Chìa khóa học Phật giảng giải - Chương 2: Thế nào là Phật pháp - P3: Chân lý tuyệt đối (tt4)

19/09/2019 | Lượt xem: 2818

HT. Thích Thanh Từ

Chánh Văn:

“Thiền sư Cảnh Thanh ngồi trong thất, có vị Tăng đứng bên cạnh, Sư hỏi:

- Bên ngoài có tiếng gì?

Tăng thưa:

- Tiếng con nhái bị con rắn bắt kêu.

 

Sư nói:

- Sẽ bảo chúng sanh khổ, lại có khổ chúng sanh.

Hôm khác, Sư hỏi vị Tăng bên cạnh:

- Bên ngoài có tiếng gì?

Tăng thưa:

- Tiếng mưa rơi.

Sư bảo:

- Chúng sanh điên đảo quên mình theo vật.

- Hòa thượng thì sao?

- Vẫn chẳng quên mình.

- Vẫn chẳng quên mình, ý nghĩa thế nào?

- Xuất thân còn là dễ, thoát thể nói rất khó.”

Rắn bắt nhái đó là chúng sanh khổ, vì con lớn hiếp con bé. Song lại có khổ chúng sanh, chính là người quên mất mình chạy theo ngoại cảnh. Hằng ngày tai chúng ta chỉ lắng nghe tiếng động tịnh bên ngoài, có khi nào nhận biết mình có tánh nghe thường trực. Vừa nghe tiếng động liền phân biệt thuộc loại nào, hay dở, lợi hại, phải quấy... rồi sanh tâm yêu ghét. Cứ thế mãi không dừng, làm sao chẳng bảo là “chúng sanh điên đảo quên mình theo vật”? Chỉ có người tỉnh giác mới biết phản quan lại mình, mọi động tịnh bên ngoài đều là pháp sanh diệt, ông chủ biết được mọi động tịnh ấy mới là người chẳng sanh diệt. Vì khi động vẫn biết động, lúc tịnh vẫn biết tịnh, hai tướng động tịnh đuổi nhau, ông chủ vẫn ngồi yên xem sự đổi thay của chúng. Người biết sống trở về ông chủ của mình, mặc sự sanh diệt đổi thay của trần cảnh, là “vẫn không quên mình”. Chỗ không quên mình ấy, làm sao diễn tả được, nên nói “xuất thân còn là dễ, thoát thể nói rất khó”.

Tai nghe tiếng mà không chạy theo phân biệt tiếng, lại nhận nơi mình hằng có tánh nghe, là pháp tu “Phản văn văn tự tánh” của Bồ-tát Quán Thế Âm. Âm thanh nhỏ lớn xa gần lúc nào cũng có, tánh nghe thường hằng nên mới thường nghe. Nếu tánh nghe có gián đoạn, ắt chúng ta có khi nghe khi không. Song không khi nào chúng ta chẳng nghe, dù khi không có tiếng động vẫn nghe không tiếng. Đây là chứng cứ cụ thể, tánh nghe thường trực nơi mọi người chúng ta. Trong các phương pháp tu “trở về tự tánh”, biết phản chiếu lại tánh nghe của mình là ưu việt hơn cả. Cho nên trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật bảo Bồ-tát Văn thù chọn phương pháp nào viên thông, Ngài chọn ngay pháp “nhĩ căn viên thông" của Bồ-tát Quán Thế Âm. 

Giảng:

Câu chuyện này làm sáng tỏ thêm về tánh nghe.

Ngài Cảnh Thanh cũng là đồ đệ của Thiền sư Sư Bị. Có một chú đệ tử đứng hầu, nghe con rắn bắt con nhái kêu la inh ỏi ở ngoài, Ngài hỏi: "Cái gì ở ngoài?". Người đệ tử thật thà thưa: "Dạ, tiếng con rắn bắt con nhái kêu", thì Ngài nói: "Chúng sanh khổ lại có khổ chúng sanh". Nghe câu này không ai hiểu, sao Ngài nói lạc đề như vậy? Con rắn bắt con nhái là một chúng sanh khổ. Khổ chúng sanh là nghe mà không biết mình có tánh nghe, không phải khổ chúng sanh là gì? Ông tăng đó không biết đáp gì thành ra im luôn.

Hôm sau có vị tăng đứng hầu bên Ngài, bên ngoài mưa lách tách. Ngài hỏi: "Tiếng gì bên ngoài?" - Đáp: "Tiếng mưa rơi". Ngài nói: "Chúng sanh quên mình theo vật". Thường thường câu đầu người ta dễ lầm. Hỏi tiếng gì thì đáp tiếng mưa rơi. Cái đáp đó không có lỗi mấy, nhưng tới câu "chúng sanh điên đảo quên mình theo vật", nếu lúc đó mình nhớ lại tánh nghe thì được Ngài khen, còn mình quên luôn thì thôi. Ông thầy này nghe nói vậy mà ông không hiểu, bèn hỏi: "Hòa thượng thì sao?". Ngài nói: "Vẫn chẳng quên mình". Ngài nghe tiếng mưa rơi mà không quên mình, còn ông nghe thì ông quên mình. Tăng hỏi: "Vẫn chẳng quên mình, ý nghĩa thế nào?". Cái chỗ không quên mình, chỗ đó làm sao xin Hòa thượng giảng cho con. Ngài nói: "Xuất thân còn là dễ, thoát thể nói rất khó". Cái đó là cái thoát ngoài hình tướng này làm sao nói được!

Như vậy quý vị mới thấy rõ ý nghĩa dù bên ngoài có tiếng mưa, tiếng động gì đi nữa mà khi nghe chúng ta vẫn nhớ lại tánh nghe nơi mình thì tất cả những ưu sầu phiền não bên ngoài nó không còn nữa.

Thí dụ như mỗi tối trước bảy giờ có cải lương, tiếng ca vọng cổ phát lên. Nếu mình ngồi chú ý nghe tiếng ca thanh trầm thì có vui hoặc buồn theo sau. Còn nếu nghe mà mình nhớ mình có cái hay nghe thì nó ca gì mặc nó, rốt cuộc hỏi tiếng gì đó, mình cũng không nhớ gì hết, chỉ nhớ mình có ông chủ thôi, thì bao nhiêu tiếng động không làm mình mất thì giờ.

Cũng như mình ngồi ngoài chợ, ai đi thì đi, đừng nhìn người này mặc đồ đúng mốt hay không đúng mốt. Một ngày thiên hạ đi cả bao nhiêu người, hỏi có thấy ai đi không? - Không thấy ai đi hết, thấy coi như không thấy. Còn nếu mình chú ý người ăn mặc thế này thế khác thì có thấy. Có thấy tức là quên mình. Đơn giản như vậy. Thành ra cái tu này biết rồi thì ngồi chợ tu cũng được, ngồi chùa tu cũng được, ngồi nơi nào tu cũng được; bao nhiêu tiếng động tu cũng được, bao nhiêu cảnh sắc tu cũng được, nó không có gì trở ngại. Chỉ có cái nhớ mình. Nhân nghe tiếng, mình nhớ mình có cái hay nghe, nhân thấy sắc nhớ mình có cái tánh thấy. Chỉ biết mình có ông chủ đang nghe đang thấy, chớ cảnh bên ngoài không có gì quan trọng. Ông chủ mới là quan trọng còn cảnh ngoài là tướng sanh diệt. 

Như vậy quý vị thấy tu quá nhẹ nhàng. Nếu nghe mà không chú ý tới tiếng ở bên ngoài, họ khen họ chê, họ nói gì thì nói tâm mình đâu có tha thiết thì tự nhiên nó an. Còn nghe mà cố niệm Phật hay cố làm gì để đàn áp cho đừng nghe tiếng đó, nhưng đàn áp một hồi tiếng đó cũng vọng lại, rồi cũng nghe nữa. Nghe rồi phóng tâm chạy theo thì đâu có hay, còn nghe mà không để ý thì không nghe gì hết. Khi tôi ngồi thiền nghe ca mặc ca, tôi vẫn là tôi, không mất thì giờ, không bị thiệt thòi.

