lớn”. Tuy nhiên, vì chỗ học hiểu của chúng tôi còn hạn hẹp, và mặc dù chúng tôi đã trình lên Thầy chúng tôi duyệt lại, nhưng chắc hẳn không sao tránh khỏi những sai sót, kính mong các bậc Sư trưởng và chư huynh đệ sau khi xem qua, xin chỉ điểm cho những chỗ thiếu sót để chúng tôi bổ túc lại hầu quyển sách giúp nhiều lợi lạc cho người học.

 


Trung thu năm 1986

Thay lời người dịch

Thích Thông Phương

 

 

 

  • 1. 001. TRUYỀN TRAO TÂM ẤN

    001. TRUYỀN TRAO TÂM ẤN

    Đức Thế Tôn trụ thế thuyết pháp bốn mươi chín năm. Rốt sau trên hội Linh Sơn, Phật bảo Ngài Ma-ha Ca-diếp:

    - Ta có pháp nhãn thanh tịnh, Niết-bàn Diệu tâm, thật tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, nay phó chúc lại cho ông. Ông nên khéo giữ gìn và làm cho hưng thịnh, sau truyền lại cho A-nan kế thừa Tổ vị (Tổ thứ hai), giáo hóa lợi ích chúng sinh, chớ để chánh pháp đoạn tuyệt.

    Ngài Ca-diếp nghe Phật nói xong, đầu mặt lễ dưới chân Phật thưa:

    - Lành thay! Lành thay! Con xin vâng lời Đức Thế Tôn dạy.

    Một hôm, A-nan hỏi Ngài Ma-ha Ca-diếp:

    - Đức Thế Tôn phó chúc chánh pháp nhãn tạng, sư huynh nhận được cái gì?

    Ngài Ca-diếp gọi:

    - A-nan!

    A-nan liền ứng thanh:

    - Dạ!

    Ngài Ca-diếp hỏi:

    - Là cái gì?

    A-nan lễ tạ!

     

    BÌNH:

    Vừa gọi liền dạ là cái gì?

    CHÚ:

    Đây là thuật truyền tâm trong nhà thiền chẳng phải ngôn ngữ có thể bàn đến. Nếu người khéo nhận, về sau mới thấy chỗ dùng của các Tổ chẳng ngoài việc này.

    1/ Ở nơi Đức Phật thì Ngài phó chúc cho Tổ Ca-diếp qua hình ảnh đưa cành hoa sen lên, Tổ liền khế hội. Đó là “pháp nhãn thanh tịnh”, từ nơi cửa con mắt mà thấu suốt.

    2/ Đến Tổ Ca-diếp, Ngài lại dùng thuật “gọi Dạ” mà ấn tâm. Qua tiếng “gọi Dạ”, Tôn giả A-nan liền nhận ra chỗ mật truyền của Đức Phật. Đó là “thật tướng vô tướng!”. Từ nơi cửa lỗ tai mà tự thông. Đây là hai “thuật truyền tâm!” mà các Tổ sau này rất thường dùng. Vì tai, mắt là hai cửa bén nhạy nhất trong sáu cửa. Phải khéo thấy ý kia, chớ theo sắc thanh mà lưu chuyển!

     

  • 2. 002. THÂN TÂM VÀ TUỔI TÁC

    002. THÂN TÂM VÀ TUỔI TÁC

    Tôn giả Thương-na-hòa-tu, người nước Ma-đột-la, du hành giáo hóa đến nước Sát-lợi gặp Ngài Ưu-ba-cúc-đa, bèn nhận làm thị giả. Nhân đó, Tôn giả hỏi Ưu-ba-cúc-đa:

    - Ông bao nhiêu tuổi?

    Đáp:

    - Con mười bảy tuổi.

    - Thân ông mười bảy tuổi hay tánh ông mười bảy tuổi?

    - Tóc Hòa thượng đã bạc, là tóc bạc hay tâm Hòa thượng bạc?

    - Tóc ta bạc, chẳng phải tâm ta bạc.

    - Thân con mười bảy tuổi, chẳng phải tánh con mười bảy tuổi.

    Tôn giả biết Ưu-ba-cúc-đa là bậc pháp khí, nên sau ba năm vì ông cạo tóc trao cho giới Cụ túc và phó chúc chánh pháp, nối ngôi Tổ vị.

     

    BÌNH:

    Tâm thể xưa nay vốn không sanh diệt đâu lường tuổi tác? Tánh tự lặng lẽ không hai nào thuộc trẻ già, đen bạc? Ngay cái sanh diệt này mà trực nhận “thể này”, là bậc pháp khí. Hằng sống với “thể này” là người xứng đáng kế thừa Tổ vị.

     

  • 3. 003. LINH KÊU HAY GIÓ KÊU?

     

    Tôn giả Tăng-già Nan-đề, người ở thành Thất-la-phiệt, du hành giáo hóa đến nước Ma-kiệt-đà, thấy một đồng tử cầm tấm gương tròn đi thẳng đến trước Ngài. Tôn giả hỏi:

    - Ngươi bao nhiêu tuổi?

    Đồng tử đáp:

    - Con một trăm tuổi.

    - Ông còn nhỏ tại sao nói trăm tuổi?

    - Con chẳng hiểu lý, chính con một trăm tuổi.

    - Căn cơ ông lanh lợi chăng?

    - Phật nói: “Nếu người sống trăm tuổi, chẳng hiểu diệu lý Phật, chẳng bằng sống một ngày, mà thông hiểu được đó”.

    - Tấm gương tròn ông cầm trong tay là tiêu biểu cho cái gì?

    - Chư Phật gương tròn lớn,

    Trong ngoài không vết che.

    Hai người đồng được thấy,

    Tâm mắt đều không khác.

    Tôn giả bèn độ cho đồng tử xuất gia và trao giới Cụ túc.

    Một hôm, nhân gió thổi trước điện Phật, tiếng linh khua, Tôn giả hỏi:

    - Linh kêu hay gió kêu?

    Đồng tử đáp:

    - Chẳng phải linh kêu chẳng phải gió kêu, mà tâm con kêu.

    - Tâm như thế nào?

    - Đều lặng lẽ.

    Tôn giả biết căn cơ Đồng tử đã thuần thục, bèn đặt tên Già-da-xá-đa và phú chúc chánh pháp, giáo hóa chúng sinh.

     

    BÌNH:

    Già-da-xá-đa là người “Sanh nhi tri chi” đã hội được cơ duyên khi còn bé nên mới nói mình trăm tuổi. Và qua bài kệ, Tổ đã nhận thấy Ngài nhận được tánh giác trong suốt không dấu vết “trong ngoài, không ngăn cách kia đây, thấy và biết không hai”. Tuy nhiên nhận được chưa phải xong việc, thế nên một hôm Tổ gạn hỏi:

    - Linh kêu hay gió kêu?

    Quả là một câu gài bẫy. Nếu chẳng phải người hằng sống với chính mình, rõ muôn pháp vốn từ tâm sanh, và không còn kẹt nơi âm thanh, sắc tướng, làm sao có thể đáp được:

    - Chẳng phải linh kêu chẳng phải gió kêu, mà tâm con kêu?

    Chỗ này giống với câu đáp của Lục Tổ “Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, tâm nhân giả động”. Song để gạn kỹ một lần nữa. Tổ hỏi vặn: “Cái gì là tâm?”. Có phải chăng, đây là chỗ vắng bặt muôn niệm, lặng lẽ thường nhiên? Thấy được đến đây tức là đã qua cửa ải sau cùng, được cùng Tổ nắm tay đồng đi.

     

  • 4. 004. NGHIỆP THIỆN ÁC GỐC DO TÂM

     

    Tôn giả Cưu-ma-la-đa, người nước Đại Nhục Chi, khi du hành giáo hóa đến Trung Thiên Trúc thì một Đại sĩ tên Xà-dạ-đa hỏi:

    - Thưa Tôn giả, nhà con cha mẹ đều sùng tín Tam Bảo, nhưng tại sao thường gặp nhiều bệnh tật, phàm toan tính làm việc gì, kết quả đều không như ý. Trái lại, có một nhà ở gần, chuyên làm nghề hàng thịt mà họ luôn luôn mạnh khỏe, mọi việc làm ăn đều gặp thời. Gia đình kia tại sao may mắn như vậy? Gia đình con lại gặp nhiều bất hạnh như vậy?

    Tôn giả bảo:

    - Điều ấy có gì đáng nghi. Bởi quả báo nghiệp thiện, ác phải căn cứ ba thời. Người đời chỉ thấy người nhân từ mà chết yểu, kẻ hung bạo lại sống lâu, người bạo ác gặp việc lành, kẻ nhân đức lại gặp việc dữ, bèn cho là không nhân quả, chẳng tội phước. Đâu chẳng biết, nhân quả như bóng theo hình, vang theo tiếng, mảy may chẳng lầm, dù trải qua trăm ngàn muôn ức kiếp cũng không mất.

    Khi nghe Tôn giả nói xong, Xà-dạ-đa liền dứt hết tâm nghi. Tôn giả nói tiếp:

    - Ông tuy đã tin ba nghiệp mà chưa rõ nghiệp từ mê lầm sanh, mê lầm do phân biệt có, phân biệt y bất giác, bất giác y tâm, tâm vốn thanh tịnh, không sanh không diệt, không tạo tác, không hơn không kém, lặng lẽ nhưng thường chiếu soi. Tất cả pháp thiện ác, hữu vi vô vi đều là pháp đối đãi, như mộng như huyễn.

    Ngay câu ấy Xà-dạ-đa lãnh hội ý chỉ, trí tuệ xưa phát hiện, liền khẩn cầu xin xuất gia. Khi thọ giới Cụ túc xong, Tổ bảo: “Thời tịch diệt của Ta nay sắp đến, ông nên rộng truyền chánh pháp mà giáo hóa chúng sinh. Đây là lời di chúc của Ta”.

     

    BÌNH:

    Người đời thường hay nông nổi, chỉ thấy những cái bất công trước mắt, không kịp xét rõ nhân do, liền vội phỉ báng lý nhân quả, không tin tội phước, nên mặc tình tạo ác. Đâu biết rằng, nhân quả thông thấu ba đời, trước sau rành rẽ, dù trải qua trăm ngàn muôn ức kiếp cũng không mảy may sai chạy, việc đã làm ra khó tránh khỏi quả báo.

