Biết Vọng - Liền Là Chân

24/01/2023 | Lượt xem: 1463

TT.Thích Tâm Hạnh

1. DẪN NHẬP.

Quên tâm này gọi là mê, nhận lại bản tâm gọi là ngộ. Chúng sanh quên bản tâm, thấy biết theo trần cảnh, Phật nói đây là “Bối giác hiệp trần”. Người học đạo, quay lưng với trần cảnh để trở về nhận lại tánh giác chính mình, Phật dạy “Bối trần hiệp giác”.

 Tất cả những gì chúng ta đang thấy biết đều thuộc về trần cảnh. Những vọng tưởng lăng xăng trong đầu là cảnh của tâm. Dù bên trong hay bên ngoài, tất cả cảnh duyên chưa thoát khỏi vô thường sanh diệt cho nên chúng đều thuộc về huyễn hóa. Việc tu tập chính yếu tựu trung xoay vọng về chân. Hòa thượng Tông chủ hiện nay phương tiện chỉ bày pháp “Tri vọng” để hướng dẫn hành giả tu tập, cũng trên chân lý Phật dạy như thế.

 

2. TRI VỌNG.

 2.1. Tất cả đều huyễn hóa.

Có nhiều việc xưa kia cảm thấy quan trọng vô cùng, khiến cho chúng ta thất điên bát đảo. Bây giờ nhớ lại, chỉ là những việc bình thường. Những con điểm 9 điểm 10 của “con người ta” cách đây mấy mươi năm, cũng quan trọng, chi phối khiến cho chúng ta vui buồn vô kể. Nhưng hôm nay chúng không còn giá trị, chỉ là câu chuyện của con nít tuổi học trò. Chuyện của ngàn năm trước chỉ là câu chuyện cổ tích của ngàn sau. Sự thật là bản chất cuộc đời không có gì thật. Thế giới thì thành trụ hoại không, vạn vật thì sanh trụ dị diệt. Con người, các chúng sanh khác đều phải bị chi phối bởi quy luật sanh già bệnh chết. Bản thân nó không có chủ tể (không do một thứ làm nên) mà do nhiều yếu tố nhân duyên hợp lại mà thành. Đã do nhân duyên tụ hợp thì mong manh, không bền chắc. Có tụ thì có lúc phải rã tan, chưa rời vô thường sanh diệt. Tất cả những tính chất trên đã có sẵn trong tất cả muôn sự muôn vật, cho nên chúng không thể bền chắc lâu dài. Tất cả đều thuộc về huyễn hóa, rỗng tuếch, không thật.

 

2.2. Biết vọng không theo.

Hòa thượng đã thấy rõ tường tận cho nên phương tiện chỉ bày phương pháp “Tri vọng”, để chúng ta hành trì tu tập. “Tri vọng” hay “Biết vọng không theo” là dùng trí tuệ biết rõ những niệm tưởng không thật, không theo, để trở về nhận lại bản tâm chân thật chính mình. Thấy rộng ra, tất cả những gì bị chúng ta nhận biết đều thuộc bên ngoài mình, chúng chưa rời vô thường sanh diệt cho nên cũng thuộc về huyễn vọng, đừng vin theo, nhiễm trước, không nhận nó làm mình.

 

a) Tại sao phải tri vọng (Biết vọng không theo)?

Sự thật nơi mỗi chúng ta ai cũng đang có vọng tưởng, trừ khi đã chứng ngộ. Nếu không khéo tu, lúc nào cũng đang sống trong vọng tưởng. Vọng là hiện thân của đau khổ. Trước mắt, vọng tưởng nhiều làm cho đầu óc căng thẳng, áp lực, trí tuệ u tối. Sâu xa, chính vọng tưởng khiến chúng ta tạo nghiệp đi vào sanh tử chịu khổ triền miên. Thiền sư Tông Mật nói: “Vọng tưởng vốn không, nhưng theo nó thì thành sự”. Do đó hành giả tu hành, cần biết rõ những tâm tưởng là vọng, không theo. Theo vọng, nó sẽ phá hoại tài sản pháp thân huệ mạng chính mình. Cho nên nhận vọng làm mình, đức Phật nói “Nhận giặc làm con”. Do đây, hành giả tu hành trước tiên cần phải thấy rõ và hàng phục vọng tưởng. Đây là tính tiêu biểu và thực tế của pháp Tri vọng.

