Chìa khóa học Phật giảng giải - Chương 2: Thế nào là Phật pháp - P3: Chân lý tuyệt đối (tt1)

30/08/2019 | Lượt xem: 2390

HT.Thích Thanh Từ

Chánh Văn:

Thực thể này biếu lộ thường xuyên nơi sáu cơ quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) của chúng ta, mà không lệ thuộc hoàn toàn sáu cơ quan ấy. Dễ nhận dễ thấy nhất là ở mắt và tai. Vì thế, đức Phật khi muốn chỉ thực thể chẳng sanh chẳng diệt ấy, thường dùng phương tiện chỉ ngay nơi mắt và tai của chúng ta.

Kinh Lăng Nghiêm có đoạn:

... Phật ở trong đại chúng đưa tay lên rồi nắm lại xòe ra, nắm lại xòe ra, hỏi Ngài A-nan: Nay ông thấy cái gì? A-nan thưa: Con thấy bàn tay trăm báu của Như Lai ở trong chúng xòe nắm. Phật bảo A-nan: Ông thấy tay ta ở trong chúng xòe nắm, là tay ta có xòe có nắm hay cái thấy của ông có xòe có nắm? A-nan thưa: Tay trăm báu của Thế Tôn ở trong chúng xòe nắm. Con thấy tay Như Lai tự xòe nắm, chẳng phải tánh thấy của con có xòe nắm. Phật hỏi: Cái nào động cái nào tịnh? A-nan thưa: Tay Phật động, tánh thấy của con còn không có tịnh, huống nữa là động. Phật khen: Đúng thế!

Lúc đó, trong lòng bàn tay Phật phóng một làn hào quang báu soi bên phải Ngài A-nan, A-nan liền xoay đầu nhìn bên phải; lại phóng quang soi bên trái Ngài A-nan, A-nan xoay đầu nhìn bên trái.

Phật hỏi A-nan: Hôm nay tại sao đầu ông dao động? A-nan thưa: Con thấy hào quang báu của Như Lai phóng đến bên trái bên phải của con, con nhìn theo hai bên nên đầu tự dao động. Phật hỏi: Ông nhìn hào quang Phật soi bên trái bên phải nên đầu dao động, thế là đầu ông động hay cái thấy động? A-nan thưa: Bạch Thế Tôn! Đầu con tự động, tánh thấy của con còn chẳng dừng, huống là dao động. Phật khen: Đúng thế!

Khi ấy, Như Lai bảo khắp đại chúng rằng: Nếu như chúng sanh nhận lấy cái dao động gọi là trần, nhận lấy cái dao động gọi là khách. Các ông xem A-nan, đầu tự dao động cái thấy không động. Lại xem ta, tay tự xòe nắm, cái thấy không xòe nắm. Tại sao hôm nay các ông lấy động làm thân, lấy động làm cảnh, từ thủy đến chung niệm niệm sinh diệt, quên mất chân tánh làm việc điên đảo, tâm tánh đã mất chân, nên nhận vật làm mình, ở trong luân hồi tự chịu lưu chuyển.

(Kinh Lăng Nghiêm cuối quyển 1 Hán tự).

Giảng:

Trước khi giảng đoạn này, tôi lặp lại ý của đoạn trước một chút để cho quý vị thấy có hệ thống liên tục.

Trong quyển Chìa Khóa Học Phật này có bốn vấn đề chính yếu:

Vấn đề thứ nhất: Thế nào là Phật?

Vấn đề thứ hai: Thế nào là Phật pháp?

Vấn đề thứ nhất chúng tôi đã giảng rồi, đến vấn đề thứ hai là Phật pháp. Phật pháp chia làm ba phần:

- Chân lý phổ biến.

- Chân lý tương đối.

- Chân lý tuyệt đối.

Trong phần thứ ba: Chân lý tuyệt đối còn có tên là Đạo, là Bản lai diện mục, là Phật tánh, là Pháp thân v.v...

Sở dĩ chúng ta đi cầu Đạo hoặc đi tìm Phật tánh đều là tìm cái chân lý tuyệt đối này. Chân lý tuyệt đối này là có sẵn có nơi mọi người chúng ta chớ không phải từ bên ngoài đến, cũng không phải ở một nơi nào xa xôi. Chân lý này nó có sẵn mà chúng ta không nhận. Phật mới phương tiện chỉ cho chúng ta thấy rõ nó có sẵn từ nơi sáu cơ quan, tức là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của chúng ta mà chúng ta quên lửng nó để sống với cái luôn luôn sanh diệt cho nên mãi chịu luân hồi.

Đoạn đầu chúng tôi dẫn kinh Lăng Nghiêm. Chân lý tuyệt đối tức là chân lý bất sanh bất diệt không còn đối đãi. Cái gì còn đối đãi thì cái đó là tướng sanh diệt giả dối. Ngộ chân lý tuyệt đối là không còn sanh diệt, không giả dối cho nên gọi là tuyệt đối. Không còn nằm trong đối đãi, không thể so sánh được nên nói là tuyệt đối. Đó là cái mà tất cả chúng ta ai cũng có tâm ước mơ làm sao mình được vĩnh cửu, làm sao mình được trường tồn, làm sao mình được bất tử. Cái bất tử, cái vĩnh cửu, cái trường tồn đó là cứu kính mà con người mơ ước. Cái đó tưởng ở đâu xa lạ mà chính sẵn nơi mình. Nó không ở ngoài trời mây, non nước, nó cũng không ở chỗ rừng sâu biển cả mà ở ngay nơi bản thân chúng ta, mà chúng ta quên lửng nó đi. Cái đó gọi là Đạo. Vì vậy cho nên nhiều người khao khát cầu Đạo rồi lên non lên núi tìm, rốt cuộc rồi không gặp. Kinh nói tìm là không gặp. Tại sao tìm Đạo lại không gặp, như vậy Đạo ở đâu? - Ở ngay nơi chúng ta chớ không ở đâu xa hết.

