Bài ca tâm Phật

18/09/2018 | Lượt xem: 3952

HT.Thích Thanh Từ

Hôm nay ngày Tự tứ của chúng tăng, tôi giảng đề tài "Bài ca tâm Phật" của Tuệ Trung Thượng sĩ để khích lệ tinh thần tu tập của Tăng Ni. Ngài là một cư sĩ có cái nhìn thấu suốt  về thiền tông và chứng ngộ thấu đáo về chỗ chân thật nơi chính  mình. Cho nên Ngài là vị Thầy hướng dẫn vua Trần Nhân Tông đi trên con đường thiền. Sau này, Thiền phái Trúc Lâm ra đời dưới sự khai sáng của Sơ Tổ Trúc Lâm, là nhờ công đức khai hóa ban đầu của Tuệ Trung Thượng Sĩ.

Tăng Ni là người xuất gia, nếu không tu tập được như vậy thì thật hổ thẹn. Chúng ta tự nhận mình là con cháu Thiền phái Trúc Lâm thì phải học hiểu và nỗ lực tu hành cho đến nơi đến chốn như những gì chư Tổ ngày xưa đã chỉ dạy. Như vậy mới xứng đáng và đầy đủ tư cách nối tiếp và giữ gìn mạng mạch Thiền Tông nước Việt.

Tuệ Trung Thượng sĩ tuy là thân vương, có gia đình nhưng tâm rất thông thoáng, thấu suốt đạo lý, cuộc sống tự tại. Ngài nghiên cứu Thiền tông. Mà Thiền tông là cốt tủy của đạo Phật.Vì vậy Ngài hướng dẫn vua Trần Nhân Tông tu hành, sau này trở thành Sơ Tổ Trúc Lâm. Ngài đủ tư cách là một hành giả tu thiền, ngang với Bàng Uẩn ở Trung Hoa.

 

BÀI CA TÂM PHẬT

Phật! Phật! Phật! Không thể thấy,

Tâm! Tâm! Tâm Không thể nói.

Nếu khi tâm sanh là Phật sanh,

Nếu khi tâm diệt là Phật diệt.

Diệt tâm còn Phật chuyện không đâu,

Diệt Phật còn tâm khi nào hết?

Muốn biết Phật tâm, sanh diệt tâm,

Đợi đến sau này Di Lặc quyết.

 

Xưa không tâm, nay không Phật,

Phàm, Thánh, người trời như điện chớp.

Tâm thể không thị cũng không phi,

Phật tánh chẳng hư cũng chẳng thật.

Bỗng dưng thấy, bỗng dưng dừng,

Xưa nay qua lại luống nghĩ bàn.

Đâu chỉ chôn vùi thừa Tổ tông,

Lại khiến yêu ma nhà mình lộng.

 

Muốn tìm tâm, đừng tìm ngoài,

Bản thể như nhiên tự rỗng lặng.

Niết-bàn sanh tử buộc ràng suông,

Phiền não Bồ-đề đối địch rỗng.

Tâm tức Phật, Phật tức tâm,

Diệu chỉ sáng ngời suốt cổ kim.

Xuân đến, tự nhiên hoa xuân nở,

Thu về, hiện rõ nước thu sâu.

 

Bỏ vọng tâm, giữ chân tánh,

Như người tìm bóng mà quên kính.

Đâu biết bóng có từ nơi gương,

Chẳng rõ vọng từ trong chân hiện.

Vọng đến không thật cũng không hư,

Gương nhận không cong cũng không thẳng.

 

Cũng không tội cũng không phước,

Lầm sánh ma-ni cùng bạch ngọc.

Ngọc có vết chừ châu có tỳ,

Tánh vốn không hồng cũng không lục.

Cũng không được, cũng không mất,

Bảy lần bảy là bốn mươi chín.

Tam độc cửu tình nhật trong không,

Lục độ vạn hạnh sóng trên biển.

 

Lặng, lặng, lặng, chìm, chìm, chìm,

Cái tâm muôn pháp là tâm Phật.

Tâm Phật lại cùng tâm ta hợp,

Lẽ ấy như nhiên suốt cổ kim.

Đi cũng thiền ngồi cũng thiền,

Trong lò lửa rực, một hoa sen.

Ý khí mất thì thêm ý khí,

Được nơi an tiện hãy an tiện.

 

Chao, chao, chao! Ối, ối, ối!

Bọt trong biển cả nổi chìm rỗng.

Các hạnh vô thường tất cả không,

Linh cốt tiên sư chỗ nào thấy?

Tỉnh tỉnh thức, thức tỉnh tỉnh,

Bốn góc đạp đất chớ chinh nghiêng.

Người nào nơi đây được tin đến,

Trên đảnh Tỳ-lô cất bước đi.

Hét!

 

Phật! Phật! Phật! Không thể thấy,

Tâm! Tâm! Tâm Không thể nói.

Nếu khi tâm sanh là Phật sanh,

Nếu khi tâm diệt là Phật diệt.

Diệt tâm còn Phật chuyện không đâu,

Diệt Phật còn tâm khi nào hết?

Muốn biết Phật tâm, sanh diệt tâm,

Đợi đến sau này Di Lặc quyết.

 

Đoạn này Ngài xác định Phật và Tâm. Trước hết chúng ta phải biết rõ thế nào là Phật, thế nào là Tâm. Nếu không nắm vững Phật và Tâm  thì không làm sao hiểu được đoạn này.

Phật là gì? Phật là giác. Tâm là gì? Tâm là Biết. Như vậy Phật với Tâm là hai hay một? Ngài nói:

Phật! Phật! Phật! Không thể thấy,

Tâm! Tâm! Tâm Không thể nói.

Phật là tánh giác của mỗi người, chớ không phải Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Chỗ này con mắt thế gian không thể thấy. Cho nên nói: Phật! Phật! Phật! Không thể thấy. Nói Phật một lần đủ rồi, tại sao ở đây nói tới ba lần? Có nơi giải thích Phật thứ nhất là Phật pháp thân, Phật thứ hai là Phật báo thân, Phật thứ ba là Phật hóa thân. Nếu như vậy thì ba chữ tâm giải thích nghĩa làm sao? Cho nên chúng ta không thể dùng ba chữ Tâm hay ba chữ Phật để giải thích về ba thân Phật. Đây là một điệp ngữ, dùng điệp ngữ để nhấn mạnh, khẳng định là không lầm, không sai chạy.

