Kinh Kim Cang giảng giải - Phần 3

01/03/2015 | Lượt xem: 3996

HT Thích Thanh Từ dịch và giảng giải

ĐOẠN 7

ÂM:   VÔ ĐẮC VÔ THUYẾT
Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như Lai đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề da? Như Lai hữu sở thuyết pháp da?
Tu-bồ-đề ngôn:
- Như ngã giải Phật sở thuyết nghĩa, vô hữu định pháp, danh A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, diệc vô hữu định pháp Như Lai khả thuyết. Hà dĩ cố? Như Lai sở thuyết pháp, giai bất khả thủ, bất khả thuyết, phi pháp, phi phi pháp. Sở dĩ giả hà? Nhất thiết Hiền Thánh giai dĩ vô vi pháp nhi hữu sai biệt.

DỊCH:

KHÔNG ĐƯỢC, KHÔNG NÓI

Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng? Như Lai có nói pháp chăng?

Tu-bồ-đề thưa:

- Như con hiểu qua nghĩa Phật nói, không có pháp nhất định tên là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng không có pháp nhất định Như Lai có thể nói. Vì cớ sao? Vì pháp Như Lai nói đều không thể chấp, không thể nói, chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp. Vì cớ sao? Vì tất cả bậc Hiền Thánh đều do pháp vô vi mà có sai biệt.

GIẢNG:

Chắc hẳn quí vị đều thắc mắc tự hỏi tại sao Phật nói kinh mình học mà nói không nói, còn tu là cốt được đắc quả mà ở đây Phật nói không đắc là tu làm sao? Trong đoạn trước, quí vị nhớ đức Phật phá pháp và phi pháp. Phải và quấy đã phá rồi, đến đây cái chúng ta quí kính nhất là pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tức pháp chứng quả thành Phật, pháp đó có thật hay không? Phải và quấy không thật chúng ta đồng ý rồi, còn pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà Phật chứng có thật hay không? Nhiều khi những cái tầm thường thì thấy giả, nhưng đến cái cao quí hơn thì thấy thật. Thí dụ như chì, kẽm… chúng ta nói là giả, đến vàng lại thấy là thật. Nhưng nếu thấy vàng là thật thì cũng còn thấy thật, vì một cái thật thì những cái khác cũng thật luôn, cho nên pháp và phi pháp là giả rồi nhưng đến pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nếu chúng ta thấy thật thì cũng là bệnh. Vì thế đức Phật mới hỏi: Vậy Như Lai có được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác hay không? Và Như Lai có nói pháp hay không? Đó là hai câu hỏi Phật đặt ra để ngài Tu-bồ-đề trả lời. Ngài Tu-bồ-đề thưa: Như chỗ hiểu của con qua nghĩa Phật nói, đây là ngài Tu-bồ-đề dè dặt, những gì Ngài biết thì nói biết, những gì học được nơi Phật thì nói con học của Phật. Thế nên Ngài thưa: Con biết theo nghĩa của Phật nói, chớ không phải con biết theo ý riêng của con, không có pháp nhất định tên Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng không có pháp nhất định Như Lai nói. Ngài trả lời dứt khoát như vậy. Tiếp theo Ngài mới giải thích lý do. Vì cớ sao? Như Lai nói pháp đều không thể chấp, không thể nói, chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp. Vì cớ sao? Câu này thật là khó! Quí vị thấy khi chúng ta chấp pháp thấp thì đức Phật phá pháp thấp không thật, đến khi pháp thấp phá rồi, chúng ta lại chấp pháp cao nên ở đây đức Phật phá luôn cả pháp cao. Thường ai tu cũng mong chứng quả thành Phật. Thành Phật rồi mới nói pháp, cũng như Phật chứng quả rồi Ngài nói pháp vậy. Như thế Ngài có chứng đắc và có nói pháp hay không?

Trong đoạn trước Phật đã dạy: Phàm có tướng đều là hư vọng, và nếu còn thấy có pháp thật là cũng còn chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Vậy pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác tức là pháp thành Phật có thật không? Nếu thấy pháp đó thật thì cũng còn tướng ngã, tướng nhân… Tại sao? Vì nói thành Phật thì hỏi ai thành? Ta thành phải không? Thấy có pháp thành Phật thật thì phải có người thành Phật, đó là còn ngã, còn ngã thì còn nhân, còn chúng sanh, thọ giả. Nếu thế Phật là phàm phu mất rồi! Cho là Phật có nói pháp thật cũng không được, vì phàm những gì nói ra đều là tướng hư giả.

