Chấp Bóng Quên Đầu
21/07/2024 | Lượt xem: 456
HT Thích Thanh Từ
Thiền viện Trúc Lâm 29-09-2003
Hôm nay tôi sẽ nói chuyện với Ni chúng về đề tài Chấp bóng quên đầu, cũng là một thí dụ trong kinh Lăng-nghiêm. Tôi đã kể tới kể lui nhiều lần nhưng chưa đi sâu, bây giờ chúng ta sẽ đi từng giai đoạn, giải thích rồi phân tích chia chẻ để thấy rõ pháp tu hành của mình.
Trong kinh Lăng-nghiêm, Phật nói thí dụ chàng Diễn-nhã-đạt-đa soi gương thấy đầu mặt rõ ràng, chợt sanh ưa thích đầu mặt mình. Khi úp gương lại không thấy đầu mặt, anh chàng hoảng hốt ôm đầu chạy kêu: “Tôi mất đầu! Tôi mất đầu!” Như vậy Diễn-nhã-đạt-đa điên hay tỉnh? Nếu cho cái bóng trong gương là đầu mình, quên mất đầu thật thì là người điên, không phải tỉnh.
Bóng trong gương dụ cho vọng tưởng, cái đầu của Diễn-nhã-đạt-đa dụ cho bản tâm chân thật nơi mỗi người. Vì Diễn-nhã-đạt-đa cho tâm vọng tưởng là tâm thật, nên khi không có vọng tưởng liền la “Tôi mất đầu”.
Nhưng cái đầu không mất, dù chạy xa ngàn dặm cũng vẫn còn. Chúng ta có giống Diễn-nhã-đạt-đa không? Nếu cứ nhớ bóng mà quên đầu thì tất nhiên là điên rồi. Đó là vấn đề hết sức quan trọng trong việc tu hành.
Nếu không có đầu thì không thể có bóng trong gương. Sở dĩ có bóng là do có đầu. Cho nên, khi thấy vọng tưởng là biết mình có tâm chân thật. Vậy mà không nhớ tâm chân thật, chỉ nhớ vọng tưởng. Điên đảo chưa? Người tu phải xét kỹ điều này, nếu không thì cả ngày chỉ sống như một người điên.
Chúng ta tu hành là từ bỏ những điều khờ dại lầm lẫn, để nhận ra cái chân thật nơi mình, chứ không phải chạy theo vọng tưởng điên đảo. Thế nhưng trên thực tế, ta lại chạy theo vọng tưởng điên đảo mà quên đi cái chân thật. Vậy thì làm sao nhận biết lại cái chân thật của mình? Dễ nhận ra nhất là khi ngồi thiền. Tôi thường nhắc quý vị vọng tưởng dấy lên liền buông. Thế thì cái gì biết buông? Chính cái thấy vọng tưởng và không theo vọng tưởng mới không phải vọng tưởng. Đó chính là cái chân thật mà chúng ta bỏ quên.
Quý vị thử so sánh hai trường hợp: chạy theo vọng tưởng và cái biết vọng tưởng, trường hợp nào giúp chúng ta hết nghiệp, trường hợp nào tạo thêm nghiệp? Vọng tưởng dấy lên thì có thương ghét, vui buồn. Thương tạo nghiệp tham, ghét tạo nghiệp sân, buồn vui tạo nghiệp si. Khi dấy niệm chạy theo buồn vui thương ghét là lúc chúng ta đang tạo nghiệp. Biết rõ nhưng không khởi niệm thì không tạo nghiệp. Không tạo nghiệp là giải thoát.
Chúng ta chọn quyền được giải thoát hay quyền tạo nghiệp? Tu hành là cầu giải thoát sanh tử, mà lại dùng quyền tạo nghiệp làm chỗ nương tựa cho mình, thì chừng nào mới ra khỏi sanh tử? Đây là vấn đề tối quan trọng mà người tu lại không quan tâm, cứ sống vui đùa trong vọng tưởng, tạo nghiệp buồn vui thương ghét… không có ngày dừng. Chính những điều ấy sẽ dẫn mình đi mãi trong luân hồi sanh tử. Người tu nào cũng quyết tâm cầu giải thoát, nhưng lại tạo nghiệp sanh tử, đó là nói một đàng làm một nẻo, không trung thực với chính mình.
Chẳng những người thế gian mà người xuất gia cũng không chịu trở về với cái chân thật của mình. Cho nên, chúng ta giống như Diễn-nhã-đạt-đa ôm đầu chạy la mất đầu. Chạy một lúc thì nhớ mình có cái đầu, lúc sau lại quên, rồi tiếp tục chạy nữa. Lúc tỉnh thì nhớ, lúc mê thì quên. Tuy chợt tỉnh chợt mê như vậy, nhưng cũng khá hơn những người điên hoàn toàn.
