Điểm Nổi Bật Trong Phương Pháp Hành Trì của Thiền Phái Trúc Lâm Xưa Và Nay
10/04/2024 | Lượt xem: 1053
TT.Thích Tâm Hạnh
Trích " Đặc Trưng Trong Phương Pháp Hành Trì của Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam"
Điểm nổi bật trong phương pháp hành trì của Thiền Phái Trúc Lâm xưa và nay là lấy hai điểm ưu và tránh hai điểm khuyết của các Tông khác.
1. Kiến tánh.
Đây là mặt phát huy cái ưu của THỂ (tánh tông)
a) Trước phải thấy tánh.
- Xưa: Nhị Tổ Pháp Loa.
Trong Thượng Thừa Tam Học Khuyến Chúng Phổ Thuyết, Tổ Pháp Loa nói: “Là người học Phật trước phải kiến tánh…”.
- Nay: Hòa thượng Tông chủ Thiền sư Thích Thanh Từ.
Trong sách Thiền Tông Việt Nam Cuối Thế Kỷ 20, ngài nói rõ yếu chỉ của Thiền tông Việt Nam hiện nay là trước phải kiến tánh, kế đến là khởi tu. Ngài nói: “Nói yếu chỉ thiền tông là kiến tánh khởi tu.”.
b) Nói rõ về kiến tánh.
- Xưa: Nhị Tổ Pháp Loa.
Trong Thượng Thừa Tam Học Khuyến Chúng Phổ Thuyết, ngài nói: “Thấy tánh, không phải có tánh bị thấy. Nói thấy, là thấy chỗ không thể thấy mà thấy vậy. Cho nên nói thấy, thấy không phải thấy, thì Chân tánh hiện. Tánh thấy là vô sanh, sanh thấy thì chẳng phải có. Chẳng có cái tánh thật, mà thấy thật không dời đổi. Thế nên gọi là chân thật thấy tánh”.
Có soi gương thì cũng chỉ có thể thấy được ảnh của nó thôi. Bởi con mắt chỉ thấy vạn vật mà không thể tự thấy nó. Nhưng khi nhìn thấy vạn vật thì biết mình có đôi mắt sáng. Cũng vậy, tánh thể là chính mình. Mình không thể thấy mình được cho nên nói “Không phải có tánh bị thấy...”. Tánh thể ấy vốn vô tướng, không sanh diệt. Tuy bất động nhưng hay thấy biết tất cả một cách rành rẽ rõ ràng mà không phải có ý phân biệt. Vì thế, các pháp tuy có sanh diệt, vạn vật tuy có đổi dời, nhưng với người kiến tánh thì thấy rất rõ tất cả vốn tự như như. Cho nên nói: “Chẳng có cái tánh thật, mà thấy thật không dời đổi. Thế nên gọi là chân thật thấy tánh”.
- Nay: Hòa thượng Tông chủ: Thiền sư Thích Thanh Từ.
Trong sách Thiền Tông Việt Nam Cuối Thế Kỷ 20, ngài nói: “Song chữ Kiến tánh dễ khiến người ta hiểu lầm. Bởi mọi người cứ đinh ninh rằng kiến là thấy bằng mắt. Phàm cái gì mắt thấy được đều là đối tượng ngoài mắt, có hình có tướng. Nếu Tánh giác của chính mình mà mắt mình thấy được thì không phải của mình nữa, vì đã thuộc về đối tượng. Hơn nữa, mắt chỉ thấy cái có hình tướng, Tánh giác không hình tướng làm sao mắt thấy được? Chẳng những thấy mà khởi hiểu tánh mình cũng không được. Vì Tánh giác là cái năng tri, nếu bị hiểu thì đã biến thành sở tri”.
Lời của Hòa thượng chỉ dạy đã quá rõ ràng. Như là ngài đã chỉ bày cho chúng ta thấu suốt những gì Nhị Tổ Pháp Loa xưa kia đã nói. Bởi đều từ trong thể tánh ấy nói ra cho nên lời nói của hai vị Tôn đức suốt thông, nhất quán nhau, không sai khác. Ngàn xưa, hiện nay và mãi đến ngàn sau, ai về trong ấy cũng thấy rõ và nói ra như nhau, không khác như thế. Đạt đến tánh thể rốt ráo tột cùng thì đồng thấy nhau trong ấy, không khác. Đây chính là tâm ấn tâm, là sự tiếp nối và kế thừa Tông phong thiền một cách rõ ràng, đúng nghĩa. Chỉ có người ngoài cuộc chưa kiến tánh mới sanh nghi ngờ và có nhiều lý luận. Như con cá ở dưới nước, có vẫy vùng kiểu gì thì ướt vẫn là ướt. Cũng thế, nếu chưa kiến tánh thì lý luận minh triết đến đâu cũng không thể chạm đến được thể tánh. Chẳng khác nào con cá, không thể nào ráo khô. Trừ khi nó hóa rồng, mới có khả năng xuống nước lên trời tự tại. Người kiến tánh cũng tương tự như thế.
