Bỏ đói sáu căn

07/07/2016 | Lượt xem: 5937

TT.Thích Thông Phương

Tên đề tài nghe lạ, nhưng tôi nói điều này cốt để nhắc nhở ý nghĩa con đường tiến tu của mình. Bởi vì con đường xuất thế hay nhập thế căn bản đều từ sáu căn mà ra chớ không đâu khác. Chúng ta đã học nhiều pháp môn, biết nhiều hạnh tu, nghe nói “Xuất thế gian” tưởng đâu rất xa xôi, vượt ngoài vượt ngoài tầm tay của mình, là con đường của những bậc phi thường, chẳng ngờ, chính ngay chỗ sáu căn này là nơi chúng ta nhập thế gian, xuất thế gian.

Trong Kinh Kim Cang có đoạn: “Tu –đà-hoàn gọi là nhập lưu mà không có chỗ nhập,chẳng nhập sắc, thanh, hương vị, xúc, pháp, ấy gọi là Tu-đà-hoàn”

Tu-đà-hoàn dịch là Nhập lưu, nghĩa là vào dòng Thánh, bắt đầu đi vào con đường xuất thế gian. Tuy vào mà không  có chỗ vào, chẳng vào sắc, thanh, hương vị, xúc, pháp. Sáu căn không cho sáu trần đi vào là vào dòng Thánh, là xuất thế. Ngược lại, sáu căn dính vào sáu trần thì vào dòng phàm, là vào thế gian sanh tử luân hồi. Kinh Phật định nghĩa con đường xuất thế và nhập thế đơn giản và gần gũi như vậy đó. Chúng ta phân tích trên chữ nghĩa thì thấy xa vời. Còn nhìn trên thực tế cuộc sống thì đơn giản vô cùng. Sáu căn sở dĩ được sống là nhờ sáu trần. Sáu trần chính là thức ăn nuôi sống nó. Kinh A-hàm cũng từng nói lên ý này. Sắc là thức ăn của mắt. Mắt thiếu sắc sẽ đói, sẽ đòi ăn, đòi đi tìm thức ăn nuôi nó. Như ngoài đời, mắt thiếu sắc thấy buồn buồn bèn mở ti vi xem. Trong đạo cũng vậy, mắt buồn cũng phải tìm cảnh đẹp để nhìn. Lúc nào cũng phải có sắc trần cho mắt ăn, bồi bổ, nuôi dưỡng nó.

Cũng vậy, thanhtrần là thức ăn của tai, hương, vị, xúc, pháp là thức ăn của mũi, lưỡi, thân, ý. Nó thiếu, nó đói, thức liền lo chạy tìm cho nó ăn, sợ nó buồn. Nó theo phàm tình là chúng ta nuôi sáu căn kỹ, lúc nào cũng chạy kiếm sáu trần nuôi nó, sợ nó đói thiếu.

Do đó mà sáu căn mãi rong ruổi theo sáu trần, luôn hướng ra ngoài, không lúc nào dừng, tạo nên tập khí hướng ngoại của chúng sanh. Cả đến lúc ngủ cũng không chịu dừng, ngủ còn chiêm bao, sáu trần lưu lại trong tâm thức tạo nên chiêm bao thấy mình đi đó đi đây….

Chúng ta ngày nay đã tu, nhất là tu thiền thì phải tập soi trở lại. Tông chỉ của Thiền phái Trúc Lâm là “Phản quan tự kỷ”, thường phải quay lại xem xét chính mình.

Bởi sáu căn chạy theo sáu trần chính là con đường luân hồi sanh tử. Nhưng chúng sanh vô minh, ít tai thấy được, nên mãi nuôi kỹ sáu căn, sợ nó đói. Cả cuộc đời mình luôn sống bám theo trần, chạy theo duyên, cảnh bên ngoài, chịu lệ thuộc chúng. Ấy mà nhiều người tự hào cho mình hay. Sự thật, đời sống mình chỉ là đời sống bám. Sống bám sáu trần, không có chúng, chịu không nổi. Ngay cả khi học đạo rồi mà còn tự nói “Không dám tỉnh”?. Tại sao lạ vậy? Tu là tỉnh, mà sao không dám tỉnh để còn tiế tục nuôi chúng, kiếm thức ăn cho chúng ăn. Cứ như vậy chạy mãi không ngừng và cuộc luân hồi là vậy đó!

