Cội Tùng Nơi Đất Việt

30/03/2023 | Lượt xem: 724

TT.Thích Đạt Ma Khế Định

I. DẪN NHẬP

Trong bối cảnh Phật giáo và xã hội Việt Nam đang trên đà phát triển phồn thịnh, thì nhu cầu tâm linh tu tập để chuyển hóa mọi phiền não khổ đau trong cuộc sống là một quy luật tất yếu, dù cho đó là ở thời đại nào. Không riêng người dân trong nước mà nếu người Tây phương muốn tìm hiểu tu Thiền tại Việt Nam, thì chắc chắn Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử chính là đại diện tiêu biểu trong quá trình hội nhập giữa muôn ngàn sắc màu các hệ phái Phật giáo đương thời

. Hình ảnh hay tên gọi các Thiền viện Trúc Lâm không còn quá xa lạ đối với đại đa số quần chúng hiện nay. Có thể nói pháp môn tu thiền do vua Trần Nhân Tông - Sơ tổ Trúc Lâm từ thời Trần được khôi phục và tiếp nối trong hơi thở của thời đại mới chính là nhờ công lao to lớn của Sư ông Trúc Lâm, người đã khơi nguồn lại thiền tông trên đất Việt trong tinh thần thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ XX, đánh dấu một bước ngoặc lớn trong công cuộc xây dựng lại Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã ngủ yên gần 700 năm.

Với tinh thần đó, Sư ông Trúc Lâm đã lấy tinh thần “tiêu sái tùy duyên” của chư lịch đại tổ sư dòng thiền này tiếp tục xiển dương vận dụng để “nhập thế” phù hợp trong hoàn cảnh hiện tại. Truy nguyên về non thiêng Yên Tử để thấy rằng vị vua Phật hoàng của Đại Việt đã khước từ sự hưởng thụ của thế gian, sống ẩn mình nơi hoang dã, buông bỏ tình chấp ngã nơi thân tâm để một phen đột phá vào cửa thiền chóng nếm mùi đạo vị. Trong Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca, ngài tự sự:

“Học đời chư Phật 

Cho được viên thành 

Xướng khúc vô sanh 

An thiền tiêu sái.” 

Sư ông Trúc Lâm từng nói: “Chúng tôi chủ trương khôi phục Thiền tông đời Trần, cốt yếu sử dụng tinh thần “khế cơ” của đạo Phật, hướng dẫn người Phật tử tu hành nhịp nhàng theo bước tiến của xã hội. Câu “tức tâm tức Phật” trong Thiền tông là đem lại sức tự tin mãnh liệt cho người Phật tử. Có tự tin, chúng ta mới có sức mạnh vươn lên, có tự tin chúng ta mới khẳng định sự thành công trong công tác của mình.”

Con đường thiền mà đức Phật khai sáng, Tổ Tổ tương truyền, đến Phật hoàng Trần Nhân Tông, giờ đây lại được Sư ông Trúc Lâm khơi lại mạch nguồn. Nhờ công lao to lớn của Sư ông Trúc Lâm mà hàng đệ tử, đệ tôn càng vững bước trên lộ trình mà Người đã khai sáng.

II. SƯ ÔNG TRÚC LÂM VÀ ĐƯỜNG LỐI TU THIỀN CỦA NGƯỜI VIỆT

1. Quán triệt sâu sắc lẽ vô thường

Những năm tháng vào đời của Sư ông Trúc Lâm là thời buổi chiến tranh loạn lạc, lại trong cảnh hàn vi, Người luôn thấm thía sự thật của cuộc đời cũng chỉ là muôn vàn khổ đau. Có lẽ không phải tự nhiên mà do túc duyên tu tập nhiều đời nên khi lên 9 tuổi, Sư ông Trúc Lâm đã cảm nhận sự thanh thoát mà u tịch giải thoát trong niềm xao xuyến bồi hồi khó tả khi tình cờ được nghe tiếng chuông chùa hòa quyện trong đêm thanh vắng: 

“Non đảnh là nơi thú lắm ai

Đó cảnh nhàn du của khách tài 

Tiếng mõ công phu người tỉnh giấc 

Chuông hồi văng vẳng quá bi ai!”

Là đối cảnh sanh tình, hay “non đảnh” A-lan-nhã đánh thức chủng duyên hành giả đã nhiều đời ở trong thiền cảnh? Tuổi ấu thơ, Người đã biểu hiện cho thấy căn lành chủng tánh Phật pháp sâu dày hiện đời không gì khác hơn là con đường tiếp nối đạo nghiệp từ thuở trước. 

