Chứng đạo ca giảng luận ( Phần 5)

30/05/2017 | Lượt xem: 3695

TT.Thích Thông Phương dịch và giảng

17- Tông diệc thông, thuyết diệc thông,

      Định tuệ viên minh bất trệ không.

      Phi đản ngã kim độc đạt liễu,

      Hằng sa chư Phật thể giai đồng.

17- Tông cũng thông, thuyết cũng thông,

      Định tuệ sáng tròn chẳng trệ không.

      Đâu phải mình ta nay tỏ suốt,

      Hằng sa chư Phật thể chung đồng.

GIẢNG:

 “Tông thông” là sao? Tức sáng được tâm ấn của chư Tổ, thấu suốt cội nguồn chân thật, vượt ngoài suy nghĩ luận bàn. Còn “Thuyết thông” là rõ được giáo, hiểu thấu nghĩa lý của Phật dạy, không cục bộ, không phá bỏ kinh giáo cũng không mê tâm, tức không nghiêng một bên mà phải thông cả Tông và Giáo.

Có người học thiền cho là mình tu thiền rồi chẳng cầu danh tự (bất lập văn tự) nên chê bai kinh giáo hoặc là bác bỏ kinh giáo, đó là nghiêng một bên. Bởi kinh giáo đâu có lỗi, lỗi là do người chấp kinh, chấp giáo nên thành ngăn ngại.

Người sáng được tâm xem kinh giáo liền thấu suốt được những nghĩa lý sâu xa trong kinh, hiểu được những lý sâu ngoài lời, thấy được ý vượt ngoài chữ nghĩa, hợp với tâm Phật, thì đâu có lỗi gì! Nhờ vậy khi giảng kinh nói pháp cũng giảng nghĩa rất sâu, đánh thức người học đến chỗ diệu, không kẹt trên chữ nghĩa chết.

Thiền sư Huyền Giác ban đầu tu tập theo giáo nghĩa của Tông Thiên thai, vì tu theo giáo nên Ngài hiểu thông về giáo, kế đến đọc kinh Duy Ma sáng được tâm địa, được Lục Tổ ấn chứng về tâm tông. Ở đây Sư nói lên kinh nghiệm thực chứng chính mình, qua tinh thần chỉ dạy của Lục Tổ.

Trong bài kệ Vô Tướng, Lục Tổ nói: “Tông thông và thuyết thông, như mặt trời trên không”. Người mà thông cả Tông và Thuyết giống như mặt trời ở trên không chiếu soi tự tại, thấy suốt tất cả, đầy đủ định và tuệ chẳng kẹt một bên không.

Định ở đây tức là tâm lìa tướng, không chỗ để thấy. Nhưng tuệ thì soi thấu tất cả, tướng tướng đều sáng ngời, không bỏ một tướng nào mà cũng không mê. Nghĩa là soi hết các tướng nhưng lại lìa tướng, trừ niệm lấy bỏ hai bên.

Vậy có ai đã thông được tông?

Một hôm thiền sư Tề An gọi thị giả:

- Ông đem cái quạt tê ngưu lại đây cho Ta.

Thị giả thưa:

- Nó rách rồi.

Ngài bảo:

- Cái quạt đã rách thì hãy trả con tê ngưu lại cho ta.

Làm sao trả? Nếu thông được tông, sáng được tâm thì biết cách trả.

Và ai đã thông được thuyết?

Thiền sư Huệ Hải bảo ngài Pháp Minh: “Kinh luật là giấy mực văn tự, giấy mực văn tự đều là không, dù trên tiếng mà dựng lập ra văn cú văn thân thì đâu chẳng phải là không? Tọa chủ bám chặt vào giáo thì đâu chẳng rơi vào không?”

Pháp Minh hỏi: “Vậy thiền sư có rơi vào không chăng?”

Huệ Hải đáp: “Văn tự… đều từ trí tuệ sinh, đại dụng hiện tiền đâu thể rơi vào không”. Sư nói mà không kẹt trong giáo, không kẹt trong ngôn ngữ, đó mới thật là Thuyết thông.

“Định tuệ sáng tròn chẳng trệ không” là thế nào?