Luân hồi ở ngay trước mắt. Rõ ràng, nuôi sáu căn là đi vào thế gian. Muốn ra khỏi thế gian  chỉ đơn giản là khỏi nuôi chúng nữa. Hãy bỏ đói sáu căn đi rồi xem chúng sống ra sao! Xem cái gì là thật? Nếu chúng là thật sao phải đòi ăn, sao phải lệ thuộc sáu trần?

Nếu nó chính là nó, không ăn cũng được, cũng vẫn sống. Còn không ăn là chết thì đâu phải là mình nữa. Nếu là mình, ăn hay không vẫn là mình. Trong kinh Lăng Nghiêm, đoạn Bồ tát Văn-thù nói kệ thán tán nhĩ căn viên thông, trong đó ngài dạy A-nan:

“Dùng cái nghe thọ trì Phật pháp.

Sao lại không tự nghe cái nghe?

Tính nghe không phải tự nhiên sanh

Nhân thanh trần mà có danh hiệu

Xoay cái nghe, thoát ly thanh trần

Cái thoát ly ấy gọi là gì?”

A-nan đa văn, mọi lời Phật dạy Ngài đều nhớ hết. Bồ-tát Văn thù bảo Ngài dùng cái nghe thọ trì Phật pháp, không bằng nghe lại cái nghe. Phật pháp được nghe đó là thuộc về thanh trần. Tính nghe không phải tự nhiên sanh, nhân có tiếng mới đặt tên nó là nghe, đó là cái nghe theo duyên. Quan trọng là phải “xoay cái nghe thoát ly thanh trần”, tức là phải bỏ đói nó, nếu nó là thật thì đói, nó cũng không chết. Phải nhận được cái không chết này, cái đó mới là thật.

Một căn đã trở về bản tánh

Thì cả sáu căn được giải thoát”.

Một căn trở về nguồn thì sáu căn thành giải thoát. Ngay khi một căn khéo soi trở lại thì cả sáu căn giải thoát. Đừng sợ bỏ đói nó chết, nó là thật thì có đói cũng không chết, còn cái phải lệ thuộc bên ngoài, bỏ đói liền chết thì cái đó không phải là thật.  Đây là chỗ mà chúng ta phải quán sâu xét kỹ. Con đường trở về quê hương, trở về nguồn cội chính là đây, rất thực tế, rất gần gũi, chớ không đâu xa.

Trong kiếp luân hồi dài đăng đẳng này mà chúng ta thấy được đường về, thấy được chân tướng là quá tốt lành rồi. Đó là chúng ta đã nhận được giá trị quan trọng của cuộc sống, của kiếp luân hồi. Chỗ quan trọng như vậy mà ít ai chịu thấy, cứ lo thấy chuyện gì đâu, thấy đến cả sao Mai, sao Hỏa, sao Mộc… Cho dù thấy tới đâu đi nữa cũng lo kiếm thức ăn cho sáu căn, để rồi tiếp tục đi dài dài trong sanh tử. Còn thấy trở lại, bỏ đói sáu căn, là thấy con đường về, thấy được điểm dừng của sanh tử. Nhưng chúng ta thường sống ngược đời: Quan trọng cái không quan trọng, cái không quan trọng lại quan trọng. Cái không quan trọng là chạy tìm sáu trần nuôi dưỡng sáu căn để rồi dẫn đi trong luân hồi. Cái quan trọng là soi trở lại, thấy đường về, bỏ đói sáu căn, chặn đứng đường sanh tử. Chúng ta là người học đạo phải thấy cái nào quan trọng thì kiên quyết thực hành, cái nào không quan trọng thì dứt khoát buông bỏ. Đừng để cái tầm thường dẫn mình đi mất.

