Biết Là Chân Tâm
08/02/2024 | Lượt xem: 3254
TT.Thích Tâm Hạnh
Hòa thượng Tôn sư thượng Thanh hạ Từ, Tông chủ Thiền phái Trúc Lâm đã tiếp nối phục hưng Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, cho pháp Thiền nước Việt sáng lại trong thời kỳ đương đại của thế kỷ 20 – 21 này. Ngài uyển chuyển lập này phương tiện, giúp nhiều người trên mọi miền đất nước và khắp nơi trên thế giới biết đến Thiền tông Việt Nam, quy hướng tu tập, đạt được những lợi lạc nhất định. Đến nay, thiền được phổ cập, nhiều người thấm nhuần thiền cho nên rốt sau Ngài nói thẳng “Ngay thấy nghe biết, chân tâm đang hiện tiền”.[1]
1. THẤY NGHE BIẾT ĐỀU TỪ CHÂN TÂM.
Hòa thượng Tông chủ dạy, bằng tâm trong lặng sáng biết, hành giả nhận ra rõ ràng, mắt biết thấy là chân tâm, tai biết nghe là chân tâm… Ý biết pháp trần là chân tâm. Tóm lại, Ngài khẳng định ngay mọi thứ đang đối diện, chúng ta lặng sáng, thấy biết rạng ngời nhưng không động, mỗi mỗi thấy, nghe, biết..., chân tâm đang hiển hiện rõ ràng.
Khi đã thuần thục, cái biết chân tâm luôn hiện tiền thì chuyển qua giai đoạn “Thể nhập chân tâm”. Đến đây hành giả thể nhận rõ chân tâm “Vốn tự không động, thường biết rõ ràng mà không cần khởi niệm phân biệt. Thênh thang còn mãi, vốn tự như vậy”.
Sự thật, nhờ chân tâm cho chúng ta thấy, nghe, biết (Kiến văn giác tri). Do đó, ngay thấy, nghe, biết, chân tâm đang hiện tiền, chưa thiếu vắng bao giờ. Nhưng do không nhận ra, sống theo vọng, trên vọng mà tu nên bỏ sót chân tâm. Vì vậy Hòa thượng khẳng định và nói cho hành giả biết “Ngay thấy, nghe, biết; chân tâm đang hiện tiền sẵn đó”. Nghe dạy, hành giả đã nhận biết rồi, khéo dụng công, nhận ra và sống thẳng bằng chân tâm.
Thiền sư Sư Nhan (Ngạn) khi đến Đan Khưu, suốt ngày ngồi trên thạch bàn như kẻ ngu, thỉnh thoảng tự gọi: “Ông chủ nhân”, lại ứng thanh: “Dạ”. Bèn bảo: “Tỉnh tỉnh lấy! Về sau chớ bị người gạt”. Thời gian sau, bốn chúng ngưỡng mộ đức của Sư, thỉnh Sư trụ trì tại Đoan Nham, học lữ nghe danh đua nhau kéo đến. Hòa thượng Tông chủ hiện nay dạy thiền sinh thường nhắc “Mắt biết thấy là chân tâm…” để xác quyết, trừ mê, cho thiền sinh nhận lại tâm mình, cũng tương tự.
Khi tự nhắc để mình nhớ và nhận rõ “Ngay thấy nghe biết là chân tâm”, là để khẳng định cho hành giả nhận ra rằng, ngay khi chúng ta thấy nghe biết, chân tâm sẵn đủ đó. Khi đã tin chắc, khẳng định rồi thì hằng sống như vậy chứ không nhắc nữa.
Như vậy, theo lời Hòa thượng dạy như trên, mục đích để khẳng định, xác quyết ngay thấy nghe biết, chân tâm sẵn đó. Hành giả khéo dụng công miên mật, theo thời gian thuần thục, tiến đến nhận ra chân tâm chính mình và thể nhập, sống bằng chính nó. Tu tập nhận ra chân tâm như thế không phải là việc tự kỷ ám thị. Bởi tự kỷ ám thị là lặp đi lặp lại một việc bên ngoài nhiều lần để bị ám thị, biến thành cái của mình. Còn việc nhắc biết có chân tâm là khẳng định để xác quyết cái chân thật nơi chính mình và hướng tánh chân thật ấy để tu tập. Khi thuần thục, sáng ra tâm tánh chính mình, ông chủ chính mình hiển hiện chứ không phải nhận cái bên ngoài để ám thị làm cái của mình.