Cũng không phải ngẫu nhiên mà trải nghiệm sự đời của Sư ông Trúc Lâm có những điểm tương đồng kỳ lạ với một vị Thượng sĩ nhà Trần - Tuệ Trung bởi ông đã từng trải cuộc đời và cũng nếm mùi cay đắng của con người như thế:

“Xăm xăm cất bước vào bụi đời 

Vàng óng đầu mì, mở khơi khơi 

Xóm bắc rong chơi vào bụng ngựa 

Nhà đông cười nói nhập thai lừa 

Rơi vàng đánh đuổi trâu sắt chạy 

Dây sắt lói đầu cọp đá về

Rôi một ngày mai băng giá hết 

Trăm hoa như cũ rộn xuân đài."

Cho nên, ngài cũng chọn cái thú non đảnh làm chốn tiêu dao giữa cuộc đời ô trược này. Thượng sĩ diễn tả hình ảnh một lão già thâm hiểu giáo lý Phật, biết rõ thân vô thường tạm bợ, lui về ở ẩn chốn núi rừng, sống đời sống đạm bạc, buông xả mọi chấp trước phải quấy hơn thua để tâm được an nhàn tự tại:

“Bìm, chuột không nhân mãi mãi xâm 

Lui về, già gởi chốn sơn lâm.

Nhà tranh cửa gỗ đời thanh thoát 

Không đúng không sai tự tại tâm.”

Bởi vậy, Thượng sĩ đã “Khuyên Đời Vào Đạo” như “Tiếng mõ công phu” của “Người tỉnh giấc” mà Sư ông Trúc Lâm từ nhỏ đã canh cánh trong nỗi niềm khao khát với chí nguyện xuất gia tầm đạo:

“Thời tiết xoay vần xuân lại thu 

Xăm xăm tuổi trẻ đã bạc đầu

Giàu sang nhìn lại một trường mộng 

Năm tháng ôm suông muôn hộc sầu 

Nẻo khổ luân hồi xe chuyển bánh 

Sông yêu chìm nổi tợ bọt chùm

Gặp trường chẳng chịu sờ lên mũi 

Muôn kiếp duyên lành chỉ thế thôi." 

Trong quyển “Hoài bão của tôi” được soạn lại từ bài giảng tại Thiền viện Thường Chiếu xuân Canh Thìn, Sư ông Trúc Lâm nhắc nhở:

“... Quý vị nhớ Thiền sư Huyền Giác, ngài sống được bao nhiêu? Sống có bốn mươi mấy tuổi thôi mà tới ngày nay, chúng ta vẫn học với ngài. Như Chứng Đạo Ca v.v... chúng ta phải học thuộc lòng những câu ngài nói. Còn những người thường ở thế gian sống cả trăm tuổi mà không có cái gì hay, không có cái gì sáng thì chúng ta học không? Đó, để thấy giá trị của con người là giá trị giác ngộ, giá trị tỉnh thức, chứ không phải là giá trị mê lầm...”

2. Muôn pháp từ tâm tạo

Trong Diễn văn khai mạc Thiền viện Chơn Không - Bát Nhã, khóa II năm 1974, Sư ông Trúc Lâm trình bày:

