Cửa giác ngộ vẫn còn đang mở
15/03/2016 | Lượt xem: 4889
Hôm nay nhân ngày lễ giỗ Tổ sư cố Hòa thượng Thượng Thiện Hạ Hoa, theo sự chỉ dạy của Hòa thượng Trụ Trì, để tưởng nhớ đến Tổ sư, một bậc cao tăng đã tâm huyết một đời giáo hóa, hoằng pháp, độ sanh, để dâng lên Tổ sư, nhân đây có chút duyên cùng với đại chúng cùng gợi lại một ý nghĩa “Cửa giác ngộ vẫn còn đang mở”.
I. TÁNH GIÁC AI AI CŨNG ĐỀU CÓ
Trong Kinh đã nói tánh giác sẵn có nơi mỗi người, mỗi chúng sanh. Đây là một lẽ thật xưa nay, tức là dù Phật ra đời cũng không làm thay đổi mà chỉ chỉ lại cho chúng ta.
Trong Kinh Kim Cang, khi Trưởng lão Tu Bồ Đề bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, có chúng sanh nào nghe được những lời lẽ, nghĩa lý rõ ràng như thế mà sanh lòng tin chân thật chăng?”. Phật bảo Ngài Tu Bồ Đề: “Chớ nói lời ấy”. Tức là Phật ngăn lời hỏi đó, bởi vì sao? Bởi vì lời hỏi đó có thể làm cho người ta thiếu lòng tin, còn nghi là có người không tin hay sao, bởi vì đây là một lẽ thật ai cũng đều có thì tại sao lại không thể tin. Đó là Phật xác định lại niềm tin cho tất cả, mới thấy rằng lòng từ của Phật rất là lớn lao, đánh thức cho mọi người niềm tin vốn có đó.
Cũng như trong Kinh Đại Biết Bàn, Phẩm Sư Tử Hống, Đức Phật bảo: “Này Thiện nam tử, như có người để chất độc trong sữa, sữa thành lạc nhẫn đến thành đề hồ thì danh tự dù có biến đổi nhưng chất độc chẳng mất. Nếu uống đề hồ thì cũng có thể bị độc mà chết. Thật ra, chẳng có để độc trong đề hồ. Phật tánh của chúng sanh cũng vậy, dù ở trong thân sai khác của năm loài nhưng Phật tánh này vẫn thường trụ, duy nhất, không biến đổi”.
Phật ví dụ như chất độc để trong sữa, biến thành lạc rồi thành đề hồ nhưng khi uống đề hồ cũng có thể trúng độc chết mà chất độc không để trong đề hồ. Cũng vậy, Phật tánh của chúng sanh dù là mình mang thân sai khác ở trong năm loài nhưng Phật tánh vẫn thường trụ, duy nhất, không biến đổi, dù ở trong loài nào cũng không mất Phật tánh. Như vậy, ai cũng đều có sẵn Phật tánh nên Đức Phật mới có lời xác định rõ ràng như vậy. Đó là lời sư tử rống. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, thường trụ, duy nhất, không biến đổi. Chúng sanh đã có Phật tánh thì tức là có giác ngộ, đó là lẽ thật.
Cho nên trong Thiền tông, các vị Thiền sư luôn luôn đánh thức cho người học thức tỉnh trở lại lẽ thật đó chứ không gì khác, tức là đánh thức, gợi lại cho mỗi người ánh sáng giác ngộ chứ không gì khác.
Thiền sư Huệ Lãng khi còn đi tham học đến chỗ Thiền sư Thạch Đầu hỏi: Thế nào là Phật?
Thiền sư Thạch Đầu đáp: Ông không có Phật tánh.
Ngài Huệ Lãng thắc mắc: Thế thì các loài bò, bay, máy, cựa thì thế nào?
Thiền sư Thạch Đầu đáp: Các loài bò, bay, máy, cựa… lại có Phật tánh.