Ở đây quý ngài đã phát huy được cái ưu của Tánh tông “Là người học đạo trước phải thấy tánh”. Hoặc là: “Kiến tánh khởi tu”. Đồng thời cũng tránh được cái khuyết của Tướng tông (không nhắc đến việc kiến tánh này).
2. Kế đến trì giới, tập định.
Đây là mặt phát huy được cái ưu của DỤNG (tướng tông).
a) Trì Giới.
- Xưa: Nhị Tổ Pháp Loa.
Trong Thượng Thừa Tam Học Khuyến Chúng Phổ Thuyết, ngài nói: “Sau khi thấy tánh, phải gìn giữ giới cho thanh tịnh. Thế nào là giới thanh tịnh? Nghĩa là, trong 24 giờ, ngoài dứt các duyên, trong tâm không dấy động. Tâm không dấy động nên cảnh đến vẫn an nhàn. Mắt không vì cảnh khởi phân biệt, thức không vì pháp trần mà dính mắc. Ra vào không giao thiệp nên gọi ngăn dừng. Tuy nói ngăn dừng mà chẳng phải ngăn dừng. Nên biết tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như thế. Đây gọi là giới Đại thừa, gọi là giới Vô thượng, cũng gọi là giới Vô đẳng đẳng. Tịnh giới này dù Tiểu tăng cho đến Đại tăng đều phải gìn giữ.”.
- Nay: Hòa thượng Tông chủ: Thiền sư Thích Thanh Từ.
Ngài cũng đã kế thừa phần giữ giới Thượng Thừa này trong Thanh Quy của các thiền viện Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam hiện nay và các tác phẩm do ngài trước tác để hướng dẫn thiền sinh tu hành.
- Tại sao đã kiến tánh mà còn nói đến gìn giữ giới? Có nghịch lý hay không?
Tổ Pháp Loa nói giữ giới: “...Trong 24 giờ, ngoài dứt các duyên, trong tâm không dấy động. Tâm không dấy động nên cảnh đến vẫn an nhàn”. Lục Tổ nói: “Ngoài lìa tướng là thiền, trong không loạn là định”. Như vậy:
- “...Trong 24 giờ, ngoài dứt các duyên”, tức là “Ngoài lìa tướng là thiền”.
- “Trong tâm không dấy động”, đồng nghĩa “trong không loạn là định”.
- “Tâm không dấy động nên cảnh đến vẫn an nhàn”. Ngay đây thiền định hiện tiền.
Đây là “Định cộng giới”. Trong thiền định, các lậu hoặc tự trừ, quấy ác vắng bóng, giới sẵn tự tròn đủ không khuyết.
Kế đến Tổ nói: “Mắt không vì cảnh khởi phân biệt, thức không vì pháp trần mà dính mắc. Ra vào không giao thiệp nên gọi ngăn dừng. Tuy nói ngăn dừng mà chẳng phải ngăn dừng. Nên biết tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như thế”. Là đạt đến chỗ “Căn cảnh nhất như, ngay đó đạo giải thoát chân thật hiện tiền”. Đây là “Đạo cộng giới”. Trong thể đạo lặng sáng trùm khắp tự tại vô ngại ấy, căn trần không can hệ, vượt thoát tất cả, quấy ác tự trừ, giới tự tròn đủ.
- Tóm lại.
Trì giới ở đây là Giới Thượng Thừa, là “Đạo cộng giới, định cộng giới” của 12 năm đầu thời Tăng đoàn của Phật chưa có pháp hữu lậu phát sinh, Phật chưa chế giới. Trong đạo chân thật, trong tâm thiền định ấy không có quấy ác, giới vốn tự tròn đủ.
