Hiếu hạnh
08/09/2021 | Lượt xem: 3453
HT.Thích Nhật Quang giảng tại TV Thường Chiếu
Hôm nay nhân ngày Tự Tứ, quí Phật tử về Thiền viện cúng dường lễ Vu Lan, chúng tôi sẽ nói một ít chuyện đạo lý mang ý nghĩa báo hiếu để quí vị nhận hiểu và áp dụng chữ Hiếu đúng theo tinh thần Phật dạy.
Từ lâu chúng ta đã nghe nói về ngài Mục Kiền Liên với lễ báo hiếu Vu Lan, tức ngày rằm tháng bảy, ngày hoan hỷ của mười phương chư Phật và chúng Tăng. Nói đến Tôn giả Mục Kiền Liên, ai cũng biết Ngài cùng với Tôn giả Xá Lợi Phất được xem như hai cánh tay phải và trái của đức Phật. Xá Lợi Phất là trí tuệ đệ nhất, còn Ngài là thần thông đệ nhất. Tư cách của hai vị đại đệ tử này trong Tăng đoàn rất đặc biệt. Đại chúng đều kính nể uy đức của hai Ngài.
Ngài Mục Kiền Liên có người mẹ tên là Thanh Đề. Khi còn sinh tiền, bà thường ôm lòng keo sẻn xấu xa, lại không kính tin Tam Bảo nên khi chết bị đọa vào loài quỷ đói. Đọa vào loài này thì trong cổ họng luôn cháy khát, vì bất cứ thức ăn nào để vào cũng biến thành lửa đỏ. Chẳng những thế mà nghe tên của thức ăn, nghe mùi thức ăn, nghe tiếng động dao thớt hoặc nghe tiếng chén bát khuav.v… trong cổ họng cũng phát lửa.
Trong kinh nói lửa đó từ tham, sân, si mà ra. Tâm keo sẻn, không rộng rãi buông xả, gây tạo tội lỗi sẽ chiêu cảm các quả báo như thế. Do vậy sau khi thành đạo, nghĩ đến mẹ, ngài Mục Kiền Liên vận thần thông tìm kiếm khắp nơi. Cuối cùng Ngài gặp mẹ trong chốn địa ngục sâu thẳm, mang lớp quỷ đói. Thương mẹ vô cùng, Ngài quay trở về nhân gian đi khất thực được một bát cơm, vội vã đem xuống địa ngục dâng mẹ. Nhưng vì lòng tham lam bỏn sẻn, sợ các tội nhân chung quanh giành lấy mà ăn, nên bà vội vàng che giấu thức ăn, vừa bốc cơm lên thì cơm hóa thành lửa đỏ, không dùng được.
Sau khi chứng kiến cảnh này rồi, Ngài quá đau xót, thấy mình quả thật bất lực. Ngài vội trở về trình bạch với đức Phật, khẩn thiết cầu xin Phật chỉ phương pháp cứu mẹ. Đức Phật thể theo yêu cầu của Tôn giả Mục Kiền Liên, chỉ cho phương pháp cúng dường chúng tăng trong ngày mãn hạ, tức ngày Tự Tứ. Vì ngày ấy, chư Tăng vừa qua ba tháng an cư, công đức tu hành viên mãn, nếu dâng lễ cúng dường tứ sự, sẽ được công đức rất lớn. Tứ sự là bốn thứ thức ăn, y phục, ngọa cụ, thuốc men, nói chung là vật dụng cần thiết của các vị tu hành. Chư Tăng hoan hỷ nhận những phẩm vật cúng dường này rồi, các Ngài vận dụng công đức tu tập trong suốt mùa an cư của mình, hồi hướng cho tất cả chúng sanh. Nhờ công đức đặc biệt của các vị Thánh tăng qua thời gian an cư, tập trung cầu nguyện có thể làm chuyển hóa tâm thức của các loài ngạ quỷ. Nhân đó mà chúng có thể siêu thăng, thoát khỏi nghiệp báo khổ đau trong địa ngục.
Quả thực, khi ngài Mục Kiền Liên vừa thiết lễ cúng dường dâng lên, mười phương các bậc hiền thánh hoan hỷ nhận lễ, trong đó có đức Phật. Nhờ sức gia bị của Phật và chư Tăng, bà Thanh Đề phát tâm kính tin Tam Bảo, bỏ lòng keo sẻn, chuyển nghiệp quỷ đói được sanh thiên. Tất cả những loài quỷ chung quanh cũng được sự chú nguyện này mà thoát nghiệp báo khổ đau trong loài quỷ, được sanh lên các cảnh giới an vui hơn.
Điểm quan trọng chúng tôi muốn nói ở đây là căn cứ từ tâm. Cũng bát cơm ấy, cũng con người ấy, nhưng nếu lòng mình chưa thật sự cởi mở, còn cố chấp, muốn một mình mình dùng bát cơm đó thôi, thì không đủ phước để hưởng bát cơm ấy. Cho nên khi được bát cơm, bà Thanh Đề sợ các quỷ đói kia xin ăn, bà ôm lòng keo sẻn chỉ muốn ăn một mình, nên bát cơm biến thành lửa dữ. Do lòng tham che mờ, mắt bà tối tăm, lòng bà cùng quẫn, không có cơ hội mở ra, nên bà vẫn bị tù hãm vây khốn. Càng bị tù hãm thì càng khổ sở đói khát, càng khổ sở đói khát thì lòng tham càng tăng trưởng, nên lửa than bốc lên đốt cháy tâm can.
Sau khi được sự hỗ trợ của đức Thế Tôn và các vị Thánh tăng bà đã phát tâm. Chữ “Phát” là mở ra, “Tâm” là lòng mình, phát tâm nghĩa là mở rộng lòng mình ra. Mở ra bằng cách nào? Ta đang đói, thấy người khác đói mình biết họ cũng khổ như mình. Nếu mình được ăn, chia sớt cho người cùng ăn, ta no họ cũng no, ta bớt khổ họ cũng bớt khổ. Đó là cách mở rộng lòng ra. Đức Phật chỉ dạy cho chúng ta cách mở rộng lòng ra vì mọi người chung quanh, không nên vì mình mà quên người khác. Mình khổ, biết người cũng khổ như mình, cũng đói như mình nên thương yêu giúp đỡ nhau. Bởi nghĩ thế nên có gì, đều hướng cho tất cả mọi người chung quanh. Mình vui thì cũng hướng nguyện cho tất cả đều được vui. Đó là tinh thần phát tâm của người con Phật, cũng gọi là phát tâm Bồ-đề, phát tâm chân thật đối với tất cả chúng sanh. Đó là yếu điểm của sự tu hành.
Bây giờ trở lại đời sống thường nhật của quí Phật tử. Ví dụ, ngày xưa quí vị chỉ lo cho gia đình và bản thân mình. Xóm làng ai đi chùa được thì tốt, không đi được thì thôi, ta không biết tới, miễn mình tới chùa vui vẻ là đủ. Nhưng bây giờ không phải thế, mình thấy đạo lý hay quá, nên muốn huynh đệ chung quanh đều được nghe Phật pháp, hiểu Phật pháp như mình. Đó là mở rộng lòng ra.
Sở dĩ chúng ta đi chùa, học Phật pháp là vì muốn hết khổ, được an vui. Phật tử không muốn mình bị khống chế bởi tham sân si phiền não, không muốn bị mắc mứu bởi những tiện nghi trong cuộc sống, không muốn gây tạo những nghiệp nhân bất hảo để chịu quả khổ. Ta muốn giải tỏa những điều đó nên đi chùa, đồng thời động viên bạn bè cùng đi chùa để chung một hướng tiến. Người như thế là người biết phát tâm Bồ-đề. Trong các kinh Đại thừa, chư Bồ-tát được một bát cơm thơm, các Ngài liền nghĩ đến chúng sanh cũng cần có bát cơm thơm để được an vui, no đủ. Do đó các Ngài hướng tâm Bồ-đề, hồi hướng khắp pháp giới chúng sanh đều được hưởng bát cơm này. Nhờ phát tâm rộng lớn vô lượng vô biên như thế mà các Ngài tu hành đều được thành Phật. Hướng tâm của người tu Phật chúng ta là thế. Hướng tâm như vậy, mình không bị buộc ràng trong phạm vi cá nhân độc đoán riêng tư. Tinh thần này rất cần thiết để xây dựng một xã hội tốt đẹp tích cực.
Tôi nghĩ một xã hội nhỏ thôi, ví dụ như trong các xã Phước Kiểng, Hiệp Phước, Long Phước, Phước Thọ v.v.. một số quí Phật tử nòng cốt phát tâm như vậy, học hiểu như vậy, thấy rõ như vậy, áp dụng như vậy, rồi khuyến phát huynh đệ đều được như vậy, thì tốt đẹp biết bao nhiêu. Xã hội rất cần những con người có tâm rộng rãi vì số đông, làm thành cho cái chung. Đó là tinh thần cởi mở, vị tha, là chân tinh thần của Bồ-tát đạo. Đó cũng là cách phát tâm Bồ-đề của hàng Phật tử.