Như vậy Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác hay nói gọn là Phật, là đối với chúng sanh. Chúng sanh là mê nên Phật là giác, giác đối với mê, hết mê rồi còn nói giác làm gì. Giác là đối đãi với mê, mê không thật thì giác cũng không thật; và nếu mê giác đều không thật thì có thành Phật hay không? Nếu không còn thấy có mê thật, giác thật thì tâm không còn chấp hai bên, mà tâm không chấp hai bên đó là như như, đó là Phật pháp thân hiện, không thấy được thành Phật mà đã thành Phật. Hiện giờ chúng ta mơ ước thành Phật mà không thành Phật được, vì mơ ước là vọng tưởng, mà vọng tưởng còn thì Phật pháp thân đâu có hiện, thế nên cầu mà không được. Trái lại, không thấy có pháp để cầu thành Phật, nên Tâm thể lặng lẽ không còn hai bên mê giác đối đãi, do đó tâm hoàn toàn thanh tịnh, Tâm thể thanh tịnh tức là Pháp thân Phật, là Như Lai. Không được mà được, đó là điều không thể nói cho thế gian hiểu, vì thế gian nói hoặc là được, hoặc là không, chớ không bao giờ nói không được mà được. Nhưng ở đây không đắc mà đắc, không chứng mà chứng, đó mới là khó khăn, bởi vì nếu thấy chứng đắc là còn có ngã tức là có pháp. Nếu phá được ngã pháp rồi thì đâu còn nói chứng nói đắc, mà không chứng đắc thì đó là Phật. Nhưng hễ nói Phật tức là có chứng có đắc rồi. Vì vậy Phật pháp vượt ngôn ngữ của thế gian. Ngôn ngữ thế gian luôn rơi vào hai bên hoặc được, hoặc mất, hoặc có, hoặc không. Ở đây phá hết những chấp ngã và pháp, khi ngã và pháp hết rồi thì đó là Phật. Nếu còn thấy có pháp để đắc là còn pháp, còn thấy mình chứng là còn ngã thì đâu phải là Phật, ngã pháp còn làm sao gọi là Phật được. Dẹp hết ngã pháp đó là Phật mà không có chứng, có đắc, đó mới thật là lạ. Cho nên không chứng mà chứng, không đắc mà đắc, chớ không phải một bề nói không đắc là không đắc. Như trong kinh Bát-nhã quí vị đọc “vô đắc v.v…” đừng nói như vậy là không ngơ; có nhiều người nói Bát-nhã nói cái gì cũng không, tất cả đều không. Không phải thế, khi không còn những chấp ngã pháp thì Pháp thân mới hiện tiền. Cũng như tôi đã nói không dính vào tất cả thì tâm mới an trụ, an trụ đó mới là an trụ thật. Ở đây cũng vậy, nếu tâm niệm còn dính còn chấp thì tâm niệm đó là tâm niệm cuồng loạn, là tướng sanh diệt. Không còn dính chấp vào cái hư giả đó mới là vô sanh, mới là chân thật, cho nên thật tướng là vô tướng, cái chỗ không tướng là tướng chân thật. Thật rất lạ, vì vậy người học Phật nếu không tu thì không bao giờ hiểu nổi, mình có tu rồi khi hết vọng tưởng thì thấy cái chân thật hiện tiền, còn nếu không tu thì nghe rất lạ, ngôn từ quá khó hiểu. Thế nên ngài Tu-bồ-đề mới nói rằng: Không có pháp cố định tên A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, cũng không có pháp cố định để Phật nói. Vì cớ sao? Vì Như Lai nói pháp đều không nên chấp, cả pháp và phi pháp cũng đều không chấp, vì không chấp nên nói tất cả Hiền Thánh đều do pháp vô vi mà có sai biệt.

Thế nào là Hiền Thánh? Thí dụ như trong Tứ quả Thanh văn: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán thì ba quả vị đầu còn ở bậc Hiền. Tại sao? Vì ba quả vị này còn ở trong vòng sanh. Tu-đà-hoàn còn bảy phen sanh, Tư-đà-hàm còn một phen sanh, A-na-hàm thì sanh trong cõi trời. Đến A-la-hán mới hoàn toàn vô sanh, mới là vô lậu hoàn toàn nên gọi là Thánh. Đối với hàng Bồ-tát thì từ Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng là bậc Hiền, từ Sơ địa trở lên đến Thập địa mới gọi là Thánh. Như vậy các bậc Hiền Thánh sai biệt nhau tại điểm nào? - Chính tại pháp vô vi, tức là do cái Pháp thân bất sanh bất diệt đó. Người sống được với nó viên mãn là Thánh, người sống được một phần nhỏ là Hiền bậc thấp, người sống được một phần lớn hơn, là bậc Hiền cao hơn. Như thế chúng ta thấy do pháp vô vi, bất sanh bất diệt mà có chư Hiền Thánh sai biệt, chớ không phải căn cứ trên quyền lực gì ở bên ngoài. Cũng như hiện giờ quí vị tu, có người mới tu ngồi trong một giờ đồng hồ, có thể có một trăm lần vọng tưởng, có người tu khá hơn, ngồi trong một giờ chỉ còn tám mươi lần vọng tưởng, đối với phàm phu người đó khá hơn, nếu người nào ngồi trong một giờ mà chỉ có hai mươi lần vọng tưởng thì đó là khá lắm. Đến khi trong một giờ mà không có một vọng tưởng nào, đó là đã bước vào địa vị Hiền rồi. Song suốt một ngày một đêm đến hai mươi bốn giờ mà chỉ được một giờ không vọng tưởng, đó mới được một phần nhỏ xíu trong thời gian một ngày một đêm; nếu chúng ta thêm hai giờ rồi đến bốn giờ không vọng tưởng… thì chỗ không vọng tưởng đó là pháp vô vi bất sanh bất diệt. Nếu chúng ta được một ngày không vọng tưởng, sánh với người được mười ngày không vọng tưởng thì người được mười ngày đó tiến bộ hơn mình, mình được một năm không vọng tưởng mà người được mười năm không vọng tưởng thì người đó cao hơn mình. Vì vậy khi nói cao thấp là căn cứ trên pháp vô vi mình sống được trọn vẹn hay được từng phần.

