Dụng Công Tu Thiền - Phần 05: Chương 04 - Buông Xuống

08/07/2024 | Lượt xem: 258

TT.Thích Tâm Hạnh

CHƯƠNG 4:

BUÔNG XUỐNG

1.  DẪN NHẬP.

Thời đức Phật còn tại thế, có vị Bà-la-môn tên Hắc Chỉ, hai tay cầm hai bình hoa vận thần thông bay đến dâng lên đức Phật. Ngài bảo: Buông xuống! 

Bà-la-môn liền buông bình hoa trên tay trái của mình xuống. Đức Phật nói tiếp:

Buông xuống!

Bà-la-môn tiếp tục buông bình hoa trên tay phải xuống nữa. Đức Phật lại bảo tiếp:

Buông xuống!

Lúc ấy, Bà-la-môn Hắc Chỉ nói:

Trên tay con chỉ có hai bình hoa, con đã buông hết xuống rồi, không còn cái gì để buông nữa. Xin hỏi bây giờ Ngài muốn con buông cái gì xuống?

Đức Phật nói:

Ta không hề bảo ông buông cái bình hoa kia. Cái ta muốn ông buông xuống chính là sáu căn, sáu trần và sáu thức. Ngay đây, những thứ đang dính chặt trong tâm ông, tất cả đều được buông xuống. Và khi không còn cái gì để buông nữa, thì đang từ trong gông cùm sanh tử, ông liền được thoát ra ngoài.

Ngay lời dạy của đức Phật, Bà-la-môn Hắc Chỉ như người mù được sáng mắt, hiểu rõ đạo lý “buông xuống” của Ngài.

Từ câu chuyện đức Phật khai thị cho Bà-la-môn Hắc Chỉ, bài pháp buông bỏ được nhiều người biết đến. Khi tu hành, ai cũng nghĩ đến trước tiên phải biết buông xả, yểm ly (chán ghét và xa lìa sanh tử, thế gian). Nếu vậy thì ai là người phải làm việc để có phương tiện vật chất hộ cho mình tu? Còn không buông, phải làm việc để đảm bảo cho cuộc sống thì coi như là chưa quyết chí tu hành cho rốt ráo. Vậy phải buông như thế nào mới đúng nghĩa tu hành?

 

2.  BUÔNG XUỐNG HAY BUÔNG BỎ?

2.1.   Tại sao phải buông xuống?

2.1.1.   Các pháp vốn đã là huyễn hóa thì cần gì phải buông xuống?

Tất cả các pháp, bản chất nó là huyễn hóa, không thật. Tuy vậy, con người lầm chấp cho là thật cho nên bị vô minh, dính mắc, chi phối rồi tạo nghiệp. Từ đó càng thêm mê mờ, vọng động, che khuất bản tâm chân thật vốn sẵn nơi chính mình. Sanh tử, khổ não do đây mà có ra.

Hơn nữa, vọng tưởng tuy không thật có, nhưng theo nó thì thành sự. Các pháp, từ thân tâm sanh diệt này cho đến muôn sự muôn vật ở thế gian dù thảy đều huyễn hóa, nhưng nếu dính chấp thì phải chịu sanh tử khổ đau.

Vì hai lý do cơ bản trên, cho nên người biết tu hành thì trước tiên cần phải “muôn duyên buông xuống”.

2.1.2. Buông xuống để không dính mắc, vọng niệm, tham sân không tràn bờ.

Có cô Phật tử đi chùa công quả và tu tập rất miên mật nhiều năm. Hôm nọ bất ngờ chùa có duyên sự đặc biệt cho nên các Phật tử phải tu ở nhà một thời gian. Khoảng vài tuần không đến chùa tu tập như thường ngày, cô cảm thấy hụt hẫng, chơ vơ, buồn man mát... Cố thêm tuần nữa thì mọi thứ trong tâm vượt quá sự kiểm soát, cô định tự tử. Cùng đường đến nỗi muốn tự vẫn mà không hiểu tại sao. Gọi điện thưa với quý Thầy. Lúc này cô ấy đã mất tinh thần do đó quý Thầy không nói thêm gì, chỉ bảo cô ngày mai lên lại chùa để quét dọn và tu tập thì sẽ nhận ra. Khi được lên chùa, cô tỉnh hồn lại mới nhận ra là lâu nay đi chùa tu tập, nhưng chưa rời tướng, do đó đã thầm bị dính mắc trên tướng của sự tu tập. Khi không đi chùa, tâm này thiếu tướng tu tập kia cho nên không chịu nổi, đến độ muốn chết. Cô thưa: “Bạch thầy, khi tu con cũng luôn nhắc với chính mình là phải buông xả, đừng dính. Nhưng con đã dính mắc từ hồi nào mà không biết, cho đến hôm nay mọi thứ đến độ nguy hiểm mới nhận ra?”. Quý Thầy hỏi: “Khi đến chùa làm công quả và tu tập cô có vui không?”. Cô thưa: “Dạ có”. Quý Thầy bảo: “Có vui là trước đó đã dính mắc rồi do đó mới cho mình biết là vui thích”.

Khi đang còn mê, chưa ngộ thì căn thức này tự nó dính mắc. Tự nó làm công việc của nó ngoài sự kiểm soát và nhận biết của mình (đó là sự dính mắc). Cho đến khi hiện thành kết quả rồi chúng ta mới kịp thấy trên thành quả ấy.

Khi đi chùa cảm thấy thích. Đây là do trước đó căn thức đã tự nó dính mắc rồi, cho nên mới cho mình thấy thích khi được đến chùa và khổ đau khi không được đến. Nếu không khéo dụng công thì vẫn bị dính mắc chính ngay trên việc tu hành đó chứ chưa nói đến ngũ dục thế gian. Vì dính mắc cho nên phải buông. Nếu không dính mắc thì vàng chỉ là vàng, cũng chỉ như sắt, kẽm, đất không khác, nào có gì lỗi, đâu cần phải buông nữa?

Không cố định, tùy theo công phu tu tập sâu hay cạn mà việc buông xuống sẽ có hai khả năng:

Buông xuống để không dính mắc, vọng niệm, tham sân không tràn bờ.

Do hành giả chưa thể một buông liền sạch cho nên việc buông xuống vẫn chưa rời tạo tác, còn có tướng để tu. Tuy vậy, nhưng nếu không buông thì vọng tưởng, trần lao phiền não đầy dẫy, tràn bờ, chôn vùi, che lấp tự tánh thì không thể tỏ ngộ, cho nên phải buông. Trong trường hợp này, buông xuống là phương án trước mắt, có tính đối trị tạm thời để ngăn ngừa, hạn chế vọng tưởng, tham sân si... không cho tràn bờ, để được giác sáng. Buông để giác sáng. Và giác sáng mới khế hợp tự tánh, mới là việc chính yếu mang tính căn cơ lâu dài.

- Khả năng thứ hai là tiến thẳng, “Buông xuống để rỗng suốt, sẽ vỡ vụn và thể tánh hiện tiền”.

2.1.3. Buông xuống để rỗng suốt, sẽ vỡ vụn và thể tánh hiện tiền.

Khi nghe nói buông thì ai cũng vội buông theo quán tính chứ tâm chưa thấu suốt. Cái gì bỏ được thì buông, cái gì chưa bỏ được thì giữ đó. Trong âm thầm không rõ ràng như vậy tự nó lập trình cho mình một chữ buông như thế, chứ chưa phải đã thấy rõ để biết buông. Chính vì thế cho nên buông một thời gian mà không có kết quả tiến đạo, tham sân vẫn nhiều thì sanh chán nản.