2. CHÂN TÂM VÔ NIỆM.
Tu tập cho đến khi hết vọng niệm mới ngộ chân tâm? Hay khi ngộ chân tâm thì hết vọng niệm, được vô niệm? Ví như người ngủ say, thấy các cảnh trong mộng. Mơ cho tròn hết cơn mộng mới được tỉnh dậy? Hay bất cứ lúc nào tỉnh dậy thì hết mộng? Nếu phải mơ trọn câu chuyện trong giấc mộng mới tỉnh thì đã là người tỉnh rồi, đâu còn mộng nữa? Thực tế, bất cứ lúc nào tỉnh dậy thì liền hết mộng.
Cũng thế, bất chợt ngộ tâm, vọng tự bặt. Khi ấy, vượt cả không gian và thời gian, không có trước sau. Không có thời gian hay không gian nào cho tình thức phân biệt kịp chen vào để nhận ra vọng niệm dứt bặt trước rồi mới ngộ chân tâm, hay ngộ chân tâm rồi vọng niệm mới dứt bặt. Khi chưa ngộ tâm thì có làm gì, vọng vẫn hãy còn. Ngộ rồi, vọng tự dứt bặt. Như ngủ say, nằm mộng thấy đủ thứ. Tỉnh dậy, toàn không. Biết vậy, hành giả chỉ dụng công đúng pháp, không quan tâm đến vọng. Thời tiết nhân duyên chín muồi, tâm tự bừng sáng, các vọng tự dứt bặt, vắng lặng, sáng rỡ; chứ không mong ngóng hay làm thêm gì cả. Nếu càng mong muốn hết vọng, là đã can thiệp sâu trên vọng, đồng nghĩa đã quên tâm. Như thế, sẽ càng bất an, rối rắm. Mới hay ra, càng trông mong hết vọng thì lại càng tăng thêm vọng, là đã trái với nguồn cơn mong muốn hết vọng, sẽ không hết vọng được.
Tất cả cảnh trong mộng bản chất không có thật. Nhưng nó lại có giá trị chi phối đối với người ngủ mê, đang say mộng. Cảnh trong sanh tử cũng tương tự. Thực chất, tất cả chúng đều không có giá trị gì. Nhưng do chúng ta tạm mê nên bị chi phối. Sáng lại chân tâm, tất cả đồng thời lặng trong, tiêu mất; như người thức giấc, cảnh trong mộng không còn giá trị gì.
Sự thật, chân tâm vốn vô niệm. Nhưng chúng sanh bất giác, chợt quên, sống trên nó mà bỏ sót, quên nhận lại nên niệm nương vào thức mê mà sanh khởi và tồn tại. Khéo nhận lại chân tâm thì căn thức mê dứt bặt, niệm tự vắng lặng. Hành giả thể ngộ tự tánh, liền tự hay ra: “Chân tâm vốn tự không niệm” đã lâu lắm rồi. Nếu còn đang trên đường dụng công tu tập thì cần biết có chân tâm, hướng tiến chân tâm tu tập. Hành giả khéo bặt dứt mất hút các tướng, sáng lại tánh mình, tu trong vô tu, mới chân thật tu hành. Cụ thể, có pháp nhưng không kẹt vào tướng của phương pháp để tạo thành tướng pháp, không kẹt vào tướng dụng công, bặt các dấu vết của tâm;không ở trong chỗ rỗng không mà lập phần hạn, sở đắc, hoặc làm bất cứ gì tạo thành dấu vết. Như thế, tợ như không làm gì, nhưng không mê thì tánh tự sáng biết.Sống thẳng tánh ấy là tu hành, là tu trong vô tu. Khi thời tiết nhân duyên chín muồi, tâm tự bừng sáng, toàn thể hiện bày, niệm vốn tự không, bặt dứt nghi ngờ, không cần phải nhọc nhằn cố bàn nói thêm gì trong ấy.