Ngoài không dính kẹt sáu trần, trong tâm không dấy động, hành giả hằng sống bằng tự tánh đã thể nhận để giữ Giới Thượng Thừa như thế. Giữ giới mà không phải tạo tác, chỉ sống ngay tâm tánh đã kiến. Đây là sự bảo nhậm của hành giả sau khi đã ngộ, chứ không phải là việc giữ giới tu tập còn trong đối trị tạo tác thông thường. Đó là tu mà không tu, mới đạt đến chân thật tu hành.
b) Tập thiền, tập định tâm.
- Xưa: Nhị Tổ Pháp Loa.
Thượng Thừa Tam Học Khuyến Chúng Phổ Thuyết, ngài nói: “Nhân giữ giới vững chắc không động, kế đó mới tập thiền. Cái yếu chỉ của thiền định là thân tâm đều xả. Trước tập định tâm, thường tự suy xét: Thân này từ đâu mà đến? tâm này từ đâu mà có? Tâm không thật có thì từ đâu có thân? Thân tâm đều không thì pháp từ đâu mà có? Pháp không thật có, vì không có cái có, cái có có đó từ đâu mà có? Cái có có đó đã không thì không có pháp có. Mỗi pháp chẳng phải pháp, thì mỗi pháp nương vào đâu? Không có chỗ dựa nương thì pháp không phải mỗi pháp. Pháp này không thật cũng chẳng phải không thật. Chứng được thật pháp, mới hay chứng nhập thiền”.
- Nay: Hòa thượng Tông chủ: Thiền sư Thích Thanh Từ.
Trong sách Thiền Tông Việt Nam Cuối Thế Kỷ 20, ngài nói: “Những cái suy nghĩ, tưởng tượng, phân biệt, ghét thương… thật là phiền toái, phức tạp, cái này sanh, cái kia diệt, chợt có chợt không, bất thường, khi dấy lên dường như có, tìm lại nó thì không. Chúng lập lòe như ánh lửa ma trơi, lúc ẩn, lúc hiện, chợt có chợt không. Qua ánh sáng trí tuệ của ta, chúng đã phơi bày bản chất hư ảo, không thật rồi. Ngược lại, cái tri giác nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân… của ta, chúng luôn luôn có mặt, chưa từng sanh diệt, lặng lẽ bất động, thực tại hiện hữu, như ánh mặt trăng đêm rằm, vằng vặc sáng rỡ, trong veo lặng lẽ.”. Đây là chân tâm biết, tương đương với pháp “Biết là chân tâm” mà Hòa thượng đã hướng dẫn cho hành giả.
Kế đến ngài nói: “...Nếu không có tâm ấy, chúng ta làm sao biết được khi có vọng, khi không vọng, lúc có ý thức, lúc không ý thức. Cái biết được vọng quyết định cái đó không phải vọng. Vọng thì khi sanh khi diệt, cái thấy rõ sự sanh diệt của vọng quả là không phải sanh diệt. Vọng dấy lên do vin theo bóng dáng trần cảnh nên có tướng mạo, thuộc về nhân duyên. Cái biết vọng chưa từng dấy lên, chưa từng theo trần cảnh, nên không liên hệ đến nhân duyên. Cái thuộc nhân duyên thì có hợp có tan, có còn có mất, có sanh có diệt. Cái không thuộc nhân duyên không có tướng mạo, nên thường hằng, bất biến, chân thật. Nhận ra được cái đó là thấy Tâm chân thật ở trong”. Đây là phần khế hợp với pháp “Tánh biết vọng” mà Hòa thượng đã hướng dẫn cho hành giả công phu.
Qua hai đoạn văn trên, chúng ta thấy rõ Hòa thượng chỉ dạy, ngộ tâm là ngộ thiền. Sống trọn vẹn bằng tâm ấy, phát huy diệu dụng bất tư nghì, là chứng nhập thiền như tinh thần Nhị Tổ Pháp Loa đã chỉ dạy ở trên (Chứng được thật pháp, mới hay chứng nhập thiền).
