Hãy nhớ cái chết đang chờ chúng ta

10/04/2018 | Lượt xem: 4609

TT.Thích Thông Phương

I. CON NGƯỜI SINH RA LÀ ĐỂ NHẬN CÁI CHẾT.

Chúng ta sinh ra là để nhận cái chết, nghe vậy có ai sợ không? Nhưng đó là lẽ thật của kiếp sống con người.


 

Khi mới mở mắt chào đời, thế gian chỉ nói bốn chữ “mở mắt chào đời” thôi, nhưng phải hiểu thêm là mở mắt chào đời cũng đồng nghĩa là “chào đón cái chết”. Vì con người có sinh thì phải có tử, nên khi chào đời cũng là chào cái chết. Đó là lẽ thật nhưng ở thế gian ít ai dám nói đến phần sau.

Chúng ta là người học đạo nên nói thẳng không tránh né, không sợ, nghĩa là sinh đi đôi với tử, chào sinh tức là chào tử, rõ ràng là như vậy.  Và dù muốn dù không, là người tầm thường bình dân cho đến hạng sang cả, hạng vua chúa gì rồi cũng phải chấp nhận cái chết. Dù ai muốn tránh né cách nào đi nữa nhưng cuối cùng cũng phải chết, muốn cũng chết mà không muốn cũng phải chết.

Thế nên, tất cả chúng ta đang ngồi đây là đang ngồi để chờ đến phiên mình, vì chưa biết là ai được kêu đi trước. Nói chung, tất cả nhân loại đều phải chết và đó là chân lý. Nói “tất cả nhân loại đều chết”, đó là còn nói trong giới hạn ở con người, còn nói rộng ra hơn thì tất cả chúng sanh đã có sinh là phải chấp nhận cái chết, hoặc là chết chậm hoặc chết mau. Ai thấy rõ được lẽ thật này đó là thấy pháp, và sẽ có một cách sống an ổn và sáng sủa hơn như câu chuyện cô bé con người thợ dệt:

Khi Đức Phật đến vùng Âḷavi thuyết pháp, Ngài dạy quán niệm về sự chết. Có một cô gái con người thợ dệt mới 16 tuổi, nhưng sau khi nghe Phật thuyết pháp xong cô có cảm xúc sâu, trở về thực hành quán niệm suốt ngày đêm. Cô này đúng là có căn lành từ đời trước, mới 16 tuổi mà vừa nghe qua bài pháp về liền ứng dụng đến thâm nhập.

Ba năm sau, Đức Phật quán sát thấy nhân duyên cô bé này sẽ được độ vào dòng Thánh, Ngài mới cùng với 500 vị Tỳ-kheo đi đến vùng Âḷavi này để độ cho cô. Dân chúng vùng này rất vui mừng khi nghe tin Phật đến, cùng nhau đến lễ Phật cúng dường rồi nghe pháp. Cô bé ấy cũng rất vui mừng, nhưng cô phải đi đến xưởng dệt trước khi gặp Phật nghe pháp.

Người cha dặn cô là vẫn còn thiếu một khổ vải nữa cần phải dệt xong trong ngày, nên con phải quấn chỉ vào thoi cho đầy rồi mang đến gấp cho cha. Cô vâng lời ngồi vào đánh sợi để đem đến cho cha, nên lở dỡ thời nghe pháp.

Hôm đó, theo thông lệ khi Đức Phật thọ trai xong sẽ thuyết một thời pháp ngắn cho đại chúng nghe. Nhưng thọ trai xong, Phật vẫn ngồi im lặng không nói, cả đại chúng không biết hôm nay có chuyện gì mà không dám hỏi. Bởi mục đích của Phật đến vùng này là để độ cô gái ấy mà giờ lại không thấy cô trên pháp hội cho nên Ngài đợi.

Bấy giờ, cô bé đã đánh xong chỉ và đem đến xưởng dệt cho cha. Trên đường đi ngang qua Tinh xá, cô đứng lại bên ngoài chăm chú nhìn vào chỗ Đức Phật đang ngồi. Đức Phật nhìn thấy cô và cô ngầm hiểu ý là Phật muốn gọi cô vào. Cô liền vào đến gần nơi Phật ngự, cung kính đảnh lễ Phật rồi ngồi vào hàng thính chúng. Đức Phật hỏi cô:

- Con từ đâu đến?