Chớ hồi xưa tôi khổ sở vì tiếng nghe đó. Chạy tuốt lên Bảo Lộc, vào ở trong rừng ba bốn km, tiếng người không nghe nhưng mà xe hàng chở đồ Đà Lạt xuống đèo Bảo Lộc, mỗi lần nó lên đèo nổ máy mạnh quá, dội dội trong rừng nghe cũng hơi khó chịu. Còn tu thiền kiểu này thì tha hồ, nó động thì nó động, cứ nghe mà không sao. Hai cái nó khác. Cho nên tu kiểu này đi giữa chợ mà không bị dính, còn tu kiểu kia nhiều khi trốn ở trong rừng mà tiếng động tới nó cũng dính như thường. Đó là cái đặc biệt.

Như vậy chân lý tuyệt đối không phải ở đâu xa mà chính là ở ngay nơi mình. Chân lý tuyệt đối không phải riêng của người này khác người kia, mà ai cũng như ai. Cho nên khi thành Phật rồi thì như nhau. Lúc đó không có phân biệt nam nữ, vì thật tánh không có nam nữ. Nam nữ là giả tướng của xác thân này thôi, chớ tánh hay nghe hay thấy đâu có nam nữ. Người mà nhận ra thể chân thật bình đẳng thì lòng từ bi cũng bình đẳng. Vì lòng thương không suy nghĩ phân biệt.

Bây giờ chúng ta thường có suy nghĩ phân biệt, người này đáng thương hay không đáng thương, hoàn cảnh khó khăn để mình thương. Thành ra cái thương đó không bình đẳng. Suy nghĩ cái gì hợp tình hợp ý mình thì mình thương nhiều, không hợp thì mình thương ít. Nhiều khi suy nghĩ, hoàn cảnh người đó nghèo như nhau nhưng người này có đạo Phật, người kia không có đạo Phật, rồi mình thương khác nhau. Còn phân biệt là còn bất bình đẳng. Nếu mình thương bằng tâm vô phân biệt thì lòng thương bình đẳng tràn khắp. Ai cũng là người đáng thương hết và ai cũng là người đáng kính. Tại sao vậy? Vì ai cũng có cái chân thật như nhau, có ai hơn ai đâu mà khinh? Cho nên tâm ngã mạn tự nhiên mất từ hồi nào mình không hay. Mình khinh người ta là tại nhờ mình huân tập được nhiều, hoặc học được nhiều, hoặc học giỏi hơn, có những cái hay hơn. Toàn là cái huân tập được, rồi mình chấp vào cái huân tập đó mà khinh những người nào chưa huân tập được cái đó. Chấp vào kiến thức do học hỏi sanh ra tự cao ngã mạn. Còn nếu sống bằng cái chân thật thì thấy ai cũng như ai, đứa con nít cũng giống mình, không hơn không kém, chỉ có cái khác là người nhớ người quên thôi. Cho nên nói Phật với chúng sanh không khác, chỉ khác ở chỗ mê với ngộ, quên với nhớ thôi. Ai nhớ trở về ông chủ thì đó là Phật. Ai quên bị cảnh dẫn đi, đó là chúng sanh. 

Chánh Văn: 

Thiền sư có đến ngàn vạn phương tiện, lãnh hội một thì tất cả đều thông. Sau khi thông lý tuyệt đối, có giá trị thế nào?

Bởi vì tất cả chúng ta đều trông thấy mọi lẽ tạm bợ của cuộc đời, khiến khát khao tìm kiếm hướng về chỗ trường cửu miên viễn. Song nói đến chỗ này, dường như mọi người đều thở dài tự nhận là vô phần. Hầu hết đều bó tay cúi đầu trước thực thể bất sanh bất diệt ấy. Khao khát ước mơ mà không thể tìm được, không dám mò tới, thật là đau đớn vô cùng. Một khi bất ngờ bắt gặp được nó thì còn gì sung sướng cho bằng. Chính tâm trạng Tôn giả Xá-lợi-phất v.v... ở trong kinh Pháp Hoa cũng thế. Từ khi tu hành cho đến nay, các ngài chỉ mong được quả Nhị thừa, không khi nào dám ước mơ đến Phật quả. Bất ngờ được đức Phật thọ ký cho sẽ thành Phật, thật là một điều quá sức ước mong. Nói thí dụ chàng cùng tử được ông trưởng giả trao sự nghiệp để bày tỏ tâm trạng của các Ngài. Thiền sư Thủy Lạo nói với đồ đệ: “Từ khi ăn cái đạp của Mã Tổ đến giờ, cười mãi không thôi.” Thiền sư Huệ Hải cũng nói: “Từ khi nhận được kho báu nhà mình đến nay, dùng mãi không thiếu.” Cười mãi không thôi, vì hạt châu vô giá bị đánh mất, bất chợt tìm thấy nắm được trong tay, kể từ đây hết rồi một kiếp lang thang nghèo đói. Dùng mãi không thiếu, vì nó là kho báu vô tận, ứng dụng tùy tâm, nên gọi là “bảo châu như ý”. Có được hạt bảo châu như ý trong tay, tự thân mọi nhu cầu đều toại nguyện, còn thêm tùy ý cứu giúp tha nhân. Thật là tự lợi, lợi tha viên mãn.

Hạt “Minh châu vô giá” hay “Bảo châu như ý”, đều do đức Phật lấy làm thí dụ để chỉ thể tánh tuyệt đối này. Bởi vì mạng sống là cứu kính của chúng sanh, mạng sống càng dài thì giá trị càng cao. Cho nên ở thế gian không ơn gì to bằng ơn cứu mạng. Chỉ cần được cứu sống thêm một vài mươi năm, người ta cho đó là ơn sâu trời bể. Đạt được thể tánh này, là nhận lấy sanh mạng trường tồn miên viễn, vượt ngoài vòng thời gian, không còn dùng con số nào tính kể được. Đức Phật dùng thí dụ “điểm mực” nơi phẩm Như Lai Thọ Lượng trong kinh Pháp Hoa là nói rõ ý này. Đem thế giới tam thiên nghiền thành bụi nhỏ, lấy bụi ấy làm mực, đi sang phương đông trải qua trăm ngàn muôn ức thế giới mới điểm một điểm mực..., gom hết những thế giới có điểm mực không điểm mực đã đi qua, nghiền nát thành bụi, mỗi hạt bụi tính là một kiếp, thử tính tuổi thọ Phật là bao nhiêu? Dù có nhà toán học tài tình mấy cũng không sao tính nổi tuổi thọ của Phật. Phật ở đây là chỉ Phật pháp thân, tức là thực thể tuyệt đối sẵn có nơi mọi chúng sanh vậy.

