Chứng đạo ca giảng luận (Phần 9)

25/06/2017 | Lượt xem: 3693

TT.Thích Thông Phương dịch và giảng

CHÁNH VĂN:

46- Tác tại tâm, ương tại thân,

      Bất tu oan tố cánh vưu nhân.

      Dục đắc bất chiêu vô gián nghiệp,

      Mạc báng Như Lai chánh pháp luân.

46- Làm lại tâm, ương ở thân,

      Thôi chớ trách người với kêu oan.

      Muốn được khỏi mang vô gián nghiệp,

      Thì chớ chê bai chánh pháp luân.

GIẢNG:

Thiền sư Huyền Giác nói là làm thì tại tâm nhưng mà họa ương thì ở thân. Do đó chớ có trách người, cũng đừng kêu oan với ai, vì chính mình làm thì mình phải chịu. Đó là nhân quả rõ ràng, chứ không phải ai đem đến cho mình.

Trước do tâm mê lầm tạo tác nên quả báo đến với thân, hoặc phải thọ sinh vào trong các cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh để chịu khổ.

Đoạn này Sư nhắc mỗi người phải hiểu sâu nhân quả, tránh tạo tác nhân xấu. Muốn khỏi mang nghiệp ở địa ngục Vô gián thì chớ chê bai chánh pháp của Như Lai, vì tạo tội này không ai cứu được. Tạo tội đọa vào địa ngục Vô gián là tội rất nặng, chịu khổ không gián đoạn.

Trong kinh Địa Tạng giải thích về tội ở địa ngục Vô gián, có năm nghĩa: Thứ nhất chịu tội ngày đêm hết kiếp số này đến kiếp số khác không ngừng nghỉ. Thứ hai là thân hình đầy khắp không có khoảng trống, một người cũng đầy mà nhiều người cũng đầy cho nên gọi là vô gián. Thứ ba là luôn bị những hình phạt không có xen hở, như là chĩa ba, gậy gộc, chim rắn, hay lang sói, dây sắt, hoặc là đói thì ăn sắt nóng, khát thì uống nước đồng sôi, chịu hình phạt khổ sở nối nhau không có kẻ hở. Thứ tư bất luận là trai hay là gái, mọi sắc dân, chủng loại hoặc trời, rồng, quỷ thần khi mà tạo tội thành nghiệp thảy đều chịu khổ. Thứ năm là từ khi mới vào địa ngục dù chỉ một ngày một đêm cho đến trăm nghìn kiếp phải chịu muôn lần chết đi rồi muôn lần sống lại. Có khi thân bị lửa đốt chết đi, rồi gió thổi sống lại chịu tội nữa. Muốn tạm dừng trong một niệm cũng không được, trừ khi nghiệp hết thì mới được thọ sinh. Đó là do chê bai chánh pháp của Như Lai nên chiêu cảm tội rất nặng.

Sư nhắc mỗi người phải khéo mở mắt trí tuệ để thấy rõ lẽ thật xưa nay, đừng lầm theo con đường vô minh, chấp ngã để rồi tạo sâu nghiệp mê lầm phải chịu khổ lâu dài, tự mình chôn vùi lấy mình chứ không phải ai làm cho mình. Đó là lẽ thật. Không phải Sư nói để hù dọa.

CHÁNH VĂN:

 47- Chiên đàn lâm vô tạp thụ,

      Uất mật sâm trầm sư tử trú.

      Cảnh tịnh lâm nhàn độc tự du,

      Tẩu thú phi cầm giai viễn khứ.

***

47- Rừng chiên đàn, không cây tạp,

      Sư tử trú sâu đầy rậm rạp.

      Cảnh vắng rừng yên tự dạo chơi,

      Thú chạy chim bay xa mất hút.

GIẢNG:

Chiên đàn là một loại gỗ thơm danh tiếng bên Ấn Độ. Rừng chiên đàn thì không có cây tạp mọc xen vào, chỗ sư tử trú là chỗ sâu kín trong rừng chiên đàn rậm rạp.

Tư liệu ghi là xưa kia nước Vu Điền có rừng Ngưu đầu Chiên đàn. Thời gian Phật du hóa trên cõi trời Đao-lợi để thuyết pháp cho mẹ là Hoàng hậu Ma-da, mỗi người đều rất nhớ Phật. Vua nước ấy dùng gỗ này tạc tượng Phật, để mỗi người chiêm ngưỡng cho bớt nhớ trong thời gian vắng Phật. Đó là bức tượng nổi tiếng.

Khi ngài Huyền Trang qua Ấn Độ, Ngài có đến lễ tượng Phật gỗ này. Sau này, Ngài phỏng theo tượng đó, tạc một tượng gỗ khác đem về Trung Quốc.

Ở đây, Sư nói rừng chiên đàn không có cây tạp mọc xen vào, đó mới là chỗ trú của sư tử. Nơi đó vắng bặt dấu chân người. Để dụ cho cảnh giới chơn thật, là chỗ trụ của các bậc Bồ-tát thượng thừa, những tâm niệm suy nghĩ phân biệt không có đến được chỗ này.

Rồi “Cảnh vắng rừng yên tự dạo chơi, Thú chạy chim bay xa mất hút”. Cảnh vắng tức là cảnh thanh nhàn, tự do dạo chơi một mình, những loài thú chạy xa, chim bay cao mất hút luôn. Tức là tả cảnh sư tử một mình đi dạo chơi ở trong cảnh yên vắng của núi rừng, chim thú đều cao bay xa chạy mất dấu.

Thiền sư Huyền Giác tả cảnh vắng rừng yên tức là bặt hết muôn duyên, an nhàn vô sự. Tự dạo chơi tức là tâm tự tại không vướng mắc. Đó, mới là chỗ sống chân thật của Bồ-tát thượng thừa, hay Bồ-tát viên đốn. Thú chạy chim bay xa mất hút hết, tức là không có chỗ để tâm khác sinh khởi.

Đây là chỗ của “người không cùng muôn pháp làm bạn”, tức là bặt hết các duyên. Đến chỗ này thì người ngoài không thể biết được. Dùng tâm tưởng không thể tưởng tới, mà tâm tưởng là thuộc về chim thú rồi, nên nó bay mất dấu hết. Cho nên, chỗ này phải là trực tiếp thể nghiệm trong đó.

Học đến đây, tự soi trở lại mới thấy chúng ta còn nhiều lầm lẫn. Ai dám tự mãn là đã học xong Chứng Đạo Ca? Nếu học rồi thử kiểm lại chỗ thực dụng đã làm được như lời Sư dạy chưa?

Như kiểm lại kỹ ai dám bảo đã được tự tại dạo chơi, thú chạy chim bay xa mất hút? Đã trú ở rừng chiên đàn không cây tạp được chưa? Hay là mình đang trú trong cỏ rác, đầy rắn rết độc hại. Phải luôn nhắc, phải khéo tự soi lại mình, phản quan tự kỷ, khéo thấy rõ những cái yếu những cái sơ sót của mình để nhẹ bớt cái ngã kiến, có cơ hội vươn lên. Đừng để tâm tự mãn che lấp trí tuệ sáng suốt. Nếu xét kỹ chỗ này mới thấy rằng, chúng ta còn phải học nhiều nữa, học lâu dài chứ không gọi là đã học xong.

