Coi chừng bị gạt
12/05/2018 | Lượt xem: 4079
TT.Thích Thông Phương giảng tại TV Thường Chiếu tại Lễ Giỗ Tổ năm Giáp Ngọ 2014
Cũng như mọi năm, có duyên lành, Thông Phương đều có trao đổi với chư Tôn Đức và quý Phật tử. Năm nay nói một ý nghĩa mới đó là: “Coi chừng bị gạt” để nhắc quý vị coi chừng bị gạt. Quý vị biết ai gạt không? Coi chừng quý vị bị ông Thông Phương này gạt! Tức là năm nào ngày lễ giỗ Tổ Sư, quý vị cũng nghe ông Thông Phương nói. Ổng nói chán quá, nói không lưu loát gì hết. Tức là có khi thích mà cũng có khi chán. Như vậy có phải là quý vị bị ổng gạt chưa? Thích là thích ai? Chán là chán ai? Đó là điểm tôi muốn nhắc cho tất cả.
Ngài Lâm Tế từng bảo rằng: “Sắc thân bốn đại của các ông chẳng biết nói pháp nghe pháp; tỳ, vị, gan, mật chẳng biết nói pháp nghe pháp; hư không cũng chẳng biết nói pháp nghe pháp”. Vậy thì quý vị nghe ai nói mà thích hoặc chán? Rồi thích là thích ai, chán là chán ai? Đó là điểm mà không khéo quý vị sẽ bị gạt. Thật sự hiện tại đây ai đang nói và ai đang nghe? Ai khéo thì thấu được chỗ này, còn không khéo là coi chừng bị ông Thông Phương này gạt lần nữa.
Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật từng bảo Ngài A-nan rằng: “Các ông nếu còn dùng tâm phan duyên mà nghe pháp thì pháp này cũng là cái sở duyên chứ chẳng phải là pháp tánh”. Tức là các ông mà còn dùng cái tâm lăng xăng để nghe pháp thì nghe rồi chỉ duyên theo tiếng nói pháp đó, nhớ tiếng nói đó và cho Phật là cái hình dáng đang nói, đang ngồi động môi động lưỡi đó. Như vậy không phải là bị gạt hay sao? Tức là do duyên theo hình tướng và tiếng nói mà chưa thấy được pháp thật. Bị gạt là như vậy.
Quý vị có nhớ câu chuyện Quốc sư Huệ Trung với Tam tạng Đại Nhĩ không? Ông Tam tạng Đại Nhĩ được tha tâm thông - là biết được cái tâm ý của người khác. Qua Trung Hoa, vua Đường muốn thử mới nhờ Quốc sư Huệ Trung kiểm lại. Quốc sư Huệ Trung mời ông đến. Lần đầu Quốc sư Huệ Trung khởi niệm đi đến bến đò Tây Xuyên, rồi hỏi:
- Nghe nói ông được tha tâm thông vậy ông thử nói coi tôi đang ở đâu?
Tam tạng Đại Nhĩ nói:
- Hòa thượng là Quốc sư của một nước mà tại sao lại đến bến đò Tây Xuyên xem đò đua?
Lần thứ hai Sư khởi niệm đến cầu Thiên Tân, rồi hỏi:
- Bây giờ ông xem coi tôi ở đâu?
Tam tạng Đại Nhĩ nói:
- Ngài là Quốc sư của một nước tại sao lại đến nơi cầu Thiên Tân xem khỉ giỡn?
Lần thứ ba, Quốc sư im lặng một chút rồi hỏi:
- Ông nói coi bây giờ tôi đang ở đâu?
Tam tạng Đại Nhĩ tìm tới tìm lui không thấy đâu hết.
Quốc sư thúc
- Ông nói mau đi!
Tam tạng Đại Nhĩ tìm hoài không ra.
Quốc sư quở:
- Chỉ là con cáo tinh chứ tha tâm thông ở chỗ nào!
