Dụng Công Tu Thiền - Phần 01 : Chương 01: Thiền Là Cốt Tủy Của Đạo Phật

06/05/2024 | Lượt xem: 711

TT.Thích Tâm Hạnh

Thay lời tựa

Tâm tánh vốn thênh thang, không ô hộc tròn vuông giới hạn của ngằn mé. Thể ấy vắng bặt không hình tướng, ngàn thánh khó dò tìm. Bởi nó chính là mình, là mỗi một chúng ta, người ngoài không thể ra tay, để mắt thấu. Đúng ra thẳng đây liền nhận, nhưng do nghiệp thức che đậy, vì thế người người trước mắt lầm qua. Chúng sanh phước ít nghiệp nhiều, vọng tập sâu dày, cho nên phần nhiều phải quyết chí hạ thủ công phu, mới mong suốt tột.

Tất cả chúng sanh ngàn xưa vốn ở trong thể của tâm ấy. Nhưng rồi có lần bất chợt thoáng quên, từ đó mê mờ, vọng tình đua nhau sanh khởi, đi vào sanh tử, cam chịu lắm nỗi đa đoan. Muốn chấm dứt kiếp sống cùng tử lang thang thì phải ngay chỗ khởi sanh để tìm đường lần về quê cũ.

Đạo này không tướng, sẵn đủ trước mắt mỗi người. Nhưng phàm tình lại tự rối bời, cho nên lối về cũng bời bời muôn nẻo. May thay gặp được con đường tâm tông chỉ thẳng (thiền tông trực chỉ), ngay đây thấy rõ cố hương. Đường về dù muôn dặm xa, nhưng cứ miệt mài, một sáng bất chợt hay ra, nào ngờ khắp nơi quê nhà ta đó.

Người ngộ thì đã biết lối. Những ai đêm ngày còn miệt mài hạ thủ công phu tu tập, sẽ cần một “cái nhìn” và những sẻ chia kinh nghiệm của các hành giả đã kinh qua. Dù có ít ỏi, thô sơ, nhưng cũng là cây nhà lá vườn. Tự mình ươm trồng, không những hoạt chất của bên lề học hiểu.

Những gì trong tập sách này chỉ nhấn mạnh đến việc hạ thủ công phu, hơn là bàn sâu đến diệu dụng bất tư nghì của tâm tánh. Chỉ dám mong chia sẻ với những hành giả hữu duyên, đang sánh nhau cùng đi trên con đường của Phật Tổ.

Ngày Xuân năm Nhâm Dần, 2022

Tỳ-kheo Thích Tâm Hạnh.

 

CHƯƠNG 1:

THIỀN LÀ CỐT TỦY CỦA ĐẠO PHẬT

1. CỘI NGUỒN THIỀN TÔNG.

1.1. Từ Phật Tổ tu hành.

a)  Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tu thiền mà thành đạo.

Khi Thái tử Sĩ-đạt-ta vượt thành xuất gia tìm đạo, Ngài đã tìm học với những vị tiên nhơn nổi tiếng ở Ấn Độ thời bấy giờ. Các vị tiên nhơn ấy chứng đắc được pháp gì, Thái tử đều đạt đến như vậy. Nhưng chưa phải là chỗ rốt ráo mà Ngài muốn tìm cho nên Thái tử quyết định từ giã ra đi. Thử tu khổ hạnh, con đường này cũng không đưa đến đạo quả. Cuối cùng Ngài quyết chí tọa thiền. Trải qua 49 ngày đêm, khi sao mai vừa mọc, Ngài đã thành đạo, thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Cho thấy, đức Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni do tọa thiền, tu thiền mà được thành đạo.

b) Nhiều đời chư vị Tổ sư đều do tu thiền mà ngộ đạo.

Nếu ai đã từng đọc học lịch sử sẽ thấy rõ, nhiều đời Tổ sư và chư vị Thiền sư đều tu thiền. Cụ thể là 28 vị Tổ Ấn Độ, 6 vị Tổ Trung Hoa, 3 vị Tổ sư Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, cho đến chư vị Thiền sư đều do tu thiền mà được ngộ đạo, chứng đạo.

