Bài 19" TÁN PHẬT (Ca tụng Phật)

30/05/2015 | Lượt xem: 12586

Bài 19

TÁN PHẬT

(Ca tụng Phật)

Tán: tiếng phạn là Tuất đát la, là xưng dương ca tụng đức; đó là xưng dương công đức của Phật, tán thân tướng tốt của Phật, xưng dương các thứ mỹ đức của Phật, tán thán các thứ diệu hạnh của Phật.

Tại sao chúng ta lại tán thán công đức của Phật? Vì sao? Vì trong đời hiện tại Đức Phật dám rũ bỏ tất cả mọi quyền uy, danh vị, cung vàng điện ngọc… ra đi tầm cầu chân lý, mở ra con đường bất tử cho nhân loại, và giải thoát những tập cấp nô lệ, đang chìm đắm trong bể khổ kỳ thị tại xứ Ấn Độ thời bấy giờ.

Trong quá khứ, khi còn hành Bồ tát đạo, Thế Tôn bố thí cả quốc thành, thê tử… mục đích duy nhất là: Đạt đến quả Vô thượng giác.

 

Trong Kinh A Hàm Phật xác chứng:

“Một người, này các Tỷ kheo, khi xuất hiện ở đời, là xuất hiện một cách vi diệu. Người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A la hán Chánh đẳng giác”.

Như vậy, bằng tất cả tâm thành, tín lực – tấn lực, chúng ta dẫu có tán dương công đức của Phật, từ đời này qua kiếp khác, cũng chưa tròn đủ. Vì sao? Vì năng lực của Thế Tôn, đã trải thân qua vô lượng kiếp, cần khổ tu tập pháp hạnh ba la mật, nên ngày hôm nay chúng ta mới có cơ duyên học hỏi và tu tập.

Trong Kinh có ghi:

“Bấy giờ vua Ba Tư Nặc thỉnh  Phật và Tăng chúng vào cung thọ trai. Khi ấy có một thầy Tỷ kheo, miệng thở ra thơm như hoa sen. Vua sanh tâm nghi hoặc, sợ quyến rũ người trong cung, vua sai bảo thầy Tỷ kheo súc miệng, thầy Tỷ kheo càng xúc miệng càng thơm. Vua thân hành đến thưa Phật, Phật xác chứng rằng: Trong vô lượng kiếp về trước, thầy Tỷ kheo này, thường thăng tòa tán thán về công hạnh chư Phật khắp mười phương, bởi do nhân duyên này, nay được quả báo thù thắng”.

Như vậy, chúng ta thấy rõ nhân quả rất là tương ưng. Khi ta tán thán ca ngợi công hạnh của người nào đó, bằng vào tấm lòng từ bi - hỷ -  xả, thì chính trong giờ phút thực tại này, từ nơi năng lực của tự thân, phát khởi chất liệu an vui hạnh phúc, chính nhờ vào năng lực này, nó đi theo chúng ta từ đời này sang  kiếp khác. Đây chính là hạt giống thiện pháp, gieo vào trong tâm thức của chúng ta. Do đó mỗi một lời nói, một ý nghĩ ta phải luôn luôn chánh niệm và tỉnh giác, cẩn trọng lời nói. Vì sao? Vì lời nói ra có thể cứu người, và cũng có thể giết người.

Nên Thiền Sư Thạch Sơn nói:

“Hãy để miệng lên meo như cây quạt mùa đông, như tro tàn trong mếu cổ đi”.

Ở đây, Thiền sư dạy chúng ta dè dặt lời nói, chớ nghĩ đâu nói đó. Vì sao? Vì khi chúng ta nói ra dễ làm người thân chúng ta xúc não, di hại đến công phu tu tập của chính mình.

Nên Cố Hòa Thượng Thiện Hòa dạy:

“Người khôn nói ít nghe nhiều,

Lựa lời đối đáp lựa lời hỏi han.

Trước người hiền ngỏ khôn ngoan

Nhường trên một bước rộng đường dễ đi

Chuyện người chớ nói làm chi

Chuyện mình, mình biết vậy thì mới khôn”.

