Kinh Đại Bát-Niết-Bàn Trích Giảng - Phần 1: Đại Cương Kinh Đại Bát-Niết-Bàn
21/03/2024 | Lượt xem: 1337
HT.Thích Thanh Từ dịch và giảng
ĐẠI CƯƠNG KINH ĐẠI BÁT-NIẾT-BÀN
I- PHIÊN DỊCH
Kinh này gốc từ chữ Phạn. Vào niên hiệu Huyền Thủy năm thứ ba (414) triều Bắc Lương, nhà vua thỉnh ngài Đàm-vô-sấm - một vị pháp sư người Trung Thiên Trúc, hợp tác với ngài Đạo Mẫn dịch năm phẩm đầu thành 20 quyển. Nhà vua thấy chưa đủ nên sai sứ sang Ấn Độ thỉnh thêm tám phẩm chữ Phạn, dịch thành
20 quyển. Đến niên hiệu Huyền Thủy năm thứ năm (416) mới xong, gồm 40 quyển, 13 phẩm. Gọi là Bắc bản Niết-bàn kinh. Khoảng năm 424-427, đời vua Lưu Tống Văn Đế (424-453), ngài Huệ Quán ở chùa Đạo Tràng và ngài Huệ Nghiêm ở chùa Đông An hợp tác với ông Tạ Linh Vận, y Nê-hoàn Kinh sửa lại thành 36 quyển, 25 phẩm, sau này thêm bốn phẩm là 29 phẩm, gọi là Nam bản Niết-bàn kinh.
Lại có ngài Pháp Hiển hợp tác với ngài Giác Hiền dịch Đại Bát-nê-hoàn kinh, sáu quyển.
Bản kinh tiếng Việt chúng ta học ở đây do hòa thượng Trí Tịnh dịch từ bản Bắc của ngài Đàm-vô-sấm.
II- SỚ GIẢI
1.Đời Tùy, ngài Quán Đảnh tông Thiên Thai dùng pháp phán giáo của tông Thiên Thai chia giáo lý của Phật thành năm: Tiểu, Thủy, Chung, Đốn và Viên. Tiểu chỉ cho giáo lý Tiểu thừa, Thủy chỉ cho giáo lý Đại thừa mới bắt đầu, Chung là đoạn kết của Đại thừa, Đốn là Đại thừa đốn giáo, Viên là Đại thừa viên giáo. Y cứ vào đó mà ngài giải thích kinh Đại Niết-bàn. Phần sớ giải này có 33 quyển.
2.Ngài Quán Đảnh sớ giải “Đại Niết-bàn kinh huyền nghĩa” hai quyển, nói về nghĩa cao siêu của kinh Đại Niết-bàn.
3. Đời Tống có “Niết-bàn huyền nghĩa hoát nhiên cơ yếu” bốn quyển của ngài Trí Viên.
4. Đời Tùy có “Niết-bàn kinh như ý” một quyển của ngài Trước Bạt.
5. Ở Triều Tiên có “Niết-bàn tông yếu” một quyển của ngài Nguyên Hiểu.
III- ĐẠI Ý
1. Phẩm Tự
Ngày rằm tháng hai Phật sắp vào Niết-bàn, dùng thần lực phát ra những tiếng lớn vang khắp các phương:
... Đấng Đại giác Thế Tôn sắp nhập Niết-bàn, chúng sanh nếu có chỗ nghi nay đều nên đến thưa hỏi, cũng là lần hỏi cuối cùng! Mắt, mũi, miệng Thế Tôn phóng ra các luồng hào quang đủ màu khắp mười phương, chúng sanh nào chạm đến hào quang đều được lợi ích. Chư Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, người, trời, Bồ-tát... than tiếc cùng đem lễ vật đến để cúng dường.
Phẩm này nói nguyên nhân Phật sắp vào Niết-bàn, có những lời nói và những biểu hiện để báo tin cho tất cả biết mà đến cúng dường nghe pháp.
