Bài học nhân quả
13/10/2019 | Lượt xem: 2753
TT.Thích Thông Phương
Hôm nay là ngày khai pháp đầu năm của đạo tràng Trúc Lâm Phụng Hoàng, quý Phật tử y pháp lễ thỉnh quý thầy và bày tỏ tâm thành kính cũng như lòng quý trọng pháp của các vị. Đó chính là nhân duyên giúp quý vị càng được thấm sâu, càng nhiều lợi ích lớn trong việc tu học. Bởi vì người học Phật cần phải hiểu được pháp, mà muốn hiểu được pháp thì phải có tinh thần trọng pháp, vì biết quý trọng pháp nên mới để tâm nghiêm chỉnh nghe kỹ hiểu sâu, và thực sự ứng dụng Phật pháp vào đời sống. Quý thầy rất hoan hỉ, chúc quý Phật tử nương tâm thành trọng pháp này mà luôn cố gắng tinh tấn để trọn một năm được nhiều tiến bộ trên bước đường tu học Phật pháp.
Đề tài quý thầy nói chuyện hôm nay là Bài Học Nhân Quả. Nội dung bài giảng sẽ giúp quý Phật tử nắm vững nền tảng nhân quả và khéo biết ứng dụng đạo lý vào cuộc sống hàng ngày.
Nhà thiền có câu chuyện ngụ ngôn như sau: Có một đứa bé bị đau cổ họng phải ở nhà không được đi chơi. Cậu bé ngồi một mình thấy buồn nên bày trò chơi bẫy ruồi. Chú dùng một cái lọ bằng nước sốt đánh mồi bầy ruồi khiến chúng bay vào ăn, lúc đó chú rình và bịt kín lọ ấy lại. Tiếp theo, chú dùng que diêm ngậm vào miệng cho ướt rồi quẹt lửa, làm như vậy mới có nhiều khói. Sau đó đưa diêm quẹt cháy đầy khói vào trong lọ ý muốn tạo một phòng hơi ngạt. Thế là những con ruồi ham ăn vô phước bay vào lọ kia vừa bị nhốt kín, vừa bị hơi ngạt nên phải chết. Khi chúng sắp chết lại phát lên tiếng kêu lép bép, lép bép. Chú bé thích vì nghe vui tai. Người chị của chú thấy mới rầy: “Em chơi như vậy là ác”. Chú đáp là: “Không có đau đớn, vì em chỉ làm cho chúng ngủ thôi!”.
Không lâu sau, chú bé bị đau họng trị hoài không hết cuối cùng phải mổ. Khi mổ, bác sĩ dùng mặt nạ gây mê cài lên mặt chú và bảo: “Không sao đâu, chẳng đau đớn gì cả!”. Lúc đó, chú liền nhớ nghĩ đến lũ ruồi đã bị chú làm chết ngạt mấy hôm trước, khi ấy chúng nó cũng giống như chú hiện giờ.
Đó là một bài học nhân quả sống động ngay trong cuộc đời, bài học này không phải bằng lý luận hay trên chữ nghĩa. Nghe qua câu chuyện, chúng ta có suy nghĩ gì? Nếu như mỗi người đều khéo quan sát chung quanh thì chúng ta sẽ học được rất nhiều những bài học nhân quả ngay trong cuộc sống hàng ngày.
Tất cả con người đều đang sống trong nhân quả, không một ai có thể thoát ra ngoài nhân quả hết, đây là điều mà mọi người cần hiểu rõ, cho nên chúng ta học Phật pháp là nhằm ứng dụng tu để sáng tỏ lý nhân quả chứ không phải học chữ nghĩa trên sách vở hoặc lời hay ý đẹp của thầy.