 

b) Vọng tưởng không thật.

Vọng tưởng không thật, tại sao?

Vì nó không có chỗ được sanh ra cho nên sẽ có lúc hết, do đó không thật. Bởi nếu có chỗ thật sanh ra vọng tưởng thì chúng sẽ phải còn mãi, không có ngày hết. Nếu thế thì không có Phật Tổ, bởi Phật Tổ không còn vọng. Nhưng trên thực tế thì có Phật Tổ cho nên đã có người hết vọng. Vì có lúc hết vọng cho nên vọng tưởng không có chỗ được sanh ra. Do không có chỗ sanh ra, có ngày hết vọng do đó vọng tưởng là huyễn hóa, không thật.

Nếu vậy, từ đâu có vọng tưởng? Tất cả chúng ta đều sẵn tánh thể. Bất giác, quên tự tánh thì vọng có ra. Giác lại thì vọng dứt. Do bất giác mới tạm có, giác lại liền không cho nên vọng tưởng chỉ là cái bóng chập chờn, huyễn hóa. Hơn nữa, chúng có nhiều thứ và thay đổi liên tục, luôn vô thường biến hoại sanh diệt. Từ các tính chất trên cho thấy vọng tưởng là huyễn hóa. Ngồi lắng tâm lại, chịu thấy ra, sẽ rõ suốt, thấu tột vọng tưởng vốn rỗng tuếch, không thật.

 

c) Pháp Tri Vọng.

Với người chưa thuần thục, Hòa thượng dạy: “Ngồi yên, tỉnh giác. Nếu có niệm khởi thì biết nó là huyễn hóa, không theo”. Hành giả đã thuần thục, Ngài chỉ thêm: “Tâm lắng lặng, không khởi, nhưng tự sáng biết rõ ràng. Hành giả thấy rõ, chân và vọng đều từ một thể của tự tánh. Như sóng và nước tuy khác, nhưng đồng một tánh ướt”. Cụ thể, ứng dụng pháp Tri vọng vào công phu tu tập, hành giả lưu tâm mấy điểm sau:

  • - Không rơi vào đối trị: Không kềm đè hay chú tâm như mèo rình chuột, cố làm cho vọng tưởng dừng dứt. Không quán chiếu, bởi đã rõ suốt bản chất của nó là huyễn hóa rồi.
  • - Không rơi vào tạo tác: Tức là không cần khởi cái biết để biết. Không biết về, biết theo vọng như là đếm vọng tưởng. Không làm thêm bất cứ gì để diệt trừ vọng tưởng. Cũng không khởi ý để mặc kệ.
  • - Chỉ dùng trí tuệ thấu suốt vọng tưởng không thật, không theo nó. Sống bằng bản tâm chân thật lặng mà sáng biết.

Như vậy, sống bằng tâm lặng mà sáng biết, là đang tu. Nhưng không khởi tâm tạo tác hay làm thêm gì cả thì như là không tu. Đồng thời, công phu đến đây rồi chỉ là không mê thì đang sáng, thảnh thơi, như là không làm gì cả, do đó giống như là không tu. Tuy nhiên, tâm vẫn lặng sáng, hiện tiền cho nên cũng là đang tu. Như vậy, “Tu mà không tu. Không tu mà tu”; đây là dụng công tu tập mà không chấp dụng công, dụng nhưng không có chỗ dụng, đạt đến vô tướng, vô tác, vô trụ như thế mới đắc lực, mới đạt đến chân thật tu hành. Nhị Tổ Pháp Loa dạy: “Người tu tập thiền định không được chấp dụng công, dụng mà không có chỗ dụng, gọi là Thiền thượng thừa”. Cho thấy, dụng công “Tri vọng” như vừa nêu trên là đúng nguyên lý dụng công tu tập Thiền Tối Thượng Thừa mà Nhị Tổ Pháp Loa đã dạy.

