Trần Nhân Tông với thiền phái trúc lâm
14/01/2015 | Lượt xem: 35
Danh mục: Sử
Tác giả: HT. Thích Thông Phương
I. ÔNG VUA CÓ TÂM PHẬT
Nghiên cứu đạo Phật Việt Nam chúng ta thấy rất rõ, thời Trần nổi bật những ông vua Phật tử đáng kính. Vua Trần Thái Tông, nhìn với cặp mắt nhà Thiền có thể nói Ngài là ông vua Thiền sư. Tuy ngồi trên ngai vàng nhưng Ngài hiểu thiền rất sâu, tâm thiền rất sáng và sống thiền rất đắc lực. Qua tác phẩm Khóa Hư Lục và giây phút rời bỏ cuộc đời của Ngài đã nêu rõ điều đó.
-
1. Ông vua có tâm Phật
Vua Trần Thánh Tông cũng thế, Thánh Đăng Lục ghi rõ cho thấy, sức sống thiền của Ngài thật là vững vàng, đến mé bờ sinh tử vẫn có sức tự chủ và sáng suốt mà một vị xuất gia bình thường khó theo kịp. Riêng vua Trần Nhân Tông, quả là một ông vua Phật của Việt Nam đúng với sự tôn xưng từ trước tới nay. Ngài có duyên sâu với Phật từ thuở nhỏ.
Sinh ra, thân sắc vàng như sắc Phật. Lớn lên, năm 16 tuổi, được vua cha lập làm Hoàng thái tử, Ngài hai lần cố xin nhường lại cho em là Đức Việp, nhưng vua Thánh Tông không cho, vì thấy Ngài có khả năng gánh vác việc lớn. Trong khi đó lịch sử để lại biết bao trang sử đau lòng, chỉ vì ngôi vị này mà cốt nhục tương tàn. Hạt giống Phật đã ngầm chứa sẵn trong Ngài mà biểu lộ ra như thế.
Rồi một hôm, Ngài lại vượt thành tìm về Yên Tử tu hành. Điều này đâu có ai dạy Ngài. Nếu không phải chủng tử Phật ngầm chứa trong Ngài nó thúc đẩy, thì cái gì khiến làm như thế? Với cái nhìn của nhà Phật, đều có nhân duyên chứ không phải ngẫu nhiên.Việc này lại trùng hợp với Đức Phật, khi làm Thái tử, Tất Đạt Đa cũng vượt thành xuất gia tìm đạo. Song với vua Trần Nhân Tông, lúc ấy vua cha cho người tìm gọi về, Ngài đành phải về. Thiền sư Chân Nguyên đã thuật lại trong Thiền Tông Bản Hạnh:
Đêm ấy thái tử thoát ra du hành
Tìm về Yên Tử một mình,
Đến Đông Cứu sơn, thiên minh rạng ngày.
Giả tướng lệ người thế hay,
Vào nằm trong tháp một giây đỗ dùng.
Tăng tự thấy tướng lạ lùng,
Làm bữa cơm thết cúng dàng cho ăn.
Hoàng Hậu liền tâu Minh Quân,
Rao bảo thiên hạ quần thần đông tây.
Tìm đòi Thái tử chớ chầy,
Bắt em thay trị liền tay tức thì.
Thuở ấy Thái tử lại về,
Vua cha nhượng vì cho trị vạn dân.
Rồi tuy ở địa vị cao sang, quyền quý mà ăn chay, sống đạm bạc không thụ hưởng đến nỗi thân ốm gầy, vua cha phải gọi lại than: “Nay ta đã già, chỉ trông cậy một mình con, con lại làm như thế, làm sao gánh vác sự nghiệp của Tổ tiên?”.
Một duyên lành với Ngài nữa là, được vua cha cho theo học với Thượng Sĩ Tuệ Trung, một bậc Thiền sư Cư sĩ phi thường. Nhân đây Ngài hiểu sâu về thiền. Trong lời tựa sách Tuệ Trung Ngữ Lục, Ngài có thuật lại đoạn hỏi đáp với Thượng Sĩ, Ngài hỏi: “Thế nào là tông chỉ của việc bổn phận?”. Thượng Sĩ đáp: “Soi sáng lại chính mình đó là việc bổn phận, chẳng từ nơi nào khác mà được”.
Ngài nhận sâu ý chỉ này. Có thể nói, một câu đáp này tóm thâu trọn cốt tủy của Thiền và gồm suốt giáo lý một đời của Đức Phật. Chư Phật, chư Tổ nói pháp đều vì con người, người nghe pháp phải vượt qua ngôn ngữ văn tự chết mà soi sáng lại nơi mình, chuyển những lời kinh khô khan đó vào cuộc sống hiện thực đây, đó mới là Phật pháp sống. Bởi vậy, Thiền tông chủ trương “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự”, khiến người không chết chìm trong đám rừng chữ nghĩa vô tri ấy. Vua Trần Nhân Tông đã được Thượng Sĩ khơi đúng mạch nguồn Phật pháp đó, và Ngài tiếp nhận đúng lúc, lấy đó làm cửa mở vào Thiền.
II. CON ĐƯỜNG XUẤT THẾ
Sau hai lần lãnh đạo dân quân Đại Việt đánh thắng giặc Mông, năm 1293 Ngài nhường ngôi cho Anh Tông, lên làm Thái Thượng Hoàng và chuẩn bị con đường xuất thế cho mình. Bước đầu Ngài ở Vũ Lâm như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi lại: “Bấy giờ Thượng hoàng ngự đi Vũ Lâm dạo chơi hang đá. Cửa núi đá hẹp, Thượng hoàng đi chiếc thuyền nhỏ, Thái hậu Tuyên Từ ở đằng đuôi thuyền, gọi Văn Túc Vương lên đằng mũi thuyền. Chỉ cho môt phu chèo thuyền mà thôi. Kịp đến khi Thượng hoàng xuất gia, khi Thượng hoàng sắp ra đi, bèn mời Đạo Tải vào điện Dưỡng Đức, cung Thánh Từ ban cho ngồi ăn đồ biển, làm thơ rằng:
Chân rùa bóc đỏ mọng,
Yên ngựa nướng vàng thơm.
Sơn tăng giữ giới sạch,
Cùng ngồi chẳng cùng ăn.
***
(Hồng thấp bác quy cước,
Hoàng hương chá mã yên.
Sơn tăng trì tịnh giới,
Đồng tọa bất đồng san).
(Trích Toàn Tập Trần Nhân Tông)
Lúc này vua đã ăn chay, giữ tịnh giới, chuẩn bị cho bước xuất gia sắp tới.
Đến tháng 7 năm 1299, Ngài cho xây dựng một am thiền trên núi Yên Tử gọi là Ngự Dược Am, và theo Thánh Đăng Lục thì qua tháng 10 năm ấy vua mới thực sự lên núi Yên Tử xuất gia tu hành, sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Thiền Tông Bản Hạnh ghi:
“Kỷ Hợi Nhân Tông ra ngoài,
Quyết lên Yên Tử tu chùa Hoa Yên.
Quần thần nghĩa sĩ dưới trên,
Đưa vua tu đạo thoát duyên phàm trần.
Đến chùa Long Động mới phân,
Tất trừ phiền não ái ân phát nguyền.
Nhân Tông khắn khắn lòng tin,
Thành tâm trai giới bước lên chiền già.
Cung tần thể nữ trở ra,
Người về phối thất, kẻ ra Kinh kỳ.
Mặc ai ra chợ về quê,
Canh nông buôn bán làm chi mặc lòng”.
Tức là lúc này quần thần, quyến thuộc tiễn đưa Nhân Tông vào núi Yên Tử xuất gia tu hành, đến chùa Long Động mới chia tay. Với cung nữ, Ngài cho tự do về quê lập gia đình hoặc làm gì tùy ý, dứt khoát buông xả hết không coi là của mình. Đây mới thật sự cắt đứt ân ái, xuất gia hành đạo. Do đó có câu chuyện suối Giải Oan và làng Nàng, làng Mụ.
Rày trẫm đầu Phật xuất gia,
Trăm đường rũ hết lòng hòa tiếc chi.
Chị hầu, bà mụ, cung phi,
Mộ đạo chẳng về cảm đức ở đây.
Lòng vua thấy vậy thương thay,
Phán rằng cho ở một nơi lâm tuyền.
Cho nên tích để lưu truyền:
Làng Nàng, làng Mụ, phúc duyên đã chầy”.
(Thiền Tông Bản Hạnh)
III. TU HÀNH Ở YÊN TỬ
Vào Yên Tử, Ngài quyết tâm sống đời xuất gia giải thoát, từ bỏ những hưởng thụ của thế gian, thực hành 12 hạnh đầu-đà, tức sống khổ hạnh, đạm bạc, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, sau đổi là Trúc Lâm Đầu Đà. Tên Trúc Lâm này cũng là hiệu của Quốc sư Trúc Lâm - Viên Chứng, một bậc Thiền Tổ của Yên Tử đã khai thị cho vua Trần Thái Tông “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta. Tâm lặng mà biết đó chính là tâm Phật. Nếu bệ hạ giác ngộ được tâm ấy thì tức khắc thành Phật ngay tại chỗ, không cần đi tìm cực khổ ở bên ngoài”.
(Lời tựa Thiền Tông Chỉ Nam).
