Chuyện Tổ Bồ Đề Đạt Ma
05/11/2024 | Lượt xem: 338
HT.Thích Phước Tú
GIÀY ĐẠT MA
Ngày kia trên lối về ngang qua ngọn Thông Lãnh, chiếc giày Đạt Ma bỗng dưng lay động biến thành con Trâu.
Đạt Ma cưỡi Trâu lên ngọn núi Tuyết. Ngọn Everest sừng sững ngất trời tuyết phủ từ vạn kỷ. Đạt Ma trụ nơi đó cùng con trâu của mình
Nguời - Trâu ung dung hòa nhập đất trời, vào cõi mênh mông vô tận. Đạt Ma hiển hiện khắp muôn nơi bằng con Trâu mang màu Tuyết.
Trâu - Người lồng bóng chợt ẩn, chợt hiện trên khắp nẻo đường Pháp giới.
Giữa sương khói cuộc đời, Đạt Ma ngự trị trong muôn vàn ảo ảnh. Bước người phiêu diêu đây đó trăng sao cùng Trâu Tuyết hòa nhập trời không.
Đạt Ma lại cỡi Trâu về cõi Linh Sơn gặp lại ân sư Thích Ca từ phụ. Ngài đã dâng con tim mình và cả con Trâu màu Tuyết đến trước bậc Thầy Trời Người tỏ lòng hiếu kính. Đức Từ Phụ Mâu Ni duỗi tay vàng đâu la miên đón nhận. Tim và Trâu Đạt Ma chợt biến thành đức Phật Thích Ca. Đạt Ma hoan hỷ biết bao : Mình là Trâu là Phật.
Đức Mâu Ni co tay lại, cả núi Linh vắng hút bóng người. Chỉ còn lại tiếng trâu rống vang vang khắp thiên không, đọng lại trên cỏ cây hoa lá, trải khắp ngày dài tháng rộng suốt bờ mé vị lai. Tiếng Trâu réo gọi những con Trâu lạc trên khắp nẻo ta bà.
Chiếc giày Đạt Ma trên biển đời mênh mông thấy không?
LIỄU LIỄU THƯỜNG TRI
Tương truyền Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã dạy câu : “Liễu liễu thường tri” (Rõ ràng luôn biết).
Lời nói này chính xác thay !
“Liễu liễu thường tri” tức có nghĩa “Rõ ràng luôn biết” câu này với bốn chữ dón gọn, khiến người tu học hay lầm lẫn.
Cho rằng “rõ ràng” thì “ai” rõ ràng ? và
“biết” thì biết cái gì ? “ai” ? Và “cái gì” ? Thật đáng tiếc thay ! Tại sao phải là “ai” và “cái gì” mới được ? Không là “ai” và không “cái gì” không được sao ?
Có “ai” có “cái gì” là có mây mù bao quanh mặt trời, ánh sáng trở nên mờ nhạt lệch lạc đi so với ánh sáng chính thực của mặt trời.
Không “ai” không “cái gì”, mặt trời không sáng sao ? Mặt trời khi sáng là cần phải có “ai” làm sáng, và sáng soi “cái gì” sao?
Không “ai” không “cái gì” không mặt trời sao ?! Tiếc thay ! Sao lại phải có “ai” và “cái gì” chứ ? Hãy thôi đi “ai” và “cái gì” đừng đặt ra, đừng tạo ra “đối tượng” và “chủ thể” làm gì.
“Liễu liễu thường tri” cứ vậy mà “Liễu liễu thường tri”. “Rõ ràng luôn biết” cứ vậy mà “Rõ ràng luôn biết”. “Rõ ràng luôn biết” cứ vậy mà biết (Hãy nhớ rằng “biết” ở đây là chữ biết hoa: “Biết”). Biết thì cứ thế Biết, không phải biết “cái gì” biết “cái chi”.
“Biết” mà không gì để biết, không biết theo thường tình, mà là cái Biết mầu nhiệm, cái “Linh tri”. “Biết” như ánh mặt trời, như ánh sáng viên ngọc. Một thứ Biết vô tình vô ý - là thứ Biết chơn thường.
