Chứng đạo ca giảng luận ( Phần 10)
29/06/2017 | Lượt xem: 3892
TT.Thích Thông Phương dịch và giảng
56- Tại dục hành thiền sức thấy biết,
Sen vẫn nở tươi trong lửa cháy.
Dõng Thí phạm trọng ngộ vô sinh,
Sớm đà thành Phật nay còn đấy!
GIẢNG:
Thiền sư Huyền Giác nói ở ngay trong cõi dục mà thực hành thiền, sống được thiền, đó chính là sức trí tuệ Bát-nhã. Sức mạnh đó giống như hoa sen vẫn nở tươi trong lửa cháy đỏ, đó mới là sức sống thật.
Nghĩa là ngay trong cảnh dục mà vẫn hành thiền, vẫn sống được thiền thì đó là sức mạnh thấy biết chân thật của Bát-nhã, sức giác ngộ thật sự.
Xưa, có vị pháp sư đến luận đạo với thiền sư Đại Nghĩa - Nga Hồ hỏi : “Cõi dục không có thiền, thiền là ở cõi sắc vậy thì đất này y cứ vào đâu mà lập thiền?” .thiền sư Đại Nghĩa đáp: “Pháp sư chỉ biết là cõi dục không có thiền, mà chẳng biết cõi thiền không có dục” Đáp rất hay.
Bởi vì từ sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền thuộc sắc giới, cõi dục thì không có. Còn Bát định thì thuộc cõi Vô sắc, nên Pháp sư mới hỏi câu trên.
Song, thiền sư đáp là các vị chỉ biết cõi dục không có thiền, nhưng các vị quên là trong cõi thiền thì không có dục. Tức là ngay trong cõi dục này, mà chúng ta sống được với tâm thiền thì đâu có dục. Vì các vị lo phân tích theo chữ nghĩa nên mới thấy như vậy. Nếu ngay đây các vị sống được với tâm thiền thì dục đâu đến được trong đó, đâu phải bỏ cõi này để lên tới cõi thiền sắc giới. Đó, chính là sức mạnh của thấy biết Bát-nhã.
Giống như trong lửa cháy đỏ mà hoa sen nở. Hoa sen này mới thật là hoa sen bất động, bất hoại. Đây chỉ cho sức sống chân thật bất tư nghì.
Chỗ này đem trí thông minh thế gian để lý luận, dù có luận suốt đời cũng không đến. Chính đây là chỗ thực sống, thực chứng của người có công phu đắc lực.
Thiền sư Ngộ Ấn - Việt Nam thuộc đời thứ tám của dòng Vô Ngôn Thông khi sắp tịch, Sư có làm bài kệ:
Diệu tánh hư vô bất khả phan,
Hư vô tâm ngộ đắc hà nan.
Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận,
Liên phát lô trung thấp vị càn.
***
Diệu tánh rỗng không chẳng thể vin,
Rỗng không tâm ngộ việc dễ tin,
Tươi nhuần sắc ngọc trong núi cháy,
Lò lửa hoa sen nở thật xinh.
Sư nói tánh nhiệm mầu đó vốn rỗng không, không có thể bám, không thể duyên theo gì được .
Tâm ngộ được chỗ rỗng không đó cũng không phải là khó, ngay chính mình thôi. Ngộ và sống được trong đó rồi dù là ở trong núi cháy nhưng ngọc vẫn tươi nhuần, không mất vẻ sáng đẹp của ngọc. Cũng như lò lửa cháy rực mà hoa sen nở thật xinh, tức không bị vô thường chi phối, không bị cõi dục làm hư hoại, che mờ.
Đây chính là tâm thiền của thiền sư ngay trong cõi dục, song dục không đến được trong ấy. Ngay trong sinh tử cũng không tương can. Hay ngay trong vô thường không bị vô thường chi phối, đó mới là sức sống thật, là tâm thiền chân thật.
Kinh Pháp Hoa có đoạn nói: “Trị sinh sản nghiệp mà không trái với nghĩa thật tướng”. Nghĩa là trong chỗ làm ăn, sinh hoạt hằng ngày vẫn không trái với nghĩa thực tướng, đúng như là hoa sen vẫn nở tươi ở trong lửa đỏ, trong cõi dục mà vẫn sống được thiền.
Như ông Bàng Uẩn, hay Thượng sĩ Tuệ Trung vẫn sống trong thế tục, trong cõi dục mà tâm thiền vẫn sáng ngời, được sinh tử tự tại. Như vậy đâu phải rời bỏ cõi dục này mới có thiền. Cho nên, người khéo thì ngay trong cõi dục vẫn sống được thiền, và phát triển được tâm thiền chân thật với sức sống bền vững.
“Dõng Thí phạm trọng ngộ vô sinh, Sớm đà thành Phật nay còn đấy!”. Thời quá khứ, có vị Tỳ-kheo tên là Dõng Thí, phạm một trong bốn tội trọng, căn bản của Tỳ-kheo. Rồi vì muốn tự thanh tịnh cho mình, nên thầy lấy ba y treo lên trên cây tích trượng, xướng to lên: “Tôi đã phạm tội trọng, ai vì tôi sám hối”.. Sau đó, thầy đi đến một tinh xá, gặp vị Tôn giả Tỳ-cúc-đa-la liền trình bày nguyên nhân thầy sám hối, mong được cởi mở. Tôn giả bảo: “Suy tìm tánh tội trọn không thể được”. Nghĩa là xét cho cùng tánh của tội thì nó vốn không thật có, thấu được như vậy thì tội tánh ở chỗ nào?
Tỳ-kheo Dõng Thí nghe bỗng nhiên đại ngộ lý vô sinh, liền qua nơi thế giới phương Đông thành Đẳng chánh giác, hiệu là Bảo Nguyệt Như Lai mãi đến ngày nay. Nên đây, Sư nói: “Sớm đà thành Phật nay còn đấy”.
Trong Huyết Mạch Luận, Tổ Sư nói: “Nếu thấy tự tâm là Phật thì chẳng ở chỗ cạo bỏ râu tóc, cư sĩ cũng là Phật”.
Hỏi: “Cư sĩ có vợ con, dâm dục chẳng trừ y cứ vào đâu mà được thành Phật”..
Đáp: “Chỉ nói thấy tánh, chẳng nói dâm dục, chỉ vì chẳng thấy tánh. Nếu được thấy tánh thì dâm dục xưa nay là rỗng lặng, tự nhiên đoạn trừ cũng chẳng ưa đắm, dẫu có dư tập chẳng thể tự làm hại. Tại sao? Vì tánh vốn thanh tịnh, tuy ở trong xác thân năm uẩn mà tánh ấy xưa nay thanh tịnh, nhiễm ô chẳng được”.
