Chứng đạo ca ( Phần 4)
29/07/2011 | Lượt xem: 4341
HT Thích Thanh Từ giảng ngày 24.08.2002 (16.07 Nhâm Ngọ)
tại Thiền viện Chơn Không – Vũng Tàu
CHÁNH VĂN :
Chấn pháp lôi, kích pháp cổ,
Bố từ vân hề sái cam lộ.
Long tượng xúc đạp nhuận vô biên,
Tam thừa ngũ tánh giai tỉnh ngộ.
GIẢNG :
Đây là nói về chứng đạo. Người khi chứng đạo rồi thì sẽ đánh trống pháp, phát ra lời pháp, bủa mây từ và rưới nước cam lồ. Nói theo nghĩa thường là khi chúng ta thấy được đạo lý chân thật rồi, lúc đó chúng ta nói lên lời gì cũng là lời đạo lý, chúng ta làm Phật sự nào cũng là Phật sự đúng đạo lý. Vì vậy cho nên nói rằng đánh trống pháp và nổi tiếng pháp.
Và nói rằng bủa mây từ tức mây từ bi bủa khắp, và sái nước cam lồ tức tưới nước cam lồ cho tất cả. Bởi vì quí vị thấy ở đời nếu người hung dữ thì họ mở ra lời nói nào cũng là lời nói hung dữ. Còn người hiền lành thì lời nói nào cũng là lời nói hiền lành. Cũng vậy người đến với đạo, thấu suốt lẽ đạo rồi thì mọi hành động, mọi ngôn ngữ đều là hành động từ bi, những ngôn ngữ đều là ngôn ngữ làm cho mọi người bớt đau khổ. Vì vậy mà nói bủa mây từ và rưới nước cam lồ.
Long tượng xúc đạp nhuận vô biên,
Nói hàng long tượng là từ ngữ chuyên môn trong nhà thiền. Long tượng là người đứng ra gánh vác Phật sự lớn lao, cũng như là con rồng, con voi vậy đó, mạnh mẽ. Khi chạm tới hay gặp được những vị đó thì được tươi nhuần, được thấm ướt cái giáo lý, cái Phật pháp. Cho nên nói rằng Long tượng xúc đạp nhuận vô biên, tức là hàng rồng, hàng voi mà khi chạm tới thì được cái lợi vô cùng. Đó là ý nghĩa muốn nói lên rằng, gặp được những bậc hiểu đạo, thấu suốt lý đạo thì chúng ta sẽ có lợi ích rất nhiều.
Tam thừa ngũ tánh giai tỉnh ngộ.
Tam thừa là Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ tát thừa. Ngũ tánh là chỉ cho năm tánh, năm tánh đó gặp Phật pháp đều tỉnh ngộ hết, không có ai thiếu, không có ai sót. Vì vậy mà tất cả chúng ta tu khi thấy đạo, biết đạo rồi, thì ai ai cũng đều được vào nhà Phật, chớ không có đi đâu khác, không có bị cái gì lôi dẫn.
Đó là ý nghĩa ngài Huyền Giác muốn diễn đạt cho chúng ta thấy, bậc đạo đức chân chánh đã thấu suốt lý đạo rồi, thì ai gặp đều có lợi ích, và đến đâu cũng đều gieo được sự an lạc cho mọi người, đều được làm cho người ta thức tỉnh. Đó là bốn câu này.
CHÁNH VĂN :
Tuyết sơn phì nhị cánh vô tạp,
Thuần xuất đề hồ ngã thường nạp.
Nhất tánh viên thông nhất thiết tánh,
Nhất pháp biến hàm nhất thiết pháp,
Nhất nguyệt phổ hiện nhất thiết thủy,
Nhất thiết thủy nguyệt nhất nguyệt nhiếp,
Chư Phật pháp thân nhập ngã tánh,
Ngã tánh đồng cộng Nhu Lai hiệp.
GIẢNG :
Câu này nói rằng ở trên núi Tuyết có một thứ cỏ tên là phì nhị, nó không có bị cái gì lẫn tạp trong nó hết, không có lẫn lộn mà chỉ là một thứ cỏ kỳ đặc, một thứ cỏ rất quí báu ở trên núi Tuyết. Nếu người nào hay con voi nào ăn được thứ cỏ đó thì khi nó xuất ra, nó tiêu hóa ra thành chất đề hồ, mà chất đề hồ đó thì ngài tự nói rằng tôi thường nhận. Đó là để nói rằng, dụ núi Tuyết là chỗ cứu kính chân thật, còn cỏ thì nhị là chỉ cho cái cỏ mà ai được gần, ai được dùng nó đều thành ra đề hồ hết.
Tức là người nào đối với đạo chỗ cao tuyệt mà mình đã thấm nhuần được thì người đó họ nói, họ làm đều hiện ra những đồ quí giá vô cùng như chất đề hồ. Ngài nói ngài thường nhận được chất đề hồ của con trâu trắng trên núi Tuyết nó ăn cỏ phì nhị, nó tiêu hóa ra. Núi Tuyết là dụ cho pháp thân, thứ cỏ đó dụ cho cỏ giác, cỏ ngộ. Vì vậy mà ngài thường nhận được thường hưởng được cái tinh thần giác ngộ hay đạo đức giác ngộ xuất phát từ pháp thân.
Nhất tánh viên thông nhất thiết tánh,
Nhất pháp biến hàm nhất thiết pháp,
Nhất nguyệt phổ hiện nhất thiết thủy,
Nhất thiết thủy nguyệt nhất nguyệt nhiếp,
Đây là để vừa pháp, vừa dụ để cho chúng ta hiểu. Bây giờ tôi nói dụ trước. Như nói rằng một mặt trăng mà nó hiện tất cả nước, rồi tất cả nước đều nhiếp thuộc về một mặt trăng hay mặt trăng trong tất cả nước đều nhiếp thuộc về mặt trăng.
Như quí vị đêm rằm nhìn xuống sông, nhìn xuống hồ, nhìn xuống tất cả chỗ nào có nước trong thì đều có mặt trăng hiện hết. Mà mặt trăng hiện hồ ao rồi sông biển đủ hết, cả trăm cả ngàn chỗ, ai đứng gần sông gần biển đều thấy mặt trăng. Như vậy mặt trăng hiện dưới đáy nước là bao nhiêu? Có thể nói là nhiều vô kể. Nhưng thật sự có mấy mặt trăng trên trời? Chỉ có một mặt trăng thôi. Đó là cái thí dụ. Nghĩa là trên trời chỉ một mặt trăng mà bao nhiêu thứ nước đều có bóng mặt trăng hiện dưới hết, thì muôn ngàn bóng mặt trăng đều nhiếp thuộc về một mặt trăng.
Nhất pháp biến hàm nhất thiết pháp,
Tức là một pháp mà nó gồm thâu tất cả pháp. Tại sao? Ai cũng có sẳn tánh Phật của mình, mà tánh Phật trăm người, triệu ức người đều giống nhau. Bây giờ tôi hỏi quí vị tất cả chúng ta hiện giờ nói người này khôn, người kia dại, thì khôn dại từ đâu mà có. Từ cái suy nghĩ học hỏi của mình mà ra. Người đó khéo suy nghĩ, người đó học hỏi nhiều thì mới là khôn. Người kia suy nghĩ vụng và học hỏi ít, gọi đó là dại. Khôn dại là căn cứ trên cái suy nghĩ, cái thu thập được từ người khác thì có phân ra khôn dại.
Nhưng mà cái thấy, cái nghe, cái ngữi, cái nếm, cái biết xúc chạm..v.v… người khôn, người dại có giống nhau không? Mình thấy hoa hồng vàng thì người khác nhìn vô cũng thấy cũng là vàng, mình thấy bầu trời trong người khác cũng nhìn thấy bầu trời trong, dầu ngu hay khôn thấy giống hệt nhau. Như vậy để nói rằng tánh giác sẳn của mình nó bình đẳng, nó không có sai biệt, không có khác. Cho nên Phật nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, là tánh Phật sẳn của mình.
Vậy với con mắt nhà Phật nhìn tất cả chúng sanh đều bình đẳng. Nghĩa là ai cũng có tánh Phật, không có khen người khôn, không có chê người dại, vì ai ai cũng có tánh Phật hết. Nhưng mà có biết khai thác thì người đó sáng suốt mau, có mà chôn vùi thì người đó tối tăm hoài. Như vậy thì tánh giác ai cũng có, thì tánh giác đó ví như một mặt trăng. Nhưng mà cả trăm thứ hồ ao, giếng hay là sông, rạch, biển, mỗi nơi hiện bóng nó khác nhau. Khác nhau trong sông, khác nhau trên biển, khác nhau trong hồ, trong ao, chớ không có phải có mặt trăng khác, bóng nó khác thôi chớ mặt trăng đó nó giống nhau.
Để nói lên rằng tất cả chúng ta đều có tánh giác như nhau, cho nên nói rằng: Nhất tánh viên thông nhất thiết tánh. Cái tánh giác của mình nó trùm hết, nó hợp nhất với tất cả tánh giác khác, nó không có sai biệt cũng như là một pháp nó trùm hết các pháp. Thí dụ như mặt trăng trên trời thì có một, mà bóng mặt trăng thì vô số không thể kể hết. .
Đó là để nói tinh thần đạo lý của nhà Phật, Phật nhìn mọi chúng sanh đều có tánh giác, người khôn có tánh giác, người khờ cũng có tánh giác. Chỉ khác nhau là người biết dùng nó để rồi được thức tỉnh. Còn người không biết dùng nó để rồi mình cứ mê lầm, chớ không có khác tánh giác. Vì vậy mới dùng thí dụ này.
Bởi vậy nên câu kết thúc:
Chư Phật pháp thân nhập ngã tánh,
Ngã tánh đồng cộng Nhu Lai hiệp.