    Thế nên, người rõ lý nhân quả, gặp cảnh vui, tâm không ngã mạn; gặp cảnh khổ cũng chẳng thối thất, luôn luôn thấy rõ với trí tuệ chân thật rằng: “Tất cả đều do nghiệp”. Song “Nghiệp” vốn từ “Mê” mà có, “Mê” do “Tâm phân biệt” mà thành, “Tâm phân biệt” lại do chẳng giác “tánh thật” mà khởi. Nhưng “tánh thật” của bất giác vốn thường thanh tịnh, không sanh không diệt, lìa tất cả đối đãi, đầy đủ hai nghĩa “tịch” và “chiếu”. Nếu nhận rõ được tánh này, tức thấy hết thảy các pháp thiện ác, hữu vi vô vi đều là pháp đối đãi, như mộng như huyễn không có gì đáng quan trọng. Nếu hằng sống trong này, thì ngay nơi bất giác tức thành chánh giác, thức lặng, mê hết, nghiệp thành giải thoát, đó là cứu cánh của người tu. Tóm lại, bài này có hai phần: một là nghiệp báo không mất, hai là chỉ rõ thật và hư.

     

     

  • 5. 005. BIỆN BIỆT BẢO CHÂU

    Bồ-đề Đạt-ma, người nước Nam Thiên Trúc, con thứ ba của vua Hương Chí. Nhân Tôn giả Bát-nhã-đa-la nhận hạt châu của vua Hương Chí cúng dường, muốn biết chỗ tâm đắc của ba vị vương tử, Tổ đưa hạt châu lên và hỏi:

    - Hạt châu này tròn sáng, có thứ châu nào sánh kịp chăng?

    Hai vị vương tử thứ nhất và thứ hai đều nói:

    - Châu này so với bảy báu, không báu nào sánh kịp.

    Vương tử thứ ba (tức Bồ-đề Đạt-ma) đáp:

    - Hạt châu này là của báu ở thế gian, chưa cho là tột; trong các thứ báu, chỉ có Pháp bảo là tột. Ánh sáng (của hạt châu) này là ánh sáng của thế gian, chưa là tột; trong các thứ ánh sáng, chỉ có trí sáng là tột. Sự trong sáng (của hạt châu) này là sự trong sáng của thế gian, chưa cho là tột; trong các thứ trong sáng, chỉ có tâm trong sáng là tột hơn hết. Châu này sáng chiếu, mà chẳng hay tự chiếu, cần có ánh sáng của trí tuệ. Để tỏ cái báu của nó, từ nơi ánh sáng trí tuệ này mà biện biệt. Trí tuệ đã biện biệt rồi tức biết đó là châu. Đã biết là châu, liền rõ nó là báu. Nếu rõ về cái báu của nó, thì nó báu mà chẳng tự là báu; nếu biện về cái châu của nó, thì nó châu mà chẳng tự là châu. Như vậy, nó châu mà chẳng tự biết là châu, cần có “trí châu” để biện biệt mới biết là thứ châu ở thế gian. Cũng thế, nó báu mà chẳng tự biết là báu, phải nhờ “trí báu” để soi sáng mới rõ là một vật báu. Song mà, nếu thầy có đạo, báu kia liền hiện, chúng sinh có đạo, tâm báu tự bày.

    Tổ rất khen ngợi trí tuệ biện biệt của Bồ-đề Đạt-ma, bèn phó chúc cho Ngài nối dòng Pháp giáo hóa chúng sanh.

     

    BÌNH:

    Chúng sanh xưa nay quên mình theo vật, chỉ biết cái báu ở bên ngoài mà quên mất “của báu chính mình”, nên tạo trăm phương ngàn kế để tranh đoạt lẫn nhau, gây thành một trường đau khổ, cũng vì chút của mọn. Có biết đâu, tất cả các thứ báu trên đời chẳng qua do tâm tưởng, nếu lìa tâm phân biệt, tức thảy đồng sỏi đá không khác. Chẳng hạn, một thỏi vàng đưa trước đứa bé con thì có nghĩa lý gì? Thế mới biết rõ ràng là mê! Nếu như có người nhận ra “của báu nơi mình”, thì bao nhiêu cái báu kia làm sao sánh kịp? Nên kinh Kim Cang nói: “Dù đem bảy báu đầy cả ba ngàn đại thiên thế giới để cúng dường, cũng không bằng người trì bốn câu kệ kinh Kim Cang”, là ý này vậy.

    Vì thế, ở đây để biện biệt về của báu, Tổ nói:

    - Trong các thứ báu, chỉ pháp bảo là trên hết.

    - Trong các thứ ánh sáng, chỉ ánh sáng trí tuệ là trên hết.

    - Trong các thứ trong sáng, chỉ tâm trong sáng là trên hết.

    Tóm lại, tâm thanh tịnh và trí tuệ sáng suốt là báu hơn hết trong tất cả các thứ báu, và báu này ai ai cũng đều đủ chẳng nhọc tìm cầu, chỉ cần một phen “nhớ” liền được.

     

  • 6. 006. TÁC DỤNG BẢN THỂ PHẬT TÁNH

    Đệ tử của Đại sư Bồ-đề Ma-ha Đạt-ma là Ba-la-đề và vua Dị Kiến luận đạo. Vua hỏi:

    - Thế nào là Phật?

    Ba-la-đề đáp:

    - Thấy tánh là Phật.

    - Thầy thấy tánh chăng?

    - Tôi thấy Phật tánh.

    - Tánh tại chỗ nào?

    - Tánh tại tác dụng.

    - Tác dụng thế nào mà tôi hiện giờ chẳng thấy?

    - Tác dụng hiện tiền, tự bệ hạ không thấy.

    - Nơi ta có chăng?

    - Bệ hạ nếu khởi tác dụng, đâu lại chẳng có. Nếu không khởi tác dụng, thể cũng khó thấy.

    - Nếu ngay khi khởi tác dụng có mấy chỗ xuất hiện?

    - Có tám chỗ xuất hiện.

    - Xin Ngài vì tôi nói tám chỗ ấy.

    Ba-la-đề vì vua nói kệ:

    Tại thai là thân,

    Tại đời là người,

    Tại mắt là thấy,

    Tại tai là nghe,

    Tại mũi ngửi mùi,

    Tại miệng nói bàn,

    Tại tay nắm bắt,

    Tại chân đi lại.

    Buông ra trùm khắp pháp giới,

    Thu lại chẳng đầy hạt bụi.

    Người biết nó là Phật tánh,

    Chẳng biết gọi là tinh hồn.

    Vua nghe kệ xong, tâm liền khai ngộ bèn sám hối tạ lỗi trước.

     

    BÌNH:

    Tánh giác thường bày nơi cửa sáu căn. Mọi tác dụng đâu rời tâm thể! Thế nhưng, vì sao có người chẳng thấy? Ai biết?

    - Chẳng nhọc nói nhiều.

     

  • 7. 007. CÒN CÓ CÁI ĐÓ SAO?

     

    Thiền sư Pháp Dung ở núi Ngưu Đầu, người quê tại Diên Lăng, Nhuận Châu, họ Vi. Năm mười chín tuổi, học thông kinh sử, tìm xem bộ Đại Bát-nhã hiểu thấu lý Chân Không. Một hôm, Ngài tự than: “Đạo Nho, đạo Lão và sách vở ngoài đời chẳng phải là pháp rốt ráo, chỉ có chánh quán Bát-nhã mới là thuyền bè ra khỏi thế gian”. Ngài bèn ở ẩn nơi chùa U Thê, xin thầy cạo tóc, tinh tấn tu tập thiền định. Khi tu có điềm lạ là trăm thứ chim ngậm hoa đến cúng dường.

    Khoảng giữa niên hiệu Trinh Quán đời Đường, Tứ Tổ từ xa xem khí tượng biết ở núi kia có dị nhân kỳ đặc, bèn đích thân tìm đến.

    Tổ vào núi, thấy Sư đang ngồi nghiêm trang không màng đến ai. Tổ hỏi:

    -  Ông ngồi đây làm gì?

    Sư đáp:

    -  Quán tâm.

    Tổ hỏi:

    -  Quán là người nào? Tâm là vật gì?

    Sư không đáp được, bèn đứng dậy đảnh lễ, hỏi:

    -  Đại đức vốn ở nơi nào?

    Tổ đáp:

    -  Tôi không có chỗ ở nhất định

    Sư hỏi:

    -  Lại biết Thiền sư Đạo Tín chăng?

    Tổ đáp:

    -  Đạo Tín chính là bần đạo.

    Sư bèn dẫn Tổ đi quanh am, chỉ thấy các loài cọp sói, Tổ bèn đưa hai tay lên làm thế sợ!

    Sư hỏi:

    -  Thầy còn cái đó sao?

    Tổ hỏi:

    -  Cái đó là cái gì?

    Sư không nói được, im lặng giây lâu, Tổ liền đến phiến đá, chỗ Sư ngồi tọa thiền, vẽ một chữ “Phật” to. Sư trông thấy rùng mình, Tổ hỏi:

    -  Ông còn cái đó sao?

    Sư chưa hiểu, bèn cúi đầu xin chỉ dạy chân yếu.

    Tổ bảo:

    -  Trăm ngàn pháp môn đồng về gang tấc, hà sa diệu đức thảy tại nguồn tâm.

    Sư thưa:

    -  Tâm đã đầy đủ, thế nào là tâm? Thế nào là Phật?

    Tổ bảo:

    -  Chẳng phải tâm tức chẳng hỏi Phật, đã hỏi Phật thì chẳng phải chẳng tâm.

    Sư thưa:

    -  Đã chẳng cho dùng quán hạnh, khi đối cảnh tâm sanh khởi làm sao đối trị?

    Tổ bảo:

    -  Cảnh duyên không có tốt xấu, tốt xấu bởi do tâm, tâm nếu chẳng theo danh, vọng tình từ đâu khởi? Vọng tình nếu chẳng khởi, chân tâm tự trùm khắp. Ông chỉ tùy tâm tự tại không cần phải đối trị, ấy gọi là Pháp thân thường trụ không thay đổi. Ta nhận được pháp môn “đốn giáo” nơi Đại sư Tăng Xán, nay trao lại cho ông, ông hãy khéo tự giữ gìn và tiếp nối về sau, khiến cho chánh pháp được hưng thạnh.