Cô thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con không biết.

Phật hỏi:

- Vậy con sẽ đi đâu?

Cô thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con không biết.

Phật bảo:

- Con không biết sao?

Cô thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con biết.

Phật bảo:

- Con biết thật chứ?

Cô thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con không biết.

Thính chúng trong pháp hội nghe vậy bực mình khó chịu vô cùng, nghĩ rằng cô bé này sao trả lời với Phật có vẻ như giỡn chơi, bất kính. Cho nên pháp hội xôn xao, định quở trách hạch tội cô, nhưng Đức Phật biết nên bảo tất cả im lặng! Phật hỏi lại cô:

- Này con! Khi Như Lai hỏi: “Con từ đâu đến?”, vì sao con đáp là con không biết?

Cô mới thưa:

- Bạch Thế Tôn! Ngài hẳn là biết con từ nhà đến đây rồi. Nhưng Ngài hỏi như thế, theo ý con hiểu là Thế Tôn muốn hỏi con là con từ đâu sinh đến đây, vì con không biết con từ đâu sinh đến nên con đáp là con không biết.

Phật khen:

- Lành thay!

Đức Phật hỏi tiếp:

- Này con! Còn khi Như Lai hỏi: “Con sẽ đi đến đâu?”, tại sao con đáp là con không biết?

Cô thưa:

- Bạch Thế Tôn! Ngài thấy con cầm giỏ chỉ dệt này thì Ngài cũng biết là con đi đến xưởng dệt nhưng Ngài vẫn hỏi như thế, theo ý con hiểu là Thế Tôn muốn hỏi con sau khi rời khỏi thân này con sẽ sinh về đâu? Điều đó con không biết cho nên con đáp là con không biết.

Đức Phật khen ngợi “Lành thay!” lần nữa. Phật lại hỏi tiếp:

- Này con! Vậy khi Như Lai hỏi: “Con không biết sao?”, lúc đó tại sao con lại đáp là con biết?

Cô thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con đáp như thế là vì con biết chắc chắn là con sẽ chết, cho nên con đáp là con biết.

Phật lại khen “Lành thay!” lần nữa, và hỏi thêm:

- Này con! Và khi Như Lai hỏi: “Con có biết thật không?”, tại sao lúc đó con đáp là con không biết?

Cô thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con đáp như thế là bởi điều con biết chắc chắn là con sẽ chết, nhưng mà chết vào lúc nào, vào ban đêm hay ban ngày, buổi sáng hay buổi chiều v.v… con không biết cho nên con đáp là con không biết.

Phật lại khen “Lành thay!”, rồi Ngài dạy trong đại chúng:

- Các người không hiểu ý câu trả lời của cô bé cho nên mới nổi giận. Với người không có tuệ nhãn cũng giống như đui mù, chỉ người nào có tuệ nhãn mới thấy được điều này.

Phật mới nói thời pháp, cuối thời pháp cô gái này chứng quả Tu-đà-hoàn. Sau đó cô mới đi đến xưởng dệt, đang lúc cha cô đang ngủ, cô đi tới đưa thoi cho cha. Cha cô giật mình choàng dậy kéo khung cửi, đầu khung văng trúng vào ngực cô khiến cô ngã ra chết, ngay đó sinh lên cõi trời Đâu-suất. Sau đó, cha cô phát tâm xuất gia và chứng quả A-la-hán.

Câu chuyện cho chúng ta thấy một cô bé mới 16 tuổi, nghe pháp rồi cảm nhận, về tu tập kỹ nên thâm nhập pháp. Khi Phật hỏi, lúc đó trong tâm cô luôn nghĩ đến pháp và cái chết, nên Phật hỏi là cô hiểu ý và đáp ngay. Còn đại chúng bấy giờ không hiểu được ý câu hỏi của Phật, nên nghĩ theo thế gian. Ở đây, cô bé này có hiểu pháp rồi có thực hành pháp, cũng có thấy được pháp, nên khi cô chết cũng chết trong pháp, do đó mà cô đã vào dòng Thánh sinh lên cõi trời. Như vậy, cô đã nói lên đúng lẽ thật của kiếp người, cô sẵn sàng không hề che giấu sự thật vì biết chắc chắn là sẽ chết, cô tin chắc như vậy. Nhờ thường xuyên quán xét nên cô đâu có sợ chết, chết trong niềm tin đối với pháp nên được nhẹ nhàng.