Như vậy Tam tạng Đại Nhĩ có bị gạt chưa? Hai lần đầu ông nói được là do Quốc sư thị hiện khởi tâm đến bến đò Tây Xuyên, đến cầu Thiên Tân, còn lần thứ ba ông không thấy, như vậy thì ông có thật thấy Quốc sư Huệ Trung hay không? Bởi vì Quốc sư là bậc đạt đạo cho nên Ngài tự tại. Hễ muốn nghĩ thì nghĩ, muốn dừng thì dừng; không phải giống như mình, không muốn nghĩ mà nó cứ nghĩ, còn muốn dừng nó lại không dừng. Khi Quốc sư khởi niệm đến bến đò Tây Xuyên, khởi niệm đến cầu Thiên Tân thì ở trong tâm có tướng hiện nên ông thấy được. Lần thứ ba, Quốc sư dừng lại không khởi niệm thì đâu có tướng gì nên ông không thấy được. Nhưng chính đó mới thật là Quốc sư. Như vậy, nếu như tâm ông thật sự sáng rõ ràng, thì ngay khi Quốc sư hỏi “Tôi ở đâu?”, ông lễ bái là xong. Ngay lúc Quốc sư đang đối diện trước mắt ông mà ông không thấy được, còn hai lần trước Quốc sư đi chỗ này chỗ kia mà thấy, thì đó chỉ là cái bóng của Quốc sư. Cái bóng thì thấy còn khi Quốc sư hiện tiền thì lại không thấy, vậy không phải bị gạt sao? Coi như Tam tạng Đại Nhĩ bị Quốc sư gạt một cú thật đau! Cho thấy ông cũng có tha tâm thông nhưng mà tha tâm thông thường nên chỉ thấy được cái bóng, còn khi cái chân thật hiện thì không thấy được. Đây là chỗ mình phải hết sức cẩn thận!
Chúng ta lâu nay cũng thường hay bị gạt theo kiểu này, tức là thấy theo cái bóng, bây giờ hãy khéo nhớ trở lại để mình khỏi bị gạt nữa. Trở lại thực tế, nãy giờ quý vị ngồi đây thấy ông Thông Phương này vui, quý vị cũng vui theo và khi thấy ổng buồn, quý vị cũng buồn theo. Như vậy là quý vị chỉ nhớ tiếng nói tướng cười, dáng vẻ ở bên ngoài, như vậy quý vị có đang bị gạt không?
Chúng ta học Phật không giống ngoài thế gian. Ở thế gian khi mình nói ra cái gì thì đó là chân lý, bắt buộc người ta phải nghe theo. Còn ở đây lại khác, nói ra nhưng lại bảo coi chừng bị gạt. Trong đạo khác với ở ngoài, nhất là trong nhà thiền. Trong nhà thiền, các Thiền sư thường hay nói thẳng sự thật, không nói quanh hoặc là nói che giấu. Nói trực tiếp mà lời thật thì không giống thế gian, nhưng khéo nghe thì mình sẽ nhận thẳng vào sự thật. Giảng sư ở ngoài đời chắc không ai dám nói như vậy. Mình nói ra rồi bảo người ta coi chừng bị gạt thì nói làm chi! Ở đây nếu quý vị khéo thì mình sẽ thấy được ý nghĩa chân thật. Nhất là trong nhà thiền, phải thấy thật kỹ. Chỗ này có liên hệ đến kinh Kim Cang.
Vào đề, Đức Phật ôm bình bát đi khất thực. Khất thực xong Ngài về Tinh xá Kỳ-hoàn thọ trai. Thọ trai xong, Phật xếp y bát, ngồi thiền. Ngay đó Ngài Tu-bồ-đề liền tán thán: “Thật hy hữu! Như Lai khéo hộ niệm cho các vị Bồ-tát, khéo phó chúc cho các vị Bồ-tát”. Tức là Phật chưa nói gì hết mà Ngài Tu-bồ-đề tán thán như trên. Như vậy Ngài thấy cái gì mà tán thán? Mỗi ngày Phật ôm bình bát đi khất thực rồi về thọ trai Ngài cũng thấy, nhưng tại sao hôm nay Ngài tán thán? Ngài tán thán cái gì? Đây mới là chỗ coi chừng bị lầm, coi chừng bị gạt. Đó là, trong chỗ Phật đi lại, Ngài thấy thấu qua những tướng đó, không dừng ở trên cái tướng đi đi lại lại đó, cho nên Ngài tán thán cái chỗ luôn hiện hữu sáng ngời ở trong mọi cử chỉ hành động của Phật.