Tức là pháp thân của chư Phật nó vào trong tánh của ta. Rồi tánh của ta đồng giống như là tánh Như Lai, không có khác chút nào hết. Như vậy để đúng với câu Phật nói: “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”.
Hiểu như vậy thì quí vị dám khinh ai không. Mình có Phật tánh, người nào cũng có, như vậy thì mình không có hơn, không có khác. Nhưng khác chẳng qua là người có tìm cách để cho nó sáng lên, hoặc người không biết tìm cách để cho nó sáng lên, rồi nó tối mù. Cũng như mỗi người đi học, thì người nào có học mà không đần độn lắm thì học rồi cũng biết như nhau, trừ phi những người nào có bệnh, có tật thì họ không bì kịp thôi. Nếu có hiểu biết tương tự, cơ thể khỏe mạnh như nhau, thì học hiểu rồi cũng biết như nhau. Đó là nói thí dụ tạm.
CHÁNH VĂN :
Nhất địa cụ túc nhất thiết địa,
Phi sắc phi tâm phi hạnh nghiệp.
Đàn chỉ viên thành bát vạn môn,
Sát na diệt khước tam kỳ kiếp.
Nhất thiết số cú phi số cú,
Dữ ngô linh giác hà giao thiệp?
GIẢNG :
Đó những câu này nói lý rất cao siêu, nhưng tôi cố giải thích cho quí vị hiểu phần nào.
Nói rằng nhất địa đầy đủ tất cả địa, một địa đầy đủ tất cả địa. Tại sao? Vì trong nhà Phật nói có thập địa Bồ tát, Bồ tát sơ địa, Bồ tát nhị địa… tới thập địa. Như vậy thì ngài nói một địa tức đầy đủ tất cả địa. Tại sao? Bởi vì tâm thanh tịnh của chúng ta, tâm hằng giác của chúng ta ai cũng có. Ai cũng có thì bước chân được vào đó thì nó đủ hết như nhau. Tôi có tánh giác, quí Phật tử đều có tánh giác, ai cũng có tánh giác như nhau. Cho nên, khi mình nhận được tánh giác đó, thì đều giống hệt nhau, chớ không đợi thứ bậc, nhận một phần, nhận hai phần, tới mười phần, không có. Nghĩa là khi nhận một thì có tất cả trong đó, vì vậy mà nói: Nhất địa cụ túc nhất thiết địa.
Phi sắc phi tâm phi hạnh nghiệp.
Đàn chỉ viên thành bát vạn môn,
Mà tánh giác đó, nó không phải là hình sắc, nó không phải là tâm suy nghĩ, cũng không phải là những hành động tạo nghiệp. Chỗ này nói cho quí vị thấy, chúng ta là người mê muội đáng thương. Ngay nơi mình quí vị thấy chúng ta nhìn nhận mình là cái gì? Nhìn nhận mình là thân xác thịt này. Rồi nhìn nhận cái gì nữa? Nhìn nhận tâm suy nghĩ hơn thua phải quấy là mình. Bên hình thức thể xác thì lấy thân xác thịt là mình, bên tinh thần thì lấy suy nghĩ là mình, phải vậy không. Chúng ta đang mắc kẹt ở chỗ đó. Nhưng thân xác thịt này quí vị có giữ nó được ngàn năm không? Hay tới đâu rồi nó nát? Nghĩa là trên con đường đi nó cứ nát từ từ, nó hoại từ từ. Thân xác thịt là cái sẽ bại họai, vậy mà chúng ta cứ ngở nó là mình. Rồi khi tắt thở rồi thì mình làm sao?
Tôi nói cho quí vị thấy lẽ thật. Khi chúng ta còn sống, còn hơi thở, còn ấm thì thân này nó còn tương đối dễ coi. Nhưng khi tắt thở hơi ấm mất rồi thì nó ra cái gì? Giả sử người nào quí thương nhiều thật là nhiều, mà họ tắt thở chừng vài chục tiếng đồng hồ, thì lúc đó có dám lại ngồi gần, có dám lại nằm chung không? Không. Như vậy tại sao thân này là mình, thân kia là người, mà thấy nó thật. Thật mà sao hồi còn họat động thì dám lại gần, còn hồi họ xuôi xị đó không dám đụng tới. Có người lại bội bạc hơn nữa, nói thây ma đó, rồi gớm rồi sợ. Như vầy, cái đó là quí, là thật thì trước sau cũng là quí, cũng là thật. Nhưng tại sao phút giây này nó là quí, mà phút giây khác nó lại là tiện, là không ra gì.
Bây giờ có người nào họ đủ tư cách là một người sang trọng, đẹp đẻ, ai thấy cũng quí cũng thương, mà họ tắt thở chừng vài hôm, đừng bỏ vô quan tài, thì đi ngang quí vị làm sao? Thương nữa không? Có nhiều khi bịt mũi mà đi. Như vậy đó là cái gì, nếu nó là thật. Vậy mà cứ bám vào đó để tranh hơn, tranh thua, giành phải giành quấy. Rồi cái gì mình muốn được mà người khác giành đi, cái nổi giận sân si đánh đập nhau. Khổ chưa!
Bây giờ mình biết rõ thân không ra gì, thì đừng có giành, đừng có khoe ai hơn, ai thua gì hết. Hiểu như vậy thì mới thấy cái thật.
Rồi còn cái tâm. Tâm quí vị suy nghĩ đúng trăm phần trăm là chân lý, hay là quí vị suy nghĩ nữa trúng, nữa trật. Trúng hết không? Có nhiều khi không được phân nữa trúng, phân nữa trật, mà trật nhiều hơn trúng nữa. Vì vậy mà tâm đó không phải là lẽ thật, là chân lý.
Bây giờ quí vị thử ngồi suy nghĩ rồi tìm coi cái suy nghĩ nó ở đâu, nó ra sao, thì tìm được không? Nếu nó thật thì nó ở đâu đó, mình phải thấy, mình phải biết chỗ nó ở. Nó ở chỗ nào nè, khi dấy lên nó chạy ra suy nghĩ, rồi khi mệt nó chùi xuống ở chỗ nào đó, hang ổ nó đâu mình phải biết thì mới có thật. Còn bây giờ quí vị nhìn lại đang suy nghĩ chuyện gì tốt xấu đó, cái bổng nhớ lại tìm coi cái suy nghĩ nó ở đâu. Quí vị thử tìm dùm tôi coi được không? Ai thử tìm được cái đó tôi phục lắm. Tìm được không? Thay vì nhìn lại cái nó mất tiêu, thì nó là cái bóng. Cái bóng mà mình lại tưởng nó thật.
Như vậy cả ngày, chúng ta sống đuổi theo vật chất để nuôi dưỡng thân, mà thân đó tạm bợ không thật. Rồi chúng ta khoe khôn chê dại..v.v… đủ thứ cho đó là tâm mình mà nó là cái bóng không thật, như vậy thì chúng ta sống đáng thương không? Sống trong mê lầm thật là đáng thương.
Còn cái chân thật đó nó không phải sắc tức là không phải hình tướng, không phải tâm suy nghĩ, mà cũng không phải là cái tạo hạnh nghiệp. Nếu ai nhận được cái đó rồi, chỉ trong khảy móng tay thì nó đã thành tựu đầy đủ bát vạn môn, tức tám ngàn môn. Vậy chỉ trong khảy móng tay chúng ta đầy đủ tám ngàn môn. Sao vậy? Bây giờ cái mà không phải sắc, không phải tâm, không phải hạnh nghiệp này là cái gì? Quí vị có không?
Bây giờ tôi hỏi quí vị một cách dễ thật là dễ. Hiện giờ chúng ta có thấy không? Có. Có nghe không? Có. Cái thấy nghe đó hình dáng ra sao? Nó không có hình dáng là không phải sắc. Mà khi thấy khi nghe đó có suy nghĩ không? Không suy nghĩ, đó không phải tâm. Rồi cái thấy, cái nghe có tạo nghiệp chưa? Đâu có tạo nghiệp.
Thí dụ như bây giờ mình thấy người đó đẹp, người kia xấu. Thấy đẹp, thấy xấu là có quyền thấy, chớ đâu phải đẹp xấu lộn xộn được. Đẹp ra đẹp, xấu ra xấu. Nhưng không khởi cái nghĩ người đó đẹp dễ thương, người kia xấu dễ ghét. Không khởi cái nghĩ đó thì ai cũng thấy, ai cũng biết như nhau hết. Người đó đẹp thì ai cũng thấy là đẹp, người kia xấu ai cũng thấy là xấu, thì cũng cái thấy đồng, nhưng khởi nghĩ ghét thương là khác. Có người thấy người này đẹp mà người khác lại thấy xấu. Người này dễ thương, người kia khó thương. Như vậy đó bước qua chặng đó rồi cái sai biệt.
Như vậy tất cả chúng ta đều thấy, mà thấy tức là biết; đều nghe, nghe là biết. Có cái biết không hình tướng là không sắc, không suy nghĩ nên không phải tâm, không tạo nghiệp nên không phải hạnh nghiệp. Nếu ai mà nhận được cái biết đó rồi, chỉ trong khảy móng tay là đầy đủ tất cả môn, nhanh như khảy móng tay. Tu dễ quá, phải không! Mà cái có sẳn chớ không phải cái ở đâu đem đến.
Sát na diệt khước tam kỳ kiếp.
Chỉ trong một chốc lát thôi là diệt hết nghiệp trong tam a kỳ, tức ba a tăng kỳ kiếp, tức ba vô số kiếp. Nghiệp tạo trong ba vô số kiếp chỉ khảy móng tay thì hết trơn, thảnh thơi làm sao không có tuần tự. Tại sao vậy? Bởi vì nghiệp có từ tâm phân biệt tốt xấu hơn thua đó. Nếu tốt thì mình mến, xấu thì mình không ưa, mà có mến có không ưa thì có tạo nghiệp. Còn cái biết mà không phải sắc, không phải tâm, không phải hạnh nghiệp thì cái biết đó nó không có vướng vấp gì với cái trí đó hết. Bởi vậy nên ai sống được với cái đó một phút, một giây thì tất cả nghiệp đều tan biến hết. Cũng như chỉ trong một khảy móng tay là được tám vạn môn tức tám vạn pháp môn.