     

    BÌNH:

    Pháp Dung ngồi thiền đến nỗi cọp, beo quấn quýt, chim chóc cúng dường, vì sao bị một chữ “Phật” liền thối bước! Lỗi tại chỗ nào? Thế mới biết rõ tâm là Chánh, theo tướng khó thông. Trăm ngàn pháp môn, hằng sa diệu hạnh chẳng riêng đây có. Nếu rõ được tâm, mới biết xưa nay vốn tự lỗi lầm, cảnh duyên trước mắt nào có che ngại? Cho nên chỉ cần: “Tùy tâm không chỗ trụ”, tức thì “chân tánh thường hiện tiền”, chẳng nhọc khởi tâm quán tịnh, đối trị kia đây. Đó là pháp môn “đốn giáo” vậy.

  • 8. 008. TÁC DỤNG THẦM KÍN

     

    Quốc sư Huệ An ở Tung Nhạc, Kinh Châu, người Chi Giang, họ Vệ.

    Khoảng giữa niên hiệu Đại Nghiệp đời Tùy, dân phu bị bắt đi khai thông sông Tế, đói nằm la liệt. Sư đi khất thực để cứu giúp nạn đói, người được cứu giúp rất đông. Giữa niên hiệu Trinh Quán, Sư đến Hoàng Mai yết kiến Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, bèn đặng tâm yếu. Sư dừng ở Thiếu Lâm - Tung Sơn, thiền giả các nơi tấp nập kéo đến. Có vị tăng tên Thản Nhiên đến tham hỏi:

    -  Thế nào là ý Tổ Sư từ Tây sang?

    Sư đáp:

    -  Sao chẳng hỏi ý của chính mình?

    -  Thế nào là ý của chính mình?

    -  Nên xem tác dụng thầm kín.

    -  Thế nào là tác dụng thầm kín?

    Sư liền “nhắm mắt”, “mở mắt” chỉ đó.

    Ngay hành động ấy, Thản Nhiên liền biết chỗ về.  

     

    BÌNH:

    Như vậy “nhắm mắt, mở mắt” là chỗ chỉ phải chăng?

    Bậy!

    -  Chớ cho “nhắm mở” là lý tột,

    Thầm nhận bên trong có “ý” sâu.

  • 9. 009. BAO NHIÊU TUỔI?

     

    Võ Hậu mời Sư về Kinh, thủ lễ như bậc thầy, rất mực kính trọng đồng với Thiền sư Tú, Võ Hậu từng hỏi:

    -  Sư bao nhiêu tuổi?

    Sư đáp:

    -  Không nhớ.

    -  Vì sao không nhớ?

    -  Thân sinh tử này xoay vần mãi mãi, không đâu là chỗ khởi tận, ghi nhớ để làm gì? Huống nữa tâm này trôi chảy không ngừng, ở trong khoảng giữa chưa từng xen hở, thấy rõ vọng tưởng lăng xăng dường như bọt nổi rồi tan. Từ thức ban đầu đến tướng động diệt cũng như thế, đâu có năm tháng nào mà có thể ghi nhớ.

    Võ Hậu nghe xong cúi đầu tin thọ.

     

    BÌNH:

    Năm tháng chẳng qua là vòng quay của trái đất, phải thoát khỏi cái vòng quanh quẩn này, để sống trở về “cái chân thật không tuổi tác” mới là bổn phận chính của người tu. 

    Chủ yếu:

    Chớ lệ thuộc thời gian mà quên mất “con người chân thật”.

  • 10. 010. TIẾNG DIỆT, TÁNH NGHE CHẲNG DIỆT

    Thiền sư Vô Trụ, ở chùa Bảo Đường, Ích Châu. Sư chuyên ngồi lặng lẽ. Tướng quốc Đỗ Hồng Tiệm từng cùng Sư luận đạo. Một hôm, con quạ đậu trên cây trước sân kêu. Tướng công hỏi:

    -  Thầy có nghe chăng?

    Sư đáp:

    -  Nghe!

    Quạ bay đi, Tướng công lại hỏi:

    -  Thầy có nghe chăng?

    Sư cũng đáp:

    -  Nghe!

    Tướng công hỏi:

    -  Quạ bay đi, không tiếng, tại sao thầy nói nghe!

    Sư gọi đại chúng bảo:

    -  Phật ra đời khó gặp, chánh pháp khó nghe, các ông lắng nghe cho kỹ! Có tiếng không tiếng chẳng quan hệ gì đến tánh nghe. Tánh nghe xưa nay chẳng sanh, đâu từng có diệt! Khi có tiếng, thanh trần tự sanh, khi không tiếng, thanh trần tự diệt, nhưng tánh nghe này chẳng nhân nơi tiếng mà có sanh, có diệt. Ngộ tánh nghe này liền khỏi thanh trần chi phối. Phải biết, tánh nghe vốn không sanh không diệt, đến đi ...

    Tướng công cùng các quan chức và đại chúng đều cúi đầu chấp nhận.

     

    BÌNH:

    Quán Âm ngồi ngay cửa!

  • 11. 011. LẠI HỎI: THẾ NÀO CHẲNG SANH, THẾ NÀO CHẲNG DIỆT, THẾ NÀO ĐẶNG GIẢI THOÁT?

     

    Sư đáp:

    -  Thấy cảnh tâm chẳng khởi, gọi là chẳng sanh. Chẳng sanh tức chẳng diệt. Đã không sanh diệt tức không bị tiền trần (ngoại cảnh) trói buộc, ngay đó là giải thoát. Không sanh gọi Vô niệm, Vô niệm tức không diệt, Vô niệm tức không trói buộc, Vô niệm tức giải thoát. Tóm lại, biết tâm tức lìa niệm, thấy tánh tức giải thoát. Rời ngoài biết tâm thấy tánh, riêng có pháp môn chứng Vô thượng Bồ-đề, không có lý vậy.

    Tướng công hỏi:

    -  Thế nào gọi là biết tâm và thấy tánh?

    Sư đáp:

    -  Tất cả người học đạo, theo niệm trôi lăn bởi do chẳng biết chân tâm. Chân tâm niệm sanh, chẳng theo niệm cùng sanh, niệm diệt chẳng theo niệm cùng diệt, chẳng đến chẳng đi, chẳng định chẳng loạn, chẳng lấy chẳng bỏ, chẳng nổi chẳng chìm, vô vi vô tướng, bén nhạy linh thông, bình thường tự tại. Tâm thể này, rốt ráo không thể đặng không thể hiểu biết, chạm mắt đều như, thảy trọn thấy tánh.

    Tướng công và đại chúng làm lễ khen ngợi vui mừng rồi đi. Về sau, Sư ở chùa Bảo Đường mà tịch.

     

    BÌNH:

    “Biết tâm” tức niệm chẳng sanh. “Thấy tánh” tức không chỗ diệt; không sanh không diệt, ngay đó là giải thoát, đâu còn có giải thoát nào khác? Đã không có giải thoát, cái gì là trói buộc? Ngay đó tức lặng lẽ, còn tìm pháp môn nào hơn thế nữa?

    Nếu đi, đứng, nằm, ngồi, hằng thấy nghe rõ ràng như thế, tức đang “sống trong Thiền” lại còn có cái gì để luận bàn?

    -  Chớ bỏ qua chỗ này!

    Chủ yếu:

    Biết tâm, thấy tánh là chính. 

  • 12. 012. CHÂN TÁNH DUYÊN KHỞI

     

    Thiền sư Huyền Đỉnh ở chùa An Quốc, Tuyên Châu. Ban đầu, Sư đến tham vấn Thiền sư Oai. Nhằm phiên Sư làm thị giả đứng hầu thầy. Có vị tăng chuyên giảng kinh Hoa Nghiêm đến hỏi:

    -  Chân tánh duyên khởi, nghĩa ấy thế nào?

    Thiền sư Oai im lặng giây lâu, Sư liền gọi vị tăng, bảo:

    -  Chính khi Đại đức khởi niệm hỏi, ấy là chân tánh duyên khởi.

    Ngay câu ấy, ông tăng liền đại ngộ.

    Hoặc hỏi:

    -  Nam tông từ đâu dựng lập?

    Đáp:

    -  Tâm tông không Nam Bắc.

     

    BÌNH:

    1/ Tự tâm vừa dấy hỏi, chân tánh chợt vừa sanh!

    2/ “Thể” không Nam Bắc.

  • 13. 013. TẤC TƠ CHẲNG DÍNH


    Ni Huyền Cơ ở Tịnh Cư, Ôn Châu. Khoảng giữa niên hiệu Cảnh Vân đời Đường đặng độ làm ni. Sư thường tập định trong hang đá núi Đại Nhật. Một hôm, Sư chợt nghĩ: “Pháp tánh lặng lẽ vốn không đến đi, chán chỗ ồn náo, cần chỗ yên tịnh đâu phải là người đạt đạo”. Sư bèn đến tham vấn Ngài Tuyết Phong, Tuyết Phong hỏi:

    -  Từ đâu đến?

    Đáp:

    -  Từ núi Đại Nhật đến.

    -  Mặt trời lên chưa?

    -  Nếu mặt trời lên, ắt tan núi Tuyết (Tuyết Phong).

    -  Ngươi tên gì?

    -  Con tên Huyền Cơ.

    -  Một ngày dệt được bao nhiêu?

    -  Tấc tơ chẳng dính.

    Sư bèn lễ bái lui ra. Vừa đi năm, ba bước, Tuyết Phong gọi, bảo:

    -  Góc ca-sa chấm đất!

    Sư xoay đầu nhìn lại.

    Tuyết Phong nói:

    -  Rất tốt! Tấc tơ chẳng dính!

     

    BÌNH:

    Đây là nhân tên mà đặt thành bẫy.

    Hỏi: “Từ đâu đến?”.

    Đáp: “Từ Đại Nhật đến”.

    Hỏi: “Mặt trời lên chưa?” là một cái bẫy.

    Đáp: “Nếu mặt trời lên ắt tan núi Tuyết” (Tuyết Phong): là qua một cái bẫy.

    Hỏi: “Ngươi tên gì?”

    Đáp: “Huyền Cơ”.

    Hỏi: “Ngày dệt bao nhiêu?”: là một cái bẫy nữa.

    Đáp: “Tấc tơ chẳng dính”: lại qua thêm một cái bẫy.