Như vậy, chúng ta thấy rõ sự tu hành điều kiện cần yếu là giữ gìn khẩu nghiệp cho được thanh tịnh, một khi ta nói điều gì đều trong tinh thần thương và hiểu. Ta luôn luôn phát nguyện là sứ giả của lòng thương và tha thứ, bao dung và độ lượng… Trong cuộc sống giữa đời thường này, với từng cạm bẫy của sự lọc lừa và phản trắc, bằng tất cả tâm thành, ta luôn luôn hướng đến chỗ chí thiện. Song chỗ chí thiện này, ta đừng tưởng lầm phải tìm kiếm tận chân trời góc bể nào! Mà chính ngay nơi hành động của tự thân ta, một lời nói thiện, một hành động thiện, là nhân tố trợ duyên cho ta đạt đến con đường chân lý tối thượng.

Trong Khóa Hư Lục vua Trần Thái Tông nói:

“Tâm là gốc thiện ác, miệng là cửa họa phúc. Nghĩ một niệm thì hưởng ứng không sai, nói một lời thì bóng theo chẳng lệch. Quân tử trọng lời nói như biện, cổ nhân ngừa nói như bình. Nói ra thì ngay thẳng công bằng, mở lời thì cong queo tà vạy. Không nói đây hay kia dở, chẳng bàn mình phải người sai. Đâu dám khua môi múa lưỡi, cần phải giữ miệng gìn lời. Vả lại nghiệp của thân là nặng, song họa của miệng là trước. Chẳng những kẻ nói là vọng ngôn, còn khiến người nghe làm bậy. Đời này bị người khinh rẻ, sau khi chết bị nghiệp kéo lôi. Hoặc kềm sắt kéo lưỡi cam chịu chua cay, hoặc nước đồng sôi rót miệng lòng ôm đau đớn”.

Đây chính là quả khổ, khi ta gieo những hạt giống bất thiện vào trong tâm thức ta, có những người khi còn khỏe mạnh, haY nói những lời thô tục, song đến khi bệnh nằm tại giường, các khổ tranh nhau bức ngặt, thì mới ăn năn, đợi đến khát đào giếng sao cho kịp, sao không ngay đây, ngay trong giờ phút thực tại, ta luôn luôn thầm tưởng và tán thán:

Pháp Vương Vô Thượng Tôn

Tam giới vô luân thất

Thiên nhân chi đạo sư

Tứ sanh chi từ phụ

Ư nhất niệm quy y

Năng diệt tam kỳ nghiệp

Xưng dương nhược tán thán

Ức kiếp mạc năng tận.

Nghĩa:

Đấng pháp Vương Vô Thượng

Ba cõi chẳng ai bằng

Đạo sư của trời người

Cha lành chung bốn loại

Đối một niệm quy y

Diệt được nghiệp ba kỳ

Xưng dương hay tán thán

Ức kiếp không thể hết.

Đây là bài kệ Tỳ Ni thứ 19. Bài này nói đến sự vi diệu, khi một hành giả tán thán về công đức của đức Phật. Thật vậy, sự vi diệu của Đức Phật thật không thể nghĩ bàn. Hành giả nào đã kinh qua sự vi diệu này, mới cảm nhận được sức đại nguyện và hùng lực của chư Phật.

Nên trong Kinh Pháp Hoa nói:

“Nếu người tâm tán loạn

Vào ở trong tháp miếu

Nhất tâm Nam mô Phật

Đều được thành Phật đạo”.

Tâm tán loạn tức là tâm vọng tưởng, vọng tưởng về quá khứ vọng tưởng về tương lai… nên không nhận chân được tri kiến Phật. Một khi trở về giác tâm tức là thành Phật. nên nói: “Một niệm mê là chúng sanh, một niệm giác tức là Phật”.

Như vậy, nhất tâm hướng về Phật, tán dương công đức Phật là thành tựu nhân Phật, từ nhân Phật là tiến thẳng đến quả Phật, cho nên nói: “Nhất tâm Nam mô Phật, đều được thành Phật đạo”. Lại nữa, tâm ta mê chạy theo ngoại cảnh, nên sanh ra nhân ngã – bỉ thử… Tâm ta giác chiếu diệu ra muôn pháp nên phát khởi năng lực từ bi và trí huệ, từ nhân tố này hành giả luôn luôn có chiều hướng chí thiện, do đó dùng tâm chánh trực đi vào cuộc đời này, tô điểm cho dòng Thánh Pháp bất tận. Nhân tố này có được là do ta dùng tâm hoan hỷ, tán dương công đức Phật.

Nên Kinh Pháp Hoa nói:

“Hoặc dùng tâm hoan hỷ

Ca tụng công đức Phật

Cho đến một âm nhỏ

Đều đã thành Phật đạo”.

