Đền đáp ơn Thầy

01/07/2016 | Lượt xem: 5075

Từ đầu tháng đến rằm tháng Bảy, quý vị đã tụng Kinh Vu Lan để nhắc lại hạnh hiếu của người con Phật và được quý Thầy giảng về hạnh hiếu để chúng ta nhớ ơn và đền ơn. Thường ơn nghĩa thì mình phải luôn nhớ và dù thực hành đến trọn đời cũng không biết là đã đền đủ được những ơn sâu nặng đối với chúng ta hay chưa. Nhưng tại vì con người thường hay quên cho nên tháng Bảy coi như là cơ hội để nhắc cho quý Phật tử cùng nhớ, cũng là nhắc lại cho mình nhớ và đền đáp những ơn sâu nặng mà chúng ta đã mang.  

 

Kỳ trước đã nói về ơn nghĩa cha mẹ nên hôm nay quý Thầy sẽ nói về ơn nghĩa Thầy Tổ, Đã có lần, chúng tôi nói về đề tài “Tôn kính và biết ơn Thầy”, nhưng tôn kính và biết ơn rồi thì phải đền đáp, phải không? Cho nên đề tài buổi giảng hôm nay là “Đền đáp ơn Thầy”.

Trong bài “Chứng đạo ca” của Thiền sư Huyền Giác có một câu:

“Phấn tốt toái thân vị túc thù

Nhất cú liễu nhiên siêu bách ức”.

Có nghĩa là cái ơn của Thầy Tổ đối với chúng ta dù tan xương nát thịt vẫn chưa đủ đền, nhưng một câu mà tỏ rồi thì vượt lên trăm ức, có nghĩa là đền trả được một cách xứng đáng và đầy đủ ý nghĩa nhất. Tại sao tan xương nát thịt vẫn chưa đủ đền nhưng ngay một câu tỏ suốt lại siêu trăm ức? Lý đó là như thế nào? Quý vị rõ được câu đó thì sẽ thấy ơn Thầy Tổ và mình sẽ biết cách để đền đáp ơn một cách thiết thực nhất.

Ngài Huyền Giác nói “tan xương nát thịt chưa đủ đền”, tức là công ơn Thầy Tổ đối với chúng ta rất là lớn. Tại sao công ơn Thầy Tổ lại cao sâu như vậy? Là bởi vì Thầy Tổ là bậc làm thành giới thân huệ mạng cho mình, là người dẫn đường cho chúng ta đi đến giác ngộ, cứu cho chúng ta thoát ra khỏi cái khổ của sanh tử. Ơn đức đó rất lớn, khó có thể lấy một cái gì sanh diệt của thế gian để so sánh và đền đáp cho đủ được. Chỉ có làm được những gì Thầy Tổ chỉ dạy mà siêu xuất thế gian, có nghĩa là ngay một câu mà mình tỏ rồi thì mới có thể đáp đền được. Đó là nói về cái tổng thể.

Bây giờ đi vào chi tiết chúng ta sẽ thấy. Các bậc cổ đức thường nói: “Ân sư vị báo, bản nguyện nan thành”, có nghĩa là ơn Thầy Tổ cao vời, sâu nặng như vậy, chúng ta là người học đạo nếu không biết đáp đền cái ơn đó thì bản nguyện cầu giác ngộ giải thoát của mình khó mà mong thành tựu được. Theo pháp thế gian, người sống trong thế gian bình thường mà quên ơn nghĩa thì người đời cũng không chấp nhận, coi là kẻ vong ơn bội đức, quên ơn bạc nghĩa, huống nữa là người tu học đạo giác ngộ giải thoát siêu xuất mà quên công ơn của Thầy Tổ thì có đạo lý gì cao cả có thể thành tựu được nơi con người ấy không? Không bao giờ có, vì ơn nghĩa là điều tối thiểu căn bản mà con người ai cũng cần phải có và không thể thiếu. Học đạo cao thượng mà những cái căn bản chưa làm tròn thì có cái cao thượng nào có thể định hình trên một con người như vậy. Qua đó mình mới thấy việc biết ơn, nhớ ơn và đền ơn là rất quan trọng, nhất là đối với người học và tu đạo cao thượng thì cần phải có và đầy đủ hơn.

Lần lượt, chúng tôi sẽ dẫn ra những giai thoại về sự thiệt thòi của những người không biết tôn kính và biết ơn Thầy Tổ là như thế nào.

Thiền sư Kỳ quê ở Long Thành, Tuần Châu. Ban đầu Sư đắc pháp nơi Hòa thượng Hào Thái ở chùa Thiên Thánh, về sau Sư nương với Thiền sư Huệ Nam ở Hoàng Long. Ngài Huệ Nam thấy chỗ được của Sư rất là chín chắn nên đối xử rất tốt, giao cho Sư trụ trì chùa Hưng Quốc ở Toàn Châu. Chính vì vậy, lúc khai đường (lúc thuyết pháp đầu tiên) thì Thiền sư Kỳ nói Ngài nối pháp của Ngài Huệ Nam. Đến đêm, Ngài mộng thấy một vị thần đến báo: “Thầy khi gặp bệnh dữ tức là duyên của Thầy hết”. Nói xong thì vị thần ẩn mất. Trải qua 13 năm, quả nhiên Sư bị bệnh hủi, không làm gì được nữa, phải ngưng hết mọi việc trong viện, lui về phía Tây Long Thành cất một cái am nhỏ. Khi cất am xong, Sư dưỡng bệnh trong am đó và có một vị thị giả tên là Khắc Từ. Ngài Khắc Từ nương với Thiền sư Kỳ rất lâu, cũng là người nổi bật trong thiền lâm. Vị thị giả này trở về để hầu bệnh cho Thầy, phụng thờ rất có hiếu, đi khất thực bất kể gió mưa nóng lạnh, trọn một đời với Thầy rồi sau mới thôi. Một hôm, Thiền sư Kỳ đang khi bệnh mới nói với thị giả rằng: “Chỗ được của ta thực là ở nơi Hòa thượng Thiên Thánh” (có nghĩa là chỗ mà ta ngộ được thật ra là ở chỗ Hòa thượng Hào Thái ở Thiên Thánh chứ không phải ở Ngài Hoàng Long). “Về sau, vì thấy đạo hạnh Ngài Hoàng Long đều quý trọng, nên tâm kính mộ, vì thế nên ta nối pháp Ngài Hoàng Long. Đâu ngờ giữa chừng lại cảm cái bệnh dữ này”. Sư nói xong thì tịch.

Quý vị thấy Thiền sư Kỳ đắc pháp nơi Hòa thượng Hào Thái ở Thiên Thánh, nhưng sau được Ngài Huệ Nam tin cẩn, đối xử rất tốt nên Thiền sư Kỳ không để ý đến vị bổn sư trước kia của mình nữa để nhân danh là nối pháp Ngài Huệ Nam. Ngay lúc đó, có vị thần báo mộng và trải qua 13 năm sau thì Thiền sư Kỳ bị mắc quả báo dữ, sau đó thì tịch. Qua đó mới thấy, ơn của Thầy Tổ rất là lớn, nếu mình không biết mà coi thường thì sẽ ảnh hưởng đến đạo đức của mình mà không hay. Chúng ta tu để cầu đạo giải thoát mà tổn đức thì đạo giải thoát có thành không? Không những không thành mà còn phải chịu quả báo nữa.