Pháp sư Thánh Nghiêm ở Đài Loan có kể câu chuyện: Có một người tên Phan Phúc Nguyên bỗng phát bệnh giết hai đứa con của mình nên bị công an bắt đưa vào bệnh viện tâm thần. Nhưng khi vào bệnh viện bác sĩ khám bệnh không ra, vì người bệnh đã bình thường, phải cho xuất viện. Khi về nhà, người này lại lên cơn giết luôn vợ mình, gia đình chỉ còn lại đứa con gái. Ngay thời gian ấy, cha ông là Phan Kim Sinh đang làm việc lại bị rớt xuống núi chết, còn anh trai cũng bị chết oan. Tai nạn thê thảm dồn dập đến gia đình ông.
Người bình thường thấy thế sẽ rất thương tâm, nhưng theo lời kể của những người ở gần nhà ông thì mới biết là việc gì cũng có nguyên nhân. Vào thời Nhật Trị, có một hôm ông Phan Phúc Nguyên và cha đi vào rừng săn thú, bỗng thấy một con hươu rất lớn từ xa chạy lại phía hai người, trên thân bị bắn trọng thương.
Khi ấy, hai cha con ông bắn thêm một mũi tên nữa, con hươu ngã chết tại chỗ. Có một người thợ săn chạy đến tìm hươu, rồi hai bên tranh nhau bảo con hươu thuộc phần của mình. Tranh luận không xong, cuối cùng hai cha con họ Phan này họp nhau đánh chết người thợ săn kia để đoạt con hươu.
Sau, gia đình của người thợ săn bị giết tìm đến hỏi rõ nguyên nhân về cái chết của người thân và chỉ đàm phán trong thầm lặng. Ý gia đình kia không muốn dính líu đến pháp luật, vì nếu kiện thì cả hai đều bị thiệt hại nên cho qua, rồi theo ngày tháng sự việc cũng phôi pha, nhưng nhân quả thì không mất, không tha thứ cho gia đình họ Phan này. Ông mang bệnh tâm thần giết con, giết vợ, còn người cha và anh trai cũng chết oan uổng, cả gia đình gặp những chuyện bất hạnh kể trên. Rõ ràng gia đình người này bị nhân quả báo ứng hiện tiền, nên chúng ta không thể xem thường nhân quả.
Chúng ta đọc sử nhớ câu chuyện vua Lưu Ly giết dòng họ Thích để trả cái hận khinh thường ông. Tuy dòng họ Thích đều quy y tu theo Phật, giữ đúng năm giới là những người có giới đức, nhưng vẫn phải trả quả báo. Còn vua Lưu Ly khi sai quân lính giết hết dòng họ Thích rồi kéo quân về đóng nghỉ ở gần bờ sông. Đêm đó, nước sông dâng lên cuốn chết đoàn quân cùng vua Lưu Ly, đây cũng là nhân quả ác hiện tiền. Nhân quả nghiệp báo rõ ràng là chân lý của thế gian, là lẽ thật nên chúng ta phải hiểu kỹ để sống đúng nhân quả.
Thế gian này là một trường nhân quả lớn và không hề mất. Đừng nghĩ rằng việc xấu hay tốt đã làm qua rồi thôi, không phải vậy. Tất cả chúng sinh trên thế gian này đều sống trong nhân quả, cho nên cần phải học kỹ, hiểu sâu nhân quả để trong cuộc sống không lầm tạo nghiệp xấu.
Nhân quả rất là vi tế, không đơn giản như chúng ta thường nghĩ như là làm ác thì gặp ác, làm lành thì gặp lành v.v… Con mắt phàm phu chúng ta thì không thể thấy hết nhân quả, nếu có hiểu thì hiểu phần nào thôi, chỉ có Phật mới thấy tận tường nhân quả. Vì thế, đừng nghĩ là mình có học Phật nên hiểu nhân quả, tuy có hiểu nhưng chưa thể thấy tận tường.
