Các pháp quán giúp tâm thanh tịnh

12/02/2010 | Lượt xem: 4358

Sư Bà Hải Triều Âm

Pháp phật là phương thuốc trị tâm bệnh chúng sanh. Tùy theo mỗi căn bệnh mà có bài thuốc tương ứng.Dưới đây là hai pháp quán mà mỗi Phật tử có thể áp dụng giúp trừ phiền não, vọng tưởng, thanh tịnh tâm và quay về với chơn tâm bản thể của mỗi người.
I. QUÁN BẤT TỊNH
QUÁN : Tập trung tư tưởng quan sát thấu đáo, biết một cách tường tận về sự nhơ bẩn ở thân ta.


Trong đời còn gì quý hơn cái thân. Ta nâng niu đủ điều, cung phụng nó tất cả thức ngon vật lạ. Người ta đùm bọc nó trong gấm vóc lụa là. Người ta cưng chiều nó trong nhà cao cửa rộng. Người ta dám làm tất cả những bất nhân tổn đức để cho nó được sung sướng. Cái thân được thế gian quý trọng như thế mà làm sao đức Phật lại bảo nó là một vật gớm ghê ?
Bình tĩnh mà xét, thân này quả tình không sạch sẽ. Ngay từ trong bào thai, do tinh cha máu mẹ cấu thành, nó chẳng khác gì con hộ trùng. Dần dần lớn lên giống như giọt mủ, rồi là miếng thịt nằm trong máu tanh.
Nhờ nghiệp thức duy trì, nó thành hình người, nằm co rút trong tử cung mẹ chín tháng mười ngày. Từ con đường bẩn thỉu chui ra, nó lớn dần nhờ sự tiêu hóa. Nuốt vào khỏi cổ, tới ruột và dạ dày, món ăn thơm ngon đến đâu cũng biến thành phân tiểu. Ngay chủ nhân nó cũng chán ghét không chịu nổi.
Vài ngày chưa tắm đã thấy bẩn thỉu hôi hám. Sáng dậy không súc miệng, nói chuyện với ai, người ta phải bịt mũi. Đôi mắt ra ghèn, hai tai ra ráy, mũi chảy nước nhớt. Trong thân còn ruột non ruột già, khác nào thùng phân.

Những khi đau ốm, mồ hôi thum thủm. Nếu không lau chùi, ai dám lại gần. Những ngày già lão, đầu bạc răng long, lưng còng má hóp, da nhăn kém sửa soạn bên ngoài. Tấm thân thật là đáng chán.
Đến khi chết, không còn nghiệp thức duy trì, nước trong người thoát sức ép bật ra, khiến thân phồng trướng trương phình, xanh xám, nứt loét. Máu mủ ứa ra. Con hiếu vội sớm chôn kỹ dưới ba thước đất. Bởi vì xú khí thối vừa độc, ai cũng sợ hãi. Dòi bọ lúc nhúc, kiến mối rúc rỉa. Da thịt hết rồi, bộ xương long rụng, mủn tàn thành đất.
Người tu thuần thục pháp quán bất tịnh thoát được bệnh tham sắc dục là một thứ bệnh trầm trọng và nguy hiểm của thế gian.
Nhưng quán bất tịnh là để giải thoát ba độc tham sân si chớ không phải để tự ghê tởm.
Ngày nay chúng ta không có tuệ nhãn để có thể như Phật lấy ngón tay chỉ vào bọn nữ ma bảo rằng : “Những cái túi da đừng toàn đồ nhơ bẩn kia đi đi, ta không dùng”. Nhưng nhờ khoa học đã phát minh quang tuyến, ta cũng thấy rõ ràng ở nơi các mỹ nhân : nào xương sống, xương sườn, nào đầu lâu trắng phếu, nào ruột gan phèo phổi v.v…
Hỡi các Phật tử ! Ai đã phát tâm chân thật tu hành phải quán bất tịnh để thành tựu ba vô lậu học : Giới – Định – Tuệ.

1- QUÁN CHỦNG TỬ BẤT TỊNH.