Gương thứ hai là Thiền sư Viên Ngộ, khi Ngài đi qua nhiều vị thiện tri thức để tham thiền mà không có chỗ ngộ nhập. Sau cùng Sư đến yết kiến Thiền sư Pháp Diễn ở núi Ngũ Tổ. Thiền sư Pháp Diễn là người rất nổi tiếng, khi Ngài Viên Ngộ đến trình hết cơ dụng của mình mà Ngài Pháp Diễn đều không chấp nhận. Không phải là Ngài Viên Ngộ sai vì khi ấy đã có những chỗ ngộ rồi chứ không phải không, nhưng Ngài Pháp Diễn thấy chưa tột nên không nhận mà gạn cho tới cùng để Ngài Viên Ngộ có cơ hội ngộ sâu hơn. Khi không được chấp nhận như vậy thì Ngài Viên Ngộ nghĩ trong lòng rằng: “Thiền sư Pháp Diễn gắng gượng xoay chuyển người, nói lời bừa bãi” nên tức giận bỏ ra đi. Khi từ giã ra đi, Thiền sư Pháp Diễn vẫn vui vẻ, nói: “Đợi khi ông mắc bệnh nặng thì khi đó ông mới nghĩ đến ta”. Quả thật, khi đến Kim Sơn, Sư mắc bệnh thương hàn rất nặng, khi mắc bệnh, Sư dùng chỗ thấy, chỗ được hằng ngày của mình để nghiệm lại thì thấy không đắc lực, nghĩa là trong bệnh thấy mình khổ và chỗ mình ngộ chưa giải cứu được gì cả. Lúc bấy giờ mới thấy Ngài Pháp Diễn chưa chấp nhận là đúng. Nhớ lại lời của Thiền sư Pháp Diễn, trong khi nằm bệnh, Sư tự thề rằng: “Nếu như bệnh tạm bớt thì liền trở lại núi Ngũ Tổ”. Khi bệnh thuyên giảm, Sư liền trở lại núi Ngũ Tổ và Thiền sư Pháp Diễn trông thấy thì cười và dạy: “Đến nhà tham thiền đi”, có nghĩa là cho vào nhập chúng.

Qua đó cho thấy một điều là Ngài Viên Ngộ dùng cái thấy còn cạn, chưa rốt của mình để đánh giá và trách vị Thầy rồi bỏ ra đi. Vì trách mà đi cho nên cảm đến quả báo là bị bệnh nặng, chính bệnh nặng đó là để nghiệm lại chỗ thấy của mình chưa đắc lực, chưa cứu được bệnh, cho nên nhớ lại lời Thầy mà trở lại và có nhân duyên được học đạo tiếp. May mà Ngài Viên Ngộ được Ngài Pháp Diễn nhắc cho nên khi bị bệnh thì Ngài liền biết và phát nguyện chứ không nhắc thì biết đâu mà trở lại để sám hối, không trở lại sám hối thì khi nghiệp quả đến giống như Thiền sư Kỳ, ai sẽ cứu đây?

Cho nên chúng ta đừng nên dùng cái thấy chủ quan, nông cạn và hời hợt của mình để nhìn vị Thầy mình mà buông lời thiếu suy nghĩ để rồi bị thiệt thòi, đến lúc bị quả báo thì ân hận cũng đã muộn rồi.

Sau khi được Thầy cho vào nhập chúng, Sư vào liêu thị giả, mới được nửa tháng thì gặp Bộ Sử Hưu Trí trở về đất Thục, đến Pháp Diễn hỏi đạo. Ngài Pháp Diễn hỏi:

-         Đề hình thuở thiếu niên đã từng đọc Tiểu Diễm thi chăng?”, tức là hồi còn nhỏ đã từng đọc thơ Tiểu Diễm chưa?

Ông quan nói:

-         Có đọc rồi.

Lúc bấy giờ Ngài Pháp Diễn nói có hai câu gần nhau:

Tần hô Tiểu Ngọc nguyên vô sự.

Yếu tại Đàn lang nhận đắc thinh.

tức là:

Kêu gọi Tiểu Ngọc nguyên không việc.

Chỉ cốt anh chàng nhận tiếng thôi”.

Quý vị biết giai thoại này không? Có một anh chàng yêu một cô nàng nọ, cô này nhà sang ở trên lầu, khi anh chàng đến bên bờ rào, tìm hoài mà không biết cô đang ở đâu. Cô gái ở trên nhìn thấy, muốn cho anh chàng biết mình đang ở đây nên gọi: “Thể nữ, đem cái bình lại cho cô”. Như vậy thì cô gái gọi thể nữ là để lấy cái bình hay cốt cho anh chàng biết mình đang ở đây. Ngài Pháp Diễn đem câu đó hỏi vị quan vốn quen thuộc với dạng thơ này. Quan Đề Hình cũng hiểu Phật pháp, liền ứng thinh: “Dạ”, nhưng Ngài Pháp Diễn bảo: “Hãy chín chắn”.

Sư vừa đi đến, đứng hầu và thưa:

-         Nghe Hòa thượng nhắc Tiểu Diễm thi, Đề hình hiểu chăng?

Ngài Pháp Diễn bảo:

-         Kia nhận được thanh.

Sư mới thưa:

-         Chỉ cốt đàn lang nhận được thanh. Kia đã nhận được thanh, vì sao lại chẳng phải?

Ngài Pháp Diễn nói:

-         Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang? Đáp: Cây bách trước sân đấy. Thế nào là ý đó?

Ngay đó Ngài chợt tỉnh ngộ.

Tỉnh ngộ cái gì thưa quý vị? Nghe nói cây bách trước sân mà bám theo cây bách để hiểu là lầm qua mất rồi, là kêu thể nữ rồi chứ không phải cốt cho anh chàng kia nhận được thanh.

Lúc bấy giờ, Sư bước ra, thấy con gà bay đậu trên lan can, vỗ cánh gáy thì Sư mới bảo:

-         Đây há chẳng phải là thanh sao?

Như vậy Ngài Viên Ngộ nhận được âm thanh gì vậy? Có phải là âm thanh con gà gáy không? Nếu như nói nhận thanh là âm thanh con gà gáy thì cũng lầm qua mất, không biết chỉ cốt anh chàng nhận được thanh nữa. Như vậy Ngài Viên Ngộ nhận được gì? Có phải khi nghe con gà gáy thì liền tỏ sáng cái hằng nghe, không bao giờ thiếu vắng nơi chính Ngài không? Nếu nói Ngài Viên Ngộ nghe con gà gáy liền tỏ sáng cái hằng nghe chưa bao giờ thiếu vắng nơi Ngài thì không phải là sai, nhưng chính chúng ta cũng lại là lầm qua mất, không biết chỉ cốt anh chàng nhận được thanh nữa. Tại sao? Tại vì mình chỉ lo nhớ nghĩ việc của Ngài Viên Ngộ mà quên rằng ai đang nghe pháp đây? Quý vị nghe được thanh chưa? Nếu quý vị nào khéo nhận như vậy thì mình chính là anh chàng thư sinh kia, biết cô Tiểu Ngọc gọi cái gì. Còn nếu như không khéo nhận lại thì anh thư sinh kia vẫn cứ ngỡ rằng cô nàng gọi Tiểu Ngọc, không dính dáng gì đến mình.

Sau khi nhận được thanh, Sư mới sắm sửa hương đèn vào thất để trình kệ. Sau khi trình kệ xong, Ngài Pháp Diễn mới ấn chứng và dạy thêm:

-         Phật Tổ đại sự chẳng phải căn nhỏ cơ hèn mà hay đến được. Tôi giúp ông vậy.

Ngộ đạo rốt ráo rồi mà ông Thầy vẫn nói là “Việc lớn của Phật Tổ chẳng phải căn nhỏ cơ hèn mà hay đến được. Tôi sẽ giúp ông”. Lúc bấy giờ Ngài Pháp Diễn bảo cho khắp hàng kỳ cựu trong núi biết rằng: “Thị giả của tôi tham được thiền”. Chính vì vậy, Sư đến bất cứ chỗ nào cũng được đưa lên làm thủ tọa. Qua đó mới thấy lòng từ bi của Ngài Pháp Diễn đã tận tụy dẫn dắt đệ tử như thế nào. Không Thầy nào mà không thương học trò và muốn học trò mình tiến bộ cả, nhưng có lúc phải dùng những cơ dụng đặc biệt để cho học trò tiến lên, nhưng nếu học trò không thấy hoặc thấy chưa tới mà xem thường vị Thầy thì đó coi chừng bị quả báo. Sau này, Thiền sư Viên Ngộ là người sau này đem 100 tắc công án ….., mỗi mỗi chú thích và chọn lọc chỗ uyên nguyên, rồi chia chẻ thâm lý, phát huy chỗ huyền vi, tuyên bố phát dương tông chỉ truyền riêng và Ngài chỉ thẳng rất là khéo léo. Vì vậy, Ngài Viên Ngộ được xem như là tác giả trước tác bộ Bích Nham Lục, một bộ sách nổi tiếng trong tùng lâm được truyền rất thịnh hành.