Tâm, Tâm, Tâm là xác định một cách rõ ràng. Nhưng Tâm nào không thể nói? Nếu tâm tham, tâm sân, tâm si thì dễ nói quá. Hiểu được tâm không thể nói mới hiểu được chữ Tâm và chữ Phật ở đây. Phật không thể nói là Phật pháp thân, Tâm không thể nói là tâm chân thật, là cái biết không dùng ngôn ngữ diễn tả được. Vì ngôn ngữ diễn tả đều căn cứ trên  đối đãi sinh diệt, mà còn tâm chân thật không còn đỗi đãi sanh diệt nên không thể nói.

Ở đây dùng điệp từ dồn dập để ta nhớ sâu:

Phật! Phật! Phật! Không thể thấy,

Tâm! Tâm! Tâm Không thể nói.

Nếu khi tâm sanh là Phật sanh,

Nếu khi tâm diệt là Phật diệt.

Tâm này sanh thì Phật sanh, Tâm này diệt thì Phật diệt. Như vậy Phật tức Tâm, Tâm tức Phật.

Diệt tâm còn Phật chuyện không đâu,

Diệt Phật còn tâm khi nào hết?

Tâm với Phật không rời, " tức Tâm là Phật, tức Phật là Tâm". Diệt cái này thì cái kia không còn, sanh cái này thì cái kia liền sanh. Sanh Phật thì có Tâm, sanh Tâm thì có Phật, vì vậy nói "tức Tâm tức Phật". Nói tức Tâm tức Phật nghĩa là chính Tâm là Phật, chính Phật là Tâm. Phải hiểu tức là chính, chính cái Tâm đó là Phật, chính Phật đó là Tâm.

Diệt tâm còn Phật chuyện không đâu, nếu bỏ quên tâm hay biết thì kiếm Phật không ra. Ngài xác định một lần nữa Phật và Tâm không rời nhau. Tại sao? Bởi vì Phật là giác. Từ đâu có giác? Người ta luôn dùng từ tri giác. Biết và giác hay giác mới biết. Giác là thấy đúng như thật muôn pháp ở thế gian. Biết, có cái biết sáng suốt, có cái biết mê lầm. Biết sáng suốt là giác, biết mê lầm là mê. Giác thì không mê. Tâm biết hai mặt: Biết sáng suốt và biết mê lầm.

Hiện chúng ta đang sống với cái biết sáng suốt hay cái biết mê lầm? Nếu ai chê tướng mạo mình giống  người da đen, có vui không? Không. Đó là biết mê lầm, còn nặng trên hình thức. Chữ Tâm là cái biết đúng như thật, gọi là Giác. Như vậy cái biết đúng như thật với tánh giác không rời nhau.

Người học đạo muốn biết đúng như thật thì không nên phân biệt hơn thua, phải quấy, đối đãi. Vừa có hai bên là sai lầm. Biết đúng như thật chính là Tâm, cái biết này không ngoài tánh giác. Vì giác là thấy đúng như thật, không lầm lẫn, không sai chạy. Chạy theo cái biết mê lầm thì cách xa muôn dặm.

Phật thấy các pháp như mộng như huyễn, chúng ta thấy các pháp có thật, cái này đẹp cái kia xấu. Thành ra hai bên thấy khác nhau. Thấy các pháp duyên hợp như mộng huyễn là thấy tột được lẽ thật của các pháp. Thấy các pháp đẹp xấu là thấy giả tướng của nó. Giả tướng không thật, bám vào cái không thật rồi phân biệt khen chê, phiền não đủ thứ, có phải là mê lầm không? Mê lầm mà vẫn bằng lòng với mê lầm đó.

Nếu thấy tất cả hoa không khởi niệm so sánh, hoa là hoa, đó là người giác ngộ. Chúng ta thấy hoa liền phân biệt hoa này đẹp hơn hoa kia, hoa này nở tròn hoa kia nở méo…không bao giờ đứng nguyên chỗ hoa là hoa. Thấy là phân biệt, khen chê. Từ khen chê sanh thương ghét. Như vậy chúng ta luôn chạy theo tâm so sánh, đối đãi, đó là tâm sanh diệt mê lầm.

Biết đẹp xấu là hoa hay là ai? Mấy đóa hoa trồng chung một chậu, có đẹp có xấu. Nó có tự hào mình đẹp hay hổ thẹn mình xấu không ? Để  Cthấy phân biệt là sự nhạy bén của vọng tưởng, nó chạy lăng xăng chứ không có gì hay. Trong kinh nói tâm vọng tưởng giống như khỉ vượn, lăng xăng  lắm. Như chúng ta nhìn một đóa hoa khen đẹp, bỗng có người mang một đóa hoa khác đẹp hơn thì sao?  Cái đẹp hồi nãy khen nức nở bây giờ ở đâu? Rõ ràng nó không cố định, không thật. Vậy mà thế gian cứ so sánh hoài, không có ngày cùng.

Con người với con người cũng so sánh như thế. Sống chung năm bảy người, có một hai người hiền lành tử tế thì khen hai người đó. Hôm nào thêm người khác hiền lành hơn thì người khen hôm trước bị chê. Ở thế gian khi người nam, người nữ lập gia đình, ban đầu khen nhau. Nhưng sống chung một thời gian sanh chuyện, không bằng lòng những điểm khen trước, bây giờ muốn kiếm người khác hay hơn. Vì vậy đổi thay hoài rồi khổ. Các pháp sanh diệt không có một chuẩn mực nào là xấu, là đẹp. Tại con mắt thế gian cứ so sánh đối đãi, sanh ra bao nhiêu thứ buồn phiền, khen chê. Nên biết khổ đau từ tâm phân biệt mà ra.

Nếu thấy cái nào ra cái đó, không thêm không bớt, không đối chiếu, không so sánh. Thấy nó là nó. Tâm biết đó đúng như thật, gọi là Giác. Tâm giác ngộ là tâm  như thật, tâm đó tức là Phật, Phật đó tức là tâm.Giác không ngoài tâm, từ tâm mà có. Như vậy tâm với Phật không tách rời nhau được. Vì vậy ở đây nói:

Diệt tâm còn Phật chuyện không đâu,

Diệt Phật còn tâm khi nào hết?

 Như vậy diệt tâm thì hết Phật, diệt Phật thì hết tâm. Tâm Phật không rời nhau.

Muốn biết Phật tâm, sanh diệt tâm,

Đợi đến sau này Di Lặc quyết.

Người nào muốn biết tâm tức Phật mà căn cứ trên tâm sanh diệt luận bàn thì tới Đức Di Lặc ra đời cũng không biết. Đó là ý thứ hai.

Chúng ta muốn biết tức tâm tức Phật thì phải diệt tâm sanh diệt. Dùng tâm sanh diệt để thấy Phật thì muôn đời không bao giờ thấy. Đó là ý nghĩa hết sức rõ ràng.