Có một bậc thầy Ấn Độ đã khai thị cho đệ tử thế này: “Liệu con có thể chỉ ra được một cách rõ ràng đâu là nhân, đâu là quả trong một sự việc hay không? Con nên nhớ rằng một sự việc nếu được xem là quả của quá khứ thì đồng thời cũng chính là nhân của tương lai, thậm chí ngay trong mỗi một sự việc có những yếu tố do nghiệp lực quyết định từ đời trước, nhưng cũng có những yếu tố lại được quyết định ngay trong giây phút hiện tại. Sự đan xen phức tạp tinh vi ấy không một trí tuệ nào của người đời có thể thấy rõ được yếu tố nhân quả, mà chỉ có bậc đã giác ngộ, đấng Như Lai Chánh đẳng Chánh giác mới có thể thấy rõ đúng được tất cả”.
Người thầy đã nhấn mạnh để hỏi đệ tử về nhân quả, và bảo đây không phải là việc đơn giản. Mọi việc xảy ra đâu phải do cái nhân đời trước thôi mà còn do sự quyết định nhân quả ngay trong hiện tại nữa. Nếu nhìn nhân quả đơn giản cho là do nghiệp đời trước thì cái nhìn đó vẫn còn cạn. Ngài nói chỉ có Phật mới thấu suốt còn người thường thì chỉ hiểu được phần nào nên đừng nghĩ rằng nhân quả là thường, tôi đã hiểu hết rồi nên xem thường nhân quả.
Nhiều người học Phật khoảng mười năm khi nghe nói đến nhân quả thì xem thường, nghĩ là mình đã học cao đến lý tối thượng thừa, còn lý nhân quả để dành cho người mới vào đạo, tâm này có hơi kiêu mạn. Rồi để làm sáng tỏ thêm cho người đệ tử, người thầy mới nói thí dụ:
Có một nhóm người ngồi trên chiếc xe và xe sắp khởi hành. Bất chợt có người trên xe thấy một con chó bên đường đang bươi đống rác tìm thức ăn. Bỗng nó bị cái thùng gỗ rơi xuống đè vào chân, dù cố gắng nhưng chó vẫn không rút chân ra được. Người ấy thấy tội nghiệp và động lòng thương nên mới bước xuống xe chạy đến tìm cách kéo cái thùng ra để cứu con chó. Xong việc, quay lại thì chiếc xe đã chạy rồi. Lúc ấy, anh tiếc lắm vì phải chờ chuyến sau. Không ngờ chiếc xe chạy trước đó vừa ra khỏi phố một đoạn thì gặp tai nạn, mọi người trên xe đều chết không một ai sống sót.
Vị thầy giải thích: Cộng nghiệp xảy ra cho cả nhóm người ngồi trên chuyến xe kia, do những ác nghiệp nào đó của họ đã gây ra vào những thời điểm khác nhau ở quá khứ. Tuy họ không tạo cùng một lúc nhưng lại cùng một nhân quả nên mới khiến gặp nhau trên cùng một chuyến xe rồi cùng phải chịu chung một nhân quả xấu.
Ngay giây phút nghiệp quả đã chín muồi thì một người trong số đó đã phát khởi lòng thương loài vật, tức là khởi tâm thiện rồi làm thiện. Vì thế ngay trong giây phút hiện tại ấy nhờ quyết định đúng đắn, một việc làm lành được thực hiện ngay đúng lúc nên anh ta được thoát khỏi cái chết thê thảm do nghiệp lực đưa đến. Chính tâm lành và làm lành trong hiện tại đã cứu anh thoát khỏi cái cộng nghiệp quá khứ kia.
Đúng ra anh phải chịu chung cộng nghiệp xấu vì nhân đời trước, nhưng khi có cộng thêm nghiệp lành ngay hiện tại thì nghiệp xấu quá khứ được chuyển. Chúng ta đừng đổ thừa là do nghiệp xưa của tôi, mà phải cộng thêm nghiệp ngày nay nữa, nghĩ như vậy chúng ta mới có những bước chuyển đổi mới, nếu không, cứ một bề đổ lỗi cho quá khứ thì không tốt.