Trên đường tu, hành giả cần xác định rõ mình hy sinh cả cuộc đời vào đạo vì tìm cầu cái gì? Nếu tìm cầu giải thoát thì phải nuôi dưỡng vun bồi nhân giải thoát mới là biết tu. Nếu bỏ quên nhân giải thoát, chạy theo nhân tạo nghiệp sanh tử từ năm này qua tháng nọ thì chưa biết tu. Người không biết tu tức là phí hoài sự cúng dường của đàn-na tín thí, rất đáng hổ thẹn.
Chúng ta phải tỉnh táo lên, đừng mê muội nữa. Cương quyết cạo tóc xuất gia là đã làm được việc khó làm. Nhưng nếu quên đi quyết tâm mãnh liệt thuở ban đầu ấy, sống trở lại với cái tầm thường của người thế tục thì rất đáng buồn. Tôi mong Ni chúng lúc nào cũng nuôi dưỡng nhân giải thoát, gạt bỏ nhân tạo nghiệp sanh tử, để việc tu hành có kết quả tốt.
Khi ngồi thiền, vọng tưởng dấy lên liền buông. Vọng tưởng lặng rồi thì có biết, có thấy, có nghe không? Cái thấy biết chân thật luôn sẵn có, nhưng ta lại bỏ quên, còn vọng tưởng tạm bợ không thật thì lại nhớ. Vọng tưởng là nhân tạo nghiệp nên phải buông bỏ. Sống với cái chân thật là nhân giải thoát mà chúng ta đã chọn.
Diễn-nhã-đạt-đa ôm đầu chạy la mất đầu, gọi là điên. Khi úp gương lại, nếu chỉ nhớ cái đầu, không chú ý tới bóng nữa thì hết điên. Hết điên là giác ngộ. Si mê thì điên, giác ngộ là tỉnh. Quý vị chọn điên hay tỉnh? Đương nhiên ai cũng chọn tỉnh, nhưng phải quyết tâm thực hành, chứ không thể nói suông.
Đa phần đều cho suy nghĩ là mình. Thí như chị B xảy ra việc, một vị hỏi: “Chị nghĩ việc đó thế nào?” Chị trả lời: “Tôi không có suy nghĩ nên không biết.” Lúc nào cũng nói có suy nghĩ mới biết, không suy nghĩ thì không biết. Vậy là phủ nhận cái biết thường trực rồi. Nếu trả lời đúng thực tế thì nói: “Vấn đề đó tôi không theo dõi nên chưa rõ”, chứ nói “không biết” là không được. Bởi vì dù suy nghĩ hay không suy nghĩ thì cái biết vẫn luôn tồn tại.
Nếu không biết thì làm sao thấy, làm sao đi, làm sao nói? Biết thấy, biết đi, biết nói là có biết. Bởi chúng ta nuôi dưỡng sai lầm quá lớn, cho suy nghĩ là mình rồi cả ngày đuổi theo nó. Tới lúc ngồi thiền đuổi vọng tưởng mà cũng nửa đuổi, nửa theo. Nhiều vị theo vọng tưởng hết ba phần tư thời gian ngồi thiền, chỉ đuổi có một phần tư. Vậy mới thấy sự tu hành không phải chuyện đùa.
Người tu tìm cầu giác ngộ trong khi thế gian đang sống trong mê lầm. Có vị đi tu đã được năm mười năm nhưng lại nuôi dưỡng mê lầm. Khi về nhà, cha mẹ anh em hỏi: “Năm nay, cô tu tiến bộ nhiều hay ít?” Dù quý vị kể ngồi thiền được hai giờ thì cũng chỉ là hình thức mà thôi. Tuy ngồi thiền lâu hơn, nhưng trong khi ngồi không biết tỉnh hay mê nên chưa thể gọi là tiến. Nếu vị nào trả lời: “Hồi trước trong tâm nhiều mê lầm, bây giờ đang tập buông bỏ, nhưng chỉ mới bỏ một phần, vẫn chưa trọn được.” Đó mới là người biết tu, biết sống thật.
Trong xử sự với huynh đệ, khi chưa tu thì buồn giận thương ghét một trăm phần trăm (100%), biết tu rồi phải giảm. Quý vị xét lại xem mình đã giảm chưa? Đó là điều thực tế, không thể nói một cách mơ hồ được. Năm đầu, buồn thương giận ghét 100% thì qua năm sau ít nhất còn lại 90%, trải một năm nữa là 80%. Nghĩa là dần dần giảm xuống, cho tới ngày không còn gì cả. Hết sạch buồn thương giận ghét thì mặc tình tự tại. Tu như vậy mới có kết quả.