Tu hành trước tiên phải biết buông là đúng. Nhưng phải hiểu cho tường tận, bằng cách nào để một buông liền sạch, hay buông xuống để làm gì... Chính những câu hỏi này khiến cho chúng ta thấu suốt tường tận, sẽ giúp cho mình vững niềm tin, nhận ra việc làm ấy phải từ chính mình chứ không từ người khác tác động hay khuyên bảo mình buông bỏ. Được vậy thì công phu mới đắc lực và có kết quả tốt.

Buông xuống ở đây là để rỗng suốt, sẽ vỡ vụn và thể tánh sẽ hiện tiền. Biết rõ định hướng rành rẽ rõ ràng như vậy rồi bắt đầu đi vào dụng công một cách cụ thể.

Một buông thì tất cả buông, chứ không phải buông tay trên rồi giữ tay dưới. Từ thân này, tâm sanh diệt nghĩ ngợi, ngoại cảnh, cho đến cả sự cảm nhận..., tất cả nhất thời buông xuống, rũ sạch để đạt đến rỗng suốt. Khi rỗng suốt sẽ có lúc thình lình tất cả như rơi rụng, vỡ vụn tan biến, hoặc bỗng dưng bất chợt mất hút tất cả. Ngay đó thể tánh hiện tiền.

Tất nhiên phải khéo léo buông rũ xuống cho rỗng rang, vỡ vụn từ trong tâm cho đến bên ngoài, chứ không phải tưởng tượng có một tướng rỗng lặng. Nếu như thế thì đã bị cái tướng rỗng lặng ấy làm ngăn ngại, không thể có lúc vỡ vụn, rơi rụng, mất hút và thể tánh hiện tiền.

Sơ Tổ Trúc Lâm nói: “Buông xuống, buông xuống, cái buông chẳng được chính là kẻ ấy”.

Những gì buông được thì buông xuống hết đi. Những gì có thể buông được thì không phải là cái thật chính mình. Khi buông sạch sành sanh rồi; thân, tâm, cảnh cho đến tất cả cảm thọ, suy nghĩ đều sạch, nhưng nghe gọi liền biết dạ, gió thoảng liền biết mát, thấy cảnh mỗi mỗi rõ ràng mà không cần phân biệt hay khởi biết. “Cái ấy” buông cũng không được, bỏ cũng không xong; mới là cái chân thật chính là mình. Tổ nói: “Chính là kẻ ấy”.

Tăng hỏi Thiền sư Triệu Châu: “Khi một vật chẳng mang đến thì thế nào?”. Ngài bảo: “Buông xuống luôn đi!”.

Đã là một vật cũng không còn để mang đến thì còn cái gì để hỏi? Còn hỏi thì rõ ràng trong tâm vẫn còn một vật. Vì vậy ngài Triệu Châu bảo: “Buông xuống luôn đi!”. Khi buông không được nữa thì mới biết “Khi không còn một vật để mang vác đến đây thì thế nào?”. Ngay đó sống thẳng, “Chính là kẻ ấy”.

Những lời dạy trên một lần nữa khẳng định cho chúng ta thấy rõ kỹ thuật dụng công buông xuống này. (Xem thêm đầy đủ cụ thể tại 3.1.2, mục 3, chương 3).

2.2.   Buông xuống chứ không phải buông bỏ.

Một ngại thì tất cả đều còn ngăn ngại. Đã thông thì tất thảy đều suốt thông. Một vật ở trước mắt, nếu chúng ta đã vô ngại, bình thường; có nó và không có cũng thế, cất đi hay để đó giống nhau, tâm mình không khởi thêm gì thì nói là phải buông bỏ hay không cần buông bỏ đều là việc thừa. Nếu còn muốn bỏ và buông là do còn chướng ngại. Dù là một vật nhỏ không ra gì, nhưng nếu còn bị nó làm cho mình chướng ngại thì chúng ta sẽ bị ngăn ngại bởi tất cả các vật khác, chưa thể thoát ra. Cho hay, nếu còn thấy có một pháp ngăn ngại để “buông bỏ” thì còn ngại tất cả, chưa hợp đại đạo vốn tự trùm khắp, suốt thông, tự tại không ngăn ngại. Vì vậy, “buông xuống” để không dính mắc; để rỗng suốt – vỡ vụn, rơi rụng; sẽ an nhiên –tánh tự giác sáng, tất cả hiện bày; chứ không phải để “buông đi, vứt bỏ” hay nắm giữ bất kỳ một pháp nào. Đây là điểm đặc biệt của đại đạo.

2.3.   Chỉ là không theo - tỉnh giác - bình thường; không cần phải dẹp bỏ.

Lục Tổ dạy: “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Vọng tưởng chỉ là những bóng dáng trong đầu, không có thật. Khi nó hiện khởi, hành giả chỉ cần giác rõ, không theo, chứ không cần phải trừ dẹp. Hơn nữa, khởi tâm dẹp bỏ cũng là đã thêm một tâm tưởng khác, trên vọng thêm vọng, chỉ càng làm cho hành giả căng thẳng, rối ren.

Đây là nói thẳng đến công phu tu tập. Chúng ta đã biết rất rõ và xác định xong, vọng tưởng, các pháp vốn không, theo nó thì mới thành sự. Vì vậy không cần phải dẹp bỏ, mà chỉ là không theo, tỉnh giác, bình thường thì công phu sẽ nhẹ nhàng, sáng suốt, đắc lực.

Tương tự, mọi thứ từ thân này, tâm sanh diệt, vạn vật, hoàn cảnh, tình huống, nỗi khổ, niềm đau, phiền muộn... gom hết lại và quy về một mối. Tất cả chỉ là một pháp (một vật) đang đối diện trước mặt mình, bị mình biết, là thứ bên ngoài mình chứ không phải thật là mình, giống như chúng ta đang nhìn một chiếc lá rất đỗi bình thường, không khác. Mỗi thứ tuy có khác nhau, nhưng nó cùng chung một tính chất rỗng tuếch, tầm thường, không có gì, đến mức tất cả vốn chỉ như thế, không hơn không kém. Chỉ là chúng ta nhìn nó, đối diện với nó như thế nào mà thôi. Tâm bất ổn, trí không sáng, năng lượng sống bị tuột mất, tinh thần hoang mang hay mệt mỏi thì chuyện gì cũng có thể làm cho mình lo lắng và rối tung lên được. Nếu hằng ngày khéo tu tập, biết buông xuống, an nhiên, giác sáng thì tâm lực, trí lực sẽ lớn mạnh. Dù có chuyện gì xảy ra đến đâu đi nữa thì lực này cho mình có khả năng bình ổn, tự động thấy bình thường, như nhiên. Đây là nhờ vào lực tu thì tâm tự nó như thế, chứ không thể dùng phàm tâm động niệm để cố gắng hay liều mạng mà có thể đạt được.

Mới hay ra, tất cả các pháp tuy muôn hình vạn trạng, nhưng nó cũng đồng một tính chất tầm thường như nhau. Nếu tâm thiếu định tĩnh, thiếu trí lực, nhìn theo cảm xúc thì bị nó chi phối, sai sử mình, là bị cảnh chuyển. Nếu tâm đủ năng lực, thấy bình thường thì tất cả cũng chỉ là bình thường, không có gì đáng để bị chi phối cả, là đã chuyển được cảnh. Kinh Lăng Nghiêm, Phật nói: “Nếu hay chuyển vật, tức đồng Như Lai”.

