Con Trâu Và Cái Tâm
25/09/2024 | Lượt xem: 561
HT.Thích Phước Tú
Con Trâu được người phương Đông chọn làm một con vật trong 12 con giáp để tính năm, tháng, ngày, giờ. Đó được gọi là 12 con giáp. Trong dân gian Việt Nam, con Trâu không có gì lạ lắm với người Việt Nam. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay thì con Trâu đã biến mất trên nhiều cánh đồng của Việt Nam, vì máy móc, máy cày, máy xới đã thay cho sức Trâu mà làm nông nghiệp. Nhưng con Trâu vẫn còn ở trong Kinh sách nhà Phật và trong người tu theo Phật.
I. Con Trâu Phàm ( Cái Tâm sinh diệt )
Trong Kinh Phật Di Giáo về mục 2 “Buộc Tâm”, có dạy:
“Các Tỳ Kheo! Đã biết buộc mình trong khuôn khổ Giới luật thì phải kiềm chế Năm Căn, đừng buông thả trong cảnh Năm Dục. Ví như kẻ chăn Trâu phải cầm roi, chăm coi chừng Trâu, không bao giờ dám xao lãng, mới tránh được họa xâm phạm lúa mạ của người. Sánh với sự tu hành cũng vậy, phải buộc Năm Căn, nếu buông thả Năm Căn thì chẳng những bị Năm Dục làm hại, lại còn bị vô số tai họa khác, bấy giờ khó mong trị nổi”.
Trong Kinh Pháp Hoa cũng có nói về con Trâu, nhưng nói về con Trâu trắng (Trâu cò) chứ không phải là Trâu đen. Và loại Trâu đó là Trâu Núi Tuyết, chuyên ăn loại cỏ Phì Nhị béo bổ chứ không phải ăn loại cỏ đồng bằng. Đây là loại Trâu đặc biệt.
Trong sách vở nhà Thiền cũng có nói về con Trâu qua sách “Thập mục Ngưu Đồ” tức là 10 bức tranh chăn Trâu. Các vị Thiền Sư cũng hay nói về con Trâu.
Con Trâu ở trong dân gian Việt Nam còn có truyện tích cho rằng con Trâu là một Bồ Tát, nhưng là một Bồ Tát mắc đọa.
Con Trâu theo trong Đạo Phật được tiêu biểu cho cái Tâm. Nhưng cái Tâm trong Đạo Phật có hai thứ:
- Một thứ là Tâm vọng (Tâm Hiện tượng)
- Một thứ là Tâm chơn (Tâm Bản Thể)
1/.Tâm vọng: là Tâm giả (vọng là giả). Tâm này là Tâm có sinh có diệt, có còn có mất, là thứ Tâm vô thường. Cái Tâm này có Tham, Sân, Si, có vui buồn, thương ghét, có phiền não, có khổ đau. Tâm này chỉ có trong con người vài tiếng đồng hồ mà thôi, không bao giờ có được 24/24 giờ. Đây là Tâm chúng sinh, Tâm phàm phu. Tâm này được thấy trên mặt mũi, tướng mạo, trên ánh mắt, trên cửa miệng. Tâm này là Tâm hiện tượng.
2/.Tâm chơn: là Tâm chơn thật. Tâm này là Tâm thiệt đây! Tâm này không có Tham, Sân, Si, là vô hình, vô tướng, không được thấy trên mặt mày. Là thứ Tâm có suốt trong con người 24/24 giờ. Cái Tâm này không sinh không diệt, là thứ TÂM VÔ SINH không bị sinh tử chi phối. Nó có trước khi cha mẹ sinh ra và rộng lớn bao la, thể lượng trùm khắp hư không, không bao giờ mất. Là thứ Tâm không niềm đau nỗi khổ, là TÂM PHẬT. Đây là TÂM Bản Thể.
Người có hai Tâm như vậy nên Trâu cũng có hai thứ:
- Một thứ là Trâu phàm: cần phải chăn, cần phải giữ, cần phải roi đòn.
