Chứng đạo ca ( Phần 3)

21/07/2011 | Lượt xem: 4306

 

HT Thích Thanh Từ
giảng ngày 20.7.2002 tại chùa Linh Sơn, Vũng Tầu


CHÁNH VĂN :
Bất cầu chân, bất đoạn vọng,
Liểu tri nhị pháp không vô tướng.
Vô tướng vô không vô bất không,
Tức thị Như Lai chân thực tướng.

 

 



GIẢNG :

Đoạn này quí vị nghe hơi khó hiểu

Bất cầu chân, bất đoạn vọng, là không cầu chân, cũng chẳng đoạn vọng. Tại sao mình lại không cầu chân, không đoạn vọng? Bởi vì đối với người tu, khi đến chỗ cứu kính thì không mắc kẹt hai bên. Nếu còn chân là có đối với vọng, hoặc còn vọng là đối với chân. Cho nên, đến chỗ chân thật rồi nó không còn đối đãi, vì vậy mà nói không cầu chân, không đoạn vọng. Tất cả chúng ta tu, vì lâu nay cứ ngở rằng bao nhiêu thứ phiền não, bao nhiêu thứ vọng tưởng nó làm rối, nó làm khổ cho mình. Nhưng biết tường tận thì vọng tưởng, phiền não là cái hư dối không thật. Hư dối không thật nên nó lặng đi thì chân thật tự nó thành hình chớ không phải cầu, không phải tìm ở đâu hết.

Quí vị thấy  phiền não vọng tưởng có thật không? Đa số ai cũng nói rằng mình bị phiền não quá. Vậy phiền não là cái gì? Là buồn, thương, giận, ghét, oán thù..v.v…, những cái đó nó làm cho mình khổ. Như vậy thì chúng ta tu phải thấy những cái buồn thương giận ghét, thử có thật hay không? Quí vị thấy có thật không? Tôi nói thí dụ một chuyện nhỏ xíu thôi. Thí dụ như mình ở chung trong một nhà hay trong một chùa. Rồi hôm nào đó mình có để món đồ hơi quí của mình, huynh đệ bên cạnh họ thấy, thấy rồi họ lượm họ giấu. Khi mình mất mới tìm kiếm nó. Nếu mình biết ai lấy cái này thì sẽ làm sao? Là người có tội ăn cắp, ăn trộm của mình rồi. Cho nên nghĩ nếu mình biết được ai ăn trộm, ăn cắp của mình thì mình sẽ tát tay hoặc nạt nộ gì đó. Nhưng khi mình tìm một hồi, bất thần huynh đệ đưa ra, đây tôi giấu chơi chớ tôi không có lấy. Lúc đó mình tát tay không? Cái giận cái buồn khi mất đó còn không? Nó bay đi đâu mất tiêu. Nếu nó thật thì nó nổi lên rồi kéo dài, nhưng mà không phải. Nghĩa là khi mất thì mình bực bội la hét, khi người ta đưa ra trả lại mình thì mình vui vẻ nhiều. Như vậy cái buồn cái giận nó không có thật mà lâu nay chúng ta bị nó sử mình, nó sai khiến mình. Đó là tôi nói trường hợp đặc biệt mình mất đồ.

Còn trường hợp đặc biệt như người mình thương thật là thương, mà người đó lâu nay cái gì cũng chiều ý mình hết, nói cái gì thì tuân lệnh vâng làm, thì lúc đó mình thương. Hôm nào đó, mình bảo cái gì mà họ chứng cự lại, lúc đó còn thương không hay nổi giận? Thì như vậy cái thương không thật, cái giận cũng không thật. Bởi vậy nên rồi chúng ta bị cái thương cái ghét, cái giận cái buồn, nó làm rối loạn trong tâm mình gọi đó là phiền não, nói tôi phiền não quá. Phiền não vì cái buồn thương giận ghét đó nó quấy nhiễu, nó không cho mình yên. Bây giờ biết nó không thật, cái giận vừa dấy lên thì biết nó không thật, cái thương đấy lên biết nó không thật. Nó không thật biết rõ bản chất không thật thì nó hết quay cuồng rối loạn mình nữa. Như vậy biết phiền não không thật thì đâu cầu cái gì chân, tìm không thật làm gì. Phiền não không thật thì tất cả cái khác đều không thật. Cho nên biết phiền não không thật, đó là biết được vọng không thật, không thật thì cần dứt vọng nữa hay không? Nó không thật thì tự nó hết.

Bây giờ quí vị thử khi nào đang nổi giận ai đó, cái mình nhìn lại cái giận, ôi chú không thật thì cái giận tự nó lặng thôi, nó trốn mất hà, chớ không có đi đâu, không phải trốn tránh chỗ nào. Như vậy thì cái vọng hay cái nóng giận nó không thật, thì cái chân thật cũng đâu có thật. Vì vậy mà nói khi chúng ta tu dùng trí tuệ bát-nhã quán chiếu thấu suốt các pháp duyên hợp không thật, thì không còn nói chân, nói vọng gì nữa hết, vì cái đối đãi nó cũng không thật. Vì vậy nên đây mới nói chẳng cầu chân, không đoạn vọng là như vậy.      

Liểu tri nhị pháp không vô tướng. Tức rõ biết hai pháp là không có tướng thật. Biết cái chân, cái vọng đối đãi là không thật.

Bởi không thật nên, Vô tướng vô không vô bất không, nó không tướng, mà nó cũng không không, mà cũng chẳng không cái chẳng không. Dùng từ thật là khó. Vô tướng, vô không, vô bất không, ba chữ vô. Vô tướng vì nó không thật nên gọi là vô tướng, không thật nhưng mà không phải không. Bây giờ tôi nói thí dụ cho quí vị hiểu từ này. Chúng ta đứng dựa bên hồ nước trong đêm rằm, trên hư không có mặt trăng sáng chiếu xuống, thì nhìn xuống mặt hồ chúng ta thấy cái gì? Ờ thấy bóng mặt trăng. Như vậy thì bóng mặt trăng ở đáy hồ là thật hay không thật? Nếu mình đưa tay vớt lên được không? Vớt lên thì nó không, nên nói rằng vô tướng là nó không có tướng thật. Nhưng vớt thì không thật, không được, mà đứng trên nhìn thì có không? Không thật mà vẫn có, mắt vẫn thấy nó đang ở dưới đáy hồ, nó là vô tướng vô không, nó chẳng không. Như vậy thì nó là không tướng, nó là không phải là không ngơ, nó có cái bóng rõ ràng.  Nhưng rồi thêm chữ vô bất không, vô là không, bất là chẳng, không mà chẳng không. Tại sao không chẳng không? Không là không có cái tướng thật, mà có bóng nên thấy không mà chẳng phải không.

Các pháp ở giữa này cũng vậy, người ta cứ ngở rằng cái gì mình thấy mình biết thì cái đó đều thật. Nhưng mà đâu phải vậy, cái mình thấy mình biết mà nó vẫn là giả, chớ nó không có thật. Bởi vậy nên mình hiểu rõ ràng thì lẽ thật của nó hiện tiền, nên người học Phật nếu hiểu sơ sơ thì không thể nào thấu suốt. Như chúng ta thường đứng hai bên hoặc là có hoặc là không, cái gì có là có thật, không là không thật. Nhưng ở đây không mà chẳng không thì sao? Không là không cái tướng thật, nhưng giả tướng vẫn có, nên không mà chẳng không. Như trăng ở đáy nước nó không khi mình mò bắt nó đâu có, nhưng nó chẳng không vì mình đứng đây nhìn thấy bóng ở dưới nước rõ ràng, như vậy không mà chẳng không.            

Tức thị Như Lai chân thực tướng, là thấu suốt được cái đó thì mình biết cái tướng chân thật của Phật. Như vậy tất cả chúng ta tu, chúng ta phải làm sao thấu suốt được lẽ này: cái chân thật tướng của Như Lai là chỗ không phải thực, không phải hư. Nếu nói là thật thì không được, nói không ngơ thì cũng không được.