Người bình thường thấy những chuyện đó cho là chuyện may ngẫu nhiên, nhưng thật ra tất cả sự việc xảy ra đều có nhân quả hết. Như vậy nhân quả rất là tinh vi không đơn giản, nếu không phải là con mắt của những bậc giác ngộ thì đâu thấy hết chân lý của thế gian. Chúng ta càng suy gẫm càng hiểu sâu, càng tin chắc nhân quả và càng thấy rõ thế gian này không có chuyện gì là ngẫu nhiên hết.
Trong kinh Pháp Cú Thí Dụ có câu chuyện về vua Phất-gia-sa. Sau khi vua xuất gia, một hôm đi vào thành khất thực, khi đi ngang qua cổng làng thì bị một con bò mẹ vừa sinh con húc thầy chết. Người chủ bò sợ quá mới đem bán bò cho người khác, thì người mua con bò này đang dẫn về nhà và cho nó đi uống nước lại bị nó từ phía sau húc ông chết.
Con của ông này nổi giận giết bò làm thịt đem bán, có một bác nông dân mua đầu con bò gánh về, khi đi còn cách nhà hơn dặm đường thấy hơi mệt nên bác này mới treo đầu bò lên trên cành cây nằm nghỉ. Không ngờ dây đứt, đầu con bò rơi xuống khiến người nông dân chết ngay tại chỗ. Theo thế gian thì cho việc đó là xui, nào biết tất cả đều có nhân quả.
Vua Bình Sa nghe chuyện bèn cùng quần thần đến gặp Phật thưa hỏi, Đức Phật bảo tội báo đều có nguyên nhân, không phải ngẫu nhiên. Ngài kể chuyện về tiền kiếp:
Thuở xưa, có ba người thương gia sang nước khác buôn bán, cả ba người đều ở trọ nơi nhà của một bà lão sống đơn chiếc. Đến lúc trả tiền thuê phòng thì ba người thấy bà già cô độc yếu đuối liền quyết định ăn quịt không trả tiền thuê. Thừa lúc bà lão đi vắng, cả ba lén bỏ đi hết nên khi bà lão trở về không thấy ai, hỏi thăm hàng xóm thì mới hay là họ cũng mới vừa bỏ đi.
Bà cũng hơi giận nên chạy đuổi theo, bắt kịp họ liền đòi tiền phòng trọ, nhưng ba người này ỷ sức mạnh nên nói dối là đã trả tiền rồi sao bà còn đòi nữa. Họ còn mắng bà. Bà lão thấy sức yếu đành ngậm hờn và thề trước ba người đó rằng: “Tôi già cả nghèo khổ, sao các ông lại nhẫn tâm lừa gạt. Tôi nguyện là đời sau sinh ra chỗ nào hễ gặp các ông là quyết giết không tha. Tôi quyết trả thù cho được mới thôi, dù các ông đắc đạo tôi cũng không bỏ qua”.
Đức Phật hợp pháp câu chuyện: bà lão thuở đó chính là con bò mẹ vì ôm lòng oán hận mà sinh vào loài vật nhưng vẫn không quên trả hận, còn ba vị thương khách chính là ba vị đã bị chết bởi con bò.
Nhìn chung thì đây giống như chuyện xui xẻo ngẫu nhiên, nhưng với mắt người hiểu đạo đều thấy có nhân quả hết. Đó là những bài học giúp chúng ta cảnh tỉnh, để sống đúng nhân quả, và trong cuộc sống chúng ta phải khéo ngăn ngừa đừng để kết oán hận với nhau.