- Một thứ là Trâu Thánh, Trâu Thần, là TRÂU PHẬT: không cần phải chăn, không cần phải giữ, không cần phải roi đòn. Loại Trâu này tự biết đường đi lối về, tự biết làm no. Chẳng những không ăn lúa mạ, không ăn cỏ, không uống nước đầm, cũng không uống nước ao mà lại đi tiêu ra châu ngọc, vàng bạc, toàn là của quý báu. Bụng Trâu là một kho châu báu vô tận.
Nên con Trâu được nói trong Kinh Phật Di Giáo, đó là con Trâu Phàm, là tiêu biểu cho cái Tâm ý thức (Tâm vọng).
Bởi thế mà trong Kinh Phật Di Giáo nói rằng: “Tâm vọng đáng sợ hơn rắn độc, thú dữ, kẻ giặc thù, đám lửa cháy to … Lại ví như voi điên không xiềng, loài vượn khỉ gặp cây nhảy nhót hung hăng, thật là khó kiềm chế được. Vậy phải mau ngăn ngừa, chớ đừng cho Tâm phóng túng mà hối hận chẳng kịp.
Nếu Tâm phóng túng thì con người mất hết phước lành. Kiềm chế Tâm lại một chỗ thì không có việc chi chẳng thành tựu tốt đẹp.
Xét theo lý do ấy, các Tỳ Kheo phải dõng mãnh thâu nhiếp, Hàng phục Tâm”.
Vậy con Trâu Tâm này là loại Trâu Tâm xấu, cần phải tu sửa.
Nói “TU Tâm” là lo tu sửa cái Tâm xấu ác này để vơi đi Tham, Sân, Si mà bớt đi phiền não và bớt đi niềm đau nỗi khổ. Chỉ tu trong vòng “bớt đi” chứ chưa thực sự hết đau khổ. Nhưng cũng nhờ thế mà thấy được dấu vết của con Trâu Tâm Thánh hay con Trâu Tâm Phật. Như qua bài kệ của Thiền Sư Long Nha Cư Tuần nối pháp Thiền Sư Động Sơn Lương Giới. Bài kệ ấy có lời rằng:
II. Con Trâu Thánh (Bản TÂM, Chơn TÂM, Cái TÁNH).
“Tìm Trâu phải noi dấu
Học Đạo quý Vô Tâm
Dấu còn Trâu nào mất
Vô Tâm Đạo dễ tầm!”
Đây là nói tới cái Tâm chơn, là TÂM PHẬT, là BẢN TÂM, là PHẬT TÁNH, là TỰ TÁNH, là TÂM CHƠN NHƯ, là TỰ TÁNH NIẾT BÀN, là TÂM BỒ ĐỀ, là TÂM MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA, là con Trâu Thần, Trâu Thánh, Trâu PHẬT. Là cái TÂM không niềm đau nỗi khổ.
Cái TÂM này, con Trâu này được trong Kinh Kim Cang nói đến:
Khi Trưởng Lão Tu Bồ Đề hỏi Phật:
- “Thưa Đấng Thế Tôn! Có người thiện nam, kẻ thiện nữ đã phát khởi TÂM A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề thì làm sao mà trụ được, làm sao mà hàng phục được TÂM ấy?
Đức Phật nói:
- Hay thay! Hay thay! Này ông Tu Bồ Đề, theo ông nói thì: Đấng Như Lai khéo hộ niệm cho các Bồ Tát, cũng khéo phó chúc cho các Bồ Tát.
Nay ông nên lóng nghe, ta vì ông mà nói: người thiện nam kẻ thiện nữ đã phát khởi TÂM Bồ Đề, thì hãy nên như thế này mà trụ, như thế này mà Hàng phục cái TÂM đó (TÂM Bồ Đề).
- Thưa Thế Tôn! Con xin vâng, nguyện vui thích muốn được nghe.
Đức Phật bảo ông Tu Bồ Đề:
- Các vị Bồ Tát Ma Ha Tát đã như thế này mà “hàng phục TÂM đó”: có bao nhiêu loài chúng sanh, hoặc là loài Noãn sanh, hoặc là loài Thai sanh, hoặc là loài Thấp sanh, hoặc là loài Hóa sanh, hoặc là loài Có hình sắc, hoặc loài Không hình sắc, hoặc loài Có tưởng, hoặc loài Không có tưởng, hoặc loài Chẳng phải có tưởng, chẳng phải không có tưởng, ta đều khiến vào Vô Dư Niết Bàn mà được diệt độ hết. Cứ như thế mà diệt độ vô lượng vô số vô biên chúng sanh, mà thật ra không có chúng sanh nào được diệt độ”.
Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật đã dạy rõ ràng như vậy. Đây là chỗ yếu quyết sống tu, hành Đạo một cách chân chính và hiệu quả nhất.
Cái Tâm nói đến ở đây là chính là cái TÂM được viết bằng chữ hoa in, là TÂM BỒ ĐỀ. Đây là cái TÂM PHẬT, là cái ‘TÂM kia” mà Tố Như Tiên Sinh đã nói:
‘Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ “TÂM kia” mới bằng ba chữ Tài”
Đây là cái TÂM đáng kính, đáng trọng, đáng quý, là tên nhân vật tiểu “Kỉnh TÂM” ở truyện Quan Âm Thị Kính diễn ca. Trong truyện đã kể rằng chú tiểu Kỉnh TÂM bị làng xã nọc ra đánh tan thân nát thịt mà không thố lộ thân phận mình là gái hay chẳng phải là trai, vẫn “im lìm mà Nhẫn Nhục” để chịu đòn roi, chịu oan tình vì mình là “Kỉnh TÂM” (Kính TÂM – Là kính trọng cái TÂM Phật).
Vì đã là TÂM thì trong TÂM vốn không hai, không có Nam-Nữ, không có giới tính mà Kinh Bát Nhã đã diễn tả qua TÁNH KHÔNG ở đoạn chữ BẤT:
- Bất Sinh – Bất Diệt
- Bất Cấu – Bất Tịnh
- Bất Tăng – Bất Giảm
..Bất...............................
- Bất Nam – Bất Nữ.
Nên tiểu Kỉnh TÂM không là chủ bào thai của cô Thị Mầu.
Đó chính là cái TÂM của chú tiểu “Kỉnh TÂM”. Chú tiểu đã Ngộ ra được cái TÂM BỒ ĐỀ ở nơi chính mình. Chú đã nương vào TÂM BỒ ĐỀ mà hóa giải được tất cả niềm đau nỗi khổ, ân oán của cuộc đời. Đó chính là chú đã “Hàng phục” TÂM BỒ ĐỀ, tức là chú đã trở về với cái TÂM BỒ ĐỀ.
Chữ “Hàng phục” ở đây không có nghĩa là chiết phục, bẻ gãy hay hủy diệt. Mà “Hàng phục” ở đây có nghĩa là quy phục, tức là quy phục cái TÂM BỒ ĐỀ hay “về với” cái TÂM BỒ ĐỀ. Tức là Quy y Phật, trở về nương tựa cùng Phật hay là “Theo Phật” mà sống bằng đời sống Phật. Chỗ này được gọi là Ngộ, Ngộ TÂM Bồ Đề (Hàng Phục = Ngộ).
Thành ra như vậy, Kinh Phật Di Giáo nói “Hàng phục Tâm” và Kinh Kim Cang nói “Hàng phục TÂM đó” là hai chỗ nói hoàn toàn khác nhau. Cái Tâm ở Kinh Phật Di Giáo là cái Tâm xấu ác cần phải diệt đi. Đó là tu, là phải diệt Tâm, mà NIỆM là xác định cái Tâm vọng nên tu là phải diệt NIỆM. Tức là diệt vọng hay diệt Tâm, hay diệt tâm sinh diệt (tâm phan duyên – Cái tâm lăng xăng, cái tâm lằng nhằng, cái tâm điên đảo, đã được Đức Phật nói đến trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm quyển 1 về nguyên do vì sao có sinh tử vô thỉ:“Đây là điều mà ông và chúng sanh hiện nay đang dùng cái tâm phan duyên làm Tự Tánh”).
Cho nên gọi là chăn Trâu hay giữ Trâu là phải cho Trâu ăn roi đòn và phải xỏ mũi để mà điều khiển con Trâu.
Trong khi đó, “Hàng phục TÂM đó” ở Kinh Kim Cang có nghĩa là quy phục cái TÂM BỒ ĐỀ, tức là cái TÂM A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Đó là cái TÂM Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Đây chính là TÂM PHẬT, nên phải được trân trọng, quý kính. Nên hàng phục Trâu này (TÂM đó) không phải roi đòn gì.