 

3.GIÁC SÁNG MÀ RỖNG SUỐT, AN NHIÊN.

Phương án lâu dài.

Chỉ có năng lực của tự tánh giác mới cho chúng ta tự tại trong sanh tử. Phải bằng tự tánh vô sanh này để tu hành thì mới thành tựu được quả vị vô sanh mà chư Phật đã thành. Do đó, tu tập cốt yếu trước tiên là cần phải nhận lại tự tánh giác sáng. Đã ngộ thì tự nó hiện bày rõ ràng, lực dụng đầy đủ. Khi chưa ngộ thì khéo an lại tự tâm, sức giác sáng cũng bày ra đó, chỉ có điều chưa được sáng rỡ và mạnh như lúc ngộ mà thôi. Do đó, khéo sống bằng sức giác sáng ấy, chính là đang tu. Muốn đạt đến đó, có hai hướng: Một là ngay đây nhận thẳng. Chưa thể như thế thì phải tu tập dần dần.

3.1. Tu tập dần dần.

Như ở trên đã nói, hành giả chưa thể ngay đây nhận thẳng tự tánh giác sáng thì phải khéo léo vận dụng công phu tu tập dần. Cụ thể ngay đây buông xuống, rũ sạch để không dính mắc, sẽ đạt đến rỗng suốt, sẽ có lúc thình lình tất cả như vỡ vụn, rơi rụng và bỗng dưng bất chợt mất hút tất cả. Ngay đó toàn thể giác sáng, thể tánh hiện tiền.

3.2. Ngay đây khéo nhận.

Ngay một câu, một cảnh liền nhận thẳng, không qua suy nghĩ, học hiểu.

Ví dụ, ngay khi đang đọc những dòng chữ này, quý vị không thèm chú tâm, không phớt lờ qua, cũng không nghĩ là để tự nhiên mặc kệ. Đừng khiên cưỡng phải làm gì hay phải như thế nào đó; để tâm bình thường, thư giãn, như nhiên thì tâm ấy vốn không còn gì mà vẫn đang đọc sách. Mỗi chữ mỗi chữ rành rành rõ ràng, tự nó suốt thông biết hết ý nghĩa mà không cần khởi hiểu hay phân biệt. Tất cả đang giác sáng, hiện bày. Ngay đó khéo nhận, liền tỏ sáng bản tâm chính mình. Sống thẳng ngay bản tâm đó là chân thật tu hành, không cần tìm cầu gì khác.

3.3.Đến khi thuần thục.

Sống thẳng bản tâm cho đến khi thuần thục rồi thì thấy biết vượt thoát căn và cảnh, có và không. Không phải chờ có cảnh mới biết, mà bản tánh sáng biết sẵn đó từ vô lượng kiếp, hiện nay vẫn không thiếu. Không còn phân biệt chơn và vọng, bởi các pháp xưa nay vốn tự như như, tất cả chỉ là như thị. Các Thiền sư nói, ‘cây gậy chỉ là cây gậy’, không phân biệt nhưng vẫn biết gậy trúc hay bằng gỗ. ‘Hoa hồng là hoa hồng’, không động mà vẫn rõ ràng là loại kép hay đơn. ‘Núi chỉ là núi, sông chỉ là sông’, nhưng chẳng phải vọng động mê mờ như phàm phu, cũng chẳng phải trụ tâm kẹt tướng như kềm đè làm cho được như thị. Chỉ là mất hút các tướng của tâm của cảnh, là huyễn là chơn, tâm ta vốn tự giác sáng trùm khắp. Cuộc đời vẫn biến đổi, vạn vật đang vận hành, nhưng sức giác sáng này thấy biết tất cả mà không phải ở trên nó hoặc rời nó. Chỉ bởi toàn thể bặt tăm, thênh thang tự sáng biết. Ngay đây, tất cả vốn dĩ bình thường cho nên muôn vật không còn là chính nó. Nó ở ngôi vị của nó, không còn giao thiệp đến mình. Mình vốn là mất sạch tướng hình mà không một vệt mê, bởi tự sáng biết do đó cũng không can hệ đến vật. Vật là vật, mình là mình mà lại suốt thông, thấy biết siêu vượt muôn thứ. Kinh Pháp Hoa, Phật nói: “Thị pháp trụ pháp vị, Thế gian tướng thường trụ”.Nghĩa là, pháp ấy ở ngôi pháp, tướng thế gian thường trụ.

Tuy vật không giao thiệp mình, mình không can hệ muôn vật, nhưng đối với mỗi vật, mỗi việc, ‘tánh ấy’ đều thấy biết một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo, nhưng vẫn bất động, không thoát ra ngoài nhau. Do không can thiệp dính dáng nhau cho nên vật chẳng phải ở trong tâm. Tuy vậy, nhưng cũng không ra ngoài sự thấy biết của tâm này cho nên cũng chẳng phải ở ngoài. Không trong, không ngoài, các pháp xưa nay vốn tự vắng lặng. Dù có biến đổi, nhưng vẫn chưa từng sanh diệt bao giờ. Kinh Pháp Hoa, Phật trùng tụng: “Chư Pháp tùng bản lai, Thường tự tịch diệt tướng”. Nghĩa là, các pháp từ xưa đến nay, tướng thường tự vắng lặng. Kinh Duy Ma nói: “Không hoại các pháp thế gian mà bàn thật tướng” là vậy.

 

4.  RỜI CÁC CỰC ĐOAN.

4.1.   Vô minh và tạo tác.

Không tạo tác.

Như con rùa bò đi trên bùn, nó muốn dùng cái đuôi quét lên bùn để xóa đi dấu vết. Nhưng khi vết này được xóa đi thì lại vô tình tạo nên một vết khác. Cứ như thế, càng quét, nó càng không thoát ra được dấu vết do việc muốn xóa dấu vết tạo nên. Cũng vậy, khi tâm dính cảnh, liền có vọng tâm, đó là một pháp (vật). Rồi khởi tâm soi lại thì lại có thêm một tướng của tâm khác, cũng là một pháp. Trên pháp chồng thêm pháp, cho nên đã bị thừa ra một pháp. Cứ như thế mà loay hoay mãi trong sanh diệt. Thấy như là tu hành, nhưng còn nằm trong sự tạo tác, loạn động. Công phu như thế chỉ ở trong vọng động sanh diệt, còn đi loanh quanh bên ngoài, chưa thể khế được tự tánh vô sanh giác sáng. Do đó không đắc lực, tu hành ít tiến bộ nếu không muốn nói là chưa dính dáng gì.

Chữ tạo tác ở đây là có khởi tâm làm gì đó hoặc vụng về trong công phu. Đến như kềm, đè, chăm chú, diệt trừ vọng niệm, cho đến trụ tâm... Hễ có làm gì thành tướng đều rơi vào tạo tác.

Không phải để không tự nhiên.

Không tạo tác, nhưng cũng không phải để mặc tình, tự nhiên. Như thế sẽ bị miên man, lờ mờ, không rõ sáng, gần với vô minh.

Tóm lại.

Khi hạ thủ công phu, hành giả cần kiểm tra để rời hai cực đoan:

-  Không tạo tác: Đè né, kềm kẹp, chú tâm, buộc niệm..., như thế sẽ rơi vào tạo tác, sanh diệt, cố chấp.

Không phải để tự nhiên: Để mặc kệ, không làm gì sẽ lờ mờ, bị vô minh dày đặc.