Trên là nhân quả theo chiều ác, cũng có nhân quả theo chiều thiện như pháp sư Tường Vân kể một câu chuyện:
Bà lão cư sĩ tên Thạch Muôi Cô đã bảy mươi tuổi, kể lại chuyện xảy ra lúc bà mười lăm tuổi. Khi ấy vào khoảng tháng hai tháng ba âm lịch, bà đi ngang qua con đường Trung Lịch ở Long Đàm Sơn thấy bọn trẻ đang dùng khói đốt tổ ong. Dù còn nhỏ tuổi nhưng bà có tâm từ, liền nghĩ nếu chúng đốt tổ ong thì biết bao nhiêu con ấu trùng bị chết, bà có cảm giác như chính mình bị đốt chết vậy. Khi đó, bà bèn lấy cái xấp vải của mẹ mới mua cho đem đưa cho nhóm trẻ bảo đổi lấy tổ ong. Ban đầu chúng không chịu nhưng bà thuyết phục hoài cuối cùng chúng cũng ưng thuận.
Chín năm sau, lúc ấy bà khoảng hai mươi bốn tuổi đã lập gia đình và đang giúp chồng bán than đá ở vùng núi. Vào một đêm mùa hạ, sau khi làm việc xong thì cô mới đi tắm. Ở núi không có đèn nên cô mới dò dẫm ra bể nước để tắm, khi định ngồi xuống tảng đá để tắm, đột nhiên cô nghe có tiếng o o o bay trên đầu. Cô ngạc nhiên và cũng sợ nên quay ra sau lấy cây đèn đốt lên, mới giật mình vì thấy một con rắn hổ mang rất lớn đang nằm trên tảng đá, còn tiếng kêu o o o là của bầy ong vàng.
Bầy ong kêu là cốt để đuổi con rắn kia, rắn đi rồi chúng mới chịu bay đi. Bà chợt nhớ lại chuyện cũ do có lần mình đã cứu bầy ong nên bây giờ nó cứu lại mình. Như vậy, nhờ bầy ong mà bà không bị rắn cắn, được thoát chết. Đến nay, bà đã là một bà lão bảy mươi tuổi và kể lại cho pháp sư Tường Vân nghe. Trước kia nhờ cứu bầy ong nên bây giờ được bầy ong cứu lại. Nhân quả rất rõ ràng.
Trong Phật pháp thường hay nhắc “Phàm làm việc gì nên nhớ hậu quả của nó”, đó chính là nói đến tinh thần nhân quả. Do hiểu rõ nhân quả nên phải cẩn thận ngay cái nhân mà không đợi quả đến rồi mới than.
Thí dụ những người giàu sang quyền thế đó là nhờ chiêu quả tốt đời trước của mình, nhưng nếu lại say đắm trên cái quả đó mà không nhớ cái nhân mình đã tạo rồi nhiều khi lại tạo nghiệp xấu trở lại, đến khi quả tốt hết thì tai họa lại đến. Đó là say đắm trên cái quả mà không nhớ cái nhân, bởi vì quả có là từ nhân, nếu không có nhân thì không có quả. Hiểu rõ rồi thì mỗi khi làm việc gì cũng phải nhớ là thân vừa định làm đau khổ ai, hoặc miệng muốn nói những lời khiến cho người đau khổ, hay nghĩ xấu về người v.v… thì chúng ta phải biết đó là cái nhân sẽ đưa đến quả đau khổ liền dừng, được vậy thì tránh được cái quả xấu sau này. Đừng cố làm, cố nói cho nhiều đến sau bị quả báo trả lại rồi than.
Ở đời thường có câu “Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người”, nên trong chuyện tiền thân Đức Phật, có một kiếp khi Ngài còn tu hành Bồ-tát đạo, Ngài sinh ra trong một gia đình kia, tuy còn nhỏ nhưng thông minh sáng suốt. Ngoài người cha, Bồ-tát còn có thêm ông nội nhưng vì già quá nên không thể làm việc. Vợ của người kia thấy chán bèn bàn với người chồng là đem bỏ người cha già vào trong rừng để chết từ từ, vì để ở nhà không làm lợi ích gì, lại mắc công phải có người chăm sóc.