Đặc biệt, trong sách Thiền Tông Việt Nam Cuối Thế Kỷ 20, ngài nói: “…hành giả phản quán lại xem cái vọng này từ đâu mà khởi?”. Nếu dùng trí tuệ soi tột chỗ nơi phát khởi vọng niệm liền là không vọng.Mới hay ra, nơi ấy không nơi chốn, bởi vô tướng, trùm khắp, chứ không phải có một chỗ nơi cố định nào đó. Trong nhà thiền gọi là “Phương ngoại phương”. Trong ấy vốn tự không vọng mà linh thông, sáng rỡ rõ ràng; liền ngộ ra được chỗ tập thiền, tập định tâm mà Tổ Pháp Loa muốn chỉ bày. Đến đây, lại một lần nữa cho chúng ta thấy sự suốt thông và nhất quán giữa hai bậc Tôn đức đã kiến tánh, ngộ thiền. Bởi ai về trong ấy cũng thấy như vậy.
- Nói rõ hơn.
Nhị Tổ Pháp Loa nói:
- “Nhân giữ giới vững chắc không động, kế đó mới tập thiền. Cái yếu chỉ của thiền định là thân tâm đều xả. Trước tập định tâm, thường tự suy xét...”. Tập định tâm ở đây không phải là tập tành, còn trong đối trị, động niệm tạo tác như người chưa kiến tánh. Chỉ dùng trí thấy rõ, do đó ngài nói: “Thường tự suy xét”:
- “Thân này từ đâu mà đến? tâm này từ đâu mà có? Tâm không thật có thì từ đâu có thân?”. Nghĩa là vì tâm ý khởi niệm, tạo nghiệp thiện ác lẫn lộn, mới có thân hiện nay. Hơn nữa, khi đang có thân, nếu không có tâm nhận biết thì thân này đồng với người đã chết, coi như không có. Do đó, vì có tâm cho nên mới có thân. Nhưng tâm ý vốn là những niệm thoạt có, thoạt không, không thật có. Theo nó thì mới tạo nghiệp, thành sự. Nếu không theo, soi xét lại tận nguồn cội thì nó liền mất tăm dạng. Tâm đã không thật có thì thân làm gì có? Tức là thân cũng giả tạm, huyễn có mà thôi.
- “Thân tâm đều không thì pháp từ đâu mà có?”. Con người mình đây là chánh báo. Hoàn cảnh xung quanh có liên hệ đến cuộc sống của mình là y báo. Chánh báo là chủ đạo và y báo có ra tương ưng với chánh báo. Nghĩa là con người tạo nghiệp thiện ác thế nào thì sẽ có cõi nước, địa phương tương xứng như vậy. Do đó, vì có chánh báo cho nên mới có y báo.
Hơn nữa, nhờ có sự nhận thức của thân tâm (chánh báo) cho nên các pháp (y báo) mới tồn tại. Nếu người chết không còn nhận biết thì dù các pháp đang có cũng thành không. Vì vậy ngài nói: “Thân tâm đều không thì pháp từ đâu mà có?”.
- “Pháp không thật có, vì không có cái có, cái có có đó từ đâu mà có? Cái có có đó đã không thì không có pháp có”. Nói cho dễ hiểu: Pháp (muôn sự muôn vật) đã không thật có thì không có ‘cái có’. ‘Cái có’ đã không thì ‘cái có’ được có ra từ ‘cái có’ trước đó, nhơn đâu mà được có? (Bởi cái sanh ra nó đã không). Cái có có đó đã không thì không có pháp có. Đây là ngài phá tột cùng tất cả những khả năng chấp còn có ‘cái có’ của con người, tức là phá tột cùng cái chấp có. Nếu còn cái nào nữa thì buông xuống luôn đi.
- “Mỗi pháp chẳng phải pháp, thì mỗi pháp nương vào đâu? Không có chỗ dựa nương thì phápkhông phải mỗi pháp”. Nhân duyên hội tụ, các pháp nương vào nhau mà được hình thành. Nhưng đến đây, Tổ Pháp Loa đã thẳng thắn chia chẻ cho hành giả thấy ra tất cả đều không thật có. Đã không thật có cho nên mỗi pháp không còn là bản thân của mỗi pháp nữa, thì lấy cái gì nương vào cái gì để hình thành và tồn tại? Nếu không hình thành và tồn tại thì bản thân mỗi pháp không còn có giá trị thật.
