Bài 6:HÀNH BỘ BẤT THƯƠNG TRÙNG(Bước đi không hại sâu bọ)

17/06/2015 | Lượt xem: 4715

Bài 6

HÀNH BỘ BẤT THƯƠNG TRÙNG

(Bước đi không hại sâu bọ)

 

Đây là bài thứ sáu trong pháp hành Tỳ ni. Bài này nói lên vai trò chủ yếu trong lúc hạ thủ tham Thiền. Phàm là bậc tu đạo khi đi đường mắt phải luôn nhìn thẳng về phía trước, không liếc ngó hai bên mà làm thương tổn sinh mạng chúng sanh dưới chân mình. Do đó hàng xuất gia tu đạo đi như pháp, khi đi đường luôn chánh niệm oai nghi tề chỉnh, sáu căn thu nhiếp, khởi bi tâm đến các loài ve muỗi, kiến, trùng… và thẩm tưởng niệm bài kệ:

 

Nhược cử ư túc

Đương nguyện chúng sanh

Xuất sanh tử hải

Cụ chúng thiện pháp.

Nghĩa:

Nếu cất bước đi

Cầu cho chúng sanh

Ra biển sanh tử

Đủ các pháp lành.         

Chú thích:

Đây là bài kệ chú rất là siêu thoát. Phàm một khi cất bước ra đi, là quyết độ mình và người ra biển sanh tử. Song muốn ra biển khổ sanh tử này, ta không phải học bài kệ suông mà siêu thoát được! Bài kệ này Phật dạy là : Trong sinh hoạt hàng ngày, trong sự tu tập hàng ngày, phàm khi đi, đứng, nói năng đều thực tập kiểm soát thân, khẩu, ý của chúng ta mới mong siêu thoát biển khổ sanh tử được. Vì sao? Vì biển khổ tuy nhiều, song xoay đầu tức là bờ vậy!

Như vậy, một khi cất bước ra đi, ta luôn luôn tỉnh giác trong giờ phút thực tại, ngay tại đây và bây giờ. Ông chủ của chúng ta lúc nào cũng hiện hữu, ứng tác từ tâm thanh tịnh. Nhưng chúng ta đang làm việc gì nếu chúng ta khởi niệm có ông chủ, đầu lại thêm đầu.

Do đó Tổ sư dạy:

“Ngay đó hãy thừa đương, chớ cưỡi trâu tìm trâu vô ích”.

Song muốn nhận diện ra ông chủ của chính mình, phải chứng nghiệm bằng thực chứng nơi tự thân, còn chỉ nghe và tư duy, thì chúng ta không thể nào chứng nghiệm được!

Nên Tổ Quy Sơn dạy:

“Luận về người xuất gia bước đi siêu việt, tâm hình khác tục, nối thạnh giống Thánh, khiếp phục ma quân, hòng để đền đáp bốn ân, cứu giúp ba cõi. Nếu không như thế lộn núp lốt thầy, ngôn hạnh sỗ sàng, ăn lường tín thí, lâu năm đường cũ, tấc bước chẳng dời, mãn kiếp lừng khừng, lấy đâu nương tựa”.

Đọc qua bài văn cảnh sách của Tổ Quy Sơn, đâu khác gì bài pháp kệ Tỳ Ni. Phật dạy là: “Nếu cất bước đi là phải vượt thoát biển khổ sanh tử”, tự mình được lợi ích và phổ độ loài hữu tình cũng được nhiêu ích như mình. Do đó gánh nặng của người xuất gia không phải là nhẹ. Vì sao chúng ta phải giúp ích loài hữu tình?

Ta hãy lắng nghe trong Pháp Uyển Châu Lâm nói:

“Ba cõi rối loạn, sáu đường mờ mịt, đi lại không thôi, chịu khổ chưa dứt, quả báo trói buộc thúc bách, thiêu đốt đau đớn bội phần, thật do nghiệp ác chiêu cảm cảnh nguy vong này! Nào biết chìm trong nước mà ý thức thuyền bè? Gánh nặng chồng chất đè cứng, chưa bay liệng được. Muốn ra khỏi cõi ô uế, dạo chơi xứ thanh lương, thì một niệm quay về đường chánh thọ mạng không cùng”.

Như vậy, chúng ta thấy rõ biển khổ sanh tử dài lâu vô hạn.

Trong Kinh A Hàm đức Phật đã từng nói:

“Nước mắt chúng sanh nhiều hơn biển cả” là vậy!

Do đó là người xuất gia học đạo, một khi cất bước ra đi, thì làm sao ra biển khổ sanh tử, tăng trưởng pháp lành! Đây không phải là lời nói suông mà chính là tâm hành vậy! Hành là hành nơi tâm, chẳng hành nơi miệng, miệng tụng suốt ngày mà trong tâm đầy dẫy tật đố, ích kỷ, san tham, tranh danh đoạt lợi thì thử hỏi làm sao vượt biển mê thong dong lên bờ giác? Miệng tụng pháp kệ Tỳ Ni, mà bên trong thì có tâm tùy hỷ, tha thứ, bao dung v.v… thì đây là dụng của đạo vậy! Người này ngước nhìn trời không hổ thẹn với trời, cúi nhìn đất không hổ thẹn với đất. Đây chính là đạo lý Thánh hiền vậy! Còn chúng ta thì sao? Học thuộc từng chương, nghĩa cú chia chẻ biện biệt, song trong tâm thì đầy dẫy tham, sân, tật đố, mưu mô hãm hại người hiền đức. Đây là hành động của ma, lại tăng trưởng theo tà kiến, ma nghiệp lớn dần. Người tu đạo phải chín chắn chiêm nghiệm lại chỗ này!

Chớ không thì:

Thiên đường hữu lộ vô nhân đáo

Địa ngục vô  môn hữu khách tầm.

Nghĩa:

Thiên đường có cửa không người đến

Địa ngục không cửa có người tìm.

Đây là lỗi tại ai? Tại Thầy hay tại mình? Đây chính là do mình tất cả. Khi mới vào chùa không chịu khó học tập pháp hành Tỳ Ni, chỉ nói suông thiền ngữ thì thử hỏi pháp lành sao tăng trưởng, vì dụng của đạo là phước nghiệp và huệ nghiệp phải song toàn, huệ giác tròn đủ thì tánh Bồ đề mới hiển lộ. Ngay đây thì bên trong thanh tịnh, bên ngoài phổ chiếu oai nghi mô phạm thì một phen cất bước là:

Nếu cất bước đi

Cầu cho chúng sanh

Ra biển sanh tử

Đủ các pháp  lành.

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 70905
  • Online: 39