Chúng ta sợ gì nhất

24/06/2016 | Lượt xem: 4635

I. ĐIỀU SỢ HÃI NHẤT CỦA CON NGƯỜI:

Trong đời, ai trong chúng ta cũng đều có những nổi sợ nhất định. Kinh hoàng rõ rệt có; phân vân, miên man không rõ ràng cũng có. Rất nhiều. Nhưng do đâu khiến chúng ta phải sợ? Chúng ta sợ điều gì nhất?

Thứ nhất là sự sợ cô độc. Nếu có người phiền mình, cô lập mình hoặc nhốt mình trong một ngôi thất trong rừng vắng, cắt hết điện thoại, ti vi, không cho nói chuyện. Quý vị có sợ không? Rõ ràng đã vào chùa rồi mà còn không yên lặng được, cứ nói xôn xao, chứng tỏ mình không chịu được cô độc rồi đó.


Thứ hai, chúng ta sợ hiểu nhầm, oan ức. Nếu nghe ai bàn nói xầm xì gì đó mà có tên mình là đứng lại lắng nghe xem họ nói gì. Như vậy có nghĩa là sợ họ hiểu lầm, vu oan mình, nói chuyện thị phi về mình.

Thứ ba, chúng ta sợ tuyệt vọng. Làm ăn không ra, hạnh phúc không trọn, mọi người chê bai, không còn đường chạy nữa, mà bản thân mình thì yếu ớt, bất lực, không sống nổi, gọi là tuyệt vọng.

Đó là ba nỗi sợ khá lớn đối với con người. Vào chùa quý vị biết thêm một vài nỗi sợ nữa là sợ chết, sợ tâm loạn động không được thanh tịnh, sợ không gặp chánh pháp, sợ lúc già nằm bệnh dây dưa mà không chết… Và trần gian còn nhiều nỗi sợ khác nữa, nhưng chỉ nêu chừng đó cũng đủ đại diện rồi.

II. NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ SỢ HÃI:

Tất cả những thứ sợ hãi như cô độc, hiểu nhầm, tuyệt vọng, nằm trên giường bệnh sắp chết… nếu đối với một người đã chết rồi, không còn biết gì nữa thì họ có sợ không? Với một thân xác đã chết bất động, không còn biết gì cho nên không biết sợ. Nhưng chúng ta có hiểu biết, có nhận định cho nên biết sợ. Nhận hiểu là có ý thức, có hình dạng bóng dáng trong đầu mình. Có nghĩa là tất cả những thứ chúng ta sợ hãi đó là bóng dáng trong đầu, do mình nhận hiểu về nó cho nên có ra. Nó là bóng dáng của tâm.

Khi bị cô độc và mình sợ, đó là do chúng ta suy nghĩ về cô độc. Còn nếu quý vị lặng tâm, trí sáng và không thèm nghĩ đến thì còn sợ không? Cô độc là bóng dáng của tâm, nghĩa là khi mình nhận hiểu, nghĩ biết về nó cho nên nó có tướng của cô độc và làm cho chúng ta sợ.

Hiểu lầm cũng vậy. Ví dụ có người xì xầm về mình, nhưng chúng ta không thèm để ý thì còn có gì phải sợ! Tuyệt vọng cũng không khác. Tất cả mọi thứ dồn vào đường cùng, nhưng nếu chúng ta không thèm khởi tâm, không thèm để ý thì không có tướng của tâm. Mà tướng của tâm không có thì làm gì có sự sợ hãi!

Nằm bệnh gần chết cũng thế, nếu một người tu hành đạt đến an định, an nhiên, tâm không còn dấy khởi, không có bóng dáng của tâm thì còn sợ không? Chúng ta suy nghĩ đủ thứ nên có tướng, có bóng dáng của tâm cho nên chúng ta mới sợ.

Tóm lại, tất cả mọi nỗi sợ hãi của con người đều không ra ngoài nỗi sợ bóng dáng của tâm. Do mình nghĩ tưởng cho nên nó hiện tướng lên trong đầu, rồi chính nó lại làm cho mình sợ ngược lại cái mà mình nghĩ tưởng ra. Như vậy là mình tự làm cho mình sợ, mình tự sợ điều trong đầu mình nghĩ ngợi, mình tự sợ mình.

Nếu người đã làm chủ được tâm mình thì không còn gì đáng để lo sợ nữa. Cho nên, những nỗi sợ hãi đó không đáng sợ, mà điều đáng sợ nhất là chính mình. Mình sợ chính bản thân mình không làm chủ được những thứ đó. Không có nỗi lo sợ nào rời ngoài sự suy nghĩ của mình, ngoài bóng dáng của tâm mình. Nếu không nhận biết cho thật rõ ràng thì chúng ta sẽ cứ ôm mãi nỗi sợ không đáng có trong lòng như vậy. Từ bóng dáng trong đầu của mình khởi lên làm cho mình sợ, là mình tự sợ mình. Rồi từ nỗi sợ đó nó tô vẽ thêm lên khiến cho mình bị hốt hoảng, bàng hoàng, rùng rợn và uy hiếp, áp đảo lại mình. Chúng ta càng sợ hãi thì lại càng bị yếu dần đi. Khi yếu thì lại càng sợ hơn nữa, nỗi khổ con người từ đó mà ra. Phải xác định rằng, nếu còn sợ như thế thì chúng ta không giải quyết được gì cho cuộc đời của mình; đó là tự mình đánh bại chính mình. Mới thấy, cái làm cho con người ta hoảng sợ và cũng là nỗi sợ lớn nhất của con người, đó là niệm tưởng, là bóng dáng của tâm mình.

III. BÓNG DÁNG TÂM CÓ HAI ĐẶC ĐIỂM LÀM CHO CHÚNG TA SỢ:

1. SỰ DẤY LÊN TRONG TÂM TƯỞNG CỦA MÌNH CÀNG NHIỀU THÌ CHÍNH MÌNH CÀNG BỊ YẾU ĐI:

Khi phải suy nghĩ quá nhiều thì đầu óc dễ căng thẳng. Đồng nghĩa, niệm khởi càng mạnh thì sẽ làm cho tâm mình càng bị yếu đi. Cho đến lúc nó dấy lên tột độ thì tự nhiên khiến cho chúng ta có cảm giác bị bất lực, tự run lên, không còn là mình nữa và bắt đầu sợ mọi thứ, dẫn đến yếu đuối, không lối thoát.

Ví dụ: Buổi sáng trước khi đi làm nhìn thấy một người không ưa. Bước ra cửa thấy người ta để mấy chiếc xe không được vừa lòng. Ra ngoài đường thấy xe lạng lách, giao thông tùm lum khiến mình khó chịu. Lên cơ quan, mới bước vô thì thấy mọi người bàn tán hiểu lầm mình. Cả ngày cứ gặp những việc không như ý, gặp toàn chuyện tào lao. Khi về nhà chúng ta có cảm thấy được thoải mái không? – Bị căng thẳng và thấy gì cũng không vừa ý. Do đâu mà bị như vậy?

Vì buổi sáng thấy người kia, mình vừa bực thì tâm động. Đó là có tướng, có bóng dáng của tâm. Gặp chiếc xe mình lại bực, lại là động thêm chút nữa… Gặp việc không vừa lòng thì sẵn sàng khó chịu, bực bội một cách tự do. Cứ thế làm cho tâm mình bị loạn động lên. Càng động thì tâm càng mỏi, càng yếu. Nếu cứ thế mà động riết cho đến chiều thì năng lực của tâm bị mất sạch, không còn nữa. Đó là chúng ta đã chấp nhận đầu hàng và thua mọi thứ. Hậu quả là về nhà người thân mình làm gì cũng không vừa lòng, có những sự việc không đến nỗi lớn lắm nhưng mình lại gây chuyện, giận cá chém thớt. Đây là nguyên nhân làm cho con người chúng ta bị ngã quỵ trước mọi thứ trên đời.

Cho thấy, bóng dáng dấy động của tâm này làm cho tâm trí thanh tịnh của mình bị yếu đi. Khi đó, chúng ta không còn làm chủ được mình nữa, từ đó gây ra bao nhiêu tai họa, lỗi lầm. Đó mới chỉ là một ngày thôi đã là tai hại như vậy. Nếu nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm… cả một đời như vậy thì thử nghĩ tâm trí của chúng ta sẽ bị hao mòn và yếu đi đến mức nào. Cho đến khi già rồi thì không còn một chút khí lực gì để có thể làm chủ được nữa. Cái gì cũng có thể làm cho mình bực bội, khó chịu được hết. Con cháu nói lỡ lời là bực lên và chửi liền. Khi chúng nó ở với mình thì làm gì mình cũng không vừa ý, cảm thấy bức bối, khó chịu, mệt mỏi. Nhưng nếu chúng nó bỏ đi chơi xa, không để ý đến thì lại buồn phiền, trông mong trong lòng mà không dám nói thật… rồi ở một mình cảm thấy trống trải và sợ chết. Nhưng khi con cháu về ầm ĩ, không vừa ý thì lại muộn phiền, có khi tệ hơn còn chửi rủa. Có mâu thuẫn không? Mình bị những nghĩ tưởng trong đầu làm cho căng thẳng, mất hết khí lực, mỏi mệt, trí không còn sáng suốt, không còn làm chủ được mình, dẫn đến tự mâu thuẫn với chính mình. Đôi lúc cũng không còn biết mình muốn cái gì nữa và tự chuốt lấy khổ sầu không đáng có. Do một tâm niệm khởi nghĩ ban đầu mà không biết dừng để tỉnh lại, để lấy lại chính mình mà đã để cho nó mặc sức tung hoành khiến cho chúng ta mất hết khí lực, để rồi bại hoại tâm trí và đưa đến tai họa là tự mình làm hại mình như vậy, thật là tội nghiệp cho chính mình! Đây là một thực trạng ở thế gian đang có và cũng thường có.

