Hãy ngu đi
24/03/2019 | Lượt xem: 3820
TT.Thích Thông Phương giảng tại Lễ tạ pháp TVTL Chánh Giác 2018
Hôm nay là buổi giảng cuối năm cũng là buổi Tạ pháp, quý Thầy nói đề tài đặc biệt để tất cả nghe lãnh hội thêm rồi về ứng dụng tu tập thời gian dài. Đề tài nói chuyện hôm nay là HÃY NGU ĐI!
Nghe thấy buồn, nhưng đừng có vội vì cái Ngu này cần phải học để Ngu chứ không phải cái Ngu thông thường như mọi người hiểu.
I. NGU CÁI GÌ?
Thường con người ta hay quá khôn lanh, nhưng đó là cái khôn lanh theo thức tình phân biệt, đối với thế gian gọi là khôn lanh nhưng trong nhà Phật hay trong đạo lý cho đó là khôn lanh điên đảo mê lầm khiến tiếp nối trong sanh tử khổ đau, thành ra cái khôn đó nhà Phật chưa khen ngợi.
Cái khôn đó rất bén nhạy với các duyên nên hễ gặp duyên liền vin theo chụp bắt lấy rất nhanh rồi lao theo đó mà tạo nghiệp sanh tử, nếu không kiểm soát kịp sẽ đưa đến hậu quả rất nguy hiểm. Nó nghĩ tưởng ra đủ thứ quái lạ để tự mê hoặc chính mình, để đưa mình vào mê hồn trận của bản ngã vô minh, không thể ra khỏi.
Thiền sư Bàn Khuê có một bài khai thị cho đại chúng rằng: “Tôi thường bảo những người đến học với tôi và những người thường đến chùa là: “Hãy ngu đi!”. Bởi vì bạn đã có công năng linh động của tâm Phật chiếu sáng kỳ diệu nên dù cho bạn dẹp bỏ trí phân biệt, bạn cũng không phải là người ngu.
Bởi vậy tất cả các bạn từ nay về sau hãy ngu đi! Dẫu có ngu đần khi đói thì bạn cũng biết xin cái gì đó để ăn, còn khi khát bạn cũng biết xin ít nước trà để uống. Lúc nóng bạn cũng biết mặc y phục mỏng, và lúc rét bạn cũng biết mặc thêm áo. Bạn sẽ không quên những thứ gì liên hệ đến sự sống hàng ngày. Nhưng với những người khôn lanh thì chắc chắn có rất nhiều khuyết điểm. Cái mà tôi bảo ngu ở đây chính là vượt lên trên những người khôn lanh ấy, những người mà hầu hết thế gian đều rất kính nể. Thật cũng không hề hấn gì khi làm một kẻ ngu như vậy.
Khi nghe đồn về người nào khôn lanh thì tôi thường yêu cầu để gặp họ, nhưng khi gặp được người ấy và có dịp nói chuyện với nhau, tôi mới có cảm giác rằng dường như mọi người trên thế gian đều ca tụng những chuyện điên rồ. Những người mà họ xem là khôn lanh trước hết đều bị mờ mắt vì chính sự khôn lanh của họ, bóp méo tâm Phật và làm lu mờ diệu dụng chiếu sáng của nó, xem người khác không ra gì, nói ngược lại bất cứ những gì người ta nói, khinh thường và lăng nhục người khác.
Dĩ nhiên những người bị họ lăng nhục cũng có tâm Phật chiếu sáng nên nổi giận và phản công ngay, tuôn ra những lời nguyền rủa. Lý tưởng của con người chân chính là tử tế với người ngu và giúp đỡ những người xấu ác, được thế gian công nhận là người tốt mới chính là điều làm cho sự sanh làm người đáng đồng tiền bát gạo.
Có hay ho gì khi bạn được mang tiếng là con người khôn lanh mà xấu xa ác độc. Bởi thế khi về nhà gặp lại những người quen biết thì các bạn làm sao cho họ ngạc nhiên về mình như sau: “Không biết thằng cha này đã nghe lão Bàn Khuê dạy những gì mà bây giờ y còn ngu hơn trước”. Cái ngu tôi nói ở đây không phải là cái ngu ngược lại với trí mà chính là cái ngu vượt lên cả trí và ngu”.