Như vậy Phật, Tâm đó là Phật, Tâm nào? Là Phật Giác và Tâm không sanh diệt. Phật là giác. Tâm là cái biết không sanh diệt. Cái biết không sanh diệt là tâm Phật.

Hiện giờ chúng ta tìm Phật ở đâu? Dùng tâm lăng xăng lộn xộn đi tìm Phật, chừng nào gặp? Vì vậy chúng ta phải ngồi yên để buông xả tâm sanh diệt. Tâm sanh diệt lặng rồi, chỉ còn tâm chân thật, đó tức là Phật. Cầu Phật là ngay nơi đó mà cầu, chớ không phải ở nơi nào khác.

  

Xưa không tâm, nay không Phật,

Phàm, Thánh, người trời như điện chớp.

Tâm thể không thị cũng không phi,

Phật tánh chẳng hư cũng chẳng thật.

Bốn câu này chuyển qua cái gì?

Ở trên nói tức tâm là Phật, ở đây lại nói: Xưa không tâm, nay không Phật. Sao vậy? Mới nói tức tâm tức Phật, bây giờ lại phủi bỏ lời trước rồi. Chẳng những không tâm không Phật mà Phàm, Thánh, người trời như điện chớp, nghĩa là tất cả đều không thật.

Đó là để xác nhận lại tức tâm tức Phật ở trên, ra ngoài đối đãi hai bên. Bởi vì còn đối đãi hai bên thì không phải tức tâm tức Phật. Nói có tâm có Phật là hai bên, mà chỗ chân thật không còn hai bên. Cho nên nói Xưa không tâm, nay không Phật. Không phải chỉ không tâm không Phật, mà cả phàm thánh người trời, tất cả hình ảnh danh từ đối đãi đều không thật.

Đoạn này phải phủi bỏ hết những từ ngữ đối đãi. Ở trên lập tâm và Phật, sợ người ta chấp hai bên, mà còn hai bên thì chưa thấu được thấu đáo được tức tâm tức Phật. Cho nên đến đây Ngài phủi hết không tâm không Phật, không thánh không phàm, người trời đều giả dối.

Tâm thể không thị cũng không phi,

Phật tánh chẳng hư cũng chẳng thật.

Tâm thể đó không phải không quấy, tức là không hai bên. Phật tánh cũng chẳng hư chẳng thật. Hiện giờ chúng ta sống với mấy bên? Cả chục bên, đông tây nam bắc, trên dưới đủ hết. Bởi vậy càng sống càng xa cách tâm chân thật. Ngồi thiền là bỏ cái gì? Bỏ phải quấy hơn thua…mọi suy nghĩ đều bỏ. Đó là bỏ đối đãi phân chia. Bỏ  đối đãi phân chia là trở về với tâm thể, với Phật tánh của chính mình. Chạy theo đối đãi phân biệt là bỏ quên, là xa lìa tâm thể chân thật của chính mình rồi. Hiểu như vậy mới không nghi ngờ sự tu.

Bỗng dưng thấy, bỗng dưng dừng,

Xưa qua nay lại luống nghĩ bàn.

Đâu chỉ chôn vùi thừa Tổ tông,

Lại khiến yêu ma nhà mình lộng.

Bỗng dưng thấy, bỗng dưng dừng, là bất thần nhớ cái này, nhớ cái kia. Đang nghĩ bỗng dưng biết sai liền bỏ, gọi là dừng lại. Cứ dấy lên rồi dừng, lăng xăng hoài.

Xưa qua nay lại luống nghĩ bàn. Luôn luôn nghĩ về chuyện cũ người mới lung tung. Ngồi lại nhớ năm kia mình chưa đi tu thì sao, bây giờ đang tu bữa nào cũng bị rầy, buồn quá. Cứ nhớ tới nhớ lui chuyện xưa chuyện nay hoài, không dừng, gọi là luống nghĩ bàn.

Đâu chỉ chôn vùi thừa Tổ tông,

Lại khiến yêu ma nhà mình lộng.

Như vậy là đã chôn vùi thừa Tổ tông. Thừa Tổ tông là thừa gì? Là Phật thừa, Tối thượng thừa. Chôn vùi thừa Tổ tông là thừa của chư Tổ. Như Lục Tổ chủ trương: vô niệm làm tông, vô tướng làm thể, vô trụ làm gốc. Chủ trương của Tông thừa mình là vô niệm mà bây giờ mình nhớ trước nhớ sau lộn xộn, có phải chôn vùi không?

Lục Tổ chủ trương vô niệm là không dấy niệm, chúng ta chợt dấy chợt dừng, là động rồi. Chẳng những chôn vùi thừa Tổ tông, đồng thời lại tạo cơ hội cho yêu ma vào nhà nhiều lộng nữa. Đi tu mà còn nuôi yêu ma thì vô lý quá, thật đáng xấu hổ. Chúng ta tu là nuôi lớn thai Thánh, bây giờ lại nuôi yêu ma. Kỳ lạ không! Nghĩ hơn nghĩ  thua, nghĩ phải nghĩ quấy…là yêu ma nhiễu lộng trong nhà. Cho nên lúc thì con mắt sáng ngời, lúc thì con mắt đỏ ngầu. Nghe người ta nói câu gì dính dáng tới mình một chút, con mắt láo liên, không phải yêu ma nhập tâm là gì?

Nếu người tu chân chánh ngay thẳng đàng hoàng, đâu có chuyện đổi thay lúc con mắt đỏ ngầu, lúc con mắt sáng ngời. Nuôi yêu ma nhiều quá làm sao gần Phật được? Người tu phải biết rõ mình đang đứng vị trí nào, nuôi dưỡng cái gì, phải lìa bỏ cái gì, không nên lẫn lộn. Tăng Ni không nên khen cái này, chê cái kia. Vì như thế là chưa thật nuôi dưỡng thai Thánh, chỉ nuôi dưỡng bọn yêu ma nên ít hôm phiền não đủ thứ chuyện. Đó là tâm bất thường.

Chủ trương của Lục Tổ là vô niệm, mình cứ nghĩ bậy hoài, như vậy có phải là con cháu của Lục Tổ không? Nếu không phải con cháu của Lục Tổ thì con cháu của ai? Của ma. Ma vào nhà làm lộng thì con cháu của nó chớ ai. Xét kỹ như vậy chúng ta thấy hổ thẹn, tu mà làm trái với lời Phật Tổ dạy. Cho nên chúng ta phải khéo vượt qua lưới ma.