Thân mạng gồm có 2 phần. Tinh thần cũng gọi là thức tâm (tạng thức) dung chứa tất cả nghiệp nhân lành dữ của thân miệng ý trong quá khứ. Thân chết tan ra rồi, nghiệp lực thiện ác này dẫn đi sanh về các loài, hoặc lên cõi trời người hoặc chìm về địa ngục, ngạ quỷ, bàng sanh. Nghiệp lực là chủ nhân ông của kiếp sống, là sinh lực của các loài hữu tình. Thần thức là nghiệp nhân của tham sân si, các thứ phiền não nhiễm ô bất tịnh. Cảm quả báo gá mình vào chất bất tịnh là tinh cha huyết mẹ. Hai chất máu mủ hôi tanh kết tụ thành thai.
Rõ ràng thân mạng con người, từ vật chất đến tinh thần đều bắt đầu bằng chất liệu nhiễm ô, có gì đáng để tự hào.

2- QUÁN TRỤ XỨ BẤT TỊNH.

Bào thai, cái bọc toàn máu nhớp tanh hôi, thật là cái địa ngục huyết hồ. Chín tháng mười ngày những máu tanh chuyển thành da thịt xương. Được ra ngoài không khí, cái thai chào đời bằng tiếng khóc thét hẳn là nó đang chịu sự đau đớn cùng cực. Cụ Ôn Như Hầu than rằng :

Khóc vì nỗi xót xa sự thế,
Ai bày trò bãi bể nương dâu !

3- QUÁN TỰ TƯỚNG BẤT TỊNH.

Đứa bé ra đời, những giác quan để tiếp xúc với ngoại cảnh, bên trong những bộ phận cần thiết để điều hòa cuộc sống thể xác đều bày tiết những chất nhơ bẩn tanh hôi khắm thối.
Từ các lỗ chân lông thoát ra chất mồ hôi. Mắt, tai, mũi, miệng, đường đại đường tiểu là những cái cống để tải ra các thứ nhơ nhớp. Những nguyên chất này ung độc không khí một cách khó thở.
Nhãn quan chúng ta hàng ngày bị vô minh bịt mắt. Chỉ những người tu hành, muốn tìm sự thật, sống với sự thật mới chịu cố gắng một phiến công phu giác tỉnh. Bức màn ngã ái có bị xé toang thì sự thật mới được trình bày.

4- QUÁN TỰ THỂ BẤT TỊNH.

Chín lỗ cỗng hàng ngày bài tiết những nhơ nhớp, bởi vì trong thân những chất liệu cấu kết nên thể xác toàn là bất tịnh. Đại khái có 3 chất :

a) Chất cứng : Như tóc, vật mỹ quan để chưng diện trên đầu. Nếu không săn sóc chu đáo, không sửa soạn, chải chuốt gội rửa, xức ướp nước hoa mà để nó rối nùi với mồ hôi cáu ghét, là ổ trứng cho đàn chí, thì dù không xua đuổi cũng chẳng ai dám lại gần. Những thứ khác như xương, lông, móng tay, móng chân v.v… Nếu lỡ rơi vào thức ăn thì thật là nguy hiểm.

b) Chất lỏng : Như máu, nước miếng, nước mắt v.v… Nếu lỡ bị dính vào áo, ta liền có cử chỉ tỏ rõ sự nhờm gớm.

c) Chất sệt : Như mỡ, óc, tủy v.v… Người bị nạn xe hơi, lỡ bể đầu, não trắng như đậu hũ tung tóe bắn vào mặt người nào, người này sẽ mất bình tĩnh, hoảng hồn hết vía vì ghê sợ. Đó là đơn cử chất não ở trong đầu là nơi cao quý tôn trọng nhất của con người.

5- QUÁN CHUNG KẾT BẤT TỊNH.


Quan sát thân người lúc cuối cùng.

Kinh Phật dạy : Thân người do đất nước gió lửa giả hợp. Khi lâm chung, trước hết hơi thở trở về không đại. Chất lỏng trở về thủy đại. Cuối cùng thịt xương v.v… các chất cứng hiện nguyên hình là đất. Ở thời kỳ tan rã cái thân hiện tướng nhơ nhớp hôi hám ghê tởm. Dù là thân người yêu quý nhất đời như mẹ con, người ta vẫn kinh hãi ghê sợ đến tàn nhẫn đối với thây chết. Chất thối lúc lâm chung còn là độc khí gây bệnh hoạn.

Tóm lại : Từ lúc bắt đầu thành thai đến khi bị vùi xuống đất, thân người quả tình không một tí gì thơm sạch.