Như ở trên nói nó biểu lộ ở sáu cơ quan là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Nhưng hỏi mắt, tai, mũi, lưỡi... có phải là Đạo không thì trả lời làm sao? Nó biểu lộ ở đó, nhưng không phải mắt, tai, mũi, lưỡi... Tại sao vậy? Vì mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý là tướng sanh diệt, Đạo là bất sanh bất diệt, cho nên nó lồng ở trong đó mà nó không phải cái đó. Cho nên người học Đạo phải minh mẫn và trí tuệ nhạy bén mới nhận ra.

Đây dẫn một đoạn trong kinh Lăng Nghiêm. Sau đoạn thất xứ trưng tâm, ngài A-nan cầu xin đức Phật chỉ tâm là thế nào? Đức Phật mới dùng phương tiện để giản trạch cho ngài A-nan biết cái nào là tướng sanh diệt và cái nào là tướng không sanh diệt. Nếu chúng ta tu biết cái đó là cái sanh diệt mà theo nó là chúng ta đi luân hồi. Biết cái sanh diệt không theo, dừng lại tại cái bất sanh bất diệt là giải thoát sanh tử. Bởi vì không sanh tức là không tử, mà không sanh không tử thì làm gì có luân hồi. Luân hồi là tướng trạng của sanh tử. Chết đây sanh kia, cứ đảo đi lộn lại trong cái chết sống, mà cái bất sanh bất diệt không bị chết sống là giải thoát sanh tử. Cái căn bản nó nằm ở chỗ đó. Chỗ này đức Phật dùng phương tiện, đầu tiên Ngài đưa tay lên xòe nắm xòe nắm, hỏi ngài A-nan thấy gì không? Ngài A-nan trả lời: Thấy. Phật hỏi thấy cái gì? Ngài A-nan đáp: Thấy đức Phật đưa tay lên xòe nắm xòe nắm. Đức Phật liền hỏi: "Vậy thì cái tay ta động hay cái thấy của ông động?". Ngài A-nan đáp: "Cái tay của Phật động, cái thấy của con không có tịnh huống nữa là động". Bởi vì động là đối với tịnh. Cái thấy trước sau nó vẫn nguyên vậy, chứ không động không tịnh. Phật khen: "Ông hiểu như vậy là đúng".

Đấy quý vị nhìn thấy cái tay xòe nắm của tôi, cái thấy của quý vị có động không? Cái tay tôi động chớ cái thấy của quý vị đâu có động. Cái tay tượng trưng ngoại cảnh. Ngoại cảnh là tướng sanh diệt vô thường. Tướng sanh diệt vô thường thì luôn luôn đổi thay. Còn cái thấy ngoại cảnh, cái đó không động. Không động tức là không sanh diệt, mà không sanh diệt làm sao nói nó vô thường được.

Rồi Phật phóng hào quang bên trái, ngài A-nan xoay mặt qua trái nhìn; Phật phóng hào quang bên phải, ngài A-nan xoay mặt qua phải nhìn, đầu xoay qua xoay lại theo hào quang của Phật. Phật hỏi tại sao đầu A-nan bữa nay lắc lư vậy? Ngài A-nan thưa: "Dạ! Vì con nhìn theo hào quang của Phật phóng qua bên này bên kia cho nên đầu con xoay qua xoay lại để nhìn". Phật liền hỏi: "Như vậy cái đầu ông động hay cái thấy hào quang động?". Bây giờ quý vị thử xoay qua xoay lại thì cái đầu chúng ta động. Còn cái thấy, tuy cái đầu xoay qua xoay lại mà nó không bao giờ động, cái thấy vẫn như như. Cho nên ngài A-nan trả lời: "Cái đầu của con động chứ tánh thấy của con không động". Ở đây ngài A-nan thêm một chữ nữa là tánh thấy của con không động. Tánh thấy tức là cái thể tánh hay thấy không bao giờ động. Như vậy quá rõ ràng.

Hồi nãy tay của Phật là tượng trưng cho cảnh, cảnh bên ngoài có động. Cảnh có động là tướng sanh diệt, còn cái thấy của ngài A-nan thì bất sanh bất diệt. Bây giờ ngay nơi bản thân đầu ngài A-nan xoay qua xoay lại mà cái thấy của Ngài không động. Cái thân của chúng ta là tướng động sanh diệt, còn cái thấy chưa từng động, mà chưa từng động làm gì có sanh diệt? Như vậy quý vị có lo sợ chết rồi mất không còn cái gì nữa không? Rõ ràng ngay trong động có cái bất động.

Thường thường người ta cứ nghĩ cái thấy của mình, sao mình không thấy nó? Quý vị có thể thấy cái tay của tôi, thấy những cảnh ngoài mà chính cái thấy của quý vị không tự thấy nó được. Tại sao? Vì nó là mình. Chớ nếu mình thấy nó thì nó là cảnh rồi. Nó là chủ thể linh tri thì làm gì thấy nó, đòi thấy nó có phải là khờ không?

Như vậy nếu cái thấy đó là hiện tướng của Đạo thì quý vị tìm nó ở đâu? Đi cầu nó được không? Nó đang hiện có sờ sờ, vừa tìm thì nó đã biến thành cái bị tìm tức là cái sở tri thì mất Đạo rồi. Cho nên ngay nơi thấy cảnh là tự biết mình có tánh hay thấy. Mà tánh hay thấy đó chưa từng sanh diệt. Nếu sống được với nó là trở về với Đạo, là sống với Đạo, chớ khởi niệm tìm Đạo thì không bao giờ gặp. Vừa xách gói đi tìm Đạo đã mất Đạo rồi.

Đó là cái chân thật hiển nhiên như vậy. Đoạn kết thúc đức Phật nói rõ cho ngài A-nan và đại chúng biết, nếu như chúng sanh nhận lấy cái dao động là mình thì đã trở thành khách. Ở trước đức Phật chỉ cho ngài A-nan thấy cái thường còn, cái đó là chủ, cái gì tạm có rồi mất thì dụ như khách. Rồi Phật nói rằng, ví như có người ngủ trong nhà, khách đến xin dừng ngủ lại một đêm sáng họ đi. Người dừng lại rồi đi là khách, còn chủ là người thường ở trong nhà. Chủ là tượng trưng cho cái bất sanh bất diệt, khách là tượng trưng cho cái sanh diệt. Như vậy ngay nơi thân chúng ta, cái đầu là cái dao động sanh diệt, ngoại cảnh là tướng dao động sanh diệt, còn cái thấy không dao động, không sanh diệt là chủ. Cái dao động là khách rõ ràng quá rồi, còn cái không dao động là chủ.