CHÁNH VĂN:

48- Sư tử nhi chúng tuỳ hậu,

      Tam tuế tiện năng đại hao hống,

      Nhược thị dã can trục Pháp Vương,

      Bách niên yêu quái hư khai khẩu

*** 

48- Sư tử con chúng theo sau,

      Ba tuổi rống lên khỏe biết bao

      Dã can dù bám sát Pháp Vương

      Trăm năm quái gở mở miệng khào

GIẢNG:

Ở đây, Sư nói rằng sư tử con theo sau sư tử mẹ. Khi mới ba tuổi, chúng đã biết rống lên tiếng sư tử. Bậc Bồ-tát thượng thừa như sư tử con, vốn kế thừa dòng giống của Như Lai, mới phát tâm là liền vào đất Phật cho nên khi nói ra là lời siêu xuất, đầy tự tin, vững chắc, không sợ hãi. Đúng thật là dòng giống sư tử, không phải là bắt chước.

Ví như ngài Thủ Sơ dưới hội của ngài Vân Môn, ngay một câu nói của ngài Vân Môn, ngài liền đại ngộ. Ngay khi ngộ, ngài Thủ Sơ liền thốt ra: “Về sau nhằm ngay chỗ không có khói người, chẳng chứa một hạt gạo, chẳng trồng một cọng rau, tiếp đãi mười phương chúng tăng qua lại trọn vì họ mà nhổ đinh tháo chốt, gỡ bỏ cái khăn thịt mỡ, cởi cái áo xương thúi, dạy họ thênh thang phóng khoáng, làm nạp tăng vô sự. Đâu chẳng thích ư!”. Tức là không phải đem cho cái này cho cái kia khiến cho người mắc kẹt trong chữ nghĩa, trong thứ lớp, trong văn tự. Đó gọi là sư tử con ba tuổi là đã biết rống lên tiếng sư tử rồi, tức là mới vừa tỏ ngộ là đã nói lên lời pháp khí.

Đến câu “Dã can dù bám sát Pháp Vương, Trăm năm quái gở mở miệng khào”.

Dã can dù bám sát theo Pháp Vương, tức là Phật, nhưng dù trải qua cả trăm năm thì cũng chỉ mở miệng khào, cũng chỉ kêu lên tiếng dã can thôi. Nếu có bắt chước thì cũng chỉ kêu lên tiếng dã can, không thể kêu lên tiếng sư tử được. Chưa thật ngộ thì dẫu có bắt chước nói lời của thiền sư, nói như Tổ nhưng mà rốt cuộc thì chẳng phải thứ thiệt. Nói thì nghe giống giống, nhưng phải thì chẳng phải. Cho nên nếu kiểm xét lại thì cũng bị lộ ra cái không thật. Vì vậy, đây không phải là chỗ bắt chước được. Người có căn tánh thượng thừa, đã tỏ ngộ thì nói ra tự khế hợp, không phải gắng gượng gì. Chỗ này là nói ra lẽ thật giả, không thể lẫn lộn được. Nếu là sư tử con, dòng giống chính thức của sư tử thì chỉ vừa ba tuổi là đã rống lên tiếng của sư tử, chứ không phải gắng gượng gì. Nếu là dã can thì dù cho có theo sát đấng Pháp Vương cả trăm năm, nhưng mở miệng ra thì cũng chỉ là tiếng dã can thôi. Đây cảnh tỉnh cho người phải thực sống, chớ bắt chước nói lời rỗng suông.

CHÁNH VĂN:

49- Viên đốn giáo vật nhân tình,

      Hữu nghi bất quyết trực tu tranh.

      Bất thị sơn tăng sính nhân ngã,

      Tu hành khủng lạc đoạn thường khanh!

***

49- Giáo viên đốn, vượt nhân tình,

      Có nghi chẳng quyết mới cần tranh.

      Nào phải sơn tăng thích nhân ngã,

      Đoạn thường e rớt kiếp tu hành.

GIẢNG:

Ở đây, thiền sư Huyền Giác giải thích rõ giáo pháp viên đốn này vượt khỏi nhân tình, nó không thiên lệch theo tình cảm, nên không cho dùng tâm sinh diệt suy tư. Nghĩa là nếu mà ngộ thì ngộ liền, không chần chừ không do dự, không cho nghĩ ngợi.

Trong đó không có tranh cãi, hơn thua, nhưng vì chưa sáng tỏ vẫn còn nghi nên mới có tranh luận để làm sáng tỏ, để giải quyết điều nghi.

Đây là chỗ mỗi người phải khéo hiểu. Thiền sư Huyền Giác dạy không được vì nhân tình mà bỏ qua cái nghi để cho nó lờ mờ. Ví dụ như người đó là chỗ quen thân có ân nghĩa với chúng ta, lời người đó nói chưa tỏ ngộ, cũng chưa có chỗ khế hợp nhưng vị tình cho qua không gạn hỏi. Đây, không phải vậy.

Thiền sư Hưng Hóa - Tồn Tương nối pháp thiền sư Lâm Tế đến trong hội của ngài Đại Giác làm Viện chủ. Một hôm Đại Giác gọi Hưng Hóa đến bảo:

- Viện chủ, Ta nghe ông nói là nhắm phương Nam đi hành khước, một phen gặp được đầu gậy mà chẳng tìm ra một người hội Phật pháp, ông y cứ vào đạo lý gì mà nói như thế?

Tồn Tương liền hét.

Đại Giác liền đánh.

Tồn Tương lại hét thêm tiếng nữa.

Đại Giác cũng lại đánh thêm cái nữa.

Hôm sau, Tồn Tương đi ngang qua pháp đường, Đại Giác thấy liền gọi:

- Viện chủ, ta vẫn còn nghi hai tiếng hét của ông hôm qua.

Tồn Tương lại hét.

Đại Giác lại đánh.

Tồn Tương lại hét.

Đại Giác cũng đánh.

Cuối cùng, Tồn Tương thưa:

- Tôi ở chỗ sư huynh Tam Thánh, học được câu chủ khách, nay đã bị sư huynh bẻ gãy hết rồi. Thôi xin cho tôi câu an lạc.

Ngài Đại Giác bảo:

- Cái gã mù! đến trong ấy đã chịu thua, hãy cởi áo nạp ra đánh cho một trận.

Ngay câu nói đó, Tồn Tương hiểu được đạo lý của ngài Lâm Tế ngộ ở chỗ thiền sư Hoàng Bá.

Đây, chính là làm sáng tỏ chỗ chưa sáng, chứ không phải là chỗ hơn thua. Người ngoài nhìn vào tưởng đâu các vị hơn thua với nhau.

 Rồi đến câu “Chẳng phải sơn Tăng thích nhân ngã, đoạn- thường e rớt kiếp tu hành”. Sư nói không phải ham thích đua tranh nhân ngã, mà sợ rằng trong kiếp tu hành nếu không khéo làm sáng tỏ nghi ngờ thì e rơi vào kiến chấp đoạn- thường, bị nó chôn vùi, khuất lấp đời tu.