Cũng trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật dạy:

“ Do các chúng sanh từ vô thủy đến nay theo các thứ sắc thanh, rồi rong ruổi với vọng niệm mà lưu chuyển, chưa từng khai ngộ bản tánh thanh tịnh diệu thường, không theo cái thường mà chỉ theo các thứ sanh diệt, do đó mà đời đời bị tạp nhiễm phải lưu chuyển.”

Nghĩa là Đức Phật bảo chúng sanh chúng ta từ vô thủy kiếp đến nay cứ mãi chạy theo sáu trần sắc thanh hương vị xúc pháp, dong ruổi với các vọng niệm thành ra lưu chuyển, chưa từng khai ngộ được bản tính chân thật, thanh tịnh, diệu thường của mình. Cái đó mới là quê hương, là nguồn gốc chân thật. Còn cái mình đang sống hiện tại đây, nói theo Kinh Pháp Hoa, là mình đang lang thang xứ người, chỉ là ở trọ thôi. Nhà này là nhà trọ, cảnh này là cảnh trọ. Trở lại bản tánh thanh tịnh mới là nhà mình, là quê hương mình.

Vì mình không soi trở lại nên Phật mới quở “không theo cái thường chỉ theo cái tướng sanh diệt”. Cái chân thật hằng hữu nơi mình mà mình không theo, lại theo tướng sanh diệt , để rồi lúc nào cũng hồi hộp lo âu sợ mất. Nhưng cho dù mình có sợ, có muốn hay không, nó cũng phải diệt  thôi, vì nó là vô thường sanh diệt mà.

Thế nên, Phật dậy:”Nếu bỏ cái sanh diệt, giữ tánh chân thường. Cái sáng suốt chân thật hiện tiền thì các thứ căn trần thức đồng thời tiêu mất. Tướng vọng tưởng là trần, tính phân biệt là cấu, hai cái đó đã xa rời thì pháp nhãn của ông liền được trong suốt làm sao lại không thành bậc Vô thượng tri giác?”

Pháp nhãn là con mắt pháp. Mắt pháp đã trong suốt làm sao không thành bậc Vô thượng tri giác. Tức là tri giác của Phật không cần tìm đâu xa, nó ở ngay nơi chính mình.

Chúng ta sống trong cái chân thường sáng suốt mà không biết lại nhận các thứ hư vọng sanh diệt để rồi hư vọng chịu lưu chuyển. Sự lưu chuyển ấy chỉ là vọng không phải là thật, nhưng vì mình mê nên tưởng là thật. Đến khi giác ngộ liền biết nó chỉ như giấc chiêm bao. Còn trong chiêm bao thì vẫn cho là thật, thấy cọp rượt cũng sợ chạy, ai cho tiền cũng thích vui. Vì mình mê thấy thật nên chịu lưu chuyển trong đó. Giác ngộ rồi thì tất cả đều tan, không thật. Danh từ chuyên môn trong nhà Phật gọi là tánh không. Tánh không là không có thật thể, tuy có mà không phải thật có. Tánh không này chính là tông chỉ của Bát-nhã. Không, không phải là cái không đối lập với cái có, mà ngay cái có thấy được thật thể của nó là không. Mọi thứ hiện tiền đều còn y nguyên, không phá hoại cái nào hết mà vẫn thấy là không. Do đó không bị mắc kẹt hai bên có và không. Người không hiểu thường phê bình những người học Bát-nhã là chấp không. Đó là chỉ suy nghĩ theo nghĩa có không của phàm tình. Còn cái Không của Bát-nhã là vượt qua có không, chớ không phải chấp không, ngay cái có mà thấy là không, chớ không cần phá hoại cái có làm chi.