2. Phẩm Thuần-đà
Thuần-đà đến xin Phật nhận thức ăn cúng dường và trừ sự nghèo cùng khốn khổ cho ông. Phật hứa khả và khen ngợi phước cúng dường Phật lần cuối cùng ngang bằng với phước cúng dường Phật lần sắp thành đạo, tức là bát sữa cúng dường của cô mục nữ.
Thuần-đà cho rằng phước cúng dường trước không bằng lần sau vì người thọ cúng chưa sạch phiền não, chưa được Nhất thiết chủng trí. Phật xác nhận thân ngài là chân thường, kim cang, pháp thân. Đại chúng khen ngợi công đức của Thuần-đà, yêu cầu ông thỉnh Phật trụ thế. Thuần-đà nói kệ tán Phật và thỉnh Phật trụ thế. Phật bảo Thuần-đà quán thế gian vô thường là khổ, nhập Niết-bàn là đệ nhất lạc.
Ngài Văn-thù-sư-lợi bảo Thuần-đà quán tánh tướng của các hành. Thuần-đà không chấp nhận Như Lai là hành pháp, là pháp hữu vi. Ngài Văn-thù-sư-lợi khen Thuần-đà khéo che pháp hữu vi, hiện bày các cái vui của Phật.
Phật từ mặt phóng hào quang báo tin sắp vào Niết-bàn và bảo Thuần-đà sửa soạn thực phẩm cúng dường. Thuần-đà khổ sở khóc lóc. Phật an ủi bằng cách khuyên ông thấy các pháp vô thường, nhập diệt là vui.
3. Phẩm Ai Thán
Khi đó đại địa chấn động, tám bộ chúng cả mình đều rởn ốc, buồn than khóc lóc, nói nhiều ví dụ cầu xin đức Phật trụ thế gian lâu hơn. Phật khuyên các thầy Tỳ-kheo không nên khóc lóc, phải gắng siêng năng tinh tấn, giữ vững chánh niệm, đối trong Phật pháp chỗ nào còn nghi ngờ đem ra thưa hỏi, chớ cố chấp theo pháp Tiểu thừa mà nên tiến thẳng lên Đại thừa.
Các Tỳ-kheo khen ngợi pháp vô thường, khổ, không, vô ngã là chân lý cứu cánh, đã làm cho các thầy được lợi ích lớn. Phật nói vô thường, khổ, không, vô ngã là điên đảo, chưa phải là chân lý cứu cánh. Ngài nêu ra thường, lạc, ngã, tịnh mới là thật nghĩa. Các Tỳ-kheo cứ nài nỉ Phật trụ thế lâu dài, Phật bảo: Vô thượng chánh pháp đã giao cho Ma-ha Ca-diếp. Các ngươi nên y chỉ với Ma-ha Ca-diếp.
Các Tỳ-kheo nghi, tại sao trước Phật dạy quán vô ngã dứt được kiêu mạn? Phật dạy: Nếu pháp thật là chân, là thường, là chủ, là y, tánh không biến đổi, đó gọi là ngã.
4. Phẩm Trường Thọ
Phật bảo các Tỳ-kheo có chỗ nghi về giới luật phải mang ra hỏi Như Lai. Các Tỳ-kheo đồng bạch, hàng Thanh văn không đủ sức gìn giữ pháp này, phải hàng Bồ-tát mới đảm đang nổi. Phật khen lời các thầy có lý, nên đem pháp Đại thừa giao cho Bồ-tát và thường tuyên bố thọ mạng của Như Lai không thể tính lường, hiện bày cũng không thể cùng tận.
Bồ-tát Ca-diếp đứng ra thưa hỏi ba mươi mốt câu, nhưng trong phẩm này chỉ giải thích câu hỏi thứ nhất, thế nào được thân kim cang trường thọ chẳng hoại? Và giải thích ý nghĩa Phật xem chúng sanh bình đẳng như con.