    Cuối cùng:

    “Lễ bái xong lui ra, gọi bảo: “Góc ca-sa chấm đất”. Vừa xoay đầu nhìn lại, liền nói: “Rất tốt! Tấc tơ chẳng dính!”. Đây là chỗ sống người. Nếu không có câu sau này Tuyết Phong đã bị Huyền Cơ thâu rồi! Đã có câu sau, Tuyết Phong, Huyền Cơ mỗi tự bày. Vậy có ai thấy được chỗ bày? - Rất tốt! Tấc tơ chẳng dính!

  • 14. 014. THA TÂM THÔNG

     

    Quốc sư Huệ Trung người Nam Dương, quê ở Chư Kỵ, Việt Châu, họ Nhiễm. Từ khi thọ tâm ấn (nơi Lục Tổ), Sư về ở nơi Nam Dương, hang Đảng Tử núi Bạch Nhai, hơn bốn mươi năm chưa từng xuống núi. Đạo hạnh của Sư đồn đến đế đô. Niên hiệu Thượng Nguyên năm thứ hai, vua Đường Túc Tông sắc Trung sứ Tôn Triều Tiến mang chiếu chỉ mời Sư về kinh đô, cung kính như bậc thầy. Ban đầu Sư ở Tây Thiền viện chùa Thiên Phước. Đến vua Đại Tông lên ngôi, lại mời Sư ở Tinh xá Quang Trạch. Trải qua mười sáu năm, Sư tùy cơ thuyết pháp. Bấy giờ ở Tây Thiên Trúc có Tam Tạng Đại Nhĩ đến kinh đô, tự xưng đã đặng tha tâm thông. Vua Đường Túc Tông yêu cầu Sư thí nghiệm. Tam Tạng vừa thấy Sư liền lễ bái, đứng bên hữu.

    Sư hỏi:

    -  Ông đặng tha tâm thông chăng?

    Tam Tạng thưa:

    -  Chẳng dám!

    -  Ông hãy nói, hiện giờ Lão Tăng ở chỗ nào?

    -  Hòa thượng là Thầy của một nước, sao lại đến Tây Xuyên xem đò đua?

    Sư im lặng giây lâu, bảo tiếp:

    -  Ông hãy nói, hiện giờ Lão Tăng ở chỗ nào?

    - Hòa thượng là Thầy của một nước, sao lại đến cầu Thiên Tân xem khỉ giỡn?

    Sư im lặng giây lâu, lại hỏi:

    -  Ông hãy nói, hiện nay Lão Tăng ở chỗ nào?

    Tam Tạng mờ mịt, không biết chỗ nơi.

    Sư liền nạt:

    -  Dã hồ tinh! Tha tâm thông ở chỗ nào?

    Tam Tạng không đáp được.

     

    BÌNH:

    Tam Tạng chỉ lo đuổi theo bóng của Quốc sư, đến khi “Quốc sư hiện tiền!” lại chẳng biết!

    CHÚ:

    Nếu thấy được chỗ này, liền thấy “ông chủ” trong khi ngủ mê không mộng.

  • 15. 015. VẤN ĐÁP

     

    Có vị tăng đến hỏi Quốc sư Huệ Trung:

    -  Làm sao được tương ưng?

    Sư đáp:

    -  Chẳng nghĩ thiện ác, tự thấy Phật tánh.

    -  Thế nào là Phật?

    -  Tức tâm là Phật

    -  Tâm có phiền não chăng?

    -  Tánh phiền não tự lìa.

    -  Chẳng rơi vào đoạn diệt sao?

    -  Đoạn phiền não là Nhị thừa, phiền não chẳng sanh gọi là Đại Niết-bàn.

    -  Ngồi thiền, quán tịnh, việc ấy thế nào?

    -  Vốn chẳng nhơ sạch, đâu cần khởi tâm quán tướng tịnh.

    -  Tức tâm là Phật, có cần phải tu muôn hạnh chăng?

    -  Chư Phật đều đủ phước và trí trang nghiêm, đâu có bác không nhân quả.

     

    BÌNH:

    1/ Ngay khi phiền não khởi tức liền tỉnh giác, “tâm tỉnh giác” đâu cùng phiền não đồng sanh. Phiền não chẳng sanh, chỗ nào có diệt? Chẳng sanh chẳng diệt, ngay đó là Đại Niết-bàn, có gì phải trừ? Có gì phải đoạn? Thế nên thấy có phiền não để trừ, có Niết-bàn để chứng là thuộc “cái thấy hai bên” chưa khỏi Nhị thừa ràng buộc.

    2/ Nếu ngồi quán tịnh v,v.. tịnh là cái bị quán. Nếu thấy có cái bị quán, tức có cái hay quán. Đã có hai cái đối nhau, chưa phải “tự tánh tịnh”. Bằng rõ: “xưa nay không một vật”, thì chỗ nào có dơ sạch, động loạn để mà quán? Đi, đứng, nằm, ngồi hằng sống trong ấy, tức đã là Thiền!

    3/ Tuy nhiên, ngộ tâm chưa đủ, “trong lý chân thật tuy chẳng nhận một mảy trần, nhưng trong cửa muôn hạnh chẳng từ bỏ một pháp!”. Nếu phước trí còn chênh, thì Phật quả khó tròn, chớ vội bác không nhân quả mà vô sự ngồi yên, xem thường muôn hạnh!

  • 16. 016. SANH, GIÀ, BỆNH, CHẾT

     

    Đại sĩ Thiện Huệ, người huyện Nghĩa Ô, Vụ Châu, họ Phó. Xuất gia đi hoằng hóa (du hành giáo hóa) có rất nhiều dấu tích lạ thường. Vua Lương Võ Đế rất kính mộ Ngài. Rốt sau lúc gần thị tịch, Ngài có để kệ dạy:

            Hữu vật tiên thiên địa,

            Vô hình bổn tịch liêu.

            Năng vi vạn tượng chủ,

            Bất trục tứ thời điêu.

    Dịch:

            Có vật trước trời đất,

            Không hình vốn lặng yên.

            Hay làm chủ muôn tượng,

            Chẳng theo bốn mùa tàn.

     

    SANH

            Thức thác phù bào khởi

            Sanh tùng ái dục lai.

            Tích thời tằng trường đại

            Kim nhựt hậu anh hài.

            Tinh nhãn tùy nhân chuyển

            Châu thần hướng nhũ khai.

            Vi lân mê giác tánh,

            Hoàn khước thọ luân hồi.

    Dịch:

            Thức gá bèo bọt khởi

            Sanh từ ái dục ra.

            Khi xưa từng người lớn

            Nay là trẻ mới sanh.

            Mắt sáng theo người chuyển

            Môi thắm chờ sữa ra.

            Thương vì quên tánh giác,

            Trở lại chịu luân hồi.

     

    LÃO

            Giám cảnh dung nhan cải

            Đăng giai khí lực suy.

            Đốt tai kim dĩ lão

            Xu bái phục toàn khuy.

            Thân tợ lâm nhai thọ

            Tâm như niệm thủy quy.

            Thượng du đam hữu lậu

            Bất khẳng học vô vi.

    Dịch:

            Soi kiếng dung nhan đổi

            Lên thềm khí lực suy.

            Than ôi! Nay đã lão

            Sức khỏe đã kém đi.

            Thân tợ cây vực thẳm

            Tâm như nhớ nước rùa.

            Còn đắm mê hữu lậu

            Chẳng chịu học vô vi.

     

    BỆNH

            Hốt nhiễm trầm kha bệnh

            Nhân thành ngọa bệnh thân.

            Thê nhi sầu bất ngữ

            Bằng hữu yểm tương thân.

            Sở thống trừu thiên mạch

            Thân ngâm triệt tứ lân.

            Bất tri tiền lộ hiểm

            Do thượng tứ tham sân.

    Dịch:

            Chợt mắc bệnh trầm trọng

            Thân nằm liệt trên giường (bệnh).

            Vợ con buồn chẳng hỏi

            Bè bạn chán không thân.

            Đau đớn trăm ngàn mạch

            Rên xiết động xa gần.

            Chẳng biết đường hiểm trước

            Theo tình ý tham sân.

     

    TỬ

            Tinh phách tùy sanh lộ

            Du hồn nhập tử quan.

            Chỉ văn thiên vạn khứ

            Bất kiến nhất nhân hoàn.

            Bảo mã không tê lập

            Đình hoa vĩnh tuyệt phan.

            Tảo cầu vô thượng đạo

            Ưng miễn tứ phương san.

    Dịch: 

            Tinh phách theo sanh lối

            Hồn dạo cửa tử thần.

            Chỉ nghe muôn vạn cách

            Chẳng thấy một người về.

            Ngựa báu trơ đứng hí

            Vườn hoa bặt săm soi.

            Sớm cầu đạo Vô thượng

            Mới khỏi núi bốn bề.

    Đại sĩ xem thấy bóng mình rọi dưới nước, bèn gọi vị Phạm tăng nói: “Nơi bể lò rèn còn nhiều sắt vụn, trước cửa thầy thuốc còn lắm bệnh nhân, độ sanh là sở nguyện của tôi vậy”.

     

    BÌNH:

    Mỗi người chúng ta ai ai cũng sẵn có một vật “vốn tự ngàn xưa vắng lặng không hình” chỉ vì một niệm chợt quên, đành chịu vĩnh kiếp trầm luân trong đường sinh tử, trải qua bốn đoạn sanh, già, bệnh, chết xiết bao đau khổ! Vậy có ai biết được đó là vật gì chăng?

    “Nam Nhạc - Hoài Nhượng mất tám năm!”.

    Nếu biết ngang đây một phen thức tỉnh trở về, mới hay xưa nay vốn chẳng sanh diệt. Ngoái nhìn trở lại, từ trước bao cuộc tử sanh, dường như giấc mộng!

    Tuy nhiên chớ lấy tự vui mà cho là đủ, trong khi bên cạnh còn bao nhiêu kẻ đau khổ. Phải sẵn sàng gõ tỉnh người còn trong mộng! Chẳng thấy Đại sĩ kia, khi gần sắp tịch vẫn còn chỉ bóng mình dưới nước, mà nhắc khéo chúng ta: “Thân này tuy hiện có đến đi, chẳng qua chỉ là cái bóng dưới nước. Sự còn mất của nó có gì là quan trọng?”. Vậy nên Ngài ra đi, mà nguyện Ngài vẫn còn. Nếu chúng sanh có duyên ắt liền thấy Ngài vốn không mất!