Ngài nhấn mạnh quan trọng là thấy tánh, xưa nay vốn là thanh tịnh, cái nhiễm ô không thể đến được, thì tội cũng không đến được trong đó. Cho nên, cũng không có chướng; nếu chướng thì đâu có thấy tánh. Cũng vậy, nếu mà chướng có thật thì tỳ kheo Dõng Thí này đâu có ngộ vô sinh. Mà ngộ vô sinh tức là vượt qua cái chướng. Điểm trọng yếu là “thấy tánh”, tỏ ngộ được thể vô sinh, thì tâm tự thanh tịnh. Ngược lại vừa động niệm thì rơi trở lại trong sinh tử, có nhiễm ô có chướng liền. Đến chỗ này phải rất là tế nhị, chứ không phải nói năng hồ đồ, hời hợt được.
CHÁNH VĂN:
57- Sư tử hống, vô úy thuyết,
Thâm ta mông đổng ngoan bì đát.
Chỉ tri phạm trọng chướng Bồ-đề,
Bất kiến Như Lai khai bí quyết.
***
57- Sư tử rống, thuyết vô úy,
Ôi! quá ương gàn trong mù tối.
Chỉ biết phạm trọng ngại Bồ-đề,
Bí quyết Như Lai còn chẳng thấy.
GIẢNG:
Thiền sư Huyền Giác khích lệ chúng ta phải mạnh mẽ rống lên tiếng rống sư tử, nói ra lời vô úy “Sư tử rống, thuyết vô úy”. Đừng chấp chặt vào chỗ mù tối đáng thương. Sư than: Ôi! Quá ương gàn trong mù tối… mà không thấy được bí quyết Như Lai đã khai mở con đường đốn giác. Đó là lối thoát bất tư nghì, chúng ta cứ để lầm qua thì thật là đáng thương, đáng tiếc.
Đây là một duyên lành lớn, chúng ta khéo vượt khỏi tâm phân biệt đối đãi sinh diệt, tỏ ngộ tự tánh Như Lai, hay thiên chân Phật. Một phen vượt lên được thì liền đạp thẳng vào đất Như Lai như trước Sư đã nói.
Chính chỗ này gọi là thực tướng sám hối. Trong đó, không có chỗ để tâm sinh, nếu tâm không thể sinh thì tội có chỗ nào mà sinh được. Như vậy mới là sám hối tận gốc.
Nếu chỉ sám hối lễ lạy bên ngoài, thì đó cũng là phương tiện, vì đó là sám lỗi một niệm dục đã khởi, nhưng gốc rễ của tâm niệm khởi dục chưa dứt thì nó vẫn sinh trở lại. Còn ở đây, thiền sư Huyền Giác nói khi đã thấu tột tự tánh vô sinh, đó gọi là sạch tận gốc, không còn mầm móng thì còn chỗ nào để sinh, đó mới gọi là tột cùng của sám hối.
Trong kinh nói: “Tánh tội vốn không do tâm tạo, tâm nếu diệt rồi tội sạch trong”. Nghĩa là tánh tội vốn là không, không phải sẵn có. Sở dĩ nó có là do tâm tạo, nếu tâm diệt sạch thì tội cũng sạch, không có tâm thì lấy chỗ nào tạo tội. Đây chính là chỗ Tỳ-kheo Dõng Thí ngộ vô sinh liền sớm thành Phật. Cũng là bí quyết cứu đời của Như Lai đã mở, đã truyền trao cho chúng sinh.
Sư nói là bí quyết, người cứ tưởng đâu là cái bí mật, xa xôi, thật ra đây cũng là cái ngay chính mình, không phải đâu xa. Nên khi ông Huệ Minh đuổi theo Lục Tổ rồi được khai ngộ, khi ấy Huệ Minh hỏi thêm: “Ngoài lời mật, ý mật từ trước đến nay còn có ý mật nào nữa chăng?”, Lục Tổ bảo: “Đã nói với ông tức là chẳng phải mật, nếu ông soi ngược trở lại, thì cái mật ở bên ông”. Đã nói rõ ràng rồi thì đâu có mật nữa, chỉ cần soi trở lại, thì ở ngay nơi ông chứ đâu xa.
Cho nên, mỗi người cần khéo soi trở lại, thì đó chính là bí quyết Như Lai ngay chính mình.
CHÁNH VĂN:
58- Hữu nhị Tỳ-kheo phạm dâm sát,
Ba Ly huỳnh quang tăng tội kết.
Duy Ma đại sĩ đốn trừ nghi,
Do như hách nhật tiêu sương tuyết.
***
58- Có hai Tỳ-kheo phạm dâm sát,
Đốm sáng Ba Ly thêm tội kết.
Đại sĩ Duy Ma chóng dứt nghi,
Như vầng dương rực tan sương tuyết.
GIẢNG:
Thiền sư Huyền Giác dẫn chuyện thực tế. Kể rằng thời Phật, có hai vị Tỳ-kheo tu trong rừng. Ngày nọ, một vị ra ngoài có việc, vị còn lại nằm nghỉ rồi ngủ quên. Bỗng có cô gái hái củi bất chợt đi vào thấy thầy Tỳ-kheo ngủ say. Cô khởi niệm và hành dục với vị Tỳ-kheo đang ngủ quên. Tỉnh dậy, thầy Tỳ-kheo rất buồn. Cùng lúc ấy, thầy Tỳ-kheo kia trở về, thầy Tỳ-kheo liền thuật lại. Tỳ-kheo kia bực tức, đuổi theo cô gái để quở trách. Cô gái sợ chạy, bất chợt rơi xuống hố chết. Thế là, một vị vô tình phạm giới dâm, một vị vô tình phạm giới sát. Cả hai vị đều ăn năn vừa nghi ngờ không biết có phạm tội không và đến trình bày với Tôn giả Ưu-ba-ly. Tôn giả căn cứ theo luật Thanh văn kết tội.
Nhưng hai vị Tỳ-kheo vẫn còn nghi nên tìm đến Đại sĩ Duy-ma-cật và được giải tỏ. Đại sĩ trách Tôn giả Ưu-ba-ly: “Không khéo quán căn cơ. Bởi vì hai vị Tỳ-kheo này từ lâu đã tu tập pháp đại thừa, thì đâu được đem nước biển cả đổ vào lổ chân trâu”. Nên, trong đây gọi là “Đốm sáng Ba Ly thêm tội kết”.
Thiền sư Huyền Giác nói “Đại sĩ Duy Ma chóng dứt nghi, Như vầng dương rực tan sương tuyết”. Duy-ma-cật là bậc đại sĩ, bậc Bồ-tát thị hiện để trợ duyên cho Đức Phật Thích-ca giáo hóa. Đại sĩ vì hai vị Tỳ-kheo nói thẳng lý thật tướng, lý tánh không: “Xét cùng tánh tội trọn cũng không thể được, tánh tội nó không ở trong, cũng không ở ngoài, cũng không ở khoảng giữa, rồi mé trước chẳng đi, mé sau chẳng đến, mé giữa chẳng dừng, thấu suốt như vậy thì tâm liền thanh tịnh”.