Như hư không và bụi. Buổi sáng ánh mặt trời rọi lên, nhìn qua kẽ hở của ngôi nhà chúng ta thấy bụi lăng xăng trong hư không. Bụi là cái dao động, còn hư không trong nhà thì không dao động. Như vậy cái dao động là bụi, gọi là trần, cái không động gọi là hư không. Hư không dụ cho tánh thấy bất sanh bất diệt. Cái dao động là bụi, dụ cho thân và cảnh là tướng dao động. Nếu chúng ta nhận tướng dao động là mình thì khác nào nhận khách là mình, nhận trần cảnh là mình tức là bỏ mất mình.

"Các ông xem ông A-nan đầu tự dao động, cái thấy không động. Lại xem ta: Tay tự xòe nắm, cái thấy không xòe nắm. Tại sao các ông hôm nay lấy động làm thân, lấy động làm cảnh?". Phật quở quá rõ, tại sao lấy động làm thân mình, cho đó là thật mình, cảnh động cho là cảnh thật. Cảnh là cái động, động là tướng sanh diệt tạm bợ, tại sao cho đó là cảnh thật của mình? Thân này là thân động, cũng là tạm bợ, tại sao cho nó là thân thật của mình? Còn tánh thấy là cái chưa bao giờ động mà không nhận là mình lại nhận cái thân này, cái động này cho là mình?

Từ thủy đến chung niệm niệm sanh diệt, quên mất chân tánh làm việc điên đảo. Mình nhận thân sanh diệt, cảnh sanh diệt luôn luôn thay đổi không dừng là mình mà quên mất cái tánh chân thật hiển lộ nơi cái thấy của mình, như vậy là điên đảo.

Chân tánh đã quên mất nên nhận vật làm mình, ở trong luân hồi tự chịu lưu chuyển. Đã quên mất cái chân rồi nên nhận vật sanh diệt là thân mình. Thân này là tứ đại hòa hợp, mà đã hòa hợp nên nó đổi thay luôn luôn. Nó là tướng sanh diệt, mà nhận tướng sanh diệt là mình thì đã bỏ quên cái chân thật hiện có nơi mình rồi, do đó phải chịu luân hồi lưu chuyển, cứ như vậy mà trôi đi mãi không dừng.

Bây giờ có ai nhận ra cái chân tánh, không chạy theo vật thì người đó hết duyên hợp. Dễ ợt phải không? Chỉ có một việc, nếu theo cái sanh diệt là luân hồi, còn dừng lại không theo cái sanh diệt là giải thoát.

Đó là một đoạn Kinh mà chúng ta thấy đức Phật giải thích rất là kỹ.

 

Chánh Văn:

Qua đoạn kinh này, chúng ta nhận thấy thâm ý Phật muốn chỉ cho Ngài A-nan và đại chúng biết: Ngoại cảnh biến động sanh diệt như bàn tay Phật xòe nắm, thân này dao động vô thường như đầu Ngài A-nan xoay qua lại. Chỉ có cái thấy, xem thấy cảnh biến động mà không bị biến động, tựa nơi đầu dao động mà không bị dao động. Cái biến động và dao động là vô thường hư giả, tại sao chúng ta nhận nó làm thật thân mình, làm thật cảnh của mình? Trái lại, cái thấy biết chưa từng dao động là chân thật vô sanh, mà chúng ta lại bỏ quên nó, để cam chịu lưu chuyển luân hồi.

Giảng:

Đa số người cứ nghĩ rằng thân này là mình, ngoại cảnh này là cảnh của mình mà quên cái chân thật của chính mình. Cái chân thật của chính mình nó hiển lộ ngay nơi sáu căn, nhất là nghe, thấy. Tại sao cái thấy là chân tánh của chính mình? Khi thấy quý vị có biết không? Nếu không biết sao gọi là biết thấy? Thấy cây thì biết rõ đây là cây, kia là người, đây là vật... Trong cái thấy đã có cái biết, mà cái biết thì tràn trề và bất động không phải mình là gì? Còn cái thân này đủ hết các bộ phận ráp lại mà nói là mình. Thử thời một cánh tay đứt rời ra, khúc đứt rời ra nó còn biết nữa không? - Không. Như vậy rõ ràng phần vật chất này nó không biết. Khi nó chung tựa vào nhau thì biết, khi rời ra thì hết biết. Còn cái biết trùm khắp hết thì mình lại bỏ quên, rồi nhận thân vật chất này là mình. Khi tắt thở, cái mình đó nó rã rời, nó thành ra một đống thịt thúi. Chừng đó giả sử nhìn lại nó mình cũng gớm luôn "cái mình" đó. Như vậy mà cả bao nhiêu người mê lầm chấp thật là mình, còn Pháp thân thanh tịnh trùm hết, biết hết không nhơ nhớp, không dính một chút bụi nào hết mình lại bỏ quên! Cứ mang cái thân ột ệt nặng nề đủ thứ nhơ nhớp này, bám vào đó cho là mình! Mai kia nó thiếu một chất gì trong đó nó rã rời ra, chừng đó nói gì là mình nữa? Pháp thân thật khó chỉ vô cùng, bởi vì chỉ cái có tướng mạo, có hình thức thì chỉ được, còn cái không có hình tướng làm sao chỉ?

