Chứng đạo ca ( Phần 5)

08/12/2011 | Lượt xem: 4430

Thiền sư Huyền Giác 
HT Thích Thanh Từ giảng ngày 21.09.2002  
tại Thiền viện Chơn Không – Vũng Tàu

CHÁNH VĂN
Bất kiến nhất pháp tức Như Lai,
Phương đắc danh vi Quán Tự Tại.
Liễu tức nghiệp chướng bổn lai không,
Vị liễu ưng tu hoàn túc trái.

GIẢNG :

Bất kiến nhất pháp tức Như Lai, là không thấy có một pháp thật tức là thấy Phật. Câu này nguyên văn chữ Hán trong kinh Kim Cang Phật cũng đã nói rõ: “Vô sở hữu pháp tức kiến Như Lai”, tức là mình không thấy có một pháp thật là thấy Phật. Tại sao lại có ý lạ vậy? Bởi vì nếu mình thấy một pháp nào có hình có tướng mà nói nó là thật, thì đối với con mắt Phật cho đó là mình thấy đã sai. Vì có hình có tướng là có sanh có diệt, có sanh có diệt thì chưa phải chân lý. Vì vậy mà chúng ta thấy tất cả pháp có hình tướng nó không thực, tức là chúng ta thấy được chân lý, là thấy Phật. 

Phương đắc danh vi Quán Tự Tại. Được như vậy mới gọi là Bồ tát Quán Tự Tại. Quán Tự Tại tức là nhìn thấy các pháp không có một tí nào chướng ngại, không có một tí nào ngăn trở hết. Đối với con mắt Phật, thấy tất cả pháp có hình có tướng đều là vô thường, đều là sanh diệt, nên không phải là chỗ cứu kính chân thật, mà cứu kính chân thật đó gọi là Như Lai. Người nào thấy rõ tất cả pháp, không có một cái gì có hình tướng là thật hết, thì người đó thấy được lẽ thật, gọi đó là cái nhìn thấu suốt không có trở ngại, cho nên mới gọi là Quán Tự Tại. 

Liễu tức nghiệp chướng bổn lai không.

Vị liễu ưng tu hoàn túc trái.

Liễu tức là liễu ngộ. Liễu ngộ thì nghiệp chướng xưa nay nó là không. Còn người không liễu ngộ thì nên phải trả lại nợ trước. Tại sao vậy? Liễu ngộ là thế nào? Không liễu ngộ là thế nào? Bởi vì người học Phật chúng ta nhiều khi thấy trong kinh Phật dạy nó có cái gì hơi mâu thuẫn. Thí dụ như các kinh A Hàm thì Phật dạy rõ ràng làm một nghiệp lành, làm một nghiệp dữ thì đều phải trả lại nghiệp của mình. Làm lành thì được quả lành, làm dữ thì phải chịu quả dữ. Mọi nhân quả không sai chạy, cái nào thì phải đền lại cái ấy. Đó là tinh thần kinh A Hàm.

Nhưng lên hệ thống Bát Nhã thì lại khác. Hệ thống Bát nhã nếu thấy các pháp không thật thì nghiệp chướng nó không có thật. Nghiệp chướng không thật thì tức là liễu ngộ, thì nghiệp chướng xưa nay là không.

Tôi nói thí dụ cho quí vị hiểu. Như chúng ta còn mê, mình nói một lời ra, lời lành thì người ta vui, lời dữ thì người ta giận. Bởi chúng ta quen ai nói hiền lành thì dễ thương, ai nói hung dữ là dễ ghét. Lời lành là tốt, lời dữ là ác. Như vậy nên mở miệng nói vừa có một lời không tốt thì bị phản ứng liền, người ta liền chống trả lại. Còn nói lời tốt thì người ta nghe vui vẻ. Đó là chúng ta ở trong tâm trạng mê lầm với nhau.

Nếu chúng ta nói lời lành, nói lời dữ mà ở trong tâm trạng của các vị Bồ tát thì sao? Mình nói lời dữ với Bồ tát, Bồ tát nghe không có phẩn uất, không có giận hờn. Còn nói lời lành với Bồ tát thì Bồ tát nghe cũng không có cái gì vui mừng. Như vậy thì tâm trạng người liễu ngộ không có thấy lời nói là thật, mà lời nói không thật thì nói hay nói dỡ cũng như nhau thôi. Còn tâm trạng mê lầm của chúng ta cho lời lành là thật, lời dữ là thật.

Bây giờ tôi hỏi quí Phật tử, người ta nói lời lành, người ta nói lời dữ, nếu mình nghe mình không để ý thì có dính vào lỗ tai mình không? Họ nói gì mặc họ, như gió thổi qua tai, thì có gì thương, có gì ghét không? Còn ngược lại, chúng ta nhạy vừa có nghe tiếng cái nó dính tuốt ở trong này, rồi chạy về trong tim, trong phổi nữa, thì lời nói qua mình có vui có buồn không? Nhất định phải có vui, có buồn.

Như vậy, liễu là liễu ngộ, người liễu ngộ rồi thì biết ngôn ngữ không thật, ngôn ngữ không thật thì khen chê cũng là không thật thôi. Đã không thật thì có cái gì mà vui, mà buồn. Cho nên nói liễu tức nghiệp chướng bổn lai không, người liễu ngộ rồi thì mọi nghiệp chướng người ta mắng mình, người ta khinh mình coi như không có gì hết, không buồn, không tức thì nghiệp chướng bổn lai không.

Còn vị liễu ưng tu hoàn túc trái, chưa liễu ngộ thì phải trả nợ đủ. Mình nói lời gì ra người ta phản ứng lại y nguyên. Hoặc nặng hơn mình nói người ta con mèo, người ta mắng lại mình là con chó. Nghĩa là nó trả liền chớ nó không có tha.

Vì vậy mà trên phương diện liễu ngộ thấy rồi, nghe rồi, qua hết không có chướng ngại. Vì biết rằng các pháp không thật, mà không thật thì có chấp vào đâu mà có chướng ngại. Còn người chưa liễu ngộ thì cố chấp một lời nói, một hành động, một cử chỉ nào mình không vừa ý, thì nổi tức lên. Còn hành động, lời nói nào vừa ý thì mình khen, mình thích. Vì vậy mà nghiệp chướng nó có đầy đủ, cho nên nói vị liễu ưng tu hoàn túc trái, người chưa liễu ngộ thì phải đền lại cái nợ trước. Trước mình gây cái gì thì nay mình phải trả cái ấy. Nếu trước mình gây cái lành thì nay mình phải hưởng cái lành, trước mình gây cái dữ thì nay mình phải đền cái dữ. Còn người liễu ngộ rồi thì hết, không còn đền trả nữa. Đó là hai trường hợp đặc biệt.

 

CHÁNH VĂN :

Cơ phùng ngọc thiện bất năng xan.

Bệnh ngộ Y Vương chẩm đắc sái?

Tại dục hành thiền tri kiến lực,

Hỏa trung sanh liên chung bất hoại.

GIẢNG :

Cơ phùng ngọc thiện bất năng xan. Cơ là đói, phùng là gặp, ngọc thiện là cơm rất ngon. Nghĩa là đói mà gặp cơm rất ngon nhưng không thể ăn.

Bệnh ngộ Y Vương chẩm đắc sái? Bệnh mà gặp ông vua thầy thuốc mà không chịu trị chửa.

Tại sao vậy? Đói gặp cơm ngon mà không chịu ăn, bệnh gặp thầy thuốc hay mà không chịu trị, chịu chửa, là tại làm sao? Tại vì cái mê lầm.  Lời Phật nói là lời vàng, lời ngọc, Ngài chỉ chân lý chân lý bất sanh, bất diệt cho chúng ta. Nhưng nghe nói cái đó nó không dính gì với mình hết trơn đó. Nếu nói ngày mai mua bán món đó lời năm chục ngàn, ba chục ngàn coi bộ dính liền. Còn nói thân này giả nghe nó không dính vào đâu hết trơn đó, đó nó vậy đó.

Mà nói giả là chân lý, cũng như cơm ngon mà không chịu ăn, chỉ ăn những cái tạm tạm vậy thôi hà, cơm hẩm đó mà chịu. Còn bệnh thì ai ở thế gian này còn mê lầm là còn bệnh. Phật chỉ thẳng chỗ giác ngộ thoát khỏi mê lầm, mà mình lại không chịu nghe cái đó. Cứ nghe những chuyện gì có lợi cho hiện tại, cái gì được mọi người vui thích thì chịu nghe. Còn lẽ thật, cái chân lý siêu việt đó mình không muốn biết, không muốn hiểu. Cho nên nói bệnh mà gặp thầy thuốc hay không chịu chửa, không chịu trị mà muốn chửa trị những cái gì nhẹ nhẹ thôi.