Như vậy, nói “Chân tâm vô niệm” là nói thật về thể của chân tâm vốn không có niệm lự. Hành giả nhân đó biết được hướng tiến, khéo léo dụng công để khế hợp chân tâm như vừa nêu trên. Sẽ có lúc tâm này bừng sáng, sẽ tự mình thấy ra “Chân tâm vô niệm”.
3. CHÂN TÂM VÔ NIỆM – VÔ NIỆM CHÂN TÂM.
Ngộ chân tâm, tâm ấy vốn vô niệm. Nhưng đạt đến vô niệm, chưa hẳn đã ngộ chân tâm. Cụ thể, Thiền sư Cảnh Sầm nói: “Chớ bảo vô tâm gọi là đạo, Vô tâm còn cách một lớp rào”. Nhưng Sơ Tổ Trúc Lâm thì bảo: “Trong nhà có báu thôi tìm kiếm, Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền”. Cùng là vô tâm, nhưng hai nghĩa này khác nhau. Một bên “Vô tâm chưa phải đạo”, bên kia thì ngược lại. Chúng ta thấy ra gì về nghĩa vô tâm?
Thiền sư Cảnh Sầm nói: “Chớ bảo vô tâm”, tức là Ngài thấy đang có người cảm nhận về vô tâm, có một cái được gọi là vô tâm (tâm không) để giữ lấy. Đã là có thì dù có cái gì đi nữa, kể cả cái tâm không, cũng không phải bản tâm chân thật vốn không một vật chính mình. Cái vô tâm ấy là làm cho được vô, chứ không phải bản tâm tự rỗng thênh, vốn không một vật. Ngài gọi đây là đầu sào trăm trượng. Vì vậy trong một bài kệ khác, Ngài bảo: “Đầu sào trăm trượng thêm bước nữa, Mười phương thế giới hiện toàn chân”.
Thiền sư Phật Nhãn nói: “Không nên ở trong chỗ rỗng không, không bờ mé mà lập phần hạn. Nếu lập phần hạn, tức đó chỉ là cái rỗng không, không bờ mé, bèn bị rơi kẹt”. Nghĩa là Ngài nhắc, không nên nhằm trong chỗ rỗng không, thầm thấy có một cái tâm không để cảm nhận, giữ gìn. Đây chính là chỗ vô tâm mà Thiền sư Cảnh Sầm đã nhắc, chớ bảo đó là đạo.
Sơ Tổ Trúc Lâm bảo: “Trong nhà có báu thôi tìm kiếm, Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền”. Ngay câu trước Ngài đã nhắc: “Trong nhà có báu thôi tìm kiếm”. Nghĩa làcần nhận lại của báu vốn sẵn trong nhà (bản tâm) thì bản tâm ấy vốn tự không (rỗng thênh), chứ không phải do cảm nhận được; hay do làm gì đó để được không.
Cho thấy, cùng là vô niệm, vô tâm, nhưng nếu đã ngộ tánh thì tánh ấy tự không. Bằng chưa ngộ thì mới chỉ ở trong chỗ thuần tịnh, rỗng không, không bờ mé. Thiền sư Pháp Thành ở Hương Sơn nói: “Dù cho thuần thanh tuyệt điểm vẫn còn là chơn thường lưu chú”. Hành giả thấy mình sạch sành sanh, không còn vết bợn nào, nhưng trong ấy vẫn còn sự trôi chảy nhỏ nhiệm trong tự tánh chơn thường mà chính mình không nhận ra. Cho đến khi ngộ tánh mới biết trước kia chưa phải.
Việc này phụ thuộc vào cách dụng công của hành giả. Nếu quý vị lanh lợi, ngay đây nhận thẳng tánh sáng biết, không can hệ trên niệm và các cảnh có hay không, không liên can đến các thứ lớp của động và tịnh, tu và chứng thì tâm tánh hiện tiền. Tâm ấy tự rỗng rang, thênh thang, không nơi nào thiếu vắng; ngay đó là đạo. Ngược lại, nếu hành giả công phu theo hướng hàng phục vọng tâm hoặc quét sạch tất cả thì sẽ đi đến điền địa chuyển tiếp của thuần tịnh, là còn cách lớp rào, chỗ này chưa phải đại đạo chân thật.
