Bốn Loại Ma Khi Ngồi Thiền

19/06/2023 | Lượt xem: 2327

HT.Thích Thanh Từ

Khi ngồi thiền, chúng ta thường bị bốn thứ ma quấy nhiễu, đó là: ma hôn trầm, ma loạn tưởng, ma giải đãi, ma đau nhức. Bốn loại ma này ám ảnh, phá phách khiến sự tu hành không đến nơi đến chốn. Vì vậy, hôm nay tôi nhắc để quý vị biết mà điều trị, không cho nó quấy rầy mình.

Trước hết là ma hôn trầm. Ngồi một lát gục lên gục xuống, gục tới gục lui gọi là hôn trầm. Vị nào tinh thần hơi yếu thì dễ bị hôn trầm lắm. Ma hôn trầm nhập rồi thì sự tu mờ mờ mịt mịt, không tiến được.

Người tu thiền đòi hỏi hai điều kiện, một là phải tỉnh, hai là phải lặng. Thế mà ma hôn trầm phá hoại sức tỉnh sáng, ma loạn tưởng phá hoại sự yên lặng. Tỉnh lặng là gốc, là điều kiện không thể thiếu của người tu thiền, nhưng chúng ta bị hai thứ ma đó phá rối hoài, không sao tỉnh lặng được. Lại thêm ma giải đãi, ma đau nhức. Mỗi khi tới giờ ngồi thiền, huynh đệ nhắc đi ngồi thiền thì nói: “Tôi đau lưng quá, ngồi không nổi”. Lấy cớ đau để không đi ngồi thiền, đó là bị ma đau nhức quấy rầy.

Khi ngồi thiền, chúng ta gặp chướng ngại nhiều nhất là ma hôn trầm. Ngồi yên một chút, tương đối ít vọng tưởng thì hôn trầm nhập. Hơi nhắm mắt lại, rồi cái đầu gật lên gật xuống. Giám thiền nhìn thấy những hiện tượng đó thật là đáng buồn. Bởi vì ngồi thiền để tỉnh mà lặng, hay nói ngược lại là lặng mà tỉnh. Nhưng ngồi lơ mơ thì đâu còn tỉnh nữa. Mất cái tỉnh rồi thì chỉ còn lặng trong ngủ mà thôi, chứ không lặng trong sáng suốt.

Do vậy, khi chuẩn bị ngồi thiền, chúng ta phải có ý chí thật cứng cỏi. Một là nhất định phải tỉnh, phải sáng, không cho ngủ gà ngủ gật. Hai là phải luôn luôn làm chủ lấy mình, không để thân đau nhức làm khó chịu, không cho tâm lăng xăng lôi cuốn phiền não. Tu là giữ vững lập trường, không thể lôi thôi mà được. Lập trường của mình là phải tỉnh, tỉnh mới lặng, lặng mới định. Định là do tâm yên lặng, từ đó đi đến giác ngộ.

Mục tiêu của người tu thiền là yên định để phát sinh trí tuệ, được giác ngộ. Nếu tu thiền mà tâm không yên định thì làm sao có trí tuệ? Trong nhà thiền thường dùng từ “định tuệ”, có định mới phát sinh trí tuệ, không định thì không có trí tuệ. Cho nên đòi hỏi người bước vào cửa thiền, phải đi từ tâm an định đến trí tuệ sáng suốt, chứ không phải nghĩ nhớ kinh điển trong lúc ngồi thiền.

Khi ngồi thiền, vừa thấy mình có vẻ hơi mơ mơ thì phải mở mắt thật to, nhìn thẳng tới trước. Đồng thời giữ tâm bình tĩnh sáng suốt, biết rành rõ mình đang ngồi thiền, không nên để tâm mơ màng. Buồn ngủ cộng với tâm mơ màng vô ký rất dễ dẫn đến hôn trầm. ngồi thiền nhớ chuyện này nghĩ chuyện kia có ngủ được không? Không. Chỉ khi mơ mơ mới ngủ. Cho nên, hành giả thấy có vẻ hơi mơ mơ thì mở mắt sáng ra, đồng thời chú tâm vào đề mục mình đang quán chiếu.

