Chìa khóa học Phật giảng giải - Chương 2: Thế nào là Phật pháp - P3: Chân lý tuyệt đối (tt2)
04/09/2019 | Lượt xem: 2288
HT.Thích Thanh Từ
Chánh Văn:
Đây là cái mê lầm chung của toàn thể chúng ta, nhận tiếng làm cái nghe, nhận hình tướng làm cái thấy. Có tiếng gọi là có nghe, không tiếng gọi là không nghe. Có hình tướng gọi là có thấy, không hình tướng gọi là không thấy. Nghe, thấy là cái giác tri của chính mình, hình tướng và âm thanh là trần cảnh bên ngoài. Nhận lầm trần cảnh là mình, trách gì không mất mình và trôi lăn theo cái sanh diệt mãi mãi. Đó là bằng chứng hiển nhiên để thấy chúng ta đang bị vô minh điên đảo. Nếu ngay nơi đây mà chúng ta không chịu thức tỉnh, phát minh tánh chân thường chẳng hoại, không biết bao giờ ra khỏi vòng sanh tử luân hồi.
Giảng:
"Cái biết" sẵn nơi mình mà mình không nhận ra được thì bao giờ mình mới hết luân hồi? Quý vị thấy ai nấy tu hành cũng muốn được giải thoát, muốn dứt luân hồi mà giải thoát, dứt luân hồi nó có sẵn nơi mình chứ không phải ở đâu xa, không ai đem đến. Không phải ai bắt buộc mà chính cái điên đảo của mình làm cho mình đi lạc. Bây giờ mình biết rõ cái nào luân hồi, đừng đi theo nó nữa, còn cái nào chân thật thì sống với nó thì tự nhiên thoát ly sanh tử, không có gì khó hết. Chứ còn đi chùa cứ lạy Phật cho con được giải thoát thì chắc Phật cho không được. Bởi vì cứ đi trên đường sanh tử hoài, cứ chấp những cái sanh diệt là mình làm sao thành Phật được.
Đó là một lẽ thật mà đại đa số Phật tử lại hiểu lầm, cứ đi cầu Phật ở bên ngoài còn cái chân thật nơi mình thì không nhận ra. Cho nên ngài Triệu Châu nói: Phật đồng không độ được lò đúc, Phật gỗ không độ được lửa, Phật đất không độ được nước. Còn ông Phật thật người ta lại không thấy. Bởi vì Phật đồng để vào lò đúc thì nó chảy, tức là Phật đồng không độ được lò đúc. Phật gỗ không độ được lửa, vì để vào lửa thì cháy thiêu. Phật bằng đất để vào nước thì rã. Chỉ có ông Phật thật bất diệt nơi mình mà mình quên, cứ nhớ ông Phật đồng, Phật gỗ, Phật đất bên ngoài. Quý vị thấy có đáng thương cho chúng ta không? Chỗ nào có Phật đồng, Phật vàng thì quý lắm, tới lạy nhiều lắm. Mấy ông Phật đó độ không được lò đúc, không độ được lửa, không độ được nước làm sao độ chúng ta được.
Như vậy để thấy người ta cứ chạy theo cái hư không biết cái thật. Cái thật thì quên đi, đó là cái bệnh lớn của tất cả mọi người.
Chánh Văn:
Đánh thức mọi người giác ngộ thể tánh Chân thường của chính mình, âu cũng là mục đích chung của chư Phật.
Kinh Pháp Hoa có đoạn:
... Nầy Xá Lợi Phất! Chư Phật! Chư Phật tùy nghi nói pháp ý thú khó hiếu. Vì cớ sao? Vì ta dùng vô số phương tiện các thứ nhân duyên lời lẽ thí dụ diễn nói các pháp. Pháp ấy không phải do SUY NGHĨ PHÂN BIỆT hay hiểu, chỉ có chư Phật mới hay biết đó. Vì cớ sao? Vì chư Phật Thế Tôn chỉ do một ĐẠI SỰ NHÂN DUYÊN mà hiện ra đời.
Xá Lợi Phất! Thế nào nói chư Phật Thế Tôn chỉ do một ĐẠI SỰ NHÂN DUYÊN mà hiện ra đời? Vì chư Phật Thế Tôn muốn chúng sanh MỞ TRI KIẾN PHẬT khiến được thanh tịnh mà hiện ra đời, muốn chúng sanh NGỘ TRI KIẾN PHẬT mà hiện ra đời, muốn chúng sanh NHẬP TRI KIẾN PHẬT mà hiện ra đời.
Xá Lợi Phất! Đó là chư Phật chỉ do một ĐẠI SỰ NHÂN DUYÊN nên hiện ra đời...
(Kinh Pháp Hoa phẩm Phương Tiện).
