Hãy khéo chăm sóc cái tâm
24/02/2018 | Lượt xem: 3543
TT.Thích Thông Phương
I. Tâm báu
Tâm là của báu chí cao vô thượng, mà chúng ta lâu nay bỏ quên ít chăm sóc, lại chăm sóc thân nhiều hơn. Đa số thường lo chăm sóc thân, hoặc nhà cửa, xe cộ, ruộng vườn sự nghiệp bên ngoài, mà bỏ quên cái tâm. Đây là thiếu sót rất lớn. Tâm quý hơn những thứ đó, là linh hồn của cuộc sống. Nếu chúng ta sống thiếu tâm thì sự sống này thành sự chết. Tâm quan trọng như vậy nhưng ít ai quan tâm đến, bỏ qua chỗ quý báu này.
Như vậy cái đáng chăm sóc lại không chăm sóc, lại chăm sóc những cái ít đáng chăm sóc.
Chính vì thiếu chăm sóc tốt cho tâm, thường bỏ bê có khi mặc kệ không biết tới nó nữa, khiến nó sanh bệnh hoạn, hoặc mất thăng bằng. Cái tâm mất thăng bằng sẽ thành tâm bất thường, tâm phiền não sống trong khổ đau. Sống mà để cho những tham sân si, phiền não lấn áp là làm cho tâm phải chịu thiệt thòi, thương tổn, thành tâm lang thang không có chỗ nương tựa bị dẫn đi trong đường điên đảo, đó là sống mất gốc.
Tâm vốn là gốc của con người mà chúng ta lại bỏ quên, để nó trôi dạt không có điểm tựa, vì không biết tựa vào đâu? Vậy mà ít ai thấy được trách nhiệm của mình, là phải lo chăm sóc tâm, không khéo để thành bệnh hoạn. Và cũng chính vì tâm có bệnh nên chúng ta mới đến đây học Phật, nhà chùa trở thành bệnh viện trị bệnh tâm. Học Phật là để điều trị tâm mình. Nếu tâm mỗi người không bệnh hoạn đương nhiên không tới đây.
Trong kinh Pháp Cú, Phật dạy:
Tâm khó thấy tế nhị,
Theo các dục quay cuồng.
Người trí phòng hộ tâm,
Tâm hộ an lạc đến.
Phật dạy tâm con người không hình tướng khó thấy, rất tế nhị. Cũng có khi chúng ta thấy tâm mình nhưng không kiểm soát được. Nó lên chùa tụng kinh niệm Phật, sơ suất một chút nó chạy ra chợ lúc nào không hay. Cũng vậy, mới thấy nó lên ngồi thiền, mới bắt chân lên chưa ngồi nó lại chạy về nhà. Nên Phật dạy người trí phải khéo lo phòng hộ tâm, giữ gìn, chăm sóc, ngăn ngừa tâm nghĩ xấu. Tâm được phòng hộ tốt tức là an lạc đến. Ngài nói thêm:
Hãy vui không phóng dật,
Khéo phòng hộ tâm ý.
Kéo mình khỏi ác đạo,
Như voi bị sa lầy.
Người khéo tu không phóng dật, không để tâm phóng đi lang thang, khi có phòng hộ giữ gìn tâm ý sẽ kéo mình ra khỏi đường ác. Tâm nếu được chăm sóc kỹ, được ngăn ngừa không tạo những tội lỗi thì kéo người ra khỏi ác đạo, như voi bị sa lầy được kéo lên. Người khéo tu Phật là phải hăng hái chăm sóc, phòng hộ tâm thật kỹ, không để nó chạy rong giống như ngựa hoang, không gì kềm chế được, mặc tình cho những thứ phiền não, tham, sân, si tung hoành, làm khổ mình. Chúng ta cần phải luôn giữ gìn không cho nó sanh tội lỗi, tà ác, gây khổ đau cho mình, cho người.