Thí dụ như chú tâm vào câu “loạn tưởng là bệnh”, hay “tâm phải yên lặng”. Lấy đề mục đó để tự nhắc mình. Nhắc tới nhắc lui một hồi thì cơn buồn ngủ qua đi. Lúc buồn ngủ phải khởi quán, không nên để yên mơ mơ như vậy, dễ gục lắm.

Bây giờ, tôi hỏi chư Tăng:

- Trong đây, ai là người ngủ gục số một, đưa tay cho tôi xem.

Có một chú đưa tay rất cao, tôi hỏi tiếp:

- Vậy năm nay chú bao nhiêu tuổi rồi?

- Dạ, con 20 tuổi.

- Ngồi chừng bao lâu chú mới ngủ gục?

- Dạ, chừng nửa tiếng trở lên.

- Nửa tiếng trở lên là ngủ gục, rồi từ đó về sau gục liên miên hay là gục một lát rồi tỉnh? 

- Dạ thưa, có lúc con ngồi hai tiếng không ngủ, có lúc ngồi nửa tiếng là buồn ngủ.

Thật ra lúc tỉnh táo không buồn ngủ, nhưng lúc mơ màng thì dễ buồn ngủ lắm. Bởi vậy nhà thiền dạy chúng ta, trước khi tọa thiền phải rửa mặt cho kỹ, rồi chà hai tay cho thật ấm xoa lên mắt để hoàn toàn tỉnh mới lên ngồi thiền. Nhiều khi nghe kiểng thức chúng mà mình ngủ say quá, huynh đệ bên cạnh vỗ vai kêu dậy. Quý vị giật mình dậy, rửa mặt sơ rồi lên ngồi thiền. Ngồi một hồi là gục ngay. Cho nên nhớ, lỡ ngủ dậy trễ cũng phải thực hiện đầy đủ các việc cho thật tỉnh thì ngồi thiền mới ít gục.

Tôi hỏi tiếp:

- Khi gục chú thường thấy cái gì?

- Dạ, lúc ngủ thì không biết gì hết.

Ngủ đến không biết gì hết, chứ không phải mộng thấy cái này cái kia. Đây không phải là bệnh của riêng một hai cá nhân, mà rất nhiều người mắc phải, nhất là những vị còn trẻ. Như vậy khi ngồi thiền, ma ngủ gục tới phải làm sao đối trị? Quý vị nhớ trước khi ngồi thiền, chúng ta phải tỉnh táo sáng suốt. Buổi khuya, dậy sớm chừng 15 phút, vệ sinh cá nhân xong rồi đi tới đi lui nhìn trời nhìn mây cho thong thả. Đừng vội vàng quá, vừa rửa mặt xong là xách bồ đoàn chạy lên Thiền đường. Lúc đó cái ngủ vẫn còn ngầm bên trong, ngồi một chút liền ngủ trở lại. Cho nên, phải thong thả để phá tan cái si mê đó. Điều này rất cần thiết đối với hành giả tu thiền.

Bây giờ tôi hỏi bên Ni:

- Có ai ngồi thiền ngủ gục không?

- Dạ có.

- Năm nay con bao nhiêu tuổi?

- Dạ, con 29 tuổi.

- Một buổi ngồi thiền gục chừng bao nhiêu lần?

- Dạ, con không nhớ.

- Không nhớ tức là nhiều quá tính không hết.

Mục đích của việc ngồi thiền là cốt định tâm, tỉnh sáng. Tâm an định thì trí tuệ tỉnh sáng. Nếu ngồi thiền mà tâm mờ mờ thì tỉnh được không? Nhất là đầu hôm, quý vị vừa bàn luận việc gì với huynh đệ, chưa giải quyết xong đã tới giờ ngồi thiền. Vậy ngồi thiền sẽ yên hay là nhớ việc lúc nãy mình bàn luận. Lý thế này, lẽ thế kia, suy tính giải quyết thế nào cho hay cho đúng. Thành ra ngồi thiền mà cứ nghĩ hoài. Đó cũng là bệnh.