Chỗ này, trong sách Thiền Tông Việt Nam Cuối Thế Kỷ 20, trang 128, Hòa thượng Tông chủ Thích Thanh Từ hiện nay đã viết: “…hành giả phản quán lại xem cái vọng tâm này từ đâu mà khởi?”. Tất cả từ thân này, tâm này, cảnh vật này và tất cả các “cái có” đều từ tâm mà sanh khởi. Nếu soi tột cùng, tìm tâm không thể được. Tâm không thể được thì tất cả nương vào đâu để có? Tất cả đã sạch trọi trơn, nhưng có tiếng thì chúng ta liền nghe, gió thoảng liền biết mát, thấy tất cả cảnh sắc rõ ràng mà không phải khởi tâm động niệm...; tánh thể đã hiện bày. Cái mà Tổ Pháp Loa gọi là “thật pháp” vô tướng đã hiển hiện rành rành ra đó. Buông cũng không được, bỏ cũng không xong. Thấy biết vượt cả năng và sở, có và không. Bất chợt hay ra, tất cả vẫn đang còn đó nhưng lại không tịch (vắng bặt), chưa từng sanh diệt bao giờ. Liền đó tỏ suốt chỗ mà xưa kia Tổ Pháp Loa đã nói: “Pháp này không thật cũng chẳng phải không thật. Chứng được thật pháp, mới hay chứng nhập thiền”.
- Tóm lại.
- Các pháp do nhiều nhân duyên hợp lại, tựa vào nhau mà hình thành.
- Mỗi nhân duyên cũng là một pháp. Nhưng mỗi pháp đã chẳng có, chẳng còn là mỗi pháp thì lấy cái gì để nương tựa vào cái gì?
- Do không còn tựa nhau để thành, cho nên mỗi pháp không còn là mỗi pháp (không còn là chính nó).
- Lúc này sẽ thấy ra, mỗi pháp tự ở ngôi vị của nó, nhưng vẫn suốt thông không ngăn ngại nhau. Ngay đây, tâm cảnh nhất như, chẳng phải một, chẳng phải khác, thấy biết vượt thoát căn trần, tự tại giải thoát.
- Dùng trí soi tột như thế, sẽ bất chợt suốt thông, hoát toang ngộ ra: “Pháp ấy trụ ngôi pháp, tướng thế gian thường trụ”. (Kinh Pháp Hoa).
- Cái tâm ngộ ra ấy vốn tự trong lặng, không một vật; đồng pháp giới tánh rỗng rang không khác. Chính nó đang thấy biết tất cả mà không động, vượt thoát căn và cảnh. Do nó không phải là các pháp đối đãi sanh diệt của thế gian cho nên không nằm trong thật và không thật. Vì thế Tổ Pháp Loa nói: “Pháp này không thật cũng chẳng phải không thật. Chứng được thật pháp, mới hay chứng nhập thiền”.
- Đây là tâm pháp không sanh không diệt. Vốn vô tướng mà hay biết suốt các tướng, nhưng không phải như tướng pháp sanh diệt của thế gian, cho nên không nằm trong “Thật cùng chẳng thật”, mới đúng là pháp thật (thật pháp) không còn sanh diệt.
- Chứng được thật pháp này tức là đã chứng nhập thiền. Đây cũng chính là chỗ đức Phật nói kệ truyền cho Tổ Ca Diếp:
Pháp bổn, pháp, vô pháp,
“Vô pháp” pháp, diệc pháp.
Kim phó “vô pháp” thời,
Pháp pháp hà tằng pháp.
- Pháp bổn, pháp, vô pháp: Cái pháp gốc ấy là một pháp. Nhưng không có tướng, không giống như các pháp sanh diệt của thế gian.
- “Vô pháp” pháp, diệc pháp: Pháp thật ấy tuy vô tướng, nhưng không phải không ngơ, bởi nó đang hiển hiện ngay đây, không bao giờ thiếu vắng. Cho nên nó cũng là một pháp.
- Kim phó “vô pháp” thời: Nay trao cái pháp thật vô tướng này.
- Pháp pháp hà tằng pháp: Mỗi pháp, mỗi pháp, đâu từng là pháp. Tức là đang có nhưng vẫn không lặng. Mọi thứ đang vận hành mà cũng chưa từng sanh diệt bao giờ. Tuy tâm cảnh vắng bặt, nhất như, nhưng sáng biết rõ ràng linh thông tự tại đến chủ động. Sẽ hay ra, tất cả các pháp từ xưa đến nay vốn chưa từng sanh diệt. Tất cả pháp chẳng sanh, tất cả pháp chẳng diệt; đây là cái thấy của chư Phật. Ai ngộ ra, sống được và thấy ra như thế thì cái thấy đồng chư Phật, là Như Lai đang hiện tiền.