Thế nên Kinh Lăng Nghiêm, Phật mới nhắc chúng ta đừng mê lầm để rồi vọng lưu chuyển. Phải lìa cái sanh diệt, soi trở lại cái chân tánh diệu thường thì pháp nhãn tự nhiên trong sạch, chính ngay đó thành Vô thượng tri giác, đâu cần nhờ phải trần mới có, đâu cần phải kiếm thức ăn nuôi nó. Đây là ý nghĩa quan trọng trên đường tu của mình.

Thiền sư Tam Bình có bài kệ:

“Tức thấy nghe này chẳng thấy nghe

Đâu thừa thanh sắc đáng trình anh

Trong đây nêu rõ, toàn vô sự

Thể dụng ngại gì phân chẳng phân.”

Ngay cái thấy nghe này mà chẳng thấy nghe, thì thanh sắc sẽ bám vào đâu mà nuôi? Nếu trong đó thấu suốt rõ ràng thì vô sự, không còn phân biệt đây là thể, kia là dụng nữa.

Ngay cái thấy nghe mà chẳng thấy nghe là bặt dứt, không theo trần, bỏ đói nó. Được vậy thì không còn thanh sắc nào đáng để than thở nữa, ngay đó sáng tỏ không còn nghi. Đến đó không còn phân đây thể kia dụng, ngay đây rõ ràng đầy đủ. Nếu còn phân thể dụng là còn ngoài cửa.

Đoạn Kinh Kim Cang mà Lục Tổ đại ngộ:

“ Chẳng nên trụ sắc sanh tâm, chẳng nên trụ thanh, hương, vị xúc, pháp sanh tâm. Nên không chỗ trụ mà sanh tâm kia”. “ Chẳng nên trụ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp”, là chẳng trụ sáu trần. Sáu căn chẳng trụ sáu trần là bỏ đói, không nuôi nó. Không có chỗ cho nó trụ, không có chỗ cho nó ăn thì nó liền an. An tức sống tại quê nhà, tâm thanh tịnh hiển bầy. “Nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia”, nghĩa là không có chỗ nào để trụ thì tâm thanh tịnh hiện bầy.

Tâm kia tức tâm thanh tịnh. Đã là tâm thanh tịnh sao lại có sanh? Còn sanh là còn sanh diệt thì sao gọi là thanh tịnh? Chỗ này mọi người cần tự thầm hiểu, đừng mắc kẹt trên ngôn ngữ. Ngôn ngữ chỉ là những quy ước, phương tiện tạm dùng. “Sanh” ở đây mang ý “hiện bày rõ ràng”. Chớ nếu tâm thanh tịnh mà còn sanh, là hết thanh tịnh, vì có sanh ắt có diệt. Cho nên đừng phân tích giảng giải theo chữ nghĩa rồi bị dính mắc.

Như vậy nếu chúng ta cứ đem sáu trần nuôi sáu căn không chịu thôi, là chúng ta mãi đi theo con đường thế gian sanh tử luân hồi. Như Vua Trần Thái Tông nói: “Lang thang làm khách phong trần mãi; Ngày cách quê hương muôn dặm trình”.

Sống như vậy là sống mất gốc. Chúng ta cần hiểu rõ con đường của mình, quay trở lại sống sao cho có nguồn đàng hoàng. Phải can đảm bỏ đói sáu căn, quay lưng với trần để sống trở về gốc, giải thoát ngay đây chớ không đâu xa. Thế nên trong thiền mon có câu: “Bờ kia tuy xa, quay đầu nhìn trở lại liền thấy mé. Tự tánh dẫu gần, phóng niệm hướng ra ngoài tức biệt tăm”.

