Chìa khóa học Phật giảng giải - Chương 2: Thế nào là Phật pháp - P3: Chân lý tuyệt đối (tt3)

11/09/2019 | Lượt xem: 2183

HT.Thích Thanh Từ

Chánh Văn:

Trong các kinh còn đầy dẫy những đoạn chỉ dạy Chân Lý Tuyệt Đối này, chỉ e dẫn lắm thêm rườm, chúng ta hãy bước sang lãnh vực Thiền sư. 

Trước tiên là bài thuyết pháp kỳ diệu của Tổ Huệ Năng:

Sau khi khai ngộ, được Ngũ Tổ truyền y bát bảo trở về phương Nam, Tổ đi đến ngọn Đại Dữu bị Huệ Minh đuổi theo kịp. Tổ để y bát trên tảng đá vào rừng ẩn. Huệ Minh đến gặp y bát, song giở lên không nổi, gọi:

- Hành giả! Tôi đến đây vì pháp, không phải vì y bát.

Tổ nghe gọi, bước ra ngồi trên tảng đá bảo:

- Nếu ông vì pháp, hãy bình tâm nghe tôi nói.

Huệ Minh đứng yên lặng giây lâu.

Tổ bảo:

- KHÔNG NGHĨ THIỆN, KHÔNG NGHĨ ÁC, CÁI GÌ LÀ BẢN LAI DIỆN MỤC CỦA THƯỢNG TỌA MINH?

Nghe câu này, Huệ Minh liền đại ngộ.

Bài thuyết pháp ngắn, gọn này phản ảnh trung thực một sự nghiệp to tát Tổ vừa lãnh hội nơi Ngũ Tổ và đang mang nó về phương Nam. Chính đó cũng là bản hoài của chư Phật.

Bản lai diện mục là “bộ mặt thật xưa nay” của chúng ta, nó là tên khác của Đạo, của Pháp thân, của Phật tánh, của Chân tâm... Chúng ta có bộ mặt thật muôn đời không đổi, mà tự bỏ quên nó, bám vào thân hình tạm bợ cho là thật mình. Cái thân hình đang chấp giữ là thật mình, nó thay đổi từng phút giây, hợp tan không nhất định. Thế thì lấy gì bảo chứng cho nó là thật? Quả thật một hình tướng biến thiên, một hợp thể tạm bợ. Nó có, mà không thật có vì luôn luôn đổi thay, còn mà không thật còn vì hợp tan chẳng định. Nếu chấp chặt nó là ta, thật là cái ta tạm bợ làm sao! Hoặc có người biết thân này giả dối, chính cái tâm biết thiện, biết ác, biết phải, biết quấy, tốt xấu... mới thật là ta. Song cái tâm phân biệt hai bên, cũng là đổi thay tạm bợ. Vì vừa dấy nghĩ về lành về dữ thì nó đã sanh diệt rồi. Nếu buông hết mọi vấn đề đối đãi, tìm lại nó thì tung tích vắng tanh. Thế là, ta ở đâu? Mất rồi sao? Thật bối rối vô cùng, nếu chấp cái suy nghĩ làm ta. Chỉ vì chấp thân tạm bợ, tâm giả dối làm ta nên muôn kiếp trôi lăn trong sanh diệt, gọi là luân hồi.

Ngay nơi thân tạm bợ, tâm giả dối, chúng ta nhận ra “bộ mặt thật xưa nay” của mình và sống hẳn với nó, dòng sanh diệt ngang đấy liền dừng, kiếp luân hồi đến đây giải thoát. “Bộ mặt thật xưa nay” chưa từng bị sanh diệt, một thực thể không do duyên hợp, làm gì bị đổi thay, tan hợp? Nó vẫn có và thường còn mà chúng ta quên đi, gọi là vô minh, nhận ra nó không còn lầm quên nữa, gọi là giác ngộ.

Muốn chỉ “Bộ mặt thật xưa nay” cho người, không có cách kỳ diệu nào bằng câu “không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh” của Lục Tổ. Người ta cứ thắc mắc “cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh” mà chẳng nhớ “không nghĩ thiện, không nghĩ ác”, là tối quan trọng. Chính khi “không nghĩ thiện, không nghĩ ác” là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh chớ gì. Bởi khi tâm bình thường tỉnh táo, không dấy nghĩ thiện ác, phải quấy..., quả là “bộ mặt thật xưa nay” xuất hiện. Vừa dấy nghĩ thiện ác... là động, là chạy theo sanh diệt, “bộ mặt thật xưa nay” bị khuất lấp mất rồi. Cho nên qua câu nói này, Thượng tọa Minh khéo thấy được “bộ mặt thật xưa nay” của mình, gọi là ngộ đạo. 

Giảng:

Đây là một đoạn chúng tôi dẫn câu chuyện Thượng tọa Minh đuổi theo tổ Huệ Năng để giành lại y bát và sau đó xin tổ Huệ Năng chỉ pháp cho, thì Tổ chỉ dạy một câu mà Thượng tọa Minh liền đại ngộ. Bây giờ thôi giải thích kỹ lại phần lịch sử của câu chuyện.

Quý vị ai có đọc sử của 33 vị Tổ hay là đọc kinh Pháp Bảo Đàn thì biết Lục tổ Huệ Năng là người như thế nào rồi. Ở đây chúng ta có một cái nghi ngờ, tại sao Lục tổ Huệ Năng ở trong hội Ngũ tổ Hoằng Nhẫn cả thảy là năm trăm chúng tăng mà Lục tổ là một cư sĩ chưa xuất gia, chưa cạo tóc, tới ở mới được mấy tháng mà được Ngũ tổ truyền y bát? Sau khi được Ngũ tổ truyền y bát, Ngài lén mang đi trong ban đêm nhưng vẫn bị chúng đuổi theo để lấy lại. Quý vị có ngạc nhiên tại sao hồi xưa được truyền y bát rồi mà cũng có người ganh tỵ muốn giật trở lại? Như vậy hồi xưa cũng có người xấu nữa sao?

Nói chuyện xấu của người xưa để đem lại chuyện hiện nay cho chúng ta. Giả sử ở tại Tu viện Chơn Không này, trong chúng có năm bảy người, người nào cũng tu lâu, cũng học một, hai khóa và đều ở đây cũng lâu hết. Mà bất thần hôm nào đó có ông cư sĩ tới ở chừng vài tháng, tôi giao hết chuyện chùa chiền này cho ông cư sĩ thì quý vị có bằng lòng không? - Không. Ai cũng bất bình hết. Cũng vậy tại sao ở trong hội chúng xuất gia năm trăm người theo Ngài học đạo bao nhiêu năm mà bây giờ Ngài giao hết y bát cho ông cư sĩ mang đi. Ông cư sĩ đó lại là người nhà quê ở miền Lãnh Nam, giống như miền cao nguyên đồng bào Thượng ở Việt Nam vậy. Y bát là sự nghiệp của Tổ Tổ truyền nhau, đâu phải là việc thường mà lại giao cho một ông cư sĩ quê mùa, không tức sao được! Cho nên tăng chúng phẫn nộ đuổi theo để cướp lại y bát. Tổ làm như vậy e mất uy tín của chúng hết, năm trăm vị mà không có ai xứng đáng sao?

Việc đó mới nghe thấy như vô lý, nếu mình ở trong hội đó mình cũng bực mình như thường. Nhưng Tổ không có lầm, tại mình phàm tục nên mình lầm. Tổ biết lựa người, mình thì quen cái tính ỷ công tu thôi. Ở chùa nhiều năm tu chớ không thấy được người nào là đại căn cơ.

Huệ Minh nói: "Hành giả! Tôi tới đây vì pháp không vì y bát". Hành giả, chữ Hán chỉ cho cư sĩ. Huệ Minh giở y bát lên mà giở không được, bây giờ thấy có cái gì đó huyền bí, trong lòng tự khâm phục cho nên mới đổi quan niệm cướp lại y bát trở thành cầu pháp. Ngài thì rất tử tế. Ngài nghĩ bụng nếu ông giành y bát thì tôi để y bát trên tảng đá đó cứ ôm về đi. Bây giờ không giành y bát, muốn cầu pháp thì tôi nói pháp cho nghe. Cho nên Ngài bảo Huệ Minh rằng: Nếu ông vì pháp hãy bình tâm nghe tôi nói. Bình tâm nghĩa là đứng yên, tâm lặng lẽ.

Khi Huệ Minh đứng bình tâm giây lâu rồi, Ngài nói: "Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?". Bản lai diện mục, như tôi đã nói với quý vị là chân lý tuyệt đối sẵn có nơi mọi chúng ta. Tại sao nói bản lai diện mục? Bản là xưa, lai là nay, diện là mặt, mục là con mắt; tức là mắt, mặt chân thật xưa nay của chính mình. Mắt mặt sẵn có từ xưa đến giờ của chính mình, cái đó mới thật là mình. Còn mặt mày hiện giờ có phải là mình không? - Không.

Hiện giờ ai cũng nghĩ mặt mày này là tôi chứ ai. Mặt tôi thế này thế kia, nhưng vì chúng ta nhận cái mặt mày hiện giờ mà quên mất mặt mày chân thật từ thuở xưa đến nay. Mặt mày chân thật đó, tạm nói mặt mày chứ nó không có mặt mày. Nghĩa là sao? Nghĩa là nó không có tướng mạo hoặc là mặt tròn, mặt xẹp hay mặt dài gì, mà nó chỉ là cái biết chân thật của chính mình. Cái biết chân thật đó có chỗ gọi là Tánh giác, tức là Phật tánh. Chỗ khác gọi là Chân tâm, là cái biết chân thật của chính mình. Hoặc các chỗ khác gọi là Pháp thân nơi tất cả chúng ta. Ở đây gọi là Bản lai diện mục.

Bây giờ Ngài muốn chỉ "bản lai diện mục" cho Thượng tọa Minh. Ngài bảo rằng: Im lặng đừng nghĩ gì hết. Hỏi: "Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?". Tất cả quý vị ở đây giả sử tôi hỏi câu đó có ai đại ngộ không? - Không. Vì đâu có đuổi theo mà đại ngộ. Sở dĩ đại ngộ là vì lòng thiết tha theo đuổi. Tuy Huệ Minh đuổi theo để giành y bát lại, nhưng cũng có một cái gì khao khát nên vừa nghe nói tới đó là đúng chỗ ông tìm, liền đại ngộ.

Người ít khao khát, chỉ nghe kinh cho hiểu tu chớ không muốn tìm bản lai diện mục, do đó có hỏi cũng không ngộ. Có những người tu cũng muốn tìm ra lẽ thật của chính mình nhưng không có khả năng. Muốn tìm không biết đâu mà tìm, rồi thôi thông qua, cứ sống với cái thân tạm tạm đây, rồi sáu mươi, bảy mươi tuổi tắt thở là xong, không biết cái chân thật của chính mình ra sao!

