Dụng thẳng tâm thiền

02/12/2014 | Lượt xem: 4119

ĐĐ.Thích Tâm Hạnh

Thưa quý Phật tử, chúng ta là người học thiền, tu thiền nhiều năm, quý vị cũng đã nghe định nghĩa nhiều về thiền, có khi lại thuộc lòng nhiều hơn cả quý Thầy. Có những vị rất giỏi nhưng chúng ta bị rơi vào trong lý luận, ý thức và dừng lại ở đó mãi. Biết đây là vọng tưởng, kia là chân tâm, đây là phiền não, kia là Niết bàn nhưng cứ lúng túng, quanh quẩn trong đó mãi mà không biết cách thoát ra. Tình cảm, trách nhiệm với gia đình không thể xuất gia được cũng là luẩn quẩn. Ngồi thiền vọng tưởng nhiều quá, không thoát ly được cũng là luẩn quẩn. Vì sao như vậy? Quý vị nên nhớ, khi quý Thầy nói cũng vậy, quý Thầy nói cho hiểu hay chỉ cho thấy, quý vị nghe để nhận hay nghe để ghi nhớ, hiểu về? Đây là hai vấn đề khác nhau.

Ví dụ khi quý Thầy hỏi Thiền là gì, có lẽ rất nhiều người trả lời được. Thiền tiếng Phạn là thiền na, Trung Hoa dịch là tĩnh lự, dừng lại các vọng tưởng, đó là Thiền. Một định nghĩa rất rạch ròi, rõ ràng, có sách vở, có chứng cứ, ai cũng thuộc lòng. Nhưng đó là nói cho hiểu về Thiền và quý vị đang định nghĩa về thiền, nhưng chính mình lại không biết thiền là gì hết. Đây gọi là “tri kiến lập tri, tức vô minh bổn”, tức là mình nghe hiểu lại lập thêm một cái nghe hiểu để nhớ thì đó là chồng thêm vô minh. Vô minh ở đâu? Mình không nhận ra thiền, không nhận ra tánh Phật là vô minh chứ còn gì nữa. Cái tri thức, cái định nghĩa, cái kiến thức đó nó lấp đi khả năng nhận ra tánh giác của mình khiến chúng ta mê mờ, cho nên đó là vô minh. Chính anh này làm cho mình bị luẩn quẩn, lúng túng và khổ đau.

Một cách khác, quý Thầy không cần định nghĩa như vậy mà chỉ nói thế này: Ví dụ quý vị là thầy giáo đứng lớp, với một tập giáo án đã giảng dạy mấy mươi năm, thậm chí thuộc lòng, nhưng một buổi sáng thức dậy, tự dưng cảm thấy người mệt mỏi, trong nhà lại có việc không vui, lên lớp thấy học sinh không vừa lòng, rồi bị đồng nghiệp hiểu lầm, trong người căng thẳng, tinh thần không thoải mái. Quý vị bước lên bục giảng, cố gắng giảng cho xong tiết đó nhưng mà nói có bị lộn không? À, nói lộn xộn, sót trước sót sau, nói xong rồi xuống thấy mình hãy còn có những điều sai sót hoặc chưa nói hết. Cũng tập giáo án đó, nhưng một buổi sáng tỉnh dậy thấy người thanh thản, mọi thứ thấy có vẻ mát mẻ, trong lành, yên tĩnh, trong nhà vui vẻ, đến trường đồng nghiệp thông cảm, vào lớp thấy học trò ngoan, để tập giáo án xuống tự dưng trong lòng có một cái gì phấn khởi, phấn chấn, quý vị nói suốt buổi không cần nhìn giáo án, mà tự dưng phát minh ra những ý mới không có trong giáo trình đã soạn mấy chục năm nay. Quý vị thấy có trường hợp đó không?

Qua hai hình ảnh đó, chúng ta rút ra một kết luận: Khi nào cảnh động tâm động, đầu sẽ mỏi, trí không sáng thì mọi chuyện sẽ rối tung và bực mình, như vậy là khổ đau, phiền não có ra. Cũng do khổ đau đó, chúng ta tạo bao thứ nghiệp cho nên sanh tử cũng từ đó mà ra. Ngược lại trong cảnh yên tĩnh, tâm tịnh, đầu thoải mái, trí mạnh và sáng, ở trạng thái lặng thì trí tuệ phát huy một cách đúng mức cho nên ngay đó quý Thầy tạm đặt cho nó một cái tên là Thiền. Dễ hiểu không? Như vậy, quý Thầy không định nghĩa nữa mà chỉ dẫn giải tư tưởng từ từ cho quý vị thấy: Yên lặng, mình vừa yên lặng liền phải không? Trí mạnh, quý vị thấy nó mạnh mẽ phải không? Sáng suốt, quý vị thấy sáng suốt không? Lặng mà sáng, đó là thiền, quý vị sẽ nói: À, mình có thiền. Đây là chỉ cho thấy. Quý vị không nghe theo nữa mà theo lời dẫn giải của quý Thầy, quý vị cảm nhận ngay tâm mình có thiền. Thì quý vị phải học đạo theo cách này. Cảm nhận rồi, chúng ta sống thẳng trong đó chứ không còn phân biệt đây là tâm thiền, kia là vọng tưởng, từ đó chúng ta mới có được phần nào an ổn.

Ví dụ cụ thể: Trên một đoạn đường sa mạc nắng, nóng, đói, khát cùng cực, quý vị trên tay có một ly nước lã và đi theo sau quý Thầy. Quý Thầy nhắc nhở ly nước lã đó là giả, đừng uống. Quý vị cũng nói là giả, nhưng khi quý Thầy đi trước, sau lưng mình khát quá nên nếm một miếng thấy ngon quá trời. Nói là giả, nhưng khát quá thì cứ uống một miếng cho đỡ khát, ngon quá mà. Ngược lại khi về thành phố, quý vị được ăn no những món sơn hào hải vị, uống những thức uống ngon nhất, lúc đó nếu có ai đó mời uống một ly nước lã xã giao, quý vị cũng uống được mà có thấy ngon không? Không. Là một ly nước lã nhưng khi chúng ta đói thì dù quý Thầy có nói giả, đừng uống, quý vị cũng lén uống phải không? Nhưng khi đã no rồi thì không cần ai cấm, chúng ta cũng không uống, nếu gặp lúc phải uống thì nó cũng bình thường, có nghĩa là uống và không uống giống nhau.

Cũng vậy, buồn, thương, giận, ghét, hơn, thua, phải, trái, được, mất, vv…nó là một ly nước lã, nhưng lâu nay chúng ta bị nó hấp dẫn, chi phối là vì sao? Vì chúng ta đang đói với thượng vị chánh pháp, có nghĩa là chúng ta chưa nhận nhiều chất giác nơi mình, bởi vậy mà bụng bị trống, đói, vì thế bị những thứ “nước lã” kia hấp dẫn mình. Quý Thầy có nói giả, quý vị ngồi đây nghe, gật đầu, cũng nói giả nhưng về nhà mà đụng vô thì ăn thua đủ, không giả tý nào. Tại vì đói nên quay lưng là lén uống liền. Bây giờ không làm gì hết, chúng ta chỉ cần ăn no cái thượng vị giác này thì những thứ kia chúng ta không cần bỏ mà tự nó mất giá trị với mình, giống như một ly nước lã, khi chúng ta đã no rồi thì không nói tới uống hay không uống, cho nên uống và không uống giống nhau. Như vậy quý vị có cần luận rằng phải dẹp hết trần gian mới có Niết bàn không? Có và không có đều đồng một thể, không phân tâm, vẫn giác sáng, sắc tức thị không, nó đâu có dính dáng gì mà bàn là có hay là không.