Nghĩa là quá khứ, vị lai, hiện tại, cả ba mé suy tìm tánh tội trọn không thể được. Hai Tỳ-kheo nghe xong, bỗng nhiên tỏ ngộ tánh tội vốn rỗng lặng, tâm liền cởi mở, trụ vô sinh nhẫn.
Thiền sư Huyền Giác dẫn chuyện này để nhắc chúng ta điều quan trọng là phải thấu tột được lý tánh không, thấu được tự tánh thanh tịnh sẵn có, sạch được mầm tạo tội, đó mới là sám tận gốc, cũng là pháp thật tướng sám hối.
CHÁNH VĂN:
59- Bất tư nghì, giải thoát lực,
Diệu dụng hằng sa dã vô cực.
Tứ sự cúng dường cảm từ lao,
Vạn lượng hoàng kim diệc tiêu đắc.
Phấn cốt toái thân vị túc thù,
Nhất cú liễu nhiên siêu bách ức.
***
59- Chẳng nghĩ bàn, sức giải thoát,
Diệu dụng hằng sa không cùng cực.
Tứ sự cúng dường dám từ đâu,
Muôn lượng vàng ròng cũng tiêu nốt.
Thân nát xương tan chưa đủ đền,
Một câu tỏ suốt vượt trăm ức.
GIẢNG:
Thiền sư Huyền Giác nói đến sức giải thoát chẳng nghĩ bàn, diệu dụng của nó vô cùng như cát sông Hằng.
Ngầm chỉ sức giải thoát này vượt xa ngoài ngôn ngữ, suy nghĩ, luận bàn. Cho nên, ở trên Sư dẫn “Đại sĩ Duy Ma chóng dứt nghi”. Đại sĩ dùng sức giải thoát này giúp hai Tỳ-kheo phạm dâm, sát sáng tỏ hết nghi ngờ; còn Dõng Thí ngộ lý vô sinh, giống như vầng dương được chiếu sáng làm tan sương tuyết. Như vậy, không thể đem tâm sinh diệt hạn hẹp mà nghĩ bàn đến sức giải thoát bất tư nghì này được.
Thiền sư Triệu Châu dạy chúng: “Các hàng nạp Tăng cần phải cắt đứt đầu Phật Báo - hóa mới được”.
Tăng hỏi: “Cắt đứt đầu Phật Báo - hóa là người nào?”
Đáp: “Chẳng phải cảnh giới của ông”.
Chỗ này vượt ngoài tâm suy nghĩ…, không phải là chỗ mà người bình thường hiểu đến được, nên thiền sư đáp không phải cảnh giới của ông.
Chính thiền sư Nam Tuyền cũng dạy: “Huynh đệ, người thời nay gánh Phật để trên vai mà đi, rồi nghe lão Tăng nói là tâm chẳng phải Phật, trí chẳng phải đạo, bèn hội họp suy nghĩ, Lão Tăng không có chỗ để các ngươi suy nghĩ. Nếu các ngươi mà trói hư không, lấy gậy đập được thì lão Tăng sẽ cho suy nghĩ”.
Nghĩa là cảnh giới hay chỗ sống của thiền sư không phải là chỗ để mỗi người suy nghĩ. Ngài bảo nếu ai trói được hư không, đập được hư không thì cho suy nghĩ. Bởi làm sao có thể đem tâm hạn hẹp này suy nghĩ đến chỗ chân thật giải thoát, chỗ mà sức diệu dụng không thể đếm, không thể tính kể. Do đó, người đạt đến trình độ này thì cái gì cũng thành diệu dụng. Cái thấy, cái nghe, ăn cơm, mặc áo trước mắt cũng thành diệu dụng giống như cát sông Hằng không thể tính đếm.
Nếu thực sự đến được, sống được “chỗ đó” thì sao? Thì công đức không thể nghĩ bàn .“Tứ sự cúng dường dám từ đâu, muôn lượng vàng ròng cũng tiêu nốt”. Nghĩa là đến được đó rồi thì mỗi ngày có thể tiêu dùng đến muôn lượng vàng ròng, xứng đáng nhận tứ sự cúng dường như y phục, đồ nằm (ngọa cụ), thức ăn uống, thuốc men của tín thí mà không hổ thẹn.
Bởi Phật, Tổ thường nhắc: “Của thí chủ cúng dường rất nặng, người thọ nhận không lo tu, thì của này khó tiêu”. Vì thế, trong mỗi buổi thọ trai của người xuất gia thường dạy quán “Tán tâm nói chuyện của tín thí khó tiêu”. Nếu thọ nhận mà không lo tu, đâu có tiêu được cơm áo của tín thí? Đời sau lại còn phải mang ách kéo cày để đền nợ trở lại, đâu được xem thường.
Thiền sư Thạch Củng Ốc có bài kệ:
Ngói trên đầu, gạch dưới chân,
Áo trên thân, vị trong miệng,
Mỗi mỗi thảy đều đã có ra,
Nơi nhà đàn việt tín tâm thí,
Chưa thành đạo nghiệp thế nào tiêu?
Ngói trên đầu là nhà mình ở. Tức của đàn na thí chủ cúng dường xây dựng cho người tu chúng ta có chỗ ở. Gạch dưới chân là mình đi, dẫm trên nó hằng ngày. Người khéo tu phải luôn quán xét kỹ như vậy, không phải có sẵn rồi thọ dụng mặc tình mà không lo tu.
Áo trên thân, vị trong miệng: Mỗi ngày, mặc chiếc áo trên thân này, ăn một món vào trong miệng, thảy đều từ nơi tín tâm của đàn việt cúng dường đâu phải tự nhiên có.
Như vậy, nếu chưa thành đạo nghiệp thì làm sao tiêu? Nhận bao nhiêu vật của thí chủ cúng dường, mà tu hành chưa đến đâu, chưa thành đạo nghiệp thì lấy cái gì để bù đắp lại, làm sao tiêu được!
Thế nên, người hiểu nhân quả, mỗi khi thọ của đàn na cúng dường luôn phải tự xét lại công phu của mình như thế nào, đến đâu, đạo nghiệp có thành tựu chưa? Nếu chưa ắt phải sinh lòng hổ thẹn lo sợ, chứ không thể dễ duôi.
Ở đây, Sư nói nếu người thật sự đã tỏ ngộ bí quyết Như Lai, đã sống được trong đó thì có đủ công đức để bù đắp, không tiêu suông của đàn na thí chủ. Nếu chỉ nghe qua lỗ tai rồi dùng tâm hạn hẹp suy nghĩ mà cảm nhận, thì cũng cảm nhận trong giới hạn, không thấy hết được công đức to lớn vi diệu.
“Thân nát xương tan chưa đủ đền, một câu tỏ suốt vượt trăm ức”. Nghĩa là chư Phật, chư Tổ đã khai thị, đã chỉ ra cho chúng ta chỗ sống chân thật, công đức đó lớn biết dường nào! Đến đây, chúng ta mới thấy đối với công ơn chỉ dạy pháp này cho dù có hy sinh thân mình đến xương tan thịt nát cũng không đền được công ơn lớn lao ấy.