Một ông vua anh minh, tiếng tăm vang dội, lại sống cuộc đời đạm bạc đến mức tối đa nơi rừng núi, thì phải biết lòng mộ đạo của Ngài rất chân thành. Trong bài Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca, một bản văn bằng chữ Nôm, Ngài đã bộc lộ:
Công danh chẳng trọng,
Phú quý chẳng màng.
Tần Hán xưa kia,
Xem đà nhèn hạ.
Yên bề phận khó,
Kiếm chốn dưỡng thân.
Khuất tịch non cao,
Náu mình sơn dã
Vượn mừng hủ hỷ
Làm bạn cùng ta.
Vắng vẻ ngàn kia
Thân lòng hỷ xả.
Rồi:
Dốc chí tu hành,
Giấy sồi vó vá
Và:
Thân này chẳng quản,
Bữa đói, bữa no.
Ngài sẵn sàng từ bỏ công danh phú quý, sống ẩn mình nơi vắng vẻ, buông bỏ tình chấp nơi thân tâm, ăn mặc đơn sơ, đói no chẳng quản, tức quên NGÃ mà hành đạo. Do đó mới có được cái vui đến chỗ thành đạo, chứng ngộ thật sự, nếm được pháp vị rõ ràng, không phải chỉ tu trên hình thức, hoặc kiến giải suông trên chữ nghĩa, lý luận. Quả là một HÀNH GIẢ đúng nghĩa!
Niềm lòng vằng vặc
Giác tính quang quang
Chẳng còn bỉ thử
Tranh nhân chấp ngã.
IV. PHÁT MINH TRÍ TUỆ VÔ SƯ
Chính bằng công phu chân thật hành thiền, ngài đã thể nhập chân Thiền, mở sáng “trí tuệ vô sư”, thế gian khó bì kịp. Trong bài Xuân Vãn, Ngài đã bày tỏ:
Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,
Nhất xuân tâm sự bách hoa trung.
Như kim khám phá Đông hoàng diện,
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.
***
Thuở bé đâu từng rõ sắc không,
Xuân về rộn rã nức trong lòng.
Chúa xuân nay bị ta khám phá,
Ngồi lặng nhìn xem rụng cánh hồng.
Lúc chưa hiểu đạo, còn bị ngoại cảnh chi phối, nên mỗi độ xuân về lòng Ngài cũng bị động theo cảnh xuân, không làm chủ được. Nhưng bây giờ, Ngài đã nhận ra Chúa xuân tức là ông chủ chân thật muôn đời, hay nói theo nhà Thiền là “Bộ mặt thật xưa nay” của chính mình, là con người bất sinh bất diệt từ vô thủy. Giờ đây Ngài có thể giải đáp chính xác cho câu hỏi: “Cái gì là ta?”, không còn nghi ngờ, cuộc sống bây giờ mới thật sự có chủ. Điều này chứng tỏ Ngài xuất gia là thực tu, thực ngộ, xứng đáng là bậc Thiên Nhân Sư, thầy của trời người.
V. SÁNG LẬP THIỀN PHÁI TRÚC LÂM
Bằng sự chứng ngộ Thiền lý sâu xa, Ngài dùng ánh sáng chân thật đó, dung hợp ba dòng Thiền đã có trước đó thành dòng Thiền Trúc Lâm, mở ra phong trào học Phật mới.
Lấy tông chỉ Thiền Tông “Giáo Ngoại Biệt Truyền, Bất Lập Văn Tự, Trực Chỉ Nhân Tâm, Kiến Tánh Thành Phật” làm chủ đạo, Ngài linh động kết hợp giảng kinh thuyết pháp, giúp cho người học Phật hiểu sâu kinh điển, chuyển những lời kinh chết trong sách vở thành những bài kinh sống nơi người, chứng minh cho Tâm Thiền sáng ngời không có gì sai khác. Kinh đâu có lỗi gì? Lỗi do người chấp kinh. Thiền đâu có gì sai khác? Sai do người phân biệt. Kinh từ miệng Phật nói, Thiền là tâm Phật vốn chẳng phải là hai! Chính tinh thần đó, các Thiền viện của hệ Trúc Lâm do Hòa thượng Thiền sư Thầy chúng tôi đang hướng dẫn, vẫn đang ứng dụng.
Bởi người tu thiền đã sáng tâm thì đọc kinh sẽ hiểu rõ ý nghĩa sâu xa ngoài câu lời, do đó càng giảng linh động sáng tạo, giúp người nghe dễ thâm nhập hơn. Bởi vậy, Thiền sư Pháp Loa giảng nhiều lần kinh Hoa Nghiêm, bộ kinh thuộc giáo lý viên đốn cao siêu, mà người đến nghe rất đông, cũng nói lên trình độ của người học Phật thời đó rất cao. Như pháp hội giảng kinh năm 1322 tại chùa Báo Ân có trên 1000 người đi nghe. Buổi giảng nào ít người cũng có khoảng năm, sáu trăm người.
Xét kỹ, tông chỉ Thiền tông rất thực tế và gần gũi với con người, lấy “Chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật”, nhằm đánh thức mỗi người tự sống vươn lên. Vì tâm mình mà mình không biết, vậy lo biết cái gì ở đâu xa? Thành Phật là thành ngay trong tâm tánh mình đây thôi, không phải thành ở trên núi cao, trên cõi trời xa xôi, chỉ cần mình xoay lại chính mình, thì ngay đó là bờ mé: “Hồi đầu thị ngạn”. Đó là lấy con người làm gốc, là tôn trọngcon người, nâng cao giá trị con người, cũng là lý bình đẳng với tất cả, vậy sao không khai thác?
Đúng là Thiền tông chỉ thẳng “Ngay đây, lúc này, người này thôi”, rất hiện thực không có gì xa xôi, mập mờ hẹn lại kiếp nào khác. Như lời khai thị của Trúc Lâm Điều Ngự trong buổi đại tham ngày 09 tháng giêng nhuận năm Bính Ngọ 1306 tại liêu Kỳ Lân: “Ngày tháng dễ trôi qua, mạng người không chờ đợi, sao cam ăn cháo, ăn cơm mà không rõ việc bát, việc muỗng?”.
Nghĩa là mình sống hằng ngày cầm muỗng, cầm thìa, ăn cơm, ăn cháo nhưng tại sao lại không biết cái gì đang hiện hữu trong đó? Chỉ lo nhớ bát, đũa, cơm, cháo mà quên mất nguồn sống phát ra những việc đó! Thiền tông nhắc nhở đánh thức người mê khiến tỉnh ngộ trở lại chỗ này! Chính đó là mạch sống của Phật pháp. Cho nên dù trải qua bao cuộc thăng trầm của lịch sử, nhưng ý Thiền vẫn không mất, vì còn có con người, còn có tâm thì còn có Thiền! Kinh sách, ngữ lục có thể đốt cháy hư hoại, nhưng cái này làm sao đốt? Làm sao hoại? Đây cũng chính là linh hồn của Yên Tử vậy. Bằng chứng là những tác phẩm tinh yếu về Thiền của Trúc Lâm Điều Ngự như: Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục, Thạch Thất Mỵ Ngữ tuy ngày nay không còn, song tinh thần Thiền của Ngài vẫn còn đây, sức sống này vẫn đang trỗi dậy!
“Yên Tử Non Cao, Chư Tổ Mồi Đèn
Truyền Tâm Ấn.
Trúc Lâm Rừng Vắng, Điều Ngự Nối đuốc
Lập Tông Phong”.
VI. DÒNG TRUYỀN YÊN TỬ
01. Đối với Thiền phái Trúc Lâm thì Trúc Lâm Điều Ngự - Trần Nhân Tông là đệ nhất Tổ, nhưng tính theo hệ thống truyền thừa củaYên Tử phải kể từ Thiền sư Hiện Quang là Tổ ban đầu. Sư là người khai sơn chùa Vân Yên, sau đổi thành Hoa Yên như ngày nay. Vốn là đệ tử của Thiền sư Thường Chiếu, dòng Vô Ngôn Thông, nhưng tỏ ngộ nơi Thiền sư Trí Thông chùa Thánh Quả.
02. Thiền sư Viên Chứng, cũng gọi là Quốc sư Trúc Lâm, người đã từng đón tiếp vua Trần Thái Tông tìm lên Yên Tử năm 1236.
03. Quốc sư Đại Đăng, người đã tiếp nhận thêm dòng Thiền Lâm Tế từ Thiền sư Thiên Phong người Trung Hoa tại Kinh đô Thăng Long và là thầy của vua Trần Thánh Tông.
04. Thiền sư Tiêu Dao, là thầy của Thượng Sĩ Tuệ Trung, cũng gọi Đại sư Phúc Đường, vì Sư ở Tinh xá Phúc Đường mà Thượng Sĩ Tuệ Trung có bài thơ tựa “Thượng Phúc Đường Tiêu Dao Thiền Sư”.
05. Thiền sư Huệ Tuệ, theo Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang cho là Sư vốn làm Hòa thượng Đường đầu truyền giới pháp cho vua Trần Nhân Tông khi vua xuất gia.
06. Trúc Lâm Đại Đầu Đà - Trần Nhân Tông, theo hệ thống truyền thừa của Yên Tử, Ngài thuộc hàng thứ 6, nhưng là người khai sáng ra dòng Thiền Trúc Lâm của Đại Việt nên là Sơ Tổ.