Cũng thế, khi quý vị đã đầy đủ sức giác rồi thì tự khắc những thứ kia mất giá trị với mình. Khi đó chúng ta được an ổn và tự là giải thoát chứ không trốn tránh, sợ phiền não nữa, mọi thứ đều là bình thường thôi. Rất đơn giản. Lấy một ví dụ cho dễ hiểu, quý vị vừa bất giác, loạn tâm một chút thì trong người mình bắt đầu động. Nếu từ sáng chúng ta cứ động như thế, rồi trưa nó sẽ tăng cường độ hơn, đến 4-5h chiều trời nắng nóng bực bội, ray rứt, ai đụng tới thì mình có nảy lửa không? Nảy lửa là phiền não có ra. Muốn đè xuống có được không? Không được. Như vậy lòng sân đó đã ngự trị, đã khống chế và lái chúng ta đi vào chỗ khổ rồi. Bây giờ quý vị chỉ cần giác tỉnh trở lại. Sáng quý vị tỉnh táo, giờ đang ngồi đây cũng giác ngộ tỉnh táo, về nhà quý vị cũng giác được như thế thì khi những việc bất như ý xảy ra, quý vị có dễ bực mình không? Không dễ dàng. Cho nên mới thấy khi sức giác thường trực thì những thứ kia tự nó mất giá trị, không chi phối được mình. Như vậy chúng ta không phải trừ khử nó mà chỉ cần đưa nó vào chỗ không còn giá trị, trong nhà Phật gọi đó là “vô tác thị thành”, không làm gì hết là tu. Không làm gì hết không có nghĩa là ở không, nếu quý vị có dẹp trừ phiền não là đã có làm rồi.

Lâu nay chúng ta thường trách mọi thứ là phiền não, khổ đau nên muốn dẹp trừ nó. Thấy vọng tưởng là loạn động, muốn dẹp trừ nó để có tánh giác an định. Điều đó đúng, nhưng nếu quý vị dụng công theo cách loại trừ mà quan trọng một cách thái quá thì vô hình chung chúng ta lại tạo tác nữa rồi. Giống như một con rùa muốn lấy đuôi quét sạch bùn, nhưng khi vừa quét vết này thì chính đuôi của nó lại tạo ra một vết khác, cho nên vết chồng vết. Cũng vậy, quý vị thấy vọng tưởng muốn dẹp trừ nó thì lại là có vọng tưởng. Chúng ta dụng công chưa rời vọng cho nên khổ mãi trong vọng. Quý Thầy hay nói, uống thuốc trụ sinh thì phải cho thêm thuốc bổ. Ví dụ quý vị bị bệnh gì đó, bác sĩ cho uống thuốc trụ sinh mà không cho uống thuốc bổ, quý vị có chịu nổi không? Chúng ta triệt vi khuẩn lại triệt luôn cả sức mình, không có kháng thể thì chúng ta gục ngã, có nghĩa là vi trùng chết thì chúng ta cũng chết theo. Đây là phương pháp mà hiện nay nhiều thiền sinh đang áp dụng, triệt cả ta lẫn địch, có nghĩa là lo triệt mà không uống thuốc bổ. Giờ quý Thầy chỉ cần cho quý vị thêm một viên thuốc bổ nữa thôi là quý vị sẽ thành công. Thêm như thế nào? Trước mắt, đối với sáu căn không dính sáu trần, chúng ta tạm ngăn ngừa. Vì sao gọi là tạm? Vì quý vị có ngăn thì chưa phải là nó, nhưng nếu không ngăn thì phiền não, sanh tử có ra cho nên buộc lòng tạm ngăn, có nghĩa là phương pháp tạm thời, lấy ngắn nuôi dài. Với vọng tưởng phiền não, quý vị tạm không theo nó. Tạm có nghĩa là một cách tạm làm chứ không phải là cách rốt ráo mà quý vị có thể dùng để làm nên việc giác ngộ được.

Mặt khác, việc tu chính là lúc nào quý vị cũng phải GIÁC TỈNH trở lại. Khi giác tỉnh trở lại thì nó mới trở lại tánh giác. Và ở trong ngôi nhà chánh giác, tánh giác này lâu ngày đủ lực tăng trưởng lên, đó là quý vị đang uống thuốc bổ. Chính kháng thể này đủ mạnh thì vi khuẩn kia tự vô giá trị cho nên chúng ta lành bệnh nhanh. Chính chất giác này đủ lớn thì phiền não sanh tử chúng ta không cần trừ nữa mà nó tự không còn giá trị với mình, cho nên chúng ta tự là giải thoát. Quý vị nhớ, ngăn ngừa bớt sự dính mắc, đó là tạm thời, còn việc chính là chúng ta phải giác trở lại.

 

Ví dụ thế này, khi quý vị đi trên một đoạn đường nắng, nóng, bực bội, khó chịu vô cùng, gặp những chuyện bứt rứt trong lòng không thoải mái, dồn cho tới 4-5h chiều căng thẳng vô cùng. Về nhà chưa hết mệt, con cháu gặp mình cũng không thèm chào, lúc đi ngang nó lại đóng cửa cái Rầm. Quý vị có bực không? À, nó sôi sùng sục lên. Mình nghĩ: “Thôi, phiền não là giả, bỏ đi”, bỏ được không? Nó đang cuộn lên, bỏ không được. Rồi nói: “Con cháu vô ý thôi, bỏ qua đi”, bỏ qua được không? Không được. Đầu nghĩ một việc mà tâm mình một lẽ. Đó là hành động đóng cửa kia đã ngự trị, khống chế khiến chúng ta khổ đau rồi. Ngược lại, quý vị ở đây nghe giảng vui vẻ, tu tập một ngày an lạc, về nhà con cháu bưng nước ra mời uống, lấy khăn lạnh mời lau, lỡ đi ngang đóng cửa mạnh tay một chút, quý vị có bực không? Không, trong đầu mình không khởi gì hết, đừng nói là bực, mình có để ý đâu mà bực. Từ đó thấy rằng, khi chúng ta để tâm mình động thì đầu sẽ mỏi, mỏi một chút sẽ nhân lên, khi nhân lên thì cảnh kia sẽ chi phối trọn vẹn chúng ta, đau khổ từ đó có ra. Cho nên trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật nói: “Nhọc tánh Bồ đề thì sanh phiền não”, tức là tánh Bồ đề nhọc thì sanh phiền não chứ phiền não không có chỗ sanh. Ngồi đây tìm phiền não có ra không? Không có. Nhưng khi tánh Bồ đề nhọc thì phiền não có. Cho nên phiền não không thật, miễn là đừng để tánh Bồ đề nhọc thì nó không có. Quý vị thấy dễ không? Khi quý vị giác tỉnh thì hành động đóng cửa kia có mà dường không có, như vậy nó tự mất giá trị với mình, ngay đó chúng ta giải thoát. Vậy quý vị có pháp nào trừ nó đi không? Nó có nhưng đồng với không có thì chúng ta đang giải thoát rồi, nó có chi phối đâu mà phải trừ. Hành động đóng cửa kia là ví dụ cho tất cả những sự việc trên đời này, nếu chúng ta bằng tâm giác tỉnh thì những sự việc đó không đủ sức chi phối mình. Cho nên bây giờ quý vị phải biết cách uống thêm thuốc bổ vào, nghĩa là phải tăng thêm sức giác. Và cách trừ phiền não là quý vị phải đưa phiền não đến chỗ không còn giá trị với mình nữa. Lâu nay quý vị cứ thấy phiền não là thật, sợ nó và phải dẹp nó, như vậy là nó đang có giá trị với mình thì quý vị không bao giờ dẹp được.