1.2. Từ Phật Tổ truyền thừa, trao truyền.

Suốt 49 năm thuyết pháp độ sanh, cuối cùng trên hội Linh Sơn, đức Phật lên Pháp tòa. Có vị Đại Phạm Thiên Vương dâng cúng cành hoa sen. Tiện tay nhận lấy, đức Phật cầm cành sen đưa lên, nhìn khắp chúng hội, không nói năng gì. Đại chúng ngơ ngác. Duy chỉ có ngài Đại Ca-diếp mỉm cười. Đức Thế tôn bảo:

“Ta có Chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, Thật tướng vô tướng, Vi diệu pháp môn. Nay trao cho Ma ha Ca-diếp.”.

Đồng thời đức Phật truyền trao y bát cho ngài Ca-diếp, trở thành vị Tổ Thiền tông đầu tiên. Sau đó, Tổ Ca-diếp tiếp tục trao lại cho ngài A-nan... Đời đời chư vị Tổ sư lần lượt trao truyền nhau tâm ấn này.

Ngộ tâm là ngộ thiền. Tâm thể này cùng với chư Phật không khác. Ai về trong ấy cũng đồng suốt thông nhau. Đó là tâm ấn tâm, là truyền tâm ấn. Y bát chỉ là biểu tượng làm niềm tin cho người khác. Sau Lục Tổ Huệ Năng, người ngộ thiền nhiều, cho nên không truyền biểu tượng y bát nữa, chỉ ấn tại tâm. Cứ như thế, chư vị Thiền sư cùng nhau trao truyền tâm ấn Phật. Đến Sơ Tổ Trúc Lâm Việt Nam và nhiều đời chư vị Thiền sư Việt Nam cũng trao truyền nhau tâm ấn này. Mãi đến hôm nay, Hòa thượng Tông chủ (Thiền sư Thích Thanh Từ) đã tiếp nối phục hưng Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam cũng trên tinh thần đạt ngộ khế tâm như thế.

Đức Phật đưa cành hoa sen lên, ngài Ca-diếp liền thấy thẳng bằng cái “thấy biết Phật” (Tri kiến Phật), là kho chánh pháp hiển hiện ngay con mắt, là diệu tâm Niết-bàn nơi tất cả chúng sanh, là tướng chân thật nhưng không phải có hình tướng như các pháp sanh diệt thế gian; hay nói rõ hơn là bản tâm, là tánh Phật nơi chính mỗi người. Ngài Ca-diếp ngộ bản tâm, hội được điều trọng yếu đức Phật muốn chỉ là đã được Phật truyền tâm ấn làm Tổ vị Thiền tông đầu tiên. Đây là bài pháp rốt sau rất cô đọng, sống động, tóm gọn hết những điều trọng yếu mà Phật muốn nói một đời. Bởi một đại sự nhân duyên đức Phật xuất hiện nơi đời là cốt yếu khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến. Vì thế, bao nhiêu Kinh luận cũng đều chủ yếu chỉ cho tất cả chúng ta trở về nhận lại cái thấy biết Phật nơi chính mình. Cành hoa sen năm xưa đức Phật đưa lên trên hội Linh Sơn, ngài Ca-diếp liền thấy thẳng bằng thấy biết Phật, đức Phật liền ấn chứng Ngài làm Tổ vị Thiền tông đầu tiên; cành sen ấy đến nay đã trên hai ngàn năm trăm năm, nhưng vẫn còn nở rộ, tròn vìn, tươi thắm, hiển hiện ngay đây, bây giờ, cho hành giả có những phút bật cười, những giây bật khóc, hoan hỷ ngập tràn không thể kềm được. Thử hỏi tại sao lại có chuyện lạ như thế? Nếu là người thực tâm tu hành, quyết chí hạ thủ công phu thì việc này không còn xa lạ. Chỉ bởi nín cười không được, nhịn khóc không xong.

Ngàn xưa chư Phật, nhiều đời chư vị Tổ sư, hiện tại những bậc tu hành đạt đạo, cho mãi đến ngàn sau, hễ ai quyết chí tu hành, đạt ngộ bản tâm chân thật ấy thì mỗi mỗi đều nhất quán, thông suốt như nhau không khác. Dùng tâm ấn tâm, thiền tông đã được trao truyền từ ngàn xưa cho mãi đến hôm nay, vẫn còn!