“.... Trong thời mạt pháp mà chủ trương mở mang Thiền viện khôi phục Thiền tông là một việc rất khó khăn của chúng tôi. Bởi vì đại đa số quần chúng Phật tử Việt Nam đã chịu ảnh hưởng sâu đậm Tịnh độ tông. Họ có cảm nghĩ không tốt đối với Thiền tông, hoặc bảo rằng “Thiền là dành cho những bậc thượng căn thượng trí, còn chúng ta căn cơ trì độn làm sao tu nổi!” hoặc nói “Tu Thiền thì phải gia công tự lực, mình yếu đuối làm gì tu được!” v.v... Nhưng chúng tôi thường nói với chúng tăng ở đây “trong mùa đông vẫn có những ngày hạ, cũng như trong mạt pháp vẫn có chánh pháp, hoặc ngược lại”. Chúng ta không thể phủ nhận lời huyền ký của đức Phật, song chúng ta cũng không nên phủ nhận đức tự tín của chúng ta. Chính khi đức Thế Tôn còn ở đời, vẫn có những vị tăng hoàn tục, vẫn có những cư sĩ không muốn thấy Phật. Như thế, đối với những kẻ ấy đâu không phải trong chánh pháp có mạt pháp hay sao? Hiện nay cách Phật hơn hai nghìn năm nếu chúng ta nghe những lời Phật dạy trong kinh, liền thành kính tuân hành đúng mức, trong tâm hằng nhớ Phật chẳng quên. Thế là, đối với chúng ta hiện ở trong thời mạt pháp có khác gì với chánh pháp. Bởi đức Phật thường tuyên bố “kẻ nào y theo lời ta dạy tu hành, dù ở xa ta ngàn muôn dặm cũng như hầu bên cạnh ta; kẻ nào trái lời ta dạy chẳng tu, dù ở bên cạnh ta vẫn cách xa ta ngàn muôn dặm. Chúng ta đừng bi quan bởi cách Phật quá xa, mà đáng bi quan hơn là lòng mình không cố gắng. Cách Phật tuy xa, mà chúng ta vẫn đầy đủ lòng tin, vẫn tinh tiến chẳng dừng, vẫn sống phù hợp với chánh pháp, thì lo gì không thấy Phật, không gần Phật. Cho nên, chúng ta phải gan dạ, phải cứng cỏi, phải dẻo dai, phải nỗ lực tiến tu, thì dù ở thời gian nào vẫn đẹp, nơi chốn nào cũng tốt. Tóm lại, chánh pháp hay mạt pháp, gần Phật hay xa Phật, gốc tại lòng mình. Chúng ta đừng lệ thuộc thời gian, không gian, mà phải vững tin nơi tâm mình. Chỉ chuyển đổi được tâm mình thì mọi việc đều tươi sáng cả. Đó là chủ trương của Thiền tông tức tâm tức Phật.”

Một lần nữa, Sư ông Trúc Lâm chủ trương phát triển Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ XX theo đường lối “tức tâm tức Phật” của Phật giáo đời Trần. Tâm mê là chúng sanh, tâm giác là Phật. Chẳng cần tìm Phật nơi nào khác vì chính cái tâm hằng tri hằng giác này là tâm Phật. Trong bài Phật Tâm Ca, Tuệ Trung thượng sĩ thể hiện rõ quan điểm này:

“Phật! Phật! Phật! không thể thấy! 

Tâm! Tâm! Tâm! không thể nói! 

Khi tâm sanh tức là Phật sanh, 

Bằng Phật diệt là lúc tâm diệt. 

Diệt tâm còn Phật chuyện không đâu, 

Diệt Phật còn tâm bao giờ hết. 

Muốn biết tâm Phật, tâm sanh diệt, 

Hãy chờ Di-lặc sau sẽ quyết..."

Muôn sự muôn vật trong thế giới này, đều biến dịch không ngừng theo một nguyên lý nhất định của chu kỳ nhân quả. Song trong sự biến chuyển ấy chúng đều phát khởi từ cơ cảm của nghiệp quả và trong chiều sâu thẳm tâm thức của chúng sanh.

“Ngày ngày khi đối cảnh 

Cảnh cảnh từ tâm sanh 

Tâm cảnh xưa nay không 

Chốn chốn ba-la-mật.”

Cho nên, Sư ông Trúc Lâm dạy chuyển hóa tất cả tâm mê loạn, chỉ còn tâm thanh tịnh sáng ngời, tâm này là Phật. Sự tu như vậy rất thực tế, vì thấy rõ cái gì nên bỏ cái gì nên theo, nắm vững sự thành công ngay trong tay mình chứ không mong cầu trông đợi vào năng lực bên ngoài.

3. Nêu cao tinh thần tự lực

Nói đến Thiền tông tức là nói đến tinh thần tự lực của chính mình. Như trong kinh A-hàm, Phật dạy: “Này các thầy Tỳ-kheo! Các thầy hãy tự làm hòn đảo cho chính mình, hãy tự nương tựa chính mình đừng nương tựa một cái gì khác, hãy tự thắp đuốc lên mà đi. Thắp với cái gì? Thắp lên với chánh pháp.

