Kinh Đại Bát-Niết-Bàn Trích Giảng - Phần 8: Phẩm Tứ Đế

08/07/2024 | Lượt xem: 292

HT.Thích Thanh Từ dịch và giảng

PHẨM TỨ ĐẾ 

“Này Ca-diếp! Nói là “khổ” đó, chẳng gọi là thánh đế. Tại sao vậy? Vì nếu nói “khổ” là khổ thánh đế, thời tất cả trâu, dê, lừa, ngựa cùng người địa ngục lẽ ra có thánh đế.

Này Ca-diếp! Nếu có người nào chẳng biết cảnh giới rất sâu của Như Lai với pháp thân vi mật thường trụ không biến đổi, cho là thực thân không phải pháp thân, chẳng biết đạo đức oai lực của Như Lai, đây gọi là “khổ”.

Do vì chẳng biết nên nơi “pháp” thấy là “phi pháp”, nơi “phi pháp” thấy là “pháp”. Phải biết người này ắt phải đọa vào ác thú mãi trôi lăn trong vòng sanh tử, thêm lớn nghiệp hoặc chịu nhiều khổ não.

Nếu có người hay biết Như Lai thường trụ không biến đổi, hoặc nghe tiếng nói hai chữ “thường trụ” một lần phớt qua tai, bèn được sanh lên cõi trời. Về sau, lúc được giải thoát, mới được chứng biết Như Lai thường trụ không có biến đổi. Khi đã chứng biết bèn tự nói: “Ngày trước, tôi từng nghe nghĩa thường trụ này, nay được giải thoát mới được chứng biết. Đối với bản tế, vì không rõ biết, nên tôi phải luân hồi sanh tử xoay lăn vô cùng, ngày nay mới bắt đầu đặng chứng biết như thật.”

Nếu người nào biết như vậy, thật là tu “khổ đế” được nhiều lợi ích lớn. Nếu người không biết, dầu là siêng tu nhưng không được lợi ích, đây gọi là “khổ”, gọi là “Khổ thánh đế”.

Nếu người nào không tu tập được như vậy, thời gọi là “khổ”, chẳng phải “Khổ thánh đế”.

Phần này Phật giải về tứ đế. Có hai quan niệm về tứ đế khác nhau. Quán sát thân này cảnh này tất cả vô thường nên đều là khổ. Do thấy thân khổ cảnh khổ, sanh nhàm chán không đắm mê nơi thân nơi cảnh, cố gắng tu hành nên được giải thoát. Biết các pháp là vô thường, là khổ, thấy đó là một lẽ thật nên gọi là Khổ thánh đế. Đó là quan niệm Nhị thừa.

Phật muốn chỉ cho thấy được pháp thân cho nên ở đây ngài nói khác: không nhận ra được pháp thân thì gọi là khổ.

Người nào nghe, tin pháp thân thường trụ là đã có công đức rồi. Nếu nỗ lực tu hành đến khi chứng được pháp thân thường trụ thì sẽ thấy rõ, đạt được pháp thân mới dứt vòng sanh tử luân hồi, còn khi chưa đạt được pháp thân thì cứ chìm mãi trong vòng sanh tử đau khổ.

Phật kết luận, biết khổ là biết chưa nhận được pháp thân thường trụ thì cứ trôi lăn trong sanh tử luân hồi, gọi đó là khổ. Nhận được pháp thân thường trụ, tu hành thoát khỏi luân hồi sanh tử, đó gọi là tu Khổ thánh đế. Trước, với tinh thần của Thanh văn thì biết tất cả thân cảnh đều vô thường, đều đau khổ, nên phát tâm tu hành, chán bỏ những dục lạc thế gian gọi là tu Khổ đế, tức là thấy được lẽ thật của sự tướng thế gian mà tu hành. Ở đây ngược lại, thấy được chân tánh của các pháp, tức pháp thân thường trụ, rồi tu hành dứt hết mê lầm không còn luân hồi sanh tử nữa, gọi đó là tu Khổ đế. Một bên nhận chân lý trên hình tướng sanh diệt mà khởi tu, một bên nhận chân lý trên pháp tánh thường trụ mà khởi tu. Nhị thừa Đại thừa cùng nói Khổ đế nhưng không giống nhau.

Nếu không nhận được pháp thân mà tu hành chỉ gọi là khổ, chưa gọi là thánh đế. Thánh đế là lẽ chân thật của thánh.

“Khổ tập đế” là, nơi trong chân pháp chẳng sanh chân trí. Thọ lấy vật bất tịnh, tức là nô tỳ, hay nói phi pháp là chánh pháp, dứt diệt chánh pháp chẳng cho còn lâu. Vì nhân duyên này mà không biết được pháp tánh, vì không biết mà luân hồi sanh tử chịu nhiều sự khổ não, chẳng được sanh cõi trời và chánh giải thoát. Nếu có thâm trí chẳng hoại chánh pháp, do nhân duyên này được sanh cõi trời và chánh giải thoát.