Nghe nói tu là phải bỏ bờ này vượt qua bờ kia. Từ bờ sanh tử này vượt qua đến bờ giải thoát kia, nghĩ là rất xa. Đâu ngờ Phật dạy: Quay đầu nhìn lại liền thấy mé (hồi đầu thị ngạn). Còn tự tánh dẫu gần, ai tu theo Thiền tông cũng đều biết tự tánh ở ngay chính mình, không cần mưu cầu bên ngoài, gần thật là gần. Thế nhưng, “phóng niệm hướng ra ngoài tức biệt tăm”, không thấy bóng dáng đâu nữa. Xa gần chỉ ngay đây thôi, xoay đầu trở lại liền là bờ kia, phóng niệm hướng ra ngoài thì xa vời biệt dạng.

Khi chúng ta ngồi thiền soi trở lại thì thấy an ổn, nhẹ nhàng, thanh tịnh. Còn vừa dấy niệm phóng ra ngoài thì niệm niệm tiếp nối không dừng, như một lượn sóng khởi lên thì lượn lượn nối tiếp, càng đi càng xa, mất tăm hơi. Ví dụ đang ngồi thiền lặng yên thanh tịnh, chợt nhớ thời 7-8 tuổi đi học, vừa khởi niệm đi học thì bao nhiêu thứ ma niệm liền tiếp theo: nào là nhớ chuyện cô giáo, thầy giáo, trường lớp, bạn bè v.v… đủ chuyện dồn dập kéo dài, dẫn mình đi xa mấy chục cây số, biệt cả tăm hơi.

Thường người học nghe các danh từ giải thoát, giác ngộ, Niết-bàn v.v… mình ngỡ đâu xa xôi lắm. Sự thực, đều là ở ngay chính mình, ngay tự tâm mình. Giải thoát là tâm giải thoát, giác ngộ là tâm giác ngộ, Niết-bàn là tâm Niết-bàn, chẳng phải ở chỗ nào khác, cõi nào khác. Chúng ta học Phật không nên mắc kẹt trên chữ nghĩa, nhất là học thiền, đừng chạy theo phân tích chữ nghĩa, đừng để chữ nghĩa lừa gạt. Thậm chí trau chuốt văn chương bóng bẩy còn có thể trở thành những duyên khiến người ta đi xa hơn. Nhiều khi muốn văn chương hay, trở lại bị chữ nghĩa gạt. Như Niết-bàn nói thêm là cảnh giới, càng đi xa thêm. Đây là những điểm nên chú ý, văn chương tuy cũng có lúc cần, nhưng phải xét kỹ đừng để nó gạt.

Tóm lại, vào sáu trần là vào thế gian, là sống trong luân hồi. Còn chẳng vào sáu trần là ra khỏi thế gian, là con đường giải thoát sanh tử. Hòa thượng Tôn sư dạy chúng ta mỗi chiều sám hối sáu căn. Nhưng tụng mãi quen rồi sanh lờn, tụng giống như trả bài. Nếu tụng đúng thì đó chính là đường tu của mình. Mỗi chiều sám hối sáu căn để nhắc mình luôn nhớ con đường vào thế gian và xuất thế gian đều ở ngay nơi đây.

Lâu nay nhiều người cho rằng pháp xuất thế rất xa xôi, tận thời Phật xa xưa, rồi đi tìm kiếm phân tích, tốn bao nhiêu trang giấy mực. Tuy phân tích giải thích nhiều như vậy mà pháp xuất thế vẫn ở đâu không thấy. Đây là chỗ mình phải nhìn lại, phải tỉnh lại!

Chính ngay sáu căn này thôi, khỏi cần tìm kiếm đâu xa. Ngay sáu căn này mà không chịu hạ thủ công phu, còn đợi gì nữa? Hòa thượng Tôn sư đã dạy chúng ta: “Mắt biết thấy, tai biết nghe là chân tâm hiện tiền rõ ràng”. Ngay đó soi trở lại sẽ thấy nó luôn hiện tiền, chưa từng thiếu vắng. Quan trọng là chúng ta có chịu tin trở lại hay không. Nếu cứ tin theo sáu trần thì không bao giờ thấy.