Theo sách Đại Nam Thiền Uyển Truyền Đăng Tập Lục của Hòa thượng Phúc Điền, hệ thống truyền thừa của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được tiếp nối qua các vị sau:
07. Tổ sư Pháp Loa
08. Tổ sư Huyền Quang
09. Quốc sư An Tâm
10. Quốc sư Phù Vân (hiệu Tĩnh Lự)
11. Quốc sư Vô Trước
12. Quốc sư Quốc Nhất
13. Tổ sư Viên Minh
14. Tổ sư Đạo Huệ
15. Tổ sư Viên Ngộ
16. Quốc sư Tổng Trì
17. Quốc sư Khuê Thám
18. Quốc sư Sơn Đằng
19. Đại sư Hương Sơn
20. Quốc sư Trí Dung
21. Tổ sư Tuệ Quang
22. Tổ sư Chân Trú
23. Đại sư Vô Phiền
Danh sách này được Thiền sư Tuệ Nhãn lược dẫn trong phần đầu của bia ký tháp Giao Quang thờ Thiền sư Tính Đường hiệu Tuệ Cự ngay bên phải cổng Chùa Lân - Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử: “Núi Yên Tử từ Sơ Tổ Hiện Quang đến Trúc Lâm Viên Chứng trải qua tới Trần triều Tam Tổ, lần lượt tiếp nối nhau, danh chép truyền đăng phần nhiều khó nêu ra hết. Trong lý ẩn hiện đến Tổ sư Tuệ Quang trung hưng rộng lớn, Phật pháp thịnh hành, danh lam thánh cảnh, Tuệ Nguyệt sáng mãi, Tuệ Đăng chiếu khắp cho đến Tuệ Cự …”.
Trong đây ghi rõ Thiền sư Hiện Quang là Sơ Tổ của Yên Tử, Quốc sư Trúc Lâm hiệu Viên Chứng rõ ràng, Tổ sư Tuệ Quang trung hưng Yên Tử, Thiền sư Tuệ Nguyệt thầy của Thiền sư Chân Nguyên tiếp sáng luôn và Thiền sư Tuệ Đăng tức Ngài Chân Nguyên hiện còn tháp đá tôn thờ ở sau nhà Tổ của Thiền viện làm cho dòng Thiền chiếu khắp.
Cứ theo danh sách này, sau Tổ sư Huyền Quang có tới 8 vị Quốc sư, thì biết rằng dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử vẫn được truyền thừa luôn chớ không phải chìm mất. Về đời thứ ba Thiền phái Trúc Lâm, ngoài Tam Tổ Huyền Quang, theo bia tháp Viên Thông thờ Tổ sư Pháp Loa ở Thanh Mai, phần cuối có kể ra hai vị tiếp nối đời thứ ba là Tông Huyền và Kim Sơn, nguyên văn: “Trúc Lâm Đệ Tam Đại Tự Pháp Trụ Trì Tông Huyền, Kim Sơn tấu tuyên”.
Tuy nhiên danh sách tên tuổi là phần biểu hiện bên ngoài, chính “tâm thiền” mới là mạch sống thật. Dù ẩn dù hiện, dù thăng dù trầm, hễ còn có người tỏ sáng được tâm Thiền, là còn tiếp nối được mạch sống Tổ Tông.
VII. CHỨNG NGỘ THIỀN LÝ, LÀM CHỦ SINH TỬ
Đối với đạo Phật nói chung, và Thiền tông nói riêng, luôn nhấn mạnh phải hiểu và hành tương ứng, nên có câu:“Hạnh giải tương ưng danh vi viết Tổ”. Vậy “Tổ” không phải ở cái tên, ở danh xưng, mà phải thực sự tỏ hiểu và chứng nghiệm chân Thiền ngay nội tâm mình. Đệ nhất Tổ Trúc Lâm Đại Đầu Đà đã hội đủ hai điều đó. Về trí tuệ tỏ hiểu Thiền tông của Ngài rất sâu.
Như đoạn tăng hỏi:
- Khi muôn dặm mưa tạnh thì thế nào?
Ngài đáp:
- Mưa tầm tã.
- Khi muôn dặm mây che kín thì thế nào?
- Trăng vằng vặc.
Đã là “Muôn dặm mưa tạnh” tức trời trong không vết mây che thì sao ông còn động niệm khởi hỏi? Đó tức là mưa tầm tã rồi chứ gì. Còn “Muôn dặm mây che kín”, thì sao ông còn có thể biết hỏi được đây? Vậy là nó vẫn sáng tỏ rõ ràng, ông lại chẳng ngộ! Nên Ngài đáp: “Trăng vằng vặc”. Đây là Ngài ứng dụng theo tinh thần Lục Tổ dạy về 36 phép đối rất là tuyệt diệu. Lục Tổ dạy: “Nếu có người hỏi nghĩa với ông, hỏi Có thì đem Không đáp, hỏi Không thì đem Có đáp, hỏi Phàm thì đem Thánh đáp, hỏi Thánh thì đem Phàm đáp, hai đường làm nhân cho nhau, sanh nghĩa trung đạo”. Thì ở đây hỏi mưa tạnh, Ngài đáp “mưa tầm tã”; hỏi mây che kín, Ngài đáp “trăng vằng vặc”, nếu không phải bậc đã sáng tâm khó nói được quá khéo như vậy. Chính hiện nay nhiều người nghiên cứu về Ngài cũng chưa hiểu hết được Ngài, đôi khi lại hiểu theo thức tình suy tư của mình thành nghiêng lệch. Bởi đối với nhà Thiền: “Thấy thì thẳng đó liền thấy, suy nghĩ liền sai” và “Ông vừa cúi đầu trầm ngâm là đã đi xa ngoài ba ngàn dặm rồi”. Sử Thiền sư Pháp Loa kể lại, một hôm Sư trình cả ba bài tụng cho Điều Ngự, đều bị Ngài gạt bỏ hết. Sư thưa thỉnh mấy phen, Điều Ngự dạy phải tự tham. Sư vào phòng đầu óc nặng trĩu, thức đến quá nửa đêm, trông thấy bông đèn tàn rụng xuống, chợt đại ngộ. Đến đây đem trình Điều Ngự mới được ấn chứng.
Chúng ta nên nhớ, trước đó Sư đã qua hai lần tỏ sáng: một lần nhân đọc kinh Hải Nhãn (có thể kinh Lăng Nghiêm)đến bảy chỗ hỏi tâm và đoạn thí dụ khách trần mà có tỉnh; lần khác, lúc Điều Ngự thượng đường, Sư ra thưa hỏi liền được tỉnh. Vậy mà đến lúc trình kệ này vẫn chưa được ấn chứng. Vì có ý làm kệ trình ra kiến giải thế này thế nọ, cũng là cái vay mượn từ bên ngoài, chưa phải của báu nhà mình. Cho nên Điều Ngự dạy phải quay lại tự tham cứu, đến khi thấy bông đèn tàn rụng mới chợt đại ngộ, không qua ý thức suy nghĩ. Cũng cho thấy, trí tuệ của Điều Ngự là siêu việt như thế nào, và cách huấn luyện để tìm người kế thừa của Ngài quả là rất kỹ. Đúng như lời Cổ Đức nói: “Nguồn sâu thì dòng dài”, do đó mà mạch sống ấy đến ngày nay vẫn truyền bất tuyệt. Rồi đến khi sắp tịch, tức đến lúc cận kề bờ sinh tử, càng cho thấy sức sống thiền nơi Ngài quá vững chãi:
“Giữa đêm mồng 1 tháng 11 năm 1308, Ngài hỏi Bảo Sát:
- Hiện giờ là giờ gì?
Bảo Sát bạch:
- Giờ Tý.
Ngài lấy tay vén màn cửa sổ nhìn xem, nói:
- Đến giờ ta đi.
Bảo Sát hỏi:
- Tôn đức đi đâu?
Ngài nói kệ đáp:
Tất cả pháp chẳng sinh
Tất cả pháp chẳng diệt.
Nếu hay hiểu như thế
Chư Phật thường hiện tiền
Nào có đến đi gì.
***
(Nhất thiết pháp bất sinh
Nhất thiết pháp bất diệt.
Nhược năng như thị giải
Chư Phật thường hiện tiền
Hà khứ lai chi hữu dã.)
Bảo Sát hỏi:
- Chỉ như khi chẳng sinh chẳng diệt là thế nào?
Ngài liền nhằm ngay miệng Bảo Sát tát cho một cái, bảo:
- Chớ nói mớ!
Nói xong, Ngài nằm nghiêng bên phải như sư tử, lặng lẽ mà tịch”.
Như vậy, với Ngài không thấy có chết, có sống, sống chết chỉ là cái hình hài giả tạm này thôi, còn chính Ngài chưa từng có sống chết, đến đi. Chỗ này con mắt phàm tình thế gian làm sao thấy được, hiểu được? Nếu Ngài không có thực tu, thực chứng, thực hành công phu sâu thì khó được như vậy.
Lại nguyên là một vị hoàng đế tiếng tăm vang lừng như thế, mà khi tịch sẵn sàng tịch nơi vắng vẻ với vị thị giả bên cạnh và di chúc hoả thiêu ngay, không đợi người đến làm lễ to cho nổi tiếng, không vì danh. Tuy nhiên nhân quả vẫn theo nhau, khi vua Anh Tông thỉnh Xá-lợi về kinh: “Lúc làm lễ sắp đưa linh cữu về chôn ở lăng Quy Đức, giờ đã đến mà quan liêu, dân chúng đứng chật khắp cung điện. Tể tướng cầm roi xua đuổi, rốt cuộc không thể mở đường. Vua cho gọi Chi hầu chánh chưởng Trịnh Trọng Tử đến bảo: “Linh cữu sắp đưa đi mà dân chúng đầy nghẽn như thế thì làm thế nào?”. Trọng Tử lập tức đến đền Thiên Trì gọi quân Hải Khẩu và Hổ Dực (quân của Trọng Tử trông coi) đến ngồi la liệt trong thềm, sai hát mấy câu Khúc Long Ngâm. Mọi người ngạc nhiên kéo nhau đến xem, cung điện mới giãn người, bèn rước về lăng Quy Đức”.