Rời tạo tác, rời vô minh, ngay đó là chơn chánh tu hành: Nghĩa là đang sống đúng trung đạo. Sống ngay tự tánh giác sáng, không phải do làm để có vết của tướng sanh diệt, chẳng phải mặc tình, không ngơ để rơi vào lờ mờ vô minh. Đó là đang tu hành thẳng đến tự tánh, đúng pháp, mới tiến đạo.

4.2. Quá khó và dễ dãi.

Tu hành như thuyền ngược nước, không tiến thì bị tuột lùi chứ không có việc tạm dừng lại và bảo lưu. Hơn nữa, con người đang sống trong mê muội của phàm tình. Việc dễ dãi chỉ có hợp với phàm tình mới dễ được. Do đó, muốn tu hành tiến bộ thì phải rèn luyện, gọt rửa cho tan biến phàm tình thì thánh trí mới hiển lộ. Có ngay đây đốn ngộ thì phàm tình cũng phải biến tan; chứ không phải tìm chỗ hợp với sở thích của phàm tình để dung dưỡng nó mà mong có ngày ngộ đạo được.

Dễ dãi.

Nhiều vị tu hành muốn tìm nơi êm ấm hợp với quan điểm của mình. Nếu mình đã chứng đạo thì không cần tìm chỗ tu hành. Còn tìm nơi để tu thì trong tâm còn bời bời vọng niệm và phàm tình mê muội. Tìm chỗ hợp với mình là tìm nơi hợp với phàm tình, chứ không phải khế hợp đạo lý chân thật giác ngộ giải thoát.

Quá khó.

Nếu muốn dễ dãi thì đó là đem đạo tô đắp phàm tình, không thể tiến đạo. Nhưng khó quá thì quá sức chịu đựng của con người, dễ rơi vào cực đoan khác. Có nhiều vị vì ham tu quá, muốn tu cho mau ngộ đạo cho nên tâm biến thành tưởng, rơi vào cực đoan để phải bị bệnh hoạn mà không biết. Có khi Thầy Tổ khuyên bảo cũng không chịu nghe. Trốn đại chúng vào rừng làm người siêu việt. Bắt chước người xưa ăn rau đắng, cắn hạt dẻ, uống nước suối, dạo cảnh rừng, nhưng lòng lại không được như mây nổi bởi mình chưa phải Thiền sư. Được một thời gian ngắn thì mọi thứ bắt đầu tồi tệ. Bị ốm bệnh, mặt xanh, run rẩy và phải trở lại gia đình, mặc cảm không dám gặp ai.

Hoặc có nhiều vị điều hòa tốt, sống được một thời gian lâu hơn, nhưng tư tưởng cũng bị cục bộ, khó chịu, khó hòa đồng với mọi người, đó là do kềm nén. Cho đến khi già, những gì kềm nén lúc trẻ thì bây giờ sẽ bị bung lên. Những tình tệ, tập khí ngự trị và sai sử mình, uổng phí một đời tu hành mà mang lại kết quả không như mong muốn. Ý chí thì có mà cái nhìn thì bị rơi vào cực đoan, dẫn đến dụng tâm bị sai lầm.

Đức Phật dạy, người chưa đạt thiền định mà ở một mình trong chốn núi rừng sâu vắng sẽ dễ rơi vào hai cực đoan. Một là nổi trên mặt nước sân hận (tự sân, thấy cái gì cũng bực). Hai là chìm sâu dưới đáy tham ái (lòng tham ái tự mạnh và hoành hành). Đây là do cực đoan đè nén mà có ra.

Trung đạo.

-  Dễ dãi thì rơi vào sự yếu đuối của phàm tình, không thể tiến đạo.

-  Quá khó thì quá sức chịu đựng của con người, rơi vào cực đoan, dễ sanh bệnh hoạn.

-  Hơi khó một tí để nỗ lực, cố gắng rèn luyện, gọt rửa phàm tình thì tu hành sẽ tiến bộ.

4.3. Chấp giữ chỗ thanh tịnh mà thiếu giác sáng, hoạt dụng.

4.3.1. Chấp thủ chỗ vắng lặng, tịch tĩnh.

Khi tu hành đạt được thanh tịnh, vắng bặt thì hành giả cảm thấy an ổn, không động, không phiền não cho nên dễ đắm vào trong ấy. Tuy trong lặng tuyệt đối, không động dù có đang hoạt động, làm việc, nhưng vì đại pháp chưa sáng, trí chiếu phá sanh tử chưa phát huy, cho nên trong sâu thẳm vẫn còn những ngăn ngại vi tế. Thích nơi yên tĩnh, ngấm ngầm ngán mọi công việc bề bộn, rộn ràng, ồn ào, áp lực... Ngang đây chưa phát huy được lực dụng của trí, chưa được tự tại. Lúc nào trong hông ngực vẫn như có vật để gìn giữ dù đó là tâm tánh, tu hành. Vì thế các Thiền sư chưa chấp nhận. Nếu lấy đây làm chỗ an thân lập mạng sẽ bị quý ngài quở trách. Phải cầu tiến bộ, phấn chấn tinh thần tiếp tục dụng công thì mới có ngày thoát ra, thể hội đại đạo.

4.3.2. Nhập thất quá lâu, thời gian nhập thất không tương ứng với công phu, định lực.

Thời gian nhập thất chuyên tu bao lâu là tùy vào công phu và định lực của hành giả vào thời điểm ấy để quyết định. Không phải vừa sức, chẳng phải quá mức, chỉ thêm một tí so với định lực và công phu của mình thì việc tu hành trong thất sẽ được tiến bộ.

Vả lại, vào thất để tu mạnh hơn, kích phát cho chúng ta có cơ hội bừng sáng. Còn việc tiến đạo đúng mức thì không phải ở trong thất, cũng chẳng phải ngoài này. Khi công phu chín muồi thì tâm tánh bừng sáng trong bất cứ khi nào, ở bất kỳ chỗ nào, chứ không nằm trong tính toán, cố định. Bởi thể đạo vốn không động, vô sanh, không nằm trong tiên liệu, tính toán. Những suy tính, lập trình, đoán biết hay quy ước... đều là của tạo tác sanh diệt, không phải tâm tánh bất sanh bất diệt này. Ngài Linh Vân thấy hoa đào nở mà ngộ đạo. Ngài Bàn Sơn Bảo Tích thì xem người mua và bán thịt mà có tỉnh; hoặc có lần thấy đám ma, tâm ngài bừng sáng... Đâu có cố định hay tính toán?

Hơn nữa, có khi trong thất tu hành nhưng ra ngoài mới tiến bộ. Có người ở ngoài tu hành chưa tiến thì khi vào thất lại tiến bộ bất ngờ. Và thực tế là có rất nhiều quý Thầy khéo điều hòa được việc nhập thất và tu tập bên ngoài phù hợp, cho nên công phu được tiến bộ rõ rệt, viên dung, không bị thiên lệch, cực đoan. Trong thất và ngoài thất là nói đến việc dụng công trong cảnh tịnh và động. Trên hai cảnh này, khéo điều hòa và dụng công hợp lý, khế hợp trung đạo thì thể đạo bừng sáng, bất ngờ.