Muốn tìm tâm, đừng tìm ngoài,

Bản thể như nhiên tự rỗng lặng.

Niết-bàn sanh tử buộc ràng suông,

Phiền não Bồ-đề đối địch rỗng.

Đây là dạy chúng ta cách tu. Muốn tìm tâm, đừng tìm ngoài. Muốn sống trở lại bản tâm của mình thì đừng tìm bên ngoài. Bởi vì nó ở sẵn nơi mình chớ không đâu xa.

Bản thể như nhiên tự rỗng lặng. Như nhiên là sẵn như vậy. Bản thể sẵn vậy, tự rỗng lặng. Khi chúng ta không có niệm nghĩ suy mà vẫn yên lặng tỉnh táo sáng suốt, lúc đó mình sống với cái gì? Với cái biết sẵn có.

Thí dụ ta đang bình thường, bỗng thấy người mình không thích ngoài cửa bước vô. Vừa thấy mặt thì trong lòng dấy lên niệm ghét. Đó là vì lúc nào cũng tích lũy trong lòng niệm ưa ghét, thương giận, nên người dễ thương tới mình cười, người dễ ghét tới mình quạu. Duyên vừa tới liền chạy theo, rồi có chuyện. Như vậy không đúng. Nếu lặng lẽ như nhiên, ai tới cứ tới, chẳng có người mình ưa hay không ưa, không có niệm thương ghét, không tích lũy những thứ đó thì như nhiên. Bản thể như nhiên là rỗng lặng, sống được với nó thì lúc nào cũng thản nhiên, không sống được với nó thì luôn bất an bất định.

Chúng ta tu yếu, còn thương còn ghét, có vui có buồn. Không bao giờ mọi người tới với mình mà thản nhiên tự tại. Có người tới mình vui, có người tới mình ngó ngang không chào…bởi vì niệm thương ghét còn đầy ắp trong lòng. Cho nên biết sự tu hành hết sức khó nhọc. Hậu quả sống với tâm sanh diệt, không sống với bản thể như nhiên là như vậy.

Đây giải thích thêm:

Niết-bàn sanh tử buộc ràng suông,

Phiền não Bồ-đề đối địch rỗng.

Nếu sống với tâm thể như nhiên rồi, mọi đối đãi đều không quan trọng nên nói sanh tử hay Niết-bàn là chuyện suông bên ngoài, không dính dáng chút nào với tâm thể. Người muốn sống trở về tâm thể như nhiên của mình, thì đừng chạy theo các thứ đối đãi bên ngoài, mà ngay nơi mình nhận ra, không chạy tìm kiếm nơi nào khác.

Tâm tức Phật, Phật tức tâm,

Diệu chỉ sáng ngời suốt cổ kim.

Xuân đến, tự nhiên hoa xuân nở,

Thu về, hiện rõ nước thu sâu.

Câu chót có thể dịch nước thu trong cũng được.

Tâm tức Phật, Phật tức tâm,

Diệu chỉ sáng ngời suốt cổ kim.

Ý chỉ nhiệm mầu rõ ràng, từ xưa tới nay như vậy. Diệu chỉ là tức tâm tức Phật. Nếu sống được với diệu chỉ ấy thì:

Xuân đến, tự nhiên hoa xuân nở,

Thu về, hiện rõ nước thu sâu.

Sống thản nhiên tự tại, các pháp y nhiên như thế. Mùa thu về thì nước trong, xuân đến thì hoa nở. Tự nó như vậy. Chúng ta không phê phán, không khen chê, không chen thêm cái gì vô. Nếu người sống được với diệu chỉ này, thì mùa xuân đến thấy hoa nở, mùa thu về thấy nước trong. Đẹp làm sao! Có gì để than buồn. Thi nhân gặp mùa xuân thì khen vui, mùa thu thì than buồn…đủ thứ. Đó là tâm hồn của thi sĩ, thường hay sống với buồn, thương, giận ghét.

Tâm hồn của người tu là tâm hồn tức tâm tức Phật. Thấu suốt được diệu chỉ này rồi thì xuân đến hoa nở, thu về nước trong, không có gì thêm bớt trong đó. Các pháp như vậy, sống thảnh thơi tự tại. Nếu ai buông hết buồn thương giận ghét thì gương mặt lúc nào cũng tươi vui. Người đang buồn đang giận mặt mày buồn bã héo hon. Người nào chụp hình hai vị này rồi đối chiếu sẽ thấy khác nhau rất xa. Do tâm ảnh hưởng đến sắc diện bên ngoài. Người sống tự tại thấu suốt được lẽ thật. Mọi việc đều hiện ra tốt đẹp. Tâm đang sống với phiền não giận ghét hơn thua thì gương mặt cũng hiện rõ nét giận ghét hơn thua.

Cho nên ai giận nhiều thì mau già. Tại sao? Vì bị lửa đốt không khô héo sao được. Ai thương nhiều thì xanh sao vàng vọt. Vì bị nước ái nhấn chìm không xanh sao được. Cả hai đều khổ, chỉ không buộc ràng hai bên mới thảnh thơi tự tại. Phải hiểu tường tận ý nghĩa đạo lý như vậy.

Bốn câu này diễn tả khi tu phải nhớ Phật tức tâm, tâm tức Phật. Đây là yếu chỉ muôn đời, không phải chuyện ai tự đặt ra. Nắm vững như thế rồi, đối với các pháp thế gian chúng ta an nhiên tự tại, cái gì ra cái nấy, không thêm không bớt. Thiên hạ ở đời thấy cảnh đẹp thì vui, thấy cảnh áo não thì buồn. Cứ vui buồn theo cảnh, rồi muốn cảnh cũng vui buồn theo mình nữa. Ở đây người tâm thanh tịnh tự tại, thấy cảnh nào là cảnh ấy không thêm không bớt, không khen không chê.

Bỏ vọng tâm, giữ chân tánh,

Như người tìm bóng mà quên kính.

Đâu biết bóng có từ nơi gương,

Chẳng rõ vọng từ trong chân hiện.

Vọng đến không thật cũng không hư,

Gương nhận không cong cũng không thẳng.

Bỏ vọng tâm, giữ chân tánh. Còn bỏ còn giữ giống như người tìm bóng mà quên gương. Cho nên ai tu mà dẹp bỏ cái vọng giữ cái chân thì cũng chưa đúng. Chỗ này tế nhị lắm. Đừng theo vọng là vọng tới liền buông, chớ không phải bỏ. Bỏ thì có giữ, còn buông thì không theo. Không theo vọng thì tự nó chân. Thử hỏi vọng từ đâu ra? Từ nơi chân mà ra. Giống như bóng từ nơi gương mà có. Điều này hết sức chính xác.

