Để có một tinh thần tích cực đúng nghĩa
02/11/2015 | Lượt xem: 4453
ĐĐ.Thích Tâm Hạnh
Như thường lệ, hôm nay là ngày sinh hoạt tu tập tại Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã. Kỳ này có các phật tử từ Thành phố Đà Nẵng cùng về tu tập với đạo tràng địa phương chúng ta. Như quý vị biết Thiền viện còn mới mẻ, quý thầy chưa từng mở khóa tu, chưa tổ chức một chương trình cụ thể nào cho quý phật tử tu tập. Nhưng do lòng hâm mộ khát khao tu tập nên quý vị đã cùng nhau về Thiền viện thỉnh quý Thầy hướng dẫn theo định kỳ quý vị sắp xếp. Mới nhìn qua, việc làm này như là mình làm cho mình, mang tính chất nội bộ. Nhưng khi quý vị tu tập tốt thì năng lực từ sự tu tập ấy tự nhiên lan toả, những vị khác thấy được thường hỏi quý thầy: Trong Thiền viện có mở khóa tu không, khi nào tu thì thông báo cho biết để trở về cùng tu. Mới thấy, nếu chúng ta tu hành thực sự thì từ việc tự tu, tự lợi cho mình, những người khác cũng theo đó cùng trở về tu chung với chúng ta, mình không nghĩ là giáo hóa ai mà nó tự có. Đó là trong tự lợi đã có lợi tha.
Nếu chúng ta không tu, hay như quý Thầy không tu mà nói thì quý vị có nghe không? Nghe cho vui thôi chứ không có dính dáng gì, Thầy nói một đường mà đi làm một nẻo thì ai mà nghe. Nhưng khi tu rồi, quý vị làm thinh cũng là thuyết pháp. Từ đó mới thấy giá trị tu tập rất lớn. Mình không có ý nghĩ gì, nhưng sự tu tập của qúy vị giống như người khai màn ban đầu, đặt sẵn một nền tảng căn bản để rồi tạo duyên cho những người khác cùng về tu tập, dần dần sẽ có nhiều huynh đệ cùng tu với chúng ta. Nhân sự kiện này, hôm nay quý Thầy sẽ nói chuyện về tinh thần tích cực và tiêu cực đúng nghĩa để chúng ta cùng hiểu.
Thỉnh thoảng có một số người đến đặt những câu hỏi rất hay. Họ nói có những người thường đến trại cùi, trại mồ côi để làm việc thiện, chăm sóc mọi người ở đó rất chu đáo, thấy rất tích cực. Ngược lại, họ thấy có nhiều quý Thầy chuyên tu gì mà trốn trong núi rừng, không gặp ai hết, có vẻ quan trọng lo cho mình nhiều quá, có bị tiêu cực không? Tất nhiên mới nhìn qua thì thấy quý vị kia đúng là tích cực, còn quý Thầy hơi tiêu cực. Nhưng nếu mới nhìn thoáng qua, chưa tìm hiểu cho tới nơi tới chốn mà vội kết luận một vấn đề thì e rằng chưa được thấu đáo, trọn vẹn.
1.TRÍ TUỆ RẤT CẦN CHO CUỘC SỐNG.
Ví dụ một hôm ra đường, quý vị tình cờ thấy một người mặc đồ rất đẹp, sang trọng, chải tóc mượt, xịt keo thơm phức, mình nghĩ chắc là đại gia nào tản bộ đi dạo chơi. Lát sau lại thấy ông ta nhặt đồ dơ bên vệ đường mà ăn. Hóa ra trông sang trọng như vậy mà ông ta bị bệnh tâm thần, tội quá! Đó là hình ảnh của người bị bệnh tâm thần không ổn định, nhưng ăn mặc rất sang. Người thứ hai là một người ăn mặc vừa đủ, sạch sẽ, gọn gàng, không xa xỉ, cũng chẳng dơ bẩn, công việc của họ chỉ là đi làm thuê, dọn dẹp nhà cửa, bán buôn... Đặc biệt người này có cách sống tốt, khi nào đi làm cũng đúng giờ, hoàn thành mọi việc tươm tất, chu đáo, biết lễ phép, làm việc trong tinh thần cởi mở, vui vẻ, tôn trọng mọi người, nhỡ có bị oan điều gì họ cũng vui vẻ đón nhận. Một người làm thuê như vậy sống trong gia đình mình quý vị thấy có cảm mến và quý trọng không? Rất là quý. Như vậy làm nên phẩm chất của một con người là do hành động, cách sống của người đó chứ không phải do những thứ trang sức bên ngoài.
Từ ví dụ trên, quý vị thử nghĩ chúng ta cần ăn ngon, mặc đẹp, sang trọng mà thiếu trí tuệ hay chúng ta cần vừa đủ mà sáng suốt? Cần vừa đủ mà có trí tuệ sáng suốt. Khi con người chúng ta thiếu trí tuệ, nhìn nhận sai, đó là sự thể rất đáng thương. Muốn đi đến đâu, trước tiên phải mở con mắt sáng. Muốn làm một việc gì, trước tiên cần sự nhìn nhận đúng đắn, đó là trí tuệ. Từ tầm nhìn đúng, hành động đúng sẽ đưa đến kết quả mỹ mãn. Ví dụ muốn đi từ đây ra ngoài cổng tam quan, nếu nhắm mắt lại quý vị có thấy đường để đi không? Không thấy thì sẽ bị ngã. Như vậy mở mắt là việc cần trước khi chúng ta đi. Trí tuệ là hành trang cần thiết cho một người bước vào đời.
2. CÓ TRÍ TUỆ, CÓ TINH THẦN LẠC QUAN LÀ CÓ SỰ SỐNG.
Đến trại mồ côi, trại cùi hay trại người mù, ngoài việc chăm sóc, giúp đỡ, nếu quý vị khéo hướng dẫn để họ cảm thấy rằng sự sống chết là bình thường. Cho họ thấy rõ có những người rất may mắn, lành lặn, giàu sang, nhưng người ta vẫn khổ đau nếu không biết sống. Niềm vui sẽ đến từ tâm hồn lạc quan, mạnh mẽ chứ nó không nhất thiết đến từ những hình thức bên ngoài như điều kiện sống, vật chất hay thân thể này… Khi tinh thần an tĩnh, vững mạnh, sáng suốt thì chúng ta sẽ tự tin, lạc quan yêu đời, đó là tố chất cần có của một con người biết sống… Chỉ một lời nói thôi, nhưng nếu có tác dụng thì chúng ta đã giúp cho họ một quan niệm, một định hướng, một lý tưởng khiến họ có được một cuộc sống an ổn, hạnh phúc, an vui, lạc quan trong khi bệnh. Như vậy là quý vị đã giúp đỡ cho sự sống của người khác rồi. Việc làm này có khi lại cần thiết hơn là chúng ta chỉ đến rồi về mà không an ủi hướng dẫn thêm gì hết. Đó là điều thứ nhất.
3. KHÔNG CHÚ TRỌNG ĐẾN TRÍ TUỆ, LÀM QUA BẢN NGÃ SẼ BỊ GIỚI HẠN.
Điều thứ hai, quý vị nghĩ lại coi, khi chúng ta đến đó chăm sóc những người cần đến mình giúp đỡ. Chúng ta làm việc hết mình, hết lòng với họ, với tổ chức từ thiện đó. Đã bỏ công, bỏ của ra quá nhiều, đã nhiều lần mình dồn tâm huyết cho tổ chức đó. Tình cờ hôm nào đó đến thăm mà họ đối xử không tốt với mình thì quý vị có bực bội không? Nếu bị xóc nhiều quá thì có khi chúng ta nổi bực đến độ muốn bỏ và không làm từ thiện nữa, và có ai đến làm mình cũng không thích. Như vậy khi bị trái lòng, mình có tâm niệm ác trở lại thì những cái thiện ngày xưa mất hết rồi. Nếu còn thì nó phải thôi thúc chúng ta muốn làm nữa chứ. Đằng này nản chí không muốn làm và cũng không ủng hộ ai làm cả. Đó là tâm thiện đã mất, pháp thiện không còn, phước thiện cũng theo đó mà mòn dần, tan biến. Cho nên, khi làm việc thiện mà con mắt mình chưa mở sáng, chưa có cái nhìn đúng thì không có gì bảo đảm là chúng ta sẽ thiện mãi mãi, có khi còn thối tâm, nghĩ và làm ác trở lại hồi nào không hay biết. Như vậy, làm một việc thiện mà không bảo đảm chắc chắn lâu dài thì quý vị thấy cách làm ấy đã được an toàn chưa?