Như bây giờ tôi nói thí dụ đây là chỉ lẽ thật cho quí vị thấy. Như giờ nội tâm chúng ta khởi suy nghĩ thì quí vị nói cái gì? Tâm tôi đang suy nghĩ. Nhưng khi không suy nghĩ quí vị có tâm không? Bởi vì chúng ta lầm chữ tâm, ngở rằng tâm là cái biết, cho cái suy nghĩ biết đó gọi đó là tâm. Tâm đó là mình phải không? Đó là tâm mình. Tôi đang suy nghĩ, cho suy nghĩ là tâm của tôi. Bây giờ giả sử lúc nào quí vị thản nhiên tự tại ngồi chơi, không suy nghĩ gì hết, rồi có tâm không? Có tôi không? Không suy nghĩ, lẽ ra nói tâm suy nghĩ là tâm tôi, thì không suy nghĩ là không có tôi rồi. Nhưng không suy nghĩ mà tôi vẫn nghe, tôi vẫn thấy thì cái tôi đâu phải là cái suy nghĩ, mà lâu nay chúng ta cột cái suy nghĩ là tâm mình.

Cho nên Phật thấy mê lầm cái suy nghĩ là tâm nên chúng ta đi theo cái tạo nghiệp. Bởi vì suy nghĩ thì có thương, có ghét, có buồn, có giận; đó tất cả cái suy nghĩ đều dẫn mình tới buồn thương ghét giận đó nên mình tạo nghiệp trầm luân sanh tử. Bây giờ buông hết suy nghĩ mà mình vẫn hiện tiền, mình hiện tiền mà không có suy nghĩ thì có tạo nghiệp không? Không tạo nghiệp mà vẫn có mình, như vậy nhắm mắt mình giải thoát tự tại, nghiệp không dẫn. Vậy mục đích tu là tới chỗ đó.

Phật dạy mình tu là gì? Tu là dứt hết vọng tưởng, vọng tưởng điên đảo phải dứt, vì vậy bắt mình phải niệm Phật cho nhất tâm. Nhất tâm thì mới thấy được Phật, còn tu thiền thì phải định, định cái tâm lăng xăng đó, như vậy thì mới giải thoát sanh tử.

Mình tu bây giờ thì hay cấm cho cái suy nghĩ xấu, tội lỗi nhưng suy nghĩ tốt thì cho. Nghĩ cái này phải, cái kia hay, cái kia tốt, cái nọ là hơn gì đó, những cái gì mình thấy hay mình cho nó nghĩ. Như vậy mình cho nó nghĩ, nghĩ điều lành, điều phải thì khi chết mình đi đâu? Nhất định đi được cõi lành, cõi người, cõi trời, mà đi cõi người cõi trời Phật có ưng ý cho người tu mình đi cõi đó không? Phật chưa, được cõi người rồi mấy chục năm cũng chết nữa, được lên cõi trời mấy ngàn năm hết phước rồi cũng tuột xuống, như vậy thì không phải là chỗ giải thoát an lành.

Vì vậy mà Phật bảo mình dừng hết mọi suy nghĩ đừng cho tâm nó dấy niệm tạo nghiệp thì mình hết bị tạo nghiệp luân hồi sanh tử. Giải thoát ngay chỗ đó, quí vị nghiệm lại những pháp tu, pháp nào cũng dạy mình tới chỗ đó hết. Ngồi thiền thì phải định, chớ ngồi thiền mà tưởng tứ tung thì không được gì. Niệm Phật thì phải nhất tâm, không nhất tâm thì cũng chưa được cái gì. Đó là chỗ chú ý mà Phật dạy chúng ta. Cho nên khi tâm mình không còn cái niệm lăng xăng nữa, đó là nhân của giải thoát sanh tử.

 

CHÁNH VĂN : 

Tâm kính minh giám vô ngại,

Quách nhiên oánh triệt châu sa giới.

Vạn tượng sum la ảnh hiện trung,

Nhất lỏa viên quang phi nội ngoại.

GIẢNG :

Chỗ này diễn đạt chỗ cứu cánh của chúng ta tu. Khi chúng ta được tâm trong sáng rồi, giống như mặt gương trong vậy đó, thì nó chiếu soi không có gì trở ngại hết. Quí vị thấy mặt gương chúng ta chừng một tấc vuông thôi mà trong thì chúng ta để ngoài trời nhìn thấy tận mây xanh không? Nó trong thì tất cả hình ảnh ở ngoài đều chiếu rọi vô. Gương tâm mình nếu khi nó không còn những niệm khởi che đậy thì lúc đó nó chiếu soi không ngại, tự tại vô ngại đó. Lúc đó nó chiếu tới đâu? Nó chiếu thông suốt, quách nhiên oánh triệt là thông suốt khắp cả châu sa giới. Châu sa giới là thế giới nhiều như cát như bụi vậy đó. Nghĩa là vô lượng vô biên thế giới mình đều chiếu soi khắp hết. Đó là chuyện phi thường, khó mà tin nổi. Nhưng điều đó quí vị muốn tôi chứng minh không?

Bây giờ tôi hỏi quí vị Đức Phật ngồi tu dưới cội bồ-đề, khi từ canh một tới canh ba thì Ngài chứng được Thiên nhãn minh. Khi chứng thiên nhãn minh rồi Ngài nhìn thấy trong bầu trời, có vô lượng vô số thế giới. Như vậy còn mắt phàm mình thấy tới đâu? Thấy có một thế giới mình ở thôi, ngoài ra mình không biết, cái gì ở xa đó là sao là trăng là gì đó chớ không phải thế giới nữa. Với con mắt Phật lúc đó tâm hoàn toàn trong sáng rồi, Ngài nhìn thấy thế giới vô số kể, nên từ chuyên môn là hằng hà sa số thế giới là thế giới nhiều như cát sông Hằng. Như vậy tâm Ngài chiếu tới đâu? Không phải khắp hết cả bầu trời, hay khắp hết cả thế giới hay không. Cho nên mới nói rằng quách nhiên tức là nó rỗng rang chiếu suốt cả thế giới nhiều vô số kể, như số cát sông Hằng. Điều đó là một lẽ thật Phật đã thấy.

Còn mình ngày nay mình chiếu không xa là tại vì gương mình bụi quá mà, bụi nó phủ dầy kín làm sao mà thấy. Vì vậy nên nói tu là phủi bụi, phủi bụi của cái gì? Phủi bụi của mặt gương tâm. Tâm mình nó trong sáng mà bây giờ cứ phiền não lên hoài, lát thì thương, lát thì giận, lát thì buồn, lát thì tức, nó cứ liên miên, liên miên. Có khi nào quí vị ngồi một giờ mà không có cái nghĩ gì không, hay là cái này chồng lên cái kia, cái kia chồng lên cái nọ, vừa dứt cài này nó sang cái khác liên tục, liên tục, bởi vậy nên nó che khuất gương sáng của mình. Phật bải mình muốn có gương sáng đó hiện bày thì phải dừng bụi lăng xăng đó, phải lau chùi nó cho sạch, chớ đừng để nó tối, đừng để nó mờ.

Như vậy thì quí vị biết tu chưa? Đừng lấy làm lạ tại sao mình tu mà cứ bỏ không cho nghĩ. Cái nghĩ là bụi phủ che tâm sáng của mình, cho nên Phật bảo mình bỏ, mình trừ nó đi thì cái tâm sáng tự hiện. Nếu mình chứa chấp nó thì muôn đời mình đi trong mờ mịt tối tăm, không bao giờ được sáng tỏ. Đó là chỗ mà Phật muốn nói.

Còn ở đây ngài Huyền Giác ngộ được đạo rồi, ngài nói cũng đúng như vậy đó.

Vạn tượng sum la ảnh hiện trung, tức là muôn tượng ở chung quanh đều hiện trong cái gương không thể nghĩ bàn của mình đó, chớ không ở đâu hết.

Nhất lỏa viên quang phi nội ngoại, tức là chỉ một hòn ngọc sáng, nó không phải ở trong, không phải ở ngoài. Nghĩa là khi chúng ta có hòn ngọc sáng để ở trên bàn, rồi tất cả cảnh hiện trong hòn ngọc sáng đó, thì cảnh hiện trong hòn ngọc sáng đó là cảnh ở trong hay cảnh ờ ngoài? Mình thấy là thấy ở trong hòn ngọc, nhưng không phải ở trong hòn ngọc, từ ngoài mà nó hiện bóng vào đây đủ hết, cho nên không nói ở trong không nói ở ngoài.