(Trích Toàn Tập Trần Nhân Tông)
Cho thấy lòng người quá mến mộ Ngài. Quả lành không cầu mà tự đến!
IIX. TÓM KẾT
Trúc Lâm Điều Ngự - Trần Nhân Tông, một con người quá nổi bật ở nhiều mặt, một nhân cách quá sáng ngời: Nói về lãnh đạo, là một nhà lãnh đạo tài ba, về chính trị là một nhà chính trị xuất chúng, về văn hóa là nhà văn hóa lớn, về tôn giáo là nhà tôn giáo tuyệt vời v.v… Do đó, để nhận định về Ngài, chúng ta khó có thể nhận định toàn vẹn được, nếu đứng trên một chủ kiến, một khía cạnh. Và hơn thế nữa, Ngài lại là hành giả trong pháp xuất thế, một bậc Tổ sư của nhà Thiền thì càng không thể lấy theo ý thức tư duy bình thường mà hiểu được Ngài, phải là người trong cuộc với nhau mới thấu hiểu được nhau, như kinh Pháp Hoa nói: “Chỉ Phật với Phật mới biết”.
Yên Tử được gắn liền với tên tuổi của Ngài, với dòng Thiền do Ngài mở lối, là một đại nhân duyên không phải tầm thường cần được tôn trọng và phải tôn trọng.
Phật giáo nói chung, con đường Thiền nói riêng, là con đường luôn sáng tạo, phù hợp với tinh thần phát triển ở các thời đại. Câu nói nổi tiếng trong nhà Thiền là “Thấy bằng thầy là kém thầy nửa đức, thấy vượt hơn thầy mới kham nhận truyền trao”, không cho đứng dừng một chỗ hay chặn đứng bước tiến của người.
Tóm lại, Trúc Lâm Điều Ngự - Trần Nhân Tông là bậc tôn kính đối với tất cả con cháu chúng ta, và tinh thần của Ngài cần được phát huy đúng mức, nhắc nhở cho con em chúng ta và con cháu mai sau phải luôn nhớ cội nguồn,phải biết trân quý, giữ gìn gia sản quý báu của Tổ tiên, chính đó là nền tảng xây dựng đất nước vững bền.
-
2. TÂM THIỀN CỦA SƠ TỔ TRÚC LÂM
TÂM THIỀN
CỦA SƠ TỔ TRÚC LÂM
I. THIỀN LÀ TÊN KHÁC CỦA TÂM
T
hiền là ở nơi tâm không có trong kinh điển, sách vở, ngôn ngữ, chữ nghĩa vô tri. Người tu thiền là cốt sáng tâm, cũng chính tâm mới ngộ được Thiền, ngoài tâm mà tìm Thiền thì không thể có Thiền chân thật. Do đó chư vị Tổ sư Thiền tông đều là những vị sáng tâm, chưa sáng tâm thì chưa vào được cửa Tổ.
Tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi, vị Tổ đầu tiên mang Thiền tông vào đất Việt, Ngài đã phó chúc cho đệ tử đắc pháp là Pháp Hiền tại chùa Pháp Vân: “Tâm ấn của chư Phật không có lừa dối, tròn đồng thái hư, không thiếu không dư, không đi, không lại, không được không mất, chẳng một, chẳng khác, chẳng thường chẳng đoạn; vốn không có chỗ sanh, cũng không có chỗ diệt, cũng chẳng lìa mà cũng chẳng phải chẳng xa lìa, vì đối với vọng duyên mà giả lập tên ấy thôi. Bởi thế, chư Phật trong ba đời cũng như thế, nhiều đời Tổ sư cũng do như thế mà được, ta cũng do như thế mà được, ngươi cũng do như thế mà được, cho đến hữu tình, vô tình cũng do như thế mà được”.
Ngài xác định rõ ràng, tâm ấn của chư Phật không nằm ở cái tên giả lập đó, ba đời chư Phật, nhiều đời Tổ sư cũng chỉ một tâm này, ta cũng vậy, ông cũng vậy, cho đến tất cả mọi loài đều không ngoài tâm ấy.
Dòng Thiền Trúc Tâm ra đời tại Yên Tử, Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông làm Sơ Tổ, cũng ngộ được tâm Thiền ấy mà truyền lại cho đời. Ngài lập dòng Thiền này, không phải chỉ lập trên hình thức tổ chức, trên ngôn từ mà chính bằng tâm Thiền chân thật của chính mình. Chính đó là sức sống, là mạch nguồn để dòng Thiền được sống còn.
II. ĐỐI DIỆN HIỆN TIỀN
Trong bài phú Cư Trần Lạc Đạo, Trúc Lâm Điều Ngự đã từng thổ lộ:
“Biết đào hồng, hay liễu lục, thiên hạ năng mấy chủ tri âm. Nguyệt bạc, vừng xanh, soi mọi chỗ thiền hà lai láng”.
Chính ngay chỗ đào hồng trước mắt, ngay liễu lục đang thấy đó, biết rõ ràng mà không mê, không lầm với nó, đó là Thiền rồi chứ gì nữa. Nhưng chỗ này có mấy người thông cảm, cùng hiểu được nhau? Hầu hết chỉ nhớ biết đào hồng, nhớ biết liễu lục thôi, mà quên hẳn ánh sáng kia, thì làm sao tri âm được?
Đó là chỗ kinh Lăng Nghiêm nói: “Căn bản Bồ-đề Niết-bàn tức là cái thức tinh nguyên minh của ông, nó hay sinh ra các duyên mà bị các duyên bỏ sót nó, do vì các duyên bỏ sót nó nên đành chịu luân hồi, uổng trôi vào các thú”.
Nghĩa là, chính cái biết đang hiện hữu sáng ngời đây, nó hay sanh ra các duyên, tức nó biết, biết cái này, biết cái nọ, biết đào hồng, biết liễu lục v.v…, nhưng tiếc thay, lại bị các duyên bỏ sót nó, đồng hóa nó với các duyên, do đó đành chịu luân hồi, trôi nổi theo các trần, theo đào hồng, theo liễu lục v.v… Vua Trần Thái Tông bảo là:
Lang thang làm khách phong trần mãi,
Ngày cách quê hương muôn dặm trình.
***
(Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách,
Nhật viễn gia hương vạn lý trình).
Quả thật, Điều Ngự không dùng lời lẽ văn chương hoa mỹ, mà dùng tiếng nói nôm na, bình dân trong cuộc sống hàng ngày, nhưng ngầm nói lên được ý thiền sâu xa, đó mới là Thiền.
Khi thấu suốt chỗ này, thì trăng sáng, bầu trời xanh đều hiển bày tâm thiền sáng ngời ra đó! Trước mắt không còn cái gì che mờ được nữa. Tâm thiền của Ngài quả là sáng ngời tỏ rõ!
Bài kệ cuối Cư Trần Lạc Đạo, Ngài nói:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
***
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.
Tâm thiền sáng ngời thể hiện ngay trong cuộc sống hàng ngày, không phải tìm kiếm đâu xa. Đói ăn, mệt ngủ nơi mọi sinh hoạt hằng ngày ăn, mặc, ngủ nghỉ mà làm với tâm hồn nhiên, trong sáng, không sanh tâm theo duyên, theo cảnh: ăn không sanh tâm ăn, mặc không sanh tâm mặc, chính đó ánh sáng thiền hiện tiền rồi. Đó là của báu ngay trong nhà mình, lại phải chạy tìm ở đâu khác?
III. TÂM THÔNG LÌA ĐỐI ĐÃI
1/ Tâm thông:
Thiền sư luôn luôn phải suốt được tâm. Tâm thông thì thấy nghe, tiếp vật được sáng tỏ, không ngại.
Có vị tăng hỏi Điều Ngự:
- Đại Tôn Đức khổ nhọc tu hành, đã trải qua nhiều năm. Đối với sáu thông của Phật, Ngài đã được mấy thông?
Điều Ngự đáp:
- Cũng được sáu thông.
- Năm thông kia xin gác lại, thế nào là tha tâm thông?
- Đầy cả quốc độ, có bao nhiêu thứ tâm, Như Lai đều biết, Như Lai đều thấy.
Tức là tất cả chúng sanh nhiều vô số, trong đó có bao nhiêu thứ tâm, Như Lai đều biết hết, thấy hết, không sót một tâm nào. Cũng như Ngài Lâm Tế bảo: “Như có Văn Thù, Phổ Hiền đến, vừa mở miệng: “Thưa Hòa thượng!”, tôi đã sớm biết rồi”.
Làm sao biết? Đây là tâm thiền hằng sáng tỏ, nên có điều gì hiện lên đều nhận biết ngay, không lầm. Ông vừa mở miệng là có tâm rồi, mà có tâm tức đều biết không phải tâm Như Lai. Đó là tâm động niệm, thuộc trong ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai, là tâm sinh diệt. Cho nên chúng sanh có bao nhiêu thứ tâm, nhiều như bụi, cũng biết rõ, đồng một tâm sinh diệt đó thôi, không lầm lẫn.