Người tu không khéo dễ mắc kẹt trong kiến chấp đoạn- thường. Kiến chấp này là căn bản sinh ra sáu mươi hai kiến chấp khác của ngoại đạo. Từ kiến chấp đó rồi phân chia, vi tế thêm. Nói đoạn thường cũng không ngoài có không. Thường là có. Đoạn tức là không. Cũng thuộc về cái chấp có không, đối đãi.

Thí dụ như người chấp rằng có cái linh hồn không chết. Không chết tức là còn hoài còn mãi thì đó là chấp có, gọi là thường kiến. Còn người chấp sau khi chết rồi là hết, không nhân không quả.  Nên khi đang sống đây mặc tình thụ hưởng, vì chết rồi là hết, đó là chấp đoạn, thuộc về chấp không.

Từ hai kiến chấp gốc đó rồi phát sinh nhiều kiến chấp khác che lấp con đường giải thoát. Cho nên, nhà thiền chặt đứt cái tình có không, không cho nói có, không cho nói không, cũng không có được mất đoạn thường.

Như thiền sư Huyền Sa Sư Bị có lần dạy chúng: “Người đời cách xa lâu đời, cho nên trái với thể thường, quên tâm nhận vật, ngược với chân tông, chấp có kẹt không, chẳng gặp thầy lành bạn tốt, chỉ tự nhận hiểu riêng mình. Dù họ có bàn luận, lẫn lộn trong cái ý so tính. Cho đến, tìm đến chỗ lý tột vẫn không phân biệt tà chánh. Huống là bình sinh chưa từng mò bắt”.

Thiền sư  Huyền Sa Sư Bị nói : “Người đời do cách xa lâu đời, nên sống trái với lẽ chân thường, quên tâm nhận vật, chấp có chấp không theo hiểu biết riêng tư, thành ra bị tà chánh che mất lý thật”.

Bởi vậy ở đây thiền sư Huyền Giác nói cần phải làm sáng tỏ chỗ đó để không lầm lẫn, không rơi vào cái hố đoạn thường bị nó vùi lấp, không giải thoát được.

CHÁNH VĂN:

50- Phi bất phi, thị bất thị,

      Sai chi hào ly thất thiên lý.

      Thị tắc Long nữ đốn thành Phật,

      Phi tắc Thiện Tinh sinh hãm trụy.

***

50- Quấy chẳng quấy, phải chẳng phải,

      Sai đó mảy may ngàn dặm trái.

      Phải đó Long Nữ thành Phật ngay,

      Quấy đó Thiện Tinh đọa liền đấy.

GIẢNG:

“Quấy chẳng quấy, phải chẳng phải, Sai đó mảy may ngàn dặm trái”. Đây là chỗ cần phải sáng suốt, tế nhị chỉ nhích một chút, sai một chút là xa ngàn dặm, rất nguy hiểm, không phải là trò đùa, không được hồ đồ, kéo lại không kịp.

“Phải đó Long Nữ thành Phật ngay, Quấy đó Thiện Tinh đọa liền đấy”. Nghĩa là nếu phải thì ngay đó Long Nữ liền thành Phật, còn quấy thì liền đó Thiện Tinh đọa địa ngục.

 Đây là dẫn chuyện Long Nữ thành Phật trong kinh Pháp Hoa. Long Nữ là con gái của vợ chồng Long Vương Ta-kiệt-la, vừa tám tuổi được Bồ-tát Văn Thù giáo hóa. Long nữ  đến trước Phật Thích-ca dâng hạt châu. Phật nhận. Ngay khi đó Long nữ liền qua thế giới Vô Cấu ở phương Nam, ngồi lên tòa hoa sen báu, thành Đẳng Chánh Giác, nên gọi là chóng thành Phật.

Còn Thiện Tinh rơi địa ngục là dẫn từ kinh Niết-bàn. Kinh ghi thời Phật có Tỳ-kheo Thiện Tinh, rất thông minh, thuộc cả mười hai bộ kinh, tu chứng tứ thiền lại tưởng là đã chứng Thánh A-la-hán. Nhưng do thân cận bạn ác, thời gian sau mất trạng thái tứ thiền. Từ đó, Thiện Tinh sinh khởi tà kiến, hủy báng Phật pháp nói là không có Niết-bàn, không có La Hán. Ngay hiện đời liền bị đọa vào địa ngục. Như vậy, phải quấy chỉ cần nhích một niệm là sai liền, là lên xuống cách xa không lường được.

Có vị Tăng hỏi ngài Triệu Châu: “Khi có sai mảy may thì thế nào?” Triệu Châu đáp: “Đất trời xa cách”, Tăng hỏi: “Còn khi một mảy may không sai thì thế nào?”. Triệu Châu đáp: “Đất trời xa cách”.

Tăng hỏi khi sai một mảy may thì thế nào? Đáp là xa cách như đất với trời. Còn khi một mảy may không sai thì thế nào? Cũng đáp là xa cách như đất với trời.

Để thấy rằng chúng ta phải cẩn thận ngay một niệm, vừa khởi niệm là xa liền. Đây là chỗ phải tế nhị, phải nhanh mắt, phải thật sáng suốt mới thấu rõ chỗ này, mới vào được cửa Thiền tông.

CHÁNH VĂN:

51- Ngô tảo niên lai tích học vấn,

      Diệc tằng thảo sớ tầm kinh luận.

      Phân biệt danh tướng bất tri hưu,

      Nhập hải toán sa đồ tự khốn.

***

51- Ta đã nhiều năm gom học vấn,

      Cũng từng sớ giải tìm kinh luận.

      Phân biệt danh tướng mãi không thôi,

      Vào biển đếm cát ôi nhọc uổng! 

GIẢNG:

Thiền sư Huyền Giác tự thuật lại kinh nghiệm bản thân. Đã từng trải qua nhiều năm gom góp tích lũy học vấn, từng lầm lẫn lo vay mượn của người làm của mình để hiểu được nhiều, nhưng không biết đó là cái học vay mượn. Đây cũng là chỗ hiện nay nhiều người mắc phải.

Bởi vì, việc học gom góp tức là đem cái bên ngoài vào, lấy của người làm của mình, rồi đem cái đó ra phân tích… nhưng đâu ngờ đó là cái học văn tự, chỉ là vay mượn thôi. Nên Sư nói phân biệt danh tướng mãi không thôi, rốt cuộc nhìn lại giống như là vào biển đếm cát, cuối cùng chỉ là nhọc công phu. Vì vào biển đếm cát thì có được gì?

Thiền sư Huyền Giác đã nói lên kinh nghiệm của Sư cũng từng trải qua các trường giảng kinh, theo học giáo nghĩa Thiên Thai, cũng nhiều năm phân tích chữ nghĩa, danh tướng…, nhưng vẫn chưa phải là rốt ráo. Sau tỏ ngộ được tâm địa, đến Lục Tổ ấn chứng, từ đó thôi làm việc nhọc công nữa.

Dụ như chúng ta học theo Duy Thức. Phân tích tâm này tâm nọ, tâm vương tâm sở… rồi cuối cùng không biết tâm sở, tâm vương là gì, ở đâu? Thành ra cái của người vẫn là của người, còn mình chưa sáng được gì!