Đối với người biết tu, biết học Đạo, khi nào mà chưa nhận ra cái chân thật của chính mình thì lòng bất an, muốn tìm, tìm chừng nào được mới là an ổn. Chính Thượng tọa Minh nghe được câu này liền đại ngộ. Đại ngộ tức là nhận ra cái thật của chính mình mà bao nhiêu năm đang tìm kiếm.

Bài thuyết pháp có một câu mà Thượng tọa Minh ngộ đạo thì kỳ diệu tới bực nào! Còn tôi nói khô cổ mấy năm nay mà chưa ai ngộ hết, cho nên tôi không có kỳ diệu chút nào hết. Ngài chỉ nói một câu mà người ngộ đạo. Vì vậy tôi cho là bài thuyết pháp kỳ diệu.

Quý vị thấy bài thuyết pháp ngắn gọn này phản ánh trung thực một sự nghiệp to tát mà Lục tổ vừa lãnh hội nơi Ngũ tổ và đang mang nó về phương Nam. Theo lời dạy của Ngũ tổ phải về phương Nam để giáo hóa.

Bài thuyết pháp ngắn gọn phản ánh trung thực một sự nghiệp to tát là sau khi Ngài vào thất của Ngũ tổ, nghe kinh Kim Cang đến câu: "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" Ngài liền đại ngộ. Ngài liền nhận ra "bản lai diện mục" nơi mình, hay là nhận ra pháp thân thanh tịnh, hay thể tánh nơi mình. Cái "thể tánh" đó chúng tôi dùng danh từ ở đây gọi là "chân lý tuyệt đối". Cái thể tánh đó sẵn có ở chính mình. Vừa lãnh hội được thể tánh đó là mang sự nghiệp to tát cả đời tu của Ngài về phương Nam, bây giờ gặp người hỏi liền thổ lộ ngay cái gì mình vừa lãnh hội.

Ở trước chúng ta học phần tương đối đã thấy rõ thế gian này tất cả đều sống trong cái tương đối. Nói cái gì ra cũng đều nói theo tương đối. Làm việc gì cũng làm theo tương đối. Suy nghĩ cũng đều suy nghĩ theo tương đối.

Thí dụ bây giờ mỗi người muốn nói chuyện, nói vài câu thì hỏi cái đó phải hay quấy? Thành ra lời nói ra đều có ý nghĩa tìm phải quấy, hoặc hay dở, hoặc là lành dữ, luôn luôn là nằm ở hay bên. Hành động cũng vậy, hành động đó là tốt hay xấu, hành động đó là có lợi hay bất lợi v.v... Nói, làm, suy nghĩ đều nằm trong hai bên, không có cái nào thoát ngoài hai bên được. Vừa dấy niệm nghĩ là nằm trong hai bên.

Cho nên Lục tổ muốn chỉ cái không mắc kẹt ở hai bên, Ngài mới bảo rằng: "Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?". Nếu mình sáng thì liền thấy, không nghĩ thiện không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của chính mình? Khi không nghĩ thiện, không nghĩ ác, người ta quên cái đó mà chỉ nhớ cái vế sau: cái gì là bản lai diện mục. Cứ nhớ cái gì là bản lai diện mục hoài mà không nhớ chính khi không nghĩ thiện, không nghĩ ác, ngay đó là cái chân thật.

Bây giờ sở dĩ quý vị nghe mà không nhận được là tại sao? Là vì chúng ta cứ thừa nhận cái nghĩ thiện nghĩ ác là tâm của chúng ta. Có người nào không nói cái đó là tâm mình không? - Không. Tâm tôi nghĩ thế này, tâm tôi nghĩ thế kia, đó là tâm của tôi. Nhưng khi tôi nghĩ thì tôi có tâm, rồi lúc tôi không nghĩ thì tôi không có tâm sao? Nếu thật là tâm của tôi thì khi tôi nghĩ lành, nghĩ dữ, nghĩ tốt, nghĩ xấu thì tôi có tâm, lúc ngồi chơi không nghĩ gì hết, lúc đó tôi không có tâm sao? Định nghĩa rõ tâm là "tri" tức là "biết". Khi không nghĩ quý vị có biết không? Nếu không nghĩ thì chỉ trong đầu không nghĩ thôi chứ lỗ tai nghe tiếng cũng biết tiếng, con mắt thấy cảnh cũng biết cảnh, gió xúc chạm vào thân cũng biết mát. Như vậy toàn thể đều là "tri" hết. Tại sao chúng ta lại quên cái đó, mà chỉ cho cái nghĩ lành nghĩ dữ, nghĩ tốt nghĩ xấu mới là tâm mình, còn tất cả cái kia lại bỏ quên?

Vì vậy Tổ chỉ thẳng, buông hết những cái nghĩ đó đi thì cái chân thật hiện ra! "Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?". Chính chỗ đó chúng ta mới thấy Tổ không giấu giếm, Tổ chỉ thẳng nhưng chúng ta vì si mê quen rồi, cứ chấp cái suy nghĩ là tâm mình, cho nên khi bỏ cái suy nghĩ, sợ quá, thấy như cái gì đó nó lạ, nó khác hơn tất cả những cái thường. 

Bây giờ chúng tôi chỉ cho quý vị thấy ở đoạn dưới và bàn cho quý vị nghe những cái này.

Về thân, thân chúng ta là cái giả dối, cái thân này là tướng sanh diệt. Hôm trước vua Ba Tư Nặc nói thân này sanh diệt từng khoảng mười năm, sanh diệt từng khoảng một năm, sanh diệt từng khoảng mỗi tháng, sanh diệt từng ngày cho tới sanh diệt từng phút từng giây. Mà cái đã sanh diệt từng phút từng giây, cái đó thật không? - Không. Nó cứ thay đổi luôn luôn làm sao nói nó thật? Cái thật thì không đổi dời, mà cứ đổi dời thì không phải thật.

Như vậy ngay nơi thân này là thân tạm bợ, do duyên hợp đổi thay từng phút từng giây. Bám vào đây nói thân này thật là lầm. Cái vọng thức phân biệt nghĩ lành, nghĩ dữ, nghĩ tốt, nghĩ xấu, nghĩ cái này rồi nghĩ cái kia, nghĩ cái nọ không dừng, nó luôn luôn đổi thay; mà đã là đổi thay thì không thật là mình. Vậy mà chấp thân là mình, chấp vọng tưởng suy nghĩ là mình. Cái mình chân thật không biết ở đâu! Chấp cái giả làm thật thì ngàn đời không biết cái thật.

Bây giờ chúng ta tu là phải biết cái nào giả. Thân này là duyên hợp, là vô thường cho nên nó giả. Cái vọng tưởng này là tướng duyên hợp, đổi thay vô thường cho nên nó giả. Cái chưa từng duyên hợp và chưa từng đổi thay, cái đó không phải là giả. Quý vị thấy ngay nơi mình có cái chưa từng duyên hợp, chưa từng thay đổi không? - Dạ chưa thấy. Chúng ta nghĩ thiện nghĩ ác, cái đó là tướng duyên hợp. Còn khi chúng ta cứ "liễu liễu thường tri", tức là mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe. Có tiếng không có tiếng cũng nghe, có cảnh không cảnh cũng thấy. Có gió mát thì cảm giác gió mát, không có gió mát thì cảm giác thường. Như vậy toàn thân chúng ta có một cái "tri" mà chúng ta quên mất. Chúng ta cứ nhớ vọng tưởng phân biệt, chấp cái đó là mình, vì vậy chúng ta bị nó lôi đi trong sanh tử. Cái tướng sanh diệt của thân và cái tướng sanh diệt của tâm là hai cái đổi thay luân hồi. Chấp cái đổi thay luân hồi là mình, làm sao không đi trong luân hồi được!

Ở đây Tổ muốn chỉ cho chúng ta cái chân thật chưa bao giờ luân hồi, đó là "mặt thật xưa nay" nơi mình. Mà muốn sống với cái không luân hồi đó thì không gì hơn là đừng nghĩ thiện, đừng nghĩ ác. Nói tới không nghĩ thiện, không nghĩ ác, đại đa số quý vị sẽ ngạc nhiên, vì quý vị đi chùa hay học đạo bất cứ tôn giáo nào cũng đều dạy người tín đồ của mình phải bỏ điều xấu làm điều tốt, phải bỏ điều dữ làm điều lành. Dễ hiểu quá phải không? Bởi vì làm cái xấu thì mình thành người xấu, làm cái dữ thì mình thành kẻ ác. Cho nên mình phải làm lành để thành người tốt, mình làm những điều tốt để thành người hay. Nhưng ở đây bảo bỏ luôn cái nghĩ thiện. Nghĩ ác bỏ đành rồi, nghĩ thiện cũng bỏ nữa thì còn cái gì mà tu? Quý vị nghe tới đó hoảng hốt lên, như vậy tu là tu cái gì? Người mà không nghĩ thiện chắc hết làm lành rồi! Vì bỏ cái ác còn cái thiện, giờ bỏ luôn cái thiện nữa làm sao đây? Mà nếu không làm lành sao gọi là người tu?

Đó là chỗ khó, nhưng tôi sẽ giải thích.

Tổ bảo bỏ cái thiện, cái ác đối đãi để chỉ cái chân thật, không đối đãi. Vì thiện ác là huân tập của hoàn cảnh bên ngoài, do người nào đó dạy mình cái này lành, cái này dữ, mình học theo đó. Những cái đó không có trước khi mình huân tập. Thí dụ hồi chúng ta mới năm, sáu tuổi, chúng ta đâu biết cái nào lành, cái nào dữ. Lớn lên được nhà trường dạy hoặc ông bà, cha mẹ dạy, hoặc xã hội dạy mới biết cái này lành, cái này dữ, cái này xấu, cái này tốt v.v... Từ đó mới biết phân biệt lành dữ, tốt xấu. Cho tới bây giờ nó quen rồi, mình cứ sống với cái phân biệt đó.

Như vậy khi chúng ta đã có mặt trên nhân gian này đâu phải chúng ta đã biết cái lành, cái dữ trước. Cái biết không do huân tập bên ngoài đem vào, cái đó mới thật của mình. Còn cái do bên ngoài đem vô chứa trong đầu làm sao là của mình được! Đã là bên ngoài đem vô mà nói của mình là chuyện vô lý. Chủ yếu là đi thẳng vào "chân lý tuyệt đối", tức là cái thật nơi mình, không còn đối đãi nữa. Muốn tìm cái chân thật đó phải buông hết những cái bên ngoài đem vào. Bên ngoài vào thì đâu phải thật mình. Cái thật là mình thì cái đó phải có sẵn từ bao giờ ở nơi mình. Còn nếu từ bên ngoài đưa vào thì cái đó là cái mình học được. Chúng ta bị lầm lẫn qua những lời dạy của người khác, rồi cho cái mình học được là cái của mình. Cái mình thật, cái đó không phải học được, cái đó sẵn có từ bao giờ.