Chúng ta phải nhớ ngồi thiền là định tâm, ngồi thiền là trí tuệ sáng suốt. Nếu tâm không định thì dù ngồi bao lâu đi nữa, cũng là ngồi trả nợ, ngồi lấy có mà thôi, không kết quả gì. Trước khi ngồi thiền, phải buông bỏ hết mọi việc đã xảy ra, không nhớ tưởng, níu kéo trở lại. Khi ấy khả dĩ ngồi yên, chứ còn ngồi thiền mà nhớ chuyện này chuyện kia, thì không thể yên.

Giờ ngồi thiền là thời gian cao cả, quý báu hơn hết, chớ nên xem thường. Tôi thấy nhiều huynh đệ cứ lo chuyện này chuyện nọ, tới giờ ngồi thiền, kiểng đánh beng beng mà vẫn chưa mặc áo, chưa xách bồ đoàn lên Thiền đường. Đó là thể hiện tinh thần không xem trọng việc ngồi thiền. Nếu 2 giờ 30 phút ngồi thiền thì 2 giờ 15 phút chúng ta phải dừng hết mọi công tác, không làm không tính toán gì cả. Có 15 phút để rửa mặt, nghỉ ngơi trước khi ngồi thiền. Nếu không như vậy sẽ trở ngại sự tu, ngồi mà tâm không sao an được.

Chư Ni làm bếp hay mắc lỗi này, làm việc lăng xăng rồi chạy lên tọa thiền. Ngồi nhớ món này làm chưa xong, món kia nấu chưa chín. Điều đó cũng làm phí thời gian của mình. Cho nên, quý vị phải dứt khoát. Trước giờ ngồi thiền khoảng 15 phút, chúng ta phải yên. Mọi việc sắp đặt xong xuôi, ngồi thiền tỉnh táo, yên lặng thì sự tu mới có giá trị. Nếu không sắp đặt đúng giờ giấc thì việc tu chưa tốt.

Muốn ngồi thiền không hôn trầm thì phải rửa mặt cho tỉnh táo đàng hoàng. Khi ngồi đừng ngó xuống hay mở mắt nhỏ sẽ dễ buồn ngủ. Ban đầu nên mở mắt vừa phải để tỉnh, chừng nào tỉnh hẳn rồi mới khép mắt lại một chút. Đồng thời, mở mắt nhìn cách xa chỗ mình ngồi khoảng 8 tấc, nhìn thẳng vào một mục tiêu trước mắt. Nếu đại chúng ngồi thiền đông, không thể nhìn được xa thì nhìn gần. Không nên nhắm mắt hay mở mắt quá nhỏ.

Đại chúng bây giờ ngồi thiền khít nhau quá, không cách xa được một thước, người này ngồi nhìn người kia, như vậy rất dễ động tâm. Thấy người ta cục cựa nhúc nhích gì mình cũng theo dõi hết, thành ra loạn nhiều hơn yên. Cho nên phải sắp đặt trật tự, có thứ lớp. Phần của ai thì người đó chỉ thấy, nhìn trong phạm vi của mình. Đừng để người này nhìn thấy người kia. Nhất là những người ngồi ở đằng sau, thấy người ngồi ở trước gục thì cười. Một người gục, một người loạn tưởng, cả hai người đều bất lợi. Cho nên, quý vị có trách nhiệm phải khéo sắp đặt. Nếu Thiền đường không được rộng rãi thì sắp thế nào cho vừa phải, đừng quá khít khao. Vì khít sẽ ảnh hưởng không tốt cho đại chúng. 

Giả sử người ngồi trước mệt nhọc quá ngủ gục, người ngồi sau đừng nhìn thấy. Nếu nhìn thấy sẽ theo dõi hoài, xem thử vị đó có gục nữa không. Rốt cuộc chỉ lo chuyện của người khác, không lo chuyện của mình. Như vậy thì rất dở. Vậy nên phải phân chia rõ ràng, đừng để người này ảnh hưởng người khác, làm mất thời gian tu hành của cả hai bên. Đó là vấn đề thiết yếu trong sự tu, mong Tăng Ni phải thấu hiểu thật kỹ.

