Kinh Đại Bát-Niết-Bàn Trích Giảng - Phần 11: Phẩm Anh Nhi Hạnh

05/08/2024 | Lượt xem: 235

HT.Thích Thanh Từ dịch và giảng

PHẨM ANH NHI HẠNH 

Phật bảo Ca-diếp Bồ-tát: “Thế nào gọi là Anh nhi hạnh?

Này thiện nam tử! Chẳng có thể đứng dậy, đi tới, đi lui, nói chuyện, đây gọi là anh nhi. Cũng vậy, đức Như Lai chẳng thể khởi dậy, vì Như Lai trọn chẳng khởi các pháp tướng. Cũng chẳng thể đứng dừng, vì Như Lai chẳng chấp trước tất cả pháp. Chẳng thể đến vì thân hình của Như Lai không có lay động. Cũng chẳng thể đi vì Như Lai đã đến đại Niết-bàn. Chẳng thể nói, vì Như Lai dầu nói pháp cho tất cả chúng sanh nhưng thật ra không chỗ nói. Bởi có chỗ nói thời gọi là pháp hữu vi, do đây nên không chỗ nói. Lại không ngôn ngữ, như anh nhi ngôn ngữ chưa rõ, dầu có ngôn ngữ thật ra không ngôn ngữ. Cũng vậy, ngôn ngữ chưa rõ chính là lời bí mật của chư Phật, dầu có nói, chúng sanh cũng chẳng hiểu nên gọi là không ngôn ngữ.

Đoạn này so hạnh của Phật với anh nhi. Anh nhi không đi tới đi lui, không đứng dậy, không nói chuyện. Pháp thân của chư Phật cũng vậy, không khởi dậy vì không hình tướng. Như Lai không bị mắc kẹt nơi các pháp nên cũng chẳng đứng dừng, chẳng phải đến vì pháp thân không lay động, chẳng thể đi vì Như Lai đã đến đại Niết-bàn. Pháp thân bất sanh bất diệt, bất khứ bất lai. Trong kinh Kim Cang cũng đã giải nghĩa: “Như Lai giả, vô sở tùng lai diệc vô sở khứ”, tức là Như Lai không từ đâu đến và cũng không đi về đâu. Nếu thấy có đến có đi thì cũng chỉ thấy tướng, không phải pháp thân Như Lai. Chẳng thể nói, vì Như Lai dù nói pháp cho tất cả chúng sanh nhưng thật ra không chỗ nói, nên nói Phật nói bốn mươi chín năm mà không nói một câu một chữ. Như Lai là pháp thân, mà pháp thân thì không nói, không đến đi... Hạnh Anh nhi là hạnh của pháp thân.

Anh nhi không nói lời gì rõ ràng, chưa biết gọi ba gọi má, khi đói khát chỉ biết khóc “oe oe”, không nói nên câu, nên lời gì cả. Cũng vậy, chư Phật dù có nói mà không ai hiểu thì những lời nói đó thành bí mật, cũng giống như anh nhi nói ư ư a a, không ai biết gì hết. Nói mà không biết, cũng như không ngôn ngữ. Các vị thiền sư cũng hay dùng ngôn ngữ mà không ngôn ngữ, nói một câu chúng ta thường không biết gì hết.

Lại như anh nhi gọi tên những đồ vật chẳng duy nhất, vì chưa biết tên chánh, dầu gọi tên đồ vật chẳng duy nhất chưa biết tên chánh, nhưng chẳng phải chẳng nhân nơi đây đặng biết đồ vật. Cũng vậy, tất cả chúng sanh, giống loại, nơi chỗ, ngôn ngữ chẳng đồng. Như Lai phương tiện thuận theo tiếng của họ mà nói, cũng làm cho tất cả loài, nhân nơi đó đặng hiểu biết.

Lại anh nhi có thể nói được chữ cái. Cũng vậy, đức Như Lai nói chữ cái, như nói “bà” “hòa”. “Hòa” là hữu vi, “bà” là vô vi, đây gọi là anh nhi. “Hòa” là vô thường, “bà” là thường. Như Lai nói thường, chúng sanh nghe rồi vì cầu pháp thường mà dứt vô thường, đây gọi là Anh nhi hạnh. Lại anh nhi chẳng biết khổ, vui, ngày, đêm, cha, mẹ. Cũng vậy, đại Bồ-tát vì chúng sanh nên chẳng biết khổ vui, không tướng ngày đêm, tâm bình đẳng đối với chúng sanh nên không có cha mẹ thân sơ sai khác.