 

Chúng ta tu hành có khi bị say sưa với lý thuyết, say sưa với sự học hỏi. Tất nhiên ban đầu chưa biết thì cần phải học, nhưng khi đã biết rồi thì quên sở học đi mà phải biết ứng dụng cái gì là lời Phật Tổ chỉ dạy ngay nơi chính mình. Đằng này chúng ta học lớp một được học sinh giỏi, thích quá nên ngồi lại lớp một mãi, năm nào cũng lãnh thưởng mà quên lên lớp, cứ say sưa với chiến thắng. Bỏ lớp một đi, lên lớp hai mà học, rồi dần dần lên đại học, thạc sĩ, tiến sĩ… Bởi vậy quý vị phải hóa giải và trở lại tu tập nơi mình, sau đó chúng ta phải cảm nhận. Ví dụ khi nghe quý Thầy giảng, nếu quý vị bị phân tâm bởi cái gì đó thì bị vọng tưởng, thế là quý vị tự nhắc mình đừng vọng tưởng nữa, chú tâm nghe Thầy giảng. Chú tâm, lắng lòng, để ý nghe giảng. Quý vị có thanh tịnh không? Thanh tịnh, nhưng bước ra ngoài có thanh tịnh không? Không. Nếu cái thanh tịnh này đủ lớn, chắc thực thì bước ra đằng kia chúng ta cũng phải thanh tịnh, đằng này quý vị ngồi đây thì có thanh tịnh, nhưng bước ra đằng kia thì không còn thanh tịnh nữa. Vậy thì cái thanh tịnh này không đủ sức để bảo kê cho cả cuộc sanh tử của đời mình. Vì vậy nó chỉ là tướng thanh tịnh tạm thời chứ không phải là sự thanh tịnh tuyệt đối trong nhà Thiền. Chỗ này nếu chúng ta không nhận rõ thì rất dễ bị nhầm lẫn.

Vì sao Quý Thầy nói nó chỉ là tạm thời? Khi quý vị lắng lòng, chú tâm nghe quý Thầy giảng thì có thanh tịnh, nhưng lắng lòng, chú tâm có nghĩa là quý vị đang bỏ mất chính mình mà theo lời này, tưởng là thanh tịnh nhưng nó lại là một trạng thái quên mình theo vật. Cho nên nghe quý Thầy nói giả, quý vị lại dùng cái hiểu này để hiểu về cái giả, như vậy là lại sanh một tướng giả thứ hai. Nghe nói là huyễn hóa thì chúng ta lại dùng cái hiểu này hiểu về huyễn hóa kia cho nên nó lại sanh một tướng huyễn hóa khác. Vì vậy suốt đời chúng ta cứ ngâm mình trong huyễn hóa mãi mà không ra được, đấy là cái khổ triền miên. Giống một con cá ở trong nước thì dù có vùng vẫy cách mấy nó cũng không ra khỏi nước, ướt vẫn là ướt. Nếu là một con rùa ra khỏi nước, lên đất bằng rồi thì còn ướt không? Khô vẫn là khô. Cũng thế, chúng ta cứ sanh hiểu để hiểu về một vấn đề gì đó thì chính cái hiểu đó lại là vọng tưởng. Với lớp một, chúng ta hiểu giỏi, nhớ giỏi thì được lãnh phần thưởng xuất sắc. Nhưng với đại học, nếu hiểu giỏi, nhớ giỏi thì lại là ở lại lớp mà không lên lớp được.

Cho nên mức độ thô phù thứ nhất chúng ta bị vấp phải là dùng cái hiểu để hiểu về một vấn đề và nắm nó mãi, cho nên chúng ta cứ trôi lăn trong cái huyễn vọng đó giống như con cá ngâm trong nước, nhảy chỗ nào cũng là ướt. Chúng ta ở trong vọng mà tu tập thì tu kiểu nào cũng chỉ là vọng mà thôi. Ở trong vọng, còn bị chi phối bởi vọng thì còn sanh diệt, mà sanh diệt còn, vọng tưởng còn thì khổ triền miên không hết. Mà rõ ràng tới hôm nay, nếu không khéo dụng công thì quý vị thấy mình vẫn còn bị vọng tưởng chi phối phải không?

Qua cấp độ thứ hai là quý vị chú tâm thì thanh tịnh, làm cái gì biết cái đó, nhưng khi buông ra thì nó không còn thanh tịnh nữa. Cho nên cái này tạm thời thanh tịnh, là tướng của tịnh, là chỗ các Thiền sư chưa chấp nhận. Cái tịnh này không đủ lớn để bảo kê cho sự sanh tử khổ đau của mình cho nên nó không thật. Bởi vậy Ngài Đại Huệ Tông Cảo nói: Thấy huynh đó đúng là dòng Lâm Tế nhưng lại giống như vàng, nhìn thì đẹp song đưa vào lửa thì lại chảy không còn. Vì sao? Ngồi thì thấy nghiêm trang, tu thì rất thanh tịnh, nhưng bước ra thì không làm chủ được. Cụ thể, quý vị học đạo, ngồi trong thiền đường thì thấy có mà bước ra ngoài thì không, ngồi nghe pháp thì gật gù, giác ngộ mà ra ngoài thì không. Chú ý, lắng lòng nghe thì có mà bước ra ngoài thì không. Đây chính là chỗ hở khiến chúng ta chưa thoát khỏi sanh tử. Bây giờ thoát làm sao? Không làm gì hết, trả lại một trạng thái bình thường. Không cố ý bỏ lời này, không có ý lắng lòng theo lời này, không cần hiểu lời này, quý vị cứ an tĩnh bình thường. Nghe không? Cái tự nghe này là thường trực. Cho nên bằng cái tâm này quý vị bước ra đâu cũng là hắn, ở trong đây cũng là hắn. Nhận được cái đó là con ngỗng chúa đang uống sữa mà tách nước ra.

Tại vì cái tịnh tuyệt đối vẫn còn thiếu một sự phát minh À lên, một sự sống động trong đó thì nước và sữa vẫn còn hòa lẫn, chưa tách ra được. Quý vị chỉ cần thấy rằng, khi lắng đó nó vẫn là một trạng thái không khéo, mất mình mà theo một đối tượng. Không chỉ là lời nói, có khi nó cũng là một tướng của tịnh chúng ta đang giữ, mà bất kỳ cái gì có đối tượng, dù đó là tướng tịnh thì vẫn còn là “ở trong nước”. Chỉ cần giác trở lại thì toàn thể hiển bày, sữa nước rõ ràng. Cho nên quý vị chỉ cần tỉnh trở lại thì tự nó sáng biết. Khi tự sáng biết, quý vị không nhất thiết phải suy nghĩ về một vấn đề gì mà tự nó thông. Quý vị thấy nãy giờ quý Thầy nói chuyện có tờ giấy về đề tài nào trong tay không? Nếu quý Thầy cứ muốn nói về một vấn đề gì đó, cứ lo lắng hoặc chú tâm hay giữ về một vấn đề nào đó thì nó sẽ không thông. Nhưng nếu ở một trạng thái giác toàn thể và không gì hết thì tự nó ra một cách rất trôi chảy. Quý Thầy nói đây để quý vị có một niềm tin là nó rất dễ, không khó, chẳng qua chúng ta chưa nắm được chìa khóa và chưa dùng thử thôi, nếu quý vị biết rồi và dùng thử thì không khó. Quý Thầy hay nói chuyện thực tế một chút chứ nói đạo lý quá, nhiều vị nghĩ là chắc Phật pháp chỉ có các Thầy mới tu được, còn mình ở ngoài đời lắm chuyện sợ tu không được. Nhưng ông Nguyễn Công Trứ cũng chỉ là một người thế gian, không phải thầy tu nhưng lại nói được những điều rất hay.

Trong bài thơ “Nhàn” của ông Nguyễn Công Trứ có bốn câu:

Ngã kim nhật tại tọa chi địa,

Cổ chi nhân tằng tiên ngã tọa chi

Ngàn muôn năm âu cũng thế ni,

Ai hay hát mà ai hay nghe hát?

Nghĩa là chỗ hôm nay ông ngồi đó, trí tuệ ông đạt được thì các bậc tiền bối từ ngàn xưa cũng đã đạt được, và cho đến muôn ngàn năm sau ai có phát minh gì hay hơn nữa thì cũng chỉ có chỗ đó mà thôi. Chỗ đó là gì? Là “ai hay hát mà ai hay nghe hát?”. Hôm nay quý Thầy nói đây, quý Thầy có nghe không? Nghe. Quý vị miệng trả lời: “Nghe” mà lỗ tai có nghe không? Nghe. Vậy ai nói và ai nghe? Nếu chữ “Ai” này, quý vị vừa suy nghĩ “ai nói, ai nghe” thì đã bị mắc bẫy rồi, đã bị kế “điệu hổ ly sơn” kéo con cọp mình đi ra khỏi rừng rồi. Đó là do chúng ta đã phân biệt. Đâu thể nào có hai thực thể tồn tại cùng lúc trong một con người. Cho nên nói và nghe cũng chỉ có một người thôi, nghe “ai nói, ai nghe” mà suy nghĩ là đã bị phân hai, bị gạt, bị điều ra khỏi núi rồi. Chỉ cần không nghĩ gì hết, biết bị bẫy, cười như vậy, nói, nghe, tự tại, nó lưu thông đâu có vướng ngại gì, đâu phải suy nghĩ ai nói ai nghe.