Tóm lại, khi ngồi thiền có vẻ mơ màng thì ngồi thẳng người lên, mở mắt thật to thật sáng, nhìn về phía trước một hồi thì cái mơ màng tan đi. Nếu nuôi dưỡng nó thì suốt buổi ngồi thiền chỉ có ngủ thôi. Giám thiền thấy huynh đệ gục tới gục lui thì phải chỉnh đốn, dùng thiền bảng đánh thức. Thấy người ta ngủ mình cười hoài, không giúp thức tỉnh thì tội nghiệp cho họ, mà chính mình cũng không có lợi ích. Tu mà nuôi dưỡng ngủ gục là đi vào địa ngục tối tăm.

Tu là tỉnh giác không mê lầm. Người nào lỡ mê thì ráng tỉnh, đừng nuôi dưỡng cái mê nữa. Chúng ta tu cho mình, dù thầy nhắc nhở, rầy rà cũng là vì mình. Thầy thương, muốn cho đời tu của mình không bị uổng phí nên nhắc nhở, thúc đẩy mình cố gắng tu. Quý vị ngồi thiền được hai tiếng tỉnh táo sáng suốt thì ai nhờ? Thầy có nhờ chút nào không? Đó là quý vị được tiến, được sáng suốt thêm, chứ thầy đâu có phần trong đó.

Cho nên, quý vị phải nỗ lực cố gắng, không nên ỷ lại, cũng không nên phiền hà: “Sao bị rầy hoài!”. Hoặc ngủ gục bị người ta gõ hai ba cái là buồn giận. Người gõ cho mình tỉnh trong lúc ngủ gục là ân nhân, vậy mà nhiều khi ân trở thành oán. Có người muốn phát quạu nữa chứ. Đó là cái dở, quý vị nào mắc phải bệnh này thì cố gắng vượt qua, vươn lên đồng với huynh đệ, không chậm trễ. Chúng ta cùng tu cùng học thì phải cùng tiến như nhau. Đừng để người ta tiến tới, mình lùi lại thì uổng phí cả một đời.

Đi tu là hy sinh một cuộc đời để lợi ích cho mình và người, chứ không phải làm chuyện vô ích. Chúng ta bỏ cha mẹ, anh em, thân quyến vào chùa tu để được giác ngộ, giải thoát sanh tử. Mình giác ngộ thì mới có thể cứu giúp thân quyến cùng giác ngộ. Nếu tu mà u mê, không được gì hết thì uổng công cha mẹ nuôi dưỡng, phí tổn sự cúng dường của đàn-na thí chủ.

Người đi tu là người con hiếu thảo nhất. Tại sao không nuôi cha mẹ mà hiếu thảo nhất? Bởi vì cha mẹ bận bịu nhiều việc thế gian, không tu hành được. Cha mẹ lo cho con cái bao nhiêu năm tháng, lo hoài vẫn chưa rồi, làm sao tu? Bây giờ có một đứa con đi tu thì mừng lắm. Mình già rồi mà chưa tỉnh, con mình thức tỉnh sớm tu hành. Vậy thì mình cũng ráng thu xếp công việc để nương theo con mà tu. Cho nên người con đi tu là cảnh tỉnh cha mẹ cố gắng tiến tu. Đó là đền đáp, thể hiện lòng hiếu thảo bằng tinh thần đạo đức, chứ không phải nuôi dưỡng chăm sóc vật chất.

Người thế gian cận kề nuôi dưỡng cha mẹ, người đi tu không cận kề nuôi dưỡng thì cố gắng tu cho có kết quả. Mỗi khi về thăm nhà luôn nhắc nhở, giúp cha mẹ lần lần thức tỉnh. Đó là biết hiếu thảo, biết đền ơn cha mẹ. Người ta cứ lầm, cúng vật này dâng vật nọ cho cha mẹ mới là hiếu thảo, nhưng chỉ thế thôi thì chưa đủ. Khi một lời nói hay hành động của người con cảnh tỉnh cha mẹ tu hành, đó mới thật là hiếu thảo.

Hiểu như vậy, chúng ta mới thấy bổn phận của người tu không đơn giản như người thế gian. Không phải lấy vật chất làm việc hiếu thảo mà phải lấy đức hạnh. Quý vị tu cho có đức hạnh, rồi nói những lời đạo đức khiến cha mẹ thức tỉnh tu hành. Như vậy chúng ta đi tu không phải là quên ơn cha mẹ. Nhiều người cứ lầm tưởng đi tu bỏ cha bỏ mẹ là bất hiếu, là quên ơn. Không hẳn như vậy. 