Thiền sư Tông Mật nói, nhất hạnh tam muội còn gọi là bản tâm. Lục Tổ đứng trên nhất hạnh tam muội làm cơ sở lập trường để lập ra phương tiện tam vô, trong đó có vô niệm. Hành giả y đây tu hành, trở về nhận lại nhất hạnh tam muội. Qua lời Ngài dạy, chúng ta có thể nhận ra vô niệm trong tam vô chính là phương tiện cho hành giả hành trì, là con đường để đi đến đích nhất hạnh tam muội (bản tâm). Khi hành giả trực ngộ bản tâm, liền hay ra chân tâm vốn tự vô niệm.
4. CHÂN TÂM LÀ BIẾT HAY KHÔNG BIẾT?
Chân tâm không thuộc về biết cùng chẳng biết. Khởi biết, thấy có cái biết là đã thành tướng biết, đó là vọng giác. Nếu không biết thì rơi vào vô ký. Chỉ khéo mất hút các tướng, không mê mờ thì liền đó trả lại bản thể chân tâm, tâm ấy tự sáng biết. Không cần sanh khởi, không phân biệt, vẫn bất động, nhưng tự sáng biết một cách chủ động, linh thông rành rẽ rõ ràng hơn cả sự phân biệt lanh lợi của ý thức. Chính vì bất động nhưng tự sáng biết, không biết về biết theo cảnh vật, không đợi có vật mới biết, chính nó sẵn tự sáng biết do đó chân tâm không nằm trong “Biết cùng chẳng biết” theo kiểu tìm hiểu, học hỏi, nhận biết một cái gì đó bên ngoài. Hành giả ngộ ra, liền tự thấy ra rất rõ, tất cả hiện tiền trước mắt. Nếu chưa ngộ, còn dụng công thì cần lưu ý rằng, không nên thấy có một cái biết để chúng ta nhận rõ hoặc nắm giữ nó. Chỉ là khéo vắng bặt, mất hút dấu vết và không mê, ngay đó chân tâm tự sáng biết.
5. BIẾT CÓ CHÂN TÂM.
Thiền sư Phổ Chiếu nói: “Biết không sanh tử, chẳng bằng thể không sanh tử. Thể không sanh tử, chẳng bằng khế không sanh tử. Khế không sanh tử, chẳng bằng dụng không sanh tử”. Cho thấy, biết rõ cái không sanh tử, sanh tử không can hệ, không đến kịp, đó là chân tâm, như thế đã được Thiền sư Phổ Chiếu chứng minh xác quyết vào hàng biết rõ tự tánh chính mình. Và “Biết được chỗ không còn sanh tử” chính là “Biết có chân tâm”.
Sự thật, nếu chưa đủ duyên nghe giảng, khai thị hay tu tập để nhận ra, chúng ta không hề biết mình có chân tâm. Khi được thiện tri thức chỉ bày, khai thị, chúng ta sực nhận ra, sáng lên, như thế là đã có duyên với thiền tông, sẽ có lúc nhận lại, bừng ngộ bản tâm chân thật này.
Trưởng Lão Định Hương xuất gia tham học nơi Thiền sư Đa Bảo. Một hôm Sư hỏi Thầy mình: “Làm sao thấy được chân tâm?”. Thiền sư Đa Bảo đáp: “Là ngươi tự nhọc”. Sư hoát nhiên tỉnh ngộ, thưa: “Tất cả đều như vậy, đâu phải riêng con”.