Thực thể này không những vượt ngoài thời gian, mà cũng bao trùm khắp không gian. Kinh Hoa Nghiêm đức Phật dùng thí dụ “phá vi trần xuất kinh quyển”, để nói lên thể rộng lớn của nó. Nói rằng “Có một quyển kinh lượng bằng thế giới tam thiên đại thiên, vò tròn nhét trong hạt bụi nhỏ, có người trí tuệ xem biết, dùng phương tiện đập vỡ hạt bụi lấy quyển kinh. Trong quyển kinh ghi chép đầy đủ mọi sự thật của thế giới tam thiên đại thiên...”. Quyển kinh dụ thể tánh tuyệt đối hay Phật tánh, hạt bụi dụ thân tứ đại của chúng sanh. Muốn biết mọi sự vật trong vũ trụ, không gì hơn ngay nơi thân này nhận ra thể tánh tuyệt đối, mọi sự thật hiện bày đầy đủ trong ấy. Có ai ngờ trong hạt bụi nhỏ lại chứa quyển kinh to như thế, chỉ người trí tuệ (Phật) mới nhận thấy được nó. Chúng ta không khi nào dám thừa nhận mình có thể tánh rộng lớn trùm khắp vũ trụ, mà hằng tự nhận mình như cây lau, cây sậy trên địa cầu, như hạt cát trong bãi sa mạc. Vì thế, đọc kinh Duy-ma-cật thấy nói “ông Duy-ma-cật đưa tay nắm thế giới dời đi nơi khác...”, làm sao chúng ta dám tin. Tôn giả A-nan sau khi ngộ được chân tâm, bạch Phật rằng “con xem thân cha mẹ sanh (so với chân tâm) như hạt bụi trong hư không, như hòn bọt ngoài bể cả...(Kinh Lăng Nghiêm). Tuệ Trung Thượng Sĩ, một Thiền sư Việt Nam, có vị Tăng hỏi: “Sanh tử là việc lớn làm sao giải quyết?” Thượng Sĩ đáp: “Trong hư không dài có chướng gì hai vành xe, ngoài bể cả có ngại gì hòn bọt nổi.” Ý nói rằng, sự sanh tử của thân này đối với pháp thân như hai vành xe ném trong hư không, như hòn bọt nổi trong bể cả, có nghĩa lý gì mà quan trọng. Hạt bụi sánh với hư không, hòn bọt so với bể cả, giá trị quá rõ ràng, nên nói “viên ngọc vô giá”.

Sống được với thể tánh này thì diệu dụng vô cùng, lợi mình lợi người viên mãn. Hằng ngày chúng ta chỉ sống với vọng tưởng, mà còn có trăm ngàn tác dụng, tạo ra trăm điều ngàn việc. Phương chi sống với thể tánh linh minh thì diệu dụng làm sao lường được. Căn cứ hiện tượng thế gian phán xét, để thấy rõ điều này. Trên thế gian cái gì càng thô thì dụng càng yếu, cái gì càng tế thì dụng càng mạnh. Như đất thể thô hơn nước, nên bị nước cuốn; nước thể thô hơn gió, nên bị gió đùa. Sức mạnh của gió làm tan cả đất, cuộn phăng cả nước mà không thấy hình dáng tướng mạo gì. Sức mạnh của nguyên tử, của khinh khí cũng tương tợ như thế. Vọng tưởng là tướng tâm duyên theo pháp trần... nên có tướng mạo. Khi tâm ta tưởng quả núi, liền có quả núi hiện nơi tâm, tâm nhớ người liền có người hiện... Dấy tâm thì có cảnh, tâm cảnh dính liền nhau. Tâm không rời cảnh, đó là tâm hư vọng cũng gọi là vọng tưởng. Cảnh có đến ngàn vạn nên tâm duyên cảnh cũng cả trăm thứ. Có tướng mạo là tâm thô, chia nhiều thứ là bị phân tán. Tâm thô và phân tán nên công dụng của nó yếu ớt tầm thường. Khi vọng tưởng đã lặng sạch, chỉ còn một tâm thể linh minh, không hình dáng tướng mạo, nên ứng dụng vô cùng. Đến chỗ này gọi là “diệu dụng không thể nghĩ bàn”. Bởi diệu dụng không thể nghĩ bàn, nên dụ là Bảo Châu Như Ý. Nắm hạt châu này trong tay thì mọi việc đều như ý, tức là mãn nguyện tự tại. Một bên công dụng tầm thường cuộc hạn, một bên diệu dụng không thể nghĩ bàn tự do tự tại, đối chiếu nhau chúng ta thấy rõ giá trị sai biệt của đôi bên rồi. Chân lý tuyệt đối không có ở bên ngoài, mà nằm sẵn ngay nơi chúng ta. Chúng ta muốn tìm nó, phải biết quay lại mình, đừng chạy ra ngoài tìm kiếm vô ích. Chân lý tuyệt đối nơi mình, chính là ông chủ của mình, nhận ra ông chủ thì mọi chân lý trong vũ trụ đều thấy rõ. Nhận ra và sống được với ông chủ của mình thì vòng luân hồi chấm dứt, mọi khổ đau hết sạch, được giác ngộ giải thoát hoàn toàn.

Giảng:

Đó là kết luận đoạn trên. Bây giờ tôi giải thích rộng cho quý vị thấy ý nghĩa đoạn này. Tức là giá trị sau khi chúng ta nhận ra được chân lý tuyệt đối.

Trước khi muốn biết giá trị của nó, chúng ta phải biết sự lang thang khổ cực, sự mơ ước khát khao của con người. Bởi vì tất cả chúng sanh ai cũng sinh ra rồi ai cũng chết đi. Nhưng giá trị của cuộc sống là gì? Hạnh phúc của cuộc sống là gì?

Chúng ta thử đặt câu hỏi chúng ta sống để làm gì? Nếu nói cho thật thì sáng thức dậy phải có bữa cháo, trưa thì có bữa cơm, chiều thì có bữa cháo. Mai thức dậy cũng sáng cháo, trưa cơm, chiều cháo. Tôi xin nhắc lại hôm trước tôi đã nói nơi mũi của chúng ta thì hít không khí bên ngoài đem vào rồi trả ra, cả ngày mượn trả, mượn trả không bao giờ nghỉ. Nếu nghỉ thì hết một đời. Như vậy cuộc sống chỉ là vay mượn, mượn trả, mượn trả. Còn mượn là còn sống, trả đi không mượn lại là chết. Như vậy thì cuộc sống nghĩa lý là sao?

Nếu là cuộc sống thật, có giá trị thật thì tội gì phải vay mượn, tự nó đã sống rồi. Mà bây giờ không vay mượn là không sống. Bây giờ quý vị thử thở ra mà đừng thèm mượn coi. Dám không? Thở ra là trả, hít vào là mượn là sống. Nếu trả ra mà không mượn vào là chết. Như vậy ngay cuộc sống gọi là sinh mạng quý báu cao cả của con người đó, kết luận chỉ là một sự vay mượn từng hơi thở có gì lạ đâu. Còn hít vào, còn thở ra là còn sống. Nếu thở ra không hít vào là rồi một đời. Vậy lấy cái gì gọi là bảo đảm giá trị lâu dài? Lấy cái gì gọi là bảo đảm đời sống chân thật? Chẳng qua là một sự vay mượn. Suốt đời của chúng ta mấy mươi năm chỉ là một việc đó thôi. Khi nào các bộ phận ở trong mệt mỏi, nó không mượn nữa là rồi! Như vậy thôi chớ không có gì lạ hết. Đó là mượn trả của lỗ mũi.

Rồi cái miệng cũng vậy. Mượn nước đem vào rồi một lát cho ra. Mượn cơm, mượn chất bột đem vào rồi cũng cho ra. Mượn đồ tốt thì gọi là ngon, là hạnh phúc, trả ra mà được chỗ đàng hoàng cũng gọi là sung sướng. Hạnh phúc của con người là cái gì? Nếu khi mượn đồ không đàng hoàng thì buồn, trả ra mà gặp chỗ hơi khó khăn cũng tức, cũng khó chịu. Như vậy cả một đời sống chúng ta làm gì đây? Thật tình là chúng ta làm việc mượn trả, mượn trả. Mà mượn trả chu đáo thì thiên hạ gọi là cuộc sống hạnh phúc, còn mượn trả không chu đáo thì nói cuộc sống hơi khổ đau. Vậy thôi chớ không có gì lạ hơn nữa.