Nhân câu chuyện của bà Thanh Đề, Phật dạy: Do lòng tham ác nặng sinh vào loài quỷ đói. Đức Phật giải thích cho ngài Mục Kiền Liên biết mẹ của Ngài, từ nhiều đời do lòng tham ác nặng nề, nên khi chết bị sinh vào loài quỷ đói. Bây giờ muốn cứu được bà thì phải nhờ sức của tập thể, của số đông. Phật nói: Như tảng đá nặng, một hai người không thể khiêng nổi. Tuy nhiên nếu có được số người đông đảo, có lực mạnh hơn thì có thể dời tảng đá đó một cách dễ dàng. Như vậy sự cầu nguyện, sự hướng tâm của chúng ta phải như lời dạy thứ hai của đức Phật. Vật nặng cần có nhiều người đồng tâm hiệp lực dời đi mới nổi.
Qua tinh thần này, chúng ta thấy sự cầu nguyện không hẳn là mê tín, tùy thái độ và tâm thành của người cầu. Trong đạo Phật cũng có cầu nguyện chứ. Ví dụ như tôi đi đường được bình yên, tôi cũng mong muốn mọi người đi đường được bình yên. Điều này không mang tính dị đoan, mà trái lại còn thực tế nữa. Bằng tấm lòng chân thật và sự hỗ trợ tích cực, chúng ta có thể hướng tâm chúc lành, trợ giúp cho nhau nhiều lắm.
Bây giờ nói thẳng vào tinh thần báo hiếu. Ngày lễ Vu Lan trong đạo Phật rất trọng đại. Nhiều chùa tổ chức lễ hoa hồng cài áo gây ấn tượng sâu đậm với mọi người. Người được cài hoa hồng thì vui vẻ, người không được cài hoa hồng thì nước mắt chảy trào. Tôi nhớ năm đó, cũng khoảng ngày hai mươi mấy tháng bảy, lúc thầy Phước Viên còn sinh tiền ở ngã ba Thái Lan. Thầy mời tôi lên dự lễ Vu Lan, có gia đình Phật tử đông đảo. Trong lễ cài hoa hồng, mấy anh gia đình Phật tử hát lời hiếu đạo, mấy chị cài hoa. Khi ấy chị Tuyết cài hoa hồng cho người ta, mà bản thân chị cài hoa trắng. Thành ra chị vừa cài vừa khóc, làm cho những bạn bè được chị tới cài hoa đều khóc theo. Sau đó chị đến đảnh lễ quí Thầy và cũng xin cài hoa, thấy chị khóc sướt mướt, có nhiều Thầy cũng muốn rơi lệ.
Quí vị thấy trong cái ổn có cái bất ổn, trong cái vui có cái không vui. Và dường như cái không vui nhiều hơn cái vui. Cuộc đời tương đối thôi. Tôi thấy các vị hơi lớn tuổi một chút, có ai được cài hoa hồng đâu? Một dãy chư tăng ngồi hai ba chục vị, số chư Tăng được cài hoa hồng hiếm lắm. Vì vậy, ngày nay để đỡ tủi, Phật tử chế ra hoa hồng vàng. Thế là quí Thầy, Cô đều bình đẳng với một màu vàng trang nghiêm rực rỡ, khỏi ai phải tủi thân nữa. Thông qua những lễ tiết nhỏ như vậy, cũng làm cho người ta dễ cảm xúc.
Ở Thiền viện tổ chức lễ Vu Lan giản dị hơn các nơi, quí ở lòng thành của chúng ta. Quí Phật tử về chùa cúng dường, rồi thỉnh quí Thầy nói chuyện cho nghe để Phật tử hiểu, áp dụng tu hành. Như vậy bớt đi những lễ tiết phụ, mà nhắm thẳng vào trọng tâm là làm sao Phật tử hiểu được đạo lý, thông suốt việc làm của mình trong tinh thần Phật dạy.
Trong những cách báo hiếu của Phật dạy, có nhiều Phật tử làm được, nhưng cũng có vị chưa làm được. Tôi nêu ra một số điều, quí vị cùng kiểm nghiệm thử xem.
Thứ nhất đối với cha mẹ, khuyên gắng tu phước, làm các việc công đức, quy y Tam Bảo, tin nhân quả, sống đời sống cao thượng theo tinh thần giác ngộ giải thoát. Điều này một số Phật tử lâu năm thấm nhuần Phật pháp, có lẽ áp dụng được. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được. Nhiều Phật tử nói với tôi vui lắm: “Thầy ơi! Nhiều khi con phải trốn nhà mà đi chùa, rủ không ai chịu đi hết. Thôi thì độc diễn”.
Ở đây nói khuyên cha mẹ làm phước, làm các việc công đức là thế này. Ví dụ, ngoài việc cúng dường chư Tăng Ni, quí vị có thể giúp đỡ hoặc tạo điều kiện cho cha mẹ giúp đỡ người trong xóm của mình, ai nghèo thiếu ta giúp cho họ. Không giúp được bằng tiền của thì giúp bằng công sức, bằng lời nói, hành động, đem lại an vui cho người. Đó cũng là cách tu tạo công đức lành. Luôn động viên, an ủi cha mẹ hướng tới Tam Bảo, nếu đủ duyên nữa thì quy y Tam Bảo và sống đời sống cao thượng của một người Phật tử tại gia. Trong nhà mọi người sống với nhau, trao đổi với nhau bằng tinh thần nhân quả, tinh thần vị tha sáng suốt thì rất hay. Nếu Phật tử tu tạo được như vậy, động viên các huynh đệ trong đạo tràng của mình cùng được như vậy thì tốt đẹp biết mấy!
Thứ hai là săn sóc đời sống của cha mẹ, làm sao cho cha mẹ có niềm vui thanh thản ở tuổi già. Muốn có niềm vui thanh thản thì đời sống phải có đạo lý. Nhờ hiểu đạo lý, nên tâm không bực dọc buồn khổ bởi những công việc làm ăn hay các việc khác. Điểm này là điểm làm cho người ta khổ lắm. Làm được thì cố ý giữ gìn cho còn mãi của mình, nếu bị mất đi thì khổ. Cho nên Phật nói: “Được mà muốn giữ cho còn cũng khổ. Giữ không được bị mất đi càng khổ hơn”. Được rồi thì nói là của mình. Ai đụng tới là có chuyện rầy rà. Hồi chưa được, muốn cho được chỉ là một cái khổ. Nhưng khi đã được rồi phải canh cánh giữ gìn thì thành một tòa nhà khổ rất kiên cố. Ai động đến cũng không được.
Thế nên Phật tử phải săn sóc đời sống cha mẹ theo hướng có đạo đức, có trí tuệ. Giải tỏa được tất cả những ràng buộc bởi đời sống làm ăn, tiếp cận quan hệ với mọi người chung quanh. Giúp cho tâm hồn cha mẹ được thanh thản bằng cách khuyên cha mẹ buông bỏ bớt, đừng lo cho con cháu nữa. Mỗi vị lớn khôn, phải tự biết lo liệu cho mình, để thời giờ cho cha mẹ rảnh rỗi tu hành. Cuộc sống này khi đầy khi vơi, ta làm sao cho mọi người trong gia đình có thái độ bình thản, tự nhiên trước những đổi thay đó.
Mình là người Phật tử, khi đầy cũng không quá tự kiêu rằng mình có phước, khi vơi cũng không quá tự ti rằng mình kém phước, vô duyên bạc phận rồi than Trời trách Phật không ủng hộ mình. Quí Phật tử áp dụng được như thế thì đời sống sinh hoạt tu tập không bị bất cứ một ngoại duyên nào cản trở. Nếu không chuẩn bị tinh thần như thế, chúng ta sẽ dễ dàng bị trở ngại lắm.
Tôi nói qua một vài trở ngại cho quí Phật tử thấy. Có nhiều người lúc làm ăn được thì đi chùa cúng kiến cái này cái kia cho quí Thầy, vui vẻ lắm. Nhưng thời gian sau làm ăn thua lỗ, sầu thảm không đi chùa nữa. Quí Thầy gặp hỏi: “Sao lâu quá không thấy đi chùa?” Thưa: “Lúc này con làm ăn thất bại quá, về chùa không có gì cúng kiến cho quí Thầy, con thấy xấu hổ quá”. Nếu cuộc làm ăn đó thất bại kéo dài thêm một thời gian nữa thì chắc là sẽ bỏ chùa luôn. Thành ra từ việc làm ăn mà làm cho đạo tâm bị lui sụt. Khi làm ăn lên thì đạo tâm lên, khi làm ăn xuống thì đạo tâm xuống. Như vậy làm sao tu được? Bởi đâu có ai bảo đảm được việc làm ăn của mình lên hoài. Phật tử đến với quý Thầy là để học hiểu Phật pháp, ứng dụng tu trong những lúc thăng trầm biến đổi như vậy, chớ đâu phải đến chỉ để cúng kiến. Cho nên hiểu như thế là hiểu sai lầm, vì vậy việc tu theo đó cũng sai luôn.