Nhiều khi chúng ta ở gần cha mẹ mà không nhắc nhở tránh điều tội lỗi, làm điều phước đức thì cũng chưa phải hiếu thảo. Cho nên, người tu đi trên con đường đạo đức, hướng dẫn cha mẹ anh em cùng đi, tuy chưa được nhiều nhưng cũng là việc làm lợi ích. Đạo đức đưa người ta tới chỗ an lành. Tất cả những của cải thế gian là tạm bợ, dùng một thời gian rồi hết, chỉ đạo đức là còn mãi.

Người tu phải cố gắng làm tròn bổn phận của mình. Quý vị đừng nghĩ tu cho giỏi rồi xây chùa, rước cha mẹ về nuôi. Đừng bao giờ có quan niệm đó. Cha mẹ là người thế gian thì cứ ở thế gian, bổn phận mình lâu lâu về thăm, nhắc nhở đạo đức là được, không nên lấy của thường trụ đem về cho cha mẹ. Nhiều khi quý vị ỷ làm trụ trì, trong chùa có gì cũng đem về cho cha mẹ là không tốt.

Đi tu là một bản nguyện lớn. Làm sao tự cứu mình và cũng cứu được những người chung quanh, vậy mới xứng đáng là người tu. Đừng nghĩ mình tu cho thảnh thơi, chung quanh ra sao mặc kệ. Phật dạy tự độ, độ tha; tu để độ chúng sanh, chứ không phải tu để yên phận mình. Làm việc gì lợi ích cho chúng sanh thì ráng làm để tăng trưởng tâm từ bi, cứu độ tất cả chúng sanh.

Thứ hai là ma tán loạn. Tán loạn là trong tâm loạn động. Khi ngồi thiền, vọng tưởng nhiều phải làm sao? Vọng tưởng là bệnh nan y, chứ không đơn giản. Thiền là định, mà vọng tưởng thì mất định. Ngồi thiền không định, chỉ là ngồi chơi vô ích. Cho nên đã thiền thì phải định. Muốn định, phải hạn chế vọng tưởng, chú tâm vào một chỗ. Có người trụ tâm ở rốn thì chỉ nhớ ngay cái rốn của mình. Cột tâm một chỗ thì bớt loạn tưởng, nếu không sẽ dễ loạn tưởng lắm. Chúng ta tu là cốt định tâm cho trí tuệ sáng. Trong nhà Phật thường nói có định thì sanh tuệ, nếu tâm không định thì tuệ cũng không có. Vì vậy, hành giả giữ đừng bị hôn trầm, loạn tưởng thì sự tu mới tỉnh sáng. Đã quyết tâm tu thì phải mạnh mẽ can đảm lên.

Quý vị đừng xem thường giờ ngồi thiền. Giờ ngồi thiền là giờ trọng đại nhất của mình. Mình tu để tâm an định, trí tuệ sáng suốt, chứ không phải tu để trả nợ cho thầy. Đa số người bị thầy bắt ngồi thì lên ngồi, đó là không có ý chí quyết tu, cũng thiếu tâm minh mẫn để giải quyết những trở ngại trong nội tâm mình. Chúng ta tu phải có thái độ dứt khoát rõ ràng. Giờ tu là giờ cao quý nhất, phải kính cẩn thực hành, chứ không do bắt buộc.

Mục tiêu của người tu Phật là giác ngộ, vậy giác ngộ điều gì trước nhất? Giác ngộ về thân và tâm. Thân không thật. Tâm là vọng tưởng duyên theo bóng dáng của sáu trần, cũng không thật. Trong sự tu hành có nhiều vấn đề rất tế nhị, nếu không khá sẽ không nhận ra. Thân không thật thì ngồi thiền hai tiếng đau chân có quan trọng không? Vậy mà đau chân quá chịu không nổi. Mình đã xem thân không thật thì có gì mà nổi hay không nổi. Người ta ngồi được, mình ngồi được. Sở dĩ ngồi không được là vì thấy thân thật, thân quan trọng.