MỤC ĐÍCH VÀ LỢI ÍCH CỦA PHÁP QUÁN BẤT TỊNH


Biết thân bất tịnh và vô thường để đi tìm cái Thường, Lạc, Ngã, Tịnh là bổn ý của đức Phật khi dạy pháp quán tưởng này.
Chân tâm con người vẫn thanh tịnh. Nó là bản thể của cái xác bất tịnh. Chúng ta bị phiền não tham sân si mạn nghi lôi cuốn phỉnh gạt nên quay cuồng đeo đuổi theo ngũ trần. Muốn chặn đứng sự si mê này, đức Phật dạy quán bất tịnh.
Vậy quán bất tịnh mục đích để tiêu trừ phiền não, tập thấy sự thật của thế gian, dứt trừ vọng tưởng, trở về cầu giác ngộ Phật tánh là bản chất của nhân phẩm. Như thế quán bất tịnh là bước đầu của bội trần hợp giác khiến chúng ta tiến mạnh lên đường giải thoát.

Muốn thành công, Phật tử cần trau dồi 3 đức hạnh :

1/. Sáng suốt : Con mắt trí tuệ không để dục vọng làm mờ, lấy giả làm chân, không hời hợt tự đánh lừa mà sâu sắc nhìn thẳng vào sự thật.
2/. Thành thật : Thơm thì thấy là thơm, thối thì thấy là thối, đừng tự ái, đừng thiên vị, chỉ một mực tôn thờ sự thật. Can đảm nhận sự thật đau lòng buổn tủi để chuyển hóa, tìm đến giải thoát và giác ngộ.
3/. Kiên nhẫn : Bền tâm trì chí, đừng thấy khó mà ngã lòng. Đừng thấy đường dài mà lùi bước. Ở đời không một sự thành công tốt đẹp nào chẳng đòi hỏi sức dõng mãnh vượt khó khăn.

Đủ 3 đức tánh nói trên, nhất định chúng ta sẽ thành tựu tốt đẹp. Đức Phật khi dùng pháp quán bất tịnh để xé tan cái màn ảo ảnh bao bọc xác thân, để lộ nguyên hình cuộc đời phàm phu bất tịnh. Ngài nhắm vào mục đích hướng tầm mắt và sự hoạt động của kẻ tu hành vào giá trị chân thật rộng lớn trường tồn lấp lánh ánh sáng kim cang Bát Nhã.

Tâm lo trăm việc, chỉ quên cái chết.
Chân tay hoạt động, toàn những phù hư.
Con đường trí tuệ, sao chẳng vào ngay.
Trực nhận bản tâm, thông suốt giáo lý.


II. QUÁN BA CÁI CÓ AI DÈ
6 trần là ảo ảnh, 6 thức là mê lầm
Giải thích phương pháp quán:

* SẮC TRẦN LÀ TRÒ CHƠI CỦA SÁNG TỐI :
 
1). Ta cứ tưởng ta thấy cái bình bông ở bên ngoài. Ai có dè ta đang thấy ở trong mắt  ta. (Lầm về vị trí)
2). Ta cứ tưởng thấy được bình bông thật. Ai có dè ta chỉ thấy bóng ảnh ở trong mắt ta.
Do ánh sáng mặt trời chiếu đến bình bông rồi phản chiếu qua con ngươi vào thần kinh. Thị giác thần kinh y hai trần sáng và tối hiển lên hình ảnh bình bông. (Lầm về bản chất)

3). Ta cứ tưởng bóng hình này phản ảnh trung thành cái bình bông. Ai có dè nó chỉ tuỳ duyên tuần nghiệp mà giả hiện.
Duyên : Ánh sáng. Ánh sáng khác đi thì hình ảnh cũng khác.

Tuần nghiệp: Mắt cua, mắt cá, mắt người ... mỗi loài con mắt khác nhau hiển lên những hình ảnh khác nhau. Vậy hình ảnh nào đúng với sự thật? (Lầm về hình tướng)

 * THANH TRẦN LÀ TRÒ CHƠI CỦA ĐỘNG TĨNH :

 
1). Ta cứ tưởng ta nghe tiếng la từ miệng của cô A(ngoài). Ai có dè ta đang nghe trong tai ta.
2). Ta cứ tưởng nghe tiếng la từ miệng cô A đi vào tai là thật. Ai có dè ta chỉ lãnh nhận sự rung động của không khí.
Khi cô A động môi (nói) làm rung động không khí (tạo nên làn sóng âm ba), làn sóng âm ba này di chuyển đến tai, thần kinh thính giác y vào làn sóng âm ba mà biến ra âm thanh, chứ âm thanh là cái  không hề có.
3). Ta cứ tưởng ta nghe rất đúng. Ai có dè nó chỉ tuỳ duyên tuần nghiệp mà giả hiện.