1.3. Ngay chính bản tâm mỗi người.

Đức Phật được tôn xưng là bậc đại y vương, hay tùy theo tâm bệnh của chúng sanh để cho thuốc. Vì thế, pháp Phật như tùy bệnh cho thuốc. Do chúng sanh có lắm tâm bệnh cho nên thuốc cũng phải nhiều. Từ đây, đạo Phật mới có nhiều pháp môn cho từng căn cơ phù hợp để theo đó hành trì, tu tập. Tuy vậy, pháp môn nào cuối cùng cũng phải đạt đến định tuệ thì mới được giác ngộ giải thoát.

Hơn nữa, tu Phật là để đạt được giác ngộ. Chỉ có giác ngộ thì mới thực sự được an lạc, giải thoát. Ai đã trực ngộ bản tâm chân thật nơi chính mình thì sẽ hay ra sự giác ngộ, an lạc, giải thoát ấy một cách rõ ràng. Và ngộ tâm như thế là con đường của thiền định, thiền tông. Cho thấy, thiền vốn là bản tâm sẵn vậy nơi mỗi người. Cội nguồn của thiền cũng chính là cốt tủy của đạo Phật. Vốn từ sự giác ngộ bản tâm chân thật nơi mỗi người mà Phật Tổ muốn chỉ bày cho tất cả chúng ta. Vì thế, Thiền sư Khuê Phong Tông Mật đã khẳng định: “Thiền là nguồn cội của các pháp tu. Người học ba thừa muốn cầu thánh đạo hẳn phải tu thiền. Lìa thiền không có cửa nào khác, lìa thiền không có đường nào khác”.

1.4. Tóm lại.

Trên từ chư Phật, nhiều đời chư vị Tổ sư đều khởi nguồn ban đầu từ bản tâm của mình để tu hành và thành Phật, thành Tổ. Kế đến truyền thừa chánh pháp cũng trao truyền nhau chỉ thẳng ngay chính bản tâm này. Người đạt ngộ bản tâm nghĩa là được truyền tâm ấn, dùng tâm ấn tâm. Đạt ngộ, khế tâm nghĩa là được trao truyền, chứ không phải có một cái tâm này của vị Thầy truyền sang cho một cái tâm khác của đệ tử. Và hiện tại hoặc cho mãi đến ngàn sau, ai tu Phật cũng bắt đầu từ bản tâm này để tu hành thì mới thành Phật, tác Tổ được. Bởi không thể tìm chánh giác ngoài tâm.

2. MÔN CĂN BẢN CỦA NGƯỜI TU PHẬT: GIỚI – ĐỊNH – TUỆ.

Đạo Phật có tám muôn bốn ngàn pháp môn tu. Không phải đếm đủ con số có 84.000 pháp môn một cách cụ thể, mà đây là chỉ cho số nhiều. Vì thế còn gọi là “vô lượng pháp môn tu”. Nhưng theo sách biên tập lại thì hiện tại đạo Phật có 10 Tông phái. Hiện nay, nổi trội nhất có ba Tông phái: Tịnh Độ Tông, Mật Tông và Thiền Tông. Tuy nhiều như vậy, nhưng pháp môn tu nào cũng không ra ngoài ba môn học vô lậu: Giới, định và trí tuệ.

Ai tu Phật cũng đều giữ gìn giới luật của Phật. Phạm phải một lỗi lầm gì, không sớm thì muộn, lòng người sẽ bất an. Giữ giới để ngăn quấy, dứt ác, tâm mới được an định. Tâm có an định thì trí huệ vô lậu mới phát huy. Không kể đến những bậc thượng thừa có sự thị hiện đặc biệt. Còn lại, hầu hết người tu Phật chúng ta không thể thiếu ba môn học vô lậu căn bản như vậy. Trì giới, sống ngay tâm an định mà trí sáng, đó là tu hành. Theo thời gian, công phu của hành giả được thuần thục, đắc lực và sẽ có lúc bừng ngộ bản tâm. Tự tâm này đạt đến đỉnh cao tuyệt đối của định tuệ. Ngay tự tánh giác sáng là tuệ. Bản thân tự tánh sáng biết ấy vốn tự tịnh tự định, không thể nào động; chứ không phải làm cho được an định nữa. Đến đây, định tuệ đồng thời, không trước không sau. Sống được với bản thể này là đã đạt được đại định của Thiền tông; động tĩnh, nhúc nhích, đều là tự tánh chân thật chính mình.