Thập tín là mới tin được mình có cái bất sanh bất diệt thôi, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng là mới được lóe thấy, đến Thập địa mới được từng phần rõ ràng. Thế nên nói sai biệt nhau là căn cứ trên pháp vô vi, chớ không phải căn cứ trên cái gì bên ngoài, không phải vị thầy thọ ký cho người này chứng cái gì, người kia chứng cái gì v.v… mà chính trên pháp vô vi bất sanh bất diệt, ai sống được với cái đó nhiều là cao, ai sống được với cái đó ít là thấp, còn chưa sống được với cái đó là phàm phu. Hiểu như vậy, chúng ta thấy người tu sở dĩ khác hơn người thế gian là ở chỗ đó. Quí vị thử kiểm lại nếu mình biết tu chút ít thì có khác hơn người thế gian không? Người thế gian cứ tha hồ nghĩ, cả đến khi ngủ, nằm xuống cũng chưa chịu ngủ, vẫn nghĩ hết chuyện này đến việc kia, chừng nào ngủ quên mới thôi. Còn chúng ta vừa khởi nghĩ là đã rầy nó rồi. Đấy là chỗ khác nhau. Mình rầy lần lần nó cũng giảm bớt, đến bao giờ mình vừa nhìn nó liền mất như trâu thuần thục, rồi từ từ cho đến hết nghĩ, lúc đó mình mới sống với cái chân thật. Sự thật cái nghĩ không phải là mình. Khi không nghĩ mình vẫn hiện tiền chớ không có mất, nếu cái nghĩ là mình thì hết nghĩ mình mất phải không? - Không phải, hết nghĩ mình vẫn hiện tiền, mình vẫn sờ sờ, tai vẫn nghe, mắt vẫn thấy. Thế nên khi nào hết nghĩ thì lúc đó pháp vô vi hiện tiền. Pháp vô vi còn gọi là Pháp thân hay là Chân tâm. Sở dĩ chúng ta sai biệt nhau trên phương diện tu hành là sai biệt ở điểm đó, chớ đừng tính năm tu, như tôi tu mười năm, người kia tu bảy năm, vậy người đó thua tôi ba năm hay là người khác mới tu hai năm, thua tôi đến tám năm v.v… Ngay nơi pháp vô vi đó, chúng ta được sâu hoặc được cạn mới là khác nhau.

{mospagebreak title= Đoạn 8:Y Pháp xuất sanh}
ĐOẠN 8

ÂM:

Y PHÁP XUẤT SANH

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Nhược nhân mãn tam thiên đại thiên thế giới thất bảo, dĩ dụng bố thí, thị nhân sở đắc phước đức, ninh vi đa phủ?

Tu-bồ-đề ngôn:

- Thậm đa, Thế Tôn! Hà dĩ cố? Thị phước đức tức phi phước đức tánh, thị cố Như Lai thuyết phước đức đa.

- Nhược phục hữu nhân ư thử kinh trung thọ trì nãi chí tứ cú kệ đẳng, vị tha nhân thuyết, kỳ phước thắng bỉ. Hà dĩ cố? Tu-bồ-đề, nhất thiết chư Phật cập chư Phật A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề pháp, giai tùng thử kinh xuất. Tu-bồ-đề, sở vị Phật pháp giả tức phi Phật pháp.

DỊCH:

Y NƠI CHÁNH PHÁP MÀ SANH RA TẤT CẢ QUẢ VỊ

- Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Nếu có người dùng bảy báu đầy cả tam thiên đại thiên thế giới để bố thí, người ấy được phước đức thật nhiều chăng?

Tu-bồ-đề thưa:

- Bạch Thế Tôn rất nhiều! Vì cớ sao? Vì phước đức ấy tức chẳng phải là tánh phước đức, thế nên Như Lai nói phước đức nhiều.

- Nếu lại có người ở trong kinh này, thọ trì cho đến bốn câu kệ v.v… vì người khác giảng nói thì phước đức này còn hơn phước đức của người kia. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, tất cả chư Phật và pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật đều từ nơi kinh này ra. Này Tu-bồ-đề, nói là Phật pháp đó tức chẳng phải Phật pháp.