Nếu có người không biết Khổ tập đế, mà nói chánh pháp không có thường trụ. Đây đều là diệt pháp. Vì nhân duyên này nên trong vô lượng kiếp lưu chuyển sanh tử chịu các sự khổ não.

Nếu có thể biết pháp thường trụ chẳng khác, đây gọi là biết “tập”, gọi là “Tập thánh đế”. Nếu người không thể tu tập được như vậy thời gọi là “tập”, chẳng phải “Tập thánh đế”.

Đoạn này giải thích về Tập đế, tuy hơi dài dòng nhưng chúng ta có thể tóm lại một câu. Như trong kinh Viên Giác, có Bồ-tát hỏi Phật thế nào là vô minh? Phật nói: Nếu thấy tất cả các pháp là thật đó là vô minh, thấy ngã là thật là vô minh.

Khổ tập đế là gì? Tức là nguyên nhân chịu khổ, là trong chân pháp chẳng sanh chân trí tức là vô minh, là các pháp thật mà không trí để thấy thật. Trong chân pháp mà không sanh chân trí, đó là Khổ tập đế. Bởi không chân trí nên mới chịu thọ lấy vật bất tịnh, là nhận nô tỳ..., nói điều phi pháp là chánh pháp, diệt mất chánh pháp. Đó là gốc từ vô minh, không có chân trí, không thấy được pháp tánh, không thấy không nhận được pháp thân. Không nhận được pháp thân cho nên nói sai lầm làm sai lầm, làm cho Phật pháp bị hủy diệt, phải chịu quả báo đau khổ, chịu sanh tử luân hồi, gọi đó là Tập.

Theo A-hàm, những nguyên nhân chiêu quả khổ là tham, sân, si, tà kiến, mạn, nghi... gọi là tập nhân. Biết tập nhân, diệt trừ tập nhân là tu Tập đế hay là biết Tập đế. Phật nói biết được pháp thân là biết Tập thánh đế, còn như trên chỉ gọi là Tập. Hai Tập đế khác nhau như thế.

“Khổ diệt đế” là, nếu có người tu học nhiều pháp không thời là chẳng tốt. Bởi vì sao? Vì dứt tất cả pháp, vì hư hoại chân pháp tạng Như Lai. Tu học như trên đây gọi là tu pháp không. Người tu khổ diệt đế thời nghịch lại tất cả pháp tu của ngoại đạo. Nếu nói rằng tu pháp không là diệt đế đó, thời tất cả ngoại đạo cũng tu pháp không, đáng lẽ họ có diệt đế. Nếu có người tu tập Như Lai tạng: Vô ngã không tịch, người này nơi vô lượng đời lưu chuyển thọ khổ trong vòng sanh tử. Nếu có người chẳng tu tập như vậy, dầu có phiền não nhưng chóng có thể diệt trừ, vì người này biết tạng bí mật Như Lai.

Nếu có người nói rằng có tạng Như Lai, dầu chẳng thấy được nhưng nếu có thể diệt trừ tất cả phiền não đây thời đặng chứng nhập. Nếu phát tâm như trên đây, nhân duyên trong một niệm, có thể đặng tự tại đối với tất cả pháp.

Nếu người nào có thể tu tập Diệt đế như vậy chính là đệ tử của ta. Bằng không, thời gọi là tu pháp không chẳng phải Diệt thánh đế vậy.

Nói về Khổ diệt đế, nếu ai thường tu tập, học theo pháp chấp không thì là bất thiện. Vì sao vậy?

Vì dứt bỏ tất cả các pháp, phá hoại kho tàng giáo pháp chân thật của Như Lai. Tu học như vậy gọi là tu chấp lẽ không. Người tu tập đúng lẽ khổ diệt thì ngược với cách tu của tất cả ngoại đạo. Nếu nói rằng tu tập chấp lẽ không là Diệt đế thì hết thảy ngoại đạo đều tu pháp chấp không, lẽ ra đều phải có Diệt đế.

Như có người nói rằng thật có tạng Như Lai, dù không thể thấy được, nhưng nếu trừ dứt hết mọi phiền não thì sẽ thể nhập vào tạng Như Lai. Nếu ai phát tâm như vậy, dù chỉ một niệm, nhờ nhân duyên đó đối với các pháp liền được tự tại.

Nếu người tu tập những tướng trạng vô ngã, rỗng không vắng lặng rồi cho đó là tạng sâu kín của Như Lai, thì trong vô số kiếp sẽ lưu chuyển trong sanh tử, chịu nhiều khổ não. Nếu ai không tu tập theo cách như vậy, thì dù có phiền não cũng mau chóng dứt trừ. Vì sao vậy? Nhờ rõ biết được tạng sâu kín của Như Lai. Đó gọi là Khổ diệt thánh đế. Như ai tu tập lẽ diệt như vậy, ấy là đệ tử của Phật. Như ai không tu tập như vậy, đó gọi là tu pháp chấp không, chẳng phải tu Diệt thánh đế.