Đạo vốn thênh thang, tự tại vô ngại, không nằm trên hai cảnh động và tịnh, không ở trong thất hay ngoài thất. Hai môi trường ấy chỉ giúp cho hành giả cân bằng công phu tu tập để tỏ sáng đạo lý. Thực tế mà nói, không nhập thất thì chưa có cơ hội đối diện thật với chính mình, sự tu hành chưa thể mạnh mẽ, chuyên sâu để đạt đến rốt ráo. Nhưng nếu cho rằng nhập thất là quan trọng hơn và ở trong ấy quá lâu, công phu có tốt thì cũng chỉ được an sâu trong định, trí thể có mạnh, nhưng thiếu phần hoạt dụng linh thông của trí dụng, do đó chưa có cơ sống dậy. Vị này có thể ở yên rất nhiều năm, nhưng bước vào Phật sự thì lý và sự khó dung thông, tâm và vật không chan hòa, lý đạo và sự thế còn phân hai, cách ngăn, khó hòa nhập cùng đại chúng. Do còn nhiều ngăn ngại như thế cho nên cuộc sống tu hành và công việc bị trục trặc, khó khăn, thất bại nhiều mặt. Ở đây không bàn đến công việc, chỉ lấy đó làm dấu hiệu để nhận biết sự tiến đạo còn khiêm nhường, công phu chưa rốt ráo, chưa phát huy đúng tính chất của đại đạo.

Ngoài ra còn có trường hợp xấu khác. Như dễ bị rơi vào tình trạng bất chợt nổi sân một cách vô lý, khó hiểu. Nghe tiếng ồn cũng bực, người khác nói bình thường cũng sân, tiếng chim kêu, tiếng lá xào xạc cũng khiến cho mình cảm thấy khó chịu. Tất cả đều bực một cách vô lý mà chính vị ấy cũng không hiểu và kiểm soát được. Như thể là đầu óc bị lập trình sẵn sự bực tức và nó tự làm việc đó một cách rất máy móc.

Không nói thời gian dài hay ngắn, tùy theo công phu và định lực của hành giả để cân bằng giữa việc nhập thất và ra thất hợp lý thì công phu tu tập sẽ tiến bộ rất tốt.

4.3.3. Chấp thủ chỗ thanh tịnh quá lâu.

Hành giả tu hành khéo léo quá trong việc điều chỉnh đời sống tu tập cho nên mọi thứ được an ổn, thanh tịnh đến độ an toàn. Lâu ngày trở thành một lập trình khiến cho mình thích sống an phận trong sự thanh tịnh như vậy. Tu tập và sống như thế một thời gian, chúng ta dễ nhận ra nhiều dấu hiệu của việc bất cập, không tốt. Như là yếu đuối hơn khi chưa tu. Trước đây có nhiều chuyện to tác mình vẫn ổn định. Bây giờ chuyện của hàng xóm xảy ra không đáng kể, không liên quan đến mình mà vẫn bị hồi hộp không kềm được. Đối trước các tình huống, hoàn cảnh thay đổi thì thường dễ bị bồn chồn, bàng hoàng, hoang mang, sợ sệt. Đối với các quyết định thì bị do dự, chần chừ, không thể dứt khoát... Khi gặp chuyện thì dễ lo lắng, thiếu quyết đoán. Có trường hợp tệ hơn thì tinh thần và thể trạng ngày càng yếu dần. Đến mức đi đứng lựng khựng, mắt thì đờ đẩn ra, mặt thất thần; gần như người bị tâm thần. Tự mình lo lắng và hoảng sợ nhiều thứ. Đầu óc tự tưởng tượng sự việc lên mức quá đáng rồi lo lắng, lo sợ, lo ngại... Tất cả đều do chấp thủ chỗ thanh tịnh quá lâu, thích ở yên trong chỗ thanh tịnh, an toàn mà thiếu sự va chạm, thử thách để bứt phá, phát huy hoạt dụng.

Nếu ngay từ đầu không khéo léo cân chỉnh đời sống tu hành thì rất dễ rơi vào hai cực đoan. Hoặc là loạn động như người thế tục, hoặc là đắm nhiễm trong chỗ an toàn rồi rơi vào bất cập như vừa nêu trên. Người nam thì 40 tuổi, nữ thì 35 là bắt đầu chuyển biến xấu. Vì lúc này vừa mới bắt đầu chuyển biến chứ cái xấu chưa biểu hiện rõ ràng, cho nên chúng ta chưa thể nhận ra được. Cho đến 5 năm sau, người nào tinh tế soi xét lại nội tâm thì phát hiện được dấu hiệu. Nếu không sửa đổi, khoảng 10 năm sau thì bệnh bắt đầu hiện hình và điều khiển mình. Vẫn còn sửa kịp, nhưng đã đánh mất thời gian trước đó không được tu hành đúng pháp cho được tiến bộ thì sẽ tốt hơn nhiều. Nếu để khi già mới nhận ra thì tất cả sẽ khó khăn hơn. Bây giờ quen cằn nhằn thì mai kia già, thấy cái gì cũng bực bội, muộn phiền, sân si hoặc tủi thân vô cớ. Hiện tại quá kỹ lưỡng trên sự tướng thì lúc già ăn rồi lọ mọ từ việc này sang việc khác, hết gấp giấy báo cũ thì tới bì ny-lon... Bây giờ đụng đâu nói đó thì mai kia già sẽ càm ràm một mình. Còn nhiều nữa. Song song với việc dụng công tu tập, khi còn trẻ nên kiểm tra tư tưởng và hành vi của mình để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với đời sống trung đạo, mai kia già sẽ sống bằng sức sống đạo chứ không phải lẩm cẩm khổ đau một mình.

 

5.  KẾT LUẬN.

Tổ Bá Trượng nói: “Rõ biết tâm cùng cảnh vốn không đến nhau thì ngay nơi đó là giải thoát, mỗi pháp mỗi pháp ngay nơi đó là lặng lẽ, ngay nơi đó là đạo tràng”. Đức Phật dạy Bà-la-môn Hắc Chỉ buông sáu căn, sáu trần và sáu thức. Khi căn tiếp xúc với trần mà không còn thức phân biệt thì căn và trần không can thiệp nhau. Tuy vậy, nhưng vẫn thấy nghe hiểu biết tất cả một cách rõ ràng, suốt thông, không ngăn ngại; do đó căn và các cảnh không ra ngoài nhau, chẳng phải khác. Tuy không ra ngoài nhau nhưng tất cả âm thanh, sắc tướng cho đến căn và cảnh cũng không xen trộn lẫn tạp với nhau, vì thế cũng chẳng phải một. “Chẳng phải khác, chẳng phải một ”, ngay đây thấy biết như thị, vượt thoát căn trần, tự tại giải thoát. Thấy rõ và dụng công đạt đến như vậy mới học được chữ buông mà đức Phật đã chỉ bày (khai thị); là đạt được vô ngại tự tại giải thoát như chư Tổ đã nói. Tất cả các pháp từ xưa đến nay vốn tự lặng lẽ, đạo tràng chư Phật đang hiển hiện bây giờ, ở đây.

 

Phần phụ: CÂU HỎI VẬN DỤNG THỰC TIỄN

 

Câu số 1:

Thầy dạy, người tu hành trước hết phải biết buông. Thế tại sao Thầy vẫn còn nhận gạo muối mang về Thiền viện cho Đại chúng sử dụng?

- GỢI Ý TRẢ LỜI:

Khi nghe nói tu hành trước hết phải biết buông, chúng ta cần hiểu cho thật rõ những ý nghĩa cơ bản sau thì mới tránh khỏi các sai lầm trong đời sống công phu tu tập.

