Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Giảng Giải (Phần 06)

18/07/2023 | Lượt xem: 723

HT.Thích Thanh Từ

Chánh văn: 

Tôi e các ông chẳng hội thấu lý chân giải thoát nên lại chỉ bày các ông. 

Giảng: 

Nói bài tụng như vậy nhưng sợ chúng ta chưa thấu suốt được lý giải thoát chân thật, nên ngài dạy thêm.

Chánh văn:

Hỏi: Kinh Duy-ma nói: “Muốn được tịnh độ phải tịnh tâm ấy.” Thế nào là tịnh tâm? 

Đáp: Dùng cái tịnh cứu cánh làm tịnh. 

Hỏi: Thế nào là dùng cái tịnh cứu cánh làm tịnh? 

Đáp: Không tịnh cũng không không tịnh, tức là tịnh cứu cánh. 

Hỏi: Thế nào là không tịnh cũng không không tịnh? 

Đáp: Tất cả chỗ không tâm là tịnh, khi được tịnh mà chẳng khởi tưởng tịnh, gọi là không tịnh. Khi được không tịnh cũng không được khởi tưởng không tịnh, gọi là không không tịnh. 

 

Giảng: 

Kinh Duy-ma-cật nói Muốn được tịnh độ phải tịnh tâm ấy. Nghĩa là người muốn được tịnh độ, trước phải tịnh tâm mình, nếu tâm ô nhiễm thì quốc độ không tịnh.

Như người đang gặp việc buồn rầu, chiều lại có bạn mời đi xem hát. Vì nể tình bạn mà đi nhưng vào hý trường người đó có vui như những người khác không? Bởi tâm đang buồn thì dù cảnh vui đến đâu cũng không vui được. Cũng vậy, nếu tâm chúng ta nhơ nhớp xấu xa thì dù ở cõi tịnh cũng nhơ nhớp. Giả sử ở chỗ nhơ nhớp xấu xa mà tâm chúng ta thanh tịnh thì nơi đó cũng thành thanh tịnh. Sự thật trong lòng chúng ta bày hiện rõ ràng. Khi tu được chút ít gì nhẹ nhàng thảnh thơi thì cũng cái nhà đó, cũng con đường đó nhìn thấy vui. Nếu trong tâm phiền não bực bội thì cũng cái nhà đó, con đường đó mà nhìn cái gì cũng thấy bực. Cảnh ở ngoài vui hay buồn là do tâm sanh ra. Vì thế muốn được tịnh độ trước hết phải tịnh tâm mình. Đó là điều hết sức thiết thực.

Hỏi: thế nào tịnh tâm? Đáp: Dùng cái tịnh cứu cánh làm tịnh. Hỏi: Thế nào là dùng cái tịnh cứu cánh làm tịnh? Đáp: Không tịnh cũng không không tịnh tức là tịnh cứu cánh. Hỏi: Thế nào là không tịnh cũng không không tịnh? Đáp: Tất cả chỗ không tâm là tịnh, khi được tịnh mà chẳng khởi tưởng tịnh, gọi là không tịnh. Khi được không tịnh, cũng không khởi tưởng không tịnh, gọi là không không tịnh.  

Tịnh cứu cánh là tất cả chỗ không tâm, câu này đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Chúng ta lưu ý tất cả chỗ không tâm là tịnh, nhưng vừa khởi nghĩ tịnh thì đã mất thanh tịnh rồi. Vì vậy tịnh mà chẳng khởi tưởng tịnh, gọi là không tịnh. Khi được không tịnh cũng không khởi tưởng không tịnh, gọi là không không tịnh. 

Ngài sợ chúng ta kẹt ở hai bên và ở chỗ khởi tưởng. Kẹt hai bên là còn thấy tịnh đối với động, còn thấy thật có tịnh và động đối đãi nhau. Tịnh mà không khởi tưởng tịnh thì hết đối đãi, không khởi phân biệt động hay tịnh đó mới thật là tịnh. Dứt được hai bên là tịnh chân thật. Vì không khởi tưởng nên không chấp, chỗ cứu cánh là dứt tất cả chấp.