Lúc còn nhỏ tâm đã dấy động nhiều, thành niên lại sôi động tiếp, trung niên càng nhiều nữa, cho tới khi già thì quá nhiều cho nên nội lực không còn, sẽ phải bất lực thôi. Chúng ta sống với bóng dáng dấy động đó quá nhiều cho nên mình tự làm cho mình yếu đi rồi tự sợ, tự mâu thuẫn với chính mình. Mới thấy cái tâm dấy động này thật nguy hiểm, đáng sợ. Nó là kẻ thù ở trong nhà. Nếu không biết làm chủ nó thì mình lại phải đi sợ chính mình một cách vô lý như vậy.

2. KHI BÓNG DÁNG CỦA TÂM KHỞI LÊN MÀ CHÚNG TA HÀNH ĐỘNG THEO THÌ LẠI TẠO NGHIỆP VÀ CHỊU KHỔ:

Người dẫn lối đưa đường cho chúng ta đi vào trong đau khổ là bóng dáng của nội tâm. Nếu không nhận ra và biết cách điều phục thì nó chính là mối nguy hiểm, tai hại đáng sợ nhất.

Giả sử ai đó làm không vừa lòng khiến mình bực lên. Nếu không nhận biết để dừng lại thì trong đầu liền lên kế hoạch, âm mưu phải tìm mọi cách để trả thù, hại lại. Suy nghĩ đưa đến hành động ra tay hãm hại. Và kết quả là rắc rối đa chiều. Nếu nặng hơn thì có thể bị truy bắt vào tù.

Khi vừa dấy bực thì cái dấy bực ấy chỉ là một niệm tưởng thôi, nhưng nếu theo nó và hành động thì lại dẫn đến nhiều mối nguy hiểm khôn lường. Ngược lại, khi vừa dấy khởi bực người đó và muốn hại họ thì mình ngồi yên tĩnh lại, khoan vội nghĩ gì hết, khoan xử lý gì hết, có giận mấy cũng cứ bình thường, bỏ được thì bỏ, không bỏ được thì cứ kệ nó. Cho nó lên kế hoạch trong đầu thỏa mái mà đừng thực thi. Miệng đừng nói, thân đừng nhúc nhích, tay đừng máy động gì thì có vấn đề gì xảy ra không?

Sau một hồi tâm ta lắng lại, mọi thứ trở nên mát lành bình thường thì sẽ thấy cơn giận đó không cần thiết, nội lực mình đã đủ lớn để tha thứ cho người ta, thì có họa nào xảy ra? Tâm vừa dấy khởi lên mà chúng ta theo thì lại có vấn đề, thành tai họa. Nếu dừng lại không theo nó thì yên bình, không có vấn đề gì xảy ra. Xét xem, trên đời này có chuyện gì xảy ra không do bắt đầu từ một suy nghĩ mà có? Bóng dáng tâm chỉ là một niệm khởi, nhưng nó lại lợi hại vô cùng.

Khi ví dụ, giả thiết thì nghe có vẻ lý thuyết, nhỏ lắm. Nhưng nếu ngẫm lại câu chuyện thật của cuộc đời mình thì có cái gì từng làm cho mình kinh hãi hay thất vọng nhất mà không từ tâm khởi tưởng này có ra?

Tất cả mọi thứ đều do tâm mình khởi tạo mà có. Đây chính là đầu mối nguy hiểm. Bây giờ mình đang còn khỏe mạnh, có điều kiện thuận lợi, cộng thêm chút hiểu biết thì cái gì cũng lẫm liệt hết… Đến khi trăm tuổi nằm trên giường bệnh, không còn khí lực thì liệu mình có còn anh hùng nổi nữa không? Đến khi gần chết, mọi thứ trong cả cuộc đời mình, nào là anh hùng, đánh lộn, nào là thành công, thất bại, nào là tư duy gì đó... mọi thứ ùa về một lúc, mình thấy hết mà không có lực, lúc đó sẽ tự run, tự sợ. Đó là nỗi sợ của lúc gần chết, nỗi sợ của việc nằm trên giường bệnh mà không chết được. Nỗi sợ này không đơn giản nếu không muốn nói là kinh hoàng. Lúc ấy mà không có nội lực, còn sợ hãi thì những niệm tưởng đó đẩy đi đâu thì mình bị cuốn theo đó, chứ không có quyền cưỡng lại được. Giờ còn anh hùng, còn nói hay là vì mình còn sức khỏe, tiền bạc, còn đủ điều kiện thuận lợi, còn hào khí thì nói theo cái hào khí đó. Vì điều kiện có nên hào khí có. Mai kia tất cả mọi thứ trút hết, chỉ còn một tấm thân còm cỏi gần chết, tâm lại yếu đuối, hoảng loạn, khi đó tất cả mọi thứ hiện về đẩy đi đâu là mình phải theo đó. Mới biết, bóng dáng của tâm dấy lên đáng sợ là thế nào. Biết vậy, nếu muốn không sợ hãi thì phải giải quyết ngay cái tâm dấy tưởng đó từ bây giờ. Cùng là trạng thái đó, nhưng người biết tu thì không hề sợ. Do họ đã sớm biết làm chủ tâm này từ trước.

III. SỞ DĨ BÓNG DÁNG CỦA TÂM CÓ RA KHIẾN CHO MÌNH LO SỢ LÀ DO MÊ LẦM, DÍNH MẮC:

Cái tâm của mình rất đáng sợ là do loạn tưởng hướng vọng ra bên ngoài. Loạn tưởng có là do một thoáng mê mờ rồi dính mắc. Khéo thấy sâu hơn nữa thì không phải đợi đến khi tâm mình khởi ưa thích cái gì đó mới gọi là dính mắc. Trong cuộc sống, nếu chúng ta không khéo nhận biết để tu thì nó dính mắc trước khi mình khởi. Vậy làm sao chúng ta thấy ra và dừng được cái dính mắc từ sâu thẳm bên trong này. Việc này nghe ra là hơi khó, nhưng lại là điểm đặc biệt và cần thiết không thể bỏ qua.

Thông thường miệng thì nói buông mà lòng lại tự dính. Không phải là nói dối mà con người ta nếu không biết tu thì tự nó dính. Có khi mình nói buông đi, từ từ mình cũng buông, nhưng tâm mình đã tự dính từ hồi nào mình cũng không hề hay biết. Bên ngoài buông, bên trong lén lén dính. Rất vi tế!

Ví dụ khi đến chùa làm công quả hay chúng ta làm một việc công đức gì đó thì lòng mình cảm thấy vui. Ngay khi cảm nhận thấy là vui thì nó đã dính trước đó rồi. Không phải đợi đến khi khởi dính cảnh cho là đẹp hay xấu thì nó mới dính mà ở đây là lòng tự nó dính. Khi thất bại mình buồn, tức là đã dính; dính rồi mới buồn, tức là cái dính nó dính trước khi ta buồn, trước khi ta vui. Vui và buồn là hiệu ứng cho biết mình đã bị dính rồi. Muốn không dính thì phải biết cách tu tập chứ không phải chỉ nói suông đừng có dính là được. Như khi quý vị đói cả ngày không có cơm ăn, khát nước đến khô họng, đi ngang qua tiệm đồ nướng bay mùi ra, lòng tự dặn lòng không được dính mắc, nhưng miệng vẫn chảy nước miếng. Vậy là nó đã dính trước rồi.

Gạn lọc cho tận cùng để kiểm tra thì mới phát hện được. Nhiều lúc mình nói dễ dàng quá: “Không dính, có sao đâu; rảnh thì đi chùa, không thì đi nhậu, đâu có dính dáng gì đâu!”. Coi chừng. Có dính gì dâu, nhưng nó đang dính một đống rồi mà không hay, đợi đến khi già mới biết thì không còn có cơ hội sửa đổi nữa. Cho nên điều này chúng ta phải chiêm nghiệm cho thật kỹ, không thể nói bừa, chủ quan.

Có Phật tử tâm sự với quý thầy là áp dụng nhịn ăn, mỗi ngày chỉ ăn một bữa để trị bệnh tham lam. Ban đầu đói quá thèm nhiều thứ, cứ trông đến bữa ăn và ăn rất nhiều. Từ từ thấy bình thường, không còn trông giờ và cũng không còn thèm ăn nhiều như xưa. Huynh Phật tử đó cho rằng từ từ mình đã lìa bỏ được cái tham ăn. Quý vị thấy đúng chưa?

Giả sử khi chúng ta đã ăn uống no những thứ mình thích nhất rồi, không còn thèm gì nữa, nhưng khi nghe ai nói đến việc cắt trái chanh, vắt nước chua, cắn trái me, quý vị có chảy nước miếng (nước bọt) không? Mình không còn thèm gì, nhưng vẫn chảy nước miếng. Mà chảy nước miếng là cội gốc sanh ra chứng thèm ăn. Cho nên chính khi chảy nước miếng là nó đã dính rồi chứ không phải đợi đến khi thèm ăn mới dính mắc. Nó dính trước khi chúng ta thèm ăn.