Duyên :
Rung động không khí khác nhau thì các thứ tiếng cũng khác.

Tuần nghiệp: Tai người, tai chó, tai mèo, tai gà...mỗi loài nghe ra một thứ tiếng khác nhau tuy cùng một làn sóng âm ba.

* HƯƠNG TRẦN :
 
1). Ta cứ tưởng ta ngửi mùi thơm ở nước hoa (ngoài) . Ai có dè ta đang ngửi ở trong mũi ta.
2). Ta cứ tưởng ngửi được mùi thơm thật. Ai có dè mùi thơm chỉ là cảm giác do thần kinh khứu giác biến ra.
Khi mở lọ nước hoa, các phân tử mùi theo gió bay vào mũi, thần kinh khứu giác y vào phân tử này mà biến ra mùi thơm, chứ mùi thơm không hề có.
3). Ta cứ tưởng mùi thơm này phản ảnh trung thành với vật bên ngoài. Ai có dè nó chỉ tuỳ duyên tuần nghiệp mà giả hiện để phân biệt cảnh ngoài.

Duyên : Phân tử khác nhau thì mùi cũng khác nhau.
Tuần nghiệp : Mũi người, mũi chó, mũi mèo...mỗi loài ngửi ra một mùi tuy cùng một lọ nước hoa. Vậy mùi nào đúng sự thật?

* VỊ TRẦN :

1). Ta cứ tưởng ta nếm vị ngọt ở đường. Ai có dè ta đang nếm ở ngay lưỡi ta.
2). Ta cứ tưởng nếm được vị ngọt thật. Ai có dè vị ngọt chỉ là cảm giác do thần kinh vị giác biến ra.
Như cục đường để trên tay thì ta đâu có biết được vị ngọt. Khi đặt vào lưỡi, thần kinh vị giác y theo các  phân tử của cục đường mà biến ra vị ngọt.
3). Ta cứ tưởng vị ngọt này phản ảnh trung thành sự thật. Ai có dè nó chỉ tuỳ duyên tuần nghiệp mà giả hiện để phân biệt cảnh ngoài.

Duyên : Chất của các vật khác nhau thì vị cũng khác nhau. Thí dụ : cục đường, trái chanh, viên thuốc...
Tuần nghiệp : Lưỡi người, lưỡi trâu, lưỡi bò .... do cấu tạo lưỡi của mỗi loài khác nhau nên vị hiển lên khác nhau. Vậy vị nào đúng sự thật?

* XÚC TRẦN :
 
1). Ta cứ tưởng ta biết cái mát ở gió. Ai có dè ta đang biết ở ngay làn da của ta.
2). Ta cứ tưởng ta biết được cái mát thật. Ai có dè cái mát chỉ là cảm giác do thần kinh xúc giác biến ra.
Khi gió chạm vào làn da, thần kinh xúc giác y vào sự tiếp xúc đó mà biến ra cảm giác mát. Đây chỉ là cảm giác thôi, chứ không hề có thật.
3). Ta cứ tưởng cảm giác này phản ảnh trung thành sự thật. Ai có dè nó chỉ tuỳ duyên  tuần nghiệp mà giả hiện để phân biệt cảnh ngoài.

Duyên : Các vật xúc chạm khác nhau thì cảm giác cũng khác nhau.
Tuần nghiệp : Da người, da trâu, da cóc..... mỗi loài có cảm giác khác nhau tuy cùng tiếp xúc với một làn gió. Vậy cảm giác nào đúng sự thật?
Thọ lãnh năm trần sắc thanh hương vị xúc, cho là cảnh thật tức là Kiến Hoặc của phàm phu. Giác tỉnh được chỗ này là chứng quả Thánh Tu Đà Hoàn.
Ý thức bên trong theo Mạt Na chấp ngã, bên ngoài y Kiến Hoặc mà phán xét phân biệt gọi là Tư Hoặc. Hàng phục được Tư Hoặc chứng A La Hán.
  Sư bà Hải Triều Âm
Nguồn: chuaduocsu.org

Tu học

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 19426
  • Online: 22