Ví dụ quý Thầy có quyền gõ lên cái bàn này, và có thể gãi đầu. Nếu nói Ai gãi đầu thì quên nói, nói Ai nghe thì quên gãi, được ở dưới thì quên ở trên là vì chúng ta phân tâm. Thì đây là vọng tưởng, nó có giới hạn rõ ràng nên chúng ta lộn. Ngược lại, quý Thầy không thèm để ý, tất cả mọi thứ mình có quyền làm rất tự do nhưng nó rõ ràng, không lộn, mới thấy rằng sự tổng trì trùm khắp của tâm mình rất đặc biệt. Chỉ cần làm như thế này thì trả lời xong câu hỏi của ông Nguyễn Công Trứ. Chỉ cần trả lại tánh giác toàn thể thì trăm ngàn muôn thứ không hề động bao giờ. Quý vị có thấy gió thổi, có thấy mây bay, có thấy hoa đẹp… mọi thứ đều không rời khỏi tự tánh vốn tịnh của chính mình. Lúc đó mọi thứ vốn không động thì quý vị có khổ không? Làm sao đủ sức chi phối mình mà khổ. Cho nên cách cuối cùng, quý vị chỉ cần GIÁC trở lại thì toàn thể sáng rỡ, không động. Ngay đó BIẾT là chân tâm, còn biết theo là không phải.

Nói cụ thể để quý vị dễ thấy, khi quý vị nhìn bông hoa này, nếu quý vị thấy về nó, biết về nó thì đang là quên mình mà theo nó. Dù chưa phân biệt, dù chưa thích thú, dù chưa nói xanh vàng đỏ trắng nhưng chỉ cần biết về nó thôi là bỏ mất chính mình. Đây là mầm mống sanh ra bao nhiêu khổ đau. Chỉ cần không bỏ nó, không biết về nó, giác sáng trở lại thì không những thấy nó mà mọi thứ chúng ta đều thấy một cách rất rõ ràng. Đây là chúng ta đang trở về tự tánh toàn thể của mình, ngay biết là chân tâm. Nhưng quý vị cũng không cần phải cố biết tất cả, nếu có cố biết thì cũng đang biết về tất cả, là chúng ta đang rơi vào nước sữa lẫn lộn. Chỉ cần giác trở lại thì mọi thứ quý vị có nhúc nhích, có gãi, có làm cái gì cũng thấy vẫn rất thanh tịnh, rõ ràng, như vậy là tách được sữa và nước. Chỉ cần giác trở lại như thế là quý vị xử lý xong tất cả mọi việc tu tập của mình.

Cho nên việc tu của chúng ta, quý vị nên nhớ thế này: Chúng ta tu để trở thành một vị Phật, không biết kiếp nào, nhưng dù ngàn muôn kiếp sau thì cũng chỉ để thành Phật chứ không thành gì khác. Có ai nói tu để thành ma không? Không, mà thành Phật. Nhưng Phật là một vị bất động hay động? Đắc bất động địa, cõi Phật là vô sanh, không động và trí giác sáng tròn. Nếu muốn trở thành một vị Phật vô sanh, bất động, trí giác tròn sáng mà chúng ta dùng tâm động để tu thì ví như lấy cát mà nấu thành cơm, điều đó không có bao giờ. Muốn thành một vị Phật, chúng ta phải bằng cái chất Phật, nhân Phật, tánh Phật để tu. Mà tánh Phật đó là gì? Quý vị suy nghĩ về một pháp, hiểu về một pháp, dù pháp đó là Niết bàn thì vẫn là động, đó là nấu cát thành cơm, không thể thành quả bất động được. Giác trở lại, nó là vô sanh, vốn tự không động cho nên sống ngay đó. Khi đủ lớn thì nó trở thành quả vô sanh tròn đầy, đó là Phật. Cho nên phải ngay chất Phật, chất vô sanh, chất bất động đó để công phu thì chúng ta mới đi đúng đường thành Phật, còn nếu không thì quý vị chỉ là tạo tác bên ngoài, tức là đi lòng vòng mấy mươi năm rồi mà giờ thấy vẫn còn luẩn quẩn, phiền não, khổ đau, vọng tưởng, không có cách nào làm chủ. Bây giờ quý vị phải thẳng chất đó mà sống. Giác trở lại, ngay đó sống là đang TU.

Chúng ta hay có tật là đi tìm. Ví dụ ngồi thiền yên lại tìm coi thử giác làm sao, mà tìm là có đối tượng rồi. Hoặc là vừa an lạc chút, chúng ta cố gắng duy trì, là có làm hay không làm? Có làm, có tạo tác là trật rồi. Quý vị nên nhớ GIÁC là TU. Cho nên bất cứ lúc nào, có thể ngay giữa chợ, trong trường lớp, hoặc ngay trong bếp, ngay đây… chỉ cần giác trở lại, đừng thêm nữa là đang tu. Đang ở trong tánh giác, ở trong nhân giác để thành một quả vị giác là đang tu. Quý vị phải khẳng định như vậy thì tu mới tiến, còn nếu không thì chúng ta chưa thấy đường, lầm đường và hay tìm, chính tâm tìm đó là tâm tạo tác, rơi vào sanh diệt. Như vậy thì uổng mất công phu của mình.

Trong Kinh Kim Cang, Ngài Tu-bồ-đề hỏi Đức Phật: “Làm sao hàng phục được tâm, làm sao an trụ được tâm?”. Đức Phật trả lời cốt lại một câu mà quý vị thường nghe: “Không nên trụ sắc sanh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, nên không chỗ trụ mà sanh tâm kia”. Câu này nhiều người thuộc, nhưng quý vị để ý có nhiều người thấy cuộc đời chán nên đi tu. Nghe thì hay, nhưng vì chán cuộc đời mà đi tu thì có chỗ trụ không? Có điều kiện là có chỗ trụ. Cho nên vào chùa tới khi hết chán rồi, yêu đời lại thì tu không nổi. Rõ ràng là đắp đổi, là có tạo tác. Trong tạo tác mà tu tập thì rơi vào sanh diệt, rơi vào sanh diệt thì làm sao có thể ở nhân vô sanh mà thành quả vô sanh? Cho nên có chán thì mai mốt sẽ không chán nữa. Quý vị nhớ một hành động nào có điều kiện, có cái gì đó thì có tạo tác, có chỗ trụ thì không phải là tâm Bồ đề. Hoặc thấy huynh đó tu mình ham, tự nhiên sanh tâm hoan hỷ muốn tu. Có chỗ trụ không? Vì huynh đó là có chỗ trụ rồi. Cho nên trong Kinh Lăng Nghiêm, khi Đức Phật hỏi Ngài A Nan: “Tại sao ông đi xuất gia?”. Ngài A Nan đáp: “Con thấy 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp của Đức Thế Tôn nên con phát tâm xuất gia”. Đức Phật nói Ngài A Nan vì tướng mà tu, chưa nhận tâm vô sanh, tâm chưa chuẩn nên mới gặp nạn bị Ma-đăng-già đem bùa bắt được. Cho dù Ma-đăng-già hay bùa phép gì, quý vị giác trở lại bình thường thì cũng giống như hoa, như mọi thứ chứ có gì đâu. Như vậy, không vì gì hết là không còn chỗ vin, ngay đó tánh giác hiện tiền không hề có một chỗ nơi thì không chỗ trụ.