Bởi vì, sự tồn tại cái thân này chỉ giới hạn, dài lắm cũng là năm bảy chục năm, trăm năm so với tuổi thọ của pháp thân không sinh diệt, với tự tánh Như Lai vượt cả trời đất thì có nghĩa lý gì?
Cho nên, Phật nói trong kinh Kim Cang: “Có người buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều đem thân mạng nhiều như cát sông Hằng ra bố thí, cũng chẳng bằng người thọ trì đọc tụng kinh Kim Cang”. Tức là người sống được với trí tuệ chân thật.
Bởi vì, đem thân mạng này bố thí nhiều như vậy, nhưng cũng là cái có giới hạn, được phước cũng là cái phước có giới hạn. Còn sống trở về được với chỗ chân thật là công đức pháp thân nên không thể lường. Ở đây, thiền sư Huyền Giác muốn nhấn mạnh công đức pháp thân vô lậu vượt xa công đức hữu vi và cũng ngầm nhắc mỗi người phải dám quên thân này, quên cái ngã này, mới vào được chỗ giải thoát chẳng nghĩ bàn.
Thiền sư Tu Ngung khi tỏ ngộ được chỗ này có làm kệ:
Giá nhất giao, giá nhất giao,
Vạn lượng hoàng kim giả hiệp tiêu.
Đầu trượng liệp, yêu hạ bao,
Thanh phong minh nguyệt trượng đầu khêu.
***
Một lần này, một lần này,
Muôn lượng vàng ròng cũng tiêu ngay.
Nón trên đầu, lưng mang đảy,
Gió mát, trăng trong, đầu gậy lay.
Nghĩa là ngay một lần này nhận được rồi mới thấy rằng muôn lượng vàng ròng cũng tiêu ngay. Đó, là đời sống tự tại, là niềm vui lớn giữa cõi luân hồi. Thiền tông gọi chỗ này là đốn giáo, ngay một câu nói liền tỏ suốt nguồn chơn, vượt cả cái mê muôn thuở.
Cái mê bao nhiêu kiếp, nhưng một phen vén được mê lầm từ chỗ bất giác ban đầu, thấu suốt được nguồn chân này thì còn công đức nào lớn hơn nữa.
Trong đây, thiền sư Huyền Giác nói ngay một câu nói mà suốt cả nguồn tâm, thì vượt qua được trăm ức ngàn đời lang thang.
Vậy thì sức công đức đó lấy cái gì so sánh? Làm sao đền đáp ơn lớn này được? Người đạt đến chỗ đó rồi, đủ niềm tin vững chắc không gì thay đổi.
CHÁNH VĂN:
60- Pháp trung vương, tối cao thắng,
Hằng sa Như Lai đồng cộng chứng.
Ngã kim giải thử như ý châu,
Tín thọ chi giả giai tương ứng.
***
60- Vua trong pháp, thật tối thắng,
Hằng sa Như Lai đồng chung chứng.
Nay ta rõ đấy như ý châu,
Ai người tin nhận đều tương ứng.
GIẢNG:
Thiền sư Huyền Giác nói pháp này là vua trong các pháp, nên tối cao tối thắng, vượt hơn tất cả, mà chính đó cũng là chỗ hằng sa Như Lai đồng chung chứng.
Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền từng nói: “Giả sử có một pháp nào vượt hơn pháp này, ta cũng nói như mộng huyễn”. Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật cũng nói: “Chỉ một việc này thật, có hai chẳng phải chân”.
Cho nên, thấy tột đến chỗ đó mới là thấy đến chỗ chân thật, chính là chỗ sống của Chư Như Lai, nên Sư nói “Hằng sa Như Lai đồng chung chứng”. Nghĩa là Chư Phật nhiều như cát sông Hằng, cũng đồng chung chứng chỗ này, không phải chỉ riêng Đức Phật Thích-ca thôi. Vậy, còn cái gì hơn nữa?
Nhưng, tại sao Sư lại biết được đó là chỗ chung chứng của hằng sa Như Lai?
Nếu là người đứng bên ngoài nhìn, quả là không hiểu nổi, cũng không luận bàn tới được. Đó, phải là chỗ thực sống mới có thể cảm nhận được.
Thiền sư Huyền Giác nói tiếp “Nay ta rõ đấy như ý châu, ai người tin nhận đều tương ứng”. Nói như vậy là chính thiền sư Huyền Giác đã rõ được hạt châu như ý, rõ được chỗ chân thật, nên mới nói như trên.
Nghĩa là chính Sư đã giáp mặt với sự thật, chứ không chỉ trên việc nghe nhận hiểu. Sư nói ra bằng chỗ thực chứng của mình, đúng là một lẽ thật, được chứng nghiệm rõ ràng nơi mỗi người, không phải trên lý thuyết thôi.
Và bất cứ ai, nếu tin nhận được chỗ đó thì cũng đều tương ứng như vậy, đều cảm thông được chỗ này, không nghi ngờ. Đây không phải là chuyện xa vời, không phải là chuyện của chư Phật thôi, mà chúng ta cũng đồng có phần.
CHÁNH VĂN:
61- Liễu liễu kiến vô nhất vật,
Diệc vô nhân diệc vô Phật.
Đại thiên sa giới hải trung âu,
Nhất thiết Thánh hiền như điện phất.
***
61- Rành rành thấy không một vật,
Cũng không người cũng không Phật.
Cõi cõi đại thiên bọt nổi trôi,
Hết thảy Thánh hiền như điện chớp.
GIẢNG:
Thiền sư Huyền Giác đã thổ lộ hết tình với chúng ta rồi. Sư nói thấy một cách rành rõ, xác thật: Trước mắt là không một vật, cũng không có người, không có Phật luôn. Mà đã là không một vật, không người cũng không Phật thì như vậy ai thấy đây? Rồi thấy cái gì mà gọi là thấy rành rõ?
Cho nên, chỗ này không phải chỗ học của văn tự chữ nghĩa. Bởi vì “người-Phật” cũng là hai danh từ đối đãi giả lập. Đến đây, thiền sư Huyền Giác nêu lên chỗ Sư đã thấu qua tất cả các pháp, trước mắt Sư không thấy có một pháp thật. Vì cái thể giác đó nó đâu có thuộc cái gì?
Chính chỗ này, thiền sư Nam Tuyền nói “Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật”. Nghĩa là nó không là bất cứ vật gì.
Nhưng vì mỗi người quen sống với hiểu biết thường tình, nghe như vậy thấy chới với. Không phải tâm, không phải Phật, rồi cũng không phải vật, vậy là cái gì? Ở đây, nó vượt qua hết những cái tên giả lập đó.