Tóm lại, người còn trong quá trình hạ thủ công phu thì phải trì giới, tập định, tu huệ đúng pháp. Công phu chín muồi, sẽ có lúc bừng ngộ bản tâm. Người đã đạt ngộ thì trong định, giới đã tròn đủ, không khuyết; gọi là “Định cộng giới” hay “Đạo cộng giới”. Đồng thời, vị này sống thẳng bằng tâm tánh đã tỏ ngộ thì định tuệ hiện tiền.

Vì vậy, bất kỳ ai tu Phật cũng đều phải tu tập giới, định và trí tuệ. Với người sơ cơ mới vào đạo thì tu tập để thuần thục, sẽ có lúc tỏ ngộ. Người đã đạt ngộ là đạt đến đỉnh cao của ba môn học vô lậu này. Cho thấy, môn căn bản của người tu Phật là tam vô lậu học: Giới, định và trí tuệ. Khéo tu tập ba môn học vô lậu đạt đến rốt ráo, động tĩnh không khác, định tuệ đồng thời, sẽ đạt đến đại định của thiền tông. Vì thế, môn căn bản của người tu Phật là Thiền tông.

3.  SỰ CẦN THIẾT (GIÁ TRỊ THỰC) CỦA THIỀN.

3.1. Quá khứ, ngàn xưa minh triết.

Xưa kia, vật chất chưa phát triển nhiều cho nên đời sống tinh thần được mọi người đề cao hơn; trí tuệ, tư duy chuyên sâu, minh triết... Học thiền là dùng trí tuệ để học suốt, hiểu thông, soi thấu trí tuệ chân thật. Đạt thiền là đạt đến đỉnh cao của trí tuệ rốt ráo. Vì vậy, thực tập thiền sẽ giúp cho chúng ta có trí tuệ sáng suốt để nhìn nhận sâu sắc và đầy đủ mọi khía cạnh mà con người cần lúc này.

3.2. Hiện tại, thực tiễn.

Hiện tại, đời sống thiên về thực tiễn thì thiền vốn dĩ rất thực tiễn, giúp cho đời sống con người thăng tiến tốt hơn.

Hơn nữa, xã hội ngày càng hiện đại văn minh là nhờ vào trí tuệ của nhân loại. Ví như trí tuệ nhân tạo có siêu xuất đến đâu thì cũng đợi con người khởi động cho nó thông minh thì nó mới có trí tuệ được, cho nên mới gọi là nhân tạo. Nhiều sự sáng kiến, sáng tạo khác cũng phải bắt nguồn từ trí tuệ của con người. Nhưng tu thiền lại là con đường thực hành của trí tuệ, đưa người học đạt đến trí tuệ rốt ráo, siêu việt. Do trí tuệ là cội nguồn của sự văn minh tiến bộ cho nên người có trí tuệ thiền sẽ tự tin, vững chãi và phát huy được trước mọi thời kỳ hiện đại phát triển. Kinh Pháp Cú số 282, đức Phật dạy: “Tu thiền trí tuệ sanh”. Thiền tông hướng dẫn mọi người phát huy theo chiều hướng trí tuệ như thế. Học thông thiền lý, nắm vững phương pháp thực hành, quyết chí hạ thủ công phu tu tập để nhận chân, đạt đến trí tuệ rốt ráo, chân thật chính mình. Chính vì thế, xã hội ngày càng văn minh, thời đại khoa học càng phát triển thì lại càng phù hợp với thiền.