Hoặc phân tích Bát-nhã. Bát-nhã có ba: Văn tự, Quán chiếu, Thật tướng Bát-nhã. Văn tự là sao? rồi Quán chiếu, Thật tướng Bát-nhã là sao? Phân tích rất rõ nhưng cuối cùng cũng không biết, không thấy được Bát-nhã.

Đó cũng gọi là lấy của Phật, của Tổ rồi giải thích lại, nhưng chính của mình thì chưa sống được, rốt cuộc cũng là vào biển đếm cát, là nhọc công.

Chính trong hội Lăng Nghiêm, Đức Phật cũng từng quở ngài A-nan: “Dù cho ông có trải qua nhiều kiếp huân tập, ghi nhớ hết những lời dạy sâu xa vi diệu của Chư Phật Như Lai, cũng chẳng bằng tu tập nghiệp vô lậu”.

Nghĩa là dù trải qua nhiều kiếp huân tập, ghi nhớ hết những lời dạy sâu xa của Chư Phật, nhưng không bằng tu tập nghiệp vô lậu. Vì đó chính là chỗ mình được giải thoát.

Đoạn này thiền sư Huyền Giác tự thấy, tự trách mình cũng từng đếm của báu cho người, từng nhọc công vô ích. Tức Sư nhắc mỗi người chớ rơi vào dấu vết như thế.

CHÁNH VĂN:

52- Khước bị Như Lai khổ ha trách,

      Sổ tha trân bảo hữu hà ích?

      Tòng lai tắng đắng giác hư hành,

      Đa niên uổng tác phong trần khách!

***

52- Lại bị Như Lai rất quở trách !

      Đếm báu cho người nào có ích?

      Từ lâu lận đận quả toi công,

      Uổng thực bao năm phong trần khách !

GIẢNG:

Thiền sư Huyền Giác tự than trách bản thân từ lâu làm việc đếm của báu cho người bị Như Lai quở trách. Đến khi kiểm lại thấy quả là uổng công, lận đận, cuối cùng cũng làm khách phong trần lang thang, không dính dáng đến việc của mình.

Qua đây, Sư nhắc chúng ta học phải sáng và thấu được tâm để sống, không phải học để phân tích trên danh tướng, hoặc gom góp học vấn rồi cho là hiểu nhiều. Đôi khi hiểu nhiều thành ngã mạn, càng sinh bệnh thêm, càng nguy hiểm. Đó là điều mà chúng ta cần cảnh tỉnh. Thiền sư Huyền Giác thấy rõ lỗi đó, nên khuyên mỗi người học rồi phải tự kiểm lại mình để sống cho đúng lẽ thật.

Trước khi ngộ đạo, thiền sư Lâm Tế cũng từng học kinh luận rất nhiều, nên Ngài cũng có kinh nghiệm này. Có lần Ngài dạy chúng: “Dù cho ông hiểu được trăm bản kinh luận, chẳng bằng một ông Tăng vô sự. Ông hiểu được thì liền sinh khinh miệt người khác, thành A-tu-la hơn thua, nhân ngã vô minh thì tạo mãi nghiệp địa ngục”.

Ngài Lâm Tế nhấn mạnh. Dù cho ông có hiểu một trăm bộ kinh luận đi nữa, cũng không bằng vị Thầy vô sự. Vì hiểu nhiều nên sinh tâm khinh người, ngã mạn, đây là tâm A-tu-la đầy nhân ngã hơn thua, vô minh che mờ nên tạo mãi nghiệp địa ngục.

Ở đây, thiền sư Huyền Giác nhắc cho người biết theo hướng đi chân thật, chớ đạp theo dấu chân lầm lẫn của người đi trước. Nghĩa là phải học sống thật sự, vượt lên danh tướng, nhận được lẽ thật, khai thác sức sống chân thật ngay chính mình. Đó là sống trở lại gốc và chính là trung thành theo ý của Phật dạy. Mỗi người cần phải trở lại quê nhà, chớ làm khách phong trần lang thang nữa.

Chính thiền sư Đức Sơn cũng vậy. Ban đầu, Sư theo nghiệp học vấn. Là giảng sư kinh Kim Cang nổi tiếng. Cuối cùng, Sư thấy cũng chưa được. Sau khi tỉnh rồi, thông cảm với chỗ vướng của mình, nên khi dạy chúng Sư nói lời rất mạnh: “Sở dĩ lão Hồ mửa ra bao nhiêu thứ phương tiện đàm dãi dạy các ông Vô Sự đi, chớ có nhằm bên ngoài mà tìm”.

Lão Hồ tức chỉ cho Phật. Sư nói Phật nói ra bao nhiêu kinh luận cũng chỉ là mửa ra đàm dãi phương tiện, rồi dùng đó để dạy người vô sự đi, buông hết đi chứ không gì hết. Thiền sư dạy người bớt đi những tình chấp để sống trở lại với cái thật của mình, chứ không phải là thêm vào, gom góp để dồn trong hông ngực, rồi tự hào cho mình là thiền sư, là hiểu biết; nhưng rốt cuộc chính mình chưa có gì.

Thiền sư luôn cảnh tỉnh người không cho chết trên chữ nghĩa, văn tự. Cho nên, Thiền tông nêu cao tông chỉ: “Giáo ngoại biệt truyền”. Nghĩa là trở về cái gốc ban đầu của Phật, để đạt được ý thật.

 Ông Bàng Uẩn có bài kệ rất hay:

Ngoại cầu phi thị bảo

Vô niệm tự gia trân.

Tâm ngoại cầu Phật pháp

Tổng thị đảo hành nhân

Bát-nhã danh thượng giả

Khởi khả cánh y văn

Hữu tướng giai hư vọng,

Vô hình thật thị chân.

***

Cầu ngoài chẳng phải báu,

Vô niệm báu nhà mình.

Ngoài tâm cầu Phật pháp,

Thảy là kẻ ngược hành.

Tên Bát-nhã còn giả,

Sao lại được y văn.

Có tướng đều hư dối,

Không hình mới là chân.  

Ông Bàng Uẩn nói rằng ngoài tâm mà cầu Phật pháp thì không phải là của báu nhà mình, cũng là vay mượn. Còn Vô niệm tức là không cầu, không kẹt bên ngoài mới là của báu nhà mình. Tức là bỏ tâm mà đi cầu Phật pháp bên ngoài, thì đó là kẻ đi ngược.

Ông nói tên Bát-nhã đó cũng là giả, nó đâu có hiểu biết gì, đâu biết so sánh mà cứ bám vào đó rồi phân tích, nhiều khi còn cãi vã, hơn thua trong đó, thành mất Bát-nhã luôn. Cái gì có tướng đều là hư dối, là vô thường rồi cũng hư hoại. Cái không hình tướng mới là chân thật. Cần phải soi xét lại để khai thác lẽ thật mà sống, đó mới là Phật pháp chân thật.

Đây thiền sư Huyền Giác kể lại là Sư cũng từng lầm lẫn như vậy. Sư nhắc mỗi người chớ lầm theo dấu vết đó nữa, mà phải sống với cái chân thật.

CHÁNH VĂN:

53- Chủng tánh tà, thố tri giải,

      Bất đạt Như Lai viên đốn chế.