Bàn tới bàn lui hoài thì người chồng tức là cha của Bồ-tát cũng xiêu lòng. Một hôm, ông đóng một chiếc xe giống như xe bò rồi đặt ông nội của Ngài lên cùng với cuốc xẻng, khi ấy Ngài còn bé thấy vậy ngài cũng nhảy lên xe đi.
Cha của Ngài đẩy xe vào rừng đến miếng đất trống, lấy cuốc đào một cái hố. Ở đây, ngài cũng lấy một cái xẻng đến gần bên đào bới một cái hố khác. Người cha hỏi: “Con làm gì vậy?”. Ngài hỏi lại: “Còn cha làm gì?”. Người cha nói: “Ta đào cái hố này để bỏ ông nội xuống”. Ngài mới nói: “Con cũng vậy, đào một cái hố ở đây để dành sẵn. Mai mốt cha già con cũng đẩy và bỏ cha xuống hố”. Người cha nghe liền thức tỉnh biết mình làm việc xấu nên con bắt chước, liền đẩy ông nội của Ngài về chăm sóc kỹ lưỡng.
Đức Phật kể lại chuyện tiền thân, để thấy rằng khi Ngài còn trong thời gian tu hành thì đã có chủng tử tốt rồi và tuy ngài còn bé nhưng cũng khéo léo thức tỉnh người cha.
Từ những câu chuyện này, chúng ta nhận thức đây là những bài học nhân quả cần phải học kỹ. Như qua câu chuyện này, chúng ta thấy rằng đối với tất cả việc đều cần phải nghiệm kỹ để cuộc sống được tốt và luôn nhớ bản thân mình phải là tấm gương cho đời sau nữa. Đây cũng là câu chuyện nhân quả hiện tiền. Nếu con mà chôn cha mình thì mai mốt con mình chôn mình lại, đó là nhân quả.
Như câu chuyện cổ của nước ngoài, nói về một đứa trẻ đi học lấy cắp cây bút của bạn rồi về khoe với mẹ. Thay gì quở trách kêu đem trả lại bạn, nhưng bà mẹ này lại còn khen con giỏi nữa. Đứa bé tưởng như vậy là hay nên hôm sau nó ăn cắp thêm quyển vở của bạn, rồi lấy cái áo ấm v.v… thì bà cũng khen luôn. Đó là bà mẹ đã bắt cầu cho con mình lớn lên thành tên cướp.
Sau này, khi tên cướp bị bắt và đưa ra xử tội thì bà mẹ đi theo kế bên, tên cướp ra dấu cho bà đến gần. Bà liền đi gần con, thì tên cướp mới cắn mạnh vào lỗ tai của bà thật đau. Bà mẹ quở con rằng đến nước này rồi mà con còn bất hiếu làm đau khổ mẹ. Khi đó, nó mới trách ngược trở lại: “Nếu như lần đầu khi con đem cái bút về mà mẹ ngăn con lại, quở trách nói đó là điều xấu thì đâu có ngày hôm nay”.
Đúng ra, nếu bà mẹ là người có trí tuệ thấy rõ nhân quả thì phải ngăn con từ cái nhân còn trong mầm. Như vậy là ứng xử sáng suốt, về sau không phải ăn năn, chứ không phải đợi đến có quả rồi mới trách. Nên với tinh thần người học đạo thì chúng ta phải thấy từ cái nhân ban đầu.