Giả sử quý vị có con em đi học đại học xong, ra ký hợp đồng với một công ty có lương cao, công việc ổn định, bảo đảm lâu dài, quý vị có chịu không? Hay là mình thích con em mình vào một công ty mà ngày nay còn, ngày mai mất chưa biết? Cũng vậy, hôm nay làm việc thiện giống như chúng ta đang ký kết với công ty thiện, công ty đó ngay nơi tâm mình. Nếu chúng ta có một cái trí nhìn nhận đúng mức để đảm bảo mãi mãi sẽ là thiện, ngày mai dù có thuận nghịch thế nào cũng không có thể làm mình thay đổi, như vậy mới đảm bảo an toàn dài lâu được. Ngược lại, thích là làm, thấy người ta làm thì mình làm theo mà không có một cái nhìn nhận đúng đắn, không có một hướng làm hợp lý, không có cách dụng tâm chính chắn trong khi làm thì khó đảm bảo cho công việc của mình lâu dài được. Hôm nay thấy thuận tiện, thấy vui thì làm, ngày mai gặp duyên gì đó không hợp thì mình không muốn làm thiện nữa. Chuyện đời ngày mai thế nào ai mà biết được! Vào đời với hướng đi như thế thì rất nguy hiểm, không có gì đảm bảo cho mình được cả.
Cụ thể hơn một chút, cũng là công việc thiện mà quý vị vẫn đang làm, nhưng khéo vận dụng làm sao để tâm mình được an tĩnh, sáng suốt nữa thì sẽ tốt. Có khi làm nhiều đạt được mười phần, nhưng lại quá sức chịu đựng của mình, dễ sanh phiền não, bực bội, không an ổn thì đó là do nhiệt tình mà sanh phiền não, như vậy là không an toàn rồi. Nhưng nếu làm vừa với sức của mình để chúng ta an tĩnh được nội tâm, có thời gian tu tập được. Khi khéo tu tập, an tĩnh nội tâm thì tự nhiên cái trí mình được tỏa sáng, mở rộng. Khi trí thoáng rộng, trong lòng tự có sự an vui thì quý vị đi làm việc thiện sẽ đúng nghĩa là thiện. Quên ngã thể riêng tư nhỏ nhoi của mình, chỉ biết cho ra chứ không nghĩ qua mình, không cần muốn gì về mình cả. Nhỡ có ai làm ngược ý cũng chẳng sao, mình đang cho ra mà. Làm được như vậy mới đúng nghĩa là làm việc thiện, thiện tâm được đảm bảo lâu dài, không thối chuyển, mãi mãi là thiện, mới gọi là an toàn được.
Cho nên muốn làm việc thiện, muốn có một tinh thần tích cực đúng nghĩa, chúng ta cần mở con mắt nhìn nhận đúng đắn trước rồi làm thì mới có kết quả tốt và an toàn được. Phải bình tĩnh, sáng suốt biết rằng, đây là hành động ban ra. Mình được may mắn hơn người khác một chút thì giúp cho người không được may mắn như mình trong khả năng mà mình có được. Khi làm việc đó cần phải an tĩnh, thanh tịnh, nhẹ nhàng, không đánh mất sự tỉnh sáng chính mình. Chính tâm an tịnh sẽ bảo đảm cho mình là thiện mãi. Song song với việc phúc lợi, quý vị dành ra một ít thời gian để lo cho sự an tĩnh của tâm mình thì cái thiện sẽ bảo đảm trọn vẹn, mãi mãi, mới đúng trọn nghĩa là một tinh thần tích cực, cho ra, quý vị thấy có xứng đáng không? Muốn làm được như thế, không gì hơn là mỗi một chúng ta phải có sự tu tập.
4.ĐIỀU KIỆN CĂN BẢN TỐI THIỂU LÀM NÊN MỘT TÂM THIỆN.
Để có được kiến thức căn bản tối thiểu vào đời cần phải trải qua 12 năm ngồi trên ghế nhà trường đào tạo. Để có được một ngành nghề cơ bản cũng cần từ 4 đến 8 năm học hỏi và đào tạo chuyên ngành. Huống nữa đến với con đường trau dồi đạo đức tâm linh, không trải qua thời gian đào tạo trong một môi trường nhất định nào đó mà thành tựu được sao! Cho nên việc tránh duyên tu tập của buổi đầu để có được một phần đạo lực nhất định, không thể gọi là việc tiêu cực mà là một sự trau dồi trước rồi mới làm sau. Đây chỉ là hướng đi căn bản cần thiết chứ không nằm trong tiêu cực hay tích cực như mình nghĩ. Trong một gia đình có đủ điều kiện, quý vị muốn cho con mình đi học để có một tương lai sáng lạn, hay chấp nhận cho nó bỏ học đi làm thêm kiếm tiền trong khi còn quá bé? Trước phải lo học hành rồi sau mới có một tương lai khả quan được. Giả sử quý thầy ở đây ban đầu mới vào tu không có được thời gian đào tạo tu tập cơ bản. Khi mới vào chùa thì chuyên làm công việc phúc lợi liền, xem ra rất tốt. Không có thời gian công phu tu tập thì đạo lực không có, không làm chủ được các tập khí ham muốn của bản thân. Từ đó, đời sống của quý thầy ở đây không giống ai, đi đứng không giống ai, nói năng không giống ai, cách xử sự cũng không giống ai hết. Khi đến đây, thấy đời sống quý thầy không tốt như vậy thì quý vị có đủ niềm tin để nương về tu tâm dưỡng tánh không? Lúc này mới thấy, việc phúc thiện trước kia không đủ để bù được những hư đốn do thiếu tu tập, đồng thời quý thầy cũng không giúp được phần tinh thần cho quý vị nữa. Cả hai đều mất. Cách làm một việc thiện như vậy có được xem là tốt đẹp trọn vẹn không? Một đóa hoa dù đẹp, nhưng đặt vào một đống rác quá thối hôi thì không ai có thể đến đó mà ngắm xem được cả. Cho nên muốn đẹp thì trước tiên phải sạch. Chúng ta đi cướp giựt của người A rồi đem cho người B một phần. Người B chỉ cám ơn rồi thôi, nhưng người A bị mất của sẽ khổ đau và uất hận không nhỏ. Nếu người ta bắt được thì mình phải chịu tội hình, người A ôm hận sẽ có ngày mình phải đền trả. Lúc này anh B có đủ tư cách cứu mình thoát khỏi các họa đó không? Đó là làm ơn không đủ để trả nợ. Cho nên làm ơn không bằng không mắc nợ. Muốn thiện, trước tiên phải không ác. Nhưng việc ác nó sẽ đến khi chúng ta không làm chủ, không thắng nổi bản thân mình. Ngày nào tâm chúng ta chưa làm chủ được sự ham muốn của bản thân, ngày đó tâm thiện của mình còn mong manh lắm, chưa đủ tin cậy. Muốn làm chủ được mình, không gì hơn là cần có môi trường và thời gian tu tập nhất định. Quý vị thử tưởng tượng một cậu bé đến nhà mình quảng cáo một loại kem ngừa sâu răng bậc nhất. Khi chúng ta định mua, cậu vui mừng quá phá cười để lộ ra hàm răng bị sâu ăn quá đỗi, quý vị có đủ niềm tin để mua ống kem ngừa sâu răng ấy không? Tương tự, làm một việc thiện mà đời sống chưa tốt thì việc thiện ấy khó để chúng ta tin cậy. Vì thế, muốn có một tinh thần tích cực đúng nghĩa, trước tiên quý thầy phải có một thời gian tu tập để phần nào làm chủ tâm mình, may ra sau này mới giúp ích cho nhiều người được.
5. ĐỂ CÓ MỘT TÂM THIỆN RỘNG LỚN.
Thêm nữa, nếu quý vị thức dậy với một buổi sáng an vui tràn đầy nhựa sống thì lòng mình có dễ tha thứ cho người khác hơn khi bức rức bực bội không? Làm việc có nhiệt tình hơn một ngày căng thẳng hay không? Tất nhiên là có. Cũng vậy, trải qua thời gian tu tập, khi tâm an, trí sáng, đủ nguồn sống lạc an rồi thì sự dấn thân tích cực của người đó rất vĩ đại, không phân biệt ta người thương ghét, quên mình vì người, không biết chán mỏi. Dù mọi người có thuận hay nghịch lại với công việc phúc lợi của mình, chúng ta cũng không đổi khác, vẫn một mực cho ra khi người khác cần. Việc làm xuất phát từ một tâm lượng này đúng nghĩa là dấn thân, xứng đáng là một tinh thần tích cực đúng nghĩa. Khi đang còn tu tập, nhưng hình bóng quý thầy trang nghiêm, nhẹ nhàng, từ tốn, hoan hỷ…, quý vị thấy được có sanh lòng tin kính không? Cho thấy, chính khi quý thầy còn đang trong thời gian tu tập, cũng đã giúp được phần nào cho người khác rồi.
Như vậy, buổi đầu quý Thầy ở yên một nơi để tu tập, quý vị có còn thấy bị tiêu cực nữa không? Ban đầu phải có một thời gian không gian nhất định để quý thầy tu tập trước. Sau khi ổn rồi, dùng tâm lực tu tập đó để làm lợi ích cho nhiều người thì nó mới đúng nghĩa là việc tốt lớn rộng. Nếu không thì bị hạn chế lắm.
6. MUỐN TÍCH CỰC BAN RA, TRƯỚC TIÊN CẦN CÓ VỐN LIẾNG CĂN BẢN.
Có bà cụ dẫn cháu nhỏ đến gặp Thầy trụ trì và thưa:
- Thưa Thầy, cháu nó thích ăn đường, ăn kẹo nhiều quá nên hư răng hết. Trong nhà không ai khuyên bảo được. Xin Thầy từ bi khuyên bảo, cháu nương đức của Thầy mà về nhà bớt ăn đường.