Tại dục hành thiền tri kiến lực,

Hỏa trung sanh liên chung bất hoại.

Tại dục là ở trong cõi dục giới này. Trong nhà Phật chia trên thế giới làm ba phần: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới. Cõi dục là con người, con vật trên cõi này đều do ái dục sanh nở ra. Cõi sắc là do tu thiền định mà được. Cõi vô sắc cũng do tu thiền định mà được. Hiện giờ ở trên thế gian các nhà khoa học tìm kiếm đều tìm kiếm những cái gì ở trong cõi dục thôi, còn cõi sắc và vô sắc họ chưa biết tới. Như vậy để thấy rằng lời nói của Phật chỉ tột cùng những cái mà thế gian chưa biết tới, chưa biết được. Cõi sắc giới còn chưa biết huống nữa là vô sắc làm gì biết.

Ở cõi dục hành thiền cũng như là trong cái lò lữa mà hoa sen mọc vậy. Quí vị thấy dễ hay khó? Ở thế gian do tham mê tài sắc danh lợi..v.v… tất cả những cái đó là cái làm cho người ta ô nhiễm. Bây giờ nếu hỏi tất cả quí Phật tử có ai không thích: tài là tiền của, sắc là sắc đẹp, danh là danh lợi..v.v… thấy mấy cái đó có thích không? Có ai không ưa không? Ai cũng ưa hết. Cái mà mọi người đều ưa, đó là trong cõi dục này. Sự tham muốn những điều đó mà trong nhà Phật gọi là ngũ dục, không ai mà chẳng mê đắm nó. Vậy ngũ dục giống như lò lữa, mà trong cõi tham đắm ngũ dục đó mình ngồi tu, mình buông bỏ hết, giống như lò lữa mà có hoa sen mọc vậy đó, dễ hay khó? Khó. Bởi vậy tu mà được đạo, chứng đạo ở trong cõi dục này là một chuyện đắng cay. Tuy đắng cay mà được mới là quí. Cái quí là cái không ai làm được mà mình làm được. Còn cái ai cũng làm hết mình làm cũng thừa.
Vì vậy mà tất cả chúng ta tu nhất là tu thiền ở trong cõi dục giới này, chẳng khác nào trong lò lữa mà mọc ra hoa sen. Lữa là chỉ cho lữa ngũ dục, hoa sen là thiền định trong sáng của mình nó mọc lên.

Như vậy bốn câu này nói rõ cho chúng ta thấy ở thế gian vì mê đắm những dục lạc, mà được gặp được thấy những bậc thầy hay, những thức ăn quí mình lại không chịu dùng. Còn người trong cõi ngũ dục đó mà mình thức tỉnh được, mình tu hành được sức mạnh của tri kiến giống như trong lò lữa mà mọc ra hoa sen. Quí như vậy đó. Cho nên nhà Phật thường dùng từ hoa sen trong lò lữa. Lò lữa là thí dụ cho ngũ dục, hoa sen là thí dụ cho người ở trong cõi ngũ dục mà tâm trong sáng thanh tịnh, người đó là người hoa sen trong lò lữa.

 

CHÁNH VĂN :

Dõng Thí phạm trọng ngộ vô sanh,

Tảo thời thành Phật ư kim tại.

GIẢNG :

Trong đây dẫn kinh nói, Dõng Thí là tên một vị Bồ tát. Ngày xưa, Bồ tát này phạm hai tội: tội thứ nhất là tội dâm dục, tội thứ hai là tội sát sanh. Dâm dục và sát sanh thì hai tội đó không thể cứu được. Là một tỳ kheo mà phạm hai tội đó coi như bỏ đi. Cho nên nói rằng Dõng Thí là tỳ kheo mà phạm hai tội đó, ông đau khổ quá không biết làm sao. Ông hối hận tìm đến vị Bồ tát tên là Tỳ Cúc Đa khóc lóc xin sám hối. Bồ tát nói tội tánh vốn không, Dõng Thí vừa nghe câu đó rồi liền chứng được vô sanh.

Quí vị thấy sao dễ quá !  Hồi xưa đọc mấy chỗ này tôi cũng hơi khó chịu. Mình tu mà phạm tội giết người, phạm tội dâm dục thì phá giới hoàn toàn rồi, còn phải phạm luật của nhà nước nữa. Nhưng tại sao gặp Bồ tát nói rằng tội tánh vốn không liền ngộ chứng được vô sanh. Như vậy thì có cái gì nó ẩn ở trong đó không? Vì vậy mà trong khi sám hối chúng ta có đọc bốn câu:

Tội tánh bổn không do tâm tạo,

Tâm nhược diệc thời tội diệc vong.

Tội vong tâm diệc lưỡng câu không,

Thị tắc danh vi chơn sám hối.

Tội tánh vốn là không do tâm tạo. Quí vị thấy tội từ đâu ra? Nói lời ác có tội, hành động ác có tội. Nhưng lời nói và hành động cái gì chủ? Do lòng giận ghét mà nói ra lời ác, có hành động ác. Tâm nóng giận ác độc đó có thật không? Quí vị xét kỹ coi cái tâm nóng giận của mình, cái tâm ác độc của mình đó nó thật không? Nếu nó thật thì trọn đời không bao giờ bỏ được. Có người hồi xưa nóng nảy, sau hiểu đạo rồi bỏ bớt hết nóng. Có người hồi xưa ác độc, bây giờ biết tu rồi bỏ cái ác độc. Như vậy cái nóng giận, cái ác độc đâu có thật. Nếu thật thì bỏ không được, mà bỏ được là không thật.

Bây giờ quí vị tìm lại những cái gì hồi xưa mình nổi nóng đó, giờ coi nó ở đâu? Có chỗ nào không? Nó trốn, nó nằm ở chỗ nào, tìm coi cái nóng nó ở đâu? Tìm không có, mà không có thì nó không thật. Biết được cái tâm nóng giận, tâm ác độc đó nó không thật, thì mình biết cái tội nó cũng không thật. Vì nó là chủ tạo ra tội, mà cái chủ động lại không thật, thì cái tội làm sao mà thật được. Nếu ai biết cái tánh tội, cái chỗ ban sơ của tội không có, do lời nói ác độc của mình mà thành, mà lời nói ác độc đó từ tâm, mà tâm cũng không thật. Tâm không thật, tội không thật, biết rõ như vậy thì sao? Thì liền chứng vô sanh. Như vậy nghe nó hơi lạ quá.

Chỗ khác nói nếu ai là tỳ kheo mà phạm tội sát, dâm thì đọa địa ngục. Chỗ này phạm cả hai tội mà sao lại chứng vô sanh? Có phải là mâu thuẫn không? Thật ra nó thế này. Nếu mình phạm tội sát, tội dâm, mà thấy mình thật, thấy hành động thật, thì muôn đời phải đọa địa ngục. Nếu mình phạm tội sát, tội dâm, mà bây giờ giác ngộ thấy mình không thật, tâm cũng không thật, tội cũng không thật, thì đó là đi tới chứng vô sanh. Bởi vì không thật thì còn có cái gì để đền trả.

Như tôi nói khi chúng ta còn một niệm nghĩ phải quấy, tốt xấu, hơn thua, thì mọi tội lỗi mình đều phải đền trả. Bao giờ chúng ta không còn một niệm phải quấy, hơn thua nữa thì mọi tội lỗi theo đó hết. Dễ không? Quí vị nghĩ dễ hay khó? Nếu không còn một niệm phải quấy, hơn thua, tốt xấu nữa thì tâm mình nó hoàn toàn thanh tịnh. Mà tâm hoàn toàn thanh tịnh nó không bị nghiệp dẫn, còn tâm còn phải quấy hơn thua là tâm tạo nghiệp bị nghiệp dẫn.

Giờ quí vị muốn chuyển cái một nhanh như trở bàn tay thì phải làm sao? Buông hết những cái niệm, những cái nghĩ. Phải cũng bỏ, quấy cũng bỏ, nên hay cũng bỏ, dỡ cũng bỏ, tốt bỏ, xấu bỏ. Cả ngày không một niệm gì dấy khởi, thì tội lỗi bao nhiêu cũng đều hết sạch. Chỉ một ngày thôi, tu một ngày hết mọi tội lỗi, quí vị chịu không? Dễ quá phải không, đâu có nói mười ngày, hai chục ngày. Cũng như niệm Phật, Phật dạy chỉ niệm Phật nhất tâm bất loạn trong một ngày, hai ngày tới bảy ngày thì Phật A Di Đà hiện tiền. Đơn giản có bảy ngày được gặp Phật mà không chịu niệm. Như vậy tức là khi mình không còn một niệm phàm tục nào ở trong tâm thì lúc đó tâm mình thanh tịnh, mà thanh tịnh thì còn tội lỗi gì nữa. Tại vì tâm còn đối đải, còn hơn thua, còn phải quấy, còn tốt xấu cho nên tội lỗi còn nguyên không có mất.