     

  • 17. 017. NÓI GIỐNG MỘT VẬT TỨC CHẲNG TRÚNG

     

    Thiền sư Nam Nhạc - Hoài Nhượng, người Kim Châu, họ Đỗ. Khoảng niên hiệu Nghi Phụng đời Đường, Sư từ giã cha mẹ xin xuất gia, nương theo Luật sư Hoằng Cảnh chùa Ngọc Tuyền ở Kinh Châu. Đến niên hiệu Thông Thiên năm thứ hai, Sư thọ giới. Sau đến Tung Sơn được Thiền sư Huệ An khải phát bèn thẳng đến Tào Khê tham vấn Lục Tổ.

    Tổ hỏi:

    -  Từ đâu đến?

    Sư thưa:

    -  Từ Tung Sơn đến.

    Tổ hỏi:

    -  Vật gì thế ấy đến?

    Sư không đáp được. Trải qua tám năm bỗng nhiên Sư có tỉnh, bèn đến lễ Tổ thưa:

    -  Con có chỗ hội.

    Tổ hỏi:

    -  Hội thế nào?

    Sư thưa:

    -  Nói giống một vật tức chẳng trúng.

    Tổ hỏi:

    -  Có tu chứng chăng?

    Sư thưa:

    -  Tu chứng chẳng phải không, nhiễm ô tức chẳng thể được.

    Tổ bảo:

    -  Chỉ “cái chẳng nhiễm ô” này, là chỗ hộ niệm của chư Phật, ông đã như thế, ta cũng như thế. 

     

    BÌNH:

    Ai biết được thế nào là cái chẳng nhiễm ô?

    -  Tám năm theo sát tìm không thấy,

    Một niệm tỉnh ra “chẳng giống gì!”.

    -  Hãy khéo giữ gìn!

  • 18. 018. NHƯ TRÂU KÉO XE

     

    Sư gần gũi hầu hạ Lục Tổ ngót mười lăm năm. Đến niên hiệu Tiên Thiên năm thứ hai, Sư đến Hoành Nhạc ở chùa Bát Nhã. Giữa niên hiệu Khai Nguyên có vị Sa-môn tên Đạo Nhất ở núi Hoành Nhạc thường tập tọa thiền, Sư biết là pháp khí, bèn đến hỏi:

    -  Đại đức tọa thiền mong cầu việc gì?

    Đạo Nhất thưa:

    -  Mong cầu làm Phật.

    Sư bèn lấy viên gạch đến tảng đá trước am mài.

    Đạo Nhất hỏi:

    -  Mài gạch để làm gì?

    Sư đáp:

    -  Mài để làm gương.

    -  Mài gạch đâu thể thành gương?

    -  Nếu mài gạch không thể thành gương thì tọa thiền đâu thể thành Phật?

    -  Thế nào là phải?

    -  Như trâu kéo xe, nếu xe chẳng đi, đánh xe là phải hay đánh trâu là phải?

    Đạo Nhất không đáp được

    Sư nói tiếp:

    -  Ông học ngồi thiền hay học ngồi Phật? Nếu học ngồi thiền, thiền chẳng phải ngồi nằm. Nếu học ngồi Phật, Phật không tướng cố định, không trụ các pháp, cũng chẳng lấy bỏ. Nếu chấp tướng ngồi, chẳng đạt lý kia.

    Đạo Nhất nghe lời Sư dạy như uống đề-hồ.

     

    BÌNH:

    Như vậy đánh trâu là phải hay đánh xe là phải? Ai là người giỏi miệng lưỡi, hãy nói xem?

    -  Trâu xe đều chẳng phải.

      Phải là ở nơi ông!

    Chính khi ấy thế nào?

    -  Bịt tai liền đi!

  • 19. 019. TÂM ĐỊA PHÁP NHÃN


    Đạo Nhất lại lễ bái thưa:

    -  Dụng tâm thế nào hợp với Vô tướng tam-muội?

    Sư đáp:

    -  Ông học pháp môn tâm địa như gieo hạt giống, ta nói pháp yếu như mưa móc, duyên ông nếu hợp, ắt liền thấy đạo.

    Lại hỏi:

    -  Đạo chẳng phải sắc tướng, làm sao có thể thấy?

    Sư đáp:

    -  Con mắt tâm pháp (tâm địa pháp nhãn) có thể thấy đạo, Vô tướng tam-muội cũng lại như vậy.

    -  Có thành hoại chăng?

    -  Nếu lấy việc thành hoại tụ tán mà cho là thấy đạo, thì chẳng phải thấy đạo. Hãy nghe ta nói kệ:

            Tâm địa hàm chư chủng

            Ngộ trạch tất giai manh.

            Tam-muội hoa Vô tướng

            Hà hoại phục hà thành?

    Tạm dịch:

            Tâm địa gồm các giống

            Gặp mưa ắt nảy mầm.

            Hoa tam-muội Vô tướng

            Nào hoại lại nào thành?

    Sư lại nói:

            Nhất thiết pháp giai tùng tâm sanh.

            Tâm vô sở sanh, pháp vô sở trụ.

            Nhược đạt tâm địa, sở tác vô ngại.

            Phi ngộ thượng căn, nghi thận từ tai!

    Tạm dịch:

            Tất cả pháp đều từ tâm sanh.

            Tâm không chỗ sanh, pháp không chỗ trụ.

            Nếu đạt tâm địa, chỗ làm không ngại.

             Chẳng gặp thượng căn, dè dặt chớ nói! 

    Đạo Nhất được Sư khai ngộ, tâm ý rỗng rang, ở lại hầu Sư mười năm, ngày càng thấm sâu lý đạo.

     

    BÌNH:

    Tâm là cội nguồn của tất cả các pháp. Đạo phải là nơi trí tuệ mà được bày. Nếu rõ được tâm, liền thấy được đạo. Chính con mắt trí tuệ mới hay làm được việc đó, không phải mắt thường mà có thể thấy. Nếu đã thấy rồi, mới biết xưa nay vốn không thành hoại, tụ tán, chính đó là chánh định Vô tướng. Nếu chẳng phải người căn cơ thích hợp, khó mà tin nhận. Chớ có xem thường!

    Chủ yếu:

    Thấy được “không tướng”, trí tuệ tự bày.

    CHÚ:

    Hoa tam-muội Vô tướng chẳng nở cũng chẳng tàn.

  • 20. 020. ÁNH SÁNG ĐI VỀ ĐÂU?

     

    Tăng hỏi:

    -  Như gương đúc thành tượng, sau khi tượng thành, chẳng biết ánh sáng đi về đâu?

    Sư đáp:

    -  Như ông hiện giờ, tướng mạo lúc còn bé ở đâu?

    -  Chỉ như sau khi tượng thành, vì sao chẳng chiếu soi?

    -  Tuy nhiên chẳng chiếu soi, mà dối y một điểm cũng chẳng được.

     

    BÌNH:

    Ý hỏi: “Sau khi vọng tưởng lặng hết rồi, cái biết đi về đâu?”. Đa số thường lầm chỗ này. Cứ tưởng sau khi sạch hết vọng tưởng rồi, chỉ một bề lặng lẽ không còn biết phân biệt gì nữa. Nhưng nếu không còn biết gì, ai hiện hữu khi ấy? Như hiện giờ tướng mạo khi còn bé tuy không thấy, nhưng đi, đứng, nằm, ngồi có phải là ai khác đâu? Bởi giai đoạn đầu khi còn vọng tưởng, cần có trí để chiếu soi. Đến lúc vọng tưởng sạch hết, thì toàn “thể” tức “biết” đâu nhờ soi chiếu? Tuy không chiếu soi mà “thể hằng biết”, nên không một điểm nhỏ có thể lầm! Tóm lại:

    Tánh biết vốn không mất!

     

  • 21. 021. PHẬT NÓI TÂM LÀ TÔNG

     

    Thiền sư Đạo Nhất ở Giang Tây, người huyện Thập Phương, Hán Châu. Sư họ Mã, xuất gia ở chùa La Hán tại quê nhà. Sau khi thọ giới, Sư đến tham vấn Ngài Nam Nhạc - Hoài Nhượng được mật truyền tâm ấn. Một hôm, Sư gọi chúng bảo:

    -  Tất cả các ngươi, mỗi người phải tin tâm mình là Phật. Tâm này là tâm Phật. Đại sư Đạt-ma đến đây truyền pháp nhất tâm, khiến cho các ông khai ngộ. Lại dẫn kinh Lăng Già ấn tâm, sợ e các ông điên đảo chẳng tự tin “pháp nhất tâm” này, mỗi người đều sẵn có, nên dẫn văn kinh Lăng Già: “Phật nói tâm là tông, lấy cửa không làm cửa Pháp”.

    Xét về ba cõi chỉ có tâm, sum la vạn tượng là chỗ bày của một pháp. Phàm thấy sắc đều là thấy tâm. Tâm chẳng tự tâm, nhân sắc nên có. Ông chỉ tùy thời nói năng, ngay nơi sự, tức là lý, đều không chướng ngại. Bồ-đề đạo quả cũng lại như vậy. Bởi từ tâm sanh nên gọi là sắc, biết sắc không, nên sanh tức chẳng sanh. Nếu rõ được ý này mới có thể tùy thời mặc áo ăn cơm, nuôi lớn Thánh thai, tùy duyên qua ngày, lại đâu có việc khác!

     

    BÌNH:

    Đất tâm nếu không, mặt trời trí tuệ tự chiếu, không riêng có một pháp có thể được!

    Chủ yếu:

    Ngộ tâm là chính, thấy pháp tức không. 

    CHÚ:

    Tâm này tức “Chân Tâm” vậy.

  • 22. 022. THỂ HỘI ĐẠI ĐẠO

     

    Có vị tăng hỏi:

    -  Hòa thượng vì sao nói tức tâm tức Phật?

    Sư đáp:

    -  Vì dỗ con nít khóc.

    -  Khi nín rồi phải làm sao?

    -  Phi tâm phi Phật.

    -  Trừ hai việc trên, có người đến hỏi chỉ dạy thế nào?

    -  Nói với y chẳng phải vật.

    -  Chợt gặp người trong kia đến thì sao?

    -  Liền dạy y thể hội đại đạo.

     

    BÌNH:

    1/ Chận đứng cái tâm chạy theo Phật bên ngoài.

    2/ Còn tâm còn Phật chưa phải cứu kính.

    3/ Bặt hết dấu vết.

    4/ Thầm nhận.

    Rốt ráo quên lời!