Quí vị nhớ Đức Phật chưa cành hoa sen lên, nhìn tất cả đại chúng ai cũng ngơ ngác. Tới ngài ca Diếp, ngài nhận được ngài mỉm cười thì Phật liền thọ ký. Như ông Phật mình đưa hoa sen đó quí vị cười chưa? Thấy Phật đưa thì đưa chớ mình không có cục cựa nhúc nhíc gì hết. Đó là vì chúng ta không nhận ra được cái mình hiện tiền đang thấy. Chính cái đang thấy đang nghe đó mới thật mình, còn cái suy nghĩ không phải thật mình, mà mình lại ngược bỏ quên cái thật mình chạy theo cái không thật.
Cho nên ngài Thần Hội tức đệ tử của Lục Tổ dùng thí dụ hết sức là chí lý. Ngài nói như cái gương, khi nhìn vào gương thấy hình dáng người thì còn nhớ cái gương không? Thấy hình dáng là quên gương. Nghĩa là thấy cứ nhớ hình dáng đẹp, hình dáng xấu, hình dáng trắng đen..v.v… không bao giờ nhớ cái gương. Chừng không còn hình bóng nào thì gương mới hoàn toàn trong sáng. Gương hiện trong sáng mà miễn chấp nhận nhìn cái bóng, chú tâm vào cái bóng thì quên gương.
Bây giờ chúng ta chú tâm nhớ cái suy nghĩ thì quên tâm thể hiện tiền. Cho nên đi sâu rồi quí vị thấy Đức Phật dạy, nếu chúng ta biết phản quan nhìn lại đừng chạy theo vọng tưởng, vọng tưởng lặng hết thì tâm thể hiện tiền. Cũng như không có bóng thì thấy gương rõ ràng, không có thiếu chút nào hết. Không phải nói người tu thiền mới vậy, người tu Tịnh độ cũng giống như vậy thôi.
Phật dạy niệm Phật để làm gì? Niệm để diệt cái niệm, niệm Phật để quên những cái niệm khác. Cứ nhớ Nam mô A Di Đà Phật hoài đâu có nhớ chuyện gì, đâu có suy nghĩ cái gì. Chừng nào đi đứng nằm ngồi đều nhớ câu niệm thì đó gọi là nhất niệm. Nhất niệm chớ chưa phải là vô niệm. Khi niệm đó lặng hết hoàn toàn, cái nghĩ suy lặng hết hoàn toàn thì câu niệm Phật cũng buông luôn, đó gọi là nhất tâm. Hồi nảy là nhất niệm còn một câu niệm Phật, rồi sau đi tới nhất tâm. Nhất tâm là vô tâm, là không còn niệm nào hết, hay là vô niệm. Chừng tới nhất tâm thì Phật Di Đà mới hiện, còn đang niệm thì Phật không hiện. Phật Di Đà ở đâu? Tức là tánh giác mình hiện ra.
Vậy niệm Phật để dừng, để dứt những cái nghĩ suy vì đó là cái bóng mà lâu nay mình bám vào cái bóng, tự hài lòng mà quên cái thật của mình. Người tu thiền thì ngay đó, thẳng đó biết những cái bóng là không thật, buông để rồi lặng hết trở về tâm chân thật của mình. Chừng đó gọi là vô niệm, chừng đó thì thấy được pháp thân, thấy được Phật.
Như vậy pháp tu nghe có khác nhưng tới cứu kính thì không hai, đều đi tới chỗ đó.
Phật thương chúng ta mê muội. Mê muội cái gì? Mê muội chấp thân hư giả, tạm bợ là mình thật; chấp tâm bóng dáng cho là tâm mình thật. Cứ bao nhiêu đó mà bám cả đời, chạy ngược chạy xuôi theo hai cái đó. Bây giờ mình biết thân này là duyên hợp hư giả, như mỗi đêm quí vị tụng Bát Nhã nhớ chiếu kiến ngũ uẩn giai không đó. Thân năm uẩn này không thật thì mình đã có trí tuệ rốt ráo rồi. Tâm lăng xăng đó mình biết là hư vọng, là giả dối gọi là vọng tưởng không theo nữa. Chúng ta buông không theo hai cái mê lầm đó để thấy được cái chân thật.
Người nào thân này giả dối mà tưởng là thật, tâm vọng tưởng là bóng dáng mà tưởng là tâm mình thật, thì người đó gọi là người gì quí vị xác định dùm tôi coi? Thử nói coi. Chắc không dám nói quá, nói sợ thấy buồn. Thân không thật mà tưởng thật là trái lẽ thật rồi, còn tâm là bóng dáng mà tưởng là thật thì cũng trái lẽ thật rồi. Người thấy trắng là đen thì nói người đó người gì? Người mê. Hiện giờ chúng ta si mê nhiều ít? Gần như trọn vẹn, ai cũng bị cái đó hết, thấy không đúng lẽ thật mà bám vào đó. Cho nên Phật mới thương chúng sanh vì si mê. Phật thương mình là vì si mê đó, chớ Phật không thương mình đói, mình rách, mà thương mình si mê. Đói rách mình ráng làm thì có ăn, có mặc, còn si mê này thì không biết chừng nào mà hết. Vì vậy mà Phật mới dạy mình tu để được giác ngộ.
Bây giờ nếu thấy thân này không thật, thấy tâm niệm khởi suy nghĩ là bóng dáng không thật, thì quí vị gọi người đó là người gì? Người đó là người giác. Bên kia là người mê, bên đây là người giác. Thấy đúng như thật đó là giác ngộ, giác ngộ thì hết khổ, còn si mê là còn khổ. Bởi si mê chấp thân này là thật nên chúng ta mới giành nhau từng phần vật chất, người nào được thì khôn, người nào thua thì dại. Rồi giành nhau từng lời ăn, tiếng nói, từng cái nghĩ suy. Ai nghĩ cái gì cũng nói cái nghĩ mình đúng, người khác cải cái cự, nổi giận sân lên. Như vậy khổ vì đòi hỏi nhu cầu của thân mà giành giựt nhau, khổ vì cái phân biệt cho cái nghĩ mình là đúng, nghĩ người khác là sai mà tranh đấu với nhau không cùng. Vì mê nên chúng ta khổ.
Bây giờ biết thân này không thật, thì giả sử mình muốn mua trái cam, trái quít gì đó nó đang vừa ý mình. Mình trả giá chưa xong, có người khác lại trả giá cao hơn mình một chút họ mua được, mình mất phần giận không? Bao nhiêu đó giận rồi, phần của mình lẽ ra mình mua mình chọn cái đó vừa ý. Nhưng người ta lại cướp mất phần đó, cái mình tức lên cự. Còn mình nói thế này là đúng, mà người khác nói sai thì cũng nổi giận lên. Như vậy thì bám vào nhu cầu vật chất mà tranh giành nhau, bám vào suy nghĩ cho mình là chân lý rồi cải lộn nhau, tất cả cái khổ đều từ cái đó mà ra.
Vậy mê là khổ, bởi vậy nên Phật mới nói chúng sanh đau khổ đó. Miễn còn mê là còn khổ.
Nếu quí vị thấy thân này không thật, cái suy nghĩ của mình không bảo đảm là đúng, nó là hư giả, thì khi quí vị bị ai nói nặng anh này ngu quá, hay chị này ngu quá, giận không? Quí vị giận không? Mình vầy mà nói ngu, tức. Nhưng còn thấy sai sự thật là còn ngu, mê tức là ngu chớ gì. Cứ chào, ờ phải tôi ngu, vì thân giả mà tôi tưởng là thật. Nếu thân giả tưởng là thật mình ngu, còn người nói mình ngu đó họ thấy thân thật hay giả? Cũng thật, thì anh cũng ngu như tôi chớ gì. Như vậy có gì đâu mà giận, chúng ta đều là bọn ngu mê với nhau, có gì đâu mà giận hờn. Còn này mình cứ ngở mình khôn, nên ai nói ngu mình nổi tức lên. Mình có khôn thật đâu, có giả tưởng là thật mà khôn, khôn chỗ nào?
Quí vị thấy như hoa cúc trên bàn, hoa trắng. Có đứa bé nào lại nói hoa này đen thui hà, quí vị giận không, chê nó ngu không? Trắng mà nói nó đen kỳ vậy, ngu quá. Mình thân giả mà nói thật thì có giống nó không. Vậy đó mà ai cũng khổ. Cho nên Phật nói chúng sanh vì mê mà khổ. Mê là gốc của đau khổ. Nếu mình giác rồi thì cười thôi không có gì là quan trọng. Mình suy nghĩ thế này nói ờ phải làm thế này mới trúng, người khác nghĩ ngược lại làm như họ vậy mới đúng, thì mình cũng cười chơi, đây là cái nghĩ bóng dáng có thật đâu mà trúng mà sai, bỏ dễ ợt. Còn này mình nói nghĩ của mình là chân lý rồi không khác được, nên ai nghĩ khác cái cự. Trong nhà vợ chồng cải lộn nhau cũng vì cái bất đồng ý đó, cải lộn rồi cứ khi làm khổ nhau nữa.