Tăng ni ở trong chùa năm bảy năm mà vẫn còn buồn thương giận ghét thì chẳng khác người đời. Nếu có khác là về phần hình thức: cạo tóc, ăn chay, tụng kinh, tọa thiền. Thế nhưng bây giờ người ta cũng cạo tóc theo thời trang, cư sĩ vẫn ăn chay trường. Vậy thì phần hình thức đâu còn quan trọng, quan trọng nhất là tâm mình. Chúng ta làm sao để tâm tỉnh sáng, không u mê nữa. Đó là vấn đề thiết yếu trong tu tập.
Sự tu hành không căn cứ trên thời gian năm tháng, mà thể hiện qua từng hành động, lời nói, tâm niệm.
Nếu hành động, lời nói, tâm niệm thay đổi thì sự tu có kết quả. Nếu vẫn y nguyên như lúc ban đầu thì không có kết quả. Những vị chịu trách nhiệm dẫn chúng phải theo dõi thường xuyên, nhắc tới nhắc lui cho đại chúng ghi nhớ mà tinh tấn tu hành. Nhắc nhở không phải là khó khăn, rầy la, mà vì muốn sự hy sinh của quý vị xứng đáng. Chúng ta rời bỏ cha mẹ, vào chùa cạo tóc tu hành thì phải biết chỉnh sửa nội tâm của mình, để trở thành người tỉnh sáng. Tu hành bao nhiêu năm mà vẫn y nguyên như cũ thì vô nghĩa rồi.
Việc tu hành là tự mỗi người lựa chọn, không ai thay mình. Nhiều khi cha mẹ không cho phép, quý vị vẫn cương quyết chọn con đường này. Thế thì phải làm cho tròn trách nhiệm của mình, đi tới nơi tới chốn, cha mẹ mới yên lòng. Nếu đi giữa chừng lại bỏ, hoặc đi một chặng gặp trở ngại liền chán nản, đó là sai lầm không thể chấp nhận trong hàng tu sĩ.
Quý vị có muốn làm Diễn-nhã-đạt-đa không? Chúng ta biết Diễn-nhã-đạt-đa điên mà vẫn muốn làm thì quá si mê. Đã biết là điên thì phải cương quyết bỏ. Lại còn dặn dò huynh đệ chung quanh: “Nếu thấy tôi điên thì tát vài cái cho tỉnh!” Như vậy mới hết điên. Nói bỏ mà không chịu bỏ, huynh đệ nhắc nhở còn hờn giận là không được. Trên đường tu, chúng ta phải cương quyết đi cho tới nơi tới chốn, mới xứng đáng đệ tử Phật.
Nuôi dưỡng cái giả tạm hư dối, khỏa lấp cái chân thật là trái ngược với bản nguyện cầu giác ngộ giải thoát. Nếu không được nhắc nhở, e rằng Ni chúng cứ nghĩ một ngày ngồi thiền ba thời, tụng một thời sám hối là đủ. Tu mà tâm chưa kiên quyết, chưa dẹp những hư dối thì cũng chưa tới đâu. Chỉ khi nào nhận ra cái thật sẵn có nơi mình mới là đến đích.
Khi ngồi một mình không nghĩ tưởng gì, chúng ta vẫn nghe rõ ràng tiếng chim kêu, thấy cảnh trước mặt, biết tâm đang an ổn. Bởi vì cái chân thật chưa từng vắng thiếu. Nhưng khi dấy niệm, chạy theo niệm thì liền quên. Hoặc khi làm việc, chỉ mãi nhớ việc, nên quên đi cái chân thật ấy. Mới nghe qua câu chuyện Diễn-nhã-đạt-đa, ai cũng thấy anh ta thật đáng cười. Nhưng mỗi vị tự xét xem mình có đáng cười không? Chúng ta phải ý thức việc mình đang làm, giờ phút nào cũng nhớ tu, đừng lơ là. Thường nhớ là thường tỉnh, thường tỉnh là thường giác. Được như vậy mới đúng tinh thần của người xuất gia học đạo.
Quý vị đi tu, cha mẹ luôn hy vọng rằng mai này con cái tỉnh giác, để chỉ dạy và nhắc nhở mình tu. Nhưng đến chùa thăm, toàn nghe quý vị kể chuyện không hay trong chùa. Về thăm nhà lại còn than chuyện ở chùa phiền não quá, càng làm cha mẹ thêm chán nản. Thế thì đâu có làm gì được cho cha mẹ. Nếu chúng ta đã cương quyết tu hành để thức tỉnh mẹ cha, thì phải làm sao nhắc nhở cha mẹ bớt mê, được tỉnh.