Những thứ gây khổ đau cho thế gian này, gốc cũng từ tâm. Tâm vốn không hình tướng nhưng nó lại là cội gốc. Khi tâm khởi lên thì thân làm, miệng nói. Thí dụ muốn mắng ai đó tâm phải khởi trước miệng mới nói. Nếu ngay khi tâm khởi lên ý muốn chửi người liền dừng ngay đó thì miệng không nói. Muốn nghĩ đánh ai đó, nếu dừng thì đâu có đánh nhau, nên giữ tâm là gốc, còn không giữ thì thành tâm bệnh hoạn hoặc thành tâm giặc trộm, trộm của báu công đức của mình, làm tiêu mất công đức; hay thành ra tâm ngông cuồng, không còn biết phải quấy, giết chết cuộc sống tinh thần, đánh mất sự bình an trong nội tâm của mỗi người. Biết vậy rồi chúng ta hãy khéo chuyển tâm bất bình thường thành tâm bình thường; còn không khéo thì chuyển tâm bình thường thành tâm bất thường.
Nếu ai sống với tâm bất thường thì phải biết chuyển hóa lại, vì đó là nhân đưa đến con đường khổ đau đang chờ sẵn trước mắt. Người học Phật cần phải quý trọng tâm báu nơi mình, của báu bên ngoài không quý bằng tâm báu. Vàng, kim cương, chúng ta chỉ dùng tạm một lúc thôi, nhắm mắt rồi cũng bỏ lại. Chính tâm báu quý hơn hết, nó đi theo ta, giúp ta tạo an vui, hạnh phúc chân thật. Đó là thứ báu mà thế gian không có gì sánh kịp.
Tổ Bồ-đề Đạt-ma khi còn là thái tử, cha là Vua Hương Chí cúng dường hạt châu quý cho Tổ Bát-nhã-đa-la. Tổ Bát-nhã-đa-la muốn biết chỗ tâm đắc, chỗ hiểu Phật pháp sâu cạn của ba vị vương tử thế nào, nên đưa hạt châu lên hỏi ba vị vương tử (lúc đó Tổ Bồ-đề Đạt-ma là hoàng tử Bồ-đề-đa-la, cùng với hai người anh):
- Ở thế gian có thứ châu nào sánh kịp châu này không?
Hai vị vương tử kia đều nói hạt châu này rất quý, so với bảy báu thì không có báu nào sánh kịp. Vương tử thứ ba, tức Ngài Bồ-đề Đạt-ma đáp: “Hạt châu này là của báu ở thế gian chưa phải là tột quý, trong các thứ báu chỉ có Pháp bảo là quý hơn hết. Ánh sáng của hạt châu này là ánh sáng của thế gian cũng chưa cho là tột, trong các thứ ánh sáng chỉ có trí sáng mới là quý hơn hết. Sự trong sáng của hạt châu này là sự trong sáng của thế gian, cũng chưa cho là tột; trong các thứ trong sáng chỉ có tâm trong sáng mới là hơn hết.”
Tâm trong sáng có thể đưa con người thành Phật, còn sự trong sáng của kim cương, hột xoàn đâu có đưa người thành Phật, cũng không giúp người giác ngộ.
Ngài nói thêm: “Châu này sáng chiếu nhưng chẳng hay tự chiếu, cần nhờ có ánh sáng trí tuệ. Để rõ châu là quý báu thì phải từ nơi ánh sáng trí tuệ biện biệt mới biết nó là châu; đã biết nó là châu thì liền rõ nó là báu. Như vậy nó là châu mà chẳng tự biết nó là châu, cần phải nhờ có trí châu để biện biệt mới biết nó là thứ châu ở thế gian. Cũng thế, nói báu mà chẳng tự biết nó là báu, phải nhờ có trí báu soi sáng mới rõ nó là vật báu. Song nếu thầy có đạo thì báu kia hiện tiền, chúng sanh có đạo thì tâm báu tự bày”.
Tức là hạt châu sáng nhưng không thể tự biết, phải nhờ có ánh sáng trí tuệ mới biết. Nó tuy là châu báu nhưng nó không tự biết nó là châu báu, nhờ trí con người phân biệt mới biết nó là quý. Như vậy nó quý mà nó không tự biết phải nhờ đối tượng khác. Nên trí báu còn quý hơn kim cương, châu báu ở thế gian.