Đây ngài chỉ người tu khi đạt tới chỗ tâm mình trong sáng không còn những niệm lăng xăng che đậy nữa thì như một hòn ngọc trong sáng vậy, hình bóng ở ngoài đều hiện vô trong hòn ngọc. Khi thấy bóng hình sự vật trong hòn ngọc mà thật ra những cái đó không phải ở trong hòn ngọc, cho nên không phải trong mà cũng không phải ngoài là vậy.

 

CHÁNH VĂN : 

Hoát đạt không, bác nhân quả,

Mãng mãng đãng đãng chiêu ương họa.

Khí hữu trước không bệnh diệc nhiên,

Hoàn như tỵ nịch nhi đầu hỏa.

CHÁNH VĂN : 

Hoát đạt không, bác nhân quả, là bác hoàn toàn không, không có nhân quả. Người ở đời họ nói làm rồi thôi, tất cả cái gì hiện tại này chớ đời sau không có. Mình làm được phước hay điều lành thì hưởng ngay bây giờ chớ không phải tới đời sau. Hoặc giả đời này mình làm, đời sau không có cái quả gì mà sợ. Cho nên họ nói rằng hoàn toàn không, không có nhơn quả.

Nếu người chấp chặt như vậy, bác lý nhơn quả triệt để như vậy thì:

Mãng mãng đãng đãng chiêu ương họa. Là mênh mông thênh thang chuốc họa ương. Tức chuốc họa ương dẫy đầy, tràn ngập không biết là bao nhiêu. Bởi vì chúng ta tin được lý nhân quả, đời này chúng ta làm xấu làm ác, đời sau chúng ta khổ bị trầm luân. Cho nên ráng tu chừa cái ác làm lành.

Nếu người không tin có nhơn quả, bác lý nhơn quả thì họ có sợ cái gì ác, cái gì tội đâu. Bởi không sợ ác, không sợ tội nên rồi họ tạo không biết bao nhiêu là tội, mênh mông bát ngát kể không hết. Khi tội nhiều đó là họ đã chuốc khổ không thể nào lường, không thể nào tính được. Đó là nói người bác không, không có tội không có phước gì hết.  

Khí hữu trước không bệnh diệc nhiên, tức bỏ cái có mà chấp cái không thì bệnh cũng giống nhau như vậy. Hoặc nói không nhơn không quả, hoặc nói nhơn quả không thật..v.v.., khí hữu là bỏ cái có rồi chấp vào cái không thì nó cũng giống hệt như vậy. 

Hoàn như tỵ nịch nhi đầu hỏa  là giống như mình sợ chết chìm mà nhào vô đóng lữa. Sợ chết chìm lạnh mà nhào vô đóng lữa thì sao? Thì mình cũng chết nóng.

Bởi vì ở thế gian có hai cái bệnh: bệnh chấp có và bệnh chấp không. Có người nói rằng đời này chết đời sau sẽ còn trở lại để chịu những phước, những tội mà mình đã gây đời trước, nhất định nó không sai chạy, đó là chấp có. Có người nói chết rồi là hết, không còn gì hết, đó là chấp không.

Cho nên có nhiều khi, các vị tu trong nhà Phật mà còn có lầm lẫn lớn. Như khi tụng kinh nhất là kinh Bát Nhã, chiếu kiến ngũ uẩn giai không..v.v… cái gì cũng không hết. Vô nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý, tất cả cái gì không hết. Rồi họ nói Phật nói trong kinh cái gì cũng không hết, không đó mới đúng, còn nói có là trật, thì có tội không? Không là không tướng thật, chớ không phải không giả tướng. Mình lầm như khi nảy tôi nói, mặt trăng ở dưới đáy nước nó không phải mặt trăng thật, nhưng mà không phải không có bóng mặt trăng. Không phải mặt trăng thật đành rồi, nhưng bóng mặt trăng đâu có không. Cũng như vậy, Phật nói thân này không là không cái tướng thật, chớ tướng giả hợp do duyên đâu phải là không.

Như vậy thì phải hiểu chữ không trong đó là để phá cái chấp thật, mà cái giả tướng không phải là không. Có nhiều người nói trong kinh bát-nhã nói cái gì cũng không, không hết. Vậy thì tất cả pháp không có gì hết, không mình không có người, không có gì hết, thì tha hồ muốn làm gì làm, thì chẳng khác nào như người sợ chết chìm mà chui vô đống lữa, như vậy cả hai đều nguy hiểm. Cho nên trong nhà Phật cấm không cho chúng ta chấp một bên, hoặc là có, hoặc là không, bởi vì tất cả pháp ở giữa thế gian này đều là không thật. Có mà không thật, không thật mà nói thật không được cho nên không nói có, mà không thật nói không cũng không được.

Bây giờ tôi hỏi tất cả quí vị, hiện giờ thân chúng ta ngồi đây nghe giảng thân mình thật không? Không thật, người ta ngắt một cái có la không? La vì thấy đau tức là thấy mình thật rồi, nói không sao được. Cho nên chỗ này là chỗ rất khó. Chữ không thật là Phật chỉ cho mình thấy cái thân này đủ duyên thì nó còn, thiếu duyên thì nó mất, cho nên không thật.

Bây giờ quí vị kiểm nghiệm coi tất cả chúng ta những người trước chúng ta và những người đồng thời với chúng ta, họ còn hết? Nếu có người nào đang nói chuyện với mình vui vẻ, bất thần bị nhồi máu cơ tim ngã đùng ra chết. Đang nói chuyện với mình thì lúc đó thật hay giả? Nhất định là thật. Mà nhồi máu cơ tim ngã ra chết lúc đó thật hay giả? Chết rồi thì giả. Như vậy thật giả đó rõ ràng chưa? Mới phút giây trước mình nói là thật, vì đối diện nói chuyện với mình. Nhưng tới chừng nhồi máu cơ tim ngã ra chết, thì lúc ngã ra chết thì thật hay giả? Nếu thật thì lúc nào cũng thật, còn mới đó thật bây giờ thành giả thì nó đâu phải là thật nguyên vẹn. Nó chỉ có trong lúc nào rồi nó sẽ mất, cho nên rồi đều giả.

Chúng ta kiểm lại ông cha chúng ta trước có bây giờ không. Kể cả ông nội, bà nội gì đó hồi xưa mình nói có, nhưng bây giờ kiểm lại mất rồi. Lần lần cho tới cha, tới mẹ mất, cho tới mình cũng mất luôn thì giả hết trơn. Hể mất rồi thì giả chớ thật sao được. Như vậy mà Phật nói giả mình không chịu. Tại sao mình không chịu? Tại vì mình mê lầm nhận cái giả làm cái thật, bởi vậy cho nên mình cứ khổ hoài. Mất cái giả này tìm cái giả khác nữa không bao giờ dừng, Phật gọi đó là luân hồi sanh tử. Bây giờ biết cái giả là giả, thì không có quan tâm mấy, cần nó thì dùng không cần thì thôi, không có sao hết.

Như vậy thì chúng ta tu phải có trí tuệ thấy đúng như thật. Cái giả biết là giả, cái thật biết là thật, đó là chúng ta có trí tuệ. Còn giả mà tưởng là thật thì chúng ta là người si mê. Bây giờ tôi hỏi toàn quí vị ở đây, quí vị đang là người giác ngộ hay người si mê? Si mê. Vậy mà ai nói si mê cái nổi giận liền. Mình rõ ràng nếu xét lẽ thật thì chúng ta đang si mê, vì mang thân giả mà ngở là thật, rồi chấp hơn chấp thua, được mất đủ thứ khổ, cho nên đó là si mê. Chúng ta biết giả là giả thì đâu còn si mê nữa. Bởi chúng ta si mê chấp thân giả làm thật, rồi tất cả cái giả khác dồn tới chúng ta cũng thấy thật hết trơn. Mình thấy thân thật thì có ai chửi mình, mình chịu nổi không? Nếu họ chửi mình thì chắc ăn thua tới cùng, chết sống với nhau.

