Bài 22 : THỌ THỰC (Thọ trai)

26/05/2015 | Lượt xem: 9415

Bài 22

THỌ THỰC

(Thọ trai)

Thọ (Vedana) là lãnh nạp. Thực (ahara) thì nuôi lớn cho thâm tâm.

Trong Luận Bà Sa nói:

“Ăn có thể thực hiện trong hai thời, đều được gọi là ăn. Một là lúc ăn sáng trừ được đói khát, hai là ăn trưa tiêu hóa rồi nuôi thân thể là việc lớn”.

 

Kinh Ngũ Bách Vấn nói:

“Không mặc ba y mà thọ thực thì phạm tội đọa”.

Luật dạy: chúng Tăng trước khi thọ thực phải rửa tay, miệng sạch. Đây là ngầm tiêu biểu trước khi thọ thực, ba nghiệp phải thanh tịnh thấu thoát pháp trần đều duyên hội tụ, nên khi ăn tâm không đắm nhiễm nơi sắc trần mà đọa lạc.

Trong Thiên Môn Cảnh Tỉnh Truyện ghi:

“Xưa có một Sa di tâm thường ưa thích váng sữa, Sa di được mỗi phần thừa, tâm sanh đắm nhiễm, vui mừng không nguôi. Sau khi mạng chung, bị đọa làm loại trùng trong bình váng sữa thừa ấy.

Thầy của Sa di đã chứng quả A la hán, mỗi khi Tăng chia váng sữa thì thầy nói:

- Hãy cẩn thận từ từ! Chớ làm tổn thương chú Sa di ưa váng sữa ấy.

Mọi người lấy làm lạ nói:

- Đó là loại trùng, sao gọi là Sa di ưa váng sữa?

Thầy đáp:

- Con trùng ấy vốn là Sa di đệ tử của tôi, chỉ vì tham ăn váng sữa thừa nên sanh trong bình này.

Thầy được phần váng sữa, trùng từ từ bò ra, thầy nói:

- Ngươi ưa váng sữa sao mà đến nơi đây.

Liền lấy váng sữa đưa cho”.

Sách Căn Bản Tát Bà Đa, Bộ Luật Nhiếp nói:

“Lúc ăn ngồi thong chân, oai nghi nghiêm chỉnh, không nên quay nhìn, nên sanh tư tưởng nhàm chán. Trụ ở chánh niệm, tâm thanh tịnh không lay động rồi mới ăn. Nếu khác điều này thì phạm tội vượt pháp”.

Đoạn này nhắc nhở người tu tập khi ăn  phải luôn có ánh sáng chánh niệm,vì chánh niệm có mặt nên tâm hành giả không có tâm thủ xả, vượt thoát cảnh giới nhị nguyên phân biệt của phàm tình, mà siêu thoát lên cảnh giới tự tại của bậc Thánh triết. Do đó nhà thiền chủ trương ngay động tức tịnh, ngay niệm tức vô niệm, ngay sanh tức vô sanh.

Nên có một nhà thi sĩ Nhật Bản làm thơ “Sống” rằng:

Sống là động mà lòng luôn bất động

Sống yêu thương mà lòng chẳng vấn vương

Sống hiên ngang giữa danh lợi chẳng màng

Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến.

Như vậy, “Thiền” là sống nơi cái “Động” mà nhận ra cái “Bất động”, ngay nơi “Tạo tác” mà nhận ra cái “Vô tác”, ngay nơi “Thọ thực” mà nhận ra cái “Vĩnh hằng” thường tại, chỉ trong khoảng sát na này bậc đại trí không bỏ mất công  phu đó mới chính là:

Tùy duyên tiêu nghiệp cũ

Hồn nhiên mặc áo xiêm.

Nên trong Thiền Thoại có ghi:

“Tăng hỏi Thiền Sư Triệu Châu: - Chẳng lẽ ngày nào cũng mặc áo, ăn cơm?

Thiền sư Triệu Châu hỏi: - Vậy chứ ông muốn sao?

- Làm sao để không mặc áo, ăn cơm?