Như vậy, muốn không bị dính mắc thì phải về luyện làm sao cho nước miếng không chảy ra nữa, phải không? Người chết thì đâu có chảy nước miếng. Quý vị tu luyện đạt được như vậy thì cũng chỉ giống với người đã chết, chỉ đồng với người bị hư thần kinh vị giác thôi chứ đâu phải tu. Vậy thì, nếu người thấy vắt chanh mà không chảy nước miếng thì đồng với người chết. Còn chảy nước miếng thì còn dính mắc, còn thèm ăn, là đồng với phàm phu. Vậy phải làm sao? Quý vị thấy khó chưa? Mới biết, đạo lý rất sâu mầu. Hay lắm! Quý vị giải quyết được chỗ này mới cảm nhận được đạo lý đặc biệt. Còn nếu tùy tiện nói bừa mà không chịu tu hành thì đành phải chịu đứng bên ngoài thôi. Chỗ này quý thầy không giải thích, câu trả lời sẽ thuộc về mỗi vị.

IV. HÀNG PHỤC TÂM SỢ HÃI:

Tâm tưởng khởi lên càng nhiều thì càng làm cho con người chúng ta bị yếu đi, đánh mất chính mình và bắt đầu có sự sợ hãi. Và sợ là sợ chính cái tâm khởi tưởng của mình, bóng dáng tâm mình. Chỉ cần trị ngay bóng dáng của tâm khởi tưởng này thì chúng ta không còn gì để sợ.

  1. 1.       CẦN CÓ THÁI ĐỘ DỨT KHOÁT VÀ NGHIÊM TÚC VỚI CHÍNH MÌNH:

Khi còn trẻ, mỗi người có những thói quen, có những cố tật đặc biệt riêng; hoặc là cảm thấy quan trọng một cái gì đó thì mai mốt về già nó sẽ hiện y hệt như vậy. Ai trẻ mà quá kỹ càng, tỉ mỉ, gặp gì cũng gấp xếp, cất kỹ thì mai mốt già sẽ lọ mọ quanh quẩn mãi mấy việc vụn vặt; như là gấp túi ni-lông, lượm dây thun, xếp mấy tờ báo cũ. Xài thì không có việc gì cần xài, nhưng căn phòng chật kín những thứ tủn mủn đó. Mặc dù đi không nổi, thở không thông, nhưng cũng lọ mọ sắp xếp hoài. Đây không phải nói xấu ai, nhưng là kinh nghiệm để chúng ta biết và điều chỉnh ngay từ bây giờ. Nay mình còn trẻ cho nên có vẻ chủ động mọi thứ, nhưng khi già thì bị mọi thứ sẽ làm chủ lại mình, sai khiến mình để rồi bị đau khổ chứ không phải được hào hùng mãi như hiện tại. Phải nhìn ra điều đó ngay nội tâm của mình. Biết những cố tật này là nguy hiểm, mai mốt già khí suy, tâm yếu, toàn bộ tập khí, thói quen sẽ hiện về không chuyển hóa được, đến chết sẽ mang theo sang kiếp sau nữa là nguy hại cho mình, cho nên phải dừng ngay. Muốn dừng được thì phải có thái độ dứt khoát và nghiêm túc với chính mình ngay từ lúc còn trẻ.

Xưa quý thầy ở Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, đến chiều thường yên tĩnh đi dạo một vòng quanh rừng thông vắng lặng rồi về đi tụng kinh. Có hôm bận việc không đi thì bỗng nghe trong lòng cảm thấy khó chịu, cứ như là bị thiếu thiếu một cái gì đó không rõ ràng. Nó tự bào chữa và đưa ra nhiều lý do để bắt mình đi, cứ thế mà giằng co mãi giữa đi và không đi. Chuyện dù rất nhỏ, nhưng nếu thật thà nhìn lại nội tâm thì thấy mình đang thua nó, mình chưa làm chủ được mình nên đã trở thành một chuyện to. Ngay khi khởi niệm biện minh đúng sai, quý thầy không xét nét phân xử mà chỉ là một thái độ khẳng khái, dứt khoát với chính mình, không đi nữa! Ba buổi chiều liên tục dứt khoát như thế thì đến buổi chiều thứ tư, không còn khởi ý đi dạo quanh rừng nữa. Như vậy là đã thành công, đã chiến thắng được nội tâm của chính mình. Thái độ dứt khoát sẽ khiến cho tâm mình mạnh mẽ, không thua cuộc. Chiến thắng được chính mình là đầu mối của mọi thành công trong cuộc sống.

2. KHI MỚI TU CHƯA DỪNG ĐƯỢC KHỞI NGHĨ THÌ TỐT NHẤT NÊN SUY NGHĨ VÀ LÀM VIỆC LÀNH:

Chúng ta thường nghe nói “Cây ngay thì bóng thẳng”, “Sống thẳng thì không sợ ai”. Quý vị sống trong sạch, ngay thẳng, thiện tâm, đúng tư cách, đàng hoàng, thì trong đời mình sẽ tự tin, không có gì phải sợ. Sống cả đời như vậy cho đến khi gần mất sẽ nhớ lại việc lành mình đã làm, trong lòng thấy vui, phấn khởi, hoan hỷ. Khi đó người mình sẽ mạnh mẽ, không sợ và chắc chắn sẽ đi đường lành.

Vua A Dục ở Ấn Độ là vị vua có công rất lớn với Phật Pháp. Các trụ đá trên thế giới là do vua cử người dựng lên để đánh dấu nơi Phật pháp được truyền đến. Phật pháp được truyền bá đến đâu thì cho dựng trụ đá ở đó, xây rất nhiều ngôi chùa; giúp đỡ, tạo điều kiện cho chư tăng ra nước ngoài để giáo hóa… Khi bệnh nặng gần băng hà, vị cận thần hầu dâng bát cháo không hợp ý khiến vua nổi giận. Vì làm vua nhiều năm cho nên vốn quen tật nhất hô vạn ứng, muốn gì được ấy, mọi thứ phải đúng theo lệnh của tôi, sai là chém… cho nên sự sân giận của vua mạnh hơn người thường rất nhiều. Trong lúc quá sân giận không làm chủ được, liền đó băng hà. Khi mất trong trạng thái nổi sân như vậy cho nên thần thức vua đã nhập vào một con rắn độc nằm trong khe cửa chờ cắn vị cận thần này.

Khi đó có thái tử con vua là một vị tăng xuất gia làm tỳ kheo đã chứng quả A-La-Hán. Ngài dùng thần thông biết thần thức vua cha đang ở trong con rắn độc, liền đến bên kể lại những công đức lành cả đời của vua đã làm khi còn sống. Thần thức vua nghe được vui quá, quên giận. Con rắn độc nhịn ăn rồi chết và sinh về cõi trời.

Làm thiện cả đời, nhưng khi gần chết nhất thời nổi sân thì không sanh được cõi lành mà bị lòng sân hận đưa đẩy vào trong một con rắn độc hôi thối. May phước có thầy Tỳ kheo nói cho biết mà thoát. Nếu không thì con rắn nó cắn được ông cận thần kia thì ông kia cũng giận mà chết. Ôm lòng căm hận để tái sinh thì sẽ tìm ông vua này để cắn giết trả thù lại. Cắn qua cắn lại, hai người ôm hận và cứ thế mà cắn nhau. Mỗi đời sẽ tăng lòng sân hận lên càng nhiều. Khi sự hận thù quá lớn thì sinh ra đời chém giết lẫn nhau mà không biết sợ là vậy. Ngày xưa giết gà còn run tay, còn bây giờ có những người giết nhau còn dễ hơn cả giết kiến bởi nỗi sân hận nhiều đời; cứ thù nhau, giết nhau nhiều đời làm cho lòng sân hận vượt quá ngưỡng bình thường cho nên bị bất bình thường như vậy.

Mới thấy, cái khởi trong tâm mình, cái bóng dáng của tâm mình, cái vọng tưởng đó thật đáng sợ! Khi gần chết, tất cả mọi việc xấu ác hay hiền thiện mình làm cả đời sẽ ào ạt hiện về cùng một lúc quá lớn cho nên làm cho chúng ta rối loạn và sợ hãi. Nếu việc lành cả đời ùa về thì lòng cảm thấy hoan hỷ và sẽ đẩy đưa chúng ta đi đường lành. Nhưng nếu ngay đó không làm chủ được, chỉ cần khởi ác thì nó đẩy mình vào chỗ xấu.