Thiền là phương pháp tu chính thống của đạo Phật, lịch sử đã ghi nhận nhờ 49 ngày đêm thiền định dưới cội bồ đề mà đức Phật đã thành tựu đạo quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Không phải ngẫu nhiên mà chùa thường được gọi Thiền môn. Vì Thiền là phát minh vĩ đại của đức Phật, là gia tài mà ngài đã để lại cho chúng ta và chư tổ lại tiếp tục truyền thừa. Thiền là niềm hạnh phúc an lạc cao thượng mang lại nội lực tự tâm mà hành giả tu tập có thể đạt được. Sư ông Trúc Lâm nhận định:

“Thuở xưa đức Thích-ca do tu Thiền mà ngộ đạo, chư tổ sư từ Ấn Độ đến Trung Hoa cũng do tu Thiền mà thành Tổ... Chúng ta nhìn ngược dòng lịch sử, sẽ thấy Thiền tông chẳng những làm rạng rỡ cho Phật giáo, mà còn gầy dựng cho một quốc gia hùng cường. Ngót bốn thế kỷ (1010-1400) dưới hai triều đại Lý - Trần, nước Việt Nam đã tỏ rõ là một nước độc lập hùng cường. Chính khi ấy, Thiền tông đang truyền bá sâu rộng duy nhất trên lãnh thổ Việt Nam. Chẳng riêng ở Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản cũng thế. Thời Đường, Tống, Thiền tông thịnh nhất ở Trung Hoa. Chính lúc văn hóa Trung Hoa lên cao tột đỉnh. Sang Nhật Bản cũng thế, người Nhật chịu ảnh hưởng Thiền tông rất sâu đậm, cho đến thuật đánh kiếm, uống trà, cắm hoa... đều mang sắc thái Thiền. Người dân Nhật Bản đến hiện giờ tinh thần tự tín rất cao, đó là nhờ truyền thống Thiền tông chẳng mất.”

Chính vì thế, việc Sư ông Trúc Lâm khôi phục Thiền phái Trúc Lâm, một phần là để phục hưng và phát huy truyền thống Phật giáo dân tộc Việt Nam, mặt khác cho thấy rằng chư Tổ Việt Nam tu thiền cũng có nhiều vị chứng đạo chứ không riêng gì các Tổ Trung Hoa. Theo dòng lịch sử, tinh thần thiền còn thể hiện ở chỗ chẳng những các vị vua, các bậc anh hùng dân tộc là Phật tử thấm nhuần tư tưởng yêu nước mà chính các Thiền sư thời đại này cũng không bao giờ đi ngược lại nguyện vọng độc lập của cả dân tộc. Bởi vì Thiền đời Trần đã góp phần tích cực bảo vệ đời sống dân chúng Đại Việt được ấm no hạnh phúc, tham thiền sống đạo nhập thế tích cực, song vẫn rất bình dị mà tràn đầy hạnh phúc và an lạc:

“Trong nhà ngồi thẳng lặng không lời, 

Sợi khói Côn Lôn ngắm thảnh thơi.

Từ đó mỏi rồi lòng tự tắt,

Tham thiền nhiếp niệm chẳng lôi thôi.”

Do đó, với tinh thần tiêu sái nhưng đầy nội lực, Tuệ Trung thượng sĩ luôn luôn cổ vũ cho tinh thần tự lực. Vì nếu không tự mình “phản quan tự kỷ” mà mãi vô minh điên đảo “bối giác hiệp trần” thì chúng ta đành xa cách quê hương muôn thuở của chính mình:

“Thôi tìm Thiếu Thất với Tào Khê 

Thể tánh sáng tròn chẳng từng mê 

Nào ngại xa gần trăng vẫn chiếu 

Thấp cao gió thổi chẳng ưa chê 

Ánh thu đen trắng tùy duyên hiện 

Sen nở hương nồng chẳng dính nhơ 

Khúc nhạc xưa nay nên gảy hát 

Chớ tìm nam bắc với đông tây.”

4. Định hướng tu hành cho Tăng Ni

Trong buổi nói chuyện cùng với Tăng Ni tại Thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng ngày 01-01-2000, Sư ông Trúc Lâm dạy đại chúng:

“Phật giáo còn là do sự tu chứng của Tăng Ni. Vậy thì tu chứng mới truyền bá được đạo. Nếu tu không ra gì thì giữ đạo là giữ bằng cách nào? Cho nên phải tu cho đạt đạo thì đó là giữ được mối đạo... Cho nên, cái trọng tâm là muốn duy trì, bảo vệ Phật pháp, không gì hơn là phải tu. Tu là cái gốc để duy trì Phật pháp, bảo vệ Phật pháp…”

Như vậy nhiệm vụ của người tu không phải làm từ thiện, không chỉ nghiên cứu kinh điển, sách vở để giảng dạy mà mục đích chính vẫn là đi sâu vào nội tâm của mình, đem cả thân tâm ra mà tu tập chuyển hóa phiền não và nếm được ít nhiều hương vị giải thoát. Đó chính là chất liệu, là nguồn năng lượng “từ hông ngực” lưu xuất mà chư vị Thiền sư thường nói đến.