Hiểu được cái Ngu này chưa? Cái Ngu không phải dễ hiểu cho nên đừng có vội hiểu theo danh từ ngôn ngữ quen nói, mà phải hiểu ý sâu muốn chỉ trong đó. Học thiền phải đạt ý quên lời. Nói Ngu nhưng phải hiểu được cái “ý” Ngu thế nào, không nên chấp theo lời nói đó.
Nói Ngu đây là Ngu đi những thứ khôn lanh chết người của thế gian, Ngu đi những thứ nghĩ tưởng lăng xăng lộn xộn, nó là cái Ngu vượt lên cái ngu, vượt lên cái trí của thế gian, không phải cái ngu là không biết gì hết. Cho nên cái Ngu này phải học để Ngu, Ngu để thành người trí ở trong đạo, như vậy không những không sợ Ngu mà còn phải học.
Bởi vì chúng ta đã làm khôn quá nhiều rồi, làm khôn từ nhiều đời nhiều kiếp thế nên mình đã tự gạt mình khiến tự quên mất đi bộ mặt thật xưa nay của chính mình, gọi là tâm Phật sáng suốt kỳ diệu mà không biết sống, rồi lại sống với những cái khôn lanh quỷ quái làm che khuất đi tâm Phật đó. Đúng là thật đáng tiếc! Đặt câu hỏi lại: như vậy có thật là khôn chăng?
Cho nên Thiền sư Bàn Khuê gọi là bóp méo cái tâm Phật và làm lu mờ diệu dụng chiếu sáng của nó. “Xem người khác không ra gì, nói ngược lại bất cứ những gì người ta nói, khinh thường và lăng nhục người khác”. Thấy cái khôn đó đáng khen không? Đó là cái lầm của thế gian! Bởi vậy chúng ta phải học Ngu đi những cái khôn đó. Người hiểu đạo phải học để mà Ngu, Ngu mà phải học chứ không phải dễ dàng, không xem thường được. Vì vậy chúng ta không chấp theo ngôn ngữ chữ nghĩa, phải hiểu được cái ý muốn nói trong đó.
Thiền sư Bàn Khuê cũng có một bài thơ tựa là Ngẫu Hứng, cũng đồng với ý này:
Chê không giận, khen không mừng,
Một khối ngu lớn trong vũ trụ.
Tùy duyên đi khắp Nam, Bắc, Đông, Tây,
Không giấu sự xấu vụng của tôi giữa trời đất.
Cái Ngu của người hiểu đạo là vậy. Chê không giận, khen không mừng: Đối với thế gian đúng là ngu chứ gì nữa, nhưng cái Ngu đó dễ ngu không? Ngu này học cả đời chưa xong, không dễ dàng. Chê-khen không màng không bận tâm gọi là “cái Ngu lớn trong vũ trụ” để cho mọi người phải học.
Đây là lời chân thật của những bậc tu hành sáng đạo nói ra, tức là đã có thật chứng ở trong pháp, không phải nói suông trên chữ nghĩa, cho nên chúng ta phải nghiền ngẫm, phải học!
Ông cư sĩ Bàng Uẩn sống trong thế gian nhưng vẫn ngộ đạo giống như Thượng sĩ Tuệ Trung thời Trần ở Việt Nam, ông có câu nói: “Chỉ cần bỏ hết những thứ hiện có và đừng đem vào cái mình không có”. Tập Ngu là như thế, bỏ đi những cái hiện có, tức là nó có trong sự vay mượn đem vào, phải Ngu để bỏ nó ra, không bám chấp vào nó. Còn những cái mình không có, tức không phải của mình thì đừng có đem vào càng gây rối thêm, hoặc lấy đó tự hào rồi sanh ra cái lanh lợi chết người, làm che mất đi tâm bản lai sáng suốt sẵn có của mình. Đem cái kia vào làm che mờ cái sẵn có của mình rồi cho là khôn, cái khôn đó đối với nhà Phật chưa phải thật khôn.
Giờ đây phải học cái Ngu của bậc Thượng sĩ để Ngu đi những thứ tầm thường đó. Thiền sư Phổ Trang hiệu là Ngốc Am cũng có bài ca:
Ngốc Am tôi đây ngốc đạo nhân,
Chẳng biết thế gian thu với xuân.