Yếu chỉ chư Phật không có hai, duy dẫn đường chúng sanh vào TRI KIẾN PHẬT. Tri kiến Phật tức là cái thấy biết Phật, sẵn có nơi chúng ta. Chúng ta thấy nhân nơi sắc tướng, sắc tướng mất, nói không thấy. Biết nhân trần cảnh, trần cảnh không, nói không biết. Ai thấy sắc tướng mất mà nói không thấy? Ai biết trần cảnh không mà nói không biết? Quả tang chúng ta quên mất chúng ta một cách đáng thương. Mỗi hôm, sáng ra vừa mở mắt, chúng ta đã đặt sẵn bao nhiêu vấn đề phải giải quyết trong ngày nay. Đến tối ăn cơm xong, lên giường nằm kiểm điểm lại đã giải quyết được mấy vấn đề, còn cặn lại và thêm những vấn đề mới ngày mai phải giải quyết. Cứ thế mãi, ngày nay ngày mai... cho đến ngày tắt thở mà những vấn đề vẫn chưa giải quyết xong. Những vấn đề là việc bên ngoài mà thiết tha giải quyết, còn chính ông chủ đặt vấn đề và giải quyết vấn đề lại quên bẵng. Song ông chủ ấy lại là người không có vấn đề. Quên mình chạy theo cảnh là cái thấy biết của chúng sanh. Nhân cảnh nhận được tánh chân thường của chính mình là cái thấy biết Phật (Tri Kiến Phật). Quên mình là mê, nhận được mặt thật của mình là giác. Chuyển mê khai ngộ cho chúng sanh đó là bản hoài của chư Phật.
Giảng:
Chỉ một đoạn kinh Pháp Hoa này chúng ta cũng thấy rõ yếu chủ yếu của chư Phật ra đời. Phật ra đời để khai ngộ chúng sanh nhận ra tri kiến Phật, gọi là ngộ Phật tri kiến, nhập Phật tri kiến chớ không có gì lạ hết. Chủ yếu là chừng đó.
Tri kiến là cái thấy biết. Cái thấy biết trùm cả sáu căn: mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc chạm, ý biết v.v... nơi sáu căn chúng ta mê thì gọi là chúng sanh; giác thì gọi là Phật. Thấy mà mê thì gọi là cái thấy của chúng sanh, còn thấy mà giác thì gọi là cái thấy của Phật. Nghe mà mê thì gọi là cái nghe của chúng sanh, nghe mà giác thì gọi là cái nghe của Phật.
Bây giờ hỏi: Nghe làm sao gọi là mê, nghe làm sao gọi là giác?
Nghe mà chỉ biết tiếng, không biết "cái hay nghe" nơi mình, đó là mê. Thấy mà chỉ biết cảnh ở ngoài, không biết mình có "cái hay thấy", đó là cái thấy mê. Bây giờ quý vị có thấy và nghe như vậy không? Nghĩa là có tiếng thì nghe, không tiếng là không nghe. Có cảnh thì thấy, không cảnh thì cho là không thấy. Nghĩa là lúc có cảnh mới gọi là thấy, có tiếng mới gọi là nghe. Luôn luôn tai thì chạy theo tiếng, mắt thì chạy theo cảnh, không dừng lại được.
Còn bây giờ cũng thấy cũng nghe mà thấy rồi phân biệt tốt xấu, cái thấy đó có phải cái thấy Phật không? - Không. Nghe rồi phân biệt hay dở, có phải cái nghe Phật không? - Không. Nếu nghe mà chạy theo tiếng là cái nghe của chúng sanh, gọi là quên mình theo vật. Thấy mà chạy theo cảnh, quên "cái hay thấy", đó là quên mình chạy theo vật. Còn thấy mà không quên mình, nghe cũng không quên mình thì đó là tỉnh. Nhưng không quên mình mà còn ý thức phân biệt nữa thì cũng chạy theo cảnh. Vì sao? Thí dụ như tôi thấy cái bình bông thì tôi cứ thấy bình bông trắng xanh rõ ràng như vậy. Bây giờ tôi dấy niệm phân biệt nó đẹp ở chỗ nào, nó xấu ở chỗ nào, vừa có niệm phân biệt là đã chạy theo cảnh rồi. Tại sao? Vì lúc đó chú ý vào cảnh mà quên ông chủ.
Trong nhà thiền gọi là thấy mà như đui, nghe mà như điếc. Thấy rất rõ mà không phân biệt cái đó đẹp hay xấu, nghe rất rõ mà không phân biệt tiếng đó hay hay dở, phải hay quấy. Nghĩa là nghe hết, thấy hết mà không phân biệt, vẫn hằng thấy hằng nghe.
Thấy mà không phân biệt đẹp xấu thì ngu quá! Nghe mà không biết hay dở thì khờ quá! Nhưng mà không phải. Nếu không cần thì không phân biệt. Nhưng khi cần, hỏi: "Thầy nói vậy phải hay quấy?", liền biết nó phải hay quấy. Khi nào cần, dấy cái dụng lên liền biết. Do đó cho nên người ta tỉnh. Còn mình ở đây thấy cứ lo phân biệt riết thành quên mất mình. Còn người biết rồi, thấy cảnh thì cứ thấy mà không cần nghĩ gì về nó hết, nhưng mà đâu phải là không biết đẹp xấu. Đừng tưởng vậy là hiểu lầm.