Cũng như câu chuyện vị hiệp sĩ đến hỏi Thiền sư Bạch Ẩn về thiên đường và địa ngục. Hỏi: “Có thiên đường, có địa ngục không?”. Ngài Bạch Ẩn đáp: “Anh làm nghề gì?”. Đáp: “Là hiệp sĩ”. Ngài Bạch Ẩn nói: “Trông dáng của anh không khác gì tên ăn mày mà làm hiệp sĩ cái gì?”. Anh liền đỏ mặt đưa tay vào chuôi kiếm định rút. Ngài nói thêm: “Anh mà cũng có kiếm à! Kiếm của anh trông cùn quá!” Khi đó, hiệp sĩ nhịn hết nổi bèn rút kiếm, ngài Bạch Ẩn cười bảo: “Cửa địa ngục đang mở ra đó!.” Anh tỉnh ngộ biết là mình quấy liền tra kiếm vào vỏ và cúi đầu tạ lỗi. Ngài bảo: “Cửa thiên đường đang mở ra cho anh”.
Chúng ta thấy Thiền sư khéo léo trả lời câu hỏi về thiên đường địa ngục một cách thực tế. Thiên đường, địa ngục không ở đâu xa mà chính ngay việc làm của mỗi người, từ cái nhân này sẽ đưa đến thiên đường hay địa ngục. Nếu anh tạo cái nhân địa ngục thì sẽ có chỗ đau khổ cho anh đến, còn anh tạo nhân tốt lành thì sẽ có chỗ tốt lành cho anh. Bởi vậy, nếu chúng ta không tạo cái nhân địa ngục thì không có quả địa ngục đến với mình, mỗi người cần nên cẩn thận ngay mỗi hành động hiện tại, vì đó là nhân đưa đến cái quả thiên đường hay địa ngục sau này.
Hiểu rồi thì khi có một đóm lửa sân nổi lên trong tâm, chúng ta liền biết đây chính là cái nhân để đưa đến cõi đấu tranh A-tu-la, khỏi cần phải tìm cõi A-tu-la ở đâu hết. Và ngay khi lòng tham lam keo kiệt phát khởi liền biết đây là hiện tướng của ngạ quỷ. Nên càng phải cẩn thận ngay từ cái nhân và sống hợp đạo lý, sống sáng suốt thì ngày sau khỏi phải ăn năn hối hận.
Thiền sư Quảng Trí nói: “Trước mắt một niệm mà hiện tướng sân thì chính là hình ảnh của con rắn dữ, còn trước mắt mà hiện tướng tham thì chính là giống loài ngạ quỷ, cái nhân của niệm khởi không có hình tướng thì rất nhỏ, nhưng quả báo thì lại rất lớn. Sự nhỏ nhiệm của một niệm được giữ gìn trong ruộng thức trải qua ngàn muôn kiếp cũng không mất”.
Phải hết sức cẩn thận từ một niệm khởi, khi đã gieo thành hạt giống trong tàng thức của mình rồi thì trải qua thời gian dù dài nhưng khi đủ duyên thì nó nẩy mầm, nên phải cẩn thận là như vậy. Vì thế, bậc trí tuệ luôn dè dặt không dám xem thường, nên có câu “Bồ-tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”.
Thường con người chúng ta không sợ nhân mà khi quả đến thì than. Nếu biết rõ như vậy rồi cố gắng tránh tạo nhân, còn lỡ tạo nhân rồi thì quả sẽ đến. Khi đó phải biết đây là trách nhiệm của mình chứ không phải ai đem đến, phải can đảm nhận chịu rồi tạo nhân tốt khác để chuyển hóa.
Trên đã nói lại những bài học nhân quả để mỗi người nghiệm kỹ và khéo học, khéo ứng dụng vào cuộc sống. Phải biết quan sát chung quanh để học rồi suy ngẫm những bài học sống, rồi sống sao cho đúng nhân quả. Chúng ta sẽ thấy chung quanh đều là những bài học nhân quả thiết thực học hoài không hết, nào phải chỉ học để trả bài thôi. Tóm lại, nhân quả là một bài học lớn cho tất cả chúng sinh, và tất cả chúng sinh đều sống trong nhân quả.