Chánh văn: 

Hỏi: Người tu hành lấy cái gì làm chứng? Đáp: Lấy cái chứng cứu cánh làm chứng. Hỏi: Thế nào là cái chứng cứu cánh? 

Đáp: Không chứng cũng không không chứng, gọi là chứng cứu cánh. 

Hỏi: Thế nào là không chứng và không không chứng? 

Đáp: ngoài không nhiễm sắc, thanh v.v... bên trong tâm không khởi vọng niệm, được như thế gọi chứng. Khi được chứng mà không khởi tưởng chứng, gọi là không chứng. Khi được không chứng cũng không khởi tưởng không chứng, gọi là không không chứng.

Giảng: 

Khi tu, ai cũng mong chứng quả, muốn chứng quả chứng đạo thì phải đến chỗ cứu cánh. Thế nào là chứng đến chỗ cứu cánh? Tức là không chứng cũng không không chứng. Không thấy có chỗ chứng thật cũng không thấy có chỗ không chứng thật. Vừa khởi niệm mình đang tu chứng là sai, hoặc khởi niệm rằng mình không chứng cũng sai. Đến chỗ chân thật rồi thì thanh tịnh trong trẻo an lành, không còn khởi niệm chứng hay không chứng.

Chúng ta tu không nên dính mắc nhiều việc. Khi tu mà nghĩ mình chứng quả, tức là có đắc có được. Có được thì sao? Có được thì thấy ta cao hơn người chưa được. Ví dụ hai người đi thi, người này đậu thì vui người kia rớt thì buồn, người đậu cũng có vẻ khinh người rớt, như vậy là có bỉ thử nhân ngã. Tu mà thấy có chứng đắc, hơn người chưa chứng thì vẫn còn kẹt trong vòng nhân ngã chưa giải thoát. Nên đây nói không chứng cũng không đắc, không có gì được hết. Đến đó thì tất cả tâm điên đảo sanh diệt không còn, phiền não dẹp sạch, chỉ còn một thể thanh tịnh trong sáng. Khởi nghĩ chứng đắc thì chúng ta bị động, sẽ đưa đến những bệnh khác.

 

Chánh văn: 

Hỏi: Thế nào tâm giải thoát?

Đáp: Không tâm giải thoát, cũng không không tâm giải thoát, gọi là chân giải thoát. Kinh nói: “Pháp còn phải xả hà huống phi pháp.” Pháp là có, phi pháp là không, chỉ chẳng chấp có không là chân giải thoát.

Giảng:

Nghe nói giải thoát chúng ta nghĩ rằng phải có khả năng gì rất đặc biệt mới gọi là giải thoát. Sự thật không có gì đặc biệt, chỉ là không dính, không mắc, không kẹt. Kinh Kim Cang nói pháp còn phải xả, hà huống phi pháp. Pháp là có, phi pháp là không, cái có còn bỏ huống nữa là cái không. Không chấp có thật, không chấp không thật, an nhiên tự tại, đó gọi là giải thoát.


Chánh văn:

Hỏi: Thế nào đắc đạo?

Đáp: Dùng cái đắc cứu cánh làm đắc. Hỏi: Thế nào là cái đắc cứu cánh?

Đáp: Không đắc cũng không không đắc, gọi là đắc cứu cánh.

Giảng:

Cũng giống như trên, nghĩa là đến chỗ không còn năng sở nữa mới là cứu cánh.

 

Chánh văn:

Hỏi: Thế nào là Không cứu cánh?

Đáp: Chẳng không cũng chẳng chẳng không gọi là Không cứu cánh.

Hỏi: Thế nào là chân như định?

Đáp: Không định cũng không không định gọi là chân như định. Kinh nói: “Không có định pháp gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng không định pháp Như Lai có thể nói.” Kinh nói: “Tuy tu Không mà chẳng lấy Không làm chứng, cũng chẳng được khởi tưởng Không. Tuy tu Định mà chẳng lấy Định làm chứng, cũng chẳng được khởi tưởng Định. Tuy được Tịnh mà chẳng lấy Tịnh làm chứng, cũng chẳng được khởi tưởng Tịnh.”