Ngộ chân tâm, không phải ngộ ra một chân tâm như thế nào đó; mà chỉ là trả lại chính nó, tâm ấy tự bừng ngộ. Lúc này hành giả tự mình nhận ra rất rõ, tất cả diệu lực đều tự mạnh lên, đúng như chính nó đã sẵn. Chân tâm đã sẵn đủ nơi chính mình, chỉ khéo nhận lại, liền sáng ra, hiển hiện. Nếu thấy được chân tâm thì chân tâm đã trở thành đối tượng bên ngoài bị thấy, không phải chính nó. Như thế, không khéo đã biến chân tâm thành tướng, là đã vụng về trong thể chân tâm vô tướng vốn sẵn kia. Ngài Định Hương muốn tìm thấy được chân tâm, khởi tìm để thấy được chân tâm, cho đến tu hành mong thấy được chân tâm thì càng bị ngăn cách, xa nó. Vì vậy, Thiền sư Đa Bảo nói: “Đó là ngươi tự làm nhọc mình”, không thể thấy. Ngay đó, Ngài Định Hương sực nhận lại, liền hay ra, chân tâm hiện tiền, liền thưa: “Tất cả đều như vậy, đâu phải riêng con”. Ngài nhận ra và ngạc nhiên, tất cả ai ai cũng đều đã sẵn vậy lâu lắm rồi, không phải của riêng ai. Nhưng tại sao cũng giống như mình trước đây, lâu nay sống trên nó mà đi tìm bên ngoài, nhọc nhằn vô ích, luống chịu các khổ não không đáng có.
Nếu hành giả lanh lợi, bản lĩnh hơn, ngay đây thoạt nghe liền nhận, sẽ hay ra chân tâm sẵn đó từ lâu lắm rồi, ai cũng đủ, chưa từng thiếu vắng. Dám tin và sống thẳng bằng chính nó, lâu dần sẽ thuần thục, lực dụng hiện tiền, đạt đến viên thông. Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi khi đến gặp Tam Tổ Tăng Xán đang lánh nạn trong núi Tư Không. Tam Tổ không nói gì. Lặng yên trong khoảng trầm ngâm, Ngài chợt sáng ra tâm này. Tổ dạy về phương Nam giáo hóa. Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi bảo nhậm, viên thông, khai thị, truyền thiền, trở thành vị Tổ của một dòng thiền tại Việt Nam mang đạo hiệu Ngài. Không làm gì nhiều, một nhận, dám sống, liền xong. Đây là gương sáng cho chúng ta tự tin, xác quyết mình cũng có phần. Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã làm được như vậy, nếu chúng ta tự tin, quả quyết thì phần mình không thiếu.
Sự thật, không phải trải qua tu hành tạo tác mà chỉ là khéo nhận lại liền xong. Nếu chưa thể như thế thì bất đắc dĩ phải tạm thời hàng phục vọng tâm, phải tu hành nhiều công sức vậy thôi. Biết vậy để chúng ta mạnh dạn dám nhận thẳng tâm này, việc tu tiến sẽ rõ ràng hơn rất nhiều.
Tăng hỏi Tào Sơn Bổn Tịch: - Thế nào là mênh mang bát ngát chuốc họa ương?
Sư đáp: - Chỉ là cái ấy.
Thiền sư Huyền Giác nói: “Thoạt đạt không, bác nhân quả. Mênh mông bát ngát chiêu ương họa”. Vị Tăng đem việc này hỏi Thiền sư Bổn Tịch, Sư đáp: “Chỉ là cái ấy”. Nghĩa là, dù ở trong chỗ ngoan không, hay vọng thức mênh mang bát ngát, hoặc đã chiêu lấy họa ương vào trong sanh tử, nhưng tâm tánh mình (cái ấy) không thiếu vắng. Như người ngủ mê, nói mớ, nhưng thân vẫn nằm bất động trên giường. Khéo nhận lại, mới hay ra cũng chỉ là chính nó, liền thoát khỏi ngoan không, vượt thoát sanh tử.
Tăng hỏi:- Làm sao khỏi được?
Sư đáp: - Biết có liền được, dùng khỏi làm gì?Chỉ là Bồ-đề, Niết-bàn, phiền não, vô minh v.v… (tất cả các pháp đối đãi hai bên) thảy đều chẳng cần khỏi. Cho đến việc thô trọng ở thế gian cũng thế, miễn biết có là được, chẳng cần khỏi; khỏi tức đồng biến dịch (dời đổi) rồi.
Ngài Tào Sơn khẳng định, chỉ sáng lại tánh này, biết có chân tâm liền được, không vụng về tạo tác thêm gì trong ấy. Cụ thể trong công phu, hành giả không can thiệp hay làm thêm bất cứ gì trên vọng, trên các tướng; chỉ là không theo, không mê thì tánh tự thấy biết, vô tướng – sáng ngời. Khéo nhận, dám sống, liền đó hay ra rõ ràng. Không biết có, quên tánh này, liền rơi vào các tướng, tạo tác sanh diệt, tu hành vô lực.