Như Tổ Huệ Khả thưa với Tổ Đạt Ma:

- Con đã dứt hết các duyên.

 Tổ bảo:

- Chớ để rơi vào đoạn diệt.

 Huệ Khả thưa:

- Chẳng rơi vào đoạn diệt.

Tổ bảo:

- Làm sao biết chẳng rơi vào đoạn diệt?

Huệ Khả thưa:

- Rõ ràng thường biết nói không thể đến.

Đó là định tuệ sáng tròn đầy đủ. Dứt hết các duyên tức không có chỗ tâm sinh, đó chính là định; rõ ràng thường biết là tuệ. Định tuệ đầy đủ nói không thể đến. Chính là chỗ tự chứng của người xưa, chúng ta phải học đến được lẽ thực đó. Hai câu này nhắc chúng ta tu hành đừng để bị nghiêng lệch, phải thông cả hai.

“Đâu phải mình ta nay tỏ suốt, Hằng sa chư Phật thể chung đồng”. Sư nói mạnh, đây không phải là chỗ của riêng Sư mà là chỗ chung đồng của hằng sa chư Phật. Người đến được sẽ đồng cảm thông với Chư Phật không gì nghi ngờ. Nếu chúng ta đến được chỗ đó thì cũng tỏ suốt như vậy, cũng thông cảm được như vậy. Nhưng nếu cho rằng đây là chỗ độc nhất của thiền sư Huyền Giác không ai có được thì lại sẽ có vấn đề, vậy Sư nói cho ai?

Thiền sư Pháp Hội khi còn tham học chưa ngộ, đến hỏi Mã Tổ:

- Thế nào là ý tổ sư từ Ấn Độ sang?

 Mã Tổ bảo:

- Ông hãy đến gần đây Ta nói nhỏ cho nghe.

Ngài đến gần. Mã Tổ tát cho một cái tát vào mặt bảo:

- Chớ để cho người thứ ba biết! Thôi ông hãy đi đi ngày mai đến.

Pháp Hội nghe Tổ bảo đến gần tưởng có gì bí mật, nên hôm sau một mình đi vào pháp đường thưa:

- Giờ thỉnh Hòa thượng nói.

Mã Tổ bảo:

- Ông hãy đi đi, đợi lão Tăng thượng đường rồi trở ra thưa hỏi ta sẽ vì ông chứng minh.

Ngay đó Pháp Hội liền tỉnh ngộ, thưa:

- Xin lễ tạ đại chúng chứng minh.

Việc này gọi là thể chư Phật chung đồng. Giữa đại chúng chứng minh rõ ràng thì đâu có gì giấu diếm! nhưng mà việc này không ở trên ngôn ngữ, không ở tình thức hiểu biết, cho nên Mã Tổ nói không cho người thứ ba biết tức là không để cho tình thức xen vào.  Đây là chỉ chỗ thầm hiểu thầm chứng, chứ không cho suy nghĩ phân biệt sinh khởi. Ý Tổ là như vậy chứ đâu có giấu diếm ai! Nên sau cùng Mã Tổ bảo “Hãy đợi lão Tăng thượng đường ông ra thưa hỏi, Ta sẽ chứng minh cho”. Giữa đại chúng chứng minh thì không phải chuyện giấu diếm.

Thiền sư Huyền Giác cũng nói là đâu phải một mình Ta tỏ suốt mà đó là chỗ chung đồng của hết thảy hằng sa chư Phật. Như vậy có gì mà phải nghi ngờ, dối gạt. Thế nên, phải thấy đến chỗ mà chư Phật đã thấy, thấy đến tột cội nguồn và thấy được như vậy mới hết sợ bị lạc.

Chỗ này cũng là chỗ thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền đại ngộ. Về sau khi ra giáo hóa, có lần thượng đường, nói: “Này các huynh đệ! Theo chỗ thấy của Sơn tăng chẳng khác với Đức Thích-ca, hiện nay bao nhiêu chỗ dụng có thiếu thốn gì?” Ngài dám nói mạnh. Dù cho sống cách xa nhau với Phật hơn cả nghìn năm nhưng mà chỗ thấy của người xưa và người nay vẫn tương đồng.