GIẢNG:

Quí vị nghe giải nghĩa đoạn này có dễ hiểu không? Đức Phật nói rằng: Giả sử có người đem bảy báu (vàng, bạc, lưu-ly, pha lê, xa-cừ, xích châu, mã não) đầy dẫy cả tam thiên đại thiên thế giới ra bố thí, tam thiên đại thiên thế giới quá rộng đối với chúng ta, giả sử đem bảy báu đầy dẫy cả thế giới của chúng ta ra bố thí thì quí vị nghĩ phước nhiều ít? Thật tình là phước rất nhiều. Cho nên ngài Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn phước rất nhiều. Nhưng khi nói phước rất nhiều ngài Tu-bồ-đề sợ chúng ta hiểu lầm Ngài thấy phước đức là một việc có thật cho nên Ngài nói: Phước đức ấy không phải tánh phước đức thế nên nói là phước đức nhiều. Bởi vì theo tinh thần kinh Kim Cang lúc nào đức Phật cũng chỉ cho chúng ta thấy rằng tất cả pháp ở thế gian, từ những hình tướng đến tâm tưởng danh ngôn đều là pháp nhân duyên, mà đã là nhân duyên hòa hợp thì không có Tự tánh, tức là chúng không có cái tánh thật. Quí vị nhớ phàm những gì do nhân duyên hòa hợp thì tự Bản tánh nó không có thật, nếu có thật thì đâu do duyên hòa hợp. Đã là hòa hợp thì ngay Bản tánh nó không thật, phải do cái này cái kia hợp lại thành, nếu có cái thật thì không đợi duyên hợp. Thế nên ngài Tu-bồ-đề sợ chúng ta hiểu lầm là phước đức có Tự tánh thật nên Ngài nói tiếp: Phước đức ấy tức không phải tánh phước đức nên nói phước đức nhiều. Nó không có tánh cố định vì vậy mà nói nhiều. Nói nhiều là một lối nói tùy theo tâm niệm, tùy theo sở chấp của chúng sanh, chớ không phải nó có tánh thật. Đức Phật đưa thí dụ trước, tiếp theo Ngài mới so sánh với pháp. Nếu có người đem bảy báu, chúng ta chỉ nói một thứ báu tầm thường là vàng thôi, giả sử có người đem vàng đầy chùa này ra bố thí, quí vị nghĩ phước đức nhiều ít? Mấy mươi kiếp mình làm chưa đủ vàng chứa đầy chùa này, nếu đem bao nhiêu đó ra bố thí thì phước cũng quá nhiều rồi, huống nữa là đầy dẫy cả quả địa cầu. Song thử hỏi chừng bao nhiêu kiếp chúng ta làm được số vàng đầy dẫy cả quả địa cầu? Một đời mình, nếu may mắn làm đâu được đó thì cũng chỉ có thể làm được chừng vài trăm lượng, tức khoảng chừng một giỏ xách. Làm đâu được đó trong một đời mà chỉ được chừng một giỏ xách thì bao nhiêu đời mới được một làng, rồi bao nhiêu đời mới đầy cả một nước, bao nhiêu đời mới đầy được cả thế giới? Nếu tính số vàng đầy cả tam thiên đại thiên thế giới thì ít ra phải cả triệu triệu kiếp mới có thể có được. Cả triệu triệu kiếp khổ công nhọc nhằn mà gom lại đem bố thí hết thì chúng ta tưởng tượng phước đức nhiều ít? Không thể tính nổi. Bấy giờ đức Phật mới so sánh: Nếu có người ở trong kinh này thọ trì cho đến bốn câu kệ v.v…, vì người khác nói thì phước của người thọ trì bốn câu kệ này còn hơn phước của người bố thí bảy báu kia. Quí vị tin nổi không? Đó là điều thật hi hữu, thật khó tin mà tin được là chuyện phi thường. Vậy mà tôi tin, chuyện khó tin mà tin được mới là lạ. Như tôi thường ví dụ mỗi sáng chúng ta thấy những hạt sương đọng ở đuôi những lá cây, khi mặt trời lên những hạt sương đó lóng lánh giống như những hạt kim cương, những hạt kim cương đem ra ngoài ánh nắng cũng lóng lánh như thế. Nhưng có người được hạt kim cương chừng bằng ngón tay cái, có người nói: À hạt kim cương của chị lóng lánh như những hạt sương trên lá cây, chúng tôi xin đổi hạt kim cương này bằng một triệu hạt sương lóng lánh đó. Thử hỏi quí vị chịu không? - Không chịu. Mười triệu hạt sương, một tỷ triệu hạt sương được không? Vẫn không đồng ý. Khắp cả thế giới có bao nhiêu hạt sương tôi hốt hết đem đổi hạt kim cương, quí vị đồng ý không? - Dĩ nhiên là không. Tại sao? - Bởi kim cương là thật, hạt sương là giả, bởi giả cho nên bao nhiêu cũng không đổi được cái thật.

Trên nhân gian này, khi người ta quan niệm vàng là quí thì vàng là quí, nếu người ta cho rằng vàng không quí thì vàng hết quí. Như vậy cái quí đó chỉ là do quan niệm của con người, chớ không phải nó thật quí. Nó là cái giả tạm do con người đặt ra.