Ngài càng thắc mắc thêm, hỏi: Vậy thì Huệ Lãng vì sao lại không có?
Thiền sư Thạch Đầu đáp: Vì ông chẳng chịu nhận.
Ngay đó Ngài Huệ Lãng liền tỉnh ngộ.
Qua đó mới thấy Ngài Thạch Đầu quả là khéo léo, gợi cho ông một cái thắc mắc, Ngài Huệ Lãng tham thiền học đạo lâu năm, nghe nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, nếu vậy tại sao Ngài Thạch Đầu lại bảo mình không có, vậy thì những loài bò, bay, máy, cựa .. có Phật tánh hay không? Ngài Thạch Đầu bảo có. Chính vì vậy mà ông càng thắc mắc hơn nữa, hỏi vì sao mình không. Lúc này Ngài Thạch Đầu chỉ khơi nhẹ là tại vì ông chẳng chịu nhận.
Như vậy thì có mà không chịu nhận thì cũng như không, nhưng nếu nhận thì sẵn có. Như vậy, nói không mà không phải hoàn toàn không, mà là để gợi ý cho ông thắc mắc. Chúng ta ngày nay có giống như vậy hay không, có mà không chịu nhận?
Đó là điều muốn nhắc, muốn đánh thức cho tất cả: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, có tánh giác thì tại sao lại không thể giác ngộ?
II. TÂM VẪN CÒN ĐÂY
Tánh giác vẫn còn nguyên vẹn, tâm vẫn còn đây không mất. Lâu nay mình học đạo cũng là đi tìm lại tâm vì cho rằng mất tâm. Nhưng sự thật tâm không mất. Mỗi người trong đây, ai ai cũng đều mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe, ý vẫn biết, tức là dấu vết của tâm vẫn còn chứ đâu mất, nếu như không có tâm thì làm sao biết thấy, biết nghe, cây đá đâu có biết.
Vừa rồi đi dự lễ tang Hòa thượng Sơn Thắng, lúc đầu chúng tôi dự định họp Ban quản trị xong thì xin phép Hòa thượng Trụ trì Thường Chiếu xuống thăm, nhưng khi đang họp thì nghe tin Hòa thượng Sơn Thắng đã đi rồi. Khi xuống dưới đó, các vị giở khăn phủ mặt ra để cho chiêm ngưỡng, lúc đó tôi cũng đến thưa: “Thưa Thầy, con là Thông Phương đến thăm Thầy”, nhưng lúc đó không còn biết nữa rồi. Mới thấy đúng như lời Phật dạy, thân này khi tắt thở rồi thì nằm trơ như khúc gỗ, mắt, tai, mũi, lưỡi vẫn còn nguyên nhưng không còn biết gì hết. Còn bây giờ mình mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe, ý vẫn biết thì tức là dấu vết tâm vẫn còn đó chứ đâu có mất, nếu mất thì như khúc gỗ rồi. Như vậy thì đâu có ai thiếu.
Có một bà lão đến Thiền sư Đại Đồng thưa: Con vừa mới mất trâu, xin Thầy bói cho một quẻ.
Thiền sư Đại Đồng gọi to: Bà lão
Bà liền: Dạ
Sư bảo: Đây rồi
Ngay đó bà vui vẻ về nhà.
Quý vị thấy trâu có mất không? Trâu đâu có mất thật, chỉ là mình tưởng tượng mất thôi. Có mà không chịu nhận nên tưởng tượng là mất thôi chứ không phải mất thật. Vừa nghe gọi liền biết dạ thì trâu vẫn còn đó chứ đâu mất. Vậy thì còn nghi cái gì nữa?
Trong Huyết Mạch Luận, Tổ sư nói: Ba cõi đều dấy lên, đồng về một tâm. Phật trước, Phật sau lấy tâm truyền tâm chẳng lập văn tự.
Hỏi: Nếu chẳng lập văn tự thì lấy gì làm tâm?