      Nhị thừa tinh tiến vật đạo tâm,

      Ngoại đạo thông minh vô trí tuệ.

***

53- Chủng tánh tà, tri giải bậy,

      Pháp viên đốn Như Lai chẳng thấy.

      Hai thừa tinh tiến chẳng đạo tâm,

      Ngoại đạo thông minh không tuệ trí.

GIẢNG:

Ở trên, thiền sư Huyền Giác nói là mãi lo đếm của báu cho người, phân biệt theo danh tướng nên bị Như Lai quở trách. Phải lận đận nhiều năm rồi cũng uổng công làm khách phong trần.

Đến đây, Sư nói là chủng tánh tà, tri giải lầm lẫn, nên không thấy được pháp viên đốn của Như Lai. Chữ tà là nghiêng lệch, không chánh. Nghĩa là huân tập theo cái nhân nghiêng lệch, do đó bỏ mất bản tâm hướng ra ngoài, trái với chánh đạo.

Rồi sao là tri giải bậy? Tức hiểu biết lầm lạc, nên xa mất gốc chân thật. Tri giải là hiểu biết nhưng mà hiểu biết lầm.

Thiền sư Lâm Tế nói: “Người học không thấu hiểu chấp theo tên gọi, câu lời, bị tên phàm thánh làm ngại. Do đó, ngăn che đường đạo không được rành rõ. Như mười hai phần giáo đều là lời nói biểu hiện bên ngoài, người học không lãnh hội, bèn nhằm trên danh cú biểu hiện sinh hiểu, đều là nương dựa, rơi tại nhân quả, chưa khỏi sinh tử trong ba cõi”.

Nghĩa là người học không thấu rõ, rồi chấp theo câu lời… bị cái tên phàm thánh làm ngăn ngại. Do đó, ngăn che con mắt đạo chẳng thấy được rành rõ. Như mười hai phần giáo là kinh điển của Phật, đều là lời nói biểu hiện bên ngoài. Người học chẳng lãnh hội, nhằm trên những câu nói đó rồi sinh hiểu, đều là rơi vào nhân quả, chưa ra khỏi sinh tử trong ba cõi.

Đây thiền sư Huyền Giác nói: Cũng có hiểu biết nhưng là cái hiểu biết sinh ra ngăn ngại, che con mắt đạo, không thấy được lẽ thật, gọi là tri giải lầm lẫn. Chính vì vậy, nên không thấy pháp viên đốn của Như Lai.

Pháp viên đốn Như Lai là gì? Tức chỉ thẳng tâm thể Như Lai  sẵn có ở ngay nơi mỗi người, nó không nằm trong chữ nghĩa, văn tự. Chính đây là chỗ sống của ba đời Chư Phật. Pháp này xưa nay vốn tự sẵn đủ không phải do tạo tác mới thành, nên không thuộc sinh tử, cũng không thuộc tri giải.

Sư nhắc chúng ta khéo soi trở lại. Đây chính là của báu nhà mình. Nhận được của báu này để sống thì hết đời lang thang làm khách phong trần, cũng khỏi phải lận đận đếm của báu cho người khác.

 Rồi Sư nói thêm “Hai thừa tinh tiến chẳng đạo tâm, Ngoại đạo thông minh không tuệ trí”. Nhị thừa tức là hai thừa Thanh văn và Duyên giác. Tuy tinh tiến nhưng lại không có đạo tâm. Còn ngoại đạo có thông minh lại không có trí tuệ.

Sao tinh tiến mà lại không có đạo tâm, còn thông minh mà không có trí tuệ?

Chúng ta học Phật cần phải hiểu thật kỹ, không khéo tinh tiến mà không đúng với đạo. Nghĩa là tinh tiến nhưng mà hướng ra bên ngoài, tức là có tâm tạo tác, nên trái với đạo tâm chân thật.

Thiền sư Đức Sơn Tuyên Giám nói: “Ở trên núi một mình ngày ăn một bửa, ngồi mãi chẳng nằm sáu thời lễ tụng vẫn còn hồ nghi sinh tử. Lão Hồ nói: Các hạnh vô thường là pháp sinh diệt”.

Đó là tinh tiến bên ngoài, nên vẫn còn hồ nghi sinh tử. Đức Phật dạy các hạnh là vô thường tức những cái có tạo tác đều thuộc vô thường, là pháp sinh diệt. Ngài Đức Sơn nói những việc xem như rất là tinh tiến như ở trên núi một mình, ngày ăn một bửa, ngồi mãi chẳng nằm, ngày sáu thời lễ lạy… nếu bám chấp vào đó, không biết soi lại thì việc đó cũng vẫn còn hồ nghi sinh tử, cũng thuộc về pháp vô thường.

Chúng ta cần phải mở sáng mắt tâm để thấy suốt tự tánh xưa nay của chính mình, đó là điều quan trọng. Không phải chỉ dừng trên hình tướng tạo tác. Thiền sư Huyền Giác nhằm thúc đẩy cho người tiến lên, không theo công phu tạo tác bên ngoài rồi dừng trên đó.

Sao nói ngoại đạo thông minh không trí tuệ? Đọc sử chúng ta thấy ngoại đạo cũng có rất nhiều vị thông minh, tài biện luận đến bít lấp cả miệng người, rồi lập ra các thuyết… Vậy đâu phải các vị là người dốt. Nhưng đó chỉ là cái thông minh của trí sinh tử, là cái hiểu biết ở trong luân hồi, chưa phải trí xuất thế, chưa thấu rõ được nguồn tâm xưa nay, nên chưa được gọi là trí tuệ Bát-nhã. Vì đó còn trong thức tình, cũng là trí sinh diệt.

Thế nên, đối với thiền sư, thông minh chưa phải là trí tuệ. Chúng ta không nên lầm lẫn rồi tự hào. Đây, Sư nhắc khéo để chúng ta không mắc kẹt, không có ỷ lại vào trí thông minh. Một trong tám nạn có “Thế trí biện thông” là thông minh theo thế gian, đó cũng là nạn. Trí này làm chướng ngại đạo nên đừng bám chấp.

Lục Tổ một hôm hỏi thử trong chúng: “Ta có một vật không đầu, không đuôi, không tên, không họ, không sau lưng, không trước mặt, mỗi người biết đó là gì chăng?” Thần Hội lanh lợi đáp: “Đó là cội nguồn của Chư Phật, là Phật tánh của Thần Hội”. Lục Tổ bảo: “Đã nói với ông là không tên, không chữ mà ông còn gọi là cội nguồn, là Phật tánh, như vậy về sau cũng chỉ là hạng tông đồ tri giải”.

Tổ quở chỗ tri giải. Bởi vì Tổ đã ngừa trước, nói vật này không tên, không chữ mà ông còn lanh lợi nói là cội nguồn, là Phật tánh, nên đó cũng là mắc kẹt trên danh từ.

Ở đây thiền sư Huyền Giác cảnh tỉnh để chúng ta không kẹt trong đó, mà phải tiến lên mở sáng mắt tâm, để thấy rõ lẽ thật; không kẹt trong cái thông minh theo trí thế gian, không kẹt trong cái tinh tấn thuộc về bên ngoài, thuộc về tạo tác hữu vi.