Như vậy cái chỗ nói ngài chứng vô sanh, là khi nghe tội tánh vốn không do tâm tạo, thì ngài liền được cái lý tâm, mà tâm không thật thì tội không thật, vì vậy mà đi tới vô sanh. Còn mình tại nghe cái đó mà thấy thật hết thì không chứng nổi.

Đó là những câu nói cho chúng ta thấy rõ những cái gì ngày xưa Phật dạy nghe thì như khó, nhưng thực tình chúng ta biết thì không phải khó hiểu nữa. Câu chuyện tỳ kheo Dõng Thí nghe liền chứng vô sanh, đó là trích trong kinh Tịnh chư nghiệp chướng. Như vậy thì câu đó chứng minh rằng, thời Đức Phật có những vị tỳ kheo phạm giới mà ngộ được cái tội không thật, cái tâm không thật, ngay nơi đó ngài được vô sanh. Đó là đoạn nói cho mình thấy rõ sự tu hành mê thì bao nhiêu tội nghiệp đều phải trả đủ, còn lúc mình ngộ rồi thì tội chướng theo đó mà tan biến.

 

CHÁNH VĂN :

Sư tử hống vô úy thuyết,

Thâm ta mông đỗng ngoan bì đát.

Chỉ tri phạm trọng chướng Bồ đề.

Bất kiến Như Lai khai bí quyết.

GIẢNG :

Sư tử hống vô úy thuyết, sư  tử hống tức là con sư tử rống. Vô úy  thuyết là những lời không sơ. Tiếng sư tử rống lên những lời không có sợ sệt.

Thâm ta mông đỗng ngoan bì đát. Nhưng thương thay, chúng ta là kẻ mê muội, mờ mịt, không có biết.

Chỉ tri phạm trọng chướng Bồ đề. Chỉ biết rằng người phạm trọng tội là chướng ngại bồ đề, tu không được.

Bất kiến Như Lai khai bí quyết. Không thấy được cái bí quyết mà Đức Phật đã chỉ.

Bây giờ tôi tin trăm phần trăm rằng, ai phạm tội gì đi nữa mà một ngày, hai ngày, ba ngày tới bảy ngày, nếu tu Tịnh độ thì niệm Phật tới nhất tâm bất loạn thì tội hết trên; còn ai tu thiền thì từ một ngày, hai ngày, ba ngày tới bảy ngày, tâm không còn một niệm nào hết, thì người đó cũng hết tội luôn. Cái phải đền trả bao nhiêu kiếp bây giờ mình chỉ lấy bảy ngày tu cái xong. Quí vị chịu cái đó không? Quả là tu tắt đó. Cái đó là tu tắt đó, bảy ngày thôi, hoặc ba ngày thôi thì liền được. Như vậy đọa địa ngục cả trăm, cả ngàn kiếp, thì bây giờ mình tu có năm ngày, bảy ngày hết, vậy mà không chịu tu. Bí quyết đó hết sức là đơn giản mà không ai chịu làm.

Giờ giả sử như cư sĩ không làm, quí thầy quí cô chịu làm không? Chịu tu bảy ngày hết tất cả nghiệp chướng, chịu không? Dễ quá, thời gian ngắn quá. Đừng có một niệm nào chen vô. Nếu nhất tâm niệm Phật A Di Đà bảy ngày không có một cái gì dời đổi thì được nhất tâm, nhất tâm thì được thấy Phật, vậy hết tội lỗi rồi.

Còn người tu thiền, chỉ trong bảy ngày không có một niệm nào dấy động tâm thanh tịnh an nhiên thì người đó giải thoát sanh tử. Nhẹ nhàng sao đâu !  Dễ, gần mà không chịu tu. Còn chuyện hơn thua phải quấy, giành giựt với nhau năm này, qua tháng nọ cứ làm hoài, mà làm những cái đó rồi sao? Rồi đi xuống không hà. Càng ngày càng rơi trầm luân trong sanh tử mà chịu, còn cái kia đơn giản nhẹ nhàng mà không chịu. Cho nên ở đây mới nói cho chúng ta thấy cái tội lỗi nó là như vậy.

 

CHÁNH VĂN :

Hữu nhị tỳ kheo phạm dâm sát.

Ba Ly huỳnh quang tăng tội kết.

Duy Ma đại sĩ đốn trừ nghi,

Do như hách nhật tiêu sương tuyết.

GIẢNG :

Trong đó có kể lại, hồi xưa Phật tại thế có hai vị tỳ kheo ở chung một cái thất tu. Hôm đó một thầy tỳ kheo đi khất thực, còn một tỳ kheo ở nhà nằm ngủ. Có cô gái tới thấy tỳ kheo ngủ mới vô phá thầy, rồi thầy phạm phải tội dâm. Tỳ kheo đi khất thực về thấy như vậy giận quá đuổi rượt cô ta, cô chạy rớt xuống giếng chết. Đó một người phạm tội dâm, một người phạm tội sát. Việc đó được đem đến cho ngài Ba Ly là nhà luật số một trong thời Phật, để hỏi ngài. Ngài nói rằng, hai người vừa phạm tội dâm, phạm tội sát thì phải đọa địa ngục không cứu được.

Hai vị tỳ kheo này khổ sở quá, mới tìm tới Bồ tát Duy Ma cật hỏi, chúng tôi phạm tội như vậy đó thì có cách nào giải trừ. Ông Duy Ma cật mới nói rằng, tội tánh bổn không do tâm tạo, giờ tâm các ông không có. Ông phạm tội dâm là tại người ta phá chớ ý ông không muốn, cho nên tâm không có tội. Còn ông rượt là tức giận rượt, chớ đâu có nghĩ giết, tại cô đó rớt xuống giếng chết, thì không phải có cái tâm giết. Như vậy hai ông không có tội, tâm không tội thì làm sao phạm. Hai vị tỳ kheo nghe trừ nghi được, từ đó tu hành cũng được chứng quả.

Như vậy ở đây nói:     

Ba Ly huỳnh quang tăng tội kết.

Duy Ma đại sĩ đốn trừ nghi,

Tức là ông Ba Ly ánh sáng như đom đóm, rồi kết tội người nặng thêm nữa. Còn ông Duy Ma Cật nói tội từ tâm, mà tâm các ông không có thì không có phạm tội. Nhờ đó người ta biết được cái đó mừng rở tu cái hết tội.

Do như hách nhật tiêu sương tuyết. Giống như mặt trời lên cao thì sương tuyết đều tan hết.

Đó là để chỉ một bên nói về tánh tội. Tánh tội là tội không có sẳn, nó do cái tâm. Giờ cái tâm không có thì tội cũng không.

 

CHÁNH VĂN :

Bất tư nghị giải thoát lực,

Diệu dụng hằng sa dã vô cực.

Tứ sự cúng dường cảm từ lao,

Vạn lượng hoàng kim diệc tiêu đắc.

GIẢNG :

Bất tư nghị giải thoát lực, tức là sức giải thoát không thể nghĩ bàn.

Diệu dụng hằng sa dã vô cực. Là diệu dụng như hằng sa không thể nào nói cùng tột được.

Tứ sự cúng dường cảm từ lao, là đem tứ sự, là tất cả những vật dụng cần thiết cúng dường không dám nghĩ tới mệt nhọc.

Vạn lượng hoàng kim diệc tiêu đắc. Tức là dầu cho những vị này nhận được một vạn lượng vàng tiêu cũng hết, cũng không có phạm tội.

Đây là để nói người thấy được chỗ tột cùng đó thì người đó là sức giải thoát phi thường, người đó có diệu dụng không thể cái gì mà lường được, cùng tột được. Dầu ai đem bốn việc cúng dường thuốc men quần áo..v.v… mà cúng dường không biết mệt nhọc, thì dầu vị đó họ có nhận một vạn lượng vàng tiêu dùng, vị đó cũng không có lỗi lầm gì hết. 

 

CHÁNH VĂN :

Phấn cốt toái thân vị túc thù,

Nhất cú liễn nhiên siêu bách ức.

GIẢNG :

Bây giờ, chúng ta làm cái gì dù cho xương tan, thịt nát cũng chưa đủ mà đền. Vì sao vậy? Vì một câu mà mình rõ được, mình thông suốt được thì nó siêu việt cả trăm ức phần. Tức là tất cả những lời dạy chỗ sâu, chỗ tột cùng đó, nó quí không gì bì được. Vì chỗ đó đưa người ta tới từ một con người hư xấu trở thành một người giác ngộ, thì không phải chỗ siêu tất cả hay không. Vì vậy mà nghe được những lời này, thấu được những câu nói này thì cái đó, dù cho chúng ta đem thân này mà làm cho xương tan thịt nát để đền đáp cũng không bì được, không đủ mà đáp, huống vì một câu nói nó siêu việt hơn tất cả. Đó là chỉ cái lý vô sanh để cho chúng ta không có nghĩ, không có lầm.