Tổ đáp: Ông hỏi ta tức là tâm ông, ta đáp ông tức là tâm ta. Ta nếu không tâm, nhân đâu mà biết đáp ông. Ông nếu không tâm nhân nhân đâu mà biết hỏi ta. Hỏi ta tức là tâm ông từ vô thủy kiếp đến nay cho đến trong tất cả thời, vận động, hiện bày, tất cả chỗ đều là bổn tâm của ông, đều là bổn Phật của ông.
Tổ sư Ngài cũng chỉ dạy đánh thức cho người học thức tỉnh rõ ràng, ngay chỗ nói năng hỏi đáp đó đều bày bổn tâm rõ ràng trong đó chứ không mất đi đâu hết. Nhưng quan trọng ở đây là mình chớ có chạy theo duyên mà quên mất chính mình thì liền thành điên đảo. Đó là chỗ quan trọng. Chạy theo âm thanh, chạy theo tiếng hỏi, duyên theo đó thì mất mình, còn ngay đó mà nhận rõ cái biết rõ ràng ngay nơi chính mình chưa từng thiếu thì dấu vết của tâm không mất bao giờ. Mà tâm vẫn còn thì tức là giác ngộ vẫn còn. Giác ngộ là từ tâm mà giác ngộ chứ có phải từ chỗ nào khác mà giác, nghĩa là không thể ngoài tâm mà riêng có giác ngộ được. Nếu ngoài tâm mà riêng có giác ngộ thì giác ngộ đó là gì, quý vị biết không? Giác ngộ ngoài tâm, đó là giác ngộ trong sách vở, trong chữ nghĩa, còn giác ngộ chân thật là phải từ nơi tâm mà giác ngộ. Cho nên Đức Phật khi đi tìm đạo, học vị này vị kia nhưng không thỏa mãn, cuối cùng Ngài đến nơi cội cây Bồ đề ngồi thiền định rồi giác ngộ ngay nơi tự tâm, nên Phật nói: Ta học đạo không thầy.
Đó là nhắc cho chúng ta tâm vẫn còn đây chứ không mất, dấu vết trâu vẫn còn đây chứ không mất, chỉ là mình tưởng mất nên mới luôn đi tìm. Tu hành cũng luôn đi tìm tâm vì tưởng mất, nhưng nếu xét kỹ lại thì mỗi người chúng ta có thấy tức cười không? Tâm mình mà mình không biết, lại đi tìm tâm, chạy tới người khác hỏi. Quý vị thấy sao? Đó là một cái đau cho mình. Thực sự nó đâu có mất, tại do mình quên mất mình mà chạy theo duyên, theo vật nên tưởng mất. Kiểm lại, tất cả mọi người ngồi đây không ai thiếu tâm hết. Có tâm là có biết, ai cũng đều có đủ hết. Giờ thử đặt câu hỏi lại, trong đây có ai thiếu cái biết đó giơ tay lên? Không ai giơ tay lên tức là chấp nhận mình có biết, tức là tâm vẫn còn. Mà giả sử có ai giơ tay lên thì sao? Cũng có luôn. Nếu không biết thì làm sao biết giơ tay lên? Vậy là cả hai trưởng hợp giơ tay lên hay không giơ tay lên cũng đều chấp nhận là mình có tâm. Nhưng mà bây giờ lại đi tìm tâm, đó là cái đau cho mình. Giờ nhớ lại thì mới thấy có niềm tin trở lại.
Thiền sư Thỉnh Huyền khi còn đi tham học đến Thiền sư Duyên Quán hỏi: Thế nào là đạo tràng vô tướng?
Thiền sư Duyên Quán chỉ tượng Bồ Tát Quán Thế Âm nói: Cái này là do Ngô Sử Sĩ vẽ (Ngô Sử Sĩ là Ngô Đạo Tử, một hoạ sỹ giỏi thời xưa).
