Đường trở về

25/03/2016 | Lượt xem: 4678

Ai đã từng đọc kinh Pháp Hoa chắc rằng không thể quên câu chuyện: đứa con ông Trưởng Giả bỏ cha đi lưu lạc lang thang, làm gã cùng tử thật đáng thương. Từ địa vị là con một ông Trưởng Giả giàu có, gia tài, sự sản không thể tính kể, đó là một kho tàng mà mình sẽ thừa hưởng chứ không ai khác; nhưng đành bỏ đi lang thang, ăn mày từ nơi này sang nơi khác, đến nỗi mỗi ngày càng xa quê cũ

Rồi trong một giây phút nào đó, trên bước đường lưu lạc đó đây, bỗng dưng gã đi ăn xin lần lượt trở về đúng vào ngôi nhà xưa ấy, gặp ngay người cha ấy, nhưng nào có hay biết, vì đã quên mất cội gốc của mình từ lâu. Đã tự mang mặc cảm mình là kẻ ăn mày lang thang không ra gì, thì đối với một người cha giàu có, sang trọng như vua chúa kia bao giờ dám ngó đến, nói chi là nhận đó làm cha. Đọc câu chuyện trên, chúng ta cảm thấy thương tiếc cho gã cùng tử đó vô cùng! Song xét lại, chúng ta ngày nay có khác gì với gã cùng tử kia! Mỗi người chúng ta hiện nay, đâu không phải là kẻ ĐANG THỪA KẾ MỘT GIA SẢN VÔ VÀN TRÂN QUÍ, mà đành bỏ đi lang thang trong khắp nẻo luân hồi, làm khách phong trần đói khát, khổ sở!

Điều đó không có gì lạ, bởi chúng ta ai ai cũng có đủ một ông cha “CHẲNG SANH CHẲNG DIỆT”, với một kho tàng “CÔNG ĐỨC TRÍ TUỆ VÔ BIÊN”, dùng mãi không hết, song vì một niệm bất giác chợt dấy lên, nên đành quên đi, để trôi dạt theo dòng thức sanh diệt và đuổi bắt những pháp hư ảo bên ngoài, đến phải nhọc nhằn lăn lộn trong ba đường, sáu nẻo, lên xuống không ngừng. Càng theo cái sanh diệt hư huyễn thì càng xa cái chơn thật vô sanh, tức càng ngày càng xa quê hương chính mình. Cảm sâu ý nghĩa này, vua Trần Thái Tông đã nói trong bài kệ NÚI THỨ NHỨT, sách Khóa Hư Lục:

        Chân tể huân đào vạn tượng thành,
        Bản lai phi triệu hựu phi manh.
        Chỉ sai hữu niệm vong vô niệm,
        Khước bối vô sanh thọ hữu sanh.
        Tỷ trước chư hương thiệt tham vị,
        Nhãn manh chúng sắc nhĩ văn thanh.
        Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách,
        Nhựt viễn gia hương vạn lý trình.
Tạm dịch:
        Trời đất nấu nung vạn tượng thành,
        Xưa nay không móng cũng không manh.
        Chỉ sai hữu niệm quên vô niệm,
        Liền trái không sanh nhận có sanh.
        Mũi đắm các hương, lưỡi tham vị,
        Mắt mờ chúng sắc, tiếng mê tai.
        Lang thang làm khách phong trần mãi,
        Ngày cách quê hương muôn dặm trình.

            (HT. Thích Thanh Từ dịch)