Hòa thượng Tôn sư nói theo cách nói Việt Nam và theo ngôn ngữ, phương tiện bây giờ, không như các vị Thiền sư ngày xưa nói hơi kỳ bí, hơi khó hiểu. Ngài nói trắng ra, chỉ thẳng ngay đường về cho mình: “Mắt thấy tai nghe là chân tâm hiện tiền”. Còn các Thiền sư ngày xưa thì như:

Ngưỡng Sơn đến hỏi Thiền sư Trung Ấp:

- Làm sao thấy được Phật tánh?

Sư đáp:

- Ta nói cho ngươi một ví dụ: Như một nhà có sáu cửa, trong có một con khỉ, bên ngoài có một con khỉ kêu “chóe chóe”. Như thế, ở sáu cửa đều kêu, sáu cửa đều đáp.

Ngưỡng Sơn lễ tạ, đứng dậy thưa:

- Vừa rồi được Hòa thượng cho ví dụ, con thảy được hiểu rõ. Nhưng có một việc, nếu như con khỉ ở trong đã ngủ, con khỉ ở ngoài muốn gặp phải làm sao?

Sư xuống giường thiền nắm tay Ngưỡng Sơn nói:

- Chóe chóe! Ta cùng người thấy nhau rồi!

Khi con khỉ bên trong thức, con khỉ bên ngoài kêu chóe chóe nó liền ứng lại, bên trong và bên ngoài có tiếp xúc rõ ràng nên dễ hiểu dễ thấy. Còn khi con khỉ bên trong ngủ thì sao? Đây là việc cấp bách trong đời tu của mình, mỗi người chúng ta cần phải hiểu, phải thấy! Con khỉ bên ngoài kêu, con khỉ bên trong liền đáp lại, đó là tin tức cho chúng ta thấy rằng sáu căn thường phóng quang nhắc nhở chúng ta phải tỉnh, quay trở lại. Nhưng chỗ đó còn có tin tức, còn có trong có ngoài, nên dễ hiểu dễ thấy. Và vì còn chỗ bị thấy nên cũng dễ bị phá. Chúng ta tu cần phải tiến thêm một bước nữa là phải thấy thấu đến chỗ con khỉ bên trong ngủ. Đến chỗ này rồi thì không ai đụng tới được, không ai dòm lén được, không ai bắt chước được. Tức là không còn chỗ bị thấy, không còn bị những tình thức phân biệt chi phối, do đó không ai, không gì có thể phá hoại được. Nói theo nhà thiền là đến chỗ này thì lạnh nóng tự biết. Chỉ có những người cùng đến chỗ đó mới cảm thông nhau. Đó là chỗ mà Ngài Trung Ấp nắm tay Ngưỡng Sơn nói: “Chóe chóe! Ta cùng ông thấy nhau rồi!”

Trong nhà thiền, người thấu được chỗ chân thật đó thì không còn sợ ai bắt bẻ, không còn sợ chỉ trích. Hai tròng mắt này làm sao thấy được chỗ đó mà chỉ trích! Thấy được chỗ đõ rồi sẽ đủ niềm tin vững chắc, không còn sợ nữa. Mà chỗ đó là phải bặt hết tin tức trong ngoài, chỉ thầm nhận, không qua trung gian. Đến đó  rồi thì gặp chư Phật, chư Tổ ngay nơi chính mình chớ không đâu khác.

Có lần, Đơn Hà đến thăm Quốc sư Huệ Trung thì gặp lúc Quốc sư đang ngủ. Đơn Hà hỏi thị giả Đam Nguyên:

- Quốc sư có nhà không?

Đam Nguyên đáp:

- Ở thì có ở, nhưng không tiếp khách.

Đơn Hà:

- Rất sâu xa thay!

Đam Nguyên nói:

- Dù mắt Phật vẫn chẳng nhìn thấy.

Đơn Hà bảo:

- Thật là rồng sanh rồng con, phụng sanh phụng con.