Giờ tôi nói thêm đoạn này cho quí vị hiểu cho rõ để nhiều khi nghi ngờ. Bởi vì tất cả chúng ta nhìn tội lỗi nó có hai mặt. Một mặt tội lỗi tạo tội gì thì phải đền nghiệp ấy, tạo ra tội gì thì phải đền trả nghiệp đó, không có sai chạy. Tại sao? Vì mình đang trong mê, thấy thân thật, thấy cảnh thật, thấy tất cả chung quanh đều thật hết, thì mình làm khổ người đó thì mình phải trả lại nghiệp khổ, mình làm vui cho người đó được an lạc thì mình được hưởng phước an lạc, không sai chạy một chút nào hết. Tại sao? Vì trong mê thì phải đền trả công bằng. Cho nên lý nhân quả nghiệp báo là cái lý đền trả trong mê.

Nếu mình từ con người mê mà mình chuyển thành giác, thì những nghiệp chướng theo đó mình cũng không có bị nó lôi kéo. Tại sao không bị nó lôi kéo? Chúng ta còn mê thì tâm niệm chúng ta nó chứa đủ các thứ phiền nảo nên rồi tạo tội, do nghiệp phiền nảo đó nó dẫn chúng ta sanh ra đời sau, đời sau rồi phải trả lại nghiệp đời trước, cứ như vậy mà liên miên.

Còn nếu tâm chúng ta trước có tội, có lỗi. Nhưng bây giờ tu, tâm  hoàn toàn thanh tịnh. Như niệm Phật bảy ngày mà không có đổi một niệm khác thì đó là hoàn toàn thanh tịnh. Ngồi thiền tu thiền bảy ngày mà tâm không có một niệm khác đó là thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì không còn nghiệp gì dẫn đi được hết. Nghiệp là do tâm mê dẫn đi luân hồi. Nếu tâm giác thanh tịnh rồi thì nghiệp đâu có dẫn được.

Như vậy thì quí vị thấy, ở trong kinh chỗ mà nói tạo nghiệp gì phải trả nghiệp đó là nói theo trong mê. Chúng ta trong mê thì nhân quả không thể sai chạy được. Nhưng mà nếu chúng ta được ngộ rồi thì chuyển nhân quả. Giả sử tôi nói còn trong thế gian mê muội này, mà chúng ta lúc trước phạm những cái tội lỗi rồi chưa trả kịp. Bây giờ đây chúng ta tu được thanh tịnh rồi, thì sao có trả hay không? Câu đó hơi khó đó.

Trong nhà Phật dùng từ là thân hữu lậu, thân hữu lậu là thân còn rơi rớt trong vòng sanh tử. Chúng ta tu khi nào tâm được thanh tịnh rồi mà thân hữu lậu còn thì cái thân đó phải trả. Đó là sao? Như trường hợp ngài Mục kiền Liên chứng A La Hán rồi, mà nghiệp đời trước ngài đốt ổ ong, sau bị bọn du côn vây đánh ngài. Ngài có thần thông bay đi, hóa thân lớn nhỏ đủ thứ hết, mà lúc đó dùng thần thông không được, bị đánh bèo nhèo. Đó là thân hữu lậu. Bị vì thân đó là thân từ những tâm niệm trước mà còn, mà có, chưa phải là thân do tâm vô lậu giải thoát mà có. Vì vậy mà thân đó phải trả hết nợ cũ rồi thì qua đời sau không còn. Bởi vì qua đời sau thì tâm thanh tịnh rồi, nhập Niết bàn. Nếu muốn vào thế gian này độ sanh thì nó cũng hết nghiệp đó.

Vì vậy cho nên nhiều người nói, tại sao tu chứng rồi mà còn phải trả? Vì thân hữu lậu còn là thân mắc nợ hồi xưa. Còn cái thân mà tâm mình không có một tí niệm mà sau này có thân là do nguyện, nguyện mà ra thì không còn nợ nần gì nữa hết. Cho nên bao nhiêu nợ cũ, các vị Bồ tát, cái vị A La Hán, nói rằng đời mình hồi xưa tạo bao nhiêu thứ nghiệp, bây giờ đối với thân hiện tại mình còn đây thì bao nhiêu nghiệp cũ mình sẳn sàng mang hết, ai lôi ra đánh đập gì cũng được trả cho rồi, cho nó hết. Chớ không phải mình ăn cướp nợ khỏi trả.

Cho nên có nhiều người tu khá, tu hay mà cũng gặp những trường hợp cũng hơi rắc rối, hơi đau khổ, đó là để trả nợ cũ rồi thì sau nó mới hết, chớ không phải là mình trốn nợ. Đây nói không còn gì nữa là chỉ cho cái sau này mình không có theo nghiệp nữa thì đâu còn trả. Còn bây giờ thân này trước là do nghiệp, thì bây giờ phải trả lại nghiệp. Hiểu như vậy thì không có thắc mắc, chớ còn không thì nghe nói như vầy dễ gây nghi ngờ.

 

CHÁNH VĂN :

Pháp trung Vương tối cao thắng,

Hằng sa Như Lai đồng cộng chứng.

Ngã kim giải thử như ý châu,

Tín thọ chi giả giai tương ứng.

CHÁNH VĂN :

Pháp trung Vương tối cao thắng, là pháp của đấng trung vương rất là thù thắng, rất là cao siêu.

Hằng sa Như Lai đồng cộng chứng. Tức là tất cả chư Phật như cát sông Hằng cũng đồng chứng pháp này.

Ngã kim giải thử như ý châu, là tôi nay mở được hạt châu như ý.

Tín thọ chi giả giai tương ứng. Tức là tin thọ hiểu đều tương ưng nhau, sống được với cái đó. Tin thọ chi giả tức tín, tin, nhận và hiểu đều tương ứng với pháp đó.

Ở đây ngài Huyền Giác nói rằng cái pháp thù thắng nhất của bậc Trung vương hay là bậc tối cao, cái pháp đó đối với chư Phật các Ngài đồng chứng được. Bây giờ đây tôi như là người mở được hạt châu như ý trong cái túi áo hay trong chéo áo, thì tôi tin tôi hiểu rõ đúng như vậy không có sai chạy. Như vậy gọi là chứng đạo đó. Cái gì Phật được, cái gì Tổ được, tôi nay cũng thấy được rõ như vậy, không nghi ngờ gì hết. Đó là ngài xác nhận, gọi là chứng đạo ca mà, bài ca chứng đạo. Xác nhận cái chỗ mà Phật chư Tổ ngày xưa đã đạt được, thì ngài nay tôi cũng thấy như vậy.

 

CHÁNH VĂN :

Liễu liễu kiến vô nhất vật,

Diệc vô nhân diệc vô Phật.

Đại thiên sa giới hải trung âu,

Nhất thiết Thánh Hiền như điện phất.

GIẢNG :

Mấy chỗ này người mới nghe rất là khó hiểu.

Liễu liễu kiến vô nhất vật, là rõ ràng thấy không một vật. Ở trên thế gian tràn trề đầy dẫy nào người, nào vật, không biết bao nhiêu thiên muôn ngàn ức gì đó. Bây giờ với ngài, ngài thấy không một vật. Tại sao ngài thấy không một vật? Chẳng lẽ con mắt ngài đổi khác? Nếu mình thấy có vật, mà ngài thấy không vật tức là ngài mù sao? Nhưng đây tôi nói cho quí vị thấy cái sâu của người thấy đạo gọi là giác ngộ đó.

Cái đồng hồ quí vị thấy phải là một vật không? Bây giờ đặt câu hỏi trước khi ông thợ ráp chiếc đồng hồ, thì có đồng hồ nguyên vẹn vậy không? Mà rồi từng bộ phận, từng bộ phận ông ráp lại rồi thành chiếc đồng hồ. Như vậy thì chiếc đồng hồ buổi ban sơ là không, mà nay duyên hợp thành có. Đồng hồ trước ban đầu là không, duyên hợp rồi có. Có rồi khi nào đồng hồ cũ hư mở ra từng bộ phận, thì đồng hồ có không? Không. Như vậy thì trước không, sau cũng không. Tất cả pháp trước không, sau không thì thật được không.