Người nhìn vào gương thấy bóng, chỉ nhớ bóng mà quên gương.Nói bóng thế này thế  kia, mà quên rằng không có gương thì làm gì có bóng. Bao nhiêu bóng đều hiện từ gương. Bao nhiêu niệm khởi đều từ tâm thể chân  thật. Tâm thể chân thật dấy lên là động, là đối đãi. Buông cái động, buông đối đãi thì tâm thể chân thật hiện tiền.

Nói bỏ vọng giữ chân khác  nào cho rằng vọng riêng, chân riêng, hai cái riêng biệt. Ở đây nói vọng không rời chân. Vậy còn bỏ cái gì, giữ cái gì. Không theo vọng gây sự với thiên hạ thì tự nhiên tâm lặng, tâm lặng thì chân hiện. Thấy bóng biết nó từ gương ra, cho nên dời gương chỗ khác, bóng không còn, chẳng có gì lạ. Đừng chú ý bóng thì thấy gương rõ ràng.

Chúng ta bị lỗi lớn, ngồi lại thấy bóng liền theo bóng nên không nhớ gương. Chừng nào không chạy theo bóng nữa mới thấy gương.Muốn bóng không ở trong gương phải làm sao? Nếu ngồi đối diện với nó, thì ngàn năm bóng  vẫn ở trong  gương. Chỉ cần biết bóng không thật, từ gương mà có. Đã là bóng thì qua rồi mất, chỉ có gương vẫn còn.

Biết bóng là bóng, gương là gương, đó là người tỉnh nhưng chỉ tỉnh vừa phải. Chừng nào thấy gương, không còn theo bóng nữa, đó mới thật là người tỉnh. Thấy bóng quên gương là người mê. Biết bóng và biết rõ gương, nhà thiền gọi là người kiến tánh. Kiến tánh là người thấy được tánh nhưng chưa sạch vọng tưởng. Gương dụ cho thể, bóng  dụ cho  vọng tưởng.Lục Tổ dạy kiến tánh khởi tu, thấy tánh rồi từ đó về sau tập bỏ  vọng tưởng là khởi tu. Người chấp bóng là thật thì đâu chịu bỏ bóng. Không theo vọng tưởng, cũng không biết còn gì sau khi lặng hết vọng tưởng thì buồn chết. Dạy thiên hạ tu như vậy thật đáng tiếc cho mình và cho người. Hiểu thế chúng ta phải cố gắng nắm vững đường lối tu để không rơi vào sai lầm đáng tiếc.

Tâm chúng ta dấy niệm lên  từ thể thường nhiên hằng giác. Cũng như mặt biển đang phẳng lặng, bất thần có gió thì sóng nổi dậy. Sóng nổi dậy trên mặt biển không phải tại mặt biển mà tại gió. Tâm dấy động không phải tại tâm thể mà tại duyên bên ngoài. Duyên tới chúng ta làm chủ không được nên chạy theo, thành ra bị nó lôi cuốn.

Bây giờ muốn tự tại với các duyên phải làm sao? Theo lời Phật dạy "Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ sắc thanh hương vị xúc pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm", đó là an nhiên. Sắc thanh hương vị xúc pháp qua là qua, tâm không dấy động, không chạy theo. Đây là chỗ Lục Tổ đã ngộ. Ngài ngộ rồi mới tu, còn chúng ta chưa ngộ mà tu nên tu hoài chẳng tới đâu.

Đâu biết bóng có từ nơi gương,

Chẳng rõ vọng từ trong chân hiện.

Bóng có từ nơi gương, mình lại lấy bóng làm thể, bỏ mất gương. Cả ngày sống với bóng. Hết bóng này tới bóng nọ, toàn là bóng mà cho là thật. Bỏ vọng tâm giữ chân tánh là còn hai bên. Từ đó chạy theo bóng, như người tìm bóng quên gương.Rõ ràng chúng ta lầm lẫn, mê muội mà không chịu nhận mình mê lầm.

Vọng từ chân hiện, đâu có chỗ nào khác. Không theo vọng thì chân  toàn bày.Cũng như sóng lặng thì mặt biển thênh thang. Như vậy lo gì khi không suy nghĩ là ngu.Nhiều người lo như thế. Tôi hay quên quá, chắc tại buông riết thành quên. Không phải như vậy. Nên nhớ là buông tất cả sẽ được tất cả. Chư Tổ thường nói "chân không diệu hữu". Khi chỗ chân thật không có bóng dáng nào hiện bày, chừng đó phát sanh diệu dụng vô cùng.Đức Phật yên định tột cùng mới được tam minh, lục thông...Nếu Ngài còn xao xuyến loạn động thì đâu được như thế. Cho nên đừng lo buông hết rồi ngu, buông hết mới thành Phật.

Phật là giác. Chỗ cao siêu của đạo Phật thế gian không với tới. Thế gian chỉ chạy theo triết lý này, triết lý nọ rồi hơn thua với nhau thôi. Ở đây Phật chỉ cho chúng ta chỗ tột cùng mà mình đã quên. Có sẵn nhưng quên mới thật đáng thương. Chư Phật thương chúng sanh là thương chỗ đó.

Bây giờ chúng ta thương nhau phần nhiều thương trên hình tướng. Thương huynh đó h iền, mặt mày sáng sủa...Như vậy là không đúng mục đích mình đã nhắm. Đúng ra ta thương nhau vì biết rằng ai cũng có tánh giác mà quên. Bây giờ người nào thấy được thì phải đem giải bầy cho người kia thấy. Đó là thương. Phật độ chúng sanh bằng cách thuyết pháp giảng dạy, chớ không phải độ bằng cách cho nhiều tiền nhiều của. Thuyết pháp giảng dạy để người ta thấy được cái sẵn có của mỗi người, đừng  bỏ quên nữa, chừng đó sẽ hết khổ, hết nghèo thiếu. Thương như thế mới đúng nghĩa là thương.

Người thế gian không biết tình thương trong đạo Phật, cứ nói đạo Phật từ bi mà không chịu đem tiền của bố thí, chỉ lo thuyết pháp thôi. Từ bi chỗ nào? Họ không ngờ từ bi ở đây rất sâu, vượt ngoài sự hiểu biết tầm thường của người đời. Cho nên giả sử họ chửi hoặc chê mình không làm lợi ích cho ai, ta cũng cười thôi. Tại sao? Vì họ chưa hiểu. Phật thương tất cả chúng sanh có cái chân thật an lành, giải thoát mà không biết. Cứ đuổi theo mê lầm sanh diệt, chìm đắm trong sanh tử. Bây giờ chúng ta hiểu rồi, ráng tu để chứng ngộ chỗ chân thật ấy, sau đó chỉ dẫn nhắc nhở những người chưa biết.

