Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thiền sư Vạn Hạnh viên tịch

30/06/2018 | Lượt xem: 3449

Vừa qua, ngày 28-6 (15-5-Mậu Tuất), tại chùa Tiêu (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), chư tôn đức Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự GHPGVN đã trang nghiêm tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm ngày Thiền sư Vạn Hạnh viên tịch.

Quang lâm dự lễ tưởng niệm có HT.Thích Thanh Dũng, Phó Pháp chủ HĐCM; HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS; HT.Thích Thiện Pháp, HT.Thích Thanh Nhiễu - đồng Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS; HT.Thích Bảo Nghiêm, HT.Thích Quảng Tùng, HT.Thích Gia Quang, TT.Thích Thanh Quyết, TT.Thích Quảng Hà - đồng Phó Chủ tịch HĐTS; TT.Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS; TT.Thích Thanh Phụng, UV HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN; NT.Thích Đàm Chính, trụ trì chùa Tiêu, cùng chư tôn đức HĐTS, BTS GHPGVN các tỉnh thành. 
 Về phía lãnh đạo chính quyền có ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQVN; ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Ngô Văn Khương, Phó ban Dân vận Tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh, đại diện lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương, cùng đông đảo nhân dân Phật tử tham dự. 
Phát biểu khai mạc buổi lễ, HT.Thích Thanh Nhiễu cho biết, sinh thời Thiền sư Vạn Hạnh là người luôn quan tâm đến đời sống chính trị và tham gia nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, đặc biệt trong việc giúp vua Lê Đại Hành chống giặc ngoại xâm, góp phần đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua, lập ra vương triều Lý hòa bình, thịnh trị, tồn tại hơn 200 năm - đặt nền móng cho nền độc lập, tự chủ vững bền của quốc gia Đại Cồ Việt.
 Hòa thượng khẳng định: "Thiền sư Vạn Hạnh là ngọn đèn thiền rực sáng của dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi, người có công lao to lớn với lịch sử dân tộc, là đại diện tiêu biểu của một công dân hết lòng phụng sự đất nước với tư tưởng phù hợp, tốt đẹp của giáo lý nhà Phật. 

Thay mặt  HĐTS GHPGVN, HT.Thích Thiện Nhơn tuyên đọc lời tưởng niệm. Hòa thượng nhấn mạnh, công đức và đạo nghiệp của Quốc sư Vạn Hạnh còn sống mãi trong lòng Tăng Ni, Phật tử Việt Nam, trong trang sử vàng của dân tộc và Phật giáo. Với cương vị cố vấn Quân sư, Quốc sư của các triều Đinh, Tiền Lê và đầu nhà Lý, Quốc sư Vạn Hạnh đã tạo được sự đoàn kết, thống nhất ý chí hành động và phát triển đất nước gần 300 năm, đưa Phật giáo lên hàng Quốc đạo. 
 Đại diện lãnh đạo chính quyền tỉnh Bắc Ninh, ông Đinh Xuân Vinh, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Bắc Ninh phát biểu nhấn mạnh, Bắc Ninh tự hào là quê hương của Thiền sư Vạn Hạnh.
Theo ông Vinh, nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm ngày Thiền sư Vạn Hạnh viên tịch (1018 - 2018), Tăng Ni, Phật tử Việt Nam nói chung và Bắc Ninh nói riêng cùng ôn lại lịch sử, đóng góp của Thiền sư Vạn Hạnh đối với dân tộc, khơi dậy niềm tin, niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp đồng hành cùng dân tộc. 

Cuối buổi lễ, chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử thành kính làm lễ tưởng niệm Thiền sư.

 

 

 

 

 

 

 

ĐÔI NÉT VỀ THIỀN SƯ VẠN HẠNH

(? - 1018)-(Đời thứ 12, Dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi)

Sư họ Nguyễn, quê ở làng Cổ Pháp, gia đình đời đời thờ Phật. Thuở nhỏ Sư đã thông minh khác thường, thông suốt Tam học và nghiên cứu Bách luận, mà vẫn xem thường công danh phú quí.

Năm 21 tuổi Sư xuất gia, cùng Thiền sư Định Huệ, thọ học với Thiền Ông Đạo Giả ở chùa Lục Tổ làng Dịch Bảng phủ Thiên Đức. Khi việc rảnh rỗi, Sư học hỏi quên cả mỏi mệt.