Nhiều khi trong chùa có người tu tinh tấn quá, vượt qua cả thời khóa chung của chùa, thấy mình là một người tinh tấn hơn chúng, tu hành có vẻ ngon lành lắm. Nhưng như vậy là đã có chỗ trụ chưa? Thấy đại chúng dở hơn mình, mình đang tu tinh tấn, như vậy là có chỗ trụ mà tu. Quý vị nhớ, vì cái gì đó, mong cái gì đó… là có chỗ trụ. Có chữ “vì” là có chỗ trụ. Tất nhiên quý Thầy không bài bác sự tu tập mãnh liệt, tinh tấn. Cấp độ ban đầu là đúng chứ không phải sai, nhưng chỉ đúng với lớp 1 thôi. Chúng ta phải lên lớp 2, có nghĩa là khi đã giác ngộ rồi thì không nói vì vô thường nữa, không nói vì gì nữa mà chỉ là không gì hết, và cũng không có cái không. Muốn không có cái không thì không phải trừ, chỉ cần giác trở lại thì toàn thể hiện tiền. Ngay đó mà sống thì không có chỗ trụ, “nên không chỗ trụ mà sanh tâm kia”. Phật dạy rất rõ, không hề có một chỗ trụ gì hết, vốn tự sáng rõ ràng thì tâm Bồ đề hiện tiền, ngay đó là an trụ tâm. Nhiều lúc học chúng ta cứ nghĩ cao siêu cho nên lại khó nhận được, còn đưa vào tâm mình dụng công thì không còn khó nữa. Bởi vậy nói nhiều nhưng chỉ chốt lại cho quý vị nhớ là: Giác trở lại toàn thể thì mọi thứ rõ ràng, và trong đó sống mạnh thì quý vị đừng lo là mình không biết, đụng là nó ra liền, hay lắm.

Có một số vị nghe nói thiền nước ngoài hay quá nên đi tập tu, tâm rất tốt, phấn khởi. Tu một thời gian về khoe với huynh đệ là mình đạt được một số kết quả rõ ràng, cụ thể như thấy được một vài kiếp trước của mình, có chứng ngộ, có đạt được, sau đó rủ nhau đến gặp quý Thầy thưa hỏi. Quý Thầy nói là quý vị được những điều đó thì rất là tán thán, riêng quý Thầy chưa thấy kiếp trước nên cũng không biết thế nào, nhưng có nhớ trong Kinh nói, các đạo khác tu luyện thì cũng có thể thấy được kiếp trước, nhưng khả năng thấy cuối cùng chỉ có đến tám muôn kiếp thôi. Còn Đức Phật tuy không luyện nhưng khi đã chứng ngộ tánh giác thì Ngài thấy vô số kiếp. Một điều nữa quý Thầy hỏi, khi quý vị nhìn cái bình hoa này, quý vị biết về nó thì đang bị nó chi phối, không sáng biết với tánh giác của mình. Biết về nó, biết theo nó là quên mình theo nó mà quên tánh giác sáng biết của mình. Đây là biết phan duyên, mà Đức Phật nói còn phan duyên, còn vin theo duyên là còn sanh tử. Cho nên khi biết về nó, thấy theo nó thì thấy bình hoa này khác với cái đồng hồ này, cái đồng hồ này khác với cái ly này, cái ly này khác với cái micro này, mọi thứ đều khác nhau hết. Như vậy là có phân biệt, là quên mình theo vật, cho nên chúng ta không mua bình hoa này mà đi tìm bình hoa khác đẹp hơn. Đó là cái mê đã lòi ra rồi, khi chúng ta bị phan duyên là cái mê lòi ra. Còn nếu giác lại toàn thể sáng biết thì cái bình hoa, cái tay, cành sen Đức Phật đưa hay là đồng hồ giống nhau hay khác nhau? Nếu nói khác là theo vật rồi. Còn tất cả mọi thứ, chẳng hạn cái tay có thể rẩy như thế này nó vẫn không động, tại vì nó không ra khỏi cái tự tánh chánh định vốn sáng của mình. Nó không động nên đồng đẳng. Mà đồng đẳng thì quý vị có cần phải tìm một cái để thấy còn cái kia bỏ không? Không cần. Còn lấy còn bỏ thì chưa phải nó. Vậy thì khi không muốn thấy cảnh này, phải tìm kiếp trước mà thấy là tìm cái bên ngoài mà thấy, thì lộ ra cái phan duyên rồi, phan duyên là mê hay là giác? Mê. Cho nên khi đã trở lại tánh giác, quý vị gạn là nó lộ ra liền. Còn quên tánh giác này mà nghe người khác kể thấy kiếp trước sao hay quá, còn mình ngồi thiền hoài không thấy gì hết, thì đó là bỏ mình chạy theo kiếp trước, là mê. Nếu như chúng ta thấy biết bằng tánh giác thì hoa này cũng thấy mà cái ly này cũng thấy thì việc gì phải đi tìm kiếp trước mới thấy. Cho nên khi có tâm tìm để thấy là phan duyên, là có điều kiện, là có vì thanh, hương, vị, xúc, pháp, là không an trụ tâm Bồ đề, là có chỗ sanh tử phiền não. Chúng ta chỉ cần nhận kỹ chất giác Hòa thượng chỉ cho chúng ta, nhận một cách rõ ràng, sống cho được thì tất cả mọi pháp đến, quý vị cứ bình tâm trở lại, giác sáng, không gì hết, tự dưng đụng vô là giống như nhá lửa, tự nó biết. Quý vị phải dùng, phải sống được thì chúng ta mới cảm nhận được, còn không chúng ta hay bị hấp dẫn bởi những cái khác lạ hơn.

Có một vị người Hà Lan học thiền với một số vị nổi tiếng, một lần nằm mơ thấy cảnh ở Việt Nam là đất Phật, tu hành rất tốt nên sang Việt Nam để tìm hiểu. Đủ duyên gặp quý Thầy, vị đó kể đã học thiền nhiều năm với vị thầy đó, khi dạy thì thầy ngồi ở trên, trò ngồi ở dưới, bốn mắt nhìn nhau cho đến khi thấy hào quang năm mầu giao xen qua lại thì thành công. Vị này đã thấy được hào quang và được thầy đó công nhận là có tiến bộ. Khi gặp quý Thầy trao đổi kinh nghiệm thì quý Thầy nói rằng: Quý vị học thiền với ai thì xin không bàn tới vì mỗi vị có một sở trường riêng, nhưng nếu quý vị đến đây học với dòng thiền Việt Nam thì quý Thầy xin nói theo thiền Việt Nam. Khi anh thấy cái ly này thì cái ly này có phải là con mắt của anh không? Không phải. Nếu cái ly là con mắt của mình thì khi cái ly bể, con mắt mình cũng bị đui, nhưng nó có đui đâu. Như vậy nó không phải là con mắt mình. Khi chúng ta nhìn cái ly này thì cái ly là cái bên ngoài, không phải con mắt của mình. Cũng thế, khi quý vị thấy hào quang năm màu thì nó là cái bên ngoài, không phải là tâm của mình. Đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai, trên đời này, nói về vật chất thế gian thì vàng, ngọc, kim cương là quý nhất. Bây giờ quý vị đem những thứ đó nghiền nát thành bột, bỏ vào trong con mắt thì có xốn không? Cũng thế, con mắt không phải là quý hay không quý mà nó phải là một sự trong ngần chính nó, chứ nó không nhận cái gì vào hết. Tâm mình cũng vậy, nó không phải là cái gì hết mà phải là vô nhất vật chính nó, chứ nó không chấp nhận hào quang gì cả. Cho nên con đường rốt ráo là Không Một Vật. Muốn thấy rõ chỗ không một vật này thì không phải trừ dẹp mà được, nếu trừ dẹp thì không vật này lại có vật trừ dẹp. Quý vị không cần chú tâm nữa, giác trở lại thì toàn thể là không vật. Tất cả mọi thứ đều trong lặng trong cái tánh của mình thì gọi là không vật. Ngay chỗ giác này là thiền Việt Nam, chỉ ngay bản giác này là thiền Việt Nam. Sau đó vị này xin nhập thất một ngày, chiều ra trình cái chỗ thấy của mình và đi về nước.