“Cõi cõi đại thiên bọt nổi trôi, Hết thảy Thánh hiền như điện chớp”. Tam thiên đại thiên là một cõi Phật. Nhưng trong đây không chỉ nói một đại thiên giới, không phải chỉ riêng một thế giới của mình thôi, mà là vô số cõi tam thiên đại thiên nhiều như cát bụi. Thiền sư Huyền Giác thấy suốt đến tột cùng các cõi tam thiên đại thiên thế giới nhiều như cát bụi, giống như là hòn bọt nổi trong biển cả thôi. Như vậy thì đối với cõi thế giới của chúng ta đây có thấm gì! Rồi Sư cũng thấy tất cả các bậc Thánh hiền như làn điện chớp, chỉ thoáng qua đó rồi ẩn mất, cũng không có chỗ nào để nắm bắt được.
Sư thấy suốt qua hết, không dừng lại ở một pháp nào, không có cái gì ngoài thể giác riêng có. Hết chỗ để cho tâm sinh.
Khi chúng ta sắp bỏ thân này mà nhớ rõ như vậy thì hết chỗ đi. Nghĩa là tất cả thế giới ở trong hư không, trong vũ trụ, pháp giới đều như là hòn bọt không thật có gì hết. Rồi tất cả những vị Thánh hiền cũng như làn điện chớp thoáng qua thôi. Lúc đó mà nhớ như vậy là hết chỗ sinh.
Sở dĩ, còn có chỗ sinh là vì còn thấy có chỗ đến. Tức là còn có cõi để mình đến, nên mới có chỗ sinh. Còn ở đây bao nhiêu cõi nước đại thiên thấy như là hòn bọt nổi trong biển cả, không thấy một chỗ nào thật hết thì còn chỗ nào để đến.
Vua Trần Thánh Tông bệnh nặng sắp tịch. Lúc đó, vua Nhân Tông đang đứng hầu bên. Cả hai vua đều là những vị có sức sống sâu với thiền, nên dùng thiền ngữ nhắc nhở. Nhân Tông đứng hầu nhắc rằng: “Bệ hạ còn nhớ lời của Ngài Vĩnh Gia chăng? Bèn đọc: “Rành rành thấy không một vật, Cũng không người cũng không Phật. Cõi cõi đại thiên bọt nổi trôi, Hết thảy thánh hiền như điện chớp”.
Vua Thánh Tông nghe xong bất chợt cười lên, rồi Ngài lấy tay gõ vào chiếc gối tụng theo “Rành rành thấy không một vật,… Hết thảy thánh hiền như điện chớp”. Tức vua Thánh Tông thấy được chỗ đó, nên tâm an ổn, không ngại việc sinh tử. Bao nhiêu cõi nước cũng giống như bọt nổi, đâu còn thấy có chỗ để đi đến; trước mắt không một vật, thì còn chỗ nào che ngại. Tâm Đức vua sáng suốt và chiều hôm đó thì vua Thánh Tông băng hà.
Đây là chỗ chúng ta cần học, thường phải quán xét kỹ, nhớ kỹ trước lúc lâm chung không quên, được vậy thì tâm an ổn và cũng hết chỗ đi.
CHÁNH VĂN:
62- Giả sử thiết luân đỉnh thượng toàn,
Định huệ viên minh chung bất thất.
Nhật khả lãnh, nguyệt khả nhiệt,
Chúng ma bất năng hoại chân thuyết.
Tượng giá tranh vanh mạn tiến đồ,
Thùy kiến đường lang năng cự triệt?
***
62- Ví cho vòng sắt chuyển trên đầu,
Định tuệ sáng tròn trọn chẳng mất.
Nhật dù lạnh, nguyệt dù nóng,
Lời chân thật ma nào phá hỏng.
Xe voi ngạo nghễ cứ tiến lên,
Mặc sức bọ trời theo ngăn chống.
GIẢNG:
“Ví cho vòng sắt chuyển trên đầu, Định tuệ sáng tròn trọn chẳng mất”. Đây là chỗ thấy rõ ràng, là sức sống chân thật, niềm tin vững chắc, không gì lay chuyển được. Thiền sư Huyền Giác thấy rõ dù cho vòng sắt nóng chuyển trên đầu, nhưng sức định tuệ vẫn sáng tròn, công phu kiên cố, sức sống thiền không mất.
Học đến chỗ này, chúng ta nhìn soi lại mình mới thấy rất hổ thẹn. Ở đây, Sư nói đến lúc bức ngặt như bị vòng sắt nóng xoay chuyển trên đầu mà sức định tuệ vẫn sáng tròn không mất. Trong khi người tu hiện nay nhiều khi bệnh, mệt một chút là mất công phu! Cho nên, đây là chỗ chúng ta còn đang học, và học suốt đời cũng chưa chắc xong. Không phải học một hai năm, năm mười năm rồi cho là đủ.
Học rồi soi xét kỹ như vậy, chúng ta mới thấy bớt tâm tự mãn, mới thấy những chỗ hiểu, chỗ sống của chúng ta còn nhiều kém khuyết, còn phải học nhiều nữa. Chỗ này cũng không phải là chỗ nói nhiều, mà đây là chỗ phải thực hành, phải sống.
Sống được trong đó, đủ niềm tin vững rồi, thiền sư Huyền Giác mới nói: “Nhật dù lạnh, nguyệt dù nóng, Lời chân thật ma nào phá hỏng. Xe voi ngạo nghễ cứ tiến lên, Mặc sức bọ trời theo ngăn chống”. Nghĩa là dù cho mặt trời có thể thành băng lạnh, mặt trăng thành lửa nóng, nhưng đối với chân lý ấy, với lời chân thật này, không gì có thể phá hỏng, kể cả ma. Đây, mới đúng thật là niềm tin không thối chuyển.
Chính thiền sư Huyền Giác đã thực sống trong đó, bằng chính trí tuệ chứng nghiệm của mình, nên lời Sư nói ra là lời chân thật, xác quyết, không nghi ngờ. Đã từ cái chân thật nói ra, thì cái hư dối làm sao phá được.
Trong kinh Di Giáo kể khi Đức Thế Tôn sắp vào Niết-bàn, bảo các vị Tỳ- kheo: “Các ông nếu đối với bốn Thánh đế : khổ, tập, diệt, đạo, còn điều gì nghi ngờ, hãy mau thưa hỏi, không nên ôm lòng nghi ngờ, không cầu giải rõ”. Đức Thế Tôn nói ba lần như vậy. Lúc đó, trong Đại chúng, không ai thưa hỏi. Bấy giờ, Tôn giả A-nậu-lâu-đà quán xét tâm Đại chúng, rồi bạch Đức Phật: “Bạch Thế Tôn! mặt trăng có thể nóng, mặt trời có thể lạnh, nhưng bốn chân lý mà Đức Thế Tôn đã dạy chẳng thể làm đổi khác. Phật nói khổ đế là thật khổ, chẳng thể khiến thành vui. Tập là nhân của khổ, trọn không có nhân khác; Diệt là khổ diệt vì nguyên nhân đã diệt, mà nhân diệt cho nên quả diệt; Đạo là phương pháp diệt khổ, đúng thật là đạo, không có đạo nào khác nữa. Bạch Thế Tôn! Các Tỳ-kheo đây đối trong tứ đế quyết định không nghi ngờ”.