Chỗ Lục tổ chỉ cho Huệ Minh là buông những cái gì huân tập được. Buông hết đi thì cái chân thật hiện ra. Quý vị buông có dễ không?

Bây giờ tôi dạy tu thiền hay dạy niệm Phật là dạy quý vị "định tâm", là không nghĩ thiện, không nghĩ ác. Không nghĩ ác, còn nghĩ thiện cũng là động. Tại sao Phật dạy cái gì cũng phải định? Vì có định rồi mới có tuệ. Giới định tuệ, người tu nào cũng phải giữ giới, định được tâm mới phát sanh trí tuệ.

Chủ yếu Phật dạy định để làm gì? Bởi vì chúng ta đều nghĩ theo cái sở học, cái tập tục, cái thói quen do bên ngoài huân tập. Bây giờ những cái đó chúng ta loại hết để trở về cái thật có của chính mình. Mình sống trở về được với nó rồi thì mình không bị ngoại cảnh chi phối. Không bị ngoại cảnh chi phối tức là giải thoát. Còn bị ngoại cảnh chi phối tức là mất tự do. Mà muốn được như vậy thì phải nhận ra cái nào giả, cái nào thật. Như vậy là trí tuệ, là giác ngộ; giác ngộ rồi mới được giải thoát sanh tử. Nếu không giác ngộ thì không bao giờ giải thoát sanh tử.

Như vậy định là gì? Buông hết những cái giả mà lâu nay bị huân tập là định, buông hết để nhận ra cái thật của chính mình hiện có. Khi những cái giả lặng hết rồi, chừng đó mới nhận ra cái thật, chớ còn cái giả mà mình cho là mình thì ngàn đời không bao giờ thấy cái thật.

Như tôi thường thí dụ, chúng ta vào nhà một người bà con, mà từ nhỏ đến lớn mình chưa tới lần nào, bây giờ tới nhà người đó. Trong nhà có mấy người, có chủ có khách lộn xộn nên khách tưởng là chủ. Khi tưởng khách là chủ thì mình có thể biết được chủ không? Đinh ninh người khách là ông chủ thì không bao giờ biết được ông chủ. Chừng nào mình phân biệt được những người khách thì mới nhận ra người chủ, chớ còn không nhận ra khách thì không bao giờ biết chủ. Nếu khách mà nhận lầm là chủ thì đại họa.

Mình bây giờ đang ở trong đại họa đó. Thân này là tướng duyên hợp tạm bợ mà cho là thân thật của mình. Vọng tưởng là cái do huân tập ở ngoài đem vào mà cho là tâm thật của mình. Cả ngày sống với cái giả dối đó cho là mình thì làm gì biết được cái mình chân thật. Cho nên đức Phật nói cả thế gian này đều sống trong vô minh là vậy!

Nhiều người tự cho mình là trí tuệ, là thông minh mà sự thật là đang ở trong vô minh, bởi vì chính họ không biết cái thật của mình. Vì vậy nên tôi vẫn thường nói Phật học khác hơn khoa học ở chỗ đó. Khoa học cứ tìm những cái bên ngoài để chỉ cho người ta thấy, còn Phật học thì tìm cái thật ở chính mình. Dù anh có nói được cái gì ở bên ngoài hay mấy đi nữa, mà anh quên anh thì cũng trở thành vô nghĩa. Cái giá trị chân thật là biết được chính mình. Cái đó mới là cái gốc, cái đầu mối quan trọng.

Như vậy chủ yếu của đạo Phật là trở về với mình. Mà nhận ra cái thật là mình rồi thì giải quyết được mọi việc. Còn nếu không nhận được mình thì giải quyết cái gì rồi cũng ở trong lẩn quẩn loanh quanh. Quý vị thấy cả thế giới bây giờ khoa học tiến bộ biết mấy, nhưng mà nhân loại có hết khổ chưa? Cũng khổ dài dài, mà có thể khổ đậm hơn nữa. Tại sao? Tại họ không biết được họ rồi bày cái này, bày cái kia, rồi người ta lợi dụng khoa học để làm khổ cho nhau.

Cho nên trở về con người thật của chính mình rồi thì mình mới có một tình thương chân thật. Quý đạo hữu, nhất là những đạo hữu khoảng sáu mươi tuổi trở lên, ai cũng có con cháu và ai cũng thương con thương cháu. Nhưng lại có người giận con cháu không thương, quý vị biết tại sao không? Tại tư tưởng con cháu không giống tư tưởng mình. Mà ở đời này, quý vị thấy có con cháu nào giống hệt như cha mẹ không? Không bao giờ nó giống hệt như mình. Tại sao vậy? Bởi vì tư tưởng là cái huân tập được. Huân tập được thì xã hội của người sáu mươi tuổi huân tập khác, xã hội của mười lăm, mười bảy tuổi huân tập khác. Mà huân tập khác thì làm sao giống nhau được? Như vậy mình đòi hỏi nó giống mình có phải là mình tham lam hay không? Cái huân tập hồi xưa mình bị nhồi vào trong đầu những cái gì đó. Bây giờ nó cũng nhồi vào trong đầu nó những cái gì đó. Hai cái nhồi khác nhau, mà bây giờ bảo giống làm sao giống được. Chỉ có một cái giống mà người ta không biết. Quý vị thấy có cái giống không?

Tất cả chúng ta đều "thấy" như nhau, đều "nghe" như nhau, đều "biết" đói, "biết" lạnh như nhau, tại sao chúng ta không nhìn nhận cái giống hệt nhau đó. Nếu chúng ta biết được "cái giống hệt" đó thì tất cả huân tập này đều là giả dối, không có gì hết. Còn cái "thật" đó mọi người không khác. Chẳng những con cái giống cha mẹ mà cả thế giới đều giống hệt nhau. Cái chân thật đó thật là đồng, cho nên nói không có nam, không có nữ, không có khôn, không có dại. Tất cả đều bình đẳng như nhau. Vì vậy trong kinh Kim Cang có câu: "Thị chư pháp bình đẳng, vô hữu cao hạ". Pháp này mới là bình đẳng không có cao thấp, không có nam nữ, không có ai hơn, ai thua. Còn cái cao thấp là cái sở học, cái huân tập. Người này huân tập được cái hay, xã hội cần họ thì họ có giá trị nhiều. Người kia huân tập cái dở, xã hội không cần họ thì họ có giá trị ít. Tất cả cái đó đều là cái huân tập. Người ta vin theo cái huân tập đó mà đánh giá, không thấy được cái chân thật của nhau.

Bây giờ đây nếu quý vị buông hết những cái huân tập ra, tâm chỉ biết sống bằng cái chân thật của chính mình thì lúc đó có nghĩ xấu, nghĩ tốt gì đâu. Thành ra người sống trở về cái chân thật rồi thì mọi hành động, mọi ngôn ngữ đều là lành. Cũng như đức Phật nói ra đều là lành. Còn mình ở đây cố gắng nói lành rồi một hồi cũng xen cái sân ngầm ở trong hoặc cũng móc ngoéo bậy bạ, không có ngay thẳng, không có chân chính hoàn toàn.

Cho nên đừng sợ rằng chúng ta buông hết thiện ác rồi, chúng ta trở thành kẻ không biết thiện ác. Chính khi chúng ta buông được rồi thì chúng ta mới thật là đại từ bi, nghĩa là thấy tất cả trên bình đẳng. Nếu có một người chưa nhận được cái chân thật thì mình rất thương, muốn làm sao cho họ thức tỉnh như mình. Vì vậy mà trong kinh Pháp Hoa, chư Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên là khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến. Không những một đức Phật mà tất cả chư Phật đều có một chuyện duy nhất là chỉ cho mọi người ngộ được "tri kiến Phật" của mình. Đó là lòng đại từ đại bi. Còn mình học đạo mà học trên phương diện tương đối, mình làm lành mà thấy người kia không làm lành như mình, mình không chịu, mình bực bội. Nhiều khi chính vì cái thấy muốn làm lành của mình mà mình trở thành dữ. 

Thí dụ ông thầy trụ trì nuôi vài chú đạo. Tối ông thầy muốn các chú đạo tụng kinh đàng hoàng. Chú đạo tụng kinh một hồi thì gục. Ông thầy thấy chú đạo thiếu nghiêm chỉnh, trước bàn Phật mà không trang nghiêm, gục lên gục xuống, ông cầm dùi mõ khỏ lên đầu chú. Như vậy ông thầy đó có đạo đức không? Thật tình ông muốn học trò đàng hoàng, lễ phép với Phật, trang nghiêm khi tụng kinh, nhưng ông thầy cầm dùi mõ khỏ lên đầu đệ tử trước Phật, ông có nghiêm chỉnh không? - Không.

Như vậy nó mâu thuẫn ngay trong cái tương đối. Bởi vì mình chấp cái tương đối thì nó trở thành xấu. Còn nếu mà mình đã vượt qua cái tương đối, vượt qua tâm niệm ác rồi chỉ thuần là một lòng thanh tịnh thì cái nào cũng thiện hết. Vì vậy cho nên đừng sợ khi chúng ta buông hết tất cả vọng tưởng thiện ác là lúc đó chúng ta thành người không có đạo lý, đừng lo điều đó.

Đó là tôi dẫn một câu chuyện thứ nhất, bây giờ tới câu chuyện thứ hai.  

 

Chánh Văn:

Dưới đây thêm những bài thuyết pháp đơn giản bình dị mà hay tuyệt của các Thiền sư.

“Thiền sư Tùng Thẩm (Triệu Châu) đến tham vấn Nam Tuyền (Phổ Nguyện), hỏi:

- Thế nào là đạo?

Nam Tuyền đáp:

- Tâm bình thường là đạo.

- Lại có thể nhằm tiến đến chăng?

- Nghĩ nhằm tiến đến là trái.

- Khi chẳng nghĩ làm sao biết là đạo?

- Đạo chẳng thuộc biết chẳng biết, biết là vọng giác, không biết là vô ký. Nếu thật đạt đạo thì chẳng nghi, ví như hư không thênh thang rỗng rang đâu thể gắng nói phải quấy.

Ngay câu nói này, Sư ngộ đạo.”

Đạo là tên khác của Bản lai diện mục hay Pháp thân... Nó là thực thể tuyệt đối nằm sẵn nơi tâm tánh chúng ta. Chúng ta vừa dấy niệm tìm nó, tiến đến nó là trái mất rồi. Khởi nghĩ biết nó đã rơi vào vọng giác, không nghĩ biết nó để tâm mờ mờ mịt mịt lại thuộc bệnh vô ký. Dấy tâm phán đoán phải quấy càng xa với đạo.

Câu TÂM BÌNH THƯỜNG LÀ ĐẠO, quả thật đã vén bức màn vô minh cho mọi người thấy được “Bộ mặt thật xưa nay” của mình rồi. Bởi khởi tâm tìm kiếm là mất bình thường, xét đoán phải quấy là mất bình thường... Chỉ tâm tỉnh táo sáng suốt mà không dấy động, mới thật TÂM BÌNH THƯỜNG. Tâm bình thường không tướng mạo, không hình dáng, thể nó thênh thang rỗng rang đồng với hư không. Thấy được tâm thể này là người đạt đạo.