Không phải đợi đến lúc gần chết mới nhận ra các việc làm cả đời đồng loạt hiện về; mà ngay từ bây giờ, khi còn trẻ chúng ta cũng có thể kiểm nghiệm được. Hôm nào đó tìm một nơi không có tiếng người, không điện thoại, không ti-vi, đài báo, không đọc kinh sách, không ca hát, không gì hết, im lặng một mình, nhốt trong phòng kín; đến bữa ăn có người để thức ăn ngoài cửa, không được gặp ai. Sống như vậy khoảng ba ngày đến một tuần, quý vị sẽ thấy có những điều từ tấm bé, từ khi mới biết đi cho đến lớn, mình không thèm nhớ nhưng nó cũng đồng loạt hiện về. Ngày đầu nó hiện về từng sự việc một thấy như xem phim. Ngày thứ hai thì hiện về nhiều hơn. Ngày thứ ba trở lên cùng lúc nó ào ạt ùa về rất khủng khiếp khiến cho chúng ta bất lực trước nó, làm cho mình tự dưng cảm thấy sợ hãi, kinh hoàng. Có khi như bị run lên không biết làm sao. Mới thấy, khi đóng hết các cửa tiếp xúc của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; trút bỏ mọi thứ của cuộc đời lại thì những thứ trong tâm tưởng sẽ hiện về rõ ràng. Cả đời làm gì bây giờ nhớ hết. Mình đang thấy nó nên không thể lừa dối được với chính mình. Điều này nếu ai đã từng nhập thất như quý thầy thì đã có trải qua và có kinh nghiệm điều phục những tâm tưởng cuồng điên này. Nếu biết cách tu, có công phu tu tập thì sẽ biết cách điều phục và tiêu dung nó thành công, đó là tiến đạo.

Trong đời có nhiều sự thật mà phải đợi cho đến khi gần vào quan tài thì con người ta mới có cơ hội nhận ra. Nhưng quá muộn rồi. Khi đối diện trước cái chết, chúng ta thường thấy ra nhiều điều mà thường ngày không thể biết được. Để không quá muộn, có nhiều nơi đã phát minh làm ra quan tài rồi cho mọi người vào nằm trong đó tẩn liệm để trải nghiệm cảm giác ngày cuối cùng mình vẫy tay chào vĩnh biệt mọi người. Trong khoảnh khắc thử chết ấy, con người ta sẽ nhận ra nhiều điều để kịp sửa đổi quan niệm sống và hành động, việc làm của mình. Nhưng thử chết chỉ là khoảnh khắc ngắn cho nên người nào gan dạ sẽ gồng mình dễ dàng vượt qua một cách bình thường. Còn tập sống một mình thì sự việc sẽ diễn ra dai dẳng cho nên anh hùng cái thế cũng phải hoảng sợ nếu không có sự kiên nhẫn để dụng công tu tập.

Bây giờ ở một mình, cắt hết các duyên, mọi hiện tượng xảy ra như thế nào thì khi gần chết cũng bị tương tự, nhưng kinh hoàng hơn. Bởi lúc ấy khí lực suy yếu, tâm thần rối loạn, vĩnh viễn rời khỏi mọi thứ thực sự. Lúc đó không nói được với ai, tất cả đều trở nên vô nghĩa, bất lực; thì bắt đầu những suy nghĩ, hành động chúng ta làm cả đời sẽ ùa về, tất cả đồng thời chiếu lại quá nhiều cảnh tượng khiến cho chúng ta rối loạn, hoảng hốt, run sợ, mất tự chủ. Nếu người làm ác quá nhiều thì một thoáng như thế là gió nghiệp đã đến, chỉ có cửa địa ngục mở ra đón mình xuống đó chứ không còn lựa chọn nào khác.

Nếu người sống hiền thiện, biết làm lành lánh dữ, khi những việc lành ùa về trong tâm thức, chúng ta sẽ cảm thấy hoan hỷ. Nhớ lại bao nhiêu việc làm lương thiện, những hành xử cao thượng ngày xưa, chúng ta cảm thấy một đời sống qua thật xứng đáng; lòng mình hân hoan, vui vẻ thì cõi trời sẽ đón mình chứ không cho xuống địa ngục đâu mà sợ.

Còn những người nào khoảng 60-70% tốt, còn 30-40% không tốt. Xấu tốt lẫn lộn nhưng cái tốt nhiều hơn nên vẫn còn bình tĩnh được, sẽ đi vào loài người. Những người nào tốt quá nhiều nhưng hay dễ nổi sân. Giống như những anh chàng hiệp sĩ, sống rất tốt, ngay thẳng, hay giúp người nhưng hễ gặp việc là nổi sân và ra tay liền. Lòng tốt thì phước nhiều, nhưng do sân quá nên không được làm người mà trở thành những vị thần; như thần A-Tu-La. Trong Kinh kể lại, những vị Thần A-Tu-La này thường xuyên đánh nhau.

Còn những người ở đời do không bình tâm, thiếu trí tuệ, nhận định cuộc đời qua bản ngã và sở thích cá nhân, hợp với những cố tật hư tệ chính họ không vượt qua được. Từ đó đưa đến những quan niệm thiếu tính khách quan, không đúng lẽ thật, dẫn đến quan điểm sống bị sai lầm, không biết đạo đức. Càng sống, càng làm theo bản năng, thiếu trí tuệ thì đồng nghĩa là càng tạo ác nghiệp. Suy nghĩ sai lầm, hành động sai lầm, càng khiến cho sự sai lầm ngày càng nghiêm trọng hơn, trong nhà Phật gọi là vô minh, si mê. Vì tạo nghiệp nhân không sáng suốt cho nên khi chết sẽ tái sanh làm những loài động vật si mê như trâu, bò, heo, chó… Quanh năm chỉ một lớp áo và không biết gì ngoài bản năng.

Đó là xét về cấp độ một, về bước căn bản ban đầu để giải quyết nỗi vô cùng đáng sợ của bóng dáng tâm mình. Nếu chưa dừng được sự nghĩ suy lăng xăng lộn xộn trong đầu thì trước tiên chúng ta nên nghĩ tốt, làm việc tốt, tức là tu thiện, tu phước, chắc chắn khi gần nhắm mắt lìa đời, chúng ta không còn sợ hãi. Trắc nghiệm để nhận rõ, thấy được, biết được, quả quyết tin được và biết sửa đổi tâm mình cho hiền lành, cao thượng thì sẽ không còn gì để sợ nữa.

Nếu cứ để lập lờ, không xác quyết rõ ràng thì sẽ bị trạng thái nghi ngờ, lờ mờ, không biết mình như thế nào, ra sao. Chính điều này làm cho mình phân vân, rồi bị hoang mang, dẫn đến yếu đuối. Chính sự yếu đuối, mất hết khí lực này làm cho chúng ta hoảng sợ. Ngược lại, nếu quý vị nào đã trải nghiệm qua thì sẽ có kinh nghiệm, sẽ có cho mình một hướng đi rõ ràng trong cuộc sống để không bị nhầm lẫn. Chính như vậy sẽ cho chúng ta tự tin, rất khí khái và không còn lan man, bàng hoàng lo sợ ngay trong chính bản thân mình nữa. Giải quyết xong nỗi lo sợ nơi chính mình là thành công. Chính mình đã rõ ràng, không còn lo sợ thì không có điều gì bên ngoài làm cho mình phải lo sợ cả. Cho nên quý vị xưa khuyên con người sống và làm việc: “Quang minh chính đại” là vậy. Chúng ta muốn có một cuộc sống có đầy đủ bản lĩnh và nghị lực thì phải cương nghị, tự tin và sống bằng những điều vừa nêu trên. Nếu không thấy rõ để biết cách hóa giải thì sẽ sống trong yếu đuối và sợ sệt suốt đời. Khi mình tự sợ mình thì chúng ta sẽ sợ tất cả mọi thứ. Đó chính là mình đang tự đánh bại mình.

Tóm lại, cả đời sống ác độc quá, khi gần qua đời, những điều ác ùn ùn kéo về trong đầu khiến chúng ta hoảng hốt, kinh hoàng, mất tự chủ cho nên đi theo đường dữ, khổ đau. Nếu suốt đời sống hiền thiện thì khi gần mất, những việc làm tốt hiện về khiến cho tâm mình cảm thấy hoan hỷ, sanh lên cõi lành… Nhưng tất cả vẫn chưa an toàn. Bởi vì cả đời chúng ta làm quá nhiều thứ có khi không kiểm soát hết. Cộng thêm nữa là chưa ai làm chủ được sự buồn vui thương gét mừng giận của tâm mình. Khi sắp lâm chung, khí lực thì yếu, lại thêm có quá nhiều thứ lộn xộn ùa về một cách hỗn tạp làm cho mình rối rắm. Lúc đó, nhỡ ai làm gì trái ý nghịch lòng, bức tức lên không kềm được thì phải vào đường xấu như trường hợp Vua A-Dục vừa nêu trên. Đây là do cận tử nghiệp chi phối. Như vậy phải làm sao để thoát khỏi sự nguy hiểm và thiếu an toàn này?

Đến đây, chúng ta phải biết tu tiến thêm bước nữa, đó là hàng ngày phải biết cách bình tâm tỉnh trí trên mọi tình huống, hoàn cảnh; tức là phải biết thực hành Thiền định. Người đạt được Thiền định tuyệt đối thì cảnh tượng như vừa nêu trên sẽ không còn, quý vị sống chết tự tại. Còn mới tập tu như chúng ta thì sẽ có sức tỉnh giác, làm chủ được tâm niệm và biết chọn lối đi, không bị nhầm đường. Cụ thể, bước đầu chúng ta phải biết lắng tâm mình.

3. LNG TÂM, LẮNG VỌNG TƯỞNG:

Con người chúng ta do thiếu tự chủ, dễ nghe theo cho nên thường hay bị chi phối, cuốn hút bởi đám đông. Số đông có khi khéo nói hay nhưng chưa chắc đã là chân lý, lẽ thật. Số ít nói dở chưa hẳn là sai. Người xưa nói: “Khen sai là giặc, chê đúng là thầy”. Con mình thì còn nhiều dở tệ, nhưng vì có mưu cầu gì đó nên có người cứ khen là tài ba xuất chúng khiến nó lầm tưởng thật, không chịu sửa đổi do đó cuộc sống của nó ngày càng tồi tệ, mắc nhiều lỗi lầm. Đó là ác, là giặc. Nếu làm chuyện sai, có người nói thẳng cho biết để sửa đổi, sau đó thành lương thiện thì đó là thầy của mình.