Tổ Bát-nhã-đa-la hết lòng khen ngợi, sau đó Ngài phương tiện tiếp dẫn vương tử thứ ba xuất gia, sau này là Tổ Bồ-đề Đạt-ma.
Cho thấy tâm báu nơi mọi người là thứ quý báu hơn hết trên thế gian này, không có vật báu nào trên thế gian này sánh bằng. Nhưng người ta lại thường bỏ quên nó, đây là điều thiếu sót lớn. Mỗi người đều có tâm báu nhưng không biết lo chăm sóc giữ gìn, để nó chạy theo những thứ tạm thời, tạo thành khổ đau rồi tự chôn vùi, mất đi những công đức chính mình. Đó là điều rất đáng tiếc!
Chúng ta khéo nhìn lại cho đúng đắn, để giữ gìn cái quý báu nơi mình, và để sống cho đúng ý nghĩa.
II. TÂM TRỘM
Mỗi người khéo xem chừng tâm trộm của mình, tâm báu không lo giữ để thành tâm trộm, trộm của báu trong nhà làm mất đi những gia tài quý báu, trộm những thiện nghiệp công đức mà chúng ta đã tạo. Trộm ở ngoài thì dễ giữ, trộm ở trong làm sao giữ?
Người thế gian lo giữ gìn trộm bên ngoài nhưng lại thường nuôi trộm trong nhà mà không hay, nên không biết của báu trong nhà bị trộm phá tan. Có khi tu hành tích lũy cả năm công đức, nhưng chỉ sanh một niệm quấy thì làm tiêu hao đổ vỡ hết, phải làm lại từ đầu. Thí dụ hằng ngày tụng kinh, ngồi thiền tốt, nhưng chợt khởi niệm uống rượu rồi theo nó đi uống rượu say, tạo nghiệp nói năng hành động thô tháo, thành ra đổ vỡ hết công đức an lành niệm Phật, tụng kinh suốt năm. Có khi đang tụng kinh rất tốt, nhưng nó lén trộm một chút thời gian ra ngoài nghe nhạc. Lúc đó tâm nào ở đó tụng kinh? Thành ra miệng tụng suông không có thành tâm, công đức bị tổn hao.
Hoặc đang ngồi thiền là đang tạo công đức, nó lén trộm ra ngoài chợ ngồi ăn hàng, rồi buồn vui v.v… cũng làm hao tổn công đức. Có khi đi bố thí cúng dường là tạo phước lành tốt, nhưng nó cũng lén trộm thời gian sanh cái ngã trong đó, khiến mất mát một phần công đức, phước đức. Và còn nhiều chuyện nữa, đây chỉ thí dụ một ít. Để chúng ta thấy, dù cố công tu hành tạo công đức phước đức nhưng không khéo giữ tâm, để nó lén trộm rồi làm tổn thất công đức của mình, là điều cần phải cảnh tỉnh.
Đưa ra những thí dụ trên cho mọi người nghiệm xét để từ đó suy ra tiếp, tự bổ túc thêm mà ngăn ngừa. Đó là khéo biết chăm sóc không cho tâm trộm, thường tỉnh giác canh chừng tâm trộm của mình vì nó hay gạt chúng ta lắm. Biết vậy rồi chớ đem của báu công đức mà tiêu xài phung phí rồi chính mình phải chịu khổ.
Vì tâm trộm ở trong nhà chúng ta nên nó biết hết, nó gạt mình rất tinh vi. Thí dụ như phát tâm ăn chay, nó gạt là coi chừng ốm bệnh, đừng ăn. Đi chùa cũng vậy, lâu lâu mệt lười, nó nghĩ hôm nay thân thể không khỏe, đi nhiều sợ trúng mưa cảm nặng rồi bệnh, thôi hãy ở nhà. Nó gạt mình đủ thứ vì nó ở trong mình, nó biết tâm lý của mình nên gọi là nuôi trộm ở trong nhà, trộm hết của báu mà không hay không biết. Chúng ta phải sáng suốt tu tập, nhận định rõ ràng, chăm sóc kỹ lưỡng tâm mình. Không giữ được là nó lén đi ra ngoài, đem những cái xấu bên ngoài vào nhà, làm loạn trong nhà thành tâm điên đảo, cuồng loạn rất nguy hiểm, nhưng ít ai biết. Vì vậy, chúng ta cần phải sáng suốt để ngăn ngừa.
