BÀI 7: XUẤT ĐƯỜNG - Ra khỏi đường
17/06/2015 | Lượt xem: 4638
BÀI 7
XUẤT ĐƯỜNG
(Ra khỏi đường)
Đây là bài Tỳ Ni thứ sáu. Ở đây Phật dạy cho người xuất gia tu đạo khi đi ra khỏi nhà, tâm hình phải khác người thế tục. Nghĩa là lúc ra khỏi nhà, oai nghi phải tề chỉnh, thân không lắc lư, mắt không liếc ngó hai bên, không vừa đi vừa chạy mà thong thả đi từng bước, không được vừa đi vừa khạc nhổ.
Kinh Phật Thuyết Nhân Duyên Tăng Hộ nói:
“Ông thầy Tỳ kheo bị dao cắt mũi, đó chẳng phải Tỳ kheo mà là người địa ngục. Thời Phật Ca Diếp vị Tỳ kheo ấy là người xuất gia, hỷ nhổ làm dơ đất sạch của Phật tăng. Vì nhân duyên đó vào trong địa ngục, bị dao cắt mũi, bị lửa đốt, chịu khổ đến nay chưa dứt”.
Như vậy, bài kệ Tỳ Ni này là giúp cho người tu Phật, khi đi ra khỏi nhà trước là phải oai nghi mô phạm. Vì sao? Vì người tu giống như tờ giấy trắng, chỉ cần một đốm mực đen nhỏ vào thì tất cả mọi người đều thấy.
Xưa Tôn giả Mã Thắng đi khất thực mà Ngài Xá Lợi Phất khi còn tu với phái ngoại đạo, chỉ cần thấy bóng dáng của Tôn giả, mà Ngài Xá Lợi Phất khởi tâm cung kính tìm đến học đạo với Thế Tôn, để sau này trở thành bậc Trưởng thủ của chánh pháp.
Do đó, người tu Phật trước phải dùng thân giáo, sau mới dùng đến khẩu giáo là vậy! Sở dĩ chúng ta thấy trong lịch sử Phật giáo có những vị Cao Tăng đắc đạo, vì muốn nhiếp nhục những kẻ can cường mà các Ngài phải thị hiện các phương tiện thiện xảo, để nhiếp nhục chúng sanh. Song không ra ngoài:
Trúc ảnh tảo giai trần bất động
Nguyệt luân xuyên hải thủy vô ngân.
Nghĩa:
Bóng trúc quét thềm bụi chẳng động
Vầng trăng xuyên biển nước không chao.
Đây là những bậc Đại quyền thừa Bồ tát vậy! Các Ngài có những năng lực bất khả tư nghì, chúng ta không thể nào dùng mắt phàm mà đo lường được. Vì vậy qua bài pháp kệ Tỳ Ni này, Phật dạy trước khi ra khỏi nhà mắt nhìn xuống, không liếc ngó hai bên và thầm tưởng niệm tụng:
Tùng xá xuất thời
Đương nguyện chúng sanh
Thâm nhập Phật trí
Vĩnh xuất tam giới.
Nghĩa:
Lúc từ nhà ra
Cầu cho chúng sanh
Vào sâu trí Phật
Ra hẳn ba cõi.
Chú thích:
Đây là bài kệ thứ bảy. Bài này nói lên ý nghĩa rất siêu thoát. Ở đây nói: “Lúc từ nhà ra, ta cầu cho chúng sanh, vào sâu trí Phật, vượt thoát ba cõi”. Song muốn thâm nhập trí Phật, thì điều kiện tuyên quyết là ta phải hiểu thấu câu “Lúc từ nhà ra”. Nghĩa là ta phải “Xuất thế tục gia”. Nghĩa là ta hãy buông bỏ cái nhà thế tục. Vì sao? Vì nhà thế tục nếu ta không khéo tu, thì dễ vướng mắc vào danh vị, quyền uy, tranh danh đoạt lợi… Nên ta phải mạnh dạn buông bỏ chúng.
Trong Kinh Tứ Nhập Nhị Chương, Phật dạy:
“Người bị ràng buộc bởi vợ con, nhà cửa còn quá hơn lao ngục. Lao ngục còn có thời kỳ phóng thích, vợ con không một ý niệm xa lìa”.
Một khi tâm thích về sắc đẹp, thì đâu còn sợ gì đến gian nguy. Dẫu cho có sự hoạn họa nơi miệng hùm, lòng cũng đành chịu. Vì tự đắm mình nơi lầy lội, gọi là phàm phu, nếu hiểu được lẽ ấy, chính là bậc xuất trần La hán.