Bây giờ tất cả chúng ta nhìn đây biết cái chai, nhìn đây biết cái ly. Nếu hỏi cái nào là cái chai, cái nào là cái ly thì chỉ được, nhưng hỏi "cái thấy" cái chai và "cái thấy" cái ly ở chỗ nào, chỉ được không? - Không. Cái mà thấy được cái ly hay cái chai đó, tất cả quý vị ngồi đây cả trăm người nhìn có cả trăm cái thấy để thấy cái chai này. Nếu nhiều "cái thấy" dồn lại chắc là chỗ này nó chật hết phải không? Nhưng ai cũng có thể thấy mà không chật chút nào, vì không có hình tướng. Vì vậy nên nói Chân tâm trùm khắp mà không bị chướng ngại. Tại sao vậy? Vì không tướng mạo nên không bị chướng ngăn. Đó là ý nghĩa thâm trầm của tinh thần tuyệt đối này. 

 

Chánh Văn:

Lại cũng một đoạn trong kinh Lăng Nghiêm.

Vua Ba Tư Nặc đứng dậy bạch Phật: Con xưa chưa từng nghe sự chỉ dạy của Phật, gặp Ca Chiên Diên, Tỳ La Chi Tử đều nói: "Thân này sau khi chết không còn gì nữa, gọi là Niết Bàn". Nay con tuy gặp Phật vẫn còn hồ nghi "Làm sao phát huy chứng biết chỗ tâm này chẳng sanh chẳng diệt?" Đại chúng ở đây, những người còn trong hàng hữu lậu, thảy đều thích được nghe. Phật hỏi: Đại vương! Nhục thân hiện tại của ông là đồng kim cang thường trụ chẳng hoại hay là biến hoại? Vua thưa: Bạch Thế Tôn! Thân con hiện nay trọn theo biến diệt. Phật bảo: Đại vương! Ông chưa từng diệt làm sao biết nó diệt? Vua thưa: Bạch Thế Tôn! Thân biến hoại vô thường của con tuy chưa từng diệt, song con xem hiện tiền niệm niệm đổi dời luôn luôn chẳng dừng, như lửa tàn thành tro dần dần tiêu mất, mất hết không dừng, nên biết thân này sẽ theo tiêu diệt. Phật bảo: Đại vương! Đúng thế. Nay ông đã già, đi theo suy yếu, nhan mạo đâu giống lúc còn trẻ? Vua thưa: Bạch Thế Tôn! Thuở xưa con còn trẻ, da dẻ tươi nhuận, đến lúc trưởng thành khí huyết sung mãn, nay con già cả suy yếu, hình sắc khô khan, tinh thần mờ tối, tóc bạc mặt nhăn không còn bao lâu sẽ chết, làm sao sánh được với lúc sung thạnh? Phật bảo: Đại vương! Hình dung của ông đâu lẽ già liền? Vua thưa: Bạch Thế Tôn! Nó thầm biến hóa đổi dời, thật con chẳng biết, nóng lạnh đổi thay dần dần đến như thế. Vì sao? Khi con 20 tuổi tuy nói niên thiếu, nhan mạo đã già hơn lúc 10 tuổi, đến 30 tuổi lại suy hơn 20 tuổi, nay đã 62 tuổi, xem lại thuở 50 tuổi rõ ràng cường tráng. Bạch Thế Tôn! Sự thầm đổi dời tuy đặt thời hạn 10 năm, song con suy xét kỹ nó biến đổi đâu những 10 năm 20 năm, mà thật dời đổi từng năm; đâu chỉ từng năm, mà dời đổi từng tháng, đâu những từng tháng mà dời đổi từng ngày. Suy xét chín chắn tế nhị hơn thì khoảng mỗi sát na, mỗi niệm đổi dời. Vì thế, biết thân con trọn theo biến diệt, Phật bảo: Đại Vương! Ông thấy sự biến hóa đổi dời chẳng dừng, ngộ biết thân ông tiêu diệt; cũng chính khi diệt đó, ông biết trong thân có cái chẳng diệt chăng? Vua chấp tay bạch Phật: Thật con chẳng biết. Phật bảo: Nay tôi chỉ cho ông biết cái tánh chẳng sanh chẳng diệt. Đại Vương! Ông khi mấy tuổi được thấy sông Hằng? Vua thưa: Khi con được 3 tuổi, mẹ bồng đi yết kiến Kỳ Bà Thiên sang ngang sông này, khi ấy là biết sông Hằng. Phật bảo: Đại vương! Như ông đã nói, 20 tuổi già hơn 10 tuổi, cho đến 60 tuổi, năm tháng ngày giờ niệm niệm đổi dời, ắt khi ông 3 tuổi thấy sông Hằng, đến năm 13 tuổi thấy sông Hằng, cái thấy ấy thế nào? Vua thưa: Như lúc 3 tuổi rõ ràng không đổi, cho đến hiện nay 62 tuổi vẫn không có khác. Phật bảo: Nay ông tự lo tóc bạc mặt nhăn, quyết định mặt nhăn hơn lúc còn trẻ, song hiện nay ông thấy sông Hằng cùng với cái thấy sông Hằng thuở xưa có trẻ có già chăng? Vua thưa: Bạch Thế Tôn! Không. Phật bảo: Đại vương! Mặt ông tuy nhăn, song tánh thấy của ông chưa từng nhăn; nhăn thì biến đổi, chẳng nhăn thì không biến đổi; biến đổi thì bị sanh diệt, cái không biến đổi vốn không sanh diệt. Tại sao ở trong ấy chịu sanh tử với ông, mà ông dẫn lời Mạc Dà Lê... đều nói thân này sau khi chết là diệt hết?...

(Kinh Lăng Nghiêm đầu quyển 2 Hán tự).