2/ Lìa đối đãi:
Tâm thiền của Thiền sư là trước khi động niệm, trước khi có ngôn ngữ, nên nó lìa các phân biệt đối đãi thuộc thức tình sinh diệt. Người còn kẹt trong tình phân biệt đối đãi là còn ở ngoài cửa Thiền.
Có vị tăng hỏi Điều Ngự:
- Thế nào là pháp thân thanh tịnh?
Ngài đáp:
- Chén mạ vàng đựng phân sư tử,
Người đen đúa vác bó hương thơm.
***
(Kim tạc lạc trung sư tử thỉ,
Thiết côn lôn thượng chá cô ban.)
Pháp thân thanh tịnh là chỉ cho tâm thể vô tướng, lìa mọi đối đãi, không sinh, không diệt nơi mỗi người. Muốn nhận được pháp thân, phải lìa niệm hai bên đối đãi.
Trong câu đáp của Điều Ngự: chén mạ vàng là quý, là sạch; phân sư tử là nhơ, là tiện; người đen đúa là xấu, là nhơ; hương thơm là sạch, là tốt - tức ngay đó quên bặt niệm nhơ-sạch, quý-tiện đối đãi, chính đó là pháp thân thanh tịnh chớ gì. Đó là Ngài muốn chỉ thẳng ngay tâm ông đang đối diện đây, không giải thích dài dòng theo sách vở. Pháp thân ấy chính đang ở trong ông thôi. Rõ ràng tâm Ngài đã vượt lên niệm nhơ sạch mới thấy được chỗ đó, và tâm thiền nơi Ngài phải là sáng ngời luôn hiện tiền mới đáp được nhanh mà sâu sắc như thế.
Tâm thiền ấy cũng vượt lên cả hai bên có không mà người đời luôn mắc kẹt trong đó.
Có vị tăng hỏi Điều Ngự:
- Câu có, câu không như bìm nương cây, khi ấy thế nào?
Điều Ngự bèn nói bài kệ, lược dẫn:
Câu có câu không,
Bìm khô cây ngã.
Mấy kẻ nạp tăng,
U đầu sứt trán.
…
Câu có câu không,
Tự xưa tự nay
Chấp tay quên trăng
Đất bằng chết chìm
***
(Hữu cú vô cú
Đằng khô thọ đảo
Kỷ cá nạp tăng
Chàng đầu khái não.
…
Hữu cú vô cú,
Tự cổ tự kim
Chấp chỉ vong nguyệt
Bình địa lục trầm)
Đây là gốc từ câu chuyện Sơ Sơn đến Qui Sơn - Đại An hỏi:
- Được nghe thầy nói “Câu có câu không như bìm leo cây”, chợt khi cây ngã bìm khô thì thế nào?
Đại An cười to ha hả. Sơ Sơn thưa:
- Con từ bốn ngàn dặm mang khăn gói đến đây, sao Hòa thượng lại đùa như thế?
Đại An bảo:
- Thị giả! Hãy lấy tiền trả tiền giày cỏ cho Thượng tọa này.
Sư lại dặn:
- Về sau có con rồng một mắt sẽ vì ông nói phá.
Sau này, Sơ Sơn đến Minh Chiêu thuật lại việc trên, Minh Chiêu bảo:
- Qui Sơn đáng gọi là đầu chánh đuôi chánh, chỉ là chẳng gặp tri âm.
Sơ Sơn hỏi:
- Cây ngã bìm khô, câu về đâu?
Minh Chiêu đáp:
- Nụ cười Qui Sơn càng thêm tươi.
Sơ Sơn tỉnh ngộ nói:
- Té ra trong nụ cười Qui Sơn có đao.
Minh Chiêu vốn chột một mắt, đúng như lời Qui Sơn nói ở trước.
Trong đây, ông tăng dẫn lại ý đó để hỏi. Điều Ngự chỉ ra: câu có câu không là lời nói hai bên, giống như dây sắn, dây bìm nương cây mà leo lên cao, tự nó không có điểm tựa. Khi cây ngã, đổ xuống, dây bìm cũng bị héo khô theo, lúc đó mình lấy gì để hiểu? Biết bao kẻ học tăng hiểu thiền không vượt qua được chỗ này, tức bị u đầu sứt trán với nó. Từ xưa đến nay người học cứ bám theo nó, như kẻ chấp ngón tay chỉ cho là trăng thật, có khác nào đang ở trên đất bằng mà chết chìm, thật là đau!
Đây phải là tâm thiền đang hiện hữu sáng ngời, vừa rơi có, không liền bị khuất ngay. Cuối cùng đến lúc ra đi, Sơ Tổ Trúc Lâm đã thể hiện tâm thiền vững chãi, chủ động giờ ra đi, giống như sắp xếp việc nhà hằng ngày. Đúng là một bậc nói được làm được mà hàng con cháu chúng ta sau này phải hết lòng học theo.
IV. TÓM KẾT
Thiền sư là người ra đi không để lại dấu vết, Trúc Lâm Điều Ngự là bậc Thiền Tổ, thì Ngài ra đi há có dấu vết để lại cho chúng ta nắm bắt sao? Vậy hôm nay chúng ta bàn về Ngài là bàn cái gì? Tâm Thiền của Ngài có thật ở trong những lời bàn ấy chăng? Sức sống chân thật kia đâu thể đóng khung nó vào trong mấy trang giấy, mấy dòng chữ vô tri này. Do nhu cầu tìm hiểu trong thời hiện tại, chúng tôi phải tạm mượn dấu vết ngôn từ để ngầm chỉ ra một ít lẽ thật nơi Ngài mà cùng tham cứu. Tuy nhiên, điểm trọng yếu không thể quên là: Ngài đã đi qua rồi, không còn ở trong dấu vết ấy!
-
3. Trúc Lâm Vấn đáp
TRÚC LÂM
VẤN & ĐÁP
1. HỎI:
Đối với Thiền tông có thể nhận thức, hiểu biết được không?
XIN ĐÁP:
Nếu những ai hữu duyên nhận lại “hòn ngọc như ý” nơi chính mình, đối với Thiền môn, hành giả hẳn không phải đặt thành vấn đề để giải quyết. Ngược lại, muốn tìm hiểu biết người ta sẽ nhận thức Thiền theo trình tự thế gian pháp. Nhưng rất tiếc, Thiền không phải là đối tượng nhận thức nên người muốn hiểu biết theo cách này, không sao tránh khỏi lạc lối bơ vơ …! Để rõ được hai trạng thái tâm lý trên đây, chúng ta cùng nhau ôn lại một ví dụ của Hòa thượng Thích Thanh Từ nói chuyện tại Viện Nghiên Cứu Hán Nôm như sau:
Ví như người trong một dòng họ nọ, đang giữ viên ngọc từ Tổ tiên của mình truyền lại trong gia phả, thì họ không còn nghi ngờ và biết rõ Tổ tông mình có viên ngọc quý. Người bên ngoài nghe nói vậy, rồi muốn biết có đúng như thế không, họ phải truy tìm trong sử liệu v.v… để xác định giá trị, nguồn gốc viên ngọc: “Thế hệ đầu tiên vào niên đại nào? Ai giữ, ở đâu? Và đã truyền cho thế hệ kế tiếp như thế nào v.v…”. Nếu dữ kiện không rõ ràng hay bị thất lạc, người ta sẽ mất đi phương hướng, hoài nghi v.v… Cũng vậy, Thiền tông cũng có viên ngọc trong gia phả, nhưng lại không giống viên ngọc thế gian, nó là “Ngọc bảo châu vô tướng”, và đặc biệt “Mích tức tri quân bất khả kiến” nghĩa là: “Còn có tâm tìm, biết anh chưa thấy ”! (Chứng Đạo Ca - Huyền Giác)
Thế nên họ lại càng hoài nghi. Đây là tâm trạng của người bên ngoài vậy ...”
Người đang nắm hòn ngọc trong tay chính là hành giả Thiền môn thực chứng, dù tại gia hay xuất gia, họ tùy nghi hưởng thụ, tùy ý tiêu dùng không còn nghi hoặc có hay không, phải cùng chẳng phải. Ngược lại là người ngoài cuộc, không sao tránh khỏi nghi ngờ, mà càng muốn hiểu biết thì lại càng không thể biết!
Nói vậy không có nghĩa là không thể tìm hiểu biết. Có vị Pháp sư đến xin thưa hỏi về Đạo, Thiền sư Đại Châu nói: “Bóng trăng dưới đầm sâu mặc ý mò bắt”. Ta có thể nhận thức rằng: người hỏi muốn tìm trăng, câu trả lời của Ngài ví như bóng trăng đáy nước, mò bắt không được đâu. Song đó cũng là cách chỉ dạy người, hãy vượt qua ngôn ngữ, hãy nhìn ngược lên!
Qua ví dụ trên đây, cũng là phương hướng giúp cho người ta tư duy mà “Tư duy chỗ không thể tư duy, biết chỗ không thể biết mà biết vậy”. Trên cơ sở này, chúng ta hãy tự hỏi mình xem, có thể nhận thức hiểu biết được Thiền không?
2. HỎI:
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thuộc loại Thiền nào?