Tóm lại, Phật tử làm ăn được hay không được nên biết do phước nghiệp mà ra. Phước còn thì đi xe hơi ở nhà lầu, phước hết thì đi bộ ở nhà tranh cũng được. Làm sao giữ vững đạo tâm là quí. Giữ vững đạo tâm như vậy mới thấy lời Phật dạy chí lý: “Giàu sang không thật”, những cái ta được không thật. Đã không thật mà mình muốn giữ, làm sao giữ được. Cuộc đời này với bao nhiêu sự kiện bấp bênh trước mắt, chúng ta thấy rõ ràng hết rồi. Chiến tranh, thiên tai, dịch họa… bao nhiêu thứ đe dọa mạng sống của con người. Thế thì của cải, tiền tài, danh vọng, địa vị có nghĩa lý gì! Trong kinh nói một cơn gió độc, một con rắn độc, một viên đạn cũng đủ cắt đứt mạng sống của mình rồi. Vậy mà con người không hiểu còn làm khổ nhau, hành hạ nhau đủ thứ chuyện trên đời. Chúng ta là Phật tử, biết tu rồi phải tránh những nhân như thế.
Phật tử muốn săn sóc đời sống tinh thần của cha mẹ, tạo cho cha mẹ có niềm vui thanh thản, chính bản thân mình phải có được niềm vui thanh thản trước. Chúng ta tự tại đối với tất cả. Tự tại có nghĩa là đối với công việc làm ăn, cái được cái mất, cái vui cái buồn, những gì quí vị nếm trải phải biết nó không thật. Như con cái trong nhà năm đứa, nhưng đâu phải quí vị dạy được hết năm đứa. Nhiều khi đứa mình thương nó lại trận thượng, phá hết tiền bạc tài sản của mình.
Đó, hiện trạng xã hội ngày nay chúng ta thấy rõ, đám trẻ con nhà có tiền nhiều được nuông chiều đã lao đầu vào xì ke ma túy, một tệ nạn mà xã hội đang trừ khử quyết liệt. Bình thường đối với cha mẹ rất thương biết, nhưng tới cơn nghiền nó không kể chi, cứ nhằm cha mẹ mà quậy phá vơ vét, đôi khi không được như ý, chúng còn hành hung nữa. Bản chất nó không phải là đứa con bất hiếu, nhưng lúc đó nó chỉ nghĩ làm sao có tiền để thỏa mãn cơn nghiền thôi. Chúng ta đừng đổ thừa cho xã hội, mà mình phải giáo dục gầy dựng lại từ đầu, giáo dục là ngay ở chỗ này. Để tránh khỏi những cái khổ trước mắtù, mình phải chăm sóc giáo dục con cháu mình một cách chu đáo. Phải thường xuyên chỉ dạy cặn kẽ những cái hay cái xấu, và cũng luôn quan tâm đến cuộc sống của nó. Nhưng nếu vì một nguyên do nào đó mà bị rơi vào con đường khổ sở như vậy, thì ta phải bình thản sắp xếp, bình thản trước những cảnh được mất, bình thản đối với tất cả những sự đổi thay chung quanh. Đó là quí vị bình thản để trả nghiệp, chuyển nghiệp. Đây là yếu điểm tu tập, quí vị học Phật rồi phải áp dụng cho được giáo pháp vào đời sống của mình. Học Phật là để sống bình thản. Trong tinh thần thứ hai này, tôi muốn nhấn mạnh đến hướng tiến tự thân của người Phật tử. Đó là bình thản an nhiên đối với tất cả các cảnh duyên. Kế đến động viên, tạo điều kiện cho cha mẹ, những người thân của mình cũng được như thế.
Thế thì có cách thức nào để chúng ta được tự tại? Chạy lên chùa tụng một biến kinh, cầu Phật hay nhờ thầy cứu con ? Không phải thế, mà bản thân mỗi người nên thấy tất cả muôn sự muôn việc trên thế gian này đều không thật. Ví dụ như đứa con bình thường thương mình, bây giờ nó hỗn láo với mình, nói những lời trái nghịch xấc xược, làm bức xúc mình. Ta là người Phật tử phải làm sao? Phải bình tĩnh dạy lại nó. Giải thích cho nó hiểu cái tốt cái xấu bằng tình thương cởi mở, chứ không dùng quyền lực ép buộc hay trấn áp nó. Không phải lên đốt nhang cầu Phật dạy cho con của con đừng nói như thế. Phật trên bệ đâu có nói được mà dạy. Cũng không phải chạy tới nói với bà nội nó: “Bà nội! Bà dạy cháu bà nghe, nó không được nói với tui như vậy”. Nói kiểu đó, con nó lại càng lộng hành hơn, vì nó bắt chước mình. Phải tự hóa giải, tự an ổn, tự bình thản trước rồi hãy dạy con.
Trong cuộc sống, mối quan hệ giữa cha mẹ con cái rất quan trọng. Nếu Phật tử có tu tập, có đời sống đạo đức thì sẽ tạo cho gia đình mình hạnh phúc. Có nhiều vấn đề đôi khi rất khó xử, nhưng nhờ ta bình thản nên sáng suốt, từ từ tháo gỡ được tất cả không khó. Quí Phật tử ở trong đạo tràng, mỗi tháng được quí Thầy nói Phật pháp cho nghe, nên cố gắng ứng dụng những gì mình học hiểu vào đời sống để gia đình luôn được an ổn vui vẻ. Như vậy mới xứng đáng là người con Phật.
Bản thân mỗi Phật tử phải sống luôn tỉnh táo sáng suốt, thành thật kiên nhẫn và có sức chịu đựng. Kiên nhẫn và chịu đựng như thế nào? Đối với hoàn cảnh hiện tại, quí vị phải kiên nhẫn gánh chịu. Thật ra hạnh phúc trên thế gian là cái gì đâu? Sinh ra lụi hụi mười bảy, mười tám tuổi có gia đình. Bắt đầu có gia đình rồi thì phải chấp nhận khuôn luật gia đình. Chồng con hay vợ con ra sao, bao nhiêu những nghĩa vụ, bổn phận đủ thứ. Nội những chuyện đó ập tới, quí vị cũng đủ bạc tóc, già trước tuổi rồi. Nhiều người ba bốn mươi tuổi, mặt đã nhăn nheo ngồi bó gối thở ra, có sung sướng gì đâu. Nếu người thiếu kiên nhẫn, không chịu đựng nổi, thì thấy như có ai lảng vảng xúi mình nhảy xuống sông, xuống hố. Thế là từ khổ này chập chồng thêm khổ khác.
Những người chịu đựng không nổi, thường đổ thừa cho hoàn cảnh gia đình bức xúc. Nói thế cũng là một cách biện luận. Hồi xưa tự mình muốn lập gia đình, chứ đâu có ai tới bắt quí vị phải như vậy đâu. Sao hồi đó chịu, rồi bây giờ nói chịu không nổi? Thật ra tại vì hồi nhỏ mình chưa biết gì thì chịu, bây giờ biết rồi than khổ. Cuộc đời này trớ trêu lắm. Cho nên không giữ được tâm bình thản, để quá phần thì dễ dẫn tới sự mất thăng bằng. Bộ chỉ huy của mình là não bộ mất thăng bằng rồi thì coi như thân thể này hết xài, vô tác dụng. Người còn biết tốt xấu thì còn có đạo lý, còn sống ra người. Nếu để mất hết lý trí, không đủ sức chịu đựng thì quí vị thấy đó, trời nắng chang chang họ vẫn trùi trụi đi ngoài đường, chẳng thấy chi. Đó là những hiện tượng bất ổn.
Là Phật tử, có sinh hoạt đạo tràng, được học Phật pháp, quí vị làm sao tu tập sửa đổi mình ngày một tốt hơn. Không phải học Phật để nhớ nhiều hoặc tính năm tính tháng, mà học Phật pháp để xem mình có sáng suốt chưa, đã bỏ những tập khí nhỏ nhen ích kỷ chưa. Học Phật pháp để phát tâm rộng rãi cầu giác ngộ giải thoát, tha thứ yêu thương người, vật v.v… Nếu ai học Phật pháp mà chưa làm được những điều đó thì phải ráng lên. Quí vị nhớ người Phật tử phải sáng suốt, phải chân thật, phải kiên nhẫn, có sức chịu đựng để giải trừ tất cả những nghiệp xấu của mình. Giữa cuôïc đời này ai nhát gan, không chịu đựng nổi thì sanh chuyện dữ lắm. Nhiều chuyện không ra gì mà do ta không chịu đựng nổi nên thành lớn chuyện.