Giảng:

Thêm một đoạn nữa, đức Phật Ngài cũng chỉ rõ cái thấy của chính mình. Quý vị thấy đoạn này vua Ba Tư Nặc nhận chân được cái lẽ vô thường của thân này. Cái vô thường đó nó thầm thầm mình không tự thấy. Lâu lâu nhớ lại thấy mình già, chớ thật ra cái già từng ngày mình không thấy. Nó thường đổi dời theo năm tháng, lâu lâu nhớ lại năm nay mình sáu mươi tuổi, nhìn lại râu tóc bạc phơ, chừng đó mới biết mình già. Chớ còn cái già từng phút từng giây mình nào có biết. Nhưng mà suy lý thì ông cho rằng cái già nó có từng khoảng. Ban đầu ông chặn khoảng mười năm, nghĩa là khi mười tuổi tới hai mươi tuổi thì hai mươi tuổi già hơn mười tuổi. Rồi ba mươi tuổi già hơn hai mươi tuổi. Chặn khoảng từng mười năm thì thấy cái già nó khác, cái già đó dễ thấy. Chẳng những mười năm mới thấy già, mà mỗi năm mình đã thấy già; chẳng những mỗi năm mà mỗi tháng, mỗi ngày cho tới mỗi phút mỗi giây đều già. Thí dụ như cây kim đồng hồ, sở dĩ nó chỉ một giờ, hai giờ là tại nó chạy từng giây, từng tích tắc mới tới một giờ. Nếu từng giây, từng tích tắc nó không chạy thì làm gì tới một giờ được. Do nó dời từng giây, từng tích tắc mới tới từng phút rồi mới tới từng giờ. Nếu không có dời, im một chỗ thì không bao giờ có đổi từ giờ này qua giờ kia được.

Cũng như vậy, nếu thân mình không dời từng phút từng giây thì làm gì có ngày già. Sở dĩ có ngày già là vì trong đó có những biến đổi già từng giây từng phút mà mình không hay. Như vậy cái già là cái đổi thay. Trong cái đổi thay có cái không đổi thay mà mình không biết. Cái không đổi thay là gì? Ở đây đức Phật chỉ thẳng "cái tánh thấy" mà ông thấy sông Hằng thuở bé cho đến ngày nay.

Có người hỏi, cái thấy thuở bé đến già không đổi khác, nhưng tại sao già mang kiếng? Mang kiếng tức là có đổi rồi. Hồi nhỏ thấy khác, bây giờ thấy khác cho nên mới mang kiếng. Mang kiếng là do bộ phận ngoài của con mắt già đi, cho nên nó hơi mờ phải mang kiếng để trợ lực thêm cho nó tỏ, chớ không phải cái thấy nó bị mờ. Con mắt nó già chớ đừng hiểu lầm là cái thấy nó già. Hiểu như vậy thì quý vị mới không nghi.

Ở đây đức Phật chỉ thẳng cho vua Ba Tư Nặc biết trong thân này có cái già và có cái chưa từng già. Thân trẻ lần lần già đi thì cái đó là sanh diệt, vô thường hư hoại, còn cái chưa từng già làm sao vô thường hư hoại được? Nó không đổi thay, thuở bé cũng thấy như vậy, già cũng thấy như vậy không có đổi thay, làm sao nói nó là sanh diệt được? Cái không sanh diệt mà không chịu nhận lại nhận cái sanh diệt là mình thì trách sao không cho rằng chết là hết. Cái đó không phải ở xa xôi, không phải là sự huyền bí nào hết mà nó nằm sẵn nơi chúng ta nhưng tại chúng ta không nhận, lại nhận thân này cho nên mới lầm lẫn.

Ở trên thì vua Ba Tư Nặc dẫn chứng ngoại đạo như Ca-chiên-diên, Tỳ-la-chi-tử nói rằng sau khi chết là Niết-bàn, là vô sanh. Niết-bàn nghĩa là hết, là chỗ rỗng không. Họ hiểu lầm cho nên nói chết là hết. Do vậy mà mới có cái lầm lẫn rằng sự tu hành dù cho tiến đến mấy chết rồi cũng hết, không có nghĩa lý gì. Cho nên Phật mới chỉ rõ ra ở nơi con người này có cái hoại, có cái bất hoại. Mà đã có cái bất hoại thì lo gì hết. Thành ra sự tu này không có gì lạ hơn là biết cái nào hoại mình đừng lệ thuộc, biết cái nào bất hoại thì an trú trong đó, được giải thoát.

 

Chánh Văn:

Đọc đoạn kinh này, chúng ta thấy Phật chỉ rõ ràng ngay nơi thân này cái nào sanh diệt, cái nào chẳng sanh diệt. Thân là dòng biến động thay đổi từng phút giây, tức là vô thường hoại diệt. Tánh thấy xưa nay chưa từng thay đổi thì làm gì có hoại diệt. Nói tánh thấy là chỉ cái thấy biết thường xuyên nơi mắt chúng ta, khi chưa hợp tác với niệm thứ hai để so sánh đẹp xấu hơn kém. Cho đến mắt chúng ta mở hay nhắm, nó cũng luôn luôn hiển lộ. Nó không lệ thuộc hoàn toàn vào mắt, cơ quan mắt tốt thì nó hiện sáng tỏ, cơ quan mắt xấu thì nó hiện lu mờ, cho đến cơ quan mắt hoại nó cũng không bị hoại theo. Đó là đặc tính chẳng sanh chẳng diệt của nó vậy.

Giảng:

Nói đến tánh thấy, quý vị nghe khả nghi. Giả sử như con mắt tôi có đầy đủ các bộ phận thì nó sáng, nếu rủi như hôm nào nó bệnh nó hư một bộ phận thì nó bị mờ rồi. Mắt mờ thì cái thấy của tôi nó cũng bị mờ, cũng hoại theo. Vậy làm sao nói nó không hoại được? Mới nghe thấy dường như có lý, nhưng với đức Phật thì Ngài thấy khác đi. Ngài nói cái thấy này nó nương vào con mắt mà nó không lệ thuộc hoàn toàn vào con mắt.

Tôi tạm thí dụ như bóng đèn với điện. Điện phát ra đèn, nếu bóng đèn tốt thì điện sáng. Nếu bóng đèn hư một bộ phận nào thì điện nó có hư không? Khi bóng đèn hư nói điện hư là vô lý. Nghĩa là bộ phận nào của bóng đèn hư thì nó bị chết, bị mờ. Còn nếu bóng đèn hư hoàn toàn thì nó không sáng, cũng không phải là hết điện.

Chính cái thấy cũng vậy. Ngay cái thấy này ở nơi con mắt, nếu cơ quan đó đầy đủ thì nó sáng, nếu nó khiếm khuyết hoặc hư một chút nào thì nó mờ. Mờ đó không phải vì cái thấy mờ mà chính là cái cơ quan nó bị hư. Chúng ta là người sáng mắt thì chúng ta biết, chúng ta thấy. Còn những người mù không có mắt thì làm sao? Cái biết của mắt có bị mất không?