6. CHÂN TÂM THẤY BIẾT TẤT CẢ, VƯỢT THOÁT TẤT CẢ, NHƯNG TỰ TẠI HAY VÀO RA TẤT CẢ.
Thiền sư Cứu Chỉ, Việt Nam nói:
Tuy thấy tất cả pháp mà không có chỗ thấy, tuy biết tất cả pháp mà không có chỗ biết. Biết tất cả pháp lấy nhân duyên làm gốc. Thấy tất cả pháp lấy chánh chân làm tông. Tuy chuyên nơi thật tế mà rõ thế gian đều như biến hóa. Rõ thấu chúng sanh chỉ là một pháp, không có hai pháp. Chẳng rời cảnh nghiệp mà phương tiện khéo léo, ở trong cõi hữu vi hiện bày pháp hữu vi mà không phân biệt. Tướng vô vi là do hết dục, dứt ngã, quên niệm mà nhận lấy vậy.
Phàm phu thấy biết phan duyên. Khi thấy biết là phải thấy biết về cái gì đó; tức là có chỗ thấy biết, bỏ quên tự tánh. Bậc đã đạt ngộ, tâm cảnh nhất như, vốn tự sáng biết, không khởi phân biệt, không đợi có vật mới biết, không tìm vật để thấy biết; Thiền sư Cứu Chỉ nói, tuy thấy biết tất cả mà không chỗ thấy biết. Cụ thể, khi tâm cảnh nhất như, thấy biết tất cả một cách rõ ràng, linh thông và chủ động hơn cả sự thông minh của ý thức, nhưng bất động, vượt thoát, suốt qua tất cả, không dừng trụ; nên nói không có chỗ thấy biết. Nếu vậy, bậc đạt ngộ thấy biết tất cả như thế nào?
Lúc này, biết rõ các pháp đúng như thật, tất cả đều do nhân duyên sanh. Vì do nhiều yếu tố hợp lại mà thành cho nên các pháp đều huyễn hóa. Quý Ngài sống thẳng tự tánh sáng biết không động, vượt thoát các vận hành, không bị các sanh diệt chi phối để thấy biết; chứ không phải biết theo các pháp để chìm trong ấy, bị lưu chuyển hoặc cuốn theo vô thường sanh diệt, tụ tán, hợp tan. Nên nói, biết tất cả pháp lấy nhân duyên làm gốc. Điểm chính yếu ở đây là hành giả sống bằng chân tâm, thấy biết như thị, không động, ngay chánh, không thiên lệch để thấy biết tất cả; không chìu uốn theo phàm tình hay bị vọng động. Nên nói, thấy tất cả pháp, lấy chánh chân làm tông.
Không rời tự tánh vắng lặng, sáng rỡ (thật tế, mé thật), nhưng rõ biết thế gian biến thiên, được biến hóa ra. Tức là không phải quay lưng, ngoảnh mặt hay lảng tránh, chỉ dùng trí tuệ thấy biết các pháp đúng như thật mà không cần khởi phân biệt. Biết đúng các pháp là huyễn hóa, nhưng vẫn bất động, đây là như huyễn tam muội. Thiền sư Cứu Chỉ nói, tuy chuyên nơi thật tế mà rõ thế gian đều như biến hóa.
Lúc này thấy rõ tất cả chúng sanh đều có chân tâm; đây là pháp thứ nhất. Nhưng do bỏ quên, cho nên bị trôi trong sanh tử; đây là pháp thứ hai. Hành giả ngộ tâm, không thấy có hai việc sai khác. Cụ thể, nhìn thấy tất cả chúng sanh, ai cũng chỉ là một tâm chân, nhưng do mê nên tạm thời bị che khuất. Có trôi trong sanh tử thì sanh tử cũng không thật, tánh sáng biết vẫn sẵn đó, chỉ là sống trên nó mà bỏ sót, bị quên. Nếu ai sáng lại tâm này, liền đó hay ra Tâm – Phật – Chúng sanh, bình đẳng, không sai khác như thế. Sẽ rõ thấu chúng sanh chỉ là một pháp, không có hai pháp.