  • 23. 023. RIÊNG SIÊU NGOÀI VẬT

     

    Một đêm Tây Đường, Bá Trượng, Nam Tuyền đang hầu Sư (Mã Tổ) ngắm trăng, Sư hỏi:

    -  Chính khi ấy thế nào?

    Tây Đường thưa:

    -  Chính nên cúng dường.

    Bá Trượng thưa:

    -  Chính nên tu hành.

    Nam Tuyền phủi áo ra đi.

    Sư bảo:

    -  Kinh vào Tạng, Thiền về Hải, chỉ có Phổ Nguyện “riêng siêu ngoài vật”.

     

    BÌNH:

    Chính khi “Trăng vàng rực rỡ” đó, nên làm gì?

    Tây Đường, Bá Trượng đưa hơi.

    Nam Tuyền - Phổ Nguyện quên lời ra đi.

    CHÚ:

    -  Cúng dường: cung kính noi theo dấu người xưa, nên nói “Kinh vào Tạng”.

    -  Tu hành: sống ngay nơi mình, nên nói “Thiền về Hải”.

  • 24. 024. CHỈ THÚ PHẬT PHÁP

     

    Bá Trượng hỏi:

    -  Thế nào là chỉ thú Phật pháp?

    Sư đáp:

    -  Chính là chỗ ông bỏ thân mạng.

    Sư hỏi Bá Trượng:

    -  Ông lấy pháp gì dạy người?

    Bá Trượng dựng phất tử!

    Sư bảo:

    -  Chỉ cái ấy hay còn cái gì khác?

    Bá Trượng ném cây phất tử xuống.

     

    BÌNH:

    1/ Ai biết được chỉ thú Phật pháp?

    - Không chỗ nương tựa.

    2/ Tùy thời lập, bỏ, chỉ là tạm vì người, cứu cánh vốn không có một pháp thật để được.

    Chủ yếu:

    Không một pháp cho người!

  • 25. 025. ĐƯỜNG THẠCH ĐẦU TRƠN

     

    Đặng Ẩn Phong từ giã Sư (Mã Tổ), Sư hỏi:

    -  Đi về đâu?

    Ẩn Phong thưa:

    -  Về Thạch Đầu.

    -  Đường Thạch Đầu trơn.

    -  Có gậy trúc tùy thân, gặp trường thì đùa.

    Ẩn Phong liền đi. Vừa đến Thạch Đầu liền nhiễu giường thiền một vòng, chống tích trượng một cái hỏi:

    -  Đây là tông chỉ gì?

    Thạch Đầu đáp:

    -  Trời xanh! Trời xanh!

    Ẩn Phong không đáp được, liền trở về thuật lại cho Sư nghe. Sư bảo: “Ông đi hỏi lại, đợi Thạch Đầu đáp, ông liền: “Hư! Hư!” hai tiếng”.

    Ẩn Phong lại đi thưa hỏi như trước. Thạch Đầu bèn: “Hư! Hư!” hai tiếng. Đặng Ẩn Phong cũng không nói được, liền trở về thuật lại sự việc với Sư.

    Sư bảo :

    -  Ta đã nói với ông “Đường Thạch Đầu trơn!”.

     

    BÌNH:

    Ẩn Phong hai lượt té lăn nhào,

    Trở lại Giang Tây vẫn còn đau!

    Gậy trúc tùy thân đâu chẳng dụng?

    Thôi thì ném quách - lễ đi mau!

    Nào có ai vượt khỏi đường Thạch Đầu chăng?

    Kìa hãy nhìn lại dưới gót chân!

    Té! Té! 

  • 26. 026. PHƯỚC LỘC

    Liêm sử ở Hồng Châu hỏi:

    -  Ăn thịt uống rượu là phải, hay chẳng ăn thịt uống rượu là phải?

    Sư (Mã Tổ) đáp:

    -  Nếu ăn thịt uống rượu là Lộc bậc trung thừa. Chẳng ăn thịt uống rượu là Phước bậc trung thừa.

    BÌNH:

    Có “Lộc” cần nhớ “Phước”. Quên “Phước” “Lộc” sao còn?

  • 27. 027. NƯỚC VÀ THUYỀN

     

    Bàng Cư sĩ hỏi:

    -  “Như nước không gân xương, hay chở chiếc thuyền muôn hộc”, lý ấy thế nào?

    Sư đáp:

    -  Trong ấy không nước cũng không thuyền, nói gì gân xương.

     

    BÌNH:

    -  Cái gì là trong ấy?

    -  Xưa nay không một vật, phàm thánh từ đây hiện!

     

  • 28. 028. LÀ CÁI GÌ?

     

    Thiền sư Hoài Hải ở núi Bá Trượng, Hồng Châu. Sư họ Vương quê ở Trường Lạc, Phước Châu, xuất gia từ thuở bé, thông suốt tam học (Giới, Định, Tuệ). Nhân gặp lúc Mã Tổ giáo hóa ở Giang Tây, Sư dốc chí nương tựa. Sư cùng với Tây Đường - Trí Tạng, Nam Tuyền - Phổ Nguyện là hàng đệ tử nhập thất của Mã Tổ. Đương thời ba vị Đại sĩ, mỗi người giáo hóa một phương.

    Một hôm Sư đi theo hầu Mã Tổ dạo chơi, chợt thấy một bầy le le bay qua, Tổ hỏi:

    -  Là cái gì?

    Sư thưa:

    -  Bầy le le.

    -  Bay đi đâu?

    -  Bay qua mất rồi!

    Tổ bèn nắm chót mũi Sư vặn một cái đau điếng, Sư la thất thanh! Tổ hỏi:

    -  Sao không nói bay qua mất đi?

    Liền đó Sư tỉnh ngộ trở về liêu thị giả, thống thiết khóc to. Thị giả cùng ban (đồng sự) hỏi:

    -  Huynh nhớ cha mẹ chăng?

    Sư đáp:

    -  Không.

    -  Bị người mắng chăng?

    -  Không.

    -  Tại sao khóc?

    -  Lỗ mũi tôi bị Đại sư vặn đau điếng không thể tả!

    -  Có nhân duyên gì huynh chẳng khế hội?

    -  Sư huynh hãy đi hỏi Hòa thượng!

    Thị giả đến hỏi Đại sư:

    -  Thị giả Hải có nhân duyên gì chẳng khế hội về liêu khóc, xin Hòa thượng vì con nói?

    Tổ nói:

    -  Y đã hội, ông tự hỏi lấy y.

    Thị giả trở về liêu hỏi:

    -  Hòa thượng nói huynh đã hội, dạy tôi tự hỏi huynh.

    Sư liền cười to hả hả!

    Thị giả hỏi:

    -  Vừa mới khóc, sao giờ lại cười?

    Sư đáp:

    -  Vừa rồi khóc, bây giờ cười.

    Thị giả mờ mịt, không hiểu.

     

    BÌNH:

    Lỗ mũi vẫn còn đây!

    CHÚ:

    Nếu người lanh mắt ngay khi thấy bầy le le hỏi: “là cái gì?” liền tự thấy, nào có mất!

    Vả lại, đâu phải nhọc nhằn tới lui hỏi “khóc cười”, khóc cười há có ai khác?

  • 29. 029. CUỐN CHIẾU

     

    Mã Tổ thăng tòa, chúng vừa nhóm họp, Sư ra cuốn chiếu, Mã Tổ liền xuống tòa, Sư theo Tổ đến phương trượng. Tổ hỏi:

    -  Vừa rồi ta chưa từng nói câu nào, tại sao ông lại cuốn chiếu?

    -  Hôm qua bị Hòa thượng vặn chót mũi con đau điếng.

    -  Hôm qua ông nhằm chỗ nào để tâm?

    -  Chót mũi con hôm nay lại chẳng đau.

    -  Ông đã biết rõ việc hôm qua.

    Sư lễ bái rồi lui.

     

    BÌNH:

    Mới hay Bá Trượng vốn tự đầy đủ “việc này”, nếu không, dù cho Tổ có vặn sứt lỗ mũi đi, cũng chẳng ích gì.

    CHÚ:

    Một hình thức cầu ấn chứng khéo!

    Giờ hỏi lại, Bá Trượng cuốn chiếu là ý gì?

    Rồng vừa nhe vuốt, biển đầy tràn!

  • 30. 030. TỨC ĐÂY DÙNG, LÌA ĐÂY DÙNG?

     

    Lần khác, Sư tái tham vấn. Đến phiên Sư đứng hầu Mã Tổ, Tổ đưa mắt nhìn cây phất tử dưới góc giường thiền. Sư hỏi:

    -  Tức đây dùng, lìa đây dùng?

    Tổ bảo:

    -  Ông về sau mở miệng, sẽ lấy cái gì vì người?

    Sư lấy cây phất tử dựng đứng!

    Tổ bảo:

    -  Tức đây dùng, lìa đây dùng?

    Sư đem phất tử để lại chỗ cũ.

     

    BÌNH:

    Người đạt đạo thì:

    -  Hoặc “lập” hoặc “phá” tùy thời ứng dụng, không có một pháp cố định. Vậy rốt ráo thế nào hiểu được?

    -  Phất tay liền đi!

     

  • 31. 031. THƯỢNG ĐƯỜNG

     

    -  Linh quang riêng chiếu, thoát khỏi căn trần, thể bày chân thường, chẳng kẹt văn tự, tâm tánh không nhiễm, vốn tự tròn đầy, chỉ lìa vọng duyên, tức như như Phật.

    Hỏi:

    -  Thế nào là Phật?

    Sư đáp:

    -  Ông là ai?

    - Là con.

    -  Ông có biết chăng?

    -  Con biết rõ ràng.

    Sư đưa phất tử lên, hỏi:

    -  Ông thấy chăng?

    -  Thấy.

    Sư im lặng.

    Hỏi:

    -  Y kinh giải nghĩa oan cho chư Phật ba đời, lìa kinh một chữ tức đồng ma nói, khi ấy thế nào?

    Sư đáp:

    -  Cố giữ động tịnh là oan cho chư Phật ba đời, ngoài cái này (động tịnh) riêng cầu, tức đồng ma nói.

    Hỏi:

    -  Đối tất cả cảnh làm sao tâm được như cây đá?