Chỗ này tôi thấy có một, hai vị họ dạy mình nhìn cảnh phải chú tâm vào cảnh thì cái nhìn đó mới là chân thật. Tôi không đồng ý chữ chú tâm, mà tôi có thể nói rằng nhìn cảnh phải nhìn bằng toàn bộ tri giác chứ đừng nhìn cục bộ của tri giác. Tại sao tôi nói vậy? Nếu chúng ta nhìn cảnh này toàn bộ, tức là tất cả tri giác đều dồn vào đó hết thì mình và cảnh không còn hai nữa. Còn nhìn cảnh phải chú tâm vào cảnh thì thấy cảnh khác mình khác, cảnh ở ngoài mình. Còn nếu nhìn toàn bộ thì mình trùm với nó, nó và mình không hai. Chữ chú tâm làm như có cái gì gom lại, còn nhìn toàn bộ là chúng ta nhìn toàn cảnh mà không có khởi một niệm gì. Vừa dấy niệm là cục bộ rồi, là nhìn theo một bộ phận rồi.
Như vậy quý vị sẽ thấy mình và cảnh, có thể nói tất cả đều nên thơ. Cho nên Thiền sư ngày xưa hay làm thơ là vậy. Thấy cảnh nào cũng đẹp hết, vì nhìn không có phân biệt chia chẻ, mà thấy nó với mình không hai. Chính vì vậy mới nhận ra giá trị chân thật của cảnh. Còn mình bây giờ cứ nhìn theo cái hoa hòe bên ngoài mà không thấy được cái thực thể của nó.
Như vậy quý vị mới biết cái thấy cái nghe nào là Phật và cái thấy cái nghe nào không phải là Phật. Tinh thần kinh điển Đại thừa hay Thiền tông thì thật là gần. Ai cũng có ông Phật hết chứ không phải chỉ riêng ông Phật Thích ca mới có Phật. Đâu có ai không thấy? Đâu có ai không nghe? Có thấy có nghe là có Phật rồi, nhưng mà tại vì quên. Quên cái thấy nghe Phật mà lại dùng cái thấy nghe chúng sanh. Vì vậy mà làm chúng sanh đời đời lạy Phật hoài.
Nếu chúng ta biết trở về cái thấy, cái nghe Phật thì chúng ta và Phật đồng rồi. Cho nên Phật nói Ngài là bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Chữ vô thượng hay vô cùng; vô thượng là không ai hơn, không ai trên. Nếu tất cả chúng sanh đều giác như Ngài thì bằng Ngài hết, chớ không phải nói Ngài là tuyệt đỉnh cao hơn hết. Vì sao vậy? Vì ai cũng có tánh giác đó mà tại vì quên cho nên mình là chúng sanh coi như thấp. Ngài giác cho nên thấy Ngài như cao. Nếu tất cả chúng ta đều giác như Ngài hết thì đều bằng Ngài, đều là vô thượng, là không có gì hơn. Không hơn nhưng mà có người bằng. Nếu ai giác ngang đó thì bằng Ngài. Thành ra nghe thì thường mà xét lại rất giá trị, nó thâm sâu làm sao. Cứ nói rằng Ngài là cao tuyệt đối thì mình ở dưới này chắc không bao giờ với tới.
Như vậy chủ yếu của chư Phật ra đời, theo kinh Pháp Hoa là chỉ cho chúng ta nhận ra tánh Phật ngay nơi mình. Ngay nơi cái thấy cái nghe nơi mình chứ không đâu xa, mà nhận được cái đó tức là Phật. Phần khai thị là phần của Phật. Khai là vạch bày, thị là chỉ cho. Nhưng ngộ và nhập là chuyện của mình chứ Phật bất lực. Cũng như nãy giờ tôi nói tôi chỉ, quý vị có nhận ra hay không nhận ra là phần của quý vị, chớ bây giờ bảo tôi làm cho quý vị nhận ra thì tôi bất lực. Tôi chỉ nói như vậy, giãi bày như vậy, còn nhận ra nơi quý vị có Phật hay không có Phật là chuyện của quý vị, chớ không phải chuyện của tôi nữa. Như vậy để thấy chủ yếu của tất cả kinh điển đều nhắm thẳng vào phần gốc đó.
Đây tôi giải thích chữ nghĩa trong kinh Pháp Hoa cho quý vị thấy rõ. Phật nói rằng: "Pháp ấy không phải do suy nghĩ, phân biệt hay hiểu, chỉ có chư Phật mới hay biết đó thôi". Câu này làm cho người hiểu lầm vô số! Có người nói: Thôi! Pháp này mình không có quyền suy nghĩ, chỉ có Phật mới hiểu được. Không ngờ Phật nói chỗ đó nếu dùng suy nghĩ phân biệt thì không bao giờ nhận ra được. Mà không dùng vọng thức phân biệt thì cái thấy cái biết đó là cái thấy cái biết của Phật rồi. Nói chỉ có Phật mới hiểu thôi, mình tưởng rằng chỉ có Phật với Phật mới hiểu, còn mình đây vô phần. Nhiều người học kinh Pháp Hoa tới đó nói, thôi Kinh này Phật nói với Phật, chỉ có Phật mới hiểu còn mình không có quyền hiểu.