Khi quý vị nghe theo số đông, nghe những lời ngọt ngào khéo nói để đi theo, tức là chúng ta đã đi theo chiều gió. Lâu ngày thành thói quen, thành một sức mạnh của sự lao ra theo mọi thứ bên ngoài. Khi sắp lâm chung, thấy cái gì cũng bị lôi cuốn và chạy theo, không cưỡng lại được, tức là đã theo chiều gió của nghiệp đẩy đi chứ không có quyền chọn lựa, như thế không biết mình sẽ đi về đâu.

Có những người đã chết đi sống lại và kể, khi nhắm mắt họ cảm giác lạnh quá, thấy có cái áo đen vội lấy mặc vào cho ấm. Vừa khoác vào thì nghe tiếng mọi người nói: “Ra rồi, một con heo đực màu đen.”. Nghe vậy liền nghĩ: “Chết rồi, sinh vô con heo rồi.”. Thế là con heo nhịn đói, không bú sữa mẹ và chết đi, thần thức thoát khỏi thân heo rồi sống lại và kể. Tức là khi ấy gió nghiệp bùng thổi rất đa chiều, có tốt có xấu, nếu không tỉnh táo thì bị cuốn đi rồi vào bụng heo, bụng cá… không lường trước được.

Như vậy, đầu tiên nếu tư tưởng còn lộn xộn, chưa ổn định được thì nên nghĩ về điều lành, làm việc thiện. Nhưng nghĩ thiện làm thiện cũng chưa an toàn, cho nên phải tiến thêm chút nữa là tu tập cho tâm mình lắng lại trở nên thanh tịnh; tập làm chủ bóng dáng của nội tâm; tập lóng lặng tâm mình, lắng vọng tưởng lại để nó không hại mình; lần tiến tỉnh giác, hướng tiến thiền định và đạt được trí tuệ chân thật nơi chính mình.

3a. TẬP TỈNH GIÁC TRÊN MỌI SINH HOẠT HÀNG NGÀY:

Thêm một bước kế tiếp là hàng ngày, trong cuộc sống, chúng ta nên tập tỉnh giác cho quen. Nghe người ta nói, bàn tán gì đó, chúng ta đừng vội nhao nhao nói theo. Mới nhìn qua thì thấy rất bình thường, vô hại. Nhưng sống quen như thế lâu ngày sẽ biến thành cái tật, cứ gặp chuyện là lao xao, nhốn nháo và nhao theo. Khi sự lao xao đủ lớn thì sẽ biến mình thành một con rối sống trong lăng xăng lộn xộn, vội vội vàng vàng, không bình tĩnh được. Do đó, làm gì cũng trật, hay bỏ dỡ nửa chừng không đến nơi đến chốn, gặp gì cũng bồn chồn, hồi hộp, hấp tấp, cứ cuốn lên không dừng được và phải bị khổ. Cả đời như thế thì những vọng động sẽ biến thành một sức mạnh lấy hết nội lực sống của mình, không còn gì là chính mình nữa. Mai mốt sắp chết chắc chắn cũng theo quán tính xao động, rộn ràng, gặp gì theo đó vậy thôi. Thấy điều gì cũng bị chi phối và liền vội chạy theo; thấy lạnh thì gấp gấp mặc áo; gặp nóng thì vội vội nhảy ào xuống hồ tắm ngay. Cứ thế mà lao theo chiều gió cuốn. Gió lúc này không phải nhẹ nhàng phảng phất mà mạnh như cuồng phong, lốc xoáy. Khi ấy, thoạt vừa theo sự chi phối của những ảo giác nóng lạnh thì liền bị cuốn đi vào bụng trâu, bụng ngựa mất tiêu, làm sao ai cứu cho kịp? Muốn trừ họa này, muốn trị bệnh này thì chúng ta phải biết tỉnh giác. Gặp bất kỳ việc gì, câu chuyện gì, chúng ta đừng vội vàng phán xét, nên tỉnh lại. Khoan suy nghĩ ai đúng ai sai, cứ ghi nhận để đó, không vội nghe theo. Nhớ đừng nhanh quá, vội quá, sẽ làm cho tâm mình bị dấy động. Bởi tâm động thì không tỉnh táo, nhìn sự việc bị sai và giải quyết không có kết quả tốt được. Cho nên khi gặp sự việc, điều cần yếu trước tiên là khoan động tâm đã, cứ tỉnh táo để tâm yên lặng, suy nghĩ cho thật kỹ. Khi cảm thấy tâm mình bình thường, trong lòng thật sự không còn mừng giận thương ghét gì chi phối, can thiệp vào cả rồi hãy đi đến quyết định, mọi việc sẽ được hoàn hảo, trọn vẹn, mỹ mãn, sẽ không bị sai lầm đáng tiếc.

Là người có nghị lực, bản lĩnh thì chẳng có gì đáng để khiến cho chúng ta phải hấp tấp, vội vàng cả. Cứ bình thường, tỉnh sáng, cứ như là mặc kệ. Bởi mặc kệ là có tâm; “cứ như là mặc kệ” là không có một tâm nào được lập nên cả. Lạnh cũng cứ như là mặc kệ, bình thường, tỉnh sáng trước rồi sau đó mặc áo ấm trong an nhiên. Nóng cũng cứ như là mặc kệ trước cho tâm bình thản rồi sau đó hãy quạt hoặc tắm... tùy điều kiện đang có. Có thể nghiệm được tâm bình thường an nhiên này thì mới thấy rõ; lúc này cái lạnh, cái nóng nó trở thành đối tượng bị mình nhận biết, nó không còn là mình, không còn chi phối mình, tâm chúng ta cảm thấy an nhiên, thú vị. Tương tự, mọi thứ trên đời có xảy ra đến đâu thì trước tiên cứ như là mặc kệ, bình thường, tỉnh táo rồi sau đó quyết định thì trị được cố tật bồn chồn, hấp tấp, rối rắm của con người. Cả đời đã tập quen như vậy rồi cho đến khi gần chết cũng vậy, cần phải tỉnh táo thì mới có cơ hội chọn lựa đường đi theo ý của mình. Lúc ấy, điều tốt tới, ghi nhận, sẽ làm tiếp. Điều xấu tới, ghi nhận, bỏ qua, và sẽ sửa đổi sau, không bận tâm. Nhớ là lúc ấy đừng loạng quạng trong đầu sẽ khiến mình xao xuyến, mất lực, nguy hiểm. Cứ bình thường! Giống như một người chủ ngồi vững vàng trong nhà của mình, đầy đủ khí lực, oai phong lẫm lẫm để phán xét, giải quyết mọi việc một cách nhanh gọn, dứt khoát và hiệu quả vậy. Hoặc có nhớ nhà, nhớ của, nhớ con cháu… được rồi, nhớ là tốt, nhưng bây giờ thì không sống được nữa rồi, thôi từ giã. Lúc đó phải khẳng khái, dứt khoát, không do dự, chần chừ. Vì do dự, chần chừ sẽ khiến cho mình không có lực, gió nghiệp thổi là bay ngay. Gặp mây đen, ánh sáng vàng, hay trắng gì gì đó, cũng cứ mặc kệ, tỉnh táo trước, mình vẫn là mình. Nhờ vậy chúng ta sẽ có trí sáng, có lực, khi đó hiện tướng của phước nghiệp nó sẽ phân rành, mọi thứ tốt xấu sẽ hiển bày rõ ràng, chúng ta mới chọn được đường để đi theo ý mình. Nếu hấp tấp quá thì gió nghiệp đẩy mình đi theo nghiệp, không có quyền chọn lựa nào khác. Cho nên lúc này, định lực rất quan trọng, nó giúp chúng ta không bị cuốn trôi theo nghiệp lực. Chỉ có định lực, trí lực mới chiến thắng được nghiệp lực. Ngoài ra, không có bất kỳ năng lực nào có thể cưỡng lại được sức mạnh của nghiệp cả.

Muốn vậy, ngay từ bây giờ chúng ta phải tập cho mình thành thói quen. Giả sử trời đang lạnh thì quen rùng mình, miệng la gấp lia lịa: “Ôi! Lạnh quá! Lạnh quá! Đưa cái áo mặc coi.”. Quen cái tật chìu theo cái lạnh đó, mai mốt vừa chết nghe lạnh thì không tỉnh táo, vội vàng khoát cái áo đen vào là ra con heo đen liền, nguy hiểm vô cùng. Lạnh chỉ biết lạnh, rồi tỉnh táo. Nhờ tỉnh táo, bình tĩnh cho nên tâm sẽ trở nên bình thường, cái lạnh cũng sẽ trở nên tầm thường. Lúc ấy những cái áo của nghiệp lực nó sẽ tan biến. Mặc áo hay không mặc áo cũng vậy. Tâm không xao xuyến thì mọi thứ sẽ mất lực với mình. Sau đó muốn mặc cái áo nào hay không thèm mặc là quyền mình.