Sau khi Thiền Ông tịch, Sư kế tiếp trụ trì chùa này và chuyên tập pháp “Tổng trì tam-ma-địa” lấy đó làm sự nghiệp. Bấy giờ Sư có nói ra lời gì dân chúng đều cho là lời sấm ký. Vua Lê Đại Hành rất tôn kính Sư.

Niên hiệu Thiên Phúc năm thứ nhất (980), tướng Tống là Hầu Nhân Bảo kéo quân sang đánh nước ta, đóng binh ở Cương Giáp, Lãng Sơn, vua Lê Đại Hành mời Sư đến hỏi:

- Quân ta thắng bại thế nào ?

Sư đáp:

- Trong ba, bảy ngày thì giặc ắt lui.

Quả đúng như lời Sư đoán.

Có kẻ gian tên Đỗ Ngân âm mưu hại Sư. Biết trước sự việc, Sư đưa cho y một bài thơ:

                          Thổ mộc sanh nhau Cấn với Kim,

                          Vì sao ôm ấp lòng hận phiền?

                          Bấy giờ tôi biết lòng buồn dứt,

                          Thật đến sau này chẳng bận tâm.

                          (Thổ mộc tương sanh Cấn bạn Câm (kim) [Thổ Mộc là Đỗ, Cấn Kim là Ngân]

                          Vân hà mưu ngã uẩn linh khâm?

                          Đương thời ngũ khẩu thu tâm tuyệt

                           Chân chí vị lai bất hận tâm.)        

Được thơ này gã Ngân hoảng sợ không tiến hành mưu hại nữa.

Lúc vua Lê Ngọa Triều ở ngôi quá tàn bạo, mọi người đều oán ghét. Khi ấy Lý Thái Tổ còn làm chức Thân Vệ, chưa lên ngôi. Bấy giờ trong nước có những điềm lạ xuất hiện liên miên. Tùy theo chỗ thấy nghe, Sư đều bàn giải phù hợp với triệu chứng nhà Lê sắp mất, nhà Lý lên thay.

Ngày vua Lý Thái Tổ lên ngôi, Sư ở tại chùa Lục Tổ mà vẫn biết trước, báo tin cho chú và bác vua Lý hay: “Thiên tử đã băng hà, Lý Thân Vệ đã khuất phục trong thành nội, túc trực trong vài ngày Thân Vệ ắt được thiên hạ.” Và để chiêu an bá tánh, Sư ra yết thị rằng:

                          Tật Lê chìm biển Bắc

                          Cây Lý che trời Nam

                          Bốn phương binh đao dứt

                          Tám hướng thảy bình an

                          (Tật Lê trầm bắc thủy       

                          Lý tử thọ nam thiên 

                         Tứ phương qua can tịnh    

                          Bát biểu hạ bình an.)

***

Niên hiệu Thuận Thiên thứ chín (1018) ngày rằm tháng năm, Sư không bệnh chi, mà gọi chúng nói kệ:

                          Thân như bóng chớp có rồi không,

                          Cây cỏ xuân tươi, thu đượm hồng,

                          Mặc cuộc thạnh suy không sợ hãi,

                          Thạnh suy như cỏ hạt sương đông.

                          (Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

                          Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô,

                          Nhậm vận thạnh suy vô bố úy

                          Thạnh suy như lộ thảo đầu phô.)  

Nói xong, Sư lại bảo chúng: “Các ngươi cần trụ chỗ nào? Ta chẳng lấy chỗ trụ mà trụ, chẳng y không trụ mà trụ.” Ngừng giây lát, Sư tịch.

***

Vua Lý Thái Tổ và đệ tử làm lễ hỏa táng, nhặt xá-lợi xây tháp cúng dường.

Về sau vua Lý Nhân Tông có làm bài truy tán Sư rằng:

                         Vạn Hạnh thông ba mé 

                         Thật hợp lời sấm xưa.

                         Quê nhà tên Cổ Pháp

                          Dựng gậy vững kinh vua.

                          (Vạn Hạnh dung tam tế,     

                          Chơn phù cổ sấm cơ (ky)  

                           Hương quan danh Cổ Pháp,

                          Trụ tích trấn vương kỳ.)    

 

 

 

Tin tức

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 89420
  • Online: 21