Ở đây, quý Thầy muốn nói là quý Thầy cũng đâu làm gì hơn là những chuyện bình thường hằng ngày, tọa thiền, đi cuốc vườn, làm rẫy, bón phân, làm rau, xây chùa…, nhưng quan trọng là trên tất cả mọi việc đó không hề thiếu vắng sức giác của mình. Chỉ có thế thôi. Quý vị cứ liên tục duy trì như thế ngày này qua ngày khác, cần mẫn như kiến, như mối thì chúng ta sẽ thấy rõ sức giác trong này có. Khi đã có rồi thì lúc gặp việc, quý vị không cần phải lo lắng, bồi hồi, suy nghĩ, chỉ cần trở lại cái tánh sáng của mình thì khi đụng tới pháp trong đó có ra.

Chúng ta thường dùng đến hai loại hình ngôn ngữ. Một là nói cho hiểu, hai là ra cử chỉ hình thể để thấy. Bây giờ có thêm loại hình như tin nhắn, email thì cũng là loại hình sanh diệt bên ngoài. Nhưng chúng ta quên một loại hình rất quan trọng, đó là không ngôn ngữ cũng là một loại ngôn ngữ. Không nói, không nghĩ, chỉ là bình thường cũng là một cách nói. Chúng ta quên cái này cho nên ít thành công hơn. Ví dụ, trong một buổi họp, nếu quý vị thấy hấp dẫn bởi một chủ đề nào đó, lo lắng về một điều gì đó, hoặc nhìn người này thích người kia không thích, hoặc có cái gì đó trong lòng… thì chúng ta bị phân tâm, không đủ lực để mọi người sẵn sàng nghe mình. Vì vậy, ban đầu nói còn tỉnh táo, họp một hồi là cả chủ tọa lẫn người dưới cãi nhau, hư việc hết. Dù quý vị có nói hay chăng nữa thì họ cũng chỉ là vì công việc mà nghe chứ không phải sẵn sàng tự nguyện mà nghe. Ngược lại, chúng ta biết tu rồi, biết ứng dụng thì những gì cần chuẩn bị chúng ta chuẩn bị từ hôm trước. Sáng lên họp, cái gì thích thú nhất cũng bỏ qua một bên, hoặc thương ai hoặc ghét ai cũng bỏ qua một bên…, mọi thứ đều dọn sạch, không gì hết. Ngồi lên bàn chủ tọa cười vui vẻ, chan hòa, gần gũi, không cần nói gì. Nhưng chính cái tâm đó toát lên một thần lực vô hình khiến mọi người cảm nhận được và sẵn lòng muốn nghe. Vậy là chúng ta đã nói được 50% vấn đề rồi, sau đó có nói gì thì mọi người nghe đó, có vậy mới thành công. Chúng ta hay quên dùng loại ngôn ngữ này, ngôn ngữ Thiền, ngôn ngữ không ngôn ngữ, nhưng chính loại ngôn ngữ này lại giúp chúng ta có thể thành công trong cuộc sống.

Còn về hành động, chúng ta thường thể hiện hành động ra ngoài như tức giận, đánh đập, dạy dỗ, đạo mạo, … nhưng lại quên rằng không hành động cũng là một loại hành động. Ví dụ như trong chúng, trong đạo tràng, trong gia đình, có khi chúng ta nhanh nhẹn quá để giải thích, để ứng phó… thì nó lại trở thành hai đối tượng mâu thuẫn. Ý anh đúng, ý tôi đúng, hai cái đúng không giống nhau là có vấn đề. Ngược lại, quý vị nghe hết mọi thứ một cách chăm chú, mỉm cười hoan hỷ, bình dị, chia sẻ nhưng trong đầu không có gì hết, chỉ bình thường, lặng trong. Đó có gọi là hành động không? Không hành động. Nhưng chính với cái mỉm cười đó, quý vị chỉ cần nói vài câu nhẹ nhẹ cho có là giải quyết xong vấn đề, rất thành công mà không có sự cãi lộn. Cho nên không giải quyết cũng là một cách giải quyết, chứ chúng ta đừng lúc nào cũng nhanh nhẹn quá, lúc nào cũng phải thế này, phải thế kia. Chúng ta đang dùng cái Có nhiều hơn là cái Không cho nên mình bị cuốn mê mải trong sanh diệt, vì vậy mà mọi thứ phiền phức thêm.

Nếu quý vị muốn giải quyết đúng và sai rõ ràng cũng được, nhưng nên nhớ không cần phải giải quyết liền, có khi để một đêm đến sáng mai, không giải quyết có khi lại thành công, hoặc là giải quyết sẽ nhẹ hơn. Có câu nói “Người chiến thắng là người ráng thêm 5 phút nữa”, nghĩa là chúng ta có khả năng chứa đựng mọi thứ mà không hề thấy tràn, thì lúc đó chúng ta mới có thể “nhốt” hết mọi người, còn nếu mới đụng vào mà đã tràn ra thì sẽ xung đột ngay. Đó là quý Thầy nói sơ đến tác dụng khi chúng ta an ổn được nội tâm của mình là như thế nào.

Một mặt nữa khá quan trọng là chúng ta thường nghe nói tu hành phải giải trừ phiền não, giải trừ nghiệp chướng, dẹp trừ tham, sân, si… nên chúng ta bắt đầu tìm cách để dẹp trừ, loại trừ. Càng trừ thì lại càng có. Ví dụ có người phát tâm ăn chay một tháng, dẹp trừ phiền não mà sao phiền não lại còn nhiều hơn khi chưa tu. Đó là vì chúng ta đang học theo cách của con rùa, thấy vết bùn dơ quá, lấy đuôi quét đi thì lại tạo ra vết khác. Có chỗ nên nó lại sanh khởi thêm. Chúng ta bị say sưa với lý thuyết cho nên khi nghe nói đến phiền não thì cái tâm chấp này cho rằng có một phiền não thật để dẹp trừ. Có phiền não, có mình, có dẹp trừ, vậy là có hay không? Là có cho nên trở thành đối thủ. Như vậy thì mình đang tạo tác hay đang tu tập? Nghe thì tưởng là tu hay nhưng thực ra đang tạo tác, đang sanh diệt vì vậy mà bị nó chi phối, thua nó hoài.

Lấy ví dụ, trong một ngôi nhà tối om không thấy gì hết, quý vị có thể lấy chổi quét bóng tối ra khỏi nhà được không? Nếu ai đó nghĩ rằng có một cái bóng tối thật, lấy chổi quét thì nó có ra được không? Đó là người lầm tưởng cho bóng tối là thật, vì vậy càng quét càng mệt mà lại không có hiệu quả. Ngược lại, có người biết bóng tối không có thật nhưng nó giả có, tức là mắt thấy mà nắm không được nên không thật. Vậy làm gì để sáng? Mở đèn lên. Nên nhớ mở đèn thì sáng chứ không phải vác chổi đi quét. Bây giờ phiền não có thật không? Nếu có thật thì lúc nào nó cũng phải có, nhưng giờ quý vị ngồi đây tỉnh táo thì có phiền não không? Không có. Bất giác thì tạm có nhưng chỉ cần giác trở lại thì không còn cho nên gọi là không thật. Vậy mà chúng ta lâu nay nghe phiền não thì lại lập một cái phiền não thật, nghe nghiệp chướng thì thấy có nghiệp chướng thật cho nên chúng ta mải mê dẹp trừ, chẳng khác gì lấy chổi quét bóng tối, càng quét càng mệt mà nó cứ còn hoài. Bây giờ muốn hết phiền não, muốn tiêu trừ nghiệp chướng thì chúng ta phải làm cách nào? Mở đèn thì hết bóng tối, bật tánh giác lên thì phiền não, vô minh không còn. Quý vị đang ngồi giác sáng như vậy thì có phiền não nào không? Không có. Đèn đang sáng thì làm gì có tối, đang giác sáng thì làm gì có phiền não nhưng vừa quên thì có phiền não. Cho nên muốn dẹp trừ phiền não, chúng ta đừng thấy có phiền não thật. Trước tiên phải nhớ: phiền não không có thật, nghiệp chướng không có thật. Ngay khi đang phiền, đang bị nghiệp mà nói không có thật thì tự khắc nó giảm bớt liền. Sau đó ngồi tỉnh táo, giác trở lại, là “bật đèn” lên thì tự nó tiêu trừ.