Trong kinh Pháp Cú, Phật dạy:
Chúng ngu si thiếu trí,
Chuyên sống đời phóng dật.
Người trí không phóng dật,
Như giữ tài sản quý.
Phật dạy người ngu si thiếu trí tuệ, thường quen sống phóng dật buông lung. Người có trí thì không phóng dật, như người lo giữ tài sản của mình, đó là người khéo biết tu.
Như vậy, người si mê, sống đời phóng dật để tâm trộm hoành hành làm tiêu hao tài sản quý. Tài sản quý là tài sản về pháp. Nên người có trí phải biết giữ gìn, ngăn ngừa tâm trộm để chuyển hóa trở về tâm lành mạnh, tốt đẹp, tinh tiến tu tập theo chánh pháp. Đó là người có trí tuệ khéo biết giữ gìn, chăm sóc tâm.
Một Thiền sư Thái Lan chỉ dạy trong chúng: “Tâm vốn an tịnh, tĩnh lặng, khi tâm ra khỏi sự an tịnh, tĩnh lặng thì bất an rối loạn sẽ nhảy vào. Khi nhìn thấy được bất an, rối loạn này thì an tịnh, tĩnh lặng sẽ trở về”.
Tâm vốn an tịnh, tĩnh lặng. Người nào không giữ được tâm tĩnh lặng, để tâm rời khỏi sự an tịnh thì bất an sẽ nhảy vào làm rối loạn. Người khéo tu là biết nhìn lại, thấy được bất an rối loạn này, thì sự an tịnh tĩnh lặng sẽ trở về. Ngược lại thì sẽ theo sự bất an đi mãi, dẫn chúng ta đi ra ngoài tiêu xài hoang phí làm hao mất của báu trong nhà, là những gia tài công đức, thiện nghiệp của mình đã tạo.
Ngài nói thêm: “Phật giáo là đạo của tâm, người nào đào luyện tâm người đó thực hành Phật giáo”. Đạo Phật là đạo của tâm, nếu người biết lo đào luyện tâm, giữ gìn tâm đó là đang thực hành Phật giáo.
Mỗi người tự nắm yếu chỉ này thì không sợ lạc, tâm mình không lo giữ mà lo chạy lung tung, cầu cạnh thế này thế kia thì có khi chúng ta ở trong Phật giáo mà chưa thực hành Phật giáo. Thí dụ tâm mình không giữ gìn cho tốt, ngăn ngừa những phiền não sân si, nghe ở núi nào linh, liền chạy tới cầu Phật ban cho con phước lành, an vui hạnh phúc, đó là bỏ gốc theo ngọn.
Vì vậy, tất cả phải khéo luôn chăm sóc, giữ gìn tâm trộm của mình cho kỹ, phòng ngừa để nó không buông lung phóng dật, đó là đang thực hành Phật giáo. Được vậy mới xứng đáng là đệ tử Phật, bảo đảm phiền não sẽ tiêu dần, an lạc chân thật sẽ đến, gọi là không cầu mà được. Còn cái kia nhiều khi cầu cũng không được. Chúng ta thấy một bên có cầu cũng không bảo đảm được, còn cái không cầu mà vẫn được, vậy tại sao không làm? Mỗi người nên tự suy nghĩ sáng suốt: Cái đáng làm mà không làm, còn cái không đáng làm lại cố làm, đó là đi sai đường.