Như vậy Phật thuyết pháp cho Phật nghe chớ không phải thuyết pháp cho chúng sanh nghe. Phật đã là Phật, Phật khác cũng là Phật, Phật thuyết pháp cho Phật là dư! Phật thuyết pháp là vì chúng sanh. Chữ Phật đây chỉ cho tri kiến Phật. Nhận ra tri kiến Phật là nhận được tâm Phật nơi mình, còn dùng suy nghĩ phân biệt thì không bao giờ nhận được, mà người ta cứ hiểu lầm như vậy. Nhiều chữ trong Kinh nói có nhiều người hiểu lầm. Bởi lầm nên thấy Kinh như vô giá trị.
Phần giảng giải chúng tôi nói có đi xa đề một chút, là tất cả mọi người hầu như một trăm phần trăm ai sanh ra lớn lên rồi cũng cứ lo. Ngày nào cũng đặt vấn đề sáng phải làm cái gì? Ngày mai phải làm cái gì? Những vấn đề gì phải làm cho ngày nay? Làm xong hay chưa xong đều kiểm điểm, rồi đặt vấn đề ngày mai... Ngày nay lo cho ngày mai, ngày mai lo ngày mốt, đó là nói gần. Nói xa là ngày nay lo đến năm tới nữa, năm tới nữa, cứ lo hoài. Những vấn đề cứ đặt ra rồi giải quyết, đặt ra rồi giải quyết tới chết chưa rồi. Có người nào chết mà nói tôi đã rồi hết việc không? - Chết là thôi, chớ còn vấn đề thì chưa xong. Giải quyết vấn đề con còn vấn đề cháu, rồi còn đủ thứ vấn đề khác nữa. Cho nên không có ngày giải quyết xong việc. Rồi người ta cứ đau khổ dài dài trong mọi vấn đề không như ý.
Bây giờ còn vấn đề quan trọng là "ai biết" đặt vấn đề đó? "Ai" là "người biết" đặt vấn đề mà mình không chịu tìm gặp người đó, cứ lo giải quyết vấn đề tức là lo cái ngọn mà không lo trở về cái gốc. Mất mình một cách đáng thương là chỗ đó. Cứ nghĩ mai phải làm chuyện này, mốt phải làm chuyện kia, bao nhiêu chuyện cứ đặt ra để mà làm, làm cho tới già cũng chưa rồi nữa. Nhưng hỏi "người nào", "cái gì" chủ xướng những việc đó thì mình không biết mà cứ nhớ vấn đề thôi.
"Ai" đặt ra vấn đề mới là cái chủ chốt mà mình quên, cứ theo cái ngọn. Như vậy chúng ta đã quên mình một cách đáng thương! Mà ai thương? Phật thương. Mình đã quên mình rồi có biết đâu mà thương, chỉ có Phật thấy chúng sanh quên mình mới thương. Cho nên nói rằng Phật thương chúng sanh như mẹ thương con là vậy.
Lòng thương đó nó lạ lùng lắm, không thể diễn tả được. Có nhiều người cứ nghĩ Phật thương mình vì Ngài thấy mình đau khổ hoặc đói rét, hoặc bệnh hoạn, hoặc tai nạn gì đó nên Phật thương. Do đó khi nào gặp hoạn nạn kêu Phật nhiều, Phật cứu. Mà không ngờ Phật thương là thương mình mê lầm, đau khổ. Mình có một cái chân thật, có đủ khả năng ra khỏi luân hồi mà không chịu ra, cứ lẩn quẩn trong đó.
Thí dụ có một người đi lạc trong rừng, rừng đó có đường đi vào. Chừng ra họ không chịu trở lại đường cũ để ra, mà cứ đi loanh quanh trong đó rồi kêu trời khóc lóc. Người biết đường vào đường ra, thấy họ đang kêu khóc ở trong đó thì tự nhiên thương. Thương đó không phải là thương họ kêu khóc vì trầy chân trầy tay mà thương vì họ quên đường về. Chủ yếu của người đó muốn cho họ hết khổ vì lạc đường thì chắc không nghĩ băng bó chân trầy cho họ hay kiếm đồ che cho họ bớt nắng. Không nghĩ cái đó mà nghĩ làm sao chỉ con đường trở về để họ biết mà ra khỏi rừng là hết khổ. Chớ bây giờ cứ lo che chòi hay làm gì cho họ ở trong rừng thì chỉ làm khổ thêm thôi, vì họ còn lẩn quẩn trong đó. Quan trọng nhất là chỉ con đường cho họ ra.
Chủ yếu đoạn Kinh nói trên là vì một đại sự nhân duyên "khai thị ngộ nhập tri kiến Phật" là vậy. Chủ yếu của chư Phật không phải là lo những chuyện xây xát trầy tay trầy chân mà chính là chỉ cho con đường về. Từ bi nằm ngay chỗ đó. Quý vị nghĩ ở thế gian này có người nào không đáng thương không? Ai cũng quên đường về hết nên người nào cũng là người đáng thương hết!