3. Đã là kiến tánh, sao lại còn tập định tâm? Có nghịch lý hay không?
Tuy sẵn vậy, nhưng muốn đạt được như vậy thì phải tập định tâm. Hơn nữa, người kiến tánh chưa phải là đã được chứng ngộ trọn vẹn. Tập ở đây không phải là tập tành, còn vụng về, tạo tác như người chưa kiến tánh. Chẳng phải động niệm quán chiếu, đối trị hay tạo tác thêm gì. Chỉ là dùng trí tuệ thấy tột các pháp để đạt đến chứng ngộ, thể dụng viên dung.
Do đó, trong Thượng Thừa Tam Học Khuyến Chúng Phổ Thuyết, Tổ Pháp Loa nói: “Bảy phen soi tám phen dùi, nhồi đi ép lại, thấu triệt chân nguyên. Chừng đó mới hay mượn pháp tòa của Phật Đăng Vương, nắm sừng thỏ, nhổ lông rùa, tay hoa một phen chuyển, bốn chúng thảy mịt mờ. Phát sanh vô thượng diệu huệ, chiếu soi không cùng”.
Hòa thượng Tông chủ Thiền sư Thích Thanh Từ đã nói trong sách Thiền Tông Việt Nam Cuối Thế Kỷ 20: “Chân lý đã thấy rõ rồi mà vọng niệm vẫn còn xâm lấn mãi. Vì thế sau khi giải ngộ cần phải cố gắng tu hành mới được chứng ngộ”. Hoặc cũng trong tập sách ấy, Ngài nói: “Sau khi kiến tánh cần phải khởi tu mới đạt chứng ngộ, giải thoát sanh tử, đắc thành Phật quả”.
- Tóm lại.
Cái khuyết của tánh tông là có một số ít hành giả tuy thấy mục đích (tỏ ngộ, kiến tánh) mà chưa sống được, chưa phải là đã chứng ngộ. Lý luận thì tài mà tìm người thực tu thì quá hiếm hoi. Mới đạt được phần nào rồi tự mãn, dừng giữa đường mà không quyết chí công phu cho đến nơi đến chốn. Các Thiền sư đã phải nói: “Đất rộng người thưa, gặp nhau rất ít”. Vì tránh cái khuyết này cho nên chư vị Tổ sư và các Thiền sư Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam đã đinh ninh dặn dò hành giả hết sức cặn kẽ, rõ ràng, khi kiến tánh rồi còn phải miên mật công phu, giữ giới Thượng Thừa, tập định tâm... cho đạt đến rốt ráo, viên mãn. Tu mà không phải có tướng của quán chiếu, đối trị, tạo tác. Thiền sư Nham Đầu Toàn Khoát dẫn lời cổ đức nói: “Chẳng phải trần chẳng xâm phạm ta, nhưng khi ta vô tâm thì nó cháy”. Cách trì giới thượng thừa và tập định tâm mà Tổ Pháp Loa chỉ dạy; hoặc Hòa thượng Tông chủ Thiền sư Thích Thanh Từ hiện nay nói: “Sau khi kiến tánh cần phải khởi tu mới đạt chứng ngộ, giải thoát sanh tử, đắc thành Phật quả”, cũng đồng một ý chỉ này. Đây là tu trong vô tu cho nên mới chân thật là tu hành. Hành giả phải khéo hạ thủ công phu như thế mới đắc lực, đạt đến rốt ráo viên mãn.
4. Tu vô tu, không tu mà tu, mới thật là tu.
- Xưa: Nhị Tổ Pháp Loa nói: “Người tu tập thiền định không được chấp dụng công, dụng mà không có chỗ dụng, gọi là Thiền Thượng Thừa”.
Thiền sư Tông Mật nói: “Người tỏ ngộ tự tánh xưa nay vốn tự thanh tịnh... đó là Thiền Thượng Thừa”. Vậy với người chưa tỏ ngộ thì sao? Lời dạy này của Tổ Pháp Loa đã mở ra một con đường, một nguyên lý cho những hành giả chưa tỏ ngộ tự tánh muốn tu Thiền Thượng Thừa. Nói là một con đường mà chẳng phải có tướng con đường gì cả. Chỉ là khéo tu trong vô tu, dụng mà không có chỗ dụng; đó là khéo tu tập Thiền Thượng Thừa.