Con người sống trên thế gian này cần phải học kỹ, hiểu rồi tin sâu nhân quả để sống không có lầm lẫn giữa khổ và vui. Khi đã hiểu rõ nhân quả rồi thì mình sẽ nhận thấy trách nhiệm khổ vui đó là thuộc về mình chứ không ai đem đến, và chính mình là chủ nhân mọi vui buồn của đời mình.
Khi đã biết trách nhiệm thuộc về mình thì chúng ta không còn trách ai, không trách người, hoặc trách trời trách Phật, vì như vậy là tạo thêm cái nhân quả mới nữa. Ngược lại biết rõ nhân quả lành dữ đều do mình tạo, khéo chuyển hóa, giống như là có nợ trả xong nợ rồi thì khỏe. Đây cũng là chân lý bình đẳng của tất cả thế gian, lẽ thật này dù cho ở đâu, cõi nào, nước nào, người có đạo hay không đạo đều cũng nằm trong nhân quả và hết thảy người thế gian đều bình đẳng trên nhân quả, nhờ hiểu rõ như vậy nên chúng ta biết cách để sống.
Trong kinh Pháp Cú có câu:
Tự mình làm điều ác
Tự mình sinh nhiễm ô
Tự mình không làm ác
Tự mình thanh tịnh mình.
Tịnh hay không thanh tịnh
Đều do tự chính mình
Ai thanh tịnh cho ai?
Nghĩa là mình làm ác là tự mình sinh nhiễm ô, tự làm xấu cho mình. Còn tự mình không làm ác thì chính mình làm thanh tịnh mình, đó là trách nhiệm nơi mình. Như vậy thanh tịnh hay không thanh tịnh đều là chính mình, đâu ai thanh tịnh cho ai được.
Chúng ta không thể cầu thầy làm cho mình thanh tịnh mà chính mình phải tự thanh tịnh lấy mình. Thầy Tổ chỉ dạy, nhắc nhở cách thức đường lối để chúng ta thực hành mà không thể làm cho chúng ta thanh tịnh được. Cũng vậy, không ai có thể làm cho mình nhiễm ô mà chính mình làm cho mình nhiễm ô.
Mỗi người hiểu rõ rồi thì phải khéo học kỹ bài học nhân quả của cuộc đời để có một cuộc sống sáng suốt, hợp đạo lý. Đây là bài học đầu năm, mong quý Phật tử nhớ kỹ suốt năm. Nhưng đâu phải chỉ nhớ kỹ trong năm nay mà là nhớ suốt đời, là bài học thiết thực trong cuộc sống hằng ngày, nó sẽ giúp chúng ta sống xứng đáng là người Phật tử học Phật, tin sâu nhân quả.
Khi chúng ta có đủ chánh kiến là có gieo trồng hạt giống sâu đối với Phật pháp, thì con đường đi của chúng ta bảo đảm sẽ đi lên và không ai gạt được mình nữa. Như vậy, trên đường học Phật của chúng ta bảo đảm luôn tiến bộ.
Mong tất cả khéo học kỹ và sống đúng với nhân quả.
Các bài mới
- Thừa kế nghiệp - 19/11/2017
- Hạt giống hạnh phúc hạt giống khổ đau - 07/03/2017
- Nhân quả - 08/02/2017
- Ứng dụng lý nhân quả vào cuộc sống - 06/12/2016
- Nhân quả, nghiệp, luân hồi - Phần 3: Luân hồi - 04/03/2016
Các bài đã đăng
- Nhân quả, Nghiệp,Luân hồi - Phần 4: Giải đáp những thắc mắc nghi vấn - 25/02/2016
- Nhân quả, Nghiệp, Luân hồi: Phần 2: Nghiệp - 30/01/2016
- Luân hồi, nghiệp, nhân quả - Phần 1: Luật nhân quả - 26/01/2016
- Nhân duyên và oan khiên - 05/11/2015
- Thiện ác không cố định - 05/11/2015
Chuyên đề
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 23060
- Online: 92