Thầy bảo:
- Bà cụ chịu khó dẫn cháu về, một tuần lễ sau dẫn lên đây gặp Thầy.
Bà cụ nghe lời, tuần sau bà dẫn cháu lên:
- Thưa Thầy đúng hẹn một tuần con dẫn cháu lên, con thỉnh Thầy giúp cho cháu.
Thầy sờ đầu đứa bé và nói:
- Con đừng ăn đường nhiều nữa nghe. Ăn đường nhiều sẽ bị hư răng, trong gia đình không có vui, con phải giảm bớt thức ăn ngọt lại.
Thầy chỉ nói chừng đó thôi. Bà cụ nói:
- Có chừng đó thôi sao lần trước Thầy không nói liền mà phải hẹn một tuần sau lên lại mới nói?
Thầy bảo:
- Thưa thật bà cụ, trước kia tôi cũng thích ăn đường, tôi nói cháu sao được! Phải chờ một tuần để tôi tập bỏ ăn đường trước đã rồi sau đó khuyên thì mới có giá trị được.
Như vậy phải mất một tuần lễ để vị Thầy tập bỏ ăn đường rồi sau đó mới khuyên bảo đứa bé được. Nếu khuyên ngay “con đừng ăn đường” mà thầy thị giả bưng một đĩa kẹo ngon ra, đứa bé nói thưa Thầy cho con một cây thì biết phải nói làm sao với bé bây giờ. Cho nên đạo Phật rất thực tế, chính mình phải làm trước rồi mới nói sau. Bởi vì nói là nói việc mình làm, và kết quả là mọi người cùng đạt được, cùng biết, chứ không phải đưa ra một lý thuyết tưởng tượng bảo mọi người phải làm mà chính quý Thầy lại không làm, đó chưa phải là thiết thực. Ở đây, khi mình chưa có được tĩnh tại, chưa có được phần nào an vui hết thì lấy gì để ban vui cho người khác? Mình không biết bơi, khi thấy chìm đò có nhảy xuống cứu người khác được không? Cái gì cũng vậy, chúng ta phải rèn luyện trước, phải thể nghiệm trước thì lúc nói, lúc làm mới mang lại lợi ích thật sự cho mọi người. Ở đây không phải phủ nhận điều gì mà quý Thầy muốn nhấn mạnh rằng, mình phải làm trên một căn bản rất ổn định thì mới thực sự là tốt. Ví dụ khi chúng ta chưa hiểu, thấy cái gì cũng thật hết cho nên thấy hôm nay mình đi phát quà cho trại cùi, ngày mai đến cô nhi viện, ngày mốt làm cầu đường cho bà con… Đó là việc làm tốt. Nhưng làm chừng năm, bảy năm gì đó thì chúng ta nghĩ lại: công nhận năm, bảy năm qua mình làm được nhiều việc thiện. Khi kiểm nghiệm lại, thấy thành quả mình nhiều quá, cảm thấy đủ rồi, nên khỏe thì làm mà mệt thì thôi. Tức là chúng ta cảm thấy thành quả đã nhiều, trong lòng cảm thấy có gì đó đạt được và gần như đã đủ rồi nên ngang đó có thể dừng, không làm nữa. Như vậy là có giới hạn. Ngược lại khi quý vị đã trải qua thời gian tu tập, phần nào an tĩnh nội tâm, cảm thấy cuộc sống rất an lạc, niềm vui tràn đầy. Lúc này, chúng ta sẵn sàng chia sẻ những gì có được cho người khác. Thấy cần cho thì chỉ là cho chứ không nghĩ là cho để được cái gì hết. Thức dậy, thấy hôm nay có người cần là mình giúp trong khả năng của mình, cứ an ổn, cứ vui vẻ mà làm, đơn giản vậy thôi chứ không hề thấy có được kết quả gì. Với tinh thần này, chúng ta sẽ làm hoài hay là thấy có kết quả rồi nghỉ? Vì không chấp vào thành quả cho nên cứ làm thiện mãi mà không có tâm tự mãn, chán mỏi, thấy đủ rồi không làm. Đó là nhờ tu tập tốt nên mới được vô tâm trên các công việc, có niềm vui thực sự nên mới ban tặng cho người mà không hề thấy chán mỏi. Đây là một hành động ban trải vô biên không có giới hạn. Nếu làm mà chấp thành quả, thấy có kết quả đạt được thì có hạn lượng, có lúc dừng. Qua hai kết quả, cái nào lớn rộng hơn? Cái vô tâm sẽ vô lượng vô biên, còn có tâm là có chừng mực, có hạn lượng. Cho thấy, khi chưa có công phu tu tập, chưa thực sự ổn định nội tâm thì chúng ta làm sẽ có giới hạn. Nhìn qua thấy rất tích cực, nhưng vì chấp kết quả nên tâm lượng có giới hạn, bé nhỏ nên chưa phải là hành động tích cực đúng mức. Còn khi đã tu tập, đã nhận hiểu tới nơi tới chốn, có chánh trí, có niềm vui rồi, chúng ta làm trong cái vô biên, cái này sẽ vô lượng cho nên nó trở thành tinh thần tích cực đúng nghĩa. Mới nhìn qua những con người đang trong thời gian rèn luyện thấy như là tiêu cực, nhưng thực sự họ là mầm mống để xây dựng nên tinh thần tích cực đúng nghĩa, rất lớn.
Có người nghe như vậy rồi về nhà nói: “Thôi bữa nay tôi lo cho tôi thôi, không dại gì mà lo cho người khác nữa”, như vậy có đúng không? Mình biết ổn định cho mình, biết sung sướng cho mình, chỉ biết có mình mà mặc kệ những người chung quanh gần mình nhất, như vậy là trở thành tiêu cực nữa rồi. Tu tập là một tinh thần rất phấn khởi, tích cực chứ không phải bi quan tiêu cực. Chúng ta phải khéo léo vận dụng tu tập trong điều kiện có thể sắp xếp được mà không làm ảnh hưởng đến những người còn liên hệ, liên quan đến mình. Cho nên khéo vận dụng tu tập, đồng thời cũng phải khéo léo làm tròn trách nhiệm với những mối liên hệ gần nhất, cần thiết nhất để có sự san sẻ trong an định, như thế mới đúng nghĩa tu hành, đúng nghĩa là tích cực được. Ở đây quý Thầy ổn định tu là tạo nền tảng cơ bản để sau này mình còn giúp cho mọi người nữa chứ không phải lo cho mình không. Quý vị cũng vậy, sống trong gia đình là còn sự tương tác cho nên tuy chúng ta tu, nhưng phải khéo léo sắp xếp những chuyện chung quanh cho ổn định. Khi công việc gia đình tạm ổn định thì sự tu tập của mình sẽ thuận lợi và được tốt hơn. Nếu cứ lo tu cho mình không mà không cần biết cảm giác của những người khác thì sự tu tập của mình sẽ tiêu cực và không có được sự hỗ trợ từ các duyên nên khó tiến bộ.
7,NỘI TÂM AN TĨNH, TÂM THỂ THÊNH THANG, TỰ NHIÊN TÍCH CỰC.
Đức Phật dạy: “Không nên trụ sắc sanh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc pháp sanh tâm. Nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia”. Tức là không nên vì các hình tướng này mà phát khởi tu tập. Chúng ta thấy việc đó bực bội quá, chán quá và bỏ mọi thứ lo tu. Vì thấy việc kia mà tu, đó là trụ sắc sanh tâm. Chúng ta nghe thấy câu nói chướng tai quá, dẹp, thôi lo tu, như vậy là vì tiếng nói đó mà tu. Cho đến hương, thấy cõi đời này thơm nó cũng ô uế mà hôi nó cũng ô uế, thôi mệt – tu, như vậy cũng là vì hương mà tu. Rồi vị giác, người ta tham ăn quá cũng khổ, thấy sao vì miếng ăn mà phải khổ như vậy, thôi mình lo tu, như vậy cũng là vì vị mà tu. Tất cả mọi thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, nếu vì tất cả những thứ gì đó để tu tập là có chữ VÌ. Đã có chữ VÌ là rơi vào sanh diệt, không phải ngay tâm vô sanh, ngay tâm bồ đề mà sống, mà tu rồi. Như vậy chúng ta đang dùng cái sanh diệt để tu hành mong đạt đến quả vị vô sanh, đó là sai nhân quả. Phải dùng cái nhân vô sanh mới chứng đạt đến quả vị vô sanh được. Phật nói, nên không có chỗ trụ mà phát tâm tu hành. Không chỗ trụ là gì? Suốt qua tất cả mọi thứ, không dừng trụ trên một pháp nào, không vì một cái gì mà phát tâm tu tập cả. Tất cả mọi thứ chúng ta đều thông cảm vui vẻ, không sanh tâm dính mắc chấp trước gì, chỉ là lặng sáng, bình thường. Ngoài không dừng trụ trên cảnh, trong không chấp trước tự tâm, bản thể sáng lặng liền hiện bày, sống thẳng ngay đó, công phu tu hành như thế mới đắc lực được. Quý vị khéo dụng công được như vậy thì sẽ cảm nhận sự tiến bộ rất rõ ràng nơi nội tâm mình. Còn vì những cái khác để tu thì chỉ là tạo tác bên ngoài, khó nếm được thượng vị chánh pháp. Khi nội tâm đã an định thì những cái tương duyên nếu cần như từ thiện, làm tốt mọi việc..., chúng ta sẽ tùy duyên làm trong sự ổn định, trong sự định tĩnh của mình cho nên phước ấy rất lớn, hồi hướng đến được quả vị vô sanh, trọn thành Phật đạo. Nếu chúng ta không định tĩnh thì cái lợi ích sẽ nhỏ nhoi trong sanh diệt của trời người thôi. Cùng một việc làm, nhưng do dụng tâm mà kết quả có khác. Cho nên quý Thầy thường khuyên quý Phật tử, nếu quý vị tới chùa ủng hộ một trăm ngàn, nhưng vì một trăm ngàn đó mà quý vị phải vật lộn tất bật với cuộc sống, tới độ không làm chủ được mình thì quý Thầy sẽ không vui, không an lòng khi nhận số tiền đó. Chi bằng bớt vận tốc quay quần vật lộn mưu sinh lại để tâm mình được an tĩnh, quý vị kiếm khoảng năm chục ngàn thôi, nhưng đến chùa bằng một niềm an lạc, với tâm tỉnh sáng, vui vẻ, cúng dường năm chục ngàn một cách rất thanh tịnh thì quý Thầy sẽ thấy hoan hỷ và yên lòng hơn.