Chúng ta mở mắt chúng ta thấy cảnh, nhắm mắt lại chúng ta thấy tối hay không thấy? Chúng ta mở mắt ra thì thấy cảnh ở bên ngoài, nhắm mắt lại thì thấy tối mò. Tối mò nên nói mình không thấy gì hết, chứ sự thật thấy tối, vì cái mí mắt phủ xuống nên thấy tối. Vì thấy tối cho nên khi mở mắt ra mình thấy sáng. Thấy tối thấy sáng là do con mắt mở nhắm, nhưng cái thấy đâu phải là khi nhắm mắt nó mất. Người ta cứ tưởng khi mở mắt là thấy, nhắm mắt là không thấy.

Trong kinh Lăng Nghiêm Phật nói người mù vẫn thấy. Điều đó ai mà tin được. Nhưng mà Phật kêu A-nan ra hỏi những người mù ngoài đường coi họ thấy gì, họ trả lời thấy tối mò. Phật mới đưa ra thí dụ người mù thấy ở trước tối mò với người có mắt đi vào nhà tối, thấy tối đen có giống nhau không? - Giống. Khi mình thấy tối mò, bất thần ấn nút điện phát sáng thì thấy cảnh vật. Như vậy thấy cảnh thấy vật là đèn điện thấy hay là mình thấy? Mình thấy, chứ cái đèn điện không thể thấy. Cũng vậy khi con mắt đủ điều kiện thì nó phát sáng ra ngoài, không đủ điều kiện thì nó thấy tối ở trong. Nó vẫn thấy, khi nào con mắt được chữa lành thì thấy ra ngoài. Cái thấy tối mò của người mù và cái thấy tối mò của người thấy ban đêm, hai cái thấy này giống nhau. Như bây giờ người này ấn đèn sáng lên thấy cảnh, còn người kia nếu có thuốc trị con mắt cho lành họ cũng thấy cảnh vậy. Cái thấy đó nó vẫn còn chớ nó không mất.

Thí dụ nhà chúng ta có mười bóng đèn cháy, bây giờ có một bóng đèn tắt thì điện chạy đi đâu? Tức nhiên điện tăng mạnh cho chín cái bóng kia. Cái này nó không sáng được thì tăng sức mạnh cho chín cái bóng khác sáng hơn lúc bình thường.

Cũng vậy, người mù con mắt họ hư thì cái tri giác của con mắt giúp cho lỗ tai họ thính, bàn tay họ nhạy. Quý vị thấy bữa nào nhắm mắt hoặc con mắt nhặm thì quý vị không thấy đường đi, trong nhà mình mà đi đụng lên đụng xuống. Còn những người mù họ đi ra đường không có người dẫn.

Tôi thấy ở quê tôi có ba người mù không thể tưởng tượng được. Người mù thứ nhất đi đặt trúm. Họ làm cái ống trúm đi xuống mương đặt, nhét ở dưới phủ kín lên, phải giấu kín sợ người ta thấy lấy trộm. Ông đó mù mà đi đặt trúm, ông giấu dưới nước rồi ông lại đó gỡ lấy. Như vậy thì cái sáng của ông phát ra tay chân.

Người mù thứ hai, ông này làm trụ trì ở chùa Vĩnh Nghiêm. Ông mù mà ông đánh cờ tướng, người sáng mắt đánh không lại. Ông mù từ thuở bé chứ không phải lớn mới mù. Ông sắp bàn cờ tướng rồi thì ông mò con ngựa, con xe xem nó nằm ở đâu..., mò xong rồi ông bắt đầu đánh. Ông đánh người thường đánh không lại. Như vậy cái sáng ở tay.

Người mù thứ ba ở chùa Bảo An (Cần Thơ). Cô ấy mù mà xỏ kim mình mới lấy làm lạ. Mình sáng mà xỏ còn trật, cô ấy mù mà xỏ hay. Như vậy nói sao đây?

Qua những người đó quý vị mới thấy cái chí lý của Phật nói, còn không thì mình thấy khó hiểu.

Quý vị để ý coi, người mù thì lỗ tai họ thính. Thí dụ nghe tiếng thì họ biết người, hoặc là đi đường chân tay họ khéo dò khéo biết.

Người mù học bài mau thuộc nữa. Chính ông mù đánh cờ giỏi đó, tôi giảng một bài kệ, tôi vừa đọc ra thì ông đọc lại thuộc lòng. Ông bảo mấy đứa cháu mỗi tối đọc cho ông nghe rồi ông thuộc lòng ông giảng cho đệ tử nghe. Đó mới biết cái đặc biệt của người mù.

Như vậy để chúng ta thấy ý nghĩa mà tôi thí dụ hồi nãy. Mười bóng đèn, nếu một bóng đèn hư thì chín bóng kia sẽ tăng phần sáng lên. Nếu hai cái hư thì tám cái kia càng sáng nữa. Nó không phải mất, chẳng qua là chỗ đó cơ quan bị hư, nó phải phát ra ở cơ quan khác chớ không phải mất.

Đó là một lẽ thật chớ không nghi ngờ. Nói như vậy để mình hiểu ra ý nghĩa rằng, con mắt người lớn tuổi thì hơi mờ, vì con mắt yếu chớ không phải là cái thấy nó bị đổi thay. Nhớ như vậy để quý vị khỏi lầm lẫn.

Đó là tôi dẫn hai đoạn trong kinh Lăng Nghiêm. 