Ví như không cần khởi, không động mà cánh tay vẫn cử động linh hoạt, không ngăn ngại. Đây là sống động, linh thông đến chủ động, nhưng vẫn không động. Cũng thế, không cần khởi, vẫn sáng biết. Ở trong ấy, tự tại hiện bày các pháp lợi mình lợi người không ngăn ngại. Các bậc có đại lực lượng thì thị hiện, tự tại vào trong các cảnh nghiệp sai biệt làm lợi ích chúng sanh, nhưng không bị nghiệp sai sử. Đây là chỗ Thiền sư Cứu Chỉ nói: “Chẳng rời cảnh nghiệp mà phương tiện khéo léo, ở trong cõi hữu vi hiện bày pháp hữu vi mà không phân biệt”. Nhờ diệu lực của định tuệ từ chân tâm, lưu xuất diệu dụng bất khả tư nghì cho hành giả tự được như vậy, chứ không có tác dụng cố gắng hay làm thêm gì trong đó.
Cuối cùng, Thiền sư Cứu Chỉ khẳng định: “Tướng vô vi là do hết dục, dứt ngã, quên niệm mà nhận lấy vậy”.
Đây là Ngài nói thẳng, rất thật và gần. Muốn đạt đến “Thực tướng vô tướng” thì chỉ nên ngay ba việc này để kiểm chứng công phu và bảo nhậm: “Hết dục – Dứt ngã – Quên niệm”. Không mong cầu hay hy vọng trông mong gì bên ngoài, sẽ hết dục. Rỗng rang, không phân biệt ngã và pháp, ta và người, liền dứt ngã. Không can thiệp trên niệm, không cố thấy hoặc quan tâm niệm còn hay đã hết, chỉ sáng lại tâm mình; đúng nghĩa quên niệm. Hay sống như thế, ngay đó liền được sạch trọi trơn, bày trơ trơ. Khéo nhận lại ngay, liền sống dậy, chân tâm hiện sờ sờ, hay ra xưa nay chưa từng thiếu vắng.
Hành giả sống bằng chân tâm thuần thục, đắc lực, sẽ đạt đến thể dụng luôn hiện tiền mà không cần phân biệt đây là thể, kia là dụng. Lúc này, diệu dụng tự phát huy bất khả tư nghì, tùy duyên thị hiện các hạnh, làm tất cả việc lợi mình, lợi người không thể kể hết.
7. CHÂN TÂM CHO HÀNH GIẢ TỰ TẠI TRONG SANH TỬ.
Chúng sanh trôi lăn trong sanh tử, nhưng giác tánh chưa từng sanh tử. Như mộng thấy bị sai khiến mà thân vẫn nằm yên. Như nước đóng thành băng mà tánh ướt không bị biến đổi. Nếu ngộ ra ý chỉ này, liền đó trả lại bản tâm sáng tịnh, chân tâm hiện tiền. Tiếp tục bảo nhậm, sống thẳng bằng chân tâm chính mình, tùy duyên tiêu dung tập khí, tập nghiệp, đạt đến thấu triệt, viên mãn, diệu lực bất khả tư nghì. Chính diệu lực từ chân tâm cho hành giả tự tại, tiêu sái, hay vào ra tất cả mà vượt thoát tất cả. Với sanh tử cũng vậy.
Nếu chưa thể như thế thì việc dụng công tu tập bằng cách: Hằng ngày lấy cái rỗng lặng làm thân, không chấp sắc thân huyễn hóa. Lấy cái chân tri làm tâm, không theo vọng tưởng. Trên mọi cảnh duyên, luôn sẵn một tâm giác sáng. Gặp cảnh duyên nào cũng luôn công phu tu tập như thế. Lâu dần thuần thục, lực giác sẽ mạnh lên, sẽ cho chúng ta không mê lầm hay bất giác trên bất kỳ cảnh duyên nào; sẽ có nội lực, định lực để làm chủ bản thân, vọng niệm và hoàn cảnh. Theo thời gian, công phu thuần thục, đắc lực, lực dụng của trí tuệ giác sáng hiện tiền. Nhờ vậy, lúc sắp mạng chung, cảnh nghiệp có hiện ra, nhưng do công phu thuần thục và đã có nội lực nên cũng sẽ thấy biết bằng lực giác sáng như thế, không theo chúng hay mừng sợ gì. Lát sau, tất cả cảnh nghiệp tự tan biến hết, tâm giác sáng thường còn, chúng ta muốn đi đâu hay làm gì đều được tùy ý, tự tại.