Lúc cô chết chỉ mới 19 tuổi. Đối với thế gian, lứa tuổi này cũng thuộc về chết yểu, nhưng đối với cô thì không phải chết yểu, tuy tuổi thọ ngắn nhưng cô đã chết trong pháp. Cho nên, cái chết của cô là một cái chết trong sáng mà chúng ta phải học theo, vì nhiều khi người trăm tuổi chưa chắc chết được như vậy. Đó là điểm nhắc chúng ta thấy cái chết chắc chắn sẽ đến, phải thấy điều đó để rồi mỗi người có sự chuẩn bị. Trong tập Nhập Bồ Tát Hạnh của Bồ-tát Tịch Thiên, về chương Sám Hối Nghiệp Chướng, có mấy bài kệ nói về sự chết như sau:

“Thần chết không đáng tin cậy gì cả, không chờ tội của ta sạch hay chưa. Bất kể có bệnh hay không bệnh, tử thần đều có thể đoạt mạng, cho nên thật không thể ỷ vào sự sống của mình”.

Tức là thần chết không đáng tin cậy, nó không chờ tội của mình sạch hay là không sạch, hoặc là có bệnh hay không bệnh, nó có thể đến đoạt mạng mình lúc nào không hay, cho nên không thể tin cậy, ỷ lại vào sự sống này.

“Kẻ thù hóa thành hư vô, người thân cũng tan đi như mây khói. Thân ta chắc chắn phải chết, tất cả rốt cuộc đều trở về không”.

Xét rõ thì kẻ thù rồi cũng chết, người thân cũng ra đi, và thân mình rồi cũng ra nghĩa địa, tất cả đều trở về không thì có nghĩa lý gì! Như vậy, thù oán, hờn trách để làm gì! Buồn phiền hờn trách nhau một chút rồi cũng chết, cũng là kéo nhau ra nghĩa địa thôi. Hơn thua nhau chút xíu rồi cả hai cùng ngã lăn ra chết, vậy hơn thua nhau để làm gì? Cũng không thể đem theo được, có đem theo là đem theo nghiệp ác. Hãy luôn nhớ kỹ.

“Mạng sống tiếp tục suy giảm từng ngày đêm không bao giờ ngừng, không thể nào tăng lên thì làm sao một kẻ như ta lại không chết?”.

Mạng sống này càng ngày càng giảm dần, bảo đảm đó là triệu chứng phải đi đến cái chết, vậy hãy thường xuyên suy gẫm về lẽ thật này. Đó là điều chúng ta phải biết để mở con mắt pháp cho sáng mà nhìn cuộc đời đúng pháp.

Đừng nhìn theo lối vô minh tăm tối mà đưa đến nhiều khổ đau, lo buồn, hơn thua v.v… những chuyện không đáng kể. Ngoài đời, một tấc đất có khi cũng tranh. Tấc đất cũng còn có cái cụ thể để tranh, còn có cái không cụ thể mà cũng tranh nữa! Như tiếng nói cũng tranh. Lời nói phát ra rồi liền tan như mây khói, vậy mà cũng tranh từng tiếng nói, ai nói hơn tôi là không chịu. Nhưng cuối cùng, hai người đều ngã lăn ra chết chứ không phải một người, vậy có nghĩa lý gì! Đó là điểm nhắc nhở chúng ta phải nhớ kỹ, quán kỹ để thấy lẽ thật, để mở con mắt mình luôn thấy pháp; để thường nhớ sinh ra đây là để nhận cái chết, nên khi còn sống tạm một lúc ở đây thì phải sống sao cho xứng đáng.

 

II. SỐNG CÓ Ý NGHĨA

Chúng ta đã thấy rõ lẽ thật của kiếp sống này như vậy rồi, sống đây là để nhận cái chết nên phải sống làm sao cho có ý nghĩa.