 

Chánh Văn:

Chẳng những thực thể chẳng sanh chẳng diệt hằng biểu lộ ở mắt, mà ở tai nó cũng có mặt luôn luôn. Cũng kinh Lăng Nghiêm có đoạn:

... Phật bảo La Hầu La đánh một tiếng chuông, hỏi A-nan: Hiện giờ ông nghe chăng? A-nan và đại chúng đồng thưa: Chúng con nghe. Tiếng chuông bặt dứt, Phật lại hỏi: Hiện giờ các ông nghe chăng? A-nan và đại chúng đồng thưa: Chẳng nghe. La Hầu La lại đánh một tiếng chuông, Phật hỏi: Hiện giờ các ông nghe chăng? A-nan và đại chúng đồng đáp: Nghe. Phật hỏi A-nan: Ông tại sao nghe, tại sao chẳng nghe? A-nan và đại chúng đồng bạch Phật: Nếu đánh tiếng chuông thì chúng con được nghe, đánh lâu tiếng bặt âm vang dứt hết thì gọi là không nghe.

Phật lại bảo La Hầu La đánh chuông, hỏi A-nan: Hiện giờ có tiếng chăng? A-nan và đại chúng đồng thưa: Có tiếng. Đợi giây lâu tiếng bặt, Phật lại hỏi: Hiện giờ có tiếng chăng? A-nan và đại chúng đáp Không tiếng. Giây lát La Hầu La lại đánh chuông, Phật hỏi: Hiện giờ có tiếng chăng? A-nan và đại chúng đồng đáp: Có tiếng. Phật hỏi A-nan: Ông nói thế nào là có tiếng, thế nào là không tiếng? A-nan và đại chúng đồng bạch: Nếu đánh chuông thì gọi có tiếng, đánh lâu tiếng bặt âm vang dứt hết thì gọi không tiếng. Phật quở A-nan và đại chúng: Hôm nay tại sao các ông tự nói rối loạn?

Đại chúng và A-Nan đồng thời hỏi Phật: Thế nào hôm nay chúng con nói rối loạn? Phật bảo: Tôi hỏi các ông nghe thì các ông đáp nghe, tôi hỏi các ông tiếng thì các ông đáp tiếng. Chỉ nghe với tiếng mà đáp không nhất định. Tại sao như thế chẳng gọi là rối loạn?

Nầy A-nan! Tiếng bặt không còn âm vang ông nói không nghe, nếu thật không nghe thì tánh nghe đã diệt, giống như cây khô, lại đánh tiếng chuông thì ông làm sao mà biết? Biết có, biết không chính là thinh trần (tiếng) hoặc có, hoặc không, đâu phải tánh nghe kia là có, là không. Nếu tánh nghe thật không thì ai biết nó không? Thế nên, A-nan! Tiếng ở trong tánh nghe tự có sanh diệt, chẳng phải tánh nghe của ông do có tiếng, không tiếng mà nó thành có, thành không. Ông còn điên đảo nhận lầm tiếng làm cái nghe, đâu còn lạ gì chẳng mê lầm cho cái thường làm đoạn. Trọn không nên nói lìa các thứ động tịnh, không bít mà bảo không có tánh nghe...

(Kinh Lăng Nghiêm cuối quyển 4 Hán tự).

Giảng:

Kinh Lăng Nghiêm, đức Phật nói rằng nơi mọi người chúng ta sáu cơ quan là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều có biểu lộ tánh chân thật thường còn. Mà tánh chân thật thường còn, đứng về sáu cơ quan thì thấy nó như là sáu, nhưng nguyên thể của nó không phải sáu. Cho nên trong Kinh mới nói rằng: "Từ nhất tinh minh sanh lục hòa hợp", tức là từ một cái thể trong sáng đó mà sanh ra sáu cái hòa hợp.

Thí dụ trong nhà có sáu cửa sổ, đóng hết cửa cái, còn lại sáu cửa sổ, ở trong nhà chúng ta đốt một ngọn đèn sáng thì ở ngoài nhìn vào nhà họ thấy có sáu chỗ phát ra ánh sáng phía đông, phía tây, phía nam, phía bắc. Mỗi phía có ánh sáng phát ra từ cửa sổ theo chiều hướng của nó, nhưng mà tìm tới tột nguồn sáng của nó thì do một bóng đèn. Bóng đèn thì có một nhưng mà phát sáng ra ngoài cửa thì có tới sáu.

Do đó đức Phật nói: "Nhất tinh minh sanh ra sáu hòa hợp". Tức là sáu cơ quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý là sáu cái tri giác mà người ta gọi là cái biết. Sáu cái đó từ cái thể nhất tinh minh. Cho nên khi sáu cái đó không hoạt động nữa thì nó chỉ là một tinh minh thôi.

Như vậy ở mắt nó biểu lộ tánh chân thường, ở tai cũng vậy. Tất cả chúng ta có cái lầm lẫn giống hệt cái lầm lẫn của ngài A-nan. Ngài A-nan lầm lẫn hay Ngài thị hiện tâm chúng sanh cũng chưa biết. Ngài luôn luôn biểu hiện cái dốt của chúng sanh để cho Phật quở Phật dạy. Bây giờ tôi đang ngồi thuyết pháp hay là nói chuyện cho quý vị nghe. Khi tôi còn nói, tôi hỏi: "Tôi đang nói, quý vị nghe hay không?". Thì quý vị trả lời: "Nghe". Rồi tôi im lặng không nói, hỏi quý vị có nghe hay không? Thì quý vị trả lời "Không nghe". Khi tôi đang nói, tôi hỏi quý vị có nghe tiếng hay không thì quý vị trả lời có tiếng. Khi tôi im lặng không nói, hỏi quý vị có tiếng hay không thì quý vị trả lời không tiếng. Như vậy giữa cái nghe và cái tiếng quý vị chưa phân biệt được.

Chúng ta bị cái lầm lẫn lớn lao đó. Cái nghe là chủ thể, cái tiếng là ngoại trần. Ngoại trần và chủ thể không phân biệt được thì trách gì không mê lầm, không điên đảo! Mà đại đa số người ta điên đảo như vậy đó. Quý vị kiểm lại xem mình có điên đảo như vậy không? - Có. Đức Phật quở ngài A-nan là điên đảo, cũng là quở chúng ta. Nghe là chính mình, tiếng là cái bên ngoài vang lại, hai cái đó một cái là trần cảnh, một cái ngay bản thân. Mà hai cái mình thấy như một thì có phải mình lầm lẫn lớn lao không? Hầu hết người ta đều lầm lẫn như vậy; lầm lẫn như vậy thì trách gì không nhận cảnh là mình. Mà nhận cảnh là mình tức là theo cảnh sanh diệt luân hồi.