5. Phẩm Thân Kim Cang
Phật nói thân Như Lai là thường trụ không hoại, thân kim cang chẳng phải thân tạp thực, chính là pháp thân. Bồ-tát Ca-diếp thưa: Con chỉ thấy thân vô thường phá hoại, vi trần, tạp thực.
Phật bảo thân Như Lai vượt ngoài mọi sự đối đãi. Pháp thân Như Lai thành tựu vô lượng công đức vi diệu. Chỉ có Như Lai mới biết tướng này.
Bồ-tát Ca-diếp hỏi nguyên do pháp thân Như Lai là kim cang bất hoại. Phật đáp, vì nhân duyên hộ trì chánh pháp nên được thân kim cang.
6. Phẩm Danh Tự Công Đức
Phật bảo Bồ-tát Ca-diếp khéo thọ trì danh tự, chương cú và công đức của kinh này. Bồ-tát Ca-diếp hỏi, kinh này tên gì? Đại Bồ-tát phụng trì thế nào? Phật giải thích tên kinh và nói công đức phụng trì.
7. Phẩm Tứ Tướng
Phật nói Đại Bát-niết-bàn có bốn tướng nghĩa: một là Tự chánh, hai là Chánh tha, ba là Tùy vấn đáp và bốn là Liễu nghĩa nhân duyên. Có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất: Tự chánh là tự điều phục mình, Chánh tha là điều phục các chúng sanh, Tùy vấn đáp là tùy hỏi đâu đáp đó, ở đây Bồ-tát hỏi nguyên do ăn thịt, Liễu nghĩa nhân duyên là nói về vấn đề Phật chế giới luật. Nghĩa thứ hai: Tự chánh là Đại Bát-niết-bàn, Chánh tha là Như Lai thường còn, Tùy vấn đáp là nhân hỏi mà giải nghĩa lý thậm thâm vi diệu, Liễu nghĩa nhân duyên là giải thoát, Niết-bàn và Ma-ha Bát-nhã thành tạng bí mật như chữ Y ( ).
Bồ-tát Đại Ca-diếp nói bốn nghĩa ấy đồng Đại Niết-bàn nhân, Phật nói nghĩa dụng của Đại Niết-bàn và giải thoát.
8. Phẩm Tứ Y
Phật nói bốn hạng người thọ trì chánh pháp, kiến lập chánh pháp, ức niệm chánh pháp. Một là người xuất thế đủ tánh phiền não. Hai là Tu-đà-hoàn và Tư-đà-hàm. Ba là A-na-hàm. Bốn là A-la-hán.
Bồ-tát Ca-diếp không chấp nhận nương bốn hạng người này. Phật nói tứ y. Một, y pháp không y nhân. Hai, y nghĩa không y ngữ. Ba, y trí không y thức. Bốn, y kinh liễu nghĩa, không y kinh chẳng liễu nghĩa.
9. Phẩm Tà Chánh
Phật bảo y chỉ bốn người trên để tránh khỏi bốn thứ ma. Bồ-tát Ca-diếp hỏi Phật, làm sao phân biệt được lời Phật và lời ma? Phật giản trạch đại lược, nếu nói Phật ra đời do ái dục và hưởng dục lạc... là ma, nếu nói Phật cho sự phạm giới là phải là ma, nếu phỉ báng kinh Đại Niết-bàn là ma, không tin có Phật tánh là ma, ngược lại là Phật.
10. Phẩm Tứ Đế
Phật nói Tứ đế là: Do thấy được Như Lai thường trụ mà dứt được sanh tử luân hồi, gọi là Khổ thánh đế. Nhận được Phật tánh mà dứt được sanh tử luân hồi, gọi là Tập đế. Nhận được Như Lai tạng, dứt sanh tử, là Diệt đế. Biết Tam bảo là thường trụ, diệt hết các kiến chấp, là Đạo đế. Cho nên Niết-bàn nói Tứ đế khác hơn Tiểu thừa nói Tứ đế.