Bây giờ chúng ta gẫm lại, đây là chúng ta tìm chân lý chớ không phải lý thuyết. Chúng ta phải lấy trí tuệ nhìn thẳng sự thật của con người mình, rồi mình mới thấy lẽ thật là sao? Vì sống bằng cách mượn trả cho nên đức Phật nói là đời sống giả. Giả là vay mượn không thật, nếu thật thì đâu có vay mượn.

Nói giả là để cho chúng ta thấy cái giá trị tạm bợ của nó, mà người ta lại quên cứ cho nó là vĩnh cửu, cho nó là lâu dài. Đời này người ta sống tám mươi mấy tuổi cũng là khó lắm rồi. Tám mươi mấy tuổi đối với chúng ta hồi còn nhỏ thì thấy nó dài, nhưng sống tới sáu bảy mươi rồi thì thấy ngắn quá! Mỗi ngày trái đất quay vùn vụt, vùn vụt không dừng. Tối sáng, tối sáng, rồi cứ đem vào trả ra, đem vào trả ra lụi đụi bạc đầu, rồi răng rụng, rồi tới ngày mỏi mệt hết mượn là xong một đời. Cứ vậy thôi!

Như vậy giá trị con người đã tạm bợ, đã tầm thường thì chúng ta có hài lòng, có thỏa mãn trên giá trị tầm thường đó không? Nếu người trí tuệ có cái nhìn xa, tự nhiên phải thắc mắc. Sống để làm gì? Cứ vay mượn rồi trả hoài, vô nghĩa vậy sao? 

Cho nên người ta mới tìm hiểu đời người còn có cái gì cao siêu, có cái gì miên viễn nữa không hay chỉ có cái mượn trả này thôi? Do đó mới có sự khát khao tìm kiếm chân lý, tìm kiếm cái tuyệt đối. Đó là những nhà hiền triết, những học giả không kham chịu như vậy. Vô lý! Không lẽ cuộc đời cứ ăn vào rồi cho ra, đem vào rồi cho ra? Một đời như vậy thật là vô nghĩa. Phải có cái gì cao siêu hơn, có cái gì vượt ra ngoài cái tầm thường đó. Thật sự có chớ không phải không, người xưa đã tìm thấy được từ thuở nào. Thái tử Sĩ Đạt Ta nhận ra được gọi là Phật, là người giác ngộ. Lão tử nhận ra gọi là ngộ đạo.

Đạo là gì? Đạo là chỉ cho chân lý tuyệt đối, không dùng ngôn ngữ tương đối, hình tướng tương đối diễn tả được. Cho nên nói Đạo là chỗ không có lý luận, không có bàn giải được.

Chân lý tuyệt đối hay là Đạo ở nơi nào? Phải ở tận mây xanh hay ngoài biển cả, hay trong rừng rậm? Ở ngay nơi chúng ta. Như vậy ngay nơi thân tạm bợ tầm thường này có một cái cao quý nằm ở đó mà chúng ta không biết. Chính vì không biết nên chúng ta chấp nhận cái tạm bợ làm cái giá trị tuyệt đối của đời mình, cho nên nói chúng ta mê. Khi biết rõ thân này là tạm bợ, chúng ta nhận ra cái chân thật vĩnh cửu ngay nơi mình thì gọi là ngộ. Phần đó tôi đã giảng qua ở trước rồi, bây giờ không lặp lại. Tôi chỉ nói như vậy để quý vị xem lại đoạn đã giảng hôm trước, để thấy phương tiện của Phật Tổ chỉ cái vĩnh cửu đó đã sẵn ở nơi mọi người.

Vì tâm trạng khổ đau tìm kiếm mà không ra cho nên khi được ai chỉ cho mình nhận ra thì mừng vô hạn. Trong kinh Pháp Hoa, ngài Xá Lợi Phất tu hành nhiều năm chứng quả A-la-hán nhưng mà chưa nhận ra chân lý tuyệt đối của chính mình. Khi đức Phật nói kinh Pháp Hoa, chỉ tri kiến Phật là chân lý tuyệt đối đã nằm sẵn nơi mọi người thì Ngài ngộ được, sung sướng vô cùng. Ngài mới nói thí dụ chàng cùng tử đi lang thang đầu này đầu nọ xin ăn, bỏ cha mẹ, bỏ quê hương xứ sở, vất vả khổ cực không biết ngần nào. Bất chợt anh thức tỉnh, nghĩ ta còn cha mẹ, còn quê hương, tại sao ta lại lang thang thế này? Anh mới quyết tâm trở về quê tìm cha mẹ. Anh thấy cha anh bây giờ làm ông trưởng giả giàu có vô cùng, nào là nhà lầu, nào là kẻ hầu người hạ, tất cả cái gì cũng có hết, mà anh lại là một chàng ăn mày. Anh hoảng lên không dám nhận cha mình, anh bỏ chạy đi. Người cha thấy chàng ăn mày này là con mình, nó đã lưu lạc từ lâu, giờ đây nó trở về. Ông mừng quá cho người chạy theo giữ anh lại để nhận là con mình. Không ngờ vừa nắm áo anh, anh hoảng liền bất tỉnh. Anh tưởng là bắt anh hành hình. Người cha mới tìm phương tiện để đánh thức anh ta tỉnh lại. Ông trưởng giả thấy con mình tinh thần yếu đuối quá, không dám nhận mình là cha, nó tưởng ông bắt hành hình nó, cho nên ông bảo thả ra. Anh được thả nên sung sướng nghĩ ông này không hành hình mình nữa, ông tha mình.

Khi thả ra rồi, ông cha mới phương tiện mặc áo rách đi lang thang gần anh ta, rồi mới nói chuyện thân mật, mới rủ: "Chú muốn đi làm thuê có cơm ăn thì đằng kia ông đó mướn chú hốt phân, mỗi tháng trả tiền cho chú đủ sống". Nghe nói trả một số tiền nho nhỏ, anh mừng quá nói: "Dạ được, làm việc đó đủ cho tôi sống rồi". Ông trưởng giả nói: "Vậy chú về làm".

Anh về làm, đi gánh phân vậy mà sung sướng. Anh thấy bây giờ sung sướng hơn hồi xưa đi lang thang. Ông trưởng giả thấy con mình tầm thường quá, bắt nó gánh phân rồi trả tiền. Nhưng lần lần ông cũng xuống thăm chơi rồi nói: "À, chú giỏi. Thôi nghề gánh phân để cho kẻ khác, bây giờ tui đưa chú lên làm những chuyện khác". Lần lần đưa tới thư ký, quản gia.

Khi quản gia thì anh nghĩ cái gia tài kia là của ai chớ không phải của anh. Nhưng cuối cùng một hôm, ông mời hết quyến thuộc lại nói: "Đây, đứa này là con của tôi. Nó đã từng lang thang ở đâu đó, bây giờ nó trở về. Nó thật là con tôi. Tôi nhận nó là con và tôi sẽ giao hết gia tài cho nó". Chừng đó anh mừng vô hạn. Thật là một điều chưa từng có.

Thí dụ ông trưởng giả của ngài Xá Lợi Phất nói lên tâm trạng của Ngài. Từ khi lang thang trong cõi đời, mà không tự nhận ra cái chân thật, rồi khổ sở, rồi đau đớn đủ thứ. Khi được gặp Phật, Phật mới chỉ cho những phương pháp tu, nào là Thập thiện, nào Tứ đế thì thấy hài lòng quá, bao nhiêu đó đủ rồi. Có thể mình tu như vậy có phước thì sanh lên cõi trời, hoặc tiến lên nữa thì chứng tứ quả Thanh văn. Đó là hết sức sung sướng rồi. Đó là thí dụ từ gánh phân rồi lên làm quản gia.