Giảng:

Quý vị thấy nhà thiền dạy quá đơn giản.

Ngài Triệu Châu Tùng Thẩm đến ngài Nam Tuyền (Phổ Nguyện) để hỏi đạo. Hỏi "thế nào là Đạo?". Ngài Nam Tuyền đáp: "Tâm bình thường là Đạo".

Nghe nói tâm bình thường, đại đa số nghĩ rằng chắc là mình đi chơi, đi nhong nhong là tâm bình thường, hoặc là mình ngồi trong nhà ngó trời ngó mây, đó là tâm bình thường rồi. Nhưng thật ra tất cả tâm chúng ta đều là bất bình thường hết.

Ở thế gian nói tâm bất bình thường là điên hoặc là loạn trí. Tâm vừa dấy động là bất bình thường rồi. Cũng như mặt nước phẳng lặng thì đó là mặt nước bình thường, vừa gợn sóng là bất bình thường rồi.

Cho nên tâm bình thường rất đơn giản là không dấy niệm, vừa dấy một niệm là bất bình thường, tức là có nghĩ tức là có bất bình thường, chớ không phải đợi nổi giận đỏ mặt đỏ mày mới bất bình thường. Như vậy câu nói: "Tâm bình thường là Đạo" của ngài Nam Tuyền với câu "Không nghĩ thiện, không nghĩ ác" của Lục tổ có khác nhau không? - Không. Không nghĩ thiện, không nghĩ ác là bình thường. Vừa dấy niệm lên là có thiện ác rồi! Thành ra lối nói dường như khác nhau mà sự thật là không khác.

Vì vậy cho nên đa số chúng ta đi cầu Đạo, tìm Đạo, mà Đạo ở đâu? Trong kinh nói tìm không gặp. Mình lấy làm lạ, tại sao đi tìm mà không gặp? Vì dấy niệm tìm tức là bất bình thường; bất bình thường là mất đạo rồi, vì vậy cho nên nói tìm là không gặp.

Tìm là không gặp. Như vậy rồi nói, tôi không cần tìm, tôi cứ lêu lỏng đi chơi hoài rồi cũng có Đạo, được không? Cũng không được. Chỉ có những ai biết lặng hết tâm bất bình thường, người đó sẽ thấy Đạo, chứ không thể không tìm mà được. Tìm đã không gặp, lêu lỏng chơi không tìm càng không gặp. Cho nên ở đây ngài Triệu Châu hỏi: "Lại có thể nhằm tiến đến chăng?" Thiền sư Nam Tuyền mới nói rằng: "Nghĩ nhằm tiến đến là trái rồi". Vừa nghĩ tiến lên là sai rồi.

Thật ra học đạo hết sức dễ mà cũng hết sức khó. Tại sao? Nếu người không khéo nhận chân được thì nghe nói Đạo thế này rồi muốn tìm tới, tìm tới thì sai. Thành ra người học Đạo phải khéo nghe rồi buông thì đúng. Vì vậy đối với người cầu Đạo, các Tổ nói rằng: "Đi Đông đi Tây tìm đạo, không bằng nhìn lại gót chân ông". Đạo dưới gót chân mà nếu càng chạy, càng tìm thì càng xa với Đạo. Chỉ ngồi lặng lẽ nhìn lại tâm mình thì tự nhiên Đạo nó hiện tiền.

Đây là chỗ rất quan trọng.

Ngài Triệu Châu hỏi không nghĩ làm sao biết nó là Đạo? Thiền sư Nam Tuyền mới giải thích, Đạo chẳng thuộc biết, chẳng biết. Chữ "biết" này lạ lắm! Đạo là tánh giác, là chân tâm, là cái biết chân thật, nhưng mà vừa dấy niệm biết nó là sai. Bởi vì nó là "thể hay biết", biết Đạo tức là cái Đạo bị biết rồi. Cho nên nói rằng không thuộc biết hay chẳng biết.

"Biết là vọng giác, không biết là vô ký. Như vậy, nếu thật đạt Đạo thì chẳng nghi". Nếu ai thật nhận ra thì không có nghi, chớ nói biết không biết gì cũng đều nằm trong đối đãi hết.

"Ví như hư không thênh thang rỗng rang, đâu có thể gắng nói phải quấy". Như vậy thì khi chúng ta buông xả hết vọng tưởng rồi thì lúc đó tâm chúng ta ra sao? Có tướng mạo không? Quý vị diễn tả tôi coi.

Bây giờ tôi hỏi lại từng giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất. Giả sử như hiện giờ quý vị buông hết những vọng tưởng đi, đừng nghĩ gì hết, lúc đó có quý vị không? - Có. Có cái thường biết không? - Có. Cái đó tướng mạo ra sao? - Không tướng mạo.

Chỗ đó trong nhà Phật thường nói những chữ mà không bao giờ mình hiểu nổi. Nói rằng nó là tướng không. Nghe nói tướng không thì mình tưởng trống rỗng không có gì hết. Hư không trống rỗng mà vô tri. Cho nên nói không cũng không được, mà nói có cũng không được, có thì có tướng mạo. Bây giờ chỉ coi tướng mạo ra sao? Không có tướng mạo làm sao chỉ, cho nên nói có không được, mà nói không cũng không được. Vậy thì làm sao đây? Đó thật là cái khó nói. Khó nói mà không phải là không có.

Do đó nói có cũng được, nói không cũng được; mà nói có cũng sai, nói không cũng sai. Vì vậy mà trong kinh nói chúng ta đọc không hiểu nói cái gì. "Phi hữu phi vô, diệc hữu diệc vô", nói gì cũng được hết. 

Bởi vì nó không có tướng mạo nên nó đồng với hư không. Nhưng mà hư không là vô tri mà nó là giác tri. Như vậy là nó khác rồi. Bây giờ nói tướng mạo làm sao, ai diễn tả được tướng mạo của nó?

Nếu khởi nghĩ cái núi thì nhớ hình tướng cái núi, mình diễn tả được. Còn bây giờ không khởi nghĩ cái gì hết thì lúc đó tướng mạo ra sao? Mà nếu không có tướng mạo tức là không bị giới hạn. Cái gì có tướng mạo là có giới hạn. Cao như cái núi cũng có giới hạn. Còn cái không có tướng mạo thì lấy đâu làm giới hạn. Mà nếu không có giới hạn thì nó bao lớn? Nghĩa là nó bằng với hư không. Hư không tới đâu thì nó tới đó. Mà bằng với hư không rồi, hỏi chết đi về đâu? Nếu còn cái tâm sanh diệt có tướng mạo thì có chỗ đi. Thí dụ mình nghĩ lành thì nó đi theo đường lành, nghĩ dữ thì nó đi theo đường dữ, vì nó còn có đường đi. Buông hết cái lành dữ, tâm thênh thang, hỏi đi đâu? - Không đi đâu hết. Vì vậy mà người nào nói tôi tu cho tôi biết chết đi đâu rồi mới chịu tu, đó là người tu mong đi trong luân hồi sanh tử. Chớ còn mình nhận ra được cái tâm thênh thang đó rồi hỏi đi đâu sao được? Có nhiều người hỏi sau khi chết đi về đâu? Tổ Quy Sơn nói: "Đi làm con trâu dưới núi". Nghe vậy, nói ông già tu lâu đời quá, sao mà chết luân hồi làm con trâu? Kỳ vậy! Nhưng mà không ngờ đó là lối nói để đánh bạt cái lầm lẫn của người ta.

Có người hỏi Phật: "Các vị chứng A-la-hán rồi chết đi về đâu?". Phật đáp: "Củi hết lửa tắt". Chỉ biết rằng còn duyên, còn củi còn lửa thì còn cháy, củi hết thành tro rồi thì lửa tắt chứ không nói đi đâu hết. Do đó người ta cứ nghĩ tu chứng A-la-hán rồi thành không ngơ. Nên một số người nghe nói diệt tận tưởng là hết rồi, tức là trống không. Như vậy tu mà trống không thì tôi không thèm tu. Dại gì tu rồi chết không ngơ, vậy tu làm chi cho cực thân khổ xác. Không ngờ chữ không đó nghĩa là không còn tướng mạo để dẫn đi sanh tử, chớ không phải không cái thể giác chân thật. Cái thể giác chân thật không tướng mạo, ngay bây giờ nhận ra được thì mới biết, chớ không nhận ra được thể giác này thì cứ nghi không biết chết đi về đâu. Cứ nghĩ chết đi đến chỗ sung sướng, chớ còn nói rằng chết đi rồi như củi hết lửa tắt, nghe nó buồn làm sao!

Cho nên trong nhà Phật nói rằng, khi nhận được Pháp thân, sống bằng Pháp thân rồi thì báo thân, hóa thân tùy loại. Nghĩa là muốn hóa độ thiên hạ thì hiện ở cõi nào đó để giáo hóa chúng sanh. Còn muốn đi dạo chơi chỗ nào đó, thấy ai đang hoạn nạn thì hóa thân tới đó mà độ họ. Đó là báo thân hoặc hóa thân ở một cõi nào đó để giáo hóa.

Vì vậy nói rằng: khi thành Phật thì Pháp thân trùm khắp không nơi chốn, trùm cả mười phương. Nói vậy làm sao tin được. Bây giờ thấy mình cao có một thước mấy, nặng mấy chục ký mà nói mình có cái tâm trùm hết mười phương, ai tin cho được. Nhưng mà sự thật có một cái to như vậy. Vì vậy mà trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật diễn tả rằng, có một quyển Kinh bằng tam thiên đại thiên thế giới vo tròn nhỏ xíu nhét vào một hạt bụi. Có người trí tuệ thấy trong hạt bụi nhỏ xíu có quyển Kinh to tướng, mới chỉ người ta đập hạt bụi này ra quyển Kinh đó, giở ra to trùm cả tam thiên đại thiên thế giới. Đó là ví dụ, danh từ chuyên môn trong kinh Hoa Nghiệm gọi là "phá vi trần xuất kinh quyển". Nghĩa là đập hạt bụi ra quyển kinh. Quyển kinh là tượng trưng cho Pháp thân hay là chân lý tuyệt đối.

Cũng vậy, thân này dụ cho hạt bụi, quyển kinh dụ cho cái tâm thể này. Ai biết trong hạt bụi này có quyển Kinh đó? Chỉ có người trí tuệ là đức Phật, Ngài thấy được nên Ngài mới chỉ ngay trong hạt bụi này đập nó ra là có quyển Kinh. Đập nó ra không có nghĩa là đập đầu tự tử. Không phải vậy. Đập nó ra nghĩa là ngay trong thân này nhận ra tánh chân thật thì đầy đủ tất cả sự thật trong tam thiên đại thiên thế giới, không thiếu cái gì hết. Có nhiều người tu hành sợ mình ngu nên nói mình phải học cho nhiều, mình tu có một pháp môn, hoặc là mình cứ cắm đầu tu, nữa đâu biết gì! Sự thật không phải vậy. Nếu thật tình mình sống được với thể giác chân thật thì tất cả đều biết hết. Cho nên trong nhà thiền có một câu nói: đừng sợ Phật không biết nói pháp, mà chỉ sợ mình không được thành Phật.