11. Phẩm Tứ Đảo
Như Lai thường mà tưởng là vô thường ấy là khổ, là điên đảo. Như Lai là vui mà tưởng là khổ, là điên đảo. Phật tánh là ngã mà tưởng là vô ngã, là điên đảo. Tịnh là Như Lai thường trụ mà tưởng Như Lai là thân tạp thực phiền não, là điên đảo. Đó là ý của bốn thứ điên đảo.
12. Phẩm Như Lai Tánh
Bồ-tát Ca-diếp hỏi, trong hai mươi lăm cõi có ngã không? Phật đáp, ngã tức là nghĩa Như Lai tạng, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh là nghĩa của ngã.
Cho nên trong kinh Niết-bàn nói ngã là chỉ cho Phật tánh, không phải là thân tứ đại ngũ uẩn.
Bồ-tát Ca-diếp nghi, nếu chúng sanh có Phật tánh thì không ai hại được? Phật bảo, có sát sanh vì do nhân duyên nghiệp mà chúng sanh luân chuyển trong sanh tử, giết hại là mắc tội sát sanh.
Bồ-tát Ca-diếp xin quy y Tam bảo. Phật bảo, căn cứ Phật tánh Tam bảo không có sai biệt. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh mà không nhận được, hàng Bồ-tát tùy địa vị cao thấp mà thấy có sai biệt, chư Phật mới thấy rõ ràng.
13. Phẩm Văn Tự
Phật nói nghĩa bán tự, mãn tự và vô tự. Bán tự có mười bốn âm, là căn bản của văn chương hý luận, là pháp chưa cứu cánh. Mãn tự là pháp cứu cánh Như Lai giải thoát. Vô tự là pháp bất thiện.
14. Phẩm Điểu Dụ
Phật dùng hai thứ chim oan ương, ca-lân-đề bay đi đều có cặp không rời nhau, để nói pháp khổ, vô thường, vô ngã cũng thế. Phật giản trạch cái thường của thế gian không đồng với cái thường của Phật tánh. Pháp khổ, pháp lạc khác nhau. Niết-bàn không ưu bi khổ não. Như Lai thường trụ tùy cơ duyên hóa độ, thị hiện thọ sanh mà thật không sanh.
15. Phẩm Nguyệt Dụ
Phật dùng mặt trăng mọc nơi này lặn nơi kia, để ví dụ chúng sanh thấy Phật tịch nơi này sanh nơi nọ mà kỳ thật Như Lai bất sanh bất diệt, như mặt trăng không lặn không mọc. Chúng sanh không thấy mặt trăng thật mà thấy mặt trăng có khuyết có tròn. Mặt trăng thật không khuyết tròn, Như Lai cũng như thế. Tùy nghiệp tịnh nhiễm của chúng sanh mà thấy Như Lai có sai biệt. Ở đây chúng sanh thấy mặt trăng bị che, thật ra mặt trăng không bị che bao giờ. Cũng thế, có người thấy Phật bị hại, kỳ thật Phật không bao giờ bị hại, chỉ vì thị hiện để giáo hóa chúng sanh.
16. Phẩm Bồ-tát
Kinh Đại Niết-bàn là nhân cho tất cả chúng sanh phát tâm Bồ-đề. Chúng sanh nghe được kinh Đại Niết-bàn, sau này sẽ phát tâm Bồ-đề nên gọi là Bồ-tát.
Bồ-tát Ca-diếp nhờ Phật giải thích hai bài kệ. Vì chúng sanh sẵn có Phật tánh nên khi được nghe kinh Đại Niết-bàn đều phát tâm Bồ-đề. Thế nên kinh Đại Niết-bàn có đại thần dụng. Ông Thuần-đà, chư Phật và chúng sanh đều có Phật tánh, vì tam thừa không sai biệt. Phật giải thích tuy ba thừa hành tâm hành sai biệt, chứ Phật tánh không sai biệt, ví như bầy bò mỗi con khác nhau mà sữa không khác.