Đó là ánh sáng thì luôn luôn sáng, vậy thôi. Không phải sáng để soi rọi cái này cái kia.
Vì ánh sáng mặt trời vốn tràn ngập, nên vạn vật ở trong ánh sáng thì tự hóa sáng. Mặt trời không soi vật, mà vì vật tự ở trong ánh sáng nên phải chịu sáng vậy thôi.
“Liễu liễu thường tri”, vì thế mầu nhiệm vô biên. Từ nguồn năng lực này mà sống thì vật vật đều được hóa tán, tan biến, tiêu dung trong nguồn năng lực kỳ diệu này. Niềm đau và nỗi khổ sẽ biến mất khi nguồn năng lực “Rõ ràng luôn biết”. Biết luôn luôn Biết.
“Liễu liễu thường tri” pháp Đạt Ma.
“Rõ ràng luôn biết” nên tự tại.
Đó chính Quán Tự Tại Bồ Tát.
Là Bồ Tát Quán Thế Âm đó.
Rõ ràng tăm tiếng trong thiên hạ Sáng khắp ta bà dẫn độ sanh.
Chúng sanh được độ không người độ.
Không người không vật sáng mênh mông.
“Liễu liễu thường tri” thường liễu liễu
“Rõ ràng luôn biết” luôn Biết Biết.
“Biết” mà không biết - ấy Bồ Đề
Ấy là Pháp thật- tức Đạt Ma Là Tổ Bồ Đề Đạt Ma ấy !
TÂM BỒ ĐỀ ĐẠT MA
Ở trước Tổ Bồ Đề Đạt Ma, Thần Quang thưa:
- Tâm con chưa an, xin Thầy dạy Pháp an Tâm.
Tổ dạy:
- Ngươi đem Tâm ra đây ta an cho.
Thần Quang thưa:
- Con tìm Tâm không thể được.
Tổ dạy:
Ta đã an Tâm cho ngươi rồi !
Thần Quang nhơn đây được khế ngộ. Tổ liền đổi tên Thần Quang là Huệ Khả.
* * *
Tại sao Thần Quang không tìm “Tâm” được khi Tổ hỏi? Mà trước đó Thần Quang đã nói: “Tâm con chưa an”.
Như vậy Quang đã biết được Tâm mình rồi nên nói là: “Tâm con” chưa an.
Vậy thì sao có tình trạng ngớ ngẩn này? Tại làm sao chỉ là một mình Quang thôi mà khi có thấy Tâm, khi không thấy Tâm?
1- Thấy có Tâm
Đây là tình trạng chung của con người bình thường hay của cả chúng sanh, cái mà Thần Quang cho là: “Tâm” con không an, thì cái: “Tâm” này là cái Tâm có buồn, vui, thương, ghét, có tham, sân, si.... có phiền não tức có khổ đau.
Cái “Tâm” này con người đều cho đó là cái “Tâm Ta”. Tâm Ta là như vậy đó, có buồn, vui, thương, ghét, tham, sân.... ấy là “Tâm ta” đó:
Tâm tôi buồn, Tâm tôi vui, Tâm tôi khổ, Tâm tôi sướng, v..v... khổ cái Tâm Tôi thì cái Tâm này như thế nào?
Cái Tâm này có khi buồn có khi vui, có khi sướng có khi khổ, tức là cái Tâm này thật là bất chừng, khi vầy khi khác. Rồi có khi thì có, có khi thì không.
Trong một ngày đêm 24 giờ, thì cái Tâm này có chừng mấy giờ. Tâm khi vui rồi qua một thời gian 5 phút, 10 phút gì đó rồi lại buồn. Như vậy, cái Tâm này nó không liên tục, lại đứt khoảng. Nên trong 24 giờ, có khi nào Tâm này trôi chảy suốt 24 giờ đâu ! Nhất là khi ngủ ngon thì không có buồn, vui.... gì hết, thì lúc đó Tâm này coi như không có. Rồi trong lúc không ngủ thì đâu phải lúc nào cũng có Tâm vui hay buồn…đâu phải vậy, có nhiều lúc không có gì cả.