Thiền sư Thỉnh Huyền mới suy nghĩ để đáp thì Thiền sư Duyên Quán nhanh miệng bảo: Cái này có tướng, cái kia không tướng.
Ngay đó Sư liền tỉnh ngộ, lễ bái.
Quý vị thấy cái gì trong đó? Cái này có tướng là gì? Cũng là tâm, nhưng là tâm có tướng vì có suy nghĩ. Còn cái kia không tướng thì cũng là tâm. Ngay đó tỉnh ngộ là gì? Cũng là tâm, tâm tỉnh ngộ chứ có ai trong đó. Như vậy thì ngoài tâm đâu có gì riêng khác được, làm gì thì làm cũng không chạy ra khỏi tâm được, vậy thì tại sao còn chưa tỉnh? Đó là thực tế. Và nếu thực tế hơn nữa thì ngay đây tôi đang nói, quý vị đang nghe đó thì có ra ngoài tâm không? Nhưng mà sao còn chưa giác? Vậy thì còn nghi gì nữa, ở chỗ nào? Đó là chỗ muốn nhắc lại đó.
Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền có lần thượng đường khai thị trong chúng. Ngài nói rằng: “Sắc thân bốn đại chẳng biết nghe pháp, nói pháp. Tỳ, vị, gan, mật chẳng biết nói pháp, nghe pháp, hư không chẳng biết nói pháp, nghe pháp. Chính cái gì biết nói pháp, nghe pháp? Là một cái riêng sáng tỏ, hiện bày rành rõ trước mắt ông đó. Cái đó biết nói pháp, nghe pháp”.
Tức là bốn đại đất, nước, gió, lửa là vô tri, khi tắt thở vẫn còn đó nhưng đâu biết nói pháp, nghe pháp. Tỳ, vị, gan, mật cũng không biết nói pháp, nghe pháp. Cái miệng này cũng không biết nói pháp, nghe pháp. Mình thường nói cái miệng này nói pháp, lỗ tai này nghe pháp. Sự thật, cái miệng này không biết nói pháp, lỗ tai này không biết nghe pháp, miệng chỉ là hai miếng da, khi tắt thở rồi đâu biết nói pháp. Lỗ tai này khi tắt thở vẫn y nguyên, đâu biết nghe pháp. Cái gì biết nói pháp, nghe pháp?
“Nếu thấy được như thế liền cùng Phật, Tổ không khác. Chỉ ở trong tất cả thời chớ để cho gián đoạn thì trợn mắt đều phải, chỉ vì tình sanh mà trí cách, tưởng biến mà thể khác, do đó luân hồi trong ba cõi chịu mọi thứ khổ”.
Như vậy lỗi là ở chỗ tình sanh mà trí cách, nó rõ ràng hiện bày đó nhưng vì tình sanh trí cách nên không nhớ, không thấy thôi. Cái tưởng nó biến thành ra cái thể sai khác nên mê. Còn mình nhớ trở lại, dừng cái tình thì trí sáng, luôn luôn hiện này rõ ràng chưa từng thiếu sót bao giờ. Đây Ngài Lâm Tế chỉ thẳng, hết tình cho mọi người. Ngài nói vậy là chân thật hết tình cho mọi người chứ Ngài đâu có nói dối mình để làm gì. Ngài không nói dối chúng ta mà chính là chúng ta tự dối mình. Xét kỹ như vậy mình mới thấy được lẽ thật này để thấy được sự giác ngộ luôn hiện hữu nơi mình.
III. MỖI NGƯỜI HÃY TỰ CỨU MÌNH
Kinh Viên Giác, phẩm Tịnh Cư nghiệp chướng, Đức Phật có bảo: “Tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay, vọng tưởng chấp có ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng, nhận bốn thứ điên đảo làm ngã thể thật, do đây liền sanh hai cảnh yêu ghét. Ở nơi thể hư vọng lại thêm một lớp chấp hư vọng nữa. Hai cái vọng nương nhau mà sinh ra cái vọng nghiệp đạo, vì có cái vọng nghiệp nên vọng thấy lưu chuyển, người chán sự lưu chuyển lại vọng thấy Niết Bàn, do đây mà chẳng thể vào được tánh giác thanh tịnh, chớ chẳng phải tánh giác nó chống cản không cho mọi người vào, và có những người vào được cũng chẳng phải vì tánh giác cho vào”.