Mặt khác, trước một xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ. Song song với vật chất dồi dào, cuộc sống con người được nhiều tiện nghi thì sự phát triển ấy đã để lại nhiều vấn nạn khác, như là nhiều người bị căng thẳng, trầm cảm... Lúc này, tìm đến thư giãn là một nhu cầu tất yếu. Thực tập thiền đúng cách sẽ giúp cho con người thư giãn tuyệt đối để sống tốt. Vẫn làm việc, phát triển mà vẫn được thư giãn, chứ không đợi đến lúc nghỉ ngơi. Do đó, người tu tập thiền đắc lực sẽ giúp ích được cho nhân loại trên đà thăng tiến và phát triển chung.

Một đời sống hiện đại, dồi dào vật chất, tiện nghi, nhưng đạo đức cũng được song hành phát triển, trí tuệ sáng suốt, tinh thần vẫn được thư giãn, tĩnh tại. Chắc chắn đây là một sự phát triển cân bằng, vững chắc, lâu dài mà ai cũng muốn hướng đến. Cuộc sống nếu có thiền, sẽ giúp cho chúng ta làm tốt điều đó.

3.3. Ngàn sau, thiền luôn là nguồn sống cần thiết cho mỗi người.

Con người không ai là không biết. Sống là biết. Biết trong loạn động thì rối rắm, mê mờ, mất năng lượng sống. Sáng biết mà không động, người này có khả năng bình tĩnh và sống, được an vui hạnh phúc thực sự. Và bản chất của sự sáng biết không động là thiền. Tất cả chúng ta dù đã tu thiền hay chưa tu thiền, nhưng ai cũng đang sáng biết. Đồng nghĩa là ai ai cũng đang sống trên thiền cả.

Cho thấy, bên trong thì từ bản chất sống của mỗi người; bên ngoài thì trên các phương diện, trải qua nhiều thời đại khác nhau; thiền luôn là nguồn sống, là sự cần thiết. Xét qua phương diện nào, xét về thời đại nào, thiền cũng giúp ích được cho đời sống con người qua các thời kỳ và hoàn cảnh như thế. Đây là sự cần thiết của thiền đối với cuộc sống con người chúng ta. Giá trị thực của thiền nó nằm ở chỗ rất siêu huyền, phi thường, có thể giúp cho con người vươn lên để thành tựu mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống. Bậc học đạo xuất thế cũng từ thiền định mà được thành đạo. Thiền sư Khuê Phong Tông Mật nói: “Một hạnh thiền định rất thần diệu, hay phát khởi trí huệ vô lậu trên chơn tánh. Tất cả diệu dụng, muôn đức muôn hạnh, cho đến thần thông quang minh đều từ định phát sanh”. Tuy vậy, nhưng thiền lại rất thực tế, bởi nó chính là bản tâm chân thật nơi mỗi chúng ta.

4. THIỀN LÀ CHÂN LÝ HIỆN THỰC.

Không chỉ là một pháp môn tu Phật, bản thân Thiền là chân lý hiện thực. Hành giả tu theo pháp môn nào của đạo Phật, đều phải đạt đến đích Thiền định mới đạt được giác ngộ giải thoát.

4.1.Thiền là một chân lý.

Một chân lý được xác định qua các tiêu chí căn bản: Không bị biến đổi bởi thời gian (quá khứ, hiện tại, vị lai); không bị thay đổi bởi không gian (đất nước này, hoặc đất nước khác, các cõi cũng vậy).

Thiền vốn là danh từ chỉ cho bản tánh sẵn vậy nơi mỗi người, không sanh không diệt. Do đó, ngàn xưa cho mãi đến ngàn sau, tánh này không biến đổi (thời gian). Dù đi đâu, đến bất kỳ cõi nước nào, tánh này vẫn vậy (không gian). Do đó, Thiền là một chân lý.

4.2.Thiền là một chân lý hiện thực.

