Bài 11: TẨY THỦ (Rửa tay)
10/06/2015 | Lượt xem: 5196
Bài 11
TẨY THỦ
(Rửa tay)
Đây là bài thứ mười một. Bài này nói đến tinh thần Tỳ Ni rất siêu thoát trong bốn oai nghi. Chẳng hạn như khi chúng ta tiểu tiện, đại tiện hoặc làm bất cứ việc gì cho đại chúng, làm xong chúng ta phải rửa tay cho thật sạch.
Kinh Hộ Tịnh nói:
“Vì lấy tay nhơ chạm thức ăn sạch của Sa môn, lấy thức ăn dơ để trong thức ăn sạch của Sa môn; lấy thức ăn bất tịnh cho Tăng ăn, sẽ đọa làm quỷ đói trong 500 đời, thường ăn đồ bất tịnh”.
Như vậy, chúng ta thấy rõ khi chúng ta làm việc gì cho chúng Tăng ăn, đều phải ý thức rõ là cúng dường cho chư Phật. Có rất nhiều vị khi mới vào tùng lâm không chịu khó nghiên tầm Luật học, chỉ một bề xem xét Thiền ngữ của Tổ, phần nhiều rơi vào những trường hợp này. Nếu người có trách nhiệm hướng dẫn chỉ bảo rửa rau hoặc làm cho thật sạch… Họ trả lời rằng: trong cũng dơ đâu cần gì phải rửa sạch. Đây là ngôn ngữ của quỷ mị, chẳng phải là bậc thắng nhân tu đạo. Họ đâu có biết một khi mất thân người, muôn kiếp khó trở lại, sanh tử dài lâu trải dài kiếp sống trong khổ hải.
Kinh Chánh Pháp niệm nói:
“Loài quỷ thọ 500 tuổi, cứ 100 năm của thế gian bằng một ngày đêm của bọn ngạ quỷ, và bọn quỷ đã thọ 500 tuổi với ngày đêm như vậy”.
Thọ mệnh dài ngắn như trên là do nghiệp của chúng có loại nặng, có loại nhẹ nên quả báo thấy được cũng khác nhau.
Đây chính là cơ cảm chúng sanh, nếu trong giờ phút hiện tại ta cứ một bề sống theo vọng niệm: ích kỷ, san tham, tật đố, có tâm hại người… thì khi chết chắc chắn sẽ tái sanh vào chốn ngạ quỷ. Còn khi chúng ta luôn luôn sống với tâm thanh tịnh, dang ray rộng mở đón những kẻ cùng khốn, có tâm thương người, tùy hỷ với hạnh phúc của tha nhân, khi chết người này sẽ tái sanh về chốn nhàn cảnh. Như Kinh nói:
1. Loài trời thấy nước tưởng là lưu ly.
- Loài người thấy nước uống.
- Loài quỷ mị thấy nước tưởng là nước đồng sôi.
Như đây mà quán chiếu, chỉ có một dòng nước mà các loài thấy khác nhau. Huống nữa ta luôn luôn sống trong vọng niệm tham ái, thì khi chúng ta uống nước ấy, song ta đang uống nước đồng sôi. Vì sao? Vì tâm ta luôn luôn chứa đựng những thứ cặn bã của sự hận thù, ích kỷ và tật đố. Do đó, Tổ dạy khi đến nước rửa tay ta thầm tụng:
Dĩ thủy quán chưởng
Đương nguyện chúng sanh
Đắc thanh tịnh thủ
Thọ trì Phật pháp
Án, chủ ca ra da sa ha. (Tam biến)
Nghĩa:
Lấy nước rửa tay
Cầu cho chúng sanh
Được tay trong sạch
Thọ trì Phật pháp.
Chú thích:
Đây là bài kệ Tỳ Ni thứ 11. Bài này nói đến tinh thần siêu thoát của nhà thiền. Khi chúng ta làm việc gì xong, nên nhờ đến nước rửa tay trong sạch không để cho dơ bẩn, làm ảnh hưởng đến con đường tu tập của chính mình.