Vì vậy người mà biết chúng ta là kẻ đáng thương chỉ có đức Phật, chớ còn chúng ta với chúng ta thì không thương. Bị nắng, ai có nón mình muốn giật cái nón của họ che cho mình đỡ nắng. Mình với mình không thương nhau, cứ luẩn quẩn giành giật nhau trong những chuyện tầm thường đó mà quên đường về. Còn người đã biết đường đi và đường về rồi thấy mới thương mình sao mà lẩn quẩn, chuyện đáng làm không chịu làm. Quý vị thấy có phải vậy không? Quý vị có phải làm những chuyện không đáng làm không? Chuyện không đáng làm mà cứ làm cả đời, còn chuyện đáng làm lại bỏ quên lửng. Đó là cái mê lầm lớn của chúng ta.
Chánh Văn:
Chính vì đánh thức chúng sanh sống trở lại cái thấy biết Phật của mình, đừng chạy theo trần cảnh mà quên mất mình.
Kinh Kim Cang có đoạn:
... Thế nên, Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên lìa tất cả tướng phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác (Phật), không nên trụ nơi sắc, không nên trụ nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp, nên phát tâm không có chỗ trụ. Nếu tâm có trụ tức là chẳng trụ.
(Kinh Kim Cang).
Tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là tâm Phật. Tâm Phật không dính mắc sáu trần, vì sáu trần là pháp sanh diệt dính mắc, pháp sanh diệt là tâm hư vọng của chúng sanh. Cho nên Bồ-tát muốn an trụ nơi tâm Phật thì không nên dính mắc sáu trần. Còn chạy theo sáu trần là còn thấy trong có tâm, ngoài có cảnh, nằm trong pháp đối đãi giả dối. Biết trần cảnh duyên hợp giả dối, dừng tâm không chạy theo nó là sống trở về tánh chân thật tuyệt đối của mình. Đó là Pháp môn bất nhị trong kinh Duy-ma-cật.
Giảng:
Quý vị thấy đoạn này kinh Kim Cang nói quá gọn: "Không nên trụ nơi sắc, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp, nên phát tâm không có chỗ trụ. Nếu tâm có trụ tức là chẳng trụ".
Thì ở đây "nếu tâm có trụ tức là chẳng trụ". Chữ trụ trong kinh Kim Cang có nhiều người hiểu lầm. Chữ trụ có nghĩa là dừng lại. Mà nói vô sở trụ tức là không có chỗ trụ, nghe khó hiểu làm sao! Nếu dừng lại thì phải có chỗ dừng mới được chứ, mà đây nói không có chỗ dừng mà dừng. Tại sao vậy? Vì trong kinh nói không có dừng nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tượng trưng cho tất cả cảnh. Nếu còn dính nơi sắc thì còn trụ, dính nơi thanh thì còn trụ, tức là tâm và cảnh dính nhau tức là kẹt. Mắc kẹt nơi sáu trần thì kẹt nơi sắc, kẹt nơi thanh, kẹt nơi hương... tức là tâm mình đã có chạy theo ngoại cảnh. Mà đã chạy theo ngoại cảnh thì tâm đó trụ hay không trụ, là dừng hay không dừng? Chạy thì đâu phải là dừng, hễ mà dừng là không chạy theo. Cho nên nói: "Ưng vô sở trụ", không có chỗ trụ mà trụ. Trụ ở chỗ không trụ tức là dừng ở chỗ không chạy theo sáu trần, chớ không dừng ở một trần nào của sáu trần.
Bây giờ tâm mình dính kẹt ở sáu trần hoặc là thanh, hoặc là hương, hoặc là vị, hoặc là xúc, chạy theo cái nào mình dính cái đó. Dính cái đó gọi là có chỗ trụ. Mà có chỗ trụ tức là chưa phải trụ, tâm chưa phải là an. Tâm muốn an trụ thì phải đừng dính với sáu trần.
Bây giờ quý vị khởi nghĩ giùm tôi một cái gì không dính sáu trần? Nghĩ được không? Không dính sáu trần thử hỏi quý vị có khởi nghĩ được không? Nếu không dính sáu trần làm sao có dấy niệm. Mà không dấy niệm tức là không trụ, còn dính sáu trần tức là có chỗ trụ. Có chỗ trụ thì chưa an trụ. Cho nên vô sở trụ mới gọi là trụ, không có chỗ dính mới gọi là an trụ.
Bây giờ vừa nghĩ về người là sắc. Hoặc nghĩ về tiếng hay, phải quấy là thanh. Nhớ mùi thơm là hương. Nhớ vị ngon ngọt là vị. Tất cả những cái mình nhớ, nghĩ đến đều nằm trong sáu trần hết. Khi sáu trần mà mình không dính cái nào hết thì tâm mình an trụ.
Chỗ không trụ mà trụ, trụ chỗ không trụ. Những chữ này mới nghe thì thấy khó nhưng hiểu rồi thì không có gì khó. Nếu tâm có chỗ trụ là chẳng an trụ. Nếu có trụ là có dính vào một trần, mà dính vào một trần nào là chưa trụ, thì tâm chưa an.
Như vậy để thấy rõ trong kinh Kim Cang Phật dạy: Nếu phát tâm cầu thành Phật tức là trở về với Phật nơi mình thì mình đừng dính sáu trần. Không dính sáu trần thì tâm mình an trụ trong Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chớ không có gì lạ hết. Quý vị thấy dễ hay khó? Thí dụ như quý vị ngồi thiền con mắt, lỗ tai không nhìn không nghe bên ngoài, nhưng rồi nhớ lại cảnh này, nhớ lại cảnh kia. Từ ở trong nó hiện nó nhớ gọi là pháp trần.