Như mình trước khi cha mẹ chưa sanh có mình không? Rồi sau khi tắt thở rồi còn có mình không? Trước không, sau không thật được không. Bây giờ quí vị nói quí vị thật không? Giờ tôi nói thí dụ như hai người bạn thân đang ngồi nói chuyện với nhau, rồi bất thần có một người bị áp huyết lên đứt gân máu ngã đùng ra chết. Người nói chuyện với mình khi nảy là thật, bây giờ họ tắt thở rồi thật không? Như vậy là người ngồi nói chuyện khi nảy không thật, mình đang nói chuyện đây mình thật không? Rõ ràng người kia giả thì mình cũng phải giả. Như vậy ngồi kiểm lại từ Tổ tiên chúng ta ông bà, rồi tới cha mẹ, ở trên đi từ từ có mặt rồi mất, có mặt rồi mất. Tới mình có mặt rồi sau nữa? Mình cũng mất, có cái gì thật. Không có một cái gì thật hết, mà con mắt phàm tục mình chấm một khoảng đó là thật, rồi qua khoảng đó rồi sao không biết.

Như vậy thì ban sơ không thật, không có, duyên hợp mới có. Duyên hợp có thì tất cả các pháp đều không thật. Trước không sau không, thì khoảng giữa là tạm bợ không thật. Không thật mà ngở là thật thì gọi là gì? Vậy thì tất cả chúng ta đều là người mê muội, phải không. Mà mình mê muội chỉ Phật biết thôi, chớ mình có biết không? Mình không biết mình mê đâu, ai nói mình mê cái cải om sòm liền. Vì thấy mình còn khôn quá, mình biết cái này cái nọ, đâu có ngở mình mê. Lẽ thật mà mình không biết thì tức là mê. Lẽ thật đó kiểm tra lại thì thấy rõ như ban ngày. Con người như chúng ta, ai cũng trước không rồi sau cũng không, vật trước không sau cũng không. Tất cả thế gian này cái gì có trước mắt thì trước không sau cũng không, như vậy có một vật nào thật đâu. Cho nên ngài mới nói, Liễu liễu kiến vô nhất vật, là rõ ràng không thấy có một vật thật. Thấy không một vật thật thì đây:       

Diệc vô nhân diệc vô Phật. Là cũng không người cũng không Phật  luôn nữa. Nghe có buồn không. Người tu Phật mà nói không người không Phật. Ai ngồi đây mà không người, ai ngồi trên kia mà không Phật. Phật ngồi trên bàn, mình ngồi dưới này, mà nói không người không Phật. Như vậy, không nghĩa là trước khi duyên hợp chúng ta là không, rồi duyên hợp tạm có, rồi trở về không. Trước không, sau không tức là không.

Rồi Phật là một từ đối với chúng sanh, chúng sanh là mê, Phật là giác. Chúng ta mê nên mơi có chúng sanh, Phật là giác nên có giác. Nếu chúng ta mê bây giờ chúng ta giác, Phật mê rồi Phật giác, tất cả giác hết thì có Phật, có chúng sanh không? Nếu tất cả giác hết thì anh em hết, không còn Phật chúng sanh gì nữa, thì cũng không người không Phật. Nghĩa là tại có mê nên mới có giác, mới có người có Phật. Nếu mà chúng ta đều hết mê thôi lúc đó hết người hết Phật, bởi vì đâu còn phàm mà có Thánh, thì như nhau hết thì thôi bình đẳng. Như vậy cho nên cũng không người cũng không Phật.            

Đại thiên sa giới hải trung âu, là cả thế giới đại thiên này cũng như bọt trong biển cả vậy. Nghĩa là sóng gió nó thổi tụ lại thành bọt, rồi cũng sóng đập cho nó nát bọt ra, tan ra. Tụ tán, tụ tán không có gì là thật hết. Như vậy thì quí vị mới thấy chúng ta hiện tại trên cõi đời này mà gần nhất, còn xa nhất thì chúng ta thấy tổ tiên của chúng ta ngở rằng cái thế giới mình là có một đấng nào đó không biết có hình tướng hay không tạo nên, gọi đó ông tạo hóa. Ông tạo, ông hóa ra là thế giới, là con người lung tung. Nhưng khoa học ngày nay phân tích thì thấy rằng thế giới này nó là duyên hợp, từ những hạt bụi đùn lại rồi tụ lại thành nhóm nhỏ, rồi thành lớn, rồi cho tới thành thế giới, chớ nó không phải là ai tạo. Con người mình cũng duyên hợp, không có phải là một cái gì hay đấng nào nặn ra hết, từ duyên hợp mà thành, duyên hợp mà có thì nghe mình còn dễ hiểu.

Nhưng với con mắt người giác ngộ rồi cả cái đại thiên sa giới này, trong cõi đại thiên nhiều như cát bụi mà xem như hòn bọt nổi vậy. Bây giờ nói cách khác bao nhiêu tinh tú trên cõi hư không đó, bao nhiêu cái đó như số cát sông Hằng, đó cũng là như hạt bọt trong biển vậy thôi, không có giá trị gì hết, thì nói như vậy dễ hiểu không? Cái nhìn của người giác ngộ thấy bao xa? Ngày nay mình đã phục các nhà thiên văn thấy được bao nhiêu thế giới hay bao nhiêu hành tinh trong hư không, mình thấy mình cũng phục. Nhưng hồi xưa Phật nói bao nhiêu hành tinh đó không nghĩa lý gì hết, nó là vô số không thể tính kể hết được.

Nên đây nói : Đại thiên sa giới hải trung âu tức là thế giới nhiều như đại thiên hay số thế giới đại thiên nó như hằng sa như cát như bụi mà nó vẫn là hạt bọt trong biển.

Nhất thiết Thánh Hiền như điện phất. Tất cả thánh hiền như điện chớp vậy thôi. Bởi vì chúng ta lâu nay có cái hiểu phàm thì nó bị tiêu diệt bị mất, còn Thánh thì còn hoài,  tức Thánh thì còn phàm thì mất. Nhưng trong nhà Phật nói mọi pháp ở thế gian đều đối đải, bởi có phàm nên có Thánh, mê thì phàm giác thì Thánh. Mà mê không thật thì giác có thật không? Còn gì đối đải mà thật. Cũng như bây giờ chúng ta có đêm thì có ngày, ngày thì sáng đêm thì tối. Như vậy có tối thì có sáng. Chừng nào hết đêm thì có ngày không ? Thì như nhau hoài đâu có nói đêm nói ngày. Như vậy khi nói sáng là vì có tối, nhưng tối không có thì sáng cũng không còn, cho nên tất cả Thánh hiền như điện chớp vậy thôi. Nghĩa là những từ ngữ tạm không thật, không phải là chỗ cứu kính, chỗ chân thật không cùng không tận.

   

CHÁNH VĂN :

Giả sử thiết luân đỉnh thượng triền,

Định huệ viên minh chung bất thất.

GIẢNG :

Giả sử thiết luân đỉnh thượng triền, Ngài nói giả sử như có một vòng sắt cháy đỏ mà quay trên đầu ngài.

Định huệ viên minh chung bất thất. Là định huệ vẫn tròn sáng không có mất.

Mình ngồi thiền đang yên yên con muỗi chích một cái mình rung rinh không? Còn ngài thì giả sử có vòng lữa quay trên đầu thì định huệ ngài cũng không có mất. Đó để thấy rằng người thấy đúng như thật thấy tột cùng lẽ thật rồi thì dù trời đất có nghiêng ngã gì gì cái thấy cũng như vậy thôi, chớ không có đổi dời.

Còn mình bây giờ có khi cũng bắt chước các bậc thánh hiền quán thân không thật. Ngồi một mình quán thấy nó không thật, từ lỗ mũi tới dưới chân rồi xương xóc da thịt không gì thật hết, thì thấy như vậy đó. Nhưng ai lại véo một cái thì chừng đó thật liền, rồi la rồi đánh lại liền chớ không có tha. Đó là vì định lực của mình nó yếu quá đi, thấy đó chỉ là tạm thấy mờ mờ vậy đó chớ nó không có thấy rõ. Các ngài thấy nó rõ ràng không có gì thay đổi hết, cho nên giả sử một trường hợp kỳ đặc là bị một vòng quay trên đầu mà định huệ của ngài cũng không bị mất.

 

CHÁNH VĂN :

Nhật khả lãnh, nguyệt khả nhiệt,

Chúng ma bất năng hoại chân thuyết.

GIẢNG :

Ngài nói mặt trời có thể lạnh, mặt trăng có thể nóng mà các chúng ma không thể nào phá hoại thuyết chân thật này được. Cái thuyết chân thật mà Phật, Tổ đã nhận đã thấy thì không có thể con ma nào, hay ngoại đạo nào mà có thể họai được. Dù mặt trời có thể lạnh, mặt trăng có thể nóng nhưng mà ma không thể phá hoại được chân thuyết này.

Đó là một cái xác định không nghi ngờ, ai mà thấu suốt được, ai mà tu đến đây rồi thì mới thấy cái đó là cái bất khả xâm phạm, không cái gì hoại diệt được hết.