Con cháu muốn xin việc gì thì nó phải nhìn khi nét mặt người lớn vui vẻ. Nhân viên muốn xin điều gì thì canh lúc lãnh đạo mình có chuyện vui. Đang lúc mệt mỏi, bứt rứt, khó chịu thì lòng mình cũng khép lại hẹp hòi ích kỷ, ai đụng tới là bực liền, có người đến xin một cái gì đó, mình sẽ khó mở lòng sẵn sàng cho họ. Nhưng khi an ổn, vui vẻ, bình thường thì người khác xin cái gì mình cũng cho một cách thoải mái, dễ dàng. Cũng vậy, khi quý vị thực sự an tĩnh thì tâm mới mở ra với mọi người và cho ra thực sự. Còn chưa thì có làm gì cũng trong sự tính toán, cũng chỉ là trách nhiệm chứ không phải phát xuất từ tấm lòng thoáng rộng, bao dung. Khi tâm thoáng rộng, đúng nghĩa cho ra thì tất cả những việc đúng từ đó sẽ tự có ra. Hành động lúc này mới đúng là một tinh thần tích cực đúng nghĩa trọn vẹn.
8.LÒNG DẠ HẸP HÒI THÌ THAM LAM, TIÊU CỰC.
Hai người khách ngồi ăn cùng một mâm cơm, trong đó có hai miếng đậu hũ, một miếng to, miếng kia nhỏ. Thông thường, nếu là người gắp trước thì phải gắp miếng nhỏ, nhưng không ai chịu miếng nhỏ nên nhường nhau mãi đành ăn cơm lạt gần hết bữa cơm. Không còn chịu nổi, anh A bèn nghĩ ra mưu kế và mạnh dạn gắp trước miếng to. Anh B liền chặn lại, nói: “Theo phép lịch sự, người nào gắp trước thì phải gắp miếng nhỏ chứ!”. Anh A hỏi: “Giả sử gắp trước thì anh gắp miếng nào?” Anh B trả lời: “Tất nhiên gắp trước thì tôi phải gắp miếng nhỏ rồi”. Anh A nói: “Tôi biết thế nào phần tôi cũng miếng to nên tôi gắp miếng to luôn cho chắc”. Câu chuyện nghe ra như là tiếu lâm, nhưng nếu miếng đậu hủ là thỏi vàng thì chúng ta rất dễ là anh A trong câu chuyện đó. Nếu trải lòng một chút thấy rằng người khác vui là mình vui thì chúng ta sẵn sàng nhường cho người khác phần hơn. Được như vậy thì cuộc sống dễ được vui hơn, mới là tinh thần tích cực đúng nghĩa. Nếu không trải lòng thì bao nhiêu lý luận khôn ngoan cũng chỉ là dành miếng to về mình. Sống như vậy dù được ăn no mặc đẹp, tiền của đầy nhà cũng không dễ có được niềm vui thực sự.
Miếng đậu hũ là ví dụ cho vật chất, và giành nhau là nói đến lòng tham. Thời đói thì thấy miếng đậu hũ là to, thời no thì thấy miếng đậu hũ là nhỏ. Nhưng lòng tham chưa trừ thì khi chán miếng đậu hũ sẽ đi tham những thứ khác. Có hai người sống gần bờ rào, vì lấn nhau vài mét đất không đáng mà chặt chém nhau. Hôm nay đói khát mơ có cơm trắng ăn với muối tiêu. Ngày sau khá hơn, cá cơm đầy đủ thì mơ có chiếc xe đạp. Khi có xe đạp thì mơ có chiếc Honda. Đã có Honda thì mơ nhà lầu xe hơi. Nhà lầu xe hơn đầy đủ thì mơ biệt thư chuyên cơ để được thoải mái hơn người khác. Mọi thứ có rồi lại muốn đi du lịch khắp nơi. Đi khắp mọi nơi rồi cũng cảm thấy chán chường nên muốn lên cung trăng vũ trụ du lịch. Cứ như thế chúng ta nuôi lớn lòng tham. Khi được lên trời một thời gian thì mọi thứ bão hòa, chán nản, nhưng lòng tham lúc này đã quá lớn nên vẫn muốn thêm gì đó nữa. Lòng luôn cảm thấy thiếu mà không biết thiếu cái gì. Khi không còn gì để thêm mà lòng tham đã mãnh liệt thì sẽ khiến cho con người chúng ta trở nên chán chường, mỏi mệt và dẫn đến hư đốn, đồi trụy, có người nổi điên muốn nhảy tự tử cho vui. Điều đó không thiếu ở những nơi đạo đức không được quan tâm, đời sống tinh thần không lớn kịp theo vật chất. Đậu hũ, miếng vườn, biệt thự, chuyên cơ, cung trăng, vũ trụ… chỉ là những cái sanh diệt của thế gian, nó chỉ tạm có giá trị chừng mực khi mình còn dùng được nó. Đến khi sức mòn lực yếu, đứng trước cái chết quý vị có mang theo được gì không? Mới biết, nó chỉ giúp thêm một phần trong cuộc đời cho vui thôi, chứ không có giá trị đóng vai trò chủ đạo cuộc sống. Mà rõ ràng là có ai nhường những thứ đó cho người khác mà bị chết bao giờ. Biết vậy để đừng quan trọng nó quá, đừng tham quá thì mới mở lòng giúp cho người còn thiếu hơn mình được. Làm được như vậy sẽ cảm nhận được niềm vui chắc thật. Quý vị thử mở lòng ra thì bao giờ trí tuệ mình cũng sáng suốt, dễ được an vui và cho ra mọi thứ một cách rất dễ dàng. Còn lòng hẹp lại thì đầu óc bao giờ cũng đen tối, bó hó, băn hăn, khó giúp gì cho ai được. Thiền sư Sơn Cốc nói, muốn biết phước người đó lớn hay nhỏ là nhìn vào tâm lượng người đó rộng hay hẹp chứ không phải nhìn trên hình tướng bố thí nhiều hay ít. Chúng ta vẫn thường nghe nói: Của cho không bằng cách cho. Có khi cho vài ngàn đồng, nhưng với tấm lòng sẵn sàng, hoan hỷ, trân trọng người ăn xin thì phước vẫn lớn hơn cho nhiều tiền mà bực bội, hối tiếc, toan tính hay xem thường người khác. Có khi bố thí cả mấy trăm bao gạo, nhưng lại đòi lấy mấy cái vỏ bao về, thiếu một cái bao là giận giữ đùng đùng không thèm nhìn mặt. Đó là do lòng mình còn hẹp hòi, chưa biết cách bố thí. Không phải quý Thầy nói những thứ đó quan trọng, đều chính yếu ở đây là lòng mình cần mở ra cho thật rộng lớn, phải thực sự sẵn sàng cho ra bằng cả tấm lòng thì mới đúng nghĩa tích cực. Cũng một bao gạo mà cho bằng cả tấm lòng thì phước đó rất lớn. Còn nếu chỉ cho bằng cái bao gạo thôi thì lại nhỏ hẹp. Tấm lòng sẵn có, vì sao chúng ta không dùng!