Đến cuối cùng đức Phật mới chỉ cho tri kiến Phật sẵn có của mỗi người. Nhận được thì đủ khả năng thành Phật. Chừng nhận ra rồi thì sung sướng vô hạn, dụ như cái vui của gã cùng tử được cha trao hết gia tài của mình.

Đó là tâm trạng của ngài Xá Lợi Phất khi nhận được chân lý tuyệt đối này. Nói theo kinh Pháp Hoa là tri kiến của chính mình, là cái thấy biết Phật, là cái thấy giác ngộ chưa bao giờ bị vô thường sanh diệt. Đã có một cái vĩnh cửu miên viễn hằng hiển lộ, chưa bao giờ sanh diệt nơi mình mà mình quên không nhận. Cho nên bây giờ được Phật chỉ, nhận ra mừng vô hạn. Nhận ra chân lý tuyệt đối thì cái giá trị không gì diễn tả cho bằng. Cho nên trong Kinh thí dụ nó là hòn ngọc Minh châu hay hòn ngọc Như ý bảo châu.

Hòn ngọc Minh châu tức là hòn ngọc báu sáng suốt, giá trị không thể nghĩ bàn. Khi chúng ta nhận ra cái chân thật tuyệt đối sẵn có nơi mình rồi thì tất cả đều được như ý mình. Muốn làm lợi mình lợi người thì nó đều hiện đầy đủ. Cho nên quý báu vô cùng mà chúng ta không thấy.

Tại sao nó quý? Chúng tôi xin nhắc lại cho quý vị thấy, sinh mạng của chúng ta hiện giờ tuổi thọ dài lắm thì tám chục là cùng, tám chục tuổi đó đối với thế giới mình ở. Trong kinh Phật nói trong hư không này có vô số thế giới, mỗi thế giới to nhỏ khác nhau và sự xoay vần của nó chậm mau khác nhau. Cho nên có những thế giới một ngày một đêm bằng một thế giới khác năm, bảy trăm năm. Thí dụ cõi trời Đao Lợi sánh với cõi Ta Bà chúng ta đây thì ở trên cõi trời Đao Lợi một ngày một đêm bằng thế giới chúng ta tới năm trăm năm. Như vậy ở trên đó sống một trăm tuổi thì bằng mình ở đây sống bao nhiêu tuổi? Giá trị bảy, tám chục năm của mình sánh với các cõi kia không có nghĩa gì hết!

Còn lên các thế giới khác, tuổi thọ còn cao hơn nữa và thời gian còn dài hơn nữa. Có một thế giới gọi là cõi trời Trường Thọ, sống lâu vô hạn. Mình ở đây dài lắm chỉ tám chục năm, trong khi đó trái đất nó quay vùn vụt không phút giây nào dừng hết thì nó cứ đẩy mình tới chỗ tử. Mọi lần tôi thí dụ chiếc xe lửa, ga cuối cùng là cửa biển. Chúng ta bước lên xe lửa ấy, nó bắt đầu chạy, đường dài của nó hoặc một ngàn cây số, hai ngàn cây số, ba ngàn cây số. Khi ngồi trên xe, người ta báo cho mình biết chiếc xe này chạy tới cửa biển thì nó ùm xuống biển. Xe cứ chạy không ai có quyền ngăn nó hết, giờ nào phút nào nó cũng chạy. Mình biết nó chạy tới điểm cuối cùng là đưa mình xuống biển, như vậy thì ngồi trên xe có hồi hộp không? - Có.

Vậy mà nhiều người ngồi trên xe không hồi hợp mới lạ chớ! Vậy người đó gan quá chừng. Gan hay là tại họ dốt? Nếu là người có ý thức rõ chiếc xe này cuối đường nó đưa mình xuống biển chắc chắn không nghi ngờ. Bây giờ mình đã lỡ leo lên xe rồi thì phút giây nào cũng là phút giây đưa mình gần tới biển và sẽ ùm xuống biển chết. Như vậy có phút giây nào là phút giây an ổn đâu? Thế mà người ta cứ cười. Nhiều khi ngồi trên xe còn giành từng ổ bánh mì, rồi đánh lộn, rồi chửi bới nhau nữa. Quý vị thấy người ngồi trên xe mà không có ưu tư, không có phút giây lo lắng ùm xuống biển, mà cứ lo giành từng ổ bánh mì, bạt tai nhau, hơn thua từng lời nói, vậy người đó là người thế nào?

Quý vị nghĩ bao nhiêu đó rồi xét lại chúng ta thì thấy. Ngày nào trái đất cũng quay, giờ nào cũng là giờ đẩy chúng ta lần tới chỗ chết, chẳng khác nào chúng ta ngồi trên chiếc xe chạy không dừng, mà điểm cuối cùng là ùm xuống biển chết. Như vậy tại sao trong khi chưa chết chúng ta không tư duy để tìm ra những cái hay cho chính mình, cho nhân loại.

Đức Phật Ngài không cam chịu chờ chết, mà Ngài quyết định phải tìm cách thoát ra chớ không thể vô lý lên đó ngồi chờ chết. Do đó con đường thoát khổ là con đường thoát ly sanh tử. Mà con đường thoát ly sanh tử không ở đâu xa, không ở trên mây, trên trời hay ngoài biển, trên núi mà chính ở nơi mình. Nó đơn giản, nó gần gũi như vậy đó. Cho nên khi chúng ta nhận ra được cái bất tử nơi mình là chúng ta thoát ly sanh tử.

Như vậy nhận ra cái bất tử nơi mình sánh với qua một trận đau. Khi đau thập tử nhất sanh, có một ông lương y nói tôi có một thứ thuốc cứu được bệnh nhân sống thêm mười năm nữa thì người trong gia đình lạy ông lương y cả ngày cũng chịu nữa. Bởi vì cứu được cha mẹ mình, mẹ mình sống thêm mười năm nữa thì quý biết mấy. Như vậy mười năm sống mà quý như vậy, huống gì Phật chỉ cho cái chưa bao giờ chết. Mình nhận ra thì quý tới chừng nào! Vậy mà người ta không biết, không quý, cho nên đức Phật buộc lòng phải ví giá trị nó bằng hòn ngọc Minh Châu để chúng ta ham mà thực hành, chứ thật thì nó không phải là ngọc, cũng không phải gì hết, mà chính là sinh mạng trường cửu nằm sẵn nơi chúng ta.

Những bài hôm trước tôi đã giảng, nơi chúng ta có phần giả, có phần thật, mà chúng ta chỉ chấp nhận cái giả là mình, bỏ quên cái thật. Bỏ quên cái thật tức nhiên phải theo cái giả, vì vậy mà đi trong sanh tử. Nói như vậy sẽ có nhiều người nghi. Nếu người nào không nghe từ trước thì sẽ nghi ngờ, có nghi thì để đó hôm khác rồi nghe thêm.

Như vậy sinh mạng bất sanh bất diệt này có tuổi thọ vô lượng vô biên. Tuổi thọ đó không có giới hạn thời gian. Bên Nhật Bản có hai anh em ông Viên Thứ và Viên Ngu. Ông Viên Ngu chuyên môn niệm Phật cho tới chứng được niệm Phật tam muội, tức là được niệm Phật chánh định. Khi đó ông mới tìm tới một vị Thiền sư trưởng lão. Vị Thiền sư đó hỏi: "Ông tu theo pháp môn gì?". Ông trả lời: "Dạ con tu theo pháp môn Tịnh độ". Hỏi: "Phật Di Đà năm nay bao nhiêu tuổi rồi?". Thì ông nói: "Dạ bằng tuổi của con". Thiền sư hỏi tiếp: "Ông năm nay bao nhiêu tuổi?". - "Dạ, con bằng tuổi hư không". Bây giờ quý vị đếm hư không bao nhiêu tuổi? Trái đất người ta có thể tính nó bao nhiêu tỷ năm, nhưng mà hư không tính bao nhiêu tỷ năm từ khi có hư không tới giờ? Rồi chừng nào hư không hoại? Ông nói tuổi ông bằng tuổi hư không. Thiền sư hỏi: "Phật bây giờ ở đâu?". Ông đưa tay lên. Thiền sư nói: "Nếu như vậy ông là người chân chính tu theo Tịnh độ".