Đọc qua đoạn văn Kinh này chúng ta thấy rõ Đức Phật chỉ dạy cho chúng ta rằng: Một khi ta vướng vào vợ con, nhà cửa thì khó mà vượt thoát, giống như có mắc lưới vậy! Song chúng ta được túc duyên còn sót lại trong thời quá khứ, nên ngày hôm nay ta mới được đầu tròn áo vuông. Tại sao ta không xét lại mà trong tâm ta lại mưu toan đủ thứ chuyện? Đúng ra càng tu thì tâm ma càng bớt, ngược lại càng tu thì tâm dẫy đầy. Bằng chứng khi mới bước chân vào đạo, ta đâu có nghĩ ta phải làm trụ trì, thủ bổn, thư ký, tri sự… Song tu một thời gian thì tâm Phật càng ngày càng mất, mà tâm ma lại hưng thịnh. Nên người xưa nói: “Nhất niên Phật tại tiền, nhị niên Phật thăng thiên,…là vậy! Đây lỗi tại ai? Do đó người xưa dạy: Ra khỏi nhà thế tục chưa đủ, mà phải “Xuất phiền não gia” là vượt thoát nhà phiền não. Sở dĩ ta càng tu mà tâm phiền não dẫy đầy, bởi vì ta ít có phản quan lại chính mình, quán chiếu sâu xa về túc duyên ta được tu đạo.
Trong Truy Môn Cảnh Huấn ghi sáu điều khó khăn để rồi tự mừng cho mình đã được tu đạo:
- Một là trong muôn loài, thân người rất khó mà có được.
Như Kinh Đề Vi nói:
“Nay được làm thân người khó hơn cả rùa mù”.
- Hai là tuy được làm thân người, nhưng lại khó được sanh ở trung quốc, nơi này ở chính giữa các miền biên giới, có đầy đủ Kinh luật chánh pháp Đại Thừa.
- Ba là tuy được chánh pháp, nhưng có được lòng tin tưởng ưa thích lại là chuyện khó, nay tùy lực mà tin tưởng, chẳng dám nghi ngờ phỉ báng.
- Bốn là thân người khó mà được đầy đủ, nay được hình nam, nam căn không bị tàn khuyết, tướng mạo thành tựu.
- Năm là tuy có đầy đủ nam hình, sáu căn chẳng thiếu, nhưng bị năm thứ tham dục quấn quýt làm cho bị ô nhiễm, rất khó mà xuất gia được. Nay được cắt tình với người thân yêu xuất gia tu đạo, được mặc áo của Phật, được thọ tịnh giới của Phật.
- Sáu là tuy đã thọ cấm giới, nhưng việc theo giới rất khó. Nay ngược lại có thể ở trong giới luật, tôn trọng ưa thích giới luật, biết hổ thẹn nên phải giữ gìn cẩn thận.
Đối với sáu điều đó, nếu chẳng quan sát ắt sẽ phóng dật, trở ngại rất lớn cho Thánh đạo. Đã vượt được sáu điều khó khăn đó rồi, thì luôn luôn phải vui mừng vì những thứ khó đã được, được rồi thì chớ để mất đi. Suy nghĩ như vậy thì gọi là tĩnh tâm.
Đọc qua sáu điều trên đây, cho chúng ta một cái nhìn xuyên suốt về túc duyên trong thời quá khứ. Ngày hôm nay chúng ta có túc duyên vào chùa học đạo, là do trong thời quá khứ ta đã từng vun bồi công đức tu tập. Tại sao ngày nay được đầy đủ tứ sự cúng dường ta lại sanh tâm tật đố, ích kỷ, ghen ghét người hiền tài? Ta phải chín chắn chiêm nghiệm lại chỗ này! Chớ không thì gieo nhân xuất gia, mà gặt lấy quả địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
Như vậy, phàm là bậc tu nhân tích đức không luận là xuất gia hay tại gia, chúng ta một khi làm việc gì, nói điều gì, ý nghĩ điều gì phải luôn luôn chánh niệm thu thúc sáu căn, đừng để một niệm thô ác tật đố, hãm hại người có đức. Vì sao? Vì một niệm phóng ra thì tác thành nhân quả nghiệp báo vậy!
Ngay đây hành giả phải một bước là nhảy vào đất Thánh địa, tuy là đời này chưa giải thoát, song chúng ta phát nguyện kể từ đây cho đến ngày thành Phật, không khởi niệm hãm hại người nào, dù người kia có làm cho mình xúc não. Đây chính là cửa ngõ vào đạo, là chỗ cực tắt đến thành Niết Bàn. Vì sao? Vì chúng ta ngày nay mang hình tướng tu sĩ tức là quyến thuộc của Tiên Thánh vậy! Mà đã là quyến thuộc của Tiên Thánh thì tâm ma phải ngày càng thuyên giảm, thì sự tu hành mới có ngày ngộ nhập được.
Do đó vua Nhân Tông Triều Tống tán thán chư Tăng:
“Những bậc tôn quý nhất trên thế gian không ai bằng những vị xả tục xuất gia. Nếu được làm Tăng sĩ, thì mới thọ nhận sự cúng dường của trời người. Làm đệ tử của đấng Thế Tôn tức là quyến thuộc của Tiên Thánh, vào nơi cửa vàng, đến cung điện bảo tạng. Hươu trắng dâng hoa, khỉ vượn cúng trái. Xuân nghe chim hót líu lo, vang tiếng điệu nhạc cõi trời. Hạ nghe ve kêu trên mây cao, biết rõ mùa nóng đã đến. Thu ngắm trời xanh, gió trong trăng sao chiếu vàng. Đông xem tuyết phủ đỉnh núi, sông ngòi. Ngồi thiền trên bồ đoàn thân ấm áp. Dẫu sóng ba đào nổi dậy, vẫn cưỡi tích trượng thăng hư không. Mười đại quân ma khi nghe danh vẫn phải hàng phục quy y chánh đạo. Vang tiếng gõ bảng bèn lên vân đường lễ cúng. Nghe tiếng chuông bèn lên chánh điện tụng Kinh. Mọi việc đều như ý, muôn loài hiện thành, lúc sống làm thầy trời người, lúc chết quyết định quy y Thánh quả”.