Vọng đến không thật cũng không hư,

Gương nhận không cong cũng không thẳng

Đã là vọng thì không nói thật hư được. Đối trước gương những gì có hình thì hiện bóng. Duyên tới tự nhiên hiện trong tâm, đừng theo là được. Đối với gương, có cái gì nó nhận cái nấy, không biến cong thành thẳng hay thẳng thành cong. Hai câu này muốn nói cho chúng ta hiểu sự tu của mình. Không nên phân tích vọng này hay vọng kia dở. Biết nó hư dối tạm bợ không theo là đủ rồi.

Gương nhận không cong cũng không thẳng, tâm thể chân thật, khi duyên trần hiện thì hiện, nó ra sao hiện vậy. Nhà thiền thường nói thấy như mù nghe như điếc, không phân biệt ngay thẳng hay cong vạy, không vướng mắc, không buộc ràng, đó là lẽ thật.

Cũng không tội cũng không phước,

Lầm sánh ma-ni cùng bạch ngọc.

Ngọc có vết chừ châu có tỳ,

Tánh vốn không hồng cũng không lục.

Cũng không được, cũng không mất,

Bảy lần bảy là bốn mươi chín.

Tam độc cửu tình nhật trong không,

Lục độ vạn hạnh sóng trên biển.

 

Lâu này người tu thường tránh tội, làm phước.Ở đây lại nói cũng không tội, cũng không phước, như vậy có trái lời dạy trước hay không? Tại sao cũng không tội cũng không phước? Chẳng lẽ chửi người ta không tội, hoặc bố thì cơm cho người nghèo đói không phước.

Ở đây nói thẳng trên thể tánh chân thật. Bản thể ấy không thấy bên này tội, bên kia phước tức là không đối đãi, vì đối đãi là tướng sanh diệt. Anh làm tội thì đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Anh làm phước thì sanh lên cõi trời, cõi người. Như vậy tội đi xuống, phước đi lên. Đó là nói trong đối đãi sanh diệt. Chỗ bản thể như nhiên này không còn sanh diệt, nên không luận đến tội phước. Hiểu cho thật rõ mới không rơi vào sai lầm. Không khéo người ta bảo, Phật dạy không có tội phước thì tha hồ gây tạo, muốn làm gì thì làm, như vậy rất nguy hiểm.

Lầm sánh ma-ni cùng bạch ngọc.

Chỗ này khó giải thích. Bạch ngọc là ngọc trai dưới biển, ma ni là ngọc vô giá, không gì bì được. Lầm so sánh ma ni cùng bạch ngọc, là đem so sánh ngọc này với ngọc kia, trong khi nó không thể so sánh được. Cũng vậy, một bên là tội phước sanh diệt, một bên là thể bất sanh bất diệt. Hai thứ này không thể đem so sánh với nhau được.

Ngọc có vết chừ châu có tỳ,

Tánh vốn không hồng cũng không lục.

Ngọc có hình thức nên có vết có tỳ, vuông tròn sai biệt. Tánh của ngọc thì không hồng cũng không lục. Bản chất trong sáng của ngọc chỉ trong sáng thôi. Nó không tỳ vết, không xanh đỏ trắng vàng. Trên hình thức thấy sai biệt, nhưng bản tánh không khác.

Cũng không được, cũng không mất,

Bảy lần bảy là bốn mươi chín.

Vì sao không được không mất?  Vì đó là chỗ chân thật. Bảy lần bảy bốn mươi chín, nhất định không sai chạy.

Tam độc cửu tình nhật trong không,

Lục độ vạn hạnh sóng trên biển.

Ở đây nói cửu tình, có chỗ nói thất tình. Tam độc cửu tình chỉ như mặt trời ở trong hư không. Lục độ vạn hạnh như sóng trên biển. Sáng chúng ta thấy mặt trời lên, chiều lại xuống. Qua lại lên xuống đều là tướng có rồi không, không rồi có, không thật. Tam độc cửu tình là tình cảm xấu độc, không thật. Lục độ vạn hạnh là các việc lành, cũng không thật. Như gặp gió thì sóng nổi, không gió thì sóng lặng, không thật. Chỗ chân thật không có xấu tốt. Vì tốt xấu là tướng đối đãi, mà đối đãi đều không thật.

Lặng, lặng, lặng, chìm, chìm, chìm,

Cái tâm muôn pháp là tâm Phật.

Tâm Phật lại cùng tâm ta hợp,

Lẽ ấy như nhiên suốt cổ kim.

Đi cũng thiền ngồi cũng thiền,

Trong lò lửa rực, một hoa sen.

Ý khí mất thì thêm ý khí,

Được nơi an tiện hãy an tiện.

 

Lặng, lặng, lặng, chìm, chìm, chìm,đã như thế thì còn giải nghĩa gì nữa. Ở đây sử dụng điệp ngữ nhấn mạnh, cốt cho chúng ta dừng lặng tâm lăng xăng lộn xộn của mình.

Cái tâm muôn pháp là tâm Phật. Cái tâm chạy theo muôn pháp lặng xuống, đó là tâm Phật. Nhưng chúng ta thường không chịu lặng chìm mà hay thả nổi tâm lăng xăng theo các duyên bên ngoài. Rõ ràng chúng ta hay đi ngược với cái nhìn của đạo. Nếu lặng xuống, chìm xuống thì tâm chạy theo muôn pháp là tâm Phật, không gì khác. Tìm đâu cho cực.

Trả lại chỗ cũ là việc làm rất dễ. Nhưng than ôi, vì muôn kiếp luân hồi, chúng ta tập quen tâm trôi nổi, bây giờ bảo lặng, lặng không được. Đó là điều đáng buồn, đáng thương cho thân phận mình, muôn kiếp chạy theo thói quen trầm luân trong sanh tử. Bây giờ muốn nó lặng xuống không được, vì vậy nói tu khó khăn.

Ngài bảo việc tu rất đơn giản, lặng lặng lặng, chìm chìm chìm. Chính ngay tâm chạy theo muôn pháp là tâm Phật, đừng tìm kiếm đâu hết.

Tâm Phật lại cùng tâm ta hợp,

Lẽ ấy như nhiên suốt cổ kim.