Qua đó chúng ta thấy Ngài Viên Ngộ là một người xuất cách chứ không phải thường. Ngài ngộ sâu, học rộng, có tài, nhưng muốn làm được việc lớn của Phật Tổ thì cũng nhờ vào ân đức của vị Thầy, nhờ vào sự tiếp sức của vị Thầy nữa. Xét xa hơn, trong Kinh kể, các vị Bồ Tát muốn làm hạnh lợi tha để viên tròn quả vị Phật thì cũng cần nhờ vào chư Phật thường hộ niệm và an ủi, huống nữa chúng ta là hạng người nào mà dám bỏ Thầy Tổ, dám nghĩ tách rời sự dẫn dắt của vị Thầy mà có thể thành tựu được đạo nghiệp. Nếu quý vị khéo xét cho kỹ thì mới rõ ân đức sâu rộng của Thầy Tổ mà mình đã thọ nhận và mới thấy rõ giá trị của sự nương về núp bóng vị Thầy. Khi quý vị còn được ngồi nghe Hòa thượng giảng, được gần Hòa thượng thì thấy rất là bình thường, nhưng khi Hòa thượng đóng thất thì không biết quý vị thế nào chứ chúng tôi thấy rất cần thiết sự nương về và núp bóng, mà thấy không phải bằng hiểu nữa mà thấm đẫm ở trong lòng. Từ đó mình không còn sai lầm và ảo tưởng về mình một cách thái quá mà vô tình quên đi công ơn sâu rộng đó, để rồi làm cho phước đức của mình bị tổn khuyết. Công đức khuyết tổn thì công hạnh không thể thành tựu được.

Quý vị biết xưa kia Hòa thượng Đại Giác Liễn có lần đến thưa hỏi đạo với Thuấn Lão phu ở chùa Thiên Hiền. Về sau, Ngài Đại Giác Liễn được vua rất trọng vọng, mời về chùa làm Quốc sư. Còn Thuấn Lão phu bị quân lính đến chùa đốn chặt cây, Ngài Thuấn lão phu cự tuyệt, không cho chặt. Chính vì cớ sự đó mà bị mắc nạn vu oan, bị ép phải hoàn tục, không cho tu hành nữa. Ngài Thuấn Lão phu đi đến chỗ Hòa thượng Đại Giác Liễn, Ngài Đại Giác Liễn mời Thuấn lão phu ở phòng chính của mình, còn đích thân mình ra ở phòng phụ bên cạnh để giữ lễ Thầy trò như ngày xưa. Hàng vương công quý nhân đến thăm đều lấy làm lạ, Hòa thượng Đại Giác Liễn mới kể lại đầy đủ sự việc. Ngài nói: “Tôi lúc còn bé từng hỏi đạo nơi Thuấn lão phu, ngày nay chẳng phải do sai khác về sự ăn mặc, hình dáng bên ngoài mà làm cho ta thay đổi vậy”. Có nghĩa là ngày xưa tôi từng học đạo nơi Ngài, ngày nay không vì Ngài mặc đồ thế tục mà tôi thay lòng đổi dạ, vẫn tôn trọng Thầy như ngày xưa. Vua đến thăm thấy vậy, sẵn cái quạt trên tay, vua liền viết mấy chữ vào cái quạt như là một chiếu chỉ gửi đến quan đề hương. Sau đó Ngài Thuấn lão phu được mặc áo tu trở lại và trở về trụ trì lại chùa Thiên Hiền.

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy Ngài Thuấn lão phu là Thầy của Ngài Đại Giác Liễn, nhưng sự thực là Ngài Đại Giác Liễn chỉ nương ở Ngài Thuấn Lão phu một thời gian thôi chứ không phải là vị bổn sư xuất gia cho Ngài Đại Giác Liễn, nhưng mà cảm đến cái ơn nghĩa ngày xưa cho nên khi Thầy mắc nạn, mình lại có công danh mà chẳng hề thay đổi. Như vậy mình thấy danh vị thế gian dù có lớn bao nhiêu nhưng nó vẫn là cái vô thường thuộc về sanh diệt, có đó rồi mất đó lúc nào không biết. Đã là sanh diệt thì danh vị dù lớn bao nhiêu cũng là cái nhỏ nhoi, thấp hèn. Nếu vì cái nhỏ nhoi, thấp hèn đó mà bỏ đi lễ nghĩa cao cả thì mình là con người sáng suốt hay mờ tối? Từ đó xét cho kỹ mới thấy, còn nếu không xét thì không thể thấy được.

Qua đó, chúng ta thấy Quý Ngài xưa đối với ơn nghĩa Thầy Tổ rất là kỹ, rất là cẩn trọng, không dám xem thường. Cho nên mới có câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, có nghĩa là một chữ cũng là Thầy mà nửa chữ cũng là Thầy. Ngày mai, dù vị đó như thế nào đi nữa thì ơn nghĩa thầy trò không bao giờ được quên. Còn quên thì tư cách đạo đức của mình tổn chứ vị Thầy không cần gì ơn nghĩa đó cả.

Ngài Nguyệt Đường có nói: “Khi Ngài Hoàng Long ở chùa Tích Thúy bị bệnh ba tháng không ra khỏi phương trượng, Ngài Khắc Văn Chân Tịnh là đệ tử thấy vậy rất lo lắng, nửa đêm lên chánh điện, trước Tam Bảo để cầu nguyện, Ngài đốt hương trên đầu, thắp đèn trên cánh tay để mong nhờ uy lực của Tam Bảo trợ giúp cho Ngài Hoàng Long mau khỏi bệnh. Ngài Hoàng Long nghe được việc đó liền trách: ‘Sanh tử là việc của tôi, ông tham thiền mà không đạt lý như thế sao?’ Ngài Chân Tịnh mới từ tốn thưa: ‘Tùng lâm có thể không có Khắc Văn Chân Tịnh con, chứ không thể nào không có Hòa thượng được’. Hòa thượng còn là một bóng mát rất cần cho nhiều người, còn đối với con không có cũng được’. Lúc bấy giờ, các hàng thức giả đương thời nghe như vậy cho là Ngài Chân Tịnh có tâm chân thành, kính Thầy, trọng pháp như vậy thì sau này nhất định sẽ trở thành một bậc đại khí, có nghĩa là một người tài giỏi, có lợi cho đạo. Quả đúng như vậy, sau này Ngài Chân Tịnh trở thành một vị thiền sư nổi tiếng”.

Quý vị thấy Ngài Khắc Văn Chân Tịnh vì có lòng tôn sư trọng đạo nên về sau, nhờ vào công đức đó mà Ngài có đủ trí đức để làm cho đạo được rộng lớn. Cho nên cái ơn cao sâu của Thầy Tổ phải tỉnh mới thấy rõ được, còn nếu bị những danh vị nhỏ nhoi ở thế gian che mờ thì chúng ta sẽ bám trên nó mà khuất lấp đi những cái cao cả, khi đó mình tự đánh mất đi giá trị, đánh mất đi đạo đức của mình. Đức tổn rồi thì đạo nghiệp sẽ khó thành tựu.

Như vậy nghe qua thì quý vị đã hiểu ơn trọng của Thầy Tổ là như thế nào, người trái ơn trọng đó thì phải chịu quả báo như thế nào và người trọng ơn đức đó thì công đức như thế nào. Mình tôn trọng ơn đức đó không có nghĩa là mình khởi mà trong mình tự thấy, tự cảm. Chính vì vậy, người nào đã có tâm đó thì nền căn bản đạo đức đã được hình thành bên trong chính người đó cho nên sau này mới có thể làm được lợi ích cho đạo. Quý vị nghe biết hiểu như vậy rồi, nhưng chỉ hiểu không thì cũng chưa hành được. Vậy bây giờ, phải làm một người đệ tử như thế nào để xứng đáng là người thực sự tôn kính, biết ơn và đền đáp ơn Thầy?