17. Phẩm Đại Chúng Sở Vấn
Ông Thuần-đà và đại chúng cúng dường trai phạn. Phật dùng thần lực thị hiện chư Phật và Tỳ-kheo vô số để thọ thực cúng dường, khiến mọi người đều hoan hỷ. Sau đó Phật giải nghi cho đại chúng, bởi những bài kinh trước kia Phật nói không liễu nghĩa, vì có nhân duyên khiến người yêu thích chánh pháp, tùy cơ phá chấp không phải thật nghĩa.
18. Phẩm Hiện Bệnh
Bồ-tát Ca-diếp không chấp nhận Phật có bệnh, yêu cầu Phật từ bi giải thích. Phật nói Phật không có bệnh, sở dĩ có bệnh là sự thị hiện giáo pháp vi mật của Như Lai.
19. Phẩm Thánh Hạnh
Người nghe kinh Đại Niết-bàn tư duy, lìa bỏ hết tài sản vợ con, xuất gia tu hành. Trước phải giữ giới thanh tịnh, kế quán tứ đế đúng thật nghĩa. Thánh hạnh là hạnh của Phật, an trụ đại Niết-bàn là thánh hạnh. Bồ-tát quên mình hộ trì chánh pháp, ứng dụng chánh pháp là trụ đại Niết-bàn, là tu hành thánh hạnh.
20. Phẩm Phạm Hạnh
Muốn đầy đủ Phạm hạnh là phải đầy đủ bảy pháp lành: biết pháp, biết nghĩa, biết giờ, biết tri túc, biết mình, biết chúng, biết tôn ty.
Lại muốn đầy đủ Phạm hạnh phải đầy đủ tứ vô lượng tâm: từ vô lượng tâm, bi vô lượng tâm, hỷ vô lượng tâm, xả vô lượng tâm.
Bồ-tát tu pháp xả là quán Không. Do quán Không được tứ vô ngại: pháp vô ngại, nghĩa vô ngại, từ vô ngại, nhạo thuyết vô ngại.
Bồ-tát Ca-diếp xin Phật giải thích bài kệ Phật nói với Thuần-đà, tại vườn sa-la song thọ.
Trước có nay không Trước không nay có Ba đời các pháp Không có lẽ ấy.
Bồ-tát Ca-diếp hỏi Phật, Bồ-tát có tướng gì khác thế gian? Phật đáp đại ý, chỗ thế gian không thấy không hiểu mà Bồ-tát thấy hiểu hoặc ngược lại. Bồ-tát thấy biết niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên.
Bồ-tát Ca-diếp hỏi Phật, do nghĩa gì nói Bồ-tát không thể nghĩ bàn? Phật đáp đại ý, Bồ-tát tự phát tâm Bồ-đề siêng năng tinh tấn không tiếc thân mạng, Bồ-tát vì chúng sanh chịu khổ ở trong địa ngục mà vẫn vui như đệ tam thiền.
Bồ-tát Ca-diếp hỏi Phật, Phật pháp vô thường chừng nào sẽ diệt? Phật đáp đại ý, khi nào đệ tử Phật còn tin thọ được kinh Đại Niết-bàn thì Phật pháp chưa diệt, ngược lại là diệt. Lại thế pháp thì diệt, còn đệ nhất nghĩa pháp thì không diệt. Câu chuyện vua A-xà-thế đến Phật, do phát tâm Bồ-đề mà tiêu được tội ngũ nghịch.
21. Phẩm Anh Nhi Hạnh
Anh nhi hạnh là chẳng biết đến đi tới lui, nói chuyện... Như Lai chẳng khởi pháp tướng, chẳng chấp, không lay động, không đến đi, không nói năng.
22. Phẩm Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương Bồ-tát
Phật nói với Bồ-tát Đức Vương, nếu có Bồ-tát tu hành kinh Đại Niết-bàn sẽ được mười thứ công đức:
Công đức thứ nhất, có năm: chỗ chẳng nghe được nghe, nghe rồi làm lợi ích, dứt tâm nghi hoặc, trí tuệ chánh trực, biết tạng bí mật của Như Lai.