Tức là các vị Tỳ-kheo này niềm tin chắc chắn, kiên cố bất thối chuyển. Nên nói dù cho mặt trăng có thể nóng, mặt trời có thể lạnh, nhưng lời Phật dạy về những lẽ thật đó, không thể đổi khác, tin chắc như vậy.
Đó, là niềm tin quyết định. Có được niềm tin như vậy rồi, trên đường tu hành chắc chắn thành đạo quả không nghi.
Chúng ta ngày nay học đạo niềm tin chưa vững chắc, do đó khi ứng dụng công phu tu tập cũng tu chưa hết lòng. Tức là nghe rồi cũng còn ngờ ngợ chưa tin, vì vậy kết quả cũng lờ mờ chưa rõ. Thế nên, mỗi vị cần học kỹ, rồi nhận định rõ ràng, thấu suốt, để niềm tin vững chắc. Mà niềm tin vững thì công phu tăng tiến, được vậy thì kết quả dễ thấy. Đây Sư nói “Xe voi ngạo nghễ cứ tiến lên, mặc sức bọ trời theo ngăn chống” Niềm tin đã quyết định như vậy rồi, thì không có gì ngăn chống được hết, cứ thẳng tiến đến viên mãn, không còn lui sụt, không lùi bước.
Nhà thiền có câu chuyện: Một hôm, thiền sư Ẩn Phong đi lao động đẩy xe đất. Mã Tổ đang ngồi duỗi chân giữa đường.
Ẩn Phong đến thưa:
- Thỉnh thầy rút chân.
Mã Tổ bảo:
- Đã duỗi thì không rút.
Ẩn Phong thưa:
- Đã tiến thì không lùi.
Sư đẩy xe qua cán chân Mã Tổ.
Sau đó, Mã Tổ thượng đường, cầm chiếc búa đưa lên nói:
- Vừa rồi ai đẩy xe cán chân lão Tăng bị thương, hãy ra đây!
Sư liền bước ra đưa cổ trước Mã Tổ.
Mã Tổ dẹp búa.
Đó, thầy trò cảm thông nhau. Là vì người xưa có chỗ sống thật, có niềm tin vững chắc.
Rồi ở đây nói chánh pháp Như Lai, là chỗ chân thật thì ma cũng không thể phá hỏng. Giống như các vị Bồ-tát, các bậc thiện tri thức lớn, hoằng truyền chánh pháp mạnh mẽ, không có gì có thể ngăn chống được. Bởi vì, đó là chỗ cùng chung chứng của ba đời Chư Phật, đó là chân lý bất hoại.
Tóm lại, bậc sống vững trong đó thì mạnh mẽ hoằng truyền chánh pháp, chúng ma không có thể nào ngăn được. Đó là lẽ thật. Nên nói là xe voi cứ tiến thẳng, vượt qua hết những ngăn ngại của bọ trời, của tâm nhỏ hẹp. Mặc sức bọ trời theo ngăn chống, mặc sức ma phá hoại nhưng cũng không thể ngăn chống, phá hoại được. Như vậy là niềm tin kiên cố, đâu có ai, đâu có cái gì lay chuyển.
CHÁNH VĂN:
63- Đại tượng bất du ư thố kính,
Đại ngộ bất câu ư tiểu tiết.
Mạc tương quản kiến báng thương thương,
Vị liễu, ngô kim vị quân quyết.
***
63- Voi lớn chẳng đi theo dấu thỏ,
Ngộ lớn nệ gì nơi tiết nhỏ.
Chớ dòm trong ống mỉa trời xanh,
Chưa tỏ vì anh ta giải rõ.
GIẢNG:
Thiền sư Huyền Giác nói voi lớn thì đi đường lớn thênh thang, bởi chân voi to. Còn thỏ đi theo dấu thỏ, vì chân thỏ nhỏ, tức còn giới hạn. Voi lớn làm sao đi dấu thỏ được, nên phải đạp đi trên con đường lớn, tự tại, cũng như ngộ lớn thì không câu nệ gì tiết nhỏ.
Cũng vậy, bậc kiến tánh sâu, ngộ lớn thì chỗ sống bất tư nghì, tâm giác ngộ không bờ mé, không hạn cuộc nơi hình thức, nơi tiết nhỏ. Không thể lấy hình thức để đo lường được chỗ sống của các Ngài.
Thiền sư Hoàng Bá tiếp thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền bằng gậy. Cứ hỏi là lấy gậy đánh. Nếu nhìn theo hình thức bình thường, thì thấy ông thầy sao mà thô quá, liền phê bình chê trách. Hoặc như Mã Tổ tiếp thiền sư Thủy Lạo bằng một đạp té nhào, nhưng ngài Thủy Lạo ngay đó liền ngộ đạo. Còn ngài Từ Minh tiếp Huệ Nam bằng lời mắng chửi… Như vậy, nếu trên hình thức phê phán thì làm sao hiểu nổi các Ngài, có khi còn sinh tâm chê trách, hoặc khinh mạn.
Tuy nhiên chỗ này, phải là bậc ngộ lớn, bậc thực sự sống tự tại trong đó, chứ không thể bắt chước. Không phải hiểu được một ít, rồi bắt chước nói, hoặc là sống buông lung, xem thường giới luật. Bởi cho rằng tôi đã ngộ lớn rồi, đâu cần phải câu nệ gì nữa. Nhưng không ngờ tâm mình vẫn còn nhiều ô nhiễm, chưa phải tự tại, nên rất là nguy hiểm.
Thiền sư Vĩnh Thạnh ngăn ngừa: “Phần nhiều thấy huynh đệ thời nay, cứ nói rằng không nên bị sự trì phạm trong giới luật ràng buộc. Nhưng nói như vậy là sai lầm, bởi vì ba đời Chư Phật, các bậc Tổ Sư, cho đến những bậc thiện tri thức trong thiên hạ, đâu có ai dùng hạnh ô nhiễm để độ người”. Sư ngăn ngừa sợ người tu thiếu sự quán xét kỹ, rồi bắt chước để sống buông lung là bệnh.
Đây nói chỗ sống các thiền sư thật sự tự tại, các Ngài có những phương tiện để phá chấp, khai thị cho người, không theo khuôn mẫu bình thường. Cho nên, cần phải nhận sâu vào tâm giác ngộ kia, chứ không phải mắc kẹt, câu nệ vì những hình thức bình thường.
Thiền sư Vĩnh Thạnh lại nói: “Người thấy tánh quý nhất là cần phải tinh tế, chuẩn xác ở nơi cội gốc, mắt trí sáng tròn là đủ rồi. Còn ở đời thô sơ, giản lược, nói năng không có văn chương, cũng chỉ là việc nhỏ”.
Nghĩa là người kiến tánh rồi quý nhất ở chỗ thấy tinh tế, chuẩn xác, quyết định, mắt trí sáng tỏ, còn mặt hình thức nhiều khi đơn giản thô sơ, hoặc là nói năng bình dân giản dị, không quan trọng. Có khi văn chương hoa mỹ, thành màu mè, thành xa sự thật nữa.