Tôi dẫn một giai thoại này, quý vị nghe thì sẽ hiểu. Thiền sư Trích Thủy lúc còn trẻ, đầu tiên Sư đến tham vấn nơi Thiền sư Nghi Sơn, nhưng vì gia phong của Thiền sư Nghi Sơn rất nghiêm khắc và miên mật, chẳng dễ dàng dùng phương tiện tiếp người. Đối với thiền giả du phương đến xin tham học, Ngài thường dùng câu “Chúng ở đã chật, không nhận tăng hành cước đến xin tá túc nữa”. Tuy là từ chối như vậy nhưng Ngài Trích Thủy không vì sự cự tuyệt của Thiền sư Nghi Sơn mà thối chuyển. Sư quỳ tại cửa ba ngày như vậy, tuy trời mưa ướt người nhưng sư vẫn như như bất động. Đến ngày thứ bảy, vị giữ cửa cho phép vào yết kiến Thiền sư Nghi Sơn. Ngài Trích Thủy được nhập chúng rồi, Ngài khổ tham dưới tòa của Thiền sư Nghi Sơn, bao nhiêu khổ nhọc cũng không màng đến, chỉ cầu mong cầu đạo nơi vị thầy. Có lần, Sư xin chỉ dạy. Sư thưa: “Vô tự Bát Nhã có gì phân biệt?”. Ngài Nghi Sơn gầm lên, nói: “Cái tên tiểu bối ngạo mạn này”. Quý vị thấy không? Hỏi một câu rất đạo lý nhưng lại bị vị thầy quát là tên tiểu bối ngạo mạn này, chưa hết, tát cho một tát rồi đuổi Ngài Trích Thủy ra khỏi pháp đường. Mình như vậy có chịu nổi không? Bây giờ quý vị tới chùa mà quý Thầy có vẻ không vui, không niềm nở thì chắc lần sau mình không muốn tới nữa rồi. Ngài Trích Thủy bị thầy quát, tát và đuổi ra khỏi pháp đường như vậy thì áo não dị thường. Khi Ngài buồn như vậy thì các duyên bên ngoài có còn nhớ nữa không? Còn một việc trong lòng, cho nên Ngài mới về tăng đường đóng cửa lại. Tiếng đóng cửa vang dội vào lỗ tai, Ngài hoát nhiên khai ngộ. Lúc bấy giờ, Sư trở lại, vào thất, trình bày vô tự Bát Nhã đều ở trong một tiếng gầm. Thiền sư Nghi Sơn liền ấn khả. Như vậy, trước đó Ngài quát và đánh là vì sân mà quát hay vì sao? Là một cách khai thị cho đệ tử, nhưng nếu Ngài Trích Thủy không ngộ thì Ngài có thấy được chuyện đó không? Cho nên cơ phong của Thầy dạy đệ tử, mình không dễ gì lấy thức tình để lường được, cho nên đừng bao giờ vội đánh giá vị Thầy.

Sau khi ngộ đạo rồi, có một lần Thiền sư Nghi Sơn đi tắm, vì nước quá nóng nên sai người đem nước lạnh thêm vào. Ngài Trích Thủy vội vàng xách một thùng nước lạnh đến châm thêm vào, còn một ít nước thừa, Ngài tiện tay hắt xuống đất. Lúc bấy giờ, Ngài Nghi Sơn không vui, trách rằng: “Nhân địa tu hành, âm đức là bậc nhất. Ông vì sao không tiếc phước như thế? Tuy là một giọt nước, tưới cây, cây cũng vui, tưới cỏ, cỏ cũng mừng, nước cũng không mất đi giá trị của nó. Vì sao ông không tiếc vật như vậy?” Chính lời răn dạy mạnh đó khiến cho Ngài Trích Thủy ghi khắc trong lòng, từ đó về sau đổi lại pháp danh là Trích Thủy, có nghĩa là tiếc từng giọt nước. Lại có một lần khác, Ngài Trích Thủy dùng giấy trắng để lau mũi, Ngài Nghi Sơn thấy liền thét: “Lỗ mũi của ông sao mà quý trọng đến vậy? Giấy trắng sạch sẽ, được nó đâu có dễ. Ông thật là pháp tặc tổn đức, tu hành gì chứ?” Thiền sư Trích Thủy do thừa hưởng gia phong nghiêm khắc của Thiền sư Nghi Sơn cho nên về sau tiếp đãi người học cũng rất nghiêm cách. Tại vì trong sự rèn luyện đặc biệt của vị Thầy như vậy thì mình lớn lên được, mới thấy hết giá trị của vị Thầy đối với mình. Do thấy giá trị như vậy mà sau dạy người cũng rất nghiêm cách, có lúc thậm chí đánh người, rất nhiều học tăng chịu không nổi thiền phong này mà đánh trống rút lui. Tuy nhiên, các Thiền sư thường nói: “Loài có sừng thì nhiều nhưng chỉ một con lân là đủ”. Ngài đánh mạnh như vậy, những người không thực tâm vì đạo thì rút lui. Nhưng đặc biệt, Ngài Trích Thủy có một vị đệ tử là là Ngài Nga Sơn kiên trì ở lại và sau này thành đạt, trở thành một người rất nổi tiếng. Ngài Nga Sơn cũng từ trong sự giáo dưỡng và rèn luyện kỹ lưỡng, khó khăn, nghiêm khắc của vị thầy mà lớn lên được, vì thế mà Ngài cảm được ơn sâu của vị Thầy đối với mình, chính vì vậy mà Ngài mới thấy rõ như thế nào là một đệ tử xứng đáng đối với vị thầy mình. Ngài phân rõ ra ba hạng đệ tử: “Hạng đệ tử bậc hạ là lợi dụng tiếng tăm của vị Thầy, hạng trung thì tán thán ca ngợi lòng từ bi của bậc thầy, còn bậc thượng là ngay dưới sự rèn luyện của vị Thầy mà ngày càng mạnh mẽ hơn”.

Bây giờ  nghe rồi thì quý vị muốn mình là hạng đệ tử nào?

Xét qua ba hạng đệ tử, hạng thứ nhất là hạng bậc hạ lợi dụng tiếng tăm của vị Thầy. Lợi dụng như thế nào? Đó là hạng đệ tử không thực tâm tu học, không thực tâm vì đạo, tu thì tu nhè nhẹ, muốn nương vào vị thầy nổi tiếng để nhân danh mình là một trong những đệ tử của vị thầy có uy tín lớn đó, làm cho người khác tin kính, từ đó thuận theo cái chủ ý riêng của mình. Trong lễ giỗ Tổ tại Thiền viện Thường Chiếu năm 2002, Hòa thượng ân sư cũng nói một lời: “Ai theo tôi mà không làm đúng theo chủ trương của tôi thì người đó là người lợi dụng tôi”. Cái này hợp với phàm tình con người lắm nên không cần phải nói nhiều.

Qua hạng thứ hai là hạng bậc trung. Hạng bậc trung là tán thán, ca ngợi lòng từ bi của Thầy. Quý vị thấy tán thán và ca ngợi lòng từ bi của bậc thầy là một điều đáng quý, nhưng Ngài Nga Sơn chỉ xếp vào hạng đệ tử bậc trung. Thời xưa, khi Đức Phật diệt độ chưa bao lâu, có một thầy Tỳ kheo tụng một bài kệ trong Kinh Pháp cú, tụng nhầm rằng:

Nếu người sống trăm tuổi

Chẳng thấy được con hạc

Chẳng bằng sống một ngày

Mà thấy được con hạc.