Giả sử hôm nào trời oi nắng thì chúng ta cứ bức rức la lên: “Nóng quá! Nóng quá! Bật máy lạnh lên, uống nước đá,…” là thành cái tật. Quen như thế từ nhỏ cho đến lớn thì cái tật này nó sẽ lớn mạnh, chấp cứng khó sửa đổi. Lúc già cũng sẽ giống như vậy thì đến lúc sắp lâm chung là nguy hiểm rồi. Bây giờ phải tập bình tĩnh lại. Cảm thấy nóng chỉ là biết nóng, tỉnh táo, ở yên ngay vị trí mình đang ngồi, hoặc đang đi, như là ngồi thừ lỳ ra một tí mà không hề cố gắng, gồng chịu. Chỉ là bình thường, không thèm để ý đến nó thì cái nóng lúc này trở thành cái bị mình biết, nó trở nên tầm thường với mình, chúng ta không còn bị nó chi phối. Sau đó, muốn quạt cũng được, cúp điện không máy điều hòa cũng xong. Có ăn uống gì cũng tỉnh táo bình thường và ăn uống. Tức là mình vẫn có quyền tắm, có quyền ăn uống, nhưng phải sẵn nơi mình một khí khái mạnh mẽ, có một lực tỉnh ở trong con người mình trước khi cầm ly nước uống.

Bình thường khi uống nước, chúng ta hay khởi tâm tôi muốn uống nước, vậy là đã có niệm uống nước, là có bóng dáng của tâm. Cứ thế càng làm nhiều việc, nhiều ngày cọng lại, cái bóng dáng tâm này sẽ lớn mạnh và điều khiển mình, chúng ta không còn tự chủ được nữa. Rất nguy hiểm!

Bây giờ biết tu là gì? Không nhất thiết phải khởi niệm mới biết uống nước mà chúng ta không thèm khởi nghĩ gì, nhưng vẫn uống nước được và sáng biết rõ ràng, không động. Chính cái không động mà sáng biết thì mới đủ lớn giúp cho chúng ta không bị nghiệp chi phối để phải khổ.

Có thử nghiệm một lần mới cảm nhận được điều kỳ diệu này. Ví dụ quý thầy cầm ly nước để uống, nhưng không thèm khởi niệm, đưa tay bưng ly nước lên, không cần khởi niệm, vẫn uống được. Vẫn là uống nước, nhưng uống theo cách không thèm khởi niệm này sẽ có một lợi thế là niệm không khởi, bóng dáng tâm không có, nội lực trong tâm tự tăng trưởng. Lòng không động để uống nước thì sẽ giúp mình có nội lực, có định lực, có trí tuệ không động thì nghiệp nào chi phối được? Và khổ não cũng không còn. Tương tự, bao nhêu sinh hoạt khác cũng không thèm khởi tâm như uống nước vậy. Khéo sống được như vậy là biết tu. Tập từng động tác một, đừng để tâm lăng xăng thành thói quen. Từ bây giờ cho tới khi già mà tập quen được như vậy là chúng ta sẽ có được nội lực rất mạnh. Nội lực đã có thì hiện tại chúng ta được sống trong an vui; đến khi sắp lâm chung sẽ thấy tự tin, không sợ hãi.

3b. KHÔNG BIỆN MINH:

Chúng ta thường có thói quen sợ người ta hiểu lầm cho nên hay biện minh, chỉnh sửa cho đúng. Việc làm này mọi người cho là bình thường, tự nhiên, không có gì sai. Đúng là vậy, lỗi thì không lỗi, nhưng biện minh sẽ làm cho mình bị yếu đi, không có nội lực và bị thiệt thòi. Nếu người có chiều sâu hơn họ sẽ không cần cho người khác biết sớm, không biện minh rõ ràng rồi nhờ người ta hiểu dùm, như thế sẽ rất tầm thường. Bởi vì càng biện minh thì càng cho người khác thấy sự bào chữa của mình, càng để cho họ thấy mình đang xin người ta hiểu dùm về vấn đề của mình, càng mất mình, càng bộc lộ điểm yếu và chúng ta càng thất bại. Mình có lập trường sống của mình. Người khác có hiểu nhầm hay hiểu đúng gì cũng không cần thiết. Cứ để cho người khác hiểu thế nào cũng được. Việc hiểu đúng về một vấn đề, một con người là trách nhiệm và quyền lợi của họ, không phải của mình. Cho đến khi nào người ta tự hiểu ra thì mới thấy hết giá trị của nó. Có thể ngày mai họ sẽ hiểu, có thể tuần sau, tháng sau, năm sau. Cũng có thể là đời sau, khi nào đủ duyên thì họ hiểu, không chuyện gì chúng ta phải mong người ta hiểu làm gì. Nếu đời sau chưa hiểu thì sau này thành Phật họ sẽ tự nhận ra. Không có vị Phật nào mà không biết hết mọi việc của nhiều kiếp quá khứ. Thấy được việc không biện minh sẽ có lợi ích giúp cho mình lớn mạnh, có nội lực thì chúng ta sẽ làm được, không khó. Nếu bản ngã mình chưa chấp nhận thì hãy coi đây như là một cách tập tự ép mình, tự mình chuốc oan ức cho mình để tiêu trừ bản ngã, tự lớn mạnh, không cần lệ thuộc vào sự hiểu biết, cảm thông và chia sẻ của người khác. Có dám tự ép mình như vậy thì mới thấy được mình lớn mạnh như thế nào.

Có một anh thanh niên nọ tự thấy mình là người thành đạt, có trí tuệ, có địa vị khá đặc biệt trong xã hội cho nên phát ngôn hơi chủ quan. Khi đến gặp quý thầy, anh ta hỏi: “Tôi hỏi thật thầy, thầy tu hành như vậy có bao giờ thèm thịt bò và lén để ăn không?” Anh ta hỏi đúng thôi, vì anh ta đang thèm thịt bò nên nghĩ ai cũng thèm thịt như mình và lén ăn là phải.

Nếu lúc đó quý vị tức lên cho là xúc phạm thì mình đã mất bình tĩnh, mở miệng nói theo sự mất bình tĩnh đó thì bị mất mình rồi. Có điều gì đúng và giá trị trong một tâm trạng không còn giữ được là chính mình nữa.

Điều thứ hai, nếu quý vị cố tình bào chữa: “Anh nghĩ sao kỳ vậy? Tôi ở đây thịt bò ở đâu ra mà mua. Xung quanh còn bao nhiêu người nữa chứ có phải tôi ở một mình đâu, làm sao lén đi đâu để ăn được?...” Mình càng càng bào chữa, càng năn nỉ anh ấy hiểu cho mình, cố muốn chứng tỏ mình đúng, mong người ta đừng hiểu lầm về mình. Nhưng tất cả đều vô ích, họ sẽ không bao giờ tin. Nếu đã tin mình thì người ta sẽ không đi hỏi câu ấy. Mà đi hỏi tức là chưa tin. Khi đã không tin, hồ nghi rồi thì mình càng bào chữa cũng chỉ làm cho họ càng nghi thêm mà thôi. Nên mỉm cười và trả lại sự hoài nghi cho họ, còn mình nên giữ lấy sức sống bình thường hàng ngày vốn tốt của chính mình. Không việc gì phải suy nghĩ.

Bởi càng bào chữa hay trả lời thế nào cũng chỉ là nói theo lời của họ. Vì câu hỏi của họ vừa đưa ra đó để mình khởi lên và nói theo, rồi bào chữa, như thế là chúng ta đã đánh mất mình. Khi mình muốn người ta hiểu đúng về mình là chúng ta đã đem mình ra cho họ hiểu, không còn là chính mình nữa. Muốn người ta hiểu đúng về mình tức là đem cái của mình mà đi nhờ người ta hiểu, đó là một sai lầm lớn. Tại sao không tập chính mình tự hiểu cho mình? Nhờ người khác hiểu thì có ích gì đâu? Có nhất thiết phải như vậy không? Có cần thiết lắm không?

Chúng ta thường nghe mọi người vẫn nói rằng, tôi nói điều bí mật này cho chị nghe, nhưng đừng nói cho ai biết. Nhưng khi nhắc giữ gìn bí mật là lúc nhờ người ta quảng bá tốt nhất. Tại sao mình không tự giữ bí mật cho mình mà lại đi nhờ người khác giữ giúp. Bí mật của mình, tại sao tự giữ không nổi? Là vì không đủ nội lực, còn yếu quá. Khi muốn tâm sự là đã phơi bày cái yếu ra rồi. Khi yếu là chúng ta sẽ tự sợ mình, là nguồn gốc để sợ tất cả mọi thứ.

Ngược lại, cũng câu hỏi đó, quý vị bình tĩnh mỉm cười và cứ để mọi người cười rần lên cho hả dạ, sau đó mọi thứ ngông nghênh, hống hách sẽ tự chìm xuống. Con người ta như con sóng vậy. Mình cứ cho người ta vỗ cái ầm lên rồi nó sẽ tự hạ xuống. Cho nên khi sóng đến thì đừng có dại mà đương đầu. Người khôn là sóng lên thì núp xuống, sóng hạ thì chúng ta thành công. Khi bị hỏi vậy, mình cứ nhẹ nhàng, làm thinh, uống nước xong xuôi, nhìn anh ta và cười cười thì thần lực của anh ta sẽ bị sụp đổ. Có khi không nhất thiết phải dùng lời nói, cái thần sắc nó cũng tự biết cách chinh phục nhau.