Canh chừng tâm trộm của mình, trong nhà thiền gọi là chăn trâu. Chăn trâu tâm của mình không cho trộm lúa mạ người khác, thì đâu có bị người khác đuổi đánh. Thí dụ lúa mạ của người ta mà mình để trâu đi vào ăn, khi người bắt được thì bị đuổi đánh. Chúng ta cứ việc canh giữ trâu tâm của mình, khi nó muốn leo vào ruộng người phải kéo lại liền. Người mà tu hay, khi thấy nó vừa liếc mắt là phải kéo lại. Đi ngang đám lúa mà nó liếc mắt là phải kéo lại liền vì nó muốn tới chỗ sáu trần lúa mạ đó, đừng để nó bước xuống, vậy mới là tu hay, là không khổ, là không tổn hại gia tài pháp bảo của mình.
Chúng ta học Phật biết rõ đường đi rồi, phải ráng giữ gìn canh chừng con trâu tâm của mình, gọi là chăm sóc tâm. Mỗi người có tâm báu mà không lo chăm sóc, để nó buông lung chạy theo những cái không đáng để tạo thành khổ đau, tự mình làm khổ mình. Chính mình làm khổ mình, thì chính mình chuyển hóa cho mình được an vui, chứ không ai xen vào được. Và đó mới là an vui chân thật. An vui của người khác đem lại không phải là an vui chân thật.
Thí dụ chúng ta cầu ai đó ban cho mình an vui, an vui đó cũng tạm bợ không phải thật. Vì người ta ban cho mình được thì người ta lấy lại được. Còn ngay nơi mình tạo an vui không cần ai cho, đó là cái thật sự của mình thì không ai lấy lại được. Vậy tại sao mỗi người còn không chịu làm?
Việc làm này đâu khó khăn gì! Nó ngay nơi mình. Thường khó khăn là khi nó ngoài tầm tay của mình. Còn cái trong tầm tay, mình có quyền làm chủ giữ gìn thì làm sao khó được. Như vậy, tâm mình ở ngay nơi mình, trong tầm tay mình thì không khó, khó là do người chưa đủ lòng tin, nên chạy theo cầu bên ngoài mới là khó.
Học Phật hiểu rồi thì mỗi người có đầy đủ niềm tin để chuyển hóa trở lại. Việc làm này bảo đảm ngay trong tầm tay của mỗi người, có thể chuyển hóa được. Chuyện này là chuyện ai làm cũng được chứ không phải không làm được. Nếu không làm được thì Phật không ra đời, Phật ra đời cốt yếu là chỉ dạy cho chúng ta thực hành. Phật biết chúng sanh làm được nên Ngài ra đời thuyết pháp chỉ dạy nhắc nhở cho mọi người tu. Nếu Ngài biết chúng sanh làm không được thì nói pháp làm chi? Mỗi người tự thấy được lý do để đầy đủ niềm tin tiến tu.
III. THỰC TẬP CHUYỂN HÓA
Người học Phật cần khéo biết chuyển hóa mê lầm, thường soi xét lại nội tâm mình để thấy được những lỗi lầm, điên đảo và kịp thời chuyển hóa, ngăn ngừa. Còn nhìn ra ngoài thì không thấy. Thông thường người ta hay thích nhìn ra ngoài nhiều hơn nhìn lại mình. Phật dạy chúng sanh hay sống hướng ngoại, chính thói quen đó làm cho người ta thường sống mất mình. Thật đáng tiếc!
Nhờ học Phật chúng ta biết được cái hay cái quý, nhưng vẫn không chịu thực hành là sao? Vậy có đáng trách không? Lúc chưa biết thì không nói gì, bây giờ rõ rồi, biết chỗ cần làm mà không làm thì phải nói sao đây! Mỗi người cần tự mình ghi nhớ rồi chuyển hóa trở lại, không để làm mờ tâm tánh sáng suốt của mình. Những tội lỗi, ác nghiệp từ nơi tâm tạo thành, tâm là nhân, là gốc, chủ động tạo nghiệp. Chúng ta không kiểm soát ngay từ cội gốc nên mãi tạo thành những nghiệp khổ đau cho mình, cho người.