Lẽ thật đó thật là hy hữu, đó là chỗ khó thấy cho nên Ngài tán thán Đức Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ-tát, khéo phó chúc các vị Bồ-tát. Tức là chỗ mà Phật hộ niệm, phó chúc cho các Bồ-tát là chỗ sống của chư Phật. Các Bồ-tát giữ gìn chỗ đó chính là giữ gìn mạng mạch Như Lai. Phó chúc là phó chúc chỗ đó chứ không phải phó chúc ở cái tướng ôm bình bát đi đi lại lại. Cái tướng này tới tám mươi tuổi thì Phật cũng nhập Niết-bàn rồi. Phó chúc, giữ gìn ánh sáng luôn luôn hiện hữu trong mọi cử chỉ hành động. Khéo thấy chỗ đó thì mới không bị gạt, không khéo thì bị gạt.
Trong nhà thiền có chuyện cô ni và Thiền sư Sùng Tín ở Long Đàm. Cô ni này tu đã lâu. Theo quan niệm của mấy cô ni là thân Ni không được bằng Tăng cho nên cô muốn chuyển Ni làm Tăng. Cô đến Thiền sư Sùng Tín thưa:
- Bạch Hòa thượng, làm sao cho con được làm Tăng?
Thiền sư Sùng Tín bảo:
- Vậy, cô làm Ni đã bao lâu rồi?
Cô thưa:
- Nhưng có khi nào con được làm Tăng không?
Thiền sư Sùng Tín bảo
- Hiện nay cô là gì?
Cô nói:
- Là cái thân Ni này ai mà chẳng biết.
Thiền sư Sùng Tín bảo:
- Nhưng ai biết cô?
Đó là chỗ không khéo thì bị gạt. Cô ni này cứ chấp chặt vào cái tướng Ni, tức là cái tướng nữ này, không dám buông nó cho nên cô mới đi cầu làm Tăng. Cầu làm Tăng mà chấp cái tướng Ni này không dám buông, như vậy có mâu thuẫn không? Thiền sư Sùng Tín hết lòng khai thị cho cô nhưng cô vẫn cứ chấp chặt cái tướng Ni này mãi, cho nên cô bị nó gạt mà không hay. Nghĩa là cô chấp cái tướng Ni là cô, mới đến hỏi Thiền sư làm sao được làm Tăng. Thiền sư Sùng Tín bảo: “Cô làm Ni đã bao lâu rồi mà muốn làm Tăng?” Tức là Ngài muốn hỏi cái tướng Ni này là cô hay sao? Cô vẫn chưa thấy được ý đó nên hỏi lại: “Có khi nào được làm Tăng hay không?”. Ngài Sùng Tín nhấn mạnh lại lần nữa: “Nhưng mà hiện nay cô là gì cái đã?”. Cô đáp: “Thì cái thân Ni này, ai mà không biết.” Vậy tức là cô chấp nhận cô là cái thân Ni này, bây giờ muốn cầu làm Tăng.
Với cô, cái thân Ni này là cô, mọi người đều thấy rõ đây. Cô cứ khăng khăng chấp nhận nó là mình, rồi lại muốn chuyển nó làm Tăng. Chi cho cực vậy? Nếu ngay đó mà tỉnh ngộ “cô” không phải là tướng Ni này, buông cái chấp tướng Ni này thì chuyển liền rồi! Buông nó thì chuyển liền, còn cứ khăng khăng chấp nó là mình rồi muốn chuyển nó, làm sao chuyển? Đó là chỗ người ta hay bị lầm, bị gạt.