9. QUAN TRỌNG MÌNH, NGHĨ VỀ MÌNH, LÀM CHO MÌNH THÌ KHÓ TÍCH CỰC.
Cũng những chuyện nhỏ, nhưng rất tức cười cho nội tâm phức tạp của con người. Một đám cưới được tổ chức ở một nhà hàng, bạn bè đều được mời đến đó tham dự sau năm giờ chiều. Tan sở, mọi người hẹn nhau đến nhà hàng dự tiệc. Vì chưa kịp về nhà nên khá đói. Ngồi quanh bàn tròn là mười người, nhưng hôm đó nhà bếp cắt thế nào lại thành mười một miếng đậu hũ. Thế là mỗi người gắp một miếng, còn lại một miếng nằm nguyên trên đĩa mãi. Nếu gắp ăn tiếp thì mất phép lịch sự quá. Cho dù bụng đang đói, nhưng mười người vẫn phải để miếng đậu đó lại cho đàng hoàng, không ai gắp hết. Thình lình bị mất điện, tối om. Vài phút điện sáng lại thì miếng đậu hũ trên bàn đã biến mất tiêu, không còn nằm trong đĩa nữa. Khi điện sáng thì lịch sự lắm, mà mất điện thì mất miếng đậu hũ. Có khi nghĩ đó là chuyện nhỏ, tranh thủ lúc tối không có điện, mình gắp ăn đại một miếng cho đỡ đói cũng đâu có lỗi lầm gì. Tất nhiên là không có lỗi. Nhưng nếu tâm quý vị đủ lớn, muốn nhường cho người khác được no thì chúng ta có làm như vậy không? Không. Mà tâm hẹp thì con người ta lại làm được. Khi nào tâm hẹp? Khi chúng ta thiếu sự tỉnh táo, dẫn đến coi trọng mình, chỉ nghĩ đến sở thích cá nhân, thiếu sự hy sinh, thiếu sự cho ra, lòng hẹp hòi và những điều xấu tệ có ra từ đó. Có khi ăn rồi mình mới mắc cỡ, nhưng lúc đó vẫn làm. Qua rồi mới biết, đó là cái mê lầm của con người. Qua một ví dụ khôi hài như là chuyện nhỏ thôi, nhưng quý vị khéo chiêm nghiệm lại nơi tâm mình sẽ thấy còn nhiều việc tương tự phát xuất từ cái tâm nhỏ hẹp của mình. Việc xấu đó tuy nhiều, nhưng chỉ cần mở rộng tâm mình ra, khi tâm đủ lớn thì tự nhiên mình thấy cái gì bên ngoài cũng tầm thường, nhỏ lại. Khi thấy mọi thứ là nhỏ nhoi, bình thường rồi thì cái gì chúng ta cũng dễ dàng cho ra, cho qua, tha thứ, vượt qua một cách nhẹ nhàng, mọi thứ xấu xa yếu hèn cũng theo đó tiêu tan, không còn nữa.
10. DÈ DẶT NGAY NHỮNG ĐIỀU NHỎ NHẤT.
Ví dụ quý phật tử còn ở thế gian mỗi tháng phát tâm ăn chay vài ngày, còn những ngày khác ăn mặn. Có người thì không giết mổ, chỉ mua sản phẩm làm sẵn về ăn. Có người tự tay mình giết mổ. Mới nhìn qua thì thấy hai người này như là giống nhau, nhưng nếu ai khéo kiểm nghiệm lại thì sẽ thấy có sự sai khác. Quý vị không giết hại, mua những đồ làm sẵn về ăn. Cứ thử như vậy một hai năm sau, chúng ta sẽ không thể cầm dao cắt cổ con gà được nữa. Gặp người khác cắt cổ nhổ lông thì cảm thấy rờn rợn, khó chịu trong lòng, không nhìn được. Cho thấy, khi dừng nghiệp sát một thời gian thì thiện căn đã lớn mạnh, chính năng lực đó khiến cho chúng ta cảm thấy khó chịu, không thể giết nữa. Như chiếc áo trắng, vấy vào chút mực là khó coi liền. Còn nếu tự mình giết mổ để ăn thì nó sẽ trở thành thói quen, trở thành cái nghiệp giết hại, ác pháp mỗi ngày lớn thêm, thấy người khác giết mổ là thích ăn theo. Đó là do ác tâm đã mạnh, thiện căn yếu đi cho nên chúng ta làm việc ác mà không thấy, không nhận ra. Giống như dầu hắc đã đen, thêm vết đen vào thì không thấy. Sống với pháp ác thì thiện pháp sẽ mất đi, lùi dần vào bóng tối, sẽ đưa đến khổ đau, đợi cho đến khi thọ lấy quả báo khổ mới biết thì đã quá muộn màng.
Chỉ cần có sự tu tập, tâm sẽ trở nên tinh tế thì đời sống của mình không bị mê lầm, căn lành sẽ được tăng trưởng, cuộc sống an lành. Nếu thiếu sự tu tập thì tâm trở nên thô tháo, khinh suất, dẫn đến đời sống sai lầm, ác nghiệp theo đó lớn mạnh, khổ đau có ra. Có nhiều người quan niệm cho rằng vật dưỡng nhơn. Tức là con gà, con heo, con chó... sinh ra để nuôi dưỡng con người cho nên mình có quyền ăn nó, có tội lỗi gì đâu mà phải ăn chay. Nhìn lại, có con gà, con vịt, con heo nào tình nguyện đem thân đến để mình tự do làm thịt nó mà ăn không? Khi quý vị thèm thịt gà, có con gà nào tự nguyện đến nói với mình rằng, thưa anh, tôi sanh ra là để cho anh ăn, nay anh thèm thịt, cứ cắt cổ nhổ lông tôi mà ăn, có như vậy không? Hay là nó sợ quá chạy trốn trối chết, còn mình thì đòi bắt cưỡng ép giết nó để được ăn? Nếu có người hỏi ngược lại: “Thưa anh, nghe nói vật dưỡng nhơn, nhưng tôi cũng nghe người ta nói là nhơn dưỡng hổ, tức là con người sanh ra để nuôi dưỡng con cọp. Vậy thì anh có sẵn sàng tình nguyện đem thân mình tới cho con cọp nó ăn không?” Có ai dám sẵn sàng đến cho con cọp nó ăn mình? Không ai dám cả. Mình sinh ra không phải để nuôi cọp, mà con vật sinh ra lại là để nuôi mình, suy nghĩ và quan niệm như vậy có bất công, ích kỷ và nhỏ hẹp quá không? Đó là do không chiến thắng được bản năng của mình, tâm thèm khát muốn được ăn, thích ăn biến thành động lực thúc đẩy mình nói vậy thôi chứ đâu phải phát xuất từ tâm hồn cao thượng, đầy đủ nghị lực và lý trí để nói ra chân lý! Rồi khi con cọp nó xé xác mình, quý vị có đau không? Đau. Cũng vậy, khi phạm tội hình bị người khác đưa đến trước miệng cọp, chúng ta đau đớn, hoảng sợ như thế nào thì con gà, con vịt, con heo... tới trước miệng mình nó cũng hoảng sợ, đớn đau như vậy. Có đặt mình vào vị trí của con vật thì chúng ta mới thương được nó, thấy nó cần được sống an ổn như con người để từ đó mình mở rộng lòng thương, bớt giết hại. Còn nếu thấy bản ngã mình to quá, quan trọng quá, cái gì cũng quy về mình, phán xét qua mình thì tự nhiên chúng ta thấy chân lý nằm nơi bản ngã hẹp hòi, không còn đúng nghĩa là chân lý nữa. Khi đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để thông cảm rồi xét mọi việc thì tâm lượng rộng lớn, việc thiện, việc tích cực từ đó có ra. Còn nếu xét một điều gì đó qua mình, qua tự ngã của mình thì sẽ tiêu cực, lòng hẹp hòi nhỏ nhen, làm khổ người khác, đưa đến quả báo khổ đau cho mình, chính mình hại mình.
Biết vậy rồi thì bất cứ hành động gì, quý vị cũng nên bớt suy nghĩ về mình, không quan trọng mình quá, coi nhẹ mình, đặt mình vào trường hợp của người khác, mở rộng lòng ra hy sinh một chút thì tự nhiên sẽ có trí sáng, thiện căn phát triển, cuộc sống may mắn, an lành hơn. Còn nếu không được như vậy, lúc nào cũng thấy mình là quan trọng, phải thế này thế nọ..., từ đó những cái sai quấy, những cái nhỏ hẹp, những cái ác nghiệp, những rắc rối đau khổ sẽ có ra.