Như vậy thì tại thấy thân thật nên lời chửi cũng thật, nếu thấy thân giả thì lời chửi cũng giả, có gì đâu. Thân còn là giả, huống nữa là lời chửi nó qua mất tiêu. Cho nên Phật hồi xưa giác ngộ rồi người ta chửi Ngài cũng thản nhiên tự tại, không giận không hờn. Còn mình bây giờ động tới thì la đông đổng. Như vậy thì mới thấy kẻ mê thì nhiều khổ đau, nhiều phiền não. Còn giác ngộ rồi thì hết phiền não hết khổ đau như vậy đó. Cho nên tu là đưa chúng ta tới chỗ giác ngộ không còn mắc kẹt cái gì hết.

Như vậy thì đây để nói rõ rằng, tất cả các pháp không nên chấp có, mà cũng không nên chấp không. Có và không là hai bên, mà chỉ nói là giả.

Trở lại thí dụ hồi nảy, mặt trăng dưới đáy nước, giờ chúng ta phải nói nó làm sao? Nói có thì thử vớt lên coi. Vớt không được nói không. Bây giờ để yên nước trong lại nhìn thấy coi có hay không? Nếu không thì sao mắt mình thấy, thấy có rõ ràng. Như vậy nói không cũng không được. Nói đúng nhất là đây là bóng mặt trăng. Bóng mặt trăng là cái giả nó không thật, thì đó là lẽ thấy được chân lý. Còn nói mặt trăng đó là thật, mặt trăng đó không có, đều là trật hết, đều là sai lầm. Đó để cho quí vị thấy cái mê lầm của chúng ta nó cũng na ná như người nhìn mặt trăng dưới nước vậy đó. Con nít thấy thì tưởng mặt trăng thật, còn người lớn thì thấy biết đó là bóng mặt trăng.

Giờ Phật giác ngộ nên biết thân này giả, còn chúng ta thì mê nên nói thân này thật, thì chúng ta giống như con nít vậy thôi mặt trăng ở dưới nước mà cho là thật. Như vậy chúng ta bị cuộc đời lầm lẫn, nó lôi kéo chúng ta đi mãi trong sanh tử luân hồi.

Đó là giải thích đoạn này cho biết rằng đừng chấp khẳng định có thật, mà cũng đừng chấp khẳng định là không ngơ. Phải biết tất cả pháp tạm bợ, giả dối không thật.

 

CHÁNH VĂN : 

Xả vọng tâm, thủ chân lý,

Thủ xả chi tâm, thành xảo ngụy.

Học nhân bất liễu dụng tu hành,

Chân thành nhận tặc tương vi tử.

GIẢNG :

Có những vị mới tu nói rằng cái tâm hư vọng là tâm dối, tâm điên đảo tạo nghiệp. Vậy rồi thôi bỏ hết vọng tâm đó để cho mình được cái chân lý, được chân lý là được chân tâm. Bỏ vọng tâm để được chân tâm. Như vậy thì bỏ bên này để được bên kia. Bỏ là xả, được là thủ; cả tâm thủ xả đó cũng thành ra xảo ngụy nữa. Xảo ngụy tức là giả dối không thật. Người tu thấy rõ tâm hư dối nó không thật, cho nên mình không lệ thuộc nó. Khi không lệ thuộc hư dối thì tự nó hiện cái chân thật hiện tiền, không có bỏ cái này mà giữ cái kia gì hết. Cái thật là nó hiện tiền, hiện tiền là tâm mình, còn khởi cái giữ tâm mình thì nó là hai cái: cái giữ và cái tâm; mà hai cái thì không phải là mình rồi.

Như vậy cho nên cái vọng mình biết nó rồi, tự nó mất. Vọng mất mà cái biết này là chân, mình giữ hoài cái biết này thì như vậy cái biết vọng là một, cái giữ cái biết nữa là hai, vậy cũng xảo ngụy chớ chưa phải thật. Cho nên vọng, biết vọng không theo thôi đủ rồi, hết vọng thì tự nó chân, chớ không có bỏ cái này giữ cái kia. Bỏ cái này giữ cái kia cũng là bệnh, cũng là hai bên.

Vì vậy mà ở đây ngài nói:

Xả vọng tâm, thủ chân lý,

Thủ xả chi tâm, thành xảo ngụy.

Tức là bỏ vọng tâm mà giữ chân lý, thì tâm giữ và bỏ đó cũng thành tâm xảo ngụy.

Học nhân bất liễu dụng tu hành,

Chân thành nhận tặc tương vi tử.

Người học đạo không rõ dùng cái đó mà tu hành, cho nên trở thành nhận giặc làm con.

Chỗ này tôi nói rộng một chút cho quí vị hiểu. Đây là chúng ta nói về cách tu niệm Phật. Chúng ta dùng câu niệm Nam mô A Di Đà Phật để trừ hết vọng tưởng. Mình cứ niệm phải câu đó cho tới tất cả vọng tưởng đều lặng hết thì câu niệm Phật đó nó còn hoài được không? Ở đây câu niệm Phật cốt để trừ hết những niệm lăng xăng, niệm lăng xăng hết rồi thì câu niệm Phật cũng phải lặng. Cho nên trong thí dụ ở bên Tịnh Độ có nói, chân chúng ta đạp gai, muốn lấy gai đó ra thì phải mượn gai khác mình lể. Mượn gai khác mình lể gai cũ ra rồi thì gai khác cũng quăng luôn. Nếu gai cũ ra rồi, mà gai mới mình cũng để nguyên trong chân thì hết đau không? Không. Đó, cho nên câu niệm Phật là phương tiện để trừ muôn niệm, khi muôn niệm hết rồi thì câu niệm Phật cũng phải buông.

Vì vậy trong nhà Phật thường thí dụ. Như con mắt mình đang trong, đang sáng. Bây giờ có người nói để lấy một chút mạt vàng hay mạt ngọc gì đó để vô con mắt cho nó tốt hơn, rồi bỏ vô mắt mình thì sao? Cái đó là của quí mà bỏ vô mắt thì nó có sáng hơn không, hay là nó bệnh? Vì vậy cho nên cái chỗ chân thật đó nó không còn các niệm nào, cho nên nói niệm Phật tới vô niệm đó. Từ một câu niệm Phật để đánh tạt hết các niệm khác rồi, cuối cùng câu niệm Phật đó từ từ chúng ta cũng phải buông. Buông câu Phật niệm rồi đó gọi là vô niệm. Niệm tới vô niệm gọi đó là nhất tâm. Như vậy thì niệm Phật là phải đi tới chỗ niệm mà vô niệm, nếu còn niệm thì đó là nhất niệm chớ không phải nhất tâm. Còn nhất niệm thì còn động, còn động là còn sanh diệt. Cho nên đi tới chỗ vô sanh thì phải là vô niệm.

Người tu thiền cũng vậy thôi, mình tu ngồi yên. Thí dụ người theo hơi thở thì mượn hơi thở. Tới chừng tâm nó yên rồi thì hơi thở mình cũng bỏ luôn. Người tu thiền có khi dùng phương tiện quán thân bất định hay gì đó, thì khi tâm mình nó yên rồi thì cũng bỏ luôn, thì mới đi tới chỗ hoàn toàn an định, mà an định rồi mới giải thoát sanh tử, mới gọi là nhập Niết bàn. Chớ còn chưa được an định thì chưa được Niết bàn.

Cho nên hiểu thấu đáo được con đường tu Phật dạy, vì tinh thần, trình độ của người học Phật khác nhau nên Phật phải có nhiều pháp môn, để tùy theo trình độ. Thí dụ ai thích mình sau chết thì sau được sanh chỗ nào cho vui thì Phật nói niệm Phật đi chết được về Cực Lạc. Mà niệm chừng nào nhất tâm bất loạn nhắm mắt mới được Phật đón. Còn ai tự thấy có khả năng quán chiếu được mình thì dùng phương pháp Thiền, ai muốn linh thiêng Phật bảo trì chú đi. Thí dụ trì câu “Án ma ni bát di hồng” có biết gì đâu, cứ đọc mãi câu chú đó linh lắm mình tin như vậy, rồi tới ngày nào đó định được tâm thì câu chú cũng lặng luôn.