Như vậy Phật đồng, Tổ đồng, các thiền sư cũng đồng, cho đến mỗi người ngồi đây cũng đồng, nhưng tại sao còn chưa đồng thấy? Đó là chỗ cần phải soi lại, cần phải khám phá cho ra chỗ đó! Không thể chỉ học theo chữ nghĩa hoặc là học qua loa.

CHÁNH VĂN:

18- Sư tử hống, vô úy thuyết

      Bách thú văn chi giai não liệt.

      Hương tượng bôn ba thất khước uy,

      Thiên long tịch thính sinh hân duyệt.

***

18- Sư tử rống, thuyết vô úy,

      Trăm thú nghe qua đều tét tủy.

      Voi lớn chạy dài mất hết uy,

      Trời rồng lặng ngóng sinh hoan hỷ.

GIẢNG:

Sư đã thực sống trong chứng ngộ, nên lời nói mạnh mẽ tự tại không sợ sệt như tiếng sư tử rống, gọi là thuyết vô uý. Bởi vì sư tử là chúa tể trong loài thú, khi nó rống lên thì trăm thú kinh hồn, run sợ và im hơi bặt tiếng. Ở đây, Sư nói thẳng vào đốn giáo thượng thừa, vào chân lý tuyệt đối vượt ngoài đối đãi, người có căn cơ thích hợp thì vui mừng tin nhận. Vì thế, mới nói “Trăm thú nghe qua thì đều tét tủy, voi lớn cũng chạy dài mất hết uy, trời rồng lặng ngóng sinh hoan hỷ”. Ý nói, người có chủng tử thượng thừa khi nghe liền thích, còn người căn cơ kém, hàng mới phát tâm thì khó tin nên sinh nghi.

Lục Tổ cũng từng bảo: “Pháp môn này gọi là tối thượng thừa, vì người đại trí mà nói, vì người thượng căn mà nói, còn người tiểu căn tiểu trí thì nghe đến tâm sinh chẳng tin.Tại sao? Ví như rồng to làm mưa xuống cõi Diêm-phù-đề, thành ấp xóm làng thảy bị trôi dạt giống như trôi lá táo, còn nếu mưa xuống biển thì chẳng thêm bớt”. Tức là mưa trúng căn cơ thượng thừa, căn cơ khế hợp thì vui mừng tin nhận. Vì đây là đi thẳng vào tự tánh Như Lai, tức là chỗ chung đồng của mười phương Chư Phật, vượt lên những tâm niệm phân biệt đối đãi hạn hẹp. Chỗ này cần phải tự tin, tự nhận chứ không được ỷ lại tìm cầu bên ngoài, phải có sức tự tin mạnh.

Thiền sư Đức Sơn vốn là vị giảng kinh Kim Cang nổi tiếng, mà ban đầu nghe đến cũng không tin, bất bình nói “Là kẻ xuất gia phải muôn kiếp học oai nghi Phật, vạn kiếp học tế hạnh của Phật còn chẳng được thành Phật. Những kẻ ma ở phương Nam lại nói là chỉ thẳng tâm người thấy tánh thành Phật, Ta phải ruồng tận hang ổ của chúng diệt sạch giống ấy để đền ơn Phật”. Ban đầu Sư cũng không tin nổi chỗ đó và cho đó là ma nhưng Sư cũng ngầm có chủng tử thượng thừa, nên khi gặp bà già bán bánh cảnh tỉnh, rồi đến gặp Long Đàm - Sùng Tín liền bị khuất phục và ngộ đạo, mới tin nhận Thiền tông.

Đây thiền sư Huyền Giác muốn nhắc nhở người học khi nghe đến những lẽ thật này phải mở tâm rộng lớn, mở tâm vô uý nghe, đừng đem tâm nhỏ hẹp thiên lệch để nghe. Phải có lòng tự tin mạnh, phải mạnh mẽ vượt qua tâm đối đãi hạn cuộc, để nghe thẳng chỗ chân thật bất tư nghì, sẵn sàng rống lên tiếng rống sư tử, nói lên lời vô uý không run sợ.