Trì đây đừng hiểu là đọc. Thí dụ như cứ đọc "phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai”, đọc mãi như vậy có phải là trì chưa? Đừng hiểu chữ trì theo nghĩa quá tầm thường đó. Trì là thọ trì, thọ là nhận, trì là giữ. Chúng ta nhận hiểu được kinh Kim Cang và sống được với nó gọi là trì; thọ trì là sống được với Trí tuệ Bát-nhã, mà Trí tuệ Bát-nhã là cái chân thật muôn đời muôn kiếp không bao giờ hoại. Song đối với đức Phật, Ngài thấy nó thật, còn đối với chúng ta, vì chưa thấy nên khó hiểu, khó tin. Như vậy Trí tuệ Bát-nhã là cái thật, tất cả vàng bạc của báu thế gian là cái giả, vậy phải đem bao nhiêu cái giả để chúng ta đồng ý đổi một cái thật? Cũng như phải đem bao nhiêu hạt sương lóng lánh để chúng ta nhận đổi một hạt kim cương? Chắc chắn không bao giờ chúng ta đồng ý. Cái giả dù nhiều thế mấy cũng không bì được một cái thật. Cho nên khi nào chúng ta ngộ được thể Kim cang Bát-nhã, chúng ta mới thấy rằng tất cả thế gian không cái gì bì được với nó cả. Vì thế đức Phật bảo: Dù đem bao nhiêu của báu thế gian bố thí, công đức cũng không bằng trì bốn câu Kim Cang. Thọ trì nghĩa là sống được với cái chân thật đó thì muôn triệu cái giả cũng không bì kịp. Lại vì người khác nói, chỉ cho người biết và sống được thì đó là phước đức không có gì bì kịp.

Kế đến, đức Phật bảo: Này Tu-bồ-đề, tất cả chư Phật và pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật đều từ kinh này mà ra. Câu này quí vị làm sao hiểu? Như vậy sẽ có người hỏi: Phật nói kinh Kim Cang mà tại sao kinh Kim Cang lại nói rằng chư Phật đều từ kinh này ra? Vậy kinh này sanh ra Phật hay Phật sanh ra kinh này? Do đó có một nghi vấn là: Kinh có trước hay Phật có trước? Nếu kinh này sanh ra chư Phật thì kinh có trước. Nhưng mà ai nói kinh? Phật nói kinh là Phật có trước. Tại sao nói chư Phật và pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật đều từ kinh này ra? Như thế tức là kinh này có trước. Nếu chúng ta hiểu kinh này theo nghĩa văn tự thì không bao giờ hiểu nổi. Có một vị hỏi một Thiền sư: Pháp có trước hay Phật có trước? Thiền sư trả lời: Nói thì Phật trước pháp sau, nghe thì pháp trước Phật sau. Câu trả lời đó quí vị hiểu không? Nói thì Phật trước pháp sau, tại sao? Bởi vì nói thì đức Phật ngộ đạo rồi Ngài mới nói được kinh, tức là Phật trước pháp sau. Còn nghe thì pháp trước Phật sau, quí vị là người chưa ngộ cho nên nghe kinh rồi mới ngộ, sau mới thành Phật, vậy là pháp trước Phật sau.

Ở đây nói kinh này là mẹ tất cả chư Phật và cả pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Trí tuệ Kim cang Bát-nhã là trí tuệ bất sanh bất diệt. Trí tuệ đó ai cũng sẵn có, nếu quên nó là chúng sanh, ngộ được nó thì thành Phật. Nhân ngộ trí tuệ đó mà thành Phật thì chính trí tuệ đó sanh ra Phật, nhân trí tuệ đó diễn đạt cho người ta hiểu, là pháp. Như vậy là từ trí tuệ đó sanh ra pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Thế nên nói “Kinh này” không có nghĩa đơn giản là bao nhiêu chữ, bao nhiêu tờ mà là chỉ thẳng Trí tuệ Bát-nhã chân thật. Vì kinh này nói về Trí tuệ Bát-nhã chân thật nên trí tuệ đó tức là kinh này. Hiểu như thế mới gọi là hiểu. Trì bốn câu kệ của kinh này là trì ngay tinh thần của kinh chớ không phải trì văn tự của kinh. Có nhiều người nói kinh này phước lớn quá, nên ngày nào cũng đọc bốn câu kệ rồi tự hào rằng tôi có phước đức vô lượng vô biên, như vậy đúng chưa? Đó là chúng ta chấp tướng chớ chưa đúng được tinh thần công đức. Thế nên ở đây nói kinh này để chỉ cho Trí tuệ Bát-nhã bất sanh bất diệt, là mẹ của chư Phật, là mẹ của tất cả kinh.

Đức Phật lại bảo ngài Tu-bồ-đề: Nói Phật pháp tức không phải Phật pháp. Vì chúng ta nghe nói Phật pháp rồi chấp thật Phật pháp, nên Phật liền bác không phải Phật pháp. Tại sao? Vừa có ngôn từ Phật pháp thì ngôn từ đó cũng là tướng duyên hợp. Thể của danh từ Phật pháp là không thật, nhưng tùy theo chúng sanh mê, gọi đó là Phật pháp để cảnh tỉnh họ. Bản chất của Phật pháp không thật nên nói không phải Phật pháp, vì tùy chúng sanh nên gọi là Phật pháp.