Khi thực hành, có nhiều vị chưa khéo ứng dụng cho nên rơi vào vọng giác. Như vậy, biết vọng như thế nào thì “Biết vẫn còn là vọng giác”? Biết vọng thế nào thì “Biết là trí tuệ”?

Khởi biết để biết thì cái biết đó là vọng giác. Không khởi mà tự sáng biết thì ngay tánh sáng biết là trí tuệ. Nếu cho rằng cái biết vọng tưởng vẫn còn là vọng giác thì ai đang biết đó là vọng giác, nếu không phải là chân tâm đang sẵn đó? Buông luôn đi, liền đó tánh này hiển hiện, bặt dứt nghi ngờ.

 

d) Khi nào hết vọng?

Muốn biết khi nào mới hết vọng tưởng, chúng ta cần biết nguyên lý hết vọng.

Như trên đã nêu, vọng tưởng không thật có. Bất giác thì thoạt có, giác rồi toàn không. Như người ngủ mê thì thấy có mộng, tỉnh dậy không còn. Cụ thể, tất cả chúng ta vốn ở trong tự tánh không vọng. Thế rồi bất giác, thoạt quên, liền rơi vào thức mê, có vọng tưởng. Cái thức mê này duy trì cho vọng tưởng chập chờn không dứt. Nếu thức mê bặt dứt thì vọng tưởng cũng không còn. Như vậy, việc còn lại là không theo vọng tưởng và dứt trừ thức mê. Nhưng nếu có làm gì đó để dứt trừ thức mê, liền rơi vào phân biệt, có mình, có đối tượng thì thức mê càng tăng. Nếu để không, không làm gì thì gần vô minh, thức mê cũng càng mạnh. Phải tìm một diệu dược mà nó không chịu được thì thức mê mới hết. Diệu dược ấy là gì?

Khi chúng ta trấn tỉnh, giác sáng mạnh thì không mê. Cho thấy, khi giác sáng thì thức mê tự trừ. Theo thời gian công phu thuần thục, sức giác càng mạnh thì căn thức mê mờ càng yếu. Cho đến khi sức giác mạnh tột cùng thì căn thức cũng yếu tột độ. Không trước không sau, bất ngờ tâm giác vụt sáng lên, căn thức tự dứt bặt, vọng tưởng không còn. Cho thấy, giác là tu.

Nắm vững nguyên lý rồi thì vững tâm, an lòng dụng công đúng pháp, công phu mới đắc lực. Nếu nôn nóng trông mong bao giờ mới hết vọng là đã can thiệp sâu trên vọng, quên tâm, sẽ càng bất an, rối rắm thì vô tình lại càng làm cho vọng tưởng tăng thêm, trái với nguồn cơn mong muốn hết vọng. Chỉ là dụng công đúng pháp, đúng nguyên lý, sống thẳng tự tánh giác sáng, thời tiết nhân duyên chín muồi, tánh này bừng ngộ, vọng tưởng tự dứt trừ. Cho thấy, tu là khéo “Tri vọng” để giác ngộ tự tánh chứ không phải nhắm trên vọng để trừ dẹp vọng. Cụ thể, không theo, cũng không trừ dẹp vọng tưởng, chỉ sáng lại tánh mình. Không cần quá quan trọng hoặc quan tâm hay can thiệp gì trên vọng. Khi tánh này bừng ngộ, vọng tự dứt bặt, không cần trừ.