Làm sao thấy được đến chỗ Quốc sư ngủ đó! Chỗ này thật rất sâu xa, mắt Phật cũng chẳng nhìn thấy. Tuy nhiên, Ngài Đơn Hà lại biết mà khen là rất sâu xa, thì ló đuôi rồi!

Đam Nguyên không tầm thường, Đơn Hà cũng là bậc sáng mắt. Hai Ngài có sự cảm thông nhau, còn mình đứng ngoài nghe không thấy gì là sâu xa. Ngày xưa các Ngài tu hành lúc nào cũng chuyên tâm, lúc nào cũng ở trong thiền, thấy cái gì cũng là thiền. Chúng ta bây giờ tu lỏng lẻo, thấy bên ngoài, thấy theo thế gian thì nhiều, thấy chuyện đó, tức thấy theo thiền thì rất ít. Trong nhà Phật có câu: “Nếu tâm chánh thì nói pháp tà cũng thành chánh, còn tâm tà thì nói pháp chánh cũng thành tà”. Nhiều khi chúng ta đem tâm phân biệt thế gian mà giảng kinh điển thì càng phân tích càng khiến người thêm nghi. Còn các Ngài nói chuyện thế gian mà vẫn thấm nhuần Phật Pháp. Như trong đây, chỉ chuyện Quốc sư ngủ thôi nhưng cũng hiển bày lý thiền sâu xa.

Trong nhà thiền có câu chuyện ăn trộm dạy con: Xưa có một tên đọa chích rất lành nghề. Một hôm, con trai ngỏ ý muốn học nghề của cha. Tên ăn trộm liền dẫn con đi thực tập. Hai cha con đến một nhà giàu có, đánh cho lũ chó chết mê mệt xong, đạo chích đào ngạch, khoét vách dắt con chui vào nhà.

Cả nhà ngủ say như chết. Tên trộm thấy một cái rương to còn trống bèn giở nắp rương bảo con:

- Con chui vào đây, hốt hết đồ đạc bỏ vào bao cho cha.

Thằng con y lời, đạo chích liền đóng nắp gài khoen lại… rồi lẻn ra khỏi nhà, hô hoán lên ầm ĩ:

- Ăn trộm! Ăn trộm!

Chủ nhà bừng tỉnh, thấy nhà bị khoét vách, dáo dác tìm kiếm hồi lâu, không thấy động tịnh liền đi ngủ lại.

Thằng con lão đạo chích nằm chết điếng trong rương, tái tê vì sợ và hận cha khôn tả. Hồi lâu, hắn nghĩ ra một kế thoát thân, bèn lấy tay cào sột soạt vào thành rương và giả tiếng chuột kêu “chít…chít…” để đánh lừa chủ nhà.

Nghe chuột kêu, chủ nhà vội thức giấc, đốt đèn mở rương đuổi chuột. Thằng bé liền nhỏm dậy, tắt đèn, xô té chủ nhà, tông cửa chạy một mạch. Chủ nhà lục tục kéo nhau, vừa chửi vừa đuổi theo.

Thằng bé chạy đến đường cùng thì gặp một cái giếng, nó vội vàng ôm một cục đá to liệng xuống giếng và tri hô:

- Thằng ăn trộm rớt xuống giếng rồi… Làng xóm ơi!

Mọi người đổ xô nhau kéo đến giếng để bắt trộm. Thằng bé chạy thẳng về nhà.

Gặp cha, thằng bé òa lên khóc. Và không tiếc lời để oán trách cha. Lão đạo chích mỉm cười nói:

- Khoan đã… Con hãy kể cho cha nghe con đã thoát thân bằng cách nào?

Cậu con thuật lại từ đầu chí đuôi. Lão đạo chích vỗ tay cười ha hả:

- Hay quá, con tôi đã thành nghề rồi!