{mospagebreak title= Đoạn 9: Nhất tướng vô tướng}

ĐOẠN 9

ÂM:

NHẤT TƯỚNG VÔ TƯỚNG

Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Tu-đà-hoàn năng tác thị niệm ngã đắc Tu-đà-hoàn quả phủ?

Tu-bồ-đề ngôn:

- Phất dã Thế Tôn! Hà dĩ cố? Tu-đà-hoàn danh vi Nhập lưu nhi vô sở nhập, bất nhập sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, thị danh Tu-đà-hoàn.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Tư-đà-hàm năng tác thị niệm ngã đắc Tư-đà-hàm quả phủ?

Tu-bồ-đề ngôn:

- Phất dã Thế Tôn! Hà dĩ cố? Tư-đà-hàm danh Nhất vãng lai nhi thật vô vãng lai, thị danh Tư-đà-hàm.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? A-na-hàm năng tác thị niệm ngã đắc A-na-hàm quả phủ?

Tu-bồ-đề ngôn:

- Phất dã Thế Tôn! Hà dĩ cố? A-na-hàm danh vi Bất lai, nhi thật vô bất lai, thị cố danh A-na-hàm.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? A-la-hán năng tác thị niệm ngã đắc A-la-hán đạo phủ?

Tu-bồ-đề ngôn:

- Phất dã Thế Tôn! Hà dĩ cố? Thật vô hữu pháp danh A-la-hán. Thế Tôn! Nhược A-la-hán tác thị niệm: ngã đắc A-la-hán đạo, tức vi trước ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Thế Tôn! Phật thuyết ngã đắc Vô tránh tam-muội, nhân trung tối vi đệ nhất, thị đệ nhất ly dục A-la-hán. Thế Tôn! Ngã bất tác thị niệm ngã thị ly dục A-la-hán. Thế Tôn! Ngã nhược tác thị niệm: ngã đắc A-la-hán đạo, Thế Tôn tắc bất thuyết Tu-bồ-đề thị nhạo A-lan-na hạnh giả. Dĩ Tu-bồ-đề thật vô sở hành, nhi danh Tu-bồ-đề thị nhạo A-lan-na hạnh.

DỊCH:

MỘT TƯỚNG KHÔNG TƯỚNG

Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Tu-đà-hoàn hay khởi nghĩ thế này: “ta được quả Tu-đà-hoàn” chăng?

Tu-bồ-đề thưa:

- Bạch Thế Tôn, không vậy! Vì cớ sao? Tu-đà-hoàn gọi là Nhập lưu mà không có chỗ nhập, chẳng nhập sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, ấy gọi là Tu-đà-hoàn.

- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Tư-đà-hàm hay khởi nghĩ thế này: “ta được quả Tư-đà-hàm” chăng?

Tu-bồ-đề thưa:

- Bạch Thế Tôn, không vậy! Vì cớ sao? Vì Tư-đà-hàm tên là Nhất vãng lai mà thật không có vãng lai, ấy gọi là Tư-đà-hàm.

- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? A-na-hàm hay khởi nghĩ thế này: “ta được quả A-na-hàm” chăng?

Tu-bồ-đề thưa:

- Bạch Thế Tôn, không vậy! Vì cớ sao? A-na-hàm tên là Bất lai mà thật không có bất lai, thế nên tên A-na-hàm.

- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? A-la-hán hay khởi nghĩ thế này: “ta được đạo A-la-hán” chăng?

Tu-bồ-đề thưa:

- Bạch Thế Tôn, không vậy! Vì cớ sao? Thật không có pháp tên là A-la-hán. Bạch Thế Tôn nếu A-la-hán khởi nghĩ thế này: ta được đạo A-la-hán, tức là còn chấp ngã nhân chúng sanh thọ giả. Bạch Thế Tôn! Phật nói con được Vô tránh tam-muội là bậc đệ nhất trong số người đó, là A-la-hán ly dục đệ nhất. Bạch Thế Tôn! Con không khởi nghĩ con là ly dục A-la-hán. Bạch Thế Tôn! Nếu con khởi nghĩ: con được đạo A-la-hán, Thế Tôn ắt chẳng nói Tu-bồ-đề là người ưa hạnh A-lan-na. Do Tu-bồ-đề thật không có sở hành nên gọi là Tu-bồ-đề ưa hạnh A-lan-na.

GIẢNG:

Trước nói về bốn quả Thanh văn, đó là Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Người tu Phật, tu theo Thanh văn thừa, chúng ta thường gọi là Tiểu thừa, thì chứng bốn quả, quả thứ nhất là Tu-đà-hoàn, quả thứ hai là Tư-đà-hàm, quả thứ ba là A-na-hàm, quả thứ tư là A-la-hán.

Quả thứ nhất là Tu-đà-hoàn, Trung Hoa dịch ra hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là Thất lai. Thất là bảy, lai là trở lại. Tu-đà-hoàn là những vị có chứng quả nhưng vẫn còn trở lại trần gian bảy phen nữa mới chứng A-la-hán, mới không còn sanh tử. Nghĩa thứ hai là Nhập lưu, nhập là vào, lưu là dòng, nghĩa là vào được dòng Thánh. Người tu chứng quả Tu-đà-hoàn, tuy còn sanh tử song nhất định không lui sụt, từ đó tiến vào dòng Thánh đến trọn vẹn thành A-la-hán. Thế nên cố định là bảy phen trở lại rồi chứng A-la-hán, trong bảy phen đó dầu ai làm gì cũng không lui sụt cho nên gọi là vào dòng Thánh.