Có ông Phật nào không biết nói pháp không? - Không. Thành Phật rồi thì pháp nào cũng biết, chừng đó đừng sợ dốt nói pháp không được. Chỉ vì mình là chúng sanh chưa sống được với Pháp thân cho nên mình mới dốt, chớ nếu mình sống được với Pháp thân rồi thì pháp nào mình cũng nói được hết. Vì vậy trong Kinh nói: Tâm thể trùm khắp hay là Pháp thân đầy khắp mười phương không phải là chuyện nói rỗng, mà đó là một lẽ thật. Chính vì chúng ta mê muội quá, nhận cái thân giả là mình, nhận cái vọng tưởng giả là tâm mình, nên quên cái thể chân thật thênh thang rộng lớn đó. Cái thể chân thật đó không có tướng mạo, chúng ta ai cũng có, cũng đều trùm khắp cả mười phương, vậy mà không chướng ngại nhau. Bởi vì nó đâu có tướng mạo mà chướng ngại.

Như vậy câu dạy của Thiền sư Nam Tuyền Phổ Nguyện với câu dạy của Lục Tổ không khác. Người xưa khi đạt Đạo rồi thì nói không khác nhau.

 

Chánh Văn:

“Thiền sư Đạo Ngộ bảo đệ tử là Sùng Tín rằng:

- Ngươi làm thị giả ta, ta sẽ chỉ tâm yếu cho ngươi.

Sùng Tín nhận làm thị giả, trải qua mấy năm mà không được chỉ dạy điều gì. Sùng Tín thưa:

- Từ ngày con vào đây đến giờ, chưa được Hòa thượng chỉ dạy tâm yếu.

Đạo Ngộ bảo:

- Từ ngày ngươi vào đây đến nay, ta chưa từng chẳng chỉ dạy tâm yếu.

- Chỉ dạy ở chỗ nào?

- Ngươi dâng trà lên, ta vì ngươi tiếp. Ngươi bưng cơm đến, ta vì ngươi nhận. Ngươi xá lui ra thì ta gật đầu. Chỗ nào chẳng chỉ dạy tâm yếu? 

Giảng:

Quý vị thấy "tâm yếu" đơn giản làm sao! Chúng ta cứ tưởng qua lời nói mới dạy, không ngờ không nói mà "tâm yếu" nó tràn trề.

 

Chánh Văn:

Sùng Tín cúi đầu suy nghĩ giây lâu.

Đạo Ngộ bảo:

- Thấy thì thẳng đó liền thấy, suy nghĩ liền sai.

Ngay câu này, Sùng Tín khai ngộ.”

Đạo Ngộ nói Tâm yếu tức là Nam Tuyền nói Tâm bình thường. Trong mọi hành động ăn cơm, mặc áo, tới lui qua lại của chúng ta đều biểu lộ tâm yếu đầy đủ. Chỉ đáng tiếc, khi ăn chúng ta chẳng chịu ăn, lại nghĩ đến các việc này, khi mặc chẳng chịu mặc lại suy các việc nọ. Chúng ta không thể sống được với tâm bình thường trong mọi hoạt động của mình. Hằng bị vọng tưởng cuốn hút qua mọi lãnh vực hoạt động của nó. Do đó cả ngày chúng ta mãi đuổi theo vọng tưởng, hết thứ này đến loại khác, không bao giờ được dừng nghỉ.

Ở đây, Thiền sư Đạo Ngộ chỉ tâm yếu phát hiện nơi dâng trà, nhận cơm, gật đầu..., thật là bình thường đơn giản. Tâm yếu hằng hiện hữu nơi mọi hoạt động của chúng ta, mà chúng ta thông qua không chịu nhận. Bởi trong đầu óc chúng ta chứa dẫy đầy các thứ quái tượng, hiếu kỳ thì làm sao nhận được cái bình thường đơn giản này. Nói đến Tâm yếu, Đạo, Pháp thân..., chúng ta tưởng tượng phải là cái gì phi thường kỳ đặc mới được. Đâu ngờ, nó lại là cái rất giản đơn bình dị. Ném phắt mọi vọng tưởng cuồng loạn, chỉ sống với tâm thể an nhiên trong mọi hoạt động bình thường là chúng ta đạt đạo, ngộ tâm yếu. Các lượn sóng lặn hụp trên mặt biển là hiện tượng sanh diệt. Khi mọi lượn sóng đều lặng yên, chỉ còn một mặt biển phẳng lì, thử hỏi cái gì là sanh diệt? Có sóng nổi lên là có hình tướng sai biệt, khi sóng lặng hết tìm xem còn hình tướng gì? Song đến đó không thể nói không có mặt biển. Tâm thể chúng ta cũng thế, chỉ cần lặng hết mọi vọng tưởng thì thể tánh hiển bày. Thế nên vừa suy nghĩ là lấp mất thể tánh rồi.

Giảng:

Câu chuyện này quý vị thấy thật tình nó là chuyện lạ đời.

Sùng Tín là vị bán bánh bao ở ngoài đầu đường vô chùa của ngài Đạo Ngộ. Sùng Tín đem bánh bao cúng dường cho ngài Đạo Ngộ, cúng bốn, năm cái, ngài Đạo Ngộ nhận hai, ba cái chừa lại một, hai cái cho Sùng Tín đem về. Sùng Tín ngạc nhiên: "Bánh bao của con đem cúng cho Hòa thượng mà Hòa thượng cho lại con là sao?". Ngài nói ta cho lại ngươi để nuôi dưỡng con cháu. Sùng Tín lấy làm lạ, từ đó về sau mới bắt đầu suy nghĩ, suy nghĩ riết xin đi tu. Khi đi tu thì ngài Đạo Ngộ nhận cho làm thị giả. Ngài nói: "Ông làm thị giả cho ta, ta sẽ dạy tâm yếu cho ông". Sùng Tín đinh ninh, bây giờ mình đi tu là cốt làm sao cho ngộ tâm yếu, mà thầy hứa vậy sung sướng quá. Làm thị giả ba năm trời không nghe thầy dạy một câu nào hết.

Quý vị thấy hứa dạy mà ba năm không dạy một câu, lòng khao khát tràn trề, vừa khao khát vừa bực tức nghĩ ông thầy có nói gạt mình không? Tới bây giờ ba năm rồi mà không dạy. Do cái khao khát tìm kiếm đó nên Sùng Tín chịu đựng hết nổi, bữa nay ra thưa thật: "Từ ngày con vào đây tới giờ chưa được Hòa thượng chỉ dạy tâm yếu". Thì ngài Đạo Ngộ trả lời một cách ung dung rằng: "Từ ngày ngươi vào đây đến nay, ta chưa từng chẳng chỉ dạy tâm yếu". Ngài Sùng Tín liền khởi nghi: "Chỉ dạy ở chỗ nào?". Ngài Đạo Ngộ nói: "Ngươi dâng trà lên, ta vì ngươi tiếp. Ngươi bưng cơm đến, ta vì ngươi nhận. Ngươi xá lui ra thì ta gật đầu. Chỗ nào chẳng chỉ dạy tâm yếu?". Ngài Sùng Tín bắt đầu suy nghĩ: "Vậy cái đó là tâm yếu sao?". Ngài Đạo Ngộ liền cho một câu nữa: "Thấy thì thẳng đó liền thấy, suy nghĩ liền sai". Ngay câu này, Sùng Tín liền nhận ra.

Lối giảng của tôi ở đây, quý vị cứ nghe, nghe rồi nhận được thì nhận chứ đừng bóp đầu suy nghĩ câu đó nói sao, hay hay dở, đừng thèm suy nghĩ gì hết, cứ nghe khéo nhận thì được, không thì thôi, đừng thắc mắc.

Bấy giờ tôi dẫn thêm câu chuyện nữa.

Thiền sư Ô Sào là Thiền sư ở trên ổ quạ. Sau khi ngộ đạo rồi Ngài lên trên rừng thấy một cây có cháng ba đẹp quá, Ngài bẻ nhánh cây đan lại giống ổ quạ rồi ở đó tu. Người ta thấy chỗ Ngài ở giống ổ quạ nên gọi Ngài là Thiền sư Ô Sào.

Sau này có một ông thị giả tới xin tu với Ngài. Ngài cũng hứa nhận, để ông thị giả ở dưới, Ngài ở trên. Thị giả hầu hạ Ngài thời gian lâu quá không thấy Ngài dạy gì, ông buồn. Bữa đó ông từ giã Ngài đi: "Thưa thầy con ở lâu quá mà không thấy thầy dạy con về thiền, con từ giã thầy đi hành cước để học thiền". Thì Ngài nói: "Nếu nói thiền ta cũng có chút ít, ngươi cần thì ta dạy cho". Thị giả thưa: "Con muốn đi học thiền đây". Ngài xăn tay áo, áo Ngài là áo bông, Ngài xé một miếng bông thổi khì, bay bay, đệ tử ngộ đạo.

Đơn giản làm sao! Dạy thiền bằng cách đó khác gì "ngươi dâng trà thì ta nhận, ngươi bưng cơm đến ta tiếp, ngươi xá lui thì ta gật đầu" của ngài Đại Ngộ.

Rồi thêm chuyện ngài Triệu Châu cũng vậy. Khách tới, Ngài hỏi ăn cơm chưa? - Dạ, ăn cơm rồi. Ngài nói: Rửa bát đi. Đi rửa chén liền ngộ đạo. Như vậy dạy cái gì? Quý vị có thấy tâm yếu ở chỗ bình thường không? Trong cái bình thường nếu không nghĩ lăng xăng lộn xộn thì tâm yếu hiện tiền, chứ có gì đâu. Nếu nhận ra được là thấy đạo khỏi tìm đâu xa xôi. Hết sức đơn giản.

Ở đây tôi dùng thí dụ mặt biển nổi sóng, khi gió dấy lên, tất cả lượn sóng nổi dậy. Sóng nổi dậy thì chúng ta nhìn có lượn sóng lớn, sóng nhỏ, lượn sóng dài, ngắn v.v... sai biệt. Khi những lượn sóng lặng xuống hết thì nói mặt biển hết sóng. Sóng thì hết nhưng mặt biển có hết không? Hết sóng chứ mặt biển vẫn còn đó. Cũng như vậy, vọng tưởng lặng hết thì hết vọng tưởng, chứ cái tâm chân thật đâu có mất. Mà cái tâm chân thật mới là cái bình thường, còn vọng tưởng là cái bất bình thường, là cái động. Cái động là cái sanh diệt, là luân hồi. Cho nên động cơ luân hồi chính là tâm vọng tưởng. Hiểu như vậy chúng ta mới thấy nhà thiền hết sức đơn giản, chỉ cho chúng ta cái tâm chân thật sẵn có từ thuở nào chớ không phải là mới đây.