Muôn tượng muôn vật giữa thế gian này vốn không có đầu mối, không do ai làm ra cả, mà chỉ do trời đất, âm dương nấu nung, chuyển hóa, ngưng đọng mà hiện thành. Đây là ngầm ý nói, mọi vật do mê mà hiện, thật không có mối manh sanh ra. Tức ngay khi sanh là không sanh. Bởi vậy, con người vốn ở trong thể không niệm, không sanh, nhưng vừa chợt có niệm khởi liền sai đi, ngay đó trái với thể không sanh mà nhận lấy có niệm, có sanh. Đó là trôi dạt theo dòng sanh diệt mà kinh Lăng Nghiêm gọi là “VỐN Ở TRONG THỂ THANH TỊNH SẴN NHƯ VẬY, MÀ BỖNG DƯNG PHÁT SANH NÚI SÔNG, QUẢ ĐẤT” (thanh tịnh bản nhiên hốt sanh sơn hà đại địa). Chính ở một niệm khởi này, nên đành trái với cội nguồn không sanh, bỏ mất chơn thể hàng hữu, mà đi xa dần, xa dần trong kiếp sanh tử. Rồi mũi đắm theo các mùi hương, lưỡi tham lấy nơi vị, mắt bị mờ với các sắc, tai thì mê bởi những tiếng, tức là sáu căn chạy đuổi theo sáu trần, bị nó lôi đi mãi, quên mất cả đường về. Vì vậy mới nói rằng, LÀM KHÁCH PHONG TRẦN LANG THANG MÃI, mỗi ngày mỗi ngày càng đi xa quê hương không biết bao nhiêu dặm trình mà kể. Nghĩ lại có thật đáng thương cho mình chăng? Đó là nói chúng ta đã bỏ mất QUÊ HƯƠNG CHÂN THẬT SÁNG NGỜi MUÔN THUỞ mà đi nhận lấy những BÓNG DÁNG HƯ HUYỄN CHẬP CHỜN TRÊN ĐƯỜNG trần ai mê muội, rồi vui theo những cái vui tạm bợ, chợt có chợt không, nên chưa bao giờ biết được niềm vui bất diệt tại quê nhà. Chính vì thế, Đức Phật mới ra đời để đánh thức chúng ta nhớ lại. Chư Tổ ra đời, dùng mọi cách để khơi dậy chỗ này. Vậy thì, bây giờ chúng ta LÀM SAO TRỞ VỀ? và biết ĐÂU LÀ CON ĐƯỜNG TRỞ VỀ?


Các Tổ thường nói: “NHÂN ĐẤT TÉ, PHẢi NHÂN ĐẤT MÀ ĐỨNG DẬY”. Chính từ chỗ mình mê đó, cũng chính là chỗ mình quay trở về chứ không đâu khác. Kinh Lăng Nghiêm khi Ngài A Nan hỏi Phật về nghĩa trói và mở, thì chẳng phải một đức Phật Thích Ca, mà mười phương chư Phật đồng phóng quang đến thế giới này, đồng bảo Ngài A Nan: “ÔNG MUỐN BIẾT CỘi GỐC VÔ MINH LÀ ĐẦU GÚT KHIẾN CHO ÔNG LUÂN HỒi SANH TỬ, CHỈ LÀ SÁU CĂN CỦA ÔNG CHỨ KHÔNG VẬT GÌ KHÁC. ÔNG MUỐN BIẾT TÁNH VÔ THƯỢNG BỒ ĐỀ, KHIẾN ÔNG MAU CHỨNG AN LẠC GIẢi THOÁT TỊCH TỊNH DIỆU THƯỢNG, CŨNG LÀ SÁU CĂN CỦA ÔNG CHỨ KHÔNG VẬT GÌ KHÁC.” Nói đơn giản, chính sáu căn là gốc sanh tử luân hồi, cũng chính sáu căn là gốc giải thoát Niết Bàn. Đây là điểm rất quan trọng, chúng ta nghiệm xét kỹ,sẽ thấy con đường giải thoát ngay trong mắt đây thôi, chứ không xa lạ tận nơi nào như mình thường tưởng tượng.

Chính lâu nay, chúng ta từ nơi sáu căn thấy nghe, hiểu, biết chạy đuổi duyên theo sáu trần mà dẫn mình đi trong luân hồi, tạo nghiệp không lường. Giờ đây, cũng ngay sáu căn đó, mình biết xoay trở lại, không chạy theo sáu trần nữa, tức là con đường trở về chứ gì. Bằng chứng là trong kinh Lăng Nghiêm, khi Phật bảo các vị Thánh thuật lại chỗ chứng ngộ của mình để Ngài Văn Thù chọn căn viên thông, thì trong hai mươi lăm vị Thánh thuật lại đó, đều không ngoài sáu căn, sáu trần, sáu thức mà chứng viên thông, trừ bảy vị từ nơi bảy đại. Điều đó cho thấy rõ là, NGAY NƠI SÁU CỬA NÀY ĐỀU CÓ ĐỦ CON ĐƯỜNG TRỞ VỀ để chứng ngộ viên thông. Đó là trong kinh, bước qua trong nhà Thiền cũng không thiếu gì trường hợp các Thiền sư tỏ ngộ từ nơi sáu căn.