Quả thứ hai là Tư-đà-hàm, Trung Hoa dịch là Nhất lai. Nhất là một, lai là lại. Những vị này chỉ còn một phen trở lại nhân gian rồi chứng quả A-la-hán nên gọi là Nhất lai.

Quả thứ ba là A-na-hàm, Trung Hoa dịch là Bất lai. Bất là chẳng, lai là lại. Những vị chứng A-na-hàm chỉ còn một phen sanh lên cõi Ngũ A-na-hàm Thiên, lên cõi trời đó rồi chứng A-la-hán, nhập Niết-bàn chớ không trở lại trần gian nữa nên gọi là Bất lai.

Đến quả thứ tư là A-la-hán. A-la-hán dịch nghĩa là Vô sanh. Vị này không còn sanh tử nữa, đó là viên mãn trong bốn quả Thanh văn.

Đây là kinh Đại thừa, vậy tại sao đức Phật lại lấy bốn quả Thanh văn để đối chiếu? Đó là ý nói rằng dù cho trong bốn quả Thanh văn nhưng tinh thần Đại thừa vẫn hợp, vẫn không khác. Tu-đà-hoàn không khởi nghĩ: ta được quả Tu-đà-hoàn, nếu khởi nghĩ có quả Tu-đà-hoàn thì không gọi là Tu-đà-hoàn nữa. Tại sao Tu-đà-hoàn gọi là Nhập lưu mà thật không có sở nhập, tức là không có chỗ nhập? Không chỗ nhập nghĩa là sao? - Tức là không kẹt vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Như Lục Tổ không dính vào sáu trần nên Ngài thấy được chỗ ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm. Ngài ngộ đạo tức là Ngài nhập lưu rồi, vì vậy nên Ngài thốt lên: À, mình có một cái mà từ trước đến nay chưa từng thấy, đầy đủ, thanh tịnh, chưa từng sanh diệt v.v… Đó là Nhập lưu mà thật không có chỗ nào để nhập, thấy rõ không dính với sáu trần mà hiện có cái chân thật, đó gọi là Tu-đà-hoàn, là bước vào dòng Thánh.

Đến quả Tư-đà-hàm, cũng gọi là Nhất lai. Nhất lai mà thật không có vãng lai. Đến quả này là còn một phen qua lại, nghĩa là còn sanh ra trên thế gian một lần nữa, như vậy tức có đến, có đi, nhưng sự thật ở đây không có đến có đi mới gọi là Tư-đà-hàm. Tại sao? Vì trên chỗ chân thật bất sanh bất diệt không có đến có đi, còn thấy có đến có đi là chưa nhập được trong đó. Thế nên nói rằng nếu còn thấy có đến có đi thì chưa phải là Tư-đà-hàm. Thật không có đến, đi tức là an trụ, không còn qua lại nữa, đó mới là Tư-đà-hàm.

A-na-hàm tức là Bất lai, những vị này cũng không khởi nghĩ ta được quả A-na-hàm. Tại sao? A-na-hàm là chẳng lại, song thật không có cái chẳng lại. Có đi mới nói có lại, mà Như Lai là vô sở tùng lai diệc vô sở khứ cố danh Như Lai, nghĩa là Như Lai không từ đâu đến cũng không đi đâu nên gọi là Như Lai. Ở đây tuy nói bốn quả Thanh văn nhưng sự thật đều nhằm chỉ cái Thể chân thật Như Lai. Trên cái Thể chân thật Như Lai đó, người nào còn khởi niệm chấp thì không thể đạt được. Thế nên Tu-đà-hoàn do buông xả sáu trần mới nhập được thể Như Lai đó, đến Tư-đà-hàm do an trụ được trong đó, không vãng lai, đến đây đã an trụ rồi thì đâu còn qua lại, nếu còn qua lại thì chưa phải an trụ; đến quả A-na-hàm nói là Bất lai mà sự thật không phải Bất lai, ấy mới gọi là A-na-hàm.