Chúng ta phải biết rõ thân không thật, chỉ mượn nó làm con thuyền đưa mình qua bờ giải thoát. Không nên nuôi dưỡng, cưng chiều thân để tiếp tục bị trầm luân trong luân hồi sanh tử. Chúng ta tu muốn thoát ly sanh tử, không còn bị trầm luân kiếp này sang kiếp khác nữa. Vậy thì đối với thân, phải có cái nhìn chính xác. Thân là tạm bợ, hư dối, không có gì quý tiếc.

Nhiều người thấy thân không có gì quý nên xuất gia. Xuất gia rồi tự dưng thấy nó quý, đó là lỗi lầm lớn. Chúng ta biết thân này không quý trọng, nên mới đi tu. Vậy thì khi đi tu, cố gắng lèo lái con thuyền giả tạm này mau đến bến giác, không nên quý tiếc đeo mang mãi. Người qua sông rồi, quý tiếc chiếc thuyền quá, đeo mang hoài thì không thể lên bờ được. Chúng ta phải thấy thân này tạm bợ, mượn nó để giải thoát sanh tử, không nên đeo đẳng những thứ dẫn mình tiếp tục sanh tử. Hiểu như vậy thì sự tu mới tiến, bằng không sẽ chìm mãi không biết chừng nào mới ra khỏi sanh tử. 

Bước thứ nhất của việc tu là phải thắng bệnh hôn trầm, không cho nó làm mình mơ màng, mù quáng. Cố gắng vượt qua, tỉnh táo, sáng suốt. Kế đến là ma tán loạn, tức là nhớ việc này việc kia, chuyện năm trên năm dưới. Bây giờ đặt câu hỏi: “Tất cả cái nhớ đó có lợi ích gì?”. Chỉ là điên đảo thôi, không có lợi ích gì hết. Cho nên mỗi khi tâm duyên theo chuyện này chuyện nọ lăng xăng, thì chỉ cần biết nó hư dối, bỏ đi. Nhắc hoài lần lần sẽ giảm tán loạn. Nếu cứ để nó dẫn đi thì giờ ngồi thiền chỉ là giờ vọng tưởng, rốt cuộc vẫn lẩn quẩn trong sanh tử, không có gì vượt thoát. 

Bây giờ quý vị tập từ từ, 5 phút không nghĩ gì hết. Được 5 phút, dần dần lên 6, 7 phút. Trong một buổi ngồi thiền hai tiếng đồng hồ, nếu chỉ được yên năm mười phút thì chưa xứng đáng, vì chưa được phân nửa thời gian. Nhưng có được mấy phút yên, rồi bị vọng dẫn đi một chút, dừng lại, yên thêm một ít phút nữa. Cộng lại chừng ấy thời giờ cũng được kha khá. Tuy chưa đi một mạch, nhưng vẫn có tiến.

Người tu phải tiến, không có quyền dừng. Tất cả chúng ta không ai biết mình khi nào chết. Thường người ta nói già mới chết, nhưng trên thực tế già hay trẻ cũng có thể chết bất cứ lúc nào. Vô thường luôn chực sẵn nơi mình. Đừng tưởng còn sống mấy chục năm nữa, bây giờ cứ thong thả, đâu có gì gấp. Nghĩ như vậy thì coi chừng đời tu hỏng mất. Phải biết cái chết không đợi chờ ai, nó đến rồi thì trở tay không kịp. Vì vậy còn giờ phút nào thì ráng tu giờ phút ấy, không chờ đợi.

Nhất là quý vị còn trẻ cứ tưởng mình sống lâu thành ra vừa tu vừa chơi, phí phạm thời gian quý báu. Lúc trẻ không cố gắng, tới chừng già cố gắng sao nổi! Ngay bây giờ, chúng ta phải nỗ lực tu, đừng nên chần chờ. Chần chờ là thái độ không tốt. Cố gắng tu dù không có ai thúc đẩy bắt buộc, vì đó là bổn phận của mình.