Ngơ ngơ ngáo ngáo chỉ như thế,
Không vinh, không nhục, không sơ thân.
Hoặc nắm vàng ròng hòa đất bán,
Hoặc nhận yến thạch làm bảo trân.
Người khôn trông thấy liền cười ngất,
Khen chẳng mừng, mắng chẳng buồn.
Đó là cái ngốc của Ngài.
Ngài nói tôi là một đạo nhân ngốc, chẳng biết thế gian thu với xuân; mặc cho thế gian thu xuân trôi qua không có bận tâm, không lệ thuộc vào thời gian.
Ngơ ngơ ngáo ngáo chỉ như thế.
Không vinh, không nhục, không sơ thân:
Đối với chuyện vinh-nhục cũng không bận lòng, học cái Ngu là chỗ đó, còn chúng ta vinh-nhục chút xíu thấy phiền não khổ liền.
Hoặc nắm vàng ròng hòa đất bán.
Hoặc nhận yến thạch làm bảo trân:
Không có phân biệt quý hay tiện gì! Người khôn trông thấy liền cười ngất: chê cái anh này quá ngốc! Nhưng khen cũng chẳng mừng, mắng cũng chẳng buồn, lòng nhẹ nhàng thanh thản. Còn khôn quá khen chút là động, chê chút là khổ, là có thật khôn chăng?
Như vậy bậc đạt đạo đối với sự khen chê của thế gian không có màng tới, không bận tâm, không bị lưu chuyển theo đó nên cõi lòng lúc nào cũng tự tại sáng suốt. Ngu mà sáng suốt cõi lòng, đó là Ngu của bậc Trí, của bậc Thượng sĩ không phải tầm thường nên cần phải học để Ngu.
II. ĐỪNG ĐỂ TỰ NGÃ
MÊ HOẶC
Trong Chứng Đạo Ca có câu:
Vô minh thật tánh tức Phật tánh,
Huyễn hóa không thân tức pháp thân.
Ngay cái thật tánh của vô minh tức là Phật tánh, cũng như cái thân huyễn hóa mà rỗng rang tức pháp thân.
Nghĩa là Phật tánh hay pháp thân là ở ngay trong cái phàm phu này chứ không tìm đâu xa. Nhưng tại sao người ta không sống được với Phật tánh, không sống được với pháp thân? Là bởi vì bị cái tự ngã này mê hoặc nên nhớ tự ngã này chứ đâu nhớ Phật tánh, đâu nhớ pháp thân, thành ra mờ đi không nhận ra. Từ đó theo nó rồi tạo tác buồn vui, giận ghét, hơn thua, phải quấy đủ thứ phiền não trong cuộc sống, khiến che mờ đi Phật tánh sáng suốt.
Như câu chuyện ông tăng tên Pháp Đạt tụng kinh Pháp Hoa 3000 bộ, công phu đáng nể! Khi đến gặp Lục Tổ, ông làm lễ đầu không cúi sát đất. Do nhớ chấp công phu của mình đã tụng 3000 bộ rồi, việc này ít người làm được. Cho nên bị Tổ quở:
- Lễ mà đầu không cúi sát đất thì thôi đừng có lễ! Chắc là trong tâm ông hẳn chứa một vật gì đó?
Ông liền thưa:
- Con tụng 3000 bộ kinh Pháp Hoa.
Lục Tổ bảo:
- Nếu ông niệm đến muôn bộ mà nhận được ý kinh chẳng lấy đó cho là hơn thì cùng với tôi đồng đi. Còn hiện nay ông mang sự nghiệp này đều chẳng biết lỗi.
Tức tụng mà hiểu được ý kinh mới là hay, còn mang sự nghiệp đó rồi chấp vào đó khiến không biết lỗi lầm, thì có gì hay! Lục Tổ mới nói bài kệ:
Lễ vốn bẻ cờ mạn,
Sao đầu chẳng sát đất!
Có Ta, tội liền sanh,
Quên công, phước vô kể.
Ngài nói lễ bái vốn để dẹp cờ ngã mạn, sao lễ đầu không sát đất? Là có ngã mạn, có cái Ta trong đó. Mà có Ta thì tội lỗi liền sanh. Quên công thì phước mới lớn, mới đáng trọng.