Người có giác ngộ không phải vì tánh giác cho vào, mà người không giác ngộ cũng không phải do tánh giác ngăn cản. Cái ngã này hư vọng, chấp vào cái ngã hư vọng đó, đó là một lớp, lại chồng thêm một lớp hư vọng thứ hai nữa là ở trên cái ngã đó lại sanh yêu, ghét. Hai lớp hư vọng từ đó tạo thành cái nghiệp cũng hư vọng, cho nên mới đành chịu có hư vọng lưu chuyển. Tánh giác là thường trụ thì đâu có lưu chuyển đi đâu, nhưng mà vì chấp cái ngã hư dối này là mình rồi trên đó lại sanh yêu ghét cho nên tạo nghiệp dẫn đi, đó là lưu chuyển. Chính vì ở trong lưu chuyển đó lại cầu Niết Bàn để hết lưu chuyển, cho nên Ngài nói cũng là lớp vọng này qua lớp vọng kia, đồng ở trong vọng thôi. Không phải tánh giác thấy người này thuận thì cho, còn người kia không thuận thì ngăn cản. Tánh giác bình đẳng không ngăn cản ai cả, là tự mình có chịu vào hay không thôi. Quan trọng là khéo ngộ vọng tức chơn thì liền thấu suốt lẽ thật xưa nay chưa từng mất. Đó chính là con đường tự cứu mình ra khỏi cái lầm mê từ muôn thuở. Cho nên hôm nay là ngày giỗ Tổ nên cũng muốn nhắc lại: Chết là một sự thật không ai tránh khỏi, nó chia đều hết cho tất cả. Sợ cũng chết mà không sợ cũng chết. Muốn cũng chết mà không muốn cũng chết. Làm ngơ cũng chết mà quan tâm cũng chết chứ không phải làm ngơ không để ý tới nó thì không chết. Đó là cái phải đến thôi, nhưng đâu là con đường để tự cứu mình trong cơn đại nạn này? Đó mới chính là câu hỏi lớn cho tất cả những ai đang còn mở mắt đây.
Đó là câu hỏi lớn đó. Mình thường thường đặt câu hỏi này, câu hỏi kia nhưng đây mới chính là câu hỏi lớn của cuộc đời nhưng ít ai chịu đặt ra để trả lời. Nghĩa là đối với người đang mở mắt đây thì đó là câu hỏi lớn đó. Và nên nhớ rằng, còn đang mở mắt đây tức là sẽ phải nhắm mắt, đảm bảo là như vậy. Đó là con đường phải đến. Vậy thì ngay đây phải làm sao? Đó là cái điểm phải thức tỉnh đó. Cho nên mỗi người phải nhớ kỹ, ngay khi đang ngồi mở mắt đây thì nhớ rõ: bảo đảm sẽ phải đến lúc nhắm mắt. Không ai đi ra ngoài con đường đó hết. Bây giờ phải làm sao?
Ở trong nhà Thiền, có câu chuyện về quốc sư Huệ An ở Tung Nhạc, có một vị tăng là Thản Nhiên đến hỏi: Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang?
Quốc sư Huệ An đáp: Sao chẳng hỏi ý của chính mình? (Ông lo hỏi ý của Tổ sư sao không hỏi lại ý của chính mình? Đó mới là quan trọng).