Công đức thứ hai, có năm: xưa chẳng được nay được, xưa chẳng thấy nay thấy, xưa chẳng nghe nay nghe, xưa chẳng đến nay đến, xưa chẳng biết nay biết.
Công đức thứ ba: bỏ lòng từ được lòng từ, được lòng từ không do nhân duyên.
Công đức thứ tư, có mười: căn lành sâu không bị lay động, đối với thân mình có tam-muội nhất định, chẳng thấy phước điền và phi phước điền, tu tập công hạnh thanh tịnh Phật độ, diệt trừ ba thứ hữu dư, dứt trừ nghiệp duyên, tu thân thanh tịnh, rõ biết các pháp, lìa những oán địch, dứt trừ nhị biên.
Công đức thứ năm, có năm: nơi thân các căn tròn vẹn, chẳng sanh biên địa, thiên thần mến tưởng, thường được chư thiên, ma vương, Sa-môn, Bà-la-môn cung kính, được trí Túc mạng.
Công đức thứ sáu: được Kim cang tam-muội.
Công đức thứ bảy, có bốn: gần bạn lành, nghe pháp, tư duy, tu hành.
Công đức thứ tám, có tám: dứt trừ năm việc, xa lìa năm việc, thành tựu sáu việc, tu tập năm việc, giữ gìn một việc và gần gũi bốn việc, tin thuận một việc thật, tâm thiện giải thoát, tuệ giải thoát.
Công đức thứ chín, phát năm điều: tín tâm, trực tâm, giới, gần gũi bạn lành, học rộng nghe nhiều.
Công đức thứ mười: tu tập ba mươi bảy phẩm trợ đạo vào Đại Niết-bàn thường lạc ngã tịnh, vì chúng sanh phân biệt giải thuyết kinh Đại Niết-bàn hiển thị Phật tánh.
23. Phẩm Sư Tử Hống Bồ-tát
Phật đưa ra ý chỉ tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, Như Lai thường trụ không biến đổi. Phật trả lời những câu hỏi của Bồ-tát Sư Tử Hống. Thế nào là Phật tánh? Do nghĩa gì gọi là Phật tánh? Có gì gọi là thường lạc ngã tịnh? Nếu chúng sanh có Phật tánh sao chẳng thấy được? Thập trụ Bồ-tát trụ pháp gì mà thấy không rõ ràng, Phật trụ pháp gì mà thấy rõ ràng? Thập trụ Bồ-tát dùng con mắt gì chẳng thấy rõ ràng, Phật dùng con mắt gì thấy được rõ ràng?
24. Phẩm Ca-diếp Bồ-tát
Bồ-tát Ca-diếp nêu tất cả chúng sanh đã có Phật tánh, tại sao phát tâm Bồ-đề lại còn thoái đọa. Thoái đọa rồi có mất Phật tánh chăng? Vì thế dẫn dụ Tỳ-kheo Thiện Tinh thoái đọa ra làm đề tài hỏi. Cốt ý Phật đáp là khi có Phật tánh nếu không khéo huân tu có thể bị thoái đọa, dù thoái đọa mà Phật tánh vẫn không mất. Sở dĩ Phật nói có khi như mâu thuẫn nhau, ấy chẳng qua vì duyên hóa độ hoặc đứng về nhân quả ba thời mà nói, đứng về thế đế hay đệ nhất nghĩa đế mà nói.
25. Phẩm Kiều-trần-như
Phật bảo ngài Kiều-trần-như, năm uẩn là vô thường khổ, không, vô ngã, bất tịnh. Dứt năm uẩn này sẽ được giải thoát tuần tự.
Chúng ngoại đạo bất mãn muốn ngài đến cung vua A-xà-thế để cùng Phật biện luận. Phật chiết phục chúng bằng lý Niết-bàn là liễu nhân không phải không nhân. Ngài A-nan bị chúng ma nhiễu loạn nên hôm đó ở ngoài. Phật sai Bồ-tát Văn-thù đến nói pháp, nói thần chú nên A-nan thoát nạn. Phật độ Tu-bạt-đà-la xuất gia.