CHÁNH VĂN:

54- Diệc ngu si, diệc tiểu ngãi,

      Không quyền chỉ thượng sinh thật giải.

      Chấp chỉ vi nguyệt uổng thi công,

      Căn cảnh pháp trung hư niết quái.

***

54- Cũng ngu si, cũng nhỏ dại,

      Trên nắm tay không sinh thật giải.

      Chấp ngón là trăng uổng ra công,

      Trong pháp căn cảnh bắt bóng mãi.

GIẢNG:

Thiền sư Huyền Giác nói tiếp: “Cũng ngu si, cũng nhỏ dại, Trên nắm tay không sinh thật giải”. Sư nói chúng ta giống như những đứa bé nhỏ dại không có thật trí. Đứa bé thấy nắm lá vàng cho là vàng thật, không phân rõ thật giả. Cũng vậy, ngôn ngữ, danh tự chỉ là phương tiện đâu phải là thật mà chúng ta lại bám chắc. Đối với chỗ thật chứng của Như Lai, vốn vượt ngoài ngôn ngữ, không thuộc về có không, đại thừa, tiểu thừa, hoặc đốn tiệm…Phật dùng phương tiện giáo hóa dẫn dắt chúng sinh trở về cái thật, tạm lập ra đại thừa, tiểu thừa… đâu phải là thật. Vì mỗi người không rõ nên bám chấp cho là thật, rồi hài lòng trên cái hiểu chữ nghĩa, lại đem ra phân tích, chia chẻ càng lúc càng xa. Thế nên, làm chướng ngại Bồ-đề, không thấy được tánh thật.

Có chuyện kể về thiền sư Nhất Hưu như sau: Trên núi Tỷ Duệ có tục đến mùa thì đem Đại Tạng Kinh ra phơi. Mỗi người truyền nhau và tin tưởng là mỗi khi phơi kinh nếu có ngọn gió thổi qua, ai đón được gió ấy thì người đó được phước, mở sáng mắt tuệ. Nên ai nấy đua nhau lên núi để đón ngọn gió đó.

Thiền sư Nhất Hưu nghe, muốn cảnh tỉnh mỗi người, nên cùng theo đoàn người lên núi, song đến giữa đường thì Sư nằm phơi bụng ra nói:

- Tôi cũng phơi Tạng Kinh của tôi nữa.

Có người lên núi báo, liền có vị thầy xuống khuyên:

- Thôi hãy vào trong nghỉ, đừng làm chuyện mất oai nghi quá!

Sư nói:

- Các Ngài phơi Tạng Kinh thì tôi cũng phơi Tạng Kinh, nhưng Tạng Kinh của các Ngài có lúc phải bị cũ mục, bị mối ăn. Còn Tạng Kinh của tôi thì mối ăn không được, còn biết giảng kinh, thuyết pháp nữa, đây mới là Tạng Kinh sống.

Thiền sư Nhất Hưu muốn nhắc nhở đánh thức mỗi người phải tỉnh, nhận ra chỗ chân thật, đừng chấp bên ngoài.

Ở đây, thiền sư Huyền Giác nói thêm “Chấp ngón là trăng uổng ra công, Trong pháp căn cảnh bắt bóng mãi”. Nghĩa là chấp ngón tay cho là mặt trăng thì thật là uổng công; rồi trong pháp căn cảnh mà cứ lo bắt bóng mãi, như vậy được cái gì? Kinh điển Phật nói ra giống như ngón tay để chỉ mặt trăng, người khéo thì nhơn ngón tay thấy mặt trăng, chứ không chấp ngón tay là mặt trăng, rồi bám chặt vào đó. Như vậy, thật là tốn công vô ích. Bởi ngón tay thì làm sao là mặt trăng được? Ngón tay nó đâu biết chiếu sáng? Cũng vậy, kinh điển, chữ nghĩa nó cũng đâu biết soi sáng gì? Cái soi sáng nó ở đâu? Ở ngay nơi mình chứ đâu có ở trong chữ nghĩa, nhưng chúng ta lại cứ bám vào đó cho là thật, rồi hài lòng trong đó là lầm.

Thí dụ như nói Chân tâm, Phật tánh…, hai từ đó đâu có hiểu biết, đâu có giác ngộ, có soi sáng gì đâu? Nhiều khi bám vào đó lo phân tích Chân tâm, Phật tánh, Như Lai, Bồ-tát, A-la-hán, hoặc Niết-bàn là thế nào? Giải thích chia chẻ, nghĩa này rộng, nghĩa kia hẹp, lý cạn sâu càng nhiều để tỏ ra thông minh, hiểu biết. Đó chỉ là tri giải, là vào biển đếm cát, gọi là phân biệt danh tướng. Đôi khi lại còn vì nó tranh cãi thì lại càng xa thêm và không còn thấy Phật tánh đâu nữa. Đến khi được nghe lời nhắc nhở thì chúng ta cũng lờ qua, như vậy là sao? Thế nên, thiền sư Huyền Giác nói đó cũng là lầm lẫn, cũng mê mờ, là nhỏ dại, chấp trên cái nắm tay không mà sinh thật hiểu.

Thiền sư Thần Tán cảnh tỉnh thầy Bổn Sư cũng chỗ đó. Sư theo thầy Bổn Sư tu nơi ngôi chùa vùng xa, do chưa sáng nên từ giã Thầy đi học đạo. Đến Tổ Bá Trượng và được sáng tỏ bản tâm. Sau trở về chùa hầu Bổn Sư như cũ. Một hôm, Thầy Bổn Sư ngồi bên cửa sổ đọc kinh, Sư đứng hầu thấy có con ong cứ dùi trong khung cửa sổ che bằng giấy để tìm khoảng trống bay ra mà không được; trong khi cánh cửa trống thì nó không chịu bay ra. Sư thấy vậy nói bài kệ:

Không môn bất khẳng xuất,

Đầu song dã thái si.

Bách niên tán cổ chỉ,

Hà nhật xuất đầu thì.

***

Cửa trống chẳng chịu ra,

Quá ngu chui cửa sổ,

Trăm năm dùi giấy cũ,

Ngày nào ra khỏi đây.

Thấy cảnh con ong nơi cửa trống không chịu ra, cứ lo bay vào cửa sổ bít mà chui hoài không ra. Cũng vậy, ý nói Thầy Bổn Sư cho dù trăm năm có dùi đầu trong giấy cũ, cũng không tìm ra cái sáng, cái thật nơi mình, rất là uổng công.

Thiền sư Bá Trượng nhắc: “Đọc kinh, xem giáo lý đều phải uyển chuyển để  soi lại chính mình. Tất cả ngôn ngữ, giáo lý, chỉ là tấm gương soi lại tánh giác chính mình hiện nay. Chỉ không bị tất cả cảnh có không làm lay chuyển, ấy là bậc Đạo sư của ông. Rồi hay chiếu phá tất cả cảnh có không là huệ Kim Cang, tức có phần tự do độc lập. Nếu chẳng nhận được như vậy, dù là tụng làu mười hai bộ kinh điển cũng chỉ thành tri giải”.