XIN ĐÁP:
Trong bài Khuyến Chúng Thượng Thừa Tam Học, Nhị Tổ Pháp Loa dạy: “Thiền có chia làm năm loại: Phàm Phu Thiền, Ngoại Đạo Thiền, Tiểu Thừa Thiền, Đại Thừa Thiền, Thượng Thừa Thiền. Đây nói Thiền chính là Thượng Thừa Thiền vậy. Thiền này từ Đức Phật Tỳ-lô-giá-na trải qua bất khả thuyết bất khả thuyết đến Đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Đức Thích-ca truyền cho 28 vị Tổ Ấn Độ và sáu vị Tổ ở Trung Hoa, rồi Tổ Tổ trao cho nhau truyền bá khắp nơi, tính không thể hết được. Các vị đều do giới này, định này, huệ này mà được chứng ngộ, thật không có pháp nào khác”.
Vì vậy, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là Thiền Thượng Thừa, cũng gọi là Như Lai Tự Tánh Thanh Tịnh Thiền, hoặc gọi Tổ Sư Thiền hay là Thiền Tông.
3. HỎI:
Yếu chỉ của Thiền tông hay Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là gì?
XIN ĐÁP:
Thiền là tên gọi khác của chân lý thực tại tối hậu, cũng có nghĩa là Phật, là Tâm, là Đạo, Chân Như hay Tri Kiến Phật, Phật Tính v.v… Vì vậy, yếu chỉ của Thiền tông cũng chính là yếu chỉ của Phật pháp, vốn không có tên tuổi, tùy theo diệu dụng mà đặt tên, cũng tùy duyên mà dựng lập.
“Như lời Phật dạy trong Bồ-tát Giới: “Gọi là Tâm Địa vì hay phát sinh muôn điều thiện”; kinh Bát Nhã gọi là Bồ-đề, vì lấy Giác làm thể, còn gọi là Niết-bàn vì là chỗ quy hướng Thánh Nhân; kinh Hoa Nghiêm gọi là Pháp Giới vì giao triệt và dung nhiếp; kinh Kim Cang gọi là Như Lai vì không từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu; kinh Kim Quang Minh gọi là Như Như vì chân thường bất biến; kinh Niết-bàn gọi là Phật Tính vì là thể của ba thân; Khởi Tín Luận gọi là Chân Như, vì chẳng sinh chẳng diệt; kinh Liễu Nghĩa gọi là Viên Giác, vì hay chiếu phá tối tăm; kinh Viên Giác gọi là Tổng Trì, vì mọi công đức từ đây mà lưu xuất v.v…
Đối với cửa Tổ thì dứt tuyệt “… Không đầu đuôi, không danh tự, không tên tuổi, không lưng mặt v.v…”, song cũng chỉ vì ứng cơ tiếp vật nên tên gọi cũng nhiều: “Có lúc bảo là Chánh Nhãn, vì hay soi tướng của muôn loài; có khi gọi là Diệu Tâm, vì hư linh tịch chiếu; có lúc cho là Chủ Nhân Ông, vì xưa nay thường gánh vác; có khi nói là Bát Không Đáy, vì tùy chỗ sinh nhai; có khi gọi là Đàn Không Dây, vì hiện nay ra điệu vận; có lúc gọi là Vô Tận Đăng, vì hay chiếu phá mê tình; có lúc dạy là Ngọc Ma-ni, vì hay giúp người nghèo khó; có khi nói là Xuy Mao Kiếm, vì hay chặt đứt căn trần; có khi gọi là Nước Vô Vi, vì sóng êm bể lặn v.v… cho đến nào là Trâu Đất, Ngựa Gỗ, Tâm Nguyên, Tâm Ấn, Tâm Nguyệt, Tâm Châu, Tự Kỷ, Ý Tổ Tây Sang v.v… thật kể không hết”. Nếu đạt được Chơn Tâm thì muôn tên đều rõ, bằng ngược lại thì mê mờ chấp danh, chấp tướng, vì thế không thể không cứu xét tột nguồn” (Chơn Tâm Trực Thuyết).
Người tu Thiền là thực hành, tham cứu để đạt được chân lý ấy, “Là thấu triệt bổn nguyên, vượt ngoài Tam giới, liễu sanh thoát tử, chẳng thọ hậu hữu, độ mình, độ người, phổ lợi quần sinh”. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là Thiền tông nên cùng với Yếu chỉ này thật không sai khác.
Tuy nhiên, đó cũng là cách nói của người viết hôm nay, còn người xưa thì sao? Xin đơn cử vài trường hợp dưới đây:
* Tăng hỏi Thiền sư Tịnh Không đời thứ 10 dòng Vô Ngôn Thông:
- Thế nào là Phật?
Ngài đáp:
- Nhật nguyệt sáng trời trùm ức cõi,
Ai biết mây mù rơi núi sông.
(Nhật nguyệt lệ thiên hàm ức sát,
Thùy tri vân vụ lạc sơn hà.)
Cùng câu hỏi đó Sơ Tổ Trúc Lâm đáp cho vị tăng: “Nhận đến như xưa cũng chưa phải”, còn trả lời cho Ngài Pháp Loa: “Tấm cám ở dưới cối”.
* Có vị tăng hỏi Tuệ Trung Thượng Sĩ:
- Bạch Thượng Sĩ, thế nào là đại ý Phật pháp?
Ngài đáp:
- Đầu trạnh vỗ sóng mắt sâu bọ
Cánh bằng nhốt gió ruột kiến trùng
(Ngao đầu đả lãng tiêu minh nhãn
Bằng đực đoàn phong lũ nghị trường)
Còn Sơ Tổ Trúc Lâm trả lời cho Pháp Loa: “Cùng hầm đất không khác”. Cùng câu hỏi đó ở Trung Hoa, Ngài Lâm Tế hỏi Thiền sư Hoàng Bá ba lần, mỗi lần ăn ba gậy mà không được đáp một lời.
* Ngài Pháp Loa hỏi Sơ Tổ Trúc Lâm:
- Thế nào là ý Tổ sư từ Tây sang?
Ngài đáp:
- Bánh vẽ.
Cũng cùng câu hỏi đó, Hòa thượng Thủy Lạo ở Trung Hoa hỏi Mã Tổ Đạo Nhất bị Ngài đạp một đạp té nhào. Nhưng vừa ngồi dậy, chợt tỏ ngộ vỗ tay cười ha hả. Có ông tăng chẳng biết điều này thế nào, hỏi Tuệ Trung Thượng Sĩ, Ngài đáp: “Cái đạp của rồng voi chẳng phải sức lừa chịu nổi”.
Thật có biết bao nhiêu cách dạy khác nhau, khai thị cho hàng hậu học, nếu không phải con cháu trong nhà Thiền quả là không có chỗ để tâm.
4. HỎI:
Đã là Thiền tông thì cùng yếu chỉ, vì sao lại có nhiều Tông phái?
XIN ĐÁP:
Thiền tông tuy có cùng nguồn gốc và yếu chỉ, nếu không như thế thì không thể gọi là Thiền tông. Song, do vì đặc thù của người nối pháp truyền thừa trong bối cảnh lịch sử khác nhau, phương pháp hành trì, cơ duyên ngộ đạo sâu cạn và sở trường hoằng hóa khác nhau nên xuất hiện nhiều tông phái. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ra đời cũng trên cơ sở đó.
5. HỎI:
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử tu pháp gì? Lấy pháp gì để tiếp dẫn hậu lai?
XIN ĐÁP:
Thiền tông là chẳng lập văn tự, truyền ngoài giáo lý, chỉ thẳng tâm người thấy tánh thành Phật (Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật) thì làm gì có pháp để tu và cũng không một pháp thật, có thể cho người, chỉ tùy cơ khai thị, tùy bệnh cho thuốc cốt “nhổ đinh tháo chốt” cho kẻ hậu học mà thôi.
Trần Quang Chỉ khi đề từ cho bức tranh Trúc Lâm Đại Sĩ, đã cho ta biết về Sơ Tổ Trúc Lâm lúc còn trẻ như sau: “Khi lớn, Ngài học thông tam giáo và hiểu sâu Phật điển, ngay cả thiên văn, lịch số, binh pháp, y thuật, âm luật, không thứ gì mà không mau chóng nắm được sâu sắc”. Thế nhưng việc “Bổn phận tông chỉ” vẫn còn chưa rõ, Ngài thưa hỏi Tuệ Trung Thượng Sĩ và được trả lời như sau: “Soi sáng lại chính mình là việc bổn phận, chẳng từ nơi khác mà được” (Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc). Nghe xong, Sơ Tổ thuật lại: “Tôi thông suốt đường vào, bèn vén áo thờ làm thầy” (Ngữ Lục Tuệ Trung Thượng Sĩ).
Như vậy, bài pháp mà Thượng Sĩ ban cho là xuất phát từ lòng khát ngưỡng của Sơ Tổ, mong muốn biết được chỉ thú về việc bổn phận. Đồng thời Sơ Tổ thông suốt được đường vào, tức là biết cách hành thiền. Thế thì Ngài hành thiền như thế nào qua lời dạy ấy?
Gốc là soi sáng lại chính mình! Muốn vậy phải rõ biết cái gì là mình? Người thường xem chừng quá đơn giản, thân tâm này nếu không phải là mình thì là cái gì? Chân lý bình dị, thực tiễn, nhưng cũng không phải giản đơn như thế. Cái thật mình phải là một chứ không do duyên hợp (nhiều thứ tạo thành); phải là cái bất sinh bất diệt; phải làm chủ được. Đem thân tâm duyên hợp, vô thường sinh diệt, không tự chủ cho là mình thì thật là quá vô minh. Nhưng nếu lìa thân tâm này mà tìm cái thật mình thì chẳng thể được. Thế nên chẳng phải, mà cũng chẳng lìa (Bất tức bất ly).