Nghe, liền biết; thấy, liền nhận ra… Nhờ cội nguồn sẵn tự sáng biết của tâm thiền bên trong, cho chúng ta có khả năng tự thấy nghe biết như vậy. Dù chúng ta bỏ quên, chưa nhận ra, tâm Thiền cũng đang sẵn đó nơi mỗi người. Không phải do làm nên, không do tạo tác làm thành, tâm tánh (thiền) vốn sẵn vậy lâu lắm rồi. Khi ngộ là nhận lại tâm này. Còn mê, chỉ là quên tâm này chứ nó không mất đi đâu cả. Không cần quan niệm về Thiền, bất kỳ ai thực hành đúng cũng đều được thừa hưởng lợi lạc từ thiền. Nó luôn luôn tồn tại, có mặt, không thiếu vắng. Cho thấy, Thiền là một chân lý hiện thực.

4.3. Sự thực.

Thiền là cội nguồn sống của mỗi người, luôn cho chúng ta sức sống. Khi yên lắng thì tâm sẽ an lặng, trí sáng, năng lượng đong đầy, cho chúng ta tràn đầy nhựa sống. Một nguyên thủ quốc gia không có khái niệm tu thiền, nhưng trên các công việc, quý vị luôn vui nhẹ, điềm nhiên, ngay đó cội nguồn năng lượng được hồi phục. Sống và làm việc như vậy tức là đã đồng với việc thực tập Thiền. Có nhiều người khác khi đối diện với nhiều công việc quá tải, bị áp lực, quý vị tỉnh lặng lại, năng lượng hồi phục. Sau đó tiếp tục công việc của mình thì mang lại hiệu quả tích cực, cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Thực hành như vậy, vô tình đã khế hợp với việc tu thiền. Cho thấy, không cần quan niệm tu thiền. Ai thực hành đúng, cũng đều đạt được lợi lạc nhất định từ Thiền mang lại.

4.4.Với người tu Phật.

Tu Phật có nhiều pháp môn, nhưng tất cả đều phải đạt đến Thiền định (giác ngộ), mới có kết quả.

Cụ thể, như trên đã nói, ai tu Phật cũng tu Tam vô lậu học. Khi đạt đến rốt ráo của giới định tuệ, sẽ hay ra bản tánh định tuệ bình đẳng, tức là Thiền định. Đạt được Thiền định là đạt đến cội nguồn giác ngộ, từ đó cho chúng ta thấy biết giác ngộ (đúng như thật). Lúc này đã no đầy thượng vị thiền định. Từ diệu lực này, các pháp không chạm đến được, cho hành giả được tự tại giải thoát.

5.  KẾT LUẬN.

Đức Phật vì chúng sanh mà vào đời. Đạo Phật có mặt nơi đời là để cứu khổ ban vui cho nhân loại, cho tất cả chúng sanh. Tùy theo căn cơ, đức Phật uyển chuyển lập bày phương tiện hướng dẫn những người hữu duyên tu hành. Tất cả cuối cùng đều để giác ngộ bản tâm nơi chính mỗi người và tiến đến thành Phật. Ngộ tâm là ngộ thiền. Chính năng lực định tuệ của tâm thiền này giúp chúng ta hết khổ, an vui mãi mãi. Tích cực hơn, chính trí tuệ, diệu dụng và năng lực của tâm thiền giúp cho con người sống tốt, vững chãi và phát huy qua mọi thời đại. Người cầu giác ngộ giải thoát, cũng từ tâm thiền này mà được thành tựu. Từ giá trị siêu xuất của Phật đạo cho đến những giá trị thực trong đời sống thường nhật mỗi người, thiền chính là cội nguồn ấy. Người chứng ngộ thiền, sẽ phát huy hết những giá trị của đạo Phật, đó là chính mình giác ngộ, giáo hóa người khác cùng được giác ngộ, làm chủ sanh tử, chấm dứt khổ đau, được an lạc diệu thường.

Khi lớn tuổi, về già, đức Phật vẫn thường tọa thiền. Có người hỏi, vì sao đã thành Phật rồi mà Ngài vẫn còn ngồi thiền làm gì nữa? Đức Phật nói, Ngài tọa thiền để điều hòa sức khỏe. Đồng thời để cảnh tỉnh, răn nhắc người sau phải siêng năng tinh tấn, không biếng lười tọa thiền. Và hơn hết, để khẳng định, thiền là cốt tủy của đạo Phật.

 

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 10696
  • Online: 18