Nhưng nhìn trở lại cho kỹ thì mọi thứ có quan trọng đến mức để mình phải tham muốn nó rồi ích kỷ, đưa đến rắc rối khổ đau như vậy không? Ví dụ có người tranh giành hơn thua với mình, có thể vu oan cho mình, dồn tâm dồn trí để quy tội cho mình. Chúng ta tức lắm, cũng tìm đủ mưu trí hành động để đáp trả lại cho người đó phải thua thì mình mới chịu. Giả sử quý vị được thắng, song có đem được cái thắng đó về nhà sử dụng vào đâu cho đỡ được vài ngàn đồng không? Thắng chút cho vui thôi chứ có dính dáng gì đến cơm áo gạo tiền đâu. Từ nhỏ tới lớn quý vị thắng được bao nhiêu lần rồi, và bây giờ thử đem những cái thắng đó ra đây xem có dùng được vào đâu không? Không. Vậy thì giành phần thắng làm gì cho khổ? Bao nhiêu mưu trí nhọc nhằn để được thắng, chúng ta chỉ đổi lấy một nụ cười, bỏ qua rồi thôi. Như vậy không vui thích hơn sao? Và quý vị đã có bao nhiêu lần thất bại rồi? Giờ tìm lại những thất bại đó có dính dáng gì tới mình không? Cũng không. Như vậy cái thắng bại ngày xưa không có dính dáng gì đến mình cả. Thế mà chúng ta không chịu nhìn ra để bỏ qua mà bây giờ lại muốn tranh thắng bại với người khác, không chịu nhường nữa thì không biết mình đã sáng suốt phần nào chưa? Khi một việc xảy ra mà được thắng thì người thua họ tức giận và oán mình, mà chúng ta thua thì về nhà ngủ cũng không yên. Khi ấy nếu tỉnh táo lại, thấy thắng thua chỉ là một quan niệm thôi, không quan trọng gì hết, thôi thì nhường phần thắng cho người khác để họ mừng, mình sẽ được an ổn và cao thượng hơn. Thắng cũng bỏ mà thua cũng bỏ, quý vị về nhà ngủ có được ngon, được nhẹ nhàng yên ổn hơn không? Cho nên đức Phật dạy:
“Kẻ hơn thì thêm oán
Người thua ngủ chẳng yên
Hơn thua hai đều xả
Như thế an ổn ngủ”.
Khi biết như vậy rồi, bao nhiêu việc xảy ra, người khác cần phần thắng, thấy phần thắng là quan trọng thì chúng ta sẵn sàng nhường cho họ thắng, mình thua cũng được, có mất gì đâu. Họ rất vất vả mất bao nhiêu mưu trí toan tính xây dựng một mệnh đề vững chắc để được thắng, nhưng mình chỉ đổi lại một nụ cười thì đâu có tốn đồng xu hay sức lực nào đâu. Nghe họ nói, mình lặng lẽ yên tĩnh. Họ nói xong xuôi, mình cười nhẹ và nói: Vậy hả, cám ơn anh! Thế là xong. Bao nhiêu mưu mô công sức, chúng ta chỉ đổi có một tiếng cười, cười vui vẻ, cười san sẻ, cười chan hòa, cười cảm thông, cười nhẹ nhàng chứ không phải cười ngạo nghễ. Cười và nhường cho họ. Rồi về nhà, việc mình mình làm, cơm mình mình ăn, tất cả mọi thứ ổn định hay không là do mình, đâu có người nào có quyền xâm phạm vào đâu. Mình nhường như vậy để làm gì? Để bỏ đi tất cả những cái sanh diệt thế gian, chúng ta chỉ lấy lại cái không sanh diệt nơi chính mình mà thôi. Khi cái tâm hơn thua của quý vị đã dừng lại thì tự nhiên tâm mình trở nên sáng suốt an ổn. Mình cần cái sáng suốt an ổn đó, cần cái không sanh diệt đó. Cái đó mới giúp được cho chúng ta trên lộ trình sanh tử. Sống quen lâu ngày như vậy, khi gặp cảnh không vui, chính cái tâm an tĩnh này nó mới cứu được mình. Còn tâm sanh diệt hơn thua kia lúc này không dùng được. Đến khi gần chết, chính cái tâm an tĩnh khiến mình sáng suốt, không lo sợ, là bậc thầy dẫn đường cho mình. Tâm sanh diệt hơn thua kia, lúc sắp ra đi mình không mang theo được, nó cũng không cứu được gì cho mình mà chỉ làm rối ren, tăng thêm phần nặng nề, dằn vặt, đớn đau và đọa lạc vào đường dữ chịu khổ mà thôi. Quý vị có hơn bao nhiêu người đi nữa, nhưng khi một mình đối diện với chính mình vẫn còn thấy có điều gì đó chưa ổn, hoang mang, vẫn còn khổ đau, còn đó tất cả mọi thứ yếu hèn xấu xa chưa vượt qua được và mình phải chịu lấy những thứ không mong muốn đó. Những cái hơn kia không dùng để giải cứu được những điều còn tồn tại nơi lòng mình thì cần nó để làm gì!
11. CHỈ TẠI MỘT TÂM.
"Cái tôi hoàn lại đất trời,
Trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh."
Khi chúng ta chết thì cái tôi, cái ngã giả tạm, tấm thân tạm bợ này bị chôn trong đất, trả lại cho đất trời. Những cái gọi là của tôi cũng không mang theo được thứ gì hết. Quý vị đòi lấy lại những thứ ấy được không? Thân mình đã chôn dưới đất, của cải không mang theo được, người thân cũng đưa mình ra mộ rồi về thôi, có ai chết theo mình đâu, và có chết theo cũng không cứu được mình. Lúc đó trắng tay, không còn gì hết. Có thật không còn gì hết không? Không! Ngay cảnh tượng sống chết, đám sám chôn cất kia, vẫn còn đây một cái thấy biết lặng sáng an vui, người ta muốn đem chôn nó cũng không được, mình muốn bỏ nó cũng không xong. Chính là cái tâm giác sáng mà đang lặng yên, chưa từng động nơi quý vị. Ở đây gọi là cái mặt mũi muôn đời chưa sanh. Cái đó không bị sống chết sanh diệt chi phối, nó hiển hiện mãi nơi mỗi chúng ta. Đừng dính cảnh, không chấp thân, đừng nghĩ tới tâm sanh diệt kia thì nó sẽ hiện tiền. Cho đến khi chết thì chỉ là xả tấm thân tứ đại sanh diệt thôi, còn cái sáng biết kia không chết, không ai lấy đi chôn được. Cho nên nói, trả cái đó lại đây, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Nếu chúng ta sống bằng cái đó thì không chết. Sống được như vậy thì cuộc sống trở nên mạnh mẽ, sinh động và tích cực đến dường nào!
Ngay một bài thơ thôi, nếu hiểu đúng thì trở thành tích cực, nhưng hiểu không tới nơi thì lại trở nên tiêu cực. Thông thường người ta cho rằng đạo Phật nói về vô thường, như vậy buồn quá, bi quan quá, tiêu cực quá. Nhưng nói vô thường là để vượt lên vô thường chứ không phải để bi lụy trong vô thường. Thử cùng suy gẫm bài thơ:
Lần vào đời mình khóc lên thảng thốt,
Lần ra đi thiên hạ khóc đưa mình.
Anh sẽ là tôi, tôi sẽ là anh,
Một cuộc sống chỉ là hai tiếng khóc.
Đời thơ mộng, vui buồn và vinh nhục,
Từng dọc ngang trên vạn nẻo đường đời.
Phút cuối cùng trả gió mới tàn hơi,
Buông tất cả tay không một vật.
Đời sợ thối chôn tôi vào lòng đất,
Tôi không sao mở nổi nắp quan tài.
Trước tử thần tôi đại bại anh ơi,
Sự nghiệp đổ như sóng va vào đá.
Anh sẽ là tôi, tôi sẽ là anh,
Một cuộc sống chỉ là hai tiếng khóc.