Như vậy cái Tâm này không có trọn vẹn 24/24 giờ, mà chỉ có chừng 10/24 hay 12/24, như vậy Tâm này nó là Vô thường.
Mà Vô thường thì có đổi dời .
Có đổi dời thì không đứng yên, không phải là thứ thiệt. Nó không thiệt Thì nó là giả.
Vậy cái Tâm này là : “Cái Tâm giả”
Vì là “Giả” nên hay hư, mà hư thì có đau khổ .
Thế nên Tâm này là thứ Tâm đau khổ. Thế nên Thần Quang khi cho đây là Tâm mình nên Thần Quang có “Bất an” (Tâm con chưa an). “Bất An” là “không yên” nên có sinh ra và diệt đi, là có sinh - diệt, tức là : Vô thường.
Vô thường nên không nắm được, bắt được, thế là bị hụt hẫng. Hụt hẫng là đau khổ.
Nên Thần Quang có “Khổ đau” sinh ra (Bất an là nghĩa của đau khổ). Không riêng gì Thần Quang, bất cứ ai có đời sống như vậy đều giống như Thần Quang và đều là: Khổ đau .
Hễ ai có “Bất an” tức người ấy có “Khổ đau”.
Bất an = Khổ đau
Theo ngữ lục, sách viết về Thần Quang, nói rằng Thần Quang vì “Bất an” quá đỗi mà nhức đầu kinh khủng, nhức đến xương sọ đội cao lên.
Hình ảnh xương đầu nhô cao và đau nhức là cụ thể cho một “Tâm Bất an”.
Như vậy cái “Tâm” mà Thần Quang cho và con người cho là “Tâm mình” thì đây là một thứ Tâm chỉ làm nguy hại cho mình thôi. Nhất là khi cái Tâm này dẫy đầy Tham - Sân - Si. Chẳng những nó là khổ cho bản thân mình mà còn làm khổ cho người khác, và khổ cho cả thiên hạ sinh linh. Vì từ Tâm Tham, Sân, Si mà còn có ra các tội ác: Giết hại, Cướp trộm, Dâm tà, Lường gạt dối trá v.v…
Khi Thần Quang biết được những thứ Tâm tội ác này thì Thần Quang bỏ, cố bỏ mà đi xuất gia để cố công tu sửa. Thần Quang đã dụng công suốt tám năm mà nỗi “Bất an” không hết. Tuy là những bất an xấu ác theo thế gian người đời không có nữa, nhưng vẫn còn bất an vì việc tu hành chưa sáng tỏ. Hãy còn dùng cái Tâm này mà tu nên Thần Quang vẫn chưa thoát khỏi niềm bất an . Vì Tâm này vốn là Tâm sinh diệt, là Tâm giả, Tâm Vọng nên kết quả cũng chỉ là giả vọng thôi. Cái Tâm này thuộc về cái Tâm hay suy nghĩ. Mà suy nghĩ, dù là suy nghĩ tập trung đi nữa cũng là suy nghĩ nên sẽ có tình trạng “căng thần kinh”, đó vì sử dụng nhiều tế bào chất xám ở vỏ não. Bị động não nhiều mà nhức đầu .
Tâm này nó có Thiện có Ác. Bỏ Ác thì
còn Thiện. Suy nghĩ về Ác cũng nhức đầu mà suy nghĩ về Thiện cũng vẫn nhức đầu, có suy có nghĩ, có tập trung thì có nhức đầu. Đây là việc rất rõ ràng.
Vì vậy tu mà còn dùng cái Tâm này thì còn ràng buộc chưa giải thoát được.
Tâm này trong chuyên môn gọi là “Tâm Ý thức” hay “Tâm ý”, hoặc “Ý”, là “Tâm sinh diệt”, “Tâm Vô Thường”, “Tâm Vọng”, “Tâm Niệm”, là thứ “Tâm hiện tượng”. Và Tâm có khi có Niệm Khởi. (Niệm là một Khởi nghĩ, khởi suy. Hình ảnh hoá như mặt nước phẳng mà cá ục. “Cá ục” là hình ảnh “Niệm”).