Quý vị nghe thấy có ý nghĩa gì không? Tụng nhầm thì đâu có ý nghĩa gì. Khi ấy Tôn giả A Nan thuộc lòng những lời Phật dạy, nghe được như vậy nên buồn than rằng: “Chánh pháp của Như Lai sao lại diệt mau quá vậy? Như Lai vừa mới nhập diệt chưa bao lâu mà đã có người tụng nhầm bài kệ trong Kinh Pháp cú”. Ngài ngậm ngùi, đến chỗ vị Tỳ kheo kia và nói rằng: “Như lời của Đức Phật đã nói mà tôi nghe được thì đúng phải như vầy:

Nếu người sống trăm năm

Không thấy pháp sanh diệt

Không bằng sống một ngày

Thấy rõ pháp sanh diệt.

Vị Tỳ kheo nghe xong trở về thuật lại cho thầy bổn sư nghe. Khi được nghe thuật lại thì vị thầy bổn sư nói: “Cái ông A Nan già cả rồi, lời lẽ hay nhầm lẫn không nên tin. Ông cứ trở về tụng lại như trước đi”. Quý vị thấy không? Đã được Ngài A Nan nhắc mà vẫn còn không tin. Ông thầy bổn sư bảo đệ tử tiếp tục tụng là vô tình nói sai hay cố tình nói sai? Không biết, vô tình cho nên nói sai. Như vậy, tuy có vâng lời Thầy Tổ nhưng vì không hiểu và làm sai như vậy thì có thể gọi là biết ơn Thầy mình một cách chân thật không? Tin mà không hiểu, vâng nhận mà làm không đúng thì có khi từ lòng trung thành, tán thán mà do vô tình cho nên tán thán sai. Mà khi tán thán sai thì càng tán thán càng trở nên chê bai mà mình nào hay biết. Cho nên ca tụng lòng từ bi của vị thầy thì cũng có người hiểu và ca tụng đúng, nhưng cũng có người ca tụng chưa đúng hoặc là chưa đến mức cho nên chưa hẳn là được trọn vẹn. Hơn nữa, mình ca tụng lòng từ bi của vị thầy là một điều đáng quý, nhưng vị thầy dạy đệ tử có phải chỉ vì mục đích đó không? Không phải. Thứ nhất là mình ca tụng đúng hoặc chưa đúng, nếu đúng thì hoặc là đủ, hoặc là chưa đủ. Thứ hai, ca tụng không phải là mục đích chính mà vị thầy muốn, cho nên chúng ta nếu chỉ dừng ở chỗ ca tụng lòng từ bi của vị thầy thôi thì mình chưa làm được chỗ quan trọng chính yếu mà vị thầy muốn chỉ dạy và mong mỏi nơi người đệ tử. Chính vì 2 lý do đó nên Ngài Nga Sơn nói ca ngợi và tán thán lòng từ bi của bậc thầy chỉ là hạng đệ tử bậc trung, chưa phải là bậc thượng. Vậy một người đệ tử bậc thượng thì phải như thế nào? Ở đây Ngài nói: “Phải ngay dưới sự rèn luyện của vị thầy mà ngày càng sống dậy mạnh mẽ hơn”. Tại sao người mà ngay dưới sự rèn luyện của vị thầy ngày càng sống dậy mạnh mẽ hơn thì xứng đáng là một đệ tử bậc thượng? Giờ nhìn lại cốt lõi của đạo Phật thì sẽ thấy lời Ngài là đúng, là chín chắn. Xét lại xưa kia, Đức Phật xuất hiện nơi đời là vì một đại sự nhân duyên, vì một việc lớn, việc chính yếu là cốt khai thị chỉ bày cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến, có nghĩa là cái thấy biết Phật nơi chính mỗi người. Vị thầy mình là đệ tử Phật, có nghĩa là người thay thế Phật để tiếp nối công việc mà Đức Phật đã làm xưa kia. Như vậy, trước hết là tự mình phải giác ngộ rồi sau nữa phải giác ngộ cho người. Cũng chính vì vậy mà vị thầy có nhiều phương tiện để rèn luyện, hoặc là thuận, hoặc là nghịch để chỉ dạy đệ tử, cũng chỉ muốn để mài luyện, dũa gọt cho đệ tử mình đạt đến chỗ giác ngộ đúng với sở nguyện mà Đức Phật ra đời muốn làm việc đó. Như vậy, đó là việc chính, mà nếu có ai biết được như vậy mà chịu ở trong sự dũa gọt, mài luyện của vị thầy để ngày càng lớn mạnh lên thì đó mới đúng với ý chỉ chính mà Phật Tổ muốn chỉ dạy, cũng đúng với mục đích chính mà vị thầy mình muốn rèn luyện cho mình. Như thế mới xứng đáng là hạng đệ tử bậc thượng, còn nếu làm lệch đi thì cũng là những việc phụ thuộc thôi, chưa phải là việc chính.

Quý vị đã nghe qua ba hạng đệ tử rồi, bây giờ tóm kết lại. Qua các gương học đạo của người xưa như Ngài Trích Thủy, Ngài Nga Sơn, bây giờ chúng ta nên xét lại mình. Tinh thần học đạo của mình bây giờ có sánh kịp với người xưa không? Về hoàn cảnh, chắc rằng bây giờ cũng không có vị thầy nào tỏ vẻ mạnh mẽ, tàn bạo với đệ tử như vậy, nhưng cái hạnh học đạo của mình cũng chưa kịp với người xưa. Cho nên khi nào vị thầy chiều theo điều mình thích, dạy đúng với ý mình thì mình ca tụng, tán thán. Nếu điều đó đúng, vị thầy nói thẳng thì chạm tự ái, trong lòng liền hờn và bỏ liền. Ngày xưa, pháp sư Trí Chấn ở chùa Thánh Tướng núi Trung Nam trải qua hai mươi tám năm tu hành rất miên mật, không tiếp xúc duyên bên ngoài, hằng ngày nếu có trước tác tác phẩm gì thì thường sai đệ tử là Ngài Trí Hiển cầm giấy bút đứng hầu một bên, không cho một chỗ nào ngồi, chỉ đứng hầu để lắng nghe thôi, thầy vừa nói điều gì thì viết giấy liền. Quý vị thấy đứng hầu lâu để viết sách mà không cho ngồi thì có mỏi chân không? Một hôm Ngài Trí Hiển chân đau và mỏi, trong lòng cũng hơi mệt mỏi, trong tâm phiền muộn nên thình lình té ngã. Vị Thầy mới quở: “Người xưa đứng một chân bảy ngày (tức là nói tiền thân của Đức Phật một chân đứng trên tảng đá mà vượt qua 91 kiếp), nay ông vừa đứng chút là té ngã rồi. Tại sao té ngã. Đó là vì tâm khinh suất, tâm xem thường”. Bây giờ quý vị coi lại, nếu như tâm mình tôn kính thì có té không? Có khi suốt ngày đứng mà không biết mệt phải không? Nhưng đứng một chút mà té là do tâm xem thường bên trong. Ngài nói tiếp: “Hiện nay, những người làm thầy trò với nhau vừa có một lời trách đến thì trọn đời chẳng muốn gần (tức là muốn bỏ thầy đi không gặp mặt nữa). Thật là buồn thay”. Đó là vị Thầy nói cho người đệ tử, cũng là nói cho người đương thời nữa. Khi vừa có lời trách liền muốn bỏ Thầy là tại sao? Xét lại từ đầu, ngày xưa tiền thân Đức Phật là một người đang tu, Ngài đứng một chân trên một tảng đá, trải qua bảy ngày đêm như vậy mà không té, còn mình đứng một chút là té thì có phải là trong lòng mình có sự xem thường không? Cho nên tâm mình nếu kính cẩn thì có đứng hoài cũng cảm thấy an vui, còn tâm xem thường, hời hợt thì sẽ bị té ngã liền. Giả sử bây giờ Hòa thượng cho quý vị vào thất để gặp mà bảo quý vị quỳ suốt một ngày thì quý vị chịu không? Mình sẵn sàng phải không? Cho nên đứng một chút mà té là vì trong lòng coi thường rồi nên vị thầy quở. Lúc đó Ngài nói tiếp tình hình của tăng hiện thời: “Những người làm thầy trò với nhau, vừa có một lời trách chạm tới thì trọn đời không muốn nhìn mặt nhau nữa. Thật là buồn thay”. Tại sao buồn? Có phải vì đệ tử không kính trọng nên buồn không? Tại vì tâm học đạo của người bây giờ không mạnh mẽ cho nên pháp sư Trí Chánh buồn.