Ngoài ra Phật tử còn phải có nếp sống đạo hạnh, khép mình trong giới luật. Người Phật tử nào áp dụng được Phật pháp, chúng ta nhìn vào phong thái của họ sẽ thấy rõ, khoan dung độ lượng, trang nghiêm mực thước. Gia đình Phật tử nào có áp dụng Phật pháp, thấm nhuần Phật pháp, nhìn vào tổ chức của họ rất tốt đẹp, an vui. Khi mà nội dung bên trong có rồi, tự nó biểu hiện ra ngoài rõ ràng, không cần ai phải giới thiệu quảng cáo. Đó là những điều cần thiết đối với đời sống của hàng Phật tử tại gia.
Quí Phật tử nhớ, luật nhân quả rất quan trọng trong đời sống. Chúng ta lờ mờ đối với nhân quả hoặc không tin nhân quả thì sẽ gây tạo những nghiệp nhân bất hảo, dẫn đến kết quả đau khổ vô cùng. Hễ gây nhân rồi thì phải chuốc quả. Người không đủ sáng suốt đã tạo nghiệp nhân xấu nào, phải nhận chịu quả báo tương ứng như thế. Ví dụ, ban đầu người ấy không muốn hút xì ke, mà do bạn bè dụ dỗ, kẻ ấy để dính vô cái đó rồi thì thành nghiền, sau đó chuốc khổ.
Trong cuộc đời có nhiều trường hợp bất hạnh như vậy, nhưng không thể đổ thừa hết cho hoàn cảnh. Chủ yếu là tại đương sự không kiên quyết, không tỉnh táo sáng suốt. Bạn bè nói gì thì nói, ta không nghe thì thôi. Tại mình yếu đuối, đến khi gặp khổ cũng khiếp nhược không dám chịu trách nhiệm về sự sai lầm của mình, lại đổ thừa cho hoàn cảnh chung quanh. Đạo Phật không chấp nhận những người có thái độ nhu nhược, thiếu tỉnh táo như thế.
Ở đây nói rõ hơn về nhân quả. Chữ “Nhân” là nhân tố, “Quả” là hậu quả. Người học Phật pháp, biết rõ gây nhân xấu thì sẽ đưa đến hậu quả xấu. Muốn được quả tốt, không bao giờ ta gây nhân xấu, rõ ràng như vậy. Nhiều người cứ gây bừa, không áp dụng theo tinh thần nhân quả, gây nhân xấu nhiều, nhân tốt ít. Nhưng đến khi hậu quả tới thì kêu trời, khấn Phật cứu con. Phật trời nào cứu được. Nhân đó của mình gây, chứ Phật đâu có gây mà đòi Ngài sửa quả cho mình. Do vậy quý vị phải sáng suốt, không gây nhân xấu thì không bị quả xấu.
Hằng ngày chúng ta kiểm lại từ sáng tới chiều, vừa thức dậy ăn cơm, nói chuyện, đi làm… xem mình có phạm sai trái gì không, tâm tình như thế nào, đời sống ra sao? Kiểm lại từ sáng tới tối mình chưa hề có niệm xấu, tức là không gây những nhân xấu ác. Đó là một ngày vui, ta có quyền để vào trong lon một hạt đậu trắng, vì biết mình không gây nhân xấu thì không bao giờ có quả xấu tới, rõ ràng như vậy. Căn cứ từ nhân quả mà tu, quí vị khỏi phải tốn tiền với mấy ông thầy bói. Bởi chúng ta không gây nhân xấu thì không có quỷ ma nào làm gì mình được. Còn nếu đã gây nhân xấu, dù có đút lót mấy ông thầy bói bao nhiêu tiền, hậu quả xấu mình cũng phải gánh chịu thôi. Ví dụ, người thụt két hay tham lạm tiền của người khác, thầy bói báo trước: “Coi chừng ở tù nghe con”. Nếu người ấy không có tiền bù vô, chạy đằng nào đi nữa thì cũng vô tù thôi, chuyện đó dĩ nhiên như thế.
Cho nên ai phủ nhận nhân quả thì cuộc đời họ đáng sợ lắm, dù hiện tại là người gì, Vua chúa Đế vương cỡ nào cũng không thoát được lưới nhân quả. Đối với vấn đề nhân quả, Phật tử chúng ta nên quan tâm. Học đạo phải thông nhân quả. Chính chúng tôi cũng vì lo nhân quả nên ráng tu. Ngày xưa có một vị tăng thọ nhận của đàn na mà tu không ra gì, tới chừng chết phải trả nợ cũ bằng cách đầu thai làm khúc gỗ mục, sanh nấm mèo quanh năm cho chủ nợ ăn. Hồi đó người ta cúng cho mình ăn, mà tu không thành tựu gì hết, thì bây giờ thành khúc cây mục để lên nấm cho người ta ăn.
Cũng vậy, nếu như ai sợ bị người hại thì mình đừng có tâm hại người, đó là sống đúng luật nhân quả. Muốn người ta không cướp giật của mình thì ta đừng khởi tâm tham của người. Muốn gia đình mình được hạnh phúc thì đừng phá hại hạnh phúc gia đình người. Đó là những điều luật thông thường, người thế gian còn biết huống nữa là Phật tử. Đối với vấn đề nhân quả, nắm rõ tin sâu, sau đó sắp xếp mọi việc trong gia đình không khó. Người sống đúng luật nhân quả sẽ thể hiện được tinh thần tu tập đúng chánh pháp của hàng Phật tử tại gia.
Trở lại vấn đề báo hiếu của người con Phật. Nhiều vị quan niệm rằng: Người xuất gia như chư Tăng chúng tôi không làm tròn được hiếu đạo, vì bỏ cha mẹ đi tu. Nhưng trong kinh Phật, nhất là những kinh thuộc về nhân quả, Phật lại nói nhiều về hiếu hạnh. Tinh thần hiếu hạnh của đạo Phật rất cao siêu, chính hàng xuất gia chúng tôi mới có thể thực hiện trọn vẹn hiếu hạnh đối với song thân, chớ không phải bất hiếu như nhiều người lầm tưởng. Bởi vì không phải chỉ có lo miếng cơm manh áo cho cha mẹ là đủ báo đáp thâm ân sanh thành dưỡng dục. Mà làm sao cho cha mẹ thức tỉnh, chuyển đổi tâm xấu thành tâm lành, giúp cha mẹ thoát khỏi sự thống khổ trong các đường dữ mới là người con chí hiếu.
Đạo Phật dạy hàng xuất gia phải nỗ lực tu hành, đem công đức ấy hồi hướng cho cha mẹ chuyển tâm tánh, dìu dắt cha mẹ đi trên con đường chân chánh. Như vậy mới gọi là hạnh hiếu chân thật. Cho nên không thể nói Tăng Ni không làm trọn bổn phận với cha mẹ, mà quí Thầy, Cô báo hiếu khác với người thế gian. Hiểu như vậy chúng ta mới trân quí chữ Hiếu trong đạo Phật. Phật dạy Phật tử sau khi quy y Tam Bảo rồi, dành dụm thời gian ổn định việc tu học của mình. Sau đó hướng dẫn cha mẹ cũng quy hướng Tam Bảo, giữ gìn năm giới. Như vậy là người biết tri ân và đền ân cha mẹ.
Tôi xin dẫn câu chuyện của Thiền sư Động Sơn Lương Giới, Thiền tổ của tông Tào Động. Bức thơ Ngài gởi cho mẹ khi đã quyết tâm xuất gia. Đây là bức thơ thể hiện lòng dứt khoát chọn con đường đạo, xuất gia tu hành, không đi con đường của thế gian nữa. Thơ viếtù như thế này:
“Được nghe chư Phật ra đời, đều do cha mẹ mà có thân. Muôn loài sanh trưởng cũng nhờ trời đất che chở. Cho nên không có cha mẹ thì chẳng sanh, không có trời đất thì chẳng trưởng, thảy nhờ ân dưỡng dục, đều thọ đức chở che. Song mà tất cả hàm thức, vạn tượng hình nghi đều thuộc về vô thường, chia lìa sinh diệt. Tuy ơn bú sú nặng nề, công nuôi dưỡng sâu thẳm. Nếu đem của cải thế gian phụng dưỡng thì trọn khó đáp đền. Dùng máu thịt để dâng hiến cũng không bền chắc. Trong Hiếu kinh nói: Dù một ngày giết đôi ba con vật để cúng hiến cha mẹ vẫn là bất hiếu, vì sẽ đưa nhau vào trầm luân, chịu muôn kiếp luân hồi. Muốn đền ơn sâu dày của cha mẹ thì đâu bằng công đức xuất gia. Vì sẽ cắt đứt dòng sông ái sinh tử, vượt qua khỏi biển khổ, đáp ơn cha mẹ ngàn đời, đền ơn từ thân muôn kiếp. Bốn ân ba cõi thảy đều đáp đền. Kinh nói một người con xuất gia đắc đạo chín họ đều được sinh lên cõi trời. Con nguyện bỏ thân mạng đời này thệ chẳng trở về nhà, đem căn trần muôn kiếp chóng tỏ sáng Bát Nhã.