Như vậy để thấy trên thế gian chúng ta vì mê lầm mà chúng ta đau khổ dồn dập. Một khi chúng ta thức tỉnh rồi, tỉnh giác rồi thì chúng ta hết khổ ngay. Tỉnh giác với mê, quí vị thấy cách nhau bao xa? Thấy thân này là thật với thấy thân này là giả, thấy tâm suy nghĩ là thật với thấy tâm suy nghĩ là bóng dáng, hai cái đó cách bao xa? Từ cái này đổi qua cái kia đi chừng bao nhiêu cây số? Rất là dễ, thấy thân thật, ủa thân này giả cái rồi. Cái tâm suy nghĩ mình cho nó là chân lý, giờ ủa nó là bóng đâu có thấy, tìm nó mất tiêu nó là cái bóng, thì trong chớp mắt là mình chuyển được liền, không có khó. Vậy đó mà nói tu muôn kiếp mới được. Tu làm sao? Mình cứ tu trong cái mê lầm, cứ tụng kinh có phước, cứ niệm Phật có phước, thì như vậy cứ cầu phước hòai. Nhưng cầu phước để chi? Để cho thân này sau sanh ra tốt hơn bây giờ. Nhưng tốt rồi nó cũng chết queo hà, chớ nó có sống đời đâu. Rồi cứ tu như vậy đời sau khôn hơn đời này một chút. Như vậy là chúng ta tu ở trong mê lầm, chớ không tu trong giác ngộ. Tu trong mê lầm thì phải trải qua ba vô số kiếp mới thành Phật.
Còn tu cái này ngay trong khảy móng tay chuyển mê thành giác, mà mê là chúng sanh giác là Phật mất rồi. Phật với chúng sanh không cách bao xa hết. Vậy mà chúng ta không ưng làm. Bây giờ có vị nào ưng làm như vậy không? Giơ tay tôi coi. Ưng làm chúng sanh chớ không ưng làm Phật. Như vậy mà cầu Phật độ gì, Phật độ sao cho nổi. Phật chỉ đàng này, mình đi đàng kia mà bảo Phật độ.
Đó là những cái sai lầm tôi chỉ cho quí vị thấy. Thật ra những cái này ít người dám nói, mà không dám nói thì chúng ta chấp nhận đi trong mê lầm muôn kiếp. Bây giờ quí vị thử thấy thân này không thật, thấy tâm suy nghĩ mình không thật, thì chừng một tuần lễ coi quí vị có cải lộn với ai không. Còn nếu thấy thật thì không bảo đảm. Đang vui đó mà ai nói trái tai thì nổi giận đùng đùng lên liền.
Như vậy thì tham sân si đều gốc từ thấy thân thật, thấy tâm thật mà ra. Nếu mình thấy thân không thật, tâm không thật thì đâu có tham sân si, như vậy thì tất cả phiền não theo đó tan biến, chỉ đổi cái nhìn. Đổi cái nhìn thì quí vị nghĩ bao lâu? Hết sức là dễ, không có gì ngăn trở hết, không nói thời gian, không nói có cái này chướng cái kia chướng, không có gì hết. Chỉ cần thay đổi cái nhìn thì từ mê trở thành giác.
Giờ quí vị kiểm nghiệm lại coi chỗ tôi nói có lẽ thật hay không? Chịu khó đổi một cái, thì từ thấy thân này thật, thấy tâm suy nghĩ là bóng dáng không thật. Bao nhiêu đó thì quí vị so với bao nhiêu người khác tu năm năm, mười năm tụng kinh, niệm Phật, lạy Phật đầu gối chai thôi mà còn thấy thân thật, với tâm suy nghĩ thật thì hai người, người nào hơn. Ông này lạy Phật nhiều, tụng kinh nhiều mà động tới ông thì sân. Còn người này không tụng kinh niệm Phật, mà biết nó giả rồi chửi cũng cười thôi, thì ai tu hơn ai? Như vậy thì quí vị tốn công ít mà kết quả nhiều. Vậy mà sao chúng ta không chịu làm. Đó là điều cụ thể trăm phần.
Bởi vậy cho nên ở đây mới nói rằng, cái đó không phải là sắc, không phải là tâm, không phải là hạnh nghiệp. Nhận được cái đó rồi chỉ trong khải móng tay thì đủ hết tám muôn bốn ngàn pháp môn. Rồi chỉ trong sát na là chốc lát, diệt hết tất cả nghiệp. Nó dễ như trở bàn tay, nó thảnh thơi nhẹ nhàng, mà tôi cũng không biết nói làm sao bà còn mình không chịu nhận cái đó. Nói thì nghe, nhận mà sống thì không chịu.
Bây giờ quí vị đặt chữ tu lại cho tôi nghe coi. Tu là sao? Tu là sửa từ từ, phải không. Bửa nay giận mười, mai còn tám, mốt còn chín, tu như vậy thì ba vô số kiếp mới hết. Còn tu này là chuyển, từ mê chuyển thành giác, chuyển cái một hà. Như vậy cái chuyển nó mau, cái sửa từ từ nó rất chậm. Cho nên có chỗ Phật nói tu ba vô số kiếp mới thành Phật, có chỗ thì Phật nói nhanh như trở bàn tay. Đó là hai cái để cho quí vị thấy cái siêu thoát của người tu được đốn ngộ.
Nhất thiết số cú phi số cú,
Dữ ngô linh giác hà giao thiệp?
Tất cả những câu nói, những lời, những số đều không phải là thật. Vì sao nó không phải thật? Vì cùng với linh giác của mình nó không dính dáng gì hết. Bây giờ chúng ta tu thì cứ nghĩ phải thuộc lòng cái này, thuộc lòng cái kia. Nhưng tất cả những văn tự, những câu số gì đó, nó đều là không thật hết, vì nó không phải là linh giác của mình. Đối với linh giác của mình thì nó sẳn sàng, không có ngôn ngữ, không có câu lời gì hết.
CHÁNH VĂN :
Bất khả hủy, bất khả tán,
Thể nhược hư không vô nhai ngạn,
Bất ly đương xứ thường trạm nhiên,
Mịch tức tri quân bất khả kiến.
GIẢNG :
Đây cái chân thật đó hay cái linh giác của mình đó không thể hủy hoại được, mà cũng không cần tán thán nó. Tại sao? Vì cái thể nó như hư không, không có bờ mé. Như khi nảy tôi nói cái quí vị thấy được mọi người, cái quí vị nghe được tất cả tiếng, cái hay nghe hay thấy đó tướng mạo làm sao? Con mắt thì có tướng mạo, lỗ tai thì có tướng mạo, nhưng cái hay thấy hay nghe đó tướng mạo làm sao? Cho nên nói thể giống như hư không, không có tướng mạo, mà có nghe có thấy không? Có nghe thấy rõ ràng, mà hỏi tướng mạo làm sao không nói được. Đó mình có một cái như vậy mà không tướng mạo thì có cái gì phá hoại nó được. Có tướng mạo thì bị vô thường, mà nó không tướng mạo làm sao vô thường.
Chỗ này tôi nhắc lại Lục Tổ Huệ Năng ngài chủ trương: Vô niệm vi tông, Vô tướng vi thể, Vô trụ vi bổn. Vô niệm tức là tâm mình không dấy khởi nghĩ suy. Cái không nghĩ suy đó nó không có tướng nên gọi là vô tướng vi thể, nó không có tướng mà thể nó trùm khắp. Vô trụ là không vướng mắc với sáu trần. Đó là chủ trương mà Lục Tổ đã giác ngộ được, ngài chỉ cho mình.
Ở đây thiền sư Huyền Giác cũng ngộ được chỗ đó mên ngài nói rằng cái đó không thể khen, không thể chê gì hết. Vì sao? Vì thể nó giống như hư không, không có ngằn mé.
Giờ tôi nhắc một lần nữa cho quí vị thấy cái quí của người tu. Khi quí vị nghĩ suy phăng tìm lại nghĩ suy không có, nó mất. Khi quí vị không nghĩ suy gì hết mà hằng biết như nảy giờ tôi nói ở mắt, ở tai. Còn bây giờ nói ngay ở nội tâm mình khi mình không nghĩ suy mà lúc đó mình có biết không? Cái biết mà không nghĩ suy đó, nó không có giới hạn. Nếu nó có giới hạn thì nó phải có hình tướng, mà nó không hình tướng làm sao giới hạn. Cho nên nói thể của nó giống như hư không không có bờ mé.
Bất ly đương xứ thường trạm nhiên, tức không rời ngay chỗ này mà nó thường lặng lẽ. Như vậy quí vị ai có cái đó không? Chắc là ai cũng có hết, ai cũng có một cái hiện tiền đầy đủ mà không chịu biết, có mà không biết.
Thí dụ như ông cha già chia cho các con mỗi đứa một hủ vàng hay một hòn ngọc quí. Ông nghĩ rằng hủ vàng hay hòn ngọc đó đủ cho gia đình các con sống rồi. Chia xong xuôi hết nhưng ông sợ con còn nhỏ, đưa cho nó không biết xài làm mất mát tội nghiệp. Ông mới đem chôn vàng hay ngọc ở gốc cột này, gốc cột kia, mỗi chỗ. Đây là thằng A gốc cột này, thằng B gốc cột kia… và chỉ cho các con hết rồi ông yên lòng. Bây giờ ông bệnh thì mấy đứa nhỏ lại hỏi bây giờ ba chia của con ở đâu? Chỉ chỗ đó đó. Nhưng mấy đứa lớn biết bươi ra lấy, còn mấy đứa nhỏ không biết rồi nó quên luôn. Nó thấy anh chị nó giàu quá mà nó không có gì hết nên buồn khổ trách ba má sao không chia của cho nó. Quí vị thấy những đứa chia rồi chỉ chỗ mà nó không chịu lấy, rồi nó buồn trách thì ông cha sẽ nói làm sao? Tụi con có sẳn phần mà không lấy thì đó là tại tụi con, chớ cha có chia rồi, đừng khờ dại vậy. Thương rầy vì nó khờ dại, chớ nếu nó sáng suốt nó bươi nó lấy.