Nếu như chưa biết cái gì là thật mình mà vẫn thiết tha để rõ được chân lý ấy, chính là lúc đang tham thiền. Còn đã rõ được mình đương nhiên có chỗ sống, lời dạy soi sáng lại hay phản quan là vì chúng ta thường phóng quan, quên mình theo vật mà thôi.
Đó là lối tùy duyên chỉ thẳng và cách dụng tâm của người xưa.
Sơ Tổ lại hỏi Tuệ Trung:
- Chỉ như gìn giới hạnh trong sạch, không chút xao lãng thì thế nào?
Thượng Sĩ cười không đáp, Ngài lại thỉnh cầu, Thượng Sĩ bèn dùng kệ trả lời như sau:
- Trì giới cùng nhẫn nhục
Chuốc tội chẳng chuốc phước.
Muốn biết không tội phước
Chẳng giữ giới nhẫn nhục.
Rồi Thượng Sĩ lại dặn nhỏ Ngài: “Chớ nói cho người không ra gì biết!”.
Người tu cốt là phải trì giới, nhẫn nhục, nhưng Thượng Sĩ dạy là chuốc tội chẳng phải phước, nếu muốn biết không tội phước thì chẳng giữ giới và nhẫn nhục. Đúng là với người chẳng ra gì, với kẻ vô trí mà nói, họ sẽ phá giới, ngang tàng nguy hiểm, hay hoang mang nghi ngờ phỉ báng. Song, với bậc đại trí thì quả thật là như vậy. Bởi còn giữ giới tức là còn có mầm phạm giới, còn nhẫn nhục tức là còn sân hận, còn cái ngã, là còn chuốc tội. Nếu không còn phạm giới thì cũng không cần giữ giới; không còn sân hận, đã vô ngã thì làm gì có nhẫn nhục! Nếu còn chấp pháp, hành giả không thể nhảy vào mảnh đất Như Lai. Cho nên Thượng Sĩ dạy: “Muốn biết không tội phước, chẳng giữ giới nhẫn nhục”. Như vậy vẫn có tội khi phạm giới, vẫn có phước khi trì giới hạnh. Nhưng Thiền môn không kẹt hai bên, chỉ dạy giữ giới đến chỗ không giới để giữ, nhẫn đến chỗ không gì để nhẫn, tu đến chỗ vô tu mới thật là tu.
Bởi vậy, bài pháp đầu tiên ở chùa Sùng Nghiêm trên núi Linh Sơn để truyền bá Thiền tông, Sơ Tổ Trúc Lâm dạy “Thích Ca Văn Phật vì một đại sự mà xuất hiện giữa cõi đời này, suốt 49 năm chuyển động đôi môi mà chưa từng nói một lời. Nay ta vì các ngươi lên tòa này, biết nói chuyện gì đây?”. Ngồi giây lâu, Ngài ngâm bài kệ rồi vỗ bàn một cái, nói: “Không có gì sao? Ra đây! Ra đây!”
“Chuyển động đôi môi chưa từng nói một lời” là tóm lược lời dạy của Phật trong kinh Kim Cang. Chuyển động đôi môi tức là nói pháp, nhưng không một pháp thật có thể nói, nói mà không thấy mình nói, cũng không thấy có pháp để nói, không thấy người để nghe vì Như Lai thường đại định, vô tâm mà nói nên “Chưa từng nói một lời”. Đây chính là chỉ thú tông thừa vượt ngoài ngôn ngữ đối đãi. Thế nên Tổ bảo “Biết nói chuyện gì đây” tức là không một pháp cho người. Ngài nêu cao yếu chỉ giáo ngoại biệt truyền của Thiền tông. Không pháp cho người nhưng tùy duyên giáo hóa, tùy cơ khai thị nên bảo đại chúng “Ra đây! Ra đây!”. Song, trước khi bảo “Ra đây”, Ngài có nói “Trong đây không có gì sao?” chính là đánh thức con người chân thật ấy trong mỗi học nhân! Ngày nay, Hòa thượng Viện trưởng Thích Thanh Từ dạy “Vô niệm vi tông, vô môn vi pháp môn”: lấy vô niệm làm tông, lấy cửa không làm cửa pháp cùng với chỉ thú trên đây thật không sai khác.
6. HỎI:
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử có những điểm đặc biệt gì so với các tông phái trước đó ở Việt Nam như Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường?
XIN ĐÁP:
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử có những điểm đặc biệt so với các tông phái Thiền trước đó như sau:
* Ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi người Ấn được pháp nơi Tam Tổ Tăng Xán, Ngài Vô Ngôn Thông người Trung Hoa được pháp nơi Bá Trượng - Hoài Hải, Ngài Thảo Đường người Trung Hoa được pháp nơi dòng Thiền Vân Môn (có thể nối pháp Thiền sư Trùng Hiển - Tuyết Đậu), các Ngài đều là người nước ngoài sang Việt Nam làm Tổ truyền thừa, còn Trần Nhân Tông là người Việt Nam thấm nhuần thuần phong mỹ tục người Việt, lại được pháp nơi Tuệ Trung Thượng Sĩ, khai sáng dòng Thiền của Việt Nam đầu tiên do chính người Việt làm Tổ.
* Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đi vào đời sống nhân dân tùy căn cơ giáo hóa, đối với dân thường thì chỉ dạy ngũ giới, hành thập thiện, phá bỏ những hủ tục, miếu thờ thần không chính đáng. Thiền Trúc Lâm lại có tính phổ thông, Thiền Giáo đồng hành, vừa tu thiền, vừa giảng kinh, luận, ngữ lục không những Tăng sĩ mà ngay cả vua quan hay cư sĩ đều có thể tu hành ngộ đạo.
* Thiền phái Trúc Lâm ra đời có tính thống nhất về tư tưởng, Phật giáo Thiền tông trở thành quốc đạo, hai tông phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi và Thảo Đường đến đây theo sử sách hầu như không còn: Dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi truyền thừa được 19 đời, đời thứ 19 là Thiền sư Y Sơn viên tịch năm 1213; dòng Thảo Đường truyền qua 5 đời, đời thứ năm có Lý Cao Tông (1176-1210). Như thế, hai dòng Thiền này hết người truyền thừa trước khi Thiền phái Trúc Lâm ra đời. Duy chỉ có dòng Vô Ngôn Thông được tiếp nối đến Trần Nhân Tông sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
* Nhị Tổ Pháp Loa đã đưa Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử lên đỉnh cao của một thời đại, qua lối chỉ dạy của Ngài có tính chất tổng hợp độc đáo mà các phái Thiền trước đó không có:
Thiền tông không một pháp có thể được, duy chỉ thẳng tâm người thấy tánh thành Phật, nhưng ở góc độ nào đó Cổ đức tóm lược các lối chỉ dạy như sau:
- Đứng trên bản thể mà khai thị, bằng mọi phương tiện, thủ thuật vị thầy đưa người đệ tử trực ngộ bản tâm, đến đây người đệ tử biết đường vào, sống được với đạo gọi là đốn ngộ đốn tu. Đây là trường hợp hy hữu hiếm có. Còn thông thường chỉ có hai trường hợp dưới đây:
- Cũng đứng trên bản thể để khai thị, hay đứng trên quả mà luận, đứng trên quả mà công phu. Bằng mọi phương tiện, thủ thuật vị thầy đưa người đệ tử trực ngộ bản tâm, nhưng chưa sống được với đạo nên cần có thời gian tiêu trừ tập khí, thể nhập chân tâm. Trường hợp này gọi là đốn ngộ tiệm tu. Lối công phu này có tính ưu việt, đường đi sáng sủa đủ niềm tin, không còn lầm lạc nên có câu “Một giờ ngồi thiền, một giờ là Phật” hay “Giác là Phật, mê là chúng sinh”. Tuy nhiên vì là giải ngộ, cũng dễ kẹt vào lý luận, không được chỗ thọ dụng của đạo, nên cần được nhắc nhở bảo nhậm.
- Trường hợp thứ hai, bậc thầy tạo cho họ một phương tiện, một pháp môn hành trì cũng đi đến kết quả. Đây là trường hợp tiệm tu đốn ngộ. Trong trường hợp này tuy chưa thấy kết quả, bị độn công phu, nhưng vì có sức công phu vững nên khi đến kết quả liền được chỗ thọ dụng của đạo.
Để khắc phục hai nhược điểm và phát huy hai mặt mạnh của hai trường hợp trên đây, Nhị Tổ Pháp Loa trong bài “Khuyến Chúng Thượng Thừa Tam Học” có dạy: “Người học Phật trước hết phải thấy tánh. Thấy tánh không phải có tánh bị thấy. Nói thấy, là thấy chỗ không thể thấy mà thấy vậy. Cho nên nói thấy, thấy không phải thấy thì chân tánh hiện. Tánh thấy là vô sanh, sanh thấy thì chẳng phải có, chẳng có cái tánh thật, mà thấy thật không dời đổi. Thế nên gọi là chân thật thấy tánh”.
Sau thấy tánh phải giữ giới thanh tịnh, kế đến tập tọa thiền, “Yếu chỉ của Thiền là thân tâm đều xả”, muốn được như vậy phải tập định tâm. “Thường tự suy xét thân này từ đâu mà đến, tâm này từ đâu mà có? …”. Nghĩa là, trước phải thấy tánh sau lại phải tiếp tục tham thiền!
