Hiển Tông Ký - Thiền sư Thần Hội giảng giải (Phần 02)

26/03/2020 | Lượt xem: 1883

HT.Thích Thanh Từ

CHÁNH VĂN:

Sau khi Thế Tôn diệt độ, hai mươi tám vị Tổ Thiên Trúc, đồng truyền tâm không trụ, chung nói Tri kiến Như Lai.

GIẢNG:

Sau khi Phật niết-bàn rồi, hai mươi tám vị Tổ ở Ấn Độ đồng truyền tâm không trụ, cùng chỉ ra Tri kiến Phật cho chúng ta. Như vậy chư Tổ kế thừa Phật, chỉ ra chỗ Phật đã được, đã chứng cho chúng ta tu để được, để chứng như các ngài.

CHÁNH VĂN:

Đến Tổ Đạt-ma, Trung Quốc là đầu, thay nhau trao truyền, đến nay không dứt.

GIẢNG:

Tổ Đạt-ma là người đầu tiên sang Trung Quốc truyền trao Thiền tông cho tới đời Đường.


CHÁNH VĂN:

Chỗ truyền bí giáo, cốt mong được người. Như châu nhà vua, trọn không cho lầm.

GIẢNG:

Bí giáo này cốt mong được người có trình độ, có tâm trong sáng để nhận, nên nói cốt mong được người. Như nhà vua đem hạt châu báu cho người, phải chọn đúng người, không được lầm lẫn. Vì vậy các Tổ truyền nhau tuyệt đối không để lầm lẫn.

 

CHÁNH VĂN:

Phước đức trí tuệ hai thứ trang nghiêm. Hạnh giải hợp nhau, mới hay dựng lập.

GIẢNG:

Người tu phải có phước đức trí tuệ đầy đủ, trang nghiêm. Có trí tuệ mà thiếu phước đức thì tu không được kết quả tốt. Có phước đức mà thiếu trí tuệ thì tu không đến nơi. Cho nên phải đầy đủ cả hai. Hạnh là phước đức. Giải là trí tuệ. Hai thứ đó phải hợp nhau mới hay dựng lập.

Người tu có phước đức, có trí tuệ, hạnh giải đồng nhau mới hay dựng lập. Nên trong nhà thiền có câu “hạnh giải tương ưng, danh vi viết Tổ”, nghĩa là hạnh giải tương ưng mới gọi là Tổ. Ở đây nói hạnh giải hợp nhau mới hay dựng lập.

 

CHÁNH VĂN:

Y là tin pháp, pháp là chủ y.

GIẢNG:

Truyền y để làm gì? Là để cho người tin vị đó đã được pháp, nên được Tổ truyền y. Pháp là chủ y tức pháp của chư Tổ truyền trao là chủ, là chánh để được truyền y.

 

CHÁNH VĂN:

Chỉ truyền y pháp, lại không pháp khác.

GIẢNG:

Pháp thì chỉ có một. Cứ thế mà truyền cho nhau. Đem y ra làm chứng để mọi người cùng biết chớ không có pháp nào khác lạ hết.

 

CHÁNH VĂN:

Trong truyền tâm ấn, ấn hợp Bản tâm. Ngoài truyền ca-sa, để nêu tông chỉ.

GIẢNG:

Trong truyền tâm ấn, tức là nhận chân được tâm ấn. Tâm ấn là gì? Là ấn hợp nơi Bản tâm. Như khi Tổ Đạt-ma nhận Tổ Huệ Khả làm đồ đệ, chỉ dạy cho tu. Qua một thời gian tu, một hôm Tổ Huệ Khả trình với Tổ Đạt-ma “tâm con hiện giờ dứt hết các duyên”. Tổ Đạt-ma sợ Ngài rơi vào không nên nói “coi chừng rơi vào không”. Tổ Huệ Khả thưa “rõ ràng thường biết, làm sao không được”. Ngay đó Ngài được Tổ Đạt-ma ấn chứng “ông như vậy, ta như vậy, chư Phật cũng như vậy”. Đó gọi là ấn hợp Bản tâm.

Ngoài truyền ca-sa, để nêu tông chỉ.

Ứng hợp Bản tâm rồi, mới trao ca-sa để người ta tin vị này đã thấu được tông chỉ Thiền mà chư Tổ truyền.

 

CHÁNH VĂN:

Chẳng y thì không truyền pháp, chẳng pháp thì không nhận y.

GIẢNG:

Nếu không được y tức là người chưa được truyền pháp. Người không được pháp cũng không được truyền y.

 

CHÁNH VĂN:

Y là y tín pháp. Pháp là pháp vô sanh.

GIẢNG:

Pháp của Phật là pháp vô sanh, tức Niết-bàn. Người được pháp đó sẽ được truyền y.

 

CHÁNH VĂN:

Vô sanh thì không hư dối, chính là tâm rỗng lặng vậy.

GIẢNG:

Pháp vô sanh là chỉ cho cái không còn tạm bợ hư dối. Chỗ không còn tạm bợ hư dối đó là tâm rỗng lặng của chính mình, chớ không gì khác.