Qua câu chuyện trên quý vị thấy như là chuyện lạ lùng, ngã mạn. Tại sao dám nói mình bằng tuổi với Phật? Vậy Phật A-di-đà là gì? Chữ A-di-đà nguyên bản chữ phạn là Amita. Chúng ta đọc trại là A-di-đà. Chữ Amita có nghĩa là vô lượng thọ, vô lượng quang. Vô lượng thọ tức là tuổi thọ không lường, không cùng. Vô lượng quang là ánh sáng không ngằn mé.

Cái tuổi thọ không cùng là chân lý tuyệt đối, nó không lệ thuộc thời gian, nó vĩnh cửu trường tồn nên gọi là vô lượng thọ. Chân lý tuyệt đối đó là tánh giác nên gọi là vô lượng quang. Như vậy Phật A-di-đà bao nhiêu tuổi, trả lời rằng bằng tuổi tôi. Nếu bằng tuổi tôi mà năm nay tôi ba mươi mấy, bốn mươi mấy, hay sáu mươi mấy là đúng hay sai? - Sai. Nếu bằng tuổi tôi phải là cái tuổi chưa từng sanh diệt đó, chớ không phải cái tuổi của tôi trước kia sanh rồi bây giờ già, không phải cái tuổi đó.

Như vậy người đạt đạo là nhận ra cái chưa từng sanh, chưa từng diệt ở nơi mình. Nhận ra cái đó mới thấy mình với Phật không khác, không hai. Còn nói tôi đồng với Phật thì người ta nói ngã mạn, dám nói mình bằng với Phật. Phật ngộ được cái chân lý vĩnh cửu đó nói Ngài thành Phật. Chúng ta có mà chưa ngộ nên gọi là chúng sanh. Một ngày nào đó chúng ta ngộ được thì chúng ta cũng như Ngài, cũng đồng với Phật chứ gì. Đó là một lẽ thật, đó là giá trị lâu dài, đó là thời gian.

Bây giờ nói giá trị về không gian của cái vĩnh cửu đó. Cái vĩnh cửu đó có giá trị không gian như thế nào?

Trong kinh Hoa Nghiêm nói đức Phật có dùng thí dụ "phá vi trần, xuất kinh quyển". Đức Phật nói trong hạt bụi có một quyển Kinh lớn, lượng bằng tam thiên đại thiên thế giới. Quyển Kinh to như vậy vò lại nhét trong hạt bụi nhỏ xíu. Ngài bảo đập hạt bụi ra lấy quyển Kinh thì bao nhiêu sự thật trong vũ trụ đều biên sẵn trong quyển Kinh hết. Một khi lấy ra được thì thấy được hết khỏi tìm kiếm gì. Người khôn ngoan đập hạt bụi, lấy quyển Kinh.

Hạt bụi dụ cho thân tứ đại. Quyển Kinh dụ cho Chân tâm hay Phật tánh sẵn có nơi chúng ta. Chân tâm, Phật tánh lượng nó trùm cả vũ trụ. Đa số chúng ta nhận tâm mình là cái suy nghĩ, cái tính toán, vừa nghĩ người thì có hình ảnh người, nghĩ cảnh thì có hình ảnh cảnh. Người thì người đó to bao nhiêu, nặng bao nhiêu, tức là có giới hạn. Cảnh thì lớn bao nhiêu, rộng bao nhiêu, cũng có giới hạn. Do đó tâm vọng tưởng là tướng sanh diệt, có giới hạn.

Nếu tâm vọng tưởng lặng xuống rồi còn lại tánh giác hằng tri không tướng mạo. Không tướng mạo nên không có giới hạn. Lúc còn mắc kẹt nơi thân này thì bị gò bó trong thân. Khi nhận ra được thì không còn hạn cuộc thân này, lúc đó nó trùm khắp. Tôi thí dụ như khoảng trống trong cái ly này gọi là hư không trong cái ly. Hư không này chúng ta nói là hư không nhỏ. Tại sao nhỏ? Vì giới hạn bởi cái ly. Nếu cái ly này bể rồi thì hư không đó đồng với hư không cái nhà. Nếu cái nhà tan ra thì hư không này bao la đồng cả vũ trụ.

Như vậy hư không bị giới hạn trong một cái khuôn khổ nào đó thì có nhỏ có lớn. Nếu những cái khuôn đó tan ra thì hư không hòa đồng. Đó là thí dụ hư không. Cũng vậy tâm thể không tướng mạo mà hằng giác. Hằng giác mà không tướng mạo cho nên khi chúng ta sống được với nó, cái thân này nó hoại rồi thì tự nhiên nó trùm khắp. Vì vậy mà nói nó trùm cả tam thiên đại thiên thế giới. Tất cả vũ trụ đều ở trong đó.

Hiện giờ chúng ta nhận mình là thân tứ đại này, bề cao không tới hai thước, bề ngang có mấy tấc, sức nặng có mấy mươi ký. Bây giờ nghe ai nói có một thân trùm cả tam thiên đại thiên thế giới, làm sao mà tin nổi. Bởi vì thân này có hình tướng cho nên nó bị giới hạn. Còn cái tâm thể hằng giác không hình tướng, lấy gì giới hạn nó được. Đã không giới hạn thì làm sao nói nó bao lớn. Vì vậy cho nên nói nó trùm khắp.

Do đó trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Pháp Giới Tánh, Thiện Tài đồng tử đi tham vấn 53 vị thiện tri thức, đi tới chỗ ngài Di Lặc thì ngài Di Lặc nắm tay Thiện Tài đồng tử tới lầu các của Ngài. Cửa đóng, Ngài khảy móng tay một cái, cửa vừa mở ra thì Ngài và Thiện Tài đồng tử bước vào trong. Vừa bước vào trong thì thấy mười phương thế giới chư Phật nhiều vô lượng. Thế giới nào cũng có đức Phật đang thuyết pháp và có đồ chúng đang nghe, mà chỗ nào cũng có Thiện Tài đồng tử đứng hỏi pháp hết. Khắp mười phương thế giới chỗ nào cũng có mình hết.

Quý vị nghe câu chuyện này thấy huyền hoặc quá, nhưng không ngờ chính lý Hoa Nghiêm đó là để nói bước vào lầu các Di Lặc, tức là nhập được Pháp thân. Khi nhập được Pháp thân thì mười phương thế giới nơi nào cũng có mình hết, vì Pháp thân trùm khắp mười phương. Người không hiểu, đọc thấy Phật nói như vậy tưởng đâu là nói chuyện huyền hoặc đâu đâu, chứ không ngờ đó là giải lý thể nhập được Pháp thân thì mười phương đâu đâu cũng có mình. Đó là ý nghĩa thâm sâu.

Chúng ta hiểu được lý này rồi mới thấy thật là cao siêu. Chính mình đã có một cái cao siêu như vậy mà mình quên đi. Tự mình lãng quên cho nên nói là mê, bao giờ chúng ta nhớ nhận ra thì gọi là ngộ.