 

CHÁNH VĂN :

Tượng giá tranh vanh mạn tiến đồ,

Thùy kiến đường lang năng cự triệt?

GIẢNG :

Tượng giá là chiếc xe con voi, tranh vanh là đang tiến lên trên con đường ngược.

Tượng giá tranh vanh mạn tiến đồ, là chiếc xe đang lên dốc, đang bò lên dốc.

Thùy kiến đường lang năng cự triệt? Là ai mà thấy được con bọ ngựa ra chận đứng được.

Xe đang chạy lên đường dốc, có con bọ ngựa bò qua chận bánh xe khỏi chạy lên được không? Hay  ở trên đổ xuống thì con bọ ngựa nó chận cho ở trên khỏi xuống được không? Đó để nói rằng lẽ thật là một sức mạnh như chiếc xe đang chạy, mà các cái gì, tà thuyết ngoại đạo muốn ngăn trở nó thì giống con bọ ngựa mà ra chận bánh xe vậy đó, không làm gì, không ngăn trở được chút nào.

 

CHÁNH VĂN :

Đại tượng bất du ư thố kính,

Đại ngộ bất câu ư tiểu tiết.

Mạc tương quản kiến báng thương thương,

Vị liễu, ngô kim vị quân thuyết.

GIẢNG :

Đại tượng bất du ư thố kính, là con voi lớn thì không đi theo dấu thỏ. Con voi lớn thì đi theo đường của voi đi, chớ không đi theo đường mòn của thỏ được.

Đại ngộ bất câu ư tiểu tiết. Người nào đại ngộ rồi thì họ không chấp những chi tiết nhỏ nhặt. Những chi tiết nhỏ nhặt đối với người đại ngộ người ta không cố chấp.

Mạc tương quản kiến báng thương thương, chớ đem cái nhìn nhỏ như lấy cái ống nhìn trời rồi nói trời nhỏ xíu, ông trời tròn quay hà. Đó đem cái ống nhìn trời rồi lại chê ông trời nhỏ hay hư không nhỏ.

Vị liễu, ngô kim vị quân thuyết. Tức là ai chưa hiểu thì tôi vì các người mà quyết nghi cho, mà giải quyết cho.

*   *

*

Như vậy tới đây là kết thúc bài Chứng Đạo Ca. Khi kết thúc tôi cũng nói thêm vài ý liên quan với bài Chứng Đạo Ca cho quí vị nghe thâm nhập.

Bài Chứng Đạo Ca này là bài ca khi ngài Huyền Giác ngộ đạo. Khi ngài Huyền Giác ngộ đạo rồi thì ngài nhìn lại tất cả sự việc trên thế gian này, nó ngược nó khác hết với người phàm tục. Cho nên cái nhìn của ngài thấy đúng như thật, mà ngược với cái nhìn của thế gian nên ngài e người thế gian không hiểu. Không hiểu rồi cứ lầm đi trên con đường mê lầm mãi mãi. Nên ngài mới đem ra giải thích đầy đủ cho chúng ta nghe, chúng ta hiểu, để cùng đi trên con đường chứng đạo đó.

Người muốn nói cho chúng ta hiểu, nhưng cái hiểu ngài và cái biết của chúng ta gần hay xa? Cách nhau chừng bao nhiêu? Thật là muôn dậm. Nói thì nói vậy nhưng nó không có xa. Quí vị đừng có mặc cảm mình mê ngài ngộ mà xa.

Cái mê là gì? Ngộ là gì? Như nảy giờ tôi nói, cái giả mà mình ngở là thật là mê; cái giả biết quả thật nó là giả thì đó là mình ngộ. Từ cái giả tưởng là thật, chuyển qua cái giả biết là giả, thì khoảng cách chừng bao xa? Dễ như trở bàn tay. Bây giờ giả sử tôi đang nghĩ thân tôi là quí, rồi có một vị nào đó giải thích thân tôi nó tầm thường, nó ô uế đủ thứ hết, cái giựt mình tôi tỉnh à như vậy thân quá là tầm thường, nó nhơ nhớp. Từ cái quí chuyển qua cái biết nhơ nhớp cách bao xa? Chỉ là cái chuyển đổi thôi. Cho nên mê và giác không phải là chuyện như là đi đường mấy ngàn cây số, nó không phải từ từ, mà nó là cái chuyển mê thành ngộ.

Như vậy tất cả quí vị, ai ai muốn chuyển mê thành ngộ có cái gì trở ngại không? Có luật nào cấm không được chuyển mê thành ngộ không? Nếu chuyển vậy có ở tù không? Vậy thì đâu có gì trở ngại, mình chuyển thì đổi cái nhìn của mình thôi.

Thí dụ như lâu nay, quí vị nghe người ta nói nặng một câu, thì quí vị nổi sân lên nói đó là khinh miệt mình nói xấu mình, rồi cự lộn với họ. Bây giờ người ta nói nặng một câu, mình cười vì mình không thật câu nói thật sao? Như vậy biết mình không thật thì câu nói nặng của người ta đâu có thật, mà hai cái không thật thì có giận có hờn gì không?

Như vậy, thấy mình thật thì tất cả chung quanh đều thật, nên được thật, mất thật, hơn thật, thua thật, cái gì cũng thật hết. Vì vậy cả ngày cứ quay trong cái thật đó, rồi khổ não. Tới giờ phút chót sắp tắt thở chừng đó biết thật không? Những cái thật đó mình có mang theo được không? Không đem được cái gì hết, như vậy tất cả cái thật đó thành giả. Thân giả rồi thì mọi cái đều là giả. Mà tới giờ đó biết giả có muộn chưa? Muộn quá rồi trở tay không kịp, tạo bao nhiêu thứ nghiệp rồi. Cho nên bây giờ còn sống, còn tỉnh, giả mình biết giả, để rồi khi biết giả rồi mình có tu, biết tu.

Còn bây giờ biết thật, thí dụ như quí vị tập tu, nói bây giờ tôi tập tu nhẫn nhục, ráng tu hạnh nhẫn nhục cho khá để mình bớt sân. Nhưng bây giờ có người nào mắng quí vị, khi họ mắng mình thì ráng nhịn. Nhưng bửa nay mắng nhịn nổi ráng, rồi mai mắng nữa cũng ráng nhịn, rồi mốt cũng mắng nữa nhịn hết nổi, bung. Nhịn hai lần thôi, hai ngày đủ rồi, tới ngày thứ ba cái nổi nóng lên cự lại. Tại sao vậy? Bởi vì mình thấy mình đè, mình nén nó xuống, cho nên nó khó, nó khổ lắm, cho nên chịu hết nổi. Còn bây giờ quí vị đã thấy mình giả, lời nói giả, thì mắng một trăm ngày cũng cười thôi, không đè chút nào hết.

Hai cái đó cũng là nhẫn nhục hết mà quí vị thấy cái nào dễ, cái nào khó? Nếu thấy thật khó vô cùng, cho nên nhiều người than tu khó quá. Cái gì cũng khó hết tại vì thấy thân mình thật, thật như vàng vậy quí lắm, cho nên động tới khó. Còn mình biết thân này là giả, là tạm bợ, ngày nay còn, ngày mai mất không bảo đảm. Biết rõ như vậy thì mọi việc thế gian cười thôi, có gì đâu mà khổ. Thấy đúng như thật thì mình tu hết sức dễ. Còn thấy sai lầm thì cái khổ của mình vô cùng, tu hết sức khó.

Quí vị nói tu khó quá, ngược lại tôi nói tu dễ, thì quí vị nói tại thầy ở chùa, tụi con ở ngoài đời. Thật ra ở chùa, ở đời gì thấy nó giả cũng dễ hết trơn. Còn ở chùa mà thấy thật cũng khó như thường. Cho nên nhiều thầy, nhiều cô ở chùa cũng quạo như thường, chớ đâu có hết, bị thấy nó thật. Còn thấy giả thì chỗ nào tu cũng dễ hết, cư sĩ tu cũng hay mà xuất gia tu cũng giỏi. Còn thấy nó thật thì ai tu cũng dỡ hết, chớ không giỏi được.

Tôi lập lại một lần nữa, cái thấy thật và cái thấy giả, quí vị xác nhận cái nào là đúng sự thật muôn đời? Thấy thân giả là sự thật muôn đời, còn thấy thật thì tạm bợ có ít chục năm hà, rồi nó bại hoại thì nó giả mất rồi. Cái thật muôn đời là chân lý, còn cái thật tạm bợ là cái thật sai lầm. Như vậy thì tại sao chúng ta không chịu thấy đúng chân lý, mà lại chịu thấy theo sự sai lầm? Từ thấy sai lầm đó chúng ta ngở rằng, chúng ta hay, chúng ta tốt, chúng ta khôn, đủ thứ ngở. Ngở như vậy cho nên đi ra mà ai nói động tới một cái, thì nổi nổi si lên mà rồi phiển não đầy dẫy.