Như vậy phương tiện thì có nhiều, nhưng cứu kính thì không hai. Hiểu như vậy thì ai tu cái nào cũng tốt, mà phải tu đến nơi, chớ đừng tu lơ mơ rồi cải lộn với nhau vô ích. Đó là chỗ hiểu thấu đáo, hành thấu đáo. Bây giờ người tu đi chưa tới cửa, đứng ngoài cải lộn nhau, cái nhà đó có cái gì cái gì, vô ích quá.

Cho nên có nhiều người đặt câu hỏi với tôi, nói chúng tôi niệm Phật sau chết về Cực Lạc, còn thầy tu thiền chết rồi đi đâu? Quí vị nghĩ trả lời làm sao? Chết rồi cái mơ mơ, không biết đi đâu nữa. Nhưng đâu có ngờ Phật nói chỗ cuối cùng là hết sanh tử, giải thoát sanh tử mà. Nếu còn sanh là còn tử. Vì vậy mà muốn đi tới chỗ hết sanh tử thì phải hết niệm, hết vọng tưởng. Vọng tưởng hết, niệm hết rồi thì không tạo nghiệp, chừng đó nhắm mắt thì nhập Niết bàn vô sanh. Chớ hỏi đi đâu nữa là hỏi chuyện đi trong sanh tử. Đó là chỗ mà người học Phật chưa tới rồi cứ ngờ, rồi hỏi qua hỏi lại. Vì vậy mà tôi nói rộng cho quí vị biết sự tu nó là như vậy. Không phải như người ta hiểu tưởng tượng bằng cách mình sanh chỗ kia vui, chỗ nọ buồn không phải. Chỉ là người tu mà còn sanh trong lục đạo mới có vui buồn, nếu đi tới chỗ cứu kính thì không có cái vui buồn đó nữa.

 

CHÁNH VĂN : 

Tổn pháp tài, diệt công đức,

Mạc bất do tư tâm ý thức.

Thị dĩ thiền môn liễu khước tâm,

Đốn nhập vô sanh tri kiến lực.

GIẢNG :

Tổn pháp tài, diệt công đức, là làm tổn hao tài sản chánh pháp của mình mà lại diệt mất các công đức.

Mạc bất do tư tâm ý thức. Tư là đây. Đâu hẳng do đây tâm ý thức. Tâm ý thức là cái làm cho mình tổn pháp tài, làm cho mình diệt công đức. Bởi sao? Vì tâm ý thức mình nó lăng xăng, nó lộn xộn; do lăng xăng lộn xộn nên nó làm thương tổn tới chánh pháp, làm thương tổn đức hạnh của mình. Quí vị thấy mình làm sai, mình làm bậy là tại cái gì? Tại ý thức nghĩ bậy, nghĩ sai. Từ ý thức nghĩ bậy, nghĩ sai rồi làm bậy làm sai, đó là tổn hao pháp tài, tổn hao công đức của mình. Vì vậy mà ý thức là cái gốc, tâm ý thức là cái gốc tội lỗi.   

Thị dĩ thiền môn liễu khước tâm, thế nên trong nhà thiền khi liễu ngộ được tâm mình rồi.

Đốn nhập vô sanh tri kiến lực. Tức là chống vào tri kiến, cái sức tri kiến vô sanh của mình, thể nhập được cái vô sanh.

Trong nhà thiền dạy chúng ta tu là phải làm sao nhận chân được cái chân thật của mình. Bởi mình có cái chân thật mà bỏ quên, cứ chạy theo ý thức lăng xăng tạo nghiệp. Quí vị có cái chân thật không? Có người nào nghèo không có không? Tất cả chúng ta đều có hòn ngọc quí là tâm chân thật của mình.

Bây giờ tôi nhắc lại chư tâm như khi nảy tôi nói tâm là cái biết. Nhưng có hai thứ biết, biết bằng suy nghĩ lăng xăng sanh diệt và biết bằng hiện tiền mà không suy nghĩ. Cái biết suy nghĩ lăng xăng gọi là vọng tâm, cái biết hiện tiền mà không suy nghĩ là chân tâm. Bây giờ tôi trở lại thí dụ hồi nảy, quí vị ngồi chơi thản nhiên không nghĩ gì hết, mà tiếng chim kêu mình biết là tiếng chim, tiếng chó sủa mình biết là tiếng chó sủa, người đi qua biết là người, cây mình biết là cây. Tất cả cái thấy biết hiện tiền, thấy biết hiện tiền thì có mình không? Mà cái biết đó có suy nghĩ không? Vậy mà mình có nhớ nó đâu, chỉ nhớ cái suy nghĩ trong đầu không hà. Suy nghĩ trong đầu lăng xăng sanh diệt, còn cái biết hiện tiền là không sanh không diệt. Cho nên câu chuyện nhà thiền tôi kể cho quí vị nhớ thêm.

Hồi xưa ngài Ngưỡng Sơn Huệ Tịch đi tới một thiền sư mới hỏi thăm: “Bạch Hoà Thượng, thế nào là Phật tánh?’. Hòa Thượng nói: “Thí dụ như có con khỉ để trong lồng, cái lồng đó có sáu mặt. Mỗi khi con khỉ ở ngoài tới mặt này kêu chéo chéo, thì con khỉ ở trong kêu chéo chéo. Rồi qua mặt kia nó kêu chéo chéo, con khỉ trong chạy ra kêu chéo chéo. Mỗi mặt con khỉ ngoài kêu thì con khỉ trong đáp ứng.” Rồi ngài không nói gì nữa hết. Ngài Ngưỡng Sơn thưa: “Bạch Hoà Thượng, nếu con khỉ trong nó ngủ thì sao?” Hòa Thượng từ trên giường thiền bước xuống nắm đứng nói: “Chúng ta thấy nhau rồi”. Sao vậy, thấy nhau rồi thấy cái gì?

Con khỉ trong là khỉ ý thức, khỉ ngoài là sáu trần. Cưa nào tỉ dụ như lỗ tai nghe tiếng thì ở trong nó phản ứng liền, tiếng đó hay tiếng đó dở, tiếng đó nam tiếng đó nữ gì..v.v… Rồi từ cái biết tiếng đó, nó suy nghĩ vậy rồi mới khởi cái niệm tiếng đó dễ thương, tiếng đó dễ ghét..v.v… tạo nghiệp. Như vậy vừa có khỉ ngoài kêu thì khỉ trong hưởng ứng.

Bây giờ tới cả mắt tai mũi lưỡi thân ý, nó tiếp xúc với trần mà ở trong ý thức nó không chạy nữa thì có biết không? Biết cũng biết, thấy cũng thấy, nghe cũng nghe mà không cần suy nghĩ gì hết, đó là con khỉ ở trong nó ngủ rồi. Con khỉ trong ngủ rồi mà mắt vẫn thấy tai vẫn nghe, mũi vẫn ngửi, lưỡi vẫn nếm, thân vẫn xúc chạm thì cái biết đó là cái gì? Là Phật tánh rồi chớ gì. Phật tánh ở ngay nơi mình sẳn mà mình không biết, mình cứ bị con khỉ này chạy ra, nó dựa theo sáu căn mà tạo thành nghiệp. Vì vậy mà tu có gì lạ đâu, là đập cho con khỉ ở trong nó chết, nó lặng xuống thì mọi việc yên lành chớ gì. Cho nên tất cả pháp Phật dạy đều nhắm vào diệt cái niệm lăng xăng ở trong đó, mà niệm lăng xăng đó là niệm của ý thức, nó làm cho mình tạo thành nghiệp chịu khổ. Nếu niệm đó lặng được rồi thì nghiệp khổ theo đó hết chớ có gì đâu.

Như vậy chúng ta tu là cốt để trở về với cái thật, cái sẳn của mình, nói trở về là phương tiện thôi. Cái hư dối mình không theo, không mắc kẹt để cho cái chân thật được hiển bày. Nên trong kinh Pháp Hoa Phật nói anh chàng say mà có viên ngọc đó, đã sẳn trong túi mà lại quên, rồi tới chừng người ta chỉ sờ vô nắm được ờ đây có viên ngọc.