Tâm=Niệm |
Và như vậy
Thế là Niệm xác định Tâm.
Có Niệm thì đó là có Tâm. Niệm làm nên Bất an. Nên có Niệm thì tức có Bất an. Niệm nhiều thì Bất an nhiều. Dù Niệm Thiện hay Niệm Ác cũng đều gây Bất an. Niệm Thiện như là có Thương, Niệm Ác như là có Ghét. Hễ có Thương và có Ghét tức là có Bất an, ấy là “Tâm không an”.
“Tâm con chưa an” chính là như vậy. Ấy là: Niệm dấy đầy đầu con!
2- Tìm Tâm Không Thể Được .
Khi Tổ dạy : “Đem Tâm ra đây” Ta “an” cho.
Ngươi nói Tâm Ngươi không an vậy hãy đem cái mà Ngươi gọi là “Tâm” đó ra đây để Ta “an” cho, tức để Ta làm cho nó yên. Nó là cái gì đó, là như thế nào đó hãy lấy đưa cho Ta xem, Ta làm yên cho.
Đây là lời nói đầy từ bi của Tổ.
Lời nói này, Tổ đã khiến Thần Quang ở vào vị trí Chủ, buộc Thần Quang phải quán sát bằng năng lực Chủ của mình, mà bấy lâu Thần Quang đã quên và không biết sử dụng năng lực này mà đành trộn lẫn vào năng lực Khách. Đây là điều đáng tiếc cho Thần Quang và cho biết bao nhiêu người, có thể nói là khắp chúng sanh đều như thế. Tình trạng này chẳng khác nào nhà vua tuột khỏi ngai vàng để lẫn vào quân tướng, vào trăm họ để khiến đất nuớc thành loạn, thành đau khổ. Giờ Tổ đặt vua lại vị trí ngai vàng, thế là loạn kia liền yên. Đó là vì ngai vàng có chủ.
Thần Quang đặt mình vào vị trí Chủ, và quán sát. Trước giờ làm khách nên ồn ào náo loạn, giờ làm Chủ rồi thì Khách mất nên hết ồn, tự yên.
Nhưng tiếc rằng khi “yên” rồi, hết ồn rồi vậy mà Thần Quang không biết, lại ngẩn ngơ: - “Con tìm Tâm không thể được”
Dẫu “Tìm không được Tâm”, nhưng rõ ràng là đã hết “Bất an”.
Đã thực ở vị trí Chủ rồi, sống bằng năng lực Chủ, là năng lực như thật chính mình, thì cái giả cái vọng tự tiêu thôi. Cái Tâm cái Niệm tự mất thôi.
Vì thực ra cái gọi là Tâm là Niệm này nó là cái bóng của hình thôi. Khi bóng đã nhập hình rồi, thì bóng phải mất, thế nên tìm Tâm tìm Niệm “không thể được”. Việc này phải như vậy thôi, thế mà Thần Quang không biết đành ngẩn ngơ. Mình là “Chủ” là “Vua” mà không hay ra, thật đáng tiếc!
Tuy nhiên Tổ lại từ bi hơn, Ngài vỗ đầu xác nhận cho:
“Ta đã an Tâm cho Ngươi rồi đó”
Đến chừng đó Thần Quang mới giật mình hay ra: À thì ra... là mình thật đây mà! -Chính cái chỗ hổng có Tâm là: “Mình thật” đây. Cái mình này mà lại “Vô Tâm”, “Vô Niệm”, là chỗ Rỗng Không hông một vật – “Mình” đây!
Thế là ngay đó Thần Quang được Ngộ, hay ra được cái “Thật” muôn đời!
3-Tâm Bồ Đề Đạt Ma.
Thần Quang được Ngộ, Ngộ đó là Ngộ cái gì? Là hay ra cái gì?