Như thiền sư Động Sơn - Thủ Sơ ngay câu nói của thiền sư Vân Môn liền đại ngộ. Sư nói: “Về sau sẽ nhằm vào chỗ không có khói người, chẳng chứa một hạt gạo, cũng chẳng trồng một cọng rau để tiếp đãi mười phương chúng Tăng qua lại, trọn vì họ nhổ đinh tháo chốt, gỡ bỏ cái khăn thịt mỡ, cởi cái áo xương thúi, dạy họ thênh thang phóng khoáng, làm nạp Tăng vô sự đâu chẳng thích ư!” Khi nghe lời ấy, ngài Vân Môn bảo: “Cái túi cơm, thân của ông chỉ bằng cây liễu mà mở miệng to như thế!”

Đó chính là rống tiếng rống sư tử. Khi thấy được lẽ thật rồi nên nói ra những lời mạnh mẽ, lời vô uý. Gọi “Thuyết vô úy” tức là đầy đủ lòng tự tin không thoái chuyển.

CHÁNH VĂN:

19- Du giang hải thiệp sơn xuyên,

      Tầm sư phỏng đạo vị tham thiền.

      Tự tòng nhận đắc Tào Khê lộ,

      Liễu tri sinh tử bất tương can.

***

19- Qua sông biển, vượt sơn xuyên,

      Tìm thầy  hỏi đạo khắp tham thiền.

      Từ khi nhận được Tào Khê lối,

      Rõ ra sinh tử chẳng tương can.

GIẢNG :

 Sư kể là phải qua sông biển, vượt cả núi, khe đi khắp nơi để tìm thầy hỏi đạo và tham thiền. Ban đầu, thiền sư phải khổ công đi khắp nơi, vượt hàng trăm hàng ngàn cây số, chịu bao nhiêu gian khổ để tìm thầy hỏi đạo tham thiền chứ không dễ dàng, vì vậy mà ý chí người xưa mạnh hơn chí của người ngày nay.

Hiện nay, người tham thiền học đạo nếu thấy hơi nhọc một chút là muốn đổi lòng. Đây là điểm yếu của chúng ta. Ngày xưa đi bộ còn quảy túi đảy, vượt rừng băng sông, mưa gió nhọc nhằn để tìm đạo, nhưng ý chí vẫn mạnh mẽ. Còn chúng ta đi xe đủ loại quá dễ dàng nên ý chí yếu đuối, khi hiểu được chút đạo lý thì liền sinh tự mãn nên thành cạn cợt, không đạt đến chỗ sâu rộng.

Xưa, các vị vừa sáng tỏ được đạo vẫn còn phải đi du phương, đến thiền viện này, thiền viện kia để gạn lọc, mở rộng chỗ nhận hiểu, không tâm tự hào, tự mãn. Thiền sư Chí Phùng ở chùa Hoa Nghiêm nối pháp quốc sư Đức Thiều thượng đường dạy chúng: “Cổ đức vì pháp đi hành khước chẳng nệ nhọc nhằn, giống như Hòa thượng Tuyết Phong ba phen trở lại Đầu Tử, chín lần lên Động Sơn, cứ xẩn vẩn qua lại cầu con đường vào còn chẳng được. Xem các ông ngày nay đi tham học vừa mới bước đến cửa, liền đợi lão Tăng tiếp dẫn chỉ rõ nói thiền. Các ông mà muốn đến đạo huyền cực thì đâu có thể rảnh rang, huống là việc này ngộ phải đúng thời, gấp gáp cầu đâu có được!”

Thiền sư Chí Phùng dạy:

- Người xưa vì pháp đi hành khước không sợ nhọc nhằn, khổ công giống như thiền sư Tuyết Phong khi đi tham học thiền phải ba phen tới lui đến Đầu Tử. Đến rồi không được đi, đi rồi trở lại, trở lại rồi lại đi, đi rồi trở lại gọi là ba lần. Và chín lần lên Động Sơn như vậy mà không nản chí, quyết đến được con đường muốn đến. Còn người ngày nay đi tham học mới vừa bước vào cửa thì mong người ta nói hết cho mình nghe, thích dễ dàng. Thiền sư nói thêm là chuyện này phải đúng thời đúng lúc, không gấp gáp được. Cho thấy người xưa tham thiền hỏi đạo hết lòng hết chí, không hề sinh tâm mỏi mệt, quyết sáng tỏ việc lớn mới thôi!