Cúi mong cha mẹ mở lòng hỷ xả, ý chớ trông mong, học theo gương phụ vương Tịnh Phạn và thánh mẫu Ma Da hẹn đến sau kia sẽ gặp nhau trong hội Phật, còn hiện nay cam chịu lìa nhau. Con chẳng phải quên ơn dưỡng dục, chỉ vì thời giờ chẳng đợi người. Cho nên trong Hiếu kinh nói: “Thân này chẳng thẳng đời này độ, lại đợi đời nào độ thân này”. Xin cha mẹ lòng chớ nhớ mong.
Tụng rằng:
“Vị liễu tâm nguyên độ số xuân,
Phiên ta tịnh thế mạn thuân tuần,
Cơ nhân đắc đạo không môn lý,
Độc ngã yêm lưu tại thế trần,
Cẩn cụ xích thơ từ quyến ái,
Nguyện minh đại pháp báo từ ân,
Bất tu sái lệ tần tương ức,
Thí tợ đương sơ vô ngã thân”.
Tạm dịch:
“Chưa tỏ nguồn tâm trải mấy xuân,
Thương thay mê mải luống bâng khuâng,
Cửa không đã lắm người được đạo,
Riêng kẻ thô hàn mãi phong trần,
Viết lá thư này từ cha mẹ,
Nguyện thông đại pháp báo từ ân,
Không nên rơi lệ nhiều thương nhớ,
Xem tợ buổi đầu con không thân”.
Ngài khuyên cha mẹ bớt đi những thương nhớ, cứ xem như trong gia đình không có con từ buổi đầu để Ngài yên tâm tu hành. Bởi vì chỉ có tu hành sáng đạo hay đạt đạo thì mới có thể đền trả thâm ân cha mẹ một cách rốt ráo mà thôi. Lá thư thứ hai:
Con từ lìa cha mẹ, chống tích trượng dạo phương nam, tháng ngày trôi qua đã mười năm. Trên đường con đã trải qua muôn dặm, cúi mong mẹ đem hết tâm ý hướng về Phật pháp, đừng ôm ấp tình ly biệt, chớ đứng tựa cửa trông con. Mọi việc trong nhà tùy thời sắp đặt, việc nhiều thì phiền não thêm nhiều. Phần anh cả thì nên tận tâm hiếu thuận, học đòi gương Vương Tường nằm giá. Còn tiểu đệ thì hết sức bắt chước theo Mạnh Tông khóc măng. Phàm người ở đời phải biết tu thân hiếu để mới hợp lòng trời. Kẻ làm Tăng trong cửa Không thì mộ đạo tham thiền để đáp ơn cha mẹ. Ngày nay hai đường xa cách, muôn sông ngàn núi, mượn giấy mực viết vài hàng để bày tỏ tấc dạ.
Tụng rằng:
“Bất cầu danh lợi bất cầu Nhu,
Nguyện nhạo không môn xả tục đồ,
Phiền não tận thời sầu hỏa diệt,
Ân tình đoạn xứ ái hà khô.
Lục căn giới định hương phong dẫn,
Nhất niệm vô sanh huệ học phù,
Vị báo bắc đường hưu trướng vọng,
Thí như tử liễu thí như vô”.
Tạm dịch:
Chẳng cầu danh lợi chẳng cầu Nho,
Ưa thích cửa không bỏ thế đồ,
Phiền não hết rồi lòng sầu tắt,
Ân tình dứt bặt tâm ái khô.
Sáu căn giới định hương thơm ướp,
Một niệm vô sanh sức huệ phò,
Xin nhắc mẹ già thôi trông ngóng,
Ví con đã chết ví như không.
Đó là hai lá thơ Ngài gởi cho mẹ. Kế đến chúng ta nghe thơ của bà mẹ gởi lại cho Ngài. Đây là một bà mẹ Phật tử, hiểu Phật và áp dụng lời Phật một cách hết sức đặc biệt trong đời sống của bà.
“Mẹ cùng con đời trước có nhân duyên mới kết thành tình mẹ con. Kể từ ôm thai trong lòng, sớm chiều cầu Thần khẩn Phật nguyện sanh được con trai. Thai bào đủ tháng mạng sống như chỉ mành, sanh con được toại nguyện quí như châu bảo. Không nề sự hôi hám của phẩn uế, chẳng ngại sự bú sú nhọc nhằn. Con vừa thành người dắt đến trường học tập. Hoặc khi con đi chơi về trễ, mẹ đứng tựa cửa trông mong. Con viết thư về, quyết xin xuất gia. Cha đã mất, mẹ già, anh yếu, em nghèo nàn, mẹ trông cậy vào ai? Con có ý bỏ mẹ, chớ mẹ nào có tâm quên con. Từ khi con cất bước tha phương, ngày đêm mẹ thường rơi lệ. Khổ thay! Khổ thay! Nay con lại thệ chẳng về quê, mẹ cũng tùy chí nguyện của con. Mẹ không dám mong con như Vương Tường nằm giá, Đinh Lan khắc cây, chỉ mong con như Tôn giả Mục Kiền Liên độ mẹ thoát khỏi trầm luân tiến lên Phật quả. Nếu mẹ không như vậy e có tội. Con cần phải giải quyết cho xong.”
Lá thư của bà tuy ngắn nhưng lời lẽ hết sức dứt khoát. Tình nghĩa, sự nhớ thương theo thế thường thì không phải là không có, nhưng biết được ý chí quyết tâm xuất gia của con, không về nhà nữa thì mẹ rất hài lòng. Không mong con làm điều gì khác hơn là tu hành thành đạo như Tôn giả Mục Kiền Liên để độ mẹ thoát khổ luân hồi sinh tử. Lòng mẹ thực thà như vậy, nếu chỉ nói suông mà không như vậy thì mẹ chịu tội. Con chỉ một việc duy nhất là phải tu làm sao cho được thành tựu, sáng được việc của mình tức là thành đạo.
Đọc qua những lá thơ này rồi, chúng ta thấy Ngài là một người con hiếu thảo nên đi tu mà vẫn cưu mang trong lòng ân nghĩa, hiếu đạo cho nên viết thư gởi về cho gia đình, cho mẹ. Và cũng nhờ gia đình hữu phúc nên ngài có được một bà mẹ cao cả, dứt khoát với những lời lẽ khẳng khái, để ngài yên lòng tu. Bà luôn mong mỏi con mình tu thành đạo, chớ không trông chờ cái gì khác. Đó là tinh thần hiếu đạo trong nhà Phật.
Ngày xưa, có một Hòa thượng khi xuất gia còn nhỏ. Đến lúc đã thành tựu đạo nghiệp, Ngài nhớ đến mẹ già và tìm về quê cũ. Trải qua mấy mươi năm, cảnh vật đều thay đổi. Ngài không nhận ra được ngôi nhà thuở xưa. Hỏi thăm mới biết mẹ Ngài sống trong một cái chòi nhỏ trên nền đất cũ, bán trà sống qua ngày. Ngài vội vã tìm kiếm và gặp lại mẹ trong một tình trạng rất thương tâm. Mẹ Ngài vì quá già yếu, mắt mờ nên không thể nhìn ra con. Ngài đau xót và thương mẹ quá nên đến gần hỏi han và ngỏ ý muốn rước về chùa. Bà cụ sợ về chùa không làm gì nổi thì có tội, Ngài trấn an: “Bà chỉ cần niệm Phật là tốt rồi, không có tội”. Bà cụ mừng lắm và chịu theo Hòa thượng về chùa.
Sau khi trình qua tăng chúng, Ngài rước mẹ về và sắp xếp bà ở trong một am tranh. Mỗi sáng Ngài đều sang thăm mẹ nhưng không cho bà biết Ngài là con, và cũng không cho đại chúng biết bà cụ là mẹ mình. Sau khi thăm viếng xong, Ngài vẽ một vòng tròn cỏ cho bà cụ làm. Làm xong thì vào niệm Phật. Cứ thế Ngài dìu mẹ quy hướng theo Tam Bảo. Bà sống rất thanh thản, an vui. Ngày qua ngày bà cụ yếu dần, đến một hôm thì bà mất. Bấy giờ đứng trước quan tài mẹ, Ngài nói: “Phật dạy, nếu trong dòng họ có một người con tu hành đắc đạo thì cha mẹ sẽ được sanh thiên. Nếu lời này không sai thì xin quan tài của mẹ được bay lên không trung”. Tức thì quan tài của bà cụ bay lên. Và Ngài vui mừng vì biết mẹ mình đã được sanh lên Thiên giới. Bấy giờ đại chúng mới biết bà cụ là mẹ của Hòa thượng, một vị Trụ trì uy đức cao lớn và là Thầy của bao nhiêu tăng chúng.