Pháp trần là gì? Là bóng dáng của ngoại cảnh lưu lại trong tâm mình sau khi thấy nghe... Người ta cứ nói tôi nhớ tôi nghĩ, cho những cái đó là hay, cho nên thế gian từ cái mê muội này chồng thêm lớp mê muội khác. Thí dụ chúng ta viếng cảnh chụp hình để kỷ niệm. Kỷ niệm là sao? Để ghi nhớ lại cảnh đó. Nó qua rồi mà không cho nó qua cứ lôi lại. Hoặc là ghi sổ tay đem về, lâu lâu đem ra đọc tới đọc lui, cứ dồn vô đầu những cái bóng dáng của quá khứ, rồi lôi lại để sống. Hiện tại không chấp nhận, cứ lôi mình về quá khứ, phóng mình tới vị lai, còn hiện tại bỏ quên mất.
Như vậy quá khứ là cái đã qua mất, vị lai là cái chưa đến, hiện tại là cái thực tế mà mình bỏ quên. Bỏ cái thực tế sống với cái vị lai, với cái quá khứ. Người ta luôn luôn như vậy đó. Quý vị nghĩ người đó sống hay là không sống? Tuy đi đứng nằm ngồi, ăn nói mà họ như người chết vậy, vì họ có biết sống đâu, trong đầu cứ nhớ chuyện năm ngoái năm kia hoặc tưởng là mai mốt mình làm gì đó... chứ hiện tại họ không biết. Ngồi ăn cơm mà không biết mình ăn cơm. Ngồi ăn cơm mà nhớ chuyện năm trên năm dưới, kể chuyện đời xưa, còn thực tế hiện tại không bao giờ biết. Hoặc ngồi ngắm cảnh thì có chịu ngắm cảnh đâu, ngồi đó mà cứ nhớ chuyện Sài Gòn, Châu Đốc, không bao giờ họ sống với thực tế, hiện hữu họ bỏ quên mất.
Người ta không sống với cái hiện hữu, mà không có hiện hữu tức là rỗng. Một cuộc đời rỗng sống cũng như chết, sống mà không có sống tí nào hết. Còn người biết sống là lúc nào cũng sống với cái hiện hữu. Ngồi đây đang biết mình ngồi đây, sống với cái hiện tại. Nếu sống với cái hiện tại thì trong đầu không có lăng xăng, rất nhẹ nhàng thảnh thơi, lúc nào cũng cảm thấy an ổn. Còn nhớ chuyện hôm qua hôm kia, hoặc là thương hoặc là ghét hay buồn giận v.v... Cứ như vậy mà đầu óc lúc nào cũng điên đảo, điên đảo hoài vì sống với quá khứ, vị lai. Nếu sống với hiện tại thì tất cả quá khứ cho nó qua. Hiện tại sống giờ nào là giờ đang sống, hiện thực sống, như vậy đầu óc nhẹ nhàng thảnh thơi.
Như vậy có quên tất cả những gì trong quá khứ không? Nói thẳng thắn nghe coi? Khi bỏ hết người ta nói mình quên nhưng chính lúc đó nếu cần nhớ lại nhạy hơn. Cho nên tu chứng A-la-hán thật là thanh tịnh, cần nhớ thì nhớ mấy ngàn năm về trước nữa, chớ không phải chỉ nhớ chuyện năm ngoái năm xưa thôi.
Lấy thí dụ gần nhất. Lúc ngồi thiền nhớ những câu chuyện hôm trước hôm kia thì nhớ rất rõ. Nhiều khi những chuyện bình thường mình quên mà vô thiền mình nhớ. Như vậy có phải là tâm tỉnh táo dễ nhớ hay không? Cho nên trong cái chứng lục thông thì có túc mạng thông là nhớ lại đời trước của mình, bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp như chuyện hôm qua hôm kia vậy. Nhưng không phải nhớ hoài, cần nhớ thì nhớ còn không cần thì thôi. Còn mình bây giờ không cần cũng cứ nhớ, nhiều chuyện phiền não trong lòng mà cứ nhớ hoài. Đó là chưa biết tu.
Vậy nên người tu là người biết buông hết. Khi nào cần nhớ là nhớ thì đâu phải ngu, cần biết là biết thì đâu phải là dại. Có thể lúc đầu mới bỏ thì dễ quên, nhưng mà sau này tâm càng an thì càng thanh tịnh, chuyện cần nhớ thì nhớ nhanh hơn hồi trước nữa.
Đây tới kinh Duy-ma-cật.
Chánh Văn:
Kinh Duy-ma-cật có đoạn:
Ông Duy-ma-cật nói với các vị Bồ-tát: Các nhân giả! Thế nào là Bồ-tát vào “pháp môn không hai”? Cứ theo chỗ hiểu của mình mà nói.
Bồ-tát Pháp Tự Tại nói: Các nhân giả! Sanh diệt là hai. Pháp vốn không sanh cũng không diệt, được vô sanh pháp nhẫn, đó là vào “pháp môn không hai”.