Ngay trong khoảnh khắc bấp bênh tạm bợ này, chúng ta sẽ chết bất cứ lúc nào, nên ai cũng hồi hộp sợ không biết cái chết đến lúc nào với mình! Vậy mà vẫn không khéo cứ lo giành giật, hơn thua làm khổ cho nhau trong giây phút tạm thời ngắn ngủi để chờ chết này. Vậy có ý nghĩa gì? Sống như vậy có thực là sống hay không? Chúng ta sống với cái đâu đâu, sống mà cũng như chết, cuộc sống thật thiếu ý nghĩa.

Như đã nói, hơn thua cho lắm rồi cũng ngã lăn ra chết như nhau, không có được gì. Nếu có được thì cũng được nấm mồ ở ngoài đồng hoang chứ không được ở trong nhà nữa. Trong khi tạo nghiệp ác gây đau khổ cho nhau, hơn thua giành giật, rồi nghiệp đó mang đi theo với mình, và được là được cái đó. Hoặc người khéo hơn khi sống tạo nghiệp lành, có được niềm vui là làm bạn với nghiệp lành cùng đi theo. Nghiệp ác nó đi theo nó hại mình chứ không phải bạn, còn nghiệp lành mới có niềm vui gọi là bạn, cũng đỡ khổ chút đỉnh.

Do đó, người trí phải chọn con đường nào để mình đi, được là được vậy thôi! Vì lúc đó ra đi một mình không ai đi theo cả, phải nhớ như vậy. Cha mẹ, vợ chồng thương cách mấy đi nữa cũng không thể đi theo. Thương nhiều cho mấy đến lúc đó không dám nhìn nữa nói gì là đi theo; có trường hợp không dám cho trở về là khác. Thí dụ chết nhằm ngày trùng thì con cháu sẽ ếm không cho trở về. Nếu nó giàu có sẽ làm đám ma linh đình cho bà con khen ngợi, nhưng khi đưa ra nghĩa địa rồi nó rước thầy ếm không cho về nhà, sợ về rồi rước nó đi. Mới thấy thế gian sống vừa tệ bạc vừa mâu thuẫn, đã rước thầy ếm không cho về nhà mà còn cúng cơm, là cúng cho ai ăn?

Người học đạo hiểu lý nhân quả, nếu chúng ta chưa tới số đừng sợ cha mẹ về rước đi; còn nếu tới số rồi cha mẹ không rước cũng phải đi, ếm cách mấy cũng phải đi. Nhờ vậy, chúng ta có cái nhìn sáng suốt, và sống có nghĩa hơn. Trong Nhập Bồ Tát Hạnh có bài kệ:

“Nếu khi chết ta phải bỏ lại sinh mạng này, cũng như tất cả người thân để ra đi một mình đến nơi vô định, thì kết bạn kết thù có ích lợi gì đâu!”.

Lúc đó bỏ lại hết, người thân cũng không đem theo được thì kết bạn, kết thù đâu có ích lợi gì!

“Do tạo những nghiệp bất thiện đời trước mà có ra những thống khổ đời này, vậy làm sao để thoát ly khỏi vòng nhân quả khổ. Ta chỉ nên ngày đêm tư duy như vậy”.

Nên thường xuyên tư duy quán xét về nhân quả khổ đau và cách để thoát ly nó. Đây mới là việc làm cấp bách, là điều cần thiết tư duy để chúng ta có hướng đi sáng sủa. Còn những chuyện buồn vui trong đời không quan trọng, dù kết bạn kết thù hay có vui chơi cách mấy đi nữa, khi chết rồi cũng bỏ lại hết.

Hiểu rồi chúng ta thấy được ý nghĩa việc làm của mình và sống cho xứng đáng. Do đó, khi còn sống tạm thời đây, còn đang ngồi đây để mà chờ chết thì chúng ta phải sống làm sao cho cuộc đời có chút ý nghĩa. Trong kinh Pháp Cú nói rõ:

Dầu sống một trăm năm

Ác giới không thiền định.

Tốt hơn sống một ngày

Trì giới tu thiền định.