Nếu tâm mình lặng xuống thì hợp với tâm Phật. Lẽ này xưa nay như vậy, muôn đời như vậy, không phải chuyện mới có, hay ai phát minh. Được vậy rồi, thì:

Đi cũng thiền ngồi cũng thiền,

Một khi tâm lặng hết thì đi cũng thiền, ngồi cũng thiền. Ai tới lui trong vườn,  làm công kia việc nọ mà tâm không có một niệm, người đó khỏi ngồi thiền. Ngược lại, bước vài bước đã nghĩ lung tung thì xin mời ngồi thiền. Làm sao cho lặng lặng, chìm chìm, tâm Phật với tâm mình hợp, lúc đó đi đứng nằm ngồi thảy an nhiên. Cho nên người tu đến nơi đến chốn, đi đứng nằm ngồi đều tự tại.

Có người than quý thầy không công bằng, lẽ ra người mới tu bắt ngồi ít ít, người tu nhiều thì ngồi nhiều. Đằng này tu lâu không cần ngồi, đi đây đi kia tự do, còn người mới tu bắt ngồi gần chết, có phải bất công không? Phải biết chừng nào chìm lặng hết vọng tưởng mới được đi lại tự do, không ai kiềm chế, không cần ngồi thiền nhiều. Nếu chưa chìm, chưa lặng thì xin  ngồi. Ngồi cho tới bao giờ đủ lực cho tâm chìm lặng mới được tự do.

Trong lò lửa rực, một hoa sen.

Hoa sen mọc trong lò lửa. Tại sao kỳ vậy? Lò lửa là dụ cho vô  thường. Sống trong cõi đời này mọi việc đều biến đổi vô thường. Thân vô thường, tâm vô thường, cảnh vô thường, như vậy không phải sống trong lò lửa là gì? Kinh Pháp Hoa nói: "Tam giới vô an, du như hỏa trạch", nghĩa là ba cõi không an giống như nhà lửa. Tại sao? Vì vô thường đuổi gấp, không dừng, nó đốt mình cháy. Mấy chục năm trước tóc xanh, chân mày rậm, vô thường đốt riết đầu  bạc trắng, chân mày thưa thớt. Da mặt hồi xưa tươi sáng, vô thường đốt từ từ hóa thành héo khô, nhăn nheo.

Sống ở đây giống như trong lò lửa đang bị thiêu đốt, khô héo dần. Có người nào không bị khô héo đâu. Ba mươi tuổi thấy còn trẻ, bốn mươi tuổi thấy già một chút, tới năm mươi tuổi thấy hơi lạ rồi đó, qua sáu mươi tuổi thì thành bà cốc. Như vậy nó đuổi gấp, thiêu đốt mình liên tục. Vậy mà không nhớ, cứ tưởng như thưở nào, lo giành giật đủ thứ. Đó là sự lầm lẫn đau khổ của con người.

Nói hoa sen mọc trong lò lửa nghĩa là sao? Hoa sen dụ cho tánh như nhiên của m ình, là tâm Phật hay Phật tánh. Hoa này ở trong lửa vô thường cháy rực mà vẫn nở tươi đẹp. Để chỉ cho trong thân vô thường, tâm vô thường, cảnh vô thường có cái chân thường, không bao giờ bị tàn héo hay đốt cháy. Vậy chúng ta hạnh phúc biết mấy. Cho nên phải làm sao nhận được đóa sen không bị lửa thiêu đốt, vẫn nở tươi đẹp thơm tho, đó là trách nhiệm của chúng ta.

Ý khí mất thì thêm ý khí,

Được nơi an tiện hãy an tiện.

Người tu khi mới phát tâm ý khí mạnh mẽ, hùng dũng lắm, làm gì cũng sốt sắng, có thể hy sinh cả tánh mạng nữa. Nhưng ít năm sau thấy huynh đệ lơ mơ, thế là bắt đầu lùi xuống từ từ. Mình làm chi mệt, dưỡng thân cho khỏe, tu quá cũng chẳng tới đâu. Mới vô tu ngồi thiền mấy tiếng cũng ráng, chết bỏ. Được ít năm giảm xuống, thấy ngồi khổ quá thôi từ từ, đi gấp không tốt. Như vậy là ý khí mất, nhiệt tâm hăng hái buổi đầu giảm, công phu lui sụt, tu như vậy biết bao giờ hoa sen mọc trong lò  lửa.

Có người nào càng tu càng sụt tuổi đâu, càng tu càng già. Cho nên lẽ ra ý khí ban đầu mười thì dần phải tăng lên  mười một, mười hai…tăng hoài. Đằng này ngược lại hồi trẻ hăng, lớn một chút lại sụt xuống. Cho nên muốn giữ ý khí, chúng ta phải thường xuyên phát nguyện mạnh cho nó tiến lên. Nhờ phát nguyện mạnh mà tăng thêm ý khí.

Được nơi an tiện hãy an tiện.

An tiện là sao? Khi gặp thầy lành, bạn tốt có nơi an ổn tu hành, phải giữ gìn nhân duyên tốt đó, đừng đứng núi này trông núi nọ. Đang ở chỗ thuận tiện, tu tiến, lại muốn đi chỗ khác là tự mình  làm khổ mình. Đó  gọi là được tiện mà không chịu tiện. Nên ở đây Ngài khuyên chúng ta được nơi an tiện hãy an tiện. Chỗ nào thuận hợp với sự tu thì hãy yên mà tu, đừng mơ ước đâu đâu. Chúng sanh có bệnh khổ, an tiện không chịu, lâu lâu sanh chán. An tiện quá, đầy đủ tiện nghi thuận lợi tu hành cũng buồn, phải có sóng gió một chút. Bởi vậy nên cứ điên đảo, khổ sở hoài. Sóng gió mà muốn trở lại bình an, thời gian không ngắn đâu, chưa kệ lụi đụi đã chết mất rồi. Cho nên những lời khuyến khích nhắc nhở của Ngài rất khéo, Ý khí mất thì thêm ý khí, Được nơi an tiện hãy an tiện.Điều này rất quan trọng, người tu phải khéo để giữ gìn công phu.

Chao, chao, chao! Ối, ối, ối!

Bọt trong biển cả nổi chìm rỗng.

Các hạnh vô thường tất cả không,

Linh cốt tiên sư chỗ nào thấy?

Chao, chao, chao! Ối, ối, ối! Đây là lời than. Bọt trong biển cả nổi chìm rỗng. Ở trong biển rộng thênh thang, làm hòn bọt nổi lên chìm xuống thật đáng thương. Ngài muốn nói chúng ta sống trong cuộc đời này, có mặt  vài chục năm rồi ra đi. Có mặt ra đi, có mặt ra đi, khác nào như những hòn bọt trên mặt biển, mới thấy đó liền bị sóng dập mất. Cứ như vậy chìm nối không biết chừng nào cùng. Kiếp luân hồi của chúng sanh là vậy, đáng thương, đáng buồn.