Không hề khó chịu; vui vẻ, chan hòa, tỉnh sáng, mỉm cười và nói: “Quý thầy thấy anh hỏi cũng khá là lạ! Nếu quý thầy đã lén ăn thịt thì đâu có khai mà anh hỏi. Nếu đã lén đã giấu thì sao lại đi khai? Anh hỏi câu đó sẽ không bao giờ có câu trả lời thật”.

Như là một câu nói khôi hài cho anh ta cười đắc ý và hạ nhiệt xuống, mình mới nói tiếp: “Bây giờ anh muốn biết quý thầy có thèm ăn thịt bò và lén lút để ăn hay không thì hơn ai hết, anh phải thí nghiệm thì mới cảm nhận và biết được. Anh về cố gắng ăn chay năm năm, không ăn thịt cá, chỉ ăn rau thôi. Sau năm năm, anh thử ăn thịt bò xem lúc đó cảm giác của anh có thèm hay không thì biết liền. Còn bây giờ quý thầy có diễn tả thế nào anh cũng không thể biết được”.

Như vậy là trả lại câu hỏi cho anh ta và chính anh ta phải có trách nhiệm với câu hỏi của mình. Muốn biết thì tự đi tìm lấy mà biết. Còn không thì cũng đành chịu thôi. Chuyện của mình, không cần anh ta phải biết làm gì! Quý vị có làm như vậy mới thấy được sức mạnh và bản lĩnh của mình. Còn cứ nghe hỏi rồi cố hết sức để minh oan, bào chữa thì chỉ làm cho người ta càng nghi, mình càng bị yếu và tự mình chuốt lấy đau khổ cho mình.

Quý vị thử nghĩ một người đã ăn chay năm năm thì sau đó họ còn thèm ăn thịt bò nữa không? Thợ lên xây chùa trên đây ăn chay trong vòng 15 tháng. Sau đó về nhà không còn ăn cá thịt được nữa, ngửi mùi là bị tanh và khó chịu. Đó mới chỉ là một năm rưỡi mà đã không còn ăn cá thịt được. Quý thầy ăn chay đã gần 30 năm rồi mà hỏi có thèm thịt không thì rõ là anh này chưa có kinh nghiệm ăn chay rồi. Anh ta ở trong thịt và thèm thịt rồi nghĩ ai cũng thèm thịt như mình. Có khác nào một đầu bếp nấu nướng quẹt lỡ nước tương lên mũi mình, sau đó đi đâu cũng nghe mùi nước tương rồi la lên, ai làm đỗ nước tương khắp nơi vậy nè.

“Nếu anh muốn biết người ăn chay có thèm thịt hay không thì anh phải tự mình trải nghiệm lấy. Còn nếu không chịu trải nghiệm thì vĩnh viễn không bao giờ biết điều này, đừng đi hỏi mà mệt.”. Nói thẳng ra là như vậy, nhưng sẽ mất lòng nhau, cho nên mình chỉ cười chơi, nói nhẹ nhàng cho có câu chuyện thôi. Còn anh ta có hiểu hay không là việc của anh ấy. Sao lại phải bắt anh ta đi hiểu mình?

Mình hay có tật dại là sợ nếu không giải thích, nhỡ người ta hiểu lầm mình sao? Cố nói cho hiểu, chạy theo ra tận ngoài cổng để giải thích này nọ, van xin họ hiểu cho mình. Làm như vậy chẳng khác nào cho người ta càng nghi mình thêm. Câu chuyện nghe thật tức cười, nhưng chúng ta có hay bị mắc phải như vậy không? Bình thường khi bị hiểu lầm thì mình càng đi bào chữa; khi càng bào chữa thì họ lại càng nghi ngờ. Bào chữa rồi lại lo sợ họ không hiểu mình cho nên chúng ta lại càng lo lắng, bất an và đau khổ. Đó là chúng ta không biết cách tự chiến thắng mình.

Nguyên nhân gây ra điều này cũng là do niệm tưởng. Mình cứ khởi niệm rồi lao theo liền, lâu ngày thành thói quen, không bình tâm tỉnh trí cho nên không có khí lực. Gặp ai nói gì là nói theo, giải thích, bào chữa, lý luận, chống đối lại liền, tức là quý vị đang theo duyên bên ngoài. Quen như vậy lâu ngày thành tật rồi, khi nghe người ta nói xóc là mình phản ứng ngay cho nên bị thất bại.

Ngược lại, bất cứ điều gì xảy ra quý vị cũng tỉnh táo. Lâu ngày thành quen và sẽ có năng lực, sức mạnh. Nhờ vào năng lực đó cho nên khi gặp việc thì mình tự tỉnh táo và xử lý sẽ đưa đến hiệu quả như ý. Nếu hàng ngày quý vị không tập thì không có lực cho nên khi gặp việc sẽ không dễ tỉnh được. Giống như không dồn vốn, không có vốn thì lấy đâu để xài. Giờ đang vui, đang nói cười khỏe mạnh, mọi thứ đang thuận lợi cũng phải tập tỉnh giác. Mới đầu sẽ thấy hơi khó, nhưng phải tập, phải huân hành động lâu ngày thành thói quen. Huân thói quen theo năm tháng sẽ có sức mạnh. Gặp việc, quý vị không cần tỉnh thì nó cũng tự tỉnh, và chính sự bình tĩnh này khiến cho chúng ta có sức mạnh, có bản lĩnh, tự tin và trí sáng; cách giải quyết công việc sẽ hoàn hảo.

Năng lực này giúp chúng ta thành công trong cuộc sống hàng ngày. Đến lúc bệnh yếu, nhắm mắt lìa đời, lực tỉnh này vẫn thường trực. Vì nó đủ lớn mạnh cho nên nó vẫn hiện hữu, không mất. Chính nhờ lực tỉnh này nên khi những chuyện trời ơi đất hỡi có ùa về, chúng ta vẫn định tĩnh, bình thường và không động niệm. Vừa thấy chuyện không tốt thì liền bỏ qua một bên, ghi nhận, mai mốt sửa sau, không thèm nghĩ tới. Là chuyện tốt cũng để qua một bên, sẽ làm tiếp, đừng có nghĩ. Thương nhớ con cháu ư? Ghi nhận lòng tốt đó. Có thương nhớ gì cũng phải chết, bây giờ không sống được nữa thì coi như nhớ để chào lần cuối, bỏ qua đi, chỉ tỉnh giác. Khi tất cả mọi thứ quý vị khẳng khái giải quyết dứt khoát như vậy thì chúng ta còn lại một lực tỉnh hiện tiền. Sống trở lại bằng năng lực tỉnh giác đó, quý vị sẽ có quyền chọn được đường mình đi, không bị nhầm lẫn. Nếu không thì sẽ bị cuốn theo chiều gió, nguy hiểm vô cùng.

3c. RÈN TÂM MẠNH LÊN:

Chúng ta còn lo sợ nhiều thứ là do tâm mình còn yếu. Nếu tâm mạnh rồi thì không có gì phải sợ nữa. Cho nên muốn không còn sợ sệt thì phải tập rèn cho mạnh mẽ lên ngay chỗ tâm còn yếu đuối.

Có người nào đó làm cho mình rất khó chịu, không ưa, mà ngày nào họ cũng xuất hiện trước mặt hoài. Nếu cảm thấy khó chịu và không muốn gặp mặt họ, ngay đó là chỗ yếu của tâm mình.

Có khi chúng ta có khả năng đánh đông dẹp bắc, làm được các việc lớn như giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị một công ty lớn, một doanh nghiệp… nhưng lại thấy khó chịu khi phải quét nhà hay vào bếp nấu bữa cơm cho gia đình. Còn có một chỗ mình cảm thấy khó chịu, không ưa thì ngay đó là điểm yếu của tâm mình.

Không khó để tìm thấy nhiều anh thanh niên tự coi mình là văn minh, bắt kịp thời đại. Nhưng hôm nào đó đột suất nhờ đi chợ lo bữa cơm cho gia đình thì liệu họ có cảm thấy thỏa mái đi vào chợ quê mua vài mớ rau muống, xách mấy cái túi lặt vặt, đi bộ đem về nấu cơm cho gia đình được không? Ngay chỗ lười biếng, cảm thấy mất thể diện là chỗ đang yếu của lòng mình. Chúng ta muốn có đủ bản lĩnh thì phải biết rèn tâm mình cho thật mạnh. Muốn mình được mạnh mẽ, không còn sợ hãi bất cứ gì thì nên rèn ngay chỗ mình còn cảm thấy ngán, ngại và sợ.

Rèn bằng cách nào?

Nếu cảm thấy đi chợ mua đồ là mất thể diện thì phải trung thực với mình để thấy thẳng, nhận ra đây là chỗ mình đang yếu. Hễ còn một chỗ yếu là chúng ta sẽ còn yếu tất cả chỗ. Nếu sợ đi chợ thì cứ xách giỏ đi chợ mua rau muống, bột ngọt đem về nấu cơm. Cứ nhiều lần như thế cho đến khi cảm thấy bình thường, không còn ngán, không còn sợ nữa là thành công. Không phải để làm việc những việc nhỏ mà là để rèn luyện cho lòng mình mạnh lên, không còn gì ngán và sợ nữa.