Trường hợp chú tiểu Kỉnh TÂM là như vậy. Cho nên cuối cùng rồi thì chú tiểu Kỉnh TÂM được thành Phật Quan Âm vì đã qua được tất cả khổ nạn.
Nên nói về Trâu thì bước đầu là chăn con Trâu Phàm tục, cho ăn roi đòn, nắm mũi kéo vàm v.v… để rồi sau đó thuần phục được con trâu hoang (Đây là giai đoạn tu Tâm vọng, Tâm có Tham, Sân, Si).
Nhờ thế mà đến giai đoạn thứ hai là nhận ra con Trâu Thánh, con Trâu Thần, con Trâu Phật. Giai đoạn này không còn gọi là chăn nữa mà gọi là “Theo Trâu”, không còn roi đòn Trâu nữa.
“Theo Trâu” vì thấy con Trâu đẹp, con Trâu hiền, con Trâu ngoan mà quấn quýt bên mình Trâu. Việc này rất cụ thể ở các cậu bé công tử, con nhà giàu, con địa chủ có ăn có học, có đời sống sung sướng, vậy mà bỏ học, bỏ nhà để “Theo Trâu” chơi, vì thấy con Trâu thích quá, các công tử đã thích Trâu, mến Trâu mà đi theo Trâu để mà chơi, mà vui với đời Trâu. Nên các cậu công tử đâu có đời nào đánh Trâu, la rầy trâu mà chỉ la cà bên Trâu để rồi thân thiện với Trâu, rồi leo lên đầu, lên cổ Trâu mà ngồi, mà nằm trên lưng Trâu. Ở trên lưng Trâu mà phất cờ lau, vui cùng những bước đủng đỉnh của con Trâu mà ca mà hát, mà thổi sáo. Rồi có khi ngã ngữa trên mình Trâu mà ngủ.
Những công tử theo Trâu, hòa nhập đời Trâu rất lấy làm sung sướng; cho nên sẳn sàng bỏ học “Theo Trâu” (Đây là những công tử Nam Bộ thời Pháp thuộc). Vì thế hai tiếng “Theo Trâu” đã xoáy sâu trong cõi lòng của các công tử.
Người biết học Đạo, hành Đạo, say mê cái TÂM, say mê cái Đạo cũng như công tử mê Trâu vậy.
Cho nên hai tiếng “Theo Trâu” là đủ diễn tả một con người hành Đạo biết sống theo nếp Đạo, nếp TÂM, nếp THIỀN một cách thiết tha giống như công tử bỏ học “Theo Trâu” vậy.
Trong nhà Thiền có Thiền Sư Đại An. Thiền Sư Đại An khi ra mắt Tổ Bá Trượng, Sư thưa:
- Con muốn cầu biết Phật, thế nào là phải?
Bá Trượng bảo:
- Thật là người cỡi Trâu tìm Trâu.
- Sau khi biết thì thế nào?
- Như người cỡi Trâu về đến nhà.
- Chẳng biết trước sau gìn giữ thế nào?
- Như người chăn Trâu cầm roi dòm chừng không cho nó ăn lúa mạ của người.
Sư nhân đây lãnh hội ý chỉ, chẳng đi tìm đâu nữa.
Sau khi Thiền Sư Linh Hựu Quy Sơn tịch, Sư lên thay. Sư thượng đường nói với đại chúng:
- Sở dĩ Đại An này ở tại núi Quy 30 năm, ăn cơm núi Quy, đại tiện núi Quy, mà không học Thiền núi Quy, chỉ coi chừng con Trâu. Nếu nó lạc đường hay vào trong cỏ, liền kéo nó lại. Nếu nó ăn lúa mạ của người, liền đánh đập điều phục nó. Đáng thương đã lâu chịu người rầy rà, hiện giờ nó đổi thành con Trâu trắng (Bản TÂM) đứng trước mặt, trọn ngày hiện sờ sờ, đuổi cũng chẳng đi.
Ngài Đại An đã nhận ra Trâu và sống cùng đời Trâu như vậy đó. Đây là Ngài chăn từ con Trâu Phàm phu thành ra con Trâu Thần, Trâu Thánh (Trâu Trắng).