- Đó chính là biết rõ được “'Mình” là ai, mà bấy lâu ngu si không biết. Nay biết được Mình - là Cái Mình chân thật - đó là hết ngu, là có Trí Huệ được sáng suốt rồi, thế nên Tổ đổi tên mới cho là Huệ Khả (Nguời có Trí Huệ).
Tổ ấn chứng cho Thần Quang, tức Tổ xác nhận cho cái thấy của Thần Quang: Như vậy là Ngươi có được cái thấy Trí Huệ rồi!
Cái Thấy đó được gọi là gì?
- Đó là “Cái Tâm Bồ Đề Đạt Ma”
Tâm mà Thần Quang Ngộ ra đó chính là cái Tâm Giác Ngộ (Bồ Đề) Chánh Pháp (Dharma).
Tâm đó là TÂM GIÁC đúng như PHÁP.
Đây là TÂM TRÍ HUỆ SIÊU VIỆT QUA BỜ MÊ.
Là BỔN TÂM - TÂM CỘI NGUỒN - TÂM GỐC GÁC.
TÂM này là thứ TÂM BẢN THỂ, không sanh không diệt, có mặt 24/24 giờ là TÂM CHƠN THẬT, TÂM rỗng trống hông có một Niệm nào, hông có niềm đau và nỗi khổ, hông sanh hông tử, hông thiên đường hông địa ngục, hông ta hông người, hông Tham - Sân - Si v.v... hông tất cả. Đó là chỗ “Xưa nay hông một vật” là TÁNH, là TỰ TÁNH vậy!
TÂM này ở Thần Quang in qua TÂM Tổ Bồ Đề Đạt Ma giống y, như hai bàn tay úp lại, như hai thẻ tre xấp lại y hệt gọi “TÂM ẤN TÂM”.
Tâm thầy và Tâm trò giống y nhau, cùng một giống Trí Huệ, cùng một thể Thanh Tịnh, sạch bóng khổ đau.
Thế là:
“Ta đã an Tâm cho Ngươi rồi đó”
Thần Quang hết “bất an” hết khổ đau thành Huệ Khả.
Tâm an vui.
HANG ĐỘNG ĐẠT MA
----- o0o------
Cách Thiếu Lâm Tự về phía trái nhìn lên ngọn núi Thiếu Thất (Tung Sơn), khoảng 3 cây số, có một hang động, đó là hang động mà Tổ Bồ Đề Đạt Ma xưa đã từng ở đó.
Từ chùa Thiếu Lâm đi ngược lên đỉnh núi, đến khoảng 3/4 núi, người khoẻ đi khoảng 1 giờ thì đến, đó là hang động Đạt Ma.
Đường đến hang động được xếp đá làm cấp, bề ngang khoảng hai người đi. Đường nay vẫn còn rậm rạp (2007). Đến hang động, đó là một động khối hình chữ nhật, rộng 4m cao 3m và sâu 6m. Động này đã có bàn tay con người dự vào. Đây là nơi Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã ngồi suốt 9 năm nhìn vách đá (cửu niên diện bích). Ngày nay vẫn còn cái bóng Ngài ngồi in trên vách đá.
Từ quang cảnh này mới thấy ngày xưa (533) tráng sĩ Thần Quang đã rất vất vả mới tìm được hang động. Hôm nay thế kỉ 21 rồi mà vẫn còn vẻ rừng rú hoang sơ. Từ đây thấy rõ ý chí cầu Pháp của Thần Quang rất là mãnh liệt. Đúng là “cầu Pháp”, chứ chẳng phải cầu gì cho thân xác. Và điều đó diễn tả Thần Quang đã chặt một cánh tay dâng Tổ thật là có lý.
Một cánh tay đứt đoạn, một lời “An Tâm” vang động khắp đất trời. Âm vang ấy vẫn còn đọng lại trên thế gian này, và sẽ bất diệt đến mai sau.
Thần Quang có ý định chặt đứt Ngũ Uẩn, và bù lại Tổ ban cho pháp An Tâm và Thần Quang trở nên Trí Huệ phi thường.