Tức làm mà không kể không nhớ công thì phước đức vô lượng vô biên. Nếu ông tụng 3000 bộ mà ông quên đừng có nhớ công đó thì phước đức vô lượng vô biên, còn nhớ là Ta tụng nhiều bộ kinh liền có tội lỗi và sẽ bị tổn phước.
Sau đó ông được Lục Tổ khai thị rồi được sáng tỏ, ông mới vui mừng làm bài kệ tán thán Lục Tổ trở lại:
Kinh tụng ba ngàn bộ,
Tào Khê một câu quên.
Chưa rõ ý xuất thế,
Đâu dứt nhiều kiếp cuồng.
Do chấp vào cái ngã mới thấy công phu mình tụng được 3000 bộ kinh là lớn là ít có người làm được, nên nó che mờ đi đức tánh sáng suốt thanh tịnh hay tâm Phật của mình, do đó lễ Tổ mà vẫn còn nhớ cái ngã này nên bị Tổ quở. Sau đó ông thấy được lỗi lầm rồi được Tổ khai thị thêm nên sáng tỏ được lý thật, mở sáng được tâm.
Bấy giờ ông tăng Pháp Đạt mới bày tỏ với Tổ là từ lâu tụng 3000 bộ Kinh Pháp Hoa, xem như công phu đáng kể. Nhưng hôm nay đến gặp Tổ ở Tào Khê ngay một câu nói của Tổ liền quên hết. Như vậy cái quên hết này có đáng buồn, có đáng tiếc chăng? Đó là cái chỗ chúng ta cần phải học để quên hay học để Ngu, nhưng Ngu mà được thêm lớn công đức, trái lại đừng để làm khôn mà để tự ngã mê hoặc, bị tổn mất công đức thì không nên làm. Đó là điều cần nhận cho rõ ràng.
Cũng như câu chuyện ông Tô Đông Pha với Thiền sư Phật Ấn. Một hôm ông tu tập có sở đắc, ông thấy cảm hứng nên mới làm bài kệ sai tiểu đồng mang qua sông đến chùa Kim Sơn trình cho Ngài Phật Ấn. Ông đinh ninh Ngài Phật Ấn sẽ khen ngợi, bài kệ như sau:
Khể thủ thiên trung thiên,
Hào quang chiếu đại thiên.
Bát phong xuy bất động,
Đoan tọa tử kim liên.
Dịch:
Cúi đầu lễ Thế Tôn,
Hào quang chiếu đại thiên.
Tám gió thổi chẳng động,
Ngồi vững trên đài sen.
Nghe quá hay!
Thiền sư Phật Ấn xem xong, lấy bút phê hai chữ phía dưới rồi đưa tiểu đồng mang về trình với ông.
Ông phấn khởi mở ra xem nhưng khi thấy hai chữ “Đánh rắm” (phát địt), thì ông nổi giận mất tự chủ, mới sai lấy thuyền đi vội qua sông gặp Thiền sư Phật Ấn.
Ngài Phật Ấn biết nên đã chờ trước.
Vừa lên bờ, ông gặp Ngài Phật Ấn đứng đợi liền xổ ra những câu khó nghe. Thiền sư Phật Ấn cười ha hả bảo:
- Tô Đông Pha tám gió thổi chẳng động nhưng giờ chỉ có hai chữ “đánh rắm” là thổi bay từ bên kia sông tới bên đây sông rồi!
Ngay đó ông tỉnh ngộ cảm thấy hổ thẹn.
Đó cũng là bài học cho thấy cái tự ngã mê hoặc chính mình. Thấy mình hiểu đạo, thấy mình có sở đắc muốn cho người khen mình là chưa phải thật ngộ. Người thật ngộ đến trình thầy bị thầy chê thì sao? Nếu thật ngộ thì chê-khen chẳng bận lòng, gọi là vàng thật thì không sợ lửa, sợ lửa thì không phải vàng thật.
Cho nên muốn người ta khen ngợi mình mà không được khen rồi sanh phiền não là ngay đó hết sáng suốt, rõ ràng bị tự ngã mê hoặc làm mờ tối đi. Nếu không được vị thiện tri thức cảnh tỉnh thì càng mất sáng suốt thêm nữa.