Đó là tại vì chúng ta lầm một cái gốc là con người giả tưởng là thật, rồi mọi cái khác lầm theo, lầm luôn cả chùm. Cho nên, một khi mê tất cả đều mê. Bây giờ quí vị giác được thân này giả là một cái gốc rồi thì mọi việc chung quanh này đều giả hết, như vậy sự tu hành dễ như trở bàn tay.

Nhưng nói giả thì quí vị nói thân này giả rồi bi quan không muốn làm gì hết rồi sao, cơm đâu mà ăn? Nói giả là nói bằng cái thấy đúng như thật, còn trong cuộc sống giả này phải lăn lộn với mọi người, làm mà làm trong cái tạm bợ hư giả không cố chấp thì đó là người khéo tu. Cho nên Phật thấy giả mà Phật cũng đi giáo hóa bốn mươi chín năm, chớ đâu phải nói giả rồi Ngài ngồi một chỗ nhập Niết bàn liền, để trốn cái giả. Nghĩa là giả mà lăn lộn trong đó làm bổn phận của mình tròn, để rồi mình đánh thức mọi người, đó là cái giả mình thấy hữu ích cho chúng sanh. Chớ còn không phải thấy giả rồi đi trốn đi chạy ở đâu.

Nhiều khi chúng ta có những cái lầm lớn. Có người nói nếu thấy thân này giả rồi thì thôi ngồi chơi chờ nó chết cho rồi, tiêu cực hết muốn làm gì nữa. Đó là hiểu lầm. Chúng ta thấy nó giả thì mượn cái giả này làm lợi ích cho nhiều người thì đó là quí. Mình thấy giả mà thiên hạ chưa thấy, nên mình phải ráng đem cái giả này giúp ích cho mọi người. Mình thấy giả nên cái gì lợi ích cho chúng sanh mình dám hy sinh, mình không có sợ. Còn người ta thấy thật, cho nên có nhiều khi lợi ích cho người có khi không dám làm, nếu có làm bị bắt buộc lắm mới làm, chớ còn cái hy sinh tự mình không có.

Hiểu như vậy thì người tu, như trong này chứng đạo thì thấy tất cả pháp như huyễn như hóa không thật, mà nó không thật thì có cái gì mà bận lòng, có cái gì mà mình phải say sưa dính mắc. Như vậy cho nên tâm mình buông xả dễ dàng không trở ngại. Từ thấy đúng nên tu rất là thực tế, rất là dễ dàng chớ không có khó khăn gì hết. Đó là tôi nói cái ý cho quí vị thấy.

Còn nói thật, tôi nhắc cho quí vị nhớ thân chúng ta, quí vị thấy phần xác thịt này là thật hay giả? Ngượng nói giả, vì mới nghe giảng nói thật nghe không được, ráng nói giả, chớ ra khỏi chùa chắc nó thật hết. Thân này là duyên hợp tụ tán không bảo đảm, cho nên nay còn mai mất không lường, mà cái như vậy làm sao nói thật được. Cái giả là cái thân, rồi mình biết cái giả là cái thân này mà người đời tưởng là thật, rồi tranh giành hơn thua phải quấy được mất rồi nó khổ, khổ với nhau. Mình biết thân này là giả thì mọi cái gì mình cũng không đuổi theo, mình cũng không còn muốn được đầy đủ.

Kế đó, tâm suy nghĩ phải quấy của quí vị thật hay giả? Giả luôn nữa. Như vậy cái thân giả, cái tâm phân biệt hơn thua phải quấy cũng giả. Bây giờ thế gian đang sống với cái nào? Bám vào hai cái giả đó làm mình, mình tinh thần, mình thể xác. Thể xác là thân, tinh tần là tâm phân biệt hơn thua phải quấy, mà hai cái đó đều giả hết. Hai cái giả hết thì mình còn cái gì? Tưởng như cả thân, cả tâm đều là giả dối tạm bợ, chợt còn chợt mất. Nhưng sự thực trong cái giả nó còn hàm chứa một cái thật, mà cái thật đó hiện tiền không có lúc nào trốn tránh chúng ta hết. Nó hiện tiền mà chúng ta không chịu nhớ, cứ nhớ cái giả thôi. Bởi vậy nên Phật thương tội nghiệp chúng sanh làm sao, cái thật quí sẳn đó mà bỏ, rồi đuổi theo cái tạm bợ giả dối, rồi say sưa trong đó, rồi trầm luân sanh tử đời này kiếp nọ không có ngày cùng.

Cho nên Phật mới chỉ cho chúng ta cái thật. Cái thật làm sao có, làm sao biết? Quí vị thử, cái gì là thật? Bây giờ tôi định nghĩa, cái gì duyên hợp có hình tướng thì vô thường là sanh diệt, đó là giả. Cái gì không có hình tướng thì không bị vô thường. Như  cây cối nhà cửa thì vô thường. Còn hư không có vô thường không? Nó không hình tướng, không bị vô thường. Còn cái gì động thì có động có dừng, tức có sanh diệt. Cái gì không động thì có sanh diệt không? Không.

Như vậy thân này là duyên hợp, là vô thường. Vì thân có tướng nên bị vô thường. Còn cái nghĩ suy của mình, nó có động không? Dấy niệm, lặng niệm là động, động tức là sanh diệt. Mà nó lại là cái bóng nữa, mình tìm lại thì nó mất. Cả ngày mình lại chạy theo cái bóng đó, chạy theo cái thể xác tạm bợ này mà mình sống, còn có cái thật tàng ẩn trong đó mà mình bỏ quên. Như vậy quí vị nghĩ nếu ai chỉ cái thật đó cho quí vị, quí vị có mừng không? Rồi có muốn sống được cái thật hay không? Bây giờ tôi chỉ quí vị chịu sống không? Muốn hén. Hứa với tôi là muốn hén, chịu. Bây giờ tôi chỉ.

Khi quí vị khởi nghĩ thì đó là động. Cái nghĩ đó qua rồi hết. Khởi nghĩ là biết. Bây giờ, quí vị không khởi nghĩ, không dấy niệm. Một phút, hai phút, tới mười phút đều không nghĩ, không dấy niệm, lúc đó quí vị có biết không? Có. Ai biết mình không nghĩ? Như vậy có một cái biết hẳn trong này, biết được mình mà biết được sự vật nữa. Tiếng động thì nghe, người đi thì thấy, mọi cái mình đều biết, mà không có nghĩ. Như vậy cái biết đó là cái biết hằng hữu, còn cái biết dấy niệm là cái biết sanh diệt. Cái biết hằng hữu mà không hình tướng không động thì cái đó có vô thường được không? Có sanh diệt được không? Đó là cái biết thật của mình. Vậy mà chúng ta muôn đời cứ theo cái biết giả thôi. Giờ biết có cái thật chưa? Biết không? Biết nhẹ nhẹ, biết mà chưa dám nhận.

Bởi vậy nên Đức Phật dùng thí dụ chàng Diễn Nhã Đạt Đa đó. Sáng lại lấy gương soi, nhìn vô gương thấy mặt mình coi bộ đẹp trai quá, chải đầu đồ. Một hồi úp gương xuống, hoảng mất đầu tôi rồi. Ôm đầu chạy la mất đầu. Như vậy mất đầu hay là mất cái bóng trong gương? Mất là mất cái bóng, còn cái đầu mình sẳn đây. Đó, Phật cũng nói, tâm mình khi nghĩ suy lăng xăng lộn xộn, nếu nó yên được dừng lại thì nói tôi không có gì hết, không biết gì hết, không biết mà nói tôi không biết. Nghĩa là không nghĩ suy là không có cái bóng, còn cái biết nó hiện tiền. Vậy đó mà quên cái biết hiện tiền.

Ngồi chơi năm phút, mười phút không có một niệm, không có một ý nghĩ, nói bây giờ tôi không biết gì hết. Nói không biết gì hết, không biết gì hết sao biết giờ đó không có nghĩ, không có suy. Như vậy chúng ta có một cái biệt thực ngầm ở trong mà lúc nào cũng sẳn, mà mình lại quên cái biết đó, cứ chạy theo cái biết bóng thôi.

Do đó mà Phật bắt mình tu thiền là dừng cái chạy theo cái bóng. Nghĩ tốt, nghĩ xấu, nghĩ hơn, nghĩ thua mình phải dừng, phải bỏ, để rồi cái đó dừng thì cái biết kia nó đầy đủ hiện ra. Cái giả, cái vọng nó lặng thì cái thật nó hiện tiền.