Đó là một cách báo hiếu trong nhà Phật. Hướng dẫn mẹ vững niềm tin tu tập đúng theo lời Phật dạy. Gìn giữ cho mẹ không lạm dụng sự cúng kính của đàn na thí chủ. Và nhất là mỗi ngày hướng dẫn mẹ tu tập, gầy dựng công đức giác ngộ giải thoát cho mẹ. Đó là một trong những cách thức báo hiếu của người xuất gia. Còn nhiều cách thức khác nữa. Như tôi đọc hành trạng của Ngài Hám Sơn, có sự kiện như vầy:
Ngài đi tu từ thuở mới mười hai, mười ba tuổi. Thời gian này Ngài thương mẹ nhiều lắm. Cứ mỗi lần có dịp về nhà thăm mẹ là Ngài không muốn đi. Sáng mai bà mẹ phải đưa đi. Nhà ở trong quê, đưa ra ngoài có sông rạch. Ra tới ngoài rồi Ngài lấn quấn bên mẹ hoài không chịu đi. Sáng hôm đó đến bến đò, mẹ con phải chia tay, thấy Ngài quấn quýt hoài, bà nói: “Một đứa con yếu đuối như thế này, làm được việc gì”. Nói xong bà đẩy Ngài xuống bến, rơi tủm xuống nước, rồi bỏ đi. Người chung quanh thán oán bà biết bao nhiêu. Họ cứu Ngài lên, đem về chùa. Từ sự cố đó, Ngài nỗ lực tu hành và sau này thành đạo. Khi thành đạo rồi, Ngài mới nhận ra được ý muốn thầm kín của mẹ. Nếu ngày xưa mẹ Ngài không cứng rắn như vậy, thì làm sao uốn nắn được ý chí cho Ngài.
Người mẹ không có sự dứt khoát, cứ để con lẩn quẩn bên mình thì làm sao con thành tựu đạo nghiệp được? Sau đó Ngài nhận ra được cách giáo dưỡng của mẹ mình, mới quí bà vô kể. Bởi vì thật ra khi Ngài rơi xuống sông, bà bỏ đi nhưng trong lòng giống như người đã chết. Bà đứt từng khúc ruột khúc gan nhưng mà gắng chịu. Bà phải dạy như vậy, sau này mới có được một người con xứng đáng với đạo pháp và làm ích lợi cho chúng sanh. Đó là cách giáo hóa của một người mẹ có ý chí hướng thượng, có tâm hồn lớn. Và để bù đắp lại, ngài Hám Sơn đã quyết tâm tu hành và đạt đạo, đền trả được công ơn lớn lao của mẹ Ngài.
Nhân mùa hiếu hạnh, chúng tôi nhắc lại vài cách thức Phật dạy, để quí Phật tử thực hiện theo, trở thành một người con tốt:
Thứ nhất Phật dạy không nên làm điều gì hại mình, hại người. Không làm hại người thì dễ rồi, nhưng không hại mình là sao? Là con Phật, chúng ta hiểu nhân quả, hiểu lời Phật dạy nhưng vẫn gây tạo những nghiệp nhân không tốt, đó là chưa biết thương mình. Hạng người này Phật gọi là tự hại mình. Dù hiện tại ta vẫn an vui, vẫn có nếp sống bình thường đầy đủ, nhưng cứ lầm lũi gây tạo nghiệp nhân bất hảo, thì chắc chắn một ngày không xa, hậu quả xấu sẽ đến với ta. Phật nói đó là người chưa biết thương mình, chưa biết tu. Bởi vì gây nhân nào thì sẽ chuốc quả nấy. Thành ra Phật dạy, trước nhất mình phải biết thương mình, làm những việc công đức, tránh vi phạm vào lỗi hại mình. Đó là tu từ nhân. Nhân tốt này sẽ có năng lực đưa mình tới kết quả tốt. Cố gắng tu tạo những công đức lành, tránh xa những nhân xấu. Đó là hạnh tu ban đầu của người con Phật.
Thứ hai, Nỗ lực thể hiện nếp sống tránh xa hai thái cực. Thái cực thứ nhất là tham đắm theo dục lạc thấp hèn. Thái cực thứ hai là cực đoan. Phật dạy người Phật tử thể hiện nếp sống đạo đức, sáng suốt. Không gây những nhân xấu xa để rồi sẽ gánh lấy những hậu quả không tốt. Ta gầy dựng từ tâm niệm chân thành, bằng sự sáng suốt, thấy rõ những dục lạc thấp hèn nơi mình, ta bỏ đi không tham đắm. Tu tạo, gầy dựng một đời sống trong sáng, đầy đủ đạo đức là nếp sống đạo. Phật tử tu tập có nếp sống đạo, dù đang sống giữa cuộc đời phức tạp đa đoan, nhưng luôn luôn thể hiện một đời sống sáng suốt. Như vậy sẽ tránh sa vào tham đắm dục lạc. Phật dạy: Tham nhiều thì khổ nhiều. Đắm nhiều thì lụy nhiều. Chính cái vui của thế gian là nhân của quả khổ.
Thái cực thứ hai là tránh sự cực đoan. Phật tử phải có nếp sống tương đối, không nên thiên lệch thái quá. Thiên lệch một bên là cố chấp. Cố chấp chính là si mê chớ không gì khác. Nhìn vào gia đình của một Phật tử có tu tập đúng tinh thần Phật dạy, chúng ta thấy thể hiện rõ ràng nếp sống quân bình, cởi mở, không câu nệ vào định kiến của ai. Nhờ thế mọi thành viên trong gia đình đều vui vẻ, hòa hợp, biết quí trọng lẫn nhau. Như vậy gia đình ấy là một gia đình có hạnh phúc.
Ở đây Phật muốn dạy chúng ta tránh xa những tác nhân có thể làm mình mê lầm, bị sa ngã vào đường khổ. Nếu ta sống bình thường an nhiên, có cái nhìn rõ ràng, thấy được lẽ thật các sự kiện chung quanh thì sẽ không lầm bất cứ một sự kiện nào. Do không lầm nên ai nói gì ta cũng không vội tin, ai rủ rê làm gì ta cũng không vội vàng chấp nhận. Chúng ta luôn sáng suốt xét nét, thấy rõ việc nào đúng, việc nào không đúng. Đúng thì làm, không đúng thì không làm. Nếu người Phật tử luôn được tỉnh sáng như vậy, mới sắp xếp sinh hoạt gia đình bình ổn, thường làm chủ mình, không dễ dàng sa vào con đường lầm lỗi.
Thứ ba, Chúng ta biết chọn một lối sống lành mạnh, biết đủ. Từ đó đưa đến tâm thanh tịnh và trí tuệ sáng suốt. Hạnh này phải trải qua một quá trình tu tập mới có được như thế. Ví dụ như quí Phật tử từ lâu từng biết đi chùa, từng làm việc phúc, thấy người ta khổ mình thương, nhưng chưa chọn nơi để hướng về. Đối với lời Phật dạy, cách thức tu tập quí vị có nghe nhưng chưa làm, chưa quan tâm lắm. Bây giờ tiến lên một bước nữa, mình phải học hiểu giáo lý, áp dụng những lời dạy của đức Phật vào đời sống thì mới có lối sống lành mạnh, có tâm định tỉnh và trí tuệ sáng suốt. Cuộc sống lúc nào cũng biết đủ, không đòi hỏi, không chạy theo vật chất thế gian. Nhờ thế thân tâm an ổn, vì ít việc thì ít phiền não.
Tuy nhiên, nói dễ nhưng làm thì nhiêu khê lắm. Nếu ý chí của mình chưa đầy đủ, chưa mạnh, khi gặp khó khăn, cam go, trắc trở không vượt qua được, không khắc phục nổi. Ở ngoài đời mà quý vị không có sự sắp đặt, không có ý chí thì cũng không gầy dựng nổi gia đình êm ấm hạnh phúc. Bước vào đạo cũng thế. Trong đạo lại có nhiều sự việc cam go gấp bao nhiêu lần ở ngoài đời. Bởi vì như chúng ta đã biết, học làm người đã khó, học làm Phật lại khó hơn. Vì vậy một trăm người học làm Phật chưa chắc được đôi ba người.
Tôi nhớ một câu chuyện thế này: Xưa có hai cậu cháu nọ cách nhau khoảng chừng đôi ba tuổi. Người cậu mười lăm mười bảy tuổi gì đó, đứa cháu mười hai mười ba tuổi. Trong gia đình, hai cậu cháu này rất tâm đắc. Đi chơi hay làm gì luôn luôn có nhau. Bà mẹ cũng rất hài lòng vì thấy em mình là người tốt, có tâm hướng về Phật pháp nên bà tin đứa con mình sẽ trở thành người tốt. Hai cậu cháu gần gũi được thời gian thì có một sự đổi thay lớn. Người cậu chết. Đứa cháu chưa biết cậu mình chết, chỉ thấy cậu nằm im đó thôi. Sáng ra người cháu mới lại gần kêu:
- Cậu dậy đi, dậy đi chơi.
Bà mẹ đau lòng nói:
- Cậu con đã chết rồi! Đừng kêu cậu nữa.
Nghe mẹ nói cậu chết, đứa bé ngạc nhiên hỏi:
- Chết là sao hả mẹ!