Do đó học đạo là phải tập Ngu bớt đi cái khôn đó, gọi là cái khôn của tự ngã làm mê hoặc chớ không phải hoàn toàn mình ngu không biết gì hết. Vì cái khôn đó không phải là thật khôn, đó là điều cần phải học.
Như có hai vị tăng nhiều năm tham thiền cũng hiểu được đạo lý tương đối khá, hôm đó cùng đi với nhau trên đường, một vị tên là Định Sơn, một vị tên Giáp Sơn. Hai người cùng bàn luận về thiền đạo với nhau, ông tăng tên Định Sơn nói rằng:
- Trong sanh tử không Phật tức chẳng phải sanh tử.
Ông tăng tên Giáp Sơn nói:
- Trong sanh tử có Phật tức chẳng mê sanh tử.
Hai ông nói qua nói lại mà không ra lẽ, nên khi lên núi lễ Thiền sư Pháp Thường tức Ngài Đại Mai, hai người mới đem câu nói của mình ra thuật lại cho Thiền sư nghe, rồi hỏi:
- Chưa biết chỗ thấy của hai người chúng con là ai được gần? (Tức ai được khế hợp với đạo lý nhiều hơn?)
Thiền sư Pháp Thường bảo:
- Một gần một xa.
Hai người mới hỏi lại:
- Vậy ai là người thật được gần?
Thiền sư Pháp Thường bảo:
- Thôi, hai ông hãy đi đi! Bây giờ tối rồi, sáng mai lại đây!
Hai người đi về chỗ nghỉ. Sáng hôm sau, ông tăng tên Giáp Sơn vội vàng đến trước hỏi Thiền sư Pháp Thường, Sư bảo:
- Người gần thì chẳng hỏi, người hỏi thì chẳng gần.
Ông tăng này đêm đó ngủ không yên, trông mau sáng để hỏi xem ai thắng, ai hơn, nên vội vàng hỏi trước. Sốt sắng đến hỏi tưởng như vậy là hay nhưng đó đã bị “cái đúng-sai” sai khiến, biểu lộ bị mê hoặc bởi tự ngã. Muốn rõ là mình có hơn ông kia không, nên vội vàng hỏi trước, là không hơn rồi! Cho nên Thiền sư Pháp Thường bảo “Người gần thì chẳng hỏi, người hỏi thì chẳng gần”.
Muốn mình đúng tức là muốn mình hơn người khác nên không thể hơn. Thường chúng ta thích khôn theo kiểu đó, muốn hơn phải khôn lanh nhưng khôn theo kiểu hơn-thua, được-mất, chưa phải là chỗ chư Tổ khen ngợi, nên cần phải học Ngu cái đó đi mới gần với đạo, thích hợp với đạo lý. Hiểu vậy để tất cả nhận rõ đường đi của mình.
III. TÓM KẾT
Để tóm kết giúp tất cả nhớ sâu, đây dẫn trong kinh Pháp Cú - câu 63 - phẩm Ngu, Phật có dạy:
Người ngu nghĩ mình ngu,
Nhờ vậy thành có trí.
Người ngu tưởng có trí,
Thật xứng gọi chí ngu.
Người Ngu nghĩ mình Ngu do đó cần học để sáng nên thành có trí. Người ngu tưởng có trí đâu muốn học thêm nữa, thì gọi là đại ngu. Vì vậy chúng ta phải học để Ngu là vậy.
Nói tóm lại, cái Ngu đây là cái Ngu của bậc trí chứ không phải cái ngu tầm thường của thế gian hiểu. Cái Ngu bậc trí thì không dễ dàng để Ngu mà phải học để mà Ngu. Do đó mọi người cần phải học để Ngu, học để biết cách Ngu, đó là cái Ngu vượt lên cái ngu và trí của thế gian, và không phải lo sợ bị chê cười.
Vậy từ đây chúng ta cần phải học cái Ngu này để quên bớt những cái khôn lanh chết người, những cái khôn lặt vặt, những cái khôn vay mượn khiến che mờ đi con người chân thật của chính mình hay tâm Phật thanh tịnh sáng suốt quý báu. Do đó cái Ngu ở đây phải hết sức tận tâm học để Ngu chứ không phải dễ gì bắt chước.