Lúc chưa học đạo còn mê không biết thì thôi, cũng còn tạm tha thứ. Bây giờ học đạo biết đó là những điều mê lầm, tội lỗi thì phải sáng suốt nhận biết trở lại, quyết tâm chuyển hóa nó, tập làm chủ trở lại. Khi nghĩ những điều xấu thì ngừng không nghĩ nữa, đó là làm chủ trở lại. Những điều xấu dở có khi mình cũng biết nhưng vẫn làm. Như những tên ăn trộm, đều biết trộm là điều quấy nhưng vẫn làm, đợi người ta không thấy liền hành động. Đó chính vì vô minh che mờ tâm nên không tự chủ được, sống nô lệ cho tâm trộm khiến bị nó dẫn đi.
Đa số chúng ta không tự làm chủ, mà thường sống trong nô lệ như thế. Như ai cũng biết sân là xấu, nhưng gặp chuyện cũng sân, đó không phải đang nô lệ cho nó sao? Người sống mà không tự làm chủ được, sống như vậy là mất ý nghĩa rồi.
Mỗi người phải tập làm chủ trở lại, để chuyển hóa tâm xấu, tâm trộm. Ai cũng có tâm Phật sáng suốt từ nguyên thủy, là của báu quý nhất trong thế gian không có gì sánh kịp. Nếu không chịu sống trở lại thì thật đáng tiếc, có một của báu vô giá như vậy cớ gì không chịu sống trở lại với nó, để biến thành những tâm trộm xấu xa tội lỗi để tự chuốc lấy phiền não, khổ đau? Đó là mình tự phụ bạc quá lắm!
Thiền sư Bàn Khuê dạy: “Điều mà tôi từng nói với quý vị là gì? Tôi chỉ nói duy nhất là tâm Phật bất sinh mà tất cả quý vị đều bẩm sinh có sẵn. Việc chính yếu là nhận ra tâm Phật này, lúc đầu không có cái gì xấu xa nơi quý vị, nhưng chỉ cần đổi một chút là thành tâm ma, biến tâm Phật thành những tư tưởng xấu. Lấy trường hợp một người trộm cướp, lúc đầu anh ta chỉ chôm chỉa vài thứ lặt vặt, rồi nghĩ rằng mình được những thứ này không cần tốn xu nào, chắc chắn không còn cách nào kiếm sống dễ dàng hơn thế. Từ đó trở đi anh ta trở thành một tên trộm cướp chuyên nghiệp, táo tợn, và điều không thể tránh khỏi là anh ta bị tóm cổ, xiềng xích, bỏ tù rồi đưa ra hành quyết. Nhưng khi gặp hình phạt anh ta lại quên tất cả những việc quấy của mình, chửi rủa những người xử tử mình là tàn nhẫn, vô nhân đạo, cho rằng việc làm của mình không đáng bị xử phạt nặng thế. Có phải là lầm lẫn ghê gớm không, cách mà người ta biến tâm Phật quý báu thành quỷ đói và quỷ chiến đấu, tất cả đều do một bước sẩy chân ban đầu”.
Điều muốn nói của Thiền sư Bàn Khuê với tất cả duy nhất chỉ một điều là: “Ai cũng có tâm Phật bất sinh”. Ban đầu tâm Phật đâu có xấu, nhưng lệch một chút thì chuyển qua tâm ma, quan trọng là chỗ đó. Ở trong tâm Phật sáng suốt nhưng không giữ được, nhích một chút là biến nó thành những tư tưởng nghĩ lung tung. Những cái nghĩ lung tung là từ tâm Phật chợt biến thành những tư tưởng, rồi dẫn mình đi xa, nhích một chút là vào chỗ nguy hiểm. Chúng ta nhớ kỹ, chủ yếu là từ bước sẩy chân ban đầu. Tên trộm ban đầu chỉ chôm chỉa một hai thứ lặt vặt nhỏ nhỏ không đáng kể, nhưng không biết cảnh tỉnh thì từ cái nhỏ đi tới cái lớn rồi bị bắt, ở tù, xử tử. Ngài nói nếu không khéo là biến tâm Phật quý báu thành quỷ đói, những cái xấu xa tất cả đều do bước sẩy chân ban đầu. Ngay bước sẩy chân ban đầu không khéo giữ để cho đi luôn, người ta thường mắc kẹt chỗ đó.