Giảng:

Khi tu mà chấp chặt rằng mình đã được cái này cái nọ, chấp có được là đã mất rồi. Kinh Kim Cang nói không có một pháp nhất định tên là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng không có một pháp nhất định Như Lai nói. Vì khi cho rằng có một pháp thật thì chúng ta chấp vào pháp đó, nếu có pháp gì khác chúng ta lại khởi lên phân biệt chống đối.

Đây dạy tu quán Không mà chẳng kẹt Không, nghĩa là không nên lấy Không làm chỗ tựa chỗ chứng. Như khi Phật tử ngồi thiền tâm được yên tịnh trong sáng, vừa được liền khởi nghĩ mình định đây. Vừa khởi nghĩ được định thì sao? Cái thanh tịnh trong sáng đã mất, rồi bắt đầu tiếp tục khởi nghĩ chuyện này chuyện kia. Vì vậy được tịnh thì cứ thản nhiên mà tịnh, đừng khởi niệm, khởi niệm nghĩ thì mắc kẹt, khởi niệm chấp cũng mắc kẹt, mất cứu cánh ngay chỗ đó.

Chánh văn:

Nếu khi được định, được tịnh, được tất cả chỗ không tâm, liền khởi tưởng được như thế, đều là vọng tưởng, liền bị ràng buộc không thể nói là giải thoát. Nếu khi được như thế, rõ ràng tự biết, được tự tại, mà chẳng được cho thế là chứng, cũng chẳng được khởi tưởng như thế là được giải thoát. Kinh nói: “Nếu khởi tâm tinh tấn là vọng không phải tinh tấn.”

Giảng:

Chúng ta tu đến chỗ sáu căn không dính với sáu trần, trước mắt là sắc đẹp, bên tai là tiếng hay... chúng ta không dính bất cứ việc gì, đó là tự tại. Nhưng vừa khởi nghĩ mình không dính cái này, mình không dính cái kia... thì đã mất tự tại rồi. Cho nên được tất cả mà không khởi nghĩ được thì cái được đó mới thật là được, còn khởi nghĩ khởi niệm thì đã sai rồi.

Kinh nói: Nếu khởi tâm tinh tấn là vọng không phải tinh tấn. Khi thấy mình tu có hơi bê trễ lui sụt, chúng ta phát tâm tinh tấn, nên khi khởi tinh tấn có

nghĩa là đã mất tinh tấn, mới phải cố gắng vượt qua vươn lên. Sự cố gắng đó không thật, nó là sự vận dụng để được trong một lúc thôi, không luôn luôn như vậy. Vì vậy nên đây nói khởi tinh tấn là còn vọng.

Nếu người hay trong tâm chẳng vọng là tinh tấn không bờ mé. Trong tâm chúng ta không khởi một niệm gì cả, đó gọi là tinh tấn không bờ mé, không giới hạn. Tinh tấn đúng nghĩa là không có vọng niệm, còn khởi niệm tinh tấn cũng chưa thật là tinh tấn. Như hôm nào chúng ta ngủ quên không ngồi thiền, hôm sau tự nghĩ phải tinh tấn ráng ngồi thiền. Sở dĩ bữa nay có tinh tấn vì hôm qua giải đãi, đối với giải đãi hôm qua thì gọi là tinh tấn. Chỉ khi nào đúng giờ chúng ta thức dậy ngồi thiền một cách trang nghiêm thanh tịnh, tâm rất yên ổn, như vậy mới thật là tinh tấn. Chúng ta ngồi thiền đều đặn không lui sụt, cũng không cố gắng để ngồi, tự nhiên an ổn đó là tinh tấn không bờ mé.

 

Chánh văn:

Hỏi: Thế nào là trung đạo?

Đáp: Không khoảng giữa cũng không hai bên là trung đạo.

Hỏi: Thế nào là hai bên?

Đáp: Có tâm kia, có tâm này là hai bên. Hỏi: Thế nào là tâm kia tâm này?