1.  VÌ SAO PHẢI BUÔNG?

Các pháp từ thân này, tâm sanh diệt, cho đến muôn sự muôn vật ở thế gian vốn là huyễn hóa, không thật. Nhưng chúng sanh lầm chấp cho là thật, do đó luống phải chịu nhiều khổ đau không đáng có. Vì vậy, cần phải biết rõ bản chất thật của nó và buông bớt thì mới bớt khổ, mới yên tĩnh và tu hành được.

2.  BUÔNG CÁI GÌ?

Giả sử là buông mọi thứ bên ngoài. Ví dụ chúng ta dính mắc cái bàn cho nên mang cái bàn vứt bỏ đi. Khi không có cái bàn thì dính nền nhà do đó cho người đập bỏ nền nhà. Khi đập bỏ nền nhà thì lại dính mắc đất đai, vì vậy thuê người đến đào đất bỏ đi cho khỏi dính... Tu hành buông bỏ như vậy không ổn chút nào, nếu không muốn nói là bất bình thường.

Ngược lại, vẫn cái bàn ấy, bình hoa ấy, nhưng nếu chúng ta cảm thấy rất đỗi bình thường, không chút gì dính mắc thì có cần buông bỏ gì không? Đã là bình thường thì tại sao lại phải mang bỏ đi cho bất bình thường?

Cho thấy, bảo là buông, đó là buông sự dính mắc, không để vọng tưởng phiền não tràn bờ, để chúng ta dễ bề dụng công tu tập cho tiến bộ.

3.  BUÔNG XUỐNG HAY BUÔNG BỎ?

3.1.  Buông bỏ.

Là vứt bỏ mọi thứ bên ngoài. Nếu cắn răng để buông bỏ tiền tài của cải, nhưng trong tâm lại tiếc, còn dính mắc thì vẫn như là chưa buông. Có khi còn tệ hơn người không buông mà họ lại không tham lam gì cả.

3.2.  Buông xuống.

Buông xuống là rũ xuống, không dính mắc, rỗng suốt. Cụ thể, khi chúng ta dụng công tu tập, khéo ngay đây muôn duyên buông xuống, tâm sẽ không dính mắc, sẽ được rỗng rang, sẽ có lúc như vỡ vụn, rơi rụng, không còn gì, tâm thể an nhiên – sáng rỡ hiện bày.

4.  TÙY THỜI NẮM BUÔNG TỰ TẠI.

Khi đã buông xuống đúng pháp rồi thì lúc này nắm lấy là phải? Hay buông bỏ mọi thứ mới là phải?

Bảo là buông bỏ, là do còn dính mắc cho nên mới bỏ và buông. Nói là nắm lấy, cũng do dính mắc cho nên mới giữ lấy. Khi đã buông xuống đúng pháp, không còn dính mắc thì không còn nghĩ đến là phải buông đi hay nắm lấy nữa. Chỉ là tùy thời, tùy duyên nắm buông tự tại, không ngăn ngại. Đâu cần suy nghĩ hay đặt ra vấn đề là phải cố định như thế nào. Nếu còn bảo là nên nắm giữ hay phải bỏ đi, đều chưa khỏi bị ngăn ngại, còn dính mắc.

Tâm đã không dính mắc thì có và không cũng như thế. Tánh đã hiện bày do đó tùy thời nắm lên hoặc ném xuống tự tại, tùy duyên. Cuộc sống tu hành vốn đạm bạc, giản đơn, có rau thì ăn rau, có đậu thì ăn đậu, đâu có gì đáng để suy nghĩ, đặt vấn đề?

 

Câu số 2:

Là người còn làm nhiều công việc và trách nhiệm trong đời. Nếu buông thì ai lo cho cuộc sống? Nếu không buông thì coi như không tu hành. Nếu khi tu thì buông, khi làm việc thì phải toan tính, rồi đến giờ ngồi thiền thì buông xả đi. Như vậy như chơi trò trốn chạy lòng vòng, lúc thế này, khi thế khác, công phu không tiến bộ được. Phải làm sao?

GỢI Ý TRẢ LỜI:

1. BUÔNG XUỐNG ĐỂ KHÔNG DÍNH MẮC, CHỨ KHÔNG PHẢI BUÔNG BỎ.

Các pháp vốn ở ngay vị trí của nó, tự nó không nói đẹp xấu, sang hèn; cũng không hề mời gọi con người đến tham đắm nó, cho nên muôn sự muôn vật không có lỗi. Nhưng do con người dính mắc cho nên mới có lắm chuyện rối rắm, khổ đau. Do vậy, chúng ta chỉ cần buông xuống, bớt dính mắc để bớt khổ đau là ổn. Bởi vì nếu chỉ có buông thì chưa thể dứt được cội gốc của khổ đau được.

2. LỰC CỦA TÂM ĐỦ LỚN THÌ CÁC PHÁP TỰ NHƯ NHƯ.

Vừa làm việc, vừa buông sự dính mắc, vừa tỉnh giác. Nói như thế không phải cùng một lúc làm ba việc. Chỉ cần buông thư, tỉnh sáng rồi làm việc thì cả ba chỉ là một tâm an, trí sáng, sẽ tốt cho cả việc làm và công phu tu tập. Về nhà thì sắp xếp thời gian tọa thiền. Cứ như thế theo thời gian, khi sức giác lớn dần thì sự dính mắc cũng giảm bớt, theo đó, chúng ta cũng được nhẹ bớt khổ đau, cuộc sống ngày càng tươi sáng. Cho đến khi công phu đúng mức, tự tánh hiện tiền, các pháp vốn tự như như. Lúc này có đi làm việc hay ở nhà, tâm chúng ta vẫn bình thường như thế. Sẽ hay ra, tất cả pháp đều là Phật pháp; sẽ hết khổ, tự tại, an vui. 

 

Câu số 3:

Trước một nỗi khổ tột cùng, một oan ức tột độ, gần như không thể chịu được. Chúng ta phải làm gì? Phải buông nó như thế nào?

GỢI Ý TRẢ LỜI:

1. KHÔNG PHẢI ĐỢI GẶP CHUYỆN MỚI HỌC CÁCH BUÔNG XẢ, TU HÀNH.

Không phải đợi đến khi có chuyện mới đi tìm lối sống, mới học cách buông xả và tu tập. Việc làm này phải là lẽ sống thường ngày thì mới đủ năng lực khiến cho mọi thứ trên đời không đủ sức chi phối. Cụ thể phải thấy rõ việc tu hành là cần thiết, ‘buông xuống để tâm trí an nhiên, giác sáng’ là sự sống của chính mình. Hằng ngày ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ công việc gì chúng ta cũng sống bằng tâm tu hành như thế. Biến việc tu hành thành cuộc sống, cuộc sống là tu hành, chứ không phân chia lúc sống, lúc tu, lúc làm việc khác nhau. Lâu ngày năng lực của tâm lớn dần thì tự nó hóa giải mọi chuyện trong cuộc sống, chứ không thể dùng sự cố gắng hay thủ thuật gì trong sanh diệt để dễ dàng vượt qua được ngang trái, nghịch duyên.

2. CHỈ CÓ VÔ SANH MỚI ĐỐT CHÁY ĐƯỢC SANH DIỆT.

Nắm vững nguyên lý: “Chỉ có tâm vô sanh mới đốt cháy được sanh diệt”. Từ đó, không khởi đúng, không khởi sai, nhận tất cả lỗi về mình. Không cần người khác hiểu. Không cần tâm sự hay chia sẻ với ai cả. Bởi tất cả những việc làm đó đều là động niệm sanh diệt, chỉ khiến cho chúng ta rối rắm mệt mỏi hơn lúc này. Cứ như thế, không làm, không suy nghĩ gì cả. Theo thời gian, lực tâm vô sanh nơi chính mình mạnh lên dần, mọi thứ khởi mãi rồi nó cũng mỏi và lắng xuống, mình vẫn là mình. Mọi việc sẽ ổn.