Khi mới chào đời thì mình khóc lên một cách thảng thốt, sợ hãi. Khi vĩnh biệt cuộc đời thì thiên hạ khóc tiễn đưa mình ra nấm mồ. Anh và tôi, tất cả mọi người đều sẽ như thế. Đến khi đó, sự nghiệp có lớn lao đến đâu cũng sẽ giống như sóng va vào đá tiêu tan hết. Và mọi người sợ thối cho nên bó chặt mình lại rồi đặt vào trong quan tài, tít keo thật kỹ rồi chôn xuống lòng đất. Thường ngày có anh hùng cái thế đến đâu, có mạnh mẽ đến mức nào đi nữa thì bây giờ cũng đành bất lực, cũng phải đại bại trước tử thần, tự mình không thể mở nổi cái nắp quan tài để thoát ra được nữa rồi. Ai rồi cũng chôn trong đó mà thôi! Đúng không? Buồn không? Nếu trung thành tuyệt đối với bài thơ, chỉ hiểu chừng đó thôi thì đúng là quá thê thảm, bi quan và tiêu cực. Với người đã có công phu, có chút trí tuệ thì chúng ta phải thấy, bài thơ nói như thế để làm gì? Để nhắc cho chúng ta biết rằng, cuộc đời này dù muốn hay không, ai rồi cũng sẽ như vậy. Chúng ta thường kịp thấy những gì đang có mà không kịp thấy những gì còn ẩn náu hay hơn. Nhưng những điều chúng ta đang thấy thì vốn là sanh diệt vô thường không bền chắc, ai rồi cũng sẽ đến ngày đó. Biết vậy để không đắm đuối, mê lầm, để chúng ta tìm một điều gì hay hơn, vượt lên trên tất cả những gì đang có của cuộc đời, để khi lâm chung, chính nó mới là năng lực cứu giúp chúng ta được. Cái đó là gì? Hiện tại chúng ta chưa chết, nhưng cũng có thể thử nghiệm được để nhận biết khi mọi thứ vuột khỏi tầm tay, chúng ta còn lại giá trị gì? Thử buông bỏ hết của cải đi, quý vị làm được không? Được. Thử một ngày nào đó đóng cửa lại, từ giã tất cả, không tiếp bất kỳ ai hết. Anh em bà con thân thuộc, xóm làng, tất cả mọi thứ mình không ngó ngàng tới, coi như chết rồi, được không? Được. Rồi cái thân xác này, giả sử quý vị nằm ngủ đừng để ý nó nữa, quý vị bỏ được không? Được. Cho đến những tâm tư suy nghĩ của mình cho cái này là đúng, nhưng có người lại nói cái đó là sai, mình có thể bỏ đi, nhường cho họ, coi như chết rồi, không thèm để ý nữa, được không? Được. Như vậy những thứ có thể bỏ được, tài sản, của cải, vợ con thân thích cho đến thân này, tâm suy nghĩ này, mình bỏ được hết. Và quý vị không muốn bỏ nó thì đến khi chết nó cũng bỏ mình. Ngay tại chỗ này, thử bỏ hết đi, đừng suy nghĩ nữa, quý vị có nghe quý thầy nói không? Nghe chứ! Ngay khi gạn bỏ hết tất cả mọi thứ mà chúng ta vẫn thấy, vẫn nghe, cái đó quý vị bỏ được không? Thử không nghe được không? Không được, nó tự nghe mà! Như vậy cái nghe, cái thấy không hề động này, quý vị bỏ cũng không được thì đó mới chính là cái trung thành đi theo chúng ta mãi, cái đó không bao giờ mất, không bị nhốt trong quan tài, không ai bắt nhốt nó được hết. Quý vị thử đóng cửa lại, ngoài kia có ai gọi: “Anh A ơi!” là tự nhiên mình biết liền, không cần phân biệt. Như vậy có nhốt tánh nghe này được không? Mới hay ra rằng, cái thấy biết chân thật đó, quan tài không thể nhốt được. Và có chết chăng là cái thân giả tạm này chết thôi chứ cái thấy biết chân thật kia đâu có chết bao giờ? Nhận biết rõ suốt như vậy thì làm sao mình buồn được. Nếu chúng ta không tỉnh táo, bỏ quên tánh giác thấy biết chân thật kia, nhận lấy cái thây thối này là mình thì sẽ thấy quan tài nó đậy, nó nhốt mình thật cho nên mới sợ hãi, buồn đau. Còn khi coi nhẹ mình, thấy cái thân này không chắc thật, mượn nó sống tạm để tu hành, không quan trọng vào thân tâm sanh diệt, vào của cải và cảnh giới này quá. Hằng ngày trên mọi hoàn cảnh luôn tĩnh lặng, giác sáng rõ ràng thì khi chết, cái thân này nó chết chứ cái an tĩnh lặng sáng kia nó luôn sẵn có, luôn tồn tại thì có chết bao giờ đâu! Thấy được như vậy là nhìn ra hướng tích cực của bài thơ rồi.
Nếu hằng ngày quý vị không dính chấp vào những cái tạm thời này quá, xem nhẹ những thứ tạm bợ để nhận ra một cái phi thường, cái không sanh diệt, cái chắc thật muôn đời mãi còn. Cái đó không ai nhốt nó được, không ai chôn nó được, không ai bắt cột lại được hết, cái đó chính thật là mình. Nhận và sống được như vậy thì mới có năng lực làm chủ được cuộc sống này, mới thực sự làm chủ được sống chết và trọng tâm tu hành chính là sống ngay cái chân thật đó. Quý vị sống được như vậy thì lòng mình bao giờ cũng thanh thản, nhẹ nhàng và sự an lạc giải thoát cũng từ đó có ra. Khi chúng ta bị thất bại, có chuyện buồn hay xa hơn là sắp chết, chính cái đó sẽ cứu được mình. Còn nếu không sống bằng cái đó thì khi gặp chuyện buồn lớn quá không ai có thể phân giải gánh giúp cho mình được và chính mình phải chịu khổ thôi. Khi sắp lâm chung, nếu thiếu năng lực của một tâm chân thật đó, quý vị sẽ rất bối rối, hốt hoãng, lo sợ và chúng ta bị một năng lực vô hình của nghiệp cuốn đi theo những gì cả đời đã tạo để thọ sanh và chịu khổ.
Muốn có năng lực của bản tâm chân thật, hằng ngày đừng chấp thân mình quá, đừng quan trọng suy nghĩ này quá, đừng quan trọng mọi thứ chung quanh một cách thái quá mà chúng ta phải luôn giác tỉnh. Quý vị uống nước, tỉnh trở lại rồi uống. Mọi sinh hoạt khác cũng vậy, tỉnh trở lại rồi nói chuyện, tỉnh trở lại rồi đi chợ…, lúc nào cũng là một tâm tỉnh lại như vậy, lâu ngày thành thói quen, trở nên thuần thục, đủ lớn. Khi sức giác tỉnh đủ lớn rồi thì chính nó sẽ giúp cho chúng ta thoát khỏi những cái phiền phức khổ đau của cuộc đời này. Và khi sắp lâm chung, bằng lực tỉnh sáng đó, chúng ta có thể quyết định việc tái sanh và việc sống chết của mình một cách an ổn.
Khi chưa biết học Phật, nghe người khác nói đạo Phật tiêu cực, buồn tẻ, mình cũng không biết làm sao giải thích cho mọi người thông cảm. Bây giờ đã biết được cái không bị nhốt này thì quý vị thấy có còn buồn tẻ, tiêu cực nữa không? Mình nghĩ mình là cái thân giả tạm này thì liền thấy bị nhốt trong quan tài nên mới buồn. Nếu thấy tấm thân này là cái tạm bợ, chỉ mượn tạm nó để sống thôi, còn một cái không bao giờ mất, không bao giờ bỏ mình mà mình muốn bỏ nó cũng không được, chính cái đó mới là chân thật, trung thành đi theo mình mãi, cái đó không ai nhốt được trong quan tài. Thấy được như vậy thì quý vị có bị cảnh chết chi phối mình không? Không. Như vậy thì đâu có gì làm cho mình buồn được nữa mà nói là buồn tẻ, tiêu cực? Thấy và sống được như vậy là quý vị đã biết tu Phật, đã có niềm vui và nhìn đời lạc quan rồi. Khi đã có niềm vui, sự sai lầm về thân, tâm và cảnh giới này không còn nữa, thì cái đúng, cái sáng suốt tự nó có ra. Có bậc Thánh nhân nào mà không nói như vậy. Đức Khổng Tử đã nói: “Ta sở dĩ có cái họa lớn là vì ta có thân. Nếu ta không thân thì họa nào mà có”. Anh đó xúc phạm tôi là do thấy có cái tôi thật nên mới thấy bị xúc phạm. Còn khi thấy mình không quan trọng, không thấy có cái tôi thật thì xúc phạm vào đâu? Anh xử lý như vậy là không đúng, theo tôi phải thế này, nếu không như vậy thì tôi không chịu, bực bội, phiền não… cũng do thấy có cái tôi. Khi nào thấy có cái tôi thật là có chuyện, là sinh sự liền. Hôm nào quý vị thử đừng thấy mình quan trọng, đừng thấy có cái tôi thật nữa thì sẽ không thấy có chuyện gì quan trọng nữa hết, mọi thứ tự nhiên bình thường, cái gì cũng bình ổn hết. Quý vị thử tập, khi hoàn cảnh gì đó xảy ra, mình đừng phán đoán nhanh quá, nên bình tỉnh, lặng tĩnh lại đã, vui vẻ lại đã, chuyện đâu còn đó, cứ tỉnh lại đã thì mọi việc giải quyết sau đó sẽ được tốt đẹp hơn là mình nóng vội. Bởi khi tỉnh xong, lúc đó mình mới đủ năng lực để giải quyết được mọi việc. Còn không tỉnh thì chúng ta cứ lao ra theo hoàn cảnh, quên sự an tịnh, cái tôi nó xuất hiện quá lớn, che hết nguồn trí sáng suốt của mình. Dùng cái tôi ấy để hành xử với mọi người. Mình cũng có cái tôi, người kia cũng có cái tôi, hai cái tôi không ai nhường ai rồi đụng nhau, đổ vỡ, thất bại, thù hận, khổ đau. Còn khi họ có cái tôi mà mình rỗng thênh, không có gì hết thì họ không có chỗ để đụng nữa, mọi chuyện sẽ được ổn hơn. Khi hai người cùng tranh giành nhau kéo một sợi dây thun, không ai nhường ai, căng quá dây thun sẽ đứt, kết quả cả hai đều bị tổn thương. Nếu một trong hai người buông bớt một bên thì sợi dây thun không bị kéo căng đứt đi, cả hai người đều không bị cái gì làm cho đau đớn cả. Điều này quý Thầy cũng đã dùng thử rồi. Khi đến chùa người biết đạo cũng có, không biết đạo cũng có, ngỗ nghịch ngang ngược cũng có mà ngoan hiền cũng có, đủ hết mọi tầng lớp. Họ nói gì mình cũng chỉ có lặng sáng, bình dị và cười một cách chan hòa, nhẹ nhàng, vui vẻ, chia sẻ, thân mật gần gũi. Chỉ vậy thôi, không thêm không bớt. Cần nói thì nói một vài câu, thấy không cần thiết thì chỉ có cười và cười. Người ta nói đúng mình cũng hoan hỷ, nói sai mình cũng hoan hỷ, cái gì cũng hoan hỷ hết. Cuối cùng mọi chuyện hay dỡ đúng sai trả lại cho đời, trả lại cho người, mình vẫn là mình muôn đời chưa biến đổi. Thế thôi.