Đạo thánh đế tức là Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo và chánh giải thoát.

Có hạng chúng sanh điên đảo cho rằng không Phật, không Pháp, không Tăng và không chánh giải thoát, sanh tử lưu chuyển dường như huyễn hóa. Do kiến chấp này nên lưu chuyển ba cõi chịu nhiều khổ não.

Nếu người có thể phát tâm thấy rằng Như Lai thường trụ không biến đổi, Pháp, Tăng giải thoát cũng thường trụ như vậy. Nhờ một niệm này trong vô lượng đời tùy ý mà đặng quả báo tự tại.

Như ta thuở trước, vì bốn thứ điên đảo, chẳng phải pháp chấp là pháp, nên mắc lấy vô lượng nghiệp quả ác.

Ngày nay ta đã diệt hết những kiến chấp như vậy, nên đặng thành Phật Vô thượng Chánh giác. Đây gọi là Đạo thánh đế.

Nếu có người cho rằng Tam bảo là vô thường, đây là lối tu hư vọng chẳng phải Đạo thánh đế.

Nếu người tu tập Tam bảo là thường trụ, người này là đệ tử của ta, chân chánh tu tập thấy bốn pháp thánh đế. Trên đây gọi là bốn thánh đế.”

Ca-diếp Bồ-tát bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nay tôi mới biết tu tập bốn pháp thánh đế rất sâu.”

Nói về Đạo thánh đế, đó là Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo cùng chánh giải thoát. Có những chúng sanh vì lòng điên đảo nên nói rằng không có Phật Pháp Tăng cùng chánh giải thoát. Sự luân chuyển trong sanh tử chỉ như huyễn hóa. Do nhân duyên tu tập kiến giải sai lầm như vậy nên phải luân chuyển trong ba cõi, mãi mãi chịu sự khổ não nặng nề.

Nếu có thể sanh tâm thấy rằng Như Lai là thường trụ không biến đổi, Pháp, Tăng, Giải thoát cũng là như vậy. Chỉ nhờ vào một niệm ấy mà trong vô số kiếp liền được những quả báo hoàn toàn theo ý muốn. Vì sao vậy? Thuở xưa chính ta đã vì bốn sự điên đảo, đối với việc không đúng pháp mà cho là chánh pháp, nên phải chịu vô số quả báo ác nghiệp. Nay ta dứt hết những kiến giải điên đảo ấy nên thành Phật chánh giác. Đó gọi là Đạo thánh đế.

Như có người nói rằng “Tam bảo là vô thường”, tu tập theo kiến giải ấy là sai lầm, chẳng phải Đạo thánh đế. Nếu ai thường tu tập niệm tưởng rằng “Tam bảo là thường trụ” thì người ấy là đệ tử của ta. Dùng sự thấy biết chân chánh mà tu tập bốn pháp thánh đế, đó gọi là tứ thánh đế.

Bồ-tát Ca-diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nay con mới rõ biết được việc tu tập pháp tứ thánh đế hết sức sâu xa.

Khổ diệt đế là gì? Theo A-hàm, khi dứt hết những nguyên nhân của tập đế là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến... (tập nhân), gọi là giải thoát, gọi là tu Diệt đế. Như vậy chỉ lo diệt tập nhân mà không nói rằng kết quả thành cái gì, có công dụng gì, chỉ nói rằng diệt tập nhân đó gọi là giải thoát, diệt hết tập nhân gọi là Không. Ví dụ như cỏ mọc nhiều quá lo cuốc hết cỏ, hết cỏ thành miếng đất trống. Như vậy khi nói hết cỏ, người ta đã ý thức rằng miếng đất là trống. Diệt hết tập nhân người ta sẽ tưởng tượng là không, vì vậy có một số học giả định nghĩa Niết-bàn là hư vô, tức là rỗng không không có gì hết. Vì còn tập nhân là còn sanh tử, hết tập nhân là hết sanh tử, thành không, gọi là Niết-bàn, là giải thoát. Tu học như trên đây gọi là tu pháp không. Nhưng như thế là bất thiện, vì dứt tất cả pháp, phá hoại tạng giáo pháp chân thật của Như Lai, không nhận ra chân tánh. Nếu nhận ra được thì phiền não chóng hết. Đại thừa là ngay vô minh mà biết được thật tánh của nó thì liền là minh, ngay phiền não biết thật tánh của nó liền là Bồ-đề, rời phiền não tìm Bồ-đề không có, rời vô minh tìm minh không ra.

Như vậy Phật pháp Đại thừa chỉ cho chúng ta thấy pháp chân thật chứ không rơi vào không.

 

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 44681
  • Online: 73