 

CHÁNH VĂN:

Biết rỗng lặng là rõ Pháp thân, rõ Pháp thân là thật giải thoát.

GIẢNG:

Được tâm rỗng lặng là thấy được Pháp thân, được Pháp thân thì giải thoát sanh tử.

Đây là những lời thiết yếu, Ngài chỉ dạy rõ cho chúng ta hết, không một chút giấu giếm. Vì vậy người tu cần phải thấu triệt được lẽ thật mới không uổng đời tu.

Đến đây tôi nói qua về thiền Đốn ngộ tiệm tu và Tiệm tu đốn ngộ.

Trước tôi nói về Đốn ngộ tiệm tu. Ví dụ như có một ngôi chùa cổ nằm giữa khu rừng tre gai, lâu lắm không ai biết. Những người xưa sống ở đó, họ vẽ một bản đồ cho người sau muốn tìm tới ngôi chùa cổ, biết đường mà đi. Nhưng ngôi chùa đã bị tre gai phủ mù mịt, nên dù nhìn trong bản đồ cũng khó tìm được. Bây giờ muốn tìm được chùa đòi hỏi hai yếu tố. Một là nắm vững bản đồ, hai là phải tin bản đồ này người xưa vẽ không lầm.

Được hai yếu tố đó rồi chưa đủ, phải có rựa bén để chặt phá tre gai, mới có thể lần mò vào được. Biết đường vào, tin chắc như vậy mà không có rựa bén thì đứng ngó thôi. Tuy có rựa bén, có bản đồ và tin chắc nhưng chặt phá lâu quá không thấy, có thối tâm không? Cũng hơi nản. Cho nên phải là người can đảm lắm mới cố gắng ruồng tới nơi tới chốn. Đó là hạng người thứ nhất.

Người thứ hai được duyên tốt có chiếc trực thăng. Họ bay dạo dạo trong khu rừng tre gai đó, nhìn xuống thấy ngôi chùa cổ lấp ló lấp ló, thấy rõ ở chỗ nào rồi nhưng chưa xuống được. Bây giờ muốn tới đó cũng phải ruồng tre gai, ruồng đường. Tuy thế, nhưng người này khẳng định, tin chắc, không có nghi ngờ gì cả vì thấy rồi. Nhờ thấy và quyết chắc nên dọn đường mạnh mẽ hơn, nỗ lực hơn cho nên mau tới.

Như vậy người thứ nhất xem bản đồ, tin bản đồ là đúng và nỗ lực phá tre gai từ từ. Tin mà không thấy gọi là tiệm tu. Nếu nỗ lực như thế mãi, cuối cùng cũng gặp ngôi chùa, khi ấy gọi là đốn ngộ. Đốn ngộ là chợt thấy, thời gian đó chỉ trong một phút giây thôi. Nhưng dọn dẹp từ ngoài đường vào tới ngôi chùa phải trải qua thời gian rất dài. Đó là tiệm tu. Nên hạng người thứ nhất thuộc về Tiệm tu đốn ngộ.

Hạng người thứ hai ở trên nhìn xuống thấy rồi, biết đúng chỗ đó không nghi nữa, nhưng cũng phải dọn dẹp từ ngoài vào trong. Hạng người này gọi là Đốn ngộ tiệm tu.

Hai hạng người đó nỗ lực cuối cùng đều tới ngôi chùa cổ. Song một bên tới với mắt thấy, một bên tới với lòng tin. Bản đồ dụ cho kinh Phật dạy. Người tin được kinh Phật dạy, tu sẽ đến Niết-bàn, được giải thoát, tin trăm phần trăm. Nhưng phải nỗ lực, cố gắng mới đi tới được. Tới rồi thấy rồi chừng đó mới hết nghi ngờ. Chớ chưa tới thì tuy tin, nhưng có lúc cũng hơi nản. Còn người đã thấy quả quyết không nghi ngờ, rồi mới bắt đầu tu thì sự tu ấy không bao giờ thối chuyển.

Ở đây nếu chúng ta nhận chân được lời Tổ dạy, thấu suốt được lý Phật chỉ, ngay nơi mình nhận ra Bản tâm. Từ trí Bát-nhã, từ Tâm chân như, biết rõ không nghi ngờ nữa, đó gọi là Đốn ngộ. Nhưng hiểu vậy, biết vậy mà còn phải tiệm tu, gỡ lần đám tre gai phiền não dày đặc. Phải ruồng phá tới lúc nào bước chân vào chùa mới xong việc. Còn chưa tới dù biết có, nhưng cũng vẫn lận đận lao đao.

Người tu bằng lòng tin thì nhọc nhằn lắm, nhưng tới được rồi thì hát lên khúc ca khải hoàn, bước vô chùa, khỏe vui. Người thấy bằng trí biết có chùa, cũng phải cực khổ mới vào được, không bên nào bỗng dưng vào được.

Đây gọi là “Đốn ngộ vô sanh Bát-nhã tụng”, chúng ta phải biết đốn ngộ rồi còn tiệm tu nữa. Như vậy mới được hoàn toàn giác ngộ viên mãn.


 

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 71215
  • Online: 17