Qua đó quý vị thấy, khi vừa có một lời trách liền muốn bỏ thầy thì đó là do tâm khinh suất, hời hợt, xem thường và thiếu sự tôn kính đối với vị Thầy. Còn nếu mình đầy đủ tâm tôn kính thì mình đứng mà không biết mỏi. Nếu có tâm hời hợt, xem thường thì khi vị thầy đối xử hợp với lòng mình thì mình tán thán, khen ngợi, còn không hợp với lòng thì liền bỏ đi. Như vậy là mình khen ngợi thầy hay khen ngợi ai? Đó là khen ngợi cái giống với ý mình chứ không phải thực sự khen ngợi đạo đức của vị thầy. Chính vì vậy, khi gặp điều gì thuận với mình thì mình còn khen, còn gặp điều gì trái nghịch với ý mình thì mình bỏ. Hơn nữa, nếu khen ngợi cái giống với ý mình, đó là ngầm bảo thủ cái phàm tình bên trong của mình chứ mình có học được gì nơi vị thầy đâu. Như vậy là không đúng với nghĩa cầu học. Tới đây, thêm một lý do nữa cho chúng ta thấy, nếu chúng ta chỉ dừng ở mức tán thán vị thầy thôi mà không theo lời thầy dạy, không thấy rõ lời thầy dạy để tu tiến thì chỉ là hạng đệ tử bậc trung, chưa phải là bậc thượng.

Thông thường bậc làm thầy, vì muốn cho đệ tử mình được thành đạt cho nên vị Thầy thường là nghiêm chứ ít có lúc nào chiều chuộng, mà nghiêm thì thường trái với ý của mình nên mình thường thấy như là Thầy khắt khe. Chính vì vậy, người đệ tử nào không hiểu để vươn lên thì thường là không chịu nổi sự rèn luyện nghiêm khắc của vị Thầy, nhưng thực tế, chính sự nghiêm dạy của vị Thầy thì người đệ tử mới có thể trưởng thành và lớn lên được trong đạo. Ban đầu, tuy là chưa hiểu có thể sanh oán, nhưng về sau thành người rồi thì mới cảm được cái ơn sâu mà trước kia Thầy chỉ dạy cho mình. Vì vậy, nếu ai thấy rõ sự rèn luyện và dìu dắt của vị thầy thì mới có thể đầy đủ trí lực để dám lớn lên được trong sự rèn luyện của vị Thầy, dám như vậy mới xứng đáng là hàng đệ tử bậc thượng. Còn ai thấy vị thầy dạy đúng với ý của mình thì mình theo, trái với sở thích phàm tình của mình thì không kham nổi và bỏ thì đó là thấy rõ cái tâm yếu đuối của mình, không xứng đáng là hàng đệ tử bậc thượng.

Như vậy mới thấy thuận theo sở thích của người, đó là việc làm khó hay dễ? Bây giờ chiều theo người nhiều lúc còn nhẫn không được, thấy khó nhưng vẫn chưa khó bằng làm nghịch lại với người, đó là việc khó hơn rất nhiều, vì dễ khiến cho người đệ tử sanh hờn. Cho nên muốn làm nghịch lại để người đệ tử tiến được thì phải là vị thầy như thế nào mới làm được? Phải là người có đầy đủ trí tuệ và thấy rõ, có lòng đại bi lớn mới có thể làm được việc đó. Mà xét lại, vì lòng từ bi thương đệ tử, chỉ cốt cho đệ tử tu tiến, lớn lên trong đạo nghiệp mà có khi phải rèn luyện, làm nghịch lại mà không sợ đệ tử giận mình thì đó là việc làm khó làm hay dễ làm? Khó làm. Vì mình mà Thầy phải làm một việc khó làm như vậy thì cái ơn của Thầy đối với mình là rất lớn, khó lấy gì đền đáp nổi. Vì vậy chúng ta phải tu hành có tiến bộ thì mới cảm được cái ơn sâu của Thầy Tổ. Được như vậy mới xứng đáng là hạng đệ tử bậc thượng. Còn nếu như mình chưa tu tiến, không đủ con mắt sáng, không một lòng vì đạo thì không thể nhìn thấy hết công hạnh và lòng từ bi của vị thầy đã rèn luyện mình như thế nào. Khi mình không thấy thì dễ bị phàm tình của mình che mờ đi, dễ phạm vào lỗi bất hiếu với Thầy Tổ để rồi ảnh hưởng đến đạo đức tu hành của mình.

Nếu ai cảm được sự nghiêm dạy của vị Thầy rồi ở dưới sự rèn luyện của vị thầy để tiến đạo thì đó là hạng người ít có khó được, nhưng ít có khó được mà làm được thì mới xứng đáng là bậc thượng, còn dễ thì ai cũng làm được rồi. Quý vị nghe qua đã rõ thế nào là hạng đệ tử bậc hạ, bậc trung và bậc thượng rồi thì bây giờ, quý vị muốn mình là hạng đệ tử nào? Nếu là người thực sự vì đạo và thực sự tôn kính, biết ơn Thầy thì mình phải siêng năng học hỏi và tu tập, phải xứng đáng là hạng đệ tử bậc trung và bậc thượng chứ không phải bậc hạ.

Một giai thoại nữa: Quốc sư Huệ Trung sau khi đạt đạo ở trên núi Bạch Nhai 42 năm, triều đình hay tin thỉnh Ngài về triều làm quốc sư. Ngài dạy đạo qua tới ba đời vua Đường Huyền Tông, Đường Túc Tông và Đường Đại Tông. Khi quốc sư sắp tịch, vua Đại Tông vì cảm cái ơn nuôi dạy nên muốn đền ơn vị Thầy đã dẫn dắt mình tiến đạo, lúc đó thưa: “Sau khi trăm tuổi, Ngài có cần việc gì để con đền đáp ân đó?” Sau khi nghe hỏi, quốc sư nói: “Vì lão tăng mà xây Tháp Vô Phùng”. Quý vị hiểu tháp Vô Phùng là gì không? Xây được Tháp Vô Phùng thì đền được ơn Thầy Tổ, mà đây là lời dạy của một vị Thiền sư ngộ đạo, đã hàm dưỡng trên núi 42 năm, sau đó về triều làm quốc sư của ba đời vua. Đây là một lối nói rất khéo của quốc sư.

Quý vị xét lại, khi quốc sư sắp tịch, duyên đời gần hết, vua Đại Tông hỏi một câu hỏi rất bình thường với mong muốn đền đáp ân thầy. Nhưng quốc sư không gió mà nổi sóng, một câu hỏi bình thường mà Ngài lại gây thành chuyện lớn, Ngài nói: “Vì lão tăng mà xây Tháp Vô Phùng”. Chữ “phùng” là chắp vá, may vá, “vô phùng” có nghĩa là không chắp vá, không có ráp nối. Tháp Vô Phùng là tháp nhẵn nhụi, nguyên vẹn, không có một dấu vết gì hết, không có nối ráp của gạch đá để thành. Bây giờ giữa ban ngày trời trong lồ lộ, làm sao đặt được tháp đó? Có chỗ đặt là có mối nối rồi. Nếu như ai xây được tháp đó thì trong nhà thiền, tới đây quý Ngài cảm với nhau và nói rằng: “Đất rộng người thưa gặp nhau rất ít”. Giờ quý vị coi lại mình có thể đặt được tháp đó không? Tháp đó đặt chỗ nào đây? Khi nghe hỏi đặt chỗ nào mà tìm chỗ để đặt thì cái tháp đó có vết rồi, đâu còn vô phùng nữa. Cho nên nghe hỏi mà tìm chỗ nơi thì cái tháp đó khuất mất rồi, không thể xây được, mà chỉ cần tỏ cái tháp vô phùng là gì thì liền đặt xong.