Ngài Bá Trượng dạy người khi đọc kinh hay xem giáo lý, đều phải uyển chuyển soi lại chính mình, đó mới là khéo đọc kinh. Tất cả những ngôn ngữ giáo lý là tấm gương để soi lại tánh giác, lẽ thật không có trong chữ nghĩa. Sức sống chân thật ấy mới là bậc Đạo Sư của ông. Cái mà hay chiếu phá tất cả cảnh có không, cái đó mới là trí tuệ Kim Cang.

Do không hiểu, không biết soi lại để chiếu phá, không dính kẹt vào cái có không, khéo mở trí tuệ Kim Cang của mình, mà lại cứ bám vào trong chữ nghĩa, cũng thuộc về bệnh tri giải, vẫn bị các pháp có không trói buộc chẳng được tự do. Đây là bệnh chấp ngón tay cho là mặt trăng, người học cần phải tỉnh lại. Cũng đừng theo pháp căn cảnh mãi lo bắt bóng. Pháp căn cảnh tức là các pháp duyên ra ngoài. Trong là căn ngoài là cảnh, căn duyên ra cảnh, đuổi theo nghĩa lý suông, đúng là bắt bóng.

Có vị Pháp sư  đến hỏi thiền sư Huệ Hải:

- Định hỏi một câu thầy có vui lòng đáp chăng?

Huệ Hải nói:

- Bóng trăng ở dưới đầm sâu mặc ý ông mò bắt.

Sư sẵn sàng đáp, nhưng đó cũng chỉ là cái bóng trăng ở dưới nước, còn ông muốn thấy được trăng thật thì phải soi lại, nếu cứ bám đuổi theo ngôn từ thì cũng là bắt bóng. Nên ở đây thiền sư Huyền Giác nói trong pháp căn cảnh mà cứ bắt bóng mãi thì rốt cuộc cũng không được gì.

CHÁNH VĂN:

55- Bất kiến nhất pháp tức Như Lai,

      Phương đắc danh vi Quán Tự Tai.

      Liễu tức nghiệp chướng bổn lai không,

      Vị liễu ưng tu hoàn túc trái.

      Cơ phùng ngọc thiện bất năng san,

      Bệnh ngộ y vương chẩm đắc sái.

***

55- Chẳng thấy một pháp tức Như Lai,

      Đấy mới gọi là Quán Tự Tại.

      Tỏ tức nghiệp chướng xưa nay không,

      Chưa tỏ nợ trước phải đền lại.

      Đói gặp cơm vua chẳng chịu ăn,

      Bệnh gặp Y vương vẫn còn ngại.

GIẢNG:      

Sư nói “Không thấy một pháp tức Như Lai, Đấy mới gọi là Quán Tự Tại”. Đây là nói đến chỗ tu, chỗ sống của chính mình. Là phải thấy suốt qua các pháp. Nếu người chỉ biết học phân tích theo chữ nghĩa, thì cũng không dễ gì rõ được.

Như mỗi pháp đang hiện tiền ở trước mắt, rõ ràng như cây cối, cái bàn, cái ghế, nhà cửa…, làm sao lại chẳng thấy được một pháp? Việc này không phải dễ, dùng tri giải thì không thể qua được, mà phải là chỗ có  công phu, có sức sống thực.

Nghĩa là thấy tất cả chứ không phải không thấy gì hết, mỗi pháp nó đang hiện tiền làm sao không thấy, nhưng thấy tất cả mà lìa tất cả. Không sinh tâm trụ vào một pháp nào, thấy suốt qua hết, tức thấy tất cả nhưng không có một pháp thật.

Cái thấy vẫn nguyên vẹn là thấy, không trụ vào cái nào hết. Như vậy, cái thấy vẫn sáng ngời, không lẫn lộn thì không một pháp nào che đậy được, ngay đó tức là Như Lai hiện tiền.

Đoạn này nói đến tâm vô trụ. Chẳng thấy một pháp tức là tâm không trụ vào đâu hết; mà tâm vô trụ thì không có mọc rễ, là cắt đứt muôn duyên, không còn chỗ để duyên, đó là trả về gốc chân thật xưa nay, đó tức là Như Lai.

Đây là chỗ để ứng dụng tu, hợp với tinh thần kinh Kim Cang. Kinh nói “Lìa tất cả tướng tức gọi là Chư Phật”. Lìa tất cả tướng là không có bám, không dính tướng nào hết, là chẳng thấy một pháp, đó gọi là Chư Phật, là Như Lai.

Có vị Tăng hỏi thiền sư Bổn Tịnh:

- Muôn pháp từ đâu sinh?

Sư  đáp:

- Từ điên đảo sinh.

Tăng hỏi:

- Vậy khi không điên đảo thì muôn pháp ở chỗ nào?

Sư đáp: “Ở”.

Tăng hỏi:

- Ở chỗ nào?

Sư  đáp:

- Điên đảo làm gì!.

Hỏi muôn pháp từ đâu sinh. Thiền sư Bổn Tịnh nói rõ muôn pháp từ điên đảo sinh. Mà từ điên đảo sinh rõ ràng do vọng tưởng khởi nên không có một pháp thật.

Lại hỏi là khi không điên đảo thì muôn pháp ở chỗ nào? Sư chỉ nói “ở”. Vì không điên đảo muôn pháp tự như như, không có chỗ để tâm sinh, và như vậy tức là Như Lai rồi. Vậy còn hỏi ở chỗ nào? Tức là sinh điên đảo nữa rồi. Cho nên, vừa hỏi ở chỗ nào, thì Sư đáp là “điên đảo làm gì?” Tức là vừa thấy có chỗ, liền thành điên đảo.

Nhưng con mắt nào thấy được chỗ này? Đó là chỗ mà mỗi người học phải khám phá ra để sống. Đây, không phải là chỗ bắt chước, hoặc bám theo chữ nghĩa. Giống như trên nắm tay không sinh thật giải, hay chấp ngón tay là mặt trăng.

Ngài Tào Sơn dạy:

- Có một người nhằm ở trên đỉnh núi cao muôn trượng, gieo mình thẳng xuống thì đó là người gì?”. Trong chúng không ai đáp được. Lúc đó, thiền sư Đạo Duyên ở trong chúng bước ra thưa:

- Chẳng còn.

 Tào Sơn:

- Chẳng còn cái gì?

 Đạo Duyên đáp:

- Mới đập chẳng nát.

Tào Sơn chấp nhận.

Trên đỉnh núi cao muôn trượng gieo mình thẳng xuống tức là sao? Là buông hết tất cả, là sẵn sàng buông. Tức là trước mắt không một pháp, buông hết muôn duyên, buông sạch không còn chỗ bám.

Cuối cùng đó mới là chỗ đập chẳng nát. Đến đó mới là không ai làm gì được, vì đâu còn có cái gì để thấy mà đập.

Chúng ta vì còn thấy có pháp thật, tức là còn có chỗ để thấy; mà còn có chỗ thấy nên còn có chỗ để đập, thì cái đó khi đập liền nát. Còn chỗ này là hết chỗ để thấy thì còn chỗ nào để đập nữa, nên đập hoài đập mãi mà cũng đâu có đập tới được mà nát. Nếu người  thấu được như vậy đó thì thấy suốt qua tất cả pháp, và đó mới là Quán Tự Tại, là thấy suốt tất cả một cách tự tại.