26. Phẩm Di Giáo
Phật dạy tứ chúng, sau khi Phật Niết-bàn phải tu hành và hộ trì kinh Đại Niết-bàn.
Ngài A-nan hỏi Phật bốn điều:
- Hàng Lục quần Tỳ-kheo làm hạnh ô tha gia làm sao ở chung và chỉ dạy họ?
- Sau khi Phật Niết-bàn lấy gì làm thầy?
- Sau khi Phật Niết-bàn lấy gì để trụ?
- Kết tập pháp tạng để những lời gì đầu kinh?
Và những câu hỏi về sự cúng dường Phật, cúng dường xá-lợi, tháp trà-tỳ v.v...
27. Phẩm Ứng Tận Hườn Nguyên
Phật nhập định và vào Niết-bàn. Thiên vương và Chúng đệ tử nói kệ than thở.
28. Phẩm Trà-tỳ
Kim quan Phật di chuyển tới cổng thành và làm lễ trà-tỳ.
29. Phẩm Cúng Dường Xá-lợi
Thỉnh xá-lợi Phật, xây tháp cúng dường.
Ở đây tôi chỉ giảng các phẩm gồm: từ hai đến năm là các phẩm Thuần-đà thứ hai, phẩm Ai Thán thứ ba, phẩm Trường Thọ thứ bốn, phẩm Kim Cang Thân thứ năm; từ tám đến mười hai là các phẩm Tứ Y thứ tám, phẩm Tà Chánh thứ chín, phẩm Tứ Đế thứ mười, phẩm Tứ Đảo thứ mười một, phẩm Như Lai Tánh thứ mười hai; từ hai mốt đến hai mươi ba là các phẩm Anh Nhi Hạnh thứ hai mươi mốt, phẩm Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương Bồ-tát thứ hai mươi hai, phẩm Sư Tử Hống Bồ-tát thứ hai mươi ba và phẩm Di Giáo thứ hai mươi sáu.
IV- TÔNG CHỈ
Trong thời A-hàm, Phật nói người chứng A-la-hán sẽ được quả Niết-bàn, hay sẽ được vào Niết-bàn. Phật giải thích Niết-bàn như củi hết lửa tắt. Nhân duyên luân hồi dứt bặt thì được Niết-bàn. Vì vậy trong Tứ đế, Niết-bàn là Diệt đế. Diệt đế nghĩa là diệt sạch nguyên nhân sanh tử luân hồi, hay nói cách khác là diệt hết tất cả phiền não, hết sanh tử thì được Niết-bàn. Như vậy Niết-bàn không gì khác, chính là dứt sạch mầm sanh tử.
Giai đoạn thứ nhất Phật phá chấp của phàm phu. Phàm phu cho thân này là thật, là thường còn, hay trong thân có cái thường còn, là chấp thường, thân này thọ hưởng an vui là chấp lạc, có chủ tể nên gọi chấp ngã, đẹp đẽ trong sạch là chấp tịnh. Phật nêu bốn điều vô thường, khổ, không và vô ngã, hay vô thường, khổ, vô ngã và bất tịnh, để phá những chấp trên. Phật giải thích tất cả hành là vô thường, là khổ, Niết-bàn là an vui tịch tịnh, thân này là ô uế bất tịnh.
Nhưng nếu ngũ uẩn tức là cả tinh thần vật chất này là vô ngã mà nói chứng được quả A-la-hán, đạt được Niết-bàn thì cái gì chứng A-la-hán, cái gì đạt được Niết-bàn?