3. KHÔNG CẦN GIỮ LẠI, CHẲNG CẦN QUA NHANH.

Thông thường con người chúng ta muốn mọi thứ đều tốt, không bị xui rủi gì. Hoặc nếu có bị buồn tủi thì muốn làm sao cho nó qua thật nhanh. Ít ai có khả năng đối diện và bình thường trên nó. Nhưng cuộc đời ít khi chìu lòng người, cứ hết thử thách này vừa đi qua rồi lại đến gian nan khác, dai dẳng mãi không thôi, vì thế con người phải gánh chịu khổ đau mãi.

Trước nỗi oan ức như vừa nêu trên, chúng ta không cần níu giữ nó lại, cũng chẳng cần mong nó qua nhanh, mà tất cả chỉ là bình thường. Tất cả đang diễn ra, đang có những nỗi buồn niềm đau, nhưng mọi thứ là chuyện của nó, còn mình thì vẫn bình thường, chứ không phải được bình ổn mới bình thường. Dù lòng có buồn, tâm có khởi nghĩ lung tung, nhưng không cần trừ dẹp, cũng chẳng thèm nghĩ theo. Cứ cho nó lên phương án, còn mình thì nằm thư giãn, không thực thi. Chốc lát đi rửa mặt, sẽ thấy ra đất trời vẫn thênh thang, mình vẫn là mình. Những buồn vui tự rơi lại sau lưng, đừng thèm để ý đến. Tiếp tục công việc hằng ngày mình vẫn thường làm. Sống tiếp.

4. TRANH THỦ CẢM NHẬN, HỌC LẤY KINH NGHIỆM.

Khi người khác gặp chuyện buồn, mình sáng suốt, bình tĩnh để an ủi, khuyên bảo. Đó là do chúng ta đang ở ngoài nghiệp của người ấy cho nên mới được như vậy. Hoặc chính mình có chủ động đi tìm sự thử thách để vượt qua thì cũng chỉ là trận chiến giả định. Bởi mình đang sẵn sàng và chủ động đi tìm một sự thử thách thì mức độ và mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn. Trong trường hợp chúng ta đang bị ngang trái, oan ức tột cùng như vừa nêu trên là một trận chiến thật. Bởi nó xảy ra bất ngờ khi ta chưa chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón nhận. Bởi nó có oan ức thật chứ không phải sự giả định của đi tìm. Và nó đang đánh mình gục ngã chứ không phải đứng đó để đánh trận... Tất cả là một sự rối bời, mất thần, não nuột. Chẳng biết mình đang giận hay buồn, tủi hay hận, chán nản hoặc bi ai... Mọi người có an ủi, khuyên răn, nhưng lòng thì vẫn cứ buồn rười rượi. Sức khỏe sụt giảm, khí lực suy tàn, tinh thần bại hoại, đúng là một trận chiến, một tai nạn thật.

Tự mình phải lo cho mình, không ai giúp được lúc này cả. Lấy lại sức bình tĩnh, dù mọi thứ vẫn đang còn ngổn ngang. Phấn chấn tinh thần, nhìn lại tâm mình và vận dụng tu tập làm sao cho được ổn và tốt nhất. Tranh thủ học lấy kinh nghiệm để sau này còn giúp cho nhiều người khác bị lâm vào tình cảnh tương tự. Nhìn nhận và thực hành như thế, bỗng dưng thấy ổn hẳn ra. Như vậy là đã biến tai nạn thành cơ hội tốt.

5. KẾT QUẢ CUỐI CÙNG.

Khéo léo vận dụng, cố gắng nỗ lực làm theo tất cả những gì vừa nêu trên. Theo thời gian, tâm tự hồi phục rồi dần an định trở lại. Mới hay ra, mọi thứ hãy còn đó và mình vẫn là mình. Bởi tâm mình đủ lớn mạnh thì các pháp, mọi chuyện trên đời tự nó bình thường, không hơn không kém.

Sông bây giờ mới đáp tiếng mênh mông,

Còn đủ cả và hóa thành bất tử.

Những con sóng đã vỗ vào lịch sử,

Vào hồn tôi cho tôi mãi anh hùng.

Dòng sông xưa nay vẫn đêm ngày miệt mài trôi chảy êm đềm và mênh mông như thế. Nhưng con người lắm bận bịu ngược xuôi; hoặc đã có lúc do nỗi oan ức ngập trời khiến tâm ta trở nên mờ tối, không còn nhận ra sự mênh mông ấy. Nay đây qua rồi, mới nhận ra sự yên ả con sông quê; như bây giờ mới đáp tiếng mênh mông dù trước đó đã sẵn.

Không phải đã quên mất đi nỗi trái ngang, sai đúng. Cũng chẳng phải nó còn giá trị để chúng ta bận bịu như trước đây. Tất cả hãy còn, nhưng đã hóa thành bất sanh bất diệt. Bởi mọi chuyện dù có thế nào đi chăng nữa, lòng ta vẫn tự như nhiên, chứ không đợi tất cả toàn không, ta mới được.

Những chuyện vui buồn như những đợt sóng. Tất cả đã vỗ vào lịch sử, vào cuộc đời, vào mọi người và vào cả chính ta. Nó vỗ vào lòng mình chỉ khiến cho mình lớn mạnh. Trí tuệ phát huy diệu dụng bất tư nghì, sẽ có ra nhiều viên thuốc kháng sinh để trao tặng cho những ai hữu duyên lâm nạn.

Nên biết, chính những nghịch duyên mới làm nên công hạnh thù thắng của bậc Bồ tát hành Phật đạo. Nếu thiếu nó thì không thể tu hành thành Phật được.

 

Câu số 4:

Trước thời đại công nghệ phát triển, nếu thích thú thì mất mình, tan chảy; nếu quay lưng thì bị lạc hậu, tự đào thải. Phải làm sao?

GỢI Ý TRẢ LỜI:

1.  XÁC ĐỊNH VẤN ĐỀ.

1.1. Phát triển cái gì? Phục vụ mặt nào? Cho ai?

Nói là phát triển, vậy đang phát triển cái gì? Phục vụ mặt nào? Cho ai?

Chỉ là phát triển công nghệ. Phục vụ tiện nghi, đời sống vật chất. Và cho con người.

Hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, có nhiều thứ đến độ dư thừa. Nhưng vẫn chưa đủ cho con người sống đời hoàn hảo, tốt đẹp; vẫn còn đó nhiều vấn nạn và bất cập. Vậy, thực chất con người cần thêm gì nữa thì cuộc sống của nhân loại mới ổn định?

1.2. Con người cần gì?

Nếu chỉ có vật chất, ngoài ra không có gì khác thì chúng ta có còn nhận ra mình là con người nữa hay không? Chắc chắn là không, bởi cuộc sống của chúng ta còn cần nhiều thứ khác nữa. Vậy con người cần gì?

Muốn xã hội con người có đời sống ổn định thì cần có đầy đủ ba tiêu chí cơ bản. Đó là đời sống vật chất, đời sống tinh thần và đời sống đạo đức (hệ giá trị cuộc sống). Thiếu một trong ba tiêu chí trên, sự phát triển của xã hội sẽ chông chênh, thiếu cân bằng. Ví dụ vật chất phát triển mà đạo đức không theo kịp thì tai họa, để lại nhiều vấn nạn khó lường...