Phật thương chúng ta sao? Si mê, tức khờ dại quá, chỉ hoài có cái đó. Phật có cái đó Phật lấy ra được, dùng được nó thì được giác ngộ giải thoát sanh tử. Bởi vì cái đó không hình không tướng, làm sao mà chết sống, là giải thoát sanh tử. Nhận được cái đó là giác, từ giác ngộ mình được giải thoát sanh tử. Còn cái này chỉ cho mà không chịu, cứ bám vào cái thân tạm bợ, bám vào vọng tưởng hư dối, cứ bám vào hai cái đó làm mình hoài thì chừng nào mà giác ngộ, chừng nào mà giải thoát. Như vậy quí vị có khả năng giải thoát không? Có khả năng giác ngộ không? Ai cũng có hết mà sao không chịu giác! Có mà để đó thôi, để trong tủ khóa kín lại chớ không chịu giác. Chúng ta có cái đó tại sao chúng ta không giác? Bởi vậy nên ngài nhắc: Bất ly đương xứ thường trạm nhiên, nó hiện tiền đây, nó không có thiếu vắng lúc nào hết.
Mịch tức tri quân bất khả kiến là nếu muốn tìm nó thì không bao giờ thấy. Vì nó đâu có tướng mạo, chỉ lặng hết vọng tưởng thì nó hiện ra. Bây giờ tìm coi tánh giác mình ở chỗ nào thì càng tìm càng mất. Sao vậy? Vì tánh giác là mình, mà mình tìm nó thì nó là vật ở ngoài rồi, cho nên tìm thì không thể được.
Những lời này rất là chân thành, rất là cứu kính, chúng ta nghe ráng tìm hiểu và nhận cho sâu.
CHÁNH VĂN :
Thủ bất đắc, xả bất đắc,
Bất khả đắc trung chỉ ma đắc.
Mặc thời thuyết, thuyết thời mặc,
Đại thí môn khai vô ủng tắc.
GIẢNG :
Thủ bất đắc, xả bất đắc,
Cái chân thật đó mình giữ cũng không được, bỏ cũng không được. Nói bây giờ thôi tôi bỏ tánh giác tôi đi, bỏ được không? Nó sẳn, nó của mình, còn mình là còn nó bỏ không được. Bây giờ nói rằng tôi giữ nó thì làm sao mà giữ? Cho nên cái này bỏ không được mà giữ cũng không được, mà nó thường hằng.
Bất khả đắc trung chỉ ma đắc.
Trong cái chỗ không thể được đó chỉ thế mà được. Chỉ thế là sao? Buông hết vọng tưởng thì nó hiện ra, chớ không gì hết. Đừng chạy theo vọng tưởng thì nó hiện chớ không gì lạ hết.
Như vậy thì ngài chỉ tột cùng cái chân thật ai cũng có. Muốn thấy được cái chân thật thì buông cái lăng xăng lộn xộn đó thì cái chân thật hiện. Bây giờ quí vị thử can đảm như đi một đoạn đường một câu số, mà quí vị cấm trong một cây số này không cho nghĩ gì hết, quí vị biết đường đi không? Biết. Ai dẫn đường mình đi? Không suy nghĩ như không có tâm rồi, nhưng thật ra mình biết, mình thấy rõ ràng mình đi đều đặn. Như vậy cái chân thật nó hiện tiền, chớ đâu phải đợi suy nghĩ mới biết đường đi. Vậy đó mà chấp nhận suy nghĩ chớ không chấp nhận cái kia. Đó là điều hết sức đáng buồn.
Mặc thời thuyết, thuyết thời mặc, tức là khi im lặng là nói, khi nói tức là im lặng. Như nảy giờ tôi nói ồn ào là nói cái gì, quí vị biết không? Tôi nói cái im lặng của quí vị đó. Còn quí vị nhiều khi nói tôi tìm chân lý gì gì đó, nói ồn ào mà không có chân lý chút nào hết. Cho nên nói mà không nói, không nói mà nói.
Đại thí môn khai vô ủng tắc tức cái bố thí lớn này mở cửa chớ không có đống, không có bế lúc nào hết. Cửa đại thí mở toát, mở rộng, không đống, không bít, mà người nhận được, người hiểu được lại ít.
CHÁNH VĂN :
Hữu nhân vấn ngã giải hà tông,
Báo đạo Ma ha Bát Nhã lực.
GIẢNG :
Nếu có ai hỏi ta hiểu tông gì, thì ta sẽ trả lời rằng đó là sức của Ma ha Bát nhã, tức là cái sức của trí tuệ Bát nhã. Quí vị có ai không thuộc kinh Bát Nhã không? Chắc đa số thuộc kinh Bát Nhã. Kinh Bát Nhã mở đầu vô thì “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”. Bây giờ có không chưa? Bây giờ nếu nói theo thế gian thì quí vị “chiếu kiến ngũ uẩn giai hữu”, đều có hết chớ không có không. Năm uẩn này không thật, không thật nên Phật nói là không. Mình bây giờ lại thấy có nên ngược với cái gì Phật nói hết.
Còn ngài, bây giờ hỏi ngài tu với cái tông gì, hiểu tông nào? Thì ngài nói ta hiểu được tông Bát nhã, đó cái sức của Bát nhã mà ta thấy được như vậy. Bát nhã là trí tuệ thấy đúng như thật.
CHÁNH VĂN :
Hoặc thị hoặc phi nhân bất thức,
Nghịch hành thuận hành thiên mạc trắc.
GIẢNG :
Khi người nhận được trí tuệ Bát nhã tột cùng đó rồi thì hoặc là phải, hoặc là quấy, người đời họ không thể nào biết nổi. Có khi làm hạnh nghịch, có khi làm hạnh thuận, giờ chư thiên cũng không lường nổi. Bởi vì khi các vị Tổ sư thấu triệt cái lý này rồi, thì các ngài có khi nói những lời rất hiền từ, có khi nói những lời rất thô tháo, nghịch thuận đủ hết.
Thí dụ như các thiền sư hồi xưa, ngài Đức Sơn ai hỏi thế nào là Phật thì ông đập cho một cái bốp bằng gậy. Dễ chịu không! Như vậy là thương mình hay ghét mình? Còn những thiền sư hỏi thế nào là Phật thì im lặng không nói câu nào hết. Như vậy mình thấy như là các ngài không có thương, truyền đạo gì lạ đời. Hỏi thế nào là Phật? Phật là cái sẳn hay thấy, hay nghe của chính mình mà còn hỏi thì hỏi cái gì. Vừa hỏi thế nào là Phật mà cắt nghĩa Phật thế này, thế kia là đi xa. Cho nên đánh một cái giựt mình, à cái mình biết hỏi, cái mình biết thấy đó. Các ngài chỉ trở ngược lại mà mình không hay. Còn hỏi thế nào là Phật mà ngồi im lặng. Im lặng tức là gì? Vừa mở miệng nói là trật rồi, cứ trở về là trúng hà, không gì hết.
Như vậy các ngài làm hành động này, hành động khác, tuy thuận nghịch đủ thứ hết, nhưng không ngoài trí tuệ Bát nhã của quí ngài muốn chỉ chỗ chân thật cho chúng ta.
CHÁNH VĂN :
Ngô tảo tằng kinh đa kiếp tu,
Bất thị đẳng nhàn tương cuống hoặc,
Kiến pháp tràng, lập tông chỉ,
Minh minh Phật sắc Tào Khê thị.
GIẢNG :
Ngô tảo tằng kinh đa kiếp tu,
Bất thị đẳng nhàn tương cuống hoặc,
Tảo là sớm, tằng là từng. Tôi đã sớm từng có nhiều kiếp tu. Bởi nhiều kiếp tu nên bây giờ nghe mới nhận được như vậy. Cái nhận, cái hiểu của tôi đó là lẽ thật, chớ không phải khi rảnh rang mà nói gạt nhau, lường gạt nhau. Không phải đem lời thường dối gạt quí vị đâu. Đó là do duyên tốt của tôi xưa đã từng tu nhiều kiếp, cho nên bây giờ nghe thấy tôi nhận được. Bởi nhận được nên đem chỉ dạy cho quí vị, chớ không phải tôi nói lừa, nói gạt quí vị đâu.
Kiến pháp tràng là lập pháp tràng, lập tông chỉ tức lập đường lối tu.
Minh minh Phật sắc Tào Khê thị là rõ ràng Đức Phật bảo ra lệnh cho ngài Tào Khê tức Lục Tổ Huệ Năng. Chữ sắc là bảo, là ra lệnh.
Như vậy đường lối tu thiền này của ngài Huyền Giác tức là thiền tông, đó là đường lối của Lục Tổ Huệ Năng đi đúng như hướng của Phật chỉ dạy.
CHÁNH VĂN :
Đệ nhất Ca Diếp thủ truyền đăng,
Nhị thập bát đại Tây Thiên ký.
Pháp Đông lưu, nhập thử thổ,
Bồ Đề Đạt Ma vi sơ tổ.
Lục đại truyền y thiên hạ văn,
Hậu nhân đắc đạo hà cùng số.
GIẢNG :
Tức là từ Phật chỉ cho Tổ Huệ Năng ở Tào Khê. Bây giờ kể lại con đường truyền bá Thiền tông này. Người thứ nhất là Tổ Ca Diếp trong thời Đức Phật còn tại thế, ngài ngộ ở trong hội Linh Sơn. Sau đó là hai mưới tám vị Tổ ở Ấn Độ còn ghi rõ. Khi pháp thiền truyền qua Đông độ tức Trung Hoa, khi vào Trung Hoa rồi thì vị đầu tiên là Bồ Đề Đạt Ma, ngài là người Ấn sang Trung Hoa truyền thiền ban đầu. Tiếp theo đó sáu đời truyền y thì ai cũng đều biết hết. người sau ngộ được đạo lý này số tính không thể kể hết, không thể kể hết được số đó. Đó thì đoạn này dễ, nói về lịch sử.