12. PHẢI BIẾT LƯỢNG SỨC VÀ THỜI TIẾT NHÂN DUYÊN.
Chưa yên, có người thấy vậy rồi hỏi: “Tôi hỏi thiệt, Thầy tu như vậy có khi nào thèm và lén ăn đồ mặn không?”. Cũng chỉ cười cho mọi thứ yên ắng xong rồi nói: “Thưa thật với quý vị, mấy Thầy có cố gắng nói gì thì cũng là nói chuyện của quý Thầy, nhưng hiểu hay không, có tin hay không thì mỗi người cũng nên tự tìm hiểu, thể nghiệm thì mới có niềm tin đúng đắn được. Phần nói là phần của mấy Thầy, nó không thiết thực nơi quý vị. Cố gắng lắm cũng chỉ nói được tám phần thôi, còn hai phần là tự mỗi người phải nhận biết. Bởi vậy tốt nhất là anh nên về thử ăn chay một vài năm rồi sau đó ăn cá thịt trở lại, anh sẽ cảm nhận được cảm giác đó như thế nào. Lúc này có thèm và lén ăn mặn được nữa không thì sẽ biết thôi. Chính anh phải là người tự thể nghiệm cho anh, còn quý Thầy có nói đến đâu thì anh cũng không bao giờ biết đến được”. Thế thôi. Người ta có hiểu hay không là quyền của họ, không ai dại gì tham muốn mọi người phải nghe theo mình. Cuối cùng phần mình vẫn là mình, an ổn không có chi hết, thế là khỏe.
Ra ngoài cuộc sống đời thường cũng thế. Tuy tâm mình tốt, nhưng không phải bao giờ cũng là thời khắc hợp lý để làm tốt cho người khác được. Cho nên phải biết quan sát thời tiết nhân duyên, phải lúc thì làm, chưa phải lúc thì mỉm cười rồi thôi. Khi làm một việc gì cần phải biết lượng sức của mình nữa. Ví dụ một việc nào đó mình thấy tốt, nhưng biết cái lực của mình chưa đủ, đụng vô chắc chắn sẽ rắc rối, phiền não thì thôi chờ một cơ hội khác. Nếu là việc của người khác, không phải sức của mình làm nổi thì đừng đụng vô. Nếu cảm thấy cái gì mang lại hiệu quả khiến cho người khác tốt, mình tốt thì nên làm. Có nhiều người hỏi: “Thưa Thầy, con thấy có nhiều vị sống quá bê tha. Nhưng họ là người lớn nên nói ra thì mình phạm tội, mà không nói thì thấy chướng tai gai mắt, bực bội không biết phải làm sao”. Quý Thầy nói: “Chuyện đúng và sai thì muôn đời vẫn là đúng là sai chứ không phải do người lớn làm mà cho là đúng và người nhỏ làm là sai. Nhưng nên nói hay không nên là còn tùy thuộc vào sức của mình. Thấy người khác làm sai, ai cũng có quyền nói, đó là chính đáng. Nhưng phải lượng thử coi sức mình có đảm đương nỗi sự việc đó không. Ví dụ có tảng đá ở giữa đường nặng 100kg, ai cũng có quyền vác, đó là chân lý. Nhưng nếu sức của mình chỉ vác được 50kg mà đòi đi vác tảng đá 100kg thì có phải là chúng ta đã đi làm một việc cho gãy xương sống mình không? Nếu sức của ai đó vác được 120kg thì họ có quyền vác đi thôi, không phải là phần của người chỉ vác được 50kg. Cũng vậy, nếu thấy việc đó trong khả năng mình thì cứ nói, cứ làm. Còn nếu quá sức chịu đựng, làm mà sanh phiền não, làm để rồi bị tổn phước, đọa lạc, khổ đau thì tốt nhất đừng làm, nhường lại cho người có đủ tư cách người ta làm, không dại gì đi ôm cả quả địa cầu vào trong người mình rồi than khổ”.
13. TÓM KẾT.
Muốn sống không lầm thì người ấy phải khéo tu tập chánh trí. Dùng chánh trí để sống thì mọi việc sẽ được yên, còn thiếu chánh trí thì không ổn. Quý vị chỉ cần tĩnh lặng một chút là tự nhiên trong người mình sẽ có sự an lạc, có trí sáng, có định tĩnh. Khi an lạc, trí sáng, định tĩnh thì tự nhiên tâm mình thoáng rộng, phát khởi lòng từ bi rộng lớn. Khi tâm mở thoáng rồi thì cảm thấy muốn dấn thân, hy sinh, cho người nhiều hơn là nghĩ về mình. Như thế, tinh thần tích cực đúng nghĩa sẽ tự có ra. Còn nếu chúng ta chỉ nghĩ cho mình, thu hẹp lại thì bao nhiêu cái sai lầm sẽ có mặt, sự tiêu cực có ra. Muốn biết đúng hay sai, tích cực hay tiêu cực thì ngay tâm mình để nhận biết. Khi tâm đã an tịnh, trí mở sáng, lòng thoải mái, hy sinh cho người nhiều hơn thì ngay đó là tích cực. Còn nếu ngược lại, quan trọng mình quá, thiếu sự hy sinh, bồn chồn, lăng xăng, lộn xộn, rộn rộn ràng ràng, làm mọi thứ rối tung cả lên thì tự nhiên lòng mình trở nên bứt rứt, phiền muộn, bực bội, tâm mình thu hẹp lại, tiêu cực ngay đó có ra. Mọi việc tích cực hay tiêu cực, quý vị có thể cảm nhận được ngay tâm của mình.
14. KẾT LUẬN.
Như vậy quý vị đã hiểu rõ tinh thần tích cực và tiêu cực chưa? Rõ rồi thì trong sinh hoạt, làm tất cả mọi việc sẽ không lầm. Nói là chỉ nói để sáng ra vấn đề và cùng hiểu. Nhưng muốn thấm nhuần, hiểu sâu thì cần phải có sự dụng công tu tập. Biết rõ như vậy rồi thì quý vị cố gắng ứng dụng cho có kết quả. Được vậy thì việc đi chùa tu tập mới có lợi ích thiết thực. Nếu đến đây nghe đúng mà về nhà thì quên, như thế sẽ không có ích lợi gì. Trên tất cả mọi cảnh duyên, nhớ tỉnh lại trước rồi sau đó mới làm thì sẽ tốt. Tỉnh táo khi ứng xử thì công việc sẽ được hoàn hảo, đồng thời khiến cho động thái hành xử của mình rất nhẹ nhàng, thoáng đạt, chí tình, chí lý. Nó biến thành động lực gây ấn tượng cho người khác. Chính ấn tượng này quyết định đến năm mươi, bảy mươi phần trăm sự thành công rồi. Chúng ta thường muốn nói nhiều, nhưng lời nói chỉ giải quyết được hai mươi phần trăm thôi, giỏi lắm là tám mươi phần trăm, còn lại phải là sự sống của mình. Sức sống âm thầm đó có khi không cần nói mà người khác cũng cảm nhận được, nó chính là yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công rất nhiều. Nếu nghe, hiểu, ghi nhớ và ứng dụng được thì sau một thời gian ngắn, quý vị sẽ cảm nhận được cuộc sống của mình có ý vị, có chiều hướng thay đổi rất tốt. Khi cuộc sống mình thay đổi tốt hơn thì sẽ có giao hưởng tốt đến những người khác nữa. Như vậy trong khi chính mình tự tu, nhưng sự giao hưởng tự nhiên nó đã giáo hóa người khác, giúp cho người khác cùng tu tiến rồi. Khi công phu đắc lực, sự giúp đỡ người khác sẽ được lớn lao và có ý nghĩa hơn. Mới thấy, việc tu tập là điều kiện chính yếu cấu thành tinh thần khoáng đạt, khiến cho chúng ta tích cực giúp đỡ mọi người trong gia đình và xã hội được tốt, phụng hoạt nếp sống đạo đức văn minh, ổn định đời sống chúng ta, đưa đến thành công trên nhiều lĩnh vực, xứng đáng là một tinh thần tích cực đúng nghĩa.
Các bài mới
- Kiến Phật liễu sanh tử - 30/07/2015
- Dụng Tâm TuThiền - 06/07/2015
- Trăng thu - 04/07/2015
- Mây và trăng - 03/07/2015
- Thưa hỏi Thiền ( Phần 3) - 03/06/2015
Các bài đã đăng
- Dụng thẳng tâm thiền - 02/12/2014
- Trả lời câu hỏi cuộc đời - 06/11/2013
- Đức tính khiêm hòa - 30/09/2013
- Chớ để thời gian qua suông - 08/08/2013
- Tâm trộm - 16/01/2013
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 23226
- Online: 80