Trong chúng có những người hay nói chuyện thiên hạ, phê bình người này, phán xét người kia. Đó là giỏi hay dở? Dở. Người thật tu thì không có thời giờ rảnh để nhìn, xét chuyện của người ta. Vì lo chuyện của mình chưa rồi, công đâu lo chuyện của người. Nếu cứ phán xét chuyện người thì có nhớ việc của mình không? Việc của mình, mình không làm đi phán xét việc người, chẳng những vô ích mà còn bị người ta ghét.

Tôi khuyên tất cả quý vị cố gắng tinh tấn tu. Việc của người khác để dành cho Ban Chức sự quản lý, xem xét nhắc nhở. Quý vị là một người chúng, lo bổn phận của mình cho tròn. Đừng bàn tán huynh này nghèo, huynh kia khá, huynh này đi chơi nhiều, huynh kia đi chơi ít... Chuyện đó của người ta, đâu phải chuyện của mình. Chuyện của mình là cố gắng tu. Tu ngày nào xứng đáng ngày ấy, không thể lôi thôi. Như vậy thì sự tu hành mới có giá trị.

Người tu phải tiếc từng giờ từng phút, không nên phí phạm. Chúng ta bây giờ phí phạm thời gian quá nhiều. Mấy vị mới vào thiền viện, một ngày tu được bao nhiêu giờ? Dù người nhỏ hay người lớn đều phải tu, đây là bổn phận không thể thiếu. Ngoài thời khóa ngồi thiền sám hối, trong các sinh hoạt khác cũng phải tu. Nếu tới giờ mới tu, ngoài ra tha hồ buông lung thì không được. Có người lâu lâu nhớ một hai bài ca thế gian, rồi hát thầm thầm. Ca hát nghêu ngao là thói quen của người thế gian. Tu hạnh xuất thế thì phải bỏ chuyện thế gian, đừng ca hát nghêu ngao mà người ta cười. Đó là không đúng bổn phận của mình.

Thời gian của Tăng Ni lúc nào cũng là thời gian tu, nhất là ở thiền viện Trúc Lâm. Quý vị không tiếp khách, thì đâu có ai nói chuyện bên ngoài với mình. Từ sớm tới chiều, ngoài công tác do Tri sự giao mình phải làm tròn, thời gian còn lại xem kinh, ngồi thiền, sám hối. Cố gắng tu, đừng để một ngày trôi qua vô ích. Chúng ta chưa biết mình sẽ sống tới đâu. Có khi năm nay khỏe, sang năm ngã bệnh rồi chết. Cho nên ráng tu từng ngày từng tháng, đừng đợi chờ gì hết.

Có người hẹn tới 50, 60 tuổi mới tu. Cứ hẹn như vậy hoài thì chừng nào mới tu? Tu nhiều chừng nào tốt chừng nấy, không nên thờ ơ thả trôi hết ngày hết tháng, uổng cơm của đàn-na thí chủ. Người ta tin mình tu hành thanh tịnh nên mới ủng hộ cơm gạo. Chúng ta phải cố gắng làm cho tròn bổn phận, đừng để mang tiếng ăn của đàn-na thí chủ mà không tu, rồi sau mang nợ. 

Hôm nay tôi nhắc Tăng Ni những điều cần thiết. Thứ nhất là đối trị hôn trầm. Khi thấy có vẻ hơi mơ thì liền mở mắt sáng ra, ngồi thẳng người lên. Thẳng người một lát, qua cơn buồn ngủ mới ngồi lại bình thường. Chừng 15 phút như vậy thì cái ngủ tan. Thứ hai là nếu loạn tưởng nhiều, phải nhớ tất cả những nghĩ tính trong giờ ngồi thiền chẳng những vô ích, mà còn phá hoại sự tu của mình. Niệm vừa khởi lên phải cương quyết buông bỏ. Nếu cứ thả lỏng, để bị dẫn lôi hoài thì tu cả đời cũng không tới đâu hết.

Người tránh được hai bệnh hôn trầm và loạn tưởng thì tu tiến, còn hai bệnh còn lại, tôi sẽ nhắc sau. Mong Tăng Ni cố gắng tu cho xứng đáng, đừng để phí thời gian vô ích.

Các bài đã đăng

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 22563
  • Online: 64