 

3. CĂN BẢN TIẾN ĐẠO.

Tất cả các pháp từ thân, tâm sanh diệt cho đến cảnh giới, bản chất thuộc vô thường sanh diệt cho nên đều là huyễn hóa, tạm bợ, không thật. Chúng sanh không biết, lầm chấp cho là thật, do đó nhiễm trước, dính mắc, bị trói buộc, thêm lớn vô minh, tạo tác các nghiệp để rồi luống chịu khổ đau triền miên trong sanh tử. Đức Phật nói rõ cho biết để không còn mê lầm, từ đó tu hành tiến đến giác ngộ, giải thoát.

Kinh Viên Giác Phật dạy: “Biết huyễn liền lìa, lìa huyễn liền giác, giác tức Bồ đề”. Pháp Tri vọng Hòa thượng hướng dẫn hành giả tu hành cũng trên tinh thần như vậy. Một cách thực tế, ngay khi biết vọng, ai biết? Khéo nhận lại, liền đó tánh chân hiện tiền. Mới hay ra, biết vọng - liền là chân.

Cụ thể, đừng lầm vọng tưởng, không theo, ngay đó trả lại tự tánh giác sáng chính mình. Sống thẳng tự tánh ấy là tu hành. Hằng sống như vậy cho đến khi công phu đắc lực, tâm này bừng ngộ, thông thống hoát toang, không ngôn từ nào tả xiết. Lúc này thấy biết như thị, vượt thoát căn và cảnh, sở và năng. Tiếp tục bảo nhậm cho thuần thục mới thấu triệt chân nguyên, mới có lúc diệu huệ vô thượng chiếu soi không cùng. Tức tướng tức tánh, tánh tướng thường trụ, vượt thoát không gian và thời gian. Lúc này tùy thời co hay duỗi, phá hoặc lập, đoạt hoặc cho một cách tự tại không ngăn ngại, mới có thể tùy thời nhổ đinh tháo chốt, gọi là giáo hóa độ sanh. Tâm đã viên diệu thì nhất cử nhất động đều là cơ huyền. Như thế, làm tất cả việc cũng không khác tánh này. Lắng lại, lặng yên, vẫn khéo tùy duyên hiện bày, không nơi nào thiếu vắng. Thể dụng hiện tiền, tùy duyên tùy thời tự tại tiêu sái.

 

4. KẾT LUẬN.

Khi mê thì sống chìm trong thức. Ngộ rồi, thức chuyển thành trí. Cũng vậy, nếu mê chân tâm thì thấy biết phan duyên theo cảnh, nhiễm trước. Khéo nhận lại chân tâm thì ngay biết, trí giác hiện tiền; toàn thấy nghe biết đều là tánh sáng biết chân tâm lưu xuất.

Bất ngờ có con kiến chích, chúng ta giựt mình. Nếu mê thì đó là thức chấp ngã. Khéo tu, luôn sẵn một chân tâm đang giác sáng thì ngay đó lại là chân tâm giác biết hiện tiền. Chỉ tại tâm mỗi người khéo tu hay chưa, còn trong tình thức hay sống bằng trí tánh thanh tịnh mà ứng hợp. Đây là sự thật ấn tại tâm, khéo tu sẽ thấy ra, rất thẳng tắt; không nằm trong khái niệm, quan điểm hay bất kỳ quy ước nào cả.

Đối với mọi hoàn cảnh, tình huống hay tất cả những thứ trong đời cũng vậy. Nếu mê tâm thì thấy biết trong sanh diệt. Hoặc trôi theo những thứ huyễn hóa, hoặc biết huyễn vẫn chưa rời huyễn, bị các huyễn chi phối, chịu các khổ đau. Khéo giác thì tất cả chỉ là một sự hiển hiện trong tự tánh chánh định chính mình, vượt thoát, an lạc. Chỉ tại khéo tu hay chưa, còn mê hay đã giác mà đưa đến kết quả khổ đau hay giải thoát, an vui, tự tại. Nhận ra rồi thì chỉ còn thẳng tiến, sẽ thấy Phật pháp cứu khổ thực sự, rõ ràng, bây giờ, nơi mỗi chúng ta.

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 19363
  • Online: 11