Có người tuyên bố “Tôi phát nguyện xuất gia”, vừa khởi tâm mạnh mẽ, phát nguyện quyết chí kiên trì, dõng mãnh…thì bao nhiêu thứ tới không cho mình đi, thấy việc này quan trọng, việc kia cản trở nên không thể đi được. Ngược lại, chỉ cần thấy có ý nguyện xuất gia nhưng mà dùng thẳng vô tâm không sanh khởi, chỉ có bằng giác sáng không niệm, khéo âm thầm sắp xếp mọi việc, vào chùa ngay cạo đầu tu là thành công. Cho nên vua Trần Thái Tông dạy, phải dụng tâm thẳng đến chỗ ma quỷ không còn vết để tìm. Quý vị nghe thì cho rằng phải là quý Thầy giác ngộ mới được, nhưng không phải. Người giác ngộ vốn là vô tâm, tự sống trong đó rồi thì Ngài nói làm gì nữa. Ở đây Ngài nói là nói cho chúng sanh còn phiền não, thì chúng ta phải dùng đến chỗ không còn một dấu vết có thể thấy mới được, nghĩa là có phát tâm nhưng vô tâm không có chỗ để thấy, dùng tới chỗ không còn một dấu vết, khéo sắp xếp một cách âm thầm, gọn gàng rồi vào chùa ngay tức khắc, dẹp lại mọi thứ sau lưng. Như các Thiền sư nói “Chém người không quay lại, bước là không nhìn lui”, như thế là thành công. Còn nếu chúng ta cứ lưỡng lự, buông tay trên, nắm tay dưới là không được. Chúng ta càng phát tâm là càng có chỗ, mà càng có chỗ thì ma chướng đến chúng ta không qua được.

Cho nên muốn dẹp trừ phiền não, muốn dẹp trừ ma chướng thì không gì hơn là dùng đến chỗ không còn dấu vết. Có nhiều vị phát tâm vào chùa tập tu, nhưng cứ đến khi chuẩn bị đi là là có chướng, nào là con phá, gia đình không cho hoặc tự dưng xảy ra nhiều chuyện khiến mình không làm được gì. Quý vị kinh nghiệm, đừng khởi phát tâm đi tu, chỉ nghĩ chỗ đó đẹp, mình đến ở cho biết, bình thường vậy thôi, hoặc nghĩ học tập quý Thầy, quý Cô sống thử xem sao, cứ bình thường mọi chuyện, mình đi chơi thì có gì đâu mà chướng. Sắp xếp âm thầm như vậy, bước vào chùa, quý Thầy làm gì quý vị cứ làm theo, đừng nghĩ gì hết. Tu một thời gian thấy an lạc, có tiến bộ. Không gì hết nhưng lại có một cái là tánh giác. Còn phát nguyện tu tinh tấn, cố gắng dẹp trừ phiền não thì càng phát nguyện càng bị chướng, chịu không nổi. Trường hợp này thực tế quý Thầy đã gặp nhiều rồi.

Ví dụ thế này, ở thế gian có người khó khăn, mắc nợ rất nhiều người, mỗi người một khoản 5 triệu, 10 triệu…cộng lại nhiều năm thành một khoản rất lớn đến tiền tỷ không thể nhớ nổi. Tự nhiên một hôm trúng số độc đắc 500 triệu, mừng quá vì có tiền trả nợ bà con rồi, liền tuyên bố trên kênh thông tin đại chúng là tôi có tiền, vị nào tôi mắc nợ thì đến tôi trả tiền cho. Vậy là chủ nợ ào ào đến, trả hết 500 triệu rồi mà vẫn chưa ăn thua gì. Những người được trả tiền thì vui, còn những người chưa được trả tiền thì họ có khó chịu, có chửi, có đánh mình không? Vậy là bị nghiệp khảo, tại vì có tuyên bố. Một người khác cũng mắc nợ y như vậy, nhưng khi trúng số thì lẳng lặng bình thường, dùng tiền đó đầu tư làm ăn để có lợi nhuận thêm, chủ nợ nào đến nhắc thì trả, như vậy có nhẹ nhàng không? Mỗi lần trả chút một giống như không trả, nhưng lại là đang trả. Không thấy trả nhưng lại là trả.

Nghiệp chướng cũng vậy. Từ vô lượng kiếp chúng ta đã tạo không biết bao nhiêu nghiệp nhưng mình đâu có thấy, quên không nhớ nên cứ tưởng nghiệp ít. Mới phát tâm tu một thời gian đã phát nguyện: “Con xin phát nguyện trả hết nghiệp trong ba tháng này để con tu thành Phật”. Oai không? Rất oai, trả hết nghiệp mà. Thế là nghiệp dồn về ập lên đầu, trong khi đó chất giác của mình yếu quá, không đủ vốn để trả nên khi nghiệp đổ thì bệnh tật mê man, mờ mịt, mở mắt không ra. Lúc đó tu không nổi vì có giác đâu mà trả, vậy là nói: Tu mà bị nghiệp khảo. Tại ai? Tại vì mình tuyên bố sớm quá. Ngược lại, người khác khéo léo hơn, không cần tuyên bố, cứ bình thản, lặng lẽ, tâm không sanh khởi, ngay đó giác sáng là đang tu, thế thôi. Lỡ ngày mai đau chân một chút, mình nhìn “À, nó đau”. Quý vị đừng có tư tưởng thấy mình có bệnh để trị bệnh, những gì tiến bộ của y khoa thì cứ áp dụng làm, cố gắng trị cho hết, còn nếu không hết thì thôi, nó muốn bệnh thì cứ để nó bệnh, bình thường không để ý. Thế là nó tự ổn và chúng ta trả được một phần nợ. Ngày mai người khác chọc mình phiền não, mình cũng bình thường, lặng lẽ, không làm gì hết, khi họ vui lại thì ta cũng trả được một phần nợ. Như vậy trả túc tắc, đau bụng cũng trả, nhức đầu cũng trả mà không thấy trả gì hết, bình thường, an ổn. Đó là chúng ta đang tranh thủ làm việc giác cho nên trả nghiệp ít mà cái giác lại nhiều, giống như vốn ít mà lời nhiều, trả rất dễ, trả mà không trả.

Bởi vậy, khi quý vị tuyên bố là có sanh khởi tâm, tâm có thì ma chướng sẽ thấy tâm, chúng ta khó bề vượt qua vì phước trí mình còn yếu quá. Đừng dại mà tự hào mình giỏi. Giỏi là không sanh khởi mới là giỏi, còn sanh khởi là chưa giỏi. Có người hỏi: “Hiện nay thấy nhiều vị Phật tử tại gia vẫn còn ham ăn, ham ngủ… mà sao họ nói họ chứng tới bức tranh số 10 rồi cho nên họ vào quán ăn nhậu thử xem tâm mình ra sao. Con không biết là họ chứng thiệt hay giả?”. Quý Thầy trả lời: “Vào quán uống rượu hay là cá chép chỉ là biểu trưng những điều không như ý của thế gian. Ví dụ chúng ta tu sẽ không thích uống rượu hoặc ăn cá, đó là không như ý của mình. Thì ở thế gian, những thứ không như ý chúng ta cũng tự tại trên nó, chứ không phải vào quán mà uống, tại mình vẫn thích uống chứ không phải không thích. Đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai là, nếu đã đạt tới bức tranh số 10 thì đối với những điều như ý hoặc bất như ý của thế gian, đến và không đến, với vị đó không có tâm sanh khởi. Vẫn là một tâm bình đẳng, lặng sáng, không rời giác. Chính cái giác đó bình đẳng mọi thứ thuận và nghịch, đó chính là tánh bình đẳng tuyệt đối, nó tự tại trên mọi thứ của sanh tử. Bây giờ mà khởi tâm ra quán rượu để uống thử thì đầu tiên là có khởi mà đi, ngay khi khởi là hỏng rồi, thử làm gì cho mệt. Cho nên nếu ai đó nói: “Tôi bây giờ thanh tịnh, đối với các pháp không động nữa, tôi muốn ra quán rượu thử xem tâm tôi ra sao” thì quý vị khuyên làm sao? Làm ơn đừng có thử, khởi tâm là đã chết rồi, còn thử làm gì nữa. Muốn biết thứ thiệt hay không là phải không hề một dấu vết, bình dị như bao nhiêu con người khác, nhưng mọi thứ đến với người đó đều bình thản, vui vẻ, bình thường.