Ở đây Phật hỏi ngài A-nan từ tiếng chuông tới cái nghe, hỏi cái nghe rồi hỏi tiếng chuông. Kết luận Phật quở: "Khi hỏi tiếng thì nói tiếng, hỏi nghe thì nói nghe; tiếng và nghe không phân biệt". Thật ra nếu mà không khéo, không nghe Phật giảng thì chúng ta cũng lầm lẫn hai cái đó. Hỏi một hồi mình cũng nói lộn xộn không nhận ra cái nào hết.

Những cái đó chúng ta thấy tuy nhỏ mà thật là lớn lao. Phát minh một cái lớn lao chớ không phải thường. Bởi vì mình có cái bệnh quên mình từ ngàn đời rồi chớ không phải mới đây. Cái chân thật là mình mà mình đã quên, rồi cứ nhận cảnh, nhận thân, nhận cái giả dối là mình. Quen như vậy cho nên khi hỏi thì mình lẫn lộn, không phân biệt đâu là chủ, đâu là khách, do đó mới mê lầm, mới luân hồi. Cái điên đảo mê lầm là từ chỗ đó.

Người học Đạo là người tìm giác ngộ cái thật chứ không phải học những cái huyền bí mầu nhiệm biết bay hay là có thần thông đi trên trời trên mây, mà chính là tìm lẽ thật sẵn có nơi mình mà mình bỏ quên nó.

Thí dụ tôi đang nói quý vị nghe, khi tôi ngừng không nói nữa thì quý vị nói rằng không nghe. Khi đó làm sao biết gọi là không nghe? Nếu biết không có tiếng tức là nghe rồi. Có nghe mới biết lúc đó không có tiếng. Cũng như thấy có khách vào nhà và không có khách vào nhà. Nếu có khách vào, mình thấy có; không có khách vào mình nói không có khách. Như vậy nhờ cái thấy mới biết khách vào nhà và khách không vào nhà. Cũng như nhờ cái nghe mới biết lúc có tiếng, lúc không có tiếng. Nếu không có cái nghe thì không làm gì biết lúc không tiếng mà nói rằng không nghe.

Như vậy tiếng nói là thinh trần có sanh có diệt, còn tánh nghe lúc nào cũng thường hằng. Thường hằng mà mình không biết. Quý vị thấy, cái thường hằng là tánh nghe là cái chân thật mà ít có người nhận ra. Có nhiều vị nói bây giờ tôi thức thì tôi nghe, lát nữa tôi ngủ đâu có nghe. Nếu không nghe thì kêu làm gì giật mình? Nếu không nghe thì khi ngủ cái nghe nó đã mất đâu rồi. Nhiều khi chúng ta ngủ nằm mộng, có ai kêu thì nghe mà trả lời ư ư, trả lời không được. Một hồi qua cơn mộng, tỉnh mới nói được. Nhưng mà kêu là nghe. Trả lời được hay không được, lâu mau là tùy theo ngủ say hay không say. Hễ kêu là nghe, chớ không nghe thì kêu làm gì thức được? Vừa có tiếng kêu là mình thức, cũng như đang ngủ mà ai mở đèn là mình thấy sáng liền.

Như vậy cái thấy, cái nghe sẵn đó. Nhưng khi ngủ thì các cơ quan đóng cửa lại, nó mờ hơn lúc thức vậy thôi chớ nó vẫn có thường trực. Quý vị thấy rõ cái nghe và cái thấy là cái thường trực. Thường trực cho nên có nghe là có biết. Thí dụ nghe tiếng chim kêu, nghe tiếng người nói đều biết rõ. Không suy nghĩ mà vẫn biết rõ tiếng chim, tiếng người. Cái biết đó chính là mình, mà người ta không chịu nhận cái biết đó là mình, cứ suy nghĩ lăng xăng trong đầu. Cái suy nghĩ lăng xăng trong đầu nó chợt sanh chợt diệt, còn "cái biết" trùm hết, sáu căn hằng phát sáng.

Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật nói: "Chúng sanh mê lầm nhìn hòn bọt ngoài biển cho hòn bọt là biển cả nên chỉ biết hòn bọt mà không biết biển cả", vì nhận hòn bọt là biển cả rồi. Đây cũng vậy, thí dụ mình đang ngủ có người vỗ chân, mình giật mình thức dậy, mình biết. Hoặc mình đang đi có gió chạm tới đâu mình biết tới đó, chớ có lúc nào không biết? Như vậy cái biết trùm hết mà mình chỉ nhớ cái nghĩ li ti trong đầu cho nó là mình, còn cái biết mình quên. Cái nghĩ li ti trong đầu thật là tướng sanh diệt, còn cái biết hằng hữu không động lại quên. Chạy theo cái sanh diệt, chấp thân sanh diệt là thân mình, tâm sanh diệt là tâm mình, hai cái chấp đó là gốc của luân hồi.

Bây giờ biết rõ cái thân sanh diệt không thật là mình và cái hay suy nghĩ lăng xăng cũng không thật là mình, cái thể chân thật hằng biết mới là mình. Quý vị nói cái suy nghĩ là mình, khi ngủ mình không suy nghĩ gì hết thì cái suy nghĩ không có, lúc đó mất mình rồi sao? Cái suy nghĩ không có nhưng cái nghe vẫn có, cái thấy vẫn có, cái xúc chạm vẫn có.

Như vậy để thấy rõ rằng cái biết là mình, nó chân thật hằng hữu, còn cái mình giả dối nó chợt có chợt không, mà người ta cứ nhận cái chợt có chợt không là mình mà quên cái hằng hữu. Hằng hữu lúc nào cũng hiện tiền, không phút giây nào ly khai mình hết mà mình bỏ quên. Chính cái bỏ quên là gốc của vô minh, là mê lầm. Đó là ý nghĩa sanh diệt và bất sanh diệt

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 50754
  • Online: 23