Trong kinh Tạp A-hàm thuật lại câu chuyện: 

“Một thời đức Phật ở tại Câu-tát-la du hành trong nhân gian; một đêm nọ dừng chân lại trong rừng sa-la.

Bấy giờ, cách rừng sa-la không xa có một Bà-la-môn làm nghề nông. Sáng sớm thức dậy vào trong rừng sa-la, từ xa nhìn thấy Thế Tôn đang ngồi dưới một bóng cây, tướng mạo oai nghi đoan chánh, các căn thanh tịnh, tâm ý tịch tĩnh, thành tựu đầy đủ chỉ quán đệ nhất. Thân ngài sắc vàng ánh sáng chiếu suốt. Thấy vậy, đến chỗ ngài, bạch rằng:

- Bạch Cù-đàm, tôi làm nghề nông ở gần đây, nên thích rừng này. Bạch Cù-đàm, có nghề nghiệp gì ở đây không, mà thích ở trong rừng này?

Rồi nói kệ: 

Tỳ-kheo ở rừng này

Vì có nghề nghiệp gì? 

Nên một mình chỗ vắng 

Thích ở trong rừng này? 

Bây giờ, Thế Tôn nói kệ đáp lại:

Vô sự ở rừng này

Rễ rừng chặt từ lâu

Nơi rừng, lìa thoát rừng 

Thiên tư, trừ bất lạc.

Sau khi Bà-la-môn nghe những gì Phật nói, hoan hỷ tùy hỷ, làm lễ ra về.”

Đức Phật cho rằng người tu cần phải sống nơi tịch lặng thiền tập để quán chiếu nội tâm, giảm bớt việc thế sự. Ngày nay xã hội văn minh phát triển, các nhu cầu kéo theo cũng nhiều, gần như chiếm hết thời gian công phu của người tu sĩ, điều này vô tình lại đi ngược với quan điểm tu hành mà đức Thế Tôn khuyên răn. Bởi vì khi công việc Phật sự quá nhiều bận rộn khiến Tăng Ni mệt mỏi ảnh hưởng ít nhiều đến công phu hàm dưỡng nội lực nhiếp niệm để đạt được định tĩnh và trí tuệ sáng suốt chân thật.

Tổ Tuyên Luật Sư từng nhận xét: “... Hiện sách vở Phật pháp tràn đầy. Sách vở càng nhiều, càng tạo ra sự xuống đốc, vì học chỉ để nói. Đức Phật dạy: “Đạo của ta để thành chứ không phải để nói.” Học Phật để nói cũng như là những thư ký ngân hàng thôi, không lợi ích gì. Phật giáo có hưng thịnh hay không là có người chứng ngộ hoặc còn giữ giới hay không. Nếu không có người tu hành chứng ngộ thì đó là hiện tượng suy thoái trầm trọng của Phật giáo…”

Bởi những lý do trên, Sư ông Trúc Lâm thấy thành lập Thiền viện là điều cấp bách. Các Thiền viện ra đời đã góp phần mình vào trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam, khiến cho Tăng sĩ Việt Nam thấy rõ đường hướng tiến thủ của mình, đem lại cho hành giả đường lối tu tập vững chắc trên nền tảng “Thiền giáo đồng hành”. Nghĩa là học kinh để chứng minh sự tu thiền, tu thiền để hiểu rõ lời Phật dạy trong kinh. Sự tu hành kết hợp nhuần nhuyễn giữa pháp học và pháp hành như vậy không bao giờ sai lạc con đường chư Phật, chư tổ đã đi. 

III. KẾT LUẬN

Thật diễm phúc thay cho hàng Tăng Ni Phật tử chúng con đã ngót bao nhiêu năm dài bị chìm vào quên lãng với giáo pháp Thiền tông. Mãi cho đến gần cuối thế kỷ XX, Thiền tông mới được sống lại trên mảnh đất Việt Nam này, phân lớn là nhờ công đức sâu dày của Sư ông Trúc Lâm. Trong suốt hành trình hoằng hóa đạo Thiền cho đến ngày nay, Người vẫn là cội tùng che mát cho hàng hậu học tứ chúng nương tựa, nhờ đó mà chúng con mới được cảm nhận chất sống thanh khiết của người tu Phật với sức sống thiền khai mở tâm trí như nhiên. Người đã hiến dâng trọn cả cuộc đời chỉ dạy mọi người xoay lại để thấy rõ chính mình cũng như tông chỉ “Phản quan tự kỷ” mà dòng thiền nhà Trần đã soi đường cho lịch sử dân tộc hàng thế kỷ qua. Vì Người tin rằng chỉ có Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, với vị tổ là Trúc Lâm Đại đầu-đà chính thật là người Việt Nam - nhờ vậy pháp tu mới đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng, phong tục tập quán của Đại Việt.