CHÁNH VĂN :
Chân bất lập, vọng bổn không,
Hữu vô câu khiển bất không không,
Nhị thập không môn nguyên bất trước,
Nhất tánh Như Lai thể tự đồng.
GIẢNG :
Cái việc làm này, đạo lý này là đạo lý không có lập chân hay vọng. Tại sao? Bởi vì ở thế gian chúng ta nói cái gì, làm cái gì thì nằm ở trong cái đối đải, có phải có quấy, có tốt có xấu, luôn luôn là đối đải. Hoặc là trắng là đen, hoặc là ngày là đêm, hoặc là nam là nữ, tất cả đều có đối đải. Cái gì đối đải đều không thật. Cho nên ở đây ngài nói cái chân cũng không lập, mà cái vọng vốn là không. Có và không đều dẹp hết, nó không cái không không nữa. Trong hai mươi hai môn không đều không vướng mắc.
Một tánh Như Lai thể tự đồng. Chỉ còn một tánh Phật, cái thể đồng như vậy thôi.
Trong hai mươi hai cái không, trong đây nói là nội không, ngoại không rất là đầy đủ. Hai mươi cái không thì trong đây nói hai mươi cái không là trong kinh Bát nhã nói rõ, chúng ta không hơi đâu mà kể cho hết. Thường thường chúng ta hay nói nội không và ngoại không là cái chuyện ở trong ở ngoài, rồi tiếp nữa là nội ngoại không..v.v…
Như vậy thì cái thể chân thật đó, không nói là chân, không nói là vọng, không nói là có, không nói là không. Tất cả những cái đó đều dẹp hết. Vì sao? Vì tánh Như Lai thể tự đồng, không phải là một bên, không phải là bên này bên kia.
Bởi vậy cho nên tôi thấy cái chỗ đặc biệt mà Tổ Huệ Năng truyền bá lần đầu tiên. Tức là kể lại câu chuyện khi ngài ôm y bát trốn về phương nam thì có một đoàn tăng đuổi theo để giựt lại, người đi đầu là Thượng tọa Minh. Khi ông tới rồi, Tổ biết người ta đuổi theo kịp ngài để y bát trên bàn thạch, rồi vô bụi lùm trốn. Ông tới thấy y bát tọai nguyện rồi, ôm lên nhưng giở không nổi thì biết rằng đây cái mầu nhiệm của đạo, không phải người vô phước, vô đức mà nhận được. Cho nên ông quí phục, mới tuyên bố rằng, tôi tới đây là vì pháp chớ không phải giành y bát. Nghe nói vì pháp thì Tổ ở trong ngài ra. Ngài nói nếu ông thực tâm cầu pháp thì đứng yên lặng giây lâu tôi sẽ nói cho. Ông đứng yên lặng giây lâu, Tổ bảo: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh”. Ngay câu đó ông ngộ liền.
Bây giờ tôi lập coi quí vị có ngộ không nghe: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của tất cả quí vị”. Êm ru, không ngộ chút nào hết.
Cái này có gì lạ đâu, còn nghĩ thiện còn nghĩ ác là hai bên, buông tất cả cái hai bên thì bộ mặt thật hiện ra. Cái chân thật muôn đời của mình nó có sẳn, bởi chạy theo cái nghĩ hai bên nên nó mất tiêu. Bây giờ quí vị ngồi lại hỏi bàn chuyện với nhau là bàn cái gì? Bàn cái hay cái dỡ, cái phải cái quấy. Mở miệng ra là hai bên. Không có hai bên thì cái chân thật hiện tiền. Dễ quá ư là dễ, không trèo non lội suối gì hết, chỉ buông cái hai bên thì quí vị thấy được mặt thật muôn đời của mình. Mặt thật muôn đời là Phật tánh của mình, ngay nơi đó chớ không đâu xa hết. Như vậy thì tu này nhanh mà dễ nữa. Vừa nhanh vừa dễ nữa mà không chịu làm thì tôi không biết nói làm sao. Đâu phải chuyện gánh một ngàn khối đá đem lên ngọn núi thì mình làm không nởi nó nặng nhọc quá. Còn cái này chỉ buông cái chấp hai bên thì quí vị thành Thánh mất rồi.
Cái chấp hai bên buông khó hay dễ? Đâu có gì khó. Đâu có ai nói nếu buông cái đó thì ở tù, mình buông cái đó thì dễ. Như hai người ngồi nói chuyện, nói câu chuyện đó xảy ra vậy vậy phải hay không? Phải. Phải tức có quấy. Cứ như vậy chúng ta cứ cả ngày đối đáp qua lại trong cái hai bên không hà. Bây giờ nói gì mình cười không có hai bên, mà không có hai bên thì người ta nói mình sao? Khùng rồi, điên rồi. Không biết phải quấy gì hết, nhưng mà không biết ai điên. Thôi thì người ta nói mình điên cũng cười thôi, điên thì cứ điên.
Ở đời cái khó tu không phải là việc làm khó, mà tại tập quán với nếp sống con người ở đời đã quen như vậy, mình khác hơn thì họ không chịu. Bởi vậy nên chư Tổ hồi xưa tới chỗ đó rồi phải như ngây như ngô đó, người ta tưởng như người ngu người dại, nhưng sự thật đó là Thánh. Còn mình khôn quá mình phàm mất tiêu. Càng khôn càng lanh thì càng phàm tục hơn nữa, càng tạo tội lỗi nhiều hơn, chớ không phải hay gì đâu.
Bởi vậy nên không mắc kẹt ở hai bên, mà không mắc kẹt hai bên thì không có gì thật đối đải hết.
CHÁNH VĂN :
Tâm thị căn, pháp thị trần,
Lưỡng chủng do như kiến thượng ngân.
Ngân cấu tận trừ quang thỉ hiện,
Tâm Pháp song vong tánh tức chân.
GIẢNG :
Tâm là chỉ cho tâm suy nghĩ của mình đó. Tâm suy nghĩ đó nó phát hiện ra hay xuất phát ra từ các căn. Tâm thị căn là tâm đó nó phát ra từ các căn. Như lỗ tai nghe tiếng, nghe tiếng rồi suy nghĩ tiếng đó khen mình hay chê mình, thì đó là tâm nó phát ra từ căn. Pháp thị trần tức là pháp ở ngoài như sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là cái ngoài, nó thuộc về trần.
Lưỡng chủng do như kiến thượng ngân là hai cái này giống như bụi trên mặt gương vậy đó. Như vậy gương nguyên nó là trong, là sáng. Nhưng bụi cứ dồn dập lấp trên mặt thì gương còn trong còn sáng không? Chúng ta ngày nay cứ căn trần tiếp xúc, tiếp xúc rồi vướng mắc. Vướng mắc thì cứ thấy người xấu, nói người gì xấu quá; thấy người đẹp nói người này đẹp quá. Khen chê vậy thì mỗi lần khen chê đó là một lần lấp bụi trên mặt gương của mình.
Bây giờ quí vị thấy bụi trên mặt gương mình dày hay mỏng? Dày cở nào? Mấy tấc? Bởi vậy cho nên nó tối mò phải không, nó không có sáng được. Vì thấy cái gì thì dính cái nấy hà. Quí vị nhớ Lục Tổ ngộ ở câu nào?
“Bất ưng trụ sắc sanh tâm,
Bất ưng trụ thanh hương vị xúc pháp sanh tâm
Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”
Muốn phát tâm Vô thượng bồ đề thì đừng vướng mắc với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thì ngay đó Lục Tổ ngộ liền, đâu ngờ tánh mình lâu nay thanh tịnh.
Còn mình nghe câu đó chừng mấy mươi lần mà không ngộ gì hết. Tại sao vậy? Bởi vì nghe thì nghe mà còn vướng mắc ở sáu trần. Muốn hết vướng mắc sáu trần phải thấy sáu trần không thật, sáu căn không thật thì còn gì vướng mắc. Tại mình thấy trần thật, căn thật thì vướng mắc hoài. Quí vị thấy rõ không.
Bởi vậy cho nên Bát nhã dạy chúng ta nhìn thấy rõ tường tận cái đó là không thật, mà không thật rồi thì hết vướng mắc, mà không vướng mắc nữa thì tâm mình hoàn toàn trong sáng, cũng như cái gương không bụi.
Tôi thấy bây giờ gương của chúng ta mỗi ngày lấp thêm một lớp bụi, ngày lấp thêm một lớp bụi, lấp hoài cho tới nhắm mắt không biết mấy chục lớp, mấy ngàn lớp nữa. Bởi vậy nên rồi tối tăm đời này, tối tăm đời khác không bao giờ sáng. Đó là vì cái vướng mắc của chúng ta.
Bởi vậy nên đây mới nói;
Ngân cấu tận trừ quang thỉ hiện,
Tâm Pháp song vong tánh tức chân.
Nghĩa là cái nhơ bợn trên mặt gương nó phủ che ánh sáng, mà mình lau hết rồi, thì ánh sáng hiện chớ không gì hết. Còn tâm mình tức tâm phân biệt hơn thua và pháp trần ở ngoài mình đừng có dính, hai cái không dính nhau thì tánh chơn hiện ra rõ ràng.
Quí vị thử thí nghiệm đi, mình tu không phải giờ ngồi thiền mới tu, mà giờ đi ra ngoài có thể cũng tu được. Như đi ra chợ thấy người qua lại, thấy buôn bán đủ thứ hết, mà thấy thì thấy không chú tâm vào cái gì, thì quí vị đi giáp một vòng chợ trở về, hỏi anh hay chị đi chợ thấy cái gì thì trả lời làm sao? Tôi không thấy gì hết. Đâu phải không thấy, thấy mà không chú tâm, không chú tâm thì không vướng không mắc, không vướng mắc thì thấy như không thấy. Thấy như không thấy thì về đâu có suy gẩm gì về chuyện đi chợ.