1. Thiền sư Linh Hựu ở Qui Sơn. Khi còn ở với tổ Bá Trượng, một hôm Sư đứng hầu Bá Trượng, Bá Trượng hỏi:
- Ai?
Sư thưa:
- Con Linh Hựu!
Bá Trượng bảo:
- Ngươi vạch trong lò xem có lửa chăng?
Sư vạch ra, thưa:
- Không lửa.
Bá Trượng đứng dậy, đến vạch sâu trong lò được chút lửa, đưa lên chỉ Sư, bảo:
- Ngươi bảo không, cái này là cái gì?
Sư do đây phát ngộ, lễ tạ trình bày chỗ giải ngộ của mình.
Ngay khi tổ Bá Trượng cầm chút lửa đưa lên bảo ngài Linh Hựu: - Ngươi bảo không , cái này là cái gì? Đó là Tổ MỞ CỬA CON MẮT đưa Sư vào. Và Sư cũng thật lanh lợi chụp ngay cơ hội vào liền, không để lỡ mất.


2. Thiền sư Hy Vận ở Hoàng Bá. Lúc Sư trụ trì chùa Đại An ở Hồng Châu. Có lần Sư tránh chúng đến chùa Khai Nguyên cũng ở Hồng Châu. Tướng Quốc Bùi Hưu vào chùa thấy hình vẽ trên vách, hỏi thầy trụ trì:
- Vẽ cái gì đây?
Thầy trụ trì đáp:
- Vẽ hình cao Tăng.
Bùi Hưu hỏi:
- Hình có thể thấy, cao Tăng ở đâu?
Thầy trụ trì không thể đáp được. Bùi Hưu hỏi:
- Trong đây có thiền nhơn chăng?
Thầy trụ trì đáp:
- Vừa có một vị tăng vào chùa đang làm việc, in tuồng thiền giả.
Bùi Hưu bèn xin cho gặp. Thấy Sư, Bùi Hưu nói:
- Hưu vừa có một câu hỏi, chư đức tiếc lời, giờ thỉnh thiền nhơn đáp thế một câu.
Sư bảo:
- Mời tướng công hỏi lại.
Bùi Hưu lập lại câu hỏi trước.
Sư dùng tiếng trong thanh gọi:
- Bùi Hưu!
Bùi Hưu:
- Dạ!
Sư bảo:
- Ở chỗ nào?
Bùi Hưu ngay nơi đó ngộ được ý chỉ, như được hạt châu trên búi tóc, bèn thỉnh Sư vào phủ kính thờ.
Đây là ngài Hoàng Bá MỞ CỬA LỖ TAI và Bùi Hưu cũng kịp thời thẳng vào, liền thấy THẬT TƯỚNG CAO TĂNG hiện tiền. Thật sung sướng biết mấy!


3. Thái sử Hoàng Đình Kiên đến nương theo Hối Đường, Hối Đường bảo:
- Như Khổng Tử nói: “Này các trò! Cho ta là giấu giếm ư? Ta không có giấu giếm gì các trò cả,” Thái sử căn cứ vào đâu mà lý luận?
Ông suy nghĩ để đáp. Hối Đường bảo:
- Chẳng đúng! Chẳng đúng!
Ông càng thêm mê muội.
Một hôm, ông theo hầu Hối Đường đi dạo núi, bấy giờ hoa quế rụng đầy đất. Hối Đường mới hỏi:
- Ông có ngửi thấy mùi thơm hoa quế chăng?
- Ngửi thấy.
Hối Đường bảo:
- Ta không có giấu giếm gì ông cả.
Ông chợt tỉnh, liền lễ bái thưa:
- Hòa Thượng thật là tâm thiết tha của lão bà.
Hối Đường cười nói:
- Chỉ cần ông về đến nhà mà thôi.
Trong đây thì ngài Hối Đường MỞ CỬA LỖ MŨI đưa ông Hoàng Đình Kiên vào, và ông cũng đúng lúc vào ngay, quên đi một thời lang thang làm khách phong trần.