Hiểu vậy mới thấy chúng ta bị cái tướng này gạt rất nhiều. Phật gọi là tướng chấp ngã. Không phải mình mà chấp là mình nên bị gạt. Bây giờ nhận rõ rồi, buông xả bớt, tức là bớt chấp thì bớt bị gạt, hết chấp thì hết bị gạt, là giải thoát chứ không có gì khác. Đơn giản nhưng chúng ta vì mê nhiều đời cho nên cứ chấp vào nó, bảo buông thì lấy gì làm chỗ nương tựa. Nhưng xét kỹ, đúng lẽ thật thì nó chỉ là cái thây thúi chứ có gì đâu. Khi tắt thở đưa ra nghĩa địa thì nó là cái tướng của thây thúi. Hoặc nếu đem thiêu thì còn cái gì là ta trong đống tro đó?
Và xét thấu trở lại, khi mới thọ thai trong bụng mẹ, mình là cái gì? Chỉ là giọt máu thôi chưa là gì hết, chưa có kí lô nào hết. Rồi ra đời, mượn tứ đại bên ngoài để bù đắp tứ đại bên trong, dần dần được mấy chục ký lô; bây giờ ngồi đây, kiểm coi mấy chục ký lô này ở đâu mà ra, trong khi ban đầu chưa có ký lô nào hết. Đến khi chết, thiêu rồi cũng không còn ký lô nào thì lẽ thật là như vậy. Nhưng do lầm mê của mình cho nên vào đây rồi thì bám nó là mình. Do đó, Phật cũng như các Thiền sư muốn đánh thức cho người để thấy đúng trở lại, hết lầm mê, hết bị gạt. Nếu ngay đó tỉnh lại thì liền thấy được đường về, còn ai chưa tỉnh thì xin nhắc thêm câu chuyện này sẽ thấy.
Ngài Ma Cốc đến chỗ của Ngài Chương Kỉnh, đi nhiễu quanh giường thiền ba vòng rồi dộng cây tích trượng một cái, đứng nghiễm nhiên ngay trước mặt Ngài Chương Kỉnh. Ngài Chương Kỉnh nói: “Phải! Phải!”.
Đến chỗ Ngài Nam Tuyền, Ngài cũng đi nhiễu quanh giường thiền ba vòng rồi dộng cây tích trượng một cái, đứng nghiễm nhiên trước mặt. Ngài Nam Tuyền bảo: “Chẳng phải! Chẳng phải!”.
Ngài Ma Cốc hỏi:
- Ngài Chương Kỉnh thì nói “Phải! Phải!”, tại sao Hòa thượng lại nói “Chẳng phải”?
Ngài Nam Tuyền bảo:
- À! Thì Chương Kỉnh là phải, còn ông thì chẳng phải. Đây là do sức gió chuyển, cuối cùng sẽ thành bại hoại.
Đó là chỗ Thiền sư cảnh tỉnh. Chống trượng đi vòng vòng thì tức là cái thân này đi vòng quanh, rồi đứng ngay trước đó chống tích trượng, thì Ngài Chương Kỉnh nói: “Phải! Phải!”. Nhưng không khéo người ta sẽ lầm cái tướng đi vòng vòng đó, đứng trước đó, cho đó là chính mình thì nguy!
Đến Ngài Nam Tuyền thì nói: “Chẳng phải! Chẳng phải!”. Khi Ma Cốc hỏi tại sao, thì Ngài giải thích: “Chương Kỉnh thì phải, còn ông thì không phải, đây chỉ là sức gió chuyển động thôi, cuối cùng nó cũng bại hoại”. Tức là tắt thở thì nó cũng ra nghĩa địa. Như vậy cái gì là phải?
Ngài Chương Kỉnh là một vị Thiền sư đắc đạo, mắt sáng rồi nên Ngài thấy rõ không mê. Nhưng Ngài thấy cái gì mà nói “Phải! Phải!”, là Ngài thấy cái sâu xa bên trong chứ không phải là chỉ cái tướng đi tới đi lui đó. Ngài Nam Tuyền nói “Chẳng phải” là ngầm chỉ cái tướng này, cuối cùng nó cũng thành bại hoại, cũng ra nghĩa địa, trở về cái thây thúi thôi thì phải chỗ nào? Và Ngài giải thích thêm, đó chỉ là sức gió chuyển động. Khi còn ở đây thì còn cử động tới lui, nhưng khi tắt thở rồi nằm cứng đơ thì phải ở chỗ nào, là để nhắc mình không lầm trong đó.