Cũng vậy Sơ Tổ Trúc Lâm nói bài kệ trong Cư Trần Lạc Đạo phú, câu chót là “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”. Tức là đối cảnh là đối với sáu trần mà tâm không chạy ra thì đó là thiền rồi. Thiền là đối với sáu trần mà không vướng, không mắc, không dính, không kẹt. Giả sử đang đi chơi ngoài mà không vướng mắc cái gì cũng là thiền. Còn ngồi trong thiền đường mà nhớ tứ tung, thiền được chưa? Đó cũng chưa phải thiền. Như vậy thiền là để cho tâm không vướng mắc với sáu trần, không vướng mắc sáu trần là tâm chân thật đầy đủ, khỏi kiếm khỏi tìm ở đâu hết.

Giờ quí vị thử làm vậy coi kết quả không, đừng thèm vướng mắc gì hết. Thấy người thì thấy người, đừng nói người đó dễ coi hay khó coi. Nghe tiếng thì nghe tiếng đừng nói tiếng đó hay, tiếng đó dở. Ăn thì cứ ăn đừng nói món này vừa ý, món kia không vừa ý. Vừa ý mình là ăn cho cái ý, chớ không phải ăn cho cái miệng. Như vậy chúng ta cứ lộn xộn, sống trong cái điên đảo. Bây giờ ăn thì cứ ăn, ngon dở gì cũng được hết, cốt ăn để sống thôi. Vậy không thèm nghĩ, ăn cũng không nghĩ gì hết. Rồi tất cả trường hợp mình cũng không thèm suy nghĩ khen chê để phân biệt, thì đó là mình đang thiền. Đi cũng thiền, đứng cũng thiền, ngồi cũng thiền, nằm cũng thiền, chớ không phải đợi giờ ngồi thiền mới thiền.

Nhưng mà kẹt bây giờ đi ra ngoài thấy cái gì cũng chạy theo hết bắt buộc phải ngồi ngó xuống kềm nó lần lần cho quen. Chừng nào quen rồi tha hồ đi, đi tới đi lui tự tại không ai bắt nữa hết. Nhưng lúc đầu thì bắt buộc để kềm chế từ buổi đầu. Hiểu như vậy thì quí vị mới thấy cái tu.

Nói xa hơn nữa thì quí vị thấy có nhiều người thấy mình ngồi thiền ngó xuống lim dim họ nói: “Thời giờ hiện nay quí lắm, một giờ bao nhiêu tiền, ngồi ngó lim dim hai ba tiếng đồng hồ vô ích quá”. Như vậy ngồi để làm gì? Nhiều người cắt nghĩa không nổi, không biết ngồi để làm gì. Chớ còn tôi nói rằng chúng ta chạy tìm vật chất bên ngoài được tất cả rồi sẽ mất tất cả. Bởi sao? Được cho thân này, nhưng khi thân này hoại rồi tất cả cái mình được nó thành cái gì? Nó thành đồ bỏ rồi. Như vậy dầu cho mình được nhà lầu, được xe hơi, được tất cả nhưng khi thở khì ra không hít vô thì mất hết trơn, không còn gì hết. Còn cái gì của mình?

Ngồi lại để phăng tìm cái thật của mình coi nó ở đâu nó ra sao. Phản quan nhìn lại mình để biết cái nào vọng, cái nào chân để mình không còn chạy theo, không còn mắc kẹt, buông xả những cái hư giả để sống với cái chân thật. Như vậy đó là việc làm quí hay không quí? Tất cả cái được bên ngoài thấy như là thực tế, nhưng mà cái ở trong mình, cái thật của mình mình bỏ quên, mình chạy theo cái giả. Được cái giả rồi, cái thân giả này mất rồi thì vô nghĩa, vô lý.

Còn bây giờ mình phăng tìm cho ra cái gì là thật mình, cái gì không phải thật mình. Biết cái không phải thật mình, mình xả mình buông, sống với cái thật an ổn. Nghĩa là mình hiện tiền không quên không mất, thì sống được cái đó thì quí hay là không quí? Cái đó là không sanh diệt, cái thật của mình không sanh không diệt mà mình bỏ quên. Bây giờ ngồi đó để nhìn, để ngó lại để mình thấy rõ cái hư dối không lầm và cái thật từ từ nó hiện. Như vậy đó là chúng ta biết phăng tìm cái chân thật của chính mình, chớ không phải là chuyện vô ích. Ngồi yên lặng để phăng cho ra, tìm cho được cái thật sẳn mà lâu nay mình bỏ quên.

Cho nên chữ mê trong nhà Phật là gì? Mê là quên. Mình có cái thật mà mình quên. Bây giờ nhớ lại là mình giác hết quên, hết mê. Như vậy thì tu theo đạo Phật là cốt giác tức thấy nhận được cái thật của mình. Nhận được cái thật của mình thì muôn đời không bị sanh tử nữa. Quí không! Nhận được cái chân thật của mình rồi, cái đó nó biết được tất cả lẽ thật của thế gian này. Còn ở ngoài mình học bao nhiêu, kiến thức bao nhiêu cũng chỉ là tạm thời qua rồi mất. Còn được cái đó rồi không mất.

Như Đức Phật khi mà ngộ được những lời Ngài nói tới bây giờ có cái nào sai không? Ngài nói trong nước có vi trùng, hồi xưa ông bà mình đâu có biết trong nước có vi trùng nên không tin lời Phật, nhưng bây giờ mình tin không? Biết rõ nước có vi trùng không nghi ngờ. Như vậy lời Phật nói hơn hai ngàn năm mà không lạc hậu. Bây giờ các học giả, học thuyết này nọ, họ nói một thời gian thì bị lạc hậu, lớp sau nó đi hơn mình.

Còn lời Phật nói tới bây giờ không lạc hậu. Như Phật nói thân này là giả. Bây giờ các nhà y học người ta thấy thân này thật hay giả? Nó là mớ kết tụ của tế bào chớ có gì thật. Tế bào bao nhiêu tỷ nó hợp lại thành thân này, rồi những cái đó mà nó công phá nhau thì rã ra thì thật sao được. Phật nói giả mình có tin không? Cũng không chịu tin. Bây giờ người ta phân tích ra quả tang là nó giả, nhưng mà quả tang giả khi mình đọc sách, khi mình nghe, qua rồi cũng thấy thật trở lại. Chừng tắt thở rồi cũng còn thấy thật nên kiếm thân nào để thế vô nữa, cho nên đi luân hồi không hết.

Vì vậy mà tu để trở lại mình, tìm cái thật của chính mình là một việc làm tối quan trọng của kiếp người. Cái gì ở ngoài mình tìm cho được, giữ cho có, cho còn chỉ là cái tạm bợ thôi. Tất cả cái gì tìm được tìm cho ai hưởng? Cho mình hưởng, mình hưởng là thân này. Thân này mình giữ không được mà tìm cho nhiều để làm gì? Phải chi mình giữ được cũng ráng tìm để cho nó hưởng. Nhưng thời gian nào đang tìm được chất cả đống ở đó, cái nó ngã đùng chết cái thôi, của mình tìm được là của ai? Đó là một lẽ thật mà thế gian đâu có biết. Bởi vậy người tu là người nhìn xa, thấy rộng không lầm lẫn, biết rõ những lẽ thật.

Nhưng nghe nói rằng thân này giả, cái có nhiều người nói như vậy đạo Phật bi quan nói thân này giả còn ai muốn làm gì nữa. Biết thân này giả mà chúng sanh nói nó thật nên thương phải tìm đủ cách để cảm hóa, để chỉ dạy, nhắc nhở cho họ biết. Chừng nào họ biết giả hết, thì chừng đó tất cả đều giác ngộ hết, không còn ở cõi trần tục này nữa.

Bây giờ còn người ta không biết thân này giả nhiều quá, quí vị kiểm thế gian này một triệu có mấy người biết thân này là giả? Giỏi lắm là quí vị tu sĩ xuất gia. Nhưng tu sĩ xuất gia một ngàn người có thể biết thân này giả chừng bao nhiêu? Không biết được trăm không. Như vậy thì mới biết người mê quá nhiều còn người tỉnh thì rất ít. Bởi vậy nên rồi chúng ta thương nhau, muốn đánh thức để cùng tỉnh với nhau. Cho nên ráng tu ráng thấy ráng hiểu cho đúng mà nhắc nhở nhau. Tuy biết cuộc đời là giả mà phải lăn vào đó để giáo hoá, để chỉ dạy. Chớ còn không phải thấy giả trốn mất tiêu, ở nhà cho yên thân mặc họ làm gì thì làm.