Sau cùng Ngài đã hòa nhập đời Trâu (Trâu hiện sờ sờ trước mặt, đuổi cũng chẳng đi). Đến khi này Ngài Đại An sống bằng BẢN TÂM không rời. Ngài chính là BẢN TÂM, và BẢN TÂM chính là Ngài.
Thế nên các Thiền Sư thường tự xưng là “Mục Tử” (Kẻ giữ Trâu hay kẻ theo Trâu). Đây là việc không chỉ riêng ở một vài Thiền Sư mà thôi, mà tất cả Thiền Sư, Tổ Sư đều là như vậy. Đều là “Mục Tử”, đều là người sống cùng Bản TÂM, Bản TÁNH - Phật TÂM.
Ngài đã thực sự hàng phục cái TÂM đó (TÂM A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề). Từ an trụ TÂM BỒ ĐỀ và sống được bằng TÂM BỒ ĐỀ nên vô hiệu hóa được chín loài chúng sinh, tức “Độ” được chín loài chúng sinh (nhớ rằng “Độ” chứ không phải là “Diệt” nên không thấy có chúng sinh nào được diệt độ như trong Kinh Kim Cang đã nói).
Độ chín loài chúng sinh vào Vô Dư Niết Bàn mà thật ra không có chúng sinh nào được diệt độ.
Điều này giống như chạy xe đêm, khi bật được đèn sáng lên rồi thì hãy theo ánh sáng của ngọn đèn mà chạy tới. Cứ vậy mà chạy không có trừ bóng tối hay diệt bóng đêm gì cả, chạy tới đâu thì sáng tới đó và cứ thế, trong đường ánh sáng mà chạy. Chạy như thế này thì sẽ nhanh, sẽ lẹ, sẽ được an toàn và tới đích một cách an lành.
Thế nên biết, dù cái Tâm vọng có, dù có Niệm, dù có Tham, Sân, Si thì chúng cũng giả mà thôi. Khi nhận ra cái TÂM BỒ ĐỀ rồi, bằng cái TÂM ấy mà sống, được gọi là DƯỠNG TÁNH, và được gọi chung là:
Đây chính là diệu thuật hành Thiền (Tâm ý là con Trâu Phàm tục, cái TÁNH là con Trâu Thần, Trâu Thánh). Thế nên từ TÁNH mà “Độ” tâm ý thì rất nhanh, rất lẹ “gọi là một nhảy vào đất Như Lai” hay “bắn một mũi được một bầy – Mã Tổ”. Như bóng tối ngàn năm mà bật được nguồn điện 500 kilovolt thì ngay khi đó bóng tối ngàn năm liền tiêu tan mất.
Nên:
“Theo Trâu chớ để lạc Trâu,
Đầu, mình, đuôi, đít, đâu đâu rõ ràng.
Người theo nếu có mơ màng,
Ngọn roi sẵn đó quất chàng theo Trâu.”
Thiền Sư Nam Tuyền Phổ Nguyện thượng đường dạy chúng:
- Vương Lão Sư từ nhỏ nuôi một con Trâu đực, tính thả ăn ở khe Đông sợ e không khỏi phạm nước cỏ của Quốc Vương; tính thả ăn ở khe Tây cũng sợ không khỏi phạm nước cỏ của Quốc Vương, chi bằng tùy thời nhận chút ít trọn chẳng thấy được.
Vương Lão Sư cũng đã sống cùng đời Trâu như vậy, không dám để một chút sơ hở nào xổng khỏi đời Trâu mà luôn luôn khắn khít:
“Trâu đâu ta đó, ai mà quản công”
Ở Việt Nam ta, thời đất nước Đại Việt, đời nhà Trần có Tuệ Trung Thượng Sĩ là đệ tử của Thiền Sư Tiêu Dao – Phước Đường mà cũng là thầy dạy đạo Thiền cho đức vua Trần Nhân Tông. Ngài cũng có một thời “giữ Trâu”. Ngài đã nói về thuật “giữ Trâu” của mình như sau:
“Một mình riêng giữ một con Trâu
Xỏ mũi theo về chẳng hở đâu
Vừa đến khe Tào buông ra thả
Mênh mông nước cuốn cuộn quả cầu”
Ngài đã theo con Trâu của mình và đem thả nơi khe Tào Khê của Đức Lục Tổ Huệ Năng. Tổ là chủ đầu tư của “nghề nuôi Trâu”.