Còn này đi đâu mình thấy đó, thấy bán hoa đẹp khen bó hoa đó đẹp quá. Hoặc thấy người làm cái gì lạ lạ cũng nhớ. Rồi về hỏi bửa nay đi chợ thấy gì? Bửa nay tôi thấy hoa thật đẹp, thấy người đó cải lộn nhau gì gì đó, thành ra cái thấy nó vướng trong này rồi, nó vướng mắc thì làm thành bụi rồi, che lấp tâm mình. Nếu mình thấy mà không vướng mắc thì không có bụi, nó vẫn trong vẫn sáng, đâu phải mù mà không vướng mắc.
Vì vậy mà nói :
Tâm Pháp song vong tánh tức chân.
Nghĩa là tâm và pháp cả hai mà quên, mà mất rồi, thì tánh chơn của mình nó hiện ra.
CHÁNH VĂN :
Ta mạc pháp ! Ác thời thế !
Chúng sanh phước bạc nan điều chế.
Khứ Thánh viễn hề tà kiến thâm,
Ma cường pháp nhược đa oan hại,
Văn thuyết Như Lai đốn giáo môn,
Hận bất diệt trừ như ngõa tái.
GIẢNG :
Ta mạc pháp ! Ác thời thế ! Đây ngài than. Than ôi, đời mạt pháp, thời ác.
Chúng sanh phước bạc nan điều chế. Chúng sanh phước thì mỏng cho nên khó điều phục được.
Khứ Thánh viễn hề tà kiến thâm, Cách Phật xa vời nên tà kiến sâu đậm.
Ma cường pháp nhược đa oan hại, Ma thì mạnh, pháp thì yếu nên nhiều oán hại.
Văn thuyết Như Lai đốn giáo môn, Nghe nói môn đốn giáo của Như Lai.
Hận bất diệt trừ như ngõa tái. Hận tức thù, ghét. Nếu không diệt trừ được, đập nát nó như ngói như gạch thì không vừa lòng.
Vì vậy, nếu có thể trong thời này chúng tôi giảng như vầy có nhiều người họ chịu không? Nhiều người họ không bằng lòng, chẳng những người chưa biết tu không bằng lòng, kể cả người biết tu cũng không bằng lòng nữa. Nói cái gì mà dễ quá vậy, Phật nói tu ba vô số kiếp mà ông này nói tu như trở bàn tay, thành ra nói đó là tà đạo rồi đó. Vì vậy mà đáng buồn cho cái thời của mình nó là như vậy. Cho nên những người đó muốn phá muốn dẹp cho hết tinh thần đốn giáo này.
CHÁNH VĂN :
Tác tại tâm, ương tại thân,
Bất tu oan tố cánh vưu nhân.
Dục đắc bất chiêu vô gián nghiệp,
Mạc báng Như Lai chánh pháp luân.
GIẢNG :
Tác tại tâm, mình khởi niệm ghét nên mình mới làm; ương tại thân, thì mắc họa ở thân. Tâm mình khởi niệm ác rồi thân mình phải chịu cái họa.
Bất tu oan tố cánh vưu nhân. Không nên không cần đổ thừa kẻ này, người kia hay nói oan cho người. Chuyện đó mình làm mình chịu chớ không phải ai làm.
Dục đắc bất chiêu vô gián nghiệp, nếu muốn không chuốc nghiệp vô gián. Nghiệp vô gián là nghiệp phải đọa địa ngục vô gián.
Mạc báng Như Lai chánh pháp luân. Chớ nên chê bai chánh pháp của Đức Như Lai.
Đó là ngài chỉ số người trong thời mạ pháp không tin được pháp môn đốn giáo, cho nên rồi họ trở thành chống đối, trở thành muốn tiêu diệt thì đó là chuốc họa địa ngục vô gián, cho nên họ mới chê bai pháp luân của Phật hay pháp môn đốn giáo của Phật.
CHÁNH VĂN :
Chiên đàn lâm vô tạp thụ.
Uất mật sâm trầm sư tử trú.
Cảnh tịnh lâm nhàn độc tự du,
Tẩu thú phi cầm giai viễn khứ.
GIẢNG :
Chiên đàn lâm vô tạp thụ. Đây nói rằng trong rừng cây chiên đàn nó không có những cây lẫn lộn khác.
Uất mật sâm trầm sư tử trú tức là nó sâu kín, các loài sư tử ẩn trong đó.
Cảnh tịnh lâm nhàn độc tự du, là trong cảnh lặng lẽ yên ổn đó, chỉ riêng tự ở. Tự du là tự dạo đi.
Tẩu thú phi cầm giai viễn khứ là các loài chim chóc hay các loài thú cọp beo… nó đều chạy đi hết.
Đây là ngài muốn diễn tả lại pháp đốn giáo này như rừng chiên đàn, nó không có cái gì lẫn lộn được, không sống chung được. Trong đó chỉ có hàng sư tử ở, nó thích. Sư tử ở trong đó rồi nó đi tới đi lui một cách tự tại, còn các loài chim chóc hay thú khác nó chạy đi mất nó không có ở. Để diễn đạt rằng người lãnh hội được pháp môn đốn giáo này, thật là như sư tử ở trong rừng chiên đàn vậy, các loài khác không đến được. Đó là để diễn tả cái khó mà nhận được thì nó rất quí nhưng những người khác thì không thể chấp nhận.
CHÁNH VĂN :
Sư tử nhi, chúng tùy hậu,
Tam tuế tiện năng đại hao hống.
Nhược thị dã can trục Pháp Vương,
Bách niên yêu quái hư khai khẩu!
GIẢNG :
Ngài nói nếu là con sư tử con thì nó sẽ theo sư tử cha, sư tử mẹ. Tuy mới ba tuổi, nó rống cũng là rống tiếng sư tử, chớ không rống tiếng gì khác. Nếu là loài dã can mà có theo sư tử thì dầu cho trăm năm đi nữa nó có rống lên tiếng thì tiếng đó cũng là tiếng nói gở thôi, chớ không đúng tiếng sư tử.
Đó là để nói rằng ai có chủng tử sâu về tinh thần đốn giáo hay thiền tông, thì người đó mới có thể đến được. Dầu thời gian ngắn, thời gian ít mà họ có chủng tử đó rồi, họ cũng có thể làm được chuyện của những vị tu hành lâu chỉ dạy. Nếu những người không có chủng tử đó hay tâm trí yếu hèn thì không thể nào bắt chước được. Nếu có bắt chước thì cũng là ngượng ngạo, là quái gở thôi chớ không đi tới đâu.
CHÁNH VĂN :
Viên đốn giáo vật nhân tình,
Hữu nghi bất quyết trực tu tranh.
Bất thị sơn tăng sinh nhân ngã,
Tu hành khủng lạc đoạn thường khanh.
CHÁNH VĂN :
Cái giáo lý viên đốn này nó không có hợp, không thích ứng với tình người. Nếu cái gì nghi không giải quyết được thì phải tranh luận cho rõ ra, chớ đừng có ôm ấp.
Bất thị sơn tăng sinh nhân ngã, là không phải sơn tăng tức ông thầy núi này có nhân ngã mà cho rằng pháp tu mình là cao, pháp tu của người thấp, không phải vậy. Chỉ làm sao muốn nói cho người ta biết cái giá trị của đạo thôi.
Tu hành khủng lạc đoạn thường khanh. Bởi vì sợ e những người tu hành mà họ sẽ rơi vào hầm đoạn và thường. Hoặc là bên này là dứt, bên kia là còn; bên này là ngắn, bên kia là dài..v.v… Đừng có để cho người tu rơi vài hai bên.
CHÁNH VĂN :
Phi bất phi, thị bất thị,
Sai chi hào ly thất thiên lý.
Thị tắc Long Nữ đốn thành Phật,
Phi tắc Thiện Tinh sanh hãm trụy.
GIẢNG :
Cái này quấy nó cũng chẳng quấy, phải nó cũng chẳng phải. Chỉ sai trong một hào ly, một tơ tóc thôi, thì nó cách xa ngàn dậm. Tại sao vậy? Bởi vì chỗ này là chỗ rất là chí lý, rất là thiết yếu, mà mình nhìn mình ngó nó với đôi mắt đối đải thì sai một chút nó đã lầm rồi. Thị tức là đúng, thì như bà Long Nữ trong kinh Pháp Hoa chỉ trong một phút giây thì ngài thị hiện thành Phật. Còn phi là sai, thì vị tỳ kheo Thiện Tinh cũng bị đọa nữa.
Bởi vì tỳ kheo Thiện Tinh tu chứng được Tứ thiền, ông sanh ở cõi trời sắc giới. Sau hết phước ở cõi trời sắc giới, ông đọa xuống trần gian. Lúc đó ông phỉ báng giáo lý Phật, ông nói rằng được lên cõi trời sắc giới tưởng là chứng được Niết bàn, ai ngờ đâu còn rớt trở lại. Vì phỉ báng như vậy cho nên sau này ông phải đọa. Như vậy thì đã là tỳ kheo chứng được Tứ thiền rồi mà không hiểu thấu được lý Phật dạy rồi cũng phải bị đọa. Đây là trong kinh Niết Bàn phẩm Ca Diếp có nói rõ câu chuyện này, đó là đi sai.
CHÁNH VĂN :
Ngô tảo niên lai tích học vấn,
Diệc tằng thảo sớ tầm kinh luận,
Phân biệt danh tướng bất tri hưu,
Nhập hải toán sa đồ tự khốn.
GIẢNG :
Đây ngài nói cái khổ của ngài lúc trước, lúc ban đầu đó.
Ngô là tôi; tảo là hồi xưa, hồi sớm đó; tích niên là nhiều năm.