Hoặc có một người nào đó mình cảm thấy ghét, không muốn gặp mặt thì biết đây là chỗ mình đang yếu. Muốn mạnh thì phải dám rèn tâm mình. Đi đến gặp họ cho đến khi thấy bình thường thì thôi. Không phải là chúng ta cần gì ở họ, chỉ vì điều trị cái yếu đuối của lòng mình. Nếu cảm thấy khó chịu quá không thể gặp mặt được thì hãy kiếm món gì mình cảm thấy đẹp nhất, ưa nhất đem tặng biếu cho họ để trị cái tâm yếu đuối lì lượm của mình. Cho đến khi nào gặp họ mình vẫn cảm thấy bình thường như bao nhiêu người khác là chúng ta đã trị được tâm hèn yếu của mình thành công.

Phải cứ thật thà để trị, đó là cách làm cho tâm chúng ta trở nên mạnh mẽ, không còn sợ sệt một cách dễ dàng. Kể cả mấy đứa trẻ cũng phải tập từ khi còn bé. Khi mới lớn lên cầm chổi được thì bảo cháu quét nhà. Dù quét không sạch cũng phải quét. Không phải cần nhà sạch, không phải bóc lột sức lao động mà là chúng ta muốn tập cho nó tự lớn mạnh, sau này sẽ không còn yếu đuối sợ sệt một cái gì. Khi đã trưởng thành là thanh niên, ngày nào được nghỉ thì bảo chú đi chợ nấu cơm cho gia đình. Không phải chúng ta cần con làm việc nhỏ mà muốn rèn luyện để không còn ngán một điều gì. Tương tự để xét mình, nếu cảm thấy ngán, ngại, không ưa ở chỗ nào là chúng ta đang bị yếu ngay chỗ đó. Ngay chỗ yếu đó để rèn luyện thì sau này quý vị sẽ cảm nhận được sự mạnh mẽ nơi chính mình.

Chúng ta thường nói:

Ngày mai chẳng biết ra sao nữa,

Nhưng nếu ra sao cũng chẳng sao.

Nghe ra thì hay. Khi không có sự cố gì, đang yên bình để nghêu ngao thơ cho vui thì đúng là “chẳng sao” thật. Nhưng nếu tâm còn quá nhiều chỗ yếu kém thì lấy đâu ra bản lĩnh? Không có năng lực tiềm tàng, không có chút bản lĩnh, khi gặp sự cố thì chắc chắn sẽ là “sao đầy trời” thôi. Nếu chúng ta biết cách rèn cho tâm mình lớn mạnh, có định lực thì bản lĩnh có thừa, gặp việc gì cũng bình thường như khi đang rảnh rang thì đâu có tâm lo ra ngày mai sẽ thế nào! Bởi “nếu có ra sao cũng chẳng sao” thì có gì phải lo ra?

Muốn biết mình mạnh mẽ hay còn yếu đuối, chúng ta thật thà kiểm tra lại lòng mình thì sẽ thấy. Ví dụ ngày mai chuẩn bị đi du lịch Châu Âu, là lần đầu tiên được xuất ngoại. Hôm nay lòng mình bồn chồn, lo lắng quá nhiều thứ. Như vậy là biết mình còn yếu rồi. Hoặc ngày mai phải đi làm một việc gì lớn mà đêm nay ngủ không yên, trong lòng lo lắng nhiều thứ quá, không biết ngày mai phải làm sao… thì biết mình còn yếu, còn sợ nhiều thứ rồi đó. Lòng còn rộn ràng thì chắc chắn còn yếu đuối, còn nhiều sợ hãi. Nếu ai đã biết rèn luyện, tập quen như quý thầy vừa nêu trên rồi thì tự mình cảm nhận được bản lĩnh và sự tự tin ngay điểm này. Chuyện gì cần thì cứ bình thảng, sắp xếp. Đâu có nhất thiết phải bồn chồn lo lắng mới sắp xếp được. Ngày mai mọi chuyện có như thế nào thì mình cũng cảm thấy thỏa mái, bình tĩnh, trí sáng và có cách xử lý bình thường. Cho nên hôm nay xếp gọn gàng để đó, ngủ khỏe, mai lên xe đi một cách thỏa mái, bình thường. Gặp việc chúng ta sẽ được bình tĩnh, xử lý thành công.

3d. TU TẬP - TỌA THIỀN:

Tọa thiền là phương pháp tốt nhất để tâm chúng ta an định, trí sáng và lấy lại nội lực. Khi tọa thiền phải dứt khoát buông xả hết mọi thứ. Có thời khóa ổn định, đúng giờ đó là ngồi, tập quen ngày nào cũng ngồi liên tục, quý vị sẽ cảm nhận được sự khác biệt. Xả thiền ra đi làm mọi thứ trong tâm thái bình tĩnh, sáng suốt. Tập quen khoảng từ ba đến sáu tháng sau quý vị sẽ thấy con người mình sẽ rất khác. Dù bước đầu còn đau chân, buồn ngủ, mỏi mệt, vọng tưởng… nhưng đừng quan tâm, cứ ngồi và nhiều ngày như thế sẽ thấy được sự thay đổi tiến bộ rõ rệt, có cảm nhận rất đặc biệt.

Cụ thể dễ thấy là nội lực, tâm trí ngày một mạnh mẽ và sáng hơn. Có nội lực, có bản lĩnh, có định huệ, thì chúng ta sẽ tự tin, không run sợ. Khi không còn lo sợ một cái gì chính là lúc làm cho chúng ta không ngại mọi thứ, lấy lại được sự bình tĩnh một cách tự nhiên trong lòng. Sự tỉnh táo này không phải là chờ gặp việc mới tập, mà khi đang trong thành công, đang lúc vui cười, ăn nói cũng phải tỉnh táo. Lên xe chạy, lăng xăng nghĩ ngợi mọi thứ không nhớ sự có mặt của mình thì tỉnh lại rồi đi. Lên công sở làm việc, chúng ta có thói quen bị cuốn vào công việc, soạn đủ thứ mà không nhớ mình. Ngay đó tỉnh táo lại, nhớ sự có mặt của mình rồi làm mọi thứ. Tương tự, quét nhà, nấu cơm, mỗi mỗi hành động đều tỉnh sáng rồi làm. Huân hành động thì sẽ thành thói quen, huân thói quen sẽ biến thành sức mạnh. Chúng ta tập sống tỉnh giác như vậy lâu ngày sẽ trở thành thói quen. Thói quen lâu ngày sẽ biến thành nội lực. Khi đã có nội lực, có sức mạnh, chúng ta sẽ cảm nhận được sự vững chãi, trí sáng và có niềm vui nhẹ mà rất lớn nơi mình. Đối với sự việc gì đó, thay vì ngày xưa bực bội thì bây giờ tự mình cảm thấy nhẹ nhàng, không có gì nặng nề cả. Thay vì ngày xưa tham cầu đủ thứ thì bây giờ cảm thấy không có gì xứng đáng để cần. Ngày xưa thấy chuyện đó có vẻ rộn ràng, rối rắm thì lúc này thấy bình thường, chẳng có gì đáng bận tâm. Như vậy là chúng ta đã biết lấy lại nội lực, sức mạnh nơi nội tâm mình để không còn bị cuộc đời chi phối và làm khổ nữa.

Định lực vững, trí tuệ sáng, có niềm an vui. Khi ba chất liệu này đủ lớn thì chúng ta sẽ có được bản lĩnh, tự tin và an vui trong đời. Cuộc đời này không còn chi phối, không còn làm chúng ta sợ được nữa. Khi còn mạnh khỏe, muốn phấn đấu để thành công cũng được, không may bị thất bại cũng xong. Kể cả khi gần chết, chính năng lực đó nó bảo vệ cho mình không cảm thấy lo sợ. Cho đến cả kiếp sau, chính nó là chất liệu làm cho chúng ta trở thành một con người tốt, thánh thiện, thanh thoát, trí tuệ chứ không rơi vào chỗ xấu được. Như thế là chúng ta đã làm chủ được cuộc đời mình.

V. KẾT LUẬN:

Tất cả mọi thứ khổ đau đều do mình thiếu làm chủ mà có ra. Do thiếu định lực và trí tuệ cho nên chính mình sợ cái cảm giác do bóng dáng của tâm mình khởi lên mà có. Những nỗi lo sợ bên ngoài cũng đều bắt nguồn từ đó. Chính những cái suy nghĩ vẩn vơ này làm cho tâm mình bị yếu đi cho nên khiến cho chúng ta dễ sợ mọi thứ bên ngoài. Nếu không chịu khó xác định để nhận ra cho thật rõ ràng thì lòng mình sẽ cứ phải phân vân, luôn tạo nên nỗi ám ảnh làm cho mình sợ mãi. Không ai khác mà chính mình tự làm cho mình sợ; là chính mình tự sợ mình; là tự đánh bại mình trong cuộc sống. Ngược lại, quý vị bình tâm tĩnh trí để thấy rõ nó chỉ là bóng dáng của mình nghĩ ra, không có gì đáng sợ thì sẽ lấy lại sự bình tĩnh. Khi tâm định tĩnh, không nghĩ ngợi gì thì sẽ có nội lực và chiến thắng được bản thân mình. Chính mình không sợ mình thì sẽ không còn gì bên ngoài làm cho chúng ta sợ nữa. Đây chính là chất liệu cần thiết để làm nên một cuộc sống tràn đầy nhựa sống, nghị lực, bản lĩnh và an vui.

Thích Tâm Hạnh

TVTL Bạch Mã

Các bài đã đăng

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 89989
  • Online: 38