Lại nữa, trong chúng có nhiều vị động đến liền nổi sân, thấy gì đẹp cũng thích, nghe ai nói dịu dàng thì thương… Điều này làm cho việc tu hành của mình không hay. Quý vị phải can đảm, chừa bỏ những gì trái với đạo lý, cố gắng làm việc hợp đạo lý. Như vậy việc tu mới thành công. Nhị tổ Huệ Khả khi chưa gặp Sơ tổ Bồ-đề-đạt-ma, hiệu là Thần Quang. Ngài có thể ngồi thiền suốt đêm, tu hành rất cẩn mật. Nghe tin tổ Đạt-ma sang Đông độ, trụ ở Thiếu Lâm, ngài liền tìm đến. Thần Quang đầy đủ lễ nghi mà Tổ vẫn ngồi lặng yên, xoay mặt vào vách. Khi ấy nhằm tiết mùa đông, ban đêm tuyết rơi lả tả, ngài vẫn đứng yên ngoài tuyết, chắp tay hướng về Tổ. Đến sáng, tuyết ngập đầu gối mà gương mặt ngài vẫn thản nhiên, không hề run rẩy sợ sệt. Tổ thấy thế thương tình, xoay ra hỏi:
- Ngươi đứng suốt đêm trong tuyết, ý muốn cầu việc gì?
Ngài thưa:
- Cúi mong Hòa thượng từ bi mở cửa cam lồ, rộng độ chúng con.
Tổ nói:
- Diệu đạo vô thượng của chư Phật, dù nhiều kiếp tinh tấn, hay làm được việc khó làm, nhẫn được việc khó nhẫn, còn không thể đến thay. Huống là, dùng chút công lao nhỏ này mà cầu được pháp chân thừa?
Ngài bèn lấy đao chặt đứt cánh tay trái dâng lên để tỏ lòng thiết tha cầu đạo. Tổ biết đây là bậc pháp khí, bèn dạy:
- Chư Phật lúc ban đầu cầu đạo vì pháp quên thân, nay ngươi chặt cánh tay để trước ta, tâm cầu đạo như vậy cũng khá.
Ngài thưa:
- Tâm con chưa an, xin Thầy dạy pháp an tâm.
- Ngươi đem tâm ra đây, ta an cho.
- Con tìm tâm không thể được.
- Ta đã an tâm cho ngươi rồi.
Ngài Thần Quang nhân đây khế ngộ, được Tổ đổi tên thành Huệ Khả.
Quý vị thấy có vô lý không? Xin pháp an tâm, lại bảo tìm tâm. Đến khi tìm không được thì bảo đã an tâm rồi. Vậy an bằng cách nào? Lúc trước đọc đến đây, tôi cũng ngẩn ngơ không biết làm sao. Khi nghiên cứu kỹ và tu hành một thời gian, đọc lại đoạn này, tôi giật mình. Lâu nay, ta cứ khờ dại ngỡ rằng có một pháp nào đó có thể làm cho tâm an. Nhưng Tổ không dạy pháp nào, mà chỉ cho chúng ta thấy tâm bất an là hư dối. Tâm hư dối không thể tìm được, nên Tổ nói: Ta đã an tâm cho ngươi rồi.
Đường lối tu của Thiền tông là phản quan, tức là nhìn lại. Nhìn lại tâm bất an vừa dấy khởi, thấy nó hư dối. Hư dối mất thì tự an, còn hỏi pháp an tâm là dư thừa. Nếu nó thật thì dù buông cũng không mất, vì giả nên buông liền tự mất. Tu được như thế là chứng tỏ quý vị đã tỉnh. Trong giờ ngồi thiền, thấy niệm khởi biết hư dối, không theo đó là tỉnh.
Nhiều người ngồi thiền cứ nuôi vọng tưởng, nghĩ đến những điều lành, rồi cho là mình biết tu, không biết như vậy là trái với thiền. Tu thiền là phải nhận chân nơi mình cái gì thật cái gì hư, sống với cái thật, không theo cái giả. Chỉ cần nhớ được cái thật thì sẽ buông cái giả dễ dàng. Vì quên cái thật nên cái giả mới có khả năng lôi mình đi.
Quý vị xét lại vì sao chúng ta dễ nóng giận? Bởi thấy mình là người tốt, người cao thượng, nên khi bị chê liền nổi giận. Nếu tự cho mình không ra gì, thì dù ai chê cười cũng chẳng sao. Nếu cứ tranh chấp thì dù đúng hay sai cũng đều không phải. Cơn sân làm mình thua thiệt nhiều. Sân giận rồi thì ngồi thiền rất khó, cứ nhớ những chuyện vừa xảy ra, bỏ không được. Cho nên chúng ta phải khéo tu, đừng để nổi sân.
Người tu phải bỏ mê lầm, nuôi dưỡng tánh tỉnh sáng. Được vậy mới đi đến bờ giải thoát, bằng không thì đường trước mờ mịt chẳng biết về đâu. Chạy theo vọng tưởng là mê, biết mình có cái chân thật hiện hữu là giác. Giác và mê luôn sẵn đủ nơi chúng ta bất cứ giờ phút nào. Vì vậy, không cần phải tìm cầu được giác ngộ như đức Phật. Đức Phật tu hành nhiều đời nên đã vuông tròn công hạnh, giác ngộ viên mãn. Chúng ta đang giác từng phần, từ chối những cái mê, nuôi dưỡng những cái giác. Như vậy là khéo tu. Nhờ khéo tu nên có tiến.