Thường chúng ta học Phật cũng hay có kiểu đó, lo hỏi ý của Phật, ý của Tổ nhưng không hỏi ý của chính mình. Đó mới là cái gần gũi, quan trọng nhất. Sáng tỏ được cái ý của chính mình đó thì sẽ rõ được ý kia, nhưng ít ai chịu hỏi tới đó mà lo hỏi chuyện này, chuyện kia, chuyện của người ta không thôi.
Ông Tăng mới hỏi: Thế nào là ý của chính mình?
Ngài Huệ An đáp: Nên xem tác dụng thầm kín (tức là nên xem cái tác dụng thầm kín nơi chính mình).
Vị Tăng hỏi: Thế nào là tác dụng thầm kín?
Sư mới liền nhắm mắt, mở mắt, chỉ đó.
Ngay đó, ông tăng Thản Nhiên liền biết chỗ về (tức là tỉnh ngộ).
Như vậy, ngay chỗ nhắm mắt mở mắt đó liền tỉnh ngộ. Còn nếu không tỉnh ngộ được ngay chỗ nhắm mắt, mở mắt đó thì bảo đảm cuối cùng đi đến chỗ nhắm mắt mãi mãi. Còn ngay chỗ nhắm mắt, mở mắt mà tỉnh ngộ được rồi thì sẽ mở mắt đời đời, không nhắm. Tức là sáng tỏ được điều này rồi thì mở mắt đời đời, không nhắm. Đó là cái chỗ mà mình cần phải sáng mà không sáng, lo đi sáng cái gì?
Vậy thì ngay đây quý vị biết chỗ về chưa? Làm sao để thấy qua chỗ nhắm, mở đó thì gọi là cán gậy ở trong tay mình chứ không đâu xa hết. Còn chưa thì lo chạy ra ngoài.
Thiền sư ngày xưa các Ngài giảng đơn giản, không giống như mình ngày nay, đơn giản nhưng lại chính xác. Còn mình ngày nay thì không đủ khéo như ngày xưa nên giảng cũng hơi nhiều, nói cũng hơi nhiều, chứ còn đúng như các Ngài, giảng đơn giản, ngắn gọn nhưng chính xác, tức là đi thẳng vào lẽ thật, ý thật. Nhưng bây giờ mà giảng theo kiểu ngày xưa thì chắc là pháp hội này rút từ từ hết. Thành ra đây là gợi ý, muốn nhắc cho tất cả. Nói nhiều quá thì cũng đi trên ngôn ngữ nhiều, quan trọng là gợi ý để nhắc cho tất cả làm sao để mình có một cái nhận định rõ, sáng suốt để cho buổi cúng Tổ có thêm ý nghĩa.
Để tóm kết lại, xin nhấn mạnh: CỬA GIÁC NGỘ VẪN CÒN ĐANG MỞ, CHƯA ĐÓNG. Xác định rõ với tất cả như vậy, bởi vì ai cũng đều có tánh giác, tâm vẫn còn đây, dấu vết vẫn còn thì cửa giác ngộ vẫn còn, chưa đóng. Chịu vào hay không là do mình thôi. Cửa giác ngộ vẫn còn chưa đóng, để sẵn là chờ ai? Ai là người xung phong vào? Đây là một lẽ thật trăm phần trăm, không có dối gì hết. Vậy thì trong đây ai cũng có đôi mắt, quý vị trong đây có ai thiếu đôi mắt không? Ai cũng đều có đủ đôi mắt hết, nhưng có chịu thật mở để vào hay không, đó mới là quan trọng. Đó là câu hỏi, mà câu hỏi này ai trả lời được chính xác nhất? Không ai ra ngoài chính mình. Chính mình là người trả lời chính xác nhất thôi, không ai trả lời thế được hết.
Có vị Tăng hỏi Thiền sư Nguyệt Luân: Thế nào là chỗ dụng tâm của học nhân?
Thiền sư Nguyệt Luân đáp: Cửa giác mở toang, đối trăng chớ mê.