Đáp: Bên ngoài dính với sắc thanh là tâm kia. Bên trong khởi vọng niệm là tâm này. Nếu bên ngoài không nhiễm sắc, gọi là không tâm kia. Bên trong không khởi vọng niệm, gọi là không tâm này. Thế nên không phải hai bên. Tâm đã không hai bên thì giữa cũng đâu có được. Được như thế gọi là trung đạo. Thật là Như Lai đạo.

Giảng:

Trung đạo là không có đối đãi, ngoài không dính với thanh sắc, trong không khởi vọng niệm. Nếu nói trung đạo là ở giữa hai bên thì đó là trung đạo hình thức chứ không phải trung đạo của tâm tu hành. Thế nên không phải hai bên. Tâm đã không hai bên thì giữa cũng đâu có được. Được như thế gọi là trung đạo. Thật là Như Lai đạo.

Chánh văn:

Như Lai đạo là tất cả người giác được giải thoát. Kinh nói: “Hư không chẳng giữa chẳng hai bên, thân chư Phật cũng vậy.” Nhưng tất cả sắc không, là tất cả chỗ không tâm vậy. Tất cả chỗ không tâm tức tất cả sắc tánh không. Hai nghĩa chẳng khác, cũng gọi sắc không, cũng gọi pháp sắc không.

Giảng:

Tuy giải thích nhiều lần, nhưng chủ yếu nhấn mạnh tất cả chỗ không tâm. Khi tâm chúng ta không dính sắc, không dính không, đối tất cả ngoại duyên đều không dính kẹt, đó là tâm thanh tịnh. Nếu tâm còn dính một bên, bên này hay bên kia thì không phải trung đạo. Trung đạo là chỗ chân thật, tâm mình không dính kẹt ở đâu mới là chân thật. 

Chánh văn:

Nếu ông lìa “Tất cả chỗ không tâm” mà được Bồ-đề giải thoát, Niết-bàn tịch diệt, thiền định kiến tánh, thì không thể nào có. “Tất cả chỗ không tâm” tức là được Bồ-đề giải thoát, Niết-bàn tịch diệt, cho đến lục độ đều là chỗ kiến tánh. Vì cớ sao? Kinh Kim Cang nói: “Không có một chút pháp có thể được, ấy gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”

Giảng:

Chỗ này chỉ một chữ thôi, nếu chúng ta lầm thì rất tai hại. Nếu ông lìa “tất cả chỗ không tâm” mà được Bồ-đề giải thoát, Niết-bàn tịch diệt, thiền định kiến tánh, thì không thể nào có. Nghĩa là chúng ta phải dùng câu tất cả chỗ không tâm làm gốc tu tập, nếu rời cái căn bản này mà tu thì không đạt Bồ-đề giải thoát. Đi đâu, làm việc gì chúng ta cũng nhớ câu tất cả chỗ không tâm thì Bồ-đề Niết-bàn, chân như giải thoát đầy đủ trong đó. Ngài nói rõ thêm, “tất cả chỗ không tâm”, tức là được Bồ-đề giải thoát, Niết-bàn tịch diệt, cho đến lục độ đều là chỗ kiến tánh.

Kinh Kim Cang nói: không một chút pháp có thể được, ấy gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không có riêng ở nơi nào, chỉ khi chúng ta được tất cả chỗ không tâm tức không thấy một chút pháp có thể được, ngay đó là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Thường nghe nói tu trải qua ba vô số kiếp mới được thành Phật, nhưng với lối tu đốn ngộ này thì bao lâu? Tất cả chỗ không tâm thì quả Phật ở ngay đây. Chừng nào chúng ta được tất cả chỗ không tâm? Trả lời được câu này là xong việc.

Chánh văn:

Hỏi: Nếu có tu tất cả hạnh đầy đủ thành tựu, được thọ ký chăng?

Đáp: Chẳng được.

Hỏi: Nếu không tu tất cả pháp thành tựu, được thọ ký chăng?

Đáp: Chẳng được.