Tóm lại, hằng ngày luôn sống bằng chân tâm. Biết rõ, tất cả các cảnh chung quanh cho đến cảnh nghiệp đều do tâm biến hiện cho nên chúng đều là huyễn hóa, không thật. Sự thật, tất cả đều do tâm mê biến hiện, mới có ra. Nếu giác sáng đúng mức thì tất cả đều trở nên lặng trong, không còn gì chi phối. Giống như do chúng ta nhắm mắt lại mà tự thấy có cái bóng. Mở mắt, toàn không. Tâm cần vững vàng, tự tin và kiên định với công phu, sống bằng sức giác sáng lặng trong chính mình, không thấy biết theo cảnh duyên và không thèm sợ hãi gì cả. Nên buông thư, thơ thới, thả lỏng, bình thường, không gắng gượng hay quan tâm bất kỳ cảnh duyên nào, sẽ tự trở lại chân tâm vô tướng. Lực của tâm tự phát huy sức mạnh, cho chúng ta tự chủ, tự tại, giải thoát.
Biết có chân tâm, tùy theo sự bảo nhậm và sức huân tu sâu hay cạn mà có đức dụng tương ứng. Nếu luôn sáng lại tâm mình trên tất cả động dụng thi vi, không theo các huyễn, lúc sắp lâm chung, Thiền sư Tông Mật khẳng định: “Tuy có thân trung ấm, nhưng muốn đến đâu tự do, trời, người tùy ý.Nếu tình yêu ghét sạch thì không còn thọ nhận thân phần đoạn này nữa, mà tự nhiên đổi ngắn thành dài, đổi thô thành diệu. Nếu tất cả phiền não nhỏ nhiệm vắng lặng thì Đại Trí Viên Giác sáng rỡ riêng còn, liền tùy hiện trăm ngàn muôn ức thân hóa độ chúng sanh, gọi là Phật”.
8. KẾT LUẬN.
Thể nhận chân tâm tựu trung có hai lối. Hoặc là ngay đây trực nhận. Nếu chưa thể như thế, hành giả khéo đúng như pháp để tu tập dần. Hàng phục vọng tâm, theo thời gian, nhân duyên chín muồi, cũng sẽ bừng ngộ. Dù ngộ hay chưa, nếu khéo hướng tánh tu tập, không can thiệp hay kẹt vào các tướng, hành giả sẽ thoát khỏi mê lầm nhận huyễn làm chân, đều có những tự chủ, lợi lạc nhất định. Đi trong sanh tử, có chân tâm làm thầy, hướng đạo, cho chúng ta không lầm đường lạc lối. Lớn hơn, chính tâm này giúp hành giả tiêu sái, tự tại. Hòa thượng Tông chủ đã từ bi chỉ thẳng cho chúng ta ngay thấy nghe biết, chân tâm đang hiện tiền, không thiếu vắng. Khéo tin nhận, dám sống thẳng là chân thật dụng công, sẽ tự mình nhận ra những vi diệu sâu xa khó thể nghĩ bàn. Một kiếp tu hành, mãn tâm, xứng ý.
Các bài mới
- Tư tưởng Cư Trần Lạc Đạo của Phật Hoàng Trần Nhân Tông - 09/12/2023
- Biết Vọng - Liền Là Chân - 24/01/2023
- Tự ngắm lại vầng trăng mình - 13/09/2019
- Trói buộc và giải thoát - 23/12/2016
- Chúng ta tọa thiền như thế nào - 13/11/2016
Các bài đã đăng
- Chúng ta sợ gì nhất - 24/06/2016
- Sức mạnh nào cho chúng ta - 23/05/2016
- Không chỉ là xuân của đất trời - 04/02/2016
- Thưa hỏi Thiền ( Phần 2) - 18/01/2016
- Thưa hỏi Thiền ( Phần 1) - 18/01/2016
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 00022
- Online: 17