Sách Khê Đường Tạp Lục nói:
“Trong niên hiệu Nguyên Hựu có một vị Tăng người đất Thục là Pháp sư Trí Siêu, từng tụng Kinh Hoa Nghiêm đã 30 năm, bỗng gặp một đồng tử có tác phong trang nghiêm diện mạo trong sáng, giơ tay xá chào.
Thầy Siêu hỏi: - Chú ở đâu đến?
Đáp: - Tôi có chút việc muốn nhắc nhở nhau.
Thầy Siêu nói: - Vâng, tôi xin được nghe.
Vị đồng tử nói: - Thầy tụng Kinh Phật thật đáng khen! Nhưng mắc lỗi lên nhà xí tẩy tịnh, nước dơ thấm lên lưng bàn tay, mà không dùng nước tro rửa lại. Việc sử dụng nước tro, luật chế bảy lần, nay thầy chỉ dùng 2 – 3 lần, do đó còn dơ, lễ Phật tụng Kinh đều mắc tội.
Nói xong biến mất. Thầy Siêu thẹn mà sửa lỗi.
Người biết có kẻ bảo: - Đây ắt là Văn Thù hóa hiện để cảnh giác cho thầy Siêu”.
Đây nói về thầy Trí Siêu, tuy là tụng Kinh thật đáng khen! Song trong lúc tẩy tịnh không được sạch sẽ, nên bị đồng tử đến chỉ điểm. Thầy cảm thấy hổ thẹn và phấn chí tu tiến thêm! Đây là cơ cảm của nhà Phật, ngày nay có những vị tôn túc tu hành miên mật, nếu lỡ làm việc gì có di hại đến việc tu hành, thường đêm ngủ mộng có Bồ Tát đến chỉ dạy. Do đó phàm là người tu đạo phải xét kỹ về điểm này! Nghĩa là khi làm việc gì ta phải làm cho thân tâm đều được trong sạch, không làm việc gì cho tự kỷ mà đều vì cho Tam Bảo.
Nên Kinh nói:
“Tay dơ mà cầm Kinh, sẽ bị quả báo làm trùng trong nhà xí”.
Ở đoạn này có hai nghĩa:
1. Sau khi đại tiện xong nếu chúng ta tẩy tịnh không sạch, thì cầm Kinh xem, sẽ bị tổn phước di hại đến việc tu hành.
2. Kinh là kim ngôn của Phật, nếu ta không dùng nước công đức rửa tay sạch, thì không có năng lực thọ trì Phật pháp. Vì sao? Vì trong vô lượng kiếp trước cũng vì tâm tham dục, sân hận, si mê, ảo vọng… Ta không làm chủ được tâm, nên xui khiến thân tạo tội rất nhiều, mà phần nhiều tay là hành động chủ yếu. Nên nói: “Bàn tay ta đẫm máu không biết bao nhiêu sanh mạng”. Do sát sanh, trộm cướp, tà dâm, uống rượu. Ngày nay muốn rửa tay cho được trong sạch, để thọ trì Thánh pháp của Phật. Ta phải dùng đến nước: “Ngũ phần pháp thân hương vậy!”.
Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, đức Lục Tổ dạy:
1. Giới hương: Tức là trong tâm mình không có quấy, không có ác, không tật đố, không tham sân, không cướp hại gọi là Giới hương.
- Định hương: Thấy các cảnh thiện ác, tự tâm chẳng loạn gọi là Định hương.
3. Huệ hương: Tâm mình không ngại, thường dùng trí huệ quán chiếu tự tánh, chẳng tạo các ác, tuy tu các hạnh lành mà tâm không chấp trước, kính bậc trên, thương kẻ dưới, cứu giúp người cô bần gọi là Huệ hương.
4. Giải thoát hương: Tâm mình không có chỗ phan duyên, chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, tự tại vô ngại gọi là Giải thoát hương.
5. Giải thoát tri kiến hương: Tự tâm đã không có chỗ phan duyên thiện ác, không thể trầm không tuệ tịch, tức là phải học rộng nghe nhiều biết bản tâm mình, đạt được lý của chư Phật, hòa quang tiếp vật, không ngã không nhơn, thẳng đến Bồ đề, chân tánh không đổi. Gọi là Giải thoát tri kiến hương”.