Sống trăm năm mà không giữ giới tức là ác giới, lại không tu thiền định để tâm an ổn có công đức, chỉ phí nhiều thời gian, tạo nghiệp ác khổ thêm; không bằng chỉ sống một ngày mà biết tu, biết giữ giới.

Ai sống một trăm năm

Ác tuệ không thiền định,

Tốt hơn sống một ngày

Có tuệ tu thiền định.

Sống một ngày có tuệ, có tu tập thiền định, có công đức, một ngày như vậy mà xứng đáng hơn cả một trăm năm kia.

Ai sống một trăm năm

Lười nhác không tinh tấn.

Tốt hơn sống một ngày

Tinh tấn tận sức mình.

Một ngày mà sống tinh tấn còn hơn sống trăm năm buông lung, cho nên chúng ta thấy mình vào chùa tu hành 20 năm mà buông lung vẫn không bằng một ngày tu tập tinh tấn. Như cô gái con người thợ dệt, sống đến 19 tuổi rồi chết, nhưng là một bài học cho nhiều người học theo. Còn như chúng ta sống cả trăm năm lại bỏ qua mấy mươi năm để cuộc đời uổng phí, vẫn không bằng cô gái chỉ sống 19 năm nhưng cách sống thật có ý nghĩa.

Xét rõ để chúng ta biết cách sống, tuy sống ngắn, sống chỉ một ngày nhưng xứng đáng một ngày. Nghĩa là phải sống vươn lên mà không để chìm xuống, không chôn vùi cuộc đời mình. Phải sống đời sống được bậc trí khen ngợi, đó là khéo biết sống.

 

III. CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT CÓ Ý NGHĨA

Chuẩn bị như thế nào để sống có ý nghĩa mà chết cũng có ý nghĩa. Nghĩa là tất cả ai rồi cũng phải chết, đó là chỗ gặp nhau, chỗ giống nhau, nhưng cách chết của mỗi người thì có khác, đó là chỗ mà mỗi người phải học để chuẩn bị.

Có cái chết trong quằn quại đau khổ, chết trong kinh hoàng, hoặc là cái chết trong mờ mịt tối tăm không có lối đi, đó là cũng chết. Hoặc là có cái chết an lành, chết trong chánh pháp, chết với niềm tin sáng suốt thì cũng chết nhưng rõ ràng có khác. Chúng ta là những người đệ tử Phật, có học đạo hiểu đạo thì phải chết như thế nào cho thích hợp. Chúng ta phải chọn ngay lúc này, là đang ngồi để chờ chết đây, không phải đợi tới đó mới chọn thì không kịp. Bởi vì lúc đó đâu còn tinh thần để mà chọn nữa, hiện tại tinh thần còn sáng suốt mà không chọn là bỏ qua cơ hội tốt.

Chọn tức là chọn cho mình một cái chết an lành, có niềm tin vững với chánh pháp, thân chết nhưng tâm không chết, như vậy mới xứng đáng. Muốn được như vậy thì phải thường xuyên quán niệm về sự chết để chuẩn bị, đừng nghĩ cái chết còn xa, còn lâu mà lúc nào cũng luôn tập quán niệm để chúng ta làm quen với sự chết, vì khi bất ngờ tới thì trở tay không kịp.

Người thế gian thường làm ngơ, sợ không dám nói tới chết, nhưng khi nó tới bất ngờ thì hoảng hốt, chới với bởi vì chưa quen, còn người đã quen rồi tới lúc đó được bình tĩnh. Muốn vậy, chúng ta thường xuyên tu tập nhiều thiện nghiệp, tu tập theo pháp để huân sâu chủng tử lành trong tâm, để khi chết đến chúng ta chỉ nhớ thiện nghiệp, nhớ pháp nên không sợ vì có chỗ tựa, tâm an ổn ra đi. Còn kia là không có chỗ tựa, những nghiệp ác tới lúc đó quấy rối thêm, nên tâm càng hoảng hốt, mà tâm hoảng hốt tức nhiên nó càng đi bậy!