Bây giờ đến vị thứ tư.

 

Chánh Văn:

“Thiền sư Hoài Hải (Bá Trượng) theo hầu Mã Tổ đi dạo vườn, bỗng có bầy chim bay qua. Mã Tổ hỏi:

- Bay đó là gì?

Hoài Hải thưa:

- Bầy vịt trời.

- Bay đi đâu?

- Bay qua mất.

Mã Tổ nắm lỗ mũi của Sư vặn mạnh một cái, đau quá Sư la thất thanh.

Mã Tổ bảo:

- Sao không nói bay qua mất?

Nhân đây Sư tỉnh ngộ.” 

Giảng:

Thầy trò như giỡn chơi, không nói đạo lý gì hết mà ngộ; còn mình nói đạo lý ròng rặc mà không ai ngộ hết trơn. Chúng ta thấy lối dạy đạo của các Thiền sư như đùa, vậy mà chí lí làm sao!

 

Chánh Văn:

Tâm yếu luôn luôn hiển lộ đầy đủ nơi sáu căn, mà chúng ta không nhận thấy. Chúng ta một bề buông thả sáu căn chạy theo sáu trần. Mắt đối sắc cho là có thấy, sắc trần qua mất nói là không thấy, lệ thuộc hẳn ngoại cảnh. Sắc trần là tướng sanh diệt chợt có chợt không, cái thấy biết sắc trần có khi nào sanh diệt, mà chúng ta chỉ nhận sắc trần không nhận cái thấy. Cái thấy là hiện thân của tâm yếu, là mạng sống ngàn đời của chúng ta. Thế mà, chúng ta quên đi mạng sống của chính mình, phóng tâm đuổi theo dòng sanh diệt của ngoại giới. Trường hợp Thiền sư Hoài Hải cũng thế, chỉ nhớ bầy chim bay qua mất, không nhớ tánh thấy thường còn của mình. Mã Tổ nắm lỗ mũi vặn mạnh, bảo “sao không nói bay qua mất”. Sư chợt tỉnh ngộ cái không mất của mình, hay thức được giấc mê “quên mình theo vật”.

Chúng ta sống nhờ lỗ mũi hít vô thở ra, nó là sanh mạng của mình, lỗ mũi hằng có mặt thường trực ở trước chúng ta, mà chúng ta khó thấy và ít nhớ. Hằng ngày chúng ta chỉ nhớ những vấn đề: ăn, mặc, đẹp, xấu... còn hơi thở là điều tối thiết yếu lại quên đi. Quên hơi thở tức là đã quên mạng sống của mình. Mạng sống đã quên đi thì sự sống không còn ý nghĩa của sự sống. Sống của cái chết, của cái cuồng loạn. Phật, Tổ cố đánh thức chúng ta nhớ lại mạng sống của chính mình. Hằng sống với mạng sống của chính mình, làm gì có nghĩa chết. Như mãi còn thở ra vào, sao nói chết được. Bởi vì chết là mất đi cái sống, là dừng hơi thở. Tánh thấy hằng hiện hữu nơi chúng ta mà chúng ta không thấy, ví như lỗ mũi thường có mặt ở trước mắt mà chúng ta dễ quên. Cái nắm mũi vặn mạnh của Mã Tổ, khiến Thiền sư Hoài Hải đau la thất thanh, liền đó tỉnh ngộ, quả là diệu thuật trong nhà Thiền, cũng là một bài thuyết pháp không lời kỳ diệu.

Giảng:

Quý vị thấy những câu chuyện nhỏ như vậy mà chứa đầy đủ những gì thâm sâu ở trong.

Hai thầy trò đi dạo vườn hết sức bình thường, thấy bầy chim le le bay ngang. Mã Tổ thấy, Bá Trượng Hoài Hải cũng thấy, tức là thầy thấy trò thấy. Nhưng mà Mã Tổ lại hỏi học trò: "Bay đó là gì?". Người học trò thật thà nói: "Bầy vịt trời". Mã Tổ hỏi: "Bay đi đâu?". Nếu chúng ta có trả lời cũng y như Hoài Hải: "Bay qua mất". Mã Tổ liền nắm lỗ mũi vặn một cái thật mạnh, đau quá Hoài Hải la thất thanh. Mã Tổ nói: "Sao không nói bay qua mất đi?". Chừng đó Hoài Hải mới giật mình liền ngộ đạo. Ngộ đạo đây là nhớ lại cái thấy không mất của chính mình.

Thật là một bài thuyết pháp kỳ diệu. Cho nên nói Mã Tổ đại dụng, đại cơ là chỗ đó, là cái khéo lạ đời. Ngài có cái thuật dạy đệ tử mà bây giờ không ai dám dạy như vậy. Có một thiền khách tới hỏi Ngài: "Thế nào là Pháp thân?". Ngài bảo: "Lại gần đây". Ông kia lại gần, Ngài tát một bạt tai tóe lửa! Ngài nói: "Sáu cái không đồng mưu". Ông ấy ngộ đạo.

Một vị nữa cũng tới hỏi: "Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang?". Ngài bảo lại gần đây. Ngài đạp cho một đạp té nhào. Thiền khách đứng dậy cười ngất! Ngộ đạo. Thật là diệu thuật bất khả tư nghì. Bây giờ có ai dạy như vậy không? Nếu dạy như vậy thì chắc thầy trò lỗ mũi đỏ hết. Tát cho trò một bạt tai, trò đập lại thầy bể lỗ mũi, nó không ngộ đạo nó đập lại mình. Hồi xưa người học tin người dạy không phải là người thường, cho nên một hành động của thầy người học trò phải tìm lại cái thật của họ. Mỗi hành động của thầy người học cho là một lối dạy chớ không nghĩ đó là sân si. Còn bây giờ cái gì động tới họ, họ tưởng mình nổi sân si đánh họ, rồi họ đập lại mình, cho nên mỗi hoàn cảnh mỗi khác.

Mã Tổ là một vị đặc biệt nhất. Cho nên dưới Ngài có tám mươi mấy người đệ tử đều là nổi tiếng. Thuật của Ngài, mà nhất là Hoài Hải là một vị thị giả từ thuở bé cho tới lớn theo hầu Ngài, bây giờ bị Ngài kéo lỗ mũi một cái giật mình ngộ đạo. Cái kéo lỗ mũi đó thật là hay. Bởi vì lỗ mũi trong nhà thiền dùng để tượng trưng cái đặc biệt. Lỗ mũi của mình nếu không có gương, quý vị có thấy không? Nó trung thực ở trước mặt mình, không vắng lúc nào hết, mà không bao giờ mình thấy nó rõ ràng. Nếu có thấy chăng là thấy một chút chót mũi thôi. Nó tối quan trọng, nó còn quan trọng hơn cái miệng. Nguồn sống quan trọng ở nó, mà nó không lép xép như cái miệng. Cái miệng thì lép xép hoài, chớ nó thì im lìm nằm sẵn ở đó, là mạch sống của chính mình, trước mặt mình mà mình không thấy. Nó tượng trưng cho cái thể chân thật. Nó sẵn đó mà mình không bao giờ thấy, nó không lúc nào vắng mặt hết.

Vì vậy kinh Lăng Nghiêm nói: Nếu chúng sanh quên mình theo vật là luân hồi. Nếu chuyển vật về mình là đồng Như Lai. Bây giờ thấy bầy chim bay qua, mình biết bầy chim bay qua rồi mất, đó là quên mình theo vật. Còn nếu thấy bầy chim bay qua, nó mất mình cũng thấy, cái thấy không bao giờ mất. Tổ hỏi là hỏi cái thấy của Hoài Hải chớ không phải hỏi bầy chim, cho nên Ngài nắm lỗ mũi kéo, Hoài Hải biết đau la thì Ngài nói: "Sao không nói mất đi". Chừng đó Hoài Hải giật mình, mình còn nhớ không phải mất. Nếu mất thì kéo không đau, không có la. Còn biết đau biết la thì đâu có mất, cho nên ngộ, ngộ chỗ chưa bao giờ mất.

Chúng ta sống cũng vậy, luôn luôn là theo vật. Có người có vật thì có nghĩ có suy, thấy có mình. Người vật mất đi rồi, lúc đó thấy mất mình luôn, mình chới với. Cho nên người ta ngộ, mình hiểu không nổi, còn mình thì cứ kiếm người này nói chuyện, kiếm người kia nói chuyện. Có một đối tượng nào với mình, mình mới chịu nổi, còn cô đơn là khó chịu, buồn bã, bứt rứt v.v... Đó là triệu chứng quên mình, lệ thuộc vào ngoại cảnh.

Cho nên người ta ít ai chịu ngồi một chỗ. Ngồi một chỗ chừng một buổi là thấy khó khăn lắm. Còn nếu rảnh đi đông đi tây, nói chuyện đầu trên xóm dưới thì một ngày qua mau lắm, mà vui nữa. Còn nếu ở nhà một mình từ sáng tới chiều thì bữa đó buồn bã ủ rũ. Đó là triệu chứng quên người theo vật của con người.

Bây giờ có cảnh thì chúng ta thấy cảnh, không cảnh thì chúng ta thấy không cảnh. Có tiếng người thì chúng ta nghe tiếng người, không tiếng người thì chúng ta không nghe tiếng người. Cái thấy nghe nó tràn trề ở tai ở mắt, có thiếu vắng lúc nào đâu? Cái đó mới là mình thật, còn cái do tiếp xúc bên ngoài có thấy có nghe rồi cảnh tới thì biết có, cảnh đi thì nó mất, đó là bị mất mình. Như vậy nếu chúng ta cứ chạy theo cảnh bên ngoài thì không bao giờ nhận ra cái thật. Còn nếu chúng ta nhận ra cái thật thì tất cả chuyện bên ngoài nó có hay có dở, có đẹp có xấu, không còn quan trọng nữa. Nếu lệ thuộc cảnh bên ngoài, đẹp thì mình vui, xấu thì mình buồn, rồi cứ bị nó chi phối.

Ở đây chúng tôi giải thích về cái mũi rất quan trọng mà ít ai nhớ.

Cái mũi không bao giờ ngưng làm việc, mà chúng ta ít có nhớ nó. Nó cứ hít vô thở ra. Nó là mạch sống của con người, rất quan trọng mà ít ai nhớ cái mũi mình đang thở. Ngồi chơi thì nhớ chuyện này chuyện kia, không nhớ mình đang thở. Vì vậy mà thở ngắn thở dài mình không biết, nó vào ra sao mình không hay, cứ nhớ chuyện trên trời dưới đất, mà không nhớ lại chính cái quan trọng của mình. Người tu thiền trở về cái quan trọng của mình là nhớ lại mạng sống của chính mình được tượng trưng bằng cái mũi. Cho nên nói nắm cái mũi là để chỉ cho cái chân thật, nó còn hiện tiền trước mặt mình chớ không vắng không thiếu. Khi ngủ khi thức có lúc nào cái mũi vắng mặt không? - Không. Nó thở đều đều, có mặt đầy đủ. Tôi dẫn một vài câu chuyện trong nhà thiền nói về cái lỗ mũi cho quý vị nhớ.