4. Thiền sư Huệ Hải ở Đại Châu. Lúc đầu Sư đến tham vấn Mã Tổ. Mã Tổ hỏi:
- Từ đâu đến?
Sư thưa:
- Ở Việt Châu, chùa Đại Vân đến.
- Đến đây cầu việc gì?
- Đến cầu Phật pháp.
- Kho báu nhà mình chẳng đoái hoài, bỏ nhà chạy đi tìm cái gì? Ta trong ấy không có một vật, cầu Phật pháp cái gì?
Sư lễ bái, thưa:
- Cái gì là kho báu nhà mình của Huệ Hải?
- Chính nay ngươi hỏi ta, là kho báu của ngươi, đầy đủ tất cả không thiếu thốn, tự do sử dụng, đâu nhờ tìm cầu bên ngoài.
Ngay câu này, Sư TỰ NHẬN BỔN TÂM KHÔNG DO HIỂU BIẾT, vui mừng lễ tạ.
Ở đây thì Mã Tổ MỞ CỬA CÁI LƯỠi đưa ngài Huệ Hải vào. Ngài Huệ Hải cũng không chút chần chờ nhảy vào ngay, liền tự nhận ra kho báu nhà mình xưa nay vẫn đầy đủ, chưa từng thiếu thốn bao giờ, mà bấy lâu nay đành nhọc nhằn làm kẻ cùng tử lang thang!

5. Thiền sư Văn Yển ở Vân Môn. Lúc Sư đến Mục Châu tham vấn Trần Tôn Túc. Vừa thấy Sư đến, Tôn Túc liền đóng cửa. Sư gõ cửa. Tôn Túc hỏi:
- Ai?
Sư thưa:
- Con.
Tôn Túc hỏi:
- Làm gì?
Sư thưa:
- Việc mình chưa sáng xin thầy chỉ dạy.
Tôn Túc mở cửa trông thấy Sư liền đóng cửa lại. Như thế liên tiếp 3 ngày. Ngày thứ 3, Tôn Túc mở cửa, Sư liền chen vào. Tôn Túc nắm đứng bảo:
- Nói! Nói!
Sư suy nghĩ. Tôn Túc liền xô ra, nói:
- “Cây dùi đời Tần”.
Rồi đóng sầm cửa lại, kẹt nát bàn chân Sư. Cái đau thấu xương ấy khiến Sư ngộ nhập.
Đến đây, trường hợp hơi đặc biệt. Ngài Trần Tôn Túc bạo dạn MỞ CỬA THÂN cho ngài Văn Yển vào, và ngài Văn Yển cũng khéo vào. Mới nhìn qua thấy ngài Trần Tôn Túc như tàn nhẫn, nhưng chính cái đau đó khiến ngài Văn Yển nhớ mãi không quên, CHUYỂN XÚC GIÁC thành CHÁNH GIÁC.

 