Thiền sư Triệu Châu đến tuổi già mà vẫn còn đi hành khước tham học khắp nơi, sau mới trở thành thiền sư nổi tiếng. Nhà thiền có câu chuyện Sư đi hành khước đến chỗ Hòa thượng Thù Du, Thù Du nói: “Tuổi đã cao rồi, sao không tìm một chỗ mà trụ đi!” Thiền sư Triệu Châu đã tám mươi tuổi mà còn đi hành khước, sống lâu đến một trăm hai mươi tuổi, nên Thù Du bảo tuổi đã cao rồi sao không tìm một chỗ mà trụ. Triệu Châu đáp: “Chỗ nào trụ được?” Thù Du bảo: “Tuổi đã cao rồi mà chỗ trụ cũng chẳng biết”. Triệu Châu nói: “Ba mươi năm quen cởi ngựa, hôm nay lại bị lừa đá”..

 Một lần khác Sư đến chỗ ngài Vân Cư, Vân Cư bảo: “Tuổi đã cao rồi sao chẳng tìm một chỗ mà trụ?” Triệu Châu đáp: “Chỗ nào trụ được?” Vân Cư bảo: “Trước mặt có một nền chùa xưa”. Triệu Châu nói: “Thế ấy thì Hòa thượng tự trụ đi!” Ý nói nếu biết vậy sao Hoà thượng không trụ mà Hoà thượng bảo con trụ.

Qua câu chuyện, chúng ta thấy thiền sư Triệu Châu khi lớn tuổi vẫn còn đi hành khước khắp nơi, vẫn tha thiết không quên việc lớn. Nên ở đây thiền sư Huyền Giác cũng nói: “Qua sông biển, vượt sơn xuyên, tìm thầy hỏi đạo khắp tham thiền”. Chạy mòn gót chân, chứ đâu phải đứng một chỗ nói suông.

Thiền sư Huyền Giác tiếp: “Từ khi nhận được Tào Khê lối, Rõ ra sinh tử chẳng tương can”. Nghĩa là khi còn mê thì chạy khắp nơi để tìm thầy hỏi đạo giải quyết cho xong việc lớn, rồi từ khi đến được Tào Khê, nhận được lối Tào Khê, tức yếu chỉ và được Lục Tổ ấn chứng, mới rõ được việc sinh tử xưa nay chẳng dính gì đến việc lớn, giờ đây hết còn phải chạy lang thang.

Trở lại câu chuyện thiền sư Huyền Giác đến Tào Khê gặp Lục Tổ rồi được Tổ ấn chứng. Sư đi quanh ba vòng, chống tích trượng đứng. Thấy vậy Lục Tổ bảo: “Là hàng Sa-môn thì phải đủ ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, Đại đức từ phương nào tới mà sinh lòng ngã mạn như thế?”, tức là ngã mạn to như vậy, thì thiền sư Huyền Giác thưa: “Sinh tử là việc lớn, vô thường nó rất mau chóng”, tức là sinh tử là việc lớn vô thường nó rất mau chóng, không có thời gian để mà lo cái việc kia, thì Lục Tổ bảo: “Vậy thì sao ông không thể nhận cái vô sinh đi, liễu thấu nó không mau chóng hay sao?”, nhận vào cái vô sinh đó thấu được chỗ đó nó không phải là mau chóng hay sao còn lo gì, thì thiền sư Huyền Giác mới thưa: “Cái thể tức vô sinh liễu thấu thì vốn không có mau chóng”, Sư nhận được cái thể vô sinh đó, thì ngay thể vô sinh đó không có mau chóng gì hết, tức là sinh tử chẳng tương can. Bởi vì thể nó tức là vô sinh rồi thì sinh tử đâu có đến chỗ đó.

Ở đây, Sư nói là nhận được Tào Khê lối, tức nhận được yếu chỉ đốn ngộ, là lối vượt ngoài ngôn ngữ, khi nhận được rồi thấy sinh tử không tương can. Bởi vì sinh tử đâu thể đến được thể vô tướng! chỗ vô nhất vật thì sinh tử đâu đến được. Sư thấy được thể vô sinh xưa nay vốn tự vô sinh chứ không phải làm cho nó thành vô sinh. Nên trong đó không có nhanh chậm, nếu nhận thì nhận liền.