Cho nên tinh thần Bồ-tát là như thế, lăn lộn trong cõi trần để giáo hóa chúng sanh. Bồ-tát theo tiếng Phạn là bodhi shava dịch âm bồ-đề tát đỏa. Bồ-đề là giác, tát đỏa là phần. Bồ-tát là người giác từng phần, chưa có tròn. Phật là giác ngộ viên mãn. Cho nên Bồ-tát mà muốn được giác ngộ viên mãn thì mình giác ngộ rồi phải chỉ cho người khác giác; chỉ chừng nào mình giác, người giác được viên mãn mới được thành Phật, chớ đâu có được lôi thôi. Nói mình giác mình biết nó giả rồi mình trốn mình ẩn ở đâu đó một mình thì chưa phải là công hạnh của Bồ-tát. Vì vậy mà Bồ-tát phải tự giác rồi giác tha. Tự giác mà chưa giác tròn, giác có một phần, từng phần, mà cũng phải làm bổn phận đó.

Nói như vậy để quí vị hiểu tuy rằng chúng ta thấy nó giả, biết nó là tạm bợ, nhưng vẫn mượn thân này để hướng dẫn, để chỉ dạy, để dìu dắt cho người Phật tử hay những người còn mê được trở lại con đường giác ngộ như mình. Đó là bổn phận người tu.

Nhưng mà nói một lần nữa chúng ta tu muốn cho làm Phật sự đúng với ý nghĩa của mình là Phật sự gì? Là Phật sự tự giác, giác tha. Đó là công hạnh Bồ-tát. Nhưng mình bây giờ làm Phật sự gì? Mình không chịu giác thì làm sao giác người được, thì thôi làm những chuyện tầm hoàng được bao nhiêu nên bây nhiêu đở buồn. Cho nên người tu là phải tự giác rồi mới giác tha, mà mình không chịu tự giác. Quí vị ráng xét kỹ nhìn kỹ mới thấy bổn phận của mình, khi thấy bổn phận của mình rồi mới biết con đường để mình hướng dẫn dìu dắt người sau, đó là chỗ hết sức quan trọng.

Cho nên ở đây tôi nói rõ lời của thiền sư Huyền Giác, ngài nói rằng:

Thị dĩ thiền môn liễu khước tâm,

Đốn nhập vô sanh tri kiến lực.

Thế nên người tu ở trong nhà thiền phải thấu rõ được cái tâm, phải hiểu rõ được cái tâm của mình.   

Đốn nhập vô sanh tri kiến lực. Tức là chóng vào cái tri kiến, cái sức tri kiên vô sanh của mình tức cái thấy không sanh diệt của mình đó, tới đó mới là chỗ cứu kính.

 

CHÁNH VĂN : 

Đại trượng phu bỉnh huệ kiếm,

Bát-nhã phong hề kim cương diệm.

Phi đản năng thôi ngoại đạo tâm,

Tảo tằng lạc khước thiên ma đãm.

GIẢNG :

Đại trượng phu bỉnh huệ kiếm, tức người đại trượng phu cầm cây kiếm trí tuệ. Đại trượng phu là chỉ cho Bồ-tát. Bồ-tát cầm cây kiếm trí tuệ là cây kiếm giác ngộ  

Bát-nhã phong hề kim cương diệm, phong là mũi nhọn, tức  là cây kiếm bén, cây kiếm nhọn bát nhã cùng với ngọn lữa kim cương. Kinh Kim Cương hay Kim Cang là bộ kinh để dẹp phá hết những cái chấp mê lầm của chúng ta. Kinh Kim Cương thì dài, tôi chỉ cần nói một đoạn trong bài tụng. Trong kinh nói rằng nếu ai không được nhớ hết, nhớ nhiều thì trì một câu kệ cũng là có phước vô lượng vô biên, như bài kệ:

Nhất thiết hữu vi pháp

Như mộng huyễn bào ảnh

Như lộ diệc như điện

Tất cả pháp hữu vi. Hữu vi tức pháp có sanh có diệt.

Giống như giấc mộng, giống như ảo thuật.

Như điện chớp như sương mù chớ không có thật.

Thấy như vậy đó là thấy đúng với trí tuệ bát-nhã trí tuệ kim cương.

Như vậy thì chúng ta nếu thấy đúng như vậy tất cả pháp hữu vi đều  như mộng huyễn, như bọt như bóng..v.v… thì chúng ta có đắm mê nó không? Bởi không đắm mê nên chúng ta thắng, chúng ta vượt qua hết. Giống như cây kiếm bén gặp những sợi dây trói buộc chúng ta chặt đứt hết. Giống như ngọn lữa mạnh nó cháy thì tất cả những cây cối hay gai góc gì nó cũng tiêu diệt hết. Như vậy trí tuệ bát-nhã ngọn lữa kim cương phá dẹp tất cả cái mê lầm, cái sai quấy mà lâu nay chúng ta chấp chứa để cho nó tan biến đi.

Bây giờ, quí vị chỉ cần một việc làm mà hết sức là dễ tu, lúc nào cũng xét thấy thân mình là giả dối, khẳng định nó là giả dối. Bao nhiêu đó thôi thì quí vị có tu được cái gì? Nếu thân giả dối thì người ta chửi mình cười, thân tôi còn giả huống nữa là chửi, khỏi cần tu nhẫn nhục. Chớ bây giờ nói tôi ráng tu hạnh nhẫn nhục, giờ nghe người ta chửi ráng nhịn đè nén. Nhịn được một lần hai lần rồi tuyên bố tôi nhịn hai lần rồi nhe, lần thứ ba là tôi nổ à, bởi vì đè quá rồi chịu không nổ thì bung. Bây giờ biết thân này giả thì lời chửi có nghĩa lý gì đâu, khỏi cần nhịn gì hết trơn.

Vậy từ biết thân giả thì chúng ta tu được hạnh nhẫn nhục. Từ biết thân giả rồi thì mình có tham danh tham lợi không? Thân còn giả thì danh lợi có nghĩa lý gì, thì tự nhiên tâm tham hết, sân hết. Biết thân giả thì còn si mê không? Cũng hết si mê luôn. Chỉ biết thân giả thì tham, sân, si theo đó nó hết.

Còn mình nhẫn mà thấy thân thật, cho nên nhẫn vừa phải thôi, mức độ nào thôi, quá nữa là không chịu nổi. Như vậy thì dùng trí tuệ bát-nhã mà soi thấu thân này, mà biết rõ thân này đúng như thật rồi thì tu hết sức là dễ dàng. Còn thấy thân này thật tu hết sức khó. Nhất là những người cao mạn cho thân là đẹp, thân là quí thì thôi tu khó vô cùng, động tới một chút là chịu không nổi rồi. Vì vậy trong nhà Phật dạy tu phải có trí tuệ bát-nhã. Quí vị nhớ mỗi tối chúng ta tụng kinh A Di Đà hay thần chú Lăng Nghiêm đều có bài kinh Bát Nhã đi theo. Đó là để thấy rằng, trí tuệ bát-nhã phá dẹp năm uẩn này thì tu mới tới nơi tới chốn; còn không phá dẹp được năm uẩn thì tu có công, có phước vậy thôi, chớ không tới nơi tới chốn được, mà tu rất là khổ sở, rất là khó khăn. Nếu có được trí bát-nhã thấy đúng như thật rồi thì tu rất là dễ dàng.

Như vậy thì quí vị mới biết cái gốc của sự tu, có nhiều khi chúng ta tu mà không biết gốc. Có người nói tụng kinh Bát Nhã để bổ túc vì tụng nảy giờ lanh quá rồi thiếu, thiếu chữ thiếu lời, nên kêu bằng bổ khuyết Tâm kinh đó. Tâm kinh đó là kinh bổ khuyết bù lại những cái thiếu của mình, như vậy là hiểu lầm lớn vô cùng. Bởi vì dù tu một hạnh nào, một pháp môn nào cũng phải có trí tuệ thấy rõ thân này không thật. Khi thấy rõ thân không thật thì tất cả pháp tu đều thành công. Nếu thấy thân này thật thì pháp tu nào cũng không thành công hết, vì đeo cái ngã trong quá thì thành công sao được. Đeo ngã to là đeo cái mê lầm, còn mê lầm thì tu làm sao được. Cho nên tu là phải giác ngộ, giác ngộ ít hoặc giác ngộ nhiều thôi.