Vua Đại Tông hỏi tiếp: “Nếu vì Ngài xây tháp Vô Phùng thì xin Ngài cho kiểu tháp”. Quý vị thấy đặc biệt không? Nãy giờ mình nghe nói tháp Vô Phùng thì thấy rất khó hiểu, nhưng Ngài Đại Tông quả là không phải bình thường, nếu tháp Vô Phùng mà siêu xuất như vậy thì xin Thầy cho kiểu tháp, Thầy cho được thì con xây được. Bấy giờ, quốc sư liền im lặng giây lâu, hỏi: “Hiểu chăng?” Vua Đại Tông nói: “Không hiểu”. Quý vị biết vua Đại Tông là con của vua Túc Tông, mà quốc sư đã ở trong cung từ đời vua Huyền Tông, ngài Đại Tông khi còn là thái tử đã được quốc sư dạy thiền rồi nên khi lớn lên có thể hội được đạo lý rất sâu. Tới đây, qua giai thoại này mới thấy được sự uy hùng mà vua đã thể hiện. Nếu như không phải là quốc sư đã ngộ đạo thì nghe vua Đại Tông hỏi cho kiểu tháp thì đã mờ mịt không trả lời được rồi. Nhưng nếu cho rằng chỗ quốc sư không nói, im lặng đó là kiểu tháp Vô Phùng thì một tông thiền của Ngài Đạt Ma bị mất sạch. Tại sao như vậy? Khi mà quốc sư im lặng rồi hỏi: “Hiểu chăng?”, vua đáp “Chẳng hiểu”. Nếu mà hiểu thì có cái thứ hai, là có đối tượng, là thành bệnh mất rồi, mà vua Đại Tông cũng là bậc tác gia, cho nên nói “Chẳng hiểu”. Mình nghe nói chẳng hiểu thì có phải là không biết gì hết không? Nếu Ngài Huệ Trung im lặng, rồi vua nói “chẳng hiểu” mà dừng ngang đây thì thầy trò quốc sư làm lầm người sau không ít. Có nghĩa là hôm nay mình cũng mờ mịt luôn, tại vì thầy im lặng thì trò không hiểu, mỗi người tự có bản vị và thầm thông nhau ở trong đó, nhưng mà người sau thì chưa thể thấy, cho nên nằm trong chỗ vắng bặt im lặng không lời đó mà cho là phải thì thiền tông không bao giờ còn bóng. Chính vì vậy, quốc sư khi nghe vua nói “Không hiểu” thì nói: “Tôi có đệ tử phó pháp là Đam Nguyên thông hiểu việc này, xin mời đến hỏi”. Ngài Đam Nguyên là thị giả hiểu rõ về thầy cho nên nếu vua không hiểu thì mời đến để hỏi. Khi quốc sư nói câu này thì trong im lặng mà sấm sét vang rền, tức là trong cái không hiểu đó mà không có cái gì là không hiểu thấu. Làm sống dậy cái giai thoại giữa thầy và trò chính là chỗ quốc sư nói: “Tôi có đệ tử phó pháp là Đam Nguyên, thông hiểu việc này, xin mời đến hỏi”. Bây giờ đặt câu hỏi: Tại sao thầy không nói luôn mà lại đẩy qua cho đệ tử, có phải là nói không được không? Đây là một điểm sống rất đặc biệt. Nếu quốc sư nói là tự hiểu, mà trong chỗ im lặng mình hiểu thì có phải là lầm không? Trong chỗ im lặng đó mà còn đối tượng để hiểu là bị người khám phá. Nhưng quốc sư biết nói như vậy là thực sự không hiểu gì hay là có hiểu? Trong chỗ im lặng vắng bặt đó mà quốc sư tự hiểu, tự nói ra thì có đối tượng hiểu, mà có kẽ hở thì chưa xứng đáng, chưa đúng mức với chỗ im lặng, là bị người kiểm điểm. Nhưng nói không hiểu thì trên thực tế có hiểu gì không? Không hiểu thì sao nói được. Nhưng cái hiểu này không đồng với cái hiểu phàm tình của chúng ta. Cho nên các vị Tổ sư nói là “Chẳng thể dùng thức để hiểu, chẳng thể dùng trí để biết”, hay quý Ngài nói: “Biết là vọng biết, không biết là vô ký”. Bây giờ phải làm sao đây? Đây cũng chính là chỗ mà Ngài Thiện Tài Đồng Tử trải qua 53 vị thiện tri thức để tham học, cho tới cuối cùng lên trên đỉnh Diệu Phong tìm Tỳ kheo Đức Vân nhưng không thể gặp được mà phải xuống lại, qua đỉnh Biệt Phong mới có thể thấy được Tỳ kheo Đức Vân. Đến bài kệ của Ngài Đam Nguyên trả lời thì quý vị sẽ rõ hơn.

Nếu vua Đại Tông nghe như vậy liền vội vàng đi tìm Ngài Đam Nguyên để hỏi gấp cho biết liền, có nghĩa là còn một cái gì để biết thì lúc đó là quả tang bị bắt, tức là vua Đại Tông thực sự cũng không hiểu gì hết, không biết gì hết. Nhưng vua Đại Tông là một người học thiền rõ suốt nên ngang đó liền dừng và không nói thêm nữa, không đi hỏi Ngài Đam Nguyên liền. Sau khi Quốc sư tịch, vua mới mời Ngài Đam Nguyên đến và hỏi: “Ý này là thế nào?” Lúc bấy giờ Ngài Đam Nguyên mới tâu bằng một bài kệ:

Phía Nam sông Tương

Phía Bắc cây đầm

Ở giữa vàng ròng đầy một nước

Dưới cây không bóng nên đồng thuyền

Trên điện Lưu ly không tri thức

Quý vị đã thấy rõ tháp Vô Phùng chưa? Đây là Ngài Đam Nguyên đã dùng bài kệ để trả lời về tháp Vô Phùng.

Phía nam sông tương, phía bắc cây đầm, hai bên đều là nước, ở giữa là vàng ròng chứa đầy một nước. Vàng đầy một nước như vậy rồi thì quặng thép nhằm chỗ nào mà để? Mà quặng thép không có chỗ dung thì trong ấy không có một kẽ cho tình thức xen vào.

Cho nên Ngài Tuyết Đậu bình:

Núi hình cây gậy (có nghĩa là không có chỗ cho tình thức bám trên đó),

Dưới cây không bóng nên đồng thuyền.

Nếu là một cây bình thường ở trên sông thì nó sẽ rọi bóng xuống mặt nước, nhưng ở đây, Ngài nói là dưới cây không bóng nên đồng thuyền, có nghĩa là phải dưới cây không bóng mới được. Như vậy cây không bóng đó là cây gì? Và tại sao phải là cây không bóng mới có thể đồng thuyền được? Nếu cây soi dòng nước mà vừa có in bóng là sóng đã dậy ào ào rồi. Cho nên Ngài Tuyết Đậu ngay dưới câu “không bóng nên đồng thuyền” đã bình: “Nói được lời đó là sông yên biển lặng”, tức là dưới cây không bóng đó là sông yên biển lặng thanh bình. Đây là một loại cây đặc biệt mà ai đứng được dưới cây đó mới kham đồng thuyền, mới thông cảm nhau được. Quý vị biết cây không bóng là cây nào không? Mình nghe nói cây mà tìm một cái cây bên ngoài thì mình đã bị mời ra khỏi thuyền. Bây giờ hằng ngày khi đối diện với trần cảnh thì sông tâm của quý vị có in bóng bên trong không? Nếu không in bóng thì được đồng thuyền, còn đối diện tất cả trần cảnh mà vừa có in bóng thì sóng đã dậy ào ào, mời ra khỏi thuyền, đừng ở trong mà bị lật thuyền.