Lại như anh nhi thấy cái gì cũng ư ư a a, mặc dù biết đồ vật nhưng nói không đúng tên. Phật cũng vậy, tuy nói người ta không hiểu nhưng cũng khéo léo phương tiện tùy nơi tùy chốn, tùy chúng sanh mà nói cho họ hiểu chút ít. Trong Bảo Cảnh Tam-muội có dùng câu “bà bà, hòa hòa”, là dựa theo phẩm Hạnh Anh Nhi này. Vì chúng ta học không tới, nghe các ngài nói không hiểu gì hết.

Phật nói thường để chúng sanh cầu pháp thường, dứt vô thường, gọi là hạnh anh nhi. Anh nhi thì bình đẳng, không phân biệt ngày đêm, không phân biệt cha mẹ. Các vị Bồ-tát vì chúng sanh cũng bình đẳng như vậy.

Lại anh nhi chẳng thể tạo tác những việc lớn việc nhỏ. Cũng vậy, Bồ-tát chẳng tạo nghiệp sanh tử, đây gọi là chẳng làm việc lớn, việc lớn tức là tội ngũ nghịch. Việc nhỏ tức là tâm Thanh văn, Duyên giác. Bồ-tát trọn chẳng thối tâm Bồ-đề mà tu hạnh Thanh văn, Bích-chi Phật.

Anh nhi không làm việc lớn, cũng không làm việc nhỏ. Bồ-tát cũng giống như vậy, không làm việc lớn là những việc ngũ nghịch, không làm những việc nhỏ là việc của Thanh văn, Duyên giác.

Lại như anh nhi lúc kêu khóc, cha mẹ liền lấy lá dương vàng mà bảo rằng: Nín đi đừng khóc! Vàng đây ta cho con. Anh nhi thấy lá dương vàng tưởng là vàng thật bèn thôi không khóc nữa. Nhưng đây là lá dương chẳng phải vàng thật. Trâu gỗ, ngựa gỗ, người gỗ, anh nhi cũng tưởng là trâu, ngựa, người thật, liền chẳng khóc nữa. Do vì chẳng phải thật trâu ngựa v.v... mà tưởng là thật trâu ngựa v.v... nên gọi là anh nhi.

Đức Như Lai cũng như vậy. Nếu có chúng sanh muốn tạo tội ác, đức Như Lai vì họ mà nói trời Đao-lợi thiên là cõi tốt đẹp an vui tự tại. Chúng sanh nghe cõi vui đẹp như vậy, sanh lòng ưa thích bèn thôi chẳng tạo tội ác, mà siêng thật hành những nghiệp lành. Nhưng thật ra cõi trời Đao-lợi là sanh tử chẳng phải thật là an vui tự tại.

Phần trước hạnh anh nhi là hạnh của Phật Bồ-tát, ở đây chúng sanh là anh nhi. Phật, Bồ-tát nói gạt anh nhi, đưa lá dương nói là vàng, anh nhi tưởng là vàng liền nín khóc. Như chúng sanh hay làm ác, nên Phật nói thôi đừng làm ác nữa, ráng tu thập thiện được sanh vào cõi trời Đao-lợi, sung sướng tự tại muốn gì có nấy, dục lạc đầy đủ. Người ta thích quá, ráng bỏ ác tu thiện. Như vậy là nói gạt cho chúng sanh bỏ ác làm lành. Nhưng cõi trời Đao-lợi cũng còn trong vòng sanh tử, chưa phải an vui tự tại. Vì muốn họ tạm dừng việc ác, Phật phương tiện khen ngợi là an vui tự tại. Chủ ý của ngài là dạy cho chúng sanh giác ngộ thành Phật, mà chúng sanh chưa làm được nên ngài tùy phương tiện, tùy nhu cầu sở thích, nói ra nhiều cách tu. Phật cũng khen những cách đó là hay, là cao quý, nhưng sự thật chưa phải là cứu cánh.

Lại như có chúng sanh nhàm khổ sanh tử, đức Như Lai họ nói hạnh quả Nhị thừa, nhưng thật ra quả Nhị thừa chẳng phải rốt ráo chân thật, hàng Nhị thừa biết lỗi sanh tử, thấy vui Niết-bàn bèn có thể tự biết có dứt cùng chẳng dứt, có chân thật cùng chẳng chân thật, có tu cùng chẳng tu, có chứng đặng cùng chẳng chứng đặng. Như anh nhi kia đối với vật chẳng phải vàng mà tưởng là vàng thật.