Bồ-tát Đức Thủ nói: Ngã, ngã sở là hai. Nhân có ngã mới có ngã sở, nếu không có ngã thì không có ngã sở, đó là vào “pháp môn không hai”.
... Bồ-tát Văn-thù nói: Như ý tôi, đối với tất cả Pháp không nói không bàn, không chỉ không biết, xa lìa các vấn đáp, đó là vào “pháp môn không hai”.
Ngài Văn-thù hỏi ông Duy-ma-cật: Chúng tôi ai cũng nói rồi, đến lượt nhân giả nói thế nào là “pháp môn không hai”?
Ông Duy-ma-cật ngồi im lặng.
Ngài Văn-thù khen: Hay thay! Hay thay! Cho đến không có văn tự ngữ ngôn, đó mới thật vào “pháp môn không hai”.
(Kinh Duy-ma-cật phẩm Pháp Môn Bất Nhị)
Người đọc kinh Phật rất khó hiểu vì cách lập ngôn trong kinh. Thế thường nói hai hoặc nói một, nếu không phải một, là hai, không phải hai là một. Tại sao trong kinh nói "không hai" mà chẳng nói một? Bởi một đối hai, hai đối một, ở đây chỉ pháp thoát ngoài đối đãi nên nói "không hai". Nếu có dùng ngôn ngữ cũng vì để dẹp ngôn ngữ, như đoạn Ngài Văn Thù nói. Đến chỗ cứu cánh ấy không còn lời để diễn bày, vừa có diễn bày đều rơi vào đối đãi, chỉ ngay đó nhận được mới là người đạt đạo. Chính đó là chỗ im lặng của ông Duy Ma Cật. Nói mà không nói là mượn ngôn ngữ để dẹp ngôn ngữ, không nói mà nói là im lặng để thầm chỉ Chân Lý Tuyệt Đối bặt hết ngữ ngôn. Đó là thái độ hai vị Bồ-tát ở cuối phẩm này.
Giảng:
Trong kinh Duy-ma-cật, phẩm tối hệ trọng là phẩm Pháp môn bất nhị.
Trong phẩm đó ông Duy-ma-cật yêu cầu các vị Bồ tát lớn, mỗi vị giải thích về Pháp môn bất nhị. Ngài Quán Tự Tại nói sanh diệt là hai, có sanh tức là có diệt, sanh diệt là hai thứ đối đãi. Pháp vốn không sanh cũng không diệt. Pháp là chỉ cho cái tâm thể hay là chỉ cho pháp thân, cái đó không sanh cũng không diệt. Được vô sanh nhẫn tức là an trụ chỗ vô sanh. Đó là vào Pháp môn không hai. Mà an trụ chỗ vô sanh tức là vào được Pháp môn không hai.
Bồ tát Đức Thủ nói ngã và ngã sở. Ngã là mình, ngã sở là vật, mình và vật là hai. Bây giờ phá được cái chấp ngã thì cái ngã sở theo đó hết. Như vậy là Pháp môn không hai. Hai vị Bồ tát này giải đúng không? Đâu có sai. Nghĩa là giải về pháp môn không hai nhưng ở từng khía cạnh mà giải.
Đến vị Bồ tát chót là Văn Thù thì Ngài nói rằng: "Như ý tôi, đối với tất cả pháp không nói, không bàn, không chỉ, không biết, xa lìa các vấn đáp, đó là vào Pháp môn không hai". Vừa dấy niệm mới có nói, vừa dấy niệm mới có phân biệt, vừa dấy niệm mới có luận bàn, mà tất cả cái đó đều buông hết. Như vậy là an trụ trong Pháp môn không hai.
Nhưng nãy giờ Ngài có nói hay không? - Có. Chỗ này gọi là dùng ngôn ngữ để dẹp ngôn ngữ, nói để người ta không nói. Bây giờ tới ông Duy-ma-cật, Bồ tát Văn Thù hỏi: Chúng tôi nói hết rồi, ông là cư sĩ ông nói Pháp môn không hai coi làm sao? Ông Duy-ma-cật ngồi im lặng thì ngài Văn Thù khen: "Hay thay! Hay thay! Cho đến không có văn tự ngôn ngữ, đó mới thật vào Pháp môn không hai". Bởi vì văn tự ngôn ngữ là đối đãi, mà pháp môn không hai là vượt ngoài đối đãi, là im lặng. Im lặng là vào pháp môn không hai.
Nhưng bây giờ giả sử có ai lại hỏi Đạo, tôi ngồi im lặng quý vị chịu không? - Không. Phải giải thích từ cái đối đãi lần lần tới cứu kính mới thoát hết ngôn ngữ. Mình còn ngôn ngữ mà bàn chưa ra lẽ huống nữa là im lặng. Im lặng người ta biết cái gì? Có nhiều người học lóm, ai lại hỏi Đạo, muốn nói cho cao thì ngồi im lặng. Cái đó là cái học lóm. Ít ra mình cũng giải cho người ta hiểu, chừng nào người ta hiểu rồi mới tới chỗ im lặng thì người ta mới nhận ra. Như vậy là mình đã phá hết tất cả cái chấp ngôn ngữ. Còn chưa giải cho người ta hiểu mà im lặng chỉ làm cho người ta mờ mịt thêm nữa.