Người biết tu cần phải chăm sóc tâm thật kỹ, ngay từ đầu cố gắng giữ gìn tâm Phật sáng suốt, canh chừng tâm trộm lén lút ra ngoài, đừng để bị nguy hại. Nhiều khi chỉ cần một niệm sai lầm không làm chủ được là nó dẫn đi xa, rất phải cẩn thận ngay từng tâm niệm. Người tu Phật là để chuyển hóa, sửa đổi, đó là khả năng sẵn có nơi mỗi người không phải cầu ai đem cho mình. Ai ai cũng có Phật tánh sáng suốt, hay là tâm Phật bất sinh, chính đó là điểm quan trọng. Chính vì có tâm Phật sáng suốt nên mới có bậc Hiền, bậc Thánh, có chúng sanh thành Phật. Nhờ có nó mà các Ngài giác ngộ, chuyển chúng sanh thành Phật. Nếu không có thì tất cả làm chúng sanh mãi mãi, không có nó thì tu thế nào cũng không chuyển được. Đó là một ân huệ lớn, là niềm tin để mọi người tu tập chuyển hóa.
Bởi vì sao có giác ngộ? Vì có mê nên có giác, giác là giác cái mê, chúng ta không mê thì giác cái gì? Mà tâm mới biết giác, cái đầu đâu có biết giác; mắt, tai, mũi, lưỡi cũng không biết giác. Nhiều khi nói theo thế gian cái đầu biết giác, biết nghĩ lung tung, nhưng sự thật cái đầu cũng không biết nghĩ nữa. Khi tắt thở, đầu vẫn còn mà đâu biết nghĩ, tâm mới biết nghĩ cái này cái kia, chính nó mới là gốc. Mà ai cũng có tâm, tức là khả năng giác ngộ nơi mọi người đều có đủ. Từ nơi tâm mình soi trở lại, chuyển hóa rồi vươn lên, đó là con đường của bậc Hiền Thánh đã đi, đang đi và sẽ đi.
Chúng ta muốn tiến lên thì cũng phải đi con đường này, soi trở lại tự tâm của mình để sáng lên. Còn những phương tiện này phương tiện khác, đó là những phương tiện sai biệt, điểm gốc là ở chỗ tâm này.
Nhiều người đọc kinh Phật nghe nói mê giác, phiền não, Bồ-đề, giải thoát, Niết-bàn tưởng ở chỗ xa xôi; hoặc nghĩ giải thoát là đi đâu đó, Niết-bàn là cảnh giới nào để đến, đó là những suy nghĩ lầm tưởng. Giải thoát là tâm giải thoát, không phải giải thoát cái gì khác, tâm sạch hết những phiền não mê lầm không còn những mầm móng trói buộc, đó chính là giải thoát. Niết-bàn cũng là tâm Niết-bàn, Niết-bàn không có cõi, đừng nghĩ có cõi Niết-bàn nào để đến, ngoài tâm còn có cõi nào để đến thì không phải là Niết-bàn chân thật.
Chúng ta học Phật nhiều khi lầm theo chữ nghĩa, nghe nói cảnh giới Niết-bàn, hay cõi Niết-bàn là chỗ an vui tốt đẹp, rồi muốn về cõi đó, là bị ngôn ngữ gạt. Niết-bàn là vô sanh, không còn sanh tử. Nếu có sanh thì có tử, có sanh tử thì không phải Niết-bàn.
Như vậy, tâm mình phiền não rồi tâm mình giải thoát phiền não, tâm mình sanh tử cũng tâm mình Niết-bàn chứ không đâu khác. Tìm ngay trong tâm mình có đủ hết, ngay trong tầm tay mỗi người, chỉ cần đủ lòng tin tiến tu.
Chúng ta tuy chưa thể ngay đây một lần tiến thẳng được, nhưng biết rồi phải từng bước đi cho đúng đường, từng bước đi lên, bảo đảm đi lên không sợ lạc. Như trong nhà thiền có bài kệ:
Hôm qua mặt Dạ-xoa,
Sáng nay tâm Bồ-tát.
Bồ-tát và Dạ-xoa,
Không cách một đường tơ.