2.  XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ VẬT CHẤT.

2.1. Muôn vật chưa lìa vô thường sanh diệt.

Xưa nay không có gì tồn tại mãi, tất cả đều thuộc vô thường, chưa lìa sanh diệt. Trong Kinh, Phật diễn tả cõi Trời nhìn trần gian này như chúng ta nhìn vào hũ mắm đầy giòi lúc nhúc vậy. Chính khi mọi vật đang có, nhưng bản thân nó không tự có mà phải  nhờ vào nhiều yếu tố nhân duyên hợp lại mới thành. Vì vậy nó không chắc thật, toàn là huyễn hóa. Thấy sâu, suốt tột lẽ thật như thế cho nên chúng ta không còn bị mọi thứ trên đời trói buộc và dính mắc. Đã không dính mắc thì không còn bị các pháp làm ngăn ngại.

2.2. Vạn vật vốn vô tri, tự nó không nói nó là lạc hậu hay hiện đại.

Vạn vật chỉ là những thứ vô tri. Nó không tự nói nó là sang cả, hiện đại; cũng không hề rủ rê con người đến dính mắc nó để lấy đó làm đẳng cấp, thượng lưu. Chiếc điện thoại thông minh mắc tiền mà không có sự nhận biết của con người thì chẳng khác nào cục sắt. Trí tuệ nhân tạo có siêu đến đâu cũng phải đợi chúng ta cài đặt, bảo nó thông minh thì nó mới được thông minh siêu xuất. Tất cả đều là thứ của con người tạo ra. Nó không thể có giá trị hơn chủ nhân tạo ra nó để làm cho chúng ta vất vả khổ đau được. Chỉ tại con người phân biệt rồi sanh tâm dính mắc trên mọi thứ, để rồi tất cả mọi rắc rối đau khổ đều từ đây mà có ra.

3.  TIÊU CHÍ RÈN LUYỆN ĐỂ VƯỢT LÊN TẤT CẢ.

3.1. Cái gì thiếu nó mà không chết thì không cần.

Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta cần rất nhiều thứ chưa thực sự cần. Trong lòng lúc nào cũng cảm thấy thiếu mặc dù trong nhà đang có rất nhiều vật dụng thừa thãi không dùng hết. Nếu xét lại, điều mình muốn thì có thể nhiều, nhưng điều chúng ta cần thì rất giản dị. Tối giản đến mức “Hễ cái gì thiếu nó mà mình không chết thì chưa thực sự cần”. Không cần không có nghĩa là không sử dụng. Mà có thì sử dụng, càng tốt. Nếu chưa đủ duyên để có nó, cũng không sao. Nhìn nhận và sống như vậy thì cuộc sống sẽ thanh thản, ổn định, sự phát triển được tốt đẹp, bền vững.

3.2. Không cho phép mình thích hay không thích bất kỳ một điều gì.

Gặp điều ưng ý thì vui mừng đến la hét, nhảy cẫng lên. Gặp người không hợp với mình thì lòng liền khó chịu, mặt xụ xuống. Đó là chúng ta đã quá dễ dãi cho phép mình buồn vui trên ngoại cảnh. Ban đầu thì mình chủ động, thích thì vui, không thích thì buồn. Nhưng lâu ngày đã thành quán tính, thói quen thì nó sẽ có sức mạnh rất lớn và chi phối mình, khiến cho chúng ta có muốn hết buồn cũng khó được. Đây là do con người đã quá dễ dãi với những nỗi buồn niềm vui, để nó có quyền sai sử khiến cho mình phải khổ đau vì nó. Mới thấy, cho phép mình thích và không thích, đó là chìu uốn theo phàm tình, sẽ làm cho mình bị yếu đi, khổ sở, là tự mình đánh gục chính bản thân mình.

“Không ai, không có cái gì có thể làm cho mình buồn phiền, nếu chúng ta không cho phép”. Nếu không cho phép mình thích hay không thích bất kỳ một điều gì thì trước mắt sẽ bớt bị những lệ thuộc, ràng buộc không cần thiết. Sống như thế lâu ngày sẽ làm cho tâm lực được mạnh lên, sẽ giúp cho chúng ta vững chãi, tự tin trong cuộc sống.

3.3. Lòng rộng thì tự tại vô ngại.

Đã biết, muôn sự muôn vật ở thế gian vốn nó là như vậy. Nó không tự nói là quý báu hay tồi tệ, cũng không biết gọi con người đến để nhận biết và phân chia đẳng cấp. Nó chỉ là nó. Và cũng chỉ là những thứ hư hoại, không bền chắc. Nếu tâm lực của chúng ta yếu hơn vật chất thì dù có thích thú hoặc quay lưng, làm thinh, hay có làm bất cứ gì đi nữa, cũng không khỏi bị dính mắc, chi phối. Do đây cho nên dễ bị rơi vào sai lầm và đau khổ như nhau. Ngược lại, nếu tâm mình đủ lớn thì mọi thứ bên ngoài dù tân tiến hiện đại đến mức nào, đối với chúng ta cũng chỉ là bình thường. Do đó, làm gì cũng hợp lý, cũng phải cả. Không bị sai lầm, trả giá, khổ đau.

Người được sanh ra vào thời xa xưa thì thích cổ điển, bởi đã trải qua nhiều năm quen nghe, nhìn và cảm nhận theo cách ấy. Quý vị trẻ hiện tại thì không biết cuộc sống của thời xưa, chỉ thấy những gì đang diễn ra cho nên thích kiểu của hiện đại. Và nếu quý vị lớn tuổi sau khi qua đời, tái sanh lại thì cũng sẽ thích theo cách hiện đại của những gì trong thời mình lớn lên sau này mà thôi. Không có cái gì cố định đúng, cũng chẳng có ai hoàn toàn sai. Tất cả đều đã do môi trường và hoàn cảnh xã hội tác động mà hình thành nên nếp nghĩ, cách nhìn của con người, vào mỗi thời điểm không đồng nhau như thế. Nếu tĩnh tâm lại, sẽ thấy rõ mọi việc trên đời này vốn tương đối. Bằng tâm vắng lặng mà sáng biết, tâm này lớn rộng thênh thang không ngằn mé, sẽ không dính mắc, cũng chẳng phải quay lưng, chúng ta sẽ hiểu biết, cảm thông cho nên dung chứa và khéo léo tùy thời vận dụng được hết cả cổ lẫn kim, để đưa đến một cuộc sống mỹ mãn.

“Quảng đại vu hoài năng dung kim cổ”. Nghĩa là “Lòng mình đủ rộng, thì hay dung hết cổ kim”. Tâm đã an, trí đã sáng, niềm lạc an sâu kín nhưng ngập tràn vô biên, đất trời thênh thênh không giới hạn. Lúc này, muôn sự muôn vật như tự nhiên được trả lại ngay chính ngôi vị ban đầu của nó. Không có vật sang cả, không có vật tồi tàn. Trắng là trắng, vàng là vàng... tất cả chỉ là như thị. Ngày mai có văn minh hiện đại hơn nữa thì trân trọng, tôn trọng tất cả, nhưng không quan trọng. Nếu nhỡ có tồi tệ đến mức nào thì mình vẫn sống tốt, cũng chỉ là như thế mà thôi. Có gì làm ngăn ngại chúng ta được đâu mà phải bàn đến việc quay lưng hay thích thú với cuộc thế?

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 44680
  • Online: 72