Có vị Tăng hỏi thiền sư Duy Giản: “Thế nào là cây kiếm thổi lông?”.

Duy Giản đáp: “Nhiều sao chẳng bằng trăng”.

Tăng hỏi: “Cái dụng đó thế nào?”.

Đáp: “Rơi”.

Tăng hỏi: “Sau khi rơi thì thế nào?”

Đáp: “Bồ-tát Quán Thế Âm”.

Kiếm thổi lông tức là cây kiếm sắc bén, sợi lông nhỏ thổi qua liền đứt. Đáp là nhiều ngôi sao chẳng bằng một mặt trăng. Tâm phân biệt giống như những ngôi sao, tuy sáng nhưng nhỏ nhỏ thôi. Nên nói nhiều sao chẳng bằng trăng, đó là sạch hết mọi tâm phân biệt.

Sau khi rơi sạch hết, không còn chỗ bám nữa, tức không có một pháp thật thì lúc đó là Bồ-tát Quán Thế Âm hay Quán Tự Tại. Khi các Ngài đã thấy được đến chỗ đó rồi, thì chỗ thấy như nhau, chỗ đáp cũng khế hợp.

Đến được chỗ này mới gọi là thấy nghe tự tại, không vướng mắc thanh, sắc, hay sáu trần, tuy sống giữa thanh, trần nhưng không gì che ngại được.

Thiền sư Hoàng Bá - Hy Vận nói: “Chỉ một tâm này thôi trọn không có một pháp bằng hạt bụi nhỏ có thể được, tức là tâm Phật”. Tổ Tổ truyền nhau đều từ một tâm này, đồng một chỗ thấy này.

Ngài nói thêm: “Như một hạt bụi, đập làm một trăm phần, chín mươi chín phần là không, một phần có thì pháp đại thừa cũng không thể xuất hiện. Còn trăm phần đều không thì pháp đại thừa mới hay xuất hiện”. Nghĩa là, đem một hạt bụi đập làm trăm phần, thấy chín mươi chín phần là không, nhưng còn thấy một phần là có thì cũng là chưa thấu được pháp đại thừa, phải trăm phần trăm là không mới gọi là thấu suốt, đó mới tự tại. Như thiền sư Huyền Giác nói: “Chẳng thấy một pháp tức Như Lai, đó mới gọi là Quán Tự Tại”.

“Tỏ tức nghiệp chướng xưa nay không, Chưa tỏ nợ trước phải đền lại”. Chữ liễu ở đây không chỉ là hiểu suông, mà là tỏ suốt, là thấu qua. Người tỏ suốt, sống được thật nghĩa thì nghiệp chướng xưa nay là không, còn chưa tỏ thì nợ trước phải đền lại. Chỗ này là chỗ phải hết sức cẩn thận, không được hồ đồ. Nói càn nói bướng rất là nguy hiểm. Khi nào sống được trong đó rồi, thì mới đạt rõ nghiệp chướng xưa nay là không.

Bởi vì nghiệp chướng đâu đến được trong cái chân thật. Trong đó chẳng thấy một pháp thật thì chỗ nào mà chướng? Mà nghiệp chướng cũng là pháp tạo tác, là pháp vô thường, thì cũng không phải là pháp thật.

Xưa, khi vua Kế Tân đến xin cái đầu của Tổ Sư Tử, Tổ nói: “Năm uẩn còn không thì sá gì cái đầu”. Ngay đó, vua chặt đầu Tổ.

Theo cái nhìn của người thường thấy giống như Tổ có đền nợ. Tu đến giai đoạn đó rồi mà cũng còn bị nạn. Song đối với Tổ thì tâm vẫn sáng ngời, cũng không có gì chướng.

Chúng ta chưa liễu ngộ, nên còn thấy có mình thật có pháp thật, nên nghiệp chướng cũng là thật. Do đó thấy có đền nợ, có chướng, có nạn. Cho nên chỗ này không thể học nói suông được.

Có ông Tăng Hạo Nguyệt, đến hỏi thiền sư Trường Sa - Cảnh Sầm việc này, thiền sư Cảnh Sầm giải qua bài kệ:

Giả hữu nguyên phi hữu,

Giả diệt diệc phi vô.

Niết-bàn thường trái nghĩa,

Nhất tánh cánh phi thù.

***

Giả có tức chẳng có,

Giả diệt cũng chẳng không.

Nghĩa Niết-bàn đền nợ,

Một tánh lại nào hai.

     Người đời thấy Tổ Sư Tử chết như vậy, cho là thật có chết, có đền nợ. Còn người liễu ngộ thấy thân không thật, cái ngã này không thật, rồi pháp cũng không thật thì có gì mà gọi là chướng, có gì gọi là trả.

 Rõ thân này có là giả có tức chẳng phải có, nên diệt cũng là giả diệt, không thật có cái diệt thành không. Trong đó không có gì là chết cả. Nghĩa là bị chặt đầu nhưng trong đó không có gì chết, chỉ có cái giả thân này tạm mất thôi. Cho nên thấy Niết-bàn hay là đền nợ cũng như nhau.

Đối với Ngài, với các bậc đã liễu ngộ thì thấy sinh diệt cũng chỉ là bỏ cái giả thân, đâu có chết được tánh thật kia. Hai câu Chứng Đạo Ca này là chỉ rõ con đường mê ngộ, không lầm lẫn.

“Đói gặp cơm vua chẳng chịu ăn, Bệnh gặp Y vương vẫn còn ngại”. Đoạn này thiền sư Huyền Giác đã thương xót chỉ rõ lẽ thật, nhưng mỗi người còn chưa chịu nhận để sống. Nên Sư nói là đói mà gặp được cơm vua không chịu ăn, hoặc là bệnh gặp được vua thầy thuốc lại không chịu uống thuốc, thì đành chịu.

Lẽ thật đã chỉ ra rõ ràng ngay chính mình chứ không ở đâu xa, chỉ cần nhận ra và sống. Giống như cơm vua dọn sẵn, thuốc hay đã để ở trước mắt mà không chịu ăn, không chịu uống để đành chịu đói, chịu mang bệnh, thì đó là lỗi tại ai, ai thấy được lỗi này?

Ngài Dược Sơn hỏi Sa Di Cao:

- Ta nghe Trường An rất ồn náo ngươi có biết chăng?

Sa Di Cao thưa:

 - Nước con an ổn.

 Dược Sơn hỏi:

 - Vậy chứ ngươi do xem kinh mà được hay do thưa hỏi được?

Sa Di Cao thưa:

- Chẳng do xem kinh cũng chẳng do thưa hỏi được.

Dược Sơn gạn lại:

- Có lắm người chẳng xem kinh cũng chẳng thưa hỏi sao họ chẳng được?

Sa Di Cao thưa:

- Chẳng nói là họ không được chỉ vì họ không chịu nhận thôi.

Giống như ở đây, dọn cơm vua sẵn, đưa sẵn đến nơi mà mình không chịu nhận nữa thì thôi. Tức là “cái đó” đã sẵn nơi mình, chỉ là không chịu nhận, nên đành chịu đói, đành chịu mê vậy.

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 89443
  • Online: 27