Song chỉ tiếc là người không chịu nhận để sống, cứ lo sống theo sinh tử hư dối, rồi chạy tìm hỏi đạo.

Như thiền sư Thạch Củng Huệ Tạng đắc pháp với Mã Tổ, có vị Tăng đến khảy móng tay ba tiếng rồi hỏi: “Thế nào là khỏi được sinh tử?” Thạch Củng đáp: “Dùng khỏi làm gì?” Tăng thưa: “Thế nào khỏi được?” Sư bảo: “Đến ấy không sinh tử”.

Bởi sinh tử thuộc về thân tướng của bản ngã này, còn thể chân thật kia thì sinh tử đâu đến được. Đến đó thì không có sinh tử, còn sống với cái ngã này thì phải chịu sinh tử. Chúng ta ngày nay cứ bám vào sinh tử này, rồi nuông chìu khổ nhọc lo sợ… Nên đây Sư dạy chúng ta tham thiền học đạo cần khám phá ra lẽ thật sống trở lại “cái đó”. Chính “cái đó” mới thấu được xưa nay sinh tử chẳng tương can.

Ở Việt Nam, có câu chuyện về Tổ thứ hai của phái Trúc Lâm là thiền sư Pháp Loa khi sắp tịch, Huyền Quang đứng hầu bên thưa: “Xưa nay đến chỗ ấy thì buông đi là tốt hay nắm lại là tốt?”

Thiền sư Pháp Loa bảo: “Thảy đều không can hệ” Huyền Quang thưa: “Khi thảy đều không can hệ thì thế nào?”

Thiền sư Pháp Loa bảo: “Tùy xứ Tát-bà-ha”. Nghĩa là buông hay nắm gì cũng không can hệ đến chỗ đó! Ngài tùy chỗ tự tại dứt bặt đường suy nghĩ.

Liền đọc bài kệ:

Vạn duyên tài đoạn nhất thân nhàn,

Tứ thập dư niên mộng huyễn gian.

Trân trọng chư nhân hưu tá vấn,

Na biên phong nguyệt cánh man khoan.

***

Muôn duyên cắt đứt một thân nhàn,

Hơn bốn mươi năm giấc mộng tràng.

Nhắn bảo mọi người thôi chớ hỏi,

Bên kia trăng gió rộng thênh thang.

Tức là sống bốn mươi năm giống như giấc mộng, không dính dáng gì đến chỗ đó. Chỗ mà trăng gió rộng thênh thang. Rõ ràng thiền sư Pháp Loa thấy rõ nghĩa sinh tử chẳng tương can. Ngài sống được với niềm vui cao tột ở thế gian. Còn chúng ta cứ bám vào sinh tử hạn hẹp này để lo sợ, để khổ sở, có khi lại tranh giành với nhau vì lẽ sinh tử này.

Đây là việc đáng buồn! Trong khi nơi mỗi người đều có lẽ thật không cần tìm đâu khác. Thiền sư Huyền Giác đem kinh nghiệm nhắc cho mỗi người là: Khi mê chưa rõ thấu được lẽ thật thì phải lo tìm thầy hỏi đạo… không sợ nhọc nhằn, quyết khám phá cho ra lẽ thật. Đến khi nhận được yếu chỉ của Tào Khê thì mới rõ được lẽ thật là sinh tử xưa nay không dính dáng. 

Khi chúng ta có niềm tin vững, chỗ sống được tự tại, thấu được lẽ thật rồi thì không sợ thoái chuyển trên đường tu. Cho nên, người tu học khi chưa thấy được đạo thì phải cố gắng khám phá cho ra, đừng quá dễ dàng rảnh rang qua ngày đợi nó đến. Phải có quyết tâm, có ý chí, phải có sự khoắc khoải băn khoăn trong lòng quyết khám phá lẽ thật. Thiền sư Huyền Giác muốn nhắc nhở chúng ta điểm này. Chúng ta học Phật pháp để soi lại mình, mỗi người phải luôn cố gắng, không dễ duôi qua ngày trong vô ích.