Hỏi: Nếu thế ấy, phải do pháp gì được thọ ký? Giảng:

Tu tất cả hạnh thành tựu hết tất cả pháp được thọ ký chăng? Không được. Không tu tất cả pháp được thọ ký không? Không được. Như vậy tu tất cả không được thọ ký, mà không tu tất cả cũng không được thọ ký, nếu thế ấy phải do pháp gì để được thọ ký? Đây ngài giải thích:

Chánh văn:

Đáp: Chẳng do có hành, cũng chẳng do không hành, là được thọ ký. Vì cớ sao? Kinh Duy-ma nói: “Các hạnh tánh tướng đều vô thường.” Kinh Niết-bàn nói: “Phật bảo Ca-diếp: Các hạnh thường, không có lẽ phải.” Ông chỉ tất cả chỗ không tâm, là không có hạnh, cũng không không các hạnh, gọi là thọ ký.

Giảng:

Tất cả chỗ không tâm thì có hành hay không hành? Vì mình thấy có hành thấy không hành là còn thấy hai bên, thấy hai bên thì không được thọ ký. Muốn được thọ ký thành Phật thì phải sao? Mình làm tất cả hạnh thì được thọ ký không? Không được. Không làm tất cả hạnh, được thọ ký không? Không được. Vậy làm sao được? Chỉ tất cả chỗ không tâm thì được. Đi đứng nằm ngồi... tất cả chỗ không tâm, đó là chỗ Phật thọ ký cho mình. Như thế chúng ta không cần vận dụng công phu nhiều, phát nguyện lớn, làm từ thiện tích cực, thiền định thật sâu mới được thọ ký, mà tất cả chỗ không tâm là được thọ ký ngay.

Hiểu như vậy thì chúng ta không cần tọa thiền, không cần làm gì cả mà cũng được thành Phật, phải không? Tuy nhiên nói tất cả chỗ không tâm, nhưng bây giờ mình chỉ dành một tiếng hai tiếng đồng hồ ngồi thiền để dứt khoát không tâm mà được chưa? Dành trọn vẹn hết tâm nguyện của mình để buông bỏ, mà còn buông bỏ không nổi. Việc này vừa rớt xuống, việc kia nhảy lên liên miên. Vì thế chúng ta phải tập từ từ, có ngồi thiền, có tụng kinh, có sám hối... Buông chưa được, chưa dứt sạch phiền não phải cố gắng tu, chừng nào buông rớt hết, vừa thoáng qua mắt qua tai liền rơi rớt không dính một mảy may nào, lúc đó cả ngày khỏi phải ngồi thiền, sám hối, khỏi phải làm gì hết vẫn được Bồ-đề Niết-bàn. Lục Tổ nói: Phật dạy tất cả pháp để trị tất cả tâm, ta không tất cả tâm đâu cần tất cả pháp. Pháp của Phật dạy là cốt trị tâm bệnh của mình, nếu còn tham sân si, còn nhiều thứ thì cần phải có pháp để trị. Lục Tổ tất cả đều sạch rồi thì đâu cần pháp gì.

Chuyện kể, một hôm có vị tăng ngồi thiền ngoài hành lang chùa, Tổ đi ngang liền nắm lỗ tai thổi, vì ngài thấy đi đâu cũng thiền không đợi ngồi. Nhưng người mới như mình không ngồi không được, nếu không ngồi đi ra ngoài liền bị dính cảnh gỡ không kịp, buộc lòng ngồi chỗ vắng vẻ yên tịnh để mà gỡ từng mối từng mối cho quen, chừng nào thuần thục mới đi ra ngoài, mới tự tại. Không thể nghe nói tất cả chỗ không tâm là được, rồi đi ca hát nghêu ngao mà chỗ nào cũng dính, như thế không đúng.

Chánh văn:

Nói tất cả chỗ không tâm, là không tâm yêu ghét vậy. Nói không yêu ghét, là thấy việc tốt chẳng khởi tâm yêu, thấy việc xấu cũng chẳng sanh tâm ghét. Không yêu gọi là không tâm nhiễm, chính là sắc tánh không. Sắc tánh không tức là muôn duyên đều bặt. Muôn duyên đều bặt thì tự nhiên được giải thoát.

Giảng:

Chúng ta quán tất cả pháp tánh không, đó là bước thứ nhất, qua bước thứ hai là tất cả chỗ không tâm.  