Có một vị thầy ở Tây Tạng một lần đi qua Tây phương, chở người bạn đi tham quan đến nghĩa địa, thấy người ta xây dựng rất sang trọng. Người bạn chỉ và nói:
- Ở bên Tây phương này, người ta làm cái gì cũng sạch sẽ trang trọng hết. Những cái nhà cho những thây chết mà cũng cất rất sang trọng.
Ông thầy nói:
- Đúng vậy, bên đây người ta cất những cái nhà cho những cái thây chết sang trọng vậy đó và người ta cũng cất những cái nhà sang trọng cho những cái thây sống nữa.
Đây muốn nhắc, kia là những cái thây chết, còn đây là những cái thây sống chứ có gì đâu! Những cái thây còn cử động đi tới đi lui là thây sống, hết cử động thành thây chết, vậy thôi. Như vậy mình không thể lầm trong cái thây này mà phải thấy cái sâu xa trong đó. Đó là những điểm mà mình nghe, học, chiêm nghiệm lại, thấy cho kỹ để ít bị gạt. Dần dần hết còn bị gạt là giải thoát.
Nhưng việc này không phải đơn giản. Phải thật sự nghe nhận, khéo chiêm nghiệm kỹ. Như câu chuyện này của Ma Cốc, không phải chỉ nhìn ở trên cái tướng đầu, mắt, tay, chân đi lại. Ngài Chương Kỉnh có mắt sáng cho nên Ngài nói “Phải” là để cho ông ngay đó có chỗ để tỉnh ngộ trở lại; còn nếu ông hồ đồ vội vàng, nhận lầm cái tướng đó thì khi sức gió dừng, ông ngã lăn ra chết thì cái phải nó nằm chỗ nào? Hiểu vậy mới thấy có những cái điểm mà mình phải nhìn kỹ hơn, không khéo là bị lầm.
Ngài Quy Sơn một hôm sai người gọi ông Viện chủ. Ông Viện chủ nghe Hòa thượng gọi, liền đi đến ra mắt. Khi ông đến rồi, Ngài Quy Sơn bảo:
- Ủa! Ta bảo gọi ông Viện chủ mà ông đến đây làm gì vậy?
Ông Viện chủ ngơ ngác không biết trả lời sao.
Chỗ này Ngài Quy Sơn gọi tỉnh “Ai mới là ông Viện chủ?” chứ không phải gọi cái thây này. Cái thây này đến đây làm gì? Cho nên mang cái thây này đến thì Ngài nói “Ta gọi ông Viện chủ kìa chứ không phải gọi cái thây này đến làm gì”. Ngay đó nếu khéo, tỉnh lại thì ông hết bị gạt. Còn cứ nhận cái thây này là mình thì còn bị gạt dài dài. Những cái đó quý vị nghiệm kỹ thì sẽ thấy trong cuộc sống của mình, mình sáng lên rất nhiều, bớt bị gạt rất nhiều và cũng bớt phiền não. Cho nên khi thấy hoặc nghe huynh đệ nói anh đó dễ ghét hoặc thấy anh đó dễ thương, thì phải xét lại dễ ghét dễ thương đó là ai? Ai dễ ghét? Ai dễ thương? Nếu thấy cái tướng dễ ghét này cái tướng dễ thương kia, thì bị gạt rồi. Còn nếu thấy thấu suốt được cái này thì bớt lầm vào cái tướng dễ ghét dễ thương tức sẽ cởi mở bớt phiền não trói buộc.
Để rõ hơn xin nghe kỹ câu chuyện Ngài Động Sơn đến lễ Hòa thượng Hưng Bình.
Ngài Động Sơn khi còn đi tham học, đến lễ Hòa thượng Hưng Bình. Hòa thượng Hưng Bình bảo:
- Thôi, ông chớ có lễ cái già nua này làm gì!
Tức là Hòa thượng Hưng Bình lúc này cũng già lớn tuổi rồi, đến lễ thì Hòa thượng bảo “Thôi đừng lễ cái già nua này!”.