“Chớ dòm trong ống mỉa trời xanh”. Nghĩa là dòm ở trong cái ống như ống tre nhỏ, thấy bầu trời cũng chỉ bằng cái ống, nói rằng bầu trời cũng nhỏ hẹp.
Đây gọi là chấp vào ngã kiến, tức chỗ thấy riêng tư nhỏ hẹp của mình, đóng khung trong cái ta này, rồi chê bai trời cao nhỏ hẹp theo, đó là lầm. Nghĩa là đem cái tâm nhỏ hẹp mà hiểu cảnh giới Như Lai, thì cảnh giới Như Lai cũng nhỏ hẹp theo. Đó là nhắc nhở mỗi người phải quên, buông cái ngã kiến đừng chấp vào nó.
Có người đến hỏi ngài Triệu Châu: “Đã lâu nghe tiếng cầu đá Triệu Châu, nay đến chỉ thấy cầu nổi thôi”. Nghĩa là lâu nay nghe nói cầu đá Triệu Châu nổi tiếng, giờ đến chỉ thấy cầu nổi tầm thường.
Triệu Châu bảo: “Ông chỉ thấy cầu nổi mà không thấy cầu đá”.
Người hỏi tiếp: “Thế nào là cầu đá?”.
Triệu Châu đáp: “Độ lừa, độ ngựa”.
Trong lời nói “Đã lâu nghe tiếng cầu đá Triệu Châu, nay đến chỉ thấy cầu nổi thôi”. Một câu có hai ý: Vừa nói là cầu đá Triệu Châu tức cây cầu đá nổi tiếng, ở thành Triệu Châu, mà cũng muốn nói đến chỗ chân thật của Ngài. Lâu nay nghe nói như vậy, nhưng khi đến thấy cũng bình thường không có gì hay.
Ngài Triệu Châu nói “Ông chỉ thấy cầu nổi mà không thấy cầu đá”. Bởi vì ông cứ chấp theo chỗ thấy nhỏ hẹp của ông, chứ còn cái cầu đá thì nó vẫn sờ sờ đó, chỗ chân thật nó vẫn rõ ràng đó.
Chỉ cần mở tâm rộng lớn, quên cái ngã kiến này đi, thì lẽ thật hiện tiền sáng rỡ thôi. Còn ông bám theo chỗ thấy, chỗ tưởng tượng của ông, nên cái thấy cũng tầm thường nhỏ hẹp.
Lại hỏi tiếp: “Thế nào là cầu đá?”
Triệu Châu đáp: “Độ lừa, độ ngựa”.
Nghĩa là sẵn sàng đưa hết tất cả mỗi người mọi vật, không phân biệt sang hèn, cao thấp gì cả, lừa ngựa đều đưa qua. Đó là muốn chỉ lẽ thật, đầy đủ hết, và ai cũng đều có đủ lẽ thật đó. Nó đang hiện tiền sờ sờ sáng rỡ trước mắt, tại cái thấy nhỏ hẹp của ông nên chỉ thấy hình tướng tầm thường.
Lúc đầu, tưởng rằng có thể hạ thấp ngài Triệu Châu, nhưng không ngờ chính mình tự thấp, tự làm cho mình thấp mà không hay.
Cho nên, thiền sư Huyền Giác nói chớ có dòm trong ống nhỏ rồi chê bai, mỉa mai trời xanh nhỏ hẹp theo. Ý muốn nhắc chúng ta phải buông sạch ngã kiến này, buông tâm chấp trước nhỏ hẹp, mở tâm rộng lớn thì mới thấy thấu được lẽ thật đó. Lại nói, nếu anh chưa tỏ thì ta sẽ vì anh giải rõ. Lẽ thật đã bày hiện rõ ràng, sờ sờ đó nhưng vì anh chưa tỏ, chưa sáng, nên đã giải rõ cho anh rồi, giải kỹ rồi đó. Vậy thì, phần còn lại là để dành cho anh. Anh có chịu mở mắt ra để nhìn thấy hay không thôi.
Chỉ một câu này là gồm thâu từ đầu tới cuối, thâu tóm gọn hết rồi. Nếu như anh còn chần chừ thì sao? Phải học lại từ đầu vậy.
Như vậy, học “Chứng Đạo Ca”, chúng ta thấy được chỗ sống, chỗ thực nghiệm, thực chứng đạo của thiền sư rất rõ ràng.
Nhờ có học, chúng ta được mở sáng thêm và nỗ lực thực hành. Không phải học để hiểu, để nói. Mỗi người chúng ta cần kiểm lại chính mình để thấy được những chỗ kém khuyết, để rồi chúng ta càng cố gắng tiến thêm, không tự mãn, không hài lòng, tự mình làm ngăn ngại mình.
Chúng tôi xin dẫn thêm bài kệ của thiền sư Huyền Giác để trong huynh đệ hiểu rõ và hỗ trợ trên đường tu tập của chính mỗi người.
Nhược dĩ tri tri tịch,
Thử phi vô duyên tri.
Như thủ chấp như ý,
Phi vô như ý thủ.
Nhược dĩ tự tri tri,
Diệc phi vô duyên tri.
Như thủ tự tróc quyền,
Phi thị bất quyền thủ.
Diệc bất tri tri tịch,
Diệc bất tự tri tri.
Bất khả vi vô tri,
Dĩ tánh liễu nhiên cố.
Bất đồng ư mộc thạch,
Như thủ bất chấp vật,
Diệc bất tự tác quyền,
Bất khả vi vô thủ.
Dĩ thủ an nhiên cố,
Bất đồng ư thố giác.
Nếu lấy cái biết mà biết lặng,
Đây không phải cái biết không duyên.
Như cái tay cầm cây như ý,
Chẳng phải không cái tay như ý.
Nếu dùng cái tự biết mà biết,
Cũng chẳng phải cái biết không duyên.
Như tay tự nắm lại thành nắm,
Chẳng phải là không cái tay nắm.
Cũng chẳng có cái biết biết lặng,
Cũng chẳng có tự biết cái biết.
Chẳng thể là không có cái biết,
Do vì tánh rõ ràng như vậy.
Chẳng đồng như với cây đá kia,
Như cái tay chẳng cầm lấy vật.
Cũng chẳng tự nắm lại thành nắm,
Cũng chẳng thể nói không có tay.
Do vì cái tay nguyên sẵn vậy,
Chẳng phải là đồng với sừng thỏ.
“Nếu dùng cái tự biết mà biết, cũng chẳng phải cái biết không duyên”. Chỗ này hơi sâu. Có người nói cái biết mà theo duyên đó là cái biết hư vọng, cái biết còn kẹt bên ngoài. Ở đây tôi không theo duyên, tôi tự biết thôi, vậy là không kẹt nơi duyên.