Thiền sư Triệu Châu nói: - Thì hãy mặc áo, ăn cơm!

Tăng ngơ ngác: - Con chưa hiểu.

Thiền Sư Triệu Châu bảo: - Thôi cứ về mặc áo, ăn cơm đi!”

Mặc áo, ăn cơm, rửa chén, súc miệng… là những chuyện bình thường, những chuyện sinh tử. Song muốn thoát vòng sinh tử này, hành giả phải ngay nơi sanh tử mà nhận ra cái bất tử, ngay nơi cái hữu hạn mà nhận ra cái vô hạn. Do đó, Thiền Sư mới khai thị ông Tăng: “Thôi, cứ về mặc áo, ăn cơm đi”.

Trong bài Cư Trần Lạc Đạo của Sơ Tổ Trúc Lâm cũng nói:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên

Cơ tắc san hề khốn tắc miên

Gia trung hữu bảo hưu tầm mích

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

Dịch:

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên

Đói đến thì ăn mệt ngủ liền

Trong nhà sẵn báu thôi tìm kiếm

Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.

Cho nên, trước khi cầm bát thọ thực hành giả  phải chánh niệm tụng thầm kệ chú:

Nhược kiến không bát

Đương nguyện chúng sanh

Cứu cánh thanh tịnh

Không vô phiền não

Nghĩa:

Nếu thấy bát không

Cầu cho chúng sanh

Rốt ráo thanh tịnh

Không có phiền não.

Chú thích:

Đây là bài kệ Tỳ Ni thứ 22. Bài này nói đến tinh thần của Bát nhã.

Nên trong Kinh Lăng Già Phật nói:

“Lấy tâm làm tông, cửa không là cửa pháp”

Nhà thiền cũng nói: “Đờn không dây, bát không đáy”. Do đó hành giả một khi chiếu kiến vào tự thể của nội tâm đột phá đến cảnh giới vô niệm mới hay ra rằng:

Ba thuở tìm tâm, tâm chẳng thấy

Tấc lòng kiếm vọng, vọng hoàn không.

Đến đây rồi, hành giả đâu thể an hưởng niềm vui tịch diệt này cho riêng mình, nên đồng phát nguyện:

Nếu thấy bát không

Cầu cho chúng sanh

Rốt rao thanh tịnh

Không có phiền não.

Như vậy, hành giả một khi chiếu kiến vào nội tâm, thốt nhiên thấu tột ngã không, pháp không thì tức khắc thanh tịnh. Không còn phiền não, từ đây đất trời luôn rộng mở ung dung tự tại mà siêu thoát, mới hay ra rằng: “Cảnh đời là mộng huyễn, tạm mượn thân huyễn này, dùng chút ít vật huyễn dể hoàn thành Phật đạo huyễn. Song huyễn mà vẫn thường như, nên gọi là : “Như huyễn Tam muội”.

Nên trong Kinh Pháp Cú, Phật dạy:

“Nhìn đời như ảo ảnh

Nhìn đời như bọt nước

Ai nhìn đời như thế

Chẳng bị thần chết lôi”.

Nhìn cuộc đời như ảo ảnh là không phải chán bỏ cuộc đời, xa lánh cuộc đời này, mà phải ở ngay nơi cuộc đời mà siêu thoát cuộc đời. Nên nhà thiền có câu: “Từ khước và xa lìa”. Từ khước là từ bỏ những tham dục khát ái, tật đố và ganh ghét, mà không từ bỏ cuộc đời. Xa lìa là xả bỏ những tham đắm vật dục ác pháp, mà không xa lánh cuộc đời này, nên khi chiếu kiến vào bình bát ta lại thầm tưởng kệ chú:

Nhược kiến mãn bát

Đương nguyện chúng sanh

Cụ túc thạnh mãn

Nhất thiết thiện pháp

Nghĩa:

Nếu thấy bát không

Cầu cho chúng sanh

Đầy đủ sung mãn

Tất cả pháp lành.

Các bài mới

Các bài đã đăng

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 98732
  • Online: 18