Bên ngoài thấy các pháp tánh không, bên trong tất cả đều là không tâm, không dấy tâm dính mắc. Sở dĩ chúng ta dính mắc với tất cả pháp bên ngoài là vì thấy cái gì cũng thật, hoặc là đẹp thật hoặc là xấu thật. Đẹp thì ưa, xấu thì ghét... đối với tất cả đều khởi tâm ưa ghét. Phải quán sát thấy tất cả pháp đều không có thật thể, duyên hợp hư dối tạm bợ, không cố định nên gọi là tánh không.

Ví dụ bàn tay co năm ngón thì gọi là nắm tay, không ai chối cãi được. Cái gì là chủ thể của nắm tay này? Năm ngón tay co lại đủ thì gọi là nắm tay, buông ra thì không có nắm tay, chia từng ngón ra cũng không có nắm tay. Nắm tay này không có chủ thể, tạm bợ giả dối, đẹp xấu gì không quan trọng. Nếu thấy nắm tay thật thì mới quan trọng. Nắm tay này tánh không duyên hợp giả có, biết được tánh không của nắm tay là do trí tuệ. Trí tuệ quán sát lý nhân duyên nên biết tánh nó là không.

Thường chúng ta cho rằng kinh Bát-nhã nói không là không ngơ trống rỗng, thật ra ngay cái có là không, sắc tức là không, không tức là sắc. Chính nơi hình tướng này mà tánh nó là không, tánh không nên duyên hợp thành sắc thành hình tướng này. Trí tuệ Bát-nhã khai đường mở lối cho chúng ta thấy chỗ chân thật của các pháp, như nắm tay, cái đồng hồ, cái bàn, cái nhà... tất cả đều là tánh không. Tánh không thì không có gì thật, không thật thì có gì dính mắc. Như vậy tâm không dính mắc với sáu trần là khi nào mình biết sáu trần không thật. Nếu cho sáu trần là thật thì không tránh khỏi dính mắc, phải dùng trí tuệ Bát-nhã để gỡ.

Tôi thường quán sát thân mình từ đầu đến chân, từng đốt xương kết hợp với nhau, những dây gân kéo ràng rịt lại, thịt mỡ bao bọc, bên ngoài là lớp da. Thấy thân mình thật là tạm bợ giả dối. Vì mê lầm muôn đời nên chúng ta luôn quý trọng, chấp nó là ta. Nếu biết nhìn lại thấy thân mình như vậy, dù có sang trọng đến đâu thì cũng chỉ là bộ xương được bao bọc không đáng giá gì. Tất cả xương da thịt của chúng ta lóc bỏ ra ngoài có gớm không? Một mớ đồ bỏ vô giá trị mà mình quý trọng tưởng thật. Từ chỗ quý thân đến đắm mê cảnh duyên nên đi mãi trong mê lầm, không thấy được chân lý, không thấy được lẽ thật. Người tu phải dùng trí tuệ Bát-nhã để thấy đúng như thật. Thấy đúng như thật rồi, tiến thêm bước nữa đối cảnh vô tâm rất dễ, không có gì quan trọng để mình bận tâm. Vì còn thấy thân cảnh là thật, là điều cần thiết cho cuộc sống nên vô tâm không được. Chúng ta ứng dụng trí Bát-nhã tường tận đến nơi đến chốn thì không còn dính kẹt sáu trần. Nếu không vận dụng trí Bát-nhã mà bảo buông thì buông không nổi.

Biết thân mình và cảnh bên ngoài giả dối, không có gì quan trọng, chúng ta không khởi tâm yêu ghét. Khi phản quan lại mình, xét từ đầu đến chân có gì quý không? Nhớ lại nếu có người nào tắt thở năm ba ngày để nằm đó, nhìn thấy thế nào? Không có gì đáng quan tâm cả. Vậy mà khi còn đi lại, còn nói năng được, nếu bị chê một chút là nổi sân, được khen ngợi thì thích ý, thật là mê lầm. Nếu xét thấy rõ ràng tường tận thì không có gì quan trọng, khen chê không quan trọng, sống chết cũng tùy duyên không quan trọng, chúng ta xả được sự bảo thủ khi sống và khi chết. Nếu mê lầm chấp giữ, sống thì bảo tồn bằng mọi cách, chết thì muốn có trở lại, cứ bị lôi đi trong sanh tử không dừng, không biết đâu là cùng. Phật thấy thế nên thương xót chỉ dạy muốn chúng ta hiểu. Các vị Bồ-tát thấy vậy cũng không nỡ làm thinh, nhưng với chúng ta thì coi thường.