Phải luôn luôn nhớ thân này là vô thường, bản chất của nó là tan rã nên nó không phải là ta, là của ta, để không có ý niệm tham luyến về thân. Do đó, tới lúc phải bỏ nó thì sẵn sàng bỏ, không có giằng co vì như vậy sẽ khó chết. Còn biết tới lúc đó rồi, làm gì thì nó cũng phải tan rã, dù nắm cách mấy cũng phải buông thì buông một cái cho nhẹ, đi cho nhẹ nhàng, đó là nhờ không phải quá tham luyến về thân.

Rồi nhớ cha mẹ, con cái, bà con quyến thuộc, anh em, bạn bè thân thích v.v… cũng đều là pháp tan rã, đều không phải là của ta, nên không để ý niệm tham luyến trói buộc mà mãi nhớ những người thân thích thì cũng khó ra đi, là chết trong cái khổ. Bởi vì đó đều là những pháp phải tan rã, đều phải chia tay, làm gì cũng không thể nắm níu, có nắm níu gì cũng đâu kéo đi theo được, nên đừng tham luyến thì tâm nhẹ nhàng ra đi.

Kế nữa, thường nhớ nhà cửa, tài sản, ruộng vườn, kim cương, hột xoàn, v.v… cũng là pháp tan rã, đều không phải là cái của ta, cho nên cũng đừng khởi ý niệm tham luyến, như vậy ra đi được nhẹ nhàng. Như lời Phật dạy, những thứ đó thuộc về của năm nhà chứ không phải của chúng ta, chúng ta chỉ tạm dùng một lúc nào đó thôi, rồi cũng phải buông tất cả. Lẽ thật của nó là như vậy.

Cho nên, người đời vì mê lầm mà phải tạo những nghiệp sai lầm; còn người học đạo biết rõ chỗ đó rồi có hướng đi đúng, luôn xả bỏ những tâm niệm nuối tiếc, tư tưởng tham dục, hận thù che lấp tâm trong sáng của mình để lúc ra đi được nhẹ nhàng. Phải học thuộc lòng và quán sâu bài kệ của kinh Kim Cang:

Tất cả pháp hữu vi,

Như mộng, huyễn, bọt, bóng,

Như sương cũng như chớp,

Nên khởi quán như thế.

Nên nhớ tất cả pháp hữu vi đều là như mộng, như huyễn, như bọt như bóng hoặc như sương, như điện chớp, thường xuyên quán kỹ như vậy tâm chúng ta sẽ nhẹ nhàng và bớt tham luyến. Đó là nhắc cho chúng ta luôn nhớ rõ thế gian này đều không có gì đáng để cho mình tham luyến, chấp thủ. Bởi vì tất cả đều là pháp vô thường phải tan rã, không có thực thể chắc chắn gì hết.

Ngay bản thân của chúng ta đây còn không chắc chắn, không phải của mình, không thể giữ được thì có cái gì trên đời này mà có thể giữ được đâu! Biết thân này sắp chết mà còn giữ không được, lại lo giữ những thứ bên ngoài kia có mê lầm không? Người nhẹ tình chấp sẽ ra đi nhẹ nhàng, tự cứu khổ cho mình chính là chỗ đó.

Nếu những người thân, những người gần gũi mà hiểu Phật pháp, hiểu đạo thì cũng nên trợ duyên thêm để nhắc nhở cho nhau những điều cần thiết này, đó là rất tốt. Đừng tới lúc đó khóc lóc, than kể để kéo trở lại làm khổ thêm cho nhau. Tưởng đâu thương nhưng lại làm khổ thêm cho nhau, khiến người thân quyến luyến khó đi. Còn như chúng ta dùng những lời Phật pháp, những yếu chỉ như đây để nhắc nhở giúp thân nhân không còn tham luyến, không còn bám chấp lầm lẫn để ra đi nhẹ nhàng, làm bạn đạo trợ duyên cho nhau. Như câu chuyện bà mẹ của ông Nakula. Lúc ấy, Đức Phật ở tại khu rừng Lộc Uyển. Khi người cha của ông bị trọng bệnh hấp hối sắp chết, mẹ của ông nói với chồng (tức cha của ông Nakula): “Thưa gia chủ! Gia chủ chớ có mạng chung với tâm còn mong cầu luyến ái. Đau khổ là khi người mạng chung với tâm còn mong cầu luyến ái. Thế Tôn đã quở trách người khi mạng chung với tâm còn mong cầu luyến ái”.