Như vậy, bước đầu là “Xuất thế tục gia” chưa đủ mà phải là “Xuất phiền não gia”. Song muốn vào sâu trí Phật thì phải “Xuất tam giới gia” nghĩa là phải ra khỏi nhà tam giới. Vì sao? Vì trong Kinh, Đức Phật dạy: “Ba cõi không an giống như nhà lửa”.
Ba cõi là: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới vậy.
I. Dục giới:
- Chư thiên cõi Dục giới vẫn còn dâm dục. Trời Tứ Thiên Vương dâm dục như người thế gian.
- Chư Thiên cõi trời Đao Lợi chỉ ôm nhau âu yếm liền thành sự dâm.
- Tại cõi trời Dạ Ma, chư Thiên nắm tay nhau, bèn thành sự dâm.
- Chư Thiên cõi trời Đâu Suất, mỉm cười với nhau liền thành sự dâm.
- Chư Thiên cõi trời Hóa Lạc ngó nhìn nhau, thì thành sự dâm.
- Chư Thiên cõi trời Tha Hóa vừa nháy mắt nhau, thì thành sự dâm.
Kinh Lăng Nghiêm nói:
“Sáu cõi trời như thế, hình tướng tuy không đồng, nhưng tâm đã giao hợp”. vì vậy gọi là Dục giới.
II. Cõi trời sắc giới:
Cõi trời Sắc giới không còn dâm dục, nhưng vẫn còn sắc thân.
Kinh Lăng Nghiêm nói:
“Chư Thiên ở 18 cõi trời, hành hạnh đơn độc, không giao hợp nhưng chưa hết phiền lụy vì sắc thân, tức là sắc thể vi tế, nên gọi là cõi Sắc giới. Tuy không có sắc thể thô kệch, nhưng vẫn còn sắc tướng vi tế”.
III. Cõi Vô sắc:
Kinh Tịnh Danh Lưu bảo:
“Nếu không hiểu giáo nghĩa thì cho rằng cõi Vô sắc không có sắc tướng. Nếu hiểu giáo nghĩa biết cõi Vô sắc vẫn còn có sắc tướng”.
Kinh Niết Bàn nói:
“Sắc tướng của cõi Vô sắc, Thanh Văn, Duyên Giác chẳng thể biết được”.
Kinh Lăng Nghiêm nói:
“Nơi bốn cõi trời không thiên, thân tâm diệt tận, nhưng định tính vẫn hiện tiền, và không có sắc tướng của nghiệp quả. Từ đó cho đến lúc mạng chung, được gọi là sống trong cõi Vô sắc”.
Như vậy, chúng ta thấy rõ ba cõi Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới tuy là tuổi thọ dài hạn. Song cũng đều nằm trong vòng sanh diệt.
Kinh Pháp Hoa Phật nói:
“Tam giới vô an du như hỏa trạch”.
Nhưng muốn thoát khỏi nhà lửa này, đòi hỏi người tu Phật phải ngộ nhập tri kiến Phật. Vì sao? Vì thấy đúng như Phật rồi, thì không lầm chấp các pháp nữa. Từ đó ta quét sạch tập khí, đến lúc nào đó hoa lòng bỗng nhiên bùng nở. Ấy là lúc nhận ra mặt mày xưa nay của chính mình. Do đó nói:
Lúc từ nhà ra
Cầu cho chúng sanh
Vào sâu trí phật
Ra hẳn ba cõi.
Các bài mới
- Bài 6:HÀNH BỘ BẤT THƯƠNG TRÙNG(Bước đi không hại sâu bọ) - 17/06/2015
- Bài 8: ĐĂNG XÍ - Vào nhà vệ sinh - 15/06/2015
- Bài 9: TẨY TỊNH - Rửa sạch - 13/06/2015
- Bài 10:KHỬ UẾ - Khử dơ - 12/06/2015
- Bài 11: TẨY THỦ (Rửa tay) - 10/06/2015
Các bài đã đăng
- Bài 12 : TẨY DIỆN (Rửa mặt) - 09/06/2015
- Bài 13: ẨM THỦY (Uống nước) - 06/06/2015
- Bài 14: Y NGŨ ĐIỀU (Y năm điều) - 04/06/2015
- Bài 15: THẤT Y (Y bảy điều) - 03/06/2015
- Bài 17: NGỌA CỤ (Đồ nằm) - 02/06/2015
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 79804
- Online: 39