Người thế gian đang chìm trong mê lầm, chúng ta phải cứu vớt họ. Quý vị đã là người đi tiên phong trên con đường giác ngộ giải thoát thì không thể chối bỏ trách nhiệm này, cũng không trông đợi vào một ai. Cương quyết đi cho đến nơi đến chốn, để cứu vớt chúng sanh, đó cũng chính là bản nguyện của người con Phật.
Ai cũng cho rằng người tu là cao thượng, nhưng đi tu mấy năm trở về, cũng không khác gì người thế tục thì đâu còn cao thượng nữa. Cho nên quý vị phải nhớ đừng dung dưỡng tật xấu. Tu hành trải qua mỗi tháng, mỗi năm phải khác, không thể như xưa được. Giá trị của người tu và người không tu khác nhau ở chỗ mê và giác. Người không tu sống trong mê lầm, chạy theo danh lợi tài sắc… Người biết tu thức tỉnh, buông xả không đuổi theo những sai lầm. Như vậy, giữa người giác và người mê có sự khác biệt rõ ràng. Chúng ta tu rồi mà vẫn đuổi theo những thứ thiên hạ say mê thì khác gì họ.
Đạo Phật là đạo giác ngộ, người tu theo đạo Phật là đi trên con đường giác ngộ. Giác ngộ biết tất cả chỉ là vọng tưởng, không theo và biết mình có cái chân thật. Nếu theo vọng tưởng thì nó dẫn mình tạo nghiệp đi trong đau khổ. Nghe lời trái tai liền nổi giận, tìm cho ra người nói xấu mình để tranh cãi. Hoặc người thích nghe nhạc, thưởng thức một bản nhạc hay, muốn tìm gặp người hát bản nhạc đó để khen ngợi. Rõ ràng nghiệp có sức mạnh ghê gớm. Vừa thấy sắc bên ngoài, trong tâm liền dấy niệm, bởi tương ưng nên bị dẫn đi.
Hiện tại, chúng ta còn bị dẫn, huống nữa là đến khi nhắm mắt, nghiệp kéo mình đi thì chạy đâu cho khỏi. Cho nên nói nghiệp có sức mạnh dẫn ta đi trong luân hồi sanh tử. Muốn thắng được nghiệp thì phải bỏ tham sân si. Nếu không thắng được nghiệp thì đời sau biết đi đâu, ở chỗ nào! Đó là điều chúng ta cần phải lưu tâm.
Tu hành là tự gánh vác việc của đời mình, chính mình phải làm, không ai thay thế được. Dù thầy bổn sư thương thì cũng chỉ có thể nhắc nhở tu hành thôi. Nếu chịu nghe, chịu tỉnh thì đời tu có kết quả. Nếu không chịu nghe, không chịu tỉnh thì thôi đành chịu. Quý vị phải hiểu thật kỹ, sự tiến bộ trên đường tu được khẳng định bằng những việc làm với tâm cầu đạo thiết tha. Đó là điều thiết yếu.
Ở đời, muốn thành người khôn ngoan phải đi học. Trong đạo, muốn giác ngộ phải làm sao? Người tu thiền là học hay vô học? Người đời đi học, tìm hiểu nhiều, còn chúng ta vào chùa, không học gì hết, ngồi lim dim hoài. Thế thì có ngu dốt không? Trong kinh Pháp Hoa dẫn chuyện một anh chàng nhà nghèo đi ăn mày, được người bạn giàu có mời về nhà đãi say sưa. Một hôm anh chủ nhà có việc phải đi xa, thấy bạn mình nghèo quá, bèn lấy một viên ngọc quý nhét vào trong túi áo anh ta. Chừng nào anh ta tỉnh, sẽ dùng viên ngọc mà hết nghèo. Nhưng rồi hai, ba năm sau gặp lại, người bạn cũ vẫn thấy anh này đi ăn mày. Ngạc nhiên, người bạn hỏi: Tại sao tôi đã cho anh viên ngọc để trong túi áo mà tới giờ anh cũng còn đi ăn mày? Anh này giật mình móc trong túi áo, lấy ra viên ngọc. Từ đó, anh hết nghèo.