CHÁNH VĂN:

20- Hành diệc thiền, tọa diệc thiền,
      Ngữ mặc động tịnh thể an nhiên.
      Túng ngộ phong đao thường thản thản,
      Giả nhiêu độc dược dã nhàn nhàn.

***

20- Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền,
      Nói nín động tịnh thể an nhiên.
      Dẫu gặp gươm đao thường phẳng lặng,

      Ví nhằm thuốc độc vẫn nhẹ tênh.

GIẢNG:

Đến đây, Sư dạy: “Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền, Nói nín động tịnh thể an nhiên”. thiền chân thực không phải  chỉ ở nơi thân tướng. Đi hay ngồi thuộc tướng của thân. Mà tướng thân đều thuộc tướng sinh diệt. Tuy thân nhắm mắt ngồi yên mà tâm lăng xăng chạy đầu này đầu kia thì có thiền không? Nên cái gì thuộc về thân đều là tướng hư dối vô thường, bại hoại. Cho nên đoạn này, Sư dạy cần ngộ tâm thể không hình tướng, vì không hình tướng nên không thuộc thân xác này. Do đó, Sư dạy nói nín hay động tịnh cũng đều thiền.

Lục Tổ dạy ông tăng Chí Thành qua bài kệ: “Sinh ra ngồi chẳng nằm. Chết đi nằm chẳng ngồi. Vốn là bộ xương thúi. Vì sao lập công khóa”. Tức là ngồi, nằm thuộc bộ xương của thân này, lấy đó làm công khóa sao được? Quan trọng là tâm thể. thiền sống thực ở tâm chớ không phải ở tướng, cũng không ở miệng, nên không phải nói thiền là thành thiền. Bởi vì có khi nói rất hay, nhưng thật tế thì chưa dính dáng gì đến thiền. Không phải nói thiền hay là sống được với thiền. Đôi khi, có người còn muốn định nghĩa thiền theo nghĩa thông thường ở thế gian để hiểu thiền. Đó là cái học của học giả nghiên cứu. Song cái học đó đóng khuôn trong chữ nghĩa thì đó gọi là thiền văn tự, thiền chết chớ không phải bản thể thiền. thiền mà định nghĩa được thì không là thiền. Bởi vì, tuy anh đã hiểu thiền nhưng mà chưa chắc anh đã sống thiền. Người chân thật sống thiền phải thể hiện thiền ngay trong cuộc sống đi đứng hàng ngày của mình.

Thiền sư Thạch Thê hỏi thị giả:

- Ông đi đâu?

 Thưa:

-  Con đi lên trai đường.

- Ta đâu không biết ông đi lên trai đường.

Thị giả thưa:

- Ngoài việc này riêng nói cái gì nữa?.

Bảo:

- Ta chỉ hỏi việc bổn phận của ông thôi!

- Nếu hỏi biệc bổn phận thì con thật đi lên trai đường.

 Thiền sư bảo:

- Ông quả thật là thị giả của ta.

Đi lên trai đường biết rõ hiện mình đang đi lên trai đường đang có mặt trong đó, đó là đi thiền. Đây đúng nghĩa là đi cũng thiền, ngồi cũng thiền. Đang nói chuyện đối đáp qua lại với ông thầy cũng là thiền. Cho nên thiền sư Huyền Giác dạy: “Nói nín động tịnh thể vẫn an nhiên, cũng là thiền”.

Như đoạn thiền sư Thần Tán khi kỳ lưng cho Thầy Bổn sư tắm. Sư vỗ lưng Thầy nói: “Điện Phật này đẹp mà Phật không Thánh”. Tức thân này giống như điện Phật. Ông thầy mê giống như là điện Phật mà không có Phật hiện.

Thầy Bổn sư nghe nhưng không hiểu, quay đầu ngó lại.

Sư nói: “Phật tuy không Thánh mà vẫn thường phóng hào quang”. Ngay khi quay đầu ngó lại đó là Phật phóng hào quang. Nhưng thầy Bổn sư chưa nhận được chỗ đó.