- Nay: Hòa thượng Tông chủ Thiền sư Thích Thanh Từ nói:
“...Hai phần “đốn ngộ tiệm tu” trên, tuy nói tu mà không có tu. Vì lẽ tu là sửa sang bồi bổ, tánh giác không tướng mạo làm sao sửa sang? Hơn nữa, tánh giác chẳng sanh chẳng diệt, nếu còn có tu là còn tạo tác, tức là còn sanh diệt. Đã không tu thì làm gì có chứng. Khi người tu hoàn toàn sống được với Tâm thể như như, gọi là chứng đạo hay thành đạo. Song sự thật có chứng cái gì, có thành cái gì? Chẳng qua sống viên mãn với Tâm thể của mình thôi. Tuy nhiên như thế, nói không tu mà tu. Vì khéo biết buông xả vọng niệm, hằng giác tỉnh luôn nên gọi là tu. Hoặc thường nhớ Ông chủ của mình, không giây phút nào để vọng tâm ngoại cảnh lừa gạt lôi đi gọi là tu”.
Lời của Hòa thượng Tông chủ hiện nay như là nói rõ ra những gì xưa kia Tổ Pháp Loa muốn nói. Sự so sánh này là do chúng tôi (người sau), chứ không phải Hòa thượng y cứ vào đây để so sánh biên tập. Cho thấy, hai ngài đã gặp nhau trong tâm ấn ấy. Càng minh chứng đây là một sự tiếp nối liền lạc mạng mạch Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, chưa từng đoạn dứt.
5.Tác phẩm và Chư Tôn Đức
Chư vị Tổ sư và Thiền sư thuộc Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam rất nhiều, tại sao chỉ dẫn chứng nhị Tổ Pháp Loa của thời xưa và Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ hiện nay? Tác phẩm cũng vậy, tại sao chỉ dẫn chứng mỗi một tác phẩm của một vị duy nhất?
5.1 Chư Tôn đức.
- Thời kỳ đầu.
Sơ Tổ Trúc Lâm có công sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và đã giáo hóa làm cho Thiền phái này phát triển mạnh mẽ. Sau đó truyền lại cho Tổ Pháp Loa. Nhị Tổ Pháp Loa đã hoằng truyền, đưa Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử lên một đỉnh cao mới, biến Thiền phái (đạo Phật) trở thành Quốc giáo thời bấy giờ. Cho thấy, ngài Pháp Loa được Sơ Tổ Trúc Lâm truyền trao Tổ vị. Đồng thời khi đảm nhiệm trọng trách, ngài đã thể hiện trách nhiệm của mình đối với Phật pháp và đưa đến kết quả tốt nhất. Hơn nữa, ngài là tác giả đi liền với tác phẩm trong bài viết. Vì thế chúng tôi dẫn chứng Nhị Tổ Pháp Loa đại diện cho chư vị Tổ đức Thiền phái Trúc Lâm.
- Thời kỳ đương đại.
Trải qua thời gian dài vắng bóng, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã bị chìm mất. Trong khoảng thế kỷ 20 – 21 này, Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ đã tiếp nối và phục hưng, khiến cho Thiền phái Trúc Lâm được phát huy rực rỡ. Từ cơ sở các thiền viện, đến Kinh, Luận, Ngữ Lục được Hòa thượng dịch ra tiếng Việt và giảng giải, cho đến độ Tăng Ni tu tập có kết quả, giáo hóa Phật tử nhận ra được giá trị của Thiền Việt Nam và hướng về nghiên cứu, tu học... Tất cả đã được hình thành và phát triển mạnh mẽ trên khắp mọi miền đất nước, đồng thời lan tỏa ra nhiều nước khác trên Thế giới. Do đó chúng tôi dẫn chứng Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ trong bài viết này.
5.2. Tác phẩm.
Tác phẩm “Thượng Thừa Tam Học Khuyến Chúng Phổ Thuyết”, Tổ Pháp Loa đã nêu rất rõ yếu chỉ tu hành của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Tác phẩm “Thiền Tông Việt Nam cuối thế kỷ 20”, Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ đã nói rõ tông chỉ và phương pháp hành trì của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam hiện nay. Chính vì lý do đó cho nên chúng tôi đã dẫn chứng hai tác phẩm này.