Cho nên quý vị thấy Phật dạy muốn tìm chân lý là tìm lại chính mình. Nhận ra mình rồi thì sự chân thật của vũ trụ nắm vững trong tay. Còn nếu tìm chân lý mà tìm ở ngoài thì chúng ta kiểm điểm trên vũ trụ này có bao nhiêu sự vật? Đời mình chỉ có sáu, bảy mươi tuổi thôi mà sự vật thì triệu triệu ức ức, không biết bao nhiêu mà tính. Nếu tìm ra được căn nguyên của cái này, được căn nguyên của cái kia, chừng hai ba cái thì già rồi, ba bốn cái là chết mất rồi. Còn bao nhiêu triệu, bao nhiêu ức cái khác chưa tìm ra. Cho nên tìm suốt đời mà không đến chỗ cuối cùng. Trong nhà Phật, chúng ta chỉ trở lại chính chúng ta là tìm được mình. Vì chúng ta là chánh nhân, còn thế giới là trợ nhân; hay chúng ta là chủ mà thế giới là bạn. Bạn lệ thuộc vào chủ. Nếu tìm được chủ rồi thì bạn tùy theo đó mà biết chứ không có gì hết. Vì vậy mà nói quyển Kinh trong đó viết sự thật của tam thiên đại thiên thế giới. Nếu nắm được quyển Kinh thì tất cả những lẽ thật đó mình đều biết hết.

Người học Phật là một nhà tìm chân lý chớ không phải ông thầy cúng. Nhớ giùm tôi như vậy đó. Nói tới người tu người ta nhớ ông thầy cúng, cúng một đám ăn mấy trăm, một ngàn gì đó. Như vậy là một người làm ăn chớ không phải một nhà tu Phật. Đúng một nhà tu Phật là một người tìm chân lý ngay nơi chính bản thân mình. Tìm được chân lý của mình rồi thì chân lý bên ngoài tự hiện.

Đức Phật khi ngộ đạo rồi Ngài nói Ngài biết hết những chuyện quá khứ vị lai và Ngài thấy được những vật gần xa. Do đó nói Ngài chứng được Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông v.v... Quý vị thấy Phật nói đó đâu phải là huyền hoặc nhưng sự thật trong kinh đức Phật nói: Phật nhìn trong bát nước thấy vô số vi trùng. Hồi đức Phật nói chưa có kính hiển vi thì ai mà tin điều đó, bây giờ người ta tin là nhờ khoa học. Khoa học cho mình cái kính hiển vi, rồi mình nhìn thấy trong nước có vi trùng, chừng đó mình mới tin. Phật cũng nói ta thấy trong thân người có vô số vi trùng. Làm sao tin được? Thân mình tại sao có vi trùng? Bây giờ theo khoa học, người ta nghiên cứu thấy trong thân này có vô số vi trùng nó đang sinh trưởng, đang hoạt động.

Như vậy chúng ta thấy Phật nói là do Ngài thấy sự thật sau khi ngộ đạo rồi nói. Hồi trước tôi học trong kinh Phật, tôi không dám tin, trong đó nói thế giới loài người từ đâu mà có, ông bà tổ tiên mình từ đâu mà lại. Việc này nhiều triết gia đặt ra nhiều thuyết, nào là từ con khỉ tiến lên, nào là từ con sứa ngoài biển làm nên v.v... Nhưng Phật không nói vậy, mà nói thế giới này thành là do sau một thời kỳ cháy rực, qua những đám mưa, nó nguội lại nó còn ánh sáng. Những vị ở cõi trời Phạm Thiên, tức là chúng sanh ở một thế giới khác dùng thần thông đến thế giới này là do có ánh sáng nên tìm tới. Ở thế giới này có những món ăn lạ lạ, nếm ăn thử, ăn thấy ngon. Ăn ngon nên thích, mất hết thần thông về không được, thành ra mắc kẹt ở đây thành thủy tổ loài người.

Nói như vậy hồi đó tôi không dám tin. Vô lý quá! Ở đâu trên kia có thần thông do thấy ánh sáng tìm tới đây ăn rồi mắc kẹt ở lại đây. Nhưng bây giờ những phi hành gia đi lên cung trăng là do thấy ánh sáng mà tìm tới chứ gì. Theo khoa học thấy có lý rõ ràng chớ không phải con khỉ tiến lên con người, cũng không phải con sứa tiến lên con người, mà vì ở trong vũ trụ có vô lượng thế giới. Thế giới này sắp hoại, người ta có thần thông, tức là có những cái khôn ngoan chế biến được những máy móc đi tới thế giới khác. Khi tới thế giới khác, có duyên sự mắc kẹt ở đó, rồi làm thủy tổ loài người ở đó. Sau này hỏi tổ tiên loài người ở đâu lại đây, cũng không biết ở đâu lại. Rồi tưởng tượng đặt ra thuyết này thuyết kia, vì khi mới tới làm gì có phương tiện mà biên lịch sử. Ở đó bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp mới đông đảo, mới thành nước này, nước kia rồi chừng đó mới có lịch sử. Chừng tìm lịch sử thì mình bí không biết gốc từ đâu?

Tôi nói một, hai cái nho nhỏ để quý vị thấy trong kinh đức Phật nói, mới đọc chúng ta thấy như mơ màng. Lạ quá! Nhưng chúng ta thấy có lý vì nhờ khoa học bây giờ càng ngày càng tiến. Chính khi phi thuyền lên mặt trăng tôi thấy giông giống như câu chuyện người ở Phạm Thiên lại đây. Chúng ta sở dĩ biết tìm lên đó là tại thấy ánh sáng. Nếu trục trặc máy móc thì ở lại trên đó chứ gì. Mà nếu đi có hai người đàn ông thì thôi, chứ nếu có một bà một ông mà kẹt lại thì sanh con đẻ cháu, thành thủy tổ loài người ở nơi đó. Chuyện đó thì có thể xảy ra. Trong kinh Phật nói thì thế giới chúng ta đang ở thời kỳ giảm, giảm cho tới khi sắp hoại thì lúc đó chúng ta có phương tiện dời đi nơi khác. Biết đâu, các nhà khoa học cứ phát minh chế tạo, ngày nào đó thấy thế giới rung rinh họ chở con người gởi lên thế giới khác, hoặc là hỏa tinh hay mặt trăng, hay đâu đâu chẳng hạn để cho con người sinh sống ở đó. Như vậy con người sinh ra con người chớ không phải con khỉ, con sứa tiến lên làm người. Người ở thế giới này dời qua thế giới khác vì thế giới vô lượng vô biên, đâu phải một. Tại vì sự hiểu biết của con người ngày xưa chỉ giới hạn trên bộ óc, trên quả địa cầu của mình, ngoài ra thì không biết gì nữa. Cho nên cái gì cũng lập luận và nói theo quả địa cầu của mình thôi. Rồi tưởng tượng thế này, tưởng tượng thế kia. Bây giờ biết được nhiều thế giới, nhiều hành tinh khác nữa thì mình mới thấy nó lạ hơn.

Như vậy ngày xưa đức Phật nói Ngài không cần suy nghiệm, không cần nghiên cứu gì hết. Ngài thấy vậy, nói vậy. Bây giờ nhờ phương tiện khoa học lần lần chứng minh được lời Ngài nói. Tại sao Ngài biết? Do Ngài nhận được cái chân thật nên thấy hết những lẽ thật ở bên ngoài. Còn chúng ta không nhận ra cái thật của mình, cứ đi tìm cái thật ở bên ngoài. Dầu tìm được một trăm cái thật ở ngoài mà quên mất cái thật chính mình thì cái ngoài cũng trở thành vô nghĩa.

Đức Phật chỉ nơi chúng ta đã sẵn có cái bất sanh bất diệt, nếu chúng ta khéo nhận ra là giác ngộ. Nhận ra rồi sống với nó, không lệ thuộc vào cái giả tạm vay mượn này thì chúng ta miên viễn bất tử. Bất tử là cái thân tạm này rã rồi thì sống với cái thật, không bao giờ mất, chớ không phải bất tử là giữ cái tạm này còn hoài.