Chúng ta cũng có viên ngọc quý vô cùng nhưng lại bỏ quên. Bởi quên nên của quý nằm sẵn trong người mà vẫn khổ sở, đói thiếu. Người xưa nói: Trong sọt rác nhơ bẩn, cũng có viên ngọc dưới đáy. Người biết dùng tay bới rác lấy hòn ngọc lên thì hết nghèo. Cũng vậy, trong thân nhơ nhớp này có hòn ngọc quý mà ta không biết. Bây giờ biết rồi thì phải lấy ra dùng. Viên ngọc dụ cho bản tâm chân thật của chính mình. Ngày xưa, đức Phật đã quyết chí tu hành để nhận ra tâm chân thật. Tâm chân thật hiển bày thì đầy đủ diệu dụng.
Diệu dụng của Phật trước hết là Tam minh. Đức Phật ngồi thiền dưới cội Bồ-đề đến đêm thứ bốn mươi chín, vào canh hai, ngài chứng Túc mạng minh, biết được vô số kiếp thời quá khứ. Tới canh ba, ngài chứng Thiên nhãn minh, có thể nhìn thấy những vật rất nhỏ như vi trùng, rất xa như hằng hà sa thế giới, tức là số thế giới nhiều như cát sông Hằng. Từ canh ba đến canh năm, ngài chứng Lậu tận minh, giải thoát sanh tử, biết rõ manh mối gì mà con người trầm luân và làm sao để giải thoát. Ngài thấy rõ và chỉ dạy cho chúng ta.
Cái biết của Phật không phải từ học mà được, chỉ do ngài lặng tâm sanh diệt điên đảo mà chứng ngộ. Khi tâm sanh diệt lặng rồi thì bản tâm tự sáng. Cái sáng đó là trí vô sư, trí không thầy mà biết hết tất cả. Khoa học cũng chưa hiểu hết những lời Phật dạy. Cái thấy của ngài xa vô cùng vô tận, khắp giáp tam thiên đại thiên thế giới. Bây giờ chúng ta chỉ có thể thấy được mặt trăng, mặt trời, hỏa tinh, mộc tinh rồi thôi, nhưng Phật thấy khắp tất cả. Ngài còn biết do nhân gì chúng sanh được sanh về các cõi, hưởng bao lâu thì hết phước, trả bao lâu thì hết nghiệp.
Hành giả ngồi thiền lặng tâm điên đảo, phát sanh trí tuệ, không cần học mà biết, không cần tìm mà thấy. Như vậy người đời chạy ra để tìm hiểu, người tu lặng hết để sáng, người nào ít tốn công hơn? Người tu ngồi thiền, lặng tâm điên đảo để phát minh cái sáng suốt sẵn có nơi mình, tìm lại viên ngọc quý đã bỏ quên, không tốn công gì hết.
Trong nhà Phật lấy giác ngộ làm tiêu chuẩn, mục đích hướng đến. Tu là giác ngộ. Tất cả các pháp trong thế gian đều thấy biết đúng như thật là giác ngộ. Song, muốn thấy biết đúng như thật, thì tâm phải an định, trí tuệ mới phát sanh. Thế thì người tu chúng ta đâu có thua thiệt gì so với người đời. Người thế gian học suốt cả đời cũng chưa hết kiến thức. Người tu chỉ ngồi thiền, giữ tâm yên định mà biết tất cả những điều thiên hạ chưa biết. Rõ ràng việc chúng ta làm đâu phải tầm thường.
Người đời không biết, lại bảo quý vị còn trẻ, còn thời gian học hành mà không chịu học, vào đây ngồi lim dim hoài, uổng hết một đời. Sự thật không phải như vậy, chúng ta đang làm một việc cao siêu, vượt hơn tất cả.
Nếu không giải thích, quý vị cứ ngỡ là mình chịu thiệt thòi. Vào chùa ngồi lim dim từ năm này qua tháng nọ, không biết làm gì? Người đời mới được cử nhân năm kia, bây giờ đã là tiến sĩ rồi. Còn mình, nhìn lại không có gì hết, tủi thân, thấy tiếc quá nên muốn đi học thêm. Đó là suy nghĩ rất sai lầm. Việc tu hành không chặn bước tiến của quý vị, ngồi yên lặng cũng không phải ngu khờ. Một khi chúng ta thành công rồi thì sẽ vượt hơn tất cả các nhà bác học. Khi xưa chưa có kính hiển vi mà Phật còn nhìn thấy vi trùng, chưa có kính viễn vọng mà ngài thấy vô số thế giới. Cho nên, sau khi thành đạo, Phật mới tán thán rằng ai cũng có sẵn kho báu mà không chịu khai thác. Chính đức Phật đã khai thác được, nên ngài dạy lại cho hàng đệ tử tự khai thác.
Khi khai thác được, chúng ta sẽ bằng Phật hay thua Phật? Phật là bình đẳng, là Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Vô thượng là không có trên, tức không ai trên ngài. Chánh đẳng là bằng Phật, tức ai giác ngộ được thì bằng ngài. Bởi đến đó là viên mãn rồi, không còn gì hơn nữa. Như vậy chúng ta có đủ khả năng thành Phật vì luôn sẵn có tâm Phật đang tiềm ẩn trong mình. Tiềm ẩn chứ không phải mất, nó vẫn hiển lộ, chỉ là do mình quên thôi.