Bồ-tát và Dạ-xoa ngay tâm mỗi người. Hôm qua là Dạ-xoa, hôm nay chuyển tâm thành Bồ -tát, con đường đi rất sáng sủa rõ ràng.
IV. TÓM KẾT
Ai cũng đều có tâm, sống chung với tâm nhưng lại thường bỏ quên không ngó ngàng đến. Có mà bỏ quên không chăm sóc để nó thành tâm bệnh, mê lầm điên đảo, che mờ tâm tánh sáng suốt, ốm yếu tàn tật đau thương. Có khi thành tâm nổi loạn, tâm ngông cuồng, sống trong khổ não, do không biết chăm sóc giữ gìn nó. Đó là đánh mất gốc của sự sống, là sống mất gốc. Bây giờ biết có gốc phải sống trở về, đừng để sống mất gốc nữa.
Người học đạo rồi cần phải khéo chuyển lại, biết chăm sóc tâm cho kỹ, chuyển hóa thành tâm lành mạnh, sáng suốt, thuần thục giống như con trâu ngoan. Lâu nay nó là trâu hoang phải sống trở lại thành trâu ngoan.
Trong nhà thiền, có câu chuyện ông Quách Công Phụ thường tham thiền với Thiền sư Bạch Vân - Thủ Đoan. Một hôm Sư bảo ông: “Trâu của ông đã thuần chưa?”. Ông thưa: “Đã thuần rồi”. Sư liền quát mắng lớn tiếng, ông khoanh tay đứng. Sư bảo: “Thuần rồi, thuần rồi! Nam Tuyền, Đại Quy cũng không có khác việc này.” Sư bèn tặng ông bài kệ:
Trâu đến trong núi,
Đủ nước đủ cỏ.
Trâu ra khỏi núi,
Húc đông húc tây.
- Đúng là trâu ngoan! Trâu ngoan!
Ngoan là vậy đó. Còn nếu ngay đó mà ông đỏ mặt lên thì trâu hết ngoan.
Ngay bây giờ tất cả hãy khéo tu tập để đầy đủ sức sống chân thật, thành trâu ngoan tăng trưởng công đức. Bảo đảm an vui, hạnh phúc chân thật sẽ đến, không cầu mà đến. Đó là khéo biết sống và sống có trí tuệ, cũng gọi là người biết sống thương mình. Không phải người biết thương mình là lo thu góp tạo nhà cửa, sự nghiệp để được sang cả, cái đó chưa hẳn là biết thương mình. Nhiều khi thành tạo nghiệp chịu khổ không hay. Đó là tự hại mình!
Mong rằng từ đây tất cả đều tỉnh ngộ, biết chăm sóc tâm của mình cho kỹ, để mỗi ngày luôn được mới mẻ tinh khôi, đừng để tâm của mình hư cũ đáng bỏ. Mong tất cả luôn cố gắng.
Các bài mới
- Phương pháp để sống an vui - 21/02/2018
- Thiền là sống ngay thực tại - 11/01/2018
- Giải thoát tri kiến - 08/01/2018
- Ai cũng có khả năng giác ngộ - 31/10/2017
- Tất cả thế gian đều tan rã - 25/09/2017
Các bài đã đăng
- Tứ hoằng thệ nguyện - 31/07/2017
- Thiền bệnh - 26/07/2017
- Bảo nhậm - 16/07/2017
- Tổ Sư Thiền 1 - 15/06/2017
- Ý chỉ bất lập văn tự - 03/05/2017
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Video mới
- Thanh Từ Toàn Tập - Quyển 4: Kinh Duy Ma Cật, Kinh Viên Giác, giảng giải
- Thanh Từ Toàn Tập - Quyển 3: Bát Nhã Tâm Kinh, Kinh Kim Cang, Kinh ...
- Thanh Từ Toàn Tập - Quyển 1: Kinh Bộ Giảng Giải
- Tư Tưởng Phật Giáo Đời Trần ( Cập nhật Phần 34 - buổi thứ 12/17.9.24 - Tham Vấn)
- Trí Tuệ Con Người Và Trí Tuệ Nhân Tạo AI
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 60889
- Online: 35