Cho nên quý Thầy muốn phân tích kỹ càng từ cạn đến sâu để quý vị chiêm nghiệm lại mình, nhớ rằng giác trở lại là đang tu, đừng tìm cầu gì khác dù đó là giác. Chỉ là sáng lặng trở lại là đang tu. Cụ thể ngày xưa lên xe nghĩ trăm thứ, bây giờ lên xe, tỉnh rồi mình đi, mất nửa giây thôi, đâu có nhiều đâu. Đến chỗ làm việc chúng ta lo đủ thứ thì quên mình, quên mình là quên tu. Cho nên ngồi vào bàn rồi, giác rồi mới nói, đó là mình đang tu. Bất cứ chỗ nào, trong bếp, ngoài chợ, đi vệ sinh, ngủ nghỉ, rửa chén bát, lên bục giảng, làm pháp sư, giảng sư, tiến sĩ… nếu rời cái giác thì đó là khổ đau, phiền não. Giác hiện tiền thì chúng ta đang ở đạo tràng tu tập. Rất rõ ràng. Việc gì cần làm thì ngồi ngay ngắn, viết ra từng mục một, bỏ trong túi rồi cứ theo đó mà làm, đừng nghĩ nữa. Tại vì quý vị nghĩ riết thành quen, lâu ngày cái nghĩ đó trở thành sức mạnh khống chế lại mình và chúng ta không thể nào vượt qua được. Còn bây giờ có giác thôi thì nó lại quen con đường giác, khi quen lâu ngày sức giác đủ mạnh thì những thứ kia sẽ rời khỏi mình từ từ, như vậy là chúng ta tu ổn. Đơn giản thế thôi. Nếu có thời gian tọa thiền thì nó sẽ mạnh hơn.

Quý vị nhớ là khi nào cũng giác, giác trong mọi lúc mọi nơi. Quý Thầy nhiều lúc kỹ càng hơn, đang nói như vậy là giác, nhưng chút xíu bước ra thì chúng ta lại quên giác ngay đó. Cho nên chúng ta phải kiểm tra từng chút một để được giác sáng, chứ không phải kiểm tra để chằm chằm, chằm chằm thì kềm kẹp, cố chấp, cũng là tạo tác. Chúng ta thả lửng, không để ý tới thì nó lờ mờ, không rõ ràng, gần với vô minh. Vô minh và cố chấp, đó là sanh tử phiền não chứ không phải đạo. Rời cố chấp có nghĩa là không kềm kẹp, rời vô minh có nghĩa là không lơ đễnh. Hai cái này không có thì tự dưng hiển bày, ngay đó là Trung đạo đế, tánh giác rõ ràng

Bởi vậy, Ngài Tông Mật nói: “Thiền là không định không loạn”. Chúng ta thường nghe nói không loạn là thiền, nhưng Ngài nói cả “không định” cũng là thiền. Vì sao? Vì chúng ta dẹp không loạn để trở về định thì có một cái định để bám giữ, đó cũng là tạo tác, không phải thiền. Khi nghe nói không loạn, không định thì quý vị còn chỗ để tạo tác không? Không còn chỗ vin thì ngay đó là hiện tiền, đó là thiền. Nếu quý vị cứ giác sáng như vậy thì mọi thứ không hề dính hai bên, ngay đó tánh giác rờ rỡ thì thiền hiển hiện rõ ràng. Sống ngay đó là tu.

Quý Thầy nhấn mạnh để quý vị khẳng định chỗ đó mà làm, chứ thường chúng ta hay có tâm tìm lắm, thiếu một chút thì tìm cái gì vui lấp vào. Người nào tu giỏi thì tìm tánh giác, nhiều khi ngồi tánh giác đang hiện tiền thì lại khởi tâm tìm xem tánh giác nó làm sao. Vì tìm nên nó mất. Nên nhớ: đang giác thì đừng tìm nữa, dừng tâm tìm thì nó mới hiện tiền. Cụ thể, đơn giản như vậy thôi. Nếu cứ sống miên mật như vậy trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng, quý vị sẽ thấy con người mình khác lắm, có tiến bộ rõ ràng chứ không phải chờ cái gì lớn lao cả.

Thứ nữa, tất cả vọng tưởng, phiền não, khổ đau, gia đình, xã hội…mọi thứ chúng ta đang coi là quan trọng bởi vì chúng ta đang đói cái tánh giác đó cho nên bị những thứ kia chi phối, cảm thấy sợ nó. Nhưng cách tu của chúng ta là không đẩy, không dẹp, không sợ, chỉ là tìm cách vô hiệu hóa nó, làm cho nó không còn giá trị với mình nữa, ngay đó chúng ta giải thoát. Giống như ăn no đồ ngon thì nước lã tự mất giá trị, chỉ cần chúng ta giác mạnh thì những thứ kia tự mất giá trị, đưa nó vào chỗ không còn tác dụng thì tự nó rời mình và chúng ta giải thoát.

Kế đó, quý vị nên nhớ nghiệp, phiền não, mọi thứ mình phải trừ… vốn nó không có thật. Dám nói như thế thì nó sẽ bớt nhẹ lại, sau đó chúng ta tạm thời lấy ngắn nuôi dài, tức là tạm thời ngăn ngừa sự dính mắc. Chỉ là tạm thời thôi nhưng phải luôn giác trở lại, khi cái giác lớn, tự nó sẽ đẩy những thứ kia đi. Cho nên nói tạm ngăn ngừa là uống thuốc trụ sinh, mà giác trở lại là uống thuốc bổ. Lâu nay ta quên uống thuốc bổ nên bị gục. Vọng tưởng diệt thì mình cũng gục theo. Giờ chúng ta tạm ngăn, tạm bớt dính để giúp cho giác mạnh, nhưng đây không phải là việc chính mà việc chính là giác trở lại. Khi sức giác này lớn mạnh thì tự nó sẽ trừ những thứ khác một cách rõ ràng, vậy là việc tu ổn. Khi chúng ta đã sống bằng chất giác, tánh giác, thì đó là nhân giác, nhân giác thì sẽ thành quả giác. Cho nên khi giác thì được chất giác ngộ. Giác tròn đầy thì những phiền não, vô minh, sanh tử, mọi pháp trần tự mất giá trị, ngay cảnh mà vốn tự lìa thì đó là giải thoát. Khi được như vậy, chúng ta có một niềm vui rất nhẹ nhàng mà lớn thì đó là an vui, an lạc. Rồi bằng tâm giác đó, chúng ta nhìn mấy đứa nhỏ chạy xe phá phách thì thương, tại sao cũng là con người như mình mà nó không được hưởng niềm vui sướng như mình, biết chừng nào nó mới được vui sướng như mình. Có nghĩa là từ tâm giác này thương về cái mê lầm kia cho nên gọi là từ bi. Từ trí giác thương cho sự mê lầm là từ bi, còn những thứ khác chỉ là bác ái.

Như vậy, quý vị chỉ cần trở lại bổn tâm thiền này thì giác ngộ ở trong đó, giải thoát ở trong đó, từ bi, an lạc ở trong đó. Cho nên Ngài Huyền Giác nói: “Lục độ vạn hạnh thể trung viên”, tức là sáu độ muôn hạnh đều đầy đủ hết trong thể đó. Quý vị không làm gì hết, trở về một có tất cả, tu rất dễ dàng. Quý Thầy muốn nhấn mạnh như vậy để quý vị ứng dụng, khi ứng dụng được rồi mới thấy hết giá trị của nó.

Các bài mới

Các bài đã đăng

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 89067
  • Online: 126