Chơn tâm sờ sờ

09/06/2022 | Lượt xem: 5406

HT.Thích Thông Phương

Nói đến tâm hay cái BIẾT, thì hẳn là chúng ta ai mà không có? Dù kẻ thông minh hay người ngu độn, kẻ câm điếc hay mù lòa, tàn tật cả đến kẻ say rượu, người điên cuồng… đã sinh ra đời ai ai cũng đều có đủ như nhau. Nếu không thì đã thành khúc cây hay hòn đá còn đâu. Vừa mới sinh ra, thì “BIẾT OA OA” khóc ré lên rồi lúc khát sữa thì BIẾT đòi bú. Tiếp theo BIẾT bò, BIẾT đi, BIẾT nói. Hơi lớn lên thì BIẾT buồn, BIẾT giận, BIẾT yêu, BIẾT ghét, BIẾT hơn, BIẾT thua … Cho đến trong cơn “thập tử nhứt sanh”, thì cũng vẫn còn BIẾT sợ, BIẾT trối trăn.

 

Có thể nói, từ lúc mới sinh ra cho đến khi sắp chết, cái BIẾT này nó chưa từng thiếu vắng với chúng ta bao giờ. Cho dù anh là người Việt, người Lào, người Miên, người Trung Hoa, người Pháp, người Anh, hay người Mỹ… hoặc anh là người Phật giáo, người Thiên Chúa giáo, người Hồi giáo, hay người Ấn Độ giáo… cái BIẾT này cũng vẫn có đủ như nhau, không phân biệt màu da chủng tộc, không phân chia giai cấp tôn giáo hay đảng phái. Vậy thì tại sao chúng ta ai ai cũng đang lo chạy đuổi tìm HIỂU BIẾT? Kẽ hở đó là ở tại chỗ nào?
Ồ! Có gì là lạ lùng đâu, chỉ vì chúng ta ai ai cũng cứ lo nhìn theo những làn sóng nhấp nhô lên xuống hấp dẫn kia, rồi mặc tình lặn hụp mệt nhoài trong đó. Cứ bị hết LƯỢN SÓNG BIẾT này tiếp nối LƯỢN SÓNG BIẾT kia lôi kéo mà chạy mãi không phút giây dừng nghỉ. Rồi có khi cơn gió tạm yên, những lượn sóng nhẹ dừng đôi chút, thì chúng ta liền chới với, quơ tay tìm kiếm lại, mà quên mất rằng “NƯỚC VẪN CÒN ĐÂY!”
Quả thực tự đáng thương cho chúng ta vô cùng. Anh hãy nhìn kỹ lại xem, nếu bảo rằng chúng ta không có nó, thì khi gió thổi “CẢM NGHE MÁT RƯỢI” làn da đó là gì? Ngay khi này chúng ta có suy nghĩ chi đâu? Nhưng nó vẫn hiện hữu ra đó không ai ngăn cản được. Còn kia, anh đang đi bình thản, bất chợt nghe tiếng gọi tên mình, tức liền quay đầu ngó lại, đâu có suy nghĩ cái gì phải không? Vậy thì đã có CÁI GÌ TRONG ĐÓ mà khiến ra như thế? Và đây nữa, khi nghe tiếng bảng đánh lên, cũng nào có suy nghĩ gì đâu, vậy thì sao lại BIẾT mặc áo đi ăn cơm? Có cái gì kỳ đặc trong đó?
Phải nói rằng, lâu nay chúng ta đã sống mà chưa từng BIẾT sống chi cả. Chỉ sống bằng cái sanh diệt chập chờn không đâu, sống bằng những cái bóng dáng “Ở NƠI NÀO”, “CỦA THUỞ ẤY” mà chưa từng bao giờ sống thực với cái “ĐANG LÀ”! “CÁI HIỆN TIỀN ĐANG SÁNG RỰC” nơi ta. Đó là chỗ người xưa bảo, chỉ sống với vọng thức mà bỏ quên chơn thức. Tuy nhiên, từ trước đến giờ chúng ta đã bị những danh từ nó che mờ quá nhiều mà không thông được nghĩa thật. Nghe nói vọng thức, chơn thức, thức này thức nọ, sáu thức, tám thức… rồi cứ lo định nghĩ những danh từ đó thôi, chứ nào nhận thấy đâu là sự thật.