Ngô tảo niên lai tích học vấn, là những năm về trước tôi tích lũy sự học vấn. Nhớ nhe ông thầy nào tích lũy học vấn nhớ kỹ đoạn này. Tôi sớm đã nhiều năm tích lũy học vấn.
Diệc tằng thảo sớ tầm kinh luận, là cũng từng thảo sớ tìm trong kinh trong luận dịch ra đồ..v.v…
Phân biệt danh tướng bất tri hưu, tức là phân biệt danh tướng không có thôi phân biệt. Danh từ này, danh từ kia khác nhau chỗ nào, chỗ nào nghe hay lắm, không có thôi.
Nhập hải toán sa đồ tự khốn là chẳng khác nào vào biển mà đếm cát tự nhọc mình.
Quí vị nghe chưa. Như vậy thì mới thấy, nếu chúng ta chỉ kẹt trong văn tự chữ nghĩa thì chúng ta phải lao khổ nhiều kiếp chớ không có giải thoát.
CHÁNH VĂN :
Khước bị Như Lai khổ ha trách,
Sổ tha trân bảo hữu hà ích?
Tòng lai tắng đắng giác hư hành,
Đa niên uổng tác phong trần khách !
GIẢNG :
Những câu này là ngài diễn tả lại ngày trước của mình tu. Nếu mình tu cứ chạy theo danh tướng chữ nghĩa văn tự, rồi từ ngữ ..v.v…, rồi cả đời như vậy thì rất là uổng. Rồi lại bị Như Lai khổ ha trách tức bị Phật quở nhiều nữa. Tại sao? Quở trách cách nào?
Sổ tha trân bảo hữu hà ích? Đếm của báo cho người thì có ích gì? Nghĩa là cứ thấy trong kinh, trong luận rồi dịch ra hoài thì thử hỏi mình được cái gì. Đó là làm việc cho ai chớ không có gì hết. Cho nên lại Như lai quở trách nặng, khổ đó, nhiều đó. Rồi trách bằng cách nào? Nói rằng ông đếm của báu cho người có ích gì cho ông.
Tòng lai tắng đắng giác hư hành, là từ đó đến giờ mới nhọc nhằn, mới thức tỉnh được hành động vô ích của mình. Hư là rỗng là vô ích
Đa niên uổng tác phong trần khách là nhiều năm luống làm người khách phong trần. Nghĩa là nhiều năm vẫn lang thang làm người khách phong trần, chớ không trở về được bảo sở. Giống như kinh Pháp Hoa nói chàng cùng tử đi lang thang mà không trở về với cha với mẹ vậy.
Hai câu này nói nghe rất là đáng nhớ. Nghĩa là đã từ bao nhiêu năm thức tỉnh mới biết rằng việc làm nó rỗng nhiều năm, luống làm kẻ khách phong trần. Nghĩa là người khách đi ngoài đường bụi bậm dính đầy mình, khách phong trần lang thang hoài.
CHÁNH VĂN :
Chủng tánh tà, thác tri giải,
Bất đạt Như lai viên đốn chế.
Nhị thừa tinh tiến vật đạo tâm,
Ngoại đạo thông minh vô trí huệ.
Diệc ngu si, diệc tiểu ngãi,
Không quyền chỉ thượng sanh thực giải,
Chấp chỉ vi nguyệt uổng thi công,
Căn cảnh pháp trung hư niết quái!
GIẢNG :
Ở đây ngài nói rằng những người có chủng tánh tà, có cái hiểu biết sai thì những người đó họ không thấu suốt được cái giáo lý viên đốn của Đức Phật. Còn hang Nhị thừa tuy là tinh tiến nhưng mà không có đạo tâm. Tại sao vậy? Tinh tiến mà không giác ngộ thì gọi là không có đạo tâm.
Người ngọai đạo tuy thông minh nhưng không có trí huệ. Tại sao vậy? Thông minh tức là suy xét, nhận định giỏi khéo. Nhưng không có trí tuệ là không nhận được lẽ thực, cái chân lý đã sẳn ở nơi mình. Nhận được lẽ thật, thấy được chân lý đó mới gọi là trí tuệ. Nếu chỉ so sánh đối chiếu hay dỡ với nhau thì đó người nào lanh lợi gọi là thông minh, chớ mà không có đi đến đâu.
Diệc ngu si, diệc tiểu ngãi, như vậy những người đó cũng là ngu si và những người còn ngây thơ. Tiểu ngãi là ngây thơ thôi. Như vậy những hàng đó chỉ là ngu si, là ngây thơ
Không quyền chỉ thượng sanh thực giải, là trong cái nắm tay không mà tưởng là trong đó có gì. Đây là ví dụ như bà mẹ xách giỏ đi chợ, con khóc đòi đi theo mới nói, đây có bánh này cho con đừng khóc nữa. Nó chạy lại mừng tưởng có bánh thật giở ra tay không. Không quyền là nắm tay không, mà chỉ để dỗ con nít thôi, mà mình lại lầm. Vì vậy mà ngài nói không quyền chỉ thượng sanh thực giải tưởng là có thật.
Chấp chỉ vi nguyệt uổng thi công, tức là mình chấp ngón tay làm mặt trăng thì công mình rất là lầm. Thí dụ như đêm mùng ba, mùng bốn, mặt trăng lên có ở phía tây, rồi hai ba huynh đệ ra đứng nhìn. Có người nhìn thấy nói, ờ kìa có mặt trăng. Hỏi mặt trăng chỗ nào? Người ta chưa thấy thì mình phải sao? Lấy tay chỉ đó, hướng đó, ngay chỗ đó đó, nương ngón tay nhìn thấy mặt trăng. Như vậy ngón tay có phải mặt trăng không? Ngón tay chỉ là một phương tiện hướng dẫn để thấy mặt trăng. Bao nhiêu kinh điển Phật dạy là ngón tay, mà nhận được tánh giác của mình mới là mặt trăng. Phật muốn chỉ mình có tánh giác.
Bây giờ tôi thấy thật là đáng thương. Kinh Phật dạy để làm gì? Để đọc, đọc tụng. Đọc tụng để làm gì? Để hiểu để thâm nhập được chỗ Phật chỉ. Nhưng bây giờ mình cứ đem ra đọc tụng đủ rồi, bửa nào đọc được hai ba bộ là bửa đó hay lắm rồi, tu như vậy rất là hay. Như tôi thường nói cứ đọc Bát Nhã chiếu kiến ngũ uẩn giai không một trăm biến thì cũng là như vậy thôi. Còn mình đọc tới chiếu kiến ngũ uẩn giai không, mình biết soi lại năm uẩn của mình quả tang nó không thật, thì cái đó mới là chỗ Phật chỉ, Phật bảo. Còn này mình cứ đọc hoài, đọc tới suốt kiếp thì chũng chỉ là kinh thôi, mình là mình kinh là kinh. Cho ngón tay là mặt trăng thì ngàn đời không thấy được mặ trăng. Bởi vậy mình hiểu cho chí lý mới thấy lời Phật dạy hết sức là rõ ràng.
Căn cảnh pháp trung hư niết quái! Là trong căn là mắt tai mũi lưỡi thân ý của mình, cảnh là sáu trần ngoài. Trong hai cái hư giả đó mà rồi mình luống tạo thành nghiệp điên đảo khổ sở.
Quí vị thấy không, hiện giờ chúng ta cải lộn ầm ầm với nhau là tại cái gì? Vì cảnh sáu trần, vì sáu căn. Thí dụ lỗ tai mình nghe người ta nói câu gì hơi phạm tới giá trị mình thì sao? Thì câu nói đó là trần, căn lỗ tai nghe, nghe cái nổi giận. Như vậy trong cái căn, cái cảnh đó mà chúng ta tạo ra không biết bao nghiệp, bao nhiêu nghiệp mà tạo đó là nghiệp dối thôi chớ không có thật. Nhưng mà đang ở đây thì thật trăm phần trăm hết trơn, người ta chửi mình là thật thì cái nghiệp phải thật, người ta khen mình là thật thì cái nghiệp đó phải thật. Nên nó thật với kẻ mê, nhưng nó là dối với người tỉnh.
Bây giờ quí vị xác định muốn làm người tỉnh hay thích làm người mê? Bên tỉnh bên mê muốn cái nào? Coi bộ muốn làm tỉnh ít quá, muốn làm mê nhiều. Bởi vậy nên Phật thương chúng ta là chỗ đó, si mê nói hoài nghe cũng không hiểu, rồi cũng đâu để đó không chịu tỉnh. Như vậy cho nên tu theo đạo Phật là giác, là tỉnh, mà bây giờ Phật tử mình tu theo đạo Phật mà ưng mê. Như vậy theo Phật hay theo ai? Phật là giác, theo đạo giác mà mình mê thì đi đúng không? Tức là giác đi bên đông, mê đi bên tây. Bây giờ theo Phật vổ ngực là đệ tử Phật mà lại mê, như vậy thì quí vị nói làm sao? Có hổ thẹn không? Bởi vậy là đệ tử Phật phải ráng giác đừng để mê. Vì có giác thì chúng ta mới ra khỏi sanh tử, còn mê thì muôn đời không ra khỏi sanh tử./.
Các bài mới
- Chứng đạo ca ( Phần 3) - 21/07/2011
- Chứng đạo ca ( Phần 2) - 12/07/2011
- Chứng đạo ca ( Phần 1) - 07/07/2011
- Chơn tâm trực thuyết giảng giải - 02/01/2011
- Tuyệt quán luận - 29/12/2010
Các bài đã đăng
- Thiền môn khẩu quyết - 08/10/2010
- Truyền gia bảo Thiền tông trực chỉ - 29/05/2010
- Chỉ tâm yếu cho người tu thiền - 01/03/2010
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 89122
- Online: 16