Sư nói nếu dùng cái tự biết để biết, không dùng cái duyên để biết, thì cái tự biết mà biết cũng chẳng phải là cái biết không duyên. Chỗ này là chỗ tế nhị. Tức bỏ cái biết biết lặng đó đi, dùng cái tự biết biết thôi, thì giống như là buông hết các duyên, nhưng cũng chưa phải. Bởi vì vẫn còn có cái tự biết. Tự biết là tự biết cái gì? Tức là lấy cái tự mình làm duyên.
Nếu không sáng suốt thì vẫn còn lầm, bởi đã thật sự sáng tỏ hoàn toàn thì còn tự biết cái gì nữa! Cho nên dùng cái soi lại để mà tự biết, thì nó cũng còn có chút gì đó.
Chỗ này, thiền sư Huyền Giác dẫn thí dụ thêm để làm sáng tỏ: “Như tay tự nắm lại thành nắm, Chẳng phải là không cái tay nắm”.
Giống như cái tay mình nắm lại thành nắm tay, thì cũng còn có cái tay nắm, tuy không có nắm cái gì hết, như không có nắm cây như ý, nhưng mà còn nắm tay tự nó nắm lại.
Như vậy là nó cũng chưa phải gọi là cái tay hoàn toàn tự do tự tại, mà cũng còn kẹt nơi cái nắm này, vì cũng còn lấy cái nắm tay đó làm chỗ để tự duyên. Không có duyên bên ngoài nhưng mà còn tự duyên với cái nắm tay, còn kẹt trong cái nắm, chứ chưa phải tự do. Chỗ này càng tế nhị hơn nữa.
Sư tiến thêm bước nữa: “Cũng chẳng có cái biết biết lặng, Cũng chẳng có tự biết cái biết”. Đến đây buông hết cả hai.
Không có cái biết biết lặng, rồi cũng chẳng có cái tự biết biết nữa, tức là buông cả cái biết lặng, rồi buông luôn cái gọi là tự biết.
Bởi vì hai cái đó cũng còn mắc kẹt, cho nên đến đây phải buông luôn cả hai, như vậy thì thành cái gì?
“Chẳng thể là không có cái biết, Do vì tánh rõ ràng như vậy”. Nghĩa là buông hết cả hai cái biết lặng rồi cái tự biết, nhưng mà không phải là hoàn toàn không có biết gì, nên nói là “Chẳng thể là không có cái biết”. Đến đó cũng không phải thành như vô tri không có biết gì hết. Bởi vì tánh nó vốn sẵn rõ như vậy rồi, không có ai có thể làm cho nó thêm hoặc bớt. Nếu còn thêm bớt là thuộc về cái duyên ngoài, nên đến chỗ rốt ráo này dù cho buông hết đi, thì nó cũng vẫn tỏ rõ, không phải là hoàn toàn không biết gì. Đừng có sợ.
Sư nói thêm: “Chẳng đồng như với cây đá kia, Như cái tay chẳng cầm lấy vật. Cũng chẳng tự nắm lại thành nắm, Cũng chẳng thể nói không có tay”.
Tức là buông hết như vậy đó. Đến đây, cũng không phải đồng với cây đá không biết gì. Cũng giống như cái tay, không cầm vật gì mà cũng không nắm lại, nhưng cái tay vẫn là cái tay, đâu phải không cầm gì là mất luôn tay. Vì nó không kẹt gì hết nên nó muốn cầm cái gì nó cầm, muốn làm gì thì nó làm tự do tự tại.
Còn như nó cầm cây như ý thì nó kẹt cây như ý, không thể cầm cái khác; hoặc nó nắm lại thành nắm tay, thì nó không thể cầm vật khác. Đây thì nó không có cầm, cũng không nắm lại, cho nên nó tự do.
Cái biết này cũng vậy. Nó buông hết cái biết lặng theo duyên, rồi cũng buông cả cái biết tự biết, thì trở về cái biết nó sẵn như vậy, vốn là rõ ràng thường biết, nên nó biết khắp tất cả, không có gì mà không biết. Đó, mới gọi là cái biết chân thật, cái biết đó không mắc kẹt gì hết. Còn cái biết kia có mắc kẹt, cho nên nó còn bị giới hạn, còn bị hạn cuộc.
Chúng ta không sợ buông hết rồi thành không còn biết gì nữa. Bởi cái thể biết làm sao mà buông nó? Buông là buông cái hư dối, cái theo duyên, tức là cái biết kẹt nơi duyên, thì cái đó nó có thêm có bớt. Còn cái thể biết thì nó không có thêm bớt cho nên cũng không thể buông được, và đó mới là chỗ chân thật.
Sư nói thêm: “Do vì cái tay nguyên sẵn vậy, Chẳng phải là đồng với sừng thỏ”. Tức là cái tay nó vẫn là cái tay thôi, nó sẵn như vậy rồi, chứ đâu phải như sừng thỏ, là vật có tên mà không có thật, ngầm chỉ “cái này” vẫn hằng hữu, nên buông hết cũng không mất mát gì.
Thiền sư Huyền Giác nói đến chỗ tu hành vi tế, dù thấy tâm lặng vẫn thuộc về cái duyên, chứ chưa phải là thật. Còn có chỗ để tự biết, tưởng là đạt đạo, nhưng cũng chưa phải. Cần buông sạch tất cả đến không còn gì để buông, thì còn lại cái gì liền tự rõ.
Chúng ta cần phải sáng tỏ để không lầm, bởi vì biết lặng thì cái lặng đó thành ra cái duyên để cho mình biết, tức là đối tượng để biết, thì cái lặng đó nó đối với cái động cũng thuộc về trần.
Nếu động thì thuộc về sinh trần, còn lặng thì thuộc về diệt trần, cũng chưa khỏi sinh diệt.
Ở đây buông hết không còn chỗ nào để buông, tức không chỗ nào để bám, thì còn lại là cái biết sờ sờ, nó nguyên vẹn từ thuở nào, cái này mới là cái biết không có gì phá hoại được, thì đó mới là cái biết chân thật.
Chúng ta có học kỹ mới thấy được chỗ vi tế của việc tu, đến khi ứng dụng công phu không bị mắc kẹt, không lầm, cũng không tự mãn, tưởng đâu mình đạt đạo rồi, nhưng vẫn còn có chút kẹt trong đó mà không hay.
Các bài mới
- Chứng đạo ca giảng luận (Phần 9) - 25/06/2017
- Chứng đạo ca giảng luận (Phần 8) - 20/06/2017
- Chứng đạo ca giảng luận ( Phần 7) - 11/06/2017
- Chứng đạo ca giảng luận (Phần 6) - 06/06/2017
- Chứng đạo ca giảng luận ( Phần 5) - 30/05/2017
Các bài đã đăng
- Chứng đạo ca giảng luận ( Phần 4) - 29/05/2017
- Chứng đạo ca giảng luận (Phần 3) - 21/05/2017
- Chứng đạo ca giảng luận ( Phần 2) - 19/04/2017
- Chứng đạo ca giảng luận ( Phần 1) - 15/04/2017
- Tín tâm minh giảng giải ( Phần 7) - 04/10/2016
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 89454
- Online: 28