    Sư đáp:

    -  Tất cả các pháp vốn chẳng tự nói không, chẳng tự nói sắc, cũng chẳng nói phải trái, nhơ sạch, cũng không tâm trói buộc người, chỉ vì người hư vọng chấp trước, tạo các thứ hiểu biết, khởi các thứ tri kiến, sanh các thứ yêu sợ v,v.. Nếu rõ các pháp chẳng tự sanh, đều từ một niệm của chính mình vọng tưởng điên đảo chấp tướng mà có, tâm và cảnh vốn chẳng đến nhau, ngay đó là giải thoát, mỗi mỗi pháp ngay đó tức lặng lẽ, ngay đó là đạo tràng.

     

    BÌNH:

    1/ Tánh giác xưa nay vốn tự tròn sáng chẳng bị căn trần che ngại, chỉ người khéo lìa các duyên hư vọng, tức thì ngay chỗ thấy, nghe hàng ngày liền thành Chánh giác chẳng phải ngôn từ có thể bàn đến.

    2/ Tâm nếu chẳng đổi, cảnh vẫn thường như. Tâm cảnh không đến nhau, ngay đó là giải thoát.

  • 32. 032. MẮT TÂM CHƯA MỞ

     

    Một hôm, Sư dạy chúng:

    -  Nay đã thọ giới rồi, chớ nói được ít phần giới, thân, miệng, ý thanh tịnh liền cho là đã xong việc. Đâu biết, hà sa cửa giới, định, huệ, vô lậu giải thoát, đều chưa mảy may dính dáng! Phải nỗ lực hướng tới, mạnh mẽ xét lấy, chớ đợi tai điếc, mắt mờ, mặt nhăn tóc bạc, già khổ đến thân, buồn thương dằng dặc, lệ ứa tràn mi, tâm thần sảng sốt, không chỗ nương tựa, chẳng biết về đâu? Đến khi ấy, muốn sửa lại tay chân cũng chẳng được. Dẫu có phước trí, tiếng khen lợi dưỡng đều không thể cứu! Bởi mắt tâm chưa mở, chỉ lo nghĩ nhớ các cảnh trước mắt, chẳng biết xoay lại chính mình, cũng chẳng thấy Phật đạo. Bao nhiêu nghiệp thiện ác đã gây trong đời thảy hiện ra trước, hoặc mừng, hoặc sợ, năm uẩn sáu đường, một lúc hiện trước mắt, trọn bày lộng lẫy nào nhà cửa, xe cộ, ghe thuyền, sáng chói rực rỡ v,v.. đều từ tâm tham ái mà hiện. Tất cả cảnh ác đều biến thành cảnh thù thắng, tùy chỗ tham ái nặng mà nghiệp thức dẫn đi, theo chỗ ái nhiễm thọ sanh, trọn không có chút phần tự do tự tại.

     

    BÌNH:

    Chủ yếu: 

    Hãy mở sáng mắt tâm! Chớ để các cảnh trước mắt lừa gạt! Nếu tình còn luyến ái thân nặng và tham đắm các cảnh giới, ắt ngày cuối cùng khó thoát khỏi bị nghiệp dẫn đi, đâm bậy vào lùm, vào bụi cũng không đường tự chủ! Mọi công phu bên ngoài há có thể tự cứu được sao?

    Phải cố gắng! Phải cố gắng!

  • 33. 033. ĐỌC KINH XEM GIÁO LÝ

    -  Đọc kinh xem giáo lý đều phải uyển chuyển xoay lại chính mình. Tất cả ngôn ngữ, giáo lý chỉ là tấm gương soi lại tánh giác chính mình hiện nay. Chỉ không bị tất cả cảnh có, không làm lay chuyển, ấy là bậc Đạo sư của ông. Hay chiếu phá tất cả cảnh “có- không” đó là Huệ kim cang, tức có phần tự do độc lập. Nếu chẳng nhận được như vậy, dù tụng làu mười hai bộ kinh điển, cũng chỉ thành tri giải. Tri giải thuộc bệnh, vẫn bị các pháp có không trói buộc, chẳng được tự do. Bởi do lý chưa vững, trước đã có phước trí, nên bị phước trí chở đi.

  • 34. 034. MỘT NGÀY KHÔNG LÀM, MỘT NGÀY KHÔNG ĂN

     

    Khi còn bé, Sư theo mẹ vào chùa lễ Phật, bèn chỉ tượng Phật hỏi mẹ: “Đây là vật gì?”. Mẹ đáp: “Là Phật”. Sư nói : “Hình dung giống người không khác, sau này con sẽ làm Phật”.

    Phàm làm công việc nặng nhọc, Sư đều dẫn đầu trong chúng. Tri sự không chịu được lén dấu các dụng cụ và mời Sư nghỉ. Sư nói: “Tôi không có đức hạnh, đâu dám làm nhọc đến người”. Tìm khắp nơi không được dụng cụ, ngày ấy Sư cũng không ăn. Vì thế có câu “Một ngày không làm, một ngày không ăn”, lưu truyền khắp nơi. 

     

    BÌNH:

    Có một số người cố chấp, tu thiền là ngồi không vô sự chẳng làm gì cả. Năm này tháng nọ, móng tay không động. Đâu biết “Đức” mình chưa có, “Đạo” cũng chưa thành, nếu cứ lo nhàn rỗi cái thân, lâu ngày trở thành biếng nhác, sanh tệ không hay! Tổ biết tâm lý đó, nên đã tự nêu gương siêng năng và kiệm đức. Chỉ một câu “Một ngày không làm, một ngày không ăn”, còn nói lên tinh thần tự lực của Thiền tông, phải tự mình giải quyết ngay nơi mình, không chờ đợi nương tựa vào một cái gì bên ngoài. Đó mới là ý nghĩa “Giải thoát chân chính”. Mỗi người phải tự cố gắng! Chớ để nhàn rỗi qua ngày!

     

  • 35. 035. QUỶ THẦN TRỘM THẤY

     

    Thiền sư Phổ Nguyện ở núi Nam Tuyền, Trì Châu, Sư họ Vương quê ở Tân Trịnh, Trịnh Châu. Niên hiệu Chí Đức năm thứ hai đời Đường, Sư theo Thiền sư Đại Huệ ở núi Đại Ngung xuất gia học đạo, đến Tung Nhạc thọ giới Cụ túc. Ban đầu Sư học Tỳ-ni, kế đến học các nơi giảng Kinh Luận. Sau đến gõ cửa thất Ngài Đại Tịch, liền được cá quên nôm (đạt lý quên lời), được chánh định du hí (tự tại).

    Một hôm, Sư đến thăm Trang sở, Trang chủ dự bị nghinh đón. Sư hỏi: “Lão Tăng thường ngày ra vào chẳng cho người biết, tại sao có việc bày biện thế này?”. Trang chủ thưa: “Hôm qua Thổ địa mách sáng nay có Hòa thượng đến”. Sư nói: “Vương Lão Sư tu hành vô lực, bị quỷ thần trộm thấy (tâm)”. Thị giả hỏi: “Hòa thượng là thiện tri thức, vì sao bị quỷ thần trộm thấy?”. Sư bảo: “Trước Thổ địa để một phần cơm”.

     

    BÌNH:

    Nam Tuyền, Trang chủ vốn chẳng biết nhau. Thổ địa trộm thấy là trộm thấy cái gì?

    Đáng thương Trang chủ tâm thành cúng

    Sao chẳng ngay đây chính nhận đi!

    Lại theo Thổ địa dòm bên cạnh

    Canh đổ, cơm thừa, có đáng chi!

            Khéo! Khéo!

     

  • 36. 036 Lại có lỗi chănh

    Có khi Sư nói: “Mã Tổ ở Giang Tây nói: “Tức tâm tức Phật”. Vương Lão Sư chẳng nói thế mà nói: “Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật”. Nói thế ấy có lỗi chăng?”. Triệu Châu lễ bái rồi ra. Khi ấy, có vị tăng theo hỏi Ngài Triệu Châu: “Thượng tọa lễ bái rồi ra, ý chỉ thế nào?”. Triệu Châu nói: “Ông hỏi lấy Hòa thượng”. Tăng đến hỏi: “Vừa rồi ý Thượng tọa Thẩm thế nào?”. Sư đáp: “Ông ấy đã lãnh hội ý của Lão Tăng”.

     

    BÌNH:

    Thấy tức thẳng đó liền thấy, vừa nghĩ tìm lỗi ắt rơi vào bẫy, vừa hỏi lăng xăng lại càng chẳng thấy!

  • 37. 037. Đáng tiếc thay

    • x

      Một hôm, Sư hỏi Hoàng Bá:

      -  Vàng ròng làm thế giới, bạc trắng làm tường vách, là chỗ ở của người nào?

      Hoàng Bá đáp:

      -  Chỗ của Thánh nhân.

      Sư hỏi:

      -  Lại có một người ở cõi nước nào khác chăng?

      Hoàng Bá khoanh tay đứng yên.

      Sư nói:

      -  Nói chẳng được, sao chẳng hỏi Vương Lão Sư?

      Hoàng Bá liền đến hỏi:

      -  Lại có một người ở cõi nước nào khác chăng?

      Sư nói:

      -  Đáng tiếc thay!

       

      BÌNH: Vốn không hai chủ!


  • 38. 038. ĐƯỢC, CHẲNG ĐƯỢC

     

    Một hôm, có vị Đại đức hỏi Sư:

    -  “Tức tâm là Phật lại chẳng được, phi tâm phi Phật lại chẳng được”, ý Thầy thế nào?

    Sư nói:

    -  Đại đức chỉ tin tâm mình là Phật liền xong, lại nói cái gì được, chẳng được? Ví như Đại đức khi ăn cơm xong, đi từ Đông lang sang Tây lang, chẳng thể thảy hỏi mọi người, được chẳng được!

     

    BÌNH:

    Thấy thì ngay đó rõ ràng chẳng nghi!

    Chẳng thấy tức hàng ngày tới lui qua lại mà tự mê.

    CHÚ:

    Vừa nghĩ được, chẳng được tức liền mất!

  • 39. 039. TIỀN GIÀY CỎ

     

    Sư hỏi Hoàng Bá:

    -  “Định huệ đồng học thấy rõ Phật tánh”, lý này thế nào?

    Hoàng Bá đáp:

    -  Trong mười hai giờ chẳng nương gá một vật.

    Sư hỏi:

    -  Đâu không phải chỗ thấy của Trưởng lão?

    Hoàng Bá:

    -  Chẳng dám!

    Sư bảo:

    -  Tiền nước tương xin gác lại, tiền giày cỏ bảo ai trả?