Đối với thiền sư Thần Tán thì trong nhà tắm cũng thiền. Ngay khi kỳ lưng ông thầy cũng là thiền, chớ không phải thiền là chỉ trên bồ đoàn. thiền luôn sáng ngời trong nhà tắm, ngay khi kỳ lưng thì thiền này làm sao mà định nghĩa đây! Và cũng không hạn cuộc ở thân tướng đi đứng hay ngồi nằm, ở cái miệng nói nín. Thiền vượt qua cả động tịnh. Đó là thiền của Thiền tông.

Lục Tổ từng dạy: “Môn tọa thiền này vốn chẳng dính mắc tâm, cũng chẳng dính mắc nơi tịnh, cũng chẳng phải là chẳng động”. Tức là thiền không thuộc tướng đông tịnh.“Nếu nói dính mắc tâm thì tâm vốn là vọng, biết tâm như huyễn nên không, không có chỗ để dính mắc. Nếu nói dính mắc tịnh, thì tánh người sẵn tịnh, do vọng niệm nên che lấp chân như, chỉ không vọng tưởng thì tánh tự thanh tịnh. Còn khởi cái tâm dính tịnh thì sinh ra tịnh vọng”, có cái tịnh thứ hai. Vì có khởi tâm dính mắc nên cái tịnh đó cũng không phải là tự tánh thanh tịnh. Chỗ này vượt qua cả tướng động tịnh, gọi là “Nói nín động tịnh thể an nhiên”. 

Tiếp đến: “Dẫu gặp gươm đao thường phẳng lặng, Ví nhằm thuốc độc vẫn nhẹ tênh”. Nghĩa là dẫu có gặp gươm đao cũng bình thường. Gặp thuốc độc cũng là nhẹ nhàng không dính. Nếu tu được như trên thì lúc nào cũng là thiền, đi đâu, làm gì cũng là thiền. thiền luôn hiện hữu nơi mình không gián đoạn.

Đây là tâm thiền hằng có mặt luôn luôn chớ không phải lúc có lúc không, hay bình thường thì có lúc gặp gươm đao, thuốc độc thì không. Chỗ này là chỗ sống thật. Dù đi đâu cũng làm chủ được không gián đoạn.

Có vị lãnh chúa trẻ hâm mộ kiếm thuật đến học với thiền sư Bàn Khuê. Một hôm, lãnh chúa định thử lòng can đảm của thiền sư, nên không báo trước, thình lình dùng mũi giáo đâm tới tấn công khi Sư đang tĩnh tọa.

Thiền sư bình tĩnh và lanh tay dùng xâu chuỗi gạt mũi giáo qua bên và bảo với lãnh chúa: “Kiếm thuật của ông còn non nớt lắm, tâm ông đã động trước”. Tuy lãnh chúa tấn công không báo trước, nhưng vừa khởi niệm là thiền sư đã biết. Do tâm của Sư lúc nào cũng thiền, lúc nào cũng tịnh.

Tức Tâm thiền sư luôn luôn an trụ. Tuy an trụ mà không trụ chỗ nào nên không động. Do đó thiền sư Huyền Giác nói gặp gươm đao, thuốc độc cũng làm chủ được. Còn chúng ta có chỗ trụ cho nên mới động.

Tuy nhiên nói gặp gươm đao, nhằm thuốc độc cũng là tùy thuận theo ngôn ngữ mà nói, thật sự tâm thiền sư đạt đến mức độ này thì vượt qua hết, chớ đâu có gặp, đâu có đụng nhằm cái gì! Nếu đụng nhằm thì đã dính cảnh, đâu thể gọi là Thiền. Cho nên, ở đây Sư tạm dùng ngôn ngữ, đến chỗ này mới thực là đi cũng thiền, ngồi cũng thiền, trong bốn oai nghi đều là thiền. Thiền thật sự là như vậy!!.

Người học ngày nay, hiểu được một phần nào liền bắt chước nói đi đứng nằm ngồi gì cũng thiền, rồi làm biếng không ngồi thiền, thì đây là một vấn đề. Nói đi đứng nằm ngồi gì cũng thiền, nhưng gặp cảnh thì sinh tâm, đi ra thì đụng nhằm đủ thứ, đó là thiền trên môi, là tự dối mình, không thật, phải hiểu được ý đó. Bốn câu này Sư chỉ thẳng vào sức sống đang hiện hữu, là chỗ sống của thiền.

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 05739
  • Online: 31