Như mặt biển khi sóng lặng thì lúc đó chúng ta thấy một mặt biển phẳng. Khi sóng nổi lên, mặt biển có không? Mặt biển cũng vẫn có, nhưng mà nó không phẳng thôi. Như vậy khi chúng ta dấy niệm trong đó có cái thật đầy đủ rồi, mà dừng niệm thì nó phẳng, nó hiện đủ, còn không dừng niệm thì cái mênh mông cũng không thiếu. Thí dụ như dấy niệm lo nghĩ nhưng mà tai cũng vẫn nghe, mắt cũng vẫn thấy. Lo nghĩ chuyện khác mà tai vẫn nghe, mắt vẫn thấy thì đâu phải là không có mình.

Quí vị nhớ, hồi xưa các vị Tổ ở Trung Hoa, các ngài ai tới hỏi một câu. Khi một câu hỏi vừa khởi lên thì như Tổ Lâm Tế liền nạt, hét lên một tiếng. Người ta nói lạ như là điên vậy, các thiền sư như điên. Hỏi thế nào là Phật, hét lên một tiếng. Ngạc nhiên quá. Nhưng có gì lạ đâu, vừa khởi nghĩ hỏi thì đó đã mất Phật rồi, cho nên hét lên một tiếng. Nếu ngài trả lời thì mình chạy theo dòng tư tưởng sanh diệt rồi, cho nên hét một tiếng dừng cái nghĩ ông thì Phật liền. Nghĩa là không cho nghĩ, dừng được cái nghĩ thì thấy Phật. Mà mình không chịu dừng cái nghĩ, kiếm nữa, kiếm thêm không hà. Cho nên các ngài vì thấy mình quá ham tìm hiểu, mà càng tìm hiểu thì càng đi trong sanh diệt. Cho nên các ngài chận đứng cái hiểu của mình, có khi nạt có khi đánh đủ thứ hết, để mình giựt mình dừng cái nghĩ lại, chớ có gì lạ đâu. Hiểu như vậy thì mới thấy cái thuật của các ngài rất là kỳ đặc.

Ngày nay rất tiếc là, nếu hỏi thế nào Phật, tôi nạt một tiếng chắc họ đứng dậy đi ra mà còn cải lộn với tôi nữa, cái ông thầy điên. Vì vậy mà bây giờ phải giải thích, phải giảng đi giảng lại cho quí vị nhận mình có cái không nghĩ suy. Đừng ngở rằng cái nghĩ suy đó mới là khôn, chính cái không nghĩ suy mới là tuyệt diệu. Cho nên chữ “Chân không” ở đây tôi đặt đó, Thiền viện Chân Không, nếu chân không thì diệu hữu. Cái chân thật nó không có một niệm nào dấy khởi, thì chừng đó diệu hữu như hằng sa.

Tại sao khi Phật mà Ngài an định được rồi, tâm Ngài lặng hết rồi thì Ngài liền chứng được Tam minh, Lục thông, Tứ vô sở uý, Thập bát bất động, đủ thứ hết. Như vậy phải diệu hữu hay không? Mà được diệu hữu phải đi tới từ cái chân không. Quí Phật tử đang ngồi ở Chân Không mà có không không? Ngồi trong thiền viện Chân Không mà hữu, vì vậy cho nên chưa có cái không.

Không đây là không những niệm vọng tưởng, không những cái tưởng nghĩ suy gì hết, chỉ còn một cái biết hiện tiền. Nên khi nghe pháp quí vị lắng nghe không nghĩ suy, lắng nghe không nghĩ suy đó là cái thực nghe của mình rồi. Cái thực nghe đó nó đã có sẳn, không phải tới cái nghĩ suy mới hiểu. Nghe thì tự thấy tự biết, vì vậy mà chúng ta ở tai, ở mắt, ở mũi, ở lưỡi, ở thân, chỗ nào cũng có cái chân thật.

Bởi vậy ngài Triệu Châu đơn giản, ai tới hỏi ông mới tới, đi uống trà đi. Ông mới tới lần đầu thì mời uống trà đi. Người khác mới tới uống trà đi. Ngay uống trà biết bưng ly trà, biết uống trà thì đó là đạo rồi, cần gì nói. Nghe nói uống trà đi kỳ quá, thì tưởng đâu như chuyện đùa, mà thực uống trà là uống trà thì được. Cho nên ngày xưa các thiền sư khuya hay ngồi uống trà, hay bên Nhật bày ra trà đạo đó. Đó là như vậy. Nghĩa là làm có động tác, có thấm vào hương vị, mà chỉ trong ngằn đó, không nghĩ suy gì hết thì đạo hiện tiền.

Như vậy quí vị thấy tu dễ hay khó? Uống trà đi chuyện dễ như trở bàn tay, mời uống trà có gì đâu mà khó. Vậy đó mà chúng ta hiểu rồi thì tất cả trường hợp nào, chúng ta cũng có cái chân thật.

Như vậy tôi nhắc lại, nếu có người trong túi sẳn một hòn ngọc quí vô giá, mà họ bị say sưa họ quên. Ai chỉ được cho họ biết rằng có hòn ngọc quí đó, họ lấy ra họ xài thì đó là người tỉnh. Nếu chỉ rằng trong túi có hòn ngọc quí, mà họ cứ say sưa hoài, họ không chịu lấy ra xài thì người đó là người gì? Người mê suốt đời. Người đó đáng thương hay đáng trách? Lý đáng không chỉ thì họ có họ không biết đáng thương. Chỉ mà không chịu lấy ra thì đáng thương hay đáng trách? Đáng trách. Tôi nói như vậy thì quí vị thầm hiểu. Chúng ta đều có của báu như vậy, chỉ đi chỉ lại mà không chịu lấy ra xài, thì đó là đáng trách rồi đó. Chớ chi mà không chỉ thì thôi, tại vì người ta không biết. Cho nên chỉ biết rồi mà không chịu lấy ra xài, thì đáng trách.

Chúng tôi giảng cuốn Chứng Đạo Ca này, nếu quí vị nghe từ đầu tới cuối thì chắc ai cũng biết mình có cái chân thật hết. Quí vị biết có hay không? Biết. Biết có chân thật mà chịu trở về chân thật hay đuổi theo cái mê lầm? Nếu biết mà vẫn đuổi theo mê lầm, thì nếu tôi giảng thêm mười năm nữa chắc cũng chừng ấy thôi. Hồi xưa không biết thì chỉ. Chỉ mà không chịu nhận thì thôi giảng hoài cũng chừng ấy, nên tới đây tôi nghĩ có vừa chưa? Chỉ cho quí vị biết rồi thì quí vị khéo tỉnh rồi xoay lại lấy mà dùng, còn không chịu tỉnh thì tôi cũng bó tay, nói hoài cũng không làm lợi ích cho ai.

Vì vậy mà hôm nay, tôi giảng xong bài Chứng Đạo Ca này, tôi mong mỏi tất cả quí tăng ni, Phật tử xét cho thật kỹ, nghĩ cho chính chắn. Mình có cái thật thì phải cố gắng quay lại, không được trọn trăm phần trăm thì năm mười. Rồi tăng từ từ để rồi một ngày nào đó tất cả chúng ta đều là những người tỉnh giác, chớ không phải là những kẻ mê lầm như thuở nào không biết. Được như vậy là quí vị khéo tiến trên con đường tu, thì cái công nhắc nhở của chúng tôi nó mới có giá trị. Nếu quí vị nghe rồi thả trôi, bệnh nào tật nấy không bỏ, thì chắc rằng tôi nói cũng chỉ là gió qua tai, không ích lợi gì.

Vậy mong tất cả quí vị thương tôi, quí tôi thì phải nhớ lời tôi nhắc để mà ráng tu. Cái đó là cái chân thật, chớ không phải là những lời huyễn hoặc mà chúng ta coi thường. Nhớ được như vậy, tu được như vậy thì chúng ta sẽ gặp nhau đời này và nhiều đời về sau nữa. Đó là chỗ mong của chúng tôi, mà chúng tôi cũng nghe nhiều Phật tử nguyện đời sau cũng gặp lại chúng tôi. Nhưng mà người thì đang đi trên con đường giác, người thì tuột xuống lối mê làm sao gặp cho được. Giờ thì tôi đi được mười bước, quí vị cũng phải tập bước một hai bước, như vậy thì mới gặp được.

Như vậy mong tất cả quí vị ai ai cũng thương mình cũng biết trở về với cái chân thật thì như vậy con đường đạo lý càng ngày càng sáng tỏ hơn. Như vậy thì chúng ta sống trong cõi đời trần tục mà chúng ta hằng có ngọn đuốc trí tuệ không có mê lầm. Đó là chỗ mong ước mà chúng tôi trông chờ ở tất cả quí vị. Thôi đến đây chấm dứt./.

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 70570
  • Online: 15