Phật sở dĩ chỉ cho hàng Nhị thừa tu hành để chứng được Tứ quả Thanh văn, được Niết-bàn, dứt được phần nào đau khổ, dù chưa phải hoàn toàn như chỗ Phật muốn, chưa cứu cánh, chưa cùng tột. Vì vậy nói, như anh nhi không phải vàng tưởng là vàng.

Đức Như Lai ở trong chỗ bất tịnh mà nói là tịnh, vì đã chứng được đệ nhất nghĩa đế nên Như Lai không có hư vọng.

Như anh nhi kia đối với những vật không phải trâu ngựa mà tưởng là trâu ngựa thật. Nếu có chúng sanh ở nơi phi đạo mà tưởng là chân đạo, Như Lai cũng nói phi đạo là đạo, nơi phi đạo thật không có đạo, vì có thể làm chút ít nhân duyên sanh ra đạo nên nói phi đạo là đạo.

Anh nhi đối với không phải trâu mà tưởng là trâu, không phải ngựa mà tưởng là ngựa, có nhiều việc không phải đạo lý mà Phật cũng nói đạo lý. Như kinh Thiện Sanh trong A-hàm, Phật dạy ý nghĩa lễ bái sáu phương nương theo cách lễ bái của ngoại đạo. Đó là chỉ cho phương tiện khéo léo của Phật ngài chuyển ngoại đạo trở về con đường chính.

Như anh nhi kia đối với người gỗ mà tưởng là người thật. Cũng vậy, Như Lai biết chẳng phải chúng sanh mà nói tướng chúng sanh, nhưng thật ra không có tướng chúng sanh. Nếu Như Lai nói không chúng sanh thời tất cả chúng sanh sẽ đọa tà kiến. Do đây nên Như Lai nói có chúng sanh, những người đối với chúng sanh mà tưởng là chúng sanh, thời không thể phá tướng chúng sanh. Nếu ở nơi chúng sanh phá được tướng chúng sanh, người này có thể đặng đại Niết-bàn. Do đặng đại Niết-bàn như vậy nên chẳng còn kêu khóc nữa. Đây gọi là Anh nhi hạnh.

Không phải chúng sanh mà nói tướng chúng sanh. Chúng ta mang thân này, ai cũng như ai, nếu sống trong dục lạc, sống trong cảnh tranh giành, giết chóc, hơn thua nhau thì gọi là chúng sanh mê lầm. Nếu biết thân chúng sanh này là giả không thật, trong có Phật tánh bất sanh bất diệt thì chắc chắn được đại Niết-bàn, cũng như đứa bé kia khi được yên ổn không kêu khóc nữa. Đó gọi là hạnh Anh nhi.

Này thiện nam tử! Nếu có người thọ trì, đọc tụng, thư tả, giải thuyết năm hạnh này, nên biết rằng người này quyết định sẽ được năm hạnh như vậy.

Ca-diếp Bồ-tát bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Theo như chỗ tôi hiểu, y cứ theo lời của Phật dạy, thời tôi cũng quyết định sẽ đặng năm hạnh này.”

Phật nói: “Này thiện nam tử! Chẳng riêng gì ông đặng năm hạnh như vậy, nay trong hội này có chín mươi ba muôn người cũng đồng được năm hạnh như ông.”

Phật kết luận năm hạnh nói ở trước, tức là Thánh hạnh, Phạm hạnh, Anh nhi hạnh, Thiên hạnh và Bệnh hạnh, người nào áp dụng đúng năm hạnh đó thì Phật sẽ nói người đó được bao nhiêu công đức.

Hạnh anh nhi là cao nhất, cao hơn Thánh hạnh, Phạm hạnh, vì đây là hạnh của Bồ-tát, của Phật, vì Phật thể theo như anh nhi để tùy cơ giáo hóa chúng sanh. Phật ở đây là chỉ cho pháp thân bất động của Như Lai, như anh nhi không nói không rằng, không đi không đứng. Pháp thân là cứu cánh, là cao tột nên nói hạnh anh nhi là cao hơn cả.

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 50803
  • Online: 30