Đến quả cuối cùng là A-la-hán. A-la-hán có khởi nghĩ mình chứng A-la-hán không? Ngài Tu-bồ-đề nói không. Vì cớ sao? Vì thật không có pháp tên A-la-hán… Tại sao? Trong kinh thường nói đến A-la-hán mà ở đây nói không có pháp tên A-la-hán? Chúng ta mượn việc thế gian để hiểu qua nghĩa Phật pháp. Như hiện giờ quí vị mỗi người được mang một cái tên, song người biết tên quí vị là thật biết quí vị chưa? Như có người tên là Bạch Mai nghĩa là mai trắng, khi người khác nghe tên Bạch Mai thì có ấn tượng cô ấy chắc trắng lắm, không ngờ người tên Bạch Mai lại đen. Vậy quí vị nghĩ thế nào? Tên chưa hẳn thật là người phải không? Chẳng qua là giả danh do cha mẹ hoặc Thầy Tổ đặt cho, thế nên nghe tên, biết tên chưa phải là biết người; gặp người, thấy được người mới gọi là biết người. Tên chỉ là giả danh bên ngoài, đâu phải là bản chất của người đó. Trong Phật pháp cũng vậy, A-la-hán là chỉ cho cái bất sanh bất diệt, ngộ được cái bất sanh bất diệt gọi là A-la-hán, hay sống được với cái bất sanh bất diệt đó là A-la-hán. Như vậy, A-la-hán là một cái tên chỉ người sống được với cái đó, tên chưa phải là bản chất bất sanh bất diệt, vì vậy nói thật không có pháp tên A-la-hán. Tên A-la-hán chỉ là giả danh còn cái bất sanh bất diệt đó không có tên. Vì thế ngài Tu-bồ-đề mới nói: Bạch Thế Tôn, nếu A-la-hán khởi nghĩ "ta được đạo A-la-hán” tức là chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Quí vị thấy câu này làm sáng nghĩa trên vô cùng, bởi vì A-la-hán nếu khởi nghĩ “ta được đạo A-la-hán” là còn có ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Tại sao? Ta được đạo thì đạo A-la-hán là cái bị được và ta là người hay được, như vậy tức nhiên là có ngã, mà có ngã thì có nhân, có chúng sanh, có thọ giả không nghi ngờ gì nữa. Thế nên đến chỗ đó Phật không thấy mình là người hay được, không thấy mình là người hay được mới là cái được chân thật. Đến chỗ đó, nhập vào đó mà không có niệm, không niệm thì nói gì mình được.

Quí vị thử ngồi thiền, bao giờ được yên tịnh chừng năm phút thôi, trong năm phút yên tịnh đó quí vị thấy có cái ngã nào dấy lên không? Có nghĩ được không? Vừa dấy niệm được là đã mất cái an tịnh vô sanh rồi. Vừa dấy niệm được là mất liền, đó là chỗ không dấy niệm, nếu nói mình được là đã dấy niệm tức mất quả A-la-hán. Chỗ đó thật là tế nhị. Vì vậy đến đây ngài Tu-bồ-đề nói thêm: Bạch Thế Tôn, Phật nói con được Vô tránh tam-muội, trong số người đó con là bậc nhất. Vô tránh tam-muội là cái chánh định không còn tranh luận. Chúng ta hiện nay, ngồi lại thì luôn luôn tranh luận, tranh luận với người này, người kia… Thí dụ như buổi tối quí vị ngồi niệm Phật, hoặc tọa thiền, lúc đó quí vị có nói chuyện với ai không? Ngồi xuống là chúng ta bắt đầu lý luận với người này, tranh luận với người kia, sắp đặt việc nọ… Khi ngồi đó coi như là ngồi thiền, thiền là định mà sự thật cứ tranh luận mãi. Khi nào ngồi mà không còn tranh luận nữa gọi là “Vô tránh tam-muội”, nghĩa là được cái chánh định không còn tranh luận. Không còn tranh luận tức là thanh tịnh lặng lẽ.

Ngài Tu-bồ-đề muốn chỉ rằng A-la-hán không khởi nghĩ mình được đạo A-la-hán. Ngài lấy mình làm bằng chứng. Ngài nói: Thế Tôn khen con ở trong số người tu về chánh định không còn dấy động đó, con là bậc nhất. Nếu con khởi nghĩ con là người lìa dục được A-la-hán, ắt Thế Tôn không nói con là người ưa hạnh A-lan-na. A-lan-na cũng gọi là A-lan-nhã, tức là hạnh tịch tĩnh. Tịch là yên, tĩnh là lặng, chỗ rất là yên lặng tức là chỗ không còn dấy động, không còn sanh diệt. Tại sao? Vì vừa khởi nghĩ là đã động rồi, đã động thì đâu còn ưa hạnh tịch tĩnh nữa. Ngài Tu-bồ-đề nói tiếp: Do Tu-bồ-đề thật không có sở hành nên gọi là Tu-bồ-đề ưa hạnh A-lan-na. Không có sở hành tức là không có chỗ dấy động, nên mới thật là người ưa hạnh tịch tĩnh.

Như vậy rõ ràng trong đoạn này đức Phật chỉ một tướng là không tướng. Một tướng tức là một Tướng chân thật vô sanh, nó không có tướng mạo. Vừa có tướng mạo hoặc là thấy mình Nhập lưu cũng chưa phải là Tu-đà-hoàn, thấy mình Vãng lai cũng chưa phải là Tư-đà-hàm, còn thấy mình Bất lai cũng chưa phải là A-na-hàm, còn thấy mình được đạo A-la-hán cũng chưa phải là A-la-hán. Như vậy chỗ chân thật đó không có tướng mạo, vừa dấy bất cứ một niệm nào về tướng mạo đều là sai, chưa vào được chỗ đó, dù cho A-la-hán là quả cứu kính của Thanh văn nhưng thật ra cũng phải đến chỗ đó mới gọi là A-la-hán.

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 60873
  • Online: 41