Thông thường đã thấy tánh thấu triệt thì tự nhiên học nhân biết được đường vào, đâu cần tham cứu tâm? Còn tham cứu tâm thường là chưa triệt, nếu đã triệt thì tham cứu cái gì?
Thế mà, Ngài dạy người học Phật trước phải thấy tánh để đủ niềm tin, không còn lầm lạc. Kế giữ giới thượng thừa tức là đối với thức “Ra vào không giao thiệp gọi ngăn dừng, tuy gọi ngăn dừng mà chẳng phải ngăn dừng. Nên biết tai, mũi, lưỡi thân, ý cũng lại như thế”. Đây cũng chính là chỗ bảo nhậm của người kiến tánh. Đồng thời để không kẹt chỗ giải ngộ, lý luận, cần tham cứu tâm với mục đích tiêu trừ tập khí vọng niệm đi đến chứng ngộ triệt để.
Điều này trong kinh Lăng Già Tâm Ấn phẩm Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm, Thiền sư Hàm Thị có chú giải: “Niệm là vọng giác, si hoặc là bất giác. Chân như không tánh, bất giác vọng động, kiến hoặc vừa sinh liền có vọng giác. Muốn sạch vọng giác phải tìm tột chỗ khởi vọng giác. Muốn ngộ bất giác thì cần xét tột cùng chỗ sinh bất giác. Chừng ấy mới biết chân như không tánh là mật chỉ của chư Phật …”.
Vì vậy, đây cũng là nét đặc biệt của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Ngày nay những lời dạy của Hòa thượng Viện trưởng như nhiều loại thuốc cốt trị tâm bệnh chúng sinh, trong bài pháp bổ túc 10 bức tranh chăn trâu có dạy: “…Hãy nhìn lại vọng niệm phát khởi từ đâu”? cùng với chỉ thú trên đây đâu sai khác.
7. HỎI:
Ai là người đủ tư cách khôi phục Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử?
XIN ĐÁP:
Có hai hạng người:
1. Người đủ tư cách khôi phục Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, tức là người nhận được yếu chỉ Thiền tông, mới xiển dương được tông chỉ, mục đích của Tổ. Nhưng ai là người ấn chứng khi Việt Nam vắng bóng Thiền tông trên thế kỷ? Chúng ta hãy nghe câu trả lời của Hòa thượng Thích Thanh Từ _ Viện trưởng Thiền viện Trúc Lâm trong cuốn “Thiền Tông Việt Nam Cuối Thế Kỷ 20” như sau:
“… Chính Tổ Bồ-đề Đạt-ma đâu không nói: “Cõi này có bốn quyển kinh Lăng Già khả dĩ dùng ấn tâm”. Lục Tổ Huệ Năng ngộ đạo do nghe giảng kinh Kim Cang. Đối với chúng tôi hiện nay cũng thế, dùng kinh để ấn tâm, giảng kinh để ngộ đạo. Có người nghi rằng ngày xưa Thiền sư Huyền Giác nhân đọc kinh Duy-ma-cật nhận ra lý Thiền, vẫn được Thiền sư Huyền Sách khuyến khích đến Lục Tổ ấn chứng, nếu không sẽ thành ngoại đạo thiên nhiên. Chúng tôi ngày nay không có người ấn chứng lại thành ngoài đạo hay không? Thưa rằng, ngày xưa có Tổ ra đời không đến ấn chứng là người đứng ngoài lề Thiền tông. Ngày nay không có Tổ, cũng không có Thiền sư kế thừa, chúng tôi phải nhờ ai ấn chứng? Thế thì kinh, luận, sử, ngữ lục của chư Tổ không đủ ấn chứng sao? Người học đạo cần phải dùng trí phán xét đường lối tu hành đúng Phật, Tổ dạy hay sai Phật, Tổ dạy, đừng đòi hỏi một việc mà không bao giờ làm được”.
Ấn chứng tức là việc xác định chỗ tương đồng giữa thầy trò, tuy nhiên ở khía cạnh nào đó người tu hành tự biết mình. Cũng như đã bước vào cửa, không cần hỏi người gác cổng. Còn hỏi người gác cổng phải, hay không phải? Tức là người còn nghi ngờ, còn đứng ngoài cửa!
“… Ai bảo.
Việt Nam không có Tổ?
Tổ ở nơi xứ nào?
Chỉ tâm ta tỏ ngộ
Ấn Tổ tức in nhau.
Nếu còn chia Nam Bắc,
Phân Đông độ, Tây thiên,
Biết ngay chưa sống Thiền”.
(Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử)
2. Người tuy không nhận được yếu chỉ Thiền tông, nhưng lấy mục đích của Tổ làm mục đích của mình, thực hành theo lời dạy của Tổ, lấy hạnh nguyện của Tổ, kinh, luận, ngữ lục làm kim chỉ nam cho sự nghiệp cao cả của đời mình, cũng chính là người làm sống lại tinh thần Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Hai hạng người này không nhất thiết là tại gia hay xuất gia, cũng không phân biệt giai cấp, đảng phái, tôn giáo bởi Thiền lấy tâm làm gốc, vì ai ai cũng có tâm, nên mọi người đều có thể đến với Thiền, và phục hưng lại Thiền tông trên đất nước này.
8. HỎI:
Vai trò lịch sử của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử xưa và nay như thế nào?
XIN ĐÁP:
Vai trò lịch sử Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử xưa kia gắn liền với sự nghiệp Sơ Tổ Trúc Lâm tức vua Trần Nhân Tông, Người sáng lập Tông phái này. Sự nghiệp của Ngài càng vĩ đại bao nhiêu thì vai trò lịch sử của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử có ý nghĩa bấy nhiêu!
Trần Nhân Tông đã thấm nhuần giáo lý Phật Đà từ thuở nhỏ, lại được “Thiền tủy” nơi Tuệ Trung Thượng Sĩ. Ngài đã có lần bỏ cung điện định trốn vào núi Yên Tử tu hành, nhưng bị vua cha phát hiện cho người tìm, bất đắc dĩ Ngài phải trở về. Vì vậy, sau này dù ở cương vị nào, phong cách của Ngài cũng chính là phong cách của một Thiền gia, đồng thời, mãi mãi nuôi dưỡng thấm nhuần, cho đến cuối đời khi đầy đủ nhân duyên, Ngài xuất gia tu hành chứng ngộ làm Sơ Tổ Thiền phái Trúc Lâm.
Qua những tác phẩm tuyệt tác của Ngài, người ta có thể nhìn Ngài với đôi mắt là nhà Văn hóa lớn, nhưng đó chính là Văn hóa Phật giáo Thiền tông. Những chiến công hiển hách, qua hai lần trực tiếp lãnh đạo và tham gia chiến đấu thắng quân Nguyên Mông, bảo vệ độc lập toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng đời sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân, người ta có thể nhìn Ngài như vị anh hùng dân tộc, một Hoàng đế anh minh, nhưng đó là tâm địa của một Bồ-tát, chiến đấu không phải do lòng căm thù mà phát xuất từ lợi ích và lòng từ bi đối với nhân loại, và thuận theo dòng đời, đúng như lời Quốc sư Phù Vân nói: “Phàm làm đấng nhân quân, thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, và tâm thiên hạ làm tâm của mình”.
Cuối cùng, như hoa sen mọc từ bùn, sống trong cõi đời ngũ trược mà không bị nhiễm ô, xây dựng thế gian mà không bị buộc ràng danh lợi v.v… Ngài nhập thế để rồi xuất thế. Là vua anh minh, là anh hùng có công với dân tộc và cũng là Tổ Sư Thiền. Thế nên, ngày nay hình ảnh của Ngài là biểu trưng cho đạo pháp gắn liền với dân tộc, và đã trở thành một truyền thống cao quý có ý nghĩa thực tiễn trong mọi thời đại.
Ngày nay dù ở cương vị nào, chúng ta cũng đều là con cháu của Ngài, đều có thể tôn thờ và học hỏi ở nơi Ngài. Đây chính là điểm khác biệt so với các bậc tiền bối anh hùng xưa nay, sánh cùng các bậc vĩ nhân trong mọi thời đại.
Ngày nay, Hòa thượng Thích Thanh Từ chủ trương khôi phục Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Hoà thượng đã thực hiện đúng vai trò của mình, và của một Thiền gia: lấy tâm làm gốc, chúng sinh làm bạn, vũ trụ làm nhà. Ngài đã dịch thuật và giảng dạy các kinh điển Phật giáo,và các luận, ngữ lục Thiền sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam đặc biệt là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, ứng dụng tu hành và giảng dạy cho chư Tăng Ni, Phật tử cùng tu học, cùng tiếp nối con đường của chư Tổ.
Thế nên, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử chính thức được phục hưng, đã làm sống lại Thiền học nước nhà hơn thế kỷ vắng bóng. Đồng thời tinh hoa thiền học Thiền phái Trúc Lâm cũng có mặt nhiều nơi trên thế giới góp phần làm rạng rỡ non sông nước Việt, thắt chặt thêm tình bạn bốn phương. Đặc biệt hơn nữa, là góp phần chấn hưng Phật giáo, giúp cho mọi người có thêm chính kiến, xóa dần những hủ tục, mê tín dị đoan, xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh, ấm no, hạnh phúc cho quần sinh.
Mục lục
- 1. Ông vua có tâm Phật
- 2. TÂM THIỀN CỦA SƠ TỔ TRÚC LÂM
- 3. Trúc Lâm Vấn đáp
Tìm kiếm
Tác giả
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 04896
- Online: 14