Động Sơn thưa:
- Con lễ cái không già nua.
Lễ nhưng mà lễ cái không già nua kìa!
Hòa thượng Hưng Bình bảo:
- Cái không già nua không có nhận lễ.
Ngài Động Sơn thưa:
- Nhưng mà y cũng không có ngăn.
Không nhận mà cũng không ngăn. Vậy, Ngài Động Sơn thấy cái gì, lễ cái gì? Ngài Động Sơn có thật thấy Hòa thượng Hưng Bình hay không? Và Hòa thượng Hưng Bình có cô phụ lòng tốt của Ngài Động Sơn hay không? Hai bậc thầy này thấy cái gì mà nói như thế? Ngài Động Sơn lễ, Hòa thượng Hưng Bình thì bảo: “Đừng có lễ cái già nua này làm gì”, cái tướng già nua này cũng ra nghĩa địa thôi. Ngài Động Sơn cũng có chỗ thấy cho nên nói: “Con lễ cái không già nua kìa chứ không phải lễ cái già nua này”. Hòa thượng Hưng Bình nói cái kia không có nhận lễ vì nó không có hình tướng. Ngài Động Sơn nói: “Tuy nó không nhận nhưng cũng không ngăn”, nên Ngài cũng vẫn cứ lễ. Như vậy là Ngài Động Sơn thấy thấu được cái chỗ đó chứ không phải dừng trên cái tướng già trẻ này. Tức là Ngài không bị gạt.
Chừng đó để tất cả khéo nghe rồi nghiền ngẫm kỹ, thấy trong cuộc sống này chúng ta bị gạt ít hay nhiều? Mình thường bị cái bên ngoài gạt, và có khi nào bị chính mình gạt mình hay không? Ai thấu được chỗ này coi như thấy được đường về, cũng thấy được nguồn gốc của chính mình. Bao nhiêu kiếp luân hồi từ vô thủy kiếp đến nay cũng vì mê chỗ này chứ không có gì khác. Chư Phật giác ngộ thành Phật cũng chính chỗ này. Chư Tổ thành Tổ cũng chính chỗ này và thực tế hơn là hôm nay chúng ta cùng nói chuyện với nhau đây cũng không ngoài chỗ này. Đó là chỗ mà tất cả chớ xem thường bỏ qua. Chỗ này rất là chí yếu.
Thấy được chỗ này rồi thì biết Phật có thật nhập diệt hay không? Tổ có thật chết hay không? Bên ngoài, các nhà nghiên cứu phê bình là Đức Phật tu nhọc nhằn sáu năm khổ hạnh và biết bao nhiêu công phu, tới khi thành đạo, cuối cùng cũng nhập Niết-bàn, tức là cũng diệt như mọi người. Vậy bao nhiêu công phu tu để làm gì? Tức là họ cho Phật thành Phật là thành ở cái thân này, rồi khi nhập diệt là mất hết. Nói như vậy tức là họ chưa thấy được Phật.
Còn chúng ta ở đây nếu thấy thấu được chỗ này rồi thì họ nói vậy mình cười thôi. Vì chúng ta thấy Phật tuy nhập diệt nhưng Phật chưa từng diệt, cũng như Tổ cũng chưa từng chết. Như vậy chúng ta cũng đâu phải sợ mất sợ diệt.
Vậy thì hôm nay Thông Phương cũng nguyện đem lễ phẩm này kính dâng lên Tổ sư chứng minh và cũng kính xin tất cả: COI CHỪNG BỊ GẠT!
Các bài mới
- Tâm thiền - 08/05/2018
- Pháp môn một chữ - 28/04/2018
- Tu tâm xả - 16/04/2018
- Hãy nhớ cái chết đang chờ chúng ta - 10/04/2018
- Sống không khoảng cách - 24/03/2018
Các bài đã đăng
- Ở đâu có ta là có đau khổ - 11/03/2018
- Hãy khéo chăm sóc cái tâm - 24/02/2018
- Phương pháp để sống an vui - 21/02/2018
- Thiền là sống ngay thực tại - 11/01/2018
- Giải thoát tri kiến - 08/01/2018
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 90190
- Online: 27