Quý vị đừng sợ tu không thành công, chỉ sợ mình ngu si không chịu tu thôi. Bởi ngu si nên không chịu quay lại nhận cái thật, cứ đuổi theo cái giả bên ngoài, rốt cuộc mất mình. Chúng ta tu là buông bỏ những khôn ngoan lanh lợi của thế gian, nhưng sẽ được cái sáng suốt của bậc thánh hiền. Sự sáng suốt ấy mới xứng đáng cho thiên hạ kính mến. Người tu Phật khi đã sáng thì thấy tột cùng chân lý, không bao giờ thay đổi. Cái khôn ngoan thế gian có giới hạn, qua một thời gian liền khác, không có đích cuối cùng.
Nhiều vị khiêm nhường chỉ mong cầu đời sau có nhân tốt tu thêm, chứ không ngờ mình đang làm việc phi thường. Việc này không cần khoe với ai, tự mình làm tự mình biết. Chính mình phải khơi dậy viên ngọc sẵn có nơi mình, không ai có thể giúp. Đừng sợ cả đời tu hành không đi tới đâu. Phải nghĩ rằng tu một ngày là gỡ được một phần bụi bặm phiền não. Như gương bị đóng bụi lâu đời, lau chùi một ngày thì giảm bụi một ít. Ngày nào cũng lau thì gương càng sáng. Chỉ sợ gương đầy bụi mà ta không thèm lau chùi thì không thể sáng. Đã không thèm lau chùi, đôi khi còn muốn phủ thêm bụi nữa là rất khờ dại.
Người tu là những con người phi thường, làm việc phi thường. Chúng ta đã biết mình có cái thật thì phải phăn tìm ra tận gốc, làm cho nó sáng lên. Nhưng trên thực tế, chúng ta đang mê, không thể nói tỉnh là tỉnh ngay, mà cần thời gian tỉnh dần. Song, nhất định không thể để mê trở lại. Con đường Phật đạo là con đường giác ngộ. Chúng ta đang đi con đường giác ngộ thì phải giác. Đi mỗi ngày trên một con đường dài tất nhiên sẽ có tiến, càng xa phàm tục càng gần giải thoát.
Cho nên từng phút giây trôi qua, cố gắng dẹp bỏ những thói quen tật xấu, để trở thành con người mà thế nhân trông đợi. Chưa nói đến người ngoài, ít nhất cũng có cha mẹ quý vị trông đợi. Chẳng lẽ cứ để họ than: Con tôi tu dăm bảy năm rồi mà về nhà cũng như người tầm thường, lại còn đòi hỏi việc này việc khác làm cha mẹ buồn phiền bực bội. Quý vị cố gắng tu để khi về thăm gia đình, kể những chuyện vui trong đạo cho cha mẹ nghe. Than ngắn thở dài chỉ làm cha mẹ thối chí. Họ không biết mình đi tu có lợi ích gì, mà chỉ uổng phí một đời.
Chúng ta kiểm điểm lại mỗi ngày có giác được phần nào không? Nếu kiểm điểm lại, thấy mỗi ngày mỗi giác là điều đáng mừng. Nếu vẫn còn nguyên như cũ thì phải sám hối nguyện vươn lên, không thể đứng hoài một chỗ. Biết bao nhiêu người đang trông đợi chúng ta, mình không cố gắng làm cho tròn thì không có tinh thần trách nhiệm với gia đình và xã hội. Vì vậy, chư tăng ni cần phải nỗ lực hơn. Có giác ngộ mới đánh thức được cha mẹ và những người thân quen. Nếu không giác thì không đánh thức được ai. Đây là một việc làm hết sức cụ thể.
Trách nhiệm của người tu là tự giác giác tha, nếu không tự giác thì làm sao giác tha? Cho nên, mỗi ngày trôi qua, chúng ta phải giác. Thí dụ thời gian trước, ngồi thiền một giờ vọng tưởng hết 80%, bây giờ chỉ còn 50% là giảm rồi. Vọng tưởng giảm, tất nhiên đã có giác. Sự tu hành có tiến mới gần giác ngộ, nếu cứ đứng lỳ một chỗ thì không tới đâu. Người nào đứng yên một chỗ là phụ ơn cha mẹ nuôi dưỡng, phụ ơn thầy tổ chỉ dạy và cô phụ chính sơ tâm xuất gia của mình.
Vậy nên phải tu làm sao cho xứng đáng, không lôi thôi được. Gia đình nào có một hai đứa con đi tu, ai cũng khen gia đình đó có phước quá! Tại sao có phước? Vì đi tu là việc làm tốt cho gia đình và xã hội. Tốt không phải làm từ thiện giỏi mà tốt vì giác ngộ. Giác ngộ nhiều thì làm việc tốt nhiều, giác ngộ ít thì làm việc tốt ít.