Đó là cái bệnh mà bây giờ nhiều người bắt chước như vậy. Tưởng như vậy là hay, rốt cuộc là dở. Nên phải hiểu cho tới nơi, giải thích kỹ cho hiểu, rồi mới phá hết những ngôn ngữ mình giải đó, cuối cùng rồi mới tới chỗ im lặng. Như vậy mới là cái hiểu tột cùng của người học Đạo.
Như vậy là phần chính yếu của các bộ kinh nói về chỗ không thể nói được. Chỗ không thể nói được là cái chân thật bất sanh bất diệt. Bởi vì tất cả ngôn ngữ lập ra đều lập trên đối đãi. Thí dụ nói tốt thì bên cạnh có cái xấu, nói phải thì bên cạnh có cái quấy, tất cả ngôn ngữ đều nằm trong đối đãi. Khéo như các Thiền sư dùng ngôn ngữ mà không kẹt ngôn ngữ. Các ngài nói những câu nghe không hiểu gì được nên nói "nói mà không động lưỡi". Nghĩa là nói mà không kẹt trong ngôn ngữ, chớ không phải nói không động lưỡi rồi làm thinh luôn thì đó là lầm. Nhà thiền có những ngôn ngữ nghe mà không hiểu được, để nói lên ý nghĩa xác đáng chân thật. Vì vậy mà Lục tổ dạy các Thiền sư, Ngài dạy rằng: "Hỏi trắng thì đáp đen, hỏi phải thì đáp quấy... ". Lối đáp đó thì chịu sao nổi? Hỏi cái này phải không? Thì đáp quấy còn không có huống nữa là phải. Cũng như ông tú tài Trương Chuyết đến hỏi đạo ngài Thạch Cương vậy. Ngài Thạch Cương hỏi: Ông tên gì? - Dạ! Tôi tên Trương Chuyết. Ngài nói Xảo còn không có huống nữa là Chuyết.
Quan niệm của mình bây giờ là cắt nghĩa, hỏi cái gì cắt nghĩa cái đó. Giải thích ra năm bảy nghĩa, giải thích rộng chừng nào hay chừng nấy. Tại sao Tổ không cho mình cắt nghĩa mà bảo hỏi cái này lấy cái kia đáp? Bởi vì nếu mình cắt nghĩa là mình đã thấy cái đó thật. Thế gian này không có một pháp thật, cái nào cũng là tướng duyên hợp, mà duyên hợp là hư giả mà mình xác định nghĩa cho nó tức là đã gá cho nó một cái nghĩa thật. Rồi như vậy thiên hạ lầm theo cái nghĩa thật đó. Còn hỏi tên gì, đáp Trương Chuyết. Ngài nói Xảo còn không có huống nữa là Chuyết. Chuyết đối với Xảo. Chuyết là vụng, Xảo là khéo; cái khéo còn không huống nữa là cái vụng.
Như vậy tất cả những cái đối đãi là giả dối, Ngài thấy rõ nghĩa là pháp môn bất nhị rồi. Liền đó Ngài làm bài thơ: Quang minh tịch chiếu biến hà sa v.v... để Ngài trình chỗ ngộ đạo.
Nói như vậy người ta mới thấy được cái chân thật, càng định nghĩa người ta càng mê. Thí dụ hỏi thế nào là Phật? Đáp: Phật nghĩa là giác. Giác là sao? Nói một hồi rồi không biết gì nữa hết. Đó là mình mắc kẹt. Nhưng mà thời này đa số chịu định nghĩa hơn là nói như Tổ. Tổ nói như vậy để chỉ cho tất cả những cái danh tự là đối đãi, mà đối đãi là hư giả không thật. Tất cả những cái đối đãi đều là hư giả. Nhận ra được cái hư giả là mình thấy mình có chỗ trở về. Cho nên cái đối đáp của Thiền sư nghe chát lỗ tai mà có người ngộ, còn mình thì khôn khéo mà không biết gì hết.
Các bài mới
- Chìa khóa học Phật giảng giải - Chương 2: Thế nào là Phật pháp - P3: Chân lý tuyệt đối (tt1) - 30/08/2019
- Chìa khóa học Phật giảng giải - Chương 2: Thế nào là Phật pháp - P3: Chân lý tuyệt đối (tt) - 30/08/2019
- Chìa khóa học Phật giảng giải - Chương 2: Thế nào là Phật pháp - P2: Chân lý tương đối - 29/08/2019
- Chìa khóa học Phật giảng giải - Chương 2: Thế nào là Phật pháp - P1: Chân lý phổ biến - 25/08/2019
- Chìa khóa học Phật giảng giải - Chương 1: Phật là gì - 18/08/2019
Các bài đã đăng
- Nhắc nhở đầu năm - 19/02/2019
- Tìm ngọc như ý - 01/11/2018
- Bài ca tâm Phật - 18/09/2018
- Tìm chân lý - 13/08/2018
- Thiền Tông là cội gốc của Đạo Phật - 08/06/2018
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 05521
- Online: 24