6. Thiền sư Kỉnh Huyền ở Đại Dương. Lúc Sư đi du phương, trước đến Lương Sơn chỗ Thiền sư Duyên Quán.
Sư hỏi:
- Thế nào là đạo tràng vô tướng?
Lương Sơn chỉ BồTát Quán Âm nói:
- Cái này là do Ngô Xử Sĩ vẽ.
Sư suy nghĩ để tiến ngữ, Lương Sơn nhanh nhẩu nói:
- Cái này có tướng, cái kia không tướng.
Sư nhân đó tỉnh ngộ, liền lễ bái.
Chỗ này hơi khó thấy. Thiền sư Duyên Quán khéo MỞ CỬA Ý đưa ngài Kỉnh Huyền vào đạo tràng vô tướng. Ngài Kỉnh Huyền cũng nhanh như chớp thẳng vào, nếu chậm một chút, đã THEO CÁI SUY NGHĨ đi xa mấy ngàn dặm rồi.
Như vậy, để thấy rõ rằng, ngay trên đường mê chính là đường giác, lối về là đây. Như lời dẫn trong mục “THẤY TRÂU” của Tranh Chăn Trâu đã nói: “Từ tiếng được vào chỗ thấy liền đúng. Cửa sáu căn rành rõ không sai, trong động dụng rành rành hiển lộ. Chất muối trong nước, sắc xanh trong keo. Vén chân mày lên chẳng phải vật khác”.
Khi mê thì cũng “THẤY NGHE” này mà mờ tối. Lúc giác cũng “THẤY NGHE” này mà sáng ngời. Tức là con trâu tâm luôn hiển lộ rõ ràng nơi cửa sáu căn và trong mọi động dụng hàng ngày không chút gì nghi ngờ. Hay nói ngược lại, muốn gặp CON TRÂU TÂM, phải ngay cửa sáu căn và trong mọi cử chỉ, hành động đó, khéo nhận ra thôi, chứ không đâu khác. Như ngài Sùng Tín hầu thiền sư Đạo Ngộ một thời gian lâu. Một hôm, Sư thưa:
- Từ ngày con vào đây đến giờ, chưa được thầy chỉ dạy tâm yếu.
Đạo Ngộ bảo:
- Từ ngày ngươi vào đây, ta chưa từng chẳng chỉ dạy ngươi tâm yếu.
- Chỉ dạy ở chỗ nào?
- Ngươi dâng trà lên, ta vì ngươi mà tiếp. Ngươi bưng cơm đến, ta vì ngươi mà nhận. Ngươi xá lui thì ta gật đầu. Chỗ nào chẳng chỉ dạy tâm yếu?
Sư cúi đầu lặng thinh giây lâu. Đạo Ngộ bảo:
- Thấy thì thẳng đó liền thấy, suy nghĩ liền sai.
Ngay câu nói đó Sư liền ngộ.
Quả thật, chính ngay chỗ động dụng hàng ngày,bưng cơm, dâng trà, xá chào … luôn luôn hiển lộ ánh sáng chân thật không một phút giây nào thiếu sót, vậy mà chúng ta có bao giờ NHỚ BIẾT đâu!
Bởi vậy, chư Tổ thường bảo là “THẬT SỰ ĐÁNG THƯƠNG THAY!”. Cũng như trong nước biển vốn có chất muối, nếu người biết, liền dẫn nước biển vào ruộng để cho bốc hơi, tức có muối dùng. Chúng ta nhận biết rõ ngay cửa sáu căn vốn có “THỂ CHÂN THẬT” hằng hiển lộ, khéo dùng phương tiện tiến tu, thường soi trở lại không chạy theo sáu trần, thì sẽ sống được với thể chân thật, có đủ diệu dụng vượt thoát sanh tử, làm chủ muôn pháp tự tại. Đây là một sự thật trăm phần trăm, chỉ cần chúng ta VÉN CHÂN MÀY LÊN, MỞ MẮT RA, thì nó “RÕ RÀNG SÁNG RỠ”, KHÔNG PHẢi VẬT GÌ KHÁC ĐÁNG NGHI NGỜ!


Cho nên, lâu nay chúng ta cứ than là đã bị trầm luân từ vô thủy, hết kiếp này đến kiếp khác lăn lộn mãi trong đường luân hồi, không biết đâu là lối ra. Thì đây, LỐi RA ĐÃ MỞ, ĐƯỜNG VỀ ĐÃ HIỆN,chỉ còn đợi chúng ta có CẤT BƯỚC ĐI hay không thôi. Đi, thì ngay chỗ “THẤY NGHE” đó, liền trở về. Lừng chừng, thì cũng ngay chỗ “THẤY NGHE” đó, liền bị trôi giạt. Chân lý quả thật sáng ngời trước mắt, quá gần gũi với chúng ta vô cùng, chớ không phải ở xa tận phương trời đâu đâu, qua mấy muôn ngàn thế giới khiến chúng ta không bao giờ dám nghĩ tới. Chỉ một điều, VỪA ĐỘNG NIỆM tức thân ở tại QUÊ NGƯỜI. VÔ NIỆM thì ngồi tại QUÊ NHÀ cười ngất! Đường trở về là đấy!

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 70396
  • Online: 23