Các vị Thiền sư dạy đệ tử cũng theo cách như ăn trộm dạy con vậy. Đệ tử phải tự sáng lên chớ không phải ỷ lại vào vị thầy. Như vậy, ăn trộm là pháp tà mà qua tay các Ngài dùng cũng thành pháp chánh. Còn mình không khéo, Phật pháp là chánh mà đem tâm phân biệt là giảng giải một hồi thành pháp tà.

Cũng vậy, chỉ là chuyện ngủ mà vì Ngài Đam Nguyên lúc nào cũng thấy thiền nên Ngài nói theo thiền: “Ở thì có ở mà không tiếp khách”. Nghĩa đơn giản là nói Quốc sư ngủ không tiếp khách, nhưng cũng nói lên ý nghĩa sâu xa về tâm thiền của Quốc sư, Ngài đã đến chỗ bặt hết tin tức bên ngoài, tâm vắng bặt, không có duyên, không có tin tức bên ngoài, nhưng nó vẫn ở đó chớ không thể mất.

Không tiếp khách tức là không có duyên, không tiếp xúc bên ngoài, ngài Đơn Hà hiểu được nên nói “Rất sâu xa!”. Chỗ đó quá sâu, người bình thường không thấy được, mắt mình đâu thấy nỗi chỗ đó mà Ngài Đơn Hà thấy được, nhưng Đam Nguyên bẻ lại: “Mắt Phật cũng chẳng nhìn thấy!”. Ở đây cần thầm hiểu theo ý ngoài lời, nói mắt Phật chẳng thấy là muốn chỉ chỗ đó không phải chỗ bị thấy. Vì còn chỗ bị thấy là có đối tượng bị thấy, tức là còn bị kiểm điểm. Chỗ này không thuộc về đối tượng, vượt ngoài năng sở đối đãi. Đơn Hà bèn khen: “Rồng sanh rồng con, phụng sanh phụng con.”

Chúng ta thấy chỉ là chuyện Quốc sư ngủ thôi mà vì hai vị đều có chỗ thông cảm với nhau nên thành ra chuyện thiền đạo. Thật là quá hay! Chỗ này chính là chỗ con khỉ bên trong ngủ, bặt hết tin tức. Thấy được chỗ đó mới thấy được yếu chỉ của Thiền. Khi đó, chúng ta sẽ gặp chư Phật, chu Tổ ngay trong mình, chẳng cần tìm đâu xa. Đó mới chính là ngôi nhà thật của chúng ta, nhà đó mới là chỗ mình ở lâu dài, còn ngôi nhà tứ đại này chỉ là tạm mượn thôi. Thế mà chúng ta bây giờ lại quá quan tâm tới nhà tạm, sống với nhà tạm thì nhiều mà ít quan tâm tới nhà thật. Thân này là nhà tạm, sáu căn cũng không phải nhà thật của mình. Nếu cứ bám trong đó thì phải thất vọng thôi vì phải đến lúc trả lại. Rồi không khéo lại tiếp tục bị gạt, tìm kiếm cái nhà tạm khác gá nương để rồi lại bị gạt nữa. Trong khi có căn nhà thật có thể sống vĩnh viễn mà lại quên.

Đây là chỗ mà Thông Phương muốn nhắc. Chỉ bấy nhiêu là đủ niềm vui trở về nhà, đủ vốn để đi trong kiếp luân hồi. Chúc tất cả luôn nhớ trở về nhà thật của chính mình, chớ mãi làm kẻ ở trọ, hoặc mãi lang thang xứ người. Tưởng cái giả là thật rồi lo đi tìm thức ăn nuôi nó, sớ nó mất, và dù có sợ mấy nó vẫn mất. Trong khi có cái không cần sợ mất mà lúc nào cũng có.

Đem điều này nhắc nhở nhau để đền ơn Phật Tổ. Đó cũng là chỗ mình cùng thông cảm nhau. Chúc tất cả sớm thấy được, sớm tìm được đường về!

 

 

 

 

Các bài đã đăng

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 71585
  • Online: 19