     

    BÌNH:

    Nhận hay chẳng nhận chỉ là lời nói hai đầu! Chính kẻ ấy là ai?

    -  Chẳng trọng nói nhiều.

     

  • 40. 034. MỘT NGÀY KHÔNG LÀM, MỘT NGÀY KHÔNG ĂN

     

    Khi còn bé, Sư theo mẹ vào chùa lễ Phật, bèn chỉ tượng Phật hỏi mẹ: “Đây là vật gì?”. Mẹ đáp: “Là Phật”. Sư nói : “Hình dung giống người không khác, sau này con sẽ làm Phật”.

    Phàm làm công việc nặng nhọc, Sư đều dẫn đầu trong chúng. Tri sự không chịu được lén dấu các dụng cụ và mời Sư nghỉ. Sư nói: “Tôi không có đức hạnh, đâu dám làm nhọc đến người”. Tìm khắp nơi không được dụng cụ, ngày ấy Sư cũng không ăn. Vì thế có câu “Một ngày không làm, một ngày không ăn”, lưu truyền khắp nơi. 

     

    BÌNH:

    Có một số người cố chấp, tu thiền là ngồi không vô sự chẳng làm gì cả. Năm này tháng nọ, móng tay không động. Đâu biết “Đức” mình chưa có, “Đạo” cũng chưa thành, nếu cứ lo nhàn rỗi cái thân, lâu ngày trở thành biếng nhác, sanh tệ không hay! Tổ biết tâm lý đó, nên đã tự nêu gương siêng năng và kiệm đức. Chỉ một câu “Một ngày không làm, một ngày không ăn”, còn nói lên tinh thần tự lực của Thiền tông, phải tự mình giải quyết ngay nơi mình, không chờ đợi nương tựa vào một cái gì bên ngoài. Đó mới là ý nghĩa “Giải thoát chân chính”. Mỗi người phải tự cố gắng! Chớ để nhàn rỗi qua ngày!

     

  • 41. 035. QUỶ THẦN TRỘM THẤY

     

    Thiền sư Phổ Nguyện ở núi Nam Tuyền, Trì Châu, Sư họ Vương quê ở Tân Trịnh, Trịnh Châu. Niên hiệu Chí Đức năm thứ hai đời Đường, Sư theo Thiền sư Đại Huệ ở núi Đại Ngung xuất gia học đạo, đến Tung Nhạc thọ giới Cụ túc. Ban đầu Sư học Tỳ-ni, kế đến học các nơi giảng Kinh Luận. Sau đến gõ cửa thất Ngài Đại Tịch, liền được cá quên nôm (đạt lý quên lời), được chánh định du hí (tự tại).

    Một hôm, Sư đến thăm Trang sở, Trang chủ dự bị nghinh đón. Sư hỏi: “Lão Tăng thường ngày ra vào chẳng cho người biết, tại sao có việc bày biện thế này?”. Trang chủ thưa: “Hôm qua Thổ địa mách sáng nay có Hòa thượng đến”. Sư nói: “Vương Lão Sư tu hành vô lực, bị quỷ thần trộm thấy (tâm)”. Thị giả hỏi: “Hòa thượng là thiện tri thức, vì sao bị quỷ thần trộm thấy?”. Sư bảo: “Trước Thổ địa để một phần cơm”.

     

    BÌNH:

    Nam Tuyền, Trang chủ vốn chẳng biết nhau. Thổ địa trộm thấy là trộm thấy cái gì?

    Đáng thương Trang chủ tâm thành cúng

    Sao chẳng ngay đây chính nhận đi!

    Lại theo Thổ địa dòm bên cạnh

    Canh đổ, cơm thừa, có đáng chi!

            Khéo! Khéo!

     

  • 42. 036. LẠI CÓ LỖI CHĂNG?

     

    Có khi Sư nói: “Mã Tổ ở Giang Tây nói: “Tức tâm tức Phật”. Vương Lão Sư chẳng nói thế mà nói: “Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật”. Nói thế ấy có lỗi chăng?”. Triệu Châu lễ bái rồi ra. Khi ấy, có vị tăng theo hỏi Ngài Triệu Châu: “Thượng tọa lễ bái rồi ra, ý chỉ thế nào?”. Triệu Châu nói: “Ông hỏi lấy Hòa thượng”. Tăng đến hỏi: “Vừa rồi ý Thượng tọa Thẩm thế nào?”. Sư đáp: “Ông ấy đã lãnh hội ý của Lão Tăng”.

     

    BÌNH:

    Thấy tức thẳng đó liền thấy, vừa nghĩ tìm lỗi ắt rơi vào bẫy, vừa hỏi lăng xăng lại càng chẳng thấy!

  • 43. 037. ĐÁNG TIẾC THAY!

     

    Một hôm, Sư hỏi Hoàng Bá:

    -  Vàng ròng làm thế giới, bạc trắng làm tường vách, là chỗ ở của người nào?

    Hoàng Bá đáp:

    -  Chỗ của Thánh nhân.

    Sư hỏi:

    -  Lại có một người ở cõi nước nào khác chăng?

    Hoàng Bá khoanh tay đứng yên.

    Sư nói:

    -  Nói chẳng được, sao chẳng hỏi Vương Lão Sư?

    Hoàng Bá liền đến hỏi:

    -  Lại có một người ở cõi nước nào khác chăng?

    Sư nói:

    -  Đáng tiếc thay!

     

    BÌNH: Vốn không hai chủ!

  • 44. 038. ĐƯỢC, CHẲNG ĐƯỢC

     

    Một hôm, có vị Đại đức hỏi Sư:

    -  “Tức tâm là Phật lại chẳng được, phi tâm phi Phật lại chẳng được”, ý Thầy thế nào?

    Sư nói:

    -  Đại đức chỉ tin tâm mình là Phật liền xong, lại nói cái gì được, chẳng được? Ví như Đại đức khi ăn cơm xong, đi từ Đông lang sang Tây lang, chẳng thể thảy hỏi mọi người, được chẳng được!

     

    BÌNH:

    Thấy thì ngay đó rõ ràng chẳng nghi!

    Chẳng thấy tức hàng ngày tới lui qua lại mà tự mê.

    CHÚ:

    Vừa nghĩ được, chẳng được tức liền mất!

  • 45. 039. TIỀN GIÀY CỎ

     

    Sư hỏi Hoàng Bá:

    -  “Định huệ đồng học thấy rõ Phật tánh”, lý này thế nào?

    Hoàng Bá đáp:

    -  Trong mười hai giờ chẳng nương gá một vật.

    Sư hỏi:

    -  Đâu không phải chỗ thấy của Trưởng lão?

    Hoàng Bá:

    -  Chẳng dám!

    Sư bảo:

    -  Tiền nước tương xin gác lại, tiền giày cỏ bảo ai trả?

     

    BÌNH:

    Nhận hay chẳng nhận chỉ là lời nói hai đầu! Chính kẻ ấy là ai?

    -  Chẳng trọng nói nhiều.

     

Mục lục

Ngũ đăng Hội Nguyên Tiết Dẫn (Bình chú)
  • 1. 001. TRUYỀN TRAO TÂM ẤN
  • 2. 002. THÂN TÂM VÀ TUỔI TÁC
  • 3. 003. LINH KÊU HAY GIÓ KÊU?
  • 4. 004. NGHIỆP THIỆN ÁC GỐC DO TÂM
  • 5. 005. BIỆN BIỆT BẢO CHÂU
  • 6. 006. TÁC DỤNG BẢN THỂ PHẬT TÁNH
  • 7. 007. CÒN CÓ CÁI ĐÓ SAO?
  • 8. 008. TÁC DỤNG THẦM KÍN
  • 9. 009. BAO NHIÊU TUỔI?
  • 10. 010. TIẾNG DIỆT, TÁNH NGHE CHẲNG DIỆT
  • 11. 011. LẠI HỎI: THẾ NÀO CHẲNG SANH, THẾ NÀO CHẲNG DIỆT, THẾ NÀO ĐẶNG GIẢI THOÁT?
  • 12. 012. CHÂN TÁNH DUYÊN KHỞI
  • 13. 013. TẤC TƠ CHẲNG DÍNH
  • 14. 014. THA TÂM THÔNG
  • 15. 015. VẤN ĐÁP
  • 16. 016. SANH, GIÀ, BỆNH, CHẾT
  • 17. 017. NÓI GIỐNG MỘT VẬT TỨC CHẲNG TRÚNG
  • 18. 018. NHƯ TRÂU KÉO XE
  • 19. 019. TÂM ĐỊA PHÁP NHÃN
  • 20. 020. ÁNH SÁNG ĐI VỀ ĐÂU?
  • 21. 021. PHẬT NÓI TÂM LÀ TÔNG
  • 22. 022. THỂ HỘI ĐẠI ĐẠO
  • 23. 023. RIÊNG SIÊU NGOÀI VẬT
  • 24. 024. CHỈ THÚ PHẬT PHÁP
  • 25. 025. ĐƯỜNG THẠCH ĐẦU TRƠN
  • 26. 026. PHƯỚC LỘC
  • 27. 027. NƯỚC VÀ THUYỀN
  • 28. 028. LÀ CÁI GÌ?
  • 29. 029. CUỐN CHIẾU
  • 30. 030. TỨC ĐÂY DÙNG, LÌA ĐÂY DÙNG?
  • 31. 031. THƯỢNG ĐƯỜNG
  • 32. 032. MẮT TÂM CHƯA MỞ
  • 33. 033. ĐỌC KINH XEM GIÁO LÝ
  • 34. 034. MỘT NGÀY KHÔNG LÀM, MỘT NGÀY KHÔNG ĂN
  • 35. 035. QUỶ THẦN TRỘM THẤY
  • 36. 036 Lại có lỗi chănh
  • 37. 037. Đáng tiếc thay
  • 38. 038. ĐƯỢC, CHẲNG ĐƯỢC
  • 39. 039. TIỀN GIÀY CỎ
  • 40. 034. MỘT NGÀY KHÔNG LÀM, MỘT NGÀY KHÔNG ĂN
  • 41. 035. QUỶ THẦN TRỘM THẤY
  • 42. 036. LẠI CÓ LỖI CHĂNG?
  • 43. 037. ĐÁNG TIẾC THAY!
  • 44. 038. ĐƯỢC, CHẲNG ĐƯỢC
  • 45. 039. TIỀN GIÀY CỎ

Tìm kiếm

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 88707
  • Online: 27