Thiền sư Tuyệt Chiêu nói một bài kệ về cái lỗ mũi:

Tương biệt nhất hà cửu

Tương phùng chỉ cựu thời

My mao phân bát tự

Tỷ khổng đại đầu thùy.

Hai câu đầu không quan trọng lắm, không giải thích, tôi giải thích hai câu kế:

My mao phân bát tự. My mao là chân mày, phân bát tự là phân ra thành hình chữ bát. Lâu nay bát tự dịch lầm là tám chữ. My mao phân bát tự là chân mày hình chữ bát.

Tỷ khổng đại đầu thùy. Tức là đầu to của lỗ mũi duỗi trở xuống.

Đó là chỉ cho hai chân mày và cái lỗ mũi. Thường thường trong nhà thiền nói rằng, nếu mình tới chỗ đầu đường, nghĩa là giữa hai chân mày hình chữ bát thì cái lỗ mũi ở bên cạnh đó. Cho nên nói đã tới đầu đường, tức là tới hình chữ bát này thì lẽ thật lỗ mũi ở một bên đó rồi.

Hoặc giả như một Thiền sư, ngài Bạch Vân Nghĩa Đoan. Ngài bình câu chuyện của ngài Thần Quang khi tìm tâm không được, tổ Bồ Đề Đạt Ma nói ta đã an tâm cho ngươi rồi, Ngài ngộ đạo. Thì ngài Bạch Vân Nghĩa Đoan mới bình rằng:

Trước sau tìm tâm không thấy, không được

Thánh tăng không tìm ra được người Thiếu lâm

Nhớ lại trước sân tuyết kia càng cho mình biết thêm lạnh.

Nhớ lại lỗ mũi nó đã nằm sẵn trên môi rồi.

Lỗ mũi mình vẫn như xưa nằm trên môi. Tức là nói lên ý khi mà Thần Quang tìm tâm vọng tưởng không thấy thì lúc đó cái chân thật nằm bên cạnh đó.

Lỗ mũi nằm ở trên gần sát cái môi. Như vậy để thấy cái cửa vào từ khi không thấy vọng tưởng, hay vọng tưởng lặng xuống hết thì cái chân thật hiện tiền, chớ không xa xôi gì. Như vậy các ngài đều nói về cái lỗ mũi. Lỗ mũi quan trọng như vậy đó. Vì vậy câu chuyện nắm lỗ mũi kéo là câu chuyện thật là kỳ diệu. 

 

Chánh Văn:

“Tướng quốc Bùi Hưu vào viếng chùa Khai Nguyên, thấy trên vách chùa có vẽ hình Cao tăng, Bùi Hưu hỏi Thiền sư Hy Vận (Hoàng Bá):

- Hình thấy tại đây, Cao tăng ở đâu?

Sư cất giọng trong thanh gọi:

- Bùi Hưu!

Bùi Hưu:

- Dạ!

Sư hỏi:

- Ở đâu?

Bùi Hưu liền ngộ được hạt châu trên búi tóc.”

Chúng ta đến thăm nhà người bạn, vừa ấn nút chuông điện ngoài cổng, liền có người mở cửa, bao nhiêu lần cũng thế. Chúng ta biết chắc chắn rằng nhà này có người gác cửa thường trực. Cũng vậy, nơi tai chúng ta nếu không có cái linh tri thường trực, khi động làm sao có phản ứng kịp thời. Ở đây vừa gọi liền đáp, không có phút giây chờ đợi nghĩ suy gì cả. Cho đến đang lúc ngủ say, bỗng có tiếng gọi to cũng giật mình thức giấc. Càng thấy rõ cái linh tri nơi tai chúng ta không khi nào vắng mặt. Chỉ khi thức các cơ quan hoạt động thì nó sáng, lúc ngủ các cơ quan đóng bít thì nó mờ. Cái linh tri này mới thật là Chủ nhân ông hay “Bộ mặt thật xưa nay” của chúng ta. Chúng ta quên lửng ông chủ, cứ chạy theo khách trần bên ngoài. Một bề quên mình theo vật, nên mãi trầm luân sanh tử. Đang lúc hoạt động lăng xăng, có người hỏi: cái gì là ông chủ, chúng ta bàng hoàng sửng sốt không biết đáp thế nào. Thế là, hằng ngày chúng ta nói sống vì mình, lo cho mình, mà quả thật chúng ta đã mất mình. Nếu biết rõ ông chủ của mình, chúng ta mới dám nói thật sống, bằng không biết ông chủ thế nào, làm sao nói rằng mình đang sống được. Có hoạt động có sống cũng chỉ là cuộc sống vay mượn mà thôi.

Ông Bùi Hưu thấy hình Cao tăng mà không biết Cao tăng ở đâu. Đó là tâm trạng quên mất ông chủ, đang thao thức dò tầm. Một tiếng gọi của Thiền sư Hy Vận, dường như một tiếng sét ngang tai, khiến ông bất chợt ứng thanh “dạ”, chồng thêm một câu hỏi “ở đâu”, hốt nhiên ông sáng mắt. Ông chủ đã lâu ông băn khoăn thắc mắc kiếm tìm, bất chợt hiện lồ lộ trước mắt. Hạt châu quí trong búi tóc của nhà vua, trong kinh Pháp Hoa, chỉ dành tặng riêng cho vị tướng quân có công to nhất, hôm nay ông nhận được. Cái cao cả quí báu nhất trong đời sống con người là ông chủ. Nhà không có chủ là nhà hoang, xác thân không nhận ra ông chủ là xác thân rỗng. Vì thế, mục đích duy nhất của Phật, Tổ là chỉ cho chúng ta nhận ra ông chủ. Ông chủ ấy hằng có mặt nơi tai, mắt... chúng ta, chỉ khéo nhận liền thấy.

Giảng:

Câu chuyện này quý vị thấy vừa đơn giản, vừa lạ lùng.

Ông Bùi Hưu là Tướng Quốc đời Đường, tới chùa Khai Nguyên, thấy vẽ hình các vị cao tăng hồi xưa trên vách chùa, cũng như mình bây giờ vô chùa thấy vẽ hình Bồ tát, La Hán. Thấy vậy, ông mới hỏi thầy trụ trì: Hình cao tăng ở đây mà cao tăng ở đâu?

Thầy trụ trì bí, không biết trả lời. Ông Bùi Hưu hỏi: Ở đây có Thiền sư không? - Dạ có. Xin mời Thiền sư ra cho tôi hỏi một câu.

Ngài Hoàng Bá lúc đó đang ẩn trong chúng, nghe mời thì Ngài ra. Bùi Hưu cũng lặp lại câu hỏi đó, ông nói có vẻ khiêm nhượng: "Vừa rồi tôi có hỏi một câu mà thầy trụ trì tiếc lời, không trả lời cho tôi xứng đáng. Xin mời Thiền sư đáp dùm cho tôi câu hỏi này". Ngài Hoàng Bá nói: Ông hỏi đi.

Bùi Hưu hỏi: Hình cao tăng ở đây mà cao tăng ở đâu?

Ý câu hỏi, hình chỉ là tướng mạo, vậy cái thật của người đó ở đâu? Nếu mình thì trả lời sao? Hoặc là về Cực lạc hoặc là lên thiên đường hoặc ở đâu, chớ mình đâu có cái tài lạ đời như ngài Hoàng Bá. Ngài không trả lời ở đâu mà kêu to: "Bùi Hưu!". Khi kêu to thì tự nhiên ông "Dạ!". Khi ông dạ rồi, Ngài hỏi: "Ở đâu?". Ông ngộ liền.

Lạ đời không? Lối dạy đạo khác hơn chúng ta, không phải hỏi rồi theo câu hỏi mà trả lời ngay. Ông Bùi Hưu thắc mắc cái hình ở đó mà con người thật ở đâu? Cũng như mình ở đây mà cái chân thật của mình ở đâu? Bất thần Ngài kêu "Bùi Hưu", ông phát lên "Dạ". Khi dạ có suy nghĩ gì không? - Không. Vừa kêu liền dạ. Ngài hỏi: "Ở đâu?", ông nhận ra ngay đây rồi. Như vậy thể chân thật sẵn sàng ở đây, cho nên vừa kêu liền ứng thinh "Dạ". Nếu không sẵn sàng làm sao vừa kêu liền "Dạ" được. Như vậy là ông biết được cao tăng ở đâu. Cao tăng ở đâu hay là bản lai diện mục của ông ở đâu?

Những câu chuyện thật là đơn sơ mà có giá trị vô cùng vô tận.

Hồi nãy Mã Tổ kéo lỗ mũi để nhận ra cái biết không bao giờ mất. Bây giờ kêu thì dạ liền, tức là cái nghe nó đã sẵn sàng ở ông rồi còn hỏi ở đâu nữa làm chi?

Tất cả những vị Thiền sư thường có cái thuật kêu như vậy đó. Thí dụ như ngài Huệ Trung Quốc Sư cũng vậy, kêu: Thị giả. Thị giả: Dạ. Ba lần kêu ba lần dạ, Ngài nói một câu: "Tưởng ta cô phụ ngươi, không ngờ ngươi cô phụ ta". Ai hiểu nổi? Kêu đâu dạ đó mà nói cô phụ, cô phụ chỗ nào? Nếu kêu mà không dạ, làm thinh thì nói là cô phụ. Ngài kêu như kiểu kêu của ngài Hoàng Bá để cho nhận ra cái chân thật của chính mình, mà ông thị giả cứ nghe kêu liền dạ thôi, không nhận ra cái thật của mình nên Ngài nói cô phụ Ngài.

Như vậy yếu chỉ của các Thiền sư là chỉ cho mình nhận ra cái chân thật hiển lộ ra từ nơi tai, nơi mắt của mình mà mình lại quên cái đó, mình cứ chấp cái suy nghĩ trong đầu, trong trán là mình, có phải là oan uổng không?

Cho nên mới nói dùng thí dụ, bây giờ chúng ta tới nhà người quen, vừa ấn nút chuông điện reng là có người ra mở cửa liền. Mà lần nào tới vừa ấn nút chuông điện thì có người ra mở cửa, như vậy là nhà có người gác cửa thường trực chứ gì. Nếu không gác cửa thường trực làm sao ấn chuông có người mở cửa? Cũng vậy, vừa kêu đáp liền tức là có người thường trực rồi, đâu có vắng. Như vậy hỏi ở đâu chi nữa, nó đã hiện sờ sờ đây rồi. Hết sức là rõ ràng, không còn nghi ngờ gì nữa.