Bà mẹ trả lời không được. Kể từ đó đứa cháu không hỏi nữa chỉ để ý theo dõi từng cử chỉ của mẹ. Nó thắc mắc tại sao mẹ trả lời không được, mà cũng không biết tìm hỏi ai. Cho tới hôm đó, có mấy vị thiền tăng đi ngang nhà. Bà mẹ là một Phật tử nên thấy các Thầy ghé ngang nhà, bà ra cúng dường. Người con để ý thấy quí Thầy có vẻ siêu thoát, mỗi lần ghé ngang mẹ đều ra lễ lạy cúng dường. Nó chú ý lắng nghe đối đáp giữa quý Thầy và mẹ mình có nhiều câu rất lạ tai, nhưng không biết nói gì.
Một hôm quý Thầy ghé, bà mẹ bận công việc, chú bé mới chạy ra hỏi Thầy:
- Tu là sao? Con có thể đi tu được không?
Vị thầy đáp:
- Con có thể đi tu được.
Nghe vậy rồi, đứa bé vui vẻ xin mẹ:
- Xin mẹ cho con đi theo quý Thầy tu.
Bà mẹ hoan hỉ. Từ đó, chú bé cất bước theo quý Thầy tu, nhưng trong lòng là để giải quyết cho ra cái nghi án trước mẹ chưa trả lời. Đó là “Tại sao chết? Mình có bị chết không?” Vì vậy trong suốt thời gian tu, vị tăng trẻ này rất chuyên chú làm sao để giải quyết được nghi án của mình. Cuối cùng, Thầy nhận ra: Mọi người đều bị sự chi phối của vô thường. Có thân này, có sự sinh ra thì sẽ có già, có bệnh và có chết. Nói tóm lại, ai cũng chết. Con đường này người nào cũng phải đi qua. Một bản án tử hình ai cũng phải bị tuyên án, không có tòa chống án. Vỡ lẽ, vị Tăng quyết chí tu hành tới khoảng ba mươi tuổi thì ngộ đạo, làm chủ hoàn toàn được vấn đề sanh tử.
Ở đây tôi muốn nói đến cơ duyên của người xuất gia từ thuở bé. Do sự kiện trong gia đình có người thân qua đời, rồi vị ấy ưu tư. Ưu tư đó được nuôi dưỡng cho tới ngày theo các Thầy xuất gia làm Tăng, nỗ lực tu hành, cuối cùng sáng đạo, đạt đạo. Nói "sáng đạo" tức là mình không còn bị lầm mê bởi một sự kiện gì trước mắt. Đạt đạo là bình yên giữa những cuộc đổi thay, nhận ra tất cả những lăng xăng điên đảo trong tâm là không thật có, luống dối. Được thế là mục đích tu hành cứu cánh của người con Phật chúng ta.
Từ chủng Phật cộng thêm các thuận duyên, khiến ta có người thân giúp mình thực hiện được tâm nguyện tu hành. Như quý Phật tử do có duyên nên mới gặp nhau trong một xóm, một trú xứ, có huynh đệ đồng tu, đồng đi chùa, đồng học hiểu Phật pháp. Đó là thuận duyên đối với Tam Bảo. Nhưng từ thuận duyên đó quý vị phải tiếp tục phát huy thêm tinh thần ý chí tu học của chính mình. Nếu không như thế mà chỉ lệ thuộc các duyên bên ngoài thì đạo tâm của quí vị sẽ không vững chãi. Khi gặp duyên trắc trở có thể quí vị sẽ thối tâm, không tu được.
Khi vị Tăng trẻ biết ai rồi cũng phải chết, thì Thầy hết sợ chết, hết thắc mắc về cái chết của cậu mình. Từ đó Thầy nghiệm ra một điều là, mỗi người phải tự nương tựa lấy mình, không thể nương tựa người khác, vì họ có thể ra đi bất cứ lúc nào. Nói tới đây tôi nhớ câu chuyện hồi Phật còn tại thế. Có một phụ nữ kia ôm xác đứa con trai duy nhất của mình vừa mới bệnh chết, chạy khắp nơi gào khóc kêu thét, tìm người cứu con bà. Không ai cứu được. Thấy tình cảnh bà thảm não quá, có người chỉ:
- Bà đến với đức Phật đi! Đức Phật sẽ cứu được con bà.
Nghe lời, bà chạy đến đức Phật van xin Ngài hãy cứu con bà sống lại. Bà xin chịu mọi điều kiện của Phật đưa ra. Phật bảo:
- Này cô! Hãy đến nhà nào chưa từng có người chết, xin một ít tro bếp về đây, ta sẽ cứu con của cô.
Mừng quá, người phụ nữ kia chạy khắp làng này qua xóm khác, tro thì có nhưng tuyệt nhiên chưa từng thấy gia đình nào không có người chết. Cuối cùng bà quay về trình với đức Phật:
- Con làm sao tìm được nhà nào không có người chết để xin một ít tro?
Đức Phật nói:
- Cũng vậy. Trên đời này, sự đổi thay, chết chóc không tha cho người nào hết. Ai rồi cũng phải chết. Có thân này thì phải hoại. Đâu chỉ riêng con của cô mới chết thôi.
Nghe đến đây, người thiếu phụ kia chợt tỉnh ra, mới bớt sầu não và đem đứa con yêu quí của mình chôn cất đàng hoàng. Sau đó bà theo Phật nghe pháp và phát tâm tu hành.
Chúng ta cũng thế, có thân này thì nhất định sẽ có ngày bại hoại, sẽ chết. Vậy mà chúng ta không lo chuẩn bị gì cho mình. Cứ lo lắng chuyện này, chuyện kia, chuyện chồng con, chuyện sự nghiệp, chuyện địa vị, danh vọng… Bản thân mình chưa được gì thì hôm nào đó đùng một cái ngã lăn ra chết. Khi nhắm mắt rồi, mời quý thầy tới tụng kinh cầu siêu, có siêu nổi không? Làm sao siêu nổi. Bình thường không chịu tu tập, không chuẩn bị, tới chừng đó nghiệp xấu lôi đi, đâu có ai cứu được. Cho nên hằng ngày chúng ta phải tu. Trong các sự đổi thay giữa cuộc đời này, mình phải biết đầu tư cho chính mình. Nghĩa là phải có công phu tu hành, có đạo đức, đó là có sự chuẩn bị cho mình.
Hiện tượng chết làm cho người ta sợ, người ta khổ. Bởi vì đó là một sự mất mát vô chừng, không ai biết trước được. Bây giờ chỉ biết vâng theo lời Phật dạy, ngay đây muốn được an ổn, nhẹ nhàng, không bị khổ thì phải nỗ lực tu. Đối với hàng xuất gia, khi đi tu rồi, thì chỉ một việc duy nhất là tu làm sao cho thành đạo. Đó là một cách báo hiếu. Tinh thần hiếu hạnh trong Phật pháp là tự mình tu tập cho có kết quả, sau đó hướng dẫn cha mẹ quy hướng Tam Bảo, cũng biết tu tập như mình. Cho nên chỉ có người con tu thành đạo mới có thể đền trả được thâm ân to lớn của cha mẹ. Nếu không thành đạo thì không cách gì trả nổi công ơn trời bể ấy.
Như ngài Mục Kiền Liên, nếu không thành đạo, không cách gì Ngài cứu được mẹ. Bởi vì từ nhiều đời bà mẹ của Ngài đã gây tạo nghiệp nhân không tốt, bị đoạ trong loài quỷ đói. Loài này bụng to như cái trống chầu, mà cổ nhỏ như cây kim, vì vậy lúc nào cũng đói khát mà ăn không được. Cho nên nghe hay ngửi mùi thức ăn mà không ăn được thì nổi sân lên. Do nổi sân nên lửa bốc cháy trong cổ họng, thành ra nói thức ăn biến thành than lửa, rất đau đớn thống khổ. Nếu Tôn giả Mục Kiền Liên tu hành không chứng đạo thì làm sao cứu được mẹ trong lớp quỷ đói khổ sở như thế.
Chúng ta ngày nay cũng vậy. Phật tử trước nhất phải hiểu đạo, rồi tùy theo hoàn cảnh, điều kiện của mình áp dụng tu đạo. Ví dụ Phật dạy cuộc đời vô thường, mọi thứ sẽ đổi thay. Các pháp không có gì thật. Bây giờ mình là người Phật tử, nên nghiệm xem lời dạy này của Phật có đúng không? Vô thường là gì? Là một sự đổi thay lớn lao, không buông tha cho ai hết. Như con người có sanh ra thì có lớn lên, rồi già nua, bệnh hoạn và cuối cùng là chết. Trình tự của thân này là như thế. Sinh ra. Lớn lên. Già nua. Bệnh hoạn. Chết.
Có những bà mẹ thương con quá muốn con mau lớn, như vậy khác nào muốn con mau chết. Phải vậy không? Cứ mỗi ngày kiếm đồ ngon bổ dưỡng cho con ăn mau lớn. Mau lớn để làm gì? Mau lớn thì mau già, mau già thì mau chết. Quý vị thấy mới năm nào mình ngồi trên ghế nhà trường tiểu học, vụt một cái thì lên trung học. Thời gian không lâu, có khi người đang học bỗng lập gia đình, có người vì hoàn cảnh sao đó bỏ học, hoặc có người đang học ngã ra chết… đủ thứ chuyện. Lớn lên, học xong hay chưa xong nữa thì lo chuyện gia đình, rồi con cái. Loay hoay tới già, tới chết. Nhanh lắm!