Và rồi Thượng Sĩ Tuệ Trung cũng đã từng thả Trâu nơi non Quy:
“Chợt hướng non Quy được mái nhà
Cam nhận làm người giữ Trâu ta
Ơn đức Quốc Vương như biển cả
Phận tùy chút cỏ nước xuân hoa”
Hành giả khi đã thuần thục trong việc “Theo Trâu”, giữ gìn Trâu, hòa nhập đời Trâu thì có thể đi ngang về dọc, tự tại trong chốn bụi hồng, diệu dụng hà sa, sống đời hý lộng thần thông.
Như Tổ Quy Sơn thượng đường bảo chúng:
- Sau khi lão Tăng trăm tuổi, đến dưới núi làm con Trâu, hông bên trái viết 5 chữ: “Quy Sơn Tăng Linh Hựu”. Khi ấy gọi là Quy Sơn Tăng hay gọi là con Trâu? Gọi là con Trâu hay gọi là Quy Sơn Tăng? Gọi thế nào mới đúng?
Và Tuệ Trung Thượng Sĩ cũng có bài:
Vào cõi bụi
“Rải bước xa xôi chốn bụi đời
Đầu my vàng óng giương mạnh chơi
Xóm Bắc nhởn nhơ vào bụng ngựa
Nhà Đông tán dóc thai lừa chui
Roi vàng đánh đuổi con Trâu đất
Gậy sắt dắt về cọp đá xanh
Để rồi một sáng gió tan băng
Trăm hoa như cũ rộn đài xuân”
* * *
“Theo Trâu” là cả một nghệ thuật để tìm lại con ‘Trâu chân thật” chính là “Mình” mà chúng ta đã vô tình vô ý làm lạc từ thuở hồng hoang. Rồi từ đó chúng ta mãi lang thang trên khắp vỉa hè lục đạo làm kẻ ăn xin đầu đường xó chợ trở thành kẻ “cùng tử” hồi nào chẳng biết. Vì kho báu, viên ngọc ước đã nằm trong bụng Trâu. Không phải Trâu lạc khỏi Ta, mà chính Ta lạc khỏi Trâu (Trâu Thần).
Nay được Phật, Tổ chỉ cho, tìm lại Trâu ta:
“Muốn tìm Trâu phải noi dấu,
Dấu còn Trâu nào mất”.
Thế nào là dấu vết chân Trâu? Mà biết rằng Trâu không mất? Từ đâu để mà biết việc này?
- Đó chính là hãy nhìn lại cánh đồng trong Tâm mình.
Hãy biết khi một Niệm có trong đầu, rồi khi Niệm đó biến mất đi thì nó để lại một cái dấu. Đó chính là dấu chân Trâu (Trâu Thần).
Từ dấu đó mà phăng, mà tìm thì sẽ thấy Trâu thôi. Những dấu “Niệm” ấy chính là dấu chân Trâu. Dù đó là những niệm Tham, niệm Sân, niệm Si v.v… thì chính đó cũng là dấu chân Trâu (Trâu Thần).
Thế nên Đức Lục Tổ Huệ Năng đã dạy:
“An Tâm tại vọng tình,
Ngay đó không ba chướng.”
Vọng Tình, vọng Tưởng, vọng Tâm, vọng Niệm, vọng Thức, thảy là dấu chân Trâu. Không là Trâu, làm sao có được những dấu ấy?
Tuy rằng dấu chân Trâu chưa phải là Trâu, nhưng chính từ những dấu ấy mà chúng ta xác định rằng Trâu không mất và chúng ta lạc không xa con Trâu chính mình (Con Trâu Phật).
Thế nên hãy khéo vận dụng từ dấu vết này mà tìm lại Trâu (Trâu Thần). Để dễ dàng hơn thì nên “Vô Tâm, TRÂU dễ tầm!”