Đọc lại sử Phật, tôi thấy sau khi thành đạo ngài chần chừ không chịu đi giáo hóa. Vì sao Phật xuất hiện nơi đời là muốn độ chúng sanh mà lúc này lại muốn nhập Niết-bàn, đến khi Phạm thiên cầu thỉnh ba lần ngài mới hứa khả? Vì cái thấy của Phật không giống, không gần với cái thấy của thế gian, nói thì họ không hiểu nên ngài không muốn nói. Ở đời có ai dám nói thân mình là đồ bỏ không? Phật nói đó là đồ bỏ, không ra gì thì nó ngược hết với thế gian. Chúng ta khéo tu và tìm hiểu sâu mới tin lời Phật. Còn thế gian người ta đang mê, nghe nói như vậy không tin, chê là mê tín, là bi quan yếm thế. Người ta đang đồng ý với nhau để lặn hụp trong sanh tử, không đồng ý ra khỏi sanh tử. Còn chúng ta đã biết tu, biết suy gẫm, biết tìm thấy lẽ thật thì phải can đảm vượt ra khỏi sanh tử. Muốn vượt ra khỏi thì cái tầm thường chúng ta phải thấy nó là tầm thường, đừng quý đừng trọng. Nếu quý trọng thì chúng ta ra không nổi.  

Chánh văn:

Ông phải xét kỹ đó, nếu khi chưa được tỉnh sáng thấu rõ, thì phải hỏi sớm chớ có bỏ qua. Các ông nếu y theo lời dạy đây tu, mà chẳng được giải thoát, tôi xin trọn đời thay các ông chịu tội trong đại địa ngục. Nếu tôi lừa dối các ông, sau này tôi sanh nơi nào sẽ bị sư tử, cọp, sói ăn thịt. Các ông nếu chẳng y theo lời dạy đây siêng năng tu hành thì không bảo đảm. Một phen mất thân này muôn kiếp khó được lại. Phải cố gắng! Cố gắng! Cần phải tự biết.

Giảng:

Đây là lòng từ bi tha thiết của ngài Huệ Hải. Đã nói rõ như vậy rồi còn dám đoan quyết với chúng ta rằng: Các ông cứ y theo đây tu chẳng được giải thoát, tôi xin trọn đời thay các ông chịu tội trong đại địa ngục. Nói hết lòng của mình mà sợ người chưa tin nên phải thề chịu tội trong địa ngục nếu người tu không giải thoát. Đó là lời thề rất trọng đại, lại còn thêm câu này: Nếu tôi lừa dối các ông, sau này tôi sanh ra nơi nào sẽ bị sư tử cọp sói ăn thịt. Nếu lời nói của tôi không đúng sự thật thì đời sau tôi sanh ở đâu sẽ bị sư tử, cọp, sói ăn thịt. Thật là từ bi, đem hết tâm can chỉ dạy cho chúng ta, còn thề quyết như vậy để chúng ta tin mà lập chí tu được giải thoát.

Người xưa vì thấy như thật, biết rõ như thật nhưng nói ra sợ chúng sanh không chịu nghe, không chịu tin nên phải thề nguyền để làm bằng chứng. Khi chúng ta tin hiểu tu được thì ai giải thoát? Mình được lợi ích được giải thoát, đó là chỗ nhắm đến của chư Phật chư tổ. Phật tổ muốn cho chúng ta sáng lên, muốn cho chúng ta thấy được lẽ thật nên đem hết tâm huyết nói dạy, rồi thệ nguyện để cho chúng ta tin mà cố gắng tu hành. Tất cả chúng ta là người có duyên mới được gặp Phật pháp, gặp được Phật pháp mà không chịu tu đó là tại chúng ta bỏ qua duyên tốt của mình.

 

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 22731
  • Online: 65