Tất cả quí vị ngồi tại đây đều là Phật tử hết phải không? Rồi quí vị xuất gia là giòng gì? Giòng họ Thích. Giòng họ Thích là họ ai? Giòng họ Phật tức giòng họ của đấng giác ngộ, mà mình được con cháu trong giòng họ đó thì mình có giác ngộ không? Có. Còn Phật tử là cái gì? Phật tử là con Phật. Phật là giác mà con Phật có giác không? Có. Như vậy trong đạo Phật lấy giác ngộ làm tiêu chuẩn để hướng dẫn mọi người. Lâu nay chúng ta tu theo đạo Phật mà lại mê tín tôi chịu hết nổi. Đi đường giác mà lại mê thì hỏi làm sao được, nó ngược hẳn.

Tu Phật thì phải giác mà mình lại mê thì nghĩ làm sao? Vậy đó mà Phật tử lâu lâu có ông đồng ông bống nào lên nói hay hay thì chạy lại hỏi thăm coi năm nay làm ăn khá không, tuổi tôi tu được hay không. Rồi những gả nào đó nói gạt soi cơ, coi căn cũng chạy hỏi căn tôi tu được không. Mình quyết tâm tu thì được, mình bỏ cái mê thành cái giác thì tu chớ có gì đâu, mà càng đi sâu trong đó càng mê thêm. Phật tử là người con của bậc giác ngộ, thì mình không được giác trăm phần trăm, Phật trăm phần trăm là tròn là viên mãn, mình ít nhất cũng bao nhiêu? Một phần trăm cũng tốt rồi, chớ còn mình trụi luôn không có phần nào hết thì không phải là con Phật.

Còn chư tăng chư ni mình làm sao? Mình là con cháu trong nhà họ Thích, con cháu bậc giác ngộ. Người ta nói con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, mà không biết mình giống được cái gì? Chắc giống được cái đầu, giống được chiếc áo, còn phần giác ngộ không giống gì hết thì như vậy có buồn không.

Bởi vậy nên tu Phật quí vị phải biết rõ lấy giác ngộ làm tiêu chuẩn. Vậy mà những người tu Phật không hiểu đạo, không thấy được đường tu, không biết bổn phận của mình rồi bày ra xin xăm, bói quẻ thấy làm vậy cũng có tiền khỏi xin đệ tử. Nhưng làm như vậy riết rồi mình đã mê mà còn làm cho người ta mê thêm nữa, đó là dạy người ta mê. Dạy người ta mê thì đúng là người xuất gia chưa? Xuất gia là mình tự giác, giác tha. Phật có định nghĩa rõ ràng quá, người tu là phải tự giác giác tha, rồi giác hạnh viên mãn mới thành Phật. Như vậy ai tu muốn thành Phật thì cũng phải đi con đường tự giác giác tha hết. Bây giờ mình không chịu giác, rồi còn dạy người ta mê thêm nữa, thì như vậy quí vị đi đường nào? Đi đường mê mà nói là con Phật được không? Như vậy là lạm dụng nói gạt người ta. Cho nên người tu phải chân thành, phải thấu suốt cái ý nghĩa của mình.

Thật ra, nói thẳng chúng ta được làm người là một việc dễ hay khó? Phật nói những cái khó nè: được làm người là khó, gặp Phật pháp khó, sáu căn đầy đủ khó. Ba cái khó này mà quí vị được đầy đủ hết, được hết mà không chịu cố gắng tu rồi mai mốt trở lại không biết có đầy đủ ba điều kiện này không? Nếu không đủ ba điều kiện này thì không biết tuột xuống tới đâu. Đời này tuột một phần, đời sau tuột xuống một phần, đời sau tuột tuột riết đi tới chỗ tối tăm nhất là địa ngục.

Chúng ta được vinh hạnh, được phước đức nên làm thân người là một phước đức lớn. Được thân người mà lại được nghe Phật pháp là đạo giác ngộ. Tại sao nói rằng Phật pháp khó nghe? Vì thiên hạ sống trong cái mê cho thân này là thật, mà Phật cho thân là giả thì dễ nghe không? Người ta nói thật mà Phật lại nói giả thì đó là khó nghe. Khó nghe mà mình nghe, mình thắm, mình hiểu được thì chuyện đó cũng rất là khó. Rồi được sanh làm người mà nhiều sáu căn nó thiếu: thiếu cặp mắt, thiếu lỗ tai hay thiếu cái gì đó, thì chúng ta cũng khó tu.

Bây giờ đủ hết ba điều kiện tốt: được thân người, được gặp Phật pháp, sáu căn liền lặng thì không tu còn đợi chừng nào! Nghĩ chừng nào được? Quí vị có hẹn không nhất là người xuất gia? Được thân người, được làm con cháu giòng họ Thích nữa, mà không chịu gắng tu thì tôi không biết quí vị muốn đòi cái gì nữa tôi không hiểu. Chẳng lẽ mình được làm người, được học Phật pháp, được đi trên con đường giác ngộ, lại nói không tôi lùi lại đi con đường tối cho vui, chịu không? Vô lý quá. Cho nên chúng ta phúc đức nhiều, duyên lành lớn mới được như vậy, thì phải cố gắng, phải tận lực mà tu hành chớ không nên lôi thôi.

Đó là tôi nói đoạn:                  

Đại trượng phu bỉnh huệ kiếm,

Bát-nhã phong hề kim cương diệm.

Tức chúng ta là người đại trượng phu, đây là nói người xuất gia. Xuất gia là bậc đại trượng chớ không phải thường. Tại sao dám nói đại trượng phu? Vì trượng phu ở ngoài là cầm quân đánh giặc được phong chức này chức nọ. Còn mình đi tu đây là buông hết tất cả, gan vậy đó. Ở ngoài người ta được làm lớn chừng nào người ta trang sức đẹp chừng ấy. Còn mình tu lâu chừng nào càng xấu chừng ấy, đầu cạo hết, thân thể mặc áo, ăn uống rất sơ sài, mà can đảm làm chuyện đó là đại trượng phu, thì mình phải cầm cây kiếm trí tuệ là kiếm giác ngộ. Kiếm giác ngộ đó là mũi nhọn của bát-nhã, của trí tuệ, là ngọn lữa lớn của trí kim cương, phải làm sao tiêu diệt hết những cái mê lầm của thế gian.          

Phi đản năng thôi ngoại đạo tâm,

Tảo tằng lạc khước thiên ma đãm.

Không những mình hay dẹp hết tâm ngoại đạo, mà đã sớm từng làm cho thiên ma rụng tim hay vở mật. Như vậy người đại trượng là người tu, người xuất gia, mình phải làm sao dẹp hết cái tâm của ngoại đạo, làm sao mình phải ra sức hay biểu hiện cho loài thiên ma phải vở mật. Đó mới gọi là đại trượng phu, chớ không phải đại trượng phu là làm tôi tớ cho thiên ma. Mình làm tôi tới thiên ma là học trò nó, chớ không phải là đại trượng phu.

Vì vậy mà mong tất cả chư tăng, chư ni, Phật tử chúng ta phải biết rõ bổn phận của mình. Nhất là người xuất gia đừng nên đi lệch con đường Phật dạy. Nếu lệch con đường Phật dạy là chúng ta lạc về đạo tà. Vì vậy nên ráng tu. Càng thấm nhuần kinh Bát Nhã, càng thấu triệt kinh Kim Cang thì chúng ta sáng thêm trí tuệ của mình, nhờ đó mà chúng ta dẹp được những tâm ngoại đạo, dẹp được những lòng điên đảo của thiên ma để cho mọi người được an vui, sống trong cuộc đời tuy là tạm bợ mà đầy lòng thương, tất cả giúp đở, ủng hộ, dìu dắt nhau đi trên con đường giác ngộ. Đó là mục tiêu, là chủ trương Phật đã dạy con cháu phải làm theo./.

Tags: Chứng đạo ca, HT.Thích Thanh Từ

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 07936
  • Online: 74