Theo Trâu
Theo Trâu chớ để mất Trâu
Trời ngang đất dọc biển dâu chớ màng
Đi cùng Trâu đi
Đứng cùng Trâu đứng
Ngồi cùng Trâu ngồi
Nằm cùng Trâu nằm
Nói cùng Trâu nói
Làm cùng Trâu làm
Ôm Trâu mà ngủ
Thức dậy cùng Trâu
Phải gắn như sam
Chớ tạm gián cách
Nếu có thờ ơ
Phải đét đít mình
Níu lại đuôi Trâu
Tỉnh tỉnh thường xuyên
Ngày qua tháng lại
Trâu sẽ sờ sờ
Đầu mình tỏ rõ
Đít bụng một vừng
Chơn cẳng mồn một
Toàn thân lồng lộng
Đầy ắp trời xanh
Trâu tuôn của báu
Mặc sức dùng xài
Tạo ruộng cất nhà
Nuôi người mướn tớ
Tăng gia sản xuất
Của cải đầy kho
Xài đâu cho hết
(Vườn Bồ đề, An cư ’97)
Đầu Trâu lồng lộng giữa trời
Thân Trâu bàng bạc muôn nơi vạn trùng
Í a Trâu lại tương phùng
A tăng kỳ kiếp khói xương nhiệm mầu
Tôi theo Trâu
Tôi có con Trâu
Ở thuở hồng hoang
Đã lạc thuở nào
Không biết ở đâu?
Làm tôi khốn khổ
Điêu linh chìm nổi
Sống kiếp đọa đày
Trầm luân sanh tử
Nay người chỉ dẫn
Đến non Linh thứu
Lễ Phật Thích ca
Ngài chỉ rõ ra
Trâu lạc không xa
Theo dấu Trâu đi
Xuôi ngược đường dài
Mòn gót sơn khê
Tôi trở lại quê
Hay ra Trâu cổ
Tôi đi theo Trâu
Không còn thất nghiệp
Ngày đêm theo Trâu
Siêng năng nhẫn chịu
Hòa nhập đời Trâu
Trâu này tốt lắm
Đủ tài hay khéo
Là thứ Trâu báu
Tạo nhiều của cải
Nhưng tôi cực lắm
Tự thuở ban đầu
Vất vả biết bao
Rất là lao đao
Lận đận làm sao
Cứ xổng khỏi Trâu
Hì hục lao đầu
Chạy gần tắt thở
Đến được Trâu rồi
Mệt đừ, ôi thôi!
Trâu chẳng bỏ tôi
Chỉ tại tôi khờ
Mắt mãi lim dim
Ngủ gà ngủ gật
Giật mình tỉnh dậy
Thích chí bình sinh
Trâu ở đàng xa
Hơ hải đến va
Va đâu thèm ngó
Chăm nhìn bốn vó
Thấy nó thung dung
Nghe lòng khoan khoái
Tôi xoay bên trái
Nghe cu cưởng gáy
Mê mệt êm tai
Chợt nghe ngứa ngáy
Nhìn lại Trâu đâu?
Ba chân bốn cẳng
Chạy đến bên Trâu
Sừng Trâu vót nhọn
Thấu tận trời xanh
Nghe lòng thơ thới
Một thoáng mông lung
Lại muốn xoay lưng
A ha! Đâu được!
Lại đến bên mình
Bụng Trâu binh rỉnh
Vỗ nghe bùng binh
Quầy tìm bạn hữu
Để tỏ tình hình
Mãi mê tang tình
Ngoáy lại Trâu đi
Lật đật chạy thì
Gặp lại tức thì
Trâu đứng bờ mạ
Thấy lúa Trâu dòm
Lòng tham của cải
Nổi giận lải nhải
Miệng la bài hải
Ngửa mặt nhìn lên
Mình đã xa Trâu
Lòng si ủ rũ
Gục mặt mà đi
Ai da! Ai da!
Trâu ta! Trâu ta!
Mau mau chờ mà
Ơi a! Ơi a!
Theo Trâu bắt mệt
Mệt thật thấy bà
Rời Trâu la cà
Ngũ dục say sưa
Thầy bạn chả ưa
Như mèo mắc mưa
Vật vã đường xa
Thiên hạ bắt la
Quở mẹ mắng cha
Đánh đập nhốt tù
Khổ ơi! Là Khổ !