Tức là cửa giác vẫn đang mở toang đó, nhưng đối trước mặt trăng thì chớ có mê. À, ngay đó là vào thôi. Cho nên cái quan trọng là, nhất là đối với trong nhà thiền, cái giây phút quan trọng nhất là giây phút gì, quý vị biết không? Ngay đây, bây giờ là giây phút tuyệt vời nhất. Ngay đây, bây giờ là giây phút tuyệt vời nhất, khỏi cần phải lo lắng tìm ở đâu xa hết, nhưng mà ít có ai chịu sống trở lại với cái giây phút tuyệt vời này mà luôn luôn sống với cái gì ở đâu đâu. Cho nên ngồi ở đây nhưng không chịu sống ngay đây, bây giờ mà sống với cái đâu đâu. Đó chính là chỗ mê, chứ còn mỗi người khéo chịu sống trở về ngay đây, bây giờ mà quý vị ứng dụng luôn, lúc nào cũng vậy hết. Ngồi đây cũng ngay đây, bây giờ. Chút đi ra ngoài, về phòng cũng ngay đây, bây giờ, khi đi ra xe cũng ngay đây, bây giờ. Lúc nào cũng sống như vậy thì bảo đảm đó là giây phút tuyệt vời nhất. Còn khi mà rời ra một chút đó là nó đi xa, đi lệch.
Cho nên, tôi có hai câu thơ xin tặng cho tất cả:
Cửa giác mở toang ít người đến
Ngục mê đóng kín cứ chen vào.
Chư Phật, chư Tổ, các bậc thiện tri thức ra đời luôn luôn nhắc nhở, khơi dậy cho mọi người là phải giác, tức là sẵn sàng mở sẵn hết nhưng mà ít ai chịu đến. Còn ngục mê, cái chỗ tối tăm đó, các Ngài luôn ngăn chặn, không cho, đóng kín lại nhưng mà cứ chen vào, chen vào, có khi không cho vào còn buồn nữa. Quý vị thấy có phải không? Đó là chỗ các Ngài ngăn chặn, đóng kín không cho vào mà có người lại còn buồn, còn trách nữa. Quý vị thấy có lạ đời không? Cho nên nhiêu đó quý vị tỉnh lại thì thấy con đường mình đi là sáng tỏ.
Cuối cùng ở đây, xin nhắc lại bài kệ của Thiền sư Thạch Điền nhân đêm Trung thu, Ngài thượng đường khai thị cho đại chúng, nguyên văn chữ Hán là:
Thông thân vô mích xứ
Biến giới bất tằng tàn
Bế mục Trung thu tọa
Khước tiếu nguyệt vô quang.
Tức là:
Toàn thân không chỗ kiếm
Hiện tiền khắp mọi nơi
Trung thu ngồi khép mắt
Lại cười trăng không soi.
Trung thu là trăng sáng, nhưng mà ngồi nhắm mắt rồi lại bảo là không có trăng. Như vậy thì tức là sao? Trung thu không có trăng hay là tại ai?
Vậy thì hiện tiền đây, ai nhắm mắt, ai mở mắt? Đó là câu hỏi đặt ra cho tất cả đó. Ngay hiện tiền đây, ai nhắm mắt, ai mở mắt? Thôi, mời tất cả đồng cúng Tổ là xong.
Hồi hướng:
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Các bài mới
- Cái biết sáng ngời muôn thưở - 14/03/2016
- Ta là gì ? - 26/02/2016
- Thiền tông đốn ngộ - 16/11/2015
- Tâm yếu nhà Thiền - 16/11/2015
- Niệm về cái chết - 15/11/2015
Các bài đã đăng
- Sống tỉnh giác - 15/10/2015
- Tam nhân Phật tánh - 23/09/2015
- Tâm Kinh Bát Nhã qua cái nhìn của nhà thiền - 23/09/2015
- Giải trừ bản ngã - 23/06/2015
- Ta thì chẳng phải là ta - 22/06/2015
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 26409
- Online: 36