“Huệ Khả” đã được sinh ra từ đó. Trí Huệ này là Trí Huệ được truyền nối từ Tổ thứ 27 của
Ấn Độ đó là Tổ “Bát Nhã” truyền qua Tổ Bồ Đề Đạt Ma, đó chính là Trí Huệ Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, nguồn mạch này được dẫn xuất từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Đức Phật Ngài im lặng suốt 49 ngày đêm. Đạt Ma im thin thít suốt 9 năm dài. Im Lặng - Lặng yên. Thân, miệng bất động, Tâm ý bất động - Bất động trọn vẹn.
Cả trời đất trăng sao đều bất động.
“Bất động”! “Bất động”! “Bất động”!
- “Bất động nhiệm màu”!
“Bất động”, truyền “Bất động”. Bất động truyền...
Ô! Nghe gì chăng? Thấy gì chăng? Đạt Ma! Phật! - Là gì?!
Bất động! Bất động!... Như!
Trời “Như”. Đất “Như”.
Chúng sanh, vạn vật... “Như”!
Như Như Bất động truyền đăng tục diệm
Bất động Như Như nối lửa tiếp đèn
Pháp pháp hà tằng pháp
Tâm Tâm tự Tâm Tâm
A!
TÂM - PHẬT - CHÚNG SANH
Nào sai khác.
Vậy là gì?!
- Ầu ơ! Âu Cơ trứng nở thành con
Trời xanh lồng lộng non sông Lạc Hồng.
Nam Mô Phật!
ĐẠT MA ! ÔNG LÀ AI ?
- Ông là ai?
- Mà con thấy:
Ngài ở khắp cả mọi nơi,
Ngài ở khắp trăng sao và vũ trụ.
Ngài lại ở giữa lòng trái đất,
Ở khắp năm châu, khắp bốn biển,
Khắp núi non, sông ngòi và khe lạch kể cả những mạch ngầm trong lòng đất.
Ngài ở cả trong rừng sâu, trong khe đá, trong cỏ cây hoa lá.
Và Ngài lại ở trong từng sinh vật, từ con trùng, con dế, con kiến, đến con trâu, con bò, con nai, con cọp, con voi.
Và cho đến có trong con gà, con vịt, con ngỗng, con ngan, con chim, con cá, con tôm, con tép,
Và kể cả có trong virus corona và trong ma, trong quỷ, trong thần tiên,
Trong cả địa ngục A tỳ, và trong cả thiên cung, địa phủ.
Ngài có khắp sinh linh vạn vật.
Ngài lại có cả trong Sinh, Trụ, Dị, Diệt,
Và có cả trong Thành, Trụ, Hoại, Không.
Và Ô! Ngài cũng có trong Pháp giới mênh mông,
Và Ngài cũng có trong mỗi con người.
Và thưa Ngài! Ngài cũng có cả ở trong “Con”:
Ngài có trong con khi con cười,
Ngài có trong con khi con khóc,
Ngài có trong con khi con sanh,
Ngài có trong con khi con già,
Ngài có trong con khi con bệnh,
Và Ngài có cả trong con khi con chết.
Ngài Đạt Ma ơi!
Con thương Ngài quá!
Có phải chăng là:
Con với Ngài tuy hai là một, Ngài với con tuy một mà hai.
Trân trọng kính chào Ngài!
Hôm nay là Lễ giỗ Ngài đây,
Xin Ngài chứng giám tấm lòng con.
Nam Mô Phật!
Các bài mới
- Tâm Thiền, Tâm Xuân Nơi Khởi Đầu Tươi Mới - 12/02/2024
- Thầy - Những Câu Chuyện Và Lời Dạy - 24/04/2023
- Duyên Lành Với Sư Ông - 02/03/2023
- Kính Lễ Thâm Ân - 05/01/2023
- Cái kén con tằm - 29/08/2022
Các bài đã đăng
- Thanh kiếm vào đời - 21/07/2020
- Hạnh phúc chân thật - 07/04/2020
- Nhìn đời như bọt nước - 13/09/2019
- Thông điệp của Địa Tạng Vương - 26/08/2019
- Gương sáng muôn đời - 15/06/2019
Đạo phật với đời sống
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 04932
- Online: 13