Trâu niềm an ổn
Không biết nương Trâu
Không rõ tánh ý
Ù ơ dí dầu
Gần Trâu sao được
Trâu này không ăn
Cả lúa cùng cỏ
Tự biết làm no
Người theo khỏi lo
Trâu không uống nước
Chẳng hớp nước ao
Chẳng chơi đồng lúa
Chẳng dạo đồng cỏ
Chẳng thích lên non
Chẳng thèm xuống biển
Chẳng quý người theo
Chẳng khinh người bám
Chẳng màng khen chê
Chẳng có mũi vàm
Chẳng quản đòn roi
Ngọn roi dù có
Để đánh thằng “theo”
Trâu chẳng lăng xăng
Rề rà đây đó
Chẳng thích giao du
Cũng không khinh bạc
Trâu không làm việc
Việc nào cũng xong
Trâu thuộc lối đường
Cần muốn đi đâu
Cứ nắm đuôi Trâu
Trâu luôn bất động
Rành việc xưa nay
Không lầm một mảy
Trâu nguồn hạnh phúc
Trâu xuất của báu
Vô số không cùng
Giải trừ nghiệp khiên
Thoát ly sanh tử
Tấn nhập Niết bàn.
*
* *
Người được biết giữ Trâu sớm nhất có lẽ là Pháp Sư Trần Huyền Trang. Trước khi Ngài đi sang Thiên Trúc (Ấn Độ) để thỉnh kinh, Ngài đã có một thời gian giữ Trâu. Đó là thời gian trên đường thỉnh Kinh Ngài gặp được một vị Tăng già cao to ghẻ lở đầy mình. Ngài đã tận tình chăm sóc đến khi vị Tăng già ghẻ lở lành bệnh.
Vị Tăng già này đã trao cho Ngài bài Kinh TÂM Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa. Ngài đã trì niệm bài Kinh TÂM này trên quan san ngàn dặm mà qua được hang ma, động quỷ những nguy hiểm trên đường đi. Thời gian này là Ngài đã có được con Trâu Thần, Trâu Thánh và Ngài vượt qua tất cả khổ nạn. Ngài đã chăn Trâu, giữ Trâu và theo Trâu như sau:
Pháp vốn do tâm sinh,
Hay là do tâm diệt.
Sinh diệt là do ai?
Xin ngài tự phân biệt.
Nếu đều do Tâm ta,
Cần gì người khác nói?.
Chỉ cần phải khổ công,
Vặn trong sắt ra huyết.
Thừng nhung xuyên qua mũi,
Buộc chặt chốn hư không.
Buộc vào cây vô vi,
Không khiến người khốn khổ.
Chớ nhận giặc làm con,
Tâm pháp đều quên hết.
Chớ để nó lừa ta,
Một quyền(1) trước đánh chết.
Hiện TÂM là vô tâm,
1.Quyền: Nắm tay. Một cú đấm.
Hiện pháp, pháp cũng nghỉ.
Khi không thấy người, trâu,
Trời xanh trong biêng biếc.
Trăng thu tròn vành vạnh,
Đây đó khó phân biệt.
Năm Tân Sửu là năm con Trâu. Xin chúc cho những ai đã lạc khỏi Trâu, sớm tìm lại được con Trâu cho mình để sớm phục hồi sự giàu sang, vinh hiển và tràn đầy hạnh phúc trong cuộc Sinh Tử - Tử Sinh.
Xin thân ái mến trao.
Nam Mô Phật!
Xuân Tân Sửu 2021
Chùa Giác Thiên
HT. Thích Như Phước Tú
(Đắc Huyền)
Các bài mới
- Đời Sống Vô Niệm - 06/08/2024
- Cái Niệm ( 念 ) - Nguyên Nhân Gây Khổ - 29/07/2024
- Nhân duyên bệnh và sự giáo hóa cuối cùng của Đức Thế Tôn - 21/03/2024
- Đức Bồ Tát Quán Thế Âm ( Quan Thế Âm ) ( Bodhisattva Avalokitevara) - 08/08/2023
- Thiền kiến tánh - 10/03/2019
Các bài đã đăng
- Giáo ngoại biệt truyền - 23/09/2012
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 23077
- Online: 86