5.3. Vì muốn tóm gọn, đi vào trọng tâm.
Hơn hết, vì muốn tóm gọn nội dung, đi thẳng vào vấn đề cần nêu để người đọc dễ nhận ra, không bị dài dòng, lan man, lạc hướng. Do đó, chúng tôi đã chọn chư vị Tổ đức và tác phẩm ít nhất có thể để đi vào trọng tâm của chủ đề.
6. Kết Luận
Tổ Pháp Loa dạy: “Là người học Phật, trước phải kiến tánh”. Hoặc Hòa thượng Tông chủ Thiền sư Thích Thanh Từ hiện nay nói: “Nói yếu chỉ thiền tông là kiến tánh khởi tu”. Đây là đứng trên THỂ, là phát huy cái ưu của Tánh Tông; là đã tránh được cái khuyết của Tướng Tông. Vì Tướng tông không nói đến điều này.
Kế đến phải biết giữ giới cho thanh tịnh, tập thiền, tập định tâm... Nếu đã kiến tánh, hành giả sẽ tự biết lối đi, tự biết trì giới và tập định tâm như thế. Nếu không biết thì đó là người chưa thật kiến tánh.
Vậy thì, đã thấy tánh, tại sao lại còn giữ giới, tập định tâm? Có nghịch lý hay không?
Nói là giữ giới mà thật ra là bảo nhậm. Gọi là tập định tâm nhưng thực chất là khuyên hành giả không nên được ít mà cho là đã đủ rồi kẹt giữa đường. Cần nỗ lực chuyên tâm hơn để sống bằng tâm tánh đã kiến cho đến ngày công viên quả mãn, thành tựu Phật đạo. Đây là đứng trên DỤNG, là phát huy cái ưu của Tướng Tông; là đã tránh được cái khuyết của Tánh Tông. Vì Tánh Tông không chủ trương như thế.
Cho thấy, ở đây phát huy được cái ưu là “người học đạo trước phải thấy tánh” hoặc: “Kiến tánh khởi tu”. Đồng thời, bổ túc vào cái khuyết là khi ngộ rồi vẫn phải miên mật hạ thủ công phu tu tập. Thiền sư Đạo Minh Trần Tôn Túc nói: “Việc lớn chưa sáng như đưa ma mẹ. Việc lớn đã sáng như đưa ma mẹ”. Thiền sư Phổ Chiếu dạy: “Biết không sanh tử, chẳng bằng thể không sanh tử. Thể không sanh tử chẳng bằng khế không sanh tử. Khế không sanh tử chẳng bằng dụng không sanh tử”. Hoặc có vị nói: “Đốn ngộ tuy đồng Phật, Nhiều đời tập khí sâu. Gió dừng sóng còn vỗ, Lý hiện niệm còn xâm”.Các Thiền sư thi thoảng có nhắc dạy điều này. Nhưng khi lập tông thì các tông phái hoặc là ở trên tánh thể (tánh tông), hoặc là ở trên dụng (tướng tông), chứ không dung thông giữa ưu và khuyết như Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đây là điểm đặc biệt của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam mà không Tông phái nào có được.
Chỉ trong một pháp bảo nhậm, sống bằng bản tâm chân thật này là đã bao gồm tất cả pháp. Tất cả pháp đều vào trong này. Bởi tu pháp nào cuối cùng cũng phải đạt đến định tuệ mới giác ngộ. Và đã sống bằng thiền định, tâm giác thì thông qua sáu căn, thấy nghe biết gì mà không phải là Bồ-đề (giác). Tất cả các pháp đều là Phật pháp. Trong thể sẵn dụng, trong dụng sẵn thể; thể dụng không hai, lý sự dung thông thì lo gì Phật đạo không viên thành!
Các bài mới
- Vua Trần Nhân Tông với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - 23/11/2022
- Bài học từ Tổ Sư Pháp Loa - 02/04/2022
- Tinh hoa Trí Tuệ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Vai trò Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử - 22/11/2019
- Chân lý thoát ra với Sơ Tổ Trúc Lâm - 08/12/2018
- Ánh sáng Thiền trong cung vua Trần - 02/12/2018
Các bài đã đăng
- Dòng chảy Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - 14/10/2017
- Trúc Lâm vấn đáp - 08/09/2015
- Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử - 08/09/2015
- TÂM THIỀN CỦA SƠ TỔ TRÚC LÂM - 03/09/2009
- Tinh thần phản quan trong Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - 03/09/2009
Giới thiệu
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 04852
- Online: 45