Đến giai đoạn này Phật giải thích đạt được Niết-bàn sẽ có đủ ba đức: Pháp thân, Bát-nhã và Giải thoát. Như vậy Niết-bàn không phải là hư vô tịch diệt, rỗng không không có gì nữa. Bởi có Phật tánh là nhân cho nên mới đạt được Niết-bàn là quả, nếu không có nhân thì làm sao có quả. Phật tánh bất sanh bất diệt nên Phật tánh là thường, Phật tánh là chỗ an vui nên nói là lạc, Phật tánh lúc nào cũng rỗng rang an tịnh cho nên là tịnh. Khi chúng ta đạt được Phật tánh, thì gọi đó là ngã. Cho nên chữ ngã trong bốn đức này là chỉ thẳng cho Phật tánh. Khi chúng ta tu nhân Phật tánh viên mãn thì thành Phật quả là đại Niết-bàn, khác hơn Niết-bàn nói ở trước. Trong kinh Pháp Hoa, Niết-bàn trước dụ cho hóa thành, Niết-bàn sau dụ cho bảo sở, trước chỉ là phương tiện do Phật đặt ra, sau mới là cứu cánh. Cho nên người học giáo lý Nhị thừa nghe nói Niết-bàn thường lạc ngã tịnh họ không hiểu, cho đó là một lối giải thích gần như Bà-la-môn giáo, nhưng đó là lẽ thật.
Những kinh Đại thừa, như kinh Hoa Nghiêm, kinh Đại Niết-bàn... thường bị nghi là do người sau đặt ra. Những kinh này ra đời dù sớm hay muộn, nhưng rõ ràng làm sáng tỏ giáo lý Phật một cách mạch lạc đầy đủ, không phải là sự chắp vá dựa vào bên ngoài. Đó là bằng chứng để chúng ta không còn ngờ vực về kinh Đại Bát-niết-bàn và Hoa Nghiêm nữa. Có nhiều thiền sư ngộ do đọc kinh Niết-bàn, Hoa Nghiêm. Nếu những bộ kinh này không có giá trị thật thì sao các ngài nương theo đó mà ngộ đạo?
Lại nữa, kinh Đại Bát-niết-bàn và kinh Hoa Nghiêm giáo lý cao siêu phi thường. Chính giáo lý này đã chinh phục lớp trí thức trên thế giới. Kinh Hoa Nghiêm, lý pháp giới trùng trùng duyên khởi hay muôn vật tương quan trùng trùng điệp điệp rất độc đáo. Kinh Niết-bàn thì chỉ ra các pháp nếu còn đối đãi đều ở trong sanh diệt. Đại Bát-niết-bàn vượt khỏi tương đối, không phải có không phải không, không phải quá khứ hiện tại vị lai, là thường trụ bất biến.
Như vậy ai thật tu thật hiểu về Thiền tông, đối với các kinh Đại Bát-niết-bàn, Hoa Nghiêm... không còn ngờ vực. Bởi vì chúng ta biết rõ nhân Phật tánh là bất sanh bất diệt, nên quả Đại Bát-niết-bàn thường lạc ngã tịnh là chắc chắn không còn chối cãi được.
Các bài mới
- Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - PHẦN LƯU THÔNG VÀ TÓM KẾT - 22/08/2022
- Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - CHƯƠNG V: NGHIỆP QUẢ - CÁC CẢNH GIỚI - CHƯỚNG NẠN (tt2) - 06/07/2022
- Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - CHƯƠNG V: NGHIỆP QUẢ - CÁC CẢNH GIỚI - CHƯỚNG NẠN (tt1) - 21/03/2022
- Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - CHƯƠNG V: NGHIỆP QUẢ - CÁC CẢNH GIỚI - CHƯỚNG NẠN (tt) - 03/01/2022
- Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - CHƯƠNG V: NGHIỆP QUẢ - CÁC CẢNH GIỚI - CHƯỚNG NẠN - 20/12/2021
Các bài đã đăng
- Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - Chương IV: Các địa vị tu chứng - 05/11/2021
- Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - Chương III: Khai thị về mật giáo - 24/10/2021
- Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - Chương II: Tu đạo (tt4) - 11/10/2021
- Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - Chương II: Tu đạo (tt3) - 09/10/2021
- Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - Chương II: Tu đạo (tt2) - 02/10/2021
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 19374
- Online: 17