Bà vợ nhắc chồng khi sắp mạng chung chớ có chết với tâm còn mong cầu luyến ái. Sau đó, bà nhắc lại lời Phật dạy cho ông nhớ, vì các vị cũng là Phật tử thường nghe Phật thuyết pháp.

Bà lại nhắc: “Gia chủ có thể suy nghĩ: Sau khi ta mạng chung, mẹ của Nakula không thể nuôi dưỡng các con và duy trì nhà cửa. Sau khi ta mạng chung, mẹ của Nakula sẽ đi đến một gia đình khác. Sau khi ta mạng chung, mẹ của Nakula sẽ không muốn yết kiến Thế Tôn và chúng Tăng. Sau khi ta mạng chung, mẹ của Nakula sẽ không giữ giới một cách đầy đủ.

Thưa gia chủ! Gia chủ chớ có nghĩ như vậy, sau khi gia chủ mạng chung, tôi có thể nuôi dưỡng con cái và duy trì nhà cửa. Gia chủ cũng đã biết 16 năm nay tôi đã sống với gia chủ và thực hành Phạm hạnh thế nào rồi. Sau khi gia chủ mạng chung, tôi sẽ yết kiến Thế Tôn và chúng Tăng nhiều hơn, cho đến khi nào các nữ đệ tử áo trắng còn giữ giới luật một cách đầy đủ thì tôi là một trong những người đó. Do vậy, gia chủ chớ có mạng chung với tâm còn mong cầu luyến ái”.

“Đệ tử áo trắng” tức là cư sĩ của Thế Tôn. Bà trợ duyên nhắc nhở người chồng rất hay, chúng ta cũng khéo học những cách này để nhắc nhở bạn bè hay người thân trong gia đình khi sắp mạng chung để cho họ ra đi trong tâm an ổn nhẹ nhàng không phải tham luyến rồi lo lắng cho những người còn ở lại mà đi vào cảnh xấu. Bởi vì có nhiều người sắp chết, luôn lo sợ gia đình sống không đủ ăn, vợ nuôi con không nổi, nhưng lo vậy cũng đâu làm gì được. Nếu như vậy khi ra đi sẽ không yên, chết bất an rồi đi vào chỗ xấu.

Đó là những bài học cho chúng ta biết cách trợ duyên cho người thân khi sắp chết được buông xả nhẹ nhàng, và luôn nhắc nhở bản thân chuẩn bị cho ngày ra đi, như thế cuộc sống ngắn ngủi này cũng tạm có ý nghĩa của người đệ tử Phật. Được vậy thời gian chúng ta học đạo mới không uổng phí, và cũng có ít nhiều vốn liếng có thể dùng được. Đây là những điều quan trọng, là những việc cấp bách, thiết thực cho cuộc sống của con người nhưng người ta lại ít để ý, mà để ý những cái không cấp bách, những chuyện đâu đâu quên mất cái chính, đó là điên đảo.

 

IV. TÓM KẾT

Tất cả hãy luôn nhớ là chúng ta đang sống đây là đang sống để đón nhận cái chết, bởi vì đã sinh ra tức là phải chết. Vậy thì mỗi ngày, hay là mỗi giờ, mỗi phút chúng ta đang sống đây là sống tạm, sống để tiến gần đến cái chết, để nhận lấy cái chết. Nghe nói thế thấy buồn nhưng lẽ thật là như vậy.

Nhưng nếu chúng ta là người hiểu đạo thì không đến nổi buồn vì có cách sống như trước đã nói: “Thân này chết nhưng tâm không chết”, như vậy mới có ý nghĩa. Và hiện tại đây, chúng ta đâu có thời giờ để mà vui buồn, hơn thua, giành giật với nhau. Trong khi hơn thua giành giật là giành giật cái gì? Những cái bóng tạm thời, đâu có nắm được gì, giống như cô công chúa đòi hạt ngọc bằng bong bóng nước, nắm rồi tan vậy thôi.