Đây dẫn câu chuyện trong nhà thiền để tất cả về nghiền ngẫm cho sâu, cho kỹ để thấy cái Ngu trong đạo nhất là trong nhà thiền.
Đời Minh, một hôm có vị pháp sư giảng kinh là Ngài Đại Đô An đến thăm Thiền sư Kiệt Phong Anh. Thiền sư hỏi:
- Giảng chủ thường thích giảng kinh gì nhất?
Ngài Đại Đô An đáp:
- Kinh Kim Cang và tôi đã từng ngộ qua câu “chẳng từ đâu đến cũng chẳng đi về đâu”.
Thiền sư Anh bảo:
- Đã không đến không đi thì ông làm sao đến đây được?
Ngài Đại Đô An đáp:
- Cũng chính là người không đến đi đó thôi không phải ai khác.
Thiền sư gạn thêm:
- Vậy ngay đây người đó ở đâu, ông trình ra xem?
Ngài Đại Đô An đáp bằng một tiếng hét!
Thiền sư bảo:
- Thôi đi, ở đây không nói chuyện đánh với hét, khi bốn đại tan rã ông đi về chỗ nào để an thân lập mạng?
Ngài Đại Đô An liền trả lời:
- Khắp cả cõi đất này cái ấy không phải là chính ta ư? (Còn gì phải nghi ngờ).
Thiền sư Anh lại gạn thêm câu nữa:
- Nhưng bỗng nhiên gặp đến thời kiếp hỏa, lửa đốt cả đại thiên thế giới, lúc đó ông ở đâu? (Ông nói khắp cả đất đâu đâu cũng là nó thì hay rồi, nhưng tới thời kiếp hỏa lúc đó lửa cháy tiêu hết cả thế giới này luôn thì lúc đó ông ở đâu?)
Ngài Đại Đô An liền đáp:
- Không biết.
Thiền sư Anh bảo:
- Lục Tổ vì cái “không biết” đó mà đi đốn củi nấu cơm. Tổ Bồ-đề Đạt-ma vì cái “không biết” đó mà ngồi quay mặt vào vách chín năm, còn ông nói “không biết” là ông thấy cái gì? Nói mau!
Nếu là người học lóm tới đây sẽ lộ liền, nhưng Ngài Đại Đô An liền đáp:
- Tôi chỉ nói “không biết” vậy thôi!
Thiền sư Anh bảo:
- Cái gã mù này, thôi mời uống trà!
Như vậy là khế hợp nhau.
Chúng ta nên học cái “Ngu không biết” này của nhà thiền, nhưng cái “không biết” này làm sao mà giải thích?
Người thích làm khôn giải thích lung tung vì lầm tưởng mình không giải thích thì người ta nói mình dốt cho nên cứ muốn làm khôn, nhưng càng muốn làm khôn thì càng bày cái dốt của mình.
Ở đây Ngài Đại Đô An là một vị giảng sư giảng kinh Kim Cang, rồi Ngài cũng nói đã từng ngộ được trong kinh, như vậy không phải là bậc tầm thường. Nhưng tại sao lại không đem cái lanh lợi của mình để trả lời cho Thiền sư Kiệt Phong Anh mà chỉ đáp là “không biết”? Cho nên chúng ta phải thấy được chỗ đó mới thấy được ý nghĩa cao siêu. Như vậy Ngài không sợ người ta chê cười mình thật sự dốt, vậy ý nghĩa này nằm ở chỗ nào?
Đây là chỗ chúng ta cần phải khai thác, cũng là chỗ dành cho quý Phật tử về ăn Tết năm nay đủ rồi.
***
Các bài mới
- Cửa thiền hé mở - 14/03/2019
- Bài học giác ngộ - 12/01/2019
- Yếu chỉ minh tâm - 02/01/2019
- Tự thắng mình là trên hết - 26/10/2018
- Tam Vô của Lục Tổ - 14/08/2018
Các bài đã đăng
- Ai cũng có một tâm Phật - 27/06/2018
- Chớ tin tâm mình - 14/06/2018
- Coi chừng bị gạt - 12/05/2018
- Tâm thiền - 08/05/2018
- Pháp môn một chữ - 28/04/2018
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 04848
- Online: 38