Bản hoài, sở nguyện của Sư ông Trúc Lâm khôi phục Phật giáo Thiền tông đời Trần không ngoài lý tưởng góp phần vào giá trị Phật giáo Việt Nam hiện nay. Hoài bão đó của Người cũng thể hiện sự thấm nhuần tình yêu quê hương đất nước và dân tộc được tưới tẩm trong bản chất hiền hòa của người con sinh ra từ miền đất Trà Ôn, Vĩnh Long ngày ấy.

Bao năm kinh sử miệt mài

Khổ công tu luyện đêm ngày xá chi 

Thiền tông nguôn sống Tăng Ni 

Phát tâm khơi lại có gì quý hơn.

Với đạo hạnh thanh khiết, Sư ông Trúc Lâm mãi mãi là tấm gương sáng cho chúng con nương theo tu tập. Sư ông Trúc Lâm với tâm lão bà bền bỉ và kiên nhẫn sẵn lòng chỉ dẫn cho những người cần cầu học đạo dù họ thuộc bất cứ trình độ nào. Người luôn nhiệt tâm, nhẫn nại, khoan dung dạy bảo và hướng dẫn chúng con chuyển hóa những hành vi, lời nói và tâm ý sai quấy, vì Người biết rằng chúng con chưa phải là những người hoàn hảo và còn nhiều tâm thái nhiễu loạn như tham chấp, sân giận nên còn phạm phải sai lầm.

Chúng con sẽ là những “cùng tử lang thang” không biết mình đang có “gia bảo” nếu trong đời này không được tu tập trong pháp hội của Người, Kinh nghiệm tu hành mà Sư ông Trúc Lâm để lại cho hàng hậu học chúng con quả là một gia tài vô giá - áp dụng tu trong mọi hoàn cảnh, tự làm chủ lấy mình không để các pháp trần lôi kéo, khéo buông bỏ những niệm tưởng loạn động sẽ nhận ra con người chân thật của chính mình dù trong khoảnh khắc nào, như kinh Pháp Cú, đức Phật dạy:

“Dù sống một trăm năm 

Ác giới không thiền định 

Tốt hơn sống một ngày 

Trì giới tu thiền định.”

Từ đó mang lại lợi ích cho bản thân và cho mọi người. Người làm chủ được mình không bị ngoại duyên lôi kéo thì đó là giải thoát hiện tiền ngay trong cuộc sống này - người sống được với cái thực thể chơn thật rồi, thì đó mới thật là sống thực. Và đó mới chính là sống với con người thật của chính mình như Sư ông Trúc Lâm đã từng dạy.

Hôm nay, nhân kỷ niệm bách niên khánh tuế của Sư ông Trúc Lâm, chúng con tạm viết vài dòng thành kính dâng đến Ngài, một bậc “tùng lâm tông tượng” thị hiện đại phương tiện thiện xảo thể nhập vào chốn ta-bà, mà Ngài vẫn ung dung tự tại siêu thoát như một áng mây huyền thoại trên bầu trời của dân tộc Đại Việt. Đó là hình ảnh của Sư ông Trúc Lâm.

Gá thân mộng 

Dạo cảnh mộng 

Mộng tan rồi 

Cười vỡ mộng.

Cuối cùng chúng con thành kính hướng về Sư ông Trúc Lâm phát nguyện cố gắng tu tập như ngài. Dẫu đời này không làm được một bậc “tùng lâm tông tượng” như Sư ông Trúc Lâm, song chúng con vẫn cố gắng làm viên thuốc bổ cho đời, ngõ hầu xoa dịu những nỗi khổ đau của kiếp nhân sinh trong vòng vô minh tăm tối và để cùng nhau tay trong tay hòa quyện trong cõi vô thường đầy ảo mộng này.

TT.Thích Đạt Ma Khế Định

Trích "Kỷ Yếu Khánh  Thọ Bách  Tuế Hòa Thượng Tôn Sư"

"

Tu học

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 29104
  • Online: 22