Rồi câu kế Ngài nói: “Trên điện Lưu ly không tri thức”, điện Lưu ly là điện trong suốt, không tỳ vết, trên điện ấy là không có tri thức. Tại sao trên điện trong suốt đó không có tri thức? Nếu như trên điện đó có tri thức là có biết, có đối tượng thì còn trong suốt không? Điện vốn trong suốt mà mình không trong suốt thì bị mời ra khỏi điện.

Như vậy chúng ta thấy Ngài Đam Nguyên đã trả lời về tháp Vô Phùng bằng bốn câu kệ vừa nghe đó. Vậy cuối cùng Ngài Đam Nguyên có hiểu tháp Vô Phùng của Quốc sư hay không? Nếu nói có hiểu là bị mời ra khỏi điện lưu ly rồi. Giờ nói sao cho phải? Điện Lưu ly trong suốt không có tỳ vết, trong chỗ im lặng của quốc sư và vua Đại Tông không hiểu, trong đó không một vết, nếu có hiểu giống như phàm tình có đối tượng để hiểu thì, đã có tỳ vết, mà nếu có đối tượng để hiểu như vậy thì Ngài Quốc sư Huệ Trung đã tự nói rồi và không bao giờ nhường cho đệ tử đâu. Chính vì nhường cho đệ tử là ý chỉ không phải là cái hiểu thường, cái biết thường giống như chúng ta biết, nếu có đối tượng để biết thì đã có tỳ vết, tức khắc bị mời ra khỏi điện lưu ly. Nhưng nếu nói thật là không hiểu gì hết thì các Thiền sư nói đó là cái đầu lâu mà không có con rồng ngâm trong đó, có nghĩa là cái đầu sọ thối, không dùng được. Như vậy, nói thẳng ra cho quý vị dễ biết, tức là trong đó hiểu là tự hiểu, không cần đợi có đối tượng mới hiểu. Chỗ này không có đối tượng mà mình vẫn biết thì có kẽ cho phàm tình xen vào không? Cho nên khi sống được như vậy thì Thiền sư Vân Môn nói: “Cây gậy là cây gậy”, nếu phân biệt thêm nữa là có tình thức rồi, ngay biết rõ ràng mà không phân tích thì pháp vốn là trả lại nguyên ngôi vị ban đầu của nó. Thì cây gậy là cây gậy, không thêm không bớt, mình vẫn hằng thấy rõ ràng.

Ngài Duy Tín nói: “Núi sông là núi sông”, mà rõ hơn nữa, Ngài Huyền Giác thưa với Lục Tổ: “Phân biệt chẳng phải ý”, có nghĩa là thấy biết rõ ràng mà không thêm trên đó, như vậy thì có ý không? Thì cái phân biệt rõ ràng đó mà không phải là ý.

Cho nên Ngài Tuyết Đậu mới tụng: “Đầm trong chẳng cho rồng to cuộn”, tức là nước chết thì không chứa được rồng. Hòa thượng Ngũ Tổ sau nghe được như vậy, nói: “Ngài Tuyết Đậu là tụng cổ tới một tập, nhưng tôi chỉ thích một câu “đầm trong chẳng cho rồng to cuộn” đó”, có nghĩa là tụng cổ trong Bích Nham cả một tập, nhưng mà Ngài thích câu “Đầm trong chẳng cho rồng to cuộn”, có nghĩa là đầm trong mà không có rồng cuộn thì nước đó là nước chết, không chứa được rồng. Phải là dấy mòi mà không thành sóng thì rồng mới có thể sống trong đó. Như vậy tới chỗ này, quý vị đã thấy chỗ hiểu và không hiểu chưa? Hiểu tháp vô phùng và không hiểu tháp vô phùng chưa? Bây giờ quý vị hiểu tháp vô phùng hay là không hiểu tháp vô phùng? Quý vị nào nếu thấu qua được mà sống được thì xây xong tháp vô phùng, mà xây xong, sống được trong đấy thì quý vị xứng đáng là hạng đệ tử bậc thượng, biết tôn kính và đền đáp ơn thầy mình một cách thiết thực nhất.

Hòa thượng ân sư trong bài tụng Phật đản đã tỏ bày sự biết ơn của Ngài đối với Phật: “Đền ơn chư Phật, là ơn chẳng đền. Giáo hóa chúng sanh, là đền ơn Phật”. Chư Phật không cần một ơn gì bên ngoài để đem thêm vào cho Ngài nữa. Vị Thầy cũng vậy, không cần thêm một cái ơn gì cho Ngài, nhưng biết ơn là chúng ta tự biết, đó là căn bản đạo đức của mình. Mà muốn đền ơn Ngài thì phải giáo hóa chúng sanh, nhưng muốn giáo hóa chúng sanh thì giống như là vớt người chết trôi, mình chưa biết bơi, chưa biết lội thì vớt được không? Quý vị chưa có đủ khả năng bơi lội mà nhảy xuống cứu thì chết cùng nhau thôi. Cho nên giáo hóa chúng sanh là làm cho chúng sanh giác, mà muốn làm cho chúng sanh giác thì mình phải giác trước rồi sau đó mới độ cho người được. Chính vì thế mà Hòa thượng phát nguyện: “Chúng con phát nguyện, quyết chí tiến tu, theo gương đức Phật. Chúng sanh còn mê, chúng con phải giác, chúng sanh còn khổ, chúng con ban vui. Không sót một người, mới tròn bản nguyện”. Tròn bản nguyện có nghĩa là đền đáp được ơn chư Phật. Hòa thượng ân sư đã đền đáp ơn chư Phật như vậy thì mình cũng bắt chước đền ơn Ngài như vậy, đó là hợp với ý Ngài. Muốn hợp ý Ngài thì giáo hóa chúng sanh, mà muốn giáo hóa chúng sanh thì trước tiên mình phải giác. Bây giờ muốn giác, tức là muốn đền ơn vị ân sư của mình thì phải quyết chí tu theo gương của Ngài, làm theo những gì Ngài đã chỉ dạy. Sau khi tự mình đã làm được rồi thì chính mình được giác ngộ, rồi mình đem cái giác ngộ đó để giúp cho người, đó là biết đền ơn vị ân sư của mình một cách xứng đáng.

Như vậy quý Thầy là người có phương tiện truyền bá giáo pháp làm giác cho người được rồi, nhưng quý Phật tử ban ơn cho người bằng cách nào? Là Phật tử tại gia, khi quý vị tu hành mà tiến được thì chính từ công phu của mình cảm hóa khiến cho người khác hoan hỷ, cải đổi được những cái hư xấu của họ, khiến họ được an vui, phát tâm tu hành thì mình cũng có phần giáo hóa chúng sanh chứ không phải đợi nói pháp mới giáo hóa. Tu hành và giáo hóa được chúng sanh như vậy có nghĩa là mình đền đáp được ơn Thầy mình một phần nào.

Qua đó, quý vị thấy Thầy Tổ là người chỉ dạy, dẫn dắt chúng ta thoát khỏi cái khổ của thế gian, ra khỏi thế gian cho nên ơn nghĩa ấy là ơn xuất thế. Ơn xuất thế thì khó có thể lấy những gì sanh diệt thuộc về thế gian có thể sánh kịp mà có thể đền đáp được. Chỉ có cái xuất thế mới đền đáp được cái ơn xuất thế đó. Cho nên khi chúng ta đến học với một vị thầy, nếu thực sự mình thấm hiểu, thâm nhập được, thực hành được những gì mà vị Thầy đã chỉ dạy cho mình, thực sự lớn mạnh lên được trong sự nhào luyện của vị thầy và tiến đạo thì từ trong thâm tâm mình, chúng ta sẽ cảm nhận được cái ơn cao vợi và thâm sâu của vị thầy đã dẫn dắt mình ra khỏi cái khổ của sanh tử. Khi đó mình sẽ càng ra sức thực hành, cố gắng công phu lợi mình, lợi cho nhiều người thì đó chính là cách đền đáp ơn Thầy một cách cụ thể, thiết thực và xứng đáng nhất.

Thầy Tâm Hạnh

 

Các bài mới

Các bài đã đăng

Chuyên đề

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 45835
  • Online: 13