Tới đoạn sau. Nếu Ngài kêu mà dạ không thì chắc chưa ngộ, thêm câu hỏi: "Ở đâu?" làm ông giật mình. "Ở đâu?" là câu hay nhất. Hồi trước ông tưởng nơi nào trên thượng giới đâu đâu, bây giờ vừa kêu ứng ra dạ. Hỏi ở đâu? Biết ở đây chứ đâu còn nói gì nữa. Đó là chuyện hết sức rõ ràng.

Bây giờ đi xa hơn một chút, bao nhiêu người sống trên nhân gian này, ai cũng nói tôi ráng lo cho mình được no ấm. Lo cho mình, sống vì mình, cái gì cũng vì mình hết. Hỏi mình là cái gì thì nói cái gì là mình? Nếu thân này là mình thì thân này do đất nước gió lửa hợp lại thành. Đất là những chất cứng như móng tay. Móng tay lâu lâu nó dài, chúng ta cắt bỏ dưới bàn, cái đó phải mình không? - Không. Những sợi tóc trên đầu nhổ bỏ dưới bàn có phải mình không? - Không. Chất cứng đâu phải mình. Rồi máu, máu lâu lâu đứt tay nhỏ một ít giọt, hỏi phải mình không? - Không. Nếu mồ hôi ra hứng chừng một chung nhỏ, hỏi phải mình không? - Không. Hơi thở vô ra hỏi phải mình đó không? - Không. Như vậy hỏi cái gì là mình đây? Không trả lời được.

Còn cái suy nghĩ, nếu nói suy nghĩ là mình thì có khi suy nghĩ, có khi không suy nghĩ. Khi có suy nghĩ là mình thì khi không suy nghĩ là cái gì? Như vậy, nói mình sống vì mình mà không biết mình là cái gì. Thí dụ như cái nhà có chủ thì nhà đó đàng hoàng, có người ra vô săn sóc kỹ càng, còn nhà không chủ thì nhà đó gọi là nhà hoang. Bây giờ mình không biết thân mình là cái gì, tức là không biết ông chủ. Không có ông chủ thì có đi, có đứng, có hoạt động thì cũng như không có chủ, như là nhà hoang vậy. Nhà hoang thì vô giá trị, không có nghĩa gì hết. Như vậy thì giá trị quan trọng là phải biết ông chủ ngay trong nhà này.

Cái gì là mình?

Người ta học đạo mà không biết cái gì là mình hết. Tu mà không biết mình là cái gì thì làm sao tu? Vì vậy cho nên biết được mình là cái tối quan trọng. Nếu không biết mình thì mọi hành động của mình trở thành rỗng, thành ra vô nghĩa. Biết được mình là một điều tối thiết yếu.

Như vậy, chúng ta không lôi thôi chỉ cho những cái biết bên ngoài là đủ, mà chúng ta phải nhận ngay mình là cái gì. Biết được mình thì mới có thể sống chân thật. Còn nếu không biết có mình thì cái sống đó không có nghĩa. Nếu sống vì ăn uống, nhai nuốt vô rồi nay mai nó cũng ra mất, có cái gì đâu là thật. Sống vì cái gì rồi cũng không quan trọng, có cái chân thật mà không biết thật là đáng thương. Cho nên người học đạo mà chưa nhận ra được cái chân thật thì không bao giờ tâm an ổn. Lòng bất an bởi vì mình cố tìm cái vĩnh cửu thoát ly sanh tử, mà cái vĩnh cửu tìm không được, rồi sống với cái tạm bợ này, rồi chết thì ai cũng như ai, người đời với người tu cũng giống hệt nhau, không hơn kém gì hết. Cho nên nhận ra cái chân thật mới là quý báu, mới là siêu xuất thế gian. Nếu chưa nhận ra thì chưa có gì quý báu và siêu xuất.

Đây thêm một vị Thiền sư nữa.

 

Chánh Văn: 

“Thiền sư Sư Bị (Huyền Sa) ngồi trong thất, có vị Tăng đứng hầu, nhìn xuống nền thất có một điểm trắng, Sư hỏi Tăng:

- Ông thấy chăng?

Tăng thưa:

- Thấy.

Sư bảo:

- Ta thấy ông cũng thấy, tại sao có người ngộ người không ngộ?”

Hai thầy trò đồng thấy một điểm trắng trên nền thất, tại sao thầy ngộ mà trò lại mê? Bởi vì trò thấy chỉ thấy cái bị thấy, cho nên quên mất ông chủ tức là mê. Thầy thấy mà không chạy theo cái bị thấy, nhân cái bị thấy nhận ra ông chủ hay thấy của chính mình, tức là ngộ. Đồng một cảnh mà mê ngộ khác nhau, gốc tại quên mình theo vật hay nhân vật nhận được mình. Ở hội Linh Sơn đức Phật đưa cành hoa sen lên, Tôn giả Ca-diếp miệng cười chúm chím, đồng ý nghĩa này. Chư Tổ Thiền tông tận dụng mọi phương tiện, nào đưa tay, dựng phất tử... khiến người nhận được ông chủ qua cái thấy của mình.

Ngay khi thấy sự vật, tâm không bị dấy một niệm nào, chính khi ấy “bộ mặt thật xưa nay” bày hiện. Vì có thấy là có biết, cái biết không do suy nghĩ, không do phân biệt, mới là cái biết chân thật, thoát ngoài đối đãi sanh diệt. Cái biết do suy nghĩ, do phân biệt đều là động, tạm có rồi không, làm sao nói chân thật được. Cái suy nghĩ phân biệt lặng xuống, tánh giác tri hiện bày rỡ rỡ, nó mới thật là ông chủ muôn đời của ta. Giác tri mà lặng lẽ thì làm gì có sanh diệt. Chỗ này còn nghi ngờ gì, không nói nó chân thật vĩnh cửu. Thế nên, mắt thấy sắc tướng mà nhận được tánh thấy của mình, là ngộ đạo, trái lại là mê.

Giảng:

Tới đây dẫn thêm một câu chuyện về tánh thấy. Hai thầy trò nhìn một vật, cũng như quý vị cùng với chúng tôi nhìn đồng hồ thì ai cũng thấy như nhau. Nhưng có người thấy nói đồng hồ đẹp hoặc xấu, có giá trị hoặc không giá trị. Còn có người thấy chỉ thấy cái đồng hồ, tức là biết mình có cái hay thấy. Nhớ cái hay thấy mà không nhớ cái đồng hồ giá trị hay không giá trị, đẹp hay xấu, quan trọng là nhớ mình có cái hay thấy đồng hồ.

Như vậy hai người thấy khác nhau ở chỗ nào?

Nhớ đồng hồ có giá trị hay không giá trị, đẹp hay xấu là bị cảnh chuyển, tức là chạy theo cảnh. Còn thấy cái đồng hồ mình liền nhớ ông chủ nơi mình thì mình chuyển được vật. Cho nên nhân thấy vật mà nhớ mình có ông chủ, còn thấy vật khởi niệm tốt xấu v.v... là bị vật nó lôi, hai cái khác nhau. Nhớ lại mình là ngộ, còn bị vật chuyển tức là mê. Mê tức là quên ông chủ, ngộ tức là nhớ ông chủ.

Thành ra chữ mê ngộ không có gì lạ hết. Mê là quên, ngộ là nhớ. Nhớ lại ông chủ là ngộ, quên ông chủ là mê. Nó đơn giản như vậy. Cái tu của mình hết sức dễ dàng. Nghĩa là chúng ta thấy hết tất cả mà không chạy theo tất cả. Nghĩa là thấy người, thấy vật, thấy hết mà mình cứ nhớ mình có cái hằng đang thấy, là ông chủ nơi mình. Còn người người, cảnh cảnh không làm mờ mắt được. Như vậy là mình chuyển được vật. Còn nếu thấy mà cứ phân biệt người này đẹp, người kia xấu, cái này hay, cái kia dở thì bị vật chuyển. Nếu mình chuyển được vật là đồng Như Lai, còn bị vật chuyển thì đồng với chúng sanh, luân hồi sanh tử.

Quý vị thấy khó không? Không khó chút nào hết. Chỉ có cái là đừng chạy ra ngoài, nghĩa là không phải cấm không cho thấy. Trong nhà thiền nói rằng thấy mà như đui. Nghĩa là thấy hết tất cả mà nhớ mình có cái hay thấy. Thí dụ như bây giờ tôi thấy tất cả quý vị mà tôi nhớ tôi có ông chủ đang thấy, vậy thôi. Tôi không nhớ người này có lỗ mũi dài, người kia có lỗ mũi ngắn, người này lỗ mũi cao, người kia lỗ mũi thấp. Tôi không nhớ cái đó mà tôi chỉ nhớ tôi có cái hay thấy tất cả quý vị là tôi chuyển được vật. Thành ra thấy mà không nhớ người nào ra làm sao thì cũng như không thấy, gọi là thấy như mù. Mù mà không phải là mù. Như vậy là tôi chuyển được vật. Còn nếu thấy mà phân biệt cô đó mặt tròn, cô kia mặt vuông gì gì thì đó là bị vật chuyển rồi. Như vậy là người đó bị đi trong luân hồi. Chỉ có một cái thấy mà khác nhau chỗ đó. Cho nên hai thầy trò đồng thấy mà người mê, người ngộ.

Còn chuyện này nữa, ngài Bảo Phước là huynh đệ với ngài Huyền Sa. Ngài Bảo Phước đang ngồi trong phương trượng, có vị tăng đứng hầu. Ngài xoay qua nói: "Tại sao tâm ông thô vậy?". - "Thưa Hòa thượng thô chỗ nào?". Ngài làm thinh, Ngài lượm cục đất đưa: "Ông đem cục đất này quăng ngoài kia". Ông tăng cầm cục đất quăng đi, trở vào hỏi: "Bạch Hòa thượng, thô chỗ nào?". Ngài nói: "Tại vì động tới là mờ mịt cho nên ta nói tâm ông thô".

Quý vị thấy vị tăng đó thô hay không thô? Giả sử như quý vị ở trường hợp đó có thô không? Hồi nãy Thiền sư Đạo Ngộ nói ông đưa chén trà ta tiếp, ông chào ta cúi đầu, đó là chỉ tâm yếu. Bây giờ Thiền sư Bảo Phước bảo đem cục đất ra ngoài quăng, tâm yếu trong đó mà không biết, trở vào hỏi: "Con thô chỗ nào?". Không phải thô là gì? Lúc nào cũng mờ mịt không biết gì hết. Lối nói đó khéo lạ. Mình nghe mình không biết thô chỗ nào. Giả sử quý vị bị quở như vậy chắc cũng tức lắm. Đưa cục đất tưởng đâu cục đất dơ Ngài bảo quăng, ai ngờ đâu quăng rồi cũng còn bực trong bụng: "Con thô chỗ nào?". Đó gọi là bị đầu lưỡi các Hòa thượng lừa.

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 33230
  • Online: 15