Như bản thân tôi đây, về Thường Chiếu năm ba mươi mấy tuổi, năm nay sáu mươi tuổi rồi! Mới đó thôi. Ngày nào chống gậy xuống vùng cỏ gai mênh mông, tôi không nghĩ mình ở đây tới bây giờ. Thời gian qua nhanh quá. Ngồi đó mà chờ thì thấy lâu, nhưng bẵng đi một lúc thì rất nhanh. Mới ăn tết đó, bây giờ là rằm tháng bảy rồi, lụi hụi tới tháng mười hai, rồi lại tết. Cứ như thế, thời gian không dừng lại bao giờ.
Như hồi sáng quí vị chuẩn bị đi chùa là sáu giờ, bây giờ là chín giờ, mười giờ. Ai ở đây tìm giùm tôi, nắm lại giùm tôi lúc sáu giờ sáng, xem nó ở đâu? Làm sao nắm lại? Tiếng tích tắc của đồng hồ qua, qua... Bảy giờ, tám giờ, chín giờ, mười giờ. Không phải nó ngừng ngang đó, rồi mười một, mười hai giờ cho đến sáu bảy giờ sáng nữa, nhưng không phải của ngày hôm nay, mà là của ngày mai, ngày mốt. Nước đã xa nguồn không bao giờ trở lại. Quý vị cứ nhìn sẽ thấy như vậy.
Sự đổi thay lớn lao quá, có gì bình yên đâu, có gì hạnh phúc đâu, mà chúng ta không chịu lo cho mình. Lo cho mình bằng cách như tôi đã nói, phải có chút ít công phu tu hành, có vốn liếng công đức. Bởi vì cuối cùng con đường mình đi chỉ có một mình thôi. Có ai tới lúc chết, kêu ông bạn mình chết thế được đâu? Không có. Ổng sợ thấy mồ! Coi vậy chứ chết rồi, ổng sợ ma… Quý vị thấy cuộc đời là như vậy. Tôi nói thế không có nghĩa là nêu lên những bi đát của cuộc đời, nhưng sự thực là vậy. Cho nên người Phật tử phải biết chuẩn bị cho mình bằng cách lo tu.
Lúc bệnh chết, chúng ta chỉ đi một mình, không có ai thay thế được hết. Như ta đau răng, đau đầu hay đau bất cứ chỗ nào trong thân thể là chỉ mình ta cảm nhận nỗi đau đó thôi. Chớ người thân dù có thương mình bao nhiêu cũng không thay thế được chút xíu nào. Do vậy trong kinh Địa Tạng, Phật nói: Chí thân như cha với con trên đường gặp nhau, cũng không thể thay nhau chịu khổ. Rõ ràng như vậy. Duyên hợp trong quãng thời gian đây, quí vị là chồng, là vợ, là cha, là con, là huynh đệ, là quyến thuộc… nhưng được bao lâu? Không bao lâu hết. Hôm nào đó mình bệnh hoạn, không có thuốc men chữa trị hoặc phúc duyên hết rồi thì đường ai nấy đi. Con đường phước, con đường tội của mình, mình đi. Chứ không ai thay thế được hết.
Dân gian có nhiều mê lầm mà họ không biết. Như hồi xưa Phật tử tới chùa quê quy y, ông thầy dẫn vô bàn Tổ, bảo lạy ba lạy, xong ông nói :
- Như vậy là bữa nay con quy y rồi. Thầy sẽ cho con cái pháp danh, bây giờ con chính thức là Phật tử.
Nhưng pháp danh viết chữ Tàu mình không đọc được, ông Thầy nói rồi thôi, lại đi xuống. Tấm phái đó xếp lại cất. Đến lúc mình chết mới đem ra, nướng hai miếng ngói ốp tấm phái lại cho nó ra tro rồi để trên ngực, có người lại nói: Có miếng này, đi đường quỷ sứ không dám hỏi. Vì nó biết mình là đệ tử của Phật, không ai dám đụng tới. Thưa quý vị, hoàn toàn sai lầm. Nghiệp dẫn chúng ta đi chớ không có quỷ sứ nào đưa đường dẫn lối cả. Người tạo nghiệp lành thì sanh về cõi lành, người tạo tội dữ thì rơi xuống đường dữ. Giấy thông hành này dưới âm phủ đâu có đọc được. Cho nên nhiều vị tu hành mà không hiểu đạo lý, lại còn dạy bảo Phật tử sai trái nữa, thật là họa lớn cho đạo pháp. Cho nên quan trọng là Phật tử phải chọn cho mình một lối sống lành mạnh. Từ đó nuôi dưỡng tâm thanh tịnh, trí tuệ sáng suốt sanh khởi. Đây mới là hạnh của người tu Phật chân chánh.
Tinh thần của người Phật tử là tự nỗ lực tu hành, không trông chờ hay ỷ lại vào Phật Tổ được. Chúng ta thờ Phật, cúng Phật không phải để được Phật cứu. Thờ Phật, cúng Phật là nghĩ nhớ ơn Phật. Mỗi khi nhìn thấy tượng Phật, chúng ta nhớ lại gương hạnh của Ngài, những lời dạy bảo của Ngài mà nỗ lực tu tập. Không phải thờ Phật để ỷ lại rằng "Mình có thờ Phật rồi, không ai phá phách hoặc làm gì mình được". Xem Phật như lá bùa hộ mạng hay ông thần, ông tướng gì mình thỉnh về để trấn ếm trong nhà. Nghĩ như vậy là sai lầm, là có tội với Phật. Vì Ngài có bao giờ dạy ta như thế đâu!
Phật tử đối với Phật pháp, đối với đời sống tu tập phải tự ý thức rằng tất cả những công đức lành do mình tự làm, tự gầy dựng. Không ai có thể tu giúp giùm quí vị được cả. Phật Tổ hay thầy bạn chỉ hướng dẫn, nhắc nhở chúng ta thôi, tự thân mỗi người phải chịu trách nhiệm về các việc làm của mình. Ví dụ ở gần nhà quí vị, có người láng giềng đời sống không được nghiêm túc, họ phạm phải tội lỗi gì đó. Mình biết rõ, thương nhắc họ: “Anh hay chị hành động như thế, sẽ dẫn đến hậu quả xấu. Đừng đi con đường đó nữa, sẽ chuốc quả khổ”. Chúng ta chỉ có thể nhắc như vậy thôi, chớ làm sao hơn được. Đó là hỗ trợ tinh thần trong đời sống Phật pháp.
Trong sinh hoạt đời thường, chúng ta cố gắng tránh gây tạo những hụt hẫng giữa mình và người. Làm sao đối với mọi người chung quanh ta có sự cảm thông, hỗ trợ, nhắc nhở nhau tu tiến. Đừng làm việc gì gây cấn, có hành động hoặc ngôn ngữ bức xúc người. Đó là nết hạnh của người Phật tử thấm nhuần đạo pháp. Có thế quí vị mới cảm hóa được mọi người trong gia đình, đem niềm vui, niềm tin lại cho cha mẹ, biết quy hướng về Tam Bảo.
Và như tôi đã nói, hiếu hạnh trong đạo Phật là chúng ta biết tu rồi phải hướng dẫn cha mẹ cùng tu, cùng hướng về Tam Bảo, giữ gìn năm giới để đời này được an vui, đời sau sanh ra càng an vui hơn. Có thế chúng ta mới gặp nhau trong hội Phật, tiếp tục tu hành cho tới ngày viên mãn. Nên nhớ không một thành công nào có giá trị mà không đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt của mình. Không có ông Phật nào tự nhiên thành Phật. Nhân thế nào thì quả thế ấy. Lý nhân quả xưa nay rõ ràng như vậy.
Hôm nay quý vị gieo nhân tốt đối với chánh pháp, đó là nhân hiếu hạnh, chắc chắn mai này quý vị sẽ gặt hái được quả tốt, cũng được con cháu thể hiện hiếu hạnh với mình. Chúng ta nguyện cùng đem hoa trái hiếu hạnh này cúng dường mẹ cha nhiều đời và làm quà tặng cho thế hệ con cháu mai sau, cũng biết nêu gương hiếu hạnh theo tinh thần Phật đã dạy.
Kính chúc toàn thể quí Phật tử đều biết tri ân và báo hiếu cha mẹ bằng chính sự nỗ lực tu tập của mình.
Các bài mới
- Phật dậy cách báo hiếu - 02/09/2017
- Nhân quả nghiệp báo trong hạnh hiếu - 05/08/2016
- Đền đáp ơn Thầy - 01/07/2016
Các bài đã đăng
Chuyên đề
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Video mới
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 45822
- Online: 15