Chúng ta cũng vậy, khi còn mê cũng hơn thua giành giật, tưởng đâu nắm được gì nhưng đâu có nắm được gì, nắm vào tay rồi cũng tan. Nhiều khi chịu khổ nhọc để cho được danh vọng, địa vị nắm trong tay, nhưng nắm chút rồi cũng tan, có khi mới nắm đã tan rồi. Nếu không khéo tranh đua tạo đau khổ cho nhau càng không có lợi ích mà là tạo thêm nghiệp ác. Chi bằng cùng sống tốt với nhau để chia sẻ, nhắc nhở nhau, cùng ra đi trong vui vẻ nhẹ nhàng có phải hay hơn; vì làm khổ thêm cho nhau thì đâu có ý nghĩa gì! Người đời vì mê không thấy được lẽ thật cho nên mới đối với nhau như vậy, còn đây chúng ta thấy được đúng lẽ thật nên hiện tại còn gặp đây phải tập sống tốt với nhau sẽ hay hơn.

Kế nữa là cũng đâu có thời giờ nhiều để cho chúng ta buông lung, phóng dật theo những cái vui giả tạo, qua chút rồi thôi. Đi chơi tham quan ngắm cảnh, chụp hình rồi về cũng trả về quá khứ thôi; xem ti-vi, cải lương toàn là những thứ giả tạo, rõ ràng đâu có thật, vậy mà lại còn cười khóc theo nó nên mê thêm nữa, làm mất thời giờ vô ích. Tại sao người đời lại phải theo những thứ đó? Vì cuộc sống của họ quá khổ nên mượn cái đó tạm giải trí an ủi cho qua, chứ không có những cái đó thì chỉ nhớ đến khổ.

Người biết đạo đâu để thời giờ phung phí, buông lung vào những cái vui giả tạm vô ích, để mang lấy cái khổ lâu dài về sau. Nếu là người trí, người biết tự thương mình thì đâu nên làm như vậy, mà phải suy nghĩ trở lại. Nghĩa là sự thật nói là chúng ta sống đây để đón nhận cái chết thì đó cũng là nói hơi xa, nếu nói kỹ hơn thì phải nói cái chết nó ở ngay trong cái sống đây, không phải ở đâu mà phải đón nhận nó.

Một Thiền sư Thái Lan có lời nhắc nhở cho tất cả rằng: “Người hiểu biết phải ý thức rõ ràng rằng mọi pháp trên thế gian không có bản thể trường cữu. Bởi vậy, người hiểu biết thì không vui hay buồn, vì họ không bị cuốn trôi theo các pháp thế gian luôn luôn biến đổi này. Trở nên vui là sinh, trở nên buồn là tử. Chết rồi lại sinh ra, và sinh ra rồi lại chết nữa. Sống và chết trong từng phút giây là sự luôn luôn bất tận của vòng sinh tử”.

Người hiểu biết đây là người trí theo Phật pháp, thì hiểu rõ mọi pháp trên thế gian không có bản thể lâu dài của nó. Vì thế người trí không theo pháp thế gian biến đổi mà vui buồn theo nó, thành thay đổi theo nó. Hơn nữa, ngay hiện tại đây khỏi cần phải tìm đâu xa, sinh tử ngay trong từng phút giây, đâu phải đợi đón nhận. Người hiểu kỹ là thấy như vậy, mà thấy vậy tức là thấy pháp, và sống được với pháp thì đúng là có chỗ sống sáng sủa và an lành, để lúc ra đi bảo đảm có sức tự chủ tuy chưa hoàn toàn nhưng cũng tương đối.

Như vậy, dòng sinh tử đáng sợ mà tất cả chúng ta đang vướng phải, nhưng lại không lo, lại lo những chuyện đâu đâu thật là quá uổng công. Là người học Phật, là người hiểu đạo chúng ta đâu có thể sống trôi theo dòng mê lầm đó mãi, ít nhất cũng phải có chút tỉnh táo quay trở lại.

Nếu mỗi ngày có sinh tâm vui buồn, hay sinh tâm buông lung thì hãy luôn nhớ nhắc mình “Cái Chết Đang Chờ Chúng Ta” thì mấy tâm đó sẽ bớt. Đây là bài học cuối năm xin gởi đến tất cả để làm món quà ăn tết cho thật nhiều ý nghĩa.

***

 

 

 

Các bài đã đăng

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 26826
  • Online: 22