Như vậy, hành giả dùng tâm hoan hỷ tán dương công đức của Phật, dù là một âm nhỏ thì công đức đó cũng không thể nghĩ bàn. Vì sao? Vì công đức vi diệu của Như Lai, dù hành giả có xưng dương tán thán ức kiếp cũng không tính hết, nên hành giả dùng tâm hoan hỷ ca tụng một pháp khúc của đấng Thiện Thệ, thì phước đức làm sao sánh kịp! Cho nên nói:

Cho đến một âm  nhỏ

Đều đã thành Phật đạo.

Một âm nhỏ này với một tâm thái hoàn toàn vắng lặng, thì dung lượng của nó thật không thể nghĩ bàn, thoát ra thì bao trùm pháp giới, thu vào thì không có hình tướng, nó vượt thoát không gian và thời gian, nó xuyên suốt ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai, nó bàng bạc khắp hương đồng cỏ nội… Sở dĩ nó dung chứa năng lượng lớn như thế, vì bản chất của nó là “Vô tướng”, nó bao trùm khắp pháp giới mà không có hạn lượng. Vì bản chất của nó là “Vô thanh”, nên không có một thế lực quyền uy nào nắm bắt và đong đếm nó được! Vì bản chất của nó là “Vô trụ”.

Ngay trong giờ phút thực tại này, khi hành giả với tâm thái tĩnh tại, dùng tâm hoan hỷ tán dương công đức của Như Lai, thì công đức này không thể nào tính đếm được. Vì bản chất của dòng âm thanh này là “Vô niệm”. Song muốn đạt đến trạng thái này, thì trong cuộc sống giữa đời thường ta luôn luôn tùy hỷ va tán thán việc tốt của người:

Ngay một niệm trở về

Thì hằng sa tội diệt

Muốn tội pháp đốn này

Tùy xứ Tát bà ha

Như vậy, sự thành tựu Phật quả, do công đức tán dương Đức Phật thật không thể nghĩ bàn. Hành giả nào khi gia công tu tập nên chín chắn xem kỹ, khỏi phải: “Thần khẩu hại xác phàm”.

Trong Kinh Bồ Tát Bổn Hạnh nói:

“Giáo hóa vô số ức, độ người thành Bích Chi Phật, hay có người dùng tứ sự cúng dường 100 năm thì được công đức rất nhiều, nhưng không bằng có người dùng tâm hoan hỷ, với một câu hay bốn câu kệ tán thán Như Lai thì công đức vô lượng”.

Trong Kinh A Hàm nói:

“Người nào tâm thành tán thán và tưởng niệm ân đức Phật thì được thành tựu 16 pháp sau:

  1. Có tâm biết đủ.
  2. Khi chết được sanh về nhàn cảnh.
  3. Kiếp sau được gặp Phật vị lai, dễ dàng hiểu biết được bốn sự thật của thế gian.
  4. Được sanh vào dòng tộc cao quý.
  5. Được người khác cung kính.
  6. Là người xứng đáng được tán dương khen ngợi.
  7. Sắc thân được xinh đẹp.
  8. Thân thể tỏa mùi hương thơm.
  9. Miệng có mùi thơm tỏa ra khi nói.
  10. Trí huệ được phát sanh đầy đủ.
  11. Có sự thông suốt về trí huệ.
  12. Kiến thức cao quý được đầy đủ.
  13. Trí huệ nhạy bén và cực kỳ nhanh nhẹn.
  14. Tâm trí đầy đủ sự thông minh và nhiều an vui.
  15. Đầy đủ các trí huệ đặc biệt.
  16. Lời nói hay chính xác.

Như vậy, hành giả dùng tâm chí thiện tán dương về công hạnh của đức Phật, được quả báo tối thượng, đây chính là sự thành tựu về con đường vô thượng. Vì sao? Vì sự tán thán về công đức của Phật nó chính là những hạt giống thiện pháp, tưới tẩm vào dòng tâm thức của chúng ta, những hạt giống này là lộ trình đưa ta đến Phật vị, nhờ những hạt giống thiện pháp này mà trên bước đường tầm cầu chân lý, ta ít gặp sự trở ngại nào khi nghịch duyên chưa đến. Vì sao? Vì Phật chính là giác, một khi tâm Phật phát sanh thì mê tình tự ẩn, do đó người học Phật phải luôn luôn thầm tụng niệm:

Đấng Pháp Vương Vô Thượng

Ba cõi chẳng ai bằng

Đạo sư của trời người

Cha lành chung bốn loại.

 

 

Các bài đã đăng

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 88905
  • Online: 64