Phật đã giải thoát sanh tử, sao Ngài tám mươi tuổi chết? Nếu Ngài đã giải thoát sanh tử thì phải sống hoài, tại sao Ngài chết? Bởi vì người ta cứ cho cái thân tạm này là mình thật, cho nên tưởng giải thoát là giữ được cái thân này, chứ không ngờ giải thoát là ngay nơi thân này nhận ra chân lý bất sanh bất diệt, không tướng mạo. Còn thân này là cái vay mượn thì phải trả. Trả nó mà mình sống được với cái bất sanh bất diệt của chính mình thì gọi là bất tử. Niết bàn nghĩa là vô sanh. Vô sanh tức là bất tử. Nghĩa là không sanh thì lấy gì tử. Nếu có sanh tức là có tử.

Hiểu như vậy quý vị mới thấy ý nghĩa cao siêu của Phật pháp. Như hồi nãy tôi nói, nhận được Pháp thân này rồi thì tâm thể trùm khắp. Cho nên trong kinh Duy-ma-cật nói, ông Duy-ma-cật đưa tay lên dời thế giới ở phương đông qua bên kia. Hỏi cái tay ông bao lớn mà từ thế giới này đưa tới thế giới kia và dời cả thế giới đi chỗ khác được? Đó chẳng qua là cái lý nhận được Pháp thân trùm khắp rồi thì bao nhiêu thế giới đều nằm trong đó, tự tại không có gì là ngoài hết, cho nên gọi là thần thông tự tại. Cái đó là cái quá sức tưởng tượng của con người.

Trong kinh Lăng Nghiêm, khi ngài A-nan ngộ được chân tâm này rồi, Ngài nói với Phật: "Con xem thân cha mẹ sanh như hạt bụi trong hư không, như hòn bọt ngoài biển cả". Biển cả mênh mông như vậy, hòn bọt đối với biển cả thì hòn bọt có thấm vào đâu? Hư không thênh thang, một hạt bụi nhỏ xíu trong đó có nghĩa lý gì? Nhưng mà than ôi chúng ta chỉ biết hạt bụi, chúng ta chỉ biết hòn bọt mà không biết hư không, không biết biển cả! Nếu một khi thấy được biển cả, nhận được hư không thì hòn bọt, hạt bụi trở thành vô nghĩa. Vì vậy mà các Ngài coi sự sanh tử của thân này như trò chơi. Gần chết thì cười chơi, không tiếc, không khóc gì hết. Còn mình tại thấy nó thật, nó quý quá cho nên gần chết thì khóc bù lu bù loa, khổ não đủ thứ hết. Tại sao? Vì cho nó là quý, là tột rồi.

Một Thiền sư Việt Nam, Tuệ Trung Thượng Sĩ là một cư sĩ đời Trần khi ngộ đạo rồi, có người đem việc sanh tử ra hỏi, thì ông nói rằng:

Trường không túng sử song phi cốc

Cự hải hà phòng nhất điểm âu?

Nghĩa là trong hư không này, giả dụ như người ta ném hai vành xe, hai vành xe đối với hư không không có nghĩa lý gì? Ngoài biển cả mênh mông kia có hòn bọt, hòn bọt có thấm gì với biển cả?

Chúng ta cứ sợ sệt, lo âu về cái thân này già, bệnh, chết. Vì chúng ta không nhận ra được cái thể chân thật nên mới lo. Nếu chúng ta nhận được cái thể chân thật rồi thì cái thể chân thật vĩnh cửu mới là cứu kính, mới là chân thật, còn thân này có nghĩa lý vào đâu! Hiểu như vậy thì thấy sanh tử là tự tại, không còn lo rầu, không còn sợ sệt. Còn không hiểu như vậy thì gần tắt thở là rầu buồn, lo sợ.

Đến đây tôi muốn dùng thí dụ để cho quý vị thấy cái có tướng mạo, cái không có tướng mạo và diệu dụng chúng mạnh yếu khác nhau thế nào?

Ở đời người ta tưởng cái gì có tướng mạo thô là mạnh, cái gì có tướng mạo tế là yếu, nhưng mà không phải. Cái tướng mạo thô lại là yếu, cái tướng mạo tế lại là mạnh hơn. Thí dụ như tứ đại, khối đất chúng ta tưởng đất là cứng là chắc, nhưng nước nhỏ một hồi thì đất bị mòn, bị lủng, bị rã. Đó là những giọt nước nhỏ. Còn nếu gặp một trận lụt to thì đất bị cuốn đi. Như vậy đất cứng mà thua sức mạnh của nước. Nước cuốn được đất mà đất không cuốn được nước. Sức mạnh của nước hơn đất. Mà nước thì lỏng và mềm, đẩy tới đẩy lui được, không có gì chướng ngại hết. Còn đất thì cứng, chướng ngại. Cái chướng ngại cứng chắc lại yếu hơn cái mềm. Như vậy nước mạnh hơn đất.

Rồi tới gió với nước. Nước có tướng mạo, còn gió thì không ai thấy tướng mạo. Gió không tướng mạo mà tác dụng của gió là làm nhà sập, gãy cây, làm đất rung rinh, nước dậy sóng v.v...

Cái không tướng mạo mạnh hơn cái có tướng mạo. Cũng vậy, vọng tưởng là cái có tướng mạo nên vọng tưởng yếu. Tâm thể thanh tịnh không có tướng mạo nên mạnh. Bởi vậy cái dụng không thể nghĩ bàn, không thể lường được.

Thế nên người sống được với tâm thể thanh tịnh thì cái dụng không thể nào tính kể. Như bây giờ khoa học phát minh những hóa chất, càng vi tế lại càng nguy hiểm hơn. Từ nguyên tử tới khinh khí v.v... càng nhỏ chừng nào thì sức mạnh của nó càng lợi hại hơn cái lớn. Đó là sức mạnh của những chất càng vi tế chừng nào càng mạnh mẽ chừng nấy.

Vọng tưởng chỉ có những tác dụng làm cho chúng ta hiểu biết, phân biệt cái này cái kia, hoặc làm cho chúng ta nổi giận, hoặc làm cho chúng ta sầu buồn v.v... Những cái đó chưa phải là mạnh. Mà chính là lặng hết những vọng tưởng, chỉ còn tâm thể thanh tịnh, không có tướng mạo, cái đó mạnh vô cùng.

Chủ yếu của người tu là trở về cái chân thật. Cho nên nói tu để tâm định, dừng mọi vọng tưởng, tâm lặng yên. Sống với tâm thể tràn ngập lặng lẽ đó thôi. Tâm thể tràn ngập lặng lẽ đó là chân lý tuyệt đối hay gọi là ông chủ của chính mình, hay gọi là Phật tánh, hay gọi là Chân tâm v.v... Những tên đó đều là chỉ cho chân lý tuyệt đối, đó là chánh pháp của đức Phật dạy.

Bây giờ tới mục thứ ba là "Học Phật bằng cách nào?".

Tôi xin nhắc lại những phần quý vị đã học.

Chúng ta muốn hiểu đạo Phật thì chỉ có mấy vấn đề then chốt.

- Trước hết biết Phật là gì? Đó là vấn đề đầu tiên. Mình muốn theo người đó phải biết người đó làm gì? Tại sao mình theo người đó? Biết được người đó rồi mới nói chuyện theo người đó.

- Biết đức Phật rồi, kế đó Ngài dạy cái gì? Là giáo lý, tức là Phật pháp. Bây giờ phải tìm hiểu Phật pháp là giáo lý của Ngài để lại, cái đó là cái gì? Đó là vấn đề thứ hai. Biết Phật và biết giáo pháp Phật rồi tới vấn đề thứ ba.

Phải học Phật bằng cách nào? Đó là then chốt thứ ba.

 

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 91076
  • Online: 21