Các hạnh vô thường tất cả không,

Linh cốt tiên sư chỗ nào thấy?

Tất cả hạnh đều là vô thường, không có gì thật. Câu linh cốt tiên sư  liên hệ tới chuyện Thiền sư Tiệm Nguyên đi đám ma với Thầy. Thầy đang đứng làm lễ, Tiệm Nguyên vỗ quan tài hỏi: "Sanh ư? Tử ư?" Ông thầy nhất định  " không nói, không nói". Tiệm Nguyên hỏi hai ba lần, thầy cũng không nói. Tức quá ông thoi thấy một thoi. Đánh thì đánh thầy cũng không nói. Tuy nhiên sợ việc này đến tai đại chúng sanh chuyện, thầy mới bảo "thôi ngươi hãy kiếm chỗ khác ở, nếu Tri sự nghe chuyện này thì ngươi không yên đâu." Dám thoi sư phụ, tri sự làm sao tha được.

Tiệm Nguyên biết thân tìm chỗ khác ở. Một hôm Ngài nghe người bên cạnh tụng kinh Pháp Hoa, đến phẩm Phổ Môn có câu:" có khi cần hiện thân đồng nam thì hiện thân đồng nam, cần hiện thân đồng nữ thì hiện thân đồng nữ…",ngài liền ngộ lẽ đó. Sau này, Tiệm Nguyên tìm vị đệ tử lớn của Sư phụ là Thạch Sương, hỏi lại câu ấy, nhân đây ngộ thêm lần nữa. Một hôm Ngài đốt đèn đi trong nhà giảng, Thạch Sương hỏi: "Làm gì?" Thưa "Tìm linh cốt của Tiên sư". Đó là muốn nói cái thật hồi xưa thầy dạy mà không biết, bây giờ biết được mới đi tìm.

Linh cốt là cái chân thật, bây giờ biết đâu mà tìm. Bao nhiêu năm chìm nổi như bọt ở trong biển cả, muốn tìm lại cái chân thật, thật khó khăn vô cùng. Thương cho mình chưa? Chao ôi. Nếu ráp hai chữ chao ôi, chao ôi nghe mới đáng thương. Tuy nhiên bọt trong biển cả nổi chìm rỗng, không biết bao lần chết đi sống lại rỗng, không có gì hết.

Lâu nay chúng ta có bệnh, thấy xác để vào quan tài nói là tử. Thật ra nếu xét trong vòng sanh tử luân hồi, tử tức là sanh, chết đây sanh kia. Đang sanh tức là tử. Như vậy đang sống đang cười đây mà biết sẽ tử, luôn nhớ như vậy, đừng tưởng mình sống đời đời.

Chúng ta sanh đi tử lại bao nhiêu lần rồi, có đem theo được cái gì không? Chỉ mang mớ nghiệp vô thường thôi. Mai kia chết, mốt  nọ sanh, cứ như vậy muôn đời chìm nổi trong biển  cả sanh tử. Bây giờ biết rõ các hạnh vô thường thì phải tìm ra cái chân thật, đừng mê muội nữa. Nên thắp đèn tìm linh cốt tiên sư là vậy.

 

Tỉnh tỉnh thức, thức tỉnh tỉnh,

Bốn góc đạp đất chớ chinh nghiêng.

Người nào nơi đây được tin đến,

Trên đảnh Tỳ-lô cất bước đi.

Hét!

Tỉnh tỉnh thức, thức tỉnh tỉnh, tại sao vế đầu nói "Tỉnh tỉnh thức", vế sau lại nói "thức thức tỉnh"? Nghĩa là chúng ta phải tỉnh tỉnh, phải thức tỉnh, đừng lơ mơ nữa. Thức tỉnh tỉnh là thức trong tỉnh, chớ không phải thức trong mê. Bây giờ chưa thức thì phải tỉnh rồi mới thưc.Khi thức rồi lại phải tỉnh, tỉnh. Đây dụ như người ngủ mê, gọi họ thì họ mở mắt ra cho tỉnh. Tỉnh tỉnh, tỉnh dậy mới thật là người thức. Mở mắt ra thấy như tỉnh, nhưng nhắm mắt lại nữa thì mê. Cho nên tỉnh tỉnh, tỉnh dậy mới thật là thức. Thức rồi phải tỉnh luôn, không nên mê nữa.

Chúng ta được đại phước, đại duyên xuất gia tu hành. Như vậy là tỉnh chưa? Tỉnh giấc mộng dài, nhưng nhớ phải thật tỉnh. Tỉnh tỉnh mà thức, hoàn toàn thức, không được tỉnh một chút rồi mê lại. Tỉnh tỉnh, nghĩa là thức hẳn hoi. Thức hẳn hoi rồi phải luôn luôn tỉnh, chớ đừng thức trong mê lầm nữa. Đó là lời đánh thức chúng ta.

Bốn góc đạp đất chớ chinh nghiêng.

Như cái ghế bốn chân, nếu có một chân hỏng thì cái ghế yếu đi. Cho nên luôn luôn mình phải đứng vững. Đã biết đạo, thấu hiểu lẽ thật rồi, phải giữ tinh thần tu tập thật vững, đừng lệch, đừng nghiêng.

Người nào nơi đây được tin đến,

Trên đảnh Tỳ-lô cất bước đi.

Hét!

Người nào biết rõ, sống được là thức tỉnh hoàn toàn. Như cái ghế bốn chân nào cũng phải sát đất, đừng để nghiêng, đừng để một chân hỏng thì ghế mới an toàn. Người nào được như vậy, thì có thể bước trên đảnh Tỳ-lô, không nghi ngờ gì nữa.Tỳ-lô là gì? Tỳ-lô-giá-na là pháp thân Phật. Người nào thức tỉnh vững vàng chắc chắn, người đó sống được với pháp thân không nghi. Một tiếng hét.

Tuệ Trung Thượng Sĩ là một cư sĩ, là một thiền sư. Nghe Ngài khuyên nhắc như thế, chúng ta phải biết hổ thẹn và cố gắng lên, không nên buồn tủi mà sanh lui sụt. Mong tất cả Tăng Ni nghe kỹ, hiểu rõ ứng dụng tu cho xứng đáng, đừng có lôi thôi.  Đó là lời chúc mừng của tôi nhân ngày quý vị chúc mừng khánh tuế tôi năm nay.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 05629
  • Online: 36