Quý vị đã chọn giác thì phải dành nhiều thời gian để phản quan, hạn chế thời gian rong ruổi bên ngoài. Phản quan để thấy rõ mình, giảm bớt vọng tưởng, đó là biết tu. Sở dĩ ở thiền viện cấm không được đọc sách báo bên ngoài là để thiền sinh không chạy ra, mà quay lại chính mình. Như vậy có buồn không? Người không buồn mới là biết tu. Có phản quan mới giác ngộ, không phản quan thì không thể giác ngộ. Đó là chỗ đạo Phật khác với những tôn giáo khác.
Tu thiền là dùng trí tuệ soi lại chính mình. Người tu thiền dùng trí tuệ phản quan, nhận ra cái chân thật. Mỗi ngày, quý vị tụng Bát-nhã nhiều lần, nương Bát-nhã đi trên con đường trí tuệ. Chúng ta khởi đầu bằng trí tuệ Bát-nhã, dừng tâm vọng tưởng thì trí tuệ sáng. Đó là kết quả của người tu thiền.
Niệm Phật thì dùng lòng tin, tin có cõi Cực lạc, tin có đức Phật A-di-đà đón rước. Một bên dùng lòng tin, một bên dùng trí tuệ. Người lớn tuổi thường khó tu thiền, vì họ có lòng tin mạnh, sợ ngày mai chết không biết đi đâu, nên dễ niệm Phật. Người tu Tịnh độ khởi đầu bằng lòng tin, niệm Phật đến nhất tâm bất loạn thì thấy Phật Di-đà đến rước. Lại trong kinh nói nếu niệm Phật bảy ngày được nhất tâm bất loạn, khi lâm chung nhất định thấy Phật Di-đà cùng thánh chúng hiện ra trước mặt. Nhất tâm là định, định rồi thì thấy Phật hiện, đó là giác.
Mục đích của đạo Phật không khác, nhưng phương tiện có khác. Nếu không đủ sức vận dụng trí tuệ thì vận dụng lòng tin. Hiểu như vậy mới thấy Thiền hay Tịnh đều tốt. Hai pháp môn này vốn không chống đối nhau, nếu cứ tranh cãi hoài thì rốt cuộc chỉ là vô ích. Phật tử tùy theo trình độ, khả năng mà chọn lấy một pháp tu, tu đến nơi đến chốn thì tất cả đều gặp nhau. Trên đường tu, chúng ta làm tròn việc của mình là tốt. Tu có kết quả thì không chỉ mình tốt, mà những người chung quanh cũng được hưởng tốt đẹp.
Chúng ta đã đi tu thì phải giác ngộ, hoặc giác ngộ ít hoặc trọn vẹn, chứ không thể lưng chừng. Một đời tu là một đời quý báu, không thể đem cái quý báu đổi lấy cái tầm thường. Chỉ khi nào thu nhặt được kết quả giác ngộ thì đời tu mới xứng đáng. Nếu không giác ngộ viên mãn thì phải giác ngộ từng phần. Nếu hiểu sai, ứng dụng lệch lạc thì uổng đi một đời. Chẳng những uổng cho mình, mà cũng tội nghiệp cho những người thân đang trông đợi, để rồi lại thất vọng.
Tóm lại, Ni chúng phải biết rõ trách nhiệm và con đường của mình. Đó là con đường giác ngộ. Song muốn giác ngộ thì phải thiền định, phát huy trí tuệ. Từ công phu cho đến lao tác, chúng ta luôn dành cho mình sự yên tĩnh, đừng vì ồn náo mà quên mất cái gốc Phật sẵn có. Quý vị cố gắng tu hành, đừng thối chí, cũng đừng phiền não với ai. Chúc tất cả sống an vui, ngồi thiền tỉnh táo, mai này gặp nhau luôn mỉm cười.
Các bài mới
- Những cánh hoa đàm (Phần 02) - 06/07/2024
- Những Lời Dạy Của Sư Ông ( Phần 02) - 15/06/2024
- Sách Tấn Mùa An Cư - 22/05/2024
- Tu Là Phải Nhận Ra Cái Chân Thật - 06/05/2024
- Cội Nguồn Phật Pháp - 06/03/2024
Các bài đã đăng
- Bài Thuyết Pháp Đầu Tiên Của Đức Phật: Nguồn Gốc Phật Pháp - 08/02/2024
- Những Niềm Vui Chân Thật - 01/02/2024
- Phật thành đạo - 19/01/2024
- Trích Pháp Yếu - 10/01/2024
- Hư Thực Khó Phân - 22/09/2023
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 88744
- Online: 30