Đoạn này Lục Tổ dạy rất rõ về phần “Ngũ phần pháp thân Hương”. Nghĩa là hương này không phải là hương thường, mà chính là hương từ sự huân tu nội tại của ta mà phát tác. Như vậy ta muốn được tay trong sạch, để thọ trì Phật pháp, ta phải dùng đến loại nước “Ngũ phần pháp thân hương này!” Vì sao? Vì bàn tay ta từ vô thỉ kiếp đến nay, tạo tội không biết bao nhiêu tội lỗi, ta phải dùng đến nước pháp thân này mà tẩy tịnh để xa lìa những cấu uế của tham dục, sân hận, si mê và ảo vọng.
Như trong Luận Phát Bồ đề Tâm nói:
“Nếu có kẻ thiện nam tử nào tu sáu Ba la mật, cầu Vô thượng chánh đẳng chánh giác, cần phải xa lìa bảy pháp như sau:
1. Xa lìa ác tri thức: Ác tri thức là những người dạy bảo kẻ khác xa lìa chánh tín, xa lìa tinh tấn, xa lìa tình thương mến đối với chúng sanh.
2. Xa lìa nữ sắc: Không tham đắm thị dục, xa lìa những nơi thế nhân ồn ào, nhưng luôn giữ chánh sự của mình, tức là đạo nghiệp vậy.
3. Xa lìa ác giác ác quán: Phải tự quán sát hình dung, tham tiếc ái trọng còn nhiễm đắm, thủ hộ, gọi đó là lỗi lớn.
4. Xa lìa sân nhuế, kiêu mạn, tật đố, cho đến những sự khởi phát tranh tụng làm hại thiện tâm.
5. Phải xa lìa phóng dật, kiêu mạn giải đãi, tự giữ gìn các điều thiện nhỏ đối với người, phải tự thầm trách chớ để người khinh khi thầm trách ta.
6. Phải xa lìa người ngoài đạo và sách vở ngoại đạo, cho đến văn chương thế tục, những ngôn ngữ hoa mỹ, chẳng phải là lời Phật dạy, thì chẳng đọc tụng ngợi khen.
7. Chẳng nên thân cận kẻ tà kiến, ác kiến.
Như vậy chúng ta muốn được trong sạch, để thọ trì Phật pháp, xiển hóa Đại thừa. Trước khi chúng ta phải xa lìa ác tri thức. Vì sao? Vì ác tri thức hay xúi bảo ta làm những việc phi hạnh Phật. Chẳng hạn như: họ xúi người ta uống rượu, ăn thịt, bỏ phế việc tu đạo, lấy tham dục làm chính. Đây là con đường dẫn dắt chúng ta xuống hỏa ngục nên ta phải buông bỏ. Kế chúng ta phải xa lìa nữ sắc, xa chốn phồn hoa đô thị, những nơi nào ma nghiệp tăng trưởng, Phật tâm tổn giảm, ta phải xa lìa để tăng trưởng thiện tâm.
Đây chính là con đường:
Lấy nước rửa tay
Cầu cho chúng sanh
Được tay trong sạch
Thọ trì Phật pháp.
Các bài mới
- Bài 12 : TẨY DIỆN (Rửa mặt) - 09/06/2015
- Bài 13: ẨM THỦY (Uống nước) - 06/06/2015
- Bài 14: Y NGŨ ĐIỀU (Y năm điều) - 04/06/2015
- Bài 15: THẤT Y (Y bảy điều) - 03/06/2015
- Bài 17: NGỌA CỤ (Đồ nằm) - 02/06/2015
Các bài đã đăng
- Bài 16: ĐẠI Y (Y lớn) - 01/06/2015
- Bài 18: ĐĂNG ĐẠO TRÀNG (Lên đạo tràng) - 31/05/2015
- Bài 19" TÁN PHẬT (Ca tụng Phật) - 30/05/2015
- Bài 21: CUNG TỊNH BÌNH (Cung bình sạch) - 28/05/2015
- Bài 20: LỄ PHẬT (Lạy Phật) - 28/05/2015
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 05184
- Online: 36