Giờ đây, chúng ta hãy gạt qua hết những danh từ phiền phức đó đi, không nói chơn nói vọng gì nữa cả, mà chỉ tóm lại có hai phần đơn giản cho dễ nhận:
- Một là phần nổi, tức phần biểu hiện ra bên ngoài mà chúng ta hằng sống bấy lâu nay. Phần này năng lực của nó rất là hạn cuộc, nhỏ nhoi không đáng kể gì, nhưng chính chúng ta lại lấy đó làm lẽ sống quan trọng nhất của đời mình.
- Hai là phần tiềm ẩn bên trong chính đây là “NGUỒN SỐNG VÔ BIÊN”, là năng lực dự trữ không cùng tận, mà trái lại chúng ta vẫn hằng bỏ quên, chưa từng có giây phút nào nhớ lại. Chỗ này chúng ta xin đơn cử một thí dụ; như điện cũng hai phần, phần biểu hiện ra ngoài và phần dự trữ vô biên trong vũ trụ. Chúng ta thường chỉ BIẾT điện ở bóng đèn, ở quạt máy, ở radio, ở tivi, ở tủ lạnh… mà ít ai BIẾT đến nguồn điện tràn đầy trong vũ trụ vô biên kia. Vì vậy đối với chúng ta, khi mất điện thì chỉ lo chạy đi tìm điện. Còn đối với các nhà khoa học thì họ BIẾT được nguồn điện này, nên họ BIẾT điện luôn luôn sẵn có ở khắp nơi và họ nghiên cứu tìm nhiều phương tiện phát ra điện. Xa hơn nữa, họ còn BIẾT khai thác nguồn điện này thành những năng lực phi thường mà ít ai ngờ tới được. Đó là những nhà khoa học vật chất.
Cũng vậy, chúng ta vì chỉ BIẾt sống với phần thức biểu hiện bên ngoài, mà không hề BIẾT đến phần thức thuộc về NĂNG LỰC LUÔN TIỀM ẨN BÊN TRONG, nên sự hiểu BIẾT của chúng ta cũng rất là hạn chế, và chúng ta luôn luôn phập phồng lo sợ mất nó, thiếu nó. Đó là lý do mình cứ SĂN TÌM HIỂU BIẾT không thôi. Còn đối với Chư Tổ, các Ngài như những “NHÀ KHOA HỌC TÂM LINH” phát hiện và sống được với “NGUỒN SỐNG” bên trong của thức, nên các Ngài có những hiểu BIẾT vượt xa cái hiểu BIẾT tầm thường của chúng ta, đồng thời có sức diệu dụng không thể nghĩ bàn. Các Ngài cũng là người, các Ngài đã làm được việc đó, chúng ta cũng là người vậy thì tại sao chúng ta không thể làm được? Sao chúng ta không là những nhà khoa học tâm linh, để khai thác NGUỒN NĂNG LỰC DỰ TRỮ VÔ BIÊN đang tiềm ẩn ở phần thức bên trong kia? Bởi vậy Chư Tổ hết lòng thương xót dùng đủ mọi phương tiện hay khéo để đánh thức cho ta giựt mình tỉnh lại. Và đây, chúng ta hãy lặng lòng mà nhìn lại xem các nhà khoa học tâm linh ấy hé mở cho mình thấy “NGUỒN SỐNG TRÀN ĐẦY VÔ BIÊN” đó?
Ngài Linh Mặc khi đến với tổ Thạch Đầu, duyên không khế hợp liền từ giã ra đi. Tổ Thạch Đầu tiễn Sư ra đến cổng, liền gọi to: Xà lê! Sư liền quay đầu ngó lại, thì liền bị Tổ giáng thêm một câu: - Từ sinh đến tử chỉ là cái ấy, xoay đầu chuyển não làm gì? Tức thì ngay đó Sư liền thức tỉnh “NÓ VẪN SẴN NƠI ĐÂY”. Nếu không, thì làm sao “BIẾT XOAY ĐẦU” ngó lại?
Hoàng Sơn Cốc đến nương theo ngài Hối Đường và xin chỉ cho chỗ thẳng tắt. Hối Đường bảo: Như Khổng Tử nói “Này các trò, cho là ta giấu giếm ư? Ta không có giấu giếm gì các trò cả.” Thái Sử căn cứ vào đâu mà lý luận? Ông suy nghĩ để đáp, thì Hối Đường liền bảo: Chẳng đúng! Chẳng đúng! Ông càng mê muội. Một hôm ông theo hầu Hối Đường dạo núi, nhằm lúc hoa quế rụng đầy đất. Hối Đường hỏi: Ông có ngửi thấy mùi thơm hoa quế chăng? Ông đáp: Dạ ngửi thấy. Hối Đường liền chọc thẳng một câu: Ta không có giấu giếm gì ông cả. Ngay đó ông liền sống dậy với cái “ĐANG HIỆN TIỀN MUÔN THUỞ CÒN ĐÂY”. Nếu quả thực nó đang thiếu vắng, thì cái gì “NGỬI BIẾT” mùi thơm hoa quế?
Trở lại Lục Tổ, khi Ngài nghe hai ông tăng cãi nhau về phướn động và gió động, Tổ liền bảo: Tâm nhơn giả động: Chúng ta có ai thấy được ý Tổ hay chưa? Ông Tăng chỉ lo đuổi theo cái bóng bên ngoài mà thực tình đã quên mất cái gì đang “SỜ SỜ BIẾT ĐỘNG” ở đây. Đó mới là chỗ cốt yếu của vấn đề, nếu không có nó thì gió và phướn cũng thành vô nghĩa vậy thôi. Do đó khi nghe câu này, hai ông tăng liền giựt mình BIẾT đây không phải là hạng người tầm thường, mới liền vào báo cho ngài Ấn Tông hay.
Qua đến ngài Đạo Ngộ với Sùng Tín sự thật này hiển bày lồ lộ trong tất cả mọi cử chỉ oai nghi. Sùng Tín hầu ngài Đạo Ngộ đã lâu mà không thấy chỉ dạy gì, một hôm lòng tha thiết quá mức không kềm được nữa, Sư bèn đến thưa với thầy rằng: Con từ khi vào cho đến nay, chưa được thầy chỉ dạy gì về tâm yếu cả. Ngài Đạo Ngộ liền đáp một cách bất ngờ: Ta chưa từng chẳng chỉ dạy cho ông. Sùng Tín sửng sốt không hiểu, thưa lại: Bạch Thầy đã chỉ dạy cho con ở lúc nào? Ngài Đạo Ngộ liền bảo ngay: Ông bưng cơm thì ta tiếp, ông dâng trà thì ta nhận, ông xá lui thì ta gật đầu, có lúc nào không chỉ dạy cho ông đâu? Tuy nhiên Sùng Tín chưa nhận ra, cúi đầu trầm ngâm suy nghĩ. Đạo Ngộ liền bồi thêm một câu: Nhận thì ngay đó liền nhận, suy nghĩ liền sai. Tức thì Sùng Tín ngay đó liền nhận ra cái “SỜ SỜ LUÔN CÓ MẶT Ở BÊN MÌNH”, hết một đời lang thang tìm kiếm. Thực sự là vậy, nếu không có nó, thì cái gì “BIẾT LÀM” những chuyện trên đây? Đúng như Chư Tổ thường quở trách chúng ta là “ĐANG LẶN HỤP Ở TRONG NƯỚC MÀ GIƠ TAY ĐÒI NƯỚC”, không oan ức chút nào!
Đến trường hợp ngài Động Sơn Thủ Sơ ở nơi Vân Môn, thì cái BIẾT này bày rõ trong khoảng hỏi đáp mà không hay. Sư đến, Vân Môn hỏi: Ở đâu đến? Sư thưa: Ở Tra Độ. Vân Môn hỏi thêm: - Mùa hạ rồi ở đâu? Sư đáp: Tại chùa Báo Từ ở Hồ Nam. Vân Môn lại hỏi tiếp: Rời nơi đó lúc nào? Sư đáp: Ngày 25 tháng 8. Tiếp theo thì bất ngờ Vân Môn bảo: Tha cho ông ba gậy! Sư cũng quá sức ngạc nhiên không hiểu, ôm thắc mắc lui về phòng mà nghi mãi khiến trằn trọc suốt đêm. Sáng hôm sau vội liền đến thưa hỏi: Hôm qua nhờ ơn Hòa Thượng tha cho ba gậy, chẳng BIẾT con lỗi tại chỗ nào? Vân Môn liền bảo ngay: Cái túi cơm! Giang Tây Hồ Nam liền thế ấy! Ngay đó Sư liền đại ngộ.
Chúng ta có ai thấy được Sư ngộ cái gì hay chưa? Và ba gậy kia là đáng ăn hay không đáng ăn? Chính đây là chỗ ít ai vượt qua nổi. Ban đầu mỗi câu hỏi đều đáp rõ ràng rành rẽ, nếu không có nó thì cái gì “BIẾT ĐÁP” trôi chảy như trên? Nhưng tại sao khi vừa nghe tiếng “BA GẬY” liền mờ mịt tối tăm thế ấy? Có phải là đã “THEO LỜI MÀ SANH CHUYỂN” hay không? Đến nỗi trải qua một đêm dài, trằn trọc bất an không sao ngủ được, cứ phải thắc mắc tự hỏi hoài không BIẾT mình lỗi ở chỗ nào mà phải ăn gậy? Thì sáng ra vội vàng đến thưa hỏi lại, qua một câu đánh thức của ngài Vân Môn, Sự chợt liền tỉnh ngay: quả thực là dù ở Mã Tổ hay Thạch Đầu (Giang Tây là chỗ Mã Tổ, Hồ Nam là chỗ Thạch Đầu) cũng chỉ là MỘT CÁI ẤY THÔI, chớ có thêm cái gì nữa đâu. Tức thì ngay đó nắm tay cùng chư Tổ đồng đi vậy! Một kiếp phong trần lang thang tìm kiếm giờ không phải nhọc gì mà nó vẫn Ở SẴN NGAY ĐÂY. Còn gì vui sướng hơn nữa!
Còn ngài Đức Sơn ở Long Đàm thì cái này nó hiện ở nơi đâu? Đức Sơn hầu ngài Sùng Tín quá khuya, Sùng Tín bảo: Sao không xuống đi? Sư vừa đi ra cửa, liền trở vào thưa: Bên ngoài tối đen. Sùng Tín đốt đèn đưa cho Sư. Sư vừa đưa tay đón nhận thì Sùng Tín liền thổi tắt.
Mới xem qua tưởng chừng như thầy trò đùa nhau, mà thực đã bày rõ ràng cái “ĐANG HIỆN SẴN CÓ”, không thì cái gì “BIẾT ĐƯA TAY” ra đón nhận? Ngay đó quá đầy đủ rồi còn nhận lấy cái gì thêm nữa cho dư? Bởi thế ngọn đèn Sùng Tín vừa thổi tắt, thì ngọn đèn Đức Sơn tự bừng sáng lên từ thuở nào rồi! Đó mới là ánh sáng chân thực muôn đời không mất, còn nhận lấy từ bên ngoài vào thì có lúc phải đành chịu tắt để tối như xưa. Vậy thử hỏi, trong chúng ta đây có ai đã chịu thắp sáng lên chưa? Hay vẫn cứ đưa tay tìm bắt bên ngoài mãi mãi!
Cho nên, khi đã rõ rồi thì diệu dụng của nó luôn luôn tràn ngập khắp nơi, cần dùng liền dùng, suốt thông không còn gì ngăn ngại. Chẳng vậy thì, dù đối diện hiện tiền mà vẫn tối tăm mờ mịt.
Tổ Quy Sơn có lần muốn thử xem ngài Ngưỡng Sơn hiện dụng như thế nào, nhân đang đi hái trà, liền bảo: Cả ngày hái trà chỉ nghe tiếng con mà chẳng thấy hình con, vậy con hãy thử hiện hình cho thầy xem! Ngưỡng Sơn liền “RUNG CÂY TRÀ”. Quy Sơn bảo: Con chỉ được “DỤNG” mà không được “THỂ”. Ngưỡng Sơn thưa: Hòa thượng thì thế nào? Quy Sơn liền im lặng. Ngưỡng Sơn nói: Hòa thượng chỉ được “THỂ” mà không được “DỤNG”. Đây quả thực thầy trò Quy Ngưỡng khéo bày thể dụng. Tuy nhiên như thế, cái “DỤNG” thì dễ thấy rồi, còn cái “THỂ” thì sao? Nếu nhằm chỗ im lặng của Quy Sơn mà hiểu cái “THỂ”, thì quả là chết chìm trong không vậy. Đâu hiểu rằng, dù nói hay im cũng chỉ là tướng sinh diệt đấy thôi, mà phải nhìn thấu TRONG CHỖ IM LẶNG KIA rất có “Ý MẦU”!
Điểm nổi bật rõ ràng nhất cho chúng ta thấy là Tổ Huệ Khả một hôm đến trình với Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma: - Con bây giờ đã dứt bặt hết các duyên. Sơ Tổ gạn bảo: Có rơi vào đoạn diệt chăng? Tổ Huệ Khả đáp quả quyết: Chẳng rơi vào đoạn diệt. Sơ Tổ gạn thêm: Làm sao BIẾT chẳng rơi vào đoạn diệt? Tổ Huệ Khả liền thưa ngay không chút suy nghĩ: RÕ RÀNG THƯỜNG BIẾT, nói không thể đến. Sơ Tổ ấn khả: ĐÂY LÀ CHỖ TÂM THỂ CỦA CHƯ PHẬT ĐÃ TRUYỀN, trọn chớ có nghi ngờ!
Đúng thực là thế, bao nhiêu những lượn sóng sinh diệt nó có thể dừng lặng, còn cái nầy là cái “THỂ HIỆN HỮU MUÔN ĐỜi” thì đâu lẽ nào đoạn diệt theo nó. Người đã thực sự sống trong đây thì rõ ràng không còn gì nghi nữa. Chỉ những ai còn đang đuổi theo chụp bắt những bóng dáng sanh diệt kia mới sinh nghi thế nầy thế nọ. Riêng có một điều tối quan trọng là “NÓI KHÔNG THỂ ĐẾN”. Chính đó là chỗ truyền của chư Phật là mật ấn của Tổ Sư. Vì sao? Bởi dù “NÓ RÕ RÀNG THƯỜNG BIẾT”, nó sờ sờ ra đó, nhưng làm sao nói tột đến được? Nếu chúng ta một bề nghe nói rồi nhằm trên những tướng biểu hiện ra đó mà bám lấy, thì những tướng này cũng là tướng sanh diệt đấy thôi. Khi xoay đầu thì đến lúc không có đầu lấy gì xoay? Nghe bảng mặc áo, rung cây trà, nói năng hỏi đáp, cúi ngước tới lui, đưa tay rút tay, có ngoài tướng sanh diệt chi đâu? Làm sao dám bảo đảm là chỗ nương tựa muôn đời mãi mãi cho mình? Do đó, xét cho tột lý thì những điều đã nêu ra từ trước đến đây cũng chỉ là NÓI BÓNG GIÓ, khiến người NHÂN CÁI NÀY mà nhận ra “CÁI KIA” vậy thôi, chứ nào đã từng đụng đến chỗ này.
Bởi vậy, đến chỗ tột này thì người người không thể dùng cái hiểu theo thường tình của mình mà hiểu nổi, từ đó có kẻ lại sinh ra phỉ báng cho rằng nó không có. Tuy nhiên dù người cho rằng nó “CÓ” hay “KHÔNG CÓ” cứ mặc, tới chỗ này thì “NÓ VẪN LÀ NÓ” không can hệ gì đến những lời vớ vẩn kia đây. Chính vì thế mà đến chỗ cuối cùng này, mỗi khi được hỏi tới thì chư Tổ chỉ khăng khăng đáp rằng: KHÔNG BIẾT! KHÔNG BIẾT! Mặc cho người lý luận phải quấy hay chỉ trích bàn tán lăng xăng, nhưng: NÓ VẪN SỜ SỜ ĐẤY THÔI! Đó là MỘT SỰ THẬT MUÔN ĐỜi XIN GỞi LẠI CHO TẤT CẢ AI AI!
Bài thơ xin tóm kết:
            Xưa nay trước mắt sờ sờ,
            Có gì thiếu thốn mà quơ thêm vào.
            Khiến cho đã sáng từ lâu,
            Trở thành mờ tối còn đâu thuở nào?
            Khuyên anh hãy thức đi mau!
            Chớ đừng mơ nữa, mà lau mặt mình.
            Bao nhiêu mộng mị hãy xin,
            Trả về cho lúc chưa thành có Ta.
            Sống liền ngay cái “ĐANG LÀ”,
            “HIỆN TIỀN SÁNG RỰC” nơi ta muôn đời.
            Còn bao chữ nghĩa xin thôi,
            Trăng tâm, mắt tuệ